Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lấy Khổ Làm Thầy

09/01/201314:11(Xem: 4136)
Lấy Khổ Làm Thầy

hoasen1aLẤY KHỔ LÀM THẦY

Pháp Sư Tịnh Không

Mời xem Tịnh Hạnh phẩm thứ mười một, kệ tụng đoạn lớn thứ sáu, đoạn nhỏ thứ ba: “Sở ngộ nhân vật”. Xin xem bài kệ thứ mười lăm: “Kiến khổ hạnh nhân, đương nguyện chúng sanh, y ư khổ hạnh, chí cứu cánh xứ”.

Phật pháp dạy mọi người lìa khổ được vui, điều này ai cũng đều biết. Nếu như Phật pháp dạy mọi người lìa vui được khổ thì có lẽ không có ai học. Nhưng Thế Tôn năm xưa còn tại thế, đối với người tu khổ hạnh, chữ hạnh này đọc thanh thứ tư, đọc là “hêng”, đó là động từ, tức là đặc biệt tán thán tu khổ hạnh. Vậy có mâu thuẫn với những gì Phật nói không? Xin thưa với quý vị là không mâu thuẫn. Nếu như chỉ thấy từ bên ngoài thì dường như là mâu thuẫn với pháp Phật nói, nhưng trên thực tế là bổ sung cho nhau. Khổ, lìa khổ được vui. Khổ là gì vậy? Tam đồ khổ, lục đạo khổ. Lục đạo, nói cõi người, chúng ta hiện nay ở cõi người, mọi điều nghe thấy đều cho rằng đây là cảnh giới hiện lượng, đây là sự thật. Bạn nói cõi trời, cõi trời vui. Nói địa ngục, ngạ quỷ khổ. Họ nói, chúng tôi chưa nhìn thấy, rất khó thể hội. Nhưng Phật pháp nói cho bạn biết chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Ngài nói cho bạn mười pháp giới, nói cho bạn nghe quá khứ, hiện tại, vị lai; nói rõ chân tướng của vũ trụ, vậy đã biến thành Phật pháp cao sâu, không phải là cái mà người sơ học hoặc người tri thức nông cạn có thể lĩnh hội được. Vậy tại sao Phật lại tán thán khổ hạnh? Mỗi người đều biết, bản thân chúng ta tập khí nghiệp chướng rất nặng, có ai mà không hy vọng mình tiêu nghiệp chướng, tăng trí tuệ? Điều này mọi người nhắc đến thì không có ai mà không mong muốn. Nhưng quý vị nên biết rằng, bằng lòng trải qua đời sống gian khổ thì nghiệp chướng tiêu nhanh nhất, tiêu triệt để nhất. Điều này không khó hiểu, chỉ trách bản thân chúng ta trong đời sống thường ngày sơ ý, lãng quên mất đi sự việc này.

Thế Tôn trong cõi trời người, trong ngoài tam giới, quả thực đã chứng được phước báo cứu cánh viên mãn. Chúng ta ở trong kinh đại thừa đọc thấy, tướng hảo của Phật nói không hết. Thông thường trong kinh đại thừa chúng ta xem thấy, Phật có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp. Vô lượng là cách nói khái quát, không ai có thể nói rõ ràng hết được. Nhưng ở trong kinh giáo quả thật có nói rõ ràng tường tận: “Vi trần tướng hải thân”. Trong kinh Hoa Nghiêm nói càng rõ ràng hơn, phía trước chúng ta học rồi, tướng hảo bằng số vi trần của mười cái Liên Hoa Tạng. Thông thường chúng ta xem thấy ở trong kinh là hằng hà sa số. Đây là nói nhân gian, nói đại thế giới, nói toàn bộ vũ trụ. Chúng ta thường nói tận hư không khắp pháp giới. Cái báo thân đó chính là tướng hảo bằng số vi trần của mười thế giới Liên Hoa Tạng. Chúng ta không cách gì thể hội, hằng hà sa số đã không cách gì thể hội, tướng hảo bằng số vi trần trong thế giới lại càng vô phương thể hội. Hiện nay là tướng hảo bằng số vi trần của mười cái thế giới Hoa Tạng.

Tại sao Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện trong thế gian này của chúng ta vậy? Trong cái thế giới này còn phải tu khổ hạnh. Từ khi thành đạo, 30 tuổi thị hiện thành đạo dưới cội Bồ-đề, độ cho năm tỳ kheo tại vườn Lộc Uyển, tăng đoàn được xây dựng, trải qua đời sống như thế nào vậy? Ngày ăn một bữa, tối ngủ gốc cây, ba y một bát, đây là người khổ hạnh. Phật tại sao phải làm vậy? Trước đây khi chúng tôi mới học Phật, mới xuất gia, nghi hoặc cũng rất nhiều. Lão hoà thượng dạy cho chúng tôi không nói rõ ràng, chỉ giảng cho chúng tôi, Thế Tôn ra đời vào thời đó, Ấn Độ quả đúng là đất nước của tôn giáo, môn phái tôn giáo rất nhiều, trong kinh Phật nói đó đều là môn phái nổi tiếng, có đến 96 môn phái; Người tu hành của mỗi tôn giáo đều tu khổ hạnh, cho nên nếu như Phật không thị hiện khổ hạnh, thì nhất định bị đại chúng xã hội chỉ trích, chê bai. [Mọi người] sẽ nói, anh xem phái này của họ không tu khổ hạnh, bọn họ muốn hưởng thụ, cho nên Phật cần phải thị hiện giống như những tôn giáo khác, còn khổ hạnh hơn cả họ nữa, như vậy mới có thể hấp dẫn đại chúng xã hội tôn kính, tín ngưỡng, đến tiếp nhận giáo hóa của Phật Đà.

Cách nói này cũng không phải không có đạo lý. Nhưng cách nói này vẫn rất nông cạn, là dựa vào tình hình xã hội thời đó để luận thuyết. Nhưng trên thực tế cử chỉ ngôn hạnh của Phật, cái gọi là có mật nghĩa, tức là có ý nghĩa rất sâu ở trong đó. Quả đúng là lấy mình làm gương giáo hóa chúng sanh. Cái mật ý này là gì vậy? Mật ý là bảo với chúng ta rằng, tam đồ khổ, lục đạo khổ, mười pháp giới khổ, đó đều không phải thật. Trong kinh Bát Nhã nói: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. Phàm sở hữu tướng bao gồm cả mười pháp giới, gồm cả khắp pháp giới hư không giới, mười pháp giới trong tất cả cõi nước chư Phật. Cái phạm vi này bao lớn? Tại sao phải nói đến những cõi nước chư Phật khác vậy? Vì tất cả cõi nước chư Phật đều có quan hệ với chúng ta. Có quan hệ gì vậy? Có lúc chúng ta sẽ di dân đến nơi đó. Đến khi nào di dân vậy? Cái thế giới này hoại rồi. Trong kinh Phật nói với chúng ta rất rõ ràng, cái đại thiên thế giới này có thành, trụ, hoại, không, bốn trung kiếp. Trong bốn trung kiếp này có một trung kiếp có thể cư trú được, ba kiếp khác đều không thể ở được, chỉ có trụ kiếp là ở được. Thế giới thành, vào lúc này không thể ở được, lúc vừa mới thành thì không thể ở. Hoại không ở được, cái thế giới này hoại rồi. Rất nhiều tôn giáo của chúng ta nói đến ngày tận thế. Thế giới hoại rồi, thế giới không thể ở được. Không, đương nhiên là không thể ở. Nhưng ở trong mỗi trung kiếp có 20 tiểu kiếp, thời gian rất dài. Chúng ta biết người tu thiền định, tu đến sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, thậm chí là gồm cả tứ không thiên, thọ mạng đều phải lấy kiếp để tính. Cái kiếp này là đại kiếp. Cái thế giới này hoại rồi, không rồi, nhưng thọ mạng của họ vẫn chưa hết. Bạn xem, người cõi trời phi tưởng phi phi tưởng xứ thọ mạng tám vạn đại kiếp. Bạn biết cái đó bao lâu không? Tám vạn đại kiếp là thế giới Ta Bà chúng ta thành, trụ, hoại, không tám vạn lần. Ở trong một đại kiếp có một lần thành trụ hoại không. Bạn nói thử, thọ mạng đó của họ bao lâu? Và họ đến đâu vậy? Cái thế giới này của chúng ta hoại rồi, trong kinh Phật thường nói, họ sẽ di dời đến thế giới khác, đến cõi Phật khác. Chúng ta ở đây hoại không, ở nơi đó đang thành trụ, có thể di dời đến nơi đó. Ở trong tam đồ: ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, thọ mạng của họ cũng dùng kiếp để tính. Quả báo của họ đến đâu để thọ vậy? Cái thế giới này hoại rồi, thì họ cũng đến thế giới khác. Bạn đã hiểu được, khắp pháp giới hư không giới, vô lượng vô biên cõi nước chư Phật quan hệ với chúng ta mật thiết biết bao.

Những cõi nước này đều là khu vực giáo hóa của Phật Bồ-tát. Ở nơi nào chúng sanh có cảm, Phật Bồ-tát liền đến thị hiện. Nên dùng thân gì độ được liền dùng thân ấy. Ở phần trước chúng ta vừa mới học qua, đại sư Thanh Lương khai thị cho chúng ta, chư Phật Như lai ứng hóa trong thế gian có mười loại ân đức. Đây là nêu ra đại cương, nói tường tận thì nói không hết. Cho nên làm người không thể không biết ơn. Tri ân báo ân. Trong kinh nói hay vô cùng: “Người không biết ơn thì gặp nhiều tai ương”. Trong kinh văn nói “Hoạnh tử” là không biết ơn, sau khi chết rồi chắc chắn đọa địa ngục. Không phải ngạ quỷ, súc sanh, mà chắc chắn đọa địa ngục. Cho nên vong ơn bộ nghĩa, cái tội này rất nặng. Khổ hạnh, đặc biệt là sẵn sàng bằng lòng sống đời sống nghèo mà trong sạch, công đức đó là vô lượng. Công đức từ đâu mà có vậy? Vì tất cả chúng sanh tạo nên tấm gương, cái công đức này lớn lắm. Bạn xem, có chúng sanh nào muốn chịu khổ không? Không có. Con người tại sao tạo tội nghiệp vậy? Chính là sợ khổ. Họ muốn lìa khổ được vui, nhưng họ không hiểu được đạo lý, cũng không hiểu được phương pháp. Giống như cái xã hội này có một số thanh thiếu niên, chúng ta ở bên cạnh thấy là họ tìm vui trong khổ. Sao gọi là tìm vui trong khổ vậy? Tìm kích thích, hút thuốc phiện, chích ma túy. Tại sao vậy? Họ cho rằng đây là vui. Cái vui đó chỉ là vô cùng ngắn ngủi. Được một chút vui ngắn ngủi đó, bạn phải trả cái giá biết bao đau khổ. Đây là điều vô cùng rõ ràng, vừa nói ra mọi người đều biết.

Chúng ta ở trong đời này, niệm niệm chẳng phải mong cầu lìa khổ được vui hay sao? Tìm đủ mọi cách để đạt được danh vọng lợi dưỡng, để đạt được năm dục sáu trần, chẳng phải là mong đạt được sự hưởng thụ này hay sao? Thực tế mà nói, không khác gì so với những người trẻ tuổi vô tri hút thuốc phiện kia. Tâm của bạn bất thiện, hành vi bất thiện, thủ đoạn phương pháp bất thiện, làm tất cả những việc hại người lợi mình. Trước mắt mặc dù đạt được một chút lợi nhỏ, cho dù bạn đoạt được vương vị trong thế gian, cũng là do số mạng của bạn có. Số mạng bạn không có, bạn đoạt cũng không được. Trong số mạng có, hà tất phải đoạt? Số mạng có thì chắc chắn không mất. Đó là thiện căn phước đức tu tích trong quá khứ của bạn, thì đời này dĩ nhiên bạn đạt được quả báo thôi. Bạn không biết, không hiểu được chân tướng sự thật, dốc sức dùng mưu kế của bạn, dùng thủ đoạn không bình thường giành được. Giành được thế nào? Vẫn là trong số mạng có mà. Phước số mạng có đã bị tổn giảm bớt, hao hụt rồi! Người Trung Quốc nói rất nhiều, trong số mạng của bạn có phước báo mười đời làm vua, thì trong nhà bạn nhất định xuất hiện mười hoàng đế, kế thừa từng đời. Trong nhà bạn có phước báo 100 vị đế vương, đó là bản thân tổ tiên có tích phước lớn, thì chắc chắn có 100 con cháu kế thừa, bạn phải tin như vậy. Nhưng bạn dùng thủ đoạn không đúng đắn để đoạt lấy vương vị, dùng thủ đoạn không đúng đắn để bóc lột nhân dân, thì phước báo 100 đời đó của bạn có thể chỉ còn lại 10 đời, bị tổn hao rồi! Đây là sự thật, không phải giả. Hoặc giả có, đây cũng là sự thật không phải giả. Cái phước báo trước mắt này của bạn không ở đời này, mà vào đời sau kiếp sau. Nhưng mà bạn ở trong đời này dùng thủ đoạn không đúng đắn đoạt lấy thì cũng đều đến cả. Vốn dĩ đời sau kiếp sau sẽ được phước báo lớn, hiện nay đoạt được thì biến thành phước báo nhỏ. Tức là bạn đem phước báo của mình đưa lên trước rồi, vẫn là phước báo của mình, nhưng hưởng thụ trước mất rồi. Ở trong luật nhân quả nói: “Lộc tận nhân vong”. Bạn có phước mấy trăm năm, khi bạn hưởng trước thì một đời là hưởng hết ngay. Hưởng hết rồi, bạn còn tạo tác rất nhiều tội nghiệp. Những người bạn hại kia, người ta sẽ trả thù. Số tài sản mà bạn đoạt lấy này, thời gian đã đến họ muốn đến đòi nợ. Bạn nói thử, phiền phức của bạn lớn hay nhỏ? Cho nên nhìn sự việc thật không phải đơn giản như vậy.

Hôm qua ở đây chúng ta có vị đồng tu, cũng là người làm công quả lâu năm của đạo tràng chúng ta. Hôm qua đến thăm tôi. Có oan thân trái chủ dựa vào người anh ta, anh rất đau khổ. Oan thân trái chủ bảo với anh ấy rằng, đời trước vị oan thân trái chủ này bị anh giết hại. Anh ấy hoàn toàn không phải bịa chuyện để lừa dối tôi, các bạn rất nhiều người đều nhìn thấy. Anh ấy cũng không phải người hay thích bịa đặt chuyện. Vị oan gia này là đến đòi mạng, nhưng anh ấy đời này học Phật rất nhiều năm, tâm địa rất lương thiện. Con quỷ này cũng rất hiếm có, thấy anh ấy như vậy nên không nhẫn tâm ra tay. Vấn đề hiện nay là nó ở trong thân anh ấy, nó ra không được. Sự việc này trước đây chúng tôi cũng đã từng gặp mấy lần rồi. Chúng tôi biết rõ, sau khi vào rồi họ ra không được, rất muốn tu hành. Đến hỏi tôi, mong tôi giới thiệu một nơi để họ đi tu hành. Tôi giới thiệu họ đến núi Đông Thiên Mục, họ rất hoan hỷ. [Chuyện này] không phải giả. Oan có đầu, nợ có chủ. Một người ở trong đời này làm người ở thế gian này, bất kể bạn ở thân phận nào, bất kể ở địa vị nào, bất kể sống cuộc sống như thế nào, cũng phải thật thà, dứt khoát không được hại chúng sanh. Không phải nói là không được hại người, mà súc sanh cũng không được hại, cũng không nên phá hoại môi trường tự nhiên.

Kinh Hoa Nghiêm phần trước chúng ta đã học, có thần núi, thần đất, thần sông, thần biển, thần cây, thần thảo mộc, thần mùa màng v.v… Chúng ta học rất nhiều rồi. Núi sông đất đai, những cỏ cây rừng rậm này có chủ không vậy? Có. Quỷ thần đang làm chủ. Nếu chúng ta dùng cái cây gỗ này, trong giới kinh Phật dạy người xuất gia, người xuất gia ở nơi sơn dã, nếu muốn đốn mấy cây gỗ để làm thảo am thì cũng được, nhưng phải làm thế nào vậy? Trước đó ba hôm, bạn đã chọn những cây nào rồi thì bạn phải cúng tế họ, cúng tế thần cây. Cúng dường, tụng kinh, trì chú, tiến hành đàm phán với thần cây, tôi bất đắc dĩ phải cất ngôi thảo am tại đây để tu hành, nên cần vật liệu này, xin họ dời nhà. Quí vị phải hiểu rằng, thần cây không phải cái cây đó đã thành thần, mà do quỷ thần nương tựa vào cái cây này cho là nhà của họ, họ ở trong đó. Xin họ dời nhà, đây là như pháp. Không đắc tội với họ, họ nhất định sẽ đi. Chúng tôi hiểu được đạo lý này, cho nên mấy năm trước, ba năm trước, chúng tôi đã mua một giáo đường tại Toowomba Úc Châu, mấy ngôi nhà cạnh đó cũng mua luôn. Có một ngôi nhà rất cũ kỹ, chúng tôi liền phá ra sửa lại. Ngay cửa có hai cây đại thụ, chúng tôi cũng trước đó ba ngày cúng tế thần cây này. Sau khi cúng tế xong, trong đồng tu chúng tôi có một đồng tu tối đến nằm mộng thấy thần cây đến tìm. Nói rằng những người xuất gia chúng tôi đây, sau này cúng tế xin họ dời nhà thì phải làm sớm hơn trước đó bảy ngày. Họ nói thời gian ba ngày quá ngắn, họ vẫn phải dọn nhà thôi, nhưng rất gấp gáp, yêu cầu chúng tôi bảy ngày. Chúng tôi nghe xong những thông tin này, nghĩ là rất có đạo lý. Tại sao vậy? Tập khí của người Úc Châu, tất cả mọi động tác đều vô cùng chậm chạp. Không giống như người chúng ta bên này, làm việc coi trọng hiệu suất, động tác đều rất nhanh. Người Úc Châu quả thật giống như con gấu túi vậy, họ không coi trọng hiệu suất. Quả thật là bất kể làm việc gì cũng đều chậm chạp! Bạn giao tế với họ phải thật nhẫn nại. Cho nên quỷ thần ở Úc Châu, thần cây cũng giống như người Úc vậy, nói ba ngày không được, phải bảy ngày, chúng tôi liền hiểu ngay. Sau này, đương nhiên hiện nay chúng tôi ở Úc Châu, việc xây dựng cũng thường xảy ra. Sau này nếu cần những vật liệu này, thì chúng tôi biết rồi, trước đó bảy ngày phải cúng tế họ. Chuyện này không hề giả dối.

Nhà Phật không bái quỷ thần. Bái ở đây không phải giống như trong tôn giáo, đem quỷ thần xem như thượng đế, xem như là chủ tể, nhà Phật là không như vậy. Ở trong nhà Phật lạy quỷ thần, quỷ thần là chúng sanh, quỷ thần là bạn của chúng ta, hai bên chúng ta sống chung với nhau cũng cần qua lại tôn trọng lễ nghĩa. Họ không phải chủ tể. Điều này so với ý nghĩa của tôn giáo khác nhau rất xa. Cho nên chúng ta làm những việc Phật sự siêu độ này là để khuyên họ, chúng ta hãy cùng nhau cộng tu. Mục tiêu của Tịnh Tông chúng ta là cầu sanh Tịnh-độ, chúng ta cộng tu, cùng nhau phát nguyện cầu sanh Tịnh-độ.

Tịnh-độ có hay không? Thế Tôn ở thế giới này của chúng ta đã giới thiệu cho chúng ta, đặc biệt đối với người căn tánh trung hạ mà nói là có, chắc chắn có. Bạn chấp trước có, bạn mới có thể vãng sanh. Nếu như bạn chấp trước nó không có thì bạn không thể vãng sanh. Nếu như Phật đối với người căn tánh bậc thượng thượng mà nói, là nói khác so với chúng ta rồi. Thượng thượng căn thì Phật nói như thế nào vậy? Tịnh-độ có hay không? Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Tịnh-độ có, thế giới Cực-lạc có, Phật A Di Đà có. Tại sao có vậy? Là tâm hiện thức biến của chính bạn, không lìa tâm thức, đây gọi là chân tánh. Sao gọi là người căn tánh thượng thượng vậy? Phân biệt, chấp trước buông xả rồi, gọi là người căn tánh thượng thượng. Phân biệt, chấp trước chưa buông xả là người căn tánh trung hạ. Người căn tánh trung hạ vãng sanh Tịnh-độ mang theo nghiệp vãng sanh. Pháp môn này rất đặc thù. Cho nên Ngẫu Ích đại sư, ngài là người siêu việt, thị hiện cho chúng ta thấy, làm nên tấm gương cho chúng ta thấy, quy y pháp môn Tịnh-độ, đã lấy biệt hiệu là Tây Hữu Đạo Nhân. Tây là tây phương, Hữu là hữu trong hữu vô, là trực tiếp rõ ràng dạy cho chúng ta Tây Phương có thật, gọi là Tây Hữu Đạo Nhân. Bạn thấy ngài chú giải Kinh Di Đà (Di Đà yếu giải), phân lượng của chú giải không nhiều. Trong phần lời tựa ngài viết rất rõ ràng là bảy ngày viết xong. Cận đại pháp sư Viên Anh có Giảng Nghĩa, pháp sư Bảo Tĩnh có Thân Văn Ký đều là chú giải của Yếu giải. Chúng tôi trước đây cũng đã giảng tường tận. Lão cư sĩ Lưu Thừa Phó đã viết ra một bản giảng ký từ trong băng ghi âm.

Quyển sách Yếu Giải này được đại sư Ấn Quang tán thán hết mức. Ở trong Văn Sao, Ấn tổ nói: “Cho dù là cổ Phật tái lai chú giải cho kinh A Di Đà cũng không thể vượt hơn quyển Yếu Giải này. Đây là tán thán đến cùng tột, không cách gì tán dương hơn nữa. Năm xưa, pháp sư Diễn Bồi đem vấn đề này đến hỏi tôi. Tôi là người tu Tịnh-độ Di Đà, ông là người tu Tịnh-độ Di Lặc. Ông cầu vãng sanh về nội viện Đâu Suất. Ông hỏi tôi: “Lời của Ấn Tổ nói như vậy có phải là hơi quá hay không?”. Đây cũng là vị đại pháp sư giảng kinh. Tôi liền bảo với ông ấy, lời Ấn Tổ nói không hề quá tí nào cả! Nói quả thật, lời ngài nói là hoàn toàn chính xác. Hiện nay chúng ta biết, Ấn Quang đại sư là Bồ-tát Đại Thế Chí của thế giới Tây Phương tái lai. Bồ-tát Đại Thế Chí tán thán về ngài như vậy, thì người này là ai vậy? Nhưng Ngẫu Ích đại sư, cả đời ngài không tiết lộ thân phận. Chúng ta nhìn thấy Bồ-tát đại Thế Chí đã tán thán như vậy, ở trong tưởng tượng của chúng ta, nếu như ngài không phải là Phật A Di Đà tái lai, thì chắc chắn là Bồ-tát Quán Thế Âm tái lai mới có thể chú giải hay và thấu triệt như vậy. Văn tự không nhiều, từng câu từng chữ quả thật là ý của Phật A Di Đà, là ý của Phật Thích Ca Mâu Ni, đâu phải người bình thường mà có thể nói ra được như vậy. Ngẫu Ích đại sư, bạn thấy khiêm tốn như vậy, cũng được xem là khổ hạnh tăng. Ngài vì chúng ta mà thị hiện, làm nên tấm gương cho chúng sanh thời mạt pháp chúng ta thấy. Ngài trì giới niệm Phật. Ngẫu Ích đại sư vào đương thời, mọi người cũng thường xưng ngài là luật sư, ngài đối với giới luật hạ công phu rất sâu. Giống Hoằng Nhất đại sư những năm đầu Dân Quốc. Hoằng Nhất đại sư trong giới luật cũng đã hạ công phu rất sâu. Đây đều là làm cho chúng ta thấy.

Trì giới niệm Phật, bạn mới thật sự có thể vãng sanh. Phật dạy mọi người, người căn tánh trung hạ nghiêng về mặt sự tướng, người căn tánh thượng thượng nghiêng về mặt lý tánh. Nhưng tánh tướng nhất như, lý sự không hai. Đây là điều mà chúng ta cần phải hiểu. Lý tuy hiểu rõ, nhưng sự không được hủy bỏ. Nếu như chấp trước vào lý mà bỏ sự, thì đó là sai lầm lớn rồi, còn không bằng một người không rõ lý nhưng chuyên tâm chú trọng về mặt sự tướng, cõi phàm thánh đồng cư họ thật sự có phần. Nếu như chấp trước vào lý, hủy bỏ tu sự, thì cõi phàm thánh đồng cư cũng không có phần. Bạn biết về lý hoàn toàn không thấu triệt. Thấu triệt là kiến tánh rồi, đến khi đó thật sự vấn đề gì cũng giải quyết được. Lý chỉ hiểu rõ một số, không thấu đáo, vậy thì vô ích. Lý phải đến khi nào mới thấu đáo vậy? Thấu đáo rồi lại phải như thế nào nữa? Điều này không thể không biết. Tại sao vậy? Bạn thường hay hồi quan phản chiếu, khám nghiệm chính mình, ta rốt cuộc đã thấu đáo hay chưa? Thật sự thấu rồi, thì một nghe ngàn ngộ, một ngộ tất cả ngộ. Đến lúc nào bạn thật sự khai ngộ rồi, lúc đó giống như đại sư Huệ Năng tổ thứ sáu Thiền tông vậy, tất cả mọi kinh điển bạn thảy đều thông hết.

Chúng ta biết đại sư Huệ Năng không biết chữ, chưa từng học qua kinh giáo. Bạn thử xem, Tỳ kheo ni Vô Tận Tạng thọ trì kinh Niết Bàn mấy chục năm, ngày ngày đọc tụng, đọc tụng rất thuộc, nhưng không khai ngộ. Bà thỉnh giáo ngài Huệ Năng, lúc đó đại sư huệ Năng vẫn còn tướng tại gia, chưa có thị hiện tướng xuất gia, tỳ kheo ni kia là người xuất gia. Đại sư Lục tổ Huệ Năng ở Hoàng Mai chỉ là anh chàng giã gạo dưới nhà bếp. Chúng ta hiện nay nói, ông ấy làm công quả, không phải người xuất gia. Nhưng tổ sư truyền y bát cho ngài. Tỳ kheo ni Vô Tận Tạng hoàn toàn không biết, chỉ cảm thấy người này rất hiểu Phật pháp, nói ra rất có đạo lý, nên cảm phục năm vóc sát đất, liền đem kinh Niết Bàn ra thỉnh giáo ngài. Đại sư Huệ Năng bèn bảo cô, cô đọc đi, đọc cho tôi nghe. Cô đọc, sau khi đọc xong, thì đại sư Huệ Năng giảng giải cho cô, cô liền khai ngộ. Nếu như bạn có năng lực này, là chứng minh bạn đã thật sự khai ngộ. Tất cả pháp thế xuất thế gian, không có gì mà không thông đạt. Nếu như chưa đến trình độ này, thì thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, phải tin rằng Tịnh-độ có thật, trong đời này bạn mới không đến nỗi luống qua.

Những tướng lành vãng sanh, ở trong đời này tôi đã thấy qua mấy người rồi. Đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, lâm chung không hề bị bệnh, biết rõ giờ đi. Hôm kia còn có một lão cư sĩ đến từ phương bắc, kể với tôi rằng chồng của bà vãng sanh, 78 tuổi biết rõ giờ đi, không hề bị bệnh, nói đi liền đi ngay, chính mắt bà nhìn thấy. Bây giờ tín tâm phát sinh rồi, bảo với tôi bà còn một số việc chưa buông xả được. Tôi bảo với bà, buông xả đi, tất cả thế xuất thế gian này toàn là giả. Một người có thể vãng sanh được hay không, mấu chốt là họ có buông xả được hay không?Quả như thật sự buông xả, thì niệm Phật chắc chắn vãng sanh. Bà nói ngày đó chồng bà vãng sanh, lại còn kéo bà theo, nói với bà là nhìn thấy hai bên đường toàn là hoa sen. Chồng bà nói với bà nhưng bà không thấy, chồng bà nhìn thấy. Khoảng chừng sau một vài giờ ông ấy liền vãng sanh. Chúng tôi tận mắt trông thấy, chính tai mình nghe chuyện này rất nhiều, không phải là giả, cho nên chúng ta đối với tất cả kinh luận triển khai còn có nghi hoặc. Vẫn chưa thể thông đạt hiểu rõ là chưa ngộ. Thông thường nói ngộ là tiểu ngộ, không phải đại triệt đại ngộ. Tiểu ngộ, đại ngộ đều vô ích. Tại sao vậy? Không thể dứt sanh tử, không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi. Người đại triệt đại ngộ có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi đi về đâu vậy? Đến pháp giới bốn thánh, không phải đến thế giới Cực-lạc, điều này cần phải hiểu. Chúng ta ngày nay nói mỗi ngày có chỗ ngộ là tiểu ngộ. Cổ đức thường nói, tích tiểu ngộ thành đại ngộ. Việc chúng ta làm hiện nay là cái công phu này. Tích đại ngộ thành triệt ngộ, đây không phải là việc dễ dàng. Trong một vạn người, có lẽ cũng tìm không được một người. Cần phải làm.

Mấu chốt của ngộ hay không, xin thưa với quí vị, khổ hạnh là nhân tố rất quan trọng.Tại sao vậy? Người bằng lòng cam chịu sống đời sống nghèo khổ thì dục vọng sẽ không còn. Trong phiền não điều nghiêm trọng nhất là ái dục, cái thứ này khó đoạn. Bằng lòng cam chịu sống đời sống nghèo khổ thì tập khí ái dục sẽ nhạt bớt, đây là việc tốt. Cho nên Thế Tôn năm xưa còn tại thế đã thị hiện cho chúng ta thấy. Bạn hãy thử xem thánh hiền thế gian, ở Trung Quốc, bạn thấy Khổng Tử, thấy Mạnh Tử, bạn thấy Nhan Hồi - một học trò của Khổng Tử, đây là người mà Phu Tử thường hay tán thán. Nhan Hồi là một vị tăng khổ hạnh, ăn uống đạm bạc, trải qua đời sống nghèo khổ nhất. Hiện nay trên thế gian này, một số ít, chứ không nhiều, là người tu hành chân chánh. Họ ở trên núi, không xuống núi, ở lều cỏ, tự mình trồng một ít rau xanh ở bên lều cỏ, ngày ăn một bữa, đâu có thức ăn gì ngon đâu! Nhưng mà họ rất trường thọ, rất khỏe mạnh.

Bạn thấy cụ Hứa Triết ở Singapore, năm nay 106 tuổi. Lúc cụ 101 tuổi đến chỗ tôi để làm lễ quy y. Ngày ăn một bữa, bà ăn rau sống, một chút ít cơm, không có dầu, không có muối, không có đường, gia vị gì bà cũng không ăn, rau sống bà luộc sơ qua, là sống được một ngày. Bà đã sống mấy chục năm, thân thể vô cùng khỏe mạnh, thị hiện cho chúng ta thấy. Nghe nói hai ngày nay bà đã đi Thượng Hải rồi. 106 tuổi vẫn còn đi khắp nơi. Bạn thấy, bà cả đời chăm sóc hơn 20 người già. Trên thực tế những người già đó đều mới bảy, tám mươi tuổi, bản thân bà 106 tuổi, chăm sóc người già bảy, tám mươi tuổi, chăm sóc hơn 20 người. Cho nên chính bà nói với mọi người, bà là người thanh niên 106 tuổi.

Người thế gian chúng ta vừa sợ cái này không đủ dinh dưỡng, lại sợ cái kia không đủ dinh dưỡng, kết quả thế nào vậy? Kết quả thật sự thiếu toàn bộ. Tại sao vậy? Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Bạn thường hay nghĩ nó không đủ, thì nó làm sao đủ được! Như bà Hứa Triết, như Thế Tôn và những đệ tử của ngài chẳng nghĩ gì cả. Chẳng nghĩ gì cả mà cái gì cũng đủ cả, chẳng có vấn đề gì cả. Điều này chúng ta không thể không biết. Cho nên thấy người khổ hạnh thì tự nhiên Bồ-tát phát sinh ra đại nguyện, hy vọng vĩnh viễn nương vào khổ hạnh tự hành hóa tha, đến chỗ cứu cánh. Chỗ cứu cách của chúng ta chính là vãng sanh Tịnh-độ, đây là chỗ cứu cánh của chúng ta. Sau khi đến Tịnh-độ rồi, chắc chắn một đời chứng vô thượng Bồ-đề, sẽ không có đời thứ hai nữa, một đời thành tựu.

Tiếp theo xin xem bài kệ thứ mười sáu phía sau: “Kiến tháo hạnh nhân, đương nguyện chúng sanh, kiên trì chí hạnh, bất xả Phật đạo”.

Bài kệ này cũng là ở trên đường, trước đây nói trì bát, trên đường có thể gặp được người, đây là người như thế nào vậy? Là người kiên trì giới luật, có phẩm hạnh, thông thường chúng ta nói nghiêm trì giới luật. Trên đường nhìn thấy rồi, phát sinh đại nguyện: “Đương nguyện chúng sanh, kiên trì chí hạnh”. Chí là chí hướng, hạnh là hành vi. Bất xả Phật đạo, chí ở làm Phật. Hay nói cách khác, tâm của chúng ta, lời nói của chúng ta, thân của chúng ta, thân ngữ ý nhất định phải giống Phật. Tâm của Phật là thiền, lời nói của Phật là giáo, thân của Phật là giới luật, cho nên thiền, giáo, giới chính là Phật đạo, từng giây từng phút không được lơi lỏng. Người như vậy làm gì mà không thành tựu? Không những thành tựu, hơn nữa chắc chắn là một đời thành tựu, sẽ không đợi đến đời sau kiếp sau. Phàm là người còn mong kéo đến đời sau kiếp sau, đều là người trong đời này chí nguyện tu hành không kiên cố, mới đem ngày tháng của đời này hoang phí, thậm chí là sống vô tích sự. Đây là một sự việc vô cùng đáng tiếc. Chúng ta có muốn thành tựu trong đời này hay không? Bài kệ này là mấu chốt.

Phần trước dạy chúng ta phải nương vào khổ hạnh. Thế Tôn năm xưa trước khi nhập diệt, giáo giới đệ tử, vì ngài A Nan có thỉnh giáo Phật Thích Ca Mâu Ni là khi Phật còn trụ thế, mọi người chúng con tôn Phật làm thầy, vậy sau khi Phật nhập bát Niết-bàn, chúng con lấy ai làm thầy đây? Phật đã trả lời hai câu: “Lấy khổ làm thầy, lấy giới làm thầy”. Chỉ cần bạn có thể không bỏ khổ hạnh, kiên trì giới luật, thì không khác gì khi Phật còn tại thế. Cho nên Phật cả đời thị hiện khổ hạnh cho chúng ta thấy. Dù cho quốc vương đại thần, trưởng giả cư sĩ quy y cúng dường, Phật vẫn cứ trì bát, vẫn cứ ba y một bát. Cúng dường vườn cây, tinh xá chỉ là dùng vào việc giảng kinh dạy học mà thôi, quyết định không có lấy nó làm tài sản riêng của mình. Phật thật sự đã xuất gia rồi. Người xuất gia nếu như còn có tài sản, vậy đâu phải là xuất gia. Từ đó suy ra, bạn ra khỏi ngôi nhà nhỏ của bạn (cái nhà đó của bạn, đất đai, nhà cửa của bạn không được lớn), ra khỏi ngôi nhà nhỏ, vào ngôi nhà lớn, trụ trì một tự viện, thì cái tự viện kia liền biến thành nhà của bạn. Diện tích đất, chánh điện phòng ốc lớn hơn nhiều so với nhà của bạn rồi, bạn lại vào nhà lớn rồi. Nhà nhỏ làm chướng ngại bạn liễu sanh tử, xuất tam giới, thì nhà lớn càng khỏi phải nói nữa! Điểm này chúng ta cần thấy rõ, tức là phải thấy rõ ràng.

Phật Thích Ca Mâu Ni chính bản thân ngài làm như thế nào thì chúng ta phải học tập theo ngài. Thời đó quốc vương đại thần, trưởng giả cư sĩ cúng dường đủ thứ, nhưng Phật một mảy may cũng không nhận, chỉ là mượn cái nơi này của họ, dùng cách nói hiện nay của chúng ta mà nói là lập lớp dạy học. Bạn cung cấp một địa điểm, rất tốt, chúng tôi liền làm ngay tại địa điểm này của bạn. Giảng xong rồi, cái giáo trình này giảng xong rồi liền đi ngay, dứt khoát không có lưu luyến, cho nên chúng ta ngày nay gọi nó là lập lớp dạy học thì mọi người sẽ dễ hiểu. Có một số nơi Phật chỉ giảng một bộ kinh, chúng ta ngày nay nói là một đơn vị. Có một số nơi Phật đã giảng gần mấy bộ kinh, như vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, có lẽ là nơi giảng kinh nhiều nhất ở trong những nơi được giảng, ngài đã giảng mười mấy bộ kinh tại nơi này. Tại núi Linh Thứu, núi Linh Thứu không có phòng ốc, dưới gốc cây lớn, các học trò vây quanh Phật Thích Ca Mâu Ni để nghe giảng, không có bàn ghế, đều là ngồi dưới đất cả. Lập lớp dạy học như vậy, đó là thời gian dài nhất trong cuộc đời Thế Tôn. Có tinh xá, có phòng ốc đó là người khác cung cấp, cái đó rất ít. Phật không hề có mảy may lưu luyến, ngài tùy duyên, sao cũng tốt, không có gì là không tốt. Ở trong đây có đạo lý rất sâu! Ở trong kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Nếu chuyển được cảnh thì đồng Như Lai”. Phật ở bất kỳ nơi nào, cảnh giới đó đều là cảnh giới Phật. Ở nơi hoang vắng thì mọi người ngồi dưới đất, Phật giảng kinh thuyết pháp tại nơi đó. Mùa đông có lạnh không vậy? Mùa hạ có nóng không vậy? Ấn Độ, chúng ta biết là xứ nhiệt đới, không có mùa đông, cho nên ba y một bát là đủ rồi. Có gặp mưa gió bão bùng không vậy? Cái này chúng ta tin, Phật ở nơi đó dạy học, ngoài những đại chúng, thính chúng mà mắt thường của chúng ta có thể nhìn thấy này ra, còn có những dạng khác mà mắt thường chúng ta không nhìn thấy, nhưng Tu-đà-hoàn trở lên đều có thể nhìn thấy. Tu-đà-hoàn là sơ quả của tiểu thừa, công phu đoạn chứng của họ so với quả vị Bồ-tát sơ tín mà trong kinh Hoa Nghiêm đại thừa nói là tương đồng. Lục thông họ chứng được hai cái là thiên nhãn thông và thiên nhĩ thông. Hay nói cách khác, họ có thể nhìn thấy thiên long quỷ thần cũng vây quanh Phật Thích Ca Mâu Ni để nghe kinh. Có nhiều thiên long quỷ thần như vậy, thì chắc chắn mưa thuận gió hòa, hiện nay nói là khí hậu tốt nhất. Bất kể Phật đến nơi đâu, đất đai sông núi bạn nhìn thấy đều là vô cùng tốt lành, vô cùng hòa thuận, không có gió mưa, không có chướng ngại. Điều này chúng ta có thể tưởng tượng được. Tại sao vậy? Những người đến nghe kinh này đều là người thiện. Trong kinh nói là thiện nam tử, thiện nữ nhân, họ không tạo tội nghiệp.

Không chỉ là Phật nói với chúng ta tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, mà hiện nay tiến sĩ Giang Bản Thắng của Nhật Bản đã làm thực nghiệm về nước, để chúng ta từ trong phương pháp khoa học hiểu rõ, cảnh giới bên ngoài đúng là tùy theo ý niệm của chúng ta mà chuyển đổi. Chúng ta có ý niệm tốt, niệm thiện, thì đất đai núi sông tất cả vạn vật, không có vật gì là không thiện. Nếu như ý niệm của chúng ta bất thiện, vậy thì chẳng có thứ gì là thiện cả. Trước đây Phật đã nói, hiện nay nhà khoa học chứng minh ra được, có thể không tin không? Đáng để chúng ta tư duy thật kỹ. Những người tu hành này, người thật sự có phẩm hạnh, tôi tin tưởng mục tiêu tu học của họ là phải trong một đời này đạt được thành tựu. Thành tựu chính là Phật đạo. Phật đạo là gì vậy? Chúng tôi trong các buổi giảng đã từng báo cáo với quí vị rồi, buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước liền thành Phật. Cho dù vọng tưởng buông chưa được, nhưng phân biệt chấp trước buông được rồi thì là Bồ-tát. Phân biệt cũng không cách gì buông xả, chấp trước buông được rồi cũng hiếm có, chứng A-la-hán. Cho nên Phật, Bồ-tát, A-la-hán do người tạo nên. Làm sao biết vậy? Trong kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như lai, nhưng do vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc”. Lời nói này nói rõ ràng biết bao! Chỉ cần chúng ta đem vọng tưởng phân biệt chấp trước vứt bỏ, buông xả, thì trí tuệ đức tướng Như lai hiện tiền, bạn liền thành Phật ngay. Cho nên mấu chốt là bạn có buông xả được hay không?

Bạn thật sự phát tâm tu, bạn có kiên trì chí hạnh hay không? Mấu chốt ở kiên trì. Kiên là kiên quyết, trì là gìn giữ, không một giây phút nào để bị mất. Chí, dùng cách nói hiện nay, là nguyện vọng của bạn. Hạnh là hành vi của ba nghiệp. Chí tại Phật đạo. Phật đạo là trí tuệ cứu cách viên mãn. Trí tuệ cứu cánh viên mãn không có từ bên ngoài, mà tự tánh vốn đầy đủ. Tự tánh có được từ đâu vậy? Tự tánh có được từ đại định. Cái danh từ đại định này, ở trong kinh Lăng Nghiêm gọi là “Thủ Lăng Nghiêm đại định”. Thủ Lăng Nghiêm đại định là tự tánh vốn định, không phải có từ bên ngoài. Bản tánh của bạn vốn dĩ định, hiện tại cũng không hề động. Cái dao động hiện nay là gì vậy? Cái dao động không phải tự tánh. Là gì vậy? Là vô minh, là vọng tưởng, là phân biệt, là chấp trước, cái thứ này là động, nó hoàn toàn không ở trạng thái tĩnh. Tập khí phiền não là động. Tại sao vậy? Nó là từ vô minh biến hiện ra. Vô minh là động. Nhưng minh, minh là bất động. Minh là chiếu, chiếu kiến, chiếu kiến là bất động. Cũng giống như nước vậy, chúng ta đi du lịch, nhìn thấy mặt hồ tĩnh lặng, ở sông không nhìn thấy hiện tượng này, hồ và ao đầm sẽ thấy hiện tượng này. Hai tuần trước đây, tôi có một cơ duyên đến Lệ Giang Vân Nam ở hai ngày. Ở Lệ Giang nhìn thấy hồ trong sạch không bị ô nhiễm, mặt hồ bằng phẳng không có sóng giống như mặt gương vậy. Núi Ngọc Long Tuyết soi bóng xuống mặt hồ giống như soi hình trong gương vậy, trong vắt như gương. Chiếu kiến. Tâm của chúng ta vốn dĩ là thanh tịnh, vốn dĩ là bình đẳng, vốn dĩ là giác ngộ, nói với quí vị lần nữa, vốn dĩ là từ bi, xưa nay chưa hề dao động, chưa hề bị ô nhiễm. Đó là chân tâm của chúng ta, đó chính là Phật đạo. Chúng ta ngày nay tại sao biến ra như thế này vậy? Ở trong kinh Phật thường nói, không giữ tự tánh. Vào lúc nào không giữ tự tánh vậy? Chính là hiện tiền. Hiện tiền bạn có vọng niệm (vọng niệm chính là vọng tưởng), bạn có phân biệt, bạn có chấp trước, bạn có phiền não, bạn có tập khí. Đây thảy đều do không giữ tự tánh biến hiện ra vậy. Ở trong tự tánh vốn dĩ không có những cái thứ này.

Phật rất vất vả chỉ dạy chúng ta. Dạy điều gì vậy? Dạy chúng ta quay đầu. Đúng như ở trong kinh Lăng Nghiêm nói, nói thật quá hay, đơn giản rõ ràng, người tu hành làm sao thành Phật vậy? Một mấu chốt quan trọng nhất là lấy tâm không sinh diệt làm tu nhân, vậy là thành công ngay.Phàm phu tu hành tại sao không thể thành tựu vậy? Là họ dùng tâm sanh diệt làm gốc tu nhân, cho nên tu vô lượng kiếp cũng không thể thành tựu. Lời nói này nói quá rõ ràng, quá minh bạch. Đây cũng tức là nói rõ, bạn tu hành, nếu bạn không có xả bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thế thì bạn tu vô lượng kiếp, ba đại A-tăng-kỳ kiếp, bạn cũng không thể thành tựu. Nếu như bạn dùng tâm không sinh diệt làm nhân của bạn, nhân tu hành, thì trong đời này bạn liền thành vô thượng Bồ-đề, bạn thành công rồi. Đây chính là điều mà Giao Quang đại sư ở trong Lăng Nghiêm Chánh Mạch nêu ra. Tu hành kinh Lăng Nghiêm, điều quan trọng nhất là bỏ thức dùng căn.Thức là gì vậy? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là thức. Căn là gì vậy? Tánh ở trong căn, lục căn gồm nhãn căn, tánh thấy ở trong nhãn căn, tánh nghe ở trong nhĩ căn, tánh ngửi ở trong tỷ căn, tánh nếm ở trong thiệt căn. Tánh không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, nhưng thức thì có. Cho nên, chúng ta ngày nay, nhìn chung người tu hành phàm phu, dùng cái gì để thấy vậy? Dùng nhãn thức để thấy, dùng nhĩ thức để nghe, dùng tỷ thức để ngửi, dùng thiệt thức để nếm, trong đây liền có phân biệt, chấp trước. Nếu như xoay trở lại chúng ta dùng tánh ở trong căn, dùng tánh toàn là chiếu kiến. Dùng tánh để thấy, thấy bằng tánh thấy, dùng tánh nghe để nghe, dùng tánh ngửi để ngửi, dùng tánh nếm để nếm, thì người này liền thành Phật ngay. Bạn thử xem sự khác biệt giữa chúng sanh và Phật, trong Lăng Nghiêm nói quá rõ ràng, quá minh bạch. Bạn có thể buông xả tâm ý thức; tâm là vọng tưởng, ý là chấp trước, thức là phân biệt, đem tâm ý thức buông xả, không dùng tâm ý thức, tức là không dùng vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chỉ cần buông xả cái này thì cái dụng lục căn của bạn chính là tánh, chính là kiến tánh. Tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm là tánh không phải thức. Cảnh giới bên ngoài thay đổi, đúng là tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Mắt bạn thấy sắc ở bên ngoài là gì vậy? Là sắc tánh, không phải sắc trần. Nhãn thức thấy sắc trần, còn tánh thấy thấy sắc tánh. Thấy sắc tánh, nghe thanh tánh bèn gọi là minh tâm kiến tánh. Tông môn nói rất hay, kiến tánh thành Phật.

Phật dạy mọi người, quả thật mà nói, chẳng hề che giấu. Cổ nhân Trung Quốc chúng ta nói là dốc hết bầu tâm sự, không hề mảy may che giấu, toàn bộ trao hết cho bạn. Bạn có muốn tiếp nhận hay không? Bạn có thể hội được hay không? Bạn thật sự nghe hiểu, thể hội được rồi, ý niệm vừa chuyển, thì phàm phu liền thành Phật. Cho nên phàm thánh quả thực chỉ trong khoảng một niệm. Chuyển không được, đây chính là nói tập khí quá nặng, phiền não quá sâu. Nhưng những lời chỉ giáo này, chúng ta nghe rồi, học rồi, giống như tia chớp vậy. Tuy là rất ngắn ngủi, đây là một niệm sáng tánh, sáng tánh thoạt hiện, giống như tia chớp vậy. Hiếm có! Xưa nay chưa từng lóe sáng bao giờ, bây giờ lóe sáng được một lần, hy vọng về sau sáng được nhiều lần, dần dần dày thêm, từ lóe sáng biến thành thường sáng, bạn đã thành tựu rồi. Làm thế nào mới có thể giúp mình nâng cao? Đem lóe sáng nâng lên thành thường sáng. Kiên trì chí hạnh, điều này rất quan trọng. Nói rõ thêm cho bạn một chút, kiên trì khổ hạnh, kiên trì trì giới, bạn không bắt tay từ chỗ này thì cái kiên trì đó của bạn là hữu danh vô thực. Bắt đầu từ chỗ nào vậy?

Hiện nay tôi khuyên đồng tu bắt đầu từ Đệ Tử Quy, bắt đầu từ Cảm Ứng Thiên, bắt đầu từ Thập Thiện Nghiệp, cơ sở của ba nhà Nho, Thích, Đạo. Bạn không bắt đầu từ chỗ này thì làm không được. Chỗ bắt đầu phải dễ dàng nhất, không nên quá khó. Từ dễ đến khó, từ cạn đến sâu, tuần tự tiệm tiến, vậy là thành công ngay. Cho nên tóm lại phải hiểu được cái gốc của Nho Thích Đạo. Ba cái này là cái gốc của Nho Thích Đạo, bản thân nhất định phải làm tốt thì bạn mới đi dạy người khác.

Có một số người mới nghe rất hoan hỷ, nhưng nghe được một tháng, hai tháng, họ bèn thoái tâm. Một năm, hai năm thì họ không đến nữa. Người xưa bảo là học Phật một năm thì Phật ở trước mắt, học Phật hai năm thì Phật ở trên trời, học Phật ba năm thì Phật hóa hành mây khói, không còn nữa, trở thành kẻ sành đời. Hiện tượng này trong xã hội ngày nay là vô cùng phổ biến, là hiện tượng thường thấy. Làm thế nào đây? Hồi quang phản chiếu. Tổ tiên chỉ dạy chúng ta: “Làm không thành công thì phải xem lại mình”. Tại sao những người nghe này lại bỏ đi mất vậy? Vừa mới nghe mấy ngày thì hoan hỷ quá chừng, thấy cảm động đến rơi lệ, dần dần thì bỏ đi hết là bản thân ta chưa làm được. Tại sao thời xưa vua Nghiêu, vua Thuấn, những người họ dạy đó, cả đời cũng không bỏ đi, hằng ngày đi theo, hằng ngày không bỏ vậy? Phật Thích Ca Mâu Ni dạy học, đệ tử thường theo có đến 1255 người, cả đời cũng không rời bỏ, đều không hề bỏ đi. Nguyên nhân gì vậy? Bản thân đã làm được rồi. Cho nên ngày nay dạy học, điều đầu tiên bản thân bạn phải nhận biết, là chúng sanh bản tánh vốn thiện, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Trước tiên bạn phải nhận biết điểm này. Bạn không được nói họ không có thiện căn, họ không có phước báo. Nghe được mấy ngày thì không đến nữa, không có thiện căn. Sai rồi! Bạn suốt đời sẽ không thành công. Bạn làm sao trách người ta được? Bạn phải nghĩ bản thân mình tu chưa được tốt, bản thân mình giảng chưa được hay, cho nên khiến người ta bỏ đi.

Một bộ kinh, cùng là một bộ kinh, ví dụ một bộ kinh Di Đà, giảng một lần đương nhiên rất mới mẻ, hai lần, ba lần còn nghe được, tám lần, mười lần thì không nghe nữa. Tại sao vậy? Tôi đã nghe rồi, tôi nghe thuộc cả rồi, tôi không cần nghe nữa. Tại sao khi Phật Bồ-tát đến giảng, chúng sanh vẫn không bỏ đi vậy? Nguyên nhân gì vậy? Bạn phải hiểu rằng, Phật Bồ-tát giảng kinh lần nào cũng khác nhau, có người nghe. Bạn giảng kinh thì lần nào cũng giống nhau, nghe qua một lần, còn muốn nghe lần thứ hai không? Tại sao họ giảng lần nào cũng khác nhau vậy? Vì công phu tu hành của họ mỗi ngày một nâng cao, phiền não của họ mỗi ngày giảm bớt, trí tuệ ngày càng tăng trưởng, cho nên cái họ giảng không giống nhau. Đó chính là lần nào cũng có người nghe, hấp dẫn được mọi người, vậy là thành công rồi. Cho nên bạn phải xoay lại tự hỏi mình, bạn không nên trách người khác rằng họ không có thiện căn, họ không có phước báo, thảy đều sai rồi! Chính mình sai mà không biết sai ở chỗ nào, chỉ biết đi trách người khác. Phật nói rất hay, chưa độ được mình làm sao độ người. Bạn muốn dạy người khác, thì trước tiên phải dạy mình cho tốt. Cho nên làm thầy khó lắm! Tại sao thời xưa làm thầy, được mọi người tôn trọng như vậy? Đạo lý ở chỗ này. Thầy giáo là người tu hành. Tu cái gì vậy? Sửa đổi những sai lầm trong hành vi, ngôn ngữ, tư tưởng của mình, sửa đổi mỗi ngày, sám hối mỗi ngày. Cho nên cái có trong người họ là một bộ kinh, đời đời luôn mới, sâu cạn đều được, có thể nói dài, có thể nói ngắn, không có gì mà không tuyệt vời. Đạo lý là ở chỗ này. Bản thân bạn không thật sự tu hành.

Tu hành không có gì khác là đoạn phiền não, không yêu cầu tăng trí tuệ. Phiền não dứt rồi trí tuệ tự nhiên sẽ mở. Đạo lý là ở chỗ này. Cho nên Phật pháp quả thật là người hiểu thì không khó, người khó thì không hiểu. Bạn cảm thấy rất khó là bạn không hiểu. Nếu khi bạn hiểu rồi thì không khó. Tập khí trong đời sống thường ngày của chúng ta phải sửa đổi, tập khí trong công việc, tập khí đối nhân tiếp vật nhất định phải sửa đổi. Chung sống với người nhất định phải biết hằng thuận chúng sanh, là giống như Phật Bồ-tát vậy, hằng thuận chúng sanh trong lục đạo. Ở trong lục đạo càng xuống dưới thì tùy thuận sẽ càng khó. Khó làm mà làm được, khó nhẫn mà nhẫn được. Tùy thuận ở trên thì dễ. Tại sao vậy? Họ thiện nhiều ác ít. Tùy thuận ở dưới, ác nhiều thiện ít. Không tùy thuận làm sao được? Bạn không tùy thuận, họ thật sự sẽ bỏ đi ngay. Cho nên tùy thuận là đức hạnh. Tùy thuận người thế gian chúng ta gọi là chiều theo. Không nên lấy tiêu chuẩn của mình làm tiêu chuẩn, nhất định phải lấy tiêu chuẩn của chúng sanh, lấy tiêu chuẩn của họ làm tiêu chuẩn, họ sẽ dễ dàng tiếp nhận, tiếp nhận làm bạn, làm bạn tốt. Bản thân bạn hành đúng đắn, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều có thể tương ưng với tánh đức, lâu ngày rồi, tự nhiên cảm hóa được họ, họ giác ngộ thôi. Giác ngộ họ tự nhiên sẽ quay đầu, không ai mà không quay đầu. Họ vẫn chưa quay đầu, thì phải biết rằng ta làm chưa đủ, sức cảm hóa của ta chưa sâu, nên họ vẫn chưa thể hội được, vẫn chưa tỉnh ngộ ra. Ta còn phải tiếp tục cố gắng nỗ lực, sửa đổi mỗi ngày, sửa đổi từng giờ. Vì bản thân cũng là vì chúng sanh. Nói quả thật, Bồ-tát phát tâm vì bản thân thì ít, mà vì chúng sanh thì nhiều. Dũng mãnh tinh tấn như vậy, nếu ta không cố gắng sửa đổi, thì chúng sanh sẽ thêm một ngày mê hoặc, thêm một ngày tạo nghiệp, thêm một ngày thọ khổ. Bồ-tát làm sao nhẫn tâm nhìn thấy nhiều chúng sanh như vậy đọa vào tam đồ thọ khổ báo? Làm thế nào cứu họ đây? Chỉ có tự mình làm tấm gương tốt để cảm hóa họ. Ngoài cách ấy ra, thì không còn cách nào khác cả! Nói họ không nghe, nhất định phải tạo nên tấm gương.

Có khi chúng ta cũng từ trong các bà đồng kia nhận được một chút tin tức, cõi ngạ quỷ, địa ngục, nghe nói Bồ-tát Quan Thế Âm thường hay đến. Chúng ta nghe xong thì hoan hỷ, tin tưởng không nghi ngờ. Đến làm gì vậy? Đến làm tấm gương tốt của người tu hành. Ở cõi quỷ hiện thân cõi quỷ, ở địa ngục hiện thân địa ngục, ở súc sanh hiện thân súc sanh mới có thể giáo hóa được họ. Cho nên nhất định phải hiện thân cùng loại, đồng ngôn ngữ, bạn mới có thể giúp họ, mới có thể giúp họ dần dần hướng lên trên. Sự việc này không thể gấp gáp được. Nâng lên đến cảnh giới của kinh Lăng Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm, lúc này không phải trời người, còn cao hơn cả trời người nữa. Cho nên đại kinh đại luận này, đại sư Thanh Lương nói rất hay, Hoa Nghiêm có mười loại đương cơ, trong đó có một loại là phàm phu. Phàm phu như thế nào vậy? Đại tâm phàm phu. Sao gọi là đại tâm? Nhìn thấy người khác thọ khổ, trong lòng rất đau khổ, liền nghĩ phải giúp đỡ họ. Tuy là bản thân mình lực bất tòng tâm, nhưng cái tâm đó thật sự có thừa. Loại người này là đại tâm phàm phu. Họ nghe được, họ thể hội được, tiếp nhận được. Tiếp nhận chính là y giáo phụng hành, chí nguyện vĩnh viễn không thay đổi. Bất kể là thuận cảnh, tôi thường nói thuận cảnh không hề tham luyến, nghịch cảnh không hề tức giận. Cả đời tùy duyên chứ không phan duyên.

Tùy duyên, không có chỗ nào mà không tốt, không có việc gì mà chẳng tốt, người nào cũng đều tốt cả, đây là tùy duyên. Tại sao vậy? Họ không có phân biệt, họ không có chấp trước, cho nên họ có thể làm được. Tại sao chúng ta ở trong môi trường, đặc biệt là trong môi trường nhân sự, muốn kén chọn từng tí? Đó đều là phân biệt, đều là chấp trước. Cái tập khí này vô lượng kiếp đến nay đã hình thành lâu đời, cho nên tùy lúc tùy nơi tự nhiên nó liền khởi hiện hành, khiến mình không cách gì khống chế được. Đây chính là cái gọi là tập khí phiền não. Làm sao đây? Không có cách gì khác, giác liền thay đổi. Thường xuyên giác ngộ, từng giờ giác ngộ, từng ngày giác ngộ.

Đại đức xưa dùng bảng công và tội, bạn thử nghĩ có đạo lý hay không? Liên Trì đại sư có dùng bảng công và tội. Hiện nay ở trong Toàn Tập có. Danh tự của nó không gọi là bảng công và tội, gọi là Tự Tri Lục. Ngài mỗi ngày dùng mấy điều này để phản tỉnh, cũng có mấy chục điều. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, trong một ngày này có thiện có ác. Thiện ác đều phải ghi chép lại. Sau đó so sánh, ta hôm nay là thiện nhiều hay là ác nhiều? Dùng phương pháp này để kiên trì chí nguyện. Phương pháp tuy vụng về, nhưng rất hiệu quả, đặc biệt là đối với người sơ học, đặc biệt là đối với người hiện đại. Cho nên pháp thế xuất thế gian, nếu thật sự muốn học tập có thành tựu, thì không thể được chần chờ qua loa, vậy thì không thể thành tựu. Phải nghiêm túc, phải kiên trì. Phương hướng, mục tiêu không được mảy may lệch lạc.

Bản thân chánh, tự nhiên người khác sẽ chánh. Thậm chí là không cần nghĩ đến người khác, nhìn thấy người khác có lỗi, lập tức kiểm điểm lại mình, ta có hay không? Có thì sửa đổi, không thì khích lệ. Ta hành được chánh, thì sẽ ảnh hưởng người khác. Ta hành không được chánh, cũng sẽ ảnh hưởng người khác, người khác cũng không chánh. Cho nên vua Thang có một câu danh ngôn: “Thiên hạ có tội, tội tại nơi trẫm”. Ngạn ngữ Trung Quốc nói là: “Xà trên không ngay, xà dưới lệch”. Tại sao bá tánh phạm tội vậy? Tại sao bất thiện vậy? Bản thân hoàng thượng đã có vấn đề. Cổ thánh tiên vương, cái này có khác gì so với Phật Bồ-tát đâu? Há chẳng phải là Bồ-tát Quán Thế Âm đã nói: “Cần dùng thân quốc vương để độ, tức hiện thân quốc vương đến thuyết pháp”, phải vậy không? Đúng vậy. Cần dùng thân tể quan để độ, liền hiện thân tể quan đến thuyết pháp. Tể quan chính là chúng ta hiện nay nói người lãnh đạo của các cấp chính phủ, tỉnh trưởng, thị trưởng, huyện trưởng, trấn trưởng, xã trưởng, lý trưởng, đều là tể quan. Bạn phải hành cho chánh thì lão bá tánh sẽ chánh. Bạn hành không chánh, lão bá tánh sẽ đi đường tà thôi, đây là đạo lý chắc chắn. Chúng ta bất kể là ở thân phận nào, bất kể là ở cương vị nào, thảy đều phải hành Bồ-tát đạo, thảy đều hành Phật đạo. Bạn ở trong gia đình, ở địa vị gia trưởng, gia trưởng của bạn chánh, thì người nhà bạn không có ai không chánh. Người nhà có bất chánh, thì gia trưởng này của ta làm chưa tốt. Giám đốc công ty cửa hàng là người lãnh đạo. Nếu họ chánh thì mọi nhân viên đều chánh. Bản thân họ không chánh, nhân viên đương nhiên đi đường tà thôi.

Cái gì là chánh? Tam giáo Nho Thích Đạo đều là chánh, đều đáng học theo. Nho gia coi trọng sự tướng, nói luân lý, nặng về luân lý. Ở trong đạo giáo nặng về đạo đức. Phật pháp nói trung đạo, trung đạo đệ nhất nghĩa đế. Nếu như chúng ta hiểu rõ những đạo lý này, cố gắng nỗ lực kiên trì chí nguyện của mình. Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành, đây là đại nguyện từ xưa đến nay của tất cả chư Phật Bồ-tát mười phương thế giới. Sau khi nguyện thành, nhất định dùng sự hành trì của mình để giúp đỡ chúng sanh, phổ độ chúng sanh, không bỏ Phật đạo.

Hôm nay thời gian đã hết, bài kệ này chúng ta chỉ học đến đây thôi. A Di Đà Phật!

Lấy Khổ Làm Thầy

(Trích từ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh, phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không.

Giảng tại: Hiệp hội giáo dục Phật Đà Hồng Kông.

Thời gian: Tháng 5/2006

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Viên Đạt cư sĩ

Biên tập: Phật tử Diệu Hiền

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/11/2016(Xem: 19780)
Kinh Vô Lượng Nghĩa, do HT Thích Chơn Thiện giảng
26/07/2016(Xem: 22467)
Published on Jul 24, 2016 Nguyên tác "The Buddha and His Teachings" - Buddhist Publication Society, Sri Lanka Tác giả: Đại Đức Narada Maha Thera Phạm Kim Khánh dịch Việt - http://www.budsas.org/uni/u-dp&pp/dp&... Tiểu sử Đại Đức Narada Maha Thera - 00:00 Lời mở đầu - 2:56 Lời tác giả - 22:58 Phần I - Đức Phật [01] Từ Đản sanh đến Xuất gia - 26:53 [02] Chiến đấu để thành đạt Đạo Quả - 50:44 [03] Đạo Quả Phật - 1:15:55 [04] Sau khi Thành Đạo - 1:36:34 [05] Cung thỉnh Đức Phật truyền bá Giáo Pháp - 1:49:53 [06] Kinh Chuyển Pháp Luân - Bài Pháp đầu tiên - 2:17:00 [07] Truyền bá Giáo Pháp - 3:06:31 [08] Đức Phật và Thân quyến (I) - 3:33:44 [09] Đức Phật và Thân quyến (II) - 4:07:15 [10] Những người Chống Đối và những vị Đại Thí Chủ - 4:41:24 [11] Những Đại Thí Chủ trong hàng vua chúa - 5:32:51 [12] Con Đường Hoằng Pháp - 5:58:06 [13] Đời sống hằng ngày của Đức Phật - 6:32:55 [14] Đức Phật nhập Đại Niết Bàn - 6:42:39 (Để nghe các chương tùy thích, xin vui lòng Cli
01/07/2016(Xem: 14660)
Giáo Lý Duyên Khởi - Hòa Thượng Thích Chơn Thiện thuyết giảng
31/05/2016(Xem: 13349)
Nẻo Vào Thiền Tập (bài giảng tại Lễ Phật Đản 2640 Tổ chức tại Chùa Tây Tạng - Bảo Tháp Đại Từ Bi, Bendigo, Victoria, Australia, ngày 28-5-2016) Giảng Sư: SC Thích Nữ Huyền Đạo Phiên dịch Anh Ngữ: Từ Phúc
16/12/2015(Xem: 7769)
Video giảng pháp: Đổi Mới, bài giảng của HT Bảo Lạc
07/12/2015(Xem: 9827)
Tìm hiểu về Xá Lợi Phật, bài giảng của Thầy Nguyên Tạng
02/12/2015(Xem: 23769)
Audio: Hạnh Nguyện Phổ Hiền Chủ giảng: ĐĐ Nguyên Tạng - ĐĐ Tâm Minh
13/09/2015(Xem: 19453)
LỜI NÓI ĐẦU Câu hỏi vượt thời gian... Đời là bể khổ... Nhận diện khổ đau Những nguyên nhân sâu xa Vì sao tôi khổ Chuyển hoá khổ đau Tứ diệu đế Thực hành chân lý thứ nhất: Khổ đế Thực hành chân lý thứ hai: Tập đế Thực hành chân lý thứ ba: Diệt đế Thực hành chân lý thứ tư: Đạo đế 1. Thực hành Chánh kiến 2. Thực hành Chánh tư duy 3. Thực hành Chánh ngữ 4. Thực hành Chánh nghiệp 5. Thực hành Chánh mạng 6. Thực hành Chánh tinh tấn 7. Thực hành Chánh niệm 8. Thực hành Chánh định Trình tự thực hành
13/08/2015(Xem: 7087)
Nói đến tu hành là nói đến tội phước, nếu không rõ tội phước tức là không rõ sự tu hành. Nếu người tu mà cứ lao mình trong tội lỗi, ấy là người tạo tội chớ không phải là người tu hành. Mọi sự an vui và đau khổ gốc từ tội phước mà sanh ra. Vì thế muốn thấu hiểu sự tu hành chúng ta phải thấu hiểu tội phước. Tội phước là những hành động thiết thực trong cuộc sống này, không phải là chuyện siêu huyền mờ ảo đâu đâu. Thế nên người tu hành phải thấu đáo phải phân rành vấn đề tội phước.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]