- Điện Thư Phân Ưu Thượng Tọa Thích Nhuận Châu (Thành viên Tiểu Ban Phiên Dịch Chuyên Trách thuộc Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương GHPGVNTN)
- Điện Thư Phân Ưu Thượng Tọa Thích Chúc Hiền (Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa GHPGVNTN Hoa Kỳ) của GH Hoa Kỳ
- Điện Thư Phân Ưu Thượng Tọa Thích Chúc Hiền (Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa GHPGVNTN Hoa Kỳ)
- Cảm Niệm Ân Sư (Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Hạnh)
- Thơ: thành kính cung tiễn Ôn Quảng Hạnh, Khai Sơn & Viện Chủ Chùa Đức Sơn
- Thủ bút và thơ của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Hạnh
- Cung Tán Hành Trạng Hoà Thượng Bổn Sư thượng Quảng hạ Hạnh
- Đi là về ngày phương không (kính tiễn HT Thích Quảng Hạnh)
- Ngàn Năm Lòng Đất Giao Tình
- Gửi lại cho đời (cung kính tưởng niệm Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Hạnh)
- Ca khúc: Con Đường Tâm Thể do HT Quảng Hạnh sáng tác và trình bày
- …Sợ Lăng Nghiêm (Tùy bút tưởng niệm Hoà Thượng Thích Đồng Thiện)
- Ngài về Chốn Phật..!
Kính bạch Giác Linh Hoà Thượng!
Hồi con mới đi tu, Thầy con dẫn con vào tu viện để thử cái “ gan xuất gia” của con có lớn hay không, có nhớ mẹ, nhớ nhà không. Vì bận Phật sự hoằng pháp nên Thầy con gởi gắm con cho Hoà Thượng dạy dỗ.
Con nhớ một đêm nọ Hoà Thượng gọi con vào phòng, vì ngại con không quen giọng nói Bình Định nên Hoà Thượng hỏi con toàn bằng giọng Quảng: “ Con tên chi, “ren” đi tu, biết vo “gộ” nấu “ chố” không?” Con mừng thầm, dễ hiểu quá, nên liền chắp tay thưa:” Dạ, con biết”. Hòa Thượng lại hỏi: “ Con nghe người ta nói, đi lính thì sợ cửa ải, ở sải thì sợ Lăng Nghiêm không?” Con ngơ ngác không hiểu gì cả. Hòa Thượng liền lấy quyển Kinh Nhật Tụng để sẵn trên bàn đưa cho con và bảo:”Con học thuộc lòng từ chỗ Công phu khuya nầy, hễ học không thuộc thì đuổi về”.
Đêm ấy con không sao yên giấc được, vừa lo vừa sợ, sè sẹ giở vài trang kinh xem thử, thấy toàn những câu gì khó đọc quá, âm vận trúc trắc chẳng hiểu gì cả. Con vội gấp quyển kinh lại, nhìn ra bên ngoài, trời tối đen cảnh vật im lìm, thỉnh thoảng vài tiếng chim “ te te hách” vang lên đó đây. Con suy nghĩ miên man rồi thiếp đi lúc nào không hay…Tiếng chuông bỗng ngân vang, con choàng thức dậy, các chú San, Hoa đang tụng kinh, nhịp mõ nhanh đều, âm thanh rất lạ tai lúc bỗng lúc trầm mà về sau con mới biết là các chú đang vượt qua ải Lăng Nghiêm, gọi là đi Công phu khuya.
Câu nói của Hoà thượng:” Học không thuộc thì đuổi về” có sức tác dụng mạnh. Con thầm nghĩ bị đuổi về thì thật xấu hổ, uổng công các Phật tử làm tiệc tiễn đưa, nhất là đối với những con chim Oanh vũ đồng lứa tuổi tại quê nhà. Rất may mắn cho con, với lứa tuổi 13 còn ngây thơ, cảnh núi đồi thiên nhiên ở Tu viện lúc ấy rất hấp dẫn con, nên không gợi cho con nhớ nhà mà làm cho con thích thú, nhất là những ụ mối to tướng có bụi cây dẻ mọc chung quanh, nở bông thơm dìu dịu vào lúc chạng vạng tối. Còn những tảng đá xinh xinh ở ven đồi thì tuyệt đẹp, những đêm có trăng mà ngồi trên đó ê-a, nhìn xuống dòng sông Côn lấp lánh ánh vàng thì còn gì đẹp hơn nữa. Những hốc đá rải rác quanh ngôi tháp Chàm là nơi học chú Lăng Nghiêm lý tưởng của con, vừa yên tĩnh, vừa có cỏ hoa bên chân, ôi thôi, tuyệt vời. Nhờ vậy mà chỉ vài ngày sau là con đã học xong” Đệ nhứt”.
Một hôm con hỏi chú San: “Thưa chú! Em đã thuộc bài 1 rồi mà trong đó có “ bà già bà đế” là gì hả chú?” Chú San làm bộ nghiêm bảo: “Tối lên hỏi Thầy thì biết, mà coi chừng cái roi ở xó cửa đấy.” Hồi đó con cứ nghĩ chắc có “bà già bà đế “ vô hình nào đó thường canh chừng con, hễ lơ đễnh, lười học thì bà ấy phết cho. Bây giờ nhớ lại quả thật buồn cười, ngây thơ quá cỡ!
Thời còn đi sinh hoạt Oanh vũ, con thích ca hát lắm, nên khi học chú Lăng Nghiêm con cũng ê a như hát vậy. Không ngờ cách này rất có hiệu quả, cộng thêm câu thần chú của Hoà Thượng:”Học không thuộc thì đuổi về” đã giúp con học thuộc 5 đệ Lăng Nghiêm nhanh hơn con tưởng.
Con còn nhớ vào một đêm trăng nọ, con và chú San rủ nhau lên tảng đá phía sau phòng ngồi chơi để nghe chú kể chuyện ma Hời, vừa thú vừa sờ sợ. Lúc sắp xuống đồi con vui vẻ khoe với chú là con đã học xong ngũ đệ rồi. Chú nghi ngờ bảo:” Ừ! Đệ ngủ gục thì dễ quá còn nói gì nữa. Nào! Đọc thử nghe”! Con đọc một hơi rồi bỗng dừng lại, chú cười thích thú bảo:”Đó! đó! Tao nói đâu có sai! Con yên lặng một chút rồi chuyển sang giọng hát:” Bộ đa bí đá trà, trà kỳ ni thập phật ra, Đà đột lô ca kiến đốt lô kiết trì bà lộ đa tỳ”. Chú San cười xoà, rồi như có cái gì lo ngại, chú đứng phắt dậy, trợn mắt bảo:” Thầy mà nghe được thì coi như đi đời đó con ạ”. Con giựt mình: không! Không! Em đọc thử cho chú nghe thôi, mong chú đừng thưa lại với Thầy là được. Chú San làm thinh, rồi hai anh em vào phòng.Mấy ngày sau thấy bình yên vô sự, con biết là chú San thương con và thầm giữ lời hứa.
Sau khi học thuộc hai thời công phu, con được Thầy con xuống tóc tại Tu viện, làm chú điệu nho nhỏ. Tiếc thay! Chưa được bao lâu thì con phải xuống Quy Nhơn để tiếp tục việc học. Cảnh núi đồi nên thơ ở Tu viện dần dần vắng bóng…
Kính bạch Giác Linh Hoà thượng! Hồi tưởng lại những ngày còn thơ ở đây, hình ảnh Hoà Thượng vẫn còn in đậm nét trong tâm trí con, với tất cả sự trong lành đạo vị. Dù bây giờ con đã trưởng thành, lời dạy của Hoà thượng vẫn còn canh cánh trong lòng. Con hiểu và cảm nhận sâu hơn việc “ vợ gạo, nấu cháo” của Hoà thượng như những chiếc bánh của sư Vân Môn hay tách trà của Ngài Triệu Châu vậy.
Để tưởng nhớ công ơn khai tâm của Hoà thượng buổi ban đầu để qua “ cửa ải Lăng Nghiêm” con cố gắng chú thích năm bài minh chú trong bộ kinh ấy, đồng thời cũng để giúp các chú điệu hậu lai biết được “ bà già bà đế “ là gì. Hội thứ nhất con đã cho đăng vào “ Đạo Uyển” vào dịp lễ Thành đạo năm ngoái, đáng lẽ con cho đăng tiếp Hội thứ hai vào tập tưởng niệm này, nhưng số trang của tập sách có giới hạn. Con xin hẹn lần khác. Ngưỡng mong Hoà thượng từ bi gia hộ và chứng giám.
Thích Quảng Hạnh