Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

27_Giáo dục vẫn là niềm tin sau cùng còn sót lại

28/10/202319:29(Xem: 5505)
27_Giáo dục vẫn là niềm tin sau cùng còn sót lại
on tue sy-new-13


Giáo dục vẫn là niềm tin sau cùng còn sót lại

Bài viết của Thầy Thích Tâm Nhãn
Do Phật tử Diệu Danh diễn đọc






Đúng 16 giờ 48 phút, ngày 18 tháng 9 năm 2023 (mùng 4 tháng 8 năm Quý mão), đạo hữu Tâm Thường Định gọi điện cho tôi, nói rằng Ban biên tập của Hội đồng Hoằng Pháp ở Hải ngoại muốn làm “Kỷ yếu” về cuộc đời thầy Tuệ Sỹ, mong tôi viết gì đó về thầy, và nhắc tôi: “Ôn Tuệ Sỹ không thích ca ngợi về Ôn, viết đơn giản chân chất bình dị thôi." Tối, tôi ngồi lặng lẽ viết lại chương ký ức và ấn tượng trong tôi đối với thầy. Nhớ gì viết nấy.
 

1

Tôi trở thành người học trò của thầy thông qua con đường phiên dịch Tam tạng từ năm 1989, lúc này tôi chỉ phụ tá Hòa thượng Đỗng Minh dịch luật. Ấn tượng đầu tiên trong cuộc đời tôi là năm 2001, tôi tháp tùng Hòa thượng Đỗng Minh vào dự lễ húy kỵ của Ôn Trí Thủ tại chùa Quảng Hương Già-lam, Sài Gòn. Ngày chính thức tưởng niệm là mùng một tháng ba, nhưng Ôn Đỗng Minh thường vào trước một hai hôm để thăm hỏi các vị Hòa thượng, Tôn túc trong chùa. Vào một buổi sáng, tôi lên phòng thầy Tuệ Sỹ thăm, thầy đang làm việc, mon men lại gần thấy thầy đang tham chiếu một tác phẩm tiếng Pháp dày cộm khổ lớn trên tay. Tôi thưa hỏi sách gì? Thầy nói đây là tác phẩm “Đại trí độ luận” (Le traité de la Grande Vertu de Sagesse de Nāgārjuna – Mahāprajñāpāramitaśastra) do Étienne Lamotte là Linh mục người Bỉ biên dịch và được ấn hành từ 1944. Tiếp theo những năm sau đó, cũng ngày ấy tôi tháp tùng Ôn Đỗng Minh vào Sài Gòn, như lệ cũ tôi đến phòng thầy. Thầy hỏi tôi, ngoài đó đang làm gì. Tôi thưa, Ban phiên dịch đang dịch tạng Đại chánh và bộ tùng thư Ấn Thuận v.v… Thầy hỏi, ngoài Nha Trang có đào tạo tiếng Phạn không? “Dạ không”. Thầy bảo không học Phạn ngữ biết gì mà dịch. Thầy tặng cho tôi bộ Phạn-Hòa đại từ điển (梵和大辭典) của Wogihara Unrai (荻原雲來). Từ đó tôi mới hiểu, Phạn ngữ vô cùng quan trọng cho những dịch giả đeo đuổi con đường phiên dịch.

Năm 2013, thầy an cư tại Diên Lâm, Diên Khánh, Khánh Hòa, tôi chứng kiến thầy nói tiếng Pháp với một anh Phật tử. Anh này là người Việt nhưng làm trong Đại sứ quán, biết nhiều ngôn ngữ, đến thăm thầy, thử trao đổi tiếng Pháp với thầy. Thầy kể về cuộc đời thầy bằng tiếng Pháp rất lưu loát. Về sau có dịp tôi hỏi thầy học tiếng Pháp từ lúc nào, thầy nói học lúc trẻ tại Sài Gòn.

Năm 2015, trước mùa an cư, tôi và Nguyên An vào thăm thầy và “cung nghinh” thầy ra Nha Trang an cư. Chúng tôi thu xếp hành trang giúp thầy, gồm y phục, laptop… Thầy nhắc, nhớ bỏ bộ luật Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tiếng Tây tạng vào đãy, ra đó làm việc. Mùa an cư năm ấy, tôi, Nguyên An, Nguyên Thịnh… dịch Xuất gia, An cư, Tùy ý (Tự tứ) bản Hán thuộc luật Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ; thầy Tuệ Sỹ đối chiếu văn bản Tây tạng, hiệu đính và chú giải. Phần “Xuất gia sự” bản Hán có 4 quyển, giữa quyển 3 và 4 mất một đoạn rất dài, chỉ trong bản Tây tạng đầy đủ, thầy Tuệ Sỹ đã dịch, bổ túc vào bản Việt ngữ cho hoàn bị.

Cuối tháng bảy Âm lịch năm 2022, thầy không khỏe phải nhập viện điều trị vài hôm. Tôi vào hầu bên thầy, thấy thầy nằm học tiếng Nhật, hoặc nghe đài tiếng Đức…

Thời kỳ thầy mới về chùa Già-lam ở Sài Gòn, thầy kiến thiết thư viện, mở lớp dạy luật, giáo lý và cổ ngữ, sinh ngữ… Người học từ đông đến thưa dần, rồi giải tán, thầy cũng đi theo “một cuộc lữ”.

2

Lúc tuổi hoa niên, chặng đường thế học của tôi dang dở, toán-lý yếu toàn diện. Nghĩ rằng, vào chùa những thứ đó chẳng cần chi, vui với câu kinh tiếng kệ sớm hôm là được. Nhưng tôi đã giật mình khi gặp thầy, được thầy giảng cho nghe về kiến thức toán, lý, khoa học não… liên hệ đến giáo nghĩa uyên áo trong Tam tạng thánh giáo. Ngày nay trong giáo dục học đường của Phật giáo Việt Nam, kể cả hai tông phái lớn là Phật giáo Bắc tông và Nam tông, người am tường về tri kiến này gần như không có.

Tôi nêu một vài điểm giáo lý mà thầy dạy cho tôi. Đơn cử, luận Câu-xá (阿毘達磨俱舍論 1, T29n1558, p. 4b3) dẫn “Do tức lục thức thân, vô gián diệt vi ý (由即六識身, 無間滅為意 – ṣaṇṇām anantarātītaṃ vijñānaṃ yad dhi tan manaḥ), nghĩa: “Thức nào trong sáu thức, khi thành quá khứ vô gián, thức ấy chính là ý”. Thầy giảng, khi chúng ta nhìn một đóa hoa, ánh sáng mặt trời phản chiếu từ đóa hoa, đi thẳng vào mắt chúng ta, với tốc độ 300.000 km/s, cùng hàng tỷ hạt ánh sáng photon mỗi giây xuyên qua đồng tử người nhìn. Các hạt ấy đi vào võng mạc. Trong võng mạc, 100 triệu tế bào hình nón bắt đầu hoạt động. Các tế bào của võng mạc được cấu thành bởi vô số các phân tử. Các phân tử trong võng mạc tiếp tục truyền đến các nơron trong não dạng dòng điện truyền lan từ nơron này đến nơron khác. Các dòng điện không ngừng lưu chuyển trong các mạch nơron, khởi phát những luồng phân tử có nhiệm vụ truyền đi các tín hiệu và dòng điện nổ lép bép khắp nơi. Trong vòng vài phần nghìn giây hình ảnh đóa hoa được tái hiện trong não của chúng ta, cuối cùng chúng ta nhìn thấy nó.

Hiện tượng “dòng điện nổ lép bép khắp nơi” chính là tín hiệu điện hóa học chuyển tải thông tin bởi nhiều nơron, trong Câu-xá lý giải “vô gián diệt” – diệt sinh không gián đoạn, khi cái trước chìm xuống mất thành quá khứ thì chính lúc ấy là “ý” hình thành, mà trong Duy thức gọi là mạt-na (manas) hay thức thứ 7, tức “cái tôi” đang thấy đóa hoa.

Năm 2016, tôi ra chùa Linh Sơn, Vạn Giã (Khánh Hòa, Việt Nam) dự lễ Tự tứ và Vu-lan, nhân tiện tôi thỉnh thầy giảng cho tôi nghe về “Thập huyền môn” (mười huyền môn) do nhà sư Pháp Tạng (643-712) Tổ thứ ba của tông Hoa nghiêm thiết lập thời nhà Đường, tại Trung Hoa. Trong đó, huyền môn đầu tiên là “Đồng thời cụ túc tương ưng môn 同時具足相應門”. Nghĩa là nói về vạn vật đồng hiện hữu và hiện khởi. Tất cả đều hiện hữu không có sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và vị lai… hợp nhất thành một thực thể, theo quan điểm viên dung.

Thầy nói rằng, đây là giáo lý chứng minh nhân quả đồng thời, tuy nhiên người xưa nêu ra, nghiêng về lý nhiều hơn là sự. Bởi vì, một người đứng soi gương, xung quanh có nhiều tấm gương, chúng ta thấy tất cả hình của mình hiện trong các tấm gương cùng một lúc, song ánh sáng đi có trước có sau không thể đồng thời. Nhưng nếu chúng ta vay mượn thuyết cơ học lượng tử thì có thể chứng minh điều này, gọi là “liên đới lượng tử” là hiện tượng trong đó một cặp hạt nào đó có sự liên kết với nhau về trạng thái lượng tử (vị trí, xung lượng, spin, …). Nếu một hạt trong cặp này được xác định là có một trạng thái nhất định nào đó thì qua đó người ta có thể dự đoán trạng thái của hạt còn lại. Cơ học lượng tử đã trao cho không gian đặc tính tổng thể. Các khái niệm “ở đây” và “ở kia” trở nên vô nghĩa vì “ở đây” đồng nhất với “ở kia”. Các nhà vật lý gọi đó là tính “không tách được”. Thuyết “liên đới lượng tử” hay còn gọi là “rối lượng tử”, “vướng víu lượng tử” (Quantum entanglement) là do nhà vật lý người Ireland là Bell (John Steward Bell, 1928 – 1990) thiết lập, cho nên nó còn tên “bất đẳng thức Bell”. Và theo Phật học, nói nhân quả có đồng thời, tức một người vừa phát tâm Bồ-đề là nhân thì quả có ngay trong đó. Trong A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận (6, p. 33a22) đã chứng minh điều này, gọi là thủ quả (取果) và dữ quả (與果). Thủ quả là nhận quả, như một người nào đó vừa tạo nghiệp thì quả liền thành hình, nghiệp là nhân, bất cứ sát-na nào nghiệp vừa thành hình thì quả có ngay lúc ấy, gọi là thủ quả. Thời gian có điều kiện cho ra quả, gọi là “dữ quả” (cùng có kết quả). Nghiệp và quả vẫn là đồng thời. Mặc dù, quả có sau, chờ điều kiện chuyển biến nhưng nghiệp vừa tạo có quả ngay tức thì. Nếu học thuyết này áp dụng vào cuộc sống giáo dục, hay khảo sát các hiện tượng xã hội có thể giúp ích cho con người, như nhìn một ai đó đang sống với việc làm, hành động ra sao… sẽ dự đoán được tương lai của họ.

Thầy kể, thời gian thầy ở tù, thường nhờ Phật tử bên ngoài mua sách toán gửi vô cho thầy đọc và nghiên cứu. Thầy nói, càng lớn tuổi, có nhiều phương trình toán học cấp Đại học thầy quên dần không giải được. Về toán học đối với tôi thì “mù tăm” mà nghe thầy bàn về toán, nhắc tới từ “hàm sóng sụp đổ” khiến tôi phấn khích vô cùng.

3

“…Một cọng cỏ non yếu ớt, cố vươn mình đón bắt ánh sáng cho lẽ sống, dưới sức nặng tàn bạo của khối đá vô tri lầm lì… Người viết đi theo định nghiệp của mình. Hay của cả dân tộc?… Từ đó cho đến nay, một, hoặc nhiều thế hệ đã ra đi, biến mất trong bóng tối của đêm dài sinh tử; nhiều thế hệ mới ra đời. Phôi bào trong Như Lai tạng vẫn liên tục kết rồi rã, thành rồi hoại. Dòng tương tục vẫn tiếp nối không ngừng. Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng.”

Đó là lời tựa thầy viết năm Phật lịch 2543, trong bản kinh “Thắng-man giảng luận”. Tôi vẫn hiểu thầy, thầy luôn nghĩ, dù xã hội đi đến chỗ tan nát và tuyệt vọng, giáo dục vẫn là niềm tin sau cùng còn sót lại.

Mùng chín tháng tám năm Quý mão.
Tâm Nhãn



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/09/2011(Xem: 11582)
Tôi cảm động, vì sống trong đạo giải thoát tôi đã tiếp nhận được một thứ tình thiêng liêng, trong sáng; một thứ tình êm nhẹ thanh thoát đượm ngát hương vị lý tưởng...
12/09/2011(Xem: 3711)
Hồ Biểu Chánh (1884–1958), tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên; là một nhà văn tiên phong của miền Nam Việt Nam ở đầu thế kỷ 20. Ông sinh năm 1885 (trong giấy khai sinh ghi ngày 1 tháng 10 năm 1885) tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ học chữ Nho, sau đó chuyển qua học quốc ngữ, rồi vào trường trung học ở Mỹ Tho và Sài Gòn. Năm 1905, sau khi đậu Thành chung, ông thi vào ngạch ký lục của Soái phủ Nam Kỳ; làm ký lục, thông ngôn, thăng dần đến đốc phủ sứ (1936), từng giữ chức chủ quận (quận trưởng) ở nhiều nơi. Ông vốn có tiếng thanh liêm, yêu dân, thương người nghèo khổ.
11/09/2011(Xem: 12550)
Tôi thức dậy trong một sự yên tĩnh như thế ấy ở Pomona. Tiếng chim hót vang rừng những không thể nói là tiếng ồn. Nó lại càng làm cho sự yên lặng thêm sâu hơn về bề sâu là khác.
06/09/2011(Xem: 10756)
Đóa sen, nếu nhìn dưới kính hiển vi và suy luận theo thiên văn học, là nền tảng của vũ trụ và cũng là một phương tiện giúp ta khám phá vũ trụ.
05/09/2011(Xem: 7510)
Điều tôi muốn là con đường đưa đến sự chấm dứt mọi đau khổ, một con đường đã được khám phá hơn hai ngàn năm trăm năm nay nhưng mãi đến thời gian gần đây tôi mới ý thức được nó.
05/09/2011(Xem: 6248)
Tinh thần Hoa Nghiêm từng dạy một câu rất thâm sâu nhưng chỉ cần lắng tâm là có thể nắm bắt được. Đó là: “Khoảnh khắc chứa đựng thiên thu”. Mỗi phút giây là mỗi thách thức của ta qua sự hiện hữu ở cõi Ta Bà này. Ta phải nghĩ thế nào để có chánh niệm, thở thế nào để có tỉnh thức, sống thế nào để có an lạc. Bước được một bước chân vào Tịnh Độ thì cần gì trăm năm?! Khoảnh khắc đó chính là thiên thu đấy.... Đức Phật là tiêu biểu tuyệt hảo về Từ, Bi, Hỷ Xả. Đó là Tứ Vô Lượng Tâm toàn bích, không một tỳ vết, thể hiện qua suốt cuộc đời thị hiện ta-bà của Ngài.
01/09/2011(Xem: 2781)
Lữ khách một mình trên lối mòn vào thung lũng An-nhiên. Núi rừng trùng điệp miền Bản-ngã-sơn huyền bí, nhàn nhạt ánh mặt trởi trên bóng lá thâm u. Mơ hồ đâu đó phảng phất khói lam ai đốt lau làm rẫy dưới sườn non.
31/08/2011(Xem: 13094)
Cám ơn nàng. Nàng đã đem lại cho ta SỰ THẬT. Nàng đã cho ta thấy cái phi lý của tưởng tượng. Ta sẽ không còn ôm giữ một hình ảnh nào, vì Phật đã dạy: Pháp còn phải bỏ huống chi phi pháp.
29/08/2011(Xem: 7076)
Cha cô vẫn nói, cô giống mẹ từ chân tơ, kẽ tóc, vừa xinh đẹp, vừa tài hoa. Cha thương nhớ mẹ bao nhiêu là yêu quí cô bấy nhiêu.
29/08/2011(Xem: 14162)
Bàng bạc khắp trong tam tạng kinh điển, hằng hà sa số mẩu truyện, đức Phật thường nhắc đến sự liên hệ giữa Ngài và các đệ tử, giữa chúng sanh và Ngài trong những kiếp quá khứ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]