Nam mô A Di Đà Phật
Kính bạch Sư Phụ,
Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về Lục Tổ Huệ Năng, vị tổ thứ 33 theo dòng truyền thừa từ Sơ Tổ Ca Diếp.
Lục Tổ mồ côi cha năm lên ba tuổi. Lớn lên Tổ làm nghề bán củi phụ mẹ để độ sanh.
Nhân một hôm, Tổ đi giao củi cho một người đặt mua trước đó, Tổ nghe nhà cạnh bên có tiếng tụng kinh rất hay, ngài đứng lại để nghe, đến câu:
“Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (có nghĩa là: Hãy nương vào chỗ không có chỗ nương mà khởi lên tâm kia).
Như là Tổ đã nghe từ vô lượng kiếp xa xưa.Tổ chờ dứt tiếng tụng kính, liền gõ cửa xin hỏi người nhà tụng kinh gì nghe hay quá.
Sau khi Tổ được biết là kinh Kim Cang do Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn ở chùa Đông Thiền, quận Huỳnh Mai giảng dạy. Tổ tìm phuơng cách đến tu học Ngũ Tổ, người nhà giúp cho Tổ số tiền để Tổ lo cho mẹ. Tổ lên đường đi bộ sau hai tháng đến chùa và được Tổ Hoằng Nhẫn thọ nhận.
Sau 8 tháng cực khổ làm công quả dưới nhà trù, ngài được sư phụ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn ấn chứng và truyền Y Bát cho Lục Tổ và khuyên đi về miền nam ẩn tu, đợi thời cơ thuận duyên mới ra giáo hóa.
Ngài Huệ Minh đuổi theo nhưng được Tổ dùng lòng từ bi để nhiếp phục và cảm hóa, Tổ khai thị: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của TT Huệ Minh”. Sư phụ giải thích đây là bài pháp đầu tiên mà Lục Tổ tuyên pháp.
Sau đó ngài ẩn tu trong đám thợ săn 15 năm, đến thời cơ, Tổ đến chùa Bửu Lâm ( nay là chùa Nam Hoa ) được thỉnh mời giảng pháp. Một sư cô xin Tổ giảng kinh Niết Bàn, Tổ bảo đọc cho Tổ nghe vì Tổ không biết chữ, Tổ chỉ cần nghe rồi giảng, thính chúng liễu nghĩa và rất khâm phục Tổ.
Sau đó Tổ đến chùa Pháp Tánh. Nơi đây Tổ giải thích cho hai vị tăng đang tranh luận về "gió động hay phướn động", Tổ đưa ra lời khuyên " không phải gió động, cũng không phải phướn động mà chính là tâm của hai vị đang động".
Đại Sư Ấn Tông nghe Tổ giải thích thấy hay quá, nhận ra Ngài là truyền nhân của Ngũ Tổ và xin Ngài cho xem Y Bát.
Đại Sư Ấn Tông làm lễ xuất gia cho Tổ và xin làm đệ tử của Tổ.
Tổ không truyền thừa Y Bát vì số người chứng ngộ nhiều.
Tổ để lại lời kệ cốt tủy :
"Tâm địa hàm chư chủng
Phổ vũ tất giai sanh
Đốn ngộ hoa tình dĩ
Bồ-đề quả tự thành ".
Dịch nghĩa:
"Đất tâm chứa các giống
Mưa khắp tất nẩy sanh
Đốn ngộ - hoa bừng nở
Bồ-đề quả tự thành".
Chỉ cần lìa ngũ dục thì hạt giống Phật là chân như tự tánh là tâm phật hiện tiền .
Sự chứng đắc của Lục Tổ làm thức tỉnh lòng người qua pháp tu “đốn ngộ”tuyệt vời và quá đơn giản, con tưởng chừng như hành giả không cần phải tu hành gì mà vẫn được giác ngộ. Nói dễ nhưng kỳ thực khi làm thì quá khó, Tổ dạy chỉ cần liễu đạt cốt tủy lời dạy của Ngài qua mấy chữ “tự tâm đốn ngộ, trực chỉ Nhơn tâm, tự tánh cụ túc, kiến tánh thành Phật”, có nghĩa là ngay mãnh đất tâm này của mình có dung chứa hạt giống Phật, cần chăm sóc, tưới tẩm 24/7 không ngừng nghỉ, không gián đoạn thì Phật quả sẽ hiện tiền. Không cần tìm cầu bên ngoài.
Người đời phải biết Tự Tu là chỉ cần lìa ngũ dục, phiền não nhiễm ô thì Hạt Giống Phật, Chân Như Tâm Phật hiện tiền.
Nếu đi tìm Phật ở ngoài Tâm, là uổng luống một đời Tu, là người đại si.
Nam mô Đệ Lục Tổ Huệ Năng Tôn Sư.
Con kính tri ơn Sư Phụ đã miên mật không ngừng nghỉ ban pháp vị nhiệm mầu cho chúng con những sự chứng đắc kỳ đặc của những đại thiền sư , giúp cho chúng con có những hành trang trên đường tu đến giải thoát.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính,
Đê tử Quảng Tịnh Tâm
( Montreal, Canada).
Tự tính cụ túc - Kiến tánh thành Phật .
Kính dâng Thầy bài thơ khi nghe pháp thoại Thầy giảng về Lục Tổ,
không hiểu sao con phải khấn nguyện Ngài và đọc lại Pháp Bảo Đàn kinh
theo như trực giác chỉ dạy mới đúc kết được bài thơ này .
Kính bạch Thầy đúng là đại Phước khi nghe lại pháp thoại
và học lại Pháp Bảo Đàn kinh ... Kính đa tạ Thầy, HH