"Tôi à, quý vị có biết không, tôi nào có biết kiếm tiền là gì?"
Nhật báo Le Matin (Pháp Quốc) ngày 13 tháng 8, 2011
Ký giả ghi chép: Eric Hoesli và Ariane Dayer
Chuyển ngữ: Hoang Phong
Dưới đây là bài phỏng vấn Đức Đạt-Lai Lạt-Ma về cuộc khủng hoảng kinh tế và tình hình thế giới hiện nay. Tiếp xúc với một hiền giả lúc nào cũng vui tính và với đôi mắt hóm hỉnh.
Thưa Ngài, chúng ta vừa ra khỏi một tuần lễ khủng hoảng kinh tế thế giới, vậy cái lỗi này do ai gây ra?
Cách nay đã ba mươi năm, trong khi một cuộc khủng hoảng khác đang xảy ra thì tôi cũng có hỏi các bạn bè kinh doanh của tôi là vấn đề do đâu mà ra. Họ trả lời với tôi đấy là do tham tiền mà ra, nó đưa đến tình trạng đầu cơ. Tôi tự nghĩ hóa ra khủng hoảng kinh tế cũng là những gì liên hệ đến xúc cảm. Tôi nghĩ rằng người ta dung túng quá đáng các thứ xúc cảm tàn phá, chẳng hạn như sự tham lam quá độ và lòng ganh tị. Đấy là những gì mà tôi có thể biết, còn hơn thế nữa thì tôi xin chịu thua. Tôi hiểu rằng tiền bạc rất quan trọng, không có nó thì người ta không làm gì được. Thế nhưng, tôi à, quý vị có biết không, tôi nào có biết kiếm tiền là gì đâu!
Khi Ngài tiếp xúc với các vị nguyên thủ Quốc gia, Ngài có khuyên họ các điều đó không, tức là khuyên họ cai quản xứ sở của họ mà không nên phát lộ những xúc cảm tiêu cực?
Thật vô cùng đần độn khi tiếp xúc với các vị nguyên thủ Quốc gia và bảo với họ rằng "Hãy từ bi! Hãy từ bi". Làm thế sẽ chẳng ích lợi gì cả. Chẳng hạn như trong lần tiếp xúc gần đây nhất với tổng thống Obama, tôi có nói với ông ấy là Mỹ Châu, Á Châu và Âu Châu cần phải đạt được thành công. Nếu tại các nơi này mọi việc không suôn sẻ, thì có nghĩa là cả thế giới tự do sẽ phải gặp khó khăn. Ông ta (Tổng thống Obama)bảo đảm với tôi là nền kinh tế căn bản của Hoa Kỳ rất ổn định. Ông ta nói với tôi : "Ngài không phải lo ngại về chuyện ấy".
Có phải những người thuộc tầm cỡ của Tổng thống Obama là những người có thực quyền hay không?
Có chứ. Hệ thống [chính trị]của nước Mỹ thật tuyệt vời: Tối cao Pháp viện, Lưỡng viện, một vị Tổng thống. Mỗi cơ chế đều mang một trách nhiệm. Thể chế dân chủ là thể chế tốt nhất, một thể chế hợp lý hơn cả. Ngoài ra còn thêm một sự tích cực khác nữa, đấy là mỗi nhiệm kỳ đều có một giới hạn nhất định, do đó chính phủ phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình trước toàn dân. Chính vì thế mà gần đây tôi đã thay đổi thể chế Tây Tạng bằng cách tách rời giữa tôn giáo và chính trị.
Sự sụp đổ của nền kinh tế của các nước Tây phương phải chăng là một dịp may cho các quốc gia nghèo hay chăng? Một số người nghĩ rằng các quốc gia đó có thể lợi dụng thời cơ này.
Không, tôi không nghĩ như thế. Trong quá khứ, một vài quốc gia có thể được xem là tự lập. Thế nhưng ngày nay, tất cả đều tương liên với nhau, bởi vì kinh tế đã được toàn cầu hóa. Sự vững chắc [của nền kinh tế]của các quốc gia dẫn đầu, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu và Nhật Bản thật cần thiết cho tất cả.
Ngài có lo ngại về tình trạng những người Hồi giáo nắm chính quyền sau phong trào "mùa xuân Á Rập" hay không?
Không nên dùng chữ người Hồi giáo (islamiste)! Phải phân biệt rõ ràng giữa những người xúi giục gây rối loạn và một tôn giáo lớn là Hồi giáo (Islam)Một vài hành vi xấu không biểu trưng cho toàn thể những người theo Hồi giáo (musulman).Những người ác tâm gây ra khủng bố hoặc dùng cách tự sát để giết hại người khác thì trong các tôn giáo khác cũng đều có, như Thiên chúa giáo, Do thái giáo, Phật giáo. Hãy nhìn vào nước Ấn sẽ rõ. Tại nơi này tập thể người Hồi giáo đông nhất thế giới, chỉ sau Nam Dương (In-đô-nê-xia), thế nhưng tập thể ấy rất hiếu hòa. Có nhiều ngôi làng chỉ có vài ba gia đình Hồi giáo sống trà trộn với các tôn giáo khác, thế nhưng chẳng có gì xảy ra. Trên bình diện cá nhân thì việc chăm lo cho tôn giáo của mình là một điều tốt, thế nhưng đối với tập thể thì không thực tế và còn nguy hiểm nữa. Vấn đề là khái niệm "chiến đấu" (djihad) thường bị hiểu lầm. Tôi có dịp trao đổi với nhiều bạn bè Hồi giáo, thì "chiến đấu" (djihad) có nghĩa là chiến đấu chống lại những xúc cảm tiêu cực của chính mình, sự yếu đuối của chính mình.
Vậy "chiến đấu" (djihad) có nghĩa là chống lại cái xấu của chính mình, và không hề có nghĩa là gây ra chiến tranh?
Đúng thế. Vấn đề ngày nay là một số các Quốc gia Hồi giáo tự khép kín xứ sở của mình, cắt đứt mọi liên hệ với thế giới. Điều đó mang lại sự thiếu hiểu biết và thiếu kính trọng. Trước kia chính tôi cũng nghĩ rằng Phật giáo là tốt hơn hết. Thế nhưng sau này nhờ du hành khắp nơi, và được tiếp xúc với nhiều người nên tôi đã phát động được sự ngưỡng mộ lớn lao đối với nhưng người say mê các tôn giáo khác. Chẳng hạn như Mẹ Teresa, một người hy sinh tất cả cho đức tin Thiên chúa của mình, dồn tất cả sức mạnh nội tâm vào Chúa Giê-xu, bà quả thật là một người phi thường.
Tại sao Ngài lại phát biểu là biết đâu Ngài cũng có thể sẽ tái sinh làm một người phụ nữ Tây phương? Tại sao đấy lại là một điều tốt?
Dựa vào đức tin của người Tây tạng về sự tái sinh, thì ấy là một chuyện có thể xảy ra được. Mục đích tái sinh là để phục vụ Đức Phật và giúp đỡ mọi người. Tùy theo bối cảnh và tùy theo thời đại, thì biết đâu vào một lúc nào đó, một người phụ nữ sẽ đảm trách vai trò đó một cách hữu hiệu hơn. Hàng ngàn năm trước, tất cả mọi người sát cánh nhau làm việc, họ săn bắn và tìm kiếm thực phẩm để cùng chia xẻ với nhau. Thế rồi dân số gia tăng, do đó đã phát sinh ra khái niệm về vai trò của một người lãnh đạo. Chính đấy là dịp để phái nam thống trị. Sau đó thì nhờ giáo dục phát triển nên cả hai phái trở nên ngang hàng với nhau hơn. Thế nhưng tùy theo phương thức giảng dạy, giáo dục cũng có thể mang lại những hậu quả tiêu cực.
Theo đường hướng nào?
Giáo dục cũng có thể che lấp bổn phận hướng vào người khác, lòng từ bi và sự tử tế. Cần phải ra sức thật nhiều để quảng bá những giá trị nội tâm, mang lại cho gia đình và tập thể một ý nghĩa nào đó. Đấy là những giá trị mang tính cách toàn cầu. Tôi không có ý ám chỉ đấy là những gì liên hệ đến tôn giáo - tôi hiểu rằng không có một tôn giáo nào có thể trở thành một tôn giáo toàn cầu được - những gì mà tôi muốn nói đấy là mối quan tâm đến người khác. Đối với việc ấy thì người phụ nữ nhờ vào bản chất sinh học của mình nên mang nhiều tiềm năng hơn, họ phát lộ dễ dàng hơn sự trìu mến của mình. Các khảo cứu khoa học đã chứng minh điều đó: trước cảnh đớn đau của một người nào đó thì người phụ nữ luôn luôn phản ứng mạnh hơn so với nam giới.
Vậy thì Ngài theo chủ nghĩa nữ quyền rồi!
Bà Mary Robinson, cựu ủy viên Liên Hiệp Quốc cũng đã từng nói với tôi như thế. Bà ấy đối xử với tôi như một vị đạt-lai lạt-ma phụ nữ... Thôi hãy nói chuyện nghiêm trang hơn một tí, mối quan tâm đến người khác là những gì thật quan trọng. Hãy nhìn vào những gì đang xảy xảy ra tại Anh Quốc trong những ngày vừa qua. Tôi vẫn xem dân tộc Anh Quốc rất hiếu hòa, thế rồi bỗng dưng xảy ra các hành động bạo lực. Đấy là bằng chứng cho thấy có một cái gì đó còn thiếu sót, giáo dục đã quên mất một cái gì đó. Vậy hãy quay lại với vấn đề tái sinh, một vị đạt-lai lạt-ma phụ nữ thật xinh đẹp, hơn hẳn tôi, nhất định sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn đối với đám đàn ông...
Vậy thì người phụ nữ ấy nhất định phải có mái tóc bạch kim rồi!
Chuyện đó cũng có thể! Thế nhưng đối với người Á châu thì cũng khá khó cho họ chấp nhận.
Ngài luôn nhắc đến chủ đề hạnh phúc từ hàng chục năm nay. Vậy Ngài nghĩ thế nào về sự kiện chưa có một đảng phái chính trị nào nêu lên vấn đề hạnh phúc trong chương trình hành động của mình?
Khi xem đài BBC (đài truyền hình và phát thanh của Anh Quốc), hay đọc báo, tôi thấy các đầu đề nêu lên đều toàn là các vấn đề kinh tế. Con người lớn lên trong bối cảnh đó tất nhiên sẽ xem kinh tế là quan trọng hơn cả. Thực là một điều sai lầm . Chuyện ấy chỉ mang lại sự rối loạn tâm thần (stress), có thể có hại cho sức khoẻ.
Bures-Sur-Yvette, 14.08.2011
Hoang Phongchuyển ngữ