Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Khánh Hỷ (1066- 1142) Đời thứ 14 của Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️

04/09/202110:36(Xem: 24571)
Thiền Sư Khánh Hỷ (1066- 1142) Đời thứ 14 của Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️


Thiền Sư Khánh Hỷ (1066- 1142) Đời thứ 14 của Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi
Thuyết giảng: TT Thích Nguyên Tạng
🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺
Trình pháp: Cư Sĩ Quảng Tịnh Tâm, Cư Sĩ Huệ Hương

Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh
Lồng nhạc và online: Cư Sĩ Quảng Phước, Cư Sĩ Quảng Tịnh






Nam Mô A Di Đà Phật

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về Thiền sư Khánh Hỷ (1066 - 1142) thuộc đời thứ 14, Thiền Phái Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi. Sư phụ dựa theo tài liệu gốc Thiền Sư Việt Nam do HT Thích Thanh Từ biên soạn và ấn hành tại VN vào năm 1972. Pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 281 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh đại dịch covid 19 (đầu tháng 5-2020).

 

Sư họ Nguyễn, quê ở Cổ Giao, Long Biên, vốn hạt giống tịnh hạnh. Thuở nhỏ, Sư đã không ăn thịt cá. Lớn lên theo thọ học với Thiền sư Bổn Tịch ở chùa Chúc Thánh.

 

Sư Phụ giải thích:

-Thiền sư Khánh Hỷ là đệ tử của thiền sư Bổn Tịch, ngài là vị tăng thống thời vua Lý Thần Tông.

- Lý Thần Tông là vị vua thứ năm trong triều đại nhà Lý (có 9 vị vua, bao gồm: Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng)

- Vua Lý Nhân Tông không có con, nên cử cháu ruột của vua là Lý Thần Tông (con trai của Sùng Hiền Hầu, em trai của Lý Nhân Tông) lên nối ngôi vua. Lý Thần Tông được xem là hậu thân của Thiền Sư Từ Đạo Hạnh.

-Tiểu sử của Sư Khánh Hỷ ngắn gọn,  Sư có túc duyên từ nhiều đời nhiều kiếp, gìn giữ hạt giống phạm hạnh thanh tịnh, nên ra đời ở kiếp này từ nhỏ không ăn thịt cá, vì ăn thịt cá là trực tiếp hay gián tiếp tạo nghiệp sát hại sinh mạng. Sư vốn tự có đại bi tâm. Sư Phụ đã khuyến khích đại chúng phát tâm ăn chay theo gương của Thiền Sư Khánh Hỷ qua bài thơ của Hoà Thượng Tuyên Hoá mà Sư kể là có ghi trên bức tường nhà tổ một ngôi chùa ở Diên An, Huyện Diên Khánh, Nha Trang, Khánh Hòa:

"Thiên bách niên lai oản lý canh,
 Oán thâm tự hải hận nan bình
Dục tri thế thượng đao binh kiếp,
Thả thính đồ môn dạ bán thanh”.

 

Có nghĩa là:


“Ngàn năm trong một bát canh
Oán sâu như biển hận thành non cao

Muốn hay nguồn gốc binh đao

Lắng nghe lò thịt tiếng gào đêm thanh”.

 

Một hôm, trên đường đến nhà đàn việt thọ trai, Sư hỏi:

- Thế nào là ý chánh của Tổ sư?

Ngay lúc đó nghe tiếng trống lên đồng trong nhà dân, Thiền Sư Bổn Tịch nói:

- Lời nói ấy đâu không phải đồng cốt giáng thần?

Sư thưa: Hòa thượng chớ chuyên nói đùa.

Thiền Sư Bổn Tịch bảo: Ta không từng có mảy may nói đùa.

Sư không hội, bèn từ biệt thầy mà đi.

 

Sư Phụ giải thích:

Ý chánh của Tổ sư: trả lời theo truyền thống “Tổ Sư là người truyền trì mạng mạch Chánh pháp, từ Đức Thế Tôn truyền cho sơ tổ Ca Diếp…cho đến Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi….giúp chúng sanh thấy đường về cội nguồn tâm linh để kiến tánh, giác ngộ, giải thoát.

Trả lời theo Tổ Sư Thiền: ý chánh của Tổ sư là Chân tâm, Phật tánh, là chỗ vượt thoát ngôn ngữ, chỗ không thể chỉ bày bằng âm thanh sắc tướng, sự tịch lặng nơi bản tâm của hành giả chính là ý chánh của Tổ sư muốn đệ tử phải nhận ra. Nhưng đệ tử không tự nhận mà mở miệng hỏi nên bị Sư phụ Bổn Tịch quở rằng “câu hỏi của con  là thuộc loại đồng cốt”, đồng cốt thì lúc có lúc không, lúc sinh lúc diệt, còn chân tâm Phật tánh thì vô sanh vô diệt, thường hằng bình đẳng. Nhưng ngài Khánh Hỷ không hiểu lời vàng của sư phụ mà trở lại trách Sư phụ và cho Sư phụ là nói chuyện đùa giởn với mình, rồi sau đó bất mãn từ biệt Sư phụ ra đi để tìm vị thầy khác để học hỏi.

 

 

Đến chùa Vạn Tuế, Sư ra mắt Thiền sư Biện Tài. Ngài Biện Tài hỏi:

- Ngươi từ đâu đến?

Sư thưa: Con từ Ngài Bổn Tịch đến.

Thiền Sư Biện Tài: Thầy ấy cũng là thiện tri thức một phương, đã từng nói với ngươi câu gì?

Sư thưa: Con đã thờ thầy nhiều năm, chỉ một câu hỏi mà chẳng khứng cho, nên con bỏ đi.

Thiền Sư Biện Tài hỏi lại: Ngươi đã từng hỏi câu gì?

Sư liền thuật lại câu hỏi trước. Ngài Biện Tài bảo:

- Ôi! Tịch sư vì ngươi đã nói tột rồi, chớ hủy báng Bổn sư không tốt.

Sư dừng lại suy nghĩ, Thiền Sư Biện Tài bảo:

- Đâu không nghe nói khi đạt khắp cảnh đầy đủ, chẳng ngộ, hằng trái xa.

Sư bỗng nhiên đốn ngộ, liền trở về yết kiến Thiền Sư Bổn Tịch.

 

Sư Phụ giải thích:

Tại Vạn Tuế nhờ sự cảnh báo của Thiền Sư Biện Tài rằng “Thầy Bổn Tịch của con là thiện tri thức một phương… Ngài ấy vì con đã nói rốt ráo rồi, chớ nên hủy báng Bổn sư của con không tốt, nếu con không tự nhận ra bản lai diện mục của con thì dù có khắp mọi nơi, vẫn cứ hằng trái xa”. Ngài Khánh Hỷ nghe lời này liền khựng lại, dòng tâm thức điên đảo vọng tưởng bấy lấy bị chặt đứt, phiền não vô minh rơi rụng, Sư hoát nhiên đại ngộ và quay trở về sám hối với Sư phụ Bổn Tịch.

 

 Ngài Bổn Tịch thấy Sư trở về bèn hỏi:

- Ngươi đến đâu mà về mau thế ?

Sư sụp xuống lạy và thưa:

- Con mang tội hủy báng Hòa thượng nên trở về xin sám hối.

Thiền Sư Bổn Tịch bảo: Tướng tội, tánh nó không, ngươi làm sao sám hối?

Sư thưa: Phải như thế mà sám hối.

Thiền Sư Bổn Tịch liền thôi.

 

Sư Phụ giải thích: Sư Khánh Hỷ trở về lễ tạ Sư phụ và cầu sin sám hối về tội hiểu sai và phỉ báng Sư phụ, nhưng Sư phụ trấn an người đệ tử rằng: “Tướng tội, tánh nó không, ngươi làm sao sám hối?”.

Sư Phụ giải thích chính nhờ Khánh Hỷ đã ngộ đạo, ánh sáng của trí tuệ giác ngộ đã phá tan bóng tối tướng tội vô minh ám chướng ví như căn phòng tối đen lâu ngày bỗng chốc có ngọn đèn thắp sáng lên, bóng tối biến mất ngay lập tức. Cố nhiên nếu Sư Khánh Hỷ không ngộ đạo thì tội phỉ báng Sư Phụ không biến mất mà ngài phải chịu quả báo về sau.

 

*
*   *

Sư cùng hai Thiền giả Tịnh Nhãn, Tịnh Như đứng hầu thầy.

Thiền Sư Bổn Tịch bảo:

- Các nhân giả ở trong tông môn của ta, học hỏi đã lâu. Các ông hãy trình kiến giải của mình, để ta xem xét chỗ tiến đạo của các ông thế nào?

Tịnh Nhãn, Tịnh Như toan mở miệng đáp, Sư bèn nói to:

- Một khi mắt bị bệnh, hoa đốm rơi loạn giữa hư không.

 

Sư Phụ giải thích:

Thiền Sư Bổn Tịch có ba đệ tử, ngài Khánh Hỷ, Tịnh Nhãn và Tịnh Như. Sư Khánh Hỷ thể hiện tánh thấy là không có diễn ra bằng ngôn ngữ, chỉ là thấy biết lặng lẽ. Ngôn ngữ là tướng của vọng tâm giống như mắt bị bệnh thì thấy cảnh như hoa đốm giữa hư không.

 

Thiền Sư Bổn Tịch khen:

- Xà-lê Khánh Hỷ! Sao dùng thuyền lại đập bể gàu múc nước?

Sư hỏi lại: Dùng thuyền làm gì?

Thiền Sư Bổn Tịch bảo: Kẻ lanh lợi, chớ có mở hoác, ngươi chỉ giỏi nói đến việc bên này, nếu việc bên kia vẫn còn chưa mộng thấy.

Sư thưa: Tuy nhiên chỉ là y.

Thiền Sư Bổn Tịch bảo:

- Rời khỏi đầu sào trăm trượng buông tay đi, ngươi nói làm sao?

Sư nắm hai tay, thưa:

- Chẳng liễm! Chẳng liễm!

Thiền Sư Bổn Tịch bảo:

Tha ngươi một gậy.

Do đây, danh tiếng Sư đồn khắp tùng lâm.

 

Sư Phụ giải thích:

 Thiền sư Bổn Tịch khen, dùng thuyền đập bể gàu múc nước.  Thuyền và gào đều bị bể, là vượt ra ngoài nhị biên là giải thoát, là qua bên kia bờ, không cần thuyền (thân ngũ uẩn) này nữa.

Sư Khánh Hỷ thưa, tuy nhiên chỉ là y, là chân tâm Phật tánh, là giải thoát, không còn là việc bên này bên kia, Phật tánh chỉ là một duy nhất. Chúng sanh khổ đau vì còn thấy đối đãi, còn thấy hai bên.

Sư Phụ Bổn Tịch muốn thử tánh giác của ngài Khánh Hỷ lần nữa và hỏi “ rời khỏi đầu sào trăm trượng, ngươi nói làm sao? “. Ngài Khánh Hỷ nắm hai tay thưa: Chẳng liễm! Chẳng liễm!  là ngài thể hiện sự thong dong tự tại, không bám giữ, không còn nghiệp không còn tái sanh, là vô sanh, là niết bàn.

Sư Bổn Tịch khen và bảo “tha cho con một gậy”.

 

*
*   *

Khoảng niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự (1133-1138), vua Lý Thần Tông mời Sư vào kinh. Sư ứng đối xứng hợp ý chỉ, Vua bái phong chức Tăng lục, lại thăng chức Tăng thống.

 

Sư Phụ giải thích:

 Vua Lý Thần Tông có chính sách ưu tiên “Ngụ Binh Ư Nông” cho binh lính về nhà làm ruộng mỗi 6 tháng, nên nền nông nghiệp phát triển mạnh trong thời ông trị vì; Vua Lý Thần Tông cũng là một Phật tử thuần thành, người thích học đạo lý, Thiền Sư Khánh Hỷ đã giúp cho vua ươm mầm tuệ giác, chính vì thế mà Vua đã tấn phong Thiền sư vào ngôi vị tăng thống của nước nhà.

 

Một hôm, đệ tử Pháp Dung hỏi:

- Liễu đạt sắc không, sắc là phàm hay là Thánh?

Sư ứng thinh đáp bài kệ:

Lao sanh hưu vấn sắc kiêm không,
Học đạo vô như phỏng Tổ tông.
Thiên ngoại mích tâm nan định thể,
Nhân gian thực quế khởi thành tùng.
Càn khôn tận thị mao đầu thượng,
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.
Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ,
Thùy tri phàm Thánh dữ tây đông?

 

HT Thích Thanh Từ dịch:

 

Uổng công thôi hỏi sắc cùng không,
Học đạo gì hơn phỏng Tổ tông.
Ngoài trời tìm tâm thật khó thấy,
Thế gian trồng quế đâu thành tòng.
Đầu lông trùm cả càn khôn thảy,
Hạt cải bao gồm nhật nguyệt trong. 
Đại dụng hiện tiền tay nắm vững,
Ai phân phàm Thánh với tây đông.

 

Sư Phụ giải thích: lời thơ kệ giải đáp câu hỏi của đệ tử Pháp Dung đã trở thành một bài thơ nổi tiếng trong thi đàn PGVN. Câu hỏi của đệ tử :- Liễu đạt sắc không, sắc là phàm hay là thánh? Sư Khánh Hỷ đáp bài kệ trả lời quá tuyệt vời, sắc là sắc thân ngũ uẩn là phương tiện để giáo hoá độ sanh. Đức Thế Tôn cũng đã nhờ sắc thân ngũ uẩn để trao truyền giáo pháp giác ngộ và giải thoát cho chúng sanh từ hơn hai mươi lăm thế kỷ đến nay đến khắp năm châu. Nhưng ở đây Ngài Khánh Hỷ đã cảnh cáo đệ tử chớ có “Uổng công thôi hỏi sắc cùng không” chỉ mất thời gian vô ích, mà phải “ phỏng tổ tông” của chính tự thân. Tổ Tông ở đây là chỉ chân tâm Phật tánh của mình, chứ không phải “tổ tiên ông bà trong thân tộc của mình”.

 

“Ngoài trời tìm tâm thật khó thấy
“Thế gian trồng quế đâu thành tòng”

Ý ngài muốn dạy rằng nếu hướng ngoại, hướng ra ngoài tìm tâm, tìm bản thể thanh tịnh, chân như Phật tánh của mình, sẽ mãi mãi không bao giờ tìm thấy cũng giống như mình trồng cây quế mà muốn biến nó thành cây tùng.

 

“Đầu lông trùm cả càn khôn thảy,

Hạt cải bài gồm nhật Nguyệt trong”

Sư Phụ nhấn mạnh đây là hai câu nổi tiếng trong bài kệ này, ngài Khánh Hỷ hiển bày giáo lý duyên khởi, cái thấy của người giác ngộ là thấy pháp duyên khởi, cái này có là cái kia có, một là tất cả, tất cả là một.

Sư Phụ nhắc lại cái nhìn của nhà toán học Edward Norton Lorenz rằng “con bướm đập cánh ở Brazin, có thể gây ra cơn lốc xoáy ở Texas”, tức là cái này có thì cái kia sẽ có, cái này không cái kia sẽ không, cái này sanh thì cái kia sẽ sanh, cái này diệt cái kia sẽ diệt.

 

Thấy pháp duyên khởi thì thấy được sự vô thường, ngộ được sự vô thường thì buông xả, không oán trách thấy đời như một vở tuồng. Hãy sống sao cho cuộc đời có ý nghĩa, là tự giải thoát nhẹ nhàng, thong dong tự tại.

 

“Đại dụng hiện tiền tay nắm vững

Ai phân phàm thánh với Tây đông”

Sư Phụ giải thích chỗ thấy chân tâm của mỗi người là chỗ rỗng lặng hiện tiền, không còn đối đãi giữa phàm và thánh, phải và trái, không có chỗ trụ “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Còn trụ, còn bám víu thì còn phiền não và khổ đau.

 

Sư Phụ kể trường hợp của Đức Đạt Lại Lạt Ma luôn khuyên giới trẻ Tây Tạng rằng the Past is in your head, the Future is in your hands.” tức là “ Quá khứ ở trong đầu bạn nhưng tương lai nằm trong tầm tay của các bạn”.  Sư ông Nhất Hạnh cũng an ủi tình cảnh nước Tây Tạng, học sự kiên trì nhẫn nại của dân tộc Việt Nam, vì người Việt Nam từng bị Tàu đô hộ một ngàn năm, nhưng không mất gốc, không bị Hán hoá, và xứ Tây Tạng hiện nay đang bị đe dọa, Đức Đạt Lai Lạt Ma lo sợ Trung Quốc sẽ huỷ diệt truyền thống tâm linh thiêng liêng và nền minh triết của Phật giáo.

 

Sư Phụ giải thích “Đại dụng hiện tiền”, đồng ý nghĩa với viên Ngọc trong chéo áo của kẻ cùng tử, chúng sanh ai cũng có viên ngọc vô giá này, là chân tâm Phật tánh luôn thường hiện hữu bên trong của tất cả chúng sanh vạn loài. Có “đại dụng hiện tiền” rồi thì không còn phân biệt khổ đau và luân hồi sanh tử nữa.

 

Niên hiệu Đại Định năm thứ ba (1142) nhằm năm Nhâm Tuất, ngày 27 tháng giêng, Sư thị hiện có chút bệnh rồi tịch, thọ thế bảy mươi sáu tuổi.

Sư có sáng tác “Ngộ Đạo Ca Thi Tập”, được lưu hành ở đời.

Theo Sử ký ghi Sư tịch vào năm Thiên Chương Bảo Tự thứ ba (1135).

 

 

Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Khánh Hỷ do Thầy Chúc Hiền sáng tán cúng dường Ngài:

 

Thiếu thời chay tịnh thoả tâm nguyền

Bản Tịch theo nương học đạo thiền

Yếu chỉ chưa thông tham vấn hỏi

Thiền cơ chửa ngộ quyết tầm nghiên

Biện Tài mở lối khơi nguồn pháp

Khánh Hỷ thừa ân hướng cội nguyên

Sám hối hầu thầy trình kiến giải

Vang danh đối đáp hợp cơ huyền

 

 

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về Thiền Sư Khánh Hỷ, Sư có túc duyên từ thuở nhỏ, Sư không ăn thịt cá, không tạo nghiệp sát sanh. Cuối đời, Sư để lại bài kệ vượt càn khôn, giúp cho chúng đệ tử dập tắt hết mọi vọng tưởng điên đảo để đạt tới cứu cánh niết bàn an vui giải thoát.  

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

Cung kính và tri ơn Sư Phụ,

Đệ tử Quảng Tịnh Tâm

(Montréal, Canada).

 


281_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Khanh Hy



Thiền Sư Khánh Hỷ (1066- 1142)
Đời thứ 14 của Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi .
Một vị Tăng Thống thời Vua Lý Thần Tông (1116 – 1138)
là vị hoàng đế thứ năm của triều đại nhà Lý nước Đại Việt.
Ông trị vì từ năm 1128 đến khi qua đời năm 1138

Kính dâng Thầy bài trình pháp về Thiền Sư Khánh Hỷ sau hai giờ chăm chú nghe bài pháp thoại quá tuyệt vời siêu tuyệt. Kính tri ân và ngưỡng mộ Hậu đắc trí của Thầy đến từ những chuyến hoằng pháp và liễu tri được tuyệt vời từ Pháp Học và Pháp Hành . Kính mong Thầy từ bi thứ lỗi cho những điều còn thiếu sót mà con chưa lãnh hội kịp. Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc sức khỏe Thầy, HH


Danh tiếng Thiền Sư Khánh Hỷ được vang lừng trong tùng lâm từ khi triệt ngộ về cái Thấy sau ba lần Minh Sư Bổn Tịch ấn chứng lại kể từ ngày được Biện Tài Thiền Sư khai thị ....nhưng có thể nói hai câu sau đây trong bài kệ thật tuyệt vời của Thiền Sư Khánh Hỷ nhắn gửi lại cho đệ tử nối pháp Pháp Dung cũng như cho hậu thế và đã được thi đàn cũng như văn học Phật Giáo ca tụng còn lưu truyền mãi đến nay :

“Càn khôn tận thị mao đầu thượng, nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”.

Nghĩa là cả trời đất nằm trên đầu sợi lông, mặt trời mặt trăng nằm trong lòng hạt cải.... thì người học Đạo sẽ nhận thầy được toàn bộ giáo lý của Kinh Hoa Nghiêm ....vì Ngài đã thầm chỉ rằng khi Biết và Thấy được tự tánh các pháp là không, nên sẽ thấy tất cả sự vật đều dung hội nhau. Trên phương diện tánh không, không có tướng lớn nhỏ do đó người đạt đạo thấu suốt lý tánh không, thấy chẳng có gì ngăn ngại. "

Thế nhưng toàn bộ Bài kệ " VƯỢT CÀN KHÔN " còn nhắn nhủ thêm rằng : " người học đạo muốn giác ngộ thì không nên chạy bên ngoài tìm cầu mà phải quay lại nội tâm của mình, khi đã giác ngộ hằng sống với bản thể thanh tịnh sẵn có nơi mình thì diệu dụng hiện tiền không thể lường được."

(Lao sanh hưu vấn sắc kiêm không,

Học đạo vô như phỏng Tổ tông.

Thiên ngoại mích tâm nan định thể,

Nhân gian thực quế khởi thành tùng.

Càn khôn tận thị mao đầu thượng,

Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.

Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ,

Thùy tri phàm Thánh dữ tây đông?

HT Thích Thanh Từ dịch

Uổng công thôi hỏi sắc cùng không,

Học đạo gì hơn phỏng Tổ tông.

Ngoài trời tìm tâm thật khó thấy,

Thế gian trồng quế đâu thành tòng.

Đầu lông trùm cả càn khôn thảy,

Hạt cải bao gồm nhật nguyệt trong.

Đại dụng hiện tiền tay nắm vững,

Ai phân phàm Thánh với tây đông.

Riêng học nhân rất tâm đắc với lời kết trong bài giảng của TT Giảng Sư Thích Nguyên Tạng khi nói về Phật Giáo Tây Tạng và người dân Tây Tạng trong kỷ nguyên 21 này qua lời HT Thích Nhất Hạnh muốn truyền trao....đó là sự kiên trì và nhẫn nại của người dân VN dưới sự đô hộ của ngàn năm giặc Tàu nhờ có những thánh tăng trong Phật Giáo VN lấy tâm lực, nguyện lực cao cả, làm chất liệu, hành trang vượt thoát, và đất nước Việt tồn tại và trãi dài cho đến tận hôm nay và mai sau.....

" Đạo Phật Việt, lấy sự giải thoát cho chính mình và tha nhân, làm bi nguyện độ sanh lên đường phụng sự, dấn thân và lập nguyện, cứu khổ quần sinh, đưa chúng sanh về nơi an lạc.

Mà Giác ngộ được tìm thấy từ trong cuộc đời, từ nơi sự sống, từ trong phiền não khổ đau, và giải thoát cũng từ nơi cuộc đời, từ nổi đau sự khổ, mới cần đến giải thoát. Một khi Chúng sanh có được an lạc, giải thoát là chính mình có được an lạc, độ mình tức độ người vậy, xả thân mạng không nề gian khổ, hết lòng phụng sự, không ngại gian nan, không từ khó nhọc.

Hơn thế nữa những Thiền Sư Việt Nam thật là cao thâm vượt trội, vẫn với tâm nguyện, hạnh nguyện đó, vẫn đêm ngày tỏa chiếu, soi từng bước đi, cho cả một dân tộc, làm sống dậy chân lý cao tột của giải thoát trong từng tâm thức, tạo nên những con người tốt đẹp, một xã hội hoàn thiện, vươn cao, tiến thẳng về phía trước, đem đến một lý tưởng sống an lạc, cao đẹp trong sự vựơt thoát đầy ý nghĩa, làm vơi đi niềm đau nổi khổ, của chính mình và tha nhân, quốc gia và xã hội."

Kính ngưỡng Thiền Sư Khánh Hỷ vị Tăng Thống triều đại Lý (1)
Hạt giống tịnh hạnh túc duyên gặp minh sư (2)
" Câu hỏi vượt thời gian " chưa thỏa mãn suy tư (3)
Lưới nghi được phá vỡ ... Biện Tài thiền sư khai thị (4)


Ngôn ngữ không thể được bày biện để sáng tỏ diệu lý
Kính đa tạ Giảng Sư ...từng lời cuộc đối thoại triển khai
Làm sao dừng lại.... mọi vọng tưởng gạt ra ngoài ?
Trong phút giây ray rức hoang mang...
.... căn nguyên để giác ngộ lưu xuất !!! (5)

Điều tuyệt diệu ...
Tướng tội, tánh vốn không nhưng nghiệp nào có mất( 6)
Và đoạn đối thoại xác nhận Tánh Thấy của mình (7)
Thêm bài kệ VƯỢT CÀN KHÔN huyền ảo lung linh (8)
Kính ghi lại lời bình giải từ thiện tri thức minh tuệ (9)
Bao kinh nghiệm truyền tải từ Giảng Sư cũng tinh nhuệ như thế !!!

Nam Mô Thiền Sư Khánh Hỷ tác đại chứng minh


Huệ Hương
Melbourne 4/9/2021


(1) danh tiếng Sư đồn khắp tùng lâm

Khoảng niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự (1133-1138), vua Lý Thần Tông mời Sư vào kinh. Sư ứng đối xứng hợp ý chỉ, Vua bái phong chức Tăng lục, lại thăng chức Tăng thống.

(2) Sư họ Nguyễn, quê ở Cổ Giao, Long Biên, vốn hạt giốngtịnh hạnh. Thuở nhỏ, Sư đã không ăn thịt cá. Lớn lên theo thọ học với Thiền sư Bổn Tịch ở chùa Chúc Thánh.

(3)

Một hôm, trên đường đến nhà đàn việt thọ trai, Sư hỏi:

- Thế nào là ý chánh của Tổ sư?

Ngay lúc đó nghe tiếng trống lên đồng trong nhà dân, Bổn Tịch nói:

- Lời nói ấy đâu không phải đồng cốt giáng thần?

- Hòa thượng chớ chuyên nói đùa.

- Ta không từng có mảy may nói đùa.

Sư không hội, bèn từ thầy mà đi.

Theo lời bình giải của nhiều thiền sư ...Câu hỏi này đã được các thiền sinh xin Thầy mình lời đáp !

Ý chỉ Tổ sư là gì? Điều đó, quan trọng đến mức nào, mà chư thiền sư đem ra hỏi và đều nhận những câu trả lời khác nhau?

Có phải đó, một bản di chúc, kho báu vô tận, bí quyết để đi đến giác ngộ, ta phải ra công tìm kiếm, gõ thật mạnh, thật sâu vào tận cùng tâm ý, phải đánh đổi mạng sống, tâm lực, bằng sự quyết lòng vực dậy?

Ý chỉ đó, không đơn thuần là tôn ý, ý chỉ, mục đích của tổ sư là gì, mà là cốt lõi, trọng tâm, chổ tuyệt cùng, chổ chính yếu, quan yếu, sự quyết định dứt khoát, kết quả tất nhiên, sự tựu nên, vi diệu cao tột của thiền?

Muốn thấy được “Ý chỉ của tổ sư là gì” tức là phải thấy được cái dụng của tâm, bản thể vi diệu của giác ngộ, nằm trong sâu thẳm, tự mình nghiền ngẫm, quán chiếu, vận dụng đến trí tuệ, chứ không thể y cứ vào những biểu hiện, đi lại, mang tính tùy tiện, bày biện của tư tưỏng, bản năng. Bản thể như thật, thường tại của chân tâm, không đến và không có từ kinh viện, giáo điều, những áp đặt, những tôn thờ, những định kiến, lối mòn, những biến đổi khôn lường của tâm thức

Theo Giảng Sư đó là ngọn đèn chánh pháp để chúng sinh nương theo đó mà vượt ra ngoài sự đối đãi phân biệt , đừng chạy theo vọng tưởng ,đó là chân Tâm, Thể tánh tịnh minh mà chỉ có chính mình tự nhận ra được viên Ngọc Ma Ni Châu mình đang mang trong chéo áo, nó chính là cái niệm đầu tiên trong một sát na khi vừa khởi ra "Trong cái Thấy chỉ là cái Thấy , trong cái nghe chỉ là cái nghe "

(4)

Đến chùa Vạn Tuế, Sư ra mắt Thiền sư Biện Tài. Biện Tàihỏi:

- Ngươi từ đâu đến?

Sư thưa:

- Con từ Bổn Tịch đến.

- Thầy ấy cũng là thiện tri thức một phương, đã từng nói với ngươi câu gì?

- Con đã thờ thầy nhiều năm, chỉ một câu hỏi mà chẳng khứng cho, nên con bỏ đi.

- Ngươi đã từng hỏi câu gì?

Sư liền thuật lại câu hỏi trước. Biện Tài bảo:

- Ôi! Tịch sư vì ngươi đã nói tột rồi, chớ hủy báng Bổn sư không tốt.

Sư dừng lại suy nghĩ,

Biện Tài bảo:

- Đâu không nghe nói khi đạt khắp cảnh đầy đủ, chẳng ngộ hằng trái xa.

Sư bỗng nhiên đốn ngộ, liền trở về yết kiến Bổn Tịch.

Bình giải

Nhờ Ngài Biện Tài khai thị Thiền Sư Khánh Hỷ đã thấy khi Thiền Sư Bản Tịch chỉ trả lời “Lời nói ấy đâu phải không do đồng cốt giáng thần”. Câu trả lời đó muốn chỉ cho đệ tử thấy rằng Đồng cốt ở đây, không phải lên đồng nhập cốt, “hô thần nhập tượng” mà là sự quấy rối, đong đưa, mê hoặc, cái tâm thức lăng xăng trôi nổi, do vô minh sai khiến, và được hiểu như “tại tâm nhân giả phân biệt

”. Ở vào thế chênh vênh nào đó của tư tưởng, ngôn ngữ, đôi khi lại là một sự phủ định toàn triệt, quăng bỏ, đẩy bung ra ngoài, chẳng ăn nhập gì cả, không có sự nối kết, khiến cho tâm thức của mình rơi vào cùng đường, bí lối, không phạm trù để nương tựa, không kẻ hở để trụ bám, vì những điều Thiền Sư Khánh Hỷ hỏi những điều đó không góp phần, không tăng trưởng, không giúp ích trong việc trông thấy đâu là bản thể của giác ngộ, muốn đạt được, thấu hiểu rõ ràng, là phải phá bỏ rào cản, sự ngăn ngại, vực dậy chơn tánh đang sẵn có trong mỗi chúng ta, làm cuộc cách mạng toàn triệt trong nội tâm, buông bỏ mọi dính mắc, phủi sạch mọi che mờ, để cho ánh sáng trí tuệ của giác ngộ chiếu vào, tỏ rạng, bằng sự hoán chuyển, đổi thay, đào bới trong tận cùng tâm thức, nối kết sự tỉnh lặng tuyệt vời, thuần nhất

(5) Việc Sư dừng lại suy nghĩ ( khựng ) để đạt tới sự đốn ngộ tại nơi Thiền Sư Biện Tài qua câu " khi đạt khắp cảnh đầy đủ , chẳng ngộ hằng trái xa " chính là giây phút giải đáp được tại sao lời trả lời của minh sư Bản Tịch , điều gì. khiến cho bối rối, kkhiến cho hoài nghi, nhưng không đem lại cho ta câu trả lời đúng nghĩa dù những điều ấy liên quan đến sự tu tập, giải thoát, có những thứ liên quan đến sở học, bùng vỡ của giác ngộ, và cũng có những điều, chỉ nhằm trình bày kiến giải, sở đắc tu tập để nhờ thầy ấn chứng

Thế mà ông vẫn chưa hiểu được lý do là gì và tại sao, vẫn ngơ ngác đứng bên ngoài cuộc chơi.

Nhờ lời khai thị này khiến Sư bay bổng ra ngoài càn khôn, giật mình tỉnh mộng, bao nhiêu lầm chấp, ngờ vực, chỉ trong sát na tích tắc, bị quét sạch, cuốn trôi, nhận ra được bản thể vi diệu không cùng của giác ngộ, từ đó từng bước đi tới, vươn cao trong ý lực vượt thoát, chọc thủng màn đêm tăm tối.

(6)

Bổn Tịch thấy Sư trở về bèn hỏi:

- Ngươi đến đâu mà về mau thế?

Sư sụp xuống lạy thưa:

- Con mang tội hủy báng Hòa thượng nên trở về xin sám hối.

- Tướng tội, tánh nó không, ngươi làm sao sám hối?

- Phải như thế mà sám hối

Bổn Tịch liền thôi.

Qua sự trở về sám hối của Thiền Sư Khánh Hỷ ta học được rằng Tướng tội tánh nó vốn không nhưng chỉ đúng khi chưa có NHÂN được tạo ra . Một khi tội đã thành lập rồi thì nghiệp báu vẫn phải trả chỉ khi nào phiền não đã diệt tận được thì cái tội sẽ đần dần bị tiêu mòn Do đó tội đã thành lập thì quả báo là đáp số , chỉ những ai biết tu tập chuyển hoá và sám hối thì mới từ từ giảm dần đi

(7)

Sư cùng hai Thiền giả Tịnh Nhãn, Tịnh Như đứng hầu thầy.

Bổn Tịch bảo:

- Các nhân giả ở trong tông môn của ta, học hỏi đã lâu. Các ông hãy trình kiến giải của mình, để ta xem xét chỗ tiến đạo của các ông thế nào?

Tịnh Nhãn, Tịnh Như toan mở miệng đáp, Sư bèn nói to:

- Một khi mắt bị bệnh, hoa đốm rơi loạn giữa hư không.

Bổn Tịch khen:

- Xà-lê Khánh Hỷ! Sao dùng thuyền lại đập bể gàu múc nước?

- Dùng thuyền làm gì?

- Kẻ lanh lợi, chớ có mở hoác, ngươi chỉ giỏi nói đến việc bên này, nếu việc bên kia vẫn còn chưa mộng thấy.

- Tuy nhiên chỉ là y.

- Rời khỏi đầu sào trăm trượng buông tay đi, ngươi nói làm sao?

Sư nắm hai tay, thưa

- Chẳng liễm! Chẳng liễm!

- Tha ngươi một gậy.

Do đây, danh tiếng Sư đồn khắp tùng lâm

Điều này giúp học giả thấy được rằng :

Chặng đường đến gặp thiền sư Biện Tài, và khi trở về lại, cũng chỉ là những tín hiệu ban đầu của sự nhận biết, cái thấy đang từ từ hiển lộ, những trăn trở về giác ngộ cũng đang từ từ mở lối.

Những tháng năm kề cận bên thầy, thấm nhuần không khí nơi thiền môn, dòng suối tâm linh vi diệu của thiền, đêm ngày len lõi tác động, liên tục hổ tương, mãi cho đến khi thiền sư Bản Tịch thúc ép để trình chổ ngộ của mình, lúc ấy mới thật sự chín mùi, đúng lúc, đúng dịp, lập tức mở bung ra, thể nhập trọn vẹn vào giác ngộ.

Đây là lúc, bao nhiêu năng lực tu tập, bổng nhiên trào dâng ngập lối, mọi thứ vỡ tung ra, hiển hiện một cách vẹn toàn, giác ngộ đến tức thì, đến một cách toàn triệt, không xuyên qua thứ lớp, đến thật nhanh, đến một cách lạ lùng, sung sướng tột cùng, tinh tường thấu rõ, không còn ngăn ngại, không còn dò dẫm, thênh thang lồng lộng.

Cuộc hội tụ giác ngộ, trình kiến giải, Sư đối đáp trôi chảy, thể hiện trọn vẹn, từ trong bản thể vi diệu của giác ngộ bước ra, một bước nhảy tâm linh cao tột, một bước nhảy mà thời gian lẫn không gian không thể nào đuổi kịp. “

Chống thuyền rời bến một trăm thước, rồi buông sào đi bộ, thì ngươi nói sao?” C ó gì để mà nói năng, trả lời, thưa hỏi,

Sư đã từ trong giác ngộ, sống với giác ngộ, từ nhà Như Lai, ngồi tòa Như Lai, nên mọi hoạt dụng lưu xuất, cứ thế mà tự tại thong dong. “Chẳng liễm ! Chẳng hiểu"

Có gì để hiểu, còn gì để hiểu, công án, không còn là công án, giác ngộ không còn là giác ngộ, những đặt ra, những tra vấn, những bày biện, một khi bể ra, vỡ ra, là vỡ một cách toàn triệt, bể một cách không còn ranh giới bến bờ, không có gì để vỡ, để thấy nữa, biến mất tự lúc nào, vuột bay tự bao giờ, ở đó và ở đây, bên đó và bên nầy, bổng xóa nhòa, san bằng, đốn ngã, ủi sập tất cả.

(8) Sư có sáng tác “Ngộ Đạo Ca Thi Tập”, được lưu hành thời bấy giờ nhưng tiếc thay tập nay đã mất, chỉ còn truyền một bài kệ đáp trả lời hỏi của Đệ tử nối pháp Pháp Dung

Một hôm, đệ tử Pháp Dung hỏi

- Liễu đạt sắc không, sắc là phàm hay là Thánh?

Sư ứng thinh đáp bài kệ:

Uổng công thôi hỏi sắc cùng không,

Học đạo gì hơn phỏng Tổ tông.

Ngoài trời tìm tâm thật khó thấy,

Thế gian trồng quế đâu thành tòng.

Đầu lông trùm cả càn khôn thảy,

Hạt cải bao gồm nhật nguyệt trong.

Đại dụng hiện tiền tay nắm vững,

Ai phân phàm Thánh với tây đông.

(Lao sanh hưu vấn sắc kiêm không,

Học đạo vô như phỏng Tổ tông.

Thiên ngoại mích tâm nan định thể,

Nhân gian thực quế khởi thành tùng.

Càn khôn tận thị mao đầu thượng,

Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.

Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ,

Thùy tri phàm Thánh dữ tây đông?)

( 9)

Lao sanh hưu vấn sắc kiêm không, học đạo vô như vấn Tổ tông”.

Nghĩa là uổng công thôi hỏi sắc cùng không, học đạo gì hơn phỏng Tổ tông.

Ý ngài dạy người học đạo giác ngộ chớ phí công nhọc sức tìm tòi bàn luận về nghĩa sắc không. Tại sao? vì trọng tâm của người học đạo là không gì bằng “phỏng Tổ tông”, tức là thưa hỏi Tổ tông. Ỉ

Tổ tông chỉ cho nguồn cội chân thật của mình. (. Học đạo và hỏi đạo là phải trở về nguồn cội của mình. Đùng mắc kẹt trên hình tướng đối đãi của sắc và không. Vì sắc và không là cái bên ngoài. Tìm kiếm sắc và không là phóng tâm chạy ra ngoài, quên mất bản tâm chân thật của chính mình.

Ý hai câu này ngài khuyên người học đạo không nên nhọc tâm gắng sức tìm hiểu lý sắc không ở ngoài, mà phải quay lại sống với bản tâm thanh tịnh của chính mình. Ngày nay đa số người học đạo đều mắc kẹt bên này hoặc bên kia, mà không quay về nguồn cội, nên ngài dạy như thế.

“Thiên ngoại mích tâm nan đinh thể, nhân gian thực quế khởi thành tùng”. Nghĩa là ngoài trời kiếm tâm nào dể thấy, thế gian trồng quế đâu thành tùng.

Thiên ngoại là ngoài trời, chỉ cho sự vật bên ngoài.

Nếu người tu mà cứ hướng ra bên ngoài lý giải đây là sắc kia là không, thì không bao giờ an định nhận ra bản tâm chân thật của mình.

Giống như thế gian trồng quế mà muốn thành tùng là chuyện không bao giờ có.

Với bốn câu trên Ngài dạy người tu đừng phí thời giờ tìm kiếm phân tích lý sắc không, mà phải quay về nội tâm nhận ra và sống với bản tâm chân thật của mình, hướng ra bên ngoài mà tìm tâm thì không bao giờ được.( cái niệm khởi ra đầu tiên là chân tâm. Niệm thứ hai bắt đầu là vọng tâm rồi )

“Càn khôn tận thị mao đầu thượng, nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”.

Nghĩa là cả trời đất nằm trên đầu smợi lông, mặt trời mặt trăng nằm trong lòng hạt cải. Đầu sợi lông rất nhỏ thế mà cả trời đất nằm gọn trên đó. Việc này dễ tin không? Hạt cải nhỏ xíu mà chứa cả mặt trời mặt trăng thật khó tin.

Hai câu này giải thích hai mặt, mặt sự tướng và mặt lý tánh.

Đứng về sự tướng thì từ thân người cho đến vạn vật đều do đất nước gió lửa hợp thành. Tứ đại là một, mà tất cả thân tất cả vật là nhiều, tất cả cái nhiều ấy không cái nào ngoài đất nước gió lửa mà có.

Do đó nên nói “một là tất cả tất cả là một”, hay nói tất cả cùng chung một thể không khác. Đất nước gió lửa của mình và đất nước gió lửa bên ngoài đâu có khác.

Chúng ta vì còn nhiều tình chấp nên phân biệt mình khác với người, mình khác với cây cỏ, mình khác với thiên nhiên….

Nhưng nếu chúng ta dùng tri để quán sát thì thấy không khác và nơi cái này có đủ yếu tố của những cái kia., thì thấy vạn vật và con người đều do bốn đại hợp không rời Như vậy thì, nhỏ như đầu mảy lông cũng gồm có đất nước gió lửa, lớn như càng khôn đại địa cũng gồm có đất nước gió lửa. Và nhỏ như hạt cải lớn như mặt trời mặt trăng, không vật nào ngoài đất nước gió lửa.

Đó là đứng trên phương diện sự tướng mà giải thích.

Còn đứng về mặt lý tánh thì vạn vật có hình tướng nhỏ như mảy lông hạt cải, lớn như mặt trời mặt trăng quả địa cầu đều do duyên hợp, không có thực thể cố định, gọi là tánh không.

Tánh không của quả đất, của mặt trời, của mặt trăng, của mảy lông, của hạt cải không khác nhau, nên nói đầu sợi lông trùm cả quả đất và mặt trời mặt trăng ở trong hạt cải.

Người đạt đạo thấy tự tánh các pháp là không, nên thấy tất cả sự vật đều dung hội nhau. Trên phương diện tánh không, không có tướng lớn nhỏ do đó người đạt đạo thấu suốt lý tánh không, thấy chẳng có gì ngăn ngại.

“Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ, thùy tri phàm tánh dữ tây, đông?”. “

Quyền tại thủ” dịch theo vận là tay nắm vững. Dịch sát nghĩa là nắm sẵn trong tay. Nghĩa là đại dụng hiện tiền tay nắm vững, ai phân phàm thánh với tây đông.

Khi người đạt đạo rồi thì diệu dụng không thể nghĩ bàn, không còn bị chướng ngại bởi lớn nhỏ, xa gần, trước sau…. Tức là không còn bị chướng ngại bởi không gian và thời gian. Người được đại dụng hiện tiền thì không còn ý niệm phân chia đây là phàm kia là thánh, không còn thấy đây là đông kia là tây, không còn thấy đối đãi hai bên, mà thấy tất cả sự vật đều dung thông, đều hòa nhập với nhau.





facebook-1
***
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/11/2012(Xem: 14747)
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Tam Muội Bí Mật Tam Ma Da - do Bác Sĩ Minh Quang Nguyễn Lê Đức giảng
16/11/2012(Xem: 15689)
Thai Tạng Giới - do Bác Sĩ Minh Quang Nguyễn Lê Đức giảng
10/11/2012(Xem: 14842)
Kinh Thủ Lăng Nghiêm - do Bác Sĩ Minh Quang giảng
30/10/2012(Xem: 14286)
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, do Bác Sĩ Minh Quang Nguyễn Lê Đức giảng
04/09/2011(Xem: 6192)
Thượng tọa Thích Giải Hiền thuyết giảng pháp nhũ tại Khóa An cư kiết hạ tại Trường hạ Tỉnh Tuyên Quang - Chùa An Vinh Đề tài Báo Ân - Ngày 22/06/2014
08/08/2011(Xem: 16080)
Kinh Devadaha (Trung Bộ Kinh) Việt dịch: HT Thích Minh Châu Giảng giải: HT Thích Chơn Thiện
06/08/2011(Xem: 17260)
Audio: Tăng Chi Bộ Kinh Việt dịch: HT Thích Minh Châu Giảng giải: HT Thích Chơn Thiện
16/06/2011(Xem: 26515)
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật Giọng niệm: HT Thích Hạnh Hòa, TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng www.quangduc.com
13/06/2011(Xem: 11184)
Audio: Thiền Tập, bài giảng của TT Tâm Thành
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]