Nam Mô A Di Đà Phật
Kính bạch Sư Phụ
Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về Thiền Sư Mật Vân Viên Ngộ (1566-1642).
Ngài thuộc Tổ thứ 67 (tính từ sơ tổ Ca Diếp), thuộc đời thứ 34 sau Lục Tổ Huệ Năng và cũng là Tổ thứ 30 của Thiển Phái Lâm Tế.
Ngài sanh năm Bính Dần (1566) niên hiệu Long Khánh, đời vua Minh Mục Tông tại Nghi Hưng (nay là Giang Tô).
Ngài là vị thiền sư nổi tiếng trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh có đệ tử đắc pháp là ngài Mộc Trần Đạo Mân.
Ngài được xem là hậu thân của Tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền (viên tịch năm 866), cách 700 năm. Ngài có vai trò rất lớn là khôi phục thiền phái Lâm Tế.
Sư Phụ kể Tổ Long Thọ cũng được xem là hậu thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni .
Ngài họ Tưởng, quê ở Nghi Hưng. Năm 6 tuổi, ngài được học Nho giáo (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín) , ngài nhận thấy không phù hợp.
Năm 8 tuổi, ngài tự biết niệm Phật không cần ai chỉ dạy.
Sư Phụ giải thích: sự tự biết này là do ngài đã có vô sư trí xuất hiện. Tất cả mọi người đều có vô sư trí từ vô lượng kiếp, không cần học khi có túc duyên đầy đủ thì tự xuất hiện giống như vàng trong quặng đất.
Hậu đắc trí là trí có được sau khi tu học.
Năm 8 tuổi, ngài có duyên với pháp tu niệm Phật.
Sư Phụ giải thích: niệm Phật có 5 pháp niệm khác nhau, tùy theo khả năng và hoàn cảnh của hành giả mà có thể áp dụng:
1- Cao thanh trì: niệm lớn tiếng, rõ ràng. Sư Phụ niệm nghe rất thanh thoát ấm áp đạo vị.
2- Đê thanh trì: tiếng niệm nhỏ, Sư Phụ niệm nghe rất thanh an.
3- Kim cang trì: niệm không ra tiếng, môi vẫn cử động theo danh hhiệu Phật.
4- Mặc trì: niệm không ra tiếng, yên lặng.
5- Ý trì: niệm trong tâm.
Cao thanh trì tuy có khuyết điểm là dễ bị khan cổ, tắt tiếng, nhưng Đức Phật nói cách niệm này có được 10 công đức:
1- đánh tan hôn trầm mê ngủ.
2- làm thiên ma kính sợ
3- tiếng niệm vang đến khắp mười phương, nhất niệm thông tam giới.
4- ba đường khổ chấm dứt.
5- tiếng bên ngoài không xâm nhập vào mình được.
6- tâm không bị tán loạn.
7- giúp mạnh mẽ, tinh tấn trên đường tu.
8- tâm luôn hoan hỉ
9- đạt tam muội rõ biết hiện tiền
10- được vãng sanh cực lạc quốc.
Ý trì niệm Phật là khó nhất, vì đây là pháp niệm Phật rốt ráo, niệm trong tâm, nhất tâm, vọng tưởng điên đảo chấm dứt và bất cứ lúc nào cũng niệm Phật được. Áp dụng pháp niệm Ý trì tức là hành giả cũng đang thực hành pháp tu thiền chỉ và thiền quán của Như Lai Thiền, Thiền-Tịnh song tu là đây, không thể tìm ở đâu khác nữa. Ai viên mãn pháp niệm Ý trì là đã đặt một chân vào ao Liên Trì Cực Lạc Quốc rồi.
Sư phụ đã diễn đọc câu sám niệm Phật rất hay:
“Muốn đi có một đường nầy
Nhứt tâm niệm Phật khó gì thoát ra,
Vậy khuyên phải niệm Di Đà
Hồng danh sáu chữ thật là rất cao
Hay trừ tám vạn trần lao
Tham thiền quán tưởng pháp nào cũng thua”
Quả thật, Ngài Mật Vân Viên Ngộ 8 tuổi đã tự biết niệm Phật là bắt đầu hành trình giác ngộ.
Năm 15 tuổi, ngài bỏ nghề nông, theo nghề đánh cá.
Năm 16 tuổi, ngài bị ép cưới vợ, vì hiếu, ngài lập gia đình.
Năm 21 tuổi (1587), ngài đọc Pháp Bảo Đàn Kinh, ngài bị cuốn hút bởi câu chuyện ngộ đạo của ngài Lục Tổ Huệ Năng, ngài xin xuất gia.
Sư Phụ kể về sự xuất gia của ngài Lục Tổ Huệ Năng.
Ngũ tổ Hoằng Nhẩn hỏi ngài Huệ Năng đến để làm gì. Ngài thưa là đến để xin xuất gia làm Phật.
Tổ Huệ Năng không biết chữ nhưng nhờ chúng đệ tử trong chùa đọc bài kệ của ngài Thần Tú, chỉ diễn đạt con đường hành trì tu, ngài Huệ Năng đã thấy tánh, ngài từ bài của ngài Thần Tú diễn tả tánh thấy của ngài:
Bài kệ của ngài Thần Tú:
"Thân thị Bồ đề thọ,
Tâm như minh cảnh đài,
Thời thời cần phất thức,
Vật sử nhạ trần ai".
Nghĩa là:
"Thân là cội Bồ đề,
Tâm như đài gương sáng..
Luôn luôn phải lau chùi,
Chớ để dính bụi trần".
Bài kệ của ngài Lục Tổ:
“Bồ đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai”.
Nghĩa là:
“Bồ đề vốn không cây,
Gương sáng cũng chẳng đài.
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi trần”.
Sư Phụ giải thích, Phật tánh không có hình tướng , thì không có gì để dính bụi.
Ngài Ngũ Tổ, qua bài kệ của ngài Huệ Năng, là biết ngài Huệ Năng đã thấy tánh nên truyền y bát cho ngài Huệ Năng là Lục Tổ.
Ngài Huệ Minh là một vị quan đi xuất gia, khi thấy y bát không trao cho ngài Thần Tú, ngài Huệ Minh đuổi theo ngài Huệ Năng để lấy lại y bát.
Ngài Lục Tổ để y bát trên tảng đá, ngài Huệ Minh dỡ y bát không lên, ngài hối hận quỳ lạy và nói: “tôi đến đây vì pháp không vì y bát”.
Ngài Lục Tổ ra mặt mời ngài Huệ Minh ngồi xuống, giử tâm thanh tịnh rồi sẽ nói pháp: “ Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, đang khi ấy cái gì là bổn lai diện mục của thượng tọa Minh?”. Ngài Huệ Minh ngay đó liền
triệt ngộ, liền sụp lạy tôn Lục Tổ làm sư phụ. Ngài Lục Tổ khiêm hạ từ chối và khuyên Huệ Minh cùng mình tôn kính ngài Huệ Năng là Sư phụ. Ngài Huệ Minh sau đó đổi tên của mình là Đạo Minh để không trùng chữ Huệ của Sư phụ.
Sau 15 năm ẩn tu trong nhóm thợ săn, một ngày kia Ngài Lục Tổ đến chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, nghe 2 vị tăng tranh cãi với nhau về “phướn động và gió động”. Lục Tổ góp ý “không phải do phướn, cũng không phải do gió, mà do chính tâm của hai vị đang động”. Ngài Ấn Tông (Trụ Trì Chùa Pháp Tánh, nay gọi là Chùa Quang Hiếu) hỏi Lục Tổ: "Nghe nói y pháp của Ngũ Tổ đã truyền về phương Nam, phải chăng đây là hành giả?" Ngài Huệ Năng bèn kể lại nguyên do việc đắc Pháp. Ngài Ấn Tông liền thỉnh Tổ làm lễ cạo tóc và cung thỉnh Lục Tổ thăng tòa thuyết pháp.
Pháp Bảo Đàn là bản kinh ghi lại cuộc đời và lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng.
Ngài Mật Vân Viên Ngộ bị cuốn hút bởi chuyện ngộ đạo của ngài Lục Tổ Huệ Năng qua Kinh Pháp Bảo Đàn, nên ngài xin xuất gia.
Ngài Mật Vân Viên Ngộ, một hôm ngài gánh củi đi qua khúc quanh, vô tình bó củi va vào vách núi, ngài chợt bừng ngộ liền tìm đến Hoà Thượng Huyễn Hữu Chánh Truyền xin xuất gia.
Một ngày nọ, ngài đi qua đỉnh núi Đồng Quán thì tự nhiên đại ngộ, liền trình kệ. Tổ Huyễn Hữu hỏi: “nếu có người hỏi, ông đáp thế nào?”.
Ngài Mật Vân Viên Ngộ chỉ đưa nắm tay lên.
Tổ Huyễn Hữu hỏi: “lão tăng không hiểu ông đắc là đắc cái gì?”.
Ngài đáp: “Đừng nói Hoà Thượng không hiểu, ba thời chư Phật còn không hiểu nữa à!”.
Ngài được tổ Huyễn Hữu Chánh Truyền ấn chứng, ngài Mật Vân Viên Ngộ đưa nắm tay lên là biểu trưng sự chứng ngộ.
Sư Phụ giải thích, đưa nắm tay lên là biểu tỏ “Duyên Khởi” và ngài được ấn chứng ?
Vì sao ? vì “nắm tay” thuộc về thân ngũ uẩn, thân ngũ uẩn này do “giả chúng duyên nhi cộng thành”, dù thân này có nhưng chỉ tạm có, không có dài lâu vĩnh vĩnh, khi duyên tụ lại thì có, khi duyên ta rã thì không. Từ ngàn xưa Đức Thế Tôn đã dạy: “Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp. Ai thấy Pháp là thấy Ta (Phật)".
Sư phụ cũng dẫn lời Phật dạy trong kinh Phật Tự Thuyết (Udàna; Tiểu Bộ kinh), pháp Duyên khởi được tóm tắt như sau: "Do cái này có mặt nên cái kia có mặt.- Do cái này không có mặt, nên cái kia không có mặt.- Do cái này sinh, nên cái kia sinh.- Do cái này diệt, nên cái kia diệt".
Trong Phẩm Phương Tiện, Kinh Pháp Hoa cũng đề cập đến pháp Duyên Khởi:
"Chư Phật lưỡng túc tôn
Tri pháp thường vô tánh
Phật chủng tùng Duyên khởi
Thị cố thuyết nhất thừa".
Nghĩa là:
“Chư Phật đầy đủ Trí và Hạnh
Biết pháp luôn vẫn vô tánh
Quả Phật do từ Duyên mà khởi
Cho nên bảo là Nhất thừa”.
Bạch Sư phụ, lời giảng ở chỗ này của Sư phụ quá cao siêu mà trí óc nhỏ bé của chúng sanh khó mà lãnh hội được. Con cố gắng ghi chép để suy gẫm về sau, dù khó nhưng con cảm nhận rằng Phật Pháp quá mầu nhiệm và tuyệt vời làm sao, chỉ có một “nắm tay” được đưa lên mà hai thầy trò Thiền Sư đã có được tiếng nói chung về “pháp Duyên Khởi”, rõ ràng ai thấy pháp Duyên Khởi là có cùng 1 cái thấy.
Một hôm, thiền sư Huyễn Hữu Chánh Truyền đưa cây phất trần lên hỏi: “các người còn có gì không?”
Ngài Mật Vân Viên Ngộ hét một tiếng.
Ngài Huyễn Hữu Chánh Truyền bảo: “hét hay đấy!”.
Ngài Mật Vân Viên Ngộ lại hét lên hai tiếng, rồi trở về chỗ ngồi.
Ngài được ấn chứng kế thừa là Tổ thứ 30.
Năm 1617, Sư kế nghiệp trụ trì chùa Long Trì và các chùa khác. Sư nổ lực khôi phục Tông Lâm Tế trong 30 năm. Đệ tử kế thừa có thiền sư Mộc Trần Đạo Mân.
Ngày 7-7-1642, Sư thị tịch tại chùa Thông Huyền, thọ thế 77 tuổi, vua Khang Hy ban Thụy cho Sư là Huệ Định Thiền Sư.
Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiển Sư Mật Vân Viên Ngộ (1566-1642) của Hoà Thượng Hư Vân do Hoà Thượng Minh Cảnh dịch Việt.
“Lâm Tế môn phong thích dụng thiền
Không như Huyễn Hữu vẫn y nhiên
Đồng Quan trên đỉnh gầm vang tiếng
Hương Thủy biển sâu sóng võ triền
Diện mục tỏ rồi ra là thế
Bản lai gìn giữ chớ mù điên
Nhiệm mầu nào biết nơi chân giác
Mở miệng lầm sai dễ lụy phiền”
Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng bài pháp cuộc đời của Thiền Sư Mật Vân Viên Ngộ rất đặc thù. Ngài là một vị Thiền Sư có vô sư trí hiển lộ lúc mới 8 tuổi, Sư tự biết niệm Phật. Năm 21 tuổi Sư phát tâm xuất gia do bị cuốn hút bởi sự ngộ đạo của Ngài Lục Tổ Huệ Năng và Sư là hậu thân của Thiền Sư Lâm Tế Nghĩa Huyền, khôi phục Tông Lâm Tế đánh hét hiển lộ sự chứng đắc.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada)
Thiền Sư Mật Vân Viên Ngộ được xem như là hậu thân của Khai Tổ ( Thiền Sư Lâm Tế Nghĩa Huyền ) vì chủ trương khôi phục phương tiện đánh và hét để người học đạo chóng khai ngộ !
Thiền Sư Mật Vân Viên Ngộ (1566-1642) Tổ thứ 67 (tính từ Sơ Tổ Ca Diếp), Đời thứ 34 sau Lục Tổ Huệ Năng và cũng là Tổ thứ 30 của Thiền Phái Lâm Tế.
(1) Sư là người chủ trương khôi phục lại thủ thuật tiếp dẫn người học đặc biệt của Tông Lâm Tế là đánh (bổng) và hét (hát) vốn là phương tiện giúp người học đạo nhanh chóng khai ngộ và rất thịnh hành dưới thời của Khai tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền nhưng qua các triều đại sau dần phai mờ. Qua việc sử dụng đánh hét để dạy đệ tử, sư trở nên nổi tiếng và được coi là vị Thiền sư nghiêm khắc và xuất sắc dưới thời đó.
(2) Sư sinh năm 1566 niên hiệu Long Khánh năm đầu của đời vua Minh Mục Tông tại Nghi Hưng nay là Giang Tô Trung Quốc
Sư còn có tên là Giác Sơ, hiệu Viên Ngộ được cha mẹ học đạo Nho nhưng cảm thấy không phù hợp
Vốn có chủng tử nhiều đời nên từ năm 8 t , Sư đã biết niệm danh hiệu Phật mà không cần ai chỉ dạy
Nam 15 t bị ép buộc bỏ nghề nông sang nghề buôn cá
Năm 18 t bị ép cưới vợ và vì hiếu đạo Ngài lập gia đình
Năm 1587 (21 tuổi), sư đọc Pháp Bảo Đàn Kinh và bị cuốn hút đối với lời dạy về Thiền tông. Một hôm, sư gánh củi đi qua núi, vô tình bó củi va vào thành núi bỗng nhiên sư khai ngộ.
( 3)
Năm 1594 (29 tuổi), sư bỏ vợ, gia đình và xuất gia với Thiền sư Huyễn Hữu Chính Truyền. Sau đó, sư chuyên tâm tham Thiềndưới sự hướng dẫn của vị thiền sư này.
Năm 1602 (35 tuổi), thiền sư Huyễn Hữu Chính Truyền có chiếu chỉ vua ban đến trụ trì tại Long Trì Viện(龍池院) ở Thường Châu(常州), sư cũng được thầy cử đến đây làm chức Giám Viện.
tMột ngày nọ Sư đi qua đỉnh núi Đồng Quan thì tự nhiên đại ngộ,
liền trình kệ
Ngài Huyễn Hữu hỏi : Nếu có người hỏi Ông đáp thế nào ?
Sư chỉ đưa nắm tay lên
Ngài Huyễn Hữu lại nói :
Lão Tăng không hiểu, ông đắc là đắc cái gì?
Sư đáp :
Đừng nói Hoà Thượng không hiểu, 3 đời Chư Phật còn không hiểu nữa là
Và Một hôm Thiền Sư Huyễn Hữu đưa cây phất trần lên hỏi
Các Ngài còn có gì không ?
Sư nghiêm nghị hét lên một tiếng , Ngài Huyễn Hữu đáp :
Hét hay đấy !
Sư lại hét hai tiếng , rồi trở về chỗ ngồi ,
Ngày mùng 3 tháng 2 năm 1611 niên hiệu Vạn Lịch thứ 39 triều vua Minh Thần Tông, Sư được Tổ Chánh Truyền phó chúc y bát kế thừa Tổ nghiệp lúc bấy giờ Sư được 46 t
Sau đó Sư đi du phương các danh sơn như Cửu Hoa Sơn, Phổ Đà Sơn, v..v khắp Cả vùng Ngô Việt
(4) Năm 1614, thiền sư Huyễn Hữu Chính Truyền thị tịch, sư trọn hiếu ở bên tháp thầy 3 năm. Và đến tháng 4 năm 1617, sư kế tiếp thầy trụ trì tại Long Trì Viện.
Năm 1624, sư đến trụ trì, thuyết pháp tại chùa Thông Huyền (通玄寺) ở núi Thiên Thai (天台山).
Tháng 3 năm 1625, sư đến trụ trì tại chùa Quảng Huệ (廣慧寺) ở Hải Diêm (海塩), Gia Hưng (嘉興, tỉnh Phúc Kiến.
Tháng 3 năm 1630, sư sáng lập Vạn PhúcTự (萬福寺) ở núi Hoàng Bá (黃檗山), Phúc Châu, Tỉnh Phúc Kiến.
Năm 1632, sư đến trụ trì tại chùa Quảng Lợi (廣利寺) ở Dục Vương Sơn (育王山), Minh Châu, Tỉnh Triết Giang. Và trong năm sư chuyển đến trụ trì tại Thiên Đồng Cảnh Đức Thiền Tự ở Ninh Ba, Triết Giang nơi đay sư đã trùng tu lại ngôi Thiên Đồng Cảnh Đức Thiền Tự- ngôi đại danh thắng và là một trong các ngôi Thiền viện tổ đình Thiền tông lâu đời của Trung Quốc và có diện tích rất rộng (hiện nay diện tích tổng thể là 7.640.000 m2, diện tích xây dựng là 28.800 m2). Trước khi sư đến trụ trì tại ngôi chùa này thì nơi đây từng nhiều lần chịu nhiều sự đổ nát từ nạn binh đao, hỏa hoạn, lũ lụt. Năm 1638, sư trùng tu tổng thể toàn bộ ngôi chùa này, xây dựng thêm nhiều điện đường quy mô lớn và rất có kết cấu. Tăng chúng đến đây tham học hơn 1000 người, cư sĩ, phật tử đến hỏi đạo rất đông. Ngôi tổ đình này từ đó đến nay thuộc Thiền Lâm Tế chính tông, tại khuôn viên chùa còn lưu giữ bức tượng đá toàn thân sư.
(5) Ngoài việc dạy Thiền cho các Thiền tăng, sư cũng chú trọng đến việc dạy Thiền cho các vị nữ tu, ni sư và trong những vị nữ tu này có người ngộ đạo. Những vị nữ tu ngộ đạo này về sau trở thành những thiền sư ni nổi tiếng theo cách giáo hóa riêng của họ.
Trong suốt 30 năm giáo hóa của mình, sư đã nỗ lực khôi phục lại Tông Lâm Tế qua những bài thuyết pháp và đường lối thực hành Thiền Thoại Đầu. Người theo sư quy y, thọ giới và nghe thuyết pháp có tới 30,000 người, đệ tử xuất gia 300 người, 12 người được sư ấn khả và cho nối pháp. Từ những nỗ lực và kỳ tích đó, sư được người đời tôn kính là Lâm Tế thứ 2. .
(6)
Kế thừa tư tưởng và phong cách của sư, các đệ tử nối pháp của sư như Thiền sư Phí Ẩn Thông Dung, Mộc Trân Đạo Mân cũng nỗ lực dùng các phương pháp đánh, hét để khôi phục lại tinh thần tông Lâm Tế và biên soạn nhiều tác phẩm liên quan đến lịch sử và đường lối thực hành của Thiền tông
Hàng xuất gia đắc pháp có 12 vị như: Phí Ẩn Thông Dung(1539-1661) Phù Thạch Thông Hiền (1593-1667) Lâm Dã Thông Kỳ (1595-1652) Triều Tông Thông Nhẫn (1604-1648) Thạch Xa Thông Thường ( 1593-1638) Trượng Tuyết Thông Tùng(1610-1695) Tam Phong Pháp Tạng (1573-1637) Thạch Kỳ Thông Văn (1594-1663) Vạn Như Thông Vi(1594-1663) Phá Sơn Hải Minh (1597-1666) Cổ Nam Thông Môn ( 1599-1670) và đệ tử nối pháp là Hoằng Giác Thông Thiên còn gọi là Mộc Trần Đạo Mân (1596-1674) đều trú trì những ngôi chùa nổi tiếng
(7)
1. Niệm cao tiếng: ( Cao thanh trì ) Đem hết cả tinh lực toàn thân dồn vào trong một câu niệm Phật khác nào những tiếng đại hồng chung, những tiếng sư tử rống ác cả trời đất Vũ trụ. Theo phương pháp này bị hao hơi rát cổ nhiều, không thể trì niệm lâu được. Tuy nhiên, nó có công năng đối trị được bệnh hôn trầm giải đãi, trừ khử được tạp niệm lăng nhăng. Khi niệm Phật nếu thấy mơ màng muốn ngủ gục, hoặc thấy tư tưởng bị chao động, hành giả nên mạnh mẽ đề khởi tinh thần, cất cao vọng niệm to tiếng làm trí não thức tỉnh, chánh niệm khôi phục và sẽ được linh hoạt như cũ. Niệm Phật cao tiếng có tác dụng rất lớn lao. Hơn nữa nó còn làm cho người hai bên nghe rõ tiếng niệm và khiến họ lần lần sanh khởi tâm niệm Phật.
2- Đệ thanh trì ( Niệm vừa đủ nghe ) Niệm thư thả, hòa hoãn tiếng không lớn quá, không nhỏ quá. Bất luận là niệm 4 chữ, hay 6 chữ, hành giả vừa niệm vừa lắng tai nghe lại tiếng niệm của mình từng chữ một, thật rõ ràng. Cứ vừa niệm vừa nghe như thế, trí óc sẽ không bị xao lãng và tâm thần định được.
3. Niệm Kim Cang:niệm không ra tiếng mà môi vẫn cử động
4-Mặc niệm: Lúc niệm, môi miệng chỉ hơi mấp máy, không phát ra tiếng; Người ngoài nhìn vào, không biết là đương niệm. Tuy không phát ra tiếng, nhưng 6 chữ “Nam mô A Di Đà Phật” đương sáng ngời và rang rảng trong tâm thức hành giả, vô cùng rõ ràng. Nhờ sự sáng ngời và rang rảng ấy mà tâm thần định tĩnh, chánh niệm ngưng tụ thành một khối, khiến cho hiệu lực của nó không khác hiệu lực của niệm Phật có tiếng
Phương pháp niệm này có thể áp dụng trong khi nằm nghỉ, khi tắm rửa, lúc bệnh hoạn, lúc phóng uế, hoặc trong khi đương ở hội trường công cộng hay khi lữ thứ tha phương… tóm lại là trong những trường hợp không tiện niệm ra tiếng
5- Ý trì (Niệm giác chiếu: )Một mặt xưng danh hiệu Phật, một mặt quay tâm trí của mình trở lui soi xét tự tánh.
(8)
Trong kinh Tương Ưng Thế Tôn dạy rằng: "Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp. Ai thấy Pháp là thấy Ta (Phật)".
Từ đấy, thấy Duyên khởi triệt để quả là một cái thấy của một vị Phật. Thấy Duyên khởi là thấy sự thật Vô ngã của các pháp (hữu vi và vô vi), đây là cái thấy độc đáo nhất trong lịch sử tôn giáo và triết học xưa nay. Chính Vô ngã là nét đặc thù của giáo lý Phật giáo, khác biệt hẳn với mọi triết thuyết, tín ngưỡng của thế gian: Giữa khi 62 học thuyết của Ấn Độ đương thời và giữa khi nhân loại đang chấp thủ ngã và ngã sở (Ta, của ta) để chìm sâu vào sinh tử thì Đức Phật nói lên tiếng nói Vô ngã (không phải ta, không phải của ta).
Lý duyên khởi được giới thiệu trong kinh Pháp Hoa :
Chư Phật lưỡng túc tôn
Tri pháp thường vô tánh
Phật chủng tùng Duyên khởi
Thị cố thuyết nhất thừa".
[Chư Phật đầy đủ Trí và Hạnh
Biết pháp luôn vẫn vô tánh
Quả Phật do từ Duyên mà khởi
(hay từ Duyên khởi)
Cho nên bảo là Nhất thừa].
(9)
Lâm Tế môn phong thích dụng thiền
Không như Huyễn Hữu vẫn y nhiên
Đồng Quan trên đỉnh gầm vang tiếng
Hương Thủy biển sâu sóng võ triền
Diện mục tỏ rồi ra là thế
Bản lai gìn giữ chớ mù điên
Nhiệm mầu nào biết nơi chân giác
Mở miệng lầm sai dễ lụy phiền.
(Bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Mật Vân Viên Ngộ (1566-1642) của Hòa Thượng Hư Vân, do HT Minh Cảnh dịch Việt)
***