Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tân Xuân tỉnh thức – Xuân Đinh Dậu

13/02/201705:56(Xem: 4101)
Tân Xuân tỉnh thức – Xuân Đinh Dậu


hoa_mai_2

Pháp thoại:

Tân Xuân tỉnh thức – Xuân Đinh Dậu
Thích Thái Hòa



Nam Mô Bổn Sư Thích ca Mâu Ni Phật

Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Từ Thị Di Lặc Tôn Phật.

Thưa đại chúng,

Hôm nay là ngày mồng hai Tết, năm Đinh Dậu. Đại chúng đã vân tập tại Tịnh nhân Thiền đường chùa Phước Duyên – Huế, dâng lời tác bạch cúng dường đầu năm lên Tam Bảo và chúc tết chư Tăng tại bản tự. Tôi xin thay mặt chư Tôn đức, ghi nhận lời tác bạch chúc tết đầu năm của quý vị và sau đây tôi xin chia sẻ pháp thoại Tân Xuân tỉnh thức đến quý vị, xin quý vị yên lặng lắng nghe.

Thưa quý vị,

Năm Bính Thân đi qua, năm Đinh Dậu lại về, xin Đại chúng ngồi thật yên lặng để quán chiếu những vấn đề mà tôi sắp chia sẻ đến với quý vị hôm nay.

Cũ và mới.

Quý vị hãy quán chiếu hai chất liệu cũ và mới ở trong đời sống của mỗi chúng ta.

Quý vị thấy rằng, năm Bính Thân đã đi qua là năm cũ, năm Đinh Dậu đang đến với chúng ta là năm mới. Năm cũ là cũ với năm mới và năm mới hôm nay sẽ là năm cũ của sang năm.

Năm này là năm mới của năm ngoái, nhưng nó sẽ là năm cũ của sang năm. Có đôi người không hiểu thế nào là cũ và mới, từ đó sinh ra hai khuynh hướng trong đời sống của chính họ, đó là khuynh hướng bảo thủ và khuynh hướng đổi mới. Hai khuynh hướng này luôn luôn xung đột nhau và tạo ra mâu thuẫn cho chính họ và cho những người xung quanh họ. Không biết được trong cái cũ, có cái mới và không biết được trong cái mới, có cái cũ là sự hiểu biết của chúng ta bị thiệt thòi rất là nhiều đối với đời sống. Người nào chỉ thấy cái cũ mà không thấy cái mới, thì đời sống của người đó bị rơi vào sự bảo thủ một cách phiến diện;  Người nào chỉ thấy cái mới mà không thấy cái cũ, thì người ấy suốt ngày chạy rong ngoài đường rượt bắt cái này, thả cái kia và tự cho mình là người đổi mới hay là người tiến bộ. Nhưng thật ra trong đời sống của họ, chẳng có gì là đổi mới và chẳng có gì tiến bộ cả.

Trong thiền quán giúp cho chúng ta thấy rằng, không có cái cũ nào là cái cũ đơn thuần và cũng không có cái mới nào là cái mới đơn thuần. Cái mới có mặt trong cái cũ là cái mới có cơ sở để tồn tại và phát triển. Cái mới như vậy sẽ không bị mất gốc. Cái cũ có mặt trong cái mới có tác dụng làm cho cái mới có giá trị bền vững, khiến cho cái mới không bị hỏng chân. Đồng thời cái cũ có mặt trong cái mới, cái cũ ấy không bị lên mốc và không bị bỏ quên. Chúng ta phần nhiều chỉ nhìn thấy cái mới đơn thuần, chứ ít ai nhìn thấy cái mới có mặt trong cái cũ và cái cũ cũng đang có mặt ở trong cái mới. Với cái thấy này, giúp cho chúng ta có khả năng tái tạo cái cũ thành cái mới một cách bền vững. Với cách thấy này, giúp cho chúng ta tái tạo một đời sống mới, trên một nền tảng tốt đẹp mà chúng ta vốn có từ bản thân với những sự hỗ trợ từ phước báo của gia đình và tổ tiên chúng ta. Khi chúng ta hiểu được như vậy, thì chúng ta sẽ không rơi vào hai thế lực cũ và mới đối đầu với nhau. Nếu cũ và mới đối đầu với nhau, thì cuối cùng cũ cũng không ra gì và mới cũng chẳng ra gì. Mùa xuân thật sự có mặt, khi nào người già biết chấp nhận cái mới của người trẻ và người trẻ biết chấp nhận cái cũ của người già. Mới và cũ, già và trẻ là hai mặt của một thực tại sống động. Những người trẻ do nhận ra được điều này, nên họ rất thương quý người già và không bao giờ có những lời khiếm nhã với người lớn tuổi. Và người già cũng nhận ra được điều này, nên họ cũng không bao giờ, khinh thường người trẻ. Ta chỉ có mùa xuân khi người lớn biết ôm ấp người trẻ, và người trẻ không quên ơn người lớn. Sở dĩ, trong đời sống, ta không có mùa xuân, vì người lớn không biết chấp nhận những tư duy mới mẻ của người trẻ và người trẻ không biết chấp nhận và kế thừa những tinh túy từ người lớn.

Xã hội không êm ấm và rối loạn, vì chúng ta không biết chấp nhận nhau. Người trẻ phải nhớ rằng, mình mới hôm nay, nhưng  rồi mình sẽ cũ ngày mai. Mình mới nơi này, nhưng mình sẽ là cũ ở nơi kia và mình cũ ở nơi này, nhưng mình sẽ mới ở nơi khác. Nên, chúng ta không có mới hay cũ  luôn đâu, chúng ta mới hôm nay, nhưng rồi chúng ta sẽ cũ ngày mai. Chúng ta già và cũ hôm nay, nhưng sẽ trẻ và mới ngày mai. Khi nào chúng ta hiểu được thực tại vốn như vậy, thì chúng ta mới có đủ khả năng chế tác ra mùa xuân cho chính chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho xã hội của chúng ta. Mùa xuân và hạnh phúc là điều có thực cho những ai biết tiếp nhận cái mới từ cái cũ và từ nơi cái cũ mà đổi mới.

Thuận và nghịch.

Có cái nghịch nào mà không có cái thuận và có cái thuận nào mà không có cái nghịch. Về mặt thời gian, có ngày thì có đêm, ngày là nghịch của đêm và đêm là nghịch của ngày. Nhưng cả ngày và đêm đều mang đến sự sống cho mỗi chúng ta, cho mọi sinh vật và ôn hòa cho mọi môi sinh. Chỉ có những người tà kiến mới chấp nhận ngày mà không chấp nhận đêm, hoặc chấp nhận đêm mà không chấp nhận ngày, khiến cho họ khổ công đối phó và triệt tiêu nhau.

Ta không thấy được tác dụng của ban ngày như chính nó và không thấy được tác dụng của ban đêm như chính nó, thì chính chúng ta là người điên đảo, sống với sự đảo lộn khiến đêm trở thành ngày và ngày trở thành đêm; do đó trong đời sống của chính ta xuân không ra xuân, hạ không ra hạ, thu không ra thu, đông không ra đông. Và cũng vì sống với thời gian đảo lộn như vậy, nên khiến không gian cũng bị đảo lộn, làm cho biển không ra biển, sông không ra sông, núi không ra núi, ruộng không ra ruộng… Tất cả những đảo lộn ấy đều có gốc rễ từ tà kiến. Do tà kiến, nên không thấy được giá trị và tác dụng hỗ tương của thuận và nghịch, khiến nhiều người sống không có mùa xuân và không có khả năng tạo ra mùa xuân cho chính mình và nhiều người.

Chúng ta hãy nhìn sâu vào tính chất thuận và nghịch trong từng hơi thở vào và ra của mỗi chúng ta, để chúng ta có thể tiếp nhận mùa xuân ngay nơi hơi thở vào và ra này. Hơi thở vào đối nghịch với hơi thở ra, hơi thở ra đối nghịch với hơi thở vào. Chúng ta chấp nhận hơi thở ra mà không chấp nhận hơi thở vào thì mùa xuân của chúng ta ở đâu? Chấp nhận hơi thở vào mà không chấp nhận hơi thở ra, thì sự sống của chúng ta như thế nào? Chúng ta ai cũng thở vào và thở ra, nhưng chúng ta ít ai để ý đến hơi thở vào và ra của chính mình và trân trọng nó trong từng phút giây của sự sống. Thở vào và thở ra hay nhập và xuất thực phẩm mỗi ngày của thân thể chúng ta đều là những tố chất tạo nên mùa xuân cho chúng ta. Nếu chúng ta chỉ có thở vào mà không thở ra hoặc thở ra mà không thở vào hay chúng ta chỉ có nhập thực phẩm vào miệng trên mà không xuất phế phẩm ra ở miệng dưới, thì mùa xuân sẽ không bao giờ có mặt với chúng ta. Mùa xuân không bao giờ có mặt cho những ai chỉ biết ăn mà không biết đi toilet. Thuận và  nghịch là hai yếu tố luôn luôn tương tác trong đời sống của mỗi chúng ta. Chúng ta phải biết như vậy, để khi thở vào, chúng ta thở cho hết lòng và khi thở ra chúng ta cũng phải thở bằng tất cả tấm lòng. Chúng ta phải biết thuận nghịch một cách rõ ràng như vậy, để khi ban ngày đến, chúng ta sống cho đẹp đối với ban ngày và khi đêm về, chúng ta cũng sống cho đẹp đối với ban đêm. Khi ăn chúng ta phải ăn cho đẹp, khi đi toilet chúng ta cũng phải đi toilet cho hết lòng. Khi ăn, ta phải có tỉnh thức, từ bi và biết ơn trong khi ta ăn và trong khi đi toilet, ta cũng phải có tỉnh thức, từ bi và biết ơn trong khi ta đi toilet. Hay khi thở ra và thở vào, ta đều phải thở ở trong sự tỉnh thức, từ bi và biết ơn. Tất cả những cái thuận nghịch đó đều tạo nên mùa xuân cho chúng ta, nếu chúng ta có tỉnh thức, từ bi và biết ơn đối với chúng. Khi thở ra giúp ta có 50% hạnh phúc, khi thở vào giúp ta có 50% hạnh phúc. Cũng vậy,  khi ăn giúp ta có 50% hạnh phúc và khi đi toilet giúp ta có 50% hạnh phúc. Như vậy, muốn hạnh phúc 100%, ta phải có tỉnh thức, từ bi và biết ơn trong khi ta thở vào và ra hay trong khi ta ăn và trong khi ta đi toilet mỗi ngày.

Cho nên, chúng ta phải tiếp nhận mùa xuân ngay nơi cảnh thuận nghịch của mỗi chúng ta. Người ghét ta có thể tạo nên mùa xuân cho chúng ta, nếu chúng ta biết ôm ấp, lắng nghe những lời chỉ trích từ phía đối lập. Cái bất hạnh lớn nhất của chúng ta là không có ai chỉ trích hay góp ý cho chúng ta. Cái bất hạnh nhất của chúng ta là chúng ta chỉ cử động được một phía hoặc một phần của thân thể mà không có khả năng cử động toàn thân thể. Chúng ta chỉ chuyển động được một phần thân thể bên trái, mà không có khả năng chuyển động được phần thân thể bên phải, thì xuân đến với chúng ta chỉ có nửa vời. Xuân đến với ta nửa vời là do chúng ta có sự hiểu biết nửa vời đối với xuân. Mùa xuân thực sự có mặt với chúng ta, khi chúng ta biết chấp nhận sự thuận nghịch trong đời sống của mỗi chúng ta với sự tỉnh thức, từ bi và biết ơn. Chính sự tỉnh thức, từ bi và biết ơn giữa thuận và nghịch, tạo thành cho chúng ta một mùa xuân toàn diện.

Mất và được.

Nhìn lại năm Bính Thân, chúng ta thấy chúng ta mất gì và được gì. Chúng ta cũng sẽ nhìn lại năm Đinh Dậu, chúng ta sẽ mất gì và chúng ta sẽ được gì. Chúng ta được một tuổi thì chúng ta cũng mất đi một tuổi. Sống giữa cõi đời không có ai được hoàn toàn và cũng không có ai mất hoàn toàn. Trong cái được đã có mầm mống của cái mất và trong cái mất cũng có mầm mống của cái được. Chân lý xưa nay vốn như vậy. Sở dĩ, chúng ta không có mùa xuân, vì chúng ta không có khả năng chấp nhận cái mất có mặt ở trong cái được và cái được có mặt ở trong cái mất. Phần nhiều chúng ta chỉ chạy theo cái được và từ chối cái mất, nên chúng ta không có khả năng chế tác mùa xuân cho chính chúng ta và chúng ta cũng không có khả năng hiến tặng mùa xuân cho nhiều người. Nên nhớ, sống giữa đời không có ai là người hoàn toàn mất hay hoàn toàn được. Mỗi ngày đi qua đời ta là mỗi ngày ta đều có được và mất. Nếu không có được và mất mỗi ngày, thì làm gì trong đời sống của mỗi chúng ta có mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông.

Cho nên, chúng ta phải nhìn kỹ năm Bính Thân ta được gì, ta mất gì? Năm Đinh Dậu ta được gì, ta mất gì.  Và những năm tiếp theo ta sẽ được gì, ta sẽ mất gì. Nếu chúng ta là những người có trí ở trong cuộc đời, thì chúng ta nên để cho lòng tham, sự sân hận, sự trách móc, sự si mê, mù quáng, cố chấp mất đi ngay nơi những hành động của chúng ta, mất đi ngay nơi những suy nghĩ của chúng ta và nếu chúng ta là những người có trí thì hãy để những nguyên nhân sinh khởi khổ đau mất đi, ngay trong mọi hành hoạt của chúng ta, khiến chúng ta đạt được những tâm ý vô tham, đạt được những tâm ý trong sáng không giận dữ, không vì mình quên người. Những bậc có trí trong đời, sống với tâm ý được và mất như vậy, nên họ lúc nào, ở đâu, sống với ai cũng có an lạc, cũng có mùa xuân cho chính họ và cho người khác. Chúng ta nên nhớ rằng, điểm hẹn cuối cùng của được là mất. Chúng ta hãy thường xuyên quán chiếu điều này, để chúng ta thực sự có tự do trong khi ta được và thực sự có tự do trong lúc ta mất. Nhờ quán chiếu thường xuyên như vậy mà tâm ta có sự tỉnh thức và tự do giữa được và mất, khiến xuân đối với ta không bị giới hạn bởi một mùa mà bốn mùa đều là xuân. Trí hay ngu, phàm hay thánh, mê hay ngộ, Phật hay chúng sanh, nếu có khác nhau, thì khác nhau ở điểm này mà không phải điểm nào khác.

Sống ở trên đời có ai mà không được, có ai mà không mất. Nhưng được ở trong sự tỉnh thức và mất cũng ở trong sự tỉnh thức là cái được và cái mất của bậc Thánh trí mà những kẻ phàm phu cần phải noi theo để học tập. Được ở trong sự tỉnh thức và mất cũng ở trong sự tỉnh thức, nên cả được và mất đều tạo thành mùa xuân cho chúng ta.

Kiêu hãnh và thất bại

Năm này là năm của chú gà trống Đinh Dậu. Tiếng gà gáy oang oang trong đêm trường cô tịch, để báo điểm giờ giấc cho con người thức dậy, đó là niềm kiêu hãnh của chú gà trống. Nhưng cũng có khi do sự kiêu hãnh này mà chú gà bị thất bại về sự hiểu biết và giao tiếp đối với những gì chung quanh chú và láng giềng của chú. Do bệnh kiêu hãnh này, nên trong kho tàng ca dao Việt Nam đã có một câu nhận định rất hay về chó và gà: “Chó ỷ nhà, gà ỷ vườn”.  Chó ỷ nhà, nên chú chó chỉ quanh quẩn trong nhà của chú và không có khả năng chấp nhận bất cứ chú chó nào từ phía láng giềng đến nhà của chú. Gà ỷ vườn, nên chú gà chỉ quanh quẩn trong khu vườn của chú và không có khả năng chấp nhận bất cứ chú gà nào từ hàng xóm đến sinh hoạt trong vườn của chú. Chú gà chỉ kiêu hãnh ở trong bốn bức tường vườn của chú mà thôi. Kiêu hãnh ở trong bốn bức tường là kiêu hãnh sinh ra từ sự cục bộ và ngu dốt. Do ngu dốt mà kiêu hãnh. Do ngu dốt mà cục bộ. Càng kiêu hãnh từ sự ngu dốt lại càng bần tiện. Đem sự bần tiện mà giữ vườn, thì mọi sự hiện hữu ở trong khu vườn ấy đều là phản ảnh đúng cái bần tiện của kẻ giữ vườn cục bộ vậy. Cho nên, kiêu hãnh từ sự ngu dốt là trá hình của mọi sự thất bại.

Cũng vậy, ở trong đời, những ai tự cho mình là thế này, là thế kia với tâm đầy kiêu hãnh, thì mùa xuân sẽ không bao giờ xảy ra cho chính họ. Kiêu hãnh có mặt ở đâu, thì ở đó có sự dừng lại và thoái hóa. Kiêu hãnh là nguyên nhân của mọi sự thoái hóa và thất bại.

Khiêm nhẫn và thành Công

Khiêm là khiêm cung, nhẫn là kham nhẫn. Không có sự thành công nào mà không đi từ nơi khiêm cung, không có sự thành công nào mà không đi từ sự kham nhẫn. Không có khiêm cung, không có kham nhẫn chúng ta sẽ không có thành công. Thành công rồi mà chúng ta không có khiêm cung thì thành công đó là trá hình của sự thất bại. Có nhiều người thành công, nhưng không duy trì được sự thành công của mình lâu dài, vì thiếu tính khiêm cung. Cho nên, mùa xuân không bao giờ hiện hữu một mình, mùa xuân hiện hữu với mùa đông, mùa xuân hiện hữu với mùa hạ, mùa xuân hiện hữu với mùa thu. Mùa xuân rất khiêm cung và kham nhẫn đối với các mùa, nên mùa xuân luôn luôn có mặt ở trong các mùa và là niềm hy vọng, cũng như là sức sống của các mùa. Nên, mùa xuân là điểm đến và thành công của tất cả các mùa.

Cũng vậy, trong đời sống sự khiêm nhẫn tạo nên thành công cho chúng ta. Sự khiêm nhẫn tạo thành mùa xuân cho tất cả chúng ta.

Chấp nhận và chuyển hóa

Trong cuộc đời này không có ai hiểu hết được ai. Vì sao? Vì con người là một sự hiện hữu trong dòng sinh diệt tương tác và tương tục giữa nhân duyên và nhân quả của tâm thức nhiều đời. Không hiểu được nhân duyên, nhân quả, chúng ta không bao giờ hiểu được con người. Nhân duyên, nhân quả của con người được tạo nên từ chính tâm thức của chính họ và được xông ướp bởi hoàn cảnh của họ. Do tâm thức sai biệt, khiến tác nghiệp sai biệt và do tác nghiệp sai biệt, nên chúng ta tuy là người, nhưng không có người nào giống người nào. Chúng ta là con người, chúng ta có thể biết nhau, quen nhau, nhưng chúng ta không bao giờ hiểu biết hết nhân duyên, nhân quả, nghiệp báo của nhau và không bao giờ hiểu biết hết những diễn biến trong tâm thức của nhau.

Năm ngón tay ở nơi bàn tay của mỗi chúng ta, không có ngón nào giống ngón nào. Không có ngón nào giống ngón nào hết, đó là sự thật. Chúng ta phải thấy sự thật này để chấp nhận sự khác biệt của nhau và giúp nhau tạo nên hạnh phúc. Mùa xuân chỉ thật sự có mặt, khi chúng ta biết chấp nhận nhau và cùng nhau chuyển hóa những yếu tố thấp kém từ nơi nhận thức, từ nơi tâm hồn, để cùng nhau thăng hoa cuộc sống. Biết chấp nhận sự khác biệt của nhau để cùng nhau chung sống, đó là một trong những sự thông minh của con người. Biết chấp nhận cái hay của nhau để học hỏi và chấp nhận cái dở của nhau để giúp nhau chuyển hóa là con người có khả năng bước thêm một bước nữa để tiến bộ và cùng nhau đi tới với một mùa xuân đích thực của cộng đồng. Biết chấp nhận cái xấu của nhau để giúp nhau chuyển hóa; biết chấp nhận cái tốt của nhau để giúp nhau thăng hoa, đó là một ý thức tiến bộ. Ý thức ấy đẩy chúng ta đi tới với mùa xuân. Thiếu sự hiểu biết này, chúng ta không bao giờ có tiến bộ và chúng ta không bao giờ có sức mạnh của sự sống. Đây là điều mà tất cả chúng ta cần phải thường xuyên quán chiếu, để mùa xuân không còn là một sự mơ ước mà là một hiện thực trong đời sống của mỗi chúng ta.  

Chấp nhận một sự thật cao quý, thì ai cũng có thể, nhưng chấp nhận một sự thật phũ phàng thì rất ít người có thể. Người có sức sống và có niềm tin, họ có khả năng chấp nhận cả hai sự thật ấy để tái tạo hạnh phúc cho chính họ. Chúng ta biết chấp nhận sự thật, dù là một sự thật phũ phàng, thì mọi tiến bộ mới có thể bắt đầu sinh ra trong đời sống của mỗi chúng ta và khi ấy, chúng ta mới có khả năng tạo ra mùa xuân cho chính chúng ta.

Tôi nhớ cách đây hơn 20 năm, khi tôi đang còn dạy ở Tổ đình Từ Hiếu- Huế, các nhà nghiên cứu về giáo dục của Anh, Pháp, Đức và Hoa Kỳ, họ đến nghiên cứu hệ thống giáo dục của Việt Nam. Khi họ đến Huế để nghiên cứu, họ có đến chùa Từ Hiếu – Huế gặp tôi và xin trao đổi một số vấn đề giáo dục có liên quan đến Phật giáo Bộ phái và Đại thừa. Sau khi trao đổi xong, họ than phiền với tôi rằng: “Nền giáo dục Việt Nam hiện nay không có gì phát triển so với các quốc gia trong vùng”.  Họ nói: “Họ thấy ở Việt Nam trong thời điểm này nhà hàng, nhà ăn phát triển nhiều hơn nhà trường. Nhà hàng, nhà ăn phát triển rất sang trọng so với các nước trong vùng, nhưng các trường học rất ít phát triển và rất cũ kĩ, kể cả những phương pháp giáo dục”.

Khi nghe như vậy, tôi rất khó chịu, cảm thấy xấu hổ, lòng tự ái dân tộc trong tôi phát sinh, mặc dù tôi đang là một tu sĩ Phật giáo. Vì tự ái, tôi đã cố gắng biện minh cho những yếu kém ấy. Tôi đã nói với các nhà nghiên cứu ấy rằng: “Ở Việt Nam chúng tôi, mỗi gia đình là mỗi trường học. Mỗi người làm cha mẹ là mỗi thầy giáo, cô giáo của gia đình. Giáo dục của Việt Nam rất chú trọng đến gia giáo hơn là học đường”. Nghe tôi biện minh như vậy, những nhà nghiên cứu ấy đều gật đầu. Họ cảm ơn tôi và ra về. Nhưng khi họ ra về, tôi cảm thấy xấu hổ, vì mình chỉ có khả năng che giấu và biện minh cho sự yếu kém mà không có khả năng chấp nhận sự thật của yếu kém. Bấy giờ, tôi tự trách mình là tu tập còn quá yếu không dám chấp nhận sự thật đang diễn ra trước mặt mình và chung quanh mình. Cho đến bây giờ, mỗi khi tôi nghĩ đến điều mà mình đã từng biện minh ấy, tôi cảm thấy tự xấu hổ và liền khởi tâm sám hối.

Kể câu chuyện này, tôi mong rằng, trong mỗi chúng ta phải dẹp đi mọi tự ái, mọi kiêu hãnh phù phiếm, để cho mùa xuân chân lý được hiển lộ ra trong đời sống của mỗi chúng ta. Bệnh nhân che giấu bệnh với bác sĩ, thì chỉ có chết thôi, chứ không có một bác sĩ tài năng và lương tâm nào có thể cứu giúp bệnh nhân thoát khỏi bệnh.

Chúng ta chỉ có mùa xuân, khi nào chúng ta thấy và biết chấp nhận sự thật của các mùa hạ, mùa thu và mùa đông ở trong đời sống và ở trong mọi hành hoạt tỉnh thức và từ bi của chúng ta.

Kính chúc Đại chúng một mùa xuân mới đầy hạnh phúc, an lạc ở trong sự tỉnh thức và từ bi.

                 (Thầy Thích Thái Hòa giảng – Đệ tử: Nhuận Phật Hạnh – Nhuận Hạnh Châu kính phiên tả)

 

 

                                                                                                                            

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/01/2023(Xem: 3363)
Tết quê nhà muôn màu hoa khoe sắc Nào mai vàng, nào cúc đoá vàng tươi Nào ly ly, nào thược dược hồng đào … Nào bánh mứt, cùng trái cây đủ loại …
09/01/2023(Xem: 1895)
Rächer, đó là tên con mèo của con gái tôi, tháng này vào năm ngoái nó đã về với gia đình tôi ở được một năm. Nó thật dễ thương, ngày đầu khi con gái tôi mang về nhà cho tôi, mở cái lồng ra nó rụt rè nhìn khắp quanh nhà, không một tiếng meo meo, trông thật tội nghiệp. Nhìn nó thương làm sao, chắc giờ phút đó nó đang buồn và hoang mang vì nơi chốn xa lạ này. Tôi nhè nhẹ vuốt nó, lông nó đen mượt, óng ả, tôi nhỏ nhẹ nói với nó. „em, em đừng sợ nha, mẹ thương em, về đây chơi với mẹ“. Mà lạ thật, không hiểu tại sao nhìn nó tôi thương nó quá, đêm đó nó đi quanh hết phòng này qua phòng khác kêu meo meo.. chắc rằng nó nhớ nhà cũ. Rồi chỉ một đêm thôi, đêm sau nó không còn gọi meo nữa, chắc em cũng biết phải ở lại đây, vì căn nhà kia đã giao lại cho người khác. Tôi gọi nó bằng em, nó hiểu.
09/01/2023(Xem: 2557)
Năm nhuận là gì? Năm nhuận là năm có 366 ngày trong Dương lịch và 13 tháng theo âm lịch theo chu kỳ 4 năm Dương lịch lại có một năm nhuận. Vì sao có năm nhuận? Khi trái đất quay quanh một vòng xung quanh mặt trời sẽ mất 365 ngày và 6 giờ. Một năm không nhuận sẽ có 365 ngày và thừa 6 giờ nên 4 năm sẽ thừa 24 giờ nên sẽ có năm nhuận. Để năm âm lịch vừa được một tuần trăng vừa không xô lệch với thời tiết của 4 mùa thì 3 năm âm lịch người ta phải cho thêm một tháng để năm âm lịch và dương lịch không sai nhau quá nhiều. Tuy nhiên, năm dương lịch vẫn nhanh hơn âm lịch nên người ta đã lấy 19 năm lại có một lần cách 2 năm thêm một tháng nhuận.
08/01/2023(Xem: 2667)
Ai níu được cánh thời gian mùa ấy Có là đây, mà Không cũng là đây Hỏi lòng mình sao lại trắng như Mây Một cõi Lạ! Mấy dòng Thơ u tịch ... Dường như trong đáy suối nguồn tịch tịnh ! Một nguồn Thơ tươi mát, một dòng Trăng Ai tìm Khôi Nguyên! Vĩnh Cửu! Thường Hằng Tôi tìm tôi, Suối Mây Hồng êm ả ...
08/01/2023(Xem: 3065)
Quý Mão, con mèo… Chúng ta đang tới gần Tết Nguyên Đán 2023. Nếu có ai hỏi rằng thế giới có sáng tác văn học nào thơ mộng về mèo hay không. Không, chúng ta không có ý nói gì về những chuyện đời thường lãng mạn hay tiểu tam hay tiểu tứ gì hết. Chúng ta chỉ muốn nói về một cõi thơ mộng y hệt như thời của Cha Rồng và Mẹ Tiên. Có đấy chứ, có một truyện về một cô mèo tam thể của một chàng họa sĩ Nhật Bản trong một thời nào xa xưa lắm, khi người ta chưa xài Tây lịch. Và truyện do một nhà văn Hoa Kỳ kể lại.
07/01/2023(Xem: 3520)
Tết đến rồi xuân đang ở đâu đây Mai trước ngõ nở bông vàng rực rỡ Câu đối ai treo mực đen giấy đỏ Bếp lửa hồng mẹ nấu bánh chưng xanh
06/01/2023(Xem: 1777)
Trở lại hoa vờn chạm sắc xuân, Mây ngàn cõng lạnh ánh hồng vân. Nhìn quen nõn lá như bao bận. Thấy rõ cành mai tựa mấy lần,
05/01/2023(Xem: 5947)
THƯ TÒA SOẠN, trang 2 CẢM NIỆM VỀ XUÂN, MỪNG XUÂN.. (thơ Thắng Hoan), trang 4 MÙA XUÂN VẠN THỤ KHAI HOA (Nguyễn Thế Đăng), trang 5 ĐÔI LỜI TÂM SỰ (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 7 THÔNG BẠCH TẾT QUÝ MÃO – 2023 (Hội Đồng Giáo Phẩm), trang 8 THƯ CHÚC XUÂN QUÝ MÃO – 2023 (Hội Đồng Điều Hành), trang 9 THƯ CHÚC TẾT (HT. Thích Nguyên Trí), trang 10 NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN HÓA PHẬT GIÁO TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM (HT. Thích Thắng Hoan), trang 11 NHỮNG NƠI MÀ NGƯỜI TU NÊN BỎ ĐI VÀ NÊN Ở LẠI (Quảng Tánh), trang 14 THÔNG TƯ PHẬT ĐẢN LẦN THỨ 2647 (HT. Thích Tín Nghĩa), trang 15
05/01/2023(Xem: 2426)
Tích Niêm Hoa Vi Tiếu kể rằng một hôm trên núi Linh Thứu, Đức Thế Tôn lặng lẽ đưa lên một cành hoa. Đại chúng ngơ ngác không hiểu, duy ngài Ma Ha Ca Diếp mỉm cười. Đức Phật nói: “Ta có Chánh pháp vô thượng, Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, truyền ngoài giáo pháp, nay trao cho Ca Diếp.” Tích này không được ghi trong các Kinh Phật thuộc Tạng Pali và Tạng A Hàm, có thể vì vài thế kỷ sau mới có văn tự để viết và lúc đó không ai còn nhớ, và cũng có thể quý ngài đời sau nghĩ ra tích này để giải thích một số điểm cốt tủy trong Phật pháp và cũng để làm chỗ y cứ cho Thiền Tông.
04/01/2023(Xem: 2390)
Khi tuyết trắng xóa phủ đầy miền đất Bắc Mỹ và những cơn gió đông rét mướt tràn xuống miền nam của Bắc Bán Cầu cũng là lúc Tết truyền thống Việt Nam đang về với hàng triệu trái tim và gia đình người Việt tha hương. Thay mặt Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNHK, tôi xin kính gửi đến chư tôn Thiền Đức Tăng, Ni và quý đồng hương Phật tử lời chúc mừng năm mới Quý Mão 2023 phước huệ trang nghiêm, thân tâm thường lạc và vạn sự kiết tường.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]