Thiền Sư Trường Nguyên (1110 - 1165) Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (thời Vua Lý Anh Tông)
🙏🙏🙏🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
Thuyết giảng: TT Thích Nguyên Tạng
Bài trình pháp: Cư Sĩ Quảng Tịnh Tâm & Cư Sĩ Huệ Hương
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh ; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính bạch Sư Phụ, hôm nay Thứ Bảy, 20/10/2021 (19/09/Tân Sửu), chúng con được học về Trường Nguyên (1110 - 1165)đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông. Sư phụ dựa theo tài liệu gốc Thiền Sư Việt Nam do HT Thích Thanh Từ biên soạn và ấn hành tại VN vào năm 1972. Pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 301 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh đại dịch covid 19 (đầu tháng 5-2020).
Sư họ Phan, quê ở Trường Nguyên, Tiên Du, dòng dõi theo Phật. Khi mới xuất gia thọ giáo với Thiền sư Đạo Huệ. Sau khi được Thiền Sư Đạo Huệ ấn chứng, Sư đi thẳng vào núi Từ Sơn ẩn tích. Ở đây, hàng ngày Sư mặc áo cỏ, ăn trái dẻ, làm bạn cùng suối, đá, khỉ, vượn. Suốt mười hai giờ, Sư nhồi nặn thân tâm lặng lẽ thành một mảnh. Trải qua năm, sáu năm, người đời không ai xem thấy được chỗ ảnh hưởng của Sư.
Sư Phụ giải thích:
- Thiền Sư Trường Nguyên là đệ tử nối pháp của thiền sư Đạo Huệ. Trường Nguyên là tên địa danh nơi quê của Sư ở. Tiên Du là tỉnh Bắc Ninh hiện nay.
- Đệ tử nối pháp của thiền sư Đạo Huệ ngoài thiền sư Trường Nguyên còn có: thiền sư Tịnh Không, thiền sư Đại Xả, thiền sư Tịnh Lực, thiền sư Trí Bảo, thiền sư Nguyên Học.
- Sau khi đắc pháp, Sư vào núi Từ Sơn ẩn tích, hằng ngày chỉ ăn hạt dẻ, uống nước suối. Từ Sơn là một danh lam thắng cảnh, đời sống của Sư thật tuyệt vời, hạt dẻ cho dinh dưỡng rất tốt nhờ chứa nhiều vitamin C, chất đạm và những khoáng chất giúp cho cơ thể chống chọi các bệnh tật.
- Mỗi ngày Sư ngồi thiền mười hai giờ liền để thanh lọc thân tâm và cũng để làm gương cho hàng đệ tử về hạnh đầu đà và kiên trì tinh tấn tu tập trên núi ròng rả sáu năm dài.
Vua Lý Anh Tông nghe tiếng ái mộ, muốn gặp Sư mà không thể được. Vua thầm sai Phiên thần họ Lê là bạn cũ của Sư khéo dẫn dụ về triều. Họ Lê dụ được Sư về đến nhà trọ chùa Hương Sát. Sư tự hối hận, liền trốn trở về núi xưa.
Sư Phụ giải thích:
- Công hạnh tu của Sư vang đến kinh thành. Vua Lý Anh Tông muốn mời Sư về triều mà không thể được. Vua sai đại thần họ Lê là bạn cũ của Sư dụ được Sư về đến chùa Hương Sát trong kinh thành.
Sau khi đàm đạo, cuối cùng vị đại thần nói thiệt. Sư hối hận, đêm khuya, Sư trốn trở về chốn u tịch của núi rừng.
Sư bảo đồ đệ:
- Hạng người thân khô tâm nguội như ta, không phải những vật phù ngụy thế gian có thể cám dỗ được. Bởi vì chí, hạnh của ta chưa thuần nên bị các thứ bẫy lồng vây khốn.
Sư Phụ giải thích:
- Sư khiêm hạ tự nhận là chí hạnh của bản thân chưa thuần nên bị vướng bẫy của người bạn họ Lê đưa ra khỏi núi, ngay khi tỉnh thức Sư nhận diện hạng người thân khô, tâm nguội như Sư thì những vật phù ngụy thế gian không thể cám dỗ Sư được.
- Thiền Sư Trường Nguyên với hạnh nguyện thoát ly sanh tử nên ngài quyết liệt chặt đứt mối họa của vòng lợi danh phù du huyền ảo của thế gian, có thể quyết định tu tập để chứng ngộ giải thoát sanh tử quan trọng hơn là dấn thấn nhập thế giúp đời cứu độ chúng sanh, vì bản thân chưa giải thoát thì lấy gì để giúp cho đời ? không giác ngộ giải thoát thì không khéo sẽ bị lợi danh cuộc đời nhấn chìm, sẽ phí phạm một đời làm thân người của ngài, cũng có thể quyết định thoát ly này cũng là một tấm gương sáng cho đệ tử noi theo.
Nghe ta nói kệ đây:
Viên hầu bão tử qui thanh chướng, Tự cổ Thánh Hiền một khả lượng. Xuân lai oanh chuyển bách hoa thâm, Thu chí cúc khai một mô dạng.
HT Thanh Từ dịch:
Khỉ vượn bồng con lại núi xanh, Từ xưa Hiền Thánh không mối manh. Xuân về oanh hót trong vườn uyển, Thu đến cúc cười mất dáng hình.
Sư Phụ giải thích:
- Khỉ vượn bồng con lại núi xanh,
Loài khỉ vượn nương náu yên vui nơi chốn núi rừng và cũng là bạn thân của Sư trong sáu năm.
- Từ xưa Hiền Thánh không mối manh.
Từ xưa nay, trong Hiền Thánh không có chỗ tìm dấu tích.
- Xuân về oanh hót trong vườn uyển,
Thu đến cúc cười mất dáng hình.
Thiền sư không bị cảnh buồn vui của thế gian bám dính cũng như “Thu đến cúc cười mất dáng hình”
Sư Phụ kể giai thoại của Thiền Sư Hương Hải (1627-1715) trả lời cho vua Lê Dụ Tông thuộc thời Hậu Lê khi vua hỏi về “thâm ý của Phật Tổ là gì”, Thiền Sư Hương Hải đọc lại 4 câu kệ của Thiền Sư Thiên Y Nghĩa Hoài (993-1064) thuộc đời nhà Tống bên Trung Hoa
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tung chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.
Nghĩa là:
“Nhạn bay trên không
Bóng chìm đáy nước.
Nhạn không Ý để dấu
Nước không Tâm lưu bóng”
Hoặc bản dịch của Hoàng Nguyên Chương:
Nhạn bay qua mãi tầng không
Bóng chìm đáy nước một dòng lạnh trôi.
Nhạn không để dấu mình soi
Nước không lưu ảnh nhạn rơi vào lòng.
Sư Phụ giải thích yếu nghĩa của bốn câu kệ:
Nhạn là hiện thực, bóng nhạn dưới nước chỉ là ảo ảnh, không thực, khi nhạn bay qua, bóng nhạn dưới nước biến mất, vì nước không lưu lại dấu tích và khoảng trời không chỉ còn là bầu trời xanh, cũng không có dấu hình gì của con nhạn.
Nước biểu trưng cho chân tâm Phật tánh của chúng sanh. Thâm ý của Phật Tổ như Nước không lưu dấu con nhạn bay qua, tâm thức của hành giả mỗi ngày đều có 7 con nhạn: Mừng-Giận-Thương-Sợ-Yêu-Ghét-Muốn bay qua bay lại nhưng đừng để nó lưu lại dấu tích nào trên tâm thức, cũng bầu trời xanh luôn rực sáng không lưu lại một dấu tích nào.
Sư thường bảo mọi người:
- Lạ thay! Lạ thay! Tại sao các chúng sanh này có đủ trí tuệ Như Lai, mà ngu si mê hoặc chẳng thấy chẳng biết. Ta thường đem đạo lý dạy dỗ, khiến họ lìa hẳn vọng tưởng chấp trước trong tự thân, mà thấy trí tuệ rộng lớn Như Lai của mình, được lợi ích an lạc.
Sư Phụ giải thích:
- Thiền Sư Trường Nguyên nhắc lại lời trên của Đức Thế Tôn dạy trong kinh Hoa Nghiêm, rằng tất cả chúng sanh đều có đủ trí tuệ Như Lai đức tướng, nhưng tự thân không nhận ra.
- Kinh Thắng Man nói đây là Thanh Tịnh Pháp Thân. Chúng sanh vì không có công đức trang nghiêm nên Pháp thân không thể hiển lộ. Pháp thân là tự tánh thanh tịnh, là Chân tâm Phật tánh hằng có trong tất cả chúng sanh. Muốn pháp thân hiển bày thì phải có đủ công đức trang nghiêm ngang qua hành lục độ vạn hạnh hay áp dụng thiền chỉ, thiền quán và thiền na.
- Hành giả muốn vãng sanh về cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà thì phải trước phải tự trang nghiêm bản thân mình. Kinh Duy Ma Cật nói: “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh”, có nghĩa là “khi nào tâm mình thanh tịnh thì cõi Phật sẽ thanh tịnh”.
-Chơn tâm, Phật tánh, Như Lai Tạng, Phật tri kiến là những từ khác nhau những đồng nghĩa là cùng chỉ cho trí tuệ Như Lai đức tướng của chúng sanh, đó là hạt châu trong chéo áo của người cùng tử mà Kinh Pháp Hoa hay ví dụ, nó luôn thường hằng lặng lẽ nhưng bị che lấp bởi vô minh tham ái. Dùng công đức tu tập giúp loại bỏ vô minh, tham ái, phiền não thì hạt châu Pháp thân sẽ hiển lộ.
Sư phụ nhắc thêm về Phật tri kiến trong Kinh Pháp Hoa: tri là Biết, kiến là Thấy, Phật là lẽ Thật. Phật tri kiến là Thấy Biết như Thật. Thấy biết như thật là cái thấy viên mãn, cái thấy không còn có hai bên, khác với cái thấy thường ngày của chúng sanh, lúc nào cái thấy của chúng ta cũng xoay quanh: có không, phải trái, thiện ác, thương ghét.v.v….v.v…. ngày nào có cái thấy hai bên là còn đối đãi, còn đối đãi là còn thị phi, còn thị phi là còn tranh chấp rồi dẫn đến khổ đau, sanh tử luân hồi. Vượt qua đối đãi là vượt qua nhị biên, hành giả sẽ bước vào cửa bất nhị, đó chính là Niết Bàn, vô sanh bất tử. “Trong cái thấy chỉ có cái thấy” là chìa khoá vàng vào cửa bất nhị.
Đến ngày 7 tháng 6 niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ ba (1165, thời vua Lý Anh Tông), Sư có chút bệnh, nói kệ dạy chúng:
Tại quang tại trần, Thường ly quang trần, Tâm phủ trừng triệt, Dữ vật vô thân. Thể ư tự nhiên, Ứng vật vô ngân, Tông tượng nhị nghi, Đào thải nhân luân. Đình độc vạn vật, Dữ vật vi xuân, Tác vũ thiết nữ, Đả cổ mộc nhân.
Ở chỗ bóng trần, Thường lìa bóng trần, Tâm phủ lóng tột, Cùng vật không thân. Thể vốn tự nhiên, Hiện vật không thiên, Tài bằng trời đất, Vượt cả nhân luân. Dưỡng nuôi muôn vật, Cùng vật làm xuân, Đứng múa gái sắt, Đánh trống người cây.
Nói kệ xong, Sư viên tịch, thọ năm mươi sáu tuổi.
Sư Phụ giải thích:
- Ở chỗ bóng trần
Thường lìa bóng trần
Bóng trần là chỗ ánh sáng chiếu qua khe cửa thấy bụi trong ánh sáng cũng như những phiền não nhiễm ô thường xuất hiện trong tâm, phải nhờ trí tuệ giúp lìa những phiền não nhiễm ô này.
-Tâm phủ lóng tột
Cùng vật không thân
Tâm phủ trùm lên cả trời đất.
- Thể vốn tự nhiên
Hiện vật không thiếu
Tâm thể luôn sẵn có không tỳ vết.
- Đứng múa gái sắt
Đánh trống người cây
Sư Phụ giải thích, cô gái bằng sắt, người bằng gỗ tuy bất động nhưng làm thật nhiều, không có chuyện gì mà không làm được là: nhờ từ trí tuệ Ba la mật lưu xuất ra.
Nghĩa thứ 2 nhưng quan trọng của thiền ngữ “cô gái bằng sắt đứng múa và người gỗ đánh trống” là cái không thật có trên đời, thiền sư nói ra để giúp cho hành giả bặt dứt vọng tưởng suy lường, vì còn khởi nghĩ để suy lường là còn phiền não.
Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Trường Nguyên do Thượng Tọa Chúc Hiền sáng tán cúng dường Ngài:
Xuất gia học đạo hướng chân miền Đạo Huệ thầm trao ấn chứng thiền Ẩn tích rừng sâu gìn tổ ấn Mai danh núi thẳm giữ tâm nguyền Thanh nhàn năm tháng xa trần cấu Lặng lẽ bốn mùa lánh thế duyên Danh lợi chẳng màn vui nhật nguyệt Một đời đạo nghiệp sáng chân nguyên
Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về Thiền Sư Trường Nguyên. Hạnh tu của Sư rất chuyên cần, sau khi được ấn chứng, Sư vào núi rừng ngồi thiền mười hai giờ mỗi ngày suốt sáu năm liền. Sư rất chân thật, Sư thố lộ chí hạnh chưa thuần nên bị bạn dụ về kinh thành, và khi biết được Sư liền dứt khoát trốn trở về và Sư cho lời khuyên: “…lìa hẳn vọng tưởng chấp trước trong tự thân, mà thấy trí tuệ rộng lớn Như Lai của chính mình, để được lợi ích an lạc.”
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).
Thiền Sư Trường Nguyên (1110 - 1165) Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông
(Vào thời Vua Lý Anh Tông)
Kính dâng Thầy bài viết về Thiền Sư Trường Nguyên. Kính bạch Thầy thật ngưỡng mộ trí vô sư của Thầy qua lời kinh Thắng Man và nguyên tác bài thơ Ảnh trầm Hàn thủy của Thiền Sư Thiên Y Nghĩa Hoài mà sách vở trên mạng hiện nay vẫn cho đó là của Thiền Sư Hương Hải và con thật xúc động và trân quý lời dạy của Thầy khi ban tặng chìa khoá vàng để đi vào Quốc độ Niết Bàn Thanh tịnh ngay tại đây và bây giờ ...Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc Thầy pháp thể khinh an , HH
Là một trong sáu đệ tử nối pháp của Thiền Sư Đạo Huệ, sau khi được ấn chứng, đã đi vào núi ẩn tích sống đời khiêm tốn với khoảng thời gian khá lâu (6 năm ) làm bạn với khỉ vượn và thiền định 12 giờ mỗi ngày ..
Có thể nói ....nhờ thiền định thường xuyên nên tâm linh càng sâu sắc hơn nhiều người khác, mặt khác nhờ xa cách trần tục, không bị rơi vào cái bẫy tham sân si mà vướng vòng danh lợi , nhờ ẩn tu nên Thiền Sư Trường Nguyên có trái tim khiêm tốn, thành thật, yêu người, nên dù THÂN KHÔ TÂM NGUỘI vẫn chưa trọn vẹn thấy Tánh, tuy vậy sau khi bị dẫn dụ về triều song.... nhờ túc duyên nhiều đời học Phật,lại được yếu chỉ của minh sư “Loạn ly lan rộng, ái chừ, từ đó mà đến.”nên đã trốn thoát trở về lại sự tĩnh lặng nơi am tranh của mình mà để lại bài thi kệ tuyệt tác được Thi đàn thời Lý Trần ghi lại như sau :
Khỉ vượn bồng con lại núi xanh, Từ xưa Hiền Thánh không mối manh. Xuân về oanh hót trong vườn uyển, Thu đến cúc cười mất dáng hình.
(Viên hầu bão tử qui thanh chướng,
Tự cổ Thánh Hiền một khả lượng.
Xuân lai oanh chuyển bách hoa thâm,
Thu chí cúc khai một mô dạng.)
Bài thi kệ tiêu biểu cho phong thái của một bậc Thánh Hiền, nhưng Thánh hiền trong đời không dễ gì tìm gặp vì các vị đã không dính kẹt vào ái nhiễm nên không để lại dấu tích .
Thật thú vị làm sao khi thi kệ này đã được Giảng Sư TT.Thích Nguyên Tạng so sánh một cách tuyệt vời khi nói đến tâm thức của một hành giả khi đã thoát ra được thất tình lục dục giữa chốn hồng trần qua bài "Ảnh Trầm Hàn Thủy "nguyên tác của Thiên Y Nghĩa Hoài sau đó Thiền Sư Hương Hải mượn lời thơ này để trả lời câu hỏi về đại ý Phật Pháp của Vua Lê Dụ Tông.
Nhạn quá trường giang Ảnh trầm hàn thủy Nhạn vô di ảnh chi ý Thủy vô lưu ảnh chi tâm
( dịch nghĩa : Nhạn bay qua sông bóng tin đáy nước - Nhạn không có ý định để lại hình bóng mình trên nước mà nước cũng chẳng muốn lưu ảnh nhạn vào tâm )
Lời giải thích này của Giảng Sư quá rõ khi ví dụ Nhạn là những phiền não đến đi trong vài khoảnh khắc , chỉ có bản tâm mới rỗng lặng, trong lành
Nhạn bay qua trời, ta cho đó là THỰC.
Nhạn tiêu biểu cho thất tình Đau đớn, buồn rầu, tủi hổ, hờn giận, mừng vui, thất vọng, tuyệt vọng, công hầu khanh tướng–tất cả chỉ là những đám mây qua trời, trong khoảnh khắc
Ảnh nhạn bay dưới nước, ta cho đó là ẢO ẢNH.
Nhưng nhạn bay rồi, không còn dấu tích, chỉ còn khoảng trời KHÔNG.
Đó là TÂM.( bản tâm ) Bản chất của TÂM ta là không, là rỗng lặng.
Mọi điều ta cho là THỰC hay ẢO ẢNH đều chỉ là ảnh hình trong khoảnh khắc.
Chỉ có khoảng KHÔNG là tồn tại vĩnh viễn.
Là một người trình pháp, sau khi nghe pháp thoại và đọc qua hành trạng thiền Sư Trường Nguyên qua tác phẩm Thiền Sư Việt Nam của Đại trưởng Lão HT Thích Thanh Từ , người viết rất tâm đắc khi được Giảng sư luận giải về bài Kệ thị tịch mà hai câu cuối đã diễn tả cái Diệu dụng nhiệm mầu của Thể tánh chân thật ( trí tuệ Bát Nhã ) như một chìa khoá vàng để bước vào cửa BẤT NHỊ PHÁP MÔN ( Kiến như thị, Văn như thị ...... Vô vi nhi vô bất vi )
Ở chỗ bóng trần, Thường lìa bóng trần, Tâm phủ lóng tột, Cùng vật không thân. Thể vốn tự nhiên, Hiện vật không thiên, Tài bằng trời đất, Vượt cả nhân luân. Dưỡng nuôi muôn vật, Cùng vật làm xuân, Đứng múa gái sắt, Đánh trống người cây.
(Tại quang tại trần,
Thường ly quang trần,
Tâm phủ trừng triệt,
Dữ vật vô thân.
Thể ư tự nhiên,
Ứng vật vô ngân,
Tông tượng nhị nghi,
Đào thải nhân luân.
Đình độc vạn vật,
Dữ vật vi xuân,
Tác vũ thiết nữ,
Đả cổ mộc nhân.)
Kính mời quý đạo hữu cùng đọc lời giảng của HT Thích Thanh Từ :
“Tại quang tại trần, thường ly quang trần”.
Ở chỗ áng sáng bụi trần thường lià ánh sáng bụi trần. Tại sao ở trong ánh sáng ở trong bụi trần mà thường lià ánh sáng thường lià bụi trần ? Ví dụ khoảng hư không trong nhà này, sáng sớm ánh sáng mặt trờ chiếu vào, nhìn khoảng không chúng ta thấy có bụi bặm lăng xăng. Bụi thì xao động mà ánh sáng và hư không thì không động.
Ánh sáng và bụi ở trong hư không, nhưng hư không không phải là ánh sáng không phải là bụi, nó không rời ánh sáng và bụi. Nếu nó là ánh sáng thì khi ánh sáng hết hư không cũng mất, Nếu hư không là bụi thì bụi hết thì hư không cũng không còn. Hư không trước sau vẫn là hư không.
Ánh sáng suyên qua thì thấy có ánh sáng, nhờ có ánh sáng nên thấy bụi lăng xăng. Có ánh sáng có bụi, nhưng ánh sáng và bụi không phải là hư không. Hư không trùm cả ánh sáng và bụi, nhưng không phải ánh sáng không phải bụi,
“Tâm phủ trần triệt, dữ vật vô thân”.
Tâm phủ lóng tột, cùng vật không thân. Tức là tâm tư chúng ta lóng lặng cùng tột thì không còn dính kẹt với sự vật bên ngoài.
Tóm lại, từ câu kệ thứ nhất đến câu này, Ngài chỉ cho thấy nơi mỗi người có tâm thể không phải là sắc chất (bụi) không phải là tinh thần (ánh sáng). Ngay trong thân sắc chất này có phần tinh thần (vọng tưởng), tâm thể chân thật không phải sắc chất cũng không phải tinh thần (vọng tưởng). Như vậy khi lóng lặng vọng tưởng tâm an định không còn dính mắc nơi thân cảnh thì thể chân thật hiện bày.
“Thể ư tự nhiên, ứng vật vô ngân”.
Tâm thể đó không ai làm ra, nó sẵn vậy, nó ứng hiện ra muôn vật mà không có tỳ vết.
Ví dụ như hình ảnh ở ngoài hiện trên mặt gương, chúng ta nhìn gương thấy ảnh người ảnh cảnh. Khi ảnh người ảnh cảnh không còn, chúng ta nhìn vào gương. Thấy mặt gương nguyên vẹn không có tỳ vết gì cả.
Cũng vậy, tâm thể chúng ta ứng vật hiện hình đủ thứ, mà không hiện tượng nào làm cho nó tỳ vết, cho nên :
“Tông tượng nhị nghi, đào thải nhân luân”.
Làm nên trời đất, loại bỏ loài người. Nghĩa là một bên làm nên, một bên loại bỏ, ý nói rằng nó trùm cả trời đất và loài người, không có cái gì ngoài nó.
“Đình độc vạn vật, dữ vật vi xuân”. Ngăn độc cho vạn vật, cùng vật làm xuân. Nghĩa là tâm thể này không phá hoại sự vật mà còn làm cho vạn vật càng thêm tươi tốt.
Ở đây Ngài muốn diễn tả cho chúng ta thấy tâm thể không những làm nên con người mà còn bao trùm cả trời đất, nó là cái thể của nhân loại, của muôn vật chứ không riêng của một ai.
“Tác vũ thiết nữ, đả cổ mộc nhân”.
Cô gái bằng sắc đứng múa, người bằng gỗ đánh trống. Gái sắc làm sao biết múa, người gỗ làm sao biết đánh trống ?
Vật vô tri mà có động tác là ngầm ý nói đến diệu dụng nhiệm màu của thể chân thật, hay nói Bát Nhã vô tri mà vô bất tri. Bát Nhã chỉ cho thể chân thật. “
Vô tri) là không biết mà (Vô bất tri) là không có cái gì không biết. Gái sắc và người gỗ là vô tri mà múa và đánh trống được là vô sở bất tri, đó là theo lý Bát Nhã.
Đứng về mặt chân không diệu hữu mà nói, thì gái sắc và người gỗ là thể chân không, biết múa và biết đánh trống là diệu hữu. Ngay nơi thể chân không có cái diệu hữu. Chân không diệu hữu không rời nhau. Đó là giảng theo kinh.
Nếu giảng theo thiền thì gái sắc biết múa và người gỗ biết đánh trống là câu nói phi lý, giống như câu thần chú, nói để người nghe không còn suy nghĩ phân biệt. Không suy nghĩ phân biệt mới hợp với thể chân thật. Hai câu này cho chúng ta thấy người xưa dùng từ ngữ rất là kỳ đặc chúng ta nghe thấyb lạ lùng. Chính cái kỳ đặc lạ lùng đó, khiến người nghe có căn cơ nhạy bén, lãnh hội được chỗ cứu cánh chân thật.
Lời kết :
Kính đa tạ Giảng Sư , Ngài đã giải thích từng đoạn trong hành trạng Thiền Sư đã truyền trao cốt tủy và thâm yếu nghĩa lý ....Chỉ với một lời giảng dạy cho chúng đệ tử của Thiền Sư Trường nguyên , được trích dẫn từ Kinh Hoa Nghiêm ....Giảng Sư đã chỉ rõ thế nào là thể tánh tịnh minh, bản tâm thanh tịnh mà Kinh Pháp Hoa gọi là Phật tri Kiến , - kinh Lăng Già gọi là Như Lại Tạng - kinh Thắng Man gọi là Pháp thân
.....để từ đó kính xin mời nghe ...Đại sư Ấn Thuận đã chỉ dạy:
"Pháp thân tức Như Lai tạng thì tất cả chúng sanh đều có đầy đủ. Nhưng vì chúng sanh không có công đức trang nghiêm, nên Pháp thân chưa thể hiện bày. Còn Bồ Tát phát Bồ đề tâm tu hạnh tự lợi lợi tha, nghĩa là vì trang nghiêm Pháp thân Nhất thừa"
Đức Như Lai có đủ năng chứng trí và sở chứng lý, nên nói cho cùng thì phải đạt đến cảnh giới của Như Lai mới rốt ráo.
Kỳ thực, cứu cánh chơn như thì thường hằng bất biến, nên trí huệ và công đức vô biên cũng không lìa chơn thật, tức là năng lực công đức thù thắng mà tất cả chúng sanh xưa nay vốn sẵn có.
Điều đó như kinh này nói là Như Lai tạng, tức là Phật tánh. Như Lai tạng tức Không tánh của tất cả pháp, tức Diệt đế là nơi nương tựa và phát sanh của công đức thù thắng. Mọi người đều có Như Lai tạng, nên mọi người đều có thể thành Phật. Từ cảnh trí cứu cánh của Như Lai truy cầu căn nguyên, tức để chỉ bày Như Lai tạng là chỗ sở y cứu cánh của Như Lai. Như sông dài rộng lớn, nếu cứ một mạch theo dòng tìm nguồn thì có thể phát hiện được chỗ phát nguyên của sông. Mọi người đều có Như Lai tạng, chỉ cần xứng tánh thì trí năng công đức của Như Lai tạng sẽ dẫn phát khai triển, tức đạt Như Lai. Như Lai là cứu cánh. Bởi do tất cả chúng sanh đều có Như Lai tạng, nên tất cả chúng sanh đều bình đẳng, và rốt cùng tất cả đều thành Phật. Tư tưởng “Chơn thường diệu hữu bất không” này được thể hiện và phát huy đến cực điểm trong khắp điển Đại thừa
Kính trân trọng,
Kính ngưỡng Thiền Sư Trường Nguyên ...
...một trong sáu đệ tử nối pháp Minh Sư Đạo Huệ
Pháp hiệu đơn giản ....tên làng địa danh (1)
Sau khi được ấn chứng ...ẩn tu đạm bạc nhiều năm (2)
Nhờ truyền thống gia đình theo Phật ... THÂN KHÔ, TÂM NGUỘI!
Tuy bị dẫn dụ về triều ...dứt khoát vào phút cuối (3)
Thường khuyên rằng : vòng danh lợi chớ dấn thân (4)
Khi công hạnh chưa đủ ...cần rèn luyện nội tâm
Phong thái bậc thánh hiền ... biểu hiện qua thi kệ (5)
Dạy chúng trích dẫn Hoa Nghiêm kinh, quá tinh tế (6)
Tất cả chúng sinh ....Trí tuệ Như Lai nơi mình
Lìa vọng tưởng chấp trước...Tâm hư không hoàn sinh
TUỲ KỲ TÂM TỊNH TỨC PHẬT ĐỘ TỊNH !
Kính đa tạ Giảng Sư ...nhiều tên gọi Phật tri kiến (7)
Trong đó Pháp thân hiển bày nhờ công đức trang nghiêm(8)
Bố thí nhẫn nhục , nhu hoà, tinh tấn, tham thiền
Phật là Lẽ Thật , Thấy và Biết như Thật
Kính tri ân Giảng Sư .....ngầm trao tặng, ban phát
Chìa khoá vàng ...dùng mở BẤT NHỊ PHÁP MÔN
Kiến như thị, Văn như thị ....niệm niệm nhuần ôn
Không còn đối đãi phân biệt, vọng chấp ....GIẢI THOÁT
Bài kệ thị tịch ...chiêm nghiệm hai câu cuối DIỆU LỰC VÔ TÁC (9)
Chân không diệu hữu không tách rời nhau
Vô vi nhi vô bất vi ...đạo lý thâm sâu
Cứu cánh chân thật ...nằm trong ngôn ngữ Thiền ...kỳ đặc !
Nam Mô Thiền Sư Trường Nguyên tác đại chứng minh
Huệ Hương
Melbourne 23/10/2021
Chú thích :
(1)
Sư họ Phan, quê ở Trường Nguyên, Tiên Du, dòng dõi theo Phật. Khi mới xuất gia thọ giáo với Thiền sư Đạo Huệ.
(2).
Sau khi được Đạo Huệ ấn chứng, Sư đi thẳng vào núi Từ Sơn ẩn tích. Ở đây, hàng ngày Sư mặc áo cỏ, ăn trái dẻ, làm bạn cùng suối, đá, khỉ, vượn. Suốt mười hai giờ, Sư nhồi nặn thân tâm lặng lẽ thành một mảnh. Trải qua năm, sáu năm, người đời không ai xem thấy được chỗ ảnh hưởng của Sư.
(3)
Vua Lý Anh Tông nghe tiếng ái mộ, muốn gặp Sư mà không thể được. Vua thầm sai Phiên thần họ Lê là bạn cũ của Sư khéo dẫn dụ về triều. Họ Lê dụ được Sư về đến nhà trọ chùa Hương Sát. Sư tự hối hận, liền trốn trở về núi xưa.
(4)
Sư bảo đồ đệ:
- Hạng người thân khô tâm nguội như ta, không phải những vật phù ngụy thế gian có thể cám dỗ được. Bởi vì chí, hạnh của ta chưa thuần nên bị các thứ bẫy lồng vây khốn.
(5)
Khỉ vượn bồng con lại núi xanh, Từ xưa Hiền Thánh không mối manh. Xuân về oanh hót trong vườn uyển, Thu đến cúc cười mất dáng hình.
(Viên hầu bão tử qui thanh chướng,
Tự cổ Thánh Hiền một khả lượng.
Xuân lai oanh chuyển bách hoa thâm,
Thu chí cúc khai một mô dạng.)
(6) Sư thường bảo mọi người:
- Lạ thay! Lạ thay! Tại sao các chúng sanh này có đủ trí tuệ Như Lai, mà ngu si mê hoặc chẳng thấy chẳng biết.
Ta thường đem đạo lý dạy dỗ, khiến họ lìa hẳn vọng tưởng chấp trước trong tự thân, mà thấy trí tuệ rộng lớn Như Lai của mình, được lợi ích an lạc.
(7)
Kinh Lăng Nghiêm thể tánh tịnh minh, bản tâm thanh tịnh
Kinh Pháp Hoa gọi là Phật tri Kiến
kinh Lăng Già gọi là Như Lại Tạng
kinh Thắng Man gọi là Pháp thân
(8)
Pháp thân tức Như Lai tạng thì tất cả chúng sanh đều có đầy đủ. Nhưng vì chúng sanh không có công đức trang nghiêm, nên Pháp thân chưa thể hiện bày. Còn Bồ Tát phát Bồ đề tâm tu hạnh tự lợi lợi tha, nghĩa là vì trang nghiêm Pháp thân Nhất thừa"
Đức Như Lai có đủ năng chứng trí và sở chứng lý, nên nói cho cùng thì phải đạt đến cảnh giới của Như Lai mới rốt ráo.
(9)
Ở chỗ bóng trần, Thường lìa bóng trần, Tâm phủ lóng tột, Cùng vật không thân. Thể vốn tự nhiên, Hiện vật không thiên, Tài bằng trời đất, Vượt cả nhân luân. Dưỡng nuôi muôn vật, Cùng vật làm xuân, Đứng múa gái sắt, Đánh trống người cây.
(Tại quang tại trần,
Thường ly quang trần,
Tâm phủ trừng triệt,
Dữ vật vô thân.
Thể ư tự nhiên,
Ứng vật vô ngân,
Tông tượng nhị nghi,
Đào thải nhân luân.
Đình độc vạn vật,
Dữ vật vi xuân,
Tác vũ thiết nữ,
Đả cổ mộc nhân.)
Đứng về mặt chân không diệu hữu mà nói, thì gái sắc và người gỗ là thể chân không, biết múa và biết đánh trống là diệu hữu. Ngay nơi thể chân không có cái diệu hữu. Chân không diệu hữu không rời nhau. Đó là giảng theo kinh.
“This is SBS Radio
The many voices of one Australia
Broadcasting in Vietnamese
Đây là SBS Radio
Và sau đây là chương trình phát thanh Việt Ngữ”...
Đó là nhạc hiệu mở đầu của Ban Việt Ngữ SBS Radio vào thập niên 1990 - mười lăm năm sau ngày đàn chim Việt tan tác lìa bỏ bầu trời quê hương. Mới đó mà đoàn lưu dân lê bước chân mục tử đã 40 năm rồi!
Với hành trang tị nạn trên vai khi đến với SBS Radio, trong tôi vẫn còn đọng lại những thanh âm thảng thốt, kinh hoàng, van xin cầu khẩn của các thuyền nhân đồng hành khi gặp hải tặc Thái Lan, chuyến vượt biên bất thành đưa những con người sắp đến bờ tự do quay trở về quê cũ để rồi tất cả đều bị bắt vào tù, dù là trẻ con còn bồng ẳm trên tay. Đất nước tôi như thế đó, những con người còn lại trên quê hương sống vất vưởng đọa đày, những con người bỏ nước ra đi không nhìn được trời cao mà lại chìm mình dưới lòng biển lạnh
Năm 1979 thường được coi là điểm khởi đầu của nền báo chí Việt ngữ tại Úc khi số đầu tiên của tờ Chuông Sài Gòn được phát hành tại Sydney. Tờ báo này xuất bản 2 tuần một lần và sau đó đã trở thành một tuần báo.
Trong vòng bốn thập niên qua, truyền thông tiếng Việt đã trải qua thời kỳ phát triển không khác chi truyền thông của các cộng đồng văn hóa đa nguyên khác, theo nghĩa là ngành này đã phát triển về số lượng cũng như sức mạnh theo đà phát triển của cộng đồng nói tiếng Việt.
“Đế Minh” là cháu ba đời
Vua“Thần Nông”tuần thú, chuyển dời phương nam
Đến núi Ngũ Lĩnh, (Hồ Nam) (1)
Gặp nàng “Tiêngiới” lấy làm hân hoan
Kết duyên chồng vợ vẹn toàn
Sinh con: “Lộc Tục” hiền ngoan nhất đời
“Đế Minh” quyết định truyền ngôi
Dì Trang là em của má tôi. Nếu không kể bên phía má, tôi có thể gọi dì bằng vai thấp hơn. Đơn giản, ba tôi là chú của chồng dì Trang. Khi ba tôi rời Hà Tĩnh để vào Nam, vào một thời xưa lắm, nghĩa là nói kiểu dân gian là năm một ngàn chín trăm gì đó, có dẫn theo một người cháu.
Tôi trở về Huế với một tâm trạng nôn nao bồi hồi! Hơn 30 năm sau mới nhìn lại Huế thân yêu, nơi đã cho tôi mật ngọt của thời mới lớn!
Phi trường Phú Bài vẫn vậy, vẫn u buồn ảm đạm vào mùa mưa lụt, dù đã mấy mươi năm qua cũng chẳng rộng lớn, sửa sang gì hơn. Đã thế, tôi đặt chân xuống phi trường khi trời đã về chiều nên càng hiu hắt buồn. Niềm vui rộn ràng chỉ bừng lên khi thấy một số bạn cũ đã đứng chờ sẵn bên ngoài. Chúng tôi chỉ biết ôm nhau trong tay với bao niềm cảm xúc, nhìn nhau miệng cười mà nước mắt rưng rưng!
Có một y viện huyện thuộc vùng cao nguyên Thái Lan, do giao thông bất tiện nên bệnh nhân phải đi từ sáng sớm đến bệnh viện để khám và kịp quay về nhà trước khi trời tối.
Xin có vài dòng tâm tư nơi đây. Truyện này có một tựa đề rát là phim bộ Hàn Quốc. Tác giả đã nghĩ tới các tựa đề khác cho nhẹ nghiệp tình -- thí dụ như “Tay Ai Chưa Nắm Một Lần” hay “Dây Chuông Ai Níu Bên Trời” – thì lại rất là cải lương, và chẳng hấp dẫn tí nào. Truyện này có thể có vài dị bản khác nhau. Nguyên khởi là viết cho Báo Xuân Việt Báo theo nhu cầu phải có chất lãng mạn thế gian. Cùng lúc, gửi cho nhà thơ Kinh Bắc để đăng trên ấn bản xuân tạp chí Suối Nguồn (của Trung Tâm Dịch Thuật Hán Nôm Huệ Quang), với lời dặn dò rằng xin nhà chùa tùy nghi sửa đổi, cắt bớt, hay thêm vào sao cho phù hợp với chánh pháp.
Ngày xưa ở tại ven sông
Có chàng khỉ sống ung dung một mình
Mạnh sức lực, lớn thân hình
Thêm tài nhảy nhót tài tình kể chi.
Giữa sông có đảo đẹp kia
Bao nhiêu cây cối rậm rì xanh tươi
Trái cây ngon ngọt khắp nơi
Nào hồng, nào chuối chào mời khỉ ta.
Từ bờ tới đảo khá xa
May thay có đá nhô ra giữa dòng
Việt nam nước tôi có chiều dài lịch sử thăng trầm trãi qua nhiều thời kỳ chống giặc ngoại xâm để giữ vững và mở rộng biên cương tổ quốc. Rồi qua hơn ba thập niên kể từ năm 1945 đến năm 1975 của thời hiện đại lại thêm một lần nữa Tổ quốc ngập chìm trong khói lửa chiến tranh tương tàn mà cho đến tận ngày nay vết thương vẫn chưa chữa lành bởi vì người ta nhân danh chủ nghĩa này lý thuyết nọ là những ý thức hệ ngoại lai.
Mỗi chuyến đi đều có mỗi nhân duyên khác biệt. Chuyến đi Ai Lao lần nầy của ba huynh đệ: tôi, thầy Hạnh Giới và chú Hạnh Tuệ cũng có nhân duyên thật là đặc biệt. Thông thường chương trình của Thượng Tọa Phương Trượng được sắp đặt trước một năm, năm nay chúng tôi sang Úc với Thượng Toạ thời gian ba tháng, từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 1 năm 2004. Chuyến đi nầy sẽ ghé Bồ đề Đạo tràng, vì thương quý thầy cô học tăng Việt nam, sinh viên trường Đại học Delhi, Thượng Toạ sang thăm Ấn độ mỗi năm một lần, để quý vị có cơ duyên được gần gũi, được nghe những lời huấn từ của Thượng Toạ và được tu tập bù lại phần lớn thời gian sống đời lưu học sinh, không chùa, phải ở ký túc xá sinh viên hoặc ở nhà trọ.
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường, nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.
May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland, Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below, may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma, the Land of Ultimate Bliss.
Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600 Website: http://www.quangduc.com
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.