Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chúc nhau hai chữ bình an

20/12/201008:41(Xem: 6206)
Chúc nhau hai chữ bình an

 

Trong số những mong ước hầu như phổ biến nhất ở hết thảy chúng ta trong dịp xuân về, có lẽ phải nhắc đến ước mơ về một năm mới “bình an vô sự”.


Thật vậy, bạn và tôi rất có thể không giống nhau về những mục tiêu đặt ra cho năm mới, và vì thế chúng ta sẽ có những mong cầu khác nhau. Tuy nhiên, cho dù là người giàu sang hay nghèo khó, đang sống ở thành thị hay thôn quê, hết thảy mọi người cũng đều mong sao cho một năm sắp tới sẽ luôn được “bình an vô sự”.

“Vô sự” ở đây có nghĩa không gặp phải bất cứ điều gì bất trắc, rủi ro xảy ra trong cuộc sống. Chỉ cần được vô sự như thế thì chắc chắn đã là một điều may mắn hết sức lớn lao cho bất cứ ai. Bởi vì cuộc sống này vốn luôn đầy dẫy những điều bất như ý, cho dù chúng ta có cố tránh né đến đâu thì vẫn luôn có thể gặp phải những trở lực cản đường, những tai ách, khó khăn ngoài dự tính... Vì thế, ai ai cũng mong sao cho mọi việc làm đều được “đầu xuôi đuôi lọt”, không gặp bất cứ trở ngại nào, vì nếu quả thật được như thế thì những mong muốn khác của chúng ta sớm muộn gì rồi cũng sẽ đạt được!

Sự bất an của chúng ta không chỉ đến từ những kẻ đối đầu hay có hiềm khích với ta. Nó đến từ bất cứ điều kiện bất lợi nào, mà những điều kiện bất lợi cho chúng ta trong cuộc sống này thì nhiều vô kể! Không ai có thể ước lượng trước được hết, đừng nói là có thể tránh né hay loại bỏ chúng. Vì thế, từ xưa đến nay sự mong cầu hai chữ bình an vẫn là điều mà không một ai tránh khỏi.

Và như đã nói, nếu chúng ta thật lòng muốn cho lời cầu chúc bình an của mình dành cho ai đó được trở thành sự thật, chúng ta cần phải có một tình cảm chân thành đối với người ấy, cũng như tự mình hiểu được giá trị của sự bình an và những phương cách để có được nó.

Khi chúng ta có một tình cảm chân thành với ai đó, ta mới có sự quan tâm thực sự đến họ, và vì thế mà có thể hiểu được những nỗi bất an trong lòng họ thường là do đâu. Một người mẹ luôn có khả năng làm cho con mình cảm thấy an ổn, không sợ sệt. Đó chính là vì bà luôn quan tâm thực sự đến con, luôn biết được sự bất an trong lòng đứa trẻ là do đâu, và vì thế mà có thể trấn an, xoa dịu đứa trẻ.

Hơn thế nữa, khi chúng ta biết được ai đó đang lo sợ, bất an về điều gì và muốn giúp họ vượt qua sự lo sợ, bất an, chúng ta cần phải tự mình biết cách làm được điều đó. Nếu ta không thể tự mình biết cách tạo ra sự an ổn cho chính bản thân, thì lời cầu chúc bình an của ta dành cho người khác sẽ không thể có được những giá trị thực sự.

Thật ra, khi chúng ta mong ước được “bình an vô sự” trong năm mới, thì trong sự mong ước đó chỉ có một nửa là khả thi mà thôi! Bởi vì sự bình an là điều có thể đạt đến bằng những phương cách nhất định, nhưng những sự cố đến từ bên ngoài lại hoàn toàn là điều mà chúng ta không thể tự mình quyết định được!

Sự bất an của chúng ta có thể được hình dung như một ngọn đèn thắp lên trước gió. Từng cơn gió thoảng qua và ánh đèn cứ lung lay, chập chờn không sao đứng yên được. Nếu chúng ta muốn cho trời ngưng gió thì đó sẽ là một mong muốn không sao đạt được. Vì thế, điều duy nhất có thể làm là phải tạo ra những điều kiện bảo vệ ngọn đèn, sao cho nó có thể chịu được sự lay động mà không bị gió thổi tắt, chẳng hạn như là dùng một cái bóng đèn thủy tinh để che chắn gió...

Có vô số điều kiện bất lợi trong cuộc sống có thể làm cho chúng ta bất an, lo lắng. Và chúng có thể xảy đến cho ta bất cứ lúc nào cũng giống như những cơn gió kia luôn sẵn sàng thổi tắt ngọn đèn nếu nó không được bảo vệ. Khi chúng ta sống một cuộc sống buông thả không tự bảo vệ chính mình, tâm hồn ta sẽ chẳng khác gì ngọn đèn trước gió, luôn bị lay động và dễ dàng bị thổi tắt bất cứ lúc nào. Ngược lại, nếu chúng ta biết rèn luyện tinh thần, nhận thức đúng về mọi sự việc xảy ra trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn có được một nội lực vững vàng cần thiết để đứng vững trong cuộc sống.

Khi chúng ta ham muốn tiền bạc của cải vốn không thuộc về mình thì đồng thời chúng ta cũng nảy sinh một sự bất an, lo sợ cho những tài sản hiện có của mình có thể bị mất đi vì một lý do nào đó. Vì thế, cho dù tiền bạc, của cải là hết sức cần thiết để giúp chúng ta nuôi sống bản thân và gia đình, nhưng sự ham muốn tiền bạc, của cải lại chính là nguyên nhân gây ra tâm trạng bất an, lo lắng. Điều này có thể nhận ra được khi so sánh với sự lo lắng mà một người mẹ nảy sinh đối với đứa con thương yêu nhất. Tình thương dành cho đứa con càng nhiều thì sự lo lắng đối với đứa con ấy càng dễ nảy sinh hơn. Chẳng hạn, chỉ cần bé đi học về muộn một chút cũng đủ để cho người mẹ phải cuống cuồng lo lắng. Ngược lại, nếu không có lòng thương yêu thì những sự lo lắng như thế sẽ không thể nảy sinh. Sự tham tiếc của cải, tiền bạc gây ra bất an, lo lắng cho bạn cũng theo cách tương tự như vậy. Sự ham muốn của bạn càng mãnh liệt thì nỗi lo lắng sẽ càng lớn hơn và dễ nảy sinh hơn, ngay cả với những nguyên nhân tưởng chừng như không hợp lý. Trong kinh Pháp cú, kệ số 213, đức Phật dạy rằng: “Do nơi lòng tham ái mà sinh ra sự lo lắng và sợ hãi.”[7] Đây chính là nói lên ý nghĩa này.

Điều này giải thích vì sao những người giàu có nhưng đôi khi vẫn phải mất ăn mất ngủ vì lo lắng bảo vệ tài sản, trong khi có những người không mấy dư giả mà vẫn có thể sống vô tư với nguồn thu nhập hạn chế của mình. Sự khác biệt không được tạo ra bởi những giá trị tài sản họ có được, mà chính là do cách nhìn đối với những tài sản ấy. Càng tham tiếc những gì mình có được thì bạn lại càng phải lo lắng nhiều hơn vì sợ rằng chúng sẽ mất đi!

Sự thật thì chúng ta không hề tạo ra tiền bạc, của cải bằng sự lo lắng, bất an, mà phải tạo ra chúng bằng sự nỗ lực lao động và sức sáng tạo. Do đó, nếu chúng ta nhận thức đúng về vai trò của tiền bạc trong cuộc sống, chúng ta sẽ thoát khỏi sự lo lắng, bất an do nguyên nhân tham tiếc vật chất gây ra. Chúng ta không phủ nhận giá trị của tiền bạc, của cải trong đời sống, nhưng chúng ta cũng không buông thả lòng ham muốn chạy theo những giá trị vật chất đó. Vì thế, chúng ta sẵn sàng lao động sáng tạo để làm ra tiền bạc của cải phục vụ đời sống, nhưng luôn biết giới hạn đúng mức sự quan tâm của mình đối với những những giá trị vật chất ấy. Nhờ đó mà chúng ta luôn có khả năng đánh đổi giá trị vật chất để có được những giá trị tinh thần cao quý hơn. Và ngay cả khi tài sản của chúng ta có bị mất mát, tổn hại vì một lý do nào đó, chúng ta cũng sẽ không vì thế mà rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần.

Mặt khác, nếu chúng ta bực tức, giận dữ và luôn muốn trừng phạt, làm hại những ai gây tổn hại cho mình thì đồng thời chúng ta cũng nảy sinh một sự bất an, lo lắng rằng mình có thể bị người khác trừng phạt, làm hại bằng một cách nào đó. Sự thật là đa phần những người bị chúng ta trừng phạt hay làm hại sẽ luôn có khuynh hướng tìm cách “trả đũa” đối với việc làm của chúng ta. Vì thế, cái vòng xoay “oan oan tương báo” này sẽ cứ tồn tại mãi, cho đến khi nào một trong đôi bên có thể nhận ra được sự vô lý này để chủ động chấm dứt nó.

Sự lỗi lầm là điều phổ biến ở tất cả mọi người. Chúng ta hầu như không thể tìm thấy có ai đó chưa từng bị lầm lỗi! Và mỗi khi một ai đó mắc phải sai lầm, điều tất nhiên là sự sai lầm đó có thể gây hại cho những người có liên quan. Nếu mỗi lần như thế mà những người bị tổn hại đều tìm cách “trả đũa” thì chúng ta sẽ không thể nào hình dung được cuộc sống này sẽ đáng sợ đến mức nào!

Có thể bạn sẽ phản đối rằng, cần phải phân biệt sự gây hại của ai đó là vô tình hay cố ý nữa chứ! Bởi vì bạn cho rằng sự cố ý gây hại tất nhiên sẽ là hành vi rất xứng đáng để nhận lãnh một sự đáp trả!

Nhưng thật ra thì ngay cả việc cố ý gây hại cho người khác cũng chính là một sự sai lầm. Hơn nữa, còn là sự sai lầm rất đáng thương. Bởi người ấy đã không có đủ sự sáng suốt để nhận ra được những tác hại của một hành vi như thế nên mới cố tình thực hiện. Và nếu như chúng ta tức giận rồi đáp trả lại hành vi đó bằng cách tương tự thì chính bản thân ta rõ ràng là cũng không sáng suốt gì hơn! Thi sĩ người Anh Alexander Pope (1688-1744) đã từng viết ra một câu rất hay: “Lầm lỗi là thường tình của con người, tha thứ mới là thánh thiện.”[8]

Vì thế, chúng ta nên học biết cách tha thứ lỗi lầm cho người khác và cho chính mình, bởi vì chúng ta không thể không thường xuyên đối mặt với những lỗi lầm trong cuộc sống. Khi một người mắc lỗi, sự tha thứ bao giờ cũng tạo ra ấn tượng mạnh mẽ và tốt đẹp đối với họ hơn là sự trừng phạt, và vì thế sẽ hạn chế khả năng tái phạm của họ ở một mức độ thấp hơn. Trong truyện Tam quốc, Khổng Minh liên tục 9 lần tha thứ cho Mạnh Hoạch và nhờ đó mà đã triệt tiêu hoàn toàn khả năng tái phạm của ông này.[9]

Mỗi một sai lầm dù là vô tình hay cố ý cũng đều là cơ hội để chúng ta học hỏi. Nhưng chúng ta chỉ có thể học hỏi khi nào sai lầm đó được người khác tha thứ. Bằng không, thay vì rút ra được bài học từ sai lầm, chúng ta lại phải chú tâm vào việc giải quyết hậu quả của sai lầm ấy! Vì thế, nếu chúng ta có thể tha thứ cho người khác khi họ mắc phải sai lầm, đó chính là ta đã tạo điều kiện cho họ học hỏi và tiến bộ, và do đó sẽ có ít khả năng họ mắc phải sai lầm ấy một lần sau nữa.

Tất cả những tổn hại của chúng ta đều xuất phát từ một sai lầm nào đó. Nếu là do sai lầm của chính bản thân, chúng ta cũng cần phải biết tha thứ cho chính mình để tiếp tục học hỏi vươn lên hoàn thiện. Nếu là sai lầm của người khác, chúng ta càng không nên nảy sinh sự bực bội, tức giận và nghĩ đến việc trừng phạt họ vì sai lầm ấy. Sự tha thứ sẽ giúp người khác dễ dàng phục thiện hơn, trong khi sự trừng phạt lại dễ mang đến oán hận. Chính vì thế mà những hành vi xuất phát từ sự bực tức, giận dữ bao giờ cũng là nguyên nhân dẫn đến tâm trạng bất an, lo lắng của chúng ta sau đó.

Đầu thế kỷ 15, Lê Lợi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta đánh tan quân xâm lược nhà Minh. Tướng nhà Minh là Vương Thông bị vây khốn trong thành Đông Quan, không còn lối thoát. Thế quân ta đang mạnh, đã đánh tan quân cứu viện của nhà Minh, lại nhanh chóng thu được hết thảy các thành trì khác. Quân Minh bị vây trong thành Đông Quan chỉ còn một đường duy nhất là chờ chết. Sự cai trị tàn bạo trong những năm qua của giặc Minh đối với nhân dân ta đã khiến cho hầu hết mọi người đều căm phẫn, muốn thẳng tay tàn sát hết bọn tàn quân bại tướng này. Nhưng ngay chính trong hoàn cảnh ấy, hai vị lãnh đạo tối cao là Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã hết sức sáng suốt nghĩ đến việc khoan dung tha thứ cho tất cả. Họ quyết định giảng hòa và cung cấp lương thực, thuyền bè cho bọn chúng về nước. Lịch sử đã chứng minh rằng đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn, bởi vì trong suốt nhiều năm sau đó phương Bắc đã từ bỏ hẳn ý đồ xâm lược nước ta, tạo điều kiện cho triều Lê có được những năm phát triển trong thái bình thịnh trị.

Khi chúng ta biết khoan dung, tha thứ đối với mọi lỗi lầm, ta sẽ trở nên sáng suốt và khách quan hơn khi nhận định về nguyên nhân của mọi sự việc. Thường thì chúng ta luôn có một khuynh hướng nôn nóng quy lỗi về cho một ai đó khi công việc không trôi chảy hoặc có điều gì không hay xảy ra, vì thế mà ta rất dễ sai lầm, thiên lệch khi suy xét về nguyên nhân của vấn đề. Khi có một sự việc không mong muốn nào đó xảy ra gây tổn thất, thiệt hại cho ta, ngay lập tức ta sẽ tìm mọi cách để quy lỗi về cho một ai đó. Trong trường hợp này, chúng ta luôn có những thiên kiến nhất định đối với những người mà ta nghi ngờ, luôn cảm thấy mọi hành vi, lời nói của họ dường như đều có liên quan đến sự việc. Và một khi đã kết luận - thường là vội vã và không chính xác - rằng ai đó là người có lỗi, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những biện pháp trừng trị “một cách thích đáng”. Tuy nhiên, khi chúng ta có được khuynh hướng khoan dung tha thứ thì việc trừng phạt sẽ trở nên không còn cần thiết nữa, và vì thế mà cách nhìn của chúng ta đối với sự việc bao giờ cũng thận trọng, khách quan và cởi mở hơn. Chính nhờ thế mà ta luôn có thể sáng suốt nhận ra được nguyên nhân thật sự của vấn đề, thay vì là bị đánh lạc hướng bởi những sự hoài nghi vô căn cứ.

Tinh thần khoan dung tha thứ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc giúp ta hạn chế sự bực tức, giận dữ. Bởi vì xét cho cùng thì nguyên nhân chủ yếu của sự bực tức, giận dữ chính là những sự việc hoặc hành vi ứng xử của người khác không đúng theo ý muốn chủ quan của chúng ta. Nếu chúng ta sẵn sàng tha thứ, không trách cứ nặng nề người khác vì những lỗi lầm mà họ mắc phải, thì điều tất nhiên là tự thân những lỗi lầm đó không thể nào kích thích, khơi dậy được sự bực tức giận dữ của chúng ta.

Và theo như đã nói, khi thoát khỏi tâm trạng bực tức, giận dữ đối với người khác, chúng ta cũng sẽ đồng thời tránh được nguyên nhân gây ra sự bất an, lo lắng cho chính mình. Do đó, có thể nói là chúng ta đã tích cực tạo ra được tâm trạng an ổn cho chính mình qua việc biết khoan dung tha thứ cho lỗi lầm của người khác.

Chỉ khi nào tự mình có thể tránh được sự bất an thì chúng ta mới có thể mang lại sự an ổn cho người khác. Khi ấy, tự nhiên là những lời cầu chúc của chúng ta sẽ trở nên có hiệu quả thiết thực.

Sự an bình không chỉ là một niềm mong ước khi xuân về, mà còn có thể nói là khát vọng muôn đời của nhân loại, bởi vì con người từ xưa nay hầu như luôn phải đồng hành cùng sự bất an. Trong khi tất cả chúng ta đều ca ngợi những biểu tượng của hòa bình, thì sự tham lam vẫn tiếp nối nhau khơi ngòi chiến tranh ở nơi này, nơi khác... Trong khi tất cả chúng ta đều mong muốn cho nhau những tháng ngày được sống bình an, thì trong những phút giây bực tức, nóng giận ta vẫn không ngừng gây hại cho nhau... Tất cả những điều đó chỉ có thể dừng lại, chỉ có thể được chuyển hóa khi mỗi chúng ta đều có thể hiểu đúng được vấn đề, có thể tự mình thoát khỏi tâm trạng bất an bằng những nỗ lực loại trừ sự tham lam và sân hận!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/02/2019(Xem: 5176)
Xuân về xin chúc mọi người Đi chùa lễ Phật vui tươi an bình Thấm nhuần tiếng kệ lời kinh Sống theo chánh pháp gia đình thạnh hưng Buồn phiền mệt mỏi xin dừng Thảnh thơi hạnh phúc không ngừng phước duyên
12/02/2019(Xem: 4640)
Mùa xuân là hình ảnh của con người. Tâm của con người như thế nào, nó sẽ tạo ra mùa xuân cho con người đúng như thế ấy. Tâm của một người xấu thì không thể nào tạo ra một mùa xuân đẹp cho chính mình, huống hồ gì họ có thể tạo ra một mùa xuân đẹp cho gia đình và xã hội.
11/02/2019(Xem: 3896)
Xuân sang vạn hạnh cũng về Mai vàng mộng đẹp đề huề tình thân Trời trong én cũng về gần Hương xuân phản phất mấy tầng trời mây
11/02/2019(Xem: 4578)
Phải đợi đến sáng mùng ba Tết trước khi khởi sự lại công việc tôi mới nhận thấy được những chữ này trên đầu một bao lì xì nhận dược từ những chùa mà tôi đã thăm viếng Mời bạn cùng khám phá với tôi và xem bạn có cùng ý nghĩ với tôi chăng ?
08/02/2019(Xem: 6757)
Pháo nổ múa Lân khá rộn ràng Bánh dưa trà mứt đón xuân sang Tiễn đưa ông Táo bằng hoa trái Cung đón Ông Bà qua khói nhang Hoan hỷ lòng thành Phật tử tựu Muộn phiền hờn trách cũng tiêu tan Mùa xuân Di Lặc đầy phấn khởi Kỷ Hợi Pháp Hoa Tết Khải Hoàn (1)
07/02/2019(Xem: 4839)
Chúc Tết Kỷ Hợi 2019
07/02/2019(Xem: 5151)
Kịch: Sớ Táo Quân Kỷ Hợi 2019 Trần Thị Nhật Hưng >> Một màn. >> Diễn viên: Ngọc hoàng. Hai táo nam. Bát tiên (ban vũ cung đình). >> >> Khung cảnh: Cung đình >> (Nhạc đệm hai táo nam bước ra theo điệu nhạc, chào nhau và tự giới thiệu) >> Táo 1(sửa chùa): Mới đó mà một năm đã trôi qua. Thời gian đi nhanh quá. >> Táo 2 (Gia Đình Phật Tử): Đúng vậy. Chả mấy lúc mình sẽ già. Xin về hưu thôi. Làm táo hòai, chán quá, chuyên báo cáo chuyện thế gian. Hay, thì chả ai nhớ, ai khen; còn chuyện xấu thì bị nghe...chưởi! Mà tôi có nói xấu ai đâu, tôi chỉ trình …ĐÚNG cái việc…XẤU thiên hạ làm thôi. >> Táo 1: Chuyện thế gian, hơi đâu chấp cho phiền não.Việc ta, ta cứ làm miễn không hại cho ta, cho người là được. >> Táo 2: Ủa, đã tới giờ mà sao bà táo chưa thấy cà?
07/02/2019(Xem: 4037)
Muôn hoa nở, Ý thơm đầy Xứ người ta vẫn sum vầy đón xuân. Sá chi trên bước phong trần Sá chi đâu, giữa miền nhân ảnh nầy !
07/02/2019(Xem: 4084)
Khai bút đầu năm Niệm Phật tham thiền nghiệp chuyển lay, Niềm vui trí tuệ hiển chan đầy Hương hoa kính ý cung minh đến Lễ nhạc thành tâm đón thiện lai Pháp ngữ thường tuyên huyền đạo hiện Thiền ngôn mãi thuyết chân tâm bày Xuân về thắm đẹp miền nhân thế Tết đến trang thờ rực rỡ mai.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com