Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 27: Các Thiền sư nổi tiếng không thuộc bất cứ tông phái nào

01/11/202121:59(Xem: 6572)
Quyển 27: Các Thiền sư nổi tiếng không thuộc bất cứ tông phái nào

canh duc truyen dang luc

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC

QUYỂN 27

Sa-môn Đạo Nguyên đời Tống soạn

Việt dịch: Lý Việt Dũng

 

 

NGƯỜI ĐẠT NGỘ CỬA THIỀN TUY KHÔNG XUẤT THẾ NHƯNG CÓ DANH TIẾNG: 10 người.

1- Thiền sư Bảo Chí Kim Lăng

2- Đại sĩ Thiện Huệ Vụ Châu

3- Thiền sư Tuệ Tư Nam Nhạc

4- Thiền sư Trí Khải Thiên Thai

5- Hòa thượng Tăng Già Tứ Châu

6- Vạn Hồi Pháp Vân công

7- Thiền sư Phong Can Thiên Thai

8- Hàn Sơn Tử Thiên Thai

9- Thập Đắc Thiên Thai

10- Hòa thượng Bố Đại ở Minh Châu

11- Tạp cử trưng niêm, đại biệt ngữ của chư phương.

 

 

 

THIỀN SƯ BẢO CHÍ Ở KIM LĂNG

 

Thiền sư Bảo Chí ở Kim Lăng, là người Kim Thành (Nay là Cú Dung Giang Tô), họ Chu. Thuở thiếu niên, sư xuất gia tại chùa Đạo Lâm, tu tập Thiền định. Buổi đầu niên hiệu Thái Thỉ nhà Tống (465), sư hốt nhiên cử chỉ không nhất định ăn uống vô chừng, tóc xòa quá gối, đi chân đất, chống gậy Thiền trên đầu gậy giắt một cây dao cùng mang xiềng xích bằng đồng có lúc mang một tấm vải hai thước, phiêu nhiên sái thoát, siêu dật chẳng thậm thường. Mấy ngày sư không ăn, không uống, nhưng nét mặt không hề lộ vẻ đói khát. Sư thường ca ngâm và lời ca đượm nét sấm ký. Sĩ tử và thứ dân cho sư là bậc khác thường, hết mực tôn sùng.

Năm thứ bảy, niên hiệu Vĩnh Minh nhà Tề (489), Tề Võ Đế lấy tội danh yêu ngôn gạt gẫm người, bắt sư nhốt vào nhà ngục ở Kiến Khương (Một tên khác của Nam Kinh). Tưng bửng sáng hôm sau, người ta thấy sư đi vào chợ, nhưng kiểm soát nhà ngục thì thấy sư vẫn còn nguyên trong đó. Quan huyện lệnh Kiến Khương đem việc tâu lên Võ Đế. Đế bán tin, bán nghi, thỉnh sư vào hậu đường trong cung mà cúng dường. Sư trụ tại vườn Huê Lâm, bỗng nhiên ngày kia mặc đổ tang, thân mang ba lớp áo vải, đầu đội ba cái mũ tang, mà cũng không ai biết từ đâu sư có các thứ đó. Sau đó không lâu thì Dự Chương vương và thái tử Văn Huệ đều qua dời, khiến Võ Đế sanh chán dời và nhà Tề cũng do đó mà tới hồi mạt vong. Những chuyện thần kỳ của sư khiến cung đình cảm thấy hết sức sợ hãi, bèn hạn chế không cho sư hành động tự do, lại ngăn cấm không cho sư tùy tiện ra vào. Mãi khi Lương Cao Tổ tức vị hạ chiếu rằng: ‘Chí Công tuy hình tích bụi bặm dơ bẩn, nhưng tinh thần ngao du nơi thái hư, nước lửa không thể làm ngài ướt hay khô, rắn rít, hùm beo không thể xâm phạm, khiến ngài sợ sệt. Xét Phật lý của ngài thì từ bậc Thanh văn trở lên, xét dấu tích chìm ẩn của ngài thì đúng là bậc cao nhân, độn tiên, há lại dùng hình thức của tục sĩ thường tình mà hạn chế hành vi của ngài sao? Thật là bỉ lậu đến như thế. Rồi đó, Đế trừ bỏ lệnh cấm chế sư.

Lương Võ Đế một hôm hỏi sư:

- Đệ tử bị phiền não mê hoặc, thỉnh sư có biện pháp huyền diệu nào đối trị không?

Sư đáp:

- Thập nhị.

Có kẻ thức giả bàn rằng, đó chỉ là thập nhị nhân duyên, là thuốc hay để trị mê hoặc. Võ Đế không hiểu lại hỏi chỉ ý của Thập nhị. Sư nói:

- Chỉ ý tại chữ ghi thời khắc ở đồng hồ.

Có kẻ sĩ hiểu chuyện cho là chỉ ý của Thập nhị là trong mười hai thời thìn phải tinh tấn không được lười nhác tu tập thì mới thể đắc. Võ Đế lại hỏi:

- Đệ tử lúc nào thì có thể tịnh tâm tu tập?

Sư nói:

- An lạc cấm.

Có kẻ sĩ hiểu việc cho rằng nghĩa của chừ ‘Cấm’ là ‘dừng’, vậy câu đó nói tu tập tới lúc nào thân tâm an lạc thì dừng.

Sư còn riêng chế tác 24 thủ thi nói về chỉ thú của Thiền tông gọi là ‘Đại thừa tán’, thịnh hành trong đời. Mùa đông năm Thiên Giám thứ mười ba (514), lúc sắp ra đi, sư bỗng dặn môn nhân đem tượng thần Kim Cang trong chùa để ra ngoài, lại bí mật nói với mọi người:

- Bồ tát sắp rời xa.

Chưa đầy 10 ngày sau, sư không bệnh mà mất, toàn thân thơm phức. Trưóc đó, lúc sắp lâm chung, sư đốt một cây nến giao cho xá nhân Ngô Khánh. Ngô Khánh đem việc đó tâu lên Võ Đế dùng hậu lễ an táng sư tại gò Độc Long ở Chung Sơn, bên phần mộ lập tinh xá. Đế lại sắc cho Lục Thùy viết bài minh khắc tại mộ, Vương Quân khắc bi văn tại cổng chùa, lại truyền bá di tượng của sư khắp xứ.

Ban đầu, sư hiển lộ kỳ tích là ở độ tuổi năm sáu mươi, nhưng đến khi viên tịch vẫn không thấy già, thành ra mọi người không thể đoán được sư bao nhiêu tuổi. Nhưng có một ông lão tên Dư Tiệp Đạo, tuổi 93, tự xưng là em bên ngoại của sư, nhỏ hơn sư 4 tuổi, do đó mà đoán rằng lúc lâm chung, đại khái sư 97 tuổi.

Sắc thụy là Diệu Giác Đại Sư.

 

 

ĐẠI SĨ THIỆN HUỆ Ở VỤ CHÂU

 

Đại sĩ Thiện Huệ là người huyện Nghĩa Ô Vụ Châu (Nay là Chiết Giang). Năm thứ tư niên hiệu Kiến Vũ nhà Tề (497), ngày mùng 8 tháng 5 năm Đinh Sửu, đại sĩ giáng sinh vào nhà Phó Ông. Năm thứ mười một niên hiệu Thiên Giám nhà Lương (512), đại sĩ 16 tuổi, cưới con gái nhà họ Lưu tên Diệu Quang, sanh được hai người con trai là Phổ Kiến, Phổ Thành. Năm 24 tuổi, đại sĩ cùng người làng ra bãi sông Kê Đình bắt cá. Sĩ đem cá bắt được bỏ vào giỏ, mở nắp rồi nhận dưới nước, khấn:

- Con nào đi cứ đi, con nào ở thì ở.

Người đương thời đều cho đại sĩ là đứa ngu.

Lúc bấy giờ, có một vị tăng người Tây trúc tên Đạt Ma (còn gọi là Tung đầu đà) đến nói:

- Ta cùng ông từ thời Phật Tỳ Bà Thi đã phát tứ hoằng thệ nguyện, giờ đây trên cung Đâu Suất y bát vẫn còn đó, mà chừng nào ông mới trở về chốn cũ đây?

Đạt Ma bảo đại sĩ hãy đến bên bờ nước mà nhìn ảnh mình, nhưng lại chỉ thấy một Bồ tát đứng trong nước, dưới cây lọng quí, chiếu sáng rạng rỡ diệu hòa. Đại sĩ bèn nói với Đạt Ma.

- Bên cạnh ông bể lò rèn đổ đống cứt sắt, trước cổng nhà lương y có lắm bệnh nhân. Phổ độ chúng sanh là một việc lớn, há có thể hưởng thú vui trên thiên đường ru?

Đạt Ma chỉ trên đỉnh Tòng Sơn nói:

- Ông có thể ở trên ấy đấy.

Đại sĩ từ đó cày sâu, cuốc bẩm mà sống. Ngài có bài kệ:

Nguyên văn:

空 手 把 鋤 頭

步 行 騎 水 牛

人 從 橋 上 過

橋 流 水 不 流

Phiên âm:

Không thủ bả sừ đầu

Bộ hành kỵ thủy ngưu

Nhân tùng kiều thượng quá

Kiều lưu thủy bất lưu.

Tạm dịch:

Tay không nắm cán cày

Đi bộ cỡi con trâu

Trên cầu người qua lại

Nước đứng lại trôi cầu.

Có kẻ trộm lúa bắp, dưa trái, đại sĩ liền nhét đầy giỏ cho hắn mang đi. Đại sĩ ban ngày làm lụng, đêm về tu Thiền nhập định. Trong một lần Thiền định, đại sĩ thấy ba đức Như Lai là Thích Ca, Kim Túc, Định Quang, phóng ánh sáng chiếu vào người mình. Đại sĩ nói:

- Ta như đắc định Thủ Lăng Nghiêm, sẽ bỏ hết ruộng vườn, nhà cửa, thi thiết đại hội Vô Già.

Năm thứ hai niên hiệu Đại Thông (528), đại sĩ đem vợ con bán đi được năm muôn tiền, dùng thiết lập pháp hội. Lúc ấy có pháp sư Tuệ Tập nghe pháp khai ngộ nói:

- Thầy Thiện Huệ của tôi chính thật là Phật Di Lặc hóa thân.

Đại sĩ sợ lời đó mê hoặc chúng sanh, nên trách mắng Tuệ Tập phát ngôn không cẩn thận.

Năm thứ sáu niên hiệu Đại Thông (532), ngày 28 tháng giêng, đại sĩ sai đệ tử Phó Vãng dâng thư lén Lương Cao Tổ. Trong thư viết: ‘Dưới cây Song Lâm, đại sĩ Thiện Huệ kính bẩm Bồ-tát Quốc chúa cứu thế, nay xin điều trần thượng, trung hạ ba thứ thiện, mong bệ hạ tiếp thu và hộ trì. Điều thiện trên đại lược là lấy không hoài làm căn bản, lấy chẳng chấp trước làm tông chỉ, lấy vô tướng làm nhân, Niết Bàn làm quả. Điều thiện giữa đại khái lấy trị thân làm căn bản, lấy trị nước làm tông chỉ, lấy an lạc của thiên hạ nhân gian làm quả báo. Điều thiện dưới đại khái lấy hộ dưỡng chúng sanh làm chủ, không để họ tự tàn sát nhau, khiến khắp thiên hạ đều ăn chay kính Phật. Nay nghe hoàng đế sùng tín Phật pháp, mong phát biểu một vài phương cách thô thiển, những e không được như nguyện, nên sai đệ tử dâng thư trước’.

Phó Vãng trước hết đem thư cho quan huyện lịnh huyện Thái Lạc là Hà xương. Hà Xương nói:

- Quốc sư Tuệ Ước còn chưa từng khải tấu Hoàng thượng, Phó Ông đã là người bình dân mà lại chưa phải trưởng lão, chẳng biết lượng mình chút nào, ta làm sao mà dám trình lên vua?

Phó Vãng đốt tay cản đường, hy vọng Hà Xương chấp nhận. Hà xương nhân đó đến chùa Đồng Thái hỏi ý kiến pháp sư Hạo. Pháp sư Hạo khuyên ông ta nên sớm trình lên vua. Ngày 21 tháng 2 Hà Xương trình thư lên Võ Đế. Đế xem thư xong lập tức xuống chiếu nghinh thỉnh Phó Ông.

Sau khi Phó Ông đến, Đế hỏi:

- Đại sĩ từng thờ ai làm thầy?

Đại sĩ nói:

- Thần không có thầy nào để theo, mà cũng không có lai lịch.

Thái tử Chiêu Minh nói:

- Đại sĩ sao không nói Phật pháp?

Đại sĩ đáp:

- Phật pháp chính như Bồ-tát đã nói, không dài mà cũng không ngắn, không rộng mà cũng không hẹp, không hữu biên mà cũng không vô biên, không chấp trước một bên nào cả, chính lý như như thì còn có gì cần phải nói.

Đế lại hỏi:

- Thế nào là chân đế của Phật pháp?

Đại sĩ đáp:

- Tâm dừng mà không diệt.

Đế nói:

- Nếu dừng mà không diệt thì là hữu sắc, mà hữu sắc thì cư sĩ không thể siêu thoát. Nếu như thế cư sĩ không miễn lưu tục.

Đại sĩ nói:

- Ở chỗ tiền tài mà không tham, ở chỗ ghê khiếp mà không sợ.

Đế nói:

- Cư sĩ rất rành sự thế.

Đại sĩ nói:

- Nhứt thiết Phật pháp đều không rơi vào hữu vô.

Đế nói:

- Kính cẩn vâng theo pháp chỉ của cư sĩ.

Đại sĩ nói:

- Trong đại thiên thế giới, tất cả mọi tồn tại hữu hình, sau rốt đều phải hóa nhập vào hư không. Dòng chảy của muôn sông rốt lại đều tuôn ra biển cả, vô lượng diệu pháp rốt lại đều phải nhập vào chân như. Như Lai vì đâu mà được ưu thắng trong ba giới, chín mươi sáu đạo? Chỉ vì ngài nhìn mọi chúng sanh như con đỏ, như tự thân mình. Ngài nhìn thiên hạ chẳng phải đủ đạo để mà an, không phải chẳng đủ lý để mà lạc.

Võ Đế lặng nghe không nói lời nào, đại sĩ liền cáo từ lui ra. Lại một hôm, Đế thỉnh Chí Công giảng kinh Kim cang tại điện Thọ Quang. Chí Công nói:

- Đại sĩ tốt hơn.

Đế thỉnh Đại sĩ. Đại sĩ lên tòa, nhịp bản xướng kinh thành 49 bài tụng.

Năm thứ năm đời Đại Đồng (539), đại sĩ tâu lên Võ Đế, sáng lập chùa Phật tại chỗ ở trên đỉnh Tòng Sơn, nhân trước cổng có hai cây thọ nên gọi là chùa Song Lâm. Hai cây thọ này cành nhánh giao nhau, mây lành quấn quanh, có hai con hạc sống trên đó. Năm Thái Thanh thứ hai (548), đại sị tuyệt thực, định tới ngày Phật đản thiêu thân cúng dường. Đến ngày đó có tăng tục hơn 60 người thế đại sĩ tuyệt thực, thiêu thân, hơn ba trăm người trích máu nơi ngực hòa hương. Bọn họ cực lực thỉnh đại sĩ trụ thế. Đại sĩ từ tâm nghe theo bọn họ. Năm thứ ba niên hiệu Thừa Thánh (554), đại sĩ lại xá bỏ gia tư vì chúng sanh cúng dường tam Bảo mà thuyết kệ rằng:

Nguyên văn:

傾 捨 為 羣 品

奉 供 天 中 天

仰 祈 甘 露 雨

流 澍 普 無 邊(边)

Phiên âm:

Khuynh xả vi quần phẩm

Phụng cúng thiên trung thiên

Ngưỡng kì cam lồ vũ

Lưu chú phổ vô biên.

Tạm dịch:

Bỏ cả vì đại chúng

Phụng cúng thiên trong thiên

Ngưỡng cầu mưa cam lộ

Tuôn xuống khắp vô hiên.

Năm thứ hai niên hiệu Thiên Gia nhà Trần (561), đại sĩ đi vòng quanh cây thọ, cảm thấy bảy Phật Tây thiên cùng bầu bạn đi theo mình, Thích Ca Mâu Ni dẫn đầu, cư sĩ Duy Ma Cật tiếp chót. Phật Thích Ca nhiều lần quay đầu lại nói với đại sĩ:

- Ông hãy thay thế địa vị của ta, tiếp tục huệ mệnh của ta.

Lúc ấy trên núi bỗng vụt lên mây vàng từng đóa, từng đóa, vầng quang như cái lọng, nhân đó gọi núi này là núi Vân Hoàng.

Lúc ấy, pháp sư Tuệ Hòa bỗng nhiên không bệnh mà mất. Tung đầu đà cũng nhập diệt tại chùa Linh Nham trên Kha Sơn. Đại sĩ dự báo với chúng:

- Ông Tung đang đợi ta trên trời Đâu Suất, ta quyết không lưu lại trần thế lâu nữa.

Đương thời cây cối bốn bên đang xanh tươi bỗng nhiên khô héo.

Năm đầu niên hiệu Thái Kiến (569), ngày 24 tháng tư, năm Kỷ Sửu, thị chúng rằng:

- Cái thân thể đáng ghét nầy, là nơi quến tụ thống khổ và phiền não. Phải nên đề phòng ba nghiệp (thân tác, khẩu ngữ, ý tư), nên tinh cần lục độ (Sáu Ba-la-mật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, Thiền định, trí tuệ). Một khi đọa vào địa ngục khó mà giải thoát được, phải thường sám hối.

Lại nói:

- Sau khi ta từ giã cõi đời, không được di dời khỏi giường ta nằm. Bảy ngày sau sẽ có vị thượng nhân tên Pháp Mãnh đến mang theo bức chân dung của ta cùng chuông đến trấn thủ.

Đệ tử hỏi:

- Sư phụ qua đời rồi, hình hài xử trí cách nào?

Đại sĩ nói:

- Đem lên đỉnh ngọn Tòng Sơn mà hỏa thiêu.

Lại hỏi:

- Thiêu không thành thì tính làm sao?

Đại sĩ nói:

- Muôn ngàn lần không nên khâm liệm mà hãy lấp đất lên như cái đàn tế, sau đó mới đem thây để lên trên, lại che bình phong xung quanh, dùng vải là đắp lên, bên trên có thể xây tháp, rồi đem tượng Phật Di Lặc để lên trên.

Lại hỏi:

- Chư Phật Bát Niết Bàn đều nói công đức của mình. Sự phát tích của sư phụ cũng nên nói cho bọn đệ tử nghe với.

Đại sĩ nói:

- Ta từ cõi trời Đâu Suất thứ tư giáng sanh xuống thế giới này để độ các ông, thay thế huệ mệnh của đức Thích Ca Mau Ni. Phó Phổ Mẫn là Văn Thù hóa sanh, Tuệ Tập là Quan Âm giáng thế, Hà Xương là A Nan, cùng nhau đến hỗ trợ cho ta phổ độ chúng sanh. Kinh Đại Phẩm nói: ‘Có Bồ-tát từ trên trời xuống, căn tính mạnh mẽ, lanh lợi, có trí tuệ Bát Nhã’. Điều đó đều ứng tại thân ta.

Nói xong ngồi kiết già mà qua đời, thế thọ 73 tuổi.

Đại sĩ qua đời không bao lâu, quả nhiên có vị thượng nhân tên Pháp Mãnh đem tượng Di Lặc cùng chuông chín vú đến trấn thủ rồi phút chốc sau chẳng thấy hình dạng nữa. Đại sĩ để lại chừng mươi đạo cụ, đến nay hãy còn. Năm thứ chín niên hiệu Thiên Phước đời Hậu Tấn (944), Tiền vương sai sứ yết khai tháp mộ, lấy linh cốt của đại sĩ 166 mảnh, đều lộ màu tử kim, đồng thời cũng lấy luôn đạo cụ của Đại sĩ, giờ đây được bảo tồn tại chùa Kiến Huê ở Long Sơn phía nam bổn thành, nhưng vẫn lấy linh cốt đắp tượng.

 

 

THIỀN SƯ TUỆ TƯ Ở NAM NHẠC

 

Sư họ Lý, người Vũ Lăng, trên đảnh đầu có thịt lọn. Sư có tướng trâu đi, voi ngó, từ thuở nhỏ đã nổi tiếng từ bi, dung thứ trong thôn xóm. Sư từng nằm mộng thấy ông tăng Ấn độ khuyên nên xuất gia, bèn từ giã song thân nhập đạo. Sau khi thọ giới cụ túc xong, sư thường tập tọa Thiền, mỗi ngày chỉ ăn một buổi, tụng kinh Pháp Hoa cùng các kinh khác cả ngàn biến. Lại xem kinh Diệu Thắng Định, tán thán công đức Thiền-na, bèn phát tâm lên đường tìm bạn đạo. Lúc đó, Thiền sư Tuệ Văn có môn đồ mấy trăm (Thiền sư Văn nhân chọn mò lấy nhằm quyển Trung Quán Luận này là do Tổ thứ mười bốn ở Tây Thiên là Long Thọ soạn, nên sư đã bẩm báo Tổ từ xa) bèn đến thọ pháp, đêm ngày nhiếp tâm tọa hạ qua năm, ba ngày, thu hoạch được túc trí thông, càng thêm dũng mãnh, về sau, gặp chướng khởi, tay chân mềm nhũn ra không thể đi bộ được, sư nghĩ: ‘Bệnh từ nghiệp mà sanh ra mà nghiệp lại do tâm khởi. Nguồn tâm mà không khởi, ngoại cảnh có làm gì được. Nghiệp với thân như ảnh mây’. Thế rồi tự quán mình, tưởng điên đảo diệt, được khinh an lại như cũ.

Hạ an cư mãn, cũng chưa có gì sở đắc, trong lòng thầm hổ thẹn, buông thân dựa tường. Lưng chưa dựng vách, bỗng nhiên khai ngộ. Môn tối thượng thừa của Pháp Hoa tam-muội chỉ một niệm là minh đạt. Nghiên cứu tập luyện càng lâu, quán lúc trước càng tăng rất nhiều, danh và hạnh của sư đồn xa, người học ngày ngày càng kéo đến, sư kích lệ không biết mệt mỏi. Nhưng do cơ cảm quá nhiều và có phần bề bộn nên sư lấy các pháp định huệ của cả tiểu lẫn đại thừa, tùy căn khí mà dẫn dụ, khiến tập từ nhẫn hạnh, phụng giới Bồ-tát tam tựu, y phục chỉ bằng vải, mùa lạnh thì thêm đốt ngãi.

Khoản niên hiệu Thiên Bảo đời Bắc Tề, sư thống lãnh đồ chúng đi về phương nam. Nhân gặp loạn Hiếu Nguyên đời Lương phải tạm dừng lại ở núi Đại Tô. Kẻ trọng pháp, coi thường mạng sống mạo hiểm đến rất đông, chật cả núi rừng. Sư thị chúng rằng:

- Nguồn đạo không xa, biển tánh cũng gần, nhưng phải kiếm nơi mình, đừng tìm bên ngoài. Tìm tức không, mà nếu được cũng chẳng phải thứ thiệt.

Sư có kệ rằng:

Nguyên văn:

頓 悟 心 源 開 宝 藏

隐 現 灵 通 現 真 相 

獨 行 獨 坐 常 魏 魏

百 億 化 身 無 數 量

縱 令 偏 塞 滿 虚 空

看 時 不 見 為 塵 相

可 笑 物 兮 無 比 況

口 吐 明 珠 光 晃 晃

尋 常 見 說 不 思 議

一 語 標 名 言 下 當

Phiên âm:

Đốn ngộ tâm nguyên khai bảo tàng

Ẩn hiện linh thông hiện chân tướng

Độc hành, độc tọa thường nguy nguy

Bách ức hóa thân vô số lượng

Túng linh bức tắc mãn hư không

Khán thời bất kiến vi trần tướng

Khả tiêu vật hề vô tỷ huống

Khẩu thổ minh châu quang hoảng hoảng

Tầm thường kiến thuyết bất tư nghị

Nhất ngữ tiêu danh ngôn hạ đương

Tạm dịch:

Đốn ngộ nguồn tâm mở bảo tàng

Dấu lộ linh thông hiện chân tướng

Ngồi đi một mình thường chớn chở

Trăm ức hóa thân khó nổi lường

Nay dù o ép khắp hư không

Lúc nhìn chẳng thấy một trần tướng

Khá cười vật kia không tỷ huống

Miệng nhả minh châu sáng khôn lường

Tầm thường thấy nói chẳng tư nghì

Một tiếng tiêu biểu ngay lời đương.

Lại có kệ khác:

Nguyên văn:

天 不 能 蓋 地 不 載

無 去 無 來 無 障 礙

無 長 無 短 無 青 黄

不 在 中 間 及 内 外

超 羣 出 衆 太 虚 玄

指 物 傳 心 人 不 會

Phiên âm:

Thiên bất năng cái địa bất tái

Vô khứ vô lai vô chướng ngại

Vô trường vô đoản vô thanh hoàng

Bất tại trung gian cập nội ngoại

Siêu quần xuất chúng thái hư huyền

Chỉ vật truyền tâm nhân bất hội.

Tạm dịch:

Trời chẳng thể che đất không chở

Chẳng tới chẳng lui chẳng chướng ngại

Chẳng dài chẳng ngắn không xanh vàng

Không ở chính giữa cùng trong ngoài

Siêu quần hơn chúng rất hư huyền

Chỉ vật truyền tâm người không toại.

Ngoài ra thì tùy gõ mà ứng. Lấy tiền của đạo tục thí cúng làm kinh Bát Nhã và Pháp Hoa bằng chữ vàng. Lúc đó chúng thỉnh sư giảng hai bộ kinh ấy, sư theo văn mà lý giải. Lại bảo môn nhân là Trí Húc giảng thay mình, cho đến một tâm muôn hạnh. Có kẻ nghi thỉnh sư quyết. Sư nói:

- Cái mà ông nghi đó là ý trước sau của đại phẩm kinh chớ không phải chỉ ý đốn tiệm của kinh Pháp Hoa. Ta trước kia trong một hạ niệm liền đốn phát các pháp thấy trước đó. Ta đã thân chứng, chẳng nhọc lòng nghi.

Trí Khải tức tham thủ hành Pháp Hoa, năm bảy ngày liền ngộ.

Chú: Trí Khải tức Trí Giả đại sư giáo chủ Thiên Thai.

Ngày 23 tháng 6 năm thứ sáu niên hiệu Đại Quang nhà Trần sư từ núi Đại Tô đem hơn 40 tăng sĩ đi đến Nam Nhạc. Sư nói:

- Ta gởi thân núi nầy chỉ 10 năm thôi, về sau tức chỉ chuyên viễn du. Ta hồi kiếp trước từng đạp chân đến đây.

Sư đi tới Hành Dương gặp một chỗ suối, rừng đẹp đẽ dị thường. Sư nói:

- Đây là chùa xưa mà kiếp trước ta từng ở.

Bèn bảo đào, xem thấy nền móng vẫn còn nguyên. Sư lại chỉ dưới hang núi nói:

- Khi xưa ta tọa Thiền nơi đó, giặc cướp chém đầu ta.

Mọi người tìm thấy dưới đó có một bộ xương người.

Từ đó hóa đạo càng thêm thạnh. Chúa nhà Trần nhiều lần đến ủy lạo cúng dường, coi là bậc đại Thiền sư.

Sư sắp qua đời, gọi môn nhân nói rằng:

- Nếu như có mười người không tiếc thân mạng, thường tu Pháp Hoa, Bát Nhã, niệm Phật tam-muội Phương Đẳng, sám hối ở kiến giải, tùy hữu sở tu, ta tự cung cấp. Nếu không có người đó ta tức đi xa vậy.

Lúc ấy đại chúng thấy việc tu khổ hạnh là chuyện khó khăn, nên chẳng có ai đáp lời. Sư bèn gạt chúng ra mà qua đời. Tiểu sư Vân Biện gào thét, sư mở mắt nói:

- Ông là ác ma. Ta đang ra đi, sao lại làm kinh động, phương hại đến ta vậy? Kẻ si ngốc đi ra đi.

Nói dứt lời là ra đi mãi. Lúc ấy mùi thơm lạ đầy thất, trán nóng, thân mềm mại, sắc mặt như thường ngày. Đó là ngày 22 tháng 6, nhằm năm thứ chín niên hiệu Thái Kiến. Phàm các trước thuật của sư đều do miệng nói thẳng, chẳng cần sửa chữa gọt giũa lại gì cả, đó là Tứ Thập Nhị Môn 2 quyển, Vô Tránh Hạnh Môn 2 quyển. Thích Luận Huyền Tùy, Tự Ý An Lạc Hạnh và Thứ Đệ Thiên Yếu Tam Trí, Quan Môn Ngũ Bộ mỗi thứ một quyển, đều thạnh hành nơi thế.      

 

 

THIỀN SƯ TRÍ KHẢI (TRÍ GIẢ)

Chùa Tu Thiền Núi Thiên Thai

 

Sư họ Trần, người Huê Cốc Kinh Châu. Mẹ là Từ thị lúc mới có mang, mộng khói thơm năm màu quấn quanh bụng. Đêm sanh ra sư, ánh sáng lành chiếu sáng lan qua các nhà lân cận. Sư còn trẻ thơ đã có tướng kỳ lạ, da dẻ chẳng nhận bụi nhơ. Lúc 7 tuổi, sư vào chùa Quả Nguyện, nghe tăng tụng phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa, liền tự đọc theo, rồi bỗng nhớ lại, lời văn 7 quyển, rành rành như đã nghiên tập từ bao giờ vậy. Năm sư 15 tuổi, lễ bái tượng Phật, lòng thề xuất gia. Lại nằm mộng thấy một ngọn núi lớn ở cạnh bờ biển. Trên đỉnh núi có một ông tăng vẫy tay ngoắc, rồi đưa sư vào một ngôi chùa nói:

- Ông phải ở đây và qua đời tại đây.

Năm 18 tuổi, sư mất cả cha mẹ, nương theo tăng Pháp Tự ở chùa Quả Nguyện mà xuất gia. Năm 20 tuổi, thọ giới cụ túc. Niên hiệu thứ nhất Càn Minh nhà Trần (1), sư tham yết Thiền sư Tuệ Tư núi Đại Tô Quang Châu. Tuệ Tư vừa thấy liền nói:

- Kẻ trước đây cùng ta nghe giảng kinh Pháp Hoa ở núi Linh Thứu giờ lại đến rồi.

Chú (1): về niên đại này bản đời Nguyên chép là đời Trần Thiên Gia, bản đời Minh chép là đời Tề Càn Minh.

Bèn chỉ dạy Phổ Hiền đạo tràng, cùng thuyết Tứ An Lạc Hạnh. Sư nhập quán năm bảy ngày, thân tâm khoát nhiên, định tuệ dung hợp, những điều thông hiểu trước dần dần ngầm phát lộ ra, chỉ tự biết mà thôi, bèn đem sở ngộ bạch với Tuệ Tư. Tư nói:

- Chẳng phải ông không chứng, chẳng phải ta không biết. Đây là Pháp Hoa tam-muội tiền phương tiện, sơ Đà-ra-ni đấy. Dù cho có bảo sư văn tự ngàn muôn người cũng không thể cùng chỗ biệt biệt của ông. Ông hãy khéo truyền đăng, đừng làm người chủng tử sau cùng đoạn Phật đấy.

Sư sau khi thừa ấn khả, năm Thái Kiến nguyên niên, giã từ Tuệ Tư đến Kim Lăng xiển hóa, thuyết pháp không lập văn tự, chỉ do biện tài mà thôi, ngày đêm không mệt mỏi. Năm thứ bảy Ất Dậu tạ từ đồ chúng, ẩn cư tại ngọn Phật Lũng núi Thiên Thai. Trên ngọn núi này đã có Thiền sư Định Quang ở từ trước. Quang nói với chúng đệ tử rằng:

- Chẳng bao lâu nữa sẽ có bậc đại thiện tri thức dẫn đồ chúng đến đây.

Sau đó chẳng bao lâu sư đến, Quang nói:

- Còn nhớ kẻ hồi trước vẫy tay gọi không vậy?

Lúc đó, sư mới nhớ lại hồi lễ bái tượng Phật, khiến lòng buồn vui giao tập, bèn cùng nắm tay đi đến am. Đêm đó nghe trên không trung có tiếng chuông và khánh. Sư hỏi:

- Đó là điềm lành gì vậy?

Quang nói:

- Đó là tiếng kẻng tập tăng có tướng được trụ đấy. Đây là đất vàng ta đã ở rồi. Ngọn phía bắc là đất bạc ông nên ở đấy.

Sau khi khai sơn, Tuyên Đế xây dựng Thiền tự, cắt thuế tô của huyện Thỉ Phong để sung chi phí chúng tăng. Kịp khi Tùy Dạng đế thỉnh sư cho nhận giới Bồ-tát, sư chọn pháp danh cho đế hiệu Tổng Trì. Đế bèn ban tứ cho sư hiệu Trí Giả. Sư thường cho rằng kinh Pháp Hoa là Nhất thừa diệu điển, làm thanh thản sự chấp giáo của Hóa thành, thư thích trệ tình của am tranh, quyền môn khai phương tiện, là diệu lý chỉ thị chân thật, hội tiểu hạnh của chúng thiện để qui về nhất thừa rộng lớn. Sư bèn xuất huyền nghĩa, nói Thích danh biện thể, minh Tông, luận dụng, phán năm tầng của Giáo tướng, gọi là pháp dụ tề cử, cho rằng nhất thừa diệu pháp là bản tánh của chúng sanh, tại vô minh phiền não không bị nhiễm, như hoa sen ở nơi sình thúi mà luôn thanh tịnh, nên mới lấy tên hoa sen mà đặt cho tên kinh (Tức kinh Diệu Pháp Liên Hoa). Kinh này khai quyền hiển thật, bỏ quyền tạm lập thật, hội quyền qui thật, như hoa sen, có ý nghĩa ngậm chứa và bung rụng. Hoa sen có nghĩa ẩn hiện thành Phật cũng cho là từ Bổn thùy Tích, nhân Tích hiển Bổn.

Tựa đề kinh chẳng việt pháp dụ nhân, đơn thuần hay trùng phức đầy đủ phàm bảy loại (Đơn thuần ba, trùng phức ba, cụ túc một), nhiếp nhứt thiết nên mới gọi là Diệu Pháp Liên Hoa. Một của phức gọi là ‘Triệu Thể’. Thể tức thật tướng, đó là nhứt thiết tướng ly thật tướng vô thể. Tông tức nhất thừa nhân quả, khai thị ngộ nhập tri kiến của Phật, khá tôn thượng. Dụng tức lực dụng, lấy nghĩa khai phế. Do có lực ấy, rồi sau đó mới phán giáo tướng. Lấy lời thuyết pháp một đời của Như Lai, tổng phán thành ngũ thời, bát giáo. Ngũ thời là: Thời thứ nhất là thời mà lúc đầu Phật mới thành đạo vì các Bồ-tát thượng căn thuyết Hoa Nghiêm. Thứ hai là thời mà Phật vì tiểu căn thuyết A-hàm. Thứ ba là thời sửa thiên lệch, bẽ gãy nhỏ nhoi, khen to lớn, đề cao viên mãn mà thuyết Phương Đẳng. Thứ tư là thời đẳng tướng, khiển chấp thuyết Bát-nhã. Thứ năm là thời hội quyền quy thật, trao tam thừa người và mọi loài chúng sanh thành Phật mà thuyết Pháp Hoa, Niết-bàn. Còn bát giáo là: Hóa nghi tứ giáo (tức: đốn, tiệm, bí mật, bất định); Hóa pháp tứ giáo là tàng (Sanh diệt tứ đế), Thông (Vô sanh), biệt (Vô lượng), viên (Vô tác tứ đế. Chỉ Pháp Hoa viên lý, bèn cho đến sản nghiệp, nhất sắc, nhất hương, vô phi thật tướng). Gồm những điều mà Như Lai đã tuyên thuyết dứt dạt sạch trơn (Bốn chính, ba tiếp rộng như Bổn giáo). Bỏ những cái đó đều là ma nói. Cho nên khi giáo lý đã sáng, trừ quán hạnh ra thì chẳng có gì để phục tính. Bèn y theo lý nhất tâm tam đế chỉ thị tam chỉ, tam quán. Nhứt nhứt quán tâm, niệm niệm mà không thể được, trước không, kế đến giả, sau cùng là trung. Rời hai biên mà quán nhất tâm, như mặt trăng ngoài đám mây. Đó là biệt giáo mà hành tướng vậy. Từng có lần nói: ‘Phá nhứt thiết hoặc không gì bằng không. Kiến nhứt thiết pháp, không gì bằng giả. Cứu cánh nhứt thiết, tính lớn không gì bằng trung. Cho nên nhứt trung, nhứt thiết trung. Không giả, không không nào mà chẳng trung. Không giả cũng thế, tức đó là hạnh tướng của viên giáo, như con mắt thứ ba của Ma Ê Thủ La Thiên chẳng tung hoành tịch biệt’. Tổ thứ 14 Long Thọ Bồ-tát có kệ rằng:

Nguyên văn:

因 緣 所 生 法

我 說 即 是 空

亦 名 為 假 名

亦 名 中 道 義

Phiên âm:

Nhân duyên sở sanh pháp

Ngã thuyết tức thị không

Diệc danh vi giả danh

Diệc danh Trung Đạo nghĩa

Tạm dịch:

Pháp do nhân duyên sanh

Cũng gọi là giả danh

Cũng gọi là giả danh

Cũng là nghĩa Trung đạo.

Các cái đó cùng với kinh Lăng Nghiêm và Viên Giác thuyết (Tam quán: Thiền-na, Xa-ma-tha, Tam-ma-bát) (1). Tam quán viên thành, pháp thân bất tố, tức miễn được chuyện nên mới sáng lập ra nghĩa lục tức, để trừ hẳn hoạn bệnh cho họ. Chúng sanh trong mười pháp giới, thấp nhất là con sâu tiêu minh, cũng đồng thiên bẩm diệu tính. Từ xưa tới giờ đều trụ trong giác thể thanh tịnh, một lý viên mãn bằng nhau (kẻ chấp danh tướng chẳng tin tâm này là Phật, xem qua đây mà sanh tín tâm). Thứ hai danh tự là Phật, tuy lý tính bằng nhau nhưng kẻ theo dòng, ngày ngày dùng bất tri, tức giả ngôn trí ngoại huân, được nghe văn tự mà sanh lòng tin phát giải. Thứ ba, quán hạnh tức Phật là nếu đã nghe tên mà khai giải, đều cần tam quán kể trên mà quay trở lại nguồn. Thứ tư là tướng tự tức Phật, công đức quán hạnh thâm sâu, phát dụng tương tự. Thứ năm phân chân tức Phật là tam tâm khai phát, được dụng chân như, vị vị tăng thắng. Thứ sáu là cứu cánh tức Phật là vô minh dứt mãi mãi, giác tâm viên cực, chứng vô sở chứng. Như trên sáu vị trí nếu đã là Phật, thông cụ pháp báo, hóa báo thân là thân là chính. Tùy cư bốn chỗ mà nương tựa. Bốn chỗ là: ‘Thứ nhất thường tịnh quang, thứ hai thật báo không chướng ngại, thứ ba phương tiện có dư, thứ tư dơ sạch cùng ở’. Kỳ thật tác không thân, không đất, không ưu mỹ mà cũng chẳng tiêm tiện. Nhân do đối cơ mà giả nói thân, đất để phân ưu mỹ và tiêm tiện.

Chú (1): Tam-ma-bát, Skt là samàpatti, dịch âm là Tam Ma-bạt-đề, dịch ý là chánh định hiện tiền, chỉ trạng thái viễn ly hôn trầm, trạo cử, khiến thân tâm đạt được bình đẳng an hòa, là trạng thái an hòa của thân tâm.

Danh mục tuy gọi khác mà lại nhất trí. Đại sư Đạt Ma lấy tâm truyền tâm, chẳng trệ nơi danh từ, con số, trực tiếp bậc thượng thượng căn trí, khiến quên nơm quên ý, cho nên đối với Giáo này đồng mà không đồng. Trí Giả đại sư cùng lý tận tính cửa đầy đủ, cho nên cùng Thiền tông tuy khác mà không khác vậy.

Sư nhân có được thân và thổ dung hiệp nhau cùng quyền tạm và chân thật chẳng ngại, cho nên trong hơn 30 năm ngày đêm tuyên diễn, sanh ra bốn lợi ích, đầy đủ bốn Tấc đàn (Tấc là biến khắp đàn là thí. Thiền sư thí pháp khắp cả, tùy căn cơ mà được lợi ích). Môn nhân là Quán Đảnh ngày ngày ghi chép muôn lời rồi kết tập lại, tổng mục là Thiên Thai Giáo, riêng biệt thì phân ra từng bộ loại (Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Văn Cú Đại Tiểu Chỉ Quán, Kinh Quang Minh, Nhân vương, Tịnh Danh. Niết Bàn, Thỉnh Quán Âm, cùng Tứ Giáo Thiền Môn, có hơn trăm quyển) đời đời truyền trao, thạnh hành vùng Giang Chiết.

Ngày 17 tháng 11 năm thứ mười bảy niên hiệu Khai Hoàng nhà Tùy, đế sai sứ vời sư. Lúc sắp ra đi sư nói với môn nhân rằng:

- Ta nay ra đi là e không có ngày trở lại. Các ông nên thành tựu Phật Lũng Nam tự, nhứt nhứt y theo pháp ta.

Thị giả nói:

- Nếu không có sức sư, há thành tựu được sao?

Sư nói:

- Đây là vương gia vời gọi, các ông thấy, còn ta thì không thấy. (Ban đầu sư định dựng chùa tại Thạch Kiều. Trong lúc thiền định thấy có ba vị thần mặc y phục màu ráng theo một lão tăng nói sư rằng:

- Nếu muốn cất chùa thì hiện nay đây không đúng thời kỳ. Tam quốc hợp nhất sẽ có thí chủ thật bề thế cùng sư dựng chùa. Chùa thành tức nước non thanh bình cho nên cần đặt tên là Quốc Thanh

Nói vừa dứt lời là không thấy. Năm Khai Hoàng thứ mười tám, đế sai quan tư mã Vương Hoằng vào núi y theo bản đồ cất chùa, chừng đó mới thấy ứng nghiệm với lời trước).

Sư ngày 21 dừng trước tượng Phật bằng đá cao trăm thước của chùa Thạch Thành Diệm Đông rồi không đi tới nữa. Đến ngày 24, nhìn thị giả nói:

- Bồ-tát Quán Âm đến đón, chẳng bao lâu nữa phải đi thôi!

Lúc đó, môn nhân Trí Lãng hỏi răng:

- Xin hỏi sanh về nơi nào và ở cương vị gì?

Sư nói:

- Ta không còn lãnh đạo chúng thì sẽ tịnh lục căn. Quên mình để lợi người, chắc là được vào hàng ngũ phẩm.

Chú: Ngũ phẩm đệ tử là cương vị phương tiện của Pháp Hoa Tam-muội, cùng với lời nói khi xưa của Thiền sư Tư Đại phù hiệp vậy.

Sư bảo đem bút tới viết kệ Quán tâm, đoạn nói xong cương yếu của pháp môn là ngồi kiết già qua đời, thọ 60 tuổi, lạp thọ 40. Các đệ tử nghinh đón về Thạch Lũng nham. Tháng 9 năm đầu niên hiệu Đại Nguyện, Tùy Dạng Đế tuần du vùng Hoài Hải, sai sứ đưa đệ tử Trí Tảo, để tên chùa trên biển ngạch, vào núi dự ngày kỵ trai của sư. Đến ngày, tập hợp chư tăng, mở thạch thất, chỉ thấy chiếc giường trống không. Lúc bấy giờ tập hợp 1.000 tăng, đến giờ bỗng dư một người. Mọi người đều cho là hóa thân của sư đến để nhận cúng dường của vua.

Sư từ lúc thọ Thiền Giáo cho đến lúc diệt độ, thường mặc một chiếc nạp cũ rách, đông hạ gì đều chẳng đổi thay, tới lui trụ núi Thiên Thai 22 năm. Kiến tạo đạo tràng lớn, riêng Quốc Thanh là nơi ở sau cùng, kể luôn chùa Ngọc Tuyền ở Kinh Châu là có đến 36 ngôi. Sư độ tăng được 15.000 người, chép kinh đến 15 tạng, tạo tượng hoặc vẽ bằng vàng hoặc đồng đến tám mươi vạn ngài. Sự tích của sư rất nhiều như bổn truyện.

 

 

ĐẠI SƯ TĂNG GIÀ Ở TỨ CHÂU

 

Đời cho rằng sư là ứng hóa thân của Bồ tát Quán Âm. Suy từ gốc thì trong thời quá khứ A-tăng-kỳ kiếp, sư đã gặp đức Quán Âm Như Lai, theo cửa tam tuệ mà vào đạo, lấy âm thanh làm Phật sự, nhưng theo đại chúng có duyên ở đất nước Trung Hoa này thì cho rằng đại sư từ nước Tây Vực sang. Đời Đường Cao Tông, sư đến Lạc Dương Trường An mà hành hóa. Sư đi khắp vùng Ngô Việt, tay cầm gậy dương liễu, hỗn tập trong giới tục lữ. Có người hỏi sư họ gì (Hà tính?), sư đáp:

- Ta họ Hà (tính Hà) (Mà ‘tính hà’ cũng có nghĩa hỏi họ gì?)

Lại có kẻ hỏi sư là người nào, sư đáp:

- Ta người Hà Quốc (‘Hà Quốc nhân’ vừa có nghĩa là người Hà Quốc, vừa có nghĩa hỏi là người nước nào).

Về sau, sư đến vùng Tứ Thượng định cất chùa. Nhân có người họ Hạ Bạt ở Túc Châu dở bỏ nhà đang ở giao sư cất chùa. Sư nói:

- Nơi đây nguyên là chùa Phật thời xưa.

Rồi bảo đào đất, quả được tấm bia xưa ghi là ‘Chùa Hương Tích’, tức ngôi chùa xưa do Lý Long Kiến đời Tề cất. Lại gặp tượng vàng, chúng cho đó là tượng Nhiên Đăng Như Lai. Sư nói:

- Đây chính là tượng của Phật Phổ Quang vương.

Nhân đó lấy tên làm chùa. Năm thứ hai niên hiệu Cảnh Long, Trung Tông sai sứ rước sư vào triều đình, lễ trọng vô cùng, mời trụ chùa Đại Tiến Phước. Đế cùng trăm quan đều xưng đệ tử với sư, giống như với ba vị Độ Tuệ, Nghiễm Tuệ và Ngạn Mộc Xoa. Đế ngự thư biển ngạch chùa bốn chữ (Phổ Quang Vương Tự). Ngày mùng 3 tháng 3 năm Cảnh Long thứ ba, sư thị diệt. Đế lệnh đem về chùa Tiến Phước bôi sơn khắp thân, xây tháp. Bỗng mùi hôi thúi lan tỏa khắp thành. Đế khấn nguyện đem sư về Lâm Hoài. Khấn vừa dứt, hương thơm tỏa ngào ngạt. Đế hỏi Vạn Hồi rằng:

- Đại sư Tăng Già là người nào vậy?

Hồi đáp:

- Là hóa thân của Bồ tát Quán Âm đấy.

Năm Càn Phù, thụy phong Chứng Thánh Đại Sư. Trong khoản Thái Bình Hưng Quốc Hoàng Triều ta (tức Tống Triều), Thái Tông hoàng đế xây cất lại tháp, vô cùng tráng lệ.

 

 

VẠN HỒI PHÁP VÂN CÔNG

 

Sư họ Trương, người Văn Hương Quắc Châu, sanh ra đời ngày mùng 5 tháng 5 năm thứ sáu đời Đường Trinh Quán. Lúc còn tấm bé kêu gào như đứa điên, người trong làng không biết nổi. Hôm nọ, sư bảo gia nhân quét tước nhà cửa vì sẽ có khách quí tới. Trong ngày đó, ngài Tam Tạng Huyền Trang từ Tây Trúc về ghé qua nhà. Công hỏi ngài Huyền Trang phong cảnh Ấn độ rành mạch như đã thấy qua. Ngài Huyền Trang làm lễ quay quanh gọi sư là Bồ-tát. Sư có người anh tên Vạn Niên từ lâu chinh thú tại Liêu Đông xa xăm. Mẹ là Trình thị rất mong tin tức thư từ của Vạn Niên. Sư nói:

- Chuyện này cũng dễ thôi.

Bèn từ giã mẹ để đi Liêu Đông. Đến chiều tối thì trở về, đem theo thư của Vạn Niên. Làng xóm đều kinh dị.

Có vị sa-môn chùa Long Hưng là Đại Minh, từ nhỏ cùng sư là bạn bè cùng nhau đùa bỡn, nên nay sư thường hay lui tới thất của sư Minh, gặp lúc Chính Gián đại phu Lương Sùng Nghiễm ban đêm ghé qua chùa, thấy Công hai bên phải trái đều có thần binh thị vệ, hoảng sợ vô cùng. Sáng hôm sau nói lại với sư Minh, lại hậu thí vàng bạc, lụa là, làm lễ rồi ra đi.

Năm thứ tư đời Hàm Hanh. Cao Tông vời sư nhập nội đạo tràng. Lúc đó, tại nội đạo tràng đã có Phù Phong tăng Mông Hạng là người có lắm điều linh thiêng ở từ trước, luôn luôn nói:

- Hồi đến! Hồi đến!

Tới khi Công đến, lại nói:

- Người thế đến rồi, phải đi thôi.

Chỉ mươi ngày sau là Mông Hạng mất.

Ngày mùng 8 tháng chạp năm Ất Hợi, nhằm năm thứ hai niên hiệu Cảnh Vân, Công mất tại Lễ Tuyền Trường An, thọ 80. Lúc đó hương thơm tỏa ngào ngạt, mình mẩy vẫn mềm như thường, chế vua tặng Tư Đồ Quắc Quốc công, tổ chức ma chay do quan cung cấp. Ngày 15 tháng giêng ba năm sau chôn cất tại chùa Hương Tích Kinh Tây.

 

 

THIỀN SƯ PHONG CAN Ở THIÊN THAI

 

Thiền sư Phong Can ở Thiên Thai, không ai biết quê quán cùng tên họ là gì, chỉ biết sư trụ ở chùa Quốc Thanh trên núi Thiên Thai (Nay là Chiết Giang). Sư cắt tóc ngang mày, mặc quần áo bằng bao vải. Có người hỏi sư Phật lý thế nào, sư chỉ đáp hai chữ ‘Tùy thời’. Sư thường tụng niệm và hát xướng đạo ca, cỡi cọp vào tòng môn, khiến chư tăng khiếp hãi. Ở nhà bếp chùa này có hai ông tăng tu khổ hạnh, một vị tên Hàn Sơn Tử, người kia tên Thập Đắc (Nhặt được). Hai người này ngoài thì giờ quét tước, chỉ chụm đầu nhau một chỗ lén lút to to, nhỏ nhỏ, rồi cười rộ không thôi. Kẻ hiếu kỳ phái vài ông tăng nghe trộm xem hai người nói chuyện gì, rốt lại cũng không thể hiểu nổi họ. Người đương thời nhân đó gọi hai người là ‘kẻ điên khùng’. Chỉ có Thiền sư Phong Can là đặc biệt thân thiết với họ.

Một hôm, Hàn Sơn hỏi:

- Gương xưa không mài, thì làm sao soi được người?

Sư nói:

- Băng hồ không ảnh tượng, vượn khỉ mò trăng đáy nước

Hàn Sơn nói:

- Cái đó cũng chưa soi được, thỉnh sư nói thêm.

Sư nói:

- Tác dụng gì cũng không có, bảo ta nói làm sao?

Hàn Sơn và Thập Đắc đều lễ bái Phong Can. Ngày kia sư tự mình lên Ngũ Đài sơn tuần lễ, trên đường gặp một ông lão, sư hỏi:

- Lão trượng đây há có phải là Bồ-tát Văn Thù chăng?

Ông lão đáp:

- Há có hai Văn Thù sao?

Sư vội thi lễ với ông lão, nhưng nhìn lại đà mất dạng. Sau đó sư trở về núi Thiên Thai và qua đời.

Nguyên ban đầu, Lữ Khâu Dận ra trấn nhậm Đan Khâu, định lên đường thì bỗng bị nhức đầu, mời thầy thuốc đến trị liệu đều vô hiệu.

Lúc đó, sư đến thăm và nói:

- Bần đạo từ nơi Thiên Thai đến để riêng trị bệnh cho sứ quân.

Lữ Khâu bèn đem bệnh tình kể lại cho sư. Sư bảo đem chén nước sạch đến, ngậm nước phun vào đầu Lữ Khâu, bệnh liền khỏi ngay. Lữ Khâu vô cùng kinh dị, hỏi sư thêm:

- Chuyến đi này an nguy thế nào?

Sư nói:

- Sau khi đáo nhiệm nên bái yết hai vị Bồ-tát Văn Thù và Phổ Hiền. Khâu Dận nói:

- Hai vị Bồ-tát đó hiện giờ ở đâu?

Sư đáp:

- Tại nhà bếp chùa Quốc Thanh làm tạp vụ rửa chén bát, là Hàn Sơn và Thập Đắc đấy.

Lữ Khâu bái từ Phong Can.

Chẳng bao lâu, sứ quân đến chùa Quốc Thanh núi Thiên Thai hỏi:

- Trong chùa nầy, có vị Thiền sư nào tên là Phong Can không và Hàn Sơn, Thập Đắc là hai người nào?

Lúc ấy có vị tăng tên Kiều đáp:

- Phong Can trước đây ở phía sau lầu kinh, nhưng nơi đó giờ chẳng có ai cả, còn Hàn Sơn và Thập Đắc thì còn làm việc tại bếp.

Lữ Khâu đến chỗ trước kia lúc sanh tiền Phong Can ở, chỉ thấy dấu chân cọp, chớ không thấy tung tích sư đâu. Lại hỏi tăng Kiều:

- Phong Can trước kia từng ở đây tu hành gì?

Đạo Kiều nói:

- Bất quá chỉ giã gạo cúng dường tăng chúng, rảnh việc là ngâm vịnh thi thơ.

Lữ Khâu đi vào nhà bếp để tìm Hàn Sơn và Thập Đắc, ... (Xem tiếp chi tiết ở truyện Hàn Sơn tại bài kế).

 

 

HÀN SƠN Ở THIÊN THAI

 

Hàn Sơn ở Thiên Thai, không có tên họ. Nguyên tại huyện Thỉ Phong (Nay là Thiên Thai Chiết Giang) đi về phía tây 70 dặm có hai hang núi Hàn và Minh. Nhân Hàn Sơn trước kia ở tại hang núi Hàn mà thành tên. Dung mạo Hàn Sơn vàng héo tiều tụy, ăn mặc vải mảnh tàn tạ, đội vỏ cây hoa làm mũ, mang đôi giày gỗ to tổ bố. Mỗi ngày Hàn Sơn đến chỗ Thập Đắc ở chùa Quốc Thanh ăn chực cơm thừa, canh cặn của chư tăng, hoặc đi chậm rãi nơi hành lang thong dong tự tại, có lúc lại la hét, dức lác om sòm, nhìn lên không chửi đổng. Tăng chúng trong chùa thấy Hàn Sơn như thế, thường vác gậy đánh đuổi. Hàn Sơn né tránh, vỗ tay cười lớn bỏ đi. Tuy Hàn Sơn thốt lời như điên khùng, nhưng xét kỹ rất có ý thú Phật lý.

Ngày nọ, Thiền sư Phong Can nói với Hàn Sơn:

- Ông hãy cùng ta đi lên núi Ngũ Đài để biểu hiện chúng ta chí đồng, đạo hiệp, nếu không thì là chí bất đồng, đạo bất hiệp.

Hàn Sơn nói:

- Ta không đi.

Phong Can nói:

- Ông cùng ta chí bất đồng, đạo bất hiệp.

Hàn Sơn chợt hỏi:

- Sư đi lên núi Ngũ Đài làm gì?

Phong Can nói:

- Ta đến lễ bái Văn Thù.

Hàn Sơn nói:

- Vậy thì ta cùng sư chí bất đồng, đạo không hiệp.

Kịp khi Phong Can qua đời, thái thú Lữ Khâu Dận vào núi tìm hỏi, thấy Hàn, Thập hai người vây quanh lò lửa cười nói, bèn lễ bái họ. Hàn, Thập hai người quát nạt liên hồi. Tự tăng kinh hãi nói:

- Đại quan vì sao mà lại lễ bái hai gã điên khùng nầy?

Hàn Sơn liền chụp tay Lữ Khâu, cười nói:

- Cái gã Phong Can thiệt là lắm mồm mép.   

Sau đó một hồi lâu mới buông ra. Từ đó, Hàn Sơn và Thập Đắc dắt nhau rời khỏi tòng môn, không quay lại chùa nữa.

Lữ Khâu lại đến hang Hàn bái yết, tặng y phục, thuốc men Hàn, Thập, nhị sĩ đều lớn tiếng quát nạt:

- Giặc! Giặc!

Hai người họ lại rút mình trong khe nứt cửa hang, chỉ lưu lại một câu nói:

- Mong các vị tự nỗ lực.

Khe nứt đó bít liền lại. Lữ Khâu thập phần ai mộ hai kỳ sĩ Hàn, Thập, ra lệnh cho tăng Kiều tìm di vật của hai người, tại trong rừng tìm được thi tụng viết trên lá cùng thi từ viết trên vách nhà dân ở thôn dã cộng lại có trên 300 bài truyền bố trong đời. Thiền sư Tào Sơn Bổn Tịch từng chú thích thơ của Hàn Sơn, gọi là ‘Đối Hàn Sơn Tử thi’.

 

 

THẬP ĐẮC Ở NÚI THIÊN THAI

 

Thập Đắc ở núi Thiên Thai, cũng không biết tên họ là gì. Nhân một lần tản bộ trong núi, Thiền sư Phong Can nghe tiếng trẻ con khóc tại bên đường ở Xích Thành. Theo tiếng khóc, sư tìm thấy một đứa bé ước chừng vài tuổi. Ban đầu, sư tưởng là trẻ chăn bò, chừng hỏi lại mới biết là bị đem bỏ nơi hoang dã. Sư do đó mới gọi tên bé là Thập Đắc (nhặt được), đem về giao cho điển tọa (1) nói:

- Nếu có ai đến lãnh thì trả lại nhà người ta.

Chú (1): Điển tọa là chức vụ của tăng lo việc cơm cháo cho chúng trong chùa.

Sau đó, sa-môn Linh Tập (Dập) làm quản sự, giao cho Thập Đắc coi đèn nhang ở nhà ăn. Bỗng một hôm, Thập Đắc nhảy lên bàn cúng ở bửu tòa, ngồi đối diện với tượng Phật mà ăn cơm. Lại kêu tượng đức Bồ-tát Kiều Trần Như trên tòa rằng:

- Thanh văn tiểu quả!

Tăng chúng thập phần kinh khủng, lôi xuống đánh đuổi đi. Linh Tập phẫn nộ nói với các vị tôn túc trong chùa đề nghị miễn trừ trách vụ hương đăng, phạt tội xuống nhà bếp rửa chén đũa cho đại chúng. Chính vì vậy mà Thập Đắc và Hàn Sơn mới kết duyên. Mỗi ngày khi tăng chúng ăn xong, Thập Đắc vét cơm thừa, canh cặn, đựng trong một cái ống, sau đó Hàn Sơn đến vác đi ăn. Ngày nọ, Thập Đắc đang quét sân, tự chủ hỏi:

- Ông tên là Nhặt được (Thập Đắc), chính do Thiền sư Phong Can ẳm về, thế ông họ là gì? Nhà cửa ở đâu?

Thập Đắc quăng cây chổi, chấp tay đứng sững. Tự chủ không biết cứu cánh thế nào. Hàn Sơn đấm ngực khóc nói:

- Ối trời ôi! Ối trời ôi! (Thương thiên! Thương thiên!)

Thập Đắc hỏi:

- Ông làm thế để chi?

Hàn Sơn nói:

- Ông đừng có nói không từng nghe nói: ‘Người nhà bên đông chết, người hàng xóm liền vách tới trợ tang’.

Hai người họ vừa khóc vừa cười, tay quơ, chân múa nhẹ nhàng ra đi.

Có miếu thần hộ pháp già lam, mỗi ngày cơm canh trong nhà bếp thường bị quạ ăn, Thập Đắc dùng Thiền trượng khỏ tượng thần hộ pháp nói:

- Ông thức ăn còn không biết hộ, nói gì đến hộ pháp già lam.

Tối đó, thần báo mộng cho tăng chúng cả chùa rằng:

- Thập Đắc đánh ta.

Sáng ra, chư tăng kể lại mộng đều giống nhau, cả chùa đều xôn xao, viết điệp báo châu huyện đến bắt Thập Đắc. Châu huyện tư công văn rằng: ‘Hiền sĩ là Bồ-tát hóa thân, như nay ẩn lánh, nên lập tinh biểu, gọi Thập Đắc là Hiền sĩ’. Lúc đó, tăng Kiều ái mộ, sao chép văn cú của Hàn Sơn, cùng với thơ của Thập Đắc tương họa.

 

 

HÒA THƯỢNG BAO VẢI

(Huyện PHỤNG HÓA MINH CHÂU)

 

Hòa thượng Bao vải (Bố Đại) ở huyện Phụng Hóa Minh Châu (Nay là Chiết Giang) không rõ họ gì, tự xưng tên là Khế Thử. Sư thân hình phì nộn, trán vồ, bụng phệ. Sư ăn nói vô định, bạ đâu ngủ đó, thường dùng gậy Thiền quảy một cái bao vải, cũng rách te tua, phàm vật dụng tùy thân đều thồn vào trong đó. Sư đi vào thành thị hay thôn xóm, gặp gì xin nấy, không kể mặn lạt, chua cay, hoặc cá ương, thịt thúi, hễ vừa nhận qua tay là đút liền vô miệng, chỉ chừa chút đỉnh bỏ vào trong bao tải. Nhân đó người đương thời gọi sư là Hòa thượng Bao vải Trường Đinh Tử.

Đời sư có nhiều chuyện lạ, như sư từng nằm trong tuyết mà tuyết chẳng dính thân, ai cũng lấy làm lạ. Hoặc sư xin người nào là hàng hóa của người ấy bán chạy ngay. Sư dự đoán chuyện cát hung cho người không bao giờ sai chạy. Như trời sắp mưa thì sư biết trước, mang đôi dép cỏ không ướt đi nhanh trên đường. Hoặc như trời đang quang tạnh, nhưng sư xỏ đôi guốc gỗ cao gót, lên trên cây cầu ở chợ ôm gối mà ngủ. Thét rồi dân chúng nơi ấy nhìn sư ăn vận thế nào để biết trước hôm nay trời quang tạnh hay mưa dầm. Có ông tăng đi phía trước, sư liền níu lưng ông tăng. Tăng quay đầu lại, sư nói:

- Cho ta một văn tiền.

Tăng nói:

- Nói được đạo lý, tức cho ông một văn.

Sư bỏ bao vải xuống, chấp tay mà đứng.

***

Hòa thượng Bạch Lộc hỏi:

- Thế nào là Bao Vải?

Sư liền bỏ bao vải xuống, lại hỏi:

- Thế nào là hạ sự của bao vải?    

Sư quảy bao vải lên đi khỏi.

***

Hòa thượng Bảo Phước hỏi:

- Thế nào là đại ý của Phật pháp?

Sư bỏ bao vải xuống đứng chấp tay. Bảo Phước lại hỏi

- Chỉ có cái đó hay còn hướng thượng sự?

Sư quảy bao vải lên lưng bước đi.

***

Sư đứng ở đầu đường, có ông tăng hỏi:

- Hòa thượng đứng đây làm gì?

Sư nói:

- Đợi một người.

Tăng nói:

- Đến rồi! Đến rồi!

Sư nói:

- Ông không phải người đó.

Tăng hỏi:

- Thế nào mới là người đó?

Sư nói:

- Cho ta một văn tiền.

Sư có bài ca rằng:

Nguyên văn :

只 面 心 心 心 是 佛

十 方 世 界 最 灵 物

縱 橫 妙 用 可 憐 生

一 切 不 如 心 真 實

騰 騰 自 在 無 所 岛

閑 閑 究 更 出 家 兒

若 毵 目 前 真 大 道

不 見 織 毫 也 大 奇

萬 法 何 殊 心 何 異

何 勞 更 用 尋 經 義

心 王 本 自 絕 多 和

智 者 之 明 無 學 地

非 凡 非 聖 復 若 乎

不 彊 分 別 聖 情 孤

無 償 心 珠 本 圊 淨

凡 是 異 相 忘 空 呼

人 能 弘 道 道 分 明

無 量 清 高 稱 道 情

檇 錫 若 登 故 国 路

莫 愁 諸 處 不 聞 耸

Phiên âm:

Chỉ cá tâm tâm tâm thị Phật

Thập phương thế giới tối linh vật

Tung hoành diệu dụng khả lân sanh

Nhất thiết bất như tâm chân thật

Đằng đằng tự tại vô sở vi

Nhàn nhàn cứu cánh xuất gia nhi

Nhược đỗ mục tiền chân đại đạo

Bất kiến tiêm hào dã đại kỳ

Vạn pháp hà thù tâm hà dị

Hà lao cánh dụng tầm kinh nghĩa

Tâm vương bổn tự tuyệt đa hòa

Trí giả chi minh vô học địa

Phi phàm phi thánh phục nhược hồ

Bất cương phân biệt thánh tình cô

Vô giá tâm châu bổn viên tịnh

Phàm thị dị tướng vong không hô

Nhân năng hoằng đạo đạo phân minh

Vô lượng thanh cao xưng đạo tình

Huề tích nhược đăng cố quốc lộ

Mạc sầu chư xứ bất văn thinh.

Tạm dịch:

Chỉ có tâm tâm tâm là Phật

Mười phương thế giới tối linh vật

Dọc ngang diệu dụng khá lân sanh

Tất cả chẳng gì bằng chân thật

Đủng đỉnh tự tại chẳng làm chi

Nhàn nhàn cứu cánh xuất gia nhi

Trước mắt nếu là chân đại đạo

Chẳng thấy mảy may cũng lạ kỳ

Muôn pháp nào khác tâm nào lìa

Nhọc thay lại tính tìm kinh nghĩa

Tâm vương giống như tuyệt đa hòa

Người trí chỉ rành vô học địa

Chẳng phàm chẳng Thánh lại nhược hồ

Chẳng ép phân biệt Thánh tình cô

Tâm châu vô giá bổn viên tịnh

Phàm là dị tướng vọng không hô

Người năng hoằng đạo đạo phân minh

Vô lượng thanh cao gọi đạo tình

Cầm gậy quay về đường nước cũ

Chớ buồn chốn chốn chẳng nghe thinh.

***

Sư có bài kệ:

Nguyên văn:

一 钵 千 家 飯

孤 身 萬 里 遊

青 目 靓 人 少

問 路 白 雲 頭

Phiên âm:

Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Thanh mục đỗ nhân thiểu

Vấn lộ bạch vân đầu

Tạm dịch:

Một bát cơm ngàn nhà

Ngàn dặm một mình ta

Mắt xanh nhìn người ít

Hỏi đường áng mây xa.

Tháng 3 năm Bính Tý, nhằm năm thứ hai niên hiệu Trinh Minh nhà Lương, sư sắp viên tịch, ngồi nghiêm trên phiên đá ở hành lang bên đông của Nhạc Lâm mà nói kệ:

Nguyên văn:

彌 勒 真 彌 勒

分 身 千 百 億

時 時 是 時 人

時 人 自 不 識

Phiên âm:

Di Lặc chân Di Lặc

Phân thân thiên bách ức

Thời thời thị thời nhân

Thời nhân tự bất thức

Tạm dịch:

Di Lặc đúng Di Lặc

Phân thân trăm ức kiểu

Thời thời chỉ thời nhân

Tự thời nhân không hiểu.

Nói kệ xong, sư an nhiên ra đi. Về sau, người ở châu huyện khác thấy sư cũng quảy bao vải mà đi, nhân đó mọi người tranh nhau vẽ chân dung sư. Hiện tại đông đường đại điện chùa Nhạc Lâm, vẫn còn bảo tôn di tượng toàn thân của sư.

 

 

CÔNG ÁN THIỀN LÂM

 

Ma vương Chướng Tệ dẫn quyến thuộc trải cả ngàn năm tìm khởi xứ của Bồ-tát Kim Cương Tề mà tìm không gặp. Một hôm gặp được hỏi:

- Bồ-tát trụ ở đâu mà tôi dẫn quyến thuộc trong 1.000 năm tìm kiếm khởi xứ của ngài mà không thấy?

Bồ-tát Kim Cương Tề đáp:

- Ta không nương hữu trụ mà trụ, không nương vô trụ mà trụ, chỉ như thị mà trụ.

***

Ngoại đạo hỏi Phật:

- Không hỏi hữu ngôn, không hỏi vô ngôn.

Đức Phật lặng thinh hồi lâu, ngoại đạo lễ bái nói:

- Hay thay Thế Tôn, đại từ đại bi, vạch mây mù cho con, nay con được thể nhập.

Ngoại đạo đi rồi, A-nan hỏi Phật:

- Ngoại đạo sở chứng gì mà nói đắc nhập?

Phật đáp:

- Như con ngựa hay ở thế gian, hễ thấy bóng roi là vọt chạy.

***

Thị giả coi tháp ở Tứ Châu đúng giờ khóa cửa. Có người hỏi:

- Đã là đại sư trong tam giới vì sao lại bị đệ tử khóa?

Thị giả không đối đáp được.

***

Có người hỏi tăng:

- Được nghe đại đức giảng Triệu Luận phải không?

Tăng đáp nhún nhường:

- Không dám.

Hỏi:

- Triệu Luận có ‘vật bất thiên’ phải không?

Đáp:

- Đúng vậy.

Người đó lấy chén trà liệng xuống đất bể nói:

- Cái này đổi hay không đổi?

Tịt lời.

***

Có hai ông tăng trụ am, thường cùng nhau qua lại. Bỗng mươi ngày không gặp nhau. Ngày nọ, tăng ở dưới lên núi thăm. Ông tăng ở am trên núi hỏi:

- Khá lâu không gặp. Bấy nay huynh ở đâu?

Ông tăng ở am dưới núi nói:

- Chỉ ở trong am may một chiếc áo không đường may.

Tăng ở am trên núi nói:

- Mỗ đây cũng muốn may một chiếc áo không lằn may (1) như thế. Xin mượn của huynh để làm kiểu.

Đáp:

- Sao không nói trước, mới vừa bị người khác mượn rồi.

Chú (1): Trong ngữ cảnh này là phải phiên âm ‘Vô phùng đáp’ và có nghĩa chiếc áo cộc không lằn may.

***

Có bà nọ đưa tiền thỉnh lão túc khai tạng kinh. Lão túc nhận thí lợi rồi bước xuống giường Thiền đi quanh một vòng đoạn nói:

- Hãy nói lại với bà ấy, chuyển tạng kinh xong rồi.

Người ấy trở về thuật lại tự sự với bà ấy, bà ta nói:

- Mình đến là thỉnh khai toàn tạng, vừa rồi chỉ khai có nửa tạng.

***

Chí công nhờ người chuyển lời với Thiền sư Tuệ Tư Đại:

- Sao không xuống núi giáo hóa chúng sinh, ở trên núi giương mắt nhìn ngân hà làm gì?

Tư Đại nói:

- Chư Phật ba đời đã bị ta nuốt gọn nên còn chúng sinh gì đâu mà giáo hóa?!

***

Sơn chủ Long Tế Tu hỏi Thúy Nham:

- Tứ Càn-thát-bà vương tấu nhạc cúng dường Thế Tôn, khiến cho núi Tu-di chấn động, biển cả dậy sóng, Ca Diếp lên múa. Bồ-tát Đắc Nhân phải bất động thanh văn mới được. Như Ca Diếp múa may đó thì ý chỉ thế nào?

Thúy Nham đáp:

- Trong quá khứ Ca Diếp từng làm nhạc công nên tập khí đó chưa dứt.

Sơn chủ hỏi:

- Phải chăng núi Tu-di và biển cả vẫn chưa dứt tập khí đó?

Thúy Nham tịt ngòi.

***

Pháp sư Tăng Triệu bị nạn Tần chúa. Khi lâm hình, sư nói kệ rằng:

Tứ đại vốn không chủ,

Ngũ ấm cũng là không

Đưa đầu nhận kiếm bén

Do như chém xuân phong

***

Quan thượng thư Lý Cao thấy lão túc ngồi một mình hỏi:

- Ngồi nghiêm trong thất một trượng để làm gì?

Lão túc nói:

- Pháp thân không tịch, không đến không đi.

***

Có một đạo lưu tại điện Phật ngồi xây lưng vô điện thờ. Tăng nói:

- Đạo lưu không nên xây lưng vô Phật!

Đạo lưu nói:

- Trong giáo pháp của đại đức nói thân Phật đầy khắp pháp giới, vậy nên ngồi xây mặt hướng nào thì được?

Tăng tắt họng.

***

Thơ Thiền Nguyệt:

Thiền khách gặp nhau chỉ gãy ngón.

Tâm này có được mấy người rành?

Hòa thượng Đại Tùy hỏi Thiền Nguyệt:

- Thế nào là tâm này?

Thiền Nguyệt tịt lời.

***

Ông tăng ở viện Lục Thông tại Thai Châu định đi thuyền. Có người hỏi:

- Nếu đã lục thông rồi thì cần gì đến thuyền?

Tăng nín khe.

***

Tượng Thánh tăng (Phổ Hiền, Tân Đầu Lô, hay Kiều Trần Như v.v...) bị nước mái dột (lậu) nhiễu nhằm. Có người hỏi:

- Đã là Thánh tăng sao lại còn ‘Hữu lậu’ (có bị dột)?

Tăng không đáp được.

***

Cá chết nổi trên nước, có người hỏi ông tăng:

- Cá há không phải lấy nước làm sinh mệnh sao?

Tăng đáp:

- Đúng vậy.

Người đó hỏi tiếp:

- Vậy tại sao lại chết trong nước?

Tăng không đáp được.

***

Tăng hỏi Hòa thượng Khâm:

- Thế nào là chân ngôn?

Khâm đáp:

- Nam mô Phật Đà Da.

***

Quốc chúa Giang Nam hỏi một lão túc:

- Trẫm có một con trâu, nhưng ngàn dặm không có một tấc cỏ. Xin hỏi vậy phải thả chăn ở đâu?

***

Hòa thượng Nam Tuyền qua đời. Đại phu Lục Hoàn đến phúng viếng. Viện chủ hỏi:

- Đại phu sao lại không khóc tiên sư?

Lục Hoàn nói:

- Viện chủ nói được thì Hoàn này khóc.

Không đáp được.

***

Có một thí chủ phụ nữ vô chùa cúng dường tiền hằng năm cho chư tăng. Tăng nói:

- Trước tượng Thánh tăng cũng phải có một phần.

Thí chủ hỏi:

- Thánh tăng bao nhiêu tuổi? (để biết mà định phần tiền)

Tăng không đáp được.

***

Pháp Đăng hỏi ông tăng mới đến:

- Gần đây rời đâu?

Đáp:

- Lô Sơn.

Pháp Đăng đưa nhang lên hiệp chưởng hỏi:

- Lô Sơn có cái này không?

Tăng không đáp được.

***

Có một hành giả theo Pháp sư vào điện Phật. Hành giả hướng vào tượng Phật khạc nước miếng. Pháp sư nói:

- Hành giả thiếu lễ độ, sao lại phúi nước miếng vào Phật?

Hành giả nói:

- Hãy chỉ chỗ nào không Phật để mỗ phúi nước miếng?

Pháp sư tắt họng.

***

Hòa thượng Qui Tông Nhu hỏi tăng:

- Xem kinh gì thế?

Đáp:

- Kinh Bảo Tích.

Nhu hỏi:

- Đã là Sa-môn, sao lại xem Bảo Tích?

Tăng không đáp được.

***

Xưa có ba ông tăng vân du, định tham yết Hòa thượng Kính Sơn, gặp một bà già. Lúc đó, đang mùa gặt lúa. Một ông tăng hỏi:

- Tới Kính Sơn đi đường nào?

Bà già nói:

- Cứ đi thẳng thôi.

Tăng lại hỏi:

- Phía trước nước sâu lắm không?

Đáp:

- Sâu không ướt chân.

Tăng hỏi:

- Lúa bờ trên sao lại trúng, còn lúa bờ dưới sao lại thất?

Đáp:

- Lúa bờ dưới bị cua cắn hết.

Tăng lại hỏi:

- Bà ở đâu?

Đáp:

- Chỉ ở trong kia.

Ba ông tăng bèn vào trong lữ điếm. Bà già châm bình nước trà, mang ba cái chén đặt trên bàn nói:

- Ba vị Hòa thượng nếu có thần thông thì uống trà.

Cả ba đều không đối đáp được, nên cũng không dám rót trà. Bà lão nói:

- Hãy xem lão đây trình thần thông. Đoạn nâng chén lên rót trà vào.

***

Vương Diên Bân ở Tuyền Châu vào viện Chiêu Khánh thấy cửa phương trượng đóng, hỏi thị giả Diễn:

- Có ai dám nói đại sư ở bên trong không?

Thị giả Diễn nói:

- Có ai dám nói đại sư không có bên trong không?

***

Tăng kể chuyện:

Có người phụ nữ bỗng đến hỏi han rồi nhập định trước mặt Phật. Lúc đó, Bồ-tát Văn Thù đến khảy ngón, không xuất được người phụ nữ ra khỏi định. Kế tới Phạm Thiên cũng xuất không được. Phật nói:

- Dù cho có ngàn Văn Thù cũng không xuất nổi người phụ nữ ra khỏi định, ở hạ phương có Bồ-tát Võng Minh có thể xuất được định này.

Phút chốc, Bồ-tát Võng Minh đến lễ bái Phật xong, đến trước người phụ nữ khảy ngón tay. Người phụ nữ từ trong định tỉnh dậy.

***

Chí công nói:

- Mỗi ngày đốt nhang, thắp đèn mà không biết thân là đạo tràng.

Huyền Sa nói:

- Mỗi ngày thắp nhang đốt đèn, không biết chân đạo tràng.

***

Viện chủ của Vân Nham đi dạo thạch thất về. Vân Nham nói:

- Ông đi vào trong thạch thất mới gọi rằng được. Đằng này ông chỉ đi bên ngoài rồi về.

Động Sơn nói thay:

- Bên trong thạch thất đã có người chiếm rồi.

Vân Nham hỏi:

- Nếu ông đi thì làm gì?

Động Sơn nói:

- Không thể đoạn tuyệt nhân tình.

***

Trong hội của Động Sơn có lão túc đến chỗ Vân Nham trở về Động Sơn hỏi:

- Sư đến Vân Nham để làm gì?

Lão túc đáp:

- Không biết.

***

Lâm Tế thấy tăng đến bèn dựng cây xơ quất. Tăng lễ bái, sư liền đánh. Ông tăng khác đến, sư dựng cây xơ quất lên. Tăng chẳng đếm xỉa đến, sư liền đánh. Lại một ông tăng nữa đến tham yết, sư cũng dựng cây xơ quất lên. Tăng nói:

- Tạ ơn Hòa thượng chỉ dạy!

Sư cũng đánh.

***

Tăng hỏi lão túc:

- Thế nào là người trong mật thất?

Lão túc đáp:

- Có khách đến chẳng đáp lời.

***

Hòa thượng Pháp Nhãn hỏi tăng giảng Bách Pháp Luận:

- Bách pháp là thể và dụng cùng bày ra. Minh môn là năng sở gồm đủ. Tọa chủ là năng, pháp tòa là sở, vậy sao nói là kiêm bị?

***

Tăng hỏi Long Nha:

- Suốt ngày khu khu, làm sao đốn tức (nghĩ ngơi)?

Long Nha đáp:

- Phải như người con hiếu mất cả cha mẹ mới được.

***

Tăng hỏi Long Nha:

- Mười hai thời thìn trong ngày phải gắng sức thế nào?

Long Nha đáp:  

- Như người cụt hai tay đánh quyền mới được.

***

Có am chủ thấy tăng lại đưa ống đồng thổi lửa lên nói:

- Lãnh hội không?

Tăng đáp:

- Lãnh hội.

Am chủ nói:

- Ba mươi năm dùng không hết đấy.

Tăng chợt hỏi:

- Thế trước 30 năm dùng cái gì?

***

Hòa thượng Vân Môn lấy tay thọc vô miệng sư tử gỗ rồi la:

- Cắn chết ta rồi, tiếp cứu!

***

Có vị Hòa thượng đang niệm danh hiệu A Di Đà thì chú tiểu gọi:

- Hòa thượng!

Hòa thượng quay lại thì chú tiểu không nói gì cả. Như vậy bốn lần, Hòa thượng quát:

- Ba bốn lần réo gọi như thế, có chuyện gì vậy?

Chú tiểu nói:

- Hòa thượng gọi con trong bao nhiêu năm trời thì được, còn con mới gọi lại có mấy lần là nổi cáu lên!

***

Con diều rượt con bồ câu. Bồ câu bay đến lan can điện Phật mà sợ hãi. Có người hỏi tăng:

- Nhất thiết chúng sinh đứng trong ảnh hưởng Phật đều được an lạc. Con bồ câu thấy Phật sao lại sợ hãi?

***

Thiền sư Ngộ Không hỏi tọa chủ Trung:

- Giảng kinh gì?

Đáp:

- Kinh Pháp Hoa

Ngộ Không hỏi:

- Phật Đa Bảo nói: ‘Nếu nơi nào thuyết giảng kinh Pháp Hoa thì ta hiện tháp báu đến chứng minh’. Đại đức giảng ai chứng minh vậy?

***

Có vị quan hỏi tăng:

- Sư tên gì?

Đáp:

- Vô Giản (Không chọn lựa).

Vị quan hỏi:

- Bỗng nhiên đem một chén cát đến cho sư thì thế nào?

Đáp:

- Tạ ơn quan nhân cúng dường.

***

Ở Quảng Nam có ông tăng trụ am. Quốc chúa đi săn bắn. Có người nói với am chủ:

- Đại Vương đến kìa! Đứng lên đi!

Am chủ nói:

- Chẳng những là Đại Vương đến, mà ngay cả Phật đến ta cũng không đứng dậy!

Vương hỏi:

- Phật há không phải thầy của sư?

Đáp:

- Phải chứ!

Vương nói:

- Thấy thầy đến, tại sao không đứng dậy?

***

Tăng từ giã Hòa thượng Triệu Châu, sư căn dặn:

- Chỗ có Phật không nên trụ, chỗ không có Phật nên gấp chạy đến. Ngoài ba ngàn dặm gặp người không được kể lại.

***

Một ông tăng đang lễ bái trước tháp ở Tứ Châu. Có người hỏi:

- Thượng tọa ngày ngày lễ bái có thấy Đại Thánh không?

***

Tăng hỏi Hòa thượng Viên Thông:

- Một hạt bụi vừa khởi, đại địa toàn thâu, vậy còn thấy giường Thiền không?

Viên Thông nói:

- Gọi cái gì là bụi?

Lại hỏi Pháp Đăng. Pháp Đăng hỏi:

- Gọi cái gì là giường Thiền?

***

Thiền sư Huyền Giác nghe tiếng chim cưu kêu, hỏi tăng:

- Tiếng gì đó?

Tăng đáp:

- Tiếng chim cưu.

Sư nói:

- Nếu muốn không rước lấy nghiệp vô gián chớ chửi chánh pháp của Như Lai.

***

Tăng nơi Hòa thượng Bảo Phước đến chỗ Hòa thượng Địa Tạng Quế Sâm. Địa Tạng hỏi:

- Phật pháp chỗ Bảo Phước thế nào?

Tăng đáp:

- Hòa thượng Bảo Phước có lúc thị chúng: ‘Bịt con mắt ông khiến ông nhìn mà không thấy, nhét lỗ tai ông để ông nghe mà không rõ, cắt bỏ ý ông để ông phân biệt không được’.

Địa Tạng nói:

- Ta hỏi ông, không bịt mắt ông, ông thấy gì nào? Không nhét tai ông, ông nghe gì nào? Không cắt bỏ ý ông, ông phân biệt gì nào?

***

Trên cầu Hồng Đường ở Phước Châu, có ông tăng nằm kềnh ra đó. Vị quan hỏi:

- Trong đó còn có Phật chăng?

***

Có người hỏi:

- Người vô vi vô sự, sao lại bị nạn xiềng xích?

(Ngũ Vân nói thay:

- Chỉ vì vô vi, vô sự.)

***

Lão túc hỏi tăng:

- Từ đâu đến?

Tăng đáp:

- Từ núi Ngưu Đầu lễ bái Tiên sư đến.

Lão túc hỏi:

- Có còn thấy Tiên sư không?

***

Vân Môn hỏi tăng:

- Từ đâu đến?

Đáp:

- Từ Giang Tây đến.

Sư hỏi:

- Lời ngủ nói mớ của các lão túc ở Giang Tây có còn không?

Tăng không đối đáp được.

Về sau, có ông tăng đem việc đó hỏi Pháp Nhãn:

- Không biết ý Vân Môn thế nào?

Hòa thượng đáp:

- Vân Môn lớn nhỏ gì đều bị ông tăng đó khám phá.

***

Khẩn-na-la vương trỗi nhạc Vô sanh cúng dường Thế Tôn. Sư sắc cho loài hữu tình, vô tình đều phải theo vương đi. Nếu có một vật nào không đi theo thì vương không thể đi đến chỗ Phật đươc.

Lại có Yếm-túc vương nhập đại tịch định. Vương sắc cho loài hữu tình, vô tình gì đều phải thuận theo vương. Như nếu có một vật không thuận thì Vương không thể nhập đại tịch định.

(Vân Cư Tích nói:

- Loài hữu tình đi theo thì còn được. Còn như sơn hà đại địa là vật vô tình thì sao lại nói cũng theo Vương?)

***

Quốc vương nước Kế Tân cầm gươm đến trước Tôn giả Sư Tử hỏi:

- Sư được uẩn không chăng?

Sưđap:

- Đã được uẩn không rồi.

Vua hỏi:

- Nếu đã được không thì đã ly sanh tử chưa vậy?

Đáp:

- Đã thoát ly sanh tử.

Vua hỏi:

- Nếu đã thoát ly sanh tử thì xin cái đầu sư được không?

Sư nói:

- Thân còn không phải của mình huống hồ chi là đầu.

Vua liền chém, từ cổ sư sữa trắng vọt ra, tay vua tự đứt lìa rơi xuống đất.

(Huyền Giác nói:

- Là chém hay là không chém vậy?

Huyền Sa nói:

- Tôn giả Sư Tử lớn nhỏ đều không tác chủ được cái đầu.

Huyền Giác lại nói:

- Huyền Sa nói như thế, muôn người tác chủ hay không tác chủ? Nếu muôn người tác chủ uẩn tức chẳng không. Nếu không muốn người tác chủ thì Huyền Sa nói như thế, ý ở chỗ nào? Thử nói xem!)

***

Nhân đào giếng mạch suối bị cát lấp nghẽn. Pháp Nhãn hỏi tăng:

- Tuyền nhãn (mạch suối) không thông là do bị cát lấp nghẽn. Còn đạo nhãn không thông là bị vật gì ngăn chặn?

Tăng không lời đối đáp, sư tự nói thay:

- Bị nhãn hoại.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/01/2023(Xem: 3732)
Thưa các bạn, câu chuyện tôi muốn kể sau đây về sức vươn lên của cậu bé chăn trâu 11 tuổi tên Quảng. Quảng và tôi có một nhân duyên kỳ lạ có lẽ kết từ bao kiếp trước để run rủi kiếp này có những ràng buộc dù muốn hay không đã trở thành con nuôi của tôi. Quảng sinh ra và lớn lên tại núi đồi Yên Bái, vùng sâu và xa, nơi đa số toàn người sắc tộc thiểu số, đêm đêm chỉ có tiếng ếch nhái ểnh ương nỉ non hay khỉ ho cò gáy từ rừng xa vọng lại.
17/12/2022(Xem: 3795)
Đồng tiền có hai mặt sấp ngửa, vũ trụ đất trời có ngày và đêm, sáng và tối, con người có hai mặt thiện và ác. Chồng của tôi có hai mặt đối nghịch mà tôi phải dùng Bát Nhã Tâm Kinh quán chiếu "Không dơ cũng không sạch" để sống còn đến ngày kỷ niệm 50 năm ngày cưới, một đám cưới vàng. Đến thời điểm này tôi mới dám viết lại câu chuyện thật của đời tôi, và cũng nhờ Phật pháp nhiệm mầu, những giáo lý vi diệu của Đức Phật mà tôi đã học hỏi được để chuyển hóa một ông chồng Nghịch Duyên hạng nặng, trở thành một ông chồng Trợ Duyên hữu dụng.
03/12/2022(Xem: 4347)
Tại kinh thành Lạc Dương có một tay, trước là thương buôn sau chuyển sang nghề cờ bạc. Nhờ lanh lợi trong mánh lới buôn bán, gã học được nghề bịp rất nhanh. Tài bịp của gã giỏi tới mức không một ai biết mà chỉ cho rằng gã “số đỏ” hoặc “thiên tài”. Bao nhiêu tiền ngày hôm nay đều do cờ bạc mà có. Thế nhưng không hiều sao, có thể do ‘tổ trác” hay do “hết thời” mà gã thua liên tiếp, mất 50 lượng vàng tại một sòng bài lớn. Vừa tiếc của, vừa tức giận, vừa xấu hổ, gã cho mời viên quản lý ra, lớn tiếng nói: -Ta sống bằng nghề đánh bạc đã hơn hai mươi năm, chỉ có ăn mà không có thua. Nếu ta thua tức sòng bài gian lận. Yêu cầu quản lý trả lại 50 lượng vàng, nếu không ta sẽ thưa lên quan phủ.
21/11/2022(Xem: 5540)
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp trung cấp Phật học tại Đà Nẵng, bản thân phát nguyện ăn ngày 1 bữa (chỉ dùng đúng Ngọ 12h trưa, trước và sau Ngọ sẽ không dùng bất kỳ thức ăn gì). Lúc đó, không ngoài tâm nguyện “Trên tìm cầu tu học Giáo Pháp giải thoát và trong tâm luôn hướng nghĩ đến sự giác ngộ của muôn loài” do vậy mà bản thân phát nguyện ăn ngày 1 buổi và chuyên tâm trì tụng Chú Đại Bi tiếng Phạn.
12/11/2022(Xem: 4217)
Có những bước chân đi chỉ để mà đi, nhưng có nhưng bước chân đi là để trở về. Trở về về với những nơi thân thương, trở về với chính bản thân mình, trở về với cội nguồn, trở về với miền đất Phật. Trong chuyến đi để trở về ấy, chúng tôi _ đoàn Thái Hà Books và gia đình “Thiền trong từng phút giây” đã có những khoảng khắc tĩnh tâm, những khoảnh khắc nhìn lại chính mình, và những khoảng khắc vô cùng xúc động.
11/11/2022(Xem: 3022)
Bút giả đến Mỹ cũng khá lâu, cách nay cũng trên 40 năm. Đầu tiên tôi sinh hoạt chính thức Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam tiểu bang Colorado, thành phố Denver. Được hơn một năm, không chịu đựng với cái lạnh không quen ở đây nên về sinh hoạt với Phật Học Viện Quốc Tế và cũng là Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Nghi lễ của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Hoa Kỳ, trụ sở là chùa Việt Nam Los Angeles bây giờ. Sau đó, quý thầy lớn : Đức Niệm, Thiện Thanh, Tịnh Hạnh . . . lớp quý thầy ngang lứa như chúng tôi (Tín Nghĩa), Nguyên Đạt, Pháp Châu, Nguyên Trí núi (tức là Hòa thượng Nguyên Trí chùa Bát Nhã bây giờ) và Nguyên Trí già (tức là Hòa thượng Đạo Quang bây giờ). Tôi là Phó Chủ tịch đặc trách Gia đình Phật tử. . . còn quý Trí thức Cư sĩ gồm có : Bác sĩ Tôn Thất Niệm, Dược sĩ Tâm Thường, Đạo hữu Thiện Bửu . . . còn một số nữa, lâu quá chúng tôi không nhớ hết.
02/11/2022(Xem: 19215)
Bấy giờ, tôi khoảng chín tuổi, một hôm đi xem đưa đám tang ông Võ Hờ trong xóm, thấy mọi người đi sau đám tang đều khóc nức nở và tức tối. Thấy họ khóc, tôi cũng khóc, nhưng bấy giờ tôi không biết tại sao tôi lại khóc như vậy.
15/05/2022(Xem: 10880)
“Kinh Pháp Cú” là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Đây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới. Nhiều tác giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của đạo Phật. “Pháp” có nghĩa là đạo lý, chân lý, giáo lý. “Cú” là lời nói, câu kệ. “Pháp Cú” là những câu nói về chánh pháp, những lời dạy của đức Phật nên “Kinh Pháp Cú” còn được gọi là “Kinh Lời Vàng” hoặc “Lời Phật Dạy”.
01/05/2022(Xem: 15283)
“Kinh Pháp Cú” là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Đây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới. Nhiều tác giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của đạo Phật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]