VĨNH BIỆT NGƯỜI NGHỆ SĨ PHẬT GIÁO
ĐÚNG NGHĨA TRONG LÒNG TÔI !
Từ ghi-đông xe ôm bước xuống, thẳng tiến vào nội sảnh của Vãng Sanh Đường, vì nghĩ rằng mình không hề quen ai hết trong giới nghệ sĩ, ca sĩ hiện đã có mặt trước đó và ngồi chật kín các dãy bàn trong ngoài, để chỉ mong tìm gặp có hai người. Em Hạnh và Châu là hai người bên cạnh Cô Út mà người viết đã quen biết, vào những lần đến trò chuyện cùng Cô Út tại nhà, lúc đó hai em còn bé xíu. Đó là hai người con nuôi duy nhất mà mình biết, và dù rằng đã thấy có ai đó mặc nguyên “com lê” dây rơm mũ bạc! Ngoài hai em ấy ra mình không biết phải chào hỏi ai nên không lo ngại khi người ta cũng không biết mình là ai!
Với pháp danh Giác Nhã, đó là kỷ niệm của những tháng ngày Cô Út và Câu Lạc Bộ Cổ Nhạc-Cải Lương Phật Giáo TP.HCM chính thức hoạt động, trong đó có người viết, gầy dựng nền móng ban đầu. Giác Nhã của Cô Út và Giác Đạo của tôi đều có khởi nguyên tốt đẹp bởi những tâm nguyện trong sáng ban đầu ấy, từ những vị Thầy đến với mình và được tôn Sư một cách chánh đáng. Cho đến bây giờ, khi Cô Út đã mãn duyên trần thế, ra đi phủi sạch ân nợ trần duyên, tôi mới giật mình thấy rằng những vị Thầy kiểu ấy hãy còn nhiều, cũng làm văn nghệ, cũng quay phim, làm chương trình hoành tráng rình rang, mà khi được hỏi mục đích thì chưa bao giờ có câu trả lời. Những hoạt động như thế, kiểu như thế, thiếu tâm nguyện trong sáng cho nên không nhận được sự ủng hộ của giới hoạt động nghệ thuật, trong đó có Cô Út và người viết. Cho nên người ta phải dùng tới thứ vũ khí trần đời: Đồng tiền! (kiểu như sòng phẳng cát sê) và đương nhiên hình tướng một vị xuất gia cũng được tận dụng tối đa để...thu phục! Khi cúi lạy trước Hương Linh của Cô Út tối nay, tôi chỉ mong Cô Út buông một tiếng: “Thành ơi! Đừng làm”, như thuở nào cô cháu thường thỏ thẻ trước những biến tướng văn nghệ như thế. Chơi vơi quá và cô đơn quá!
Sinh thời Cô Út rất cung kính và nhỏ nhẹ với tất cả, thế nhưng khi gặp phải những chướng duyên khó đỡ, dù đó là nhân vật nào, Cô Út vẫn một mực bày tỏ quan điểm để có những quyết định chính xác, dù phải khai tử luôn mối quan hệ đó. Có những vị Thầy, khi cao trào văn nghệ Phật giáo đang lên, cũng xoắn tay bước vào và ngang nhiên có những hành xử không đứng mực, Cô Út cũng không vì “bổn phận một người Phật tử” mà cúi đầu vâng lời, để rồi phá nát hết thành quả của tập thể, của chính tâm nguyện trong sáng của mình.
Chụp cùng Cô Út năm 1992 khi quay video “Thoát Vòng Tục Lụy” (Mời vào xem video này)
Những thành quả của cô cháu đều đầy ắp kỷ niệm qua các băng cassette “Ca Cổ Phật Giáo” (từ 1 cho đến 6) và những vở Cải lương tiên phong được quay dưới dạng video: “Thái Tử A Xà Thế’, Thoát Vòng Tục Lụy”, Chuyện Hai Quả cân”, “Mục Liên Tìm Mẹ v.v… và gần đây nhất là vở “Chuyện Tình Liên Hoa Hòa Thượng”. Với Cô Út còn một chi tiết quan trọng nữa là các vở Cải lương nói về cuộc đời Đức Phật Thích Ca ồ ạt được nhiều “Soạn giả Phật giáo” tự bỏ tiền túi ra viết và thực hiện, kể cả một vài bộ phim cùng chủ đề cũng được hồ hởi cho ra đời vội vã và gượng ép vừa qua, chứng tỏ quan điểm của Cô Út, bác Mười Út Trà Ôn và Thầy Đồng Bổn hoàn toàn có cơ sở. Đó còn là thái độ trân trọng đúng mực đối với vị Phật Bổn Sư mà mình đang khuôn phò lý tưởng. Thời gian đó, Cô Út và cô Sáu Châu có dư sức khả năng để thực hiện các công trình đó, nhưng tất cả đều đồng thanh nhận định “ Cuộc đời Đức Phật Thích ca quá vĩ đại, nếu có làm nghệ thuật phải làm bằng phim ảnh và tuyệt đối hội đủ tất cả các yếu tố; làm nửa vời thì chẳng những không thành công, gây tổn hại thanh danh mà còn xúc phạm công hạnh của vị Bổn Sư đáng kính, tội sẽ vô vàn bất luận. Là một tác giả thường trực khi ấy, bây giờ nghĩ lại người viết rất mang ơn lời dạy quý báu ấy của Thầy Đồng Bổn, Cô Út và Bác Mười Út Trà Ôn, chứ không phải lúc đó không có ai “biết” viết tuồng đại loại như những kẻ thời cơ lầm tưởng. Nhìn lại thực tế bây giờ sẽ là câu trả lời hùng hồn nhất.
Cô út đã nằm xuống và ra đi rồi. Chỉ còn biết thầm nguyện cầu cho Cô được an lạc nơi miền tịnh thổ, còn lại đây quá trời những chướng duyên, mà có lẽ khi ra đi rồi Cô Út vẫn không nguôi đau đáu. Ở nơi xa đó, có lẽ Cô Út đang mỉm cười vì trút hết gánh nặng lo toan cho nhân thế. Còn lại đây tôi chỉ biết vịn vào những hoài niệm ấy mà tiếp tục cuộc hành trình trong âm thầm lặng lẽ. Nếu không dám tự sánh với các công hạnh của chư Tổ Sư hay các hành giả miên mật thì cũng phần nào đó đồng cảm với câu thơ của Huyền Giác rằng “Thường độc hành thường độc bộ/ Đạt giả đồng dư Niết Bàn lộ/ Điệu cổ thần thanh phong tự cao/ mạo tụy cốt cang nhơn bất cố”. Ngày xưa từng đọc câu thơ này cho Cô Út nghe và Cô rất thích.
Người viết trước linh sàn của Cô Út đêm 5/11/2016 (xem tin tang lễ)
Đứng trước kim quan của Cô Út, chợt trong tiềm thức người viết kêu lên “Cô Út! Người nghệ sĩ Phật giáo” mà mình trân trọng nhất so với vô vàn người tự xưng, cũng tương tự như soạn giả Phật giáo. Chua xót làm sao. Và người viết chỉ gọi có mỗi mình Cô Út là Người Nghệ Sĩ Phật giáo đúng nghĩa. Hãy cùng nhau quán xét trong tư lương, sẽ dễ dàng bắt gặp Cô Út trong ấy, trong mỗi ý niệm tốt lành của một tấm lòng chơn thiện, mà có lẽ rồi đây chúng ta sẽ khó khăn mới tìm thấy lại được.
Mong Hương Linh Cô Út thảnh thơi, phù hộ cho người viết được tiếp tục chân cứng đá mềm. Vì như Cô Út từng tin tưởng “Lâu nay Thành vẫn vậy”. Đó cũng là lời phó chúc nuôi sống lý tưởng người viết cho đến tận hôm nay.
Giác Đạo - Dương Kinh Thành
“Hoa Lan Trắng”
Tỏa Ngát Hương Tình Đời Ý Đạo
THÍCH HUYỀN LAN
Như một nén hương Kính thương tiễn Cô Út vào hỏa thiêu
ngày mùng 9 tháng 10 ÂL – 2016
“Hoa Lan Trắng” giữa cuộc đời
Sắc hương ngào ngạt yêu thương đong đầy
Đào thương “Sầu Nữ” danh ca
Đời người nghệ sỹ biết bao nỗi buồn
Đi suốt cuộc đời dưới ánh đèn sân khấu
Trải qua bao đắng cay cuộc tình nghiệt ngã
Biển nước mắt, chia lìa, buồn vui nhân thế
Với những vai tuồng sầu bi và ai oán
Bỏ lại sau lưng những trò đời huyễn hóa
Trong những vai tuồng vì công chúng mến yêu
ÚT BẠCH LAN chân dung một người nghệ sỹ
Tài sắc vẹn toàn tỏa sáng thanh cao
Cô hiện thân như Bồ Tát giữa đời thường
Nỗi khổ nhân sinh nghe lòng mình quặn thắt
Trong những chuyến đi giúp đồng bào khốn khó
Và lúc về cứ canh cánh nỗi niềm thương
Thân tứ đại bất hòa khi ngã bệnh
Trái tim thương vẫn hòa nhịp muôn người
Vẫn nụ cười lấp lánh một niềm tin
Niềm tin Phật xua tan bao phiền muộn
Cô ra đi giữa đêm mùa mưa bão
Sài Gòn buồn Phố Hưng Đạo lặng im
Căn nhà đó một đời cô đã sống
Trong thanh bần đầy ấp những thương yêu
Đời đã viết tặng cô bài ca cổ
“Hoa Lan Trắng” nói lên đời nghệ sỹ
Bao thăng trầm dâu bể lắm nhục vinh
Cô đã sống bằng niềm tin chánh pháp
Những tước hiệu Nhân Dân và Ưu Tú
Cô chẳng màng vì có nghĩa gì đâu
Vì cô sống trong tấm lòng công chúng
Bằng trái tim người nghệ sỹ đạo tâm
Ấn Quang dấu lệ mưa buồn
Đoàn người tiễn biệt cúi đầu bước đi
Cuối thu se lạnh đìu hiu
Biệt ly không hẹn phân kỳ gặp nhau
Nhìn lên di ảnh Bạch Lan
Cô cười vĩnh biệt, bước qua cuộc đời
Mái chùa muôn thuở là nơi
Cuộc đời cô Út rạng ngời đạo tâm
Tấm lòng mộ đạo thiết tha
Thủy chung sau trước tâm lành vô biên
Nhất tâm cầu nguyện lời kinh
Mười phương chư phật độ trì vãng sanh
Anh Linh Cô Út Bạch Lan
Về nơi cõi Phật liên hoa một tòa
Vô thường một thoáng hợp tan
Tình thương để lại Út Bạch Lan giữa đời.
T.H.L
NGƯỜI NGHỆ SĨ
Kính tưởng nhớ nghệ sĩ Phật tử Út Bạch Lan
Xem tin về tang lễ Nghệ Sĩ Út Bạch Lan