Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trường Hạ Phổ Quang (2005)

28/05/201311:19(Xem: 2754)
Trường Hạ Phổ Quang (2005)

Biakyyeu_final2(forweb)

Mục Lục

Lời ngỏ

Theo truyền thống Tăng Già, hằng năm chư Tăng Ni khắp nơi đều nhóm họp một nơi để kiết giới an cư, hầu thúc liễm thân tâm,trau dồi Giới, Ðịnh, Tuệ, ba môn vô lậu học, tăng trưởng đạo lực sau những tháng ngày bận rộn hoằng pháp lợi sanh.

Tại quê nhà, chư Tăng Ni thường tác pháp an cư kiết hạ từ ngày 16 tháng 4 đến ngày 16 tháng 7 âm lịch, đúng theo truyền thống “ tam nguyệt an cư, cửu tuần tu học” (ba tháng cấm túc an cư, chín mươi ngày chuyên tinh hành trì tụ học). Tuy nhiên khi PGVN truyền ra hải ngoại, vì hoàn cảnh, địa dư, thời tiết khác biệt đối với quê hương nên khóa an cư cũng theo đó mà thay đổi để phù hợp với thời đại.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Ðại Lợi – Tân Tây Lan được thành lập năm 1999, quy tụ hầu hết các tự viện trên toàn liên bang Úc, mỗi năm đều qui tụ lại một trú xứ được chọn trước để an cư tu tập trong mười ngày.

Bốn kỳ an cư trước đây được tổ chức tại Chùa Pháp Hoa, South Australia (2000), Chùa Pháp Bảo, New South Wales (2001), Chùa Linh Sơn, Victoria (2002), Tu Viện Vạn Hạnh, thủ đô Canberra (2003), Tu Viện Quảng Đức, Victoria (2004) và năm nay, khóa An Cư Kiết Ðông được tổ chức tại Chùa Phổ Quang, Perth, tiểu bang Tây Úc.

Tập Kỷ Yếu này ghi nhận hình ảnh sinh hoạt của Trường Hạ Phổ Quang 2005 như một món quà tinh thần kỷ niệm cuối khóa cho mọi hành giả tham dự khóa tu và thân tặng các pháp hữu gần xa.

Dù hết sức cố gắng trong khả năng, tuy nhiên những thiếu sót chắc chắn không sao tránh khỏi. Kính mong Chư Tôn Ðức và quý Phật tử hoan hỷ góp ý và bổ chính.

Trân trọng,

Ban Thực Hiện Kỷ Yếu Trường Hạ ^

Lời khai thị của Hòa Thượng Hội Chủ

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Tôn Đức trong Ban Chức Sự khóa an cư.

Kính thưa chư thiện hữu tri thức, quý đạo hữu Phật tử

Chúng tôi xin hân hoan chào mừng toàn thể quý vị đã về tham dự mùa an cư Phật lịch 2549 năm nay. Tiếp tục truyền thống tốt đẹp của Tăng già, là hằng năm chư Tăng Ni vân tập về một trụ xứ để An cư kiết giới, thúc liễm thân tâm, trau dồi tam vô lậu học, hầu có thêm đạo lực mà tiếp tục Phật sự, thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh. Theo sự phân công luân phiên cho các tiểu bang và theo tinh thần phát nguyện của mỗi địa phương, năm nay Giáo Hội tổ chức an cư kiết đông tại chùa Phổ Quang, Tây Úc. Thấy được sự hân hoan và niềm phấn khởi của chư Tôn Đức cùng quý Phật tử toàn Úc châu câu hội về đây để cùng nhau tu, học trong 10 ngày, thật là một vinh hạnh cho GHPGVNTNHN-Tây Úc. Về phần Giáo Hội và bản thân tôi rất lấy làm cảm kích, xin tán dương tinh thần tứ chúng đồng tu nầy, đồng thời thành tâm ca ngợi công đức Thượng Tọa Hóa Chủ, Sư cô Trụ trì cùng tăng chúng chùa Phổ Quang và Ban Chức Sự mùa an cư đã và đang tích cực hoàn thành mọi phần vụ để đại chúng có đủ tiện nghi an tâm tu tập.

Nhân trong không khí phấn tấn của ngày khai mạc nầy, xin cùng đại chúng ôn lại những lời Phật dạy để chúng ta làm tư lương trên bước đường tu tập, hoằng pháp lợi sanh; đó là nhắc lại những nguyên tắc sống để trở thành một vị Tỳ kheo và một Phật tử đầy đủ phạm hạnh trong bài kinh “Đại kinh xóm ngựa” (Mahassapuracuttom, Trung Bộ X) để chúng ta làm đề mục cho việc tu tập trong năm nay.

Có 7 nguyên tắc tác thành một vị Sa môn và Phật tử thuần thành:

1. Biết tàm quý

2. Thân hành thanh tịnh

3. Khẩu hành thanh tịnh

4. Ý hành thanh tịnh

5. Mạng sống thanh tịnh

6. Hộ trì các căn

7. Chú tâm cảnh giác.

Trong kinh Di Giáo Phật có dạy: “Sự tàm quý là chiếc áo phục sức tốt đẹp nhất trong mọi thứ phục sức. Như cái móc sắt, sự tàm quý có năng lực chế ngự mọi thứ phi pháp của con người. Thế nên, nầy các Tỳ kheo, đừng bao giờ quên đức tính ấy…”

Trong trách nhiệm hướng dẫn cho hàng Phật tử, chúng tôi hy vọng quý vị Tăng Ni hành trì nghiêm cẩn 7 nguyên tắc tác thành một vị Sa môn hòa hợp như trên, để tập thể Tăng, Ni để làm gương cho bao lớp người theo sau được đến bến bờ giải thoát, giác ngộ một cách trọn vẹn. Và cũng rất mong mỏi các hàng Phật tử cùng thực hành theo 7 nguyên tắc nầy để thân tâm được an ổn.

Lời Phật dạy luôn là ngọn đuốc soi đường cho chúng ta và luật nhân quả lúc nào cũng là tấm gương phản chiếu mọi lời nói, việc làm của chúng ta. Rất mong đại chúng xây dựng nhiều thiện pháp và tạo nhiều công đức thù thắng để cuộc sống của từng cá nhân được nhiều an lạc, góp phần vào sự trang nghiêm cho Giáo hội và nền hòa bình cho thế giới. Kệ rằng:

“Buộc tâm lấy Giới làm dây

Lắng tâm lấy Định dựng xây đạo tràng

Rõ tâm đuốc Tuệ soi đường

Tâm không cảnh tịch Niết bàn an vui.”

Xin kính chúc chư Tôn đức cùng tất cả quý Phật tử hưởng một mùa an cư đầy pháp vị.

Nam mô Ưu Ba Ly Tôn giả tác đại chứng minh.

Hội chủ, HT Thích Như Huệ

ĐoTràng

Sa Môn Thích Bảo Lạc

Người Phật tử không quan niệm Đạo Phật là một tôn giáo như các đạo giáo khác đã và đang hiện hành trên thế giới hiện nay. Hơn ai hết, đã là người con Phật, chọn nếp sống đạo làm hành trang nhập cuộc của mình, chúng ta ý thức rõ ràng rằng đạo Phật là đạo của sự thật, của sự sống hay nói cách khác là đạo của chân lý như thật. Dựa theo tinh thần ấy mà có người đã sánh ví đạo Phật như hơi thở, như nụ cười, như mọi sinh hoạt hằng nhựt của các chúng đệ tử Đức Phật. Dù là thánh đệ tử sống đời phạm hạnh hay hàng Phật tử bình thường sống có gia đình theo mẫu mực đạo giáo, hẳn tri nhận điều nầy trước hơn ai hết.

Vào thế kỷ thứ bảy Tây lịch nhà học giả kiệt xuất của Phật giáo đã hy hiển trọn đời mình sống đời sống đạo xứng đáng cho chúng ta noi theo học hỏi công hạnh lợi tha của người. Đó là nhân vật sáng giá nổi bật trong lịch sử truyền thừa đạo giác ngộ tại đất nước Trung Hoa lúc bấy giờ, vẫn vang vọng mãi trong lòng người con Phật khắp cổ kim, Đông Tây. Chiếc bóng thanh thoát Ngài trải dài qua chiều dài lịch sử suốt gần 1,500 năm qua vẫn mãi mãi che rợp bóng mát cho nhân gian bằng chính mạng sống của Ngài cho sự nghiệp dịch kinh Phật truyền lại cho chúng ta hôm nay. Bốn câu thơ phát xuất do chính miệng Ngài khi đích thân đứng trước Phật tích tại Ấn Độ đã cảm niệm như sau:

Phật tại thế thời ngã trầm luân

Kim đắc nhân thân Phật diệt độ

Áo não thử thân đa nghiệp chướng

Bất kiến Như Lai kim sắc thân

Dịch nghĩa:

Lúc Phật tại thế con trầm luân

Nay được thân người Phật diệt rồi

Tiếc thay thân con nghiệp sâu dày

Không thấy thân kim sắc Như Lai

(Thích Bảo Lạc dịch)

Dẫn giải lung khởi như thế để hướng đến chủ đề hầu trình bày một đôi điều mà tác giả nghĩ là thiết thực trong việc hành trì hơn là trên lý thuyết. Đạo tràng nghĩa là gì? Theo định nghĩa đạo tràng là nơi để học đạo, dạy đạo, tham thiền, giảng kinh, thuyết pháp v.v…Từ đó cho ta phân biệt được hai nghĩa:

1. Đạo tràng theo nghĩa hẹp: một ngôi nhà thờ Phật cho gia đình quy tụ con cái lễ Phật, sám hối, tụng kinh, cúng lễ…hướng thiện con cháu sống theo con đường thiện, ngỏ hầu xây dựng nếp sống hiện tại và tương lai cho gia đình được an lạc hạnh phúc, xã hội tốt đẹp thái hòa. Một Niệm Phật đường không chi khác hơn cũng chỉ một ngôi nhà được dùng vào việc công cộng cho bà con láng giềng tới học đạo, luận đạo, tu đạo do một vị tăng hay vị ni chăm sóc hoặc ở hải ngoại cũng có nhiều Niệm Phật đường do Phật tử hảo tâm cho mượn phương tiện cho nhiều người cùng tới học đạo, chia xẻ lẫn nhau kinh nghiệm tu tập nhằm xây đựng bản thân và tập thể trở thành những thành viên tốt của gia đình, những công dân tốt của đất nước. Thậm chí một thảo am, cốc lá thô sơ của chỉ một người tu hay vài người tu nơi miền quê, trên rừng núi, trong hang động… cũng có thể gọi là đạo tràng mà không có gì sai theo như định nghĩa.

2. Đạo tràng theo nghĩa rộng : một ngôi chùa có từ vài vị tăng, ni hướng dẫn, mở khóa tu, lớp học, tổ chức những lễ lược quanh năm cho thập phương bá tánh tới lui hành thiện, gieo duyên lành với Tam Bảo. Một Phật học viện hay Phật học đường rộng lớn có đủ phương tiện ăn ở tu học cho số đông tăng ni nội trú được chia làm nhiều khóa khác nhau để đào tạo tăng tài làm phong phú cho nền Phật giáo. Nói rộng, nơi công viên, một hội trường… tạm thuê mướn hành lễ, thuyết pháp của những vị pháp sư danh tiếng đều là những đạo tràng để cho công chúng nói chung có được cơ hội nếm vị pháp lạc, nhờ đó mà cải thiện được thói hư, tật xấu hay ngay cả nghiệp lực. Như vậy, sự lợi lạc vô cùng lớn lao của một đạo tràng bề thế quy mô không những trong hiện tại mà tác dụng thầm lặng của nó mang vóc dáng đi vào chiều sâu về lâu về dài không thể nào phủ nhận được.Ngoài ra, theo tôi nghĩ còn một nghĩa tinh tế hơn lại vô cùng thiết thân làm đạo tràng chuyển tải đạo lý đưa vào nhân quần xã hội. Đó là nơi bản thân của mỗi chúng ta (Phật tử) vô hình chung cũng phải là một đạo tràng. Tại sao tôi lại nói như thế có quá lắm không? Thật vậy, bản thân của tăng ni hay người Phật tử chân chính tu học, tức là có hành trì trước hết là lợi lạc cho bản thân và sau lợi lạc được cho nhiều người làm thăng hoa cuộc sống trong tinh thần xây dựng, là chất xúc tác dẽo dai bền chặc có sức hàn gắn những vết thương tâm cho nhiều người đang cần tới để an ủi xoa dịu.

Hẳn tự thân của mỗi một tăng ni không ai lạ gì bài sám Quy Mạng trong thời kinh Lăng Nghiêm buổi sáng ở chùa qua mấy câu cũng nhằm nghĩa kiến lập đạo tràng này như sau:

Kiến pháp tràng ư xứ xứ

Phá nghi võng ư trùng trùng

Hàng phục chúng ma

Thiệu long Tam bảo…

(Thiền sư Duy Sơn Nhiên)

Dịch nghĩa:

Đạo tràng dựng khắp nơi nơi

Lưới nghi phá hết trong ngoài sạch không

Tà ma hàng phục đến cùng

Truyền đăng Phật pháp nói giòng vô chung

(Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch)

Khai đạo tràng hiển chân phá vọng

Dẹp tan muôn trùng sóng hoài nghi

Quần ma uý phục theo về

Ba ngôi báu thịnh như kỳ tượng sơ

(Cố ni trưởng TN. Trí Hải dịch)

Trong phạm vi tập kỷ yếu trường hạ, bài viết cần ngắn gọn để chư vị đọc thoải mái nhẹ nhàng, nên không phải luận bàn thêm nữa. Sau cùng, ở đây tôi muốn cảm niệm công đức của Tăng, Ni, Phật tử đạo tràng Phổ Quang-Tây Úc mùa hạ 2005 năm nay đã cúng hiến cho tăng đoàn và đại chúng mọi mặt để tập thể an tâm tu học 10 ngày của trên dưới 100 người, thật quả là một đạo tràng đúng nghĩa như phần luận dẫn ở trên.

Sa môn Thích Bảo Lạc

Câu chuyện về con trâu
(lời khai thị của TT Hóa Chủ Thích Phước Nhơn)

Chúng tôi xin được phép kể mẫu chuyện ngắn, thay cho lời chia xẻ đạo tình sáng hôm nay. Chuyện về những con Trâu sống nơi đồng nội. Ở thôn quê nơi nông dânsống bằng nghề cày cấy ruộng nương, nên Trâu là con vật được quý trọng, là phương tiện trợ duyên đắc lực cùng người cày cấy ruộng vườn.

Mỗi năm vào những mùa hè khí trời thanh mát, các chủ chăn Trâu không cần phải lùa Trâu về chuồng khi làm việc xong; đặc biệt những con Trâu cũng hiểu được điều này nên tự động cùng nhau đi tìm nơi nghỉ, và thường chúng đi xa vào rừng. Có một điều lạ dù Trâu được nuôi cách biệt nhau, cứ mỗi vài con có chủriêng khác. Nói cách khác là chúng không sống theo bầy khi làm việc ban ngày, nhưng khi về đêm lại kết tập chung nhau một bầy. Sự sắp đặt thứ lớp ngủ nghỉ về đêm lại là việc ly kỳ nữa. Chúng kết nhau làm vòng tròn lớn; từ trong tâm vòng tròn là những con Trâu nghé, tiếp theo vòng ngoài là trâu cái mang thai; tiếp theo vòng ngoài nữa là Trâu già bệnh, tiếp theo vòng tròn nữa là trâu cái khoẻ, và cuối cùng vòng ngoài hết, là vòng đai quan trọng, đó là những con trâu khoẻ nhất, mạnh nhất.

Riêng thế nằm nghỉ của những con trâu khoẻ nhất này đều đồng loạt hướng đầu ra ngoài; và tất nhiên chúng phải đặt mình cảnh giác cao độ, sẵn sàng tư thế đối diện với bất cứ kẻ thù nào muốn xâm nhập vào vòng đai bên trong. Như vậy nếu có thú dữ nào dù là chúa sơn lâm như hổ cũng khó dám lui tới, khi phải đương đầu đối diện với những con trâu khoẻ nhất mang trên đầu những cặp sừng sắc bén.

Mẫu chuyện chúng tôi kể đây là có thật, nói lên sự sinh tồn tự nhiên của loài thú đồng loại với nhau; thể hiện tinh thần đoàn kết vững mạnh để cùng nhau mà sống. Điểm hay của các con vật (trâu) này, là dù ban ngày không cùng sống chung, thậm chí có thể không thấy mặt nhau vậy mà hiển bày được sự đoàn kết bảo vệ nhau, nhất là đùm bọc cho những đồng loại yếu đuối hơn.

Thiết nghĩ không phải chỉ có loài trâu mà còn nhiều loại khác nữa mà chúng ta chưa rõ biết; thế thì đối với hàng tu sĩ qua câu chuyện trên làm chúng ta nghĩ ngay đến tình lục hòa trong đạo. Nếu không có lụchòa, chắc chắn hàng sứ giả Như Lai chẳng những không thể phát huy đạo giáo mà còn khó thể tồn tại. Rồi cũng không riêng hàng học Phật xuất gia, mà tại gia cũng vậy; phải làm cách nào thể hiện tình pháp lữ như tình thương yêu thân tộc một nhà, có như vậy từ bi và trí tuệ của người con Phật mới lan rộng phổ cập khắp mọi nơi trên thế giới ./.

Phong kiều dạ bạc

image001

Trương Kế

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự

Dạ bán chung thinh đáo khách thuyền

PHONG KIỀU DẠ BẠC

Bến phong kiều hàng cây tăm tắp

Trời Cô Tô ăm ắp sương mờ

Thuyền nang một lá hững hờ

Ðêm khuya ghé bến đợi chờ bâng khuâng

Mới nửa đêm sao trăng đã lặn?

Quạ kêu buồn như nhắn nhủ ai

Mù sương trải kín sông dài

Đèn câu hay cánh sao cài trên sông

Khách một mình nằm trong khoang lạnh

Nghe hơi sương đượm mảnh chăn đơn

Buồn ru giấc ngủ chập chờn

Bao hình ảnh cũ chờn vờn như mơ

Bỗng chuông chùa từ xa vọng lại

Trong phút giây thư thái lòng trần

Khách đây chùa đó xa gần

Tỉnh trong đêm tối nên vần thơ duyên

TT. Phước Nhơn phóng dịch

Vầng trăng mười sáu
Thích Trường Sanh

Về lịch sử,Đạo Phật có mặt tại Việt nam trên 2000 năm. Hai nghìn năm ấy, ánh sáng Đạo Phật đã chan hòa - thấm đượm vào tận con tim - khối óc với người con Phật.

Người Việt nam từ bao thế kỷ trước và hôm nay, không phân biệt Tôn giáo-tư tưởng…, phải nhìn rằng: Nền văn hóa Việt nam không thể tách rời văn hóa của Đạo Phật. Vì con người mang chất liệu Đạo Phật đã xây dựng, đóng góp về lãnh vực văn học - điêu khắc - hội họa cho xứ sở Việtnam.

Cuộc hành trình đi tìm tự do của người Việt nam tưởng chừng đã chôn vùi giữa lòng đại dương, hay những nơi rừng núi thâm sâu. Nhưng trong sự mất máctuyệt vọng ấy, có những người còn sống lại vẫn luôn nuôi dưỡng lý tưởng dấn thân cho nhân thế, đó là Thưọng Tọa Phước Nhơn đương kim viện chủ Chùa Phổ Quang.

Người viết đến từ Tân Tây Lan đã có duyên đến thành phố Perth-tiểu bang miền tây nước Úc đến nay đã lầnthứ ba, và được biết Thượng Tọa Phước Nhơn từ trại tỵ nạn Hồng Kông định cư tại Úc vào năm 1983. Tiểu bang Tây Úc là nơi có nhiều rừng rú-sa mạc hoang vu. Nhưng nhờ sự hộ trì Tam bảo, và chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử xa gần. Với sự nhẫn nại kiên trì bằng mọi nổ lực, Thượng Tọa đã mua mảnh đất với diện tích 13,000 mét vuông vào năm 1985,khởi sự xây dựng Chùa Phổ Quang năm 1989 và hoàn thànhngôi Chùa vàonăm 2000.

Hôm nay ngày 5tháng 7năm 2005,Thượng Tọa Phước Nhơn đã hoan hỷ nhận lãnh tổ chức khóa An cư kiết đông 10 ngày, do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan giao phó,trong sứ mệnh truyền trì chánh pháp để lợi lạc quần sinh.

Trong cuộc đời,ai không vui mừng, khi tự bản thân mình thành công về học vấn, xây dựng đóng góp cho Gia đình-Quốc gia Xã hội và Đạo pháp,mà ngôi Chùa Phổ Quang là một ngôi Phạm vũ đầy đủ phương tiện cho chư Tăng Ni, Phật tử trở về tu học và các ngày đại lễ.

Xưng dương và tán thán để nói lên những con ngươì đầy đủ đức tính hy sinh, mong được những thành quả tốt đẹp cho đạo, cho đời, mà ở xứ người Thượng tọa Phưóc Nhơn là một Tu sĩ Phật giáoViệt nam đã làm nên công hạnh cao đẹp ấy ! - Phưóc đức và trí tuệ là hai yếu tố đích thực cho những ai muốn hướng đến để làm hành trang cho kiếp sống hôm nay và mãi mãi về sau.

Xót xa cây cỏ lưu đày

Diệt sinh rã tụ với đầy buốt tim
Mấy ngàn năm trôi vô tình

Mấy ngàn xưa vẫn một mình mây xưa

Đúng thế, kiếp nhân sinh như hoa lá cỏ cây giữa sa mạc hoang vu nắng cháy. Sống chết - mất còn - vinh nhục làm sao tránh khỏi chạnh lòng khi con tim vẫn còn rướm máu. Nhưng, tĩnh lặng đứng nhìn: Không gian mây vẫn lững lờ trôi và thời gian muôn đời vẫn như thế, thì hành giả đừng ngại gì những hiện hữu giữa trần gian.
Đôi cánh nhạn bay phương trời mộng
Đường xa muôn dặm bóng người đi
Thoảng nhìn cô lữ về viễn xứ
Sử sách ghi đời hỡi cố nhân?!...

Viết tặng Pháp hữu Thích Phước Nhơn
Mùa Đông năm Ất Dậu-2005
Thích Trường Sanh^

Hạnh Tinh Tấn

Mùa đông buồn gió đông lạnh, sự lạnh kèm theo khiến cho thân tứ đại phải đổi thay theo thời tiết bên ngoài. Khiến cho lòng người thêm tái tê, vất vả theo thời tiết của mùa đông giá buốt. Mùa an cư thứ sáu Giáo Hội tổ chức để tạo sự tinh tấn cho đại chúng trong mùa an cư. Tinh tấn có nghĩa là thoát ra khỏi sự lười biếng, khi chúng ta dùng danh từ lười biếng, chúng ta nói về một sự thiếu vắng chung cho sự chánh niệm, và một thiếu vắng niềm vui trong kỷ luật tu hành, khi tâm thức chúng ta hòa trộn với pháp, khi chúng ta trở thành một con người của pháp, bấy giờ sự nối kết đã thành, bởi thế chúng ta không có vấn đề lười biếng, nhưng nếu chúng ta chưa tạo thành sự nối kết này, chắc chắn sẽ có một số vấn đề. Nơi đây chúng tôi muốn gởi đến quý vị trong mùa An Cư là sự tinh tấn, theo mặt phát triển niềm vui, và sự cảm kích mà chúng ta đang thực hành, đang cảm nhận trong mấy ngày tinh tấn vừa qua. Đó cũng giống như một cuộc đi chơi, trong ngày nghỉ, chúng ta rất hào hứng khi thức dậy vào sáng sớm, vì chúng ta đang chờ một kinh nghiệm một kỳ thi lớn lao, vậy thì sự tinh tấn giống như giây phút chúng ta chuẩn bị đi chơi, và chúng ta có cảm tưởng rằng, chúng ta sắp có một thời gian thích thú, nhưng đồng thời quý vị cũng phải đặt sự cố gắng vào đó.

Thế nên tinh tấn là một loại lễ hội và niềm vui nó thoát đi khỏi sự lười biếng. Nếu nói theo kinh điển! Không có tinh tấn quý vị không có một chút hứng thú nào trên con đường du hành cũng như tất cả chúng ta có mặt tại đạo tràng buổi sáng sớm này trong thời công phu khuya, nếu không có đôi chân giới luật, chúng ta không thể từng bước đi trên con đường đạo, nhưng thậm chí, quý vị có đôi chân giới luật ấy, nếu chúng ta không có sự tinh tấn, chúng ta không thể nào bước đi được. Tinh tấn bao gồm ý nghĩa tự đẩy mình từng bước, từng bước một trên con đường đạo mà chúng ta đang thực tập, đó là sự nội kết mà chúng ta đang cùng đi trên con đường tìm đến sự giác ngộ. Tuy nhiên quý vị phải có kinh nghiệm cảm giác kháng cự nào đó trong nội tâm để kháng cự sự lười biếng, khi bị ngoại cảnh bên ngoài xâm nhập vào tiềm thức nội tại của chúng ta, tạo nên sự tinh tấn trong toàn thể đời sống, dù chướng nạn nào chúng ta cũng kiên trì thực hành tinh tấn, để tạo niềm vui an lạc và cho đời sống tu tập của chúng ta tìm đến sự an ổn nội tâm trọn vẹn một nguyện vọng quyết tâm thực hành hạnh tinh tấn.

Kính chúc quý vị an lạc trong tâm tư.

Nguyên Trực


Cúng Đại Bàng
Thích Nguyên Tạng

Cúng Đại Bàng là một nghi thức quan trọng trong lễ cúng Quả Đường mỗi buổi trưa ở các tự viện theo truyền thống Phật Giáo Đại Thừa, đặc biệt là mùa An Cư Kiết Hạ hằng năm. Theo lời thuật lại trong khế kinh, ngày kia Đức Phật đi du hóa gặp một con chim Đại Bàng bắt các loài chim nhỏ ăn thịt. Chim Đại Bàng này có chiều kích rất lớn, mỗi lần há miệng, một hơi hút của nó chiếm một phạm vi nhiều cây số, tất cả các loài chim nhỏ đều bị cuốn hút vào miệng nó. Thấy việc sát sanh quá nhiều nên Đức Phật đã từ bi giáo hóa. Ngài dạy rằng “ tất cả chúng sanh đều ham sống sợ chết, do đó chớ giết và chớ bảo giết”. Chim Đại Bàng tự nghĩ: “thực phẩm hằng ngày của mình là thịt sống của các loài chim, nay Phật không cho ăn, lấy gì để nuôi thân mạng này”. Phật dạy: “từ đây về sau ngươi về chùa nào gần nhất để quý Tăng Ni cho ăn”.

Tương tự như nghi thức cúng cháo Mông Sơn Thí Thực buổi chiều (sẽ được đề cập vào một dịp khác), Nghi thức cúng Đại Bàng buổi trưa được phát xuất từ đó, và hơn hai ngàn năm nay truyền thống này vẫn tiếp tục gìn giữ và duy trì. Có người thắc mắc rằng, sao chỉ cúng bảy (7) hạt cơm, có thể làm no đủ loài đại bàng, và 7 hạt cơm có thể thay thể được thịt sống? Theo như trong bài kệ ghi rằng :

"Pháp lực bất tư nghì
Từ bi vô chướng ngại
Thất liệp biến thập phương
Phổ thí châu sa giới
Án Độ Lợi Ích Tóa Ha"


Nghĩa là:
Pháp lực khó nghĩ bàn,
Từ bi vô giới hạn
Bảy hạt biến mười phương,
Biến khắp cõi vô biên”.


Các Hòa Thượng cũng dạy rằng do nguyện lực của thần chú của Phật mà bảy hạt cơm kia sẽ biến thành cam lồ pháp nhũ khiến cho loài Đại Bàng ăn no đủ, nhờ lực gia trì của thiện niệm.

Nhớ lại thời gian hành điệu, làm thị giả, cúng Đại Bàng là thời gian hồn nhiên, đẹp đẽ ghi sâu vào tâm khảm tôi; hình ảnh tuổi thơ an bình, hiểu biết ngây ngô tình đạo, tình ân sư, huynh đệ. Tất nhiên nhiều khi vẫn nhớ nhà, nhớ mẹ, nhưng nỗi niềm nào cũng đến và đi thật mau trong lứa tuổi ngây thơ bấy giờ. Nhờ vậy mà tôi không thấy có sự khác biệt cách ly giữa tình ân sư và tình thân huyết nhục. Hôm nay nhớ lại quê nhà, nhớ lại kỹ niệm xưa, ghi lại vài nét hành điệu của những tháng ngày đồng chơn nhập đạo, khiến tôi không khỏi xúc động bồi hồi.

Tôi được Sư Phụ gởi xuống làm thị giả cho Hòa Thượng Trí Nghiêm & HT Thiện Siêu trong các mùa An cư Kiết Hạ từ những năm 81 đến năm 1984 tại Chùa Hải Đức, Nha Trang. Chùa Hải Đức từng là Phật Học Viện Trung Phần, nơi đào tạo các bậc tăng tài cho PGVN do Cố HT Trí Thủ khai sáng, do vậy sau 1975, có nhiều Thầy còn lưu lại nơi này. Lúc ấy tôi nhớ có Ôn Từ Đàm, Ôn Trừng San, Thầy Phước An, Thầy Phước Quảng, Thầy Phước Lượng, Thầy Chánh Lạc, Thầy Huệ An, Thầy Trí Viên, Thầy Thiện Vinh, Thầy Minh Châu, Thầy Minh Thông, Thầy Chơn Trí, Thầy Thiện Tu, Thầy Nguyên Quang… về Sa di thì có Chú Phượng, chú Pháp Đăng.. về phía Chùa Long Sơn thì có Ôn Trí Nghiêm (Hoàng Trúc Am trên đồi Trại Thủy trong khuôn viên chùa Long Sơn), Ôn Đỗng Minh, Ôn Chí Tín, Ôn Thiện Bình, Thầy Thanh Hương, Thầy Đức Bổn, Thầy Chí Nguyện… và các chùa lân cận có quý Thầy về tùng hạ tại Hải Đức trong các mùa hạ ấy có Thầy Thiện Hữu , chú Lâm từ Chùa Phước Điền, Thầy Chí Viên, chú Hải từ Chùa Núi (Linh Phong), Thầy Đức Thành từ chùa Hương Sơn (ngoài Đồng Đế) và sư phụ tôi là Thầy Tâm Trí (Chùa An Dưỡng, Vĩnh Thái)… cảnh trí nơi núi đồi Hải Đức này thật hùng vĩ, cây cối rợp bóng xanh tươi, nhất là con đường đất từ Chùa Long Sơn dẫn đến Chùa Hải Đức luôn phủ một màu đỏ của hoa phượng vĩ giữa mùa hè.

Năm đầu tiên tôi được dạy đến trình diện Ôn Trừng San, Trụ Trì Chùa Hải Đức, Ôn là một bậc danh tăng giới đức của PG Khánh Hòa; Ôn có người em ruột cũng xuất gia tu hành và đang làm trú trì Chùa Nghĩa Trũng ở Diên Khánh, Khánh Hòa. Ôn Trừng San tướng người cao lớn và đẹp đẽ, Ôn giỏi về nghi lễ, mặc dù là người Khánh Hòa nhưng lại nổi tiếng trong khoa nghi chẩn tế theo truyền thống Huế. Ôn bảo tôi hô Đại Bàng nghe thử, tôi liền bắt ấn cam lồ đưa lên trán và bắt đầu hô:

hodaibang-ventang


Minh hoạ của T. Phổ Huân

Đại Bàng Kim Sí Điểu
Khoáng Dã Quỹ Thần Chúng
La Sát Quỹ Tử Mẫu
Cam Lồ Tất Sung Mãn.
Án Mục Đế Tóa Ha
( 7 lần).

Dịch nghĩa:
“Chim Đại Bàng cánh vàng
Chúng quỷ thần dã hoang
Cùng mẹ con La sát
Hương cam lồ sung mãn”.

Ôn nghe xong lắc đầu vì tôi hô tệ quá. Sau đó Ôn chỉ dạy luyện giọng cho tôi, cuối 3 câu đầu phải lên giọng, cuối câu thứ 4 phải xuống giọng, câu thần chú phải hô đúng 7 lần và phải ngắt ra làm 3 lần, 2 lần đầu mỗi lần 3 biến, và lần ba 1 biến, kéo dài ra và xuống giọng. Khi thử hô vài lần, Ôn Trừng San hoan hỷ gật đầu và thế là tôi trở thành thị giả tống thực trong suốt bốn năm sau đó tại Chùa Hải Đức. Cứ mỗi trưa, tôi giữ trách nhiệm lo chén súc sanh, đánh khánh, cúng đại bàng và làm thị giả cho hai Ôn Trí Nghiêm và Ôn Từ Đàm (HT Thiện Siêu). Thỉnh thoảng tôi được đi làm thị giả cho Ôn Trí Nghiêm ở Ni Viện Diệu Quang, Chùa Kim Quang hoặc Chùa Tỉnh Hội Long Sơn để hô đại bàng, rồi tôi cũng có dịp hầu quả đường và hô đại bàng khi Ôn Hưng Từ (từ Phan Thiết) ra cúng ở Nha Trang.

Thông thường, công việc làm thị giả và hô đại bàng của các chú tiểu hoặc các vị mới xuất gia. Từ ngày xuất gia đến giờ tôi được nghe rất nhiều chú tiểu hô đại bàng, có người hô rất hay, nhưng có người hô nghe không được, cũng có người chế biến cách hô nghe rất lạ (có người hô 4 câu đầu đến 3 lần). Từ ngày ra hải ngoại đến nay, tôi cũng được nghe nhiều vị mới xuất gia hô đại bàng, nhưng vào năm ngoái, trong khóa An Cư tại Tu Viện Quảng Đức, chú Hạnh Đức (đệ tử của Thượng Tọa Như Điển) hô đại bàng rất hay, đúng giọng điệu và rõ ràng.

Trên đây là một chi tiết rất nhỏ trong sinh hoạt thiền môn, nhưng nếu tinh tế để ý quán xét, chúng ta thấy bậc giáo chủ của Đạo Phật dùng nhiều phương tiện độ sanh ngoài sức nghĩ bàn của phàm tình thế nhân. Lòng từ bi của đức Phật tỏa rộng khắp vạn loại sanh linh, kể cả trời mây, non nước, cỏ cây, hoa lá….truyền đạt cho hàng đệ tử xuất gia hành trì, do vậy là đệ tử của Đức Như Lai không thể không thực hiện được hạnh từ bi, lợi tha của bậc đại giác Thế Tôn.

Viết tại Trường Hạ Phổ Quang, Perth 7/2005
Thích Nguyên Tạng
^

Tranh không lời

image002Ghé qua Tây Úc tham quan

Có chùa Phật giáo Việt Nam hữu tình

Phổ Quang tự thật xứng danh

Tác phẩm nghệ thuật tâm thành truyền trao

Giữa ngôi bảo điện vươn cao

Điểm tô vườn cảnh với bao công trình

Lối đi cong quẹo thiền hành

Cầu kiều, non bộ chung quanh tượng đài

Quan Âm Phật ngự một toà

Thập bát la hán trải ra đón chào

Đôi kỳ lân hầu lối vào

Và thần hộ pháp dạt dào uy nghiêm

Quyết tâm bảo vệ già lam

Hàng rào vững chắc trúc song giả hình

Mỗi trụ một hoa sen xinh

Viền thêm đường nét lát nền gạch sân

Đông tây hai dãy nhà ngang

Phòng khách tăng xá sẵn sàng vừa xong

Tổ đường cao thoáng khang trang

Đến phần thiết yếu bên trong trù phòng

Rộng rãi sắp xếp nắp ngăn

Cùng nhiều phương tiện tùy duyên pháp hành

Làm cho bá tánh lợi lành

Xây đời, dựng đạo bức tranh không lời.

Sông Thu
Phổ Quang Tự, trọng đông

Perth ngày 6/7/2005

Hạnh phúc của người tu Phật

Tùy bút của Thích Phổ Huân

Khi nói về hạnh phúc người ta nghĩ ngay đến sự thành tựu,thỏa mãn những gì mong muốn. Và khi nói những gì thỏa mãn mong muốn lại trở thành vấn đề;đóvấn đề không thể thỏa mãn được những gì mong muốn. Bởi vì đối tượng mong muốn thì vô số kể, không thể khẳng định, không thể biết được bao giờ hết mong muốn!

Thế thì hạnh phúc là hạnh phúc thế nào, và nó ra sao? Hạnh phúc có hình dáng khuôn mẫu tiêu chuẩn phổ cập hay không?Nếu nói hiện thực, hiện tại hoàn cảnh của mỗi người thì hạnh phúc của người nghèo lại khác hạnh phúc người giàu; hạnh phúc người nhỏ khác hạnh phúc người lớn; hạnh phúc người chất phát ít học khác người thông minh trí thức!

Thôi thì ta tạm hiểu hạnh phúc là những giờ phút ta thấy an lòng, an tâm thư thả. An lòng an tâm thư thả, chắc chắn rằng ai cũng thích, điều đó không phân biệt kẻ giàu người nghèo, kẻ nhỏ người lớn; và tạm nghĩ như vậy, ý nghĩa của hạnh phúc không có phân biệt, không có khác lạ gì cho bất cứ ai; mà nó là tất nhiên trong dòng sống của nhân sinh. Nhưng đời sống, sinh hoạt, hoàn cảnh con người lại đa dạng phức tạp, thì tiêu chuẩn đặt để hạnh phúc có thể phổ cập được công nhận, là khi hạnh phúc có đủ hai mặt: làm lợi người và làm lợi mình. Điều này là tất nhiên, vì chỉ có như vậy người ta mới thấy hễ mong muốn thỏa mãn nhiều cho mình, thì phải làm sao cũng đáp lại cho người không khác; nếu không chỉ là che giấu thứ hạnh phúc ích kỷ, và tánh tham ác phát khởi từ đây.

Riêng đối với hạnh phúc của người tu, cũng chẳng có gì mới lạ, nghĩa là cũng phải nghĩ đến người đến mình. Tuy nhiên người tu Phật có hành mà không có thỏa mãn việc làm của mình, vì nếu thỏa mãn là sinh chấp ngã, chấp pháp. Hay nói đúng hơn người tu Phật nhìn các pháp là giả là huyễn nên việc làm cũng vẫn là huyễn.

Thế gian vì không nhìn các pháp là sinh diệt giả huyễn nên dù ý niệm cao thượng việc làm cao thượng, có đủ hai mặt giúp người giúp mình, thậm chí cả quên mình, nhưng vẫn còn trong vòng đối đãi của sinh tử luân hồi, vì còn chấp vào việc làm cao thượng đó. Và như thế quả báo của

người như vậy chỉ sanh thiện báo nhân thiên mà thôi.

Trong ba cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới các pháp hiện khởi đều trong vòng sinh diệt giả huyễn, cho nên Phật dạy phải vượt qua. Do đó nếu không cầu giải thoát luân hồi, dù sanh vào cõi Vô sắc giới, vần phải chịu quả báo xoáy mòn tiêu hao, rồi lại rơi vào loay hoay trong ba cõi.

Không hiểu các pháp là sanh diệt, vô thường chúng sanh mãi là chúng sanh; ngược lại khi hiểu được pháp sinh diệt thực hành pháp xả ly, cho dù còn hình tướng phàm nhân nhưng ý niệm tư duy đã có thể khế hợp được tinh thần Bồ Tát.

Do đó hạnh phúc người tu nếu định nghĩa là không có hạnh phúc gì cả! Nói như tinh thần kinh Kim Cang, không có hạnh phúc gì mới là hạnh phúc! Vì nếu nghĩ rằng mình có hạnh phúc nghĩa là có đối tượng đau buồn, và nếu có đau buồn thì cái hạnh phúc kia lẽ nào có thể gọi là hạnh phúc của người học Phật, vì đó là pháp phân biệt sinh diệt đối đãi. Cho nên có hạnh phúc có đau buồn chỉ đúng với người không hiểu Phật, không hiểu pháp sinh diệt huyễn mộng. Giản dị mà nói vì không thấy đối tượng, không phân biệt nên người làm không chấp việc làm, do đó hạnh phúc trong niềm an định xả ly.

Thế thì niềm vui hạnh phúc của người tu Phật là xem các pháp sinh diệt vô thường, cho nên gia công làm thiện mà chẳng chấp trước việc làm của mình, do đó sự mong muốn làm thiện có nhiều đến bao nhiêu mà không bao giờ thấy nhiều, và như thế thành tựu thỏa mãn cũng chỉ là sinh diệt. Cuối cùng hạnh phúc là hạnh phúc nhìn thấy được hạnh phúc sinh diệt của thế gian.

Trường Hạ - Phổ Quang 2005

Thích Phổ Huân ^

Mười ngày An cư tại Chùa Phổ Quang

Truyền thống An Cư có từ thời đức Phật còn tại thế. Theo sử liệu Phật giáo, tại Ấn Độ khi mùa mưa đến, đức Phật khuyến tấn các vị tỳ kheo, những vị đại đệ tử của Ngài trong thời ấy, nên trở về an trú một nơi. Mục đích của sự an trú ( hay An Cư) này có nhiều khái niệm khác nhau. Nhưng nội dung chính vẫn là tấn tu đạo nghiệp, nêu cao phẩm hạnh giải tht, ly dục,thể hịên sự tương quan, tương kính xuyên qua sáu pháp hòa kính. Dĩ nhiên, đức từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, bậc thầy cao quý của vạn loại chúng sinh, đã nêu ra nhiều phương pháp để các vị tỳ kheo nương theo đó mà hành trì nhằm thăng tiến mục đích nêu trên. Các phương pháp này có thể được nhắc nhiều mỗi khi những người con Phật Kiết Giới An Cư.

Tiếp nối truyền thống cao đẹp và tạo duyên thù thắng cho tăng ni phật tử gần xa, Chùa Phổ Quang tiểu bang Tây Úc đã nhận trọng trách từ Giáo Hội Phật Giáo Vịêt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Úc Đại Lợi & Tân Tây Lan (GHPGVNTNHNUĐL&TTL) giao phó, tổ chức An Cư cho tăng ni phật tử, bắt đầu từ ngày 5/7/2005 đến ngày 15/7/2005. Và, đến nay điều này đã được Chùa Phổ Quang thực hiện một cách viên dung nếu không muốn nói thành công và tốt đẹp.Sự thành công này khởi đi từ tấm lòng vị tha vô ngã, tấm lòng trọng đạo yêu đời của Thượng Tọa Thích Phước Nhơn, hóa chủ khóa An Cư và là phó Hội chủ GHPGVNTNHNUĐL&TTL, Đại Đức Thích Đồng Thanh, sư cô Thích Nữ Bảo Sơn, trụ trì chùa Phổ Quang, sư cô Hữu Tịnh và Nam Nữ Phật tử chùa Phổ Quang,kế đến là chư tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa , Đại Đức Tăng Ni trong và ngi giáo hội cũng như phật tử gần xa. Sự thành công này không thể không nói đến các lĩnh vực như: ý chí nội tại xuất phát từ đạo tâm cao quý, tổ chức linh độngnhịp nhàng, sự ý thức cao độ,sự tiếp nhận truyền trao chánh pháp từ chư tôn giáo phẩm trong Ban chức sự.Các yếu tố này đã tạo cho khóa an cư đi đúng định hướng, có khí thế và tạo cho tứ chúng gặt hái nhiều kết quả khả quan, an lạc, cũng như sự thảnh thơi cao độ trong nội tại.

Trước hết conxin mạng phép lượt qua tấm lòng vị tha vô ngã, tấm lòng trọng đạo, yêu đời của Thượng tọa hóa chủ, chư tăng ni và phật tử chùa Phổ Quang dù điều này đối với quý Ngài, quý phật tử xem như cánh chim bay giữa hư không, không hề để lại dấu tích. Thật vậy, chính vì lòng từ bi, lòng thương người, thương chúng sanh vô hạn và vì mạng mạch của đạo pháp, Thượng tọa và tăng ni phật tử đêm ngày phải vất vả, chăm lo đầy đủ mọi phương tiện cần thiết cho tứ chúng trong khóa an cư suốt 10 ngày. Nhìn qua ngôi bảo điện trang nghiêm, ngôi giảng đường đầy sứcthu hút cho đại chúng, khu nhà bếp, nơi cung cấp thực phẩmcho hơn 30 vị tôn túc,hơn 40 vị phật tử cư sĩ, các hậu liêu, nơi an nghỉ của chư tôn đúc tăng ni và phật tử cư sĩ đủ nói lên tinh thần ấy.

Song song với sự kiện trên chúng ta cũng cần nói đến sự tổ chức linh động và nhịp nhàng của Ban chức sự. Từ thời khóa tụng kinh trang nghiêm, hô canh ngồi thiền, thọ trai, kinh hành nịêm Phật, thảo lụân Phật pháp, chư tôn túc tăng ni truyền trao kiến thức và kinh nghịêm trong qtrình tu học của mình cho phật tử cư sĩ, lời sách tấn của Ban chức sự đến với chư tăng ni và phật tử, tất cả đều logic và nhịp nhàng, tựa như dòng suốituông trải.Sự ý thức cao độ của đại chúng đã nói lên được kết quả lợi ích khóa an cư. Qua những lời khuyến tấn và nhắc nhở đơn sơ, nhưng mọi việc đi vào nề nếp một cách nhanh chóng.Tưởng chúng ta cũng cần nhắc đến sự thực thi sáu phép hòa kính, lời đức Phật dạy,một cách nghiêm túc. Nhờ vậy, mặc dù trong một cộng đồng tứ chúng khá đông nhưng không khí khóa an cư vẫn trang nghiêm và thanh tịnh.Điều này dễ đưa đại chúng đạt đếnsự an lạc vàtĩnhlặng trong tâm hồn.

Nhìn chung ngôi chùa Phổ Quang hay nói đúng hơn chư tôn đứcTăng Ni và phật tử chùa Phổ Quang đã thực thi trọn vẹn vai trò trong tinh thần trách nhiệm và bổn phận sứ giả Như Lai và đáp ứng đúng theo trọng trách mà Giáo hội đã giao phó. Đến đây con xin đê đầu đảnh lễ và thành kính triân, đồng thời xin phát nguyện noi theo tấm gương cao cả.

Kính chúc quý Ngài pháp thể khinh an,thân tâm thuờng lạc.Kính chúc quý đạo hữu Phật tử cư sĩ đạo tâm kiên cố.

Khóa an cư chùa Phổ Quang 7/7/2005

Khể thủ
Tỳ Kheo Thích Thịên Đạt
^

Hương thơm lan khắp

Ấm áp nơi đây xứ đất lành

Muông chim ríu rít lượn trời xanh

Cỏ hoa đua nỡ khoe hương sắc

Chào đón mừng ngày Hạ tịnh thanh

Đức hạnh hương từ hỏa ngát bay

Ngược dòng lan rộng khắp trời tây

Pháp vũ tuôn rơi vườn Lộc giả

Từ vân đỉnh Thứu tụ về đây

Bao khách hành trang pháp hội xa

Noi theo gương sáng bậc Tăng già

Sớm hôm kinh kệ tu cùng học

Chăm góc vườn tâm pháp trổ hoa

Dứt mọi phan duyên nguyện đến chùa

Dẫu rằng trần thế lắm hơn thua

Công danh bả lợi thôi mặc kệ

Xem tợ tên bay, tợ trò đùa

Tâm vẫn bền tâm như cái uyên

Tre đã chờ măng tiếp mạch truyền

Ba môn lậu học luôn hằng niệm

Nghiệp tịnh tâm an đạt ý thiền

TKN Thích Nữ Như Tuyết ^

Thậptín của NgàiTriệt Ngộ, tổ thứ 12 của Tịnh Độ Tông

THÍCH NỮ BẢO SƠN.

Trót mang lấy nghiệp vào thân

Chớ đừng trách hẳn trời gần trời xa

Hay là:

Hữu thân hữu khổ, vô khổ bất thành thân.

Nghĩa là có thân là có khổ, khổ ở đây là khổ của luân hồi. Tất cả chúng sanh trong lục đạo sở dĩ có luân hồi, hết lên rồI phảI xuống.

Siêu đọa trong giây phút

Xuống lên ngàn muôn nẻo

Đó là do Ái dục. Nên Đức Phật dạy ái dục là cội gốc của sanh tử. Do vô minh mê mờ ấy, chúng ta mê say trong cơn mộng tình aí thương, yêu, ghét, giận, thù hận lẫn nhau để rồi gặp lại trong một đời sau phải trả nợ, vay nợ, và đòi nợ nhau. Vì nhìn thấy chúng sanh không có lối thoát ấy nên Ngài Triệt Ngộ Đại sư đã dạy cho hàng hậu học của chúng ta thập tín, là mười đều căn bản cần phải tin, hiểu thật sâu và đầy để tự độ mình và độ cho tha nhân. Những gì là mười. Đó là:

Ngài dạy thứ nhất ta bà cực khổ, thứ hai nhân mạng vô thường, thứ ba luân hồI lộ hiểm, thứ tư tịnh độ thật hữu, thứ năm tin Tây phương là cực lạc, thứ sáu tin Di đà nguyện lực, thứ bảy tin tự tâm niệm lực, thứ tám tin mình có khả năng thành phật, thứ chín tin hữu nhân tức hữu qủa và thứ mười tin sanh giai bất thối.

Thứ nhất: chúng ta phải tin Ta bà là cực khổ. Cái khổ ở đây vui cũng khổ, buồn cũng khổ, giàu cũng khổ, nghèo cũng khổ, thậm chí cườI cũng ra nước mắt. Chúng ta nhìn lại từ khi mới sanh ra cho đến cái ngày cuối của cuộc đời toàn là một chuổi ngày đau khổ. Có ngườI cho rằng cuộc đờI này là một bữa tiệc dài, không hưởng thụ cũng uổng, do đó họ không để lỡ mất cơ hội. Nhưng họ đâu ngờ rằng những khoái lạc ấy là giả dối, phỉnh phờ, chẳng khác nào cái khoái lạc mong manh của một người đang khát nước mà uống nhằm nước mặn, càng uống lại càng khát, và cổ họng sau khi uống lại càng đắng chát thêm.

Trong kinh Đức Phật dạy: Nước mắt của chúng sanh đã đổ ra nhiều hơn nước bốn biển. Đúng vậy cõi đời này vui rất ít mà khổ thật nhiều, những nỗi vui nếu có cũng chỉ là mong manh, hào nhoáng như một lớp son phết bên ngoài mà thôi. Đức phật dạy sanh, già, bịnh, chết là khổ , thương nhau mà xa nhau là khổ, ghét nhau lại ngày nào cũng gặp nhau là khổ, mong cầu một đều gì không như ý muốn của mình là khổ, thân ngủ ấm hẩy hừng là khổ cọng thêm

_ Khổ khổ: cái khổ này chồng chất lên cái khổ kia như thân già yếu đi đứng khó khăn là khổ rồi lại chồng chất thêm hoàn cảnh xung quanh như khí hậu hoặc qúa nóng hay quá lạnh .

_ Hoại khổ: vạn vật trong vũ trụ đều bị luật vô thường chi phối, không tồn tại. Cứng rắn như đá lâu năm cũng bị mục nát, to lớn như trái đất, mặt trăng, mặt trời lâu ngày cũng tan rã.

_ Hành khổ: phương diện vật chất bị ngoại cảnh thời gian chi phối, phá hoại, còn về tinh thần ta không tự chủ được bởi những ý tưởng dục vọng luôn luôn bị chúng đièu khiển.

cuộc đời mấy mươi năm cứ lặn hụp trong biển khổ đầy mồ hôi và nước mắt chỉ có Chư Phật, chư Bồ Tát mới tận tường và hiểu thấu.

Thứ hai: tin nhân mạng là vô thường.Là không thường, không mãi mãi ở trong một trạng thái nhất định, luôn luôn thay hình đổi dạng có sanh thì có tử. Khi Đức thế Tôn của chúng ta còn là thái tử một ngày nọ đã than thở với bà Da Du Đà La ở trong Hoàng cung khi Ngài nghĩ đến vô thường của thân người. Ngài nói như thế này, nàng ơi tất cả chúng ta rồi đây sẽ gìa yếu và xấu xa đi, thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Ôi! mắt trong của em rồi sẽ mờ đục, môi đỏ của em rồi sẽ úa màu, ta nghe trong ta, trong em và trong tất cả mọi người mỗi ngày mỗi đổ vỡ dưới sức tàn phá của búa thời gian

tất cả những gì quí báu nhất của đời người , chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng, như ôm giữ một cái bóng, như nắm bắt một làn hương! Ngài dạy tất cả sự vật trong vũ trụ từ nhỏ như hạt cát đến lớn như trăng sao đều phải tuân theo định luật vô thường ấy. Phải trảI qua bốn giai đoạn gọi là sanh, trụ, dị và diệt hay thành, trụ, hoại và không. Ví dụ như làn sóng ở biển khi mới nhấp nhô lên gọi là sanh. Khi làn sóng lên đến đỉnh cao nhất gọi là trụ. Làn sóng từ từ hạ thấp dần xuống gọi là dị. Và đến khi làn sóng tan biến mất gọi diệt.

Thứ ba: tin luân hồi là lộ hiểm

MẪU CHUYỆN : gần đây ở nước Tân Gia Ba có một chuyện tái sanh.

Ở tĩnh thiên Tân có 1 bà lão, bà này có một nguời con trai, người con trai của bà chết đã 2 năm rồi. Một hôm nọ bà nằm mộng thấy con bà bà mới hỏi như thế này, con bây giờ đang ở đâu? người con trai của bà mới nói như thế nầy, con hiện đang ở trong một ngôi chùa. Bà hỏi ở trong chùa làm gì? người đó nói, con ở trong chùa giữ cửa, sau khi tĩnh giấc bà ta rất đau lòng. Trải qua chẳng bao lâu, có một số đạo hữu tổ chức đi hành hương , nói đến ngôi chùa này bà lão vừa nghe qua, bà lão nhớ lại cái ngày bà nằm mộng thấy con bà hình như là ở ngôi chùa này, bà bèn hỏi có thể cho bà đi đến đó được không? Họ bằng lòng và tất cả cùng đi.

Sau khi đến nơi bà liền đến gặp vị chủ trì, bà hỏi ngôi chùa này có cửa phòng không? Hòa Thượng trả lời không có cửa phòng, bà hỏi tiếp còn giữ cửa là ai đang gìữ cửa vậy. Ngài nói giữ cửa thì có Tiểu Hổ, khi nghe đến Tiểu Hổ bà hoảng sợ, Tiểu Hổ là cái tên lúc còn bé của con bà, bà hỏI vậy nó ở đâu rồi. Hoà Thượng nói nó là một con chó, vậy là con bà ta dầu thai làm chó, chú chó này có tên là Tiểu Hổ, có lẽ chú chó này trông rất hùng mạnhgiống như con cọp con nên đặt là Tiểu Hổ. Bà bèn đến trước cửa để tìm con chó này. Con chó này nhìn thấy mẹ bèn chảy nước mắt, người và chó ôm nhau khóc, người đầu thai làm chó. Đây vì tạo nghiệp bất thiện nên phải làm súc sanh.

Chú chó này rất có linh tính về su sự việc này đồn khắp tỉnh Thiên Tân, khi người Thiên Tân đến đây để coi nó thì nó bèn tìm chỗ ẩn núp, còn người ở nơi khác đến thì nó mớI chạy ra. Về sau nguời ta khuyên bà nên đem chuyện này nói ra dể làm gương có thể độ rất nhiều chúng sanh khác. Cho nên luân hồi là có thật , chúng ta khởi tâm động niệm cần phải lưu ý. Con mgười sống ở thế gian này thời gian rất ngắn ngủi, sau khi chết sẽ đi về đâu? Qúi vị có nghĩ đến vấn dề này chăng? Ai trong chúng ta cũng hy vọng và mong muốn đời sau thù thắng hơn đời này, ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay.

Thứ tư: tin tịnh độ thật hữu.

Cảnh giới Tịnh Độ của Đức A Di Đà Phật do Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật đã giới thiệu. Vì Ngài nhìn thấy được đến thờI kỳ mạt pháp hôm nay, chướng duyên nghịch cảnh diệp diệp, trùng trùng, ác hữu, ác nhân đầy dẫy người dốc lòng biết tu nhân tích đức thì qúa ít phần nhiều xuôi theo thế tục. Chính vì vậyĐức Phật vì lòng từ bi, vì tư tưởng muốn độ sanh mà thiết lập. Cho nên Tịnh Độ là thật hữu. Ngày ngày chúng ta cố gắng sắp xếp thời gian nhất tâm niệm phật vớI tất cả tín, hạnh và nguyện hướng về cảnh giớI của Đức A Di Đà Phật cọng thêm tu tập công đức, phụng sự bá tánh chúng sanh theo hạnh nguyện tu lục độ ba la mật và nguyện đem tất cả công đức ấy xin hồi hướng để trang nghiêm tịnh độ, thì một ngày không xa chúng ta sẽ có qủa tịnh độ.

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là vị Bồ Tát có trí tuệ tối thắng, không ai sánh kịp thế mà Ngài đã phát nguyện sanh về nước Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà như sau:

Nguyện ngã lâm dục mạng chung thời

Tận trừ nhất thiết chư chướng ngại

Diện kiến bỉ Phật A Di Đà

Tức đắc vãng sanh an lạc sát.

Có nghiã là:

Tôi nguyện đến ngày lâm chung, diệt trừ hết tất cả các chướng ngại, trước mặt thấy được Đức Phật A Di Đà, liền được vãng sanh về nước Cực Lạc.

Ngài Quán Thế Âm, ĐạI Thế Chí, phổ Hiền… cũng đều nguyện sanh về cõi Tịnh Độ

Thứ năm: Tin Tây phương là Cực Lạc.

Tưởng y thì y đáo.

Tưởng thực thì thực lai

Ở cảnh giớI tây phương cực lạc chỉ nghĩ là hiện ra thôi.

Thực tế trong thế gian này những người có nhiều phước người ta nghĩ cái gì là điều có liền. Có một anh chàng ca sĩ nọ nổi tiếng thế giới, một hôm có người đến phỏng vấn anh về sự nghiệp và sự thành công của anh ta. Người ta hỏi: vậy anh có thỏa mãn về sự nghiệp và sự thành công đó không? Anh trả lời không . Anh ta nói, vì người ta ao ước sau đó thành tựu mới hạnh phúc, còn tôi chưa kịp ước ao mà đã có nên tôi thấy không sung sướng chút nào cả. Đó chỉ là phước hữu lậu của thế gian mà nó mạnh như vậy. Huống là cảnh giới tây phương cực lạc rất là tốI thượng, rất là thù thắng.

Thứ sáu: tin Di Đà nguyện lực. Tất cả chúng ta khi phát tâm tu, tức là bồ đề tâm của mình mở rộng, thấy ai mình cũng mến, cũng thương, cũng quí. huấn gì Đức Phật không thương, không xót chúng sanh sao? Ngài nói dối gạt để làm gì, chúng ta dầu dâng cúng lên Đức Phât những gì qúi báu nhất Ngài cũng đâu cần. Cũng giống như anh tỷ phú đến xóm nghèo nọ lấy đất sét hay đá cuộI về đẻ làm gì. Chính vì vậy Đức Phật A Di Đà vì phát nguyện độ chúng sanh đó là nguyện lực của Ngài, cũng như Ngài Địa Tạng nguyện độ hết thảy chúng sanh ở Địa ngục vậy. Vì có nguyện lực cho nên có thế giới của Ngài. Khi đang còn là Pháp Tạng tỳ kheo, Ngài đã phát 48 lờI nguyện. Tôi xin trích ra đây 3 lời nguyện của Ngài.

_Sau khi thành phật chúng sanh ở mười phương một lòng tin ưa, muốn sanh về cõi nước ta, từ một niệm cho đến mười niệm nếu chúng sanh ấy không được vãng sanh, thì ta thề không thành bậc chánh giác.

_Sau khi ta thành Phật chúng sanh ở mười phương phát tâm bồ đề , tu tập các công đức, một lòng phát nguyện muốn sanh về cõi nước ta, nếu như ta không cùng với đại chúng đoanh vây hiện ra trước mắt chúng sanh ấy thì ta thề không thành bậc chánh giác.

_ Sau khi ta thành Phật, chúng sanh ở mườI phương nghe danh hiệu ta, chuyên niệm, nếu không được mãn nguyện, thì ta thề không thành bậc chánh giác.

Thứ bảy: tin tự tâm niệm lực. Tin vào sức niệm Phật của chính mình, tin mỗi chúng ta đều có khả năng thành Phật.Trong lúc niệm Phật bất luận chúng ta định tâm niệm Phật hay tán loạn tâm niệm Phật, dụng tâm niệm Phật hay vô tâm niệm Phật đều được công đức vô lượng, vô biên, Trong lúc chúng ta niệm Phật thì miệng niệm Phật, tai nghe tiếng phật, ý nghĩ đến danh hiệu Đức Phật, như vậy danh hiệu Phật sẽ in sâu vào mỗi tàng thức của chúng ta và trở thành chủng tử Phật đạo vĩnh viễn không mất. Từ nơi nhân lành này giả như trong hiện đời không được vãng sanh về cảnh giới Phật Di Đà vì công phu của tín, hạnh, nguyện chưa tinh chuyên, thì dầu trải qua trăm đời, ngàn kiếp hạt giống Phật này sẽ năm yên cho đến khi gặp cơ duyên đầy đủ thì sẽ nẩy mầm, sinh trưởng trong những kiếp tương lai. Con đường Phật đạo sẵn sàng chờ đón chúng ta.

MẪU CHUYỆN: như thế này lúc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, ngày nọ có một ông lão trên 70 tuổi đến gặp các vị đại đệ tử của đức Phật cầu xin xuất gia. Các vị đại đệ tử này hầu hết đã chúng qủa A La Hán, có thể nhìn thấy được chúng sanh lưu chuyển trong vòng sanh tử của 80 ngàn đại kiếp , liền dùng huệ nhãn xem xét trong 80 ngàn đại kiếp thấy cụ gìa này không cò một chút thiện căn nào đối với phật pháp, nên đã không chấp nhận cho xuất gia. Cụ gìa về với tâm buồn rầu, đến Tịnh Xá gặp Đức Phật. Đức Thế Tôn hỏi căn nguyên, sau đó chấp nhận cho cụ xuất gia. Đức Phật nói cho tăng đòan biết rằng ồng già này vào thuở 80 ngàn đại kiếp về trước ông là một gã tiều phu hằng ngày lên núi đốn củi, một bữa nọ vừa mới vào rừng gặp một con cọp lớn, vì qúa sợ nhảy lên cây cao để tránh, bất giác ông to tiếng niệm "Nam Mô Phật ". Do tiếng niệm Phật này mà duyên lành đã kết tụ làm cho tâm ông bất thối nơi đạo qủa Bồ Đề cho đến ngày hôm nay gặp ta cầu xin xuất gia học đạo.

Trong kinh Pháp Hoa ở phẩm phương Tiện thứ hai Đức Phật dạy:

"Nhược nhơn tán loạn tâm

Nhập ư tháp miếu trung

nhứt xưng Nam Mô Phật

Giai dĩ thành Phật đạo"

Có nghiã là:

Nếu có người tâm tán loạn
Bước vào trong chùa tháp

Một lần niệm danh hiệu Phật
Đều đã thành Phật đạo.
Vì thế chúng ta luôn luôn tin tưởng vào sức niệm Phật của chính mình.

Thứ Tám: Tin mình có khả năng thành Phật.

Tâm mình tin chân thành tức là có Phật ở bên trong, có nghĩa là mình có khả năng thành Phật. Ngã tâm cụ Phật.

Thứ chín: Tin hữu nhân tức là hữu qủa.

Đạo Phật chúng ta, gieo thiện thì thiện trả, gieo ác thì ác trả, nhân nào thì qủa đó. Nhân qủa có ba thời kỳ. Đó là hiện báo, sanh báo, hậu báo.

_ Hiện báo là qủa báo hiện tiền, ví dụ như mình đánh người một tác tai sau đó bị người ta đánh lại một tác tai khác ngay.

_ sanh báo: đời này tạo nhân đời sau mới thọ báo. có nghĩa có người trong đdời hiện tại làm việc hung ác, mà được an lành là do kiếp trước họ tạo nhân an lành. Còn cái nhân hung ác mới tạo trong đời hiện tại thì trong tương lai hay qua đời sau họ sẽ chịu qủa báo.

_ Hậu báo: đời này tạo nhân cách mấy đời sau mới chịu qủa báo. Như Ngài Ngộ Đạt Quốc Sư đời trước làm quan tên là viên Án, đã giết lầm Triệu Thố mà đến 10 đời sau mới chiụ qủa báo.

Cho nên trong kinh dạy:

Thiện ác đáo đầu chung hữu báo

Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì.

Nghĩa là việc lành hay việc dữ đều có qủa báo, chỉ khác nhau là đến sớm hay muộn mà thôi.

Thứ mười: Tin sanh giai bất thối. Tin một khi sanh về thế giới Cực lạc rồi là không thối chuyển, trên thế giới đó không đọa lạc, sanh ra rồi là không thối chuyển nữa. Còn ở đây sanh ra rồi nhiều lúc mình thối tâm vì chúng ta không tin chín cái kia, chúng ta không tin ta bà là cực khổ, không tin nhân mạng là vô thường, không tin luân hồi là lộ hiểm, không tin tịnh độ là thực hữu, không tin Tây phương là cực lạc, không tin nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, không tin tự tâm niệm lực, không mình có khả năng làm Phật, không tin nhân qủa...Một khi chúng ta tin chín cái kia rồi thì sẽ được sanh giai bất thối. Khi đó sự tu hành của chúng ta không bị thối luisẽ sanh Tịnh Độ. Vì thân, khẩu, ý của Chư Phật và han, khẩu, ý của mình khế hợp tức là thiền, Giáo va Luật.

Luật là hành động của Phật thánh. Đức Phật làm gì cũng mô phạm gọi là Luật.

Đức Phật nói gì cũng khế hợp với giáo lý gọi là Giáo.

Đứ Phật lúc nào tâm cũng thanh tịnh gọi là Thiền.

Có nhiều người lầm lẫn nên thường lý luận như thế này. Tôi không cầu vãng sanh muốn ở lạ thế giới ta bà để độ chúng sanh. Xin thưa với qúi vị rằng: lấy cái gì để độ chúng sanh trong khi đó mình chưa được trang bị một cái gì hết làm sao mà độ.

Trước hết chúng ta phải nguyện sanh về tịnh Độ, về Tịnh Độ không phải là ở luôn bên đó. Tịnh Độ không phải là Niết Bàn, Tịnh Độ không phải là trường cửư bất diệt. Mà Tịnh Độ chỉ là thế giới do Chư Phật vì lòng từ bi , vì tư tưởng muốn độ chúng sanh mà thành lập ra thôi, chứ không phải là cảnh giới vĩnh hằng của một bậc giác ngộ. Cảnh giới vĩnh hằng của một bậc giác ngộ đó là Niết Bàn.

Chư Phật vì muốn độ chúng sanh cho nên lập ra cảnh giới Tịnh Độ. Cũng như Chư Tăng vì hạnh nguyện độ sanh mà lập nên những ngôi chùa để cho Phật tử tề tựu về có nơi tu học, không phải lập chùa cho vị tăng đó ở mà lập chùa vì sự hoằng dương Phật pháp để có môi truờng thanh tịnh, trang nghiêmđể chúng phật tử dễ tu, còn chúng ta đến môi trường bất tịnh, không trang nghiêmkhó tu vô cùng. Cho nên độ chúng sanh là làm thanh tịnh hóa thân tâm của họ, tức là thanh tịnh hóa môi trường, tức là thanh tịnh thế giới.

Vì vậy thành lập thế giới tịnh độ. Thế giới thanh tịnh, môi trường thanh tịnh, mới làm cho thân tâm người được thanh tịnh. Đức Phật vì hạnh nguyện độ sanh, tức làm cho thân tâm của chúng sanh được thanh tịnh, nên Đức Phật thiết lập một thế giới thanh tịnh. Cũng nhưv một vị tăng thiết lập một ngôi chùa trang nghiêm thanh tịnh. Ngôi chùa nào càng trang nghiêm thanh tịnh, thì mọi người đến tu càng tinh tấn, càng đông.

Trang nghiêm ở đây là bằng trí tuệ, từ bi và giới luật. Những người nào muốn sanh về cảnh giới Tịnh độ cũng chỉ mục đích muốn cứu độ chúng sanh. Nên Ngài Từ Vân Sám Chủ mới nói rằng: " Vì chánh niệm mà cầu sanh tịnh độ, vì bồ đề đạo mà cầu sanh tịnh độ. Nên người vì thương yêu chúng sanh, muốn cứu độ chúng sanh khó mà thiếu được tịnh độ. Chính vì thế người nào thương cha mẹ nhiều đời anh em nhiều kiếp ở thế giới Ta Bà này, kẻ đó mới phát nguyện cầu sanh tịnh độ nhanh hơn. Vì lên đó lẹ chừng nào thì độ nhanh chừng đó.

THÍCH NỮ BẢO SƠN.
Tây Úc ngày 8/7/2005
^

Chuyện Chuông Trống

Chiều nay khi hoàng hôn đã khuất bóng dần sau những tàn cây cổ thụ, Chuông và Trống ngồi nhìn những chiếc lá vàng đang nối nhau tách mình ra khỏi cành cây, rồi lững lờ phiêu bạt theo làng gió nhẹ trở về cội gốc.

Chuông thầm nghĩ rồi nói với Trống rằng: chắc là chiếc lá ấy đã làm tròn bổn phận của mình trong những tháng ngày đã qua; Trống tiếp những thành quả mà chiếc lá ấy để lại trên thân cổ thụ quả thật không nhỏ. Chuông gật đầu và “ừ” Từng ngày, từng giờ lá luôn đem vào và lấy ra cho thân cây những nhân tố tối cần trong cuộc sống. rồi Trống bảo thế anh có biết thân cây ấy với những thành quả mà nó có được trong ngày nay là từ đâu không? Chuông từ tốn trả lời ắt là do kết hợp từ nhiều duyên trong đó điều quan trọng là quá trình cống hiến cuả những chiếc lá đã cặm cuội quên cả ngày tháng xuân xanh cho tới khi úa tàn và xa lìa cành cây. Trống bảo đúng vậy, thật là một công đức không thể nghĩ bàn, không có ngôn từ nào mà mô phỏng hết trọng ân ấy được. Chuông ngẫm nghĩ và nói với Trống: chắc cũng có cây nhớ tưởng công ơn ấy mà vương mình tiếng lên một cách mạnh mẽ và đem lại lợi ích cho muôn sinh và muôn vật, như anh Bồ Đề kia chẳng hạn. Nhưng cũng có kẻ quên lãng đi những trọng ân, những trách nhiệm của chính mình và biết bao hoài bảo cuả chiếc lá đã cống hiến tận cùng nguồn sinh lực của mình, thì thật tiếc thay. Trống thở một hơi dài và nói: ước gì tất cả những cây trong cõi đời này đều luôn quan tâm và nhớ ơn những chiếc lá đã cặm cuội cống hiến cả cuộc đời của họ cho mình. Thì có phải trên đời này và vũ trụ này sẽ trở nên tươi đẹp biết bao.

Đến đây thì Chuông gạn hỏi Trống: thế có bao giờ anh nghĩ đến người đã tạo ra anh chưa? Trống mỉm cười và nói tôi không biết là nên cảm ơn hay hờn trách, vì thân tôi như một tù nhân đang bị tra tấn bất kỳ lúc nào. Mỗi khi bị quý thầy cầm roi là tôi ăn đòn đến no người và còn có khi chết ngất người vì đau. Chẳng thế thôi đôi khi lại bị làng xóm complain thì tôi lại bị một trận nhất sanh thập tử. Không biết mình là ai nữa là khác. Trống hỏi lại Chuông thế còn anh? Chuông cũng mỉm cười và nói số phận tớ cũng chẳng hơn gì cậu…. Đêm đã khuya…..

Thích Hạnh Tịnh ^

VẦNG TRĂNG MÙA ĐÔNG

TT. Thích Phước Nhơn

đến có đi ắt phải về

Chơntâm thanh tịnh ấy là quê

Tam thân phổ khắp ta bà hiện

Tứ trí đồng sanh cực lạc thề

Phổ độ chúng sanh lên bờ giác

Quang minh lục đạo dứt lầm mê

Đồng về sưởi ấm tình dân Việt

Bát nhã rạng soi khắp mọi bề

NẺO VỀ

Hữu Tịnh

Chiều nay gió thổi hiên chùa

Lao xao cành lá trong mùa an cư

Tu cho hiển lộ chơn như

Tây phương vẫy gọi vô dư tìm về

Đời tu

Tự tại, thong dong chiếc áo vàng

Giàu nghèo, danh lợi mặc tình sang

Kinh khuya, kệ sớm tâm an tận

Mõ tối, chuông mai cảnh lạc tràn

Trước bến ân tình soi chí nguyện

Trên bờ bát nhã ngộchân quang

Tử sanh quyết chí từ nay đoạn

Đạo quả viên thành dạ hỷ hoan

Thích Viên Tịnh(SA)


Câu đối



Ph
độ quần mê, Phướctrí nhị nghiêm giai sung mãn

Quanglưu trần thế, Nhơnđức các tự tất viên dung

Dịch nghĩa:


Phổ độ quần mê, Phướctrí đôi đường đều trọn đủ

Quanglưu trần thế, Nhơn đức mỗi bên vốn đủ đầy.

Thích Viên Tịnh

Vè Trường Hạ

Nghe vẽ nghe ve nghe vè Trường hạ

Chư tôn Thiền Đức GiáoHội chúng ta

Hàng ngũ xuất gia qua đây kiết giới

Bà con lui tới tịnh nghiệp đạo tràng

Tây Úc Phổ Quang cung nghinh tiếp rước

Hòa Thượng đi trước Hội Chủchúng ta

Suốt mấy năm qua Ngài là thượng thủ

Trường lưu pháp nhũ tế độ mọi loài

Như ánh trăng soi Bảo Vươngtam muội

Nguy nga sừng sửng Pháp Bảo Phật Đà

Thượng tọa Quảng BaTrưởng ban giáo thọ

Vị hay chịu khó Thượng Tọa Phước Nhơn

Quy củ như sơn Trường Sanhgiám luật

Tịnh MinhĐệ nhứt Phật tánh chơn như

Giáo nghĩa bất hư truyền lai hậu thế

Ta Bà dù uế nhưng đã có Tâm

Phươngtiện cao thâm truy Nguyên Trựcngộ

Cảnh giới Tịnh Độ mới thật là nhà

Yếu chỉ xuất gia không rời Tịnh Đạo

Ai muốn đi dạo khắp cõi Tam thiên

Về đến mọi miền mới là Thiện Đạt

Triều âm dào dạt Nguyên Tạng, Viên Thành

Đại Đức Đồng Thanh, Nhuận Chơn, Giác Tín

Hạnh Trithầm kín Đạo Hiểntuyên bày

Thức chúng hăng say là Thầy Hạnh Tịnh

Ngày đêm thiền định khai ngộ mê tâm

Hạnh Đứccao thâm Phổ Huânđệ nhứt

An Cư thập nhựt lãnh chúng Phổ Hương

Trang trải tình thương chính thầy Đạo Phổ

Thiền môn Chánh Độ, Viên Tịnhmọi người

Luôn nỡ nụ cười là thầy Hạnh Hiếu

Sức khoẻ hơi yếu là chú Viên Từ

An ổn suy tư là cô Tâm Lạc

Mảnh mai cánh hạc Như Tuyết, Viên Thông

Thí chủ an tâm Nguyên Khai, Đạo Hỷ

Chiều chiều cúng thí Đạo Tịnh, Đạo Thanh

Phật tử an lành Bảo Sơn, Hữu Tịnh

Mọi người quy kính trên dưới một lòng

Tự tại thong dong Hạnh Nguyên, Huệ Nhẫn

Tu hành không tốt lẫn quẩn sáu đường

Trong sáng hơn gương là cô Như Nhật

Chúng sanh hết tật mới thấy Đạo An

Làm chủ giang san ai bằng Hạnh Thế ?

Tăng Ni bốn bể hòa hợp sum vầy

Quyết đến trời Tây rạng soi Tịnh Ánh

Sau rồi Liên Hạnhhết thảy chúng sanh

Để khỏi lộn quanh ba đường sáu cõi

Huyền Quangmòn mõi Quảng Đức mong cầu

Tín nguyện thâm sâu vào câu niệm Phật

Những điều sự thật xin được tuyên bày

Mười ngày tiệc chay Phổ Quanghỷ cúng,

Mong sao tứ chúng an ổn tu trì

Thiện tín Tăng Ni thảy đều an lạc.

Đồng Thanh
Phổ Quang, Mùa An Cư 2005
(Những chữ đậm nghiêng là pháp hiệu Chư Tôn đức Tăng Ni)
^

Cảm niệm tri ân

Như thông lệ hàng năm vào khoảng đầu tháng 7, Chư tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa,Đại Đức Tăng, Ni đều qui tụ về một ngôi chùa nào đó trên đất Úc để An Cư Kiết Ha. Chúng tôi hàng cư sĩ tại gia cũng được Giáo Hội cho phép tùng hạ, và Trường Hạ năm nay được tổ chức tại chùa Phổ Quang ở Tây Úc.

Chúng tôi đến phi trường Tây Úc khoảng 3giờ chiều; không gian nơi đây đón tiếp chúng tôi với những hạt mưa lất phất còn vương lại sau một cơn mưa. Trên đường về chùa cảnh vật chung quanh thật vắng vẻ, tỉnh lặng dễ khiến cho lòng người buồn theo, nhưng sao lòng tôi lại nô nức rộn ràng như chờ đợi một tin vui. Về đến chùa tôi thật ngạc nhiên không ngờ nơi đây lại có một ngôi chùa to lớn với vườn cây cảnh chung quanh thật đẹp đẽ, trang nghiêm.

Nhóm chúng tôi gồm 18 người đến từ Melbourne, lẽ ra được sắp xếp vào 2 phòng, nhưng vì tất cả đều muốn ở chung nên Ban Tổ Chức phải cung cấp thêm nệm; có một sư cô mang từng tấm nệm cho chúng tôi.

Sáng hôm sau lên chánh diện chuẩn bị làm lễ, tôi được một Phật tử cho biết Trụ trì chùa Phổ Quang là một Sư Cô và khi nhận diện được vị Trụ Trì là Sư cô tối qua khiêng niệm đến phòng chúng tôi, tôi chợt giật mình và cảm động biết bao. Việc làm của Sư Cô Bảo Sơn có lẽ là bài học đầu tiên tôi học được trong khóa An Cư Kiết Hạ này.

Một điều khác làm cho tôi xúc động nữa là sự ân cần nhiệt tình của Phật tử chùa Phổ Quang, nhất là quý đạo hữu trong Ban Trai soạn, lúc nào cũng hoan hỷ, vui vẽ hết lòng phụ giúp tôi hoàn tất công việc nhà trù khi nhóm của tôi phát tâm cúng dường trai phạn một ngày. Một ly nước trái cây, một ly thuốc nước trợ sức, vài ly nước lạnh mà các đạo hữu đã mang đến khuyên tôi nên uống cho đỡ mệt, tôi đã uống những ly nước đó mà tưởng như mình đang uống nước Cam lồ.

Xin chân thành cám ơn quý đạo hữu Hoàng, Tường, Gia Phát, “chú tiểu” Lan, Diệu Lạc và một số Đạo hữu khác mà tôi chưa được biết tên. Tôi cũng xin nói với quý Đạo hữu rằng không phải riêng cá nhân tôi mà hầu như quý Đạo hữu đến từ Melbourne và các tiểu bang khác đều cảm kích tấm lòng của quý đạo hữu. Quý đạo hữu đã

cho chúng tôi thấy được tình đạo và tinh thần trách nhiệm trong công việc, và lời thành kính tri ân sâu xa nhất, con kính xin gởi đến chư tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni đã mở rộng lòng từ bi cho phép chúng con hàng cư sĩ tại gia được phép tùng hạ tu học, đã tạo duyên lành giúp cho chúng con quên đi những ưu tư, phiền não của đời sống, để được thanh thản, an vui trong lời kinh tiếng kệ, để trí huệ được khai thông qua những lời khai thị, giáo huấn của quý Ngài trong các thời thuyết giảng, hội thảo Phật Pháp trong suốt khóa tu. Con thấy vui, vui lắm…

Đầu nguồn con thác dữ
Là khe đá hiền mơ
Nửa đời về chốn cũ
Lòng vui như trẻ thơ.

Trường Hạ Phổ Quang, Tây Úc, 9/7/05

Thanh Phi
^

Đạo tình đạo tâm

Nhân dịp T.T Trường Sanhthuyết giảng về Đạo Tâm & Đạo Tình, tôi bỗng chợt nhớ đến Thầy tôi, một vị Thầy đáng kính, mà tôi có duyên quy y.Dẫu biết rằng “Hễ có sanh tất nhiên có diệt, nhưng đau buồn khi tử biệt ly sinh”.Thầy đã ra đi và đi mãi mãi không về, chùa còn đó, nhưng bóng Thầy đã khuất xa còn đâu, còn đâu những lời pháp nhũ sách tấn, cuộc đời củaThầy tôi, chỉ cho đi mà không bao giờnhận lại, làm lợi ích cho người mà không mong mỏi sự đền đáp, chính vì vậy mới có ngôi chùa “Chơn NPước Tiện”.


Nh
ớ lại những năm trước có dịp về quê hương ra Phan thiết thăm Thầy,chỉ gặp được Thầy tôi năm ba tiếng đồng hồ, nghe mấy lời dạy ngắn ngủi của Thầy, mà sao đối với tôi nó vô cùng quý giá, bây giờ hồi tưởng lại, tôi cảm thấy rất ngậm ngùi…

Năm xưa Thầy còn đó

Năm nay đã qua đời

Lần đầu tiên tôi biết

Chữ đạo tâm đạo tình.

Muốn đền đáp ơn giáo dưỡng củaThầy, tôi không biết làm gìngoài việc cố gắng tu học Phật.Tình cờ một ngày nọ, nhân duyên mới lại đến với tôi, từ đó tôi bắt đầu có thêm người thân và được xưng hô bằng Sư Ông, Sư Phụ, Sư Thúc, và Sư Chị…tình thương đạo vị ở trong lòng tôi được ấm áp lại, bên cạnh đó mỗi tuần, tôi còn gặp được những anh chị bạn đạorất là dễ thương, hai biệt danh mà các anh chị đặt cho tôi là “Út mót” và “Chú tiểu”, nghe dí dỏm và vui tai, tôi rất thích bốn câu kệ“ quét đất chùa” dưới đây dochị Thanh Phi ở Tu Viện Quảng đức,trong lúc tâm sự chia sẻ kinh nghiệm tu học, chị đã đọc tôi ngheđể tôi có dịp vừa quét lá đa và vừa thầm đọc lại để nhắc nhở quét những bụi rác nơi chính bản thân mình:

“Cần tảo Già lam địa
Thời thờ
iphước huệ sanh
Tuy vô tân khách chí
Diệc hữu Thánh nhân hành”

Án Địa Rị Địa Rị Nhật Rị Tóa Ha.

Dịch nghĩa:

Siêng năng quét đất vườn chùa
Cỏ cây tươi tốt bốn mùa nở hoa
Cho dù vắng khách lại qua
Thánh nhân cũng vẫn đoái hoài ghé thăm.

(HT Bảo Lạc dịch)

Đối với tôi, một người mới từ đời vào đạo, trình độ hiểu biết về đạo pháp còn kém cõi, cho nên tôi mong cầu sự trợ duyên của những người xung quanh, để tâm bồ đề kiên cố,trí tuệ sáng suốt hầu qua được những chướng duyên trên bướcđường tu học…

Đây là lần đầu tiên tôi được cái may mắn tham dự khóa tu học 10 ngày của màu an cư kiết hạ 2005. Sự may mắn ở đây là tôi được nghe những lời dạy dỗ của chư tôn đức Tăng Ni. Kế đến là tôi được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều thiện hữu tri thức ở các tiểu bang khác về đây tu học, đã giúp cho tôi học hỏi nhiều về kinh nghiệm và giáo lý với tất cả mọi người, ai cũng đều thể hiện được tinh thần lục hòa, qua câu chuyện “Đàn trâu trên núi” của Thượng Tọa Thích Phước Nhơn.

Những cuộc hội thảo và ý kiến đóng góp rất là vui nhộn. Tinh thần làm việc của quý Thầy, quý Cô và của các Anh chị em Phật tử tuy mỏi mệt nhưng trên môi lúc nào cũng nở nụ cười, làm cho tôi cũng vui lây.

Ngoài ra ông xã tôi còn trợ duyên cho tôi rất nhiều trong các ngày làm công quả của khóa tu. Ai cũng đều thể hiện được tinh thần đạo tâm và đạo tình như vậy, cho nên tôi luôn hy vọng và mong ước sẽ được tham dự nhiều khóa tu học khác nữa để vun bón cho mình, một trình độ hiểu biết về Phật pháp ngày càng tiến bộ hơn.

Như Trí(Perth)^

Thành kính tri ân

Con xin chân thành tri ân quý thầy cô đã dạy dỗ hướng dẫn chúng con trong khóa an cư kiết hạ này. Con học được rất nhiều điều bổ ích.

Con thành tâm cảm ơn Sư phụ trụ trì Tu Viện Vạn Hạnh đã đề cập vấn đề xây dựng cơ sở tu học cho giới Phật tử ở Úc châu.

Thầy cho biết rằng nếu 6 chùa lớn ở Úc châu liên kết với nhau thì việc xây dựng trường lớp đào tạo giới Phật tử trẻ sẽ thực hiện trong vòng 3 năm. Đây là nguyện vọng của giới Phật tử trẻ chúng con. Chúng con hy vọng có thể thực hiện được trong một ngày không xa.

Nhân đây con cũng xin cảm ơn sư cô Như Nhựt đã chia xẻ một bài pháp đơn giản nhưng rất gần gũi và thực tiễn về thân giáo. Tuổi trẻ chúng con rất mong thấy được những tấm gương sáng từ thân giáo của quý Thầy Cô. Đây là một phương pháp giáo dục rất thực tế và phù hợp với xã hội Úc châu hiện nay. Con xin ví dụ một cử chỉ rất nhỏ nhưng đã ảnh hưởng sâu sắc trong lòng con. Có một lần con dâng nước hầu thầy Nhật Tân. Sau khi dùng xong, thầy đã cất lại cái ly giấy trong tay áo để dùng lại. Qua việc trên con học được hạnh không xài phung phí đồ của Tam bảo.

Con tri vọng mùa an cư năm tới và khóa tu học cho Phật tử tại gia cho Giáo Hội tổ chức sẽ có nhiều quý Sư cô tham dự và giảng pháp.

Phật tử Diệu Tín. ^

Nhớ Mãi Tây Úc

Tùy bút của Giác Hoa

Mùa an cư năm nay GHPGVNTNHN UĐL-TTL được tổ chức tại chùa Phổ Quang Tây Úc do thượng tọa Thích Phước Nhơn khai sơn và sư cô Bảo Sơn trụ trì.

Khi chúng tôi đáp phi cơ từ Sydney xuống Tây Úc lúc đó khoảng 11h đêm của Tây Úc, khoảng 1h Sydney. Mặc dù thời tiết rất lạnh khoảng 9’C nhưng phái đoàn chúng tôi đã được sự đón tiếp nồng hậu của đại đức Thích Đồng Thanh và sư cô Thích Nữ Bảo Sơn ra đón đưa chúng tôi về chùa. Khi đoàn xe của chúng tôi về đến cổng chùa, mặc dù trời đã về đêm nhưng tất cả chúng tôi đều thốt lên ‘Wow’, ‘ngôi chùa đẹp quá’ nhìn những chiếc đèn lồng được thắp sáng gợi cho chúng tôi một khung cảnh ấm cúng và thật cổ kính, từ đấy lòng chúng tôi khởi lên một niềm hân hoan, vui mừng, phấn khởi và chúng tôi biết rằng sẽ được sống trọn trong 10 ngày an cư thật an lạc.

Buổi sáng hôm sau chúng tôi đã đi tham quan phong cảnh của Tây Úc (vì chúng tôi xuống sớm trước 2 ngày). Phong cảnh tại Tây Úc thật là đẹp, đường phố rất sạch sẽ, yên lặng, rất hữu tình, không ồn ào như Sydney, rất thơ mộng như Đà Lạt. Mỗi con người ở Tây Úc cũng giống như phong cảnh của nó, từ bước đi không vội vã, sinh hoạt thì hoà đồng, trông họ rất bình an và an lạc.

Buổi khai mạc được diễn ra vào lúc 5’30 sáng ngày 5/7/2005 dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Như Huệ, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Thượng Tọa Thích Phước Nhơn, TT. Thích Trường Sanh, TT. Thích Quảng Ba cùng khoảng hơn 30 vị đại đức tăng, ni. Buổi lễ khai mạc đó đã được tổ chức thật long trọng và trang nghiêm. Sau đó chúng con đã được nghe bài pháp “Niệm Phật” do TT. Thích Phước Nhơn giảng dạy. Ngài đã cho chúng con cảm nhận được những kinh nghiệm về pháp môn Tịnh Độ của Ngài. Kế tiếp có bài pháp của thầy Thích Trường Sanh về đạo tâm và đạo từ thật là sâu sắc cho hàng Phật tử chúng con và còn rất nhiều, rất nhiều bài pháp rất hay từ các Đại Đức Tăng, Ni. Như ĐĐ. Đạo Chuyên giảng về “Ý nghĩa cúng cô hồn”, đại đức Hạnh Hiếu giảng về “An lạc”, sư cô Như Tuyết giảng về “Ngũ Uẩn”.v.v…

Cứ mỗi buổi sáng tụng thời kinh Lăng Nghiêm con nhìn lên chánh điện của chùa Phổ Quang là cả một biểu tượng của cõi Phật A Di Đà, chúng con cứ nhìn hoài, nhìn mãi, cả một khung cảnh đó ăn sâu vào tâm trí chúng con, để rồi chúng con phát nguyện hãy cố gắng, cố gắng, cố gắng thật nhiều hơn nữa tu học về đạo pháp nhiệm màu của đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật đã chỉ cho chúng con hướng về Tây phương cực lạc. Sau giờ ngọ trai, chúng con được đi kinh hành trong ánh nắng ấm áp của mùa đông. Chúng con từng bước, từng bước theo quý ngài trong tiếng vang niệm Phật A Di Đà đã tạo cho chúng con một niềm an lạc vô biên.

Chúng con hàng Phật tử xin đê đầu cảm tạ lòng thương mến đầy đạo tình của quý ngài đã cho phép hàng Phật tử chúng con tháp tùng 10 ngày an cư này. Đây cũng là một phước duyên lớn của hàng Phật tử chúng con. Qua 10 ngày tu học chúng con đã học hỏi được rất nhiều về đạo pháp của quý ngài. Chúng con xin nguyện sẽ giữ đạo tâm, đạo hạnh để có ích cho gia đình và xã hội.

Thư Gởi Ba Mẹ

Minh Hyû

Bên ngoài trời lại mưa, những cơn mưa dai dẳng mang về cái buốt lạnh của mùa đông Úc Châu.

Con nhớ lại cũng vào mùa mưa nầy hơn 20 năm về trước lần đầu tiên con đặt chân đến phi trường Perth, để bắt đầu đi vào khúc quanh xa lạ của đời mình, bỏ lại sau lưng một quê mẹ nghìn trùng, đại dương ngăn cách, bỏ lại những kỷ niệm của thời ấu thơ dưới mái trường công lập, những ngày mới lớn của Luật khoa với con đường Nguyễn Du bách bộ vào quán cà phê lá me, rồi những tháng ngày làm lính trong chiến tranh man dã và kết thúc bằng những lần vượt biên thê thảm để đến được trại tị nạn sống nhờ cơm từ thiện, chờ đợi định cư như tội nhân đợi bản án.

Hành trang đến Úc của con chỉ vỏn vẹn một quần Jean, một áo với visa cầm tay, nhưng trong lòng con đầy ấp tham vọng dù hoàn toàn không biết mình sẽ sống ra sao và làm gì?

Tháng ngày cũng trôi qua, con đi làm và công việc đã thực sự dần dà chiếm trọn hết thời giờ của con, con đã không còn thường xuyên thơ từ về thăm nhà, còn bạn bè thì con dứt hẳn liên hệ - nhũng người qua cùng thời với con cũng chẳng khác gì. Ai cũng để cho tham vọng của mình leo thang, vừa có xe xong lại nghĩ đến mua nhà, đã có nhà xong lại muốn sang shop, rồi mua nhà khác.

Những cuộc giải trí của con cũng hoàn toàn đổi khác, tiệc rượu ồn ào, vội vã đã thay vào những tách cà phê đường phố, lời thị phi về việc làm vật chất, cá nhân…đã thay thế những lời tâm sự của bạn bè xưa. Thậm chí có người đã bắt đầu chỉ trích nặng nề về xứ sở và đồng bào ở quê mẹ. Thật đáng hỗ thẹn.

Rồi vài ba gia đình bắt đầu tan vỡ theo lối sống mới. Sức khoẻ của con cũng giảm dần mà con không hay biết. Tin nhà sang cho biết vài người thân yêu của con đã ra đi, con đã mong manh hiểu rằng không có gì là tồn tại trên đời này.

Cho đến lần anh con ra đi, lần đầu con đến chùa xin làm lễ cầu siêu cho anh, con thấy có những người Phật tử đang âm thầm học đạo, làm công quả, con thấy họ thật là những viên đá đứng trụ giữa dòng nước vô minh, không để bị cuốn trôi, và từ đó con đã bắt đầu muốn tìm hiểu đạo Phật.

Con tập sám hối, niệm kinh, trì giới, và tìm hiểu đạo Phật qua băng giảng và sách vở của các thầy. Con cũng tập làm công quả. Mái chùa hiền hòa, trang nghiêm giờ đây là nơi trú ẩn cho tâm hồn của con và gia đình con. Chúng con đã tìm được niềm an lạc cho tâm hồn để từ đó áp dụng tinh thần Phật học vào đời sống gia đình và xã hội.

Càng đi sâu vào đạo Phật con mới hiểu rằng Phật pháp cao sâu vô cùng vô lượng. Trí tuệ của con thật nhỏ nhoi hơn cả hạt cát của sông Hằng, lòng cương quyết của con vẫn còn yếu đuối chưa thể nào đạt nổi sự bất loạn dù chỉ là trong một thời gian nhỏ. Tuy nhiên có một điều con rất tin tưởng như một thầy đã dạy, là sự tín tâm của con sẽ như là một cái rổ dùng để múc nước dù nó không giữ được nước sau khi múc, nhưng nước sẽ làm sạch rỗ.

Thưa ba mẹ,

Con đường học đạo còn dài lắm con chỉ muốn cầu đức Phật từ bi soi sáng và gia hộ cho mọi người sớm hiểu lý vô thường và trở về với Phật tâm, như một lời chúng con vẫn thường cầu đọc trong kinh: Ở Phương Tây thế giới an lành, con nay xin phát nguyện vãng sanh, cúi xin đức từ bi tiếp độ.

Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại bi A Di Đà Phật.

Minh Hỷ ^

Fourth Attempt

Tuệ Quang-Bob Guilbert

My mind is scattered -- can’t seem to bring my thoughts together to write the article-looking at the hole in my socks and not concentrating on getting the article written -frustrating myself-looking at everything and seeing nothing-sitting in the sun getting warm not getting the article done maybe it will be like the hole in my socks and just suddenly appear-put the pen away then feeling guilty for nor writing something-take it back out again but only write nonsense.

What’s that sound-where is it coming from-sounds like a donkey-so does my mind-senseless noise for no reason-people coming and going-doing something-while I just sit here thinking-must get back to writing the article-if only I had paid more attention to the Masters talks on Concentration and Diligence

I wrote the above as part of my fourth attempt to write an article for the retreat magazine, my first three attempts felt forced, I was writing what I thought the monks would like me to say and not what I really thought. I hoped that by recording my thoughts I would gain an idea for the article and I did. From reading my notes I know that I still have a “monkey mind”, jumping from place to place without any apparent purpose, easily distracted by things around me. How I wish that I had paid more attention to the masters talks and been more diligent in putting their words into practice.

Sự cố gắng lần thứ tư

Thiện Tuệ chuyển ngữ

Đầu óc tôi bị phân tán … không làm sao tập trung tư tưởng để viết bài – nhìn xuống đôi tất (của tôi) bị rách lỗ và không chú ý đến việc viết cho xong bài - Thật bực bội - Nhìn mọi vật không thấy gì cả - ngồi trong nắng sưởi ấm - không viết cho xong bài - có thể nó cũng giống như cái lỗ rách nơi đôi tất tôi và tự nhiên hiện ra - cất viết đi và rồi cảm thấy có lỗi vì không viết gì cả - mang giấy ra lần nữa viết lung tung.

Tiếng động gì vậy – nó đến từ đâu – nghe giống như tiếng con lừa – và đầu óc tôi cũng vậy - tiếng động vô ý nghĩa - người ta đi tới đi lui, làm cái gì đó – trong khi tôi chỉ ngồi đây suy nghĩ - phải trở lại viết bài – nếu tôi chú ý hơn nữa những bài pháp của quý Thầy về sự định tâm, tinh tấn.

Tôi viết những lời trên qua sự cố gắng lần thứ tư để có bài cho Kỷ Yếu, những sự cố gắng của 3 lần trước không được tự nhiên vì tôi viết những gì tôi cảm thấy là quý Thầy muốn tôi viết chứ không phải những gì tôi thật sự cảm thấy. Tôi đã hy vọng là khi viết xuống những cảm nghĩ của mình, tôi sẽ có ý kiến để viết bài và việc đó đã xảy ra. Đọc những gì tôi viết, tôi biết là tôi vẫn hãy còn “tâm vượn”, nhảy từ chỗ này sang chỗ khác khi không có mục đích gì cả, dễ dàng bị tác động bởi sự vật xung quanh – Tôi mong rằng tôi đã chú ý hơn về những gì quý Thầy đã giảng và cố gắng hơn trong việc áp dụng những gì đã học.


Tuệ Quang ^

Tiếng còi Phổ Quang

Đêm đông lấp lánh sao băng

Lung linh đáy nước trăng rằm rạng soi

Vườn hoa nảy lộc đâm chồi

Ngát hương giải thoát tiếng còi Phổ Quang

Chim ca báo hiệu xuân sang

Thanh tao vi diệu tiếng đàn pháp âm

Từ nay hoa nở vườn tâm

Mặt hồ tỉnh lặng thăng trầm viên dung

Vọng Thức

Từ Darwin nhớ về Perth
Cảm Niệm về Tr
ường Hạ Phổ Quang, Tây Úc

Tâm Quang

Hằng năm, sau Lễ Phật Đản, Chư Tôn Đức Tăng Ni kiết giới an cư, tiếp nối truyền thống tốt đẹp từ thời Đức Phật còn tại thế. Năm nay, Chùa Phổ Quang hân hoan đón mừng Chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử khắp nơi về tùng hạ. Riêng con, vì không sắp xếp được công việc, nên không về Perth tu học và công quả mùa an cư này. May mà nhờ phương tiện truyền thông tân tiến nên trước và sau giờ làm việc, con vẫn có thể vào Paltalk để nghe trực tiếp những bài Pháp quý báu, vào Trang nhà Quảng Đức để xem những hình ảnh sinh hoạt thanh tịnh an vui nơi Trường Hạ, và nhờ hệ thống điện thư để gởi gắm tâm tình và cảm niệm về mùa an cư kiết hạ “tại gia” này.

Nhớ năm trước, con có đủ thiện duyên để “cơm ghe bầu bạn” về tùng hạ, mà năm nay con không được cảm nhận cái ấm cúng đầy đạo vị của tình Thầy trò, nghĩa huynh đệ trong tinh thần “Tứ Chúng Đồng Tu” đã xua tan cái lạnh của mùa đông Nam Bán Cầu. Tuy nhiên, qua những buổi truyền âm trực tiếp từ Paltalk, cả nhà đều ngồi lại cùng nhau nghe Pháp và những kinh nghiệm tu học của Chư Tôn Đức Tăng Ni.

Tu học không chỉ đơn giản và duy nhất là nghe Pháp, mặc dầu nghe Pháp rất quan trọng để hiểu Đạo và hành Đạo. Trong sinh hoạt thường ngày của người Phật tử tại gia, đâu có hô canh, thức chúng sớm khi mặt trời chưa mọc để công phu sáng, đâu có thức khuya khi sao đầy trời để ngồi Thiền, đâu có thời khoá sát sao, nào là tụng kinh bái sám, nào là học hỏi Phật Pháp, nào là phạn thực kinh hành. Nhất là những ngày được phân công trị nhựt hành đường thì ... đúng là “thi thố thần thông”: không phân thân mà vẫn hiện diện đầy đủ ở Chánh Điện, Nhà Giảng, Trai Đường, nhà trù, tuy bận rộn mà vẫn ung dung, tuy cực nhọc mà vẫn hoan hỷ, tuy đông người mà vẫn im lặng an hoà vì mọi hành động, lời nói, ý tưởng đều giữ trong chánh niệm, tỉnh thức. Chỉ có nơi đạo tràng thanh tịnh mới có thể thành tựu được niềm vui đầy đạo vị ấy.

Tuy thân không ở nơi Đạo Tràng Phổ Quang Tây Úc, nhưng tâm vẫn hướng về nơi đang quy tụ những người con Phật đang đi trên con đường Phật. Để đáp đền ân sâu trong muôn một của Chư Phật Ba Đời và Chư Tôn Thiền Đức đã kiến lập đạo tràng tu học, cũng như các đạo hữu đã cúng dường công quả Trường Hạ, con lập nguyện cố gắng giữ tâm quang luôn trong sáng, tâm lượng luôn bao dung, tâm lực luôn vững mạnh để có đủ sức kham nhẫn tiến tu trong chướng duyên nghịch cảnh nơi trụ xứ Bắc Úc này.

Con kính nguyện Chư Tôn Đức Tăng Ni pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ, Phật sự viên thành. Con kính chúc tất cả các đạo hữu Bồ Đề Tâm kiên cố, phước huệ song tu.

Darwin, ngày 8/7/2005
Tâm Quang.
^

Chùa Phổ Quang to quá

Con nghĩ chùa Phổ Quang là rất to và đẹp. Chùa này nhìn giống mấy chùa ở trong phim Tàu. Ở chùa này có nhiều tượng đẹp và cũng có nhiều hình có màu sắc. Ở trước chùa Phổ Quang có hồ cá rất to với nhiều cây cỏ đẹp.

Quảng Nga (13 tuổi) ^

Chùa Phổ Quang đẹp quá

Ở chùa Phổ Quang có một tượng rất lớn ở đàng trước. Ở đàng sau có hồ cá nhỏ. Chùa nầy là to quá và đẹp quá. Cây cối xanh tươi, xung quanh sạch sẽ, còn thức ăn thì rất là ngon. Con vui lắm khi được Mẹ cho đi dự lễ này. This Temple is wonderful. It’s really beautiful. They got a lot of flowers, trees and bushes. It really feel like home and it’s really clean, neat and tidy. The people who cooks the food is a really ood cooker. And it just tastes nice.

Tina Đỗ- Ngọc Yến (11 tuổi). ^

Niềm tin

Bạn ơi! năm sau cố gắng về

An cư kiết hạ của quý Ngài

Lòng bạn sẽ được tràn tươi mát

Tâm bạn sẽ đầy vững niềm tin

Niềm tin vững mạnh nơi Tam Bảo

Như đoá sen tươi sực ánh hồng.

Diệu Khánh ^

TA HẸN

Ta hẹn sẽ cùng đặng gặp nhau

Dẫu trong tam giới ở nơi nào

Thể đồng thanh khí còn tao ngộ

Hằng một tánh linh ắt cảm giao

Giả tạm cõi đời nơi uế trược

Chơn thường mối Đạo chốn thanh cao

Chuyên tâm nhứt niệm về quê cũ

Ta hẹn sẽ cùng đặng gặp nhau!

Viên Huệ^

TỊNH ĐỘ TRONG TA

Tịnh độ trong ta chẳng phải ngoài

Cảnh trần cõi Phật vốn không hai

Sống vui phơi phới cùng trăng nước

Biết đủ thung dung với tháng ngày

Xuân dạo non tiên miền Nhược Thuỷ

Hạ về an ổn chốn Như Lai

Đói ăn khát uống đâu phiền toái

Tự tại trên đời hạnh phúc thay!

Viên Huệ^

Thần kỳ cảm ứng

Minh Tánh chẳng biết gì về đạo Pháp, một bài kinh cũng đọc không trọn. Vốn dĩ quanh năm suốt tháng chỉ biết theo bà xã đi phụng sự Tam Bảo, công quả văn nghệ và làm kỹ thuật cho các chùa.

Nhưng có vài lần Minh Tánh cứ thắc mắc mãi. Trong những khóa đại lễ thì thường có những điều kiện thời tiết thay đổi, những khi quý Thầy bắt đầu thì sự kiện này phần đông biến mất. Minh Tánh cho đó là một việc ngẫu nhiên. Tuy nhiên lần này gia đình vừa đặt chân đến phi trường thành phố Perth, được Sư cô Bảo Sơn và thầy Đồng Thanh đón về chùa Phổ Quang - Tây Úc, thì sau hai ngày, Minh Tánh bị sốt nặng, đầu óc mê man như lạc vào cảnh giới đâu đâu, làm mất hết cả trí tuệ. Đầu và cơ thể nóng ran bức rức không tài nào ngủ được. Minh Tánh quờ quạng, loại viên thuốc nào cũng cho vào mồm, kết quả lại còn tệ hơn, nhưng rồi Minh Tánh bắt đầu niệm Phật, Phật nào nhớ trong đầu là niệm. Quý Thầy tội nghiệp, đã giải huyệt, nấu nước xông, nhất là thầy Hạnh Tịnh đích thân đi hái lá xông, thầy Đạo Chuyên thì bảo tôi mang thêm vớ, thầy Hạnh Tri căn dặn mặc thêm áo… nhưng Minh Tánh không tài nào chịu nổi lại trở vào nằm bỏ bê công phu học tập. Rồi cũng phải liều thôi, nhờ thầy Hạnh Tịnh cầu xin chư tôn đức Tăng Ni cầu an cho tôi, ngày hôm sau thì ước mơ của tôi trở thành sự thật. Trong lúc mê man, Minh Tánh chỉ niệm một câu “Nam Mô A Di Đà Phật” và chờ thời. Nhưng đến ngày thứ ba thì hình như một phép lạ trong tai của tôi như có tiếng nhắc nhở Phật, Bồ Tát, Long Thần Hộ Pháp bảo tôi hãy tỉnh dạy đi hành thiền và niệm Phật. Buổi chiều cảm thấy bụng đói hơn và bắt đầu ăn một chút. Và ngày tiếp theo sức khoẻ được trở lại bình thường, bắt đầu theo thời khóa tu tập và bỏ chút ít thời gian chăm sóc cho hai con chó thật to của Thượng Tọa Trụ Trì (vì bị nhốt lại không thả ra ngoài sợ phá rau cải) và hôm nay Minh Tánh đã bắt đầu quay phim và chụp hình trở lại.

Minh Tánh tự hỏi, đây có phải là phép lạ hay không? Tại sao mọi việc không bắt đầu từ sự kiện đơn sơ này? Để ta có một niềm tin vững vàng hơn.

Minh Tánh chẳng biết gì hơn, chỉ nguyện đem sự tu học này hồi hướng phụng sự chúng sanh và hộ trì Tam Bảo. Giờ đây tôi tin chắc rằng đạo pháp luôn nhiệm mầu và mãi mãi là con đường chánh pháp cho những ai mong cầu giải thoát.

Nam Mô A Di Đà Phật

Minh Tánh
Mùa An Cư Kiết Đông 2005
Tây Úc – Úc Đại Lợi

Tu sao cho troøn

Đến chùa lạy Phật tu trì

Xin đừng bàn chuyện thị phi sự đời

Tu mau kẻo trễ ai ơi

Sửa tâm sửa tánh cho vơi não phiền

Tham, sân, tật đố liên miên

Chỉ thêm đau khổ lụy phiền mà thôi

Công danh, tài lợi kéo lôi

Ta vào sinh tử luân hồi đắm mê

Tu là phải biết quay về

Xét soi lầm lỗi tự phê tự rèn

Lục trần cùng với lục căn

Không cho đắm nhiễm ta ngăn ta ngừa

Tu không chỉ ở tương dưa

Cầu xin lễ lạy cho vừa túi tham

Tu là sửa bỏ lòng ham

Tài, sanh, sắc, lợi, sân, tham không màng

Từ, bi, hỷ, xả luôn mang

Trao cho nhân thế muôn vàn sướng vui

Khổ đau ta nhận cho người

Cầu cho bá tánh nụ cười hân hoan

Nhân quả nhận biết rõ ràng

Giới luật nghiêm tịnh công phu tranh phần

Tâm bệnh ta trị chuyên cần

Chuyển hóa nguyện lực chân nhân hiện tiền

Công đức cùng với phước duyên

Giúp người hết khổ thường xuyên tu hành

Tướng ngoài muôn kiếp tử sanh

Chạy theo là bị quẩn quanh luân hồi

Tu tâm không ở đầu môi

Mà soi rọi lại lần hồi lầm mê

Để cho chúng biết quay về

Quy y Tam Bảo, phụng tề chúng sanh

Có như thế mới xứng danh

Tu hành đúng pháp lợi sanh muôn đời

Tu hành cho đúng ai ơi

Kẻo như gãi ngứa ngoài giày uổng công

Kỷ niệm mùa an cư PL. 2549Của GHPGVNTNHN- UÐL-TTL năm 2005tại chùa Phổ Quang, Tây Úc

Thích Viên Thành
Chùa Pháp Hoa – Nam Úc

Nieàm caûm xuùc

Con được diễm phúc cùng chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử kiết giới an cư trong 10 ngày tại chùa Phổ Quang -Tây Úc. Mườingày tuy không dài nhưng đã để lại trong con niềm an lạc vô biên. Pháp âm vi diệu được giảng dạy từ chư tôn đức Tăng Ni là dòng suối ngọt ngào xoa dịu tâm hồn lạc lõng giữa chợ đời xuôi ngược truân chuyên. Tiếng kệ lời kinh, hô canh tọa thiền, kinh hành niệm Phật, hội thảo Phật pháp, đi, đứng, nằm, ngồi trong sự yên lặng và tỉnh thức, tất cả tạo cho con một nguồn sinh lực không thể thiếu. Tâm con trở nên an tịnh hơn. Từ đó con tự cảm nhận Phật pháp là nhựa sốngcho những ai còn đang lặn hụp trong sự tham vọng và khổ đau, muốn tìm an lạc và giải thoát, cóthể quay về và tiếp nhận.

Con thành kính tri ân chư tôn đức Tăng, Ni, đặc biệt là Thượng tọa Thích Phước Nhơn, Hóa Chủ khóa an cư, chư Tăng Ni và Phật tử chùa Phổ Quang, đã tạo cơ duyêncho con đượcnhập chúng tu học.

Con cũng không quên cảm ơn và gởi tấm chân tình đến tất cả đến bạn đạo, đã giúp đỡ con quay về sống trong sự tương quan, tương kính mà quý chư Tôn đức Tăng, Ni đã giảng dạy.

Niềm cảm xúc chính là gói hành trang cao quý cũng là nguồn tư lương vô tận luôn gần gũi và thân cận, khi con trở lại đời sống thường nhật bên gia đình và xã hội.

Dòng sông nước chảy theo nguồn

Thuyền con xuôi ngược, sóng cuồn cuộn trôi

Bình minh lấp lánh trên đời

Tỏ tia nắng nhạt, chiếu hồi tâm con

Từ nay bóng tối không còn

Xua tan ác nghiệp, xói mòn chướng duyên.

Kính chúc chư tôn đức Tăng Ni pháp thể khinh an, thân tâm thường an lạc. Chúc bạn hữu đạo tâm kiên cố.

Phổ Quang ngày 10/7/2005

Minh Tấn

Rửa chén

Rửa chén, chén như tâm

Chén sạch tâm cũng sạch

Rửa chén như rửa tâm

Tâm không hề xao lãng

Miệng niệm A Di Đà

Tiêu bao tội hằng sa

Cho tâm con thêm vững

Công quả được viên thành

Giác Thịnh

Trần Tình

Kính Thưa Thy đêm qua con nm mng,

Ngược thi gian vli tui u thơ.

Tuổi hai mươi ôi thương mấy cho vừa,

Con mê mãi tưởng đời dài vô tận.

Kính thưa Thầy đêm qua con nằm mộng,

Nghe thời gian như nước xiết dưới chân.

Tuổi ba mươi cao đỉnh của đời người,

Con lăn xả chạy đua không ngừng nghỉ.

Tạo vật chất se sua cùng bè bạn,

Lúc tranh giành quên lời nhủ lương tâm,

Bao cuộc vui bè bạn, thịt rượu nồng,

Con sống trọn những gì con muốn được.

Kính thưa Thầy đêm qua con nằm mộng,

Thấy vô thường đã lố dạng đâu đây.

Vài người thân đã từ bỏ kiếp người,

Con chợt hiểu tuổi bốn mươi là đi xuống.

Rồi có lúc suy tư về cuộc sống,

Nhớ thăng trầm, nhớ quá khứ tranh đua.

Ôi bao nhiêu tội lỗi cho vừa,

Con mới hiểu mình cần nơi cứu độ.

Kính thưa Thầy đêm qua con nằm mộng,

Nơi Phật đường tìm ánh sáng từ bi.

Học niệm Kinh, Sám hối con kiên trì,

Tập tự giác, giác tha theo hạnh nguyện.

Lời Thầy dạy con vẫn thường xuyên nhớ,

Xin nguyện cầu cho pháp giới chúng sinh,

Được sáng soi trong pháp giới hữu tình,

Quy Y Tam Bảo để viên thành Phật Đaọ.

Phật Tử Minh Hỷ

Cảm xúc của một
người con Phật

Từ lúc còn nhỏ con rất thích nghe Ngoại và Mẹ tụng kinh; có lẽ chính nhờ lời kinh tiếng kệ, đã gieo vào tâm thức con hạt giống lành; từ nhân duyên đó mà hôm nay con mới được duyên về đây tu học trong mùa an cư kiết hạ này.

Sau hơn năm tiếng đồng hồ đáp chuyến bay từ Sydney đến phi trường Perth, tại đây chúng con được Sư Cô Bảo Sơn và Thầy Đồng Thanh ra tiếp đón.

Khác hẳn với suy tưởng của con lúc ban đầu, Tây Úc quả là một tiểu bang đẹp, rất dễ thương; bên cạnh còn có ngôi chùa Phổ Quang do Thượng tọa Thích Phước Nhơn sáng lập, và nơi đây được chọn tổ chức khóa kiết hạ an cư kỳ này .

Ngôi chùa thật khang trang rộng rãi, yên tịnh, làm con cảm nhận thích hợp với tâm hồn con, cần sự yên tịnh dịu dàng.

Chúng con hàng Phật tử tại gia, tự biết rằng còn bị ràng buộc bởi gia duyên, chưa đủ phước báu để xuất gia, nhưng một lòng mến đạo nên được quý thầy cô, đặc biệt là Thượng tọa Thích Quảng Ba từ bi thương xót đã tạo duyên cho chúng con được về tham dự an cư cùng quý Thầy cô. Nhân đây con xin cảm ơn quý Thầy Cô và chư Tôn đức, và xin quý Ngài bỏ qua những gì lỗi lầm khuyết điểm mà chúng con mắc phải trong sinh hoạt trường hạ.

Được gần gũi quý thầy cô, chư vị thiện tri thức quả là đại phước, giúp chúng con học hỏi thêm về đạo pháp, trau dồi sự tu tập của mình.

Chúng con Phật tử tại gia, trên đường tu học, khó tránh được phiền nãobuồn rầu. Mỗi lần như vậy con cố gắng nhiếp tâm niệm Phật, hoặc đối trước bàn thờ lạy Phật thật nhiều để tự sám hối, trách mình về những hành vi lỗi lầm không thể kiểm soát được.

Con biết đó là cũng do tâm không sáng suốt nên tự phiền não cho mình còn ảnh hưởng đến người khác.

Nhiều lúc con nghĩ không biết chân thật hạnh phúc là ở đâu? Con cảm nhận hạnh phúc là một thứ mà không ai không khắc khoải mong cầu; nhưng hạnh phúc không phải là một thứ quà hay đồ vật người khác mang tặng cho mình mà chính là những hành vi tu tập của mình từng giờ phút. Chính hạnh phúc ấylà nguồn an lạc vô biên, nhắc nhở con quay đầu lại đối diện chính con người mình, thân tâm mình để sửa đổi; nếu cứ chạy theo những gì bên ngoài thì chỉ là giả tạm mà thôi.

Cách đây hai năm, mẹ con lìa bỏ cõi đời, sự ra đi của mẹ đã để lại trong con bao nỗi niềm nuối tiếc, đến nay con không bao giờ quên được.

Sự ra đi của Mẹ con là một hồi chuông thức tỉnh,một lần nữa con ý thức được định luật vô thường, thân mạng của con người ai cũng theo định luật đó mà sinh, ly, tử, biệt,đúng như lời Phật .

Ngài quả thật là đấng toàn năng toàn giác, biết bệnh khổ chúng sanh, dạy cách chữa trị tu hành giải thoát; Ngài quả là vị cha hiền, vị Thầy khả kính. Lòng thương xót từ bi của Ngài thật vô bờ bến chỉ mong những người con Phật hãy trở về chốn xưa, trở về với viên ngọc quý báu trong tâm mình đó là Phật tánh. Nghĩ đến đây con càng mong cầu cho tất cả Phật tử tại gia chúng con gắng giữ bồ đề tâm không xa rời Phật pháp và cùng nhau ý thức phụng trì Tam Bảo để Phật pháp trường tồn,chúng sanh an lạc.

Lần nữa con xin cúi đầu đảnh lễ ctôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa,Đại Đức Tăng, Ni pháp thể khinh an; chúng con không quên tri ân sâu sắc Thượng Tọa Phước Nhơn, Thầy Cô, quý Đạo hữu chùa Phổ Quang - Tây Úc đã nhiệt tình chăm lo săn sóc chu đáo cho chúng con trong mùa an cư này. Nguyện cho quốc thái dân an, thế giớihòa bình an lạc, chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Viết tại chùa Phổ Quang - Tây Úc – 10/7/2005

Đệ tử Giác Thùy

Không đề

Dòng đời chạy mãi không dừng

Đã cuốn bao nhiêu tuổi ngọc ngà

Vất vả từ con đầu trắng bạc

Lưng còng qua mấy trận phong ba

Con còn xuôi ngược chốn quê người

Nghe gió đông về sương lạnh rơi

Đất Úc định cư đời viễn xứ

Nhớ về cha mẹ lệ tuôn rơi

Mỗi độ đông sang lá rụng vàng

Ấy mùa báo hiếu lề Vu Lan

Bồi hồi tưởng nhớ cha cùng mẹ

Thổn thức tàn canh suối lệ tràn.

Nguyên Trực

Tâm sự của một Phật tử

“Đức Pht ra đời vì một nhân duyên lớn để khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến.”

Hằng năm vào mùa mưa, là mùa An cư kiết hạ của chư Tăng trong vòng ba tháng để thúc liễm thân tâm và trau dồi Phật Pháp. Đó cũng là một nhân duyên lớn để hàng Phật tử có được cơ hội học hỏi thêm giáo lý thâm sâu của đạo Phật từ chư vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni.

Mùa An Cư Kiết Hạ năm nay được tổ chức tại Tịnh Nghiệp Đạo Tràng Phổ Quang Tây Úc, đó là một vinh dự lớn cho Phật tử của tiểu bang, cho nên trong lòng mọi người rất là hoan hỷ. Vạn Thiện cũng vui mừng không ít, vì đó là ước vọng từ lâu của Vạn Thiện, do phúc đức quá mỏng cho nên chưa hội đủ nhân duyên để tham dự An Cư Kiết Hạ vào những khóa về trước,được tổ chức ở những tiểu bang khác. Phật Tử Phổ Quang được Sư cô trụ trì hướng dẫn và phân phối công việc, mọi người thật là vui, nhưng cũng xen lẫn ít nhiều âu lo; riêng Vạn Thiện được lãnh nhiệm vụ hành đường và thị giả, mình cũng không tránh khỏi những tình cảm thường tình đó. Do bởi chưa từng có kinh nghiệm với công việc được trao bao giờ, nhưng với lòng tự tin và sự khuyến khích của các Sư cô,đã cho Vạn Thiện niềm tin mạnh mẽ hơn.

Vào những ngày đầu buổi lễ, Vạn Thiện rất hăng say với công việc, nhưng cũng xen lẫn ít nhiều buồn tủi. Hy vọng của Vạn Thiện được tham dự các buổi học với chư Tăng Niđể học hỏi thêm về Phật pháp, do bởi nhu cầu công tác nên bỏ lỡ những cơ hội rất quý giá đó mà từ lâu hằng mong ước. Thỉnh thoảng lắng nghe một đôi câu giảng giải và đối đáp của chư Tăng Ni,nhưng trong tâm cảm thấy chưa thoả mãn.

Sáng thứ năm của tuần đầu tiên, sau thời Kinh Lăng Nghiêm, Phật tử được nghe Thượng Tọa Phước Nhơn kể lại câu chuyện Bầy Trâu, Thầy kể rằng:

“Ở Miền Trung vào mùa nước lũ, dân làng phải đem trâu vào núi cao để tránh. Bầy trâu này phải sống chung với nhau, mặc dù chúng không cùng một chủ, nhưng chúng biết tương thân và che chở lẫn nhau, ban đêm chúng kết thành vòng tròn, con nhỏ nhất, yếu nhất, hoặc già nhất ở trong giữa.Vòng ngoài là những con mạnh khỏe nhất, chúng có đôi sừng nhọn và sẵn sàng tấn công lại các cọp beo đến làm hại, hầu bảo vệ sự an toàn của đàn. Trâu còn biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau như vậy, huống chi loài người và nhất là người con Phật phải biết áp dụng giáo lý Lục Hòa…”

Đêm về, Vạn Thiện quán chiếu, thấy mình đã học được nào là Tứ Vô Lượng Tâm, Lục Hòa, Bồ Tát Hạnh, nhưng hành thì chẳng đến đâu. Cứ ngỡ tâm mình được chút thanh tịnh, cái ngã cũng nhỏ đi đôi chút. Ngờ đâu nó vẫn còn to hơn ngọn núi Tu-Di. Thật đáng hổ thẹn vô cùng.

Thầy ơi! Con không nhớ đây là lần thứ mấy con được nghe Thầy kể về câu chuyện của bầy trâu, thế mà lần này con nghe lại, nước mắt con tự dưng bỗng tuôn rơi! Con tự thấy mình còn nhỏ nhen, còn hẹp hòi quá. Nhưng lần này, với thời pháp nhủ của Thầy đã cho con thức tỉnh, như tiếng chuông ngân vang giữa đêm trường tĩnh mịch, lời giáo huấn của Thầy đã thấm vào tim, vào não của con. Con nguyện mình sẽ làm con trâu khỏe để có thể đùm bọc cho đàn.

Và kể từ sau buổi giảng đó, Vạn Thiện sắp đặt từng đôi đũa, cái bát, tô cơm cho chư Tăng Ni mà trong lòng thấy nhẹ nhàng an vui. Thành kính cảm ơn Thầy đã mở mắt cho con, đã cho con có được niềm an lạc đó. Có lẽ đây là kỷ niệm khó quên trong đời tu học của con.

Nam Mô A Di Đà Phật

Phổ Quang Tự ngày 9 tháng 7 năm 2005

Phật Tử Vạn Thiệnkính ghi

Tục lụy

Cửa chùa rộng mở không ai đến

Địa ngục then cài lắm người chen

Men tình, men rượu thêm phiền não

Đỏ bạc đen cờ lắm khổ đau

Thuốc ma trụy lạc vào ngõ tối

Khổ ải trầm luân vướng lụy phiền

Mau mau thức tỉnh tìm nẻo giác

Một bước về chùa một bước tu.

Giác Thịnh

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại UĐL – TTL

Tại chùa Phổ Quang – Perth, Australia
(từ ngày 5 đến 15 tháng 07 năm 2005)

Nội Quy Trường Hạ

Để sách tấn tu tập pháp giải thoát trong 10 ngày An Cư, Ban Chức Sự trường hạ Phổ Quang xin đại chúng chấp hành các điều như sau:

1.Khi nghe hiệu lệnh nên có mặt tại địa điểm lớp học, chánh điện, trai đường…

2.Có duyên sự ra khỏi đại giới trường phải tác bạch giữa đại chúng nêu rõ lý do

3.Tiếp khách xin mời vào trai đường ngoài giờ tu tập

4.Tham dự tất cả những buổi thọ trì, học tập, thảo luận Phật pháp không nên vắng mặt

5.Để giữ gìn sức khỏe chung sau giờ chỉ tịnh xin đại chúng an tức (ngủ nghỉ).

6.Có việc gì cần xin liên lạc ban lãnh chúng

Cầu nguyện Tam Bảo gia hộ đại chúng thân tâm an tịnh, tứ đại điều hòa trong suốt thời gian tu học.

Nam Mô A Di Đà Phật

Văn tưởng niệm Hòa Thượng Thích Đỗng Minh

của GHPGVNTNHN UĐL-TTL tại chùa Phổ Quang-Tây Úc,

Chủ nhật ngày 10/7/2005

Kính bạch giác linh Hòa Thượng,

Hôm nay là ngày mồng 5 tháng 6 năm Ất Dậu, toàn thể Chư Tôn Đức Tăng ni GHPGVNTNHN tại UĐL-TTL an cư kiết hạ, cùng chư thiện tín nam nữ tòng hạ tại chùa Phổ Quang-Tây Úc thiết lễ tưởng niệm Hòa Thượng tân viên tịch.

Đứng trước pháp đàn chân dung Hòa Thượng, tứ chúng lắng đọng tâm thành tỏ trần tưởng niệm:

Nhớ Giác Linh xưa,

Thoát chất phàm trần, đồng chơn nhập đạo

Gặp được minh sư dưỡng giáo

Sớm thâm nhập diệu nghĩa chơn thừa

Dòng Phật chủng nẩy mầm hoa tuệ giác

Chí trượng phu kình ngạc vẫy vùng

Vào đời mang hoài vọng thung dung

Đào tạo Tăng tài xây dựng tương lai

Dù gian khó chí cả không quản ngại…

Và kể sao cho hết tài quán chúng bạt tụy của Người, nào là Giám Đốc hãng vị trai Lá Bồ Đề thanh khiết tại Sài Gòn và Huế, nào làm giáo thọ sư cho các Phật học viện Bắc,Trung, Nam, nào đăng đàn giảng kinh thuyết pháp…

Bấy nhiêu đó cũng chưa đủ với người mang chí nguyện bậc trượng phu. Một mặt chăm lo ngành giáo dục, tinh chuyên luật học uyên thâm, mặt khác thành lập Ban Phiên Dịch Pháp tạng với tâm nguyện muốn góp sức hoàn thành bộ Đại Tạng Kinh bằng Việt ngữ.

Những dịch phẩm in chưa ráo mực

Ban phiên dịch Ngài là chủ chốt

Công cuộc đang tiến hành đành gác bút

Dáng hình Người còn phảng phất đâu đây!

Sự ra đi của Hòa Thượng làm cho hàng Tăng già pháp lữ mất đi một người đồng hành khả kính, Tăng, Ni sinh mất đi một bậc thầy đức độ tài năng. Phật giáo Việt Nam quốc nội mất đi một bậc nhân tài kiệt xuất, GHPGVN Thống Nhất Hải Ngoại mất đi một bậc đàn anh, một người thầy mẫu mực… Nhưng cũng đành bất lực, sự đến đi của bậc chân nhân như chim trời cá nước, chẳng có chi ngăn được chí thượng cầu; vì đi mà đã biết mình tới đâu, Ngài ung dung cho tới giờ phút cuối, hai chân nằm duỗi trong tư thế kiết tường, thế là phút tịch nhiên chợt đến!

Thôi thì, với mối đạo tình Linh Sơn cốt nhục, chúc Ngài đi nhưng đừng quên trở lại cõi kham nhẫn này cùng thích cánh chung vai với chư sơn phát huy đạo pháp phụng sự nhân loại và chúng sanh.

Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông tứ thập nhị thế húy thượng Thị hạ Khai, tự Hạnh Huệ, hiệu Đỗng Minh Hòa Thượng giác linh thùy từ chứng giám.

Thích Bảo Lạc phụng soạn

LờiTác Bạch Kiết Giới An Cư


Nam Mô A Di Ðà Phật

Kính Bạch Hòa Thượng một lòng thương xót, con Tỳ Kheo...

( Tỳ Kheo Ni/ Thức Xoa Ma Na Ni / Sa Di / Sa Di Ni) nay nương tựa nơiPhổ Quang Tăng Già Lam, xin an cư tu học 10 ngày.

Kính xin Hòa Thượng từ bi hoan hỷ chứng giám ( đọc 3 lần)

Hòa Thượng hỏi:Thiện

Ðáp:Nhĩ

Tổng kết chi thu
Trường Hạ Phổ Quang kỳ thứ 6.

I- Phần chi:

Tiền cúng dường chư tôn đức Tăng Ni: 21,500.

Vật dụng và thực phẩm: 6,450.

Điện nước gas: 2,000.

Tổng chi29,950.

II-Phần thu:

Các chùa và Phật tử các nơi cúng dường: 12,550

Phật tử Phổ Quang cúng dường: 17,400.

Tổng thu:29,950.


Thông báo
Mùa An Cư năm 2006

Khóa An Cư Kiết Hạ kỳ VI của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại UĐL-TTL năm 2006 do tự viện Pháp Bảo – Sydney đảm nhận tổ chức.

Ngày giờ chính thức sẽ được thông báo chi tiết sau, tuy nhiên Khóa An Cư sẽ dựa theo mùa holiday các trường công lập trên toàn liên bang Úc, khoảng đầu tháng 7 năm 2006.

Mong được quý Phật tử gia tâm tham dự để thọ học giáo pháp do chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni truyền đạt, ngõ hầu xây dựng cuộc sống an lạc và giải thoát.


Thông báo

Khóa Tu Học Phật Pháp Úc châu kỳ 5.

sẽ do Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội tổ chức tại Canberra từ 31/12/2005 đến 5/1/2006 (Birrigai Recreational Education Centre).

Để gia đình, bản thân và con em tuổi trẻ tận hưởng nguồn pháp lạc nhiệm mầu, và để được hòa hợp sống chung an vui tu học trong đạo tình dân tộc thiết thân, để được trầm tư ý đạo giữa rừng cây xanh ngát với hàng ngàn bạn hiền kangaroo quanh quẩn nô đùa, trong mùa holiday cuối năm nay, kính mời quý Phật tử tham dự Khóa Tu Học Phật Pháp Úc châu kỳ 5. Giảng huấn và tu trì sẽ do chư tôn thiền đức Tăng Ni Giáo Hội và cung thỉnh đến giảng dạy, phụ trách. Đặc biệt có lớp Văn hóa Việt nam và Giáo lý dạy bằng Anh ngữ cho các sinh viên, học sinh kém Việt ngữ.

Vì số Học viên được nhận có giới hạn, kính mời quý Phật tử tại Úc và xa gần SỚM ghi danh tại các chùa là đơn vị Giáo Hội gần nhà, hay trực tiếp với Ban Tổ Chức. Góp phần thuê trại và ẩm thực (a) NSW/ACT: $160 / $120**; (b) ngoài NSW/ACT: $100 / $50**. Học viên ngoài Úc tùy tâm đóng góp. Cần hỏi thêm chi tiết, hay trực tiếp ghi danh, xin liên lạc: [email protected]; +61-(02) 6257 5517; (02) 6262 8930; (02) 9726 2661.

Ghi chú: ** = concession: /a/ cao niên, pensioners, /b/ sinh viên-học sinh và /c/ từ người thứ 2 đi chung trong một gia đình.

Ban Tổ chức: Tu viện VẠN HẠNH, TT Thích Quảng Ba (mob. 0412-224 553)

Ban Thực Hiện Kỷ Yếu

Cố vấn:HT Thích Bảo Lạc
Biên tập nội dung:ÐÐ Nguyên Tạng, ÐÐ Phổ Huân
Ðánh máy: ĐĐ Chúc Khâm & ĐĐ Đạo Chuyên
Nhiếp ảnh: ĐĐ Giác Tín

Sửa bản in: Sông Thu
Trình bày:Tịnh Tuệ - Nhân Văn
Trình bày bìa:Diệu An – Lê Hiếu
Kỹ thuật ấn loát:Phật tử Chùa Phổ Quang
Ðóng bìa:Phật tử Chùa Phổ Quang

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/10/2013(Xem: 8149)
Lẽ ra lá thư nầy đã được gửi đến quý vị từ sau ngày 4 tháng 8 năm 2013 vừa qua nhưng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu vừa mất đi một bậc Thầy lãnh đạo tài ba, đồng thời cũng là Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành của Giáo Hội nên mọi việc đều bị ngưng đọng để lo tang lễ cho Ngài. Hôm nay tuần chung thất cũng đã xong, chúng tôi viết lá thư nầy để tri ân chư Tôn Đức Tăng Già cũng như tất cả quý học viên Phật Tử đã tham dự hoặc trực tiếp hay gián tiếp trong khóa tu vừa qua. Kính mong Quý Ngài và Quý vị hoan hỷ cho sự chậm trể nầy.
15/10/2013(Xem: 14438)
Thông báo Khóa Thiền Vipassana 10 ngày ở Sydney, Úc Châu
23/08/2013(Xem: 10274)
Sau khì thành Đạo dưới cội Bổ Đề, Đức Phật vân du khắp nơi để diễn bày chân lý nhiệm mầu đến khắp nơi : "Cửa vô sinh bất diệt, đã mở cho tất cả chúng sanh. Hãy để cho ai có tai muốn nghe được hưởng trọn niềm tin tưởng"
06/05/2013(Xem: 7735)
Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ Lần Thứ 3 được tổ chức tại San Diego, CA từ ngày 8 đến 12 tháng 8 năm 2013 - HT Thích Nguyên Siêu
09/04/2013(Xem: 7341)
Như đã sắp đặt trước cả năm, Khóa Tu học Phật Pháp Úc Châu kỳ 12 của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất Hải Ngoại tại UĐL-TTL được tổ chức tại Sydney Academy of Sport and Recreation
08/04/2013(Xem: 4236)
Theo truyền thống Tăng Gìa, hằng năm chư Tăng Ni khắp nơi đều nhóm họp một nơi để kiết giới an cư, hầu thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới, Định, Tuệ, ba môn vô lậu học, tăng trưởng đạo lực sau những tháng ngày bận rộn hoằng pháp lợi sanh.
05/04/2013(Xem: 9010)
Trong phiên họp Hội đồng điều hành của Giáo Hội PGVNTNHN tại UĐL-TTL nhân khóa tu học kỳ 10 tại Adelaide, Nam Úc vào ngày 2/1/2011, chúng con, chúng tôi được Giáo Hội giao phó trách nhiệm tổ chức Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu Kỳ 11, từ ngày 30-12-2011 đến ngày 03-01-2012. Sau mấy tuần tìm kiếm địa điểm tổ chức, đến nay Ban Tổ Chức đã chính thức chọn lại địa điểm cũ, nơi Giáo Hội đã tổ chức khóa tu kỳ 7 năm 2007, vì không thể tìm địa điểm nào có đủ tiện nghi như nơi này, đó là trung tâm sinh hoạt Campaspe Downs để tổ chức khóa tu kỳ 11 của Giáo Hội. Trung Tâm sinh hoạt Campaspe Downs tại vùng Kyneton (trên đường đi Bendigo, đây là địa điểm tổ chức khóa tu rất lý tưởng, cách phi trường quốc tế Melbourne 45 phút lái xe. Trung tâm sinh hoạt này tọa lạc tại khu rừng cây bạch đàn với phong cảnh hùng vĩ, thoáng mát, đẹp đẽ và nên thơ, có cây rừng, hồ nước, đường đi bách bộ, thiền hành, có sân chơi thể thao, điện thoại công cộng, đặc biệt có các phòng học rộng rãi, phòng ăn thoáng mát và nhiề
27/03/2013(Xem: 19017)
Bộ Luận Đại Trí Độ do Ngài Bồ Tát Long Thọ tạo tác, nhằm tuyên bày giáo nghĩa thậm thâm vi diệu của Pháp Đại Thừa Bát Nhã Ba La Mật. Bộ Luận Đại Trí Độ này được Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập phiên dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán. Trong thời gian phiên dịch, Ngài đã nhóm họp 500 vị Thiện hữu tri thức, cấm túc tại Tiêu Diêu Viên Đường ở Lâm Giang, nghiên cứu huyền chương, khảo chánh và lược dịch từ 1000 quyển, cô đọng thành 100 quyển. Bộ Luận Đại Trí Độ tiếng Việt gồm 5 tập, mỗi tập 20 quyển là bản dịch từ chũ Hán của Sư Bà Thích Nữ Diệu Không. Sau gần 5 năm làm việc liên tục mới phiên dịch hoàn tất từ Hán Văn ra Việt Văn với sự trợ giúp nhuận bút và biên tập của Pháp Sư Thích Thiện Trí (Giáo Sư của Giảng Sư Cao cấp PGVN & Học viện PGVN) và Cư Sĩ Tâm Viên Lê Văn Lâm.
21/02/2013(Xem: 7314)
Buông Bỏ Ngũ Dục (giảng năm 1997)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]