Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Gia chủ hỏi pháp

05/04/201313:26(Xem: 3555)
Gia chủ hỏi pháp

Gia Chủ Hỏi Pháp

Hòa Thượng Thích Thiện Siêu

Phật tử nghiên cứu và học hỏi giáo lý của đức Phật là cốt tìm một phương pháp giải thoát và an lạc cho chính mình. Cũng như ngày xưa, khi đức Phật còn tại thế, các vị cư sĩ cũng đi đến với Ngài là để cầu sự chỉ giáo của Ngài, hầu mong đem lại cho họ một cuộc sống hạnh phúc an vui.

Kinh Tăng Chi Bộ tập IIIA ghi lại rằng:

"Một hôm, một vị cư sĩ tại gia đệ tử của Ngài tên là Dìghajamnu (Đầu gối dài) đi đến Ngài, đảnh lễ và bạch rằng:

- Bạch đức Thế Tôn, chúng con là những người gia chủ, đang hưởng thọ các dục, sống hệ phược với vợ con, dùng các thứ hương hoa phấn sáp, lãnh thọ vàng bạc; bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho những người như chúng con, thuyết như thế nào để pháp ấy đem đến cho chúng con hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại và hạnh phúc an lạc cả trong tương lai".

Ngày nay, các Phật tử tại gia trong thời đại chúng ta, dù không nói ra những điều thầm kín trong tâm tư của mình, nhưng có lẽ cũng ôm ấp một hoài bảo tương tự, ấy là, làm thế nào để với tư cách là một tại gia cư sĩ, còn thọ hưởng dục lạc, có được một đời sống hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại và cả về tương lai?

Mặc dù vị thương gia Dìghajamnu (Đầu gối dài) này sống với dục lạc thế gian, nhưng ông nhận thấy những tài sản vật chất chỉ giúp cho ông được sống, chứ không giúp cho ông được an lạc. Ông sống trong vòng vây giữa quyến thuộc vợ con đầy đủ, danh vọng tràn trề, tài sản sung túc, nhưng tâm tư còn trĩu nặng những lo âu sợ hãi, tham lam thù hận, ước vọng thèm khát không bao giờ dừng nghĩ, ông nghĩ rằng ông không bao giờ có được an lạc. Ông cầu mong đức Phật dạy cho ông một phương pháp để đem lại cho đời sống tại gia như ông một cuộc sống an lạc và hạnh phúc lâu dài. Ông cư sĩ ấy còn nhấn mạnh, trong khi vẫn thụ hưởng dục lạc thế gian, chứ không phải xuất gia, sống đời sống khất thực như các vị Tỷ-kheo.

Đó là một lời thỉnh cầu rất tha thiết và chân thành, đồng thời cũng là một viên đá thử vàng đối với đạo Phật. Đạo Phật với một lòng từ bi vô hạn, với một nền giáo lý siêu việt, nhưng liệu có giúp ích gì cho đại đa số con người đau khổ, còn lăn lóc trong thế gian hay không?

Câu trả lời của đức Phật sau đây cho chúng ta thấy rằng, đức Phật đặc biệt chú trọng đến đời sống của người tại gia cư sĩ biết là dường nào.

I. Bốn pháp đưa đến hạnh phúc, an lạc cho hiện tại.

Đức Phật dạy cư sĩ Dìghajamnu rằng: "Này Cư sĩ, có bốn pháp này đưa đến hạnh phúc và an lạc ngay trong hiện tại". Thế nào là bốn?

- Đầy đủ sự tháo vác,
- Đầy đủ sự phòng hộ,
- Làm bạn với thiện,
- Sống thăng bằng điều hòa.

1. Này Cư sĩ, thế nào là "đầy đủ sự tháo vác"?

Nghĩa là tại gia cư sĩ dù làm nghề gì cũng cần phải tinh xảo, siêng năng không biết mệt mỏi, biết suy tư tìm hiểu, biết phương tiện hành động để vừa tự làm và điều khiển người khác làm cho có lợi ích và đạt hiệu quả kinh tế cao.

2. Thế nào là "đầy đủ sự phòng hộ"?

Nghĩa là những tài sản do tháo vác siêng năng mà thu hoạch được, do mồ hôi đổ ra đúng pháp tìm được, thì phải khéo giữ gìn phòng hộ, để cho khỏi bị vua tịch thâu, bị trộm mang đi, bị lửa đốt, bị nước trôi, bị con cái hư hỏng phá tan.

Đây là những lời dạy rất thiết thực, vì hàng tại gia không như hàng xuất gia khất thực để sống, họ còn nhiều bổn phận đối với cha mẹ, vợ con quyến thuộc nên cần phải có một nghề nghiệp sinh sống chính đáng để làm ra của cải. Muốn thế cần phải siêng năng, tinh xảo trong công việc và nghề nghiệp của mình. Nếu không siêng năng tháo vác thì sẽ bị lôi cuốn vào những việc bất chính, làm rối loạn xã hội chỉ vì đồng tiền không do mồ hôi đổ ra. Mỗi khi tiền của do bất chính tạo ra không do sức mình thì tiền của vật chất ấy là tiền của phi pháp, nó sẽ bị vua chúa tịch thu. Vậy cách giữ gìn của cải vật chất khỏi bị vua mang đi là phải có nghề nghiệp chính đáng. Những tài sản nào do mồ hôi kiếm được một cách khó khăn thì phải lo đề phòng, chớ để cho các tai nạn như lửa, nước, trộm cướp và nhất là con cái bất hiếu phá hoại.

Trong xã hội xưa cũng như nay, có nhiều gia đình giàu có mà vì quá thương con, sự giáo dục lỏng lẻo, để con cái hư hỏng phá của không thương tiếc vào những cuộc vui vô bổ như cờ bạc, rượu chè say sưa..., làm cha mẹ như vậy là dung dưỡng cho những kẻ bất lương phá cửa, làm hại cho gia đình, xã hội và cả quốc gia nữa. Khi đã phá tán tài sản của cha mẹ hết rồi, chắc chắn sẽ đi vào phá làng, phá xóm, làm hại mọi người. Bởi thế, đức Phật dạy có của, có tiền thì phải lo phòng hộ, đừng để lọt vào những trường hợp trên. Nghĩa là ngoài việc làm giàu chính đáng do sức lao động của mình ra, cần phải chú trọng đặc biệt đến sự giáo dục con cái cho cẩn thận để đưa nó vào đời, tạo dựng cho con cái một cuộc sống hạnh phúc hầu góp phần vào sự giàu mạnh cho xã hội.

3. Thế nào là "làm bạn với thiện"?

Nghĩa là tại nơi mình sinh sống trong làng hay trong thị trấn, có những gia chủ hay con trai gia chủ có giới đức, đầy đủ lòng tin, đầy đủ trí tuệ và có lòng bố thí thì nên làm quen, nói chuyện, thảo luận với họ. Từ những người đầy đủ lòng tin, hãy học tập lòng tin. Từ những người đầy đủ giới đức, hãy học hỏi giới đức. Từ những người đầy đủ bố thí hãy học hỏi bố thí. Từ những người đầy đủ trí tuệ, hãy học tập trí tuệ. Đó là làm bạn với thiện.

Trong ba lời dạy trên, hai lời dạy đầu là dạy làm ra của cải vật chất và cách giữ gìn nó. Lời dạy thứ ba là lời dạy về pháp tài, tức là của cải tâm linh thuộc về tinh thần. Áp dụng nó trong cuộc sống thì các cư sĩ theo Phật khỏi bị mang tiếng, bị người chê cười là có của mà vô lương. Vậy người tại gia cư sĩ phải trau dồi Phật pháp để có những ngôn ngữ, hành động, ý nghĩ, phù hợp với giáo lý và trở thành Phật tử lợi đạo ích đời.

4. Thế nào là "sống thăng bằng điều hòa"?

Nghĩa là khi làm ra của cải cần phải chi dùng một cách thích ứng, không quá phung phí mà cũng không quá bỏn xẻn. Nếu trong sự tiêu dùng hàng ngày, số xuất quá số nhập sẽ dẫn đến phá sản và mất thăng bằng trong cuộc sống. Ngược lại, chi tiêu quá bỏn xẻn, những việc cần chi không dám chi, không dám tiêu dùng, thì sẽ trở thành người nô lệ của cải. Người làm chủ của cải vật chất thì được sống an lạc, trái lại, bị vật chất làm chủ chi phối thì đó là nô lệ lại cho của cải, sẽ gây ra khổ sở. Làm chủ vật chất là thế nào? Là khi cần tiêu vào việc chính đáng thì phải tiêu, không cần tiêu thì giữ lại. Tóm lại người bị của cải làm chủ là người có tiền mà cứ giữ bo bo, thậm chí đến việc tiêu dùng cho bản thân cũng không dám, nói gì đến gia quyến vợ con và bố thí cho người khác.

Như vậy sống thăng bằng có nghĩa là không phung phí, cũng không nên bỏn xẻn. Phật dạy bốn nguyên tắc để sống thăng bằng điều hòa là: 1. Không đam mê sắc dục; 2. Không đam mê rượu chè; 3. Không đam mê cờ bạc; 4. Không giao du với kẻ ác. Nếu đóng bốn cánh cửa ấy lại, thì tài sản sẽ không bị thất thoát, gia chủ sẽ được sống an lạc.

II. Bốn pháp đưa đến hạnh phúc, an lạc cho tương lai

Phật dạy làm bạn với thiện là để trau dồi lòng tin, tăng trưởng giới đức, học tập cách bố thí và trau dồi trí tuệ. Đó chính là bốn điều để sống an lạc trong tương lai.

a. Thứ nhất, đầy đủ lòng tin.

Phật tử quy y Tam Bảo là thực hiện đầy đủ lòng tin.

b. Thứ hai, tăng trưởng giới đức.

Phật tử thọ giới là thực hiện đầy đủ giới đức. Là Phật tử mà không giữ gìn giới hạnh, hành động tà vậ﹬ không xứng đáng với lời dạy của Thế Tôn, thì dù có xưng là Phật tử cũng không phải là Phật tử. Cho nên đầy đủ giới đức mới xứng đáng là con Phật.

c. Thứ ba, là học tập bố thí.

Bố thí là hạnh đầu tiên mà đức Phật dạy cho chúng ta thực hành. Con người vì lòng tham đứng đầu nên gây mọi tội ác. Muốn điều phục nó thì phải bố thí. Bố thí là san sẻ vật chất, khả năng, công lực, hiểu biết, tình cảm, giáo lý... là những điều mình có mà người khác không có. Một nụ cười với người đang sợ hãi cũng là một sự bố thí. Bố thí cao nhất là mở rộng lòng, mở rộng tâm tư. Nếu chỉ biết thu mà không biết chi thì người ấy là người bỏn xẻn, ích kỷ. Nếu xã hội chỉ gồm những người như vậy, thì xã hội ấy không có hạnh phúc. Một gia đình ai cũng nghĩ đến bản thân, thì gia đình ấy không có an lạc. Bố thí trước hết là dứt lòng tham, dứt tính bỏn xẻn và đặc biệt là dứt lòng ganh tị. Khi có của, có quyền, có danh... mà họ muốn bố thí san sẻ thì người đó phải làm như thế nào? Khi được người trân trọng, thì mình phải đối lại bằng đức khiêm cung, thì đó cũng là hình thức bố thí. Bố thí như vậy chẳng những tạo được hạnh phúc cho người mà còn làm an lạc cho chính mình. Bởi thế, không phải chỉ có tiền của mới là bố thí được mà nên hiểu rộng ra rằng ai có thân, có tâm là có thể bố thí được cả. Nếu trong tâm mọi người đều luôn luôn nghĩ đến bố thí, thì sự đua tranh, ganh ttham lam, bỏn xẻn sẽ giảm bớt rất nhiều.

d. Thứ bốn, trau dồi trí tuệ.

Phật tử là con của đấng Đại giác. Ngài đã chứng ngộ được thực thể vũ trụ, hiểu biết tâm tánh chúng sanh, nên Ngài giáo hóa phù hợp với đủ mọi căn cơ và trình độ của các hạng chúng sanh. Chúng sanh nhờ đó mà nuôi lớn tâm hồn. Phật tử là con của đấng giác ngộ mà còn quá vô minh thì thật là không xứng đáng, do đó mà cần phải trau dồi trí tuệ. Phật dạy: "Mọi sự tuần hoàn trong nhân duyên nhân quả". Nghe như vậy, chúng ta cần phải suy xét ra như thế nào? Nghe là văn tuệ, suy xét là tư tuệ. Văn tuệ là nghe, nhưng nghe cho đúng, nghe phải có đầu có đuôi. Có người đi nghe thuyết pháp về, có ai hỏi thì lại chỉ biết trả lời: Hay lắm mà tôi không nhớ hết. Vậy cần phải ghi nhớ mỗi khi một ít, để tư duy rồi tu tập theo đó, tức là tu tuệ. Tu tuệ là thực hành giáo lý bằng kinh nghiệm bản thân của mình. Qua thực hành văn, tư mà tu mới thấu hiểu lời đức Phật dạy mà tu tập mới có kết quả.

Ngày xưa có một lần Phật đi qua đồng ruộng, có Tôn giả A-nan theo hầu. Bỗng Ngài đưa tay chỉ vào một bụi rậm bảo: Độc xà, A-nan! Tôn giả A-nan nhìn vào cũng nói: Đại độc xà, Thế Tôn!

Tình cờ một nông phu đi sau nghe lén, bèn vào xem là cái gì, anh ta khám phá một hủ đầy vàng ròng, vô cùng mừng rỡ thầm bảo: nghe đồn Thế Tôn là bậc Nhất thiết trí, cái gì cũng biết mà đây là vàng, Ồng lại bảo là rắn độc! Anh liền khiêng vàng về, tạo mãi nhà cửa, ruộng đất, xe cộ. Xóm giềng thấy anh lâu nay nghèo kiết xác, ăn bữa hôm lo bữa mai, nay bỗng dưng phát giàu, thì không khỏi nghi ngờ, nên họ lên trình quan. Quan gọi lên tra hỏi và về nhà lục xét, lấy hết vàng bạc châu báu và bắt anh bỏ tù. Ngồi trong ngục tối, anh mới thấm thía lời Phật dạy, tưởng là từ nay sẽ được ăn cao lương mỹ vị, thì ngược lại bị giam đói. Tưởng từ nay sẽ được nhà cao cửa rộng, hóa ra lại nằm trong ngục, cảm kích lời Thế Tôn dạy, anh ta kêu to: "Độc xà, A Nan! Đại độc xà, Thế Tôn".

Quan giữ ngục nghe, hỏi lý do, anh kể đầu đuôi câu chuyện rồi kết luận: Giờ phút này ở trong tù, tôi mới tỉnh ngộ, mới tin hiểu lời Phật dạy thật sâu xa vô cùng!

Nghe câu chuyện trên, không dễ gì ngày nay chúng ta là Phật tử, chúng ta đã tỉnh ngộ, tin theo lời dạy của đức Thế Tôn. Giả sử một mai đẹp trời, đi giữa đường gặp một thỏi vàng như vậy, chúng ta có mang về không? Chắc cũng mang về. Cho nên lắm lúc người đời bảo Phật dạy không thực tế, viễn vông! Hàng Phật tử, chúng ta cần phải nhận thức cho rõ, có phải lời Phật dạy là chí lý không? Hay chẳng qua vì lòng tham của chúng ta còn nặng, nên chúng ta không làm ngơ được?

Nhưng khi chưa nghe lời Phật dạy thì chúng ta sử dụng vàng một cách khác, nhưng khi đã nghe rồi thì chúng ta sử dụng nó một cách khác. Nghĩa là chúng ta phải biết học cách bắt rắn như trong kinh Xà Dụ có dạy, nếu bắt đằng đuôi nó sẽ ngoái đầu cắn lại. Nếu dùng nạn chặn đầu đè xuống rồi mới bắt thì sẽ không bị rắn cắn. Ở đây, điều đáng nói là đừng vị kỷ khi sử dụng. Tất cả mọi cái vị kỷ điều xấu xa, trái lại những việc vị tha đều tốt. Nếu chúng ta đem vàng về mà làm việc vị tha thì đó là chúng ta biết cách bắt rắn, không bị rắn cắn. Suy rộng ra, không những vàng mà mọi chuyện khác cũng đều như vậy. Nếu thiếu trí tuệ thì chúng ta làm sao hiểu hết lời thâm thúy của đức Phật. Nếu có trí tuệ thì anh nông dân đã không vào tù. Vàng mà Thế Tôn bảo là rắn độc, có người không tin thì không khác gì hôm nay đạo Phật nói đời là đau khổ, vẫn có người không tin.

Nếu không có trí tuệ thì chúng ta sẽ như anh nông phu nói rằng: Thật viễn vông, ở đời có nhiều thứ vui đáng để thưởng thức lắm như xem xi-nê, nghe tân nhạc, xem cải lương, xem video... bao nhiêu chuyện vui như thế sao lại nói đời là đau khổ! Nhưng có biết đâu rằng cái vui đó là vui trong đau khổ?

Có trí tuệ là có nhận thức, biết được sự việc trước khi nó xảy đến, chứ không phải chờ nó xảy ra rồi mới biết. Trí tự giác là một ngọn lửa sáng từ trong tâm, khiến cho chư Phật và Bồ-tát, Tổ sư thấy ngay được chân lý không cần thầy dạy. Đó cũng gọi là vô sư trí, vô sư tự ngộ hay tự giác thánh trí. Nhưng đó cũng là kết quả tu tập, công phu thực hành lâu đời lâu kiếp mới có được.

Đã là Phật tử mà lấy tà làm chánh, không biết phân biệt phải trái hay dở thì không phải là người có trí tuệ và dễ trở thành mê tín dị đoan, tin theo tà sư ngoại đạo. Đó là điều thứ tư mà Phật dạy cho hàng cư sĩ tại gia phải trau dồi trí tuệ để được hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.

Trong cuốn "What the Buddha taught" của tiến sĩ Wallop Rahula, có nhận xét: Những người nghĩ rằng Phật giáo chỉ quan tâm đến những lý tưởng cao siêu, tư tưởng triết lý và đạo đức siêu phàm, và không kể đến lợi ích xã hội và kinh tế của con người, là sai lầm. Đức Phật rất quan tâm đến hạnh phúc con người. Đối với Ngài, không thể có hạnh phúc mà không sống một đời sống trong sạch, dựa trên những nguyên tắc đạo đức và tâm linh. Nhưng Ngài biết rằng sống một đời như vậy rất khó trong những điều kiện xã hội và vật chất không thuận.

Phật giáo không xem hạnh phúc vật chất như một cứu cánh: nó chỉ là một phương tiện để đến một cứu cánh - một cứu cánh cao quý hơn. Nhưng đấy là một phương tiện rất cần thiết, cần thiết để hoàn thành một mục đích cao hơn cho hạnh phúc nhân loại. Bởi thế Phật giáo công nhận sự cần thiết của một vài điều kiện vật chất tối thiểu thuận tiện cho sự thành công của tâm linh - ngay cả đối với một Thiền sư thiền định trong một nơi cô tịch nào.

Đức Phật không xét đến sự sống một cách tách biệt ra ngoài bối cảnh kinh tế và xã hội. Ngài nhìn đời trong toàn diện, trong tất cả mọi phương diện xã hội, kinh tế và chính trị của nó. Những lời dạy của Ngài về những vấn đề đạo đức, triết lý và tâm linh đã được khá nhiều người biết đến. Nhưng người ta biết rất ít, nhất là ở Tây phương, về giáo lý của Ngài trong những vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị. Tuy vậy có rất nhiều bài giảng của ngài bàn về những vấn đề ấy rải rác khắp các bản kinh văn cổ xưa của Phật giáo. Ta hãy lấy chỉ một vài thí dụ: Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (Cakkvattisìhanàda-sutta, Trường bộ kinh, Dìghanikàya) số 26, nói rõ rằng sự nghèo khó (dàliddiya) là nguyên nhân của vô đạo và tội ác như trộm cắp, tà vạy, bạo động, thù hằn, độc ác v.v... Những vị vua chúa ngày xưa, cũng như các chính phủ ngày nay, cố đàn áp tội lỗi bằng hình phạt. Kinh Kùtadantasutta cùng thuộc bộ ấy giải thích sự vô ích của hình phạt, nói rằng phương pháp ấy sẽ không bao giờ thành công. Thay vì vậy, đức Phật đề nghị rằng, muốn diệt tận gốc các tội lỗi, thì cần phải cải thiện điều kiện kinh tế của con người: cần phải cung cấp cho tá điền và nông phu hạt giống và phương tiện trồng trọt khác, vốn phải được cung cấp cho những thương gia và những người buôn bán; lương hướng thích đáng phải được trả cho những người làm công. Khi mọi người đều được cung cấp những cơ hội để kiếm được một lợi tức đầy đủ họ sẽ bằng lòng, không sợ hãi lo âu và do đó xứ sở sẽ thanh bình và không có các tội lỗi.

Bởi vậy, đức Phật thường dạy những cư sĩ tại gia tầm quan trọng của sự cải thiện điều kiện kinh tế. Điều này không có nghĩa Ngài tán đồng sự tích trữ tài sản với lòng khao khát và ràng buộc, vì nó trái ngược với giáo lý Ngài, và cũng không phải Ngài tán đồng bất cứ phương tiện sinh nhai nào. Có vài nghề thương mãi như sản xuất và mua bán khí giới bị Ngài cấm chỉ, xem như là những phương tiện sinh sống không chân chính như ta đã thấy trước đây.

Đôi khi đức Phật còn đi vào những chi tiết về để dành tiền bạc và tiêu dùng, chẳng hạn như khi Ngài bảo thanh niên Sigàla rằng anh ta nên dùng 1/4 lợi tức vào sự tiêu pha hàng ngày, một nửa lợi tức để đầu tư vào việc kinh doanh và để riêng 1/4 phòng khi nguy cấp.

Một hôm đức Phật bảo Cấp Cô Độc (Anàthapindika) một thương gia danh tiếng, một trong những đệ tử tại gia thuần thành nhất của Ngài đã lập cho Ngài tu viện Kỳ-đà (Jetavana) hữu danh ở Xá-vệ (Sàvatthi) rằng một cư sĩ sống đời thường nhật, có bốn thứ hạnh phúc:

- thứ nhất là thụ hưởng sự bảo đảm về kinh tế hay tài sản đầy đủ kiếm được bằng những phương tiện chính đáng (sở hữu lạc - atthi-sukha);
- thứ hai là tiêu dùng tài sản ấy một cách rộng rãi cho chính mình, cho gia đình bà con, bè bạn và trong những việc công đức (thọ dụng lạc - bhoga-sukha);
- thứ ba là không có nợ nần (vô trái lạc - anana-sukha);
- thứ tư là sống một đời trong sạch, không phạm những điều ác trong ý nghĩ, lời nói hay hành vi (vô tội lạc - anavajja-sukha).

Ở đây ta phải chú ý rằng trong bốn thứ này, ba thuộc về kinh tế, và cuối cùng đức Phật còn nhắc cho thương gia ấy biết rằng hạnh phúc về kinh tế và vật chất thì không "đáng một phần mười sáu" của hạnh phúc tâm hồn phát sinh từ một đời sống không lỗi lầm và lương thiện.

Qua những ví dụ kể trên, ta có thể thấy rằng đức Phật xem sự thoải mái về kinh tế là cần thiết cho hạnh phúc con người, nhưng Ngài không công nhận sự tiến bộ là chân thật nếu nó chỉ thuần vật chất, không có một nền tảng đạo đức và tâm linh. Trong khi khuyến khích sự tiến bộ vật chất, Phật giáo luôn luôn nhấn mạnh đến sự phát triển đạo đức và tâm linh để kiến tạo một xã hội hòa bình an lạc. (Trí Hải dịch, Tu thư Đại học Vạn Hạnh xuất bản 1974).

Tóm lại, đức Phật dạy cho người tại gia bốn pháp an lạc cho hiện tại là: Tháo vác, phòng hộ của cải bằng nghề chân chính, làm bạn với thiện và sống điều hòa thăng bằng. Và bốn pháp tạo hạnh phúc cho tương lai, đời sau là: Lòng tin, giới đức, bố thí và trí tuệ. Có đủ tám điều như vậy, thì giờ phút nào, ở đâu, chúng ta cũng xứng đáng là Phật tử, không những lợi ích cho chính mình mà còn lợi ích cho nhiều người khác nữa. Cho nên Phật tử muốn hộ trì Chánh pháp phải cần có trí tuệ thì việc làm mới thành tựu viên mãn.

---o0o---

Source: www.buddhismtoday.com
Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/05/2012(Xem: 9294)
Căn cứ trên khái niệm về Tính không nghĩa là Quang Minh khách thể, và cũng căn cứ khái niệm về Quang Minh chủ thể, chúng ta cố gắng phát triển một sự lí hội thông hiểu...
16/04/2012(Xem: 7310)
Việc thực hành Pháp là một vấn đề nghiêm túc và quan trọng, mọi người cần phải nhận ra điều này. Đây là cơ hội quý giá sắp đến, điều mà chưa bao giờ từng đến trước đây.
31/03/2012(Xem: 11668)
Vợ chồng con lấy nhau đưọc 10 năm nay, đã có hai cháu, một lên 8, một lên 5. Con là kỹ sư tin học, vợ con là giáo viên. Cuộc sống gia đình không khá giả, chỉ đủ sống và luôn đầm ấm. Song nửa năm trở lại đây, vợ con nghe theo chúng bạn đi cúng lễ ở khắp nơi, tiêu tốn hàng chục triệu đồng cho việc lễ bái. Con đã khuyên can nhiều lần nhưng cô ấy không nghe, tồi tệ hơn nữa là giờ cô ấy một mực yêu cầu con phải đi dự lễ cùngcô ấy. Con không đi viện cớ là bận việc công ty, cô ấy đi tối ngày, conphải ở nhà chăm sóc hai cháu, cô ấy không chịu, dọa nếu không theo cô ấy thì gia đình sẽ tan nát, có người chết sớm. Tuần trước, con và cháu bé thứ hai bị sốt siêu vi trùng, cô ấy không những không ở nhà chăm sóc mà còn trách cứ con, tại con không chịu đi lễ nên “bề trên” phạt cho ốm,nếu không chịu thay đổi sẽ còn ốm nữa. Trời ơi, con không nhận ra vợ con nữa rồi, một cô giáo hiền hòa, mẫu mực giờ thành ra người mê tín dịđoan, cuồng tín đến mù quáng. Con phải làm gì để “đánh thức” vợ con, thưa Thầy?
31/01/2012(Xem: 6827)
Thiền giữ vai trò rất quan trọng trong đạo Phật. "Ngay cơ sở của Phật giáo, tất cả đều là kết quả của sự khảo sát về Thiền, và nhờ có tư duy về Thiền mà Phật giáo mới được thể nghiệm hóa...
15/09/2011(Xem: 3924)
Một lần, hành giả Tịnh độ đến hỏi Sư : - Đại sư Vĩnh Minh nói : "Có Thiền không Tịnh độ, mười hết chín lạc đường, không Thiền có Tịnh độ, vạn người tu vạn chứng", hình như Vĩnh Minh chủ trương Tịnh độ, ít đề cập đến các tông khác, e rằng có quá đề cao Tịnh độ, xem nhẹ Thiền tông chăng ?
15/08/2011(Xem: 2768)
Dưới đây là bài phỏng vấn Đức Đạt-Lai Lạt-Ma về cuộc khủng hoảng kinh tế và tình hình thế giới hiện nay. Tiếp xúc với một hiền giả lúc nào cũng vui tính và với đôi mắt hóm hỉnh.
01/08/2011(Xem: 4824)
Tại Rimini, vào buổi sáng thứ hai của những lễ lạc và hội họp trong khu nghĩ mát sang trọng của bờ biển Adriatic[1], Đức Đạt Lai Lạt Ma, lưu vong từ Tây Tạng, đã có một cuộc gặp gở mà trong thời điểm này dường như là một điềm lành. Trên một lời mời từ Hội Hữu Nghị Ý-Tạng trong một phố thị trung cổ Pennabilli, Tenzin Gyatso, một thầy tu và khôi nguyên Nobel Hòa Bình, đã ôm chầm lấy vị giáo sĩ Hồi Giáo của Rimini trước vị giám mục Thiên Chúa Giáo địa phương và đám đông quần chúng.
18/07/2011(Xem: 6584)
Nhìn vào toàn chuyển động của sống này như một sự việc; có vẻ đẹp vô cùng trong nó và năng lượng vô hạn; thế là hành động là trọn vẹn và có sự tự do.
15/07/2011(Xem: 7050)
Khi năng lượng không bị hao tán qua sự tẩu thoát, vậy thì năng lượng đó trở thành ngọn lửa của đam mê. Từ bi có nghĩa đam mê cho tất cả. Từ bi là đam mê cho tất cả.
12/07/2011(Xem: 7520)
Một số người nghĩ rằng họ biết tất cả về Đạo Phật và Phật tử chỉ bởi vì họ đã đọc một vài quyển sách. Họ cầm một quyển lên, “Hmm. Hãy xem quyển sách này nói gì. Ô, theo điều này, dường như những người Phật tử là cực đoan. Họ tin tưởng trong tất cả những loại dữ kiện kỳ dị.” Họ cẩm một quyển khác lên: “Lạy Chúa tôi, Đạo Phật hoàn toàn hư vô.” Họ vẻ ra tất cả những loại kết luận sai lầm căn cứ trên những thông tin giới hạn một cách cực đoan; họ không thấy bất cứ điều gì như toàn cảnh của một bức tranh. Điều này rất nguy hiểm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]