Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

30_Sau Giấc Mơ Trường Sơn (bài của Cư Sĩ Trần Kiêm Đoàn)

28/10/202311:04(Xem: 6096)
30_Sau Giấc Mơ Trường Sơn (bài của Cư Sĩ Trần Kiêm Đoàn)


on tue sy-new

SAU GIẤC TRƯỜNG SƠN

Bài viết của Cư Sĩ Trần Kiêm Đoàn
Do Phật tử Diệu Danh diễn đọc






Một ngày mùa Thu, thi sĩ Trần Trung Đạo từ Boston gọi báo tin về sức khỏe của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ ở Việt Nam đang ở vào tình trạng mong manh nhất từ trước tới nay. Dù câu chuyện trao đổi trên điện thoại liên quan thời sự và Phật sự, nhưng mối quan tâm đậm nét vẫn là Thầy Tuệ Sỹ. Ở chặng tuổi đời 80, tuổi đạo 70, thời gian dù chỉ là bóng câu qua cửa sổ, là chỗ dựa rất tương đối và chủ quan để làm phương tiện đo lường độ lớn, tầm cao và chiều sâu của một nhân vật; nhưng cũng ít nhiều có độ bám trong một khung cảnh lịch sử như Việt Nam qua bao thăng trầm biến động. Trong đó, đạo Phật Việt Nam đã đồng hành với đất nước và dân tộc dù thế sự có thăng trầm đến mức độ nào.



Đề tài chính là việc thực hiện cấp tốc một Kỷ Yếu đặc biệt về Thầy Tuệ Sỹ với ước mong Thầy sẽ có dịp đọc qua giữa lúc Thu sang với những cơn gió heo may vô thường đang thấp thỏm đánh thức giấc mơ Trường Sơn…



Viết về Thầy Tuệ Sỹ thật khó bởi mộng mà rất thực, hàn lâm mà chân quê, uyên bác như rừng thẳm mà nhẹ nhàng như giấc mơ trong quán trọ bên đường. Kiến thức và tác phẩm của Thầy có thể chất đầy giá sách trong tàng kinh các; nhưng thơ Thầy trong vắt và miên man phong trần như hồn… du thủ. Người lạ yêu thơ lần đầu đọc thơ Tuệ Sỹ sẽ đắm đuối trong một xứ thơ trùng điệp và phiêu hốt của một gã làm thơ lãng tử đa tình và không hề hay biết thi nhân là một tu sĩ vì không có một câu chữ nào làm dáng mẫn tuệ bằng những danh từ Phật học thời thượng.



tong quan-ve nghiep-tue sy


Kẻ đang viết đôi dòng nầy cũng đã gặp khó một lần tương tự khi anh Văn Công Tuấn từ Đức báo cho biết là Thầy Tuệ Sỹ đang chuẩn bị in tác phẩm đậm tính hàn lâm biên khảo, đó là cuốn Tổng Quan Về Nghiệp. Thầy muốn có nhận định của ba người ở ba nơi là Đỗ Hồng Ngọc (Việt Nam), Cao Huy Thuần (Pháp) và Trần Kiêm Đoàn (Mỹ) để in vào phần nhận định trước bìa sách. Tuy với thời gian và số câu chữ giới hạn, người viết cũng làm xong chút việc được giao nhưng đọc lại sau khi sách đã phát hành bỗng thấy mình viết lách “mô phạm” khô khan quá đối với một tác giả với kho chữ nghĩa trùng trùng duyên… dáng như Thầy Tuệ Sỹ!




Lần nầy, tôi lòng dặn lòng là phải viết ra một ý tứ gì đó cho thật tươi mát. Ngôn ngữ mang nhiều cảm xúc trực tiếp và nguồn tình cảm đầy biểu tượng nhất là thi ca, là những vần thơ chăng. Nếu cần một dáng “yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu…” thì có kinh Thi hơn 3 nghìn năm trước. Ôm thơ theo trăng để vào cõi vĩnh hằng có Lý Bạch và đành trầm mình xuống sông Mịch La vì không can gián nổi quân vương thì có Khuất Nguyên từ hơn 2 nghìn năm trước và bất chấp thử thách gian nguy để bày tỏ cho được tâm bồ đề bất thối chuyển của mình vì quý Đạo, thương Đời thì có Tuệ Sỹ thời nay.



Nhớ lần đầu gặp Thầy Tuệ Sỹ trước hiên chùa Từ Đàm Huế, tôi còn mường tượng ra hình ảnh “chú Tuệ Sỹ” mặc chiếc áo dài nâu có vá một miếng nhỏ trên vạt áo trước. Dáng Chú nhỏ nhắn đứng khuất trong đám đông người nhưng ôn Châu Lâm và Ôn Từ Hiếu vẫn tìm gặp và khen: “Giỏi lắm, thông minh lắm!” Đôi mắt Chú sống động và to như tỏa sáng cả khuôn mặt gầy gò. Ngày ấy, Chú chỉ mới là một học tăng xuất sắc nhưng phải chờ đến khi vào Nam, tiếp cận với thế giới học thuật của Phật giáo ở các chùa viện và đại học Vạn Hạnh mới phát huy hết khả năng uyên bác và tài hoa sáng tạo về triết học, Phật học cùng văn chương qua nhiều ngôn ngữ. Sinh sau 3 tuổi, tôi chỉ được gặp Chú một lần trực tiếp từ thời trung học, đã hơn 60 năm trước, cho đến hôm nay. Thế nhưng sự vươn lên dũng mãnh của Chú làm cho thế hệ của chúng tôi phải lặng mình suy gẫm. Cái “tri thức dũng mãnh” của Chú là dám tìm sinh lộ cho đạo và đời bằng tri thức thiên phú đã đành nhưng với cả sức mạnh tinh thần như Trường Sơn đối bóng tử sinh. Sự dấn thân đáng quý nhất dành cho đời, cho đạo với cả tâm trong và tuệ giác là vô úy thí, chấp nhận sự vắt kiệt tinh anh của chính bản thân mình để tưới tẩm cho màu hoa đạo và hương vị tâm linh ngát hương và tươi mới. Đó là biểu tượng cho cuộc hành trình đi tìm nghĩa sống như chàng Tất Đạt ngày xưa hiến hoa gấm riêng mình cho hạnh phúc của tha nhân.








Thế hệ Chiến tranh Việt Nam (Những người sinh trong khoảng sinh từ 1930 đến 1960) là một “thế hệ mất hướng” mà ở phương Tây gọi là một “Thế hệ Biến mất” (Lost Generation). Biến mất đối với tâm lý phương Tây là mất đi điệu sống bình thường như nổi loạn, đi lính phục vụ chiến tranh, học hành dang dở, từ chiến trường thương tật trở về hay đối mặt sau cuộc chiến là định kiến, chủ nghĩa, cực đoan… Sự biến mất đau xót nhất là mất hết nghĩa khí, niềm tự hào và ý nghĩa sống của thiên chức nhân sinh mà chỉ còn thân phận làm người. Sự mất hướng đối với thế hệ Chiến tranh Việt Nam là hệ quả mang tính hậu chấn sau một cuộc chiến vươn lên để tự tồn của đất nước với sự hy sinh quá lớn lao của thế hệ đàn anh và toàn đất nước mà xã hội và thế hệ đàn em khó chia sẻ trọn vẹn. Tìm một ngôn ngữ chung cho một thế hệ đang qua và thế hệ kế thừa đang đến là niềm trăn trở không của riêng ai.



Khi thực tại mất hướng thì còn chăng là những giấc mơ… trong thơ!

Cả sơn hà đại địa nầy có phù du hay trần trụi đến mức nào cũng đáng sống khi còn một giấc mơ. Có chăng một Giấc Mơ Trường Sơn mà Thầy Tuệ Sỹ đang mơ:

Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng

Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều

Đặc biệt là bên cạnh hơn 60 tác phẩm biên khảo và dịch thuật, một tập thơ duy nhất của Thầy Tuệ Sỹ được xuất bản là Giấc Mơ Trường Sơn cũng đủ đưa Thầy vào hàng thi sĩ tài danh trên chiếu hoa cạp điều của nền Thi Ca Việt Nam.

Loanh quanh đại dương rồi cũng trở về sông lạch. Sống muôn năm rồi cũng trở lại canh tàn. Nhắc đến thơ là nhắc đến những niềm vui, nỗi buồn; những số phận vinh quang và cay đắng của thơ. Những quả đời chín mọng của một thuở làm thơ tình và những trái rụng khô khan của một thời làm thơ điếu như có niềm vui trong nỗi buồn, thanh xuân trong tàn úa và nụ cười trong chớp mắt…



Chợt nghĩ đến dòng sinh diệt , chúng tôi có dịp nhắc đến hình thức Sinh Điếu ở Trung Hoa (生前葬), Nhật (Seizensō) và Mỹ (Living Funeral Service). Tuy mang nhiều mục đích và ý nghĩa khác nhau nhưng cùng có một hình thức tương tự là làm lễ “truy niệm” cho một nhân vật đang còn sống để hình dung hình ảnh và cảm tưởng ngày người đó thật sự qua đời. Sinh điếu tuy ít thấy ở Việt Nam nhưng cũng được giới quý tộc và nghệ sĩ thời xưa tổ chức trong bầu không khí vui vầy thân hữu qua hình thức đàn ca ngâm vịnh và xướng họa thơ văn. Thời cận đại, giai thoại văn chương Huế còn nhắc lại lễ sinh điếu của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 - 1961) năm 75 tuổi và người viết sinh điếu thi (living eulogy poem) là nhà thơ yêu nước mà cũng trào lộng tài hoa Thảo Am Nguyễn Khoa Vy (1891-1968). Hai bạn hiền ngâm thơ “điếu tang” nhau trong tiếng cười rộn rã…

Tưởng người xưa và nhớ người nay, không gì hơn là vui với tâm hồn rộng mở, kính với lòng trân quý sâu xa, trọng với tâm thái an hòa ngưỡng mộ và nhớ với niềm hướng vọng chân thành. Theo dòng thi văn điếu, trong nhiều năm qua tôi đã làm điếu thi và điếu văn cảm niệm nhiều nhân vật thời danh và người yêu kính đã vĩnh viễn ra đi như một nén hương tưởng niệm hương linh Người vừa tạ thế: Huynh trưởng Võ Đình Cường, ca sĩ Hà Thanh, Ôn Mãn Giác, cư sĩ Trần Quang Thuận, Ôn Huyền Quang, thi sĩ Kiêm Thêm, Ôn Trí Quang, Ôn Nhất Hạnh… và nhiều thân hữu vô danh hay thành danh đã để lại niềm tâm cảm sâu xa trong lòng người ở lại khi nghe tin hiền nhân danh sĩ qua đời. Nhưng thi điếu hay văn điếu chỉ có người sống còn ở lại đọc cho nhau nghe thôi, trong khi đối tượng của những dòng văn thơ tâm tưởng chỉ còn mơ hồ là tro thân ngũ uẩn. Tấm thân sinh diệt vô hạn kỳ, đi cũng là về, nên khái niệm lạc tịnh trong thú vui sinh điếu tưởng cũng nên nhắc lại với chính mình và thế hệ đương lai.

Hôm nay, kẻ hậu sinh theo bóng nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy – người đã làm Sinh Điếu Thi tặng thi hữu Hương Bình Thúc Giạ Thị lúc sinh thời – để làm sinh điếu thi kính tặng Thiền sư Thích Tuệ Sỹ. Và biết đâu sẽ có một nụ cười nào đó khiến Thầy vui mà còn ở lại nhiều năm nữa với túi thơ chưa cạn… Sau Giấc Trường Sơn.



on tue sy-new-2



SINH ĐIẾU THI VIẾNG THẦY TUỆ SỸ

Nhật nguyệt vương heo may

giữa mùa thu Đông - Tây,

Ngô đồng một lá rụng, trời đất cùng vào thu.

Thu là Xuân khi mỗi lá rơi đẹp như một bông hoa vừa nở…

Người ra đi mùa thu, lá đang rụng là hoa đang trổ:

“Lời tiễn biệt nói gì sau tiếng hát,

Hỏi phương nào cho nguyện ước Trường Sơn.”



Nhớ hương xưa…

Thầy đã đến và đã ra đi từ vạn cổ,

Mỗi kiếp đời là một bước uyên nguyên:

Tiểu kiếp kia mặc áo hồ cừu,

Tiểu kiếp nầy mặc áo cà sa,

Tiểu kiếp nọ mặc hoàng bào…

Muôn tiểu kiếp vạn ta bà thế giới,



Hơn bảy mươi năm trước,

Chú Thương vượt Trường Sơn tìm nẻo Đạo,

Paksé, Nam Lào, Quảng Bình, Lao Bảo…

Núi thẳm, rừng thiêng, truông dữ, mặc đèo cao:

Vĩnh quyết, nhất tâm, nương mình Phật đạo.



Thắng duyên một thuở,

Huế trầm lắng, đơn sơ,

Mà được xem là kinh đô Phật giáo.

Bởi mái chùa và viện chủ là… Ôn:

“Ôn” là Ông mà cũng là ôn nhu, ôn hòa, ôn nhã, ôn hậu, ôn tồn…

Nên đã nhận và đặt pháp danh sa di 7 tuổi đời là Tuệ Sỹ.



Tuệ thông thái mà phát huy danh Sỹ,

Nên uyên thâm tài trí song toàn,

Đại tạng, hàn lâm, nội điển, kinh tàng…

Hán, Phạn, Pháp, Anh, Nhật, Đức… ngữ văn,

Quán thông triệt giữa trường văn thế đạo.



Thích Tuệ Sỹ:

Tuổi đôi mươi (1964) đã tốt nghiệp đại học Phật giáo,

Tuổi thanh xuân (1970) thành giáo sư đại học do những công trình nghiên cứu uyên thâm.

Tuổi trung niên: Một cõi tài hoa văn đàn thi phú,

Biên và dịch nhiều danh phẩm Đông Tây kim cổ...

Đạo và đời tương tác nhân văn.



Chiên đàn hương hỷ lạc,

Vườn hoa tâm thơm ngát là thơ.

Lời phiêu hốt bi hùng như sóng cả…

Giấc mơ Trường Sơn và những chân trời tuyệt lạ,

Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng



Lịch sử sang trang,

Sư về bên cổ tích.

Từ tâm trong thế cuộc can qua,

Sách vở văn chương một thời xa lạ,

Nhân thế trông nhau qua những cặp kính màu.

Một thân thế một tâm hồn bên góc trời miên viễn,

Không ẩn tàng mà xuất xử với năm châu.



Cửa Thiền không khép,

Giữa cuộc bể dâu.

Thời thế, thế thời, thế thái biết về đâu;

Bát Nhã xuất ly; Đại Bi nhập thế,

Cõi tâm hư thao thiết tìm cầu:

Là tu sĩ không chỉ nguyện cầu,

Là thi nhân thơ càng dậy sóng…

Là học giả tay không nghìn phương trượng,

Quyết dấn mình ngọc bối vớt nông sâu.

Nước trong không sợ bẩn tay,

Cây ngay không sợ chết đứng;

Nên đã trải qua mấy bờ sinh diệt,

Nắng dọi, Thu về, vĩnh kết vẫn hôm nay!



Thầy Tuệ Sỹ,

Hòa thượng thiền sư Tuệ Sỹ,

Nhà thơ học giả Tuệ Sỹ,

Nhiều tên gọi một phiến đời kẻ sĩ,

Đã trùng trùng nối tiếp bước chân qua.

Nhậm vận thịnh suy – thăng trầm thành bại,

Giữa vàng thau lẫn lộn cõi Ta Bà.



Và cứ thế phiêu linh vời vợi,

Cứ an nhiên như đã về đã tới!

Xuất thì vui hồn nhiên như ngày mới,

Xử thì hoàn không về quán niệm cõi Tây Phương.



Thầy đó…

Chiều êm vắng tiếng dương cầm tịch tĩnh,

Mắt nhắm mơ hồ thư pháp rọi kinh xưa.

Có chín phẩm hoa sen như nụ cười phụ mẫu,

Sen nở thấy Phật trọn niềm vui,

Bồ tát viên dung là bạn lành.



Cuộc đời là quán trọ,

Nẻo về là thiên phương.

Nên trong Nẻo Về dặn dò giải thoát:

Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn,

Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về?



Kính bạch Thầy:

Hôm nay, ngày mai, ít lâu hay lâu lắm về sau:

Sẽ có một ngày Thầy ra đi không về nữa;

Như đời thường hết thảy đã đi qua:

Bởi “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử…”

Không lại hoàn không nắng xế trăng tà.



Trong diệu lý Khổ, Duyên, Không;

Tam pháp ấn Thế tôn truyền dạy:

Chúng con được cung nghinh

Và tiễn biệt Thầy.

Nam mô Quán niệm Tâm không

Niết bàn Tự tại Bồ tát.




Sacramento, Đêm Trung Thu 2023

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn


Ghi chú: Những câu chữ nghiêng và ở trong ngoặc kép là thơ của Thầy Tuệ Sỹ và cổ thi.

🙏🙏🙏🌻🌻🌻🌺🌺🌺🌿🌿🌿💐💐💐




Những Bài Viết Về Ôn Tuệ Sỹ


Đi Vào Cõi Thơ Tuệ Sỹ (Bùi Giáng)

Hai Vị Thiền Sư: Tuệ Sỹ và Lê mạnh Thát (Phạm Công Thiện)

Tuệ Sỹ Đạo Sư - Thơ và Phương Trời Mộng (Nguyên Siêu, trọn bộ 3 tập)
"Tuệ Sỹ Đạo Sư" và Các Phương Trời Viễn Mộng (Cư Sĩ Nguyên Giác)

Ôn Tuệ Sỹ, Bậc Thạch Trụ Thiền Gia (Thích Nguyên Tạng)

Tuệ Sỹ Thiền Sư (Thơ của Thích Chúc Hiền)
Uy vũ bất năng khuất (thơ của Tuệ Kiên)
Đọc Thơ Tù Của Thầy Tuệ Sỹ (Nguyễn Minh Cần)

Giấc Mơ Trường Sơn của Tuệ Sỹ - Món Quà Văn Học Đặc Sắc ...(Bạch Xuân Phẻ)

Những Phương Trời Viễn Mộng - Khung Trời Tuệ Sỹ (Nguyên Đạo Văn Công Tuấn)
Thị Ngan Am (Thơ của Quảng Diệu, Nhạc của T Viên Giác Phi Long)

Thầy Tuệ Sỹ: Như Một Vầng Trăng Sáng (Cư Sĩ Nguyên Giác)

Giáo dục vẫn là niềm tin sau cùng còn sót lại (Thích Tâm Nhãn)
Nhân duyên tôi biết thầy Tuệ Sỹ (HT Thích Thái Hòa)
Chén Trà Lão Triệu Châu (BS Đỗ Hồng Ngọc)

Sau Giấc Mơ Trường Sơn (Cư Sĩ Trần Kiêm Đoàn)

Thích Tuệ Sỹ, khuôn mặt tiêu biểu của văn hóa Việt Nam (Trần Hữu Thục)






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/08/2015(Xem: 3485)
Chuyện sẽ không có gì để nói nếu hôm đó cô Susanne không mang mấy cánh hoa vào phòng làm việc của tôi. - Anh có muốn cắm mấy cánh hoa này trong phòng không? - Vì sao? Ở đâu cô có vậy? - Trong phòng họp ngày hôm qua, mấy người khách họ mang đến. - Sao tôi không thấy? - Tại tôi dồn hai bình vào một. - Vậy thì cứ để ở phòng của cô đi. Mấy cái hoa sẽ vui hơn khi nó ở trong phòng cô chứ? - Mới đầu tôi cũng nghĩ thế, nhưng ngày mai tôi bắt đầu đi nghỉ hè rồi. - Ừ thì cũng được, tùy cô. Nhưng cô nghĩ nên để ở đâu? - Trên bàn làm việc của anh, kế bên hình ông Phật đó. - Không được. Cô biết, hoa cũ và không tươi chúng tôi không mang cúng Phật đâu. - Thế anh muốn để đâu? - Ừ... để suy nghĩ!
27/08/2015(Xem: 4730)
Kinh đô ánh sáng, thành phố mộng mơ của Pháp quốc vào mùa hè năm nay đã là điểm hẹn của những người con Phật đa số là tỵ nạn từ bốn châu kéo về. Họ đến đây để làm gì nhỉ? Có liên quan gì đến ngôi chùa Khánh Anh nổi tiếng với nhiều kỷ lục nhất trong những ngôi Chùa của cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại. Nào là ngôi Chùa to nhất, mái Chùa mang nhiều nét văn hóa nhất, chi phí xây cất ngất ngưởng nhất đến 23 triệu Euro và thời gian xây dựng lâu nhất đến 2 thập niên của một kiếp người. Nhưng ưu việt nhất vẫn là được dự lễ Đại Tường của cố Hòa Thượng Minh Tâm, người với những công trạng to lớn gắn liền với ngôi Chùa Khánh Anh nhiều kỷ lục ấy.
21/08/2015(Xem: 4179)
Tuy vườn sau nhà tôi ở hướng tây, mùa hè nóng thế mà góc vườn vẫn không đến nỗi nào, nhờ có vách tường đá dựng cao và cây mộc lan cổ thụ với những tán lá rộng che kín hai phần ba khu vườn. Chim, thỏ, sóc và nai vẫn tìm đến mỗi ngày. Nhất là nai, sáng sớm chim chưa kịp hót, người chưa ai dậy đã nghe tiếng chân nai bước lạo xạo trên đásỏi. Chúng vào tìm ăn những nụ hồng.
01/08/2015(Xem: 4791)
Ngọn đồi không cao nhưng diện tích khá rộng. Nếu đi bộ một vòng quanh chân đồi, cũng mất gần một ngày. Cây cối trên đồi đã được đốn hạ trụi lủi từ năm năm trước để tiến hành công trình xây dựng ngôi chùa, đạt kỷ lục là có chánh điện rộng lớn nhất nước; bên cạnh đó, lại thêm một kỷ lục là có tượng Phật tọa thiền vĩ đại nhất châu lục. Thế nên, khi công trình xây dựng hoàn tất, nhìn từ xa, chỉ thấy ngôi chùa nguy nga với mái ngói xanh đỏ và tượng Phật to lớn thếp vàng nhũ lóng lánh, nổi bật giữa trời mây, không còn thấy ngọn đồi. Ngoài chánh điện, nơi đây còn có nhiều tòa nhà rộng lớn, bao gồm tiền sảnh, hậu sảnh, tăng xá, tàng kinh các, bảo tàng viện, tăng quán, v.v… với ngói lợp nhập cảng và cột kèo chạm trổ tinh vi, tiếp nối liền lạc nhau tạo nên một quần thể kiến trúc qui mô, chiếm hết diện tích ngọn đồi, từ chân lên đỉnh, từ mặt trước đến mặt sau.
12/07/2015(Xem: 9585)
Từ trong tâm khảm mình con cảm ơn mẹ đã cho con một lần sinh, một lần ra đời. Mẹ đã nâng niu nhẹ nhàng từng bước đi chậm chạp, lúc cất tiếng khóc chào đời.
16/06/2015(Xem: 17026)
Thuở xưa, tại khu rừng Daliko bên bờ sông Đại Hằng, có cây bồ-đề đại thọ, ngàn năm tuổi, vươn lên cao, xòe tán rộng, che phủ cả một vùng.
07/06/2015(Xem: 11815)
Tối qua con bé cháu nội 3 tuổi nhảy lên lòng, hai tay úp chặt quyển sách vào mặt nó rồi nói : Đố bà nội tìm thấy bé. Bà nội bày đặt nói : Ủa bé đi đâu mà bà nội tìm không thấy. Nó cười ngặt ngoẹo, làm bà nội phải ôm chặt nó cho nó khỏi té. Nó lại tiếp tục: Bà nội tìm đi, tìm coi bé trốn ở đâu. Rồi lại úp kín mặt vào cuốn sách. Bà nội nói không biết nó trốn ở đâu là nó lại cười. Cứ thế mà nó kéo cả 20 phút chưa chán. Thấy nó cười nhiều quá, bà nội phải chịu thua, nó nói bé trốn trong quyển sách. Nó lấy quyển sách ra rồi lại líu lo. Bé trốn trong quyển sách mà bà nội tìm không thấy, rồi nó cười như nắc nẻ. Tiếng cười trong vắt thì thôi.
06/06/2015(Xem: 4417)
Với địa vị và tiền tài sẵn có Hoạn Thư đã cùng mẹ soạn thảo một âm mưu thâm độc để bắt cóc Nàng Kiều, ra tay là một bọn Khuyển, Ưng thuộc dòng xã hội đen chuyên nghiệp. Họ tạo hiện trường giả “người chết“ sau khi đã đốt nhà và mang vật chứng Thúy Kiều đi giấu nhẹm trong dinh quan Lại Bộ. Trước khi mở màn vở tuồng “Ghen kiểu Hoạn Thư“ lừng danh kim cổ, người viết có vài lời bàn Mao Tôn Cương cho người phụ nữ có bản lãnh phi thường ấy. Thiên hạ cứ đồng hóa nhân vật Hoạn Thư với hai chữ “ghen tương“ tầm thường, mà không để ý đến khả năng ứng xử tuyệt vời trong mọi tình huống của nàng.
31/05/2015(Xem: 5566)
Người phụ nữ tóc bạc trắng, đã 57 tuổi, lam lũ với công việc bán trứng vịt và chuối ở chợ Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) vừa nhận bằng cử nhân Luật vào ngày 10-5. Bà là PhạmThị Kim Hoa, ngụ ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt. Bà có 4 người con, lập gia đình trễ nên con trai lớn mới học năm thứ nhất của Trường Cao đẳng Cao Thắng (TP. Hồ Chí Minh), 3 con còn lại đang học bậc phổ thông.
24/05/2015(Xem: 6533)
Tình Trong Đóa Hoa, là tác phẩm được diễn lại hình ảnh của tiền thân Đức Thích Ca Mâu Ni trong vô lượng A –tăng-kỳ kiếp, tên Tất Đạt, con trai duy nhất trong gia đình tin Phật, hết lòng tôn kính Tam Bảo, phụng Phật. Vì vậy mà sau khi biết được Đức Phật Nhiên Đăng về thuyết pháp tại bản huyện, cách nhà cả chục cây số, chàng Tất Đạt liền xin phép mẹ đến nghe Đức Phật NHIÊN ĐĂNG thuyết pháp. Trên đường đi, Tất Đạt ghé vào những nơi bán hoa sen bên vệ đường, để mua hoa cúng dường lên Phật Nhiên Đăng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]