Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tường thuật buổi giảng Zoom Online về "Bát Nhã Tâm Kinh" của TT Thích Nguyên Tạng

26/03/202305:30(Xem: 4197)
Tường thuật buổi giảng Zoom Online về "Bát Nhã Tâm Kinh" của TT Thích Nguyên Tạng

tt nguyen tang (4)
Cùng nhau tham dự chương trình tu học tháng 3 /2023 của ban Truyền bá giáo lý- Hội Đồng Hoằng Pháp Âu Châu với Giảng Sư Thích Nguyên Tạng về BÁT NHÃ TÂM KINH.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni,

Kính bạch Giảng Sư TT Thích Nguyên Tạng, Tổng thư ký GHPGVNTN Hải ngoại Úc Châu và Tân Tây Lan, kiêm Trụ trì Tu Viện Quảng Đức và là Chủ biên trang mạng điện tử Phật Giáo trang nhà Quảng Đức.

Kính bạch TT Trưởng ban truyền bá giáo lý Âu Châu, Thích Hạnh Tấn,

Kính thưa quý đạo hữu đang tham dự buổi học online,

 

Không hiểu sao cứ mỗi lần nhận được đề tài các pháp thoại online do các ban hoằng pháp khắp nơi như Âu Châu, Hoa Kỳ, và Úc châu là cả tuần con không thể nào ngủ an giấc vì tâm tư vẫn còn vướng đọng nơi những tài liệu mà mình đã có sẵn trong thư viện nhỏ bé của mình và tầm cầu rồi so sánh.

 

Không ngoại lệ cho lần này với chủ đề Bát Nhã Tâm Kinh do Giảng Sư TT Thích Nguyên Tạng, trước mặt con gần 5-6 tác giả tóm tắt về Bát Nhã tâm kinh, hơn thế nữa nhiều năm qua Thầy đã có nhiều lần giảng dạy đề tài này và hiện nay vẫn còn video và Mp3 .

Vài năm gần đây,  qua nhiều lần học kinh với Thầy, chúng con được biết Giảng Sư được đại phước duyên kề cận HT Thích Trí Nghiêm đại dịch giả 24 tập Kinh Đại Bát Nhã với 5 triệu chữ (ấn hành đầu tiên năm 2000), thì việc nghiên cứu về chủ đề này thì việc nghe lại chủ đề này chắc chắn khó ai không thể nào  không quan tâm và để mất cơ hội thiếu sót được vì có thể nói đây là đề tài tủ của Thầy.

 

Được biết Kinh Đại Bát Nhã do HT Thích  Trí Nghiêm Việt dịch  từ bản  Hán văn của Ngài Huyền Trang, sau đó tại Hoa Kỳ HT Thích Nguyên Siêu và HTThích Nguyên Trí đã cho in lại. Riêng tại Úc Châu, với lời mời của TT Nguyên Tạng, (chủ biên trangnhaquangduc ) Cư sĩ Chánh Trí đã đọc lại toàn bộ kinh Đại Bát Nhã qua MP3 từ năm 2015 theo bản in năm 2003, lần thứ 2 , và đã được rút lại thành 11 tập cũng gồm 600 quyển .( Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm và HT Thích Quảng Độ nhuận văn).

 

Và con cũng nhớ lại nhân lễ Khánh tuế lần thứ 70 của HT Phương trượng chùa Viên Giác (Đức quốc) năm 2018, TT Thích Hạnh Tấn đã phát tâm tổ chức tuần lễ đọc tụng toàn bộ 24 tập bộ Kinh Đại Bát Nhã này để cúng dường Ôn Phương Trượng HT Thích Như Điển.

 

Và giờ đây chúng con cùng lắng lòng nghe lại bài giảng BÁT NHÃ TÂM KINH, với một tâm thật rỗng rang và trong sáng để nhận nguồn tinh tuý cốt tủy được coi là trí tuệ tinh khiết nhất của Phật giáo (không những của Đại thừa mà bao gồm tất cả tông môn phái).

Con còn nhớ trong tác phẩm “Thực Tại Hiện Tiền”  HT Viên Minh đã viết như sau: “Bài kinh này nói lên  được sự xuyên suốt, từ giáo lý Nguyên Thủy cho đến Tiểu Thừa, Đại Thừa, Thiền Tông và rồi trở lại tinh thần Nguyên Thủy. Tất cả những vấn đề tinh yếu đều nằm trong bài kinh Bát Nhã này cả. Cái sườn của kinh Bát Nhã này hầu như đầy đủ toàn bộ giáo lý của đạo Phật. Thấu suốt Bát-nhã Tâm kinh là ngộ lý, còn thực hành chánh niệm tỉnh giác để trọn vẹn rõ biết thực tại hiện tiền là hiển sự. Nên sự-lý tương dung.” Theo HT Viên Minh thì trong tất cả kinh điển Đại thừa, bài kinh BÁT NHÃ TÂM KINH gần với giáo lý Phật giáo Nguyên Thủy nhất.”

 

Sau lời giới thiệu của MC Phật tử Ngọc Sáng ( từ Hòa Lan) về hành trạng và tiểu sử của TT Thích Nguyên Tạng, con thật ngưỡmg mộ khi biết từ những năm đầu tiên hoằng pháp Thầy đã là cộng tác viên cho báo Giác Ngộ và hiện nay lại là thành viên của Tạp chí Văn hóa Phật Giáo cũng như các báo Phật Giáo khác ngoài hơn 20 tác phẩm để đời...

 

Bắt đầu vào bài pháp thoại, thật là một điều thú vị để biết vì sao từ 24 tập Đại Bát Nhã 5 triệu chữ rồi đến 3000 chữ và cuối cùng Ngài Huyền Trang đã tóm tắt lại chỉ còn đúng 260 chữ và được gọi là bài kinh ngắn nhất của Phật Giáo Đại Thừa, thể theo lời yêu cầu của Vua Lương Võ Đế.

Người tham dự online sẽ rất vui thích khi được nhìn tận mắt bản kinh được in ấn bằng chữ vàng còn lưu giữ tại Tử Cấm Thành từ thời vua Khang Hy, cũng như bộ kinh 3000 chữ ( kinh Kim Cang) đã làm thay đổi cuộc đời của người tiều phu miền biên ngoại phương Nam nước Trung Hoa thành vị Tổ vĩ đại của Thiền Tông: Lục Tổ Lục Năng.

 

Có thể nói Bài Bát Nhã Tâm Kinh 260 chữ này đã cô đọng lại toàn bộ triết lý Tánh Không của hệ thống Bát Nhã, đưa người học Phật vào trạng thái nhất như của Vạn Pháp mà danh từ thông dụng hiện nay gọi là THẤY PHÁP, nghĩa là thấu rõ thực tánh của các pháp.

Vì thế mà Giảng Sư đã giải thích vì sao bài kinh còn được gọi là Bổ khuyết Tâm kinh khi vào mỗi cuối khoá lễ công phu thường phải đọc Bát Nhã vì dù cho khi tụng chúng ta có lỡ thiếu  hay trục trặc gì thì bài tâm kinh này sẽ bổ khuyết vào đó và làm cho hoàn hảo. Tại VN và nhiều nước theo Phật giáo, Phật Tử đọc tụng thường xuyên, nhưng để hiểu thấu đáo rốt ráo đây là một vấn đề mà chưa một ai nghĩ là mình có thể đạt được …

 

Giảng Sư đã giải thích tường tận đề tựa kinh MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH trong đó MA HA có nghĩa là lớn, BÁT NHÃ là trí tuệ , và BA LA MẬT ĐA là đáo Bỉ ngạn đưa đến bờ bên kia.

Toàn bộ tựa đề bài kinh là “ Hành giả nương vào trí tuệ Bát Nhã này để thoát ra khỏi bờ sinh tử khổ đau và đi qua đến bờ kia, không còn mê lầm nữa”

Giảng Sư đã diễn tả Trí tuệ siêu việt này phải đi qua lần lượt 3 giai đoạn theo lời Phật dạy:

1- Văn Tự Bát Nhã: có nghĩa là phải làu thông văn ngôn ngữ nghĩa năm triệu chữ của Bộ Đại Bát Nhã

2- Quán chiếu Bát Nhã: phải dụng công tu tập quán chiếu Bát Nhã ngang qua công phu "chiếu kiến" cho kỳ được " ngũ uẩn không có tự tánh"

3- Thực tướng Bát Nhã: tột cùng của trí tuệ siêu việt bừng sáng sau khi nhìn thấy thực tướng của "ngũ uẩn giai không".


 TT Giảng Sư đã nhắc lại hình ảnh của con thuyền Bát Nhã mà Đại Sư Thái Hư (1889-1947), một người có công chấn hưng Phật Pháp của Trung Hoa đầu thế kỷ thứ 20, giải thích rằng: Hành giả tu đạo giải thoát ví như người muốn qua sông, vị ấy bước lên thuyền, nhưng vị ấy cứ ngồi đó chơi mà không chịu chèo thuyền, thì mãi mãi không bao giờ thuyền qua đến bờ bên kia được. Đây là sự nhắc nhở khéo léo cho người tu học Phật ngày nay, chỉ biết thích thú giai đoạn đầu là đào sâu, nghiên cứu văn tự, ngữ ngôn của kinh điển rồi ngủ quên luôn trong rừng chữ nghĩa đó mà không tiếp tục cuộc hành trình tiến về phía bờ sông, để lên thuyền và chèo thuyền

Thật ra chỉ câu đầu của bài thôi đã nói lên ý nghĩa cốt tuỷ của công phu quán chiếu Bát Nhã để đi vào Thật tướng Bát Nhã.” Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách “ ( Bồ tát quán tự tại, Khi quán chiếu thâm sâu, Bát Nhã Ba La Mật, Bỗng soi thấy năm uẩn, Đều không có tự tánh. Thực chứng điều ấy xong, Ngài vượt thoát tất cả, Mọi khổ đau ách nạn).

Bồ Tát là Bodhisatta, thường âm là Bồ đề Tát Đỏa. Bodhi là tuệ giác. Satta là chúng sinh hữu tình. Người Trung Hoa dịch là giác hữu tình và hữu tình giác tức là người tự giác giác tha.

Người có tuệ giác, sống với tuệ giác hoặc tu hành bằng tuệ giác là người tự giác. Người tự mình có tuệ giác và chỉ cho người khác biết sử dụng tuệ giác của họ là người giác tha.

 

"Ngũ Ấm" (ngăn che) là từ cựu dịch của Pháp Sư Cưu Ma La Thập (344-413) và "Ngũ Uẩn" (tích tụ) từ tân dịch của Pháp Sư Huyền Trang (602-664) gọi là 5 nhóm chướng ngại mang tên SẮC, THỌ, TƯỞNG , HÀNH, THỨC mà trong đó: Sắc tượng trưng cho tấm thân được tứ đại tạo thành  ( đất, nước, gió, lửa)  và Thọ là cảm xúc và cảm giác -Tưởng là mọi suy tưởng, hồi tưởng khi căn tiếp xúc với trần và đôi khi ta thường bị nó đánh lừa- Hành là những hành động tạo tác mà ra và  tất cả các nghiệp của chúng ta đều phát xuất từ Hành uẩn vì nó chính là toàn bộ sự vận hành của tâm thức và Thức là tánh phân biệt, so sánh.

Giảng Sư cũng nhấn mạnh đến sự khác nhau từ Ngũ Ấm do Ngài Cưu Ma La Thập gọi tên cho 5 thành phần Sắc, Thọ, Tưởng, Hành , Thức, trong khi Ngài Huyền Trang thì dùng Ngũ Uẩn để gọi một sự chứa nhóm.

 

* Chiếu Kiến Ngũ Uẩn Giai Không, Độ Nhất Thiết Khổ Ách:  chúng ta đã rõ tại sao soi chiếu thấy ngũ uẩn đều không mà vượt qua tất cả khổ. Chính hành làm cho sắc, thọ, tưởng, thức bị rối loạn. Nhưng khi hành được tuệ thay thế, nghĩa là thức không còn chấp trì kinh nghiệm, thành kiến, quan niệm để bóp méo sự thật nữa, thì ngũ uẩn trở thành không: vì tất cả năm nhóm này đều không có tự tánh chỉ do duyên mà thành khi các căn gặp trần và sanh ra thức.

Quán chiếu chính là trọn vẹn tỉnh thức trong thấy, nghe, ngửi nếm cảm nhận và biết mọi sự đang là, quán chiếu cũng là soi sáng thực tại với tâm trọn vẹn tỉnh thức nên không cần suy nghĩ.

* Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị, nghĩa là sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

Có nghĩa là ngay trong hội ngộ đã có chia ly vì mọi vật đều không có tự tánh.

* Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng! Bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm: các pháp vốn không tướng, khi có tuệ Bát Nhã chiếu soi. Tuệ Bát Nhã là tuệ không. Tuệ không nghĩa là không vô minh, ái dục, không ảo giác, không ảo tưởng, không lý trí vọng thức, v.v... Nhìn các pháp bằng cái nhìn tuệ không thì các pháp là không tướng, không tướng lại chính là thực tướng nên Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã để lại bài kệ tuyệt tác:

"Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không".

Có, không bóng Nguyệt lòng sông

Ai hay có có, không không là gì!

 

* Thị Cố Không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức, vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới: cho nên trong không không có 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), 18 giới (6 căn + 6 trần + 6 thức). Khi tuệ không quán chiếu thì tất cả pháp này đều được trả về bản nguyên "thực tướng vô tướng" của chúng.

Ở đây chữ "vô" không có nghĩa là "không có" mà chính là "thị pháp trụ pháp vị".

Nhưng khi ý niệm bản ngã sinh thì tất cả các pháp này đều trở thành hữu.

* Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, vô lão tử, diệc vô lão tử tận: trong không không có vô minh cũng không có chuyện chấm dứt vô minh. Không có lão tử cũng không có hết lão tử, tức không có 12 nhân duyên.

 

*Vô khổ tập diệt đạo

Đây là bốn chân lý chân thật.

*Vô trí diệt vô đắc, dĩ vô sở đắc cố, Bồ đề tát đoả vì tự tánh các pháp đều xa rời mọi phạm trù sanh và diệt, có và không.

*Y Bát Nhã Ba La mật đa cố tâm vô quái ngại vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết Bàn

Nếu nhận thức được tự tánh của các pháp vốn không thì tự tánh các pháp là Bát Nhã trí nên không có gì ngăn ngại thì sẽ không buồn khổ sợ hãi viễn vông, còn gì bị khủng bố nghĩa là sa vào vòng sinh tử luân hồi …

*Tam thế chư Phật, y Bát Nhã Ba la mật đa cố đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề,

Cố tri Bát Nã Ba La Mật Đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đăng đẳng chú , năng trừ nhất thiết khổ chân thật bất hư.

Cũng như chú Đại Bi, thần chú Lăng Nghiêm, trì chú cốt để trừ vọng niệm dù cho ta có hiểu nghĩa rốt ráo rồi  thì cuối cùng mục đích vẫn là diệt trừ mọi vọng niệm.

*Cố thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa tức thuyết chú viết “ Yết đế , yết đế, Ba la yết đế, ba la tăng yết đế Bồ đề tát bà ha”

Dù bài chú không cần giải nghĩa nhưng có thể dịch như sau “Vượt qua, vượt, qua đến bờ bên kia, hoàn toàn qua được bờ bên kia thì đạt được đạo Bồ Đề “.

Đây là công năng diệu dụng là đưa chúng sanh đến bờ giải thoát do đó điều cốt yếu để trì chú là để đạt đến sự nhất tâm, vô niệm.

Mật Tông Tây Tạng chính phái sử dụng câu chú như phương tiện để vượt khỏi thế giới ý niệm hầu thể nhập pháp giới chân như mầu nhiệm.

Nhưng thật ra trì chú đến chỗ "tổng trì bất động" thì cũng chỉ ngang với niệm Phật đến mức "vô biệt niệm", nghĩa là chỉ mới "tịch" chứ chưa "chiếu", do đó muốn chiếu soi thì phải dùng Bát-nhã Ba-la-mật-đa (trí-tuệ đáo bỉ ngạn).

Chính vì vậy mà nói Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, đại minh chú, không có chú nào bằng, không có chú nào hơn trong việc thâm nhập pháp giới chân như (tabhatā) và quét sạch mọi khổ đau phiền não.

Nói trí tuệ đáo bỉ ngạn là chú vô thượng, tức là nói trí tuệ này vượt qua khỏi khả năng và giới hạn của chú thuật. Và trí tuệ này cũng không còn giới hạn trong lĩnh vực tri mà dung nhiếp cả hành, tri chính là hành trong hành động: "Vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, vượt qua bên kia một cách hoàn toàn. Ấy, chính là tuệ giác!" (Gate, gate, paragate, parasan, gate, bodhi svāhā !)

"Yết-đế, yết-đế, ba-la yết đế, ba-la tăng yết đế, Bồ đề tát-bà-ha" là phát âm theo Việt Hoa từ phiên âm tiếng Hoa của câu "chú" mô tả hành động tuệ giác hay Trí tuệ đáo bỉ ngạn trong tiếng Sanskrit vừa nói trên.

Cũng theo Thầy Nguyễn thế Đăng trong tạp chí văn hóa Phật Giáo năm nào thì Công năng của thần chú trong tâm kinh Bát Nhã là đại thần chú, là Chú Vương vì theo mặt xuất thế gian, công năng ấy chính là GIẢI THOÁT, ĐẾN BỜ BÊN KIA.

Nhưng về mặt thế tục, thần chú Bát Nhã tâm kinh lại là giải trừ ách nạn, tai ương, nguy hiểm của cuộc sống.

 

Thượng Tọa Giảng Sư đã tóm tắt bài giảng như sau:
Bát Nhã Ba La Mật Đa là linh đan trường sinh bất tử cho người đệ tử Phật. Dù cho tu theo pháp môn nào, Thiền, Tịnh, Mật, đặc biệt các phái Thiền Vipassana, Thiền khán thoại đầu....tất cả đều phải lấy Bát Nhã Tâm Kinh làm tông chỉ và phải trì tụng mỗi ngày. Nhờ Bát Nhã đưa lối dẫn đường mà hành giả chiếu kiến "ngũ uẩn giai không", không chấp đắm thân-tâm này là ta, là của ta, nên tận trừ gốc rễ của phiền não khổ đau; nhờ sống với trí tuệ rỗng lặng hiện tiền nên hành giả luôn ở trong trạng thái tâm tự tại thong dong bên kia bờ giải thoát an vui, vì "trong cái chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe" không có thêm bất kỳ một cái thấy, cái nghe nào của ngã và ngã sở của bản thân hành giả đan xen vào để chi phối cái thấy đó, cái nghe đó, nên hành giả không tạo thêm nghiệp mới, do không còn nghiệp mới, nên hành giả không còn nghiệp để dẫn dắt đi trong luân hồi sanh tử khổ đau, ngay đó hành giả đã giải thoát tự tại an vui ngay trong kiếp sống này.



tt nguyen tang (1)tt nguyen tang (2)tt nguyen tang (3)tt nguyen tang (4)tt nguyen tang (5)tt nguyen tang (6)tt nguyen tang (7)tt nguyen tang (8)tt nguyen tang (9)tt nguyen tang (10)tt nguyen tang (11)tt nguyen tang (12)tt nguyen tang (13)tt nguyen tang (14)tt nguyen tang (15)tt nguyen tang (16)tt nguyen tang (17)

 

Đến đây MC Ngọc Sáng đã mời Giảng Sư uống trà nghỉ giải lao để đón nhận những câu hỏi của học viên mà câu hỏi đầu tiên là của chị vậy.

1-Kính bạch Thầy, Có và Không là hai chữ trong thế gian để chỉ cho sự hiện hữu và sự biến mất nhưng trong đạo thì Có khó giải nghĩa làm sao để hiểu thật chính  xác.

Thầy đáp: Đúng rồi khi xưa các học viên vẫn thường bị vướng mắc khi học với HT Từ Thông và bị hiểu lầm sau đó HT phải giải thích đi giải thích lại để cho chúng đệ tử hiểu rằng KHÔNG đây tượng trưng cho vạn pháp đều do nhân duyên gá hợp mà thành như 4 câu kệ của Ngài Long Thọ trong Trung Quán Luận:

Năng thuyết thị nhân duyên

Thiện diệt chư hý luận

Hư không Ngã thuyết pháp

Diệc danh vi giả danh

 

2- Câu hỏi của đạo hữu Tâm Phật Hạnh quá dài khi chị kể lại hành trình tu tập của mình...và muốn biết làm sao để cứu độ người khác khi có trí tuệ? Đã được Thầy giải thích :

- Đừng lo, hãy tu tập thế nào để qua được bờ bên kia rồi hãy lập hạnh nguyện. Đừng như một người chưa biết bơi mà nhảy xuống cứu người chết đuối.

 

3- Đạo hữu Minh Đạo muốn hỏi nếu đừng chấp Có chấp Không thì hiện tại Phật tử khắp nơi đều cũng đang tu Phước thì quả lành có nhận được không?

Giảng sư khẳng định rằng “ Phước ta tạo không bao giờ mất được,Thầy đã mượn một đoạn trong kinh để nói về công đức cúng dường một bữa ăn cho thú vật, phàm phu và Tăng nhân, và các vị đã đạt ngộ  chứng Thánh thế nào” và khuyến khích nên tiếp tục vì Phước Đức lưỡng toàn chính là phần thưởng cho đời này và những kiếp sau.

 

4-Những  câu hỏi của đạo hữu Hồng Phúc, trong đó  2 câu hỏi vừa đã có câu trả lời trong đó về nói Có nói Không, về Tâm vô ái ngại khi có 20 cent trong túi và câu thứ ba có những khoảnh khắc thấy được vô niệm và khởi niệm dấy động lên nhau.

Giảng sư đã giải thích một lần nữa Vô niệm là điểm đến cuối cùng, cũng như ta đã biết đức Phật luôn ở giai đoạn diệt thọ tưởng định, nghĩa là không một thọ tưởng nào dấy lên kể từ khi Ngài thành Đạo, vậy thì trước hết anh phải cố gắng liễu đạt được trần cảnh chính là giặc phiền não và mình đừng bị điên đảo vì nó và kéo dài được phút nào vô niệm là tốt phút ấy rồi.

 

5- Chị Ngọc Sáng vì  không thấy chị Thu Dương Quảng Trinh đưa tay hỏi nên đã hỏi thêm câu hỏi “ có con đường nào đi từ thấp tới cao để chúng con có thể thực hành Bát Nhã Tâm Kinh ?”

-Thầy đã nhắc lại ba giai đoạn của tu tập Bát Nhã theo Đại Sư Thái Hư đi từ Văn Huệ, Tư Huệ và Tu Huệ sau đó mới đến Văn Tự Bát Nhã, Quán chiếu Bát Nhã và Thật tướng Bát Nhã

6- Câu hỏi chị Thu Dương - Quảng Trinh cư ngụ tại Houston, USA.

Giữa kinh Bát Nhã và Thiền Vipassana có khác nhau về Thấy “Như Nó Là” không ?

-TT Giảng Sư khẳng định “ Thiền Vipassanā cũng có mục đích phá chấp ngũ uẩn bằng trí tuệ minh sát, chỉ là bên lý bên sự mà thôi”

Để dẫn chứng ngài Giảng Sư đã tóm tắt bài kinh Bahiya thật ngắn gọn để kết thúc bài pháp thoại mà bài kinh Bàhiya này là cốt lõi trong kinh tạng Nguyên Thủy...

Chuyện kể một du Tăng lạc trên đảo nọ nên đã lấy lá cây che thân và người đời tưởng là thần thánh nên được cung kính, tôn trọng đảnh lễ, cúng dường và nhận được y, đồ ăn khất thực, trú ở Suppàsàng tọa, dược phẩm trị bệnh.

Rồi Bàhiya Dàruciriya khởi lên tư tưởng như sau: "Với ai là bậc A-la-hán hay đang đi trên con đường A-la-hán, ta là một trong những vị ấy ".

Rồi một Thiên nhân trước là bà con huyết thống với Bàhiya Dàruciriya, vì lòng từ mẫn, vì muốn lợi ích, với tâm của mình biết tâm tư của Bàhiya Dàruciriya, đi đến Bàhiya Dàruciriya và nói như sau: Này Bàhiya. Ông không phải là A-la-hán hay đang đi trên con đường A-la-hán. Ông không có đạo lộ ấy, với đạo lộ này Ông có thể trở thành A-la-hán hay đang đi trên con đường đưa đến A-la-hán.

- Nhưng ai là những vị, trong thế giới này, với thế giới chư Thiên là những vị A-la-hán hay đang đi trên con đường A-la-hán?

- Này Bàhiya, có thành phố tên là Sàvatthi trên những quốc lộ phương Bắc. Tại đấy có Thế Tôn hiện đang trú, bậc A-la-hán. Chánh Đẳng Giác. Vị ấy là bậc A-la-hán và thuyết pháp đưa đến quả A-la-hán.

Rồi Bàhiya Dàruciriya, được Thiên nhân ấy thúc dục, đi ra khỏi Sappàraka, trong suốt đường trường, chỉ nghỉ một đêm, đi đến chỗ Thế Tôn đang trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn Anàthapindika.

Lúc bấy giờ nhiều Tỷ-kheo đang đi kinh hành giữa trời. Bàhiya Dàruciriya đi đến các Tỳ-kheo ấy, sau khi đến nói như sau: Thưa các Tôn giả, nay Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác ở đâu? Chúng tôi muốn được yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.

- Này Bàhiya, Thế Tôn đã đi vào giữa các nhà để khất thực.

Rồi Bàhiya Dàruciriya mau chóng ra khỏi Jetavana, đi vào Sàvatthi, và thấy Thế Tôn đang đi khất thực, khả ái, khởi lên tịnh tin, các căn an tịnh, tâm ý an tịnh, đạt được an chỉ, chế ngự tối thượng, giống như một con voi được điều phục, phòng hộ với các căn an tịnh. Thấy vậy, Bàhiya Dàruciriya liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến, cúi đầu xuống chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con, Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài

Sau 3 lần thưa thỉnh, dù Phật từ chối vì đang đi khất thực và sau cùng vì biết rõ căn nghiệp của Ngài Bàhiya nên Phật đã dạy:

Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri ". Như vậy, này Bàhiya, Ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bàhiya, nếu với Ông, trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiya, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.”

Câu chuyện trên đã được TT Giảng Sư nhắc đến nhiều lần trong hơn mấy trăm bài pháp thoại và con đã phối hợp với lời dạy của HT Viên Minh làm tiêu chỉ để học hỏi “khi không còn thấy mình là Ta, là người là chúng sanh hay một sinh mệnh nào cả thì sẽ không còn bị ràng buộc bởi những hình thức bên ngoài và ngôn ngữ văn tự thì chúng ta sẽ hết lo âu sợ hãi (biểu hiện của Vô minh ái dục thì gọi là Thấy Pháp, Thấy được ngũ uẩn giai không vậy)

Và đến đây bài pháp thoại cũng hơn hai giờ rồi nên buổi học giáo lý được kết thúc bằng bài nhạc Thuyền Bát Nhã của TT Thích Viên Giác, Trụ trì Chùa Đôn Hậu/ Na Uy tức nhạc sĩ Phi Long và chị Ngọc Sáng kính chúc Thầy Nguyên Tạng được Phước trí  nhị  nghiêm đạo quả viên thành và ước mong sẽ  được tái ngộ với Giảng Sư qua nhiều bài pháp thoại nữa

https://www.youtube.com/watch?v=le4X6M9fqPo

 

Thật là một bài pháp thoại quá súc tích và sâu sắc cho những ai có Phước duyên được nghe Giảng Sư giải nghĩa rất tường tận trong sự nhạo thuyết biện tài và sự uyên bác của Ngài.

Kính chúc mừng 62 đạo hữu đã xuyên suốt theo dõi pháp thoại online và những đạo hữu đã,  đang và sẽ theo dõi trên các hệ thống Facebook của Hội đồng hoằng pháp Âu Châu, Hoa, kỳ và Úc Châu.

Và con cũng kính xin tha thiết quý vị tha thứ cho mọi sơ xuất, sai lầm nếu có và kính xin Chư Tôn Thạc đức cao Tăng cùng quý thiện hữu tri thức từ bi chỉ giáo cho con được tiến hơn trên bước đường báo ân Phật.

Lời kết:

Từ ngày hiểu rõ sự quan trọng của một bài trình pháp với những bộ đại tạng kinh mà quý Ngài danh Tăng đã biên soạn và giảng nghĩa nhất là Bộ kinh Đại Bát Nhã mà ròng rã nhiều năm qua vẫn chưa ai dám mạo muội cho rằng mình đã hiểu thấu trong một vài năm nói chi là chỉ trong vài giờ hay ngộ ngay sau khi nghe lời Phật dạy như Ngài Bahya “Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri ".

Chẳng phải Cư sĩ Thiện Bửu đã phải bỏ 10 năm để ghi lại Bộ Tổng luận Đại Bát Nhã sao? TT Thích Phước Tiến, HT Thích Phước Nhơn và quý học giả khác chỉ dám mạo muội trình bày và cho rằng mình vẫn chưa thấu triệt toàn bộ ý nghĩa siêu việt của giáo lý Bát Nhã.

Nhất là Bát-Nhã tâm kinh là một đoản văn cô đọng nhưng đã nói lên đầy đủ những thực tại tiêu biểu của pháp mà Đức Phật khéo khai thị (Svakkhāti Bhagavatā Dhammo), là cốt lõi chung nhất của mọi tông môn, hệ phái Phật giáo.

Vượt qua - vượt qua bờ bên kia - chính là vượt qua vô minh và ái dục. Vượt qua không phải là chạy đi đâu tìm kiếm cái gì khác, mà chính là trả lại bản nguyên của các pháp để mình và đối tượng đều như thực, không phải nhìn bằng cái thấy cái nghe của mình về đối tượng đang đứng trước mình

Nhờ có những bài pháp thoại hữu ích như thế này, người nghe sẽ tìm tại những câu kệ được dẫn chứng mà tìm về Trung Quán Luận, hay những bài pháp thoại cực kỳ sâu sắc của cổ sức còn để lại cho muôn đời sau…

Trộm nghĩ…

“ Hãy cùng nhau phát nguyện theo lời nguyện HT Thích Quảng Độ nhân mùa Phật Đản 2543  “Nguyện cho con mãi có Bồ Đề Tâm kiên cố, sống từng ngày an lạc với Chánh tín và Chánh trí thể hiện được giáo lý mầu nhiệm của Đức Phật giữa dòng đời ô trược”

Con cũng tự hứa với lòng mình từ nay trong mỗi thời khoá công phu sáng và chiều ngoài việc đọc xưng tán Tam Bảo theo Nam Tông, đọc Ngũ Bộ chú và chú Đại Bi con sẽ tụng mãi 10 lần câu “CHIẾU KIẾN NGŨ UẨN GIAI KHÔNG ĐỘ NHẤT THIẾT KHỔ ÁCH .”

Kính xin tri ân TT Hạnh Tấn (Trưởng ban truyền bá Giáo lý Âu Châu) đã có từ tâm rộng lớn đối với những người con Phật còn đang đi chập chững những bước về biển Pháp mênh mông nên đã tổ chức khóa học online và đã giới thiệu TT Nguyên Tạng đến với đại chúng một chủ đề thật khá cao trong trình độ nhận thức, thế mà chỉ qua 2 giờ đồng hồ mọi người đã có thể kéo dài thêm khoảnh khắc “ngộ nhập lời Phật dạy” . Thật là một điều hạnh phúc vô cùng.

Kính chúc quý Ngài luôn thành tựu Phật sự trên con đường hoằng pháp với Phước trí nhị nghiêm sẵn có và pháp thể luôn điều hoà, khinh an.

Kính chúc chị MC Ngọc Sáng ( phối hợp viên chương trình thật khéo léo với những câu hỏi và lời giới thiệu súc tích về hành trạng TT Giảng Sư Thích Nguyên Tạng ) được nhiều sức khỏe và đạo tâm càng kiên cố, an lạc trong đạo pháp mà chị đang theo đuổi.

Kính chúc quý đạo hữu online vạn sự cát tường để luôn sống trong niềm an lạc với giáo lý siêu việt của Đức Thế Tôn

Kính trân trọng,

Quà tặng tinh thần qua pháp thoại sâu sắc

Ý nghĩa siêu việt được giải bày ra

Vô cùng tri ân Giảng Sư hướng dẫn sâu xa

Kết nối hoàn hảo biết căn cơ nơi đang đứng

Kính đa tạ lời pháp nhũ ...

Giúp bước chân thêm vững

Tiến lần vào biển pháp mênh mông

Nhân duyên chi phối vạn pháp …Thật tướng KHÔNG

Đã chứng minh sự đau khổ con người từ đâu CÓ !

Thế trí biện thông không giúp cho Giác Ngộ

Mà phải dụng công diệt phiền não trần lao

Trí Huệ Bát Nhã tự sinh khi thấu rõ thế nào

Vượt qua thế giới ý niệm, tạo dựng bởi vô minh ái dục

Hoàn toàn vô niệm bởi lý trí vọng thức,

Để vượt qua sông mê bể khổ,

……. để đạt tới bờ kia.!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam Mô Bát Nhã Hội Thượng Phật Bồ Tát

 

Melbourne 25/3/2023

Phật tử Huệ Hương kính chia sẻ  





tt nguyen tang
Thuyền Từ Bát Nhã 

Cảm tác khi nghe TT Nguyên Tạng giảng Bát Nhã Tâm Kinh
Kính dâng TT Giảng Sư Thích Nguyên Tạng cùng quý Phật tử nghe Pháp hôm nay trên Zoom & Facebook Online


Được nghe Thầy giảng Tâm kinh
Bỗng nhiên chợt thấy lòng mình xuyến xao
Đời người lắm nỗi lao đao
Buồn vui sướng khổ biết bao lụy phiền
Đạo đời luôn gặp chướng duyên
Thị phi nhơn ngã liên miên không rời
Nghe kinh hiểu rõ phải thời
Siêng năng trì tụng hiểu lời khuyến tu

(Kính mời xem tiếp)




Bài liên quan:

1/ Đại Bát Nhã (600 quyển, 5 triệu chữ ) bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm

2/Tường thuật buổi giảng về "Bát Nhã Tâm Kinh" (Diệu Danh)

3/ Ngồi Thuyền Bát Nhã (bài viết của TT Nguyên Tạng)
4/ Ngồi Thuyền Bát Nhã (thơ của Quảng Pháp Ngôn)
5/ Bài giảng trên Youtube "Bát Nhã Tâm Kinh" (TT Nguyên Tạng)




 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/08/2013(Xem: 32897)
Muốn ngồi thiền, trước chúng ta phải biết lý thuyết, sau mới thực hành được. Tại sao chúng ta phải ngồi thiền? Phật dạy trong bốn oai nghi chúng ta đều tu được hết. Bốn oai nghi là đi, đứng, nằm và ngồi.
21/06/2013(Xem: 19918)
Vạn Hạnh xưa và nay bài viết của TT Nguyên Tạng (Diễn đọc: Trọng Nghĩa, Mộng Lan)
13/06/2013(Xem: 16090)
Chủ đề: Niêm Hoa Vi Tiếu Bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng
11/04/2013(Xem: 21815)
Cúng Quá Đường là một nghi thức quan trọng không thể thiếu trong mùa an cư kiết hạ hay kiết đông của hàng đệ tử xuất gia. Năm nay, Canh Dần 2010, mùa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 11 của Giáo Hội Úc Châu được tổ chức từ ngày 6 đến 16-7 năm 2010 tại Thiền Viện Minh Quang, ở thành phố Canley Vale, cách trung tâm thành phố Sydney 30 phút lái xe, người viết xin ghi lại đôi nét về lễ nghi quan trọng này để giúp quý Phật tử mới vào đạo hiểu thêm về nghi thức này.
09/04/2013(Xem: 27652)
Audio: Bồ Tát Chuẩn Đề, bài giảng của TT Nguyên Tạng tại Chùa Phước Long, Connecticut, Hoa Kỳ, do HT Thích Minh Đức trụ trì
09/04/2013(Xem: 17552)
Hoằng Pháp tại Hoa Kỳ Nguyễn Phú Bolsa Radio (Santa Ana, California, Hoa Kỳ) phỏng vấn HT Như Điển và TT Nguyên Tạng
09/04/2013(Xem: 17318)
Pháp Thoại: Chánh Kiến Chủ giảng: TT Thích Nguyên Tạng
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]