Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ly Tham, Ly Sân, Ly Si

10/09/201220:12(Xem: 1700)
Ly Tham, Ly Sân, Ly Si

LY THAM, LY SÂN, LY SI
Cư Sĩ Nguyên Giác

Bài viết này để kính dâng lên giác linh Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu, người vừa viên tịch tuần trước, với nội dung sẽ trích hoàn toàn từ bản Việt dịch của ngài trong Kinh Tương Ưng Bộ, tập trung trả lời câu hỏi về con đường giải thoát -- ly tham, ly sân, ly si.

Duyên khởi vì Thầy Thích Minh Trí, trụ trì Chùa Phúc Lâm, cho biết rằng một cuộc thảo luận trên mạng giữa một vài vị trí thức trong và ngoài nước trong ngày 2-9-2012 đã “gợi lên một đề tài đáng suy ngẫm, rằng Đạo Phật có kêu gọi diệt Tham, Sân, Si hay không?” và nêu rằng cần sử dụng kinh Phật để gạn lọc cho minh bạch.

Hai trích đoạn sau từ 2 quan điểm đã được Thầy Thích Minh Trí tô đậm cho nổi bật.

Nhà văn Huỳnh Ngọc Chênh đã viết nhân ngày lễ 2-9-2012, trích:

“...Con đường của chàng là mỗi người nên từ bỏ tham sân si, lấy từ bi hỉ xả thương yêu mọi người để mà tiến đến sự tự giải thoát. Chàng trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Con đường của chàng vạch ra đã hơn 2000 năm trôi qua, hiện nay vẫn là lẽ sống của gần cả tỷ người trên hành tinh này...” (hết trích)

Phản hồi của Kỹ Sư Lê Quốc Trinh từ Canada viết, trích:

“...Là con người không ai có thể từ bỏ hay diệt tham sân si được đâu, vì đó là trạng thái tâm lý, hiện tuợng năng lượng phát triển. Thái tử Tất Đạt Ta đã vì lòng ham muốn “tìm chân lý” mà phải trải qua biết bao khổ cực, suýt chết đấy. Tham Sân Si thường được Đức Phật so sánh như ba ngọn lửa nóng. Đó là năng lực cần thiết để con người có ý chí kiên trì đạt đến mục tiêu tối hậu. Tuy nhiên Đức Phật không hề kêu gọi “diệt” tham sân si, ngược lại Ngài hướng dẫn phương pháp tu hành để phát triển trí tuệ nhằm kiểm soát ba ngọn lửa đó. Ba nguyên tắc tu học theo thứ tự ưu tiên là GIỚI, ĐỊNH, TUỆ. Chỉ có con đường GIÁC NGỘ, phát triển trí tuệ khám phá chân lý mới giải thoát con người khỏi khổ não mà thôi.

Nói chính xác hơn thì phát triển trí tuệ đi đến giác ngộ chỉ là phương tiện, mà hướng tiến đến chính là “lòng từ bi” yêu thương chúng sinh. Có trí tuệ mà thiếu từ bi thì nguy hiểm vô cùng đấy ông. Có lòng từ bi nhưng không biết hỷ xả (bằng trí tuệ) thì con người cứ bị mắc kẹt mãi trong vòng lẫn quẩn của thù hận...” (hết trích)

Trước tiên, để nói ngắn gọn: tham, sân, si còn được gọi là ba pháp bất thiện, thường gọi là ba độc, khởi lên vì duyên theo các tâm sở phiền não, vì Abhidhamma (A Tỳ Đàm, tức Thắng Pháp Luận) nói rằng, "Không có gì sinh ra mà không có nguyên nhân, không có gì sinh ra mà chỉ do một nguyên nhân..." Câu hỏi nơi đây là có phải trừ diệt hay không? Cả hai quan điểm đối trịchuyển hóa thực sự đều không sai, vì đều có ghi trong Kinh Phật, nhưng vẫn thường tránh chữ diệt tham sân si, mà chỉ nói ly tham sân si, có khi gọi là đoạn tận tham sân si... vì tất cả đều từ duyên khởi.

Sau đây là trích từ Kinh Tương Ưng Bộ, bản Việt dịch của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu, về nhiều phương pháp để giải thoát, trong đó những pháp chúng ta thường được quý Thầy nhắc tới là:

(1) tinh tấn, chánh niệm và tỉnh giác, như thật chứng ngộ Bốn Thánh Đế;

(2) dùng chánh tri kiến, chánh định, nhiếp phục tham sân si, tu tập Bát Thánh Đạo;

(3) Thất giác chi (Trạch pháp, Tinh tấn, Hỉ, Khinh an, Niệm, Định, Xả). Chỉ cần tu tập một giác chi cũng có thể đi đến kết quả thấy biết như thật, giải thoát lậu hoặc khổ đau. "Tu tập một giác chi đã có thể thành tựu mục đích của đời sống phạm hạnh, huống nữa là tu tập cả Thất giác chi". (Phật Học Khái Luận, HT Thích Chơn Thiện, dẫn Tương Ưng Bộ Kinh tập V, /D_1-2_2-76_4-13343_5-50_6-3_17-167_14-1_15-1) Trong Trạch pháp có nói về cái nhìn chánh tri kiến, "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi.” Trong chi Niệm, thường tu tập là Tứ Niệm Xứ. Trong chi Định còn có pháp Thiền Chỉ Quán. Trong chi Xả thường được giới Phật Giáo Thái Lan dẫn câu của ngài Buddhadasa Bhikkhu: "...let go of [the clinging to] your mind and body." (Hãy xả bỏ sự dính mắc vào thân và tâm); Phật Giáo Việt Nam thường dẫn bài Bát Nhã Tâm Kinh.

(4) Đức Phật dạy, “Này các Tỷ-kheo, nếu chúng ta không có tư niệm, không có tư lường, không có thầm ý, thời không có sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên không có mặt thời thức không an trú. Do thức ấy không an trú và không tăng trưởng, nên trong tương lai tái hữu không sanh khởi.” (Kinh Tương Ưng Bộ, VIII. Cetanà: Tư Tâm Sở). Có lẽ Kinh này dẫn tới pháp Thiền Tông Đông Độ, với ngài Bồ Đề Đạt Ma nói “pháp vô tâm,” và ngài Huệ Năng nói, “pháp vô niệm.”

Tất cả trích dẫn sau là từ Kinh Tương Ưng Bộ, bản Việt dịch của ngài Thích Minh Châu (link: /D_1-2_2-69_4-509_5-50_6-1_17-53_14-1_15-1)

*

II. Người (S.i,70)

1) Tại tịnh xá ở Sàvatthi.

2) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

-- Có bao nhiêu loại pháp, bạch Thế Tôn, khi khởi lên trong nội tâm của một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy?

4) -- Thưa Đại vương có ba loại pháp khi khởi lên trong nội tâm của một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy. Thế nào là ba? Tham pháp, thưa Đại vương, khi khởi lên trong nội tâm của một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy. Sân pháp, thưa Đại vương, khi khởi lên trong nội tâm của một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an trú cho người ấy. Si pháp, thưa Đại vương, khi khởi lên trong nội tâm của một người sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy. Ba pháp ấy, thưa Đại vương, khi khởi lên trong nội tâm của một người, sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy.

*

34.IV. Khăn Đầu (S.v,440)...

2) -- Này các Tỷ-kheo, khi khăn đầu hay đầu bị lửa cháy, thời phải làm gì?

-- Bạch Thế Tôn, khi khăn đầu hay bị bị lửa cháy, để dập tắt khăn đầu hay đầu cần phải có ước muốn tăng thượng (chanda), tinh tấn (vàyàmo), cố gắng (ussàho), nỗ lực (ussohii), không có thối thất (appativami), chánh niệm và tỉnh giác.

3) -- Bỏ qua đầu và khăn bị cháy, này các Tỷ-kheo, không có tác ý để như thật chứng ngộ bốn Thánh đế, chưa được chứng ngộ, cần phải có ước muốn tăng thượng, tinh tấn, cố gắng, nỗ lực, không thối thất, chánh niệm và tỉnh giác. Thế nào là bốn?

4) Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Con Đường đưa đến Khổ diệt.

5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Đây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Đây là Con Đường đưa đến Khổ diệt".

*

84.VIII. Bạn Hữu Với Thiện (2) (S.v,37)...

2) -- Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, Thánh đạo Tám ngành được tu tập, được làm cho viên mãn. Chính là bạn hữu với thiện.

3) Với Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si... tu tập chánh định với cứu cánh là nhiếp phục tham, với cứu cánh là nhiếp phục sân, với cứu cánh là nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo bạn hữu với thiện, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.

*

XVIII. Phẩm Bộc Lưu - 165-174. I-IX. (S.v,139)...

2) -- Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm? Tham sắc giới, tham vô sắc giới, mạn, trạo cử, vô minh. Đây là năm thượng phần kiết sử.

3) Này các Tỷ-kheo, với mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bảy giác chi cần phải tu tập. Thế nào là bảy?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi với mục đích nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si, nhập vào bất tử, lấy bất tử làm tối thượng, lấy bất tử làm cứu cánh, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

5) Này các Tỷ-kheo, với mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bảy giác chi này cần phải tu tập.

*

VII. Không Phải Của Ông (Tạp 12.13, Phi Nhữ Sở Hữu, Đại 2, 84a) (S.ii,64)

1) ... Trú ở Sàvatthi.

2) -- Này các Tỷ-kheo, thân thể này không phải của các Ông, không phải của người khác.

3) Thân này, này các Tỷ-kheo, phải được xem là do hành động, do sắp đặt, do sự cố ý, do sự cảm thọ trong quá khứ.

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử đa văn khéo léo chân chánh suy nghiệm định lý duyên khởi như sau:

5) "Cái này có mặt cái kia có mặt. Do cái này sanh khởi, cái kia sanh khởi. Cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt. "Tức là do duyên vô minh có các hành. Do duyên hành có thức... như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt... như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

*

VIII. Cetanà: Tư Tâm Sở (Tạp 14.19, Tư Lường. Đại 2,100a) (S.ii,65)

1) ... Trú ở Sàvatthi.

2) ... Này các Tỷ-kheo, cái chúng ta tư niệm, tư lường, có thầm ý, cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên có mặt thời thức có an trú. Do thức ấy an trú, tăng trưởng, nên trong tương lai, tái hữu sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu có mặt trong tương lai, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

3) Này các Tỷ-kheo, nếu không có tư niệm, không có tư lường nhưng nếu có thầm ý, (canuseti), cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên có mặt thời thức có an trú. Do thức ấy an trú, tăng trưởng, nên trong tương lai, tái hữu sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu có mặt trong tương lai, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

4) Này các Tỷ-kheo, nếu chúng ta không có tư niệm, không có tư lường, không có thầm ý, thời không có sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên không có mặt thời thức không an trú. Do thức ấy không an trú và không tăng trưởng, nên trong tương lai tái hữu không sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu không có mặt trong tương lai, nên sanh, già chết, sầu, bi, ưu, não được đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

*

[20] Chương XI

Tương Ưng Thí Dụ

I. Chóp Mái (S.ii,262)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).

2) Ở đây, Thế Tôn nói như sau:

3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một ngôi nhà có nóc nhọn cao, phàm có những cây kèo xa nào, tất cả chúng đều đi đến góc nhọn, đều quy tựa vào góc nhọn, đều châu đầu vào góc nhọn, tất cả chúng đều đâm đầu vào một gốc.

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những bất thiện pháp nào, tất cả chúng đều lấy vô minh làm cội rễ, đều lấy vô minh làm điểm tựa, đều châu đầu vào vô minh, tất cả chúng đều đâm đầu vào một gốc.

5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: "Chúng ta hãy sống không phóng dật".

*

VI. Tỉnh Mặc (Tạp, 3.7-8, Thọ, Đại 2,17a) (S.iii,15)

1) Nhân duyên tại Sàvatthi...

2) -- Này các Tỷ-kheo, hãy trú tâm, dán tâm vào tỉnh mặc. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo có tỉnh mặc hiểu biết một cách như thật.

3) Hiểu biết gì một cách như thật? Sắc tập khởi và đoạn diệt; thọ tập khởi và đoạn diệt; tưởng tập khởi và đoạn diệt; các hành tập khởi và đoạn diệt; thức tập khởi và đoạn diệt ( Như kinh trước, từ số 4 đến số 18 ).

*

III. Vô Ngã (S.iii,21)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3-7) -- Này các Tỷ-kheo, sắc là vô ngã..., thọ là vô ngã..., tưởng là vô ngã..., các hành là vô ngã..., thức là vô ngã...

8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Đa văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta được giải thoát". Vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

*

X. Dục Được Đoạn Trừ (S.iii,161)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Này các Tỷ-kheo, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào, phàm có những chấp thủ phương tiện, tâm thủ trước, thiên chấp tùy miên nào đối với sắc... hãy đoạn trừ chúng. Như vậy, sắc ấy sẽ được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ...

4-6)... Đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành...

7) Này các Tỷ-kheo, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào, phàm có những chấp thủ phương tiện, tâm thủ trước, thiên chấp tùy miên nào đối với thức, hãy đoạn trừ chúng. Như vậy, thức ấy sẽ được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi lại trong tương lai.

*

TẬP IV - THIÊN SÁU XỨ

Tương Ưng Vô Vi

Phần Hai - Phẩm Hai

I. Vô Vi

I. Chỉ (S.iv,362)

1) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về vô vi, và về con đường đưa đến vô vi. Hãy lắng nghe.

2) -- Này các Tỷ-kheo, thế nào là vô vi? Này các Tỷ-kheo, sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si; này các Tỷ-kheo, đây gọi là vô vi.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến vô vi? Chỉ, này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến vô vi.

4) Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta thuyết về vô vi, Ta thuyết về con đường đưa đến vô vi.

5) Này các Tỷ-kheo, những gì một bậc Đạo sư cần phải làm cho những đệ tử, vì hạnh phúc, vì lòng từ mẫn, vì khởi lên lòng từ mẫn đối với họ; tất cả, Ta đã làm cho các Ông.

6) Này các Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống, hãy tu tập Thiền định. Chớ có phóng dật. Chớ để hối hận về sau. Đây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.

II. Quán.

1)-- Và này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về vô vi và con đường đưa đến vô vi. Hãy lắng nghe.

2) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vô vi? Này các Tỷ-kheo, sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si ; này các Tỷ-kheo, đây gọi là vô vi.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến vô vi? Quán, này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến vô vi.

...

III. Sáu Định (S. iv. 62)

...

3) -- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến vô vi? Định Vô tướng, này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến vô vi...

IX. Bốn Niệm Xứ (1) (S.iv,363)

...

3)-- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến vô vi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống tùy quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con đường đưa đến vô vi...

X - XII. Bốn Niệm Xứ (2-4)

...

3)... Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống tùy quán thọ trên thọ... tùy quán tâm trên tâm... tùy quán pháp trên pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến vô vi...

XIV - XVI. Bốn Chánh Cần (2-4)

...

3)-- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến vô vi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phát sanh lòng ước muốn rằng các ác bất thiện pháp đã sanh được đoạn tận, tinh cần, tinh tấn, kiên tâm, trì chí... phát sanh lòng ước muốn rằng các thiện pháp chưa sanh được sanh khởi... phát sanh lòng ước muốn rằng các thiện pháp đã sanh được an trú, không tán thất, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, tinh cần, tinh tấn, kiên tâm, trì chí. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến vô vi.

XXXI-XXXVII. Bảy Giác Chi (1-7) (S.iv,367)

...

3)-- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến vô vi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tu tập niệm giác chi... trạch pháp giác chi... tinh tấn giác chi... hỷ giác chi... khinh an giác chi... định giác chi... xả giác chi, y cứ viễn ly, y cứ ly tham, y cứ diệt tận, hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến vô vi...

XXXVIII-XLV. Tám Chánh Đạo (1-8) (S.iv,367)

...

3)-- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến vô vi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tu tập chánh tri kiến... chánh tư duy... chánh ngữ... chánh nghiệp... chánh mạng... chánh tinh tấn... chánh niệm... chánh định, y cứ viễn ly, y cứ ly tham, y cứ diệt tận, hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến vô vi...

***

XXXIII. Đến Bờ Bên Kia (Paràyanam)

1) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về sự đến bờ bên kia và con đường đưa đến bờ bên kia, hãy lắng nghe.

2) Này các Tỷ-kheo, thế nào là đến bờ bên kia? Này các Tỷ-kheo, sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si ; này các Tỷ-kheo, đây gọi là đến bờ bên kia.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến bờ bên kia? Thân niệm, này các Tỷ-kheo, là con đường đưa đến bờ bên kia.

4) Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta thuyết về sự đến bờ bên kia, Ta thuyết về con đường đưa đến bờ bên kia.

5) Này các Tỷ-kheo, những gì một bậc Đạo sư cần phải làm cho những đệ tử, vì hạnh phúc, vì lòng từ mẫn, vì khởi lên lòng từ mẫn đối với họ; tất cả, Ta đã làm đối với các Ông.

6) -- Này các Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống, hãy tu tập Thiền định. Chớ có phóng dật. Chớ để hối hận về sau. Đây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/01/2020(Xem: 8092)
Tưởng niệm 32 năm ngày mất của nhà văn B.Đ. Ái Mỹ (1987-2019), mồng 6 tháng Chạp âm lịch, năm nay nhằm ngày 31 tháng 12 cuối cùng của năm 2019... Cha hiền của tôi đó, một thiện nam Phật tử, pháp danh Tâm Phát. Ông là một nghệ sĩ tài hoa, đa năng với thơ-văn-nhạc-họa, nhưng rất khiêm cung, hoạt động lặng lẽ vào các thập niên 40-50-60 của thế kỷ trước, và luôn hoan hỷ chịu làm cái bóng mờ nhạt đứng thấp thoáng sau lưng người bạn đời thi sĩ, là Me tôi, cho đến những ngày cuối của cuộc đời...
29/04/2019(Xem: 5355)
Những ý tưởng trong một bài viết ngót 30 năm trước bỗng hiện về trong giấc mơ đêm qua, cùng với hình ảnh người bạn từng chung bước trên chặng đường tranh đấu cho nhân quyền, khi thuyền nhân trong các trại tỵ nạn đang bị cưỡng bức trả về Việt Nam. Người bạn đó là cố nhạc sỹ Việt Dzũng. Sao giấc mơ lại tới trong thời điểm cuối tháng tư? Với tôi, không phải là tình cờ, vì chính bài viết này lại là một, trong những bài mà Việt Dzũng đã chia sẻ rằng “Xúc động lắm! Những rung cảm này thật quá! Thầm lặng mà lại rõ nét qúa! Chị cho Dzũng gom những bài viết khác của chị lại, in thành sách nhé!” .
01/01/2019(Xem: 8512)
Hòa Thượng Thích Mãn Giác, pháp danh Nguyên Cao, đạo hiệu Huyền Không, thế danh Võ Viết Tín, sinh năm Kỷ Tỵ, 1929 tại Cố đô Huế, trong một gia đình mà Nội Ngoại đều tin Phật và nhiều nguời trong thân quyến đã có duyên xuất gia và nổi tiếng thân danh trên đường tác thành Phật sự. Cố đô Huế chỉ là sinh quán, còn nguyên quán thuộc làng Phương Lang, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
19/12/2018(Xem: 9395)
Sơn tăng ẩn núi tu hành, Thị phi ngủ trượt, chẳng dành hơn thua. Tròn thế kỷ lẻ bao mùa, Tấm cà sa trọn, muối dưa thanh bần.
18/09/2018(Xem: 7969)
Trăng lăng già trời lặng yên, Quy Nhơn một thửa, giữa niềm huyền thanh. Lắng nghe sóng vổ qua nhanh, Trăm năm kiếp sống, chông chanh khổ sầu.
18/07/2018(Xem: 8042)
Hòa Thượng Thích Thiện Hữu thế danh Nguyễn Hữu Nghĩa thượng Như hạ Lễ tự Viên Nhơn, hiệu Thiện Hữu sinh năm Giáp Thân (1944) tại xã Nhơn Khánh, quận An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngài viên tịch vào lúc 4 giờ ngày 30 tháng 6, 2018. Nhằm ngày 17 tháng 5, Mậu Tuất, hưởng thọ 75 tuổi.
21/01/2014(Xem: 16351)
Từ Úc Quốc xa xôi, thay mặt toàn thể Tăng Tín đồ Phật Tử Tu Viện Quảng Đức, một nơi mà chính Trưởng Lão HT Thích Phước Thành đã về chứng minh lễ Khánh Thành năm 2003, Chúng con thành kính ngưỡng vọng về Thiên Phước Tổ Đình, Quy Nhơn, Bình Định, nhất tâm đảnh lễ Giác linh Hòa Thượng, Nguyện cầu Giác linh Hòa Thượng Cao Đăng Phật Quốc, thượng phẩm thượng sanh, hồi nhập ta bà, phân thân hóa độ, lợi lạc quần sanh. Kính nguyện Giác linh Hòa Thượng thùy từ chứng giám. Thành kính chia buồn đến HT Thích Nguyên Phước cùng chư Tôn Đức & Môn Đồ Pháp Quyến trước sự mất mát lớn lao này.
03/01/2014(Xem: 7326)
Trưa hôm nay, ngày 2.1.2014, khi tôi và nhạc sĩ Đặng Công Ninh trên đường trở về từ Tổ Đình Đông Hưng, sau khi làm việc với Thượng Tọa Thích Thông Kinh, thì nhận được nguồn tin từ nhạc sĩ Hằng Vang và đạo hữu Thụy Quang, báo tin nhạc sĩ Lê Cao Phan, người đã dâng tặng cho Phật giáo Việt Nam một tuyệt phẫm bất hủ “Phật giáo Việt Nam” không còn nữa.
09/04/2013(Xem: 9711)
Mỗi lần đi Huế lòng tôi lại nao nao khôn tả. Huế là đạo, là thơ, là nghĩa tình ý vị, là tinh hoa văn hóa của ba miền đất Việt, nhưng cũng là mảnh đất khô cằn của đói nghèo khốn khổ “mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu cơm” đã hứng chịu nhiều thiên tai nhân họa. Huế được phong phú về mặt văn hóa, tâm linh là nhờ hình ảnh những vị đại lão hòa thượng nơi đây đã sống, hành đạo và xả báo thân. Dù đã viên tịch, dư hương các ngài vẫn như còn phảng phất nơi các ngôi tổ đình tĩnh lặng và những rừng thông bạt ngàn.
28/03/2013(Xem: 2060)
Nếu xưa Có tổ Ðạt Ma Chín năm “diện bích” Dù không còn lưu bút tích Ðời vẫn đắt truyền
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]