Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Đại Xả (1120 - 1180), Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông) 🙏🙏🙏🌹🥀🌷🍀

19/10/202103:30(Xem: 27021)
Thiền Sư Đại Xả (1120 - 1180), Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông) 🙏🙏🙏🌹🥀🌷🍀


Nam Mô A Di Đà Phật

Kính bạch Sư Phụ,

Hôm nay thứ Ba 19/10/2021 (11/09/Tân Sửu), chúng con được học về Thiền sư Đại Xả (? - 1170) , đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông. Sư phụ dựa theo tài liệu gốc Thiền sư Việt Nam do HT Thích Thanh Từ biên soạn và ấn hành tại VN vào năm 1972. Pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 299 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do Đại dịch Covid -19 (đầu tháng 5-2020).

Sư họ Hứa, quê ở phường Đông Tác (nay thuộc huyện Hoàng Long, Hà Đông). Xuất gia từ thuở bé, theo học với Thiền sư Đạo Huệ, nhận được chút ít yếu chỉ thiền học, Sư thường trì tụng Kinh Hoa Nghiêm và thần chú của Ngài Phổ Hiền làm việc thường nhật.

Sư phụ giải thích:
Ý nghĩa đạo hiệu của Thiền sư Đại Xả, là sự buông bỏ vĩ đại, Xả là một hạnh trong Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Người tu là buông bỏ những gì mà người thế gian đang tìm cầu, tranh giành và nắm giữ. Buông xuống được mới có an lạc. Đại xả là nền tảng đưa đến giải thoát và giác ngộ.

Thiền sư Đại Xả là hành giả thọ trì Kinh Hoa Nghiêm và Thần Chú của Bồ Tát Phổ Hiền. Sư phụ đã phone hỏi thăm Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Tôn, Ngài cũng là một hành giả tu trì Mật Tông, HT đã cung cấp ngay bài tâm chú của Phổ Hiền Bồ Tát như sau:

“ Án bạt đề lễ, bạt đề lễ, tô bạt đề lễ, bạt đà ra, bạt trí, trãn đà ra, tì ma lễ tóa ha”

Sư phụ cũng kể thêm rằng, hiện tại Hòa Thượng Huyền Tôn mỗi ngày khi dùng thuốc Ngài đều thọ trì Thần chú này 21 biến vào thuốc, vào nước trước khi uống, năm nay HT đã 93 niên kỷ nhưng Ngài vẫn khỏe mạnh với nước da trắng hồng hào tươi tắn. Sư Phụ hỏi bí quyết gì để HT có được sức khỏe thượng thừa như thế, HT đã tiết lộ thêm rằng, mỗi ngày khi bình minh ló dạng, HT quay mặt về hướng đông, quán tưởng hình ảnh Đức Phổ Hiền Bồ Tát và trì niệm 7 biến một Thần Chú khác:

“Án Tô Ba Trác, Tỳ Ni Ba Trác, Ô Tô Ba Trác”

Và buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống, HT cũng quay mặt về hướng đông, quán tưởng đức Phổ Hiền Bồ tát và trì 7 biến thần chú trên và bái 3 bái. HT nhắc lại rằng trong Đại Tạng Kinh có nói rõ hành giả nào tinh tấn thọ trì Thần chú này miên mật không gián đoạn một đời thì khi thân hoại mạng chung sẽ đạt được pháp thân thanh tịnh và vượt thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Con cảm ơn Sư Ông Huyền Tôn và Sư Phụ đã ban bố cho hàng đệ tử chúng con 2 bài Thần Chú vi diệu này của Phổ Hiền Bồ Tát, con sẽ học thuộc lòng và thọ trì ngay hôm nay.

Sư Phụ giới thiệu vắn tắt về Kinh Hoa Nghiêm có 8 quyển 40 phẩm do Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch và ấn hành vào năm 1964, trong đó có ba phẩm cuối quan trọng, đó là phẩm 38, 39 Nhập Pháp Giới và phẩm 40 Phổ Hiền Hạnh Nguyện.

Phẩm 38, 39 Nhập Pháp Giới kể về câu chuyện Thiện Tài Đồng Từ đi cầu pháp với 53 vị Thiện Tri Thức. Số 53 là biểu trưng cho 53 giai vị tu chứng của Bồ Tát hạnh, bao gồm: thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, đẳng giác, diệu giác và Phật quả. Trong số 53 vị này, có 4 vị Bồ Tát, đó là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát. Vị cuối cùng số 53 cũng chính là Ngài Phổ Hiền Bồ Tát đã khuyến giao Thiện Tài Đồng Tử muốn thành tựu đạo quả phải tu theo 10 hạnh:


1/ Lễ kính chư Phật: lễ Phật mỗi ngày ,về sự là lễ Phật bên ngoài, Đức Thích Ca, Đức A Di Đà…,về lý là lễ kính vị Phật bên trong của chính mình.
2/Hai là xưng tán Như Lai.
3/Quảng tu cúng dường & bố thí:
Một hạt gieo nhân, trăm hạt thâu
Một đồng bố thí vạn đồng thâu
Ngân hàng phước báo ta nên gởi
Lãi suất về sau mãi được thâu
Bố thí và cúng dường: là buông xuống cái tâm tham lam, bủn xỉn.
4/Sám hối nghiệp chướng: chí Thành sám hối mỗi ngày, vì sợ nhân quả nghiệp báo nên không phạm lỗi.
5/Tuỳ hỉ công đức, vui với niềm vui công đức của người, không tạo ra tật đố ganh tỵ.
6/Thỉnh Phật chuyển pháp luân: về lý mỗi hành giả phải lăn chuyển bánh xe pháp vào trong đời sống của bản thân mình.
7/Thỉnh Phật trụ thế: về lý là phải thỉnh Phật của chính mình thường trụ trong đời sống của mình trong mỗi phút mỗi giây, hầu đem lại sự an vui cho gia đình và xã hội.
8/Thường tùy học Phật: tuỳ theo thời gian và Hoàn cảnh của bản thân mà học Phật, phải học Phật trước rồi mới áp dụng vào pháp hành để không lầm đường lạc lối.
9/Hằng thuận chúng sanh: hằng thuận chúng sanh để giúp họ đến gần với Chánh Pháp, tùy duyên bất biến để mang lợi lạc giải thoát cho họ.
10/ Phổ giai hồi hướng: những gì làm được từ 9 hạnh trên đều hồi hướng cho tất cả chúng sanh.


Có lúc, Sư xõa tóc bỏ ăn, chỗ ở không nhất định. Các vương công đều quí kính, Kiến Ninh Vương và Công chúa Thiên Cực cũng rất kính trọng.

Sư phụ giải thích: lúc Ngài Đại Xả ở trên núi có thể không có phương tiện cạo tóc.

Sư thường ở Tuyên Minh Hổ Nham lập Chùa giáo hóa, học giả các nơi đến học rất đông. Có vị Tăng nước Tống hiệu Nham Ông, nghe tiếng Sư, cảm mộ đốt ngón tay để cúng dường. Có người nghi Sư dùng yêu thuật, nên trong khoảng niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo (1174-1175, Vua Lý Anh Tông) Thái úy Đỗ Anh Vũ ra lệnh bắt Sư vào giam, hành phạt nặng nề mà Sư không có vẻ sợ hãi. Sau đó, Sư được phóng thích.


Sư phụ giải thích:
- Vào thời Vua Lý Anh Tông, vì có vị Tăng nước Tống đốt ngón tay cúng dường cho Sư, chính vì vậy mà Sư bị nghi là mật thám của Tàu nên bị bắt giam.


Vua Lý Anh Tông triệu Sư vào hỏi:
- Trẫm bị phiền muộn, Sư có thuật gì trị chăng?
Sư đáp:
- Pháp Mười hai nhân duyên là căn bản tiếp nối sự sống chết, cần lấy đó để trị, nó thật là phương thuốc hay vậy.
Vua hỏi:
- Ý chỉ nó thế nào?
Sư đáp:
- Vô minh là nhân duyên của Hành cho đến lo buồn khổ não, muốn cầu quả Bích-chi Phật nên nói Mười hai nhân duyên. Đem trị trong thân này thì không còn phiền não.
Vua hỏi:
- Thế thì, trẫm phải tĩnh tâm tu tập?
Sư đáp:
- Khi giữ được nghiệp thức yên tịnh, tức là lóng trong phiền não, không còn pháp nào khác đáng tu tập cả. Xưa kia Vua Lương Võ Đế thường đem vấn đề này hỏi Thiền sư Bảo Chí, Ngài Bảo Chí cũng đáp như thế. Hôm nay trộm nghĩ vì Bệ hạ đưa ra điều tương tợ ấy.

Sư phụ giải thích:
- Nương theo tích chuyện xưa, Thiền sư Bảo Chí khuyên Vua Lương Võ Đế hàng phục tâm bệnh bằng pháp 12 Nhân Duyên, nên Thiền sư Đại Xả cũng khuyên Vua Lý Anh Tông áp dụng 12 Nhân Duyên để tự chữa trị bệnh sầu khổ.
- Mười hai nhân duyên là giáo lý cốt tủy của Đức Phật thành tựu đạo quả trong đêm thành đạo dưới cội Bồ đề, bao hàm giáo lý Tứ Diệu Đế:
Quán lưu chuyển: khổ đế và tập đế: “ Do vô minh có hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức, có danh sắc sinh; do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có xúc sinh; do xúc, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có hữu sinh; do hữu, có sinh sinh; do sinh, có lão tử, sầu, bi khổ, ưu não hay toàn bộ khổ uẩn sinh”
Quán hoàn diệt: diệt đế và đạo đế: “Do đoạn diệt tham ái, vô minh một cách hoàn toàn, hành diệt, do hành diệt nên thức diệt; do thức diệt nên danh sắc diệt; danh sắc diệt nên lục nhập diệt, lục nhập diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên lão sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy toàn bộ khổ uẩn đọan diệt. Này các Tỷ kheo như vậy gọi là đoạn diệt”.

Nhân quá khứ: vô minh, hành
Quả hiện tại: thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ
Nhân hiện tại: ái, thủ, hữu
Quả vị lai: sanh, lão tử

- Nguyên do ban đầu là vô minh đen tối, muốn diệt vô minh phải có minh (ánh sáng trí tuệ), minh sanh thì vô minh diệt, như căn nhà tối đem đèn sáng vào thì bóng tối lập tức biến mất.
- Phật dạy do vô minh mà tạo nghiệp, nếu ngay khi khởi tưởng vô minh mà chánh niệm tỉnh giác với tuệ tri nhận ra và dập tắt ngay thì nghiệp không thiết lập, nghiệp không tạo thì không còn tái sanh luân hồi khổ đau nữa. Tổ Sư Thiền theo ý này để tu, tuy đơn giản nhưng rất khó nhận ra, nếu không nhận ra thì phải tiệm tu theo Lục độ vạn hạnh, từng bước một: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định để phát sanh trí tuệ, có trí tuệ rồi sẽ không còn vô minh để tạo nghiệp.

Đến ngày mùng 2 tháng 5 niên hiệu Trinh Phù thứ năm (1180, Lý Cao Tông), Sư gọi đệ tử dặn dò nói kệ:
Bốn rắn chung rương trước giờ không,
Núi cao năm uẩn đâu chủ ông.
Chân tánh sáng ngời không chướng ngại,
Niết-bàn sanh tử mặc che lồng.
(Tứ xà đồng khiếp bản lai không,
Ngũ uẩn sơn cao diệc bất tông.
Chân tánh linh minh vô quái ngại,
Niết-bàn sanh tử nhậm già lung.)


Sư phụ giải thích:
Bài kệ rất súc tích ý nghĩa siêu tuyệt, lấy ý trong Kinh Đại Bát Niết Bàn.
- Bốn rắn chung rương trước giờ không:
Xứ Ấn Độ là xứ nóng, rừng hoang có nhiều loài rắn. Đức Phật thường hay đem hình ảnh loài rắn để dạy đệ tử. Trong mỗi đệ tử Phật có bốn đại, biểu trưng bốn loại rắn: rắn hổ đất, nước, gió, lửa nuôi trong rương ngũ uẩn, chúng ít khi hòa hợp, cấu xé lẫn nhau rồi bỏ chạy, người chủ kiếm rương khác để nuôi, ý nói là khi thân tứ đại tan rã, nghiệp thức tiếp tục đầu thai vào cõi khác để chịu khổ đau.

- Núi cao năm uẩn đâu chủ ông.
Năm uẩn, sắc thọ tưởng hành thức, không ai làm chủ, biểu trưng thân này không là của mình. Chân bị đau, không phải là tôi đau, không có cái gì của tôi cả, cái của tôi là do chấp ngã xưa nay mình quên tự đặt để rồi tự gọi tên, kỳ thật ngũ uẩn không có gì thuộc về mình.

Trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya), Tập III, Thiên uẩn, chương I, Tương ưng uẩn, Phật dạy cách tận diệt ngã và ngã sở như sau: “Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi”. Do như thật quán với chánh trí tuệ như vậy, tâm ly tham, được giải thoát, không có chấp thủ các lậu hoặc”.


Lại nói:
Ngựa đá nhe răng cuồng,
Ăn mạ ngày tháng kêu.
Đường cái người đồng qua,
Trên ngựa không người đi.
(Thạch mã xỉ cuồng nanh,
Thực miêu nhật nguyệt minh.
Đồ trung nhân cộng quá,
Mã thượng nhân bất hành.)


Sư phụ giải thích:
- Lời kệ di chúc của Thiền sư Đại Xả muốn nhắn nhủ chúng đệ tử trong bài kệ này là bặt dứt suy nghĩ, suy nghĩ là vọng, là bắt đầu hành trình sanh tử khổ đau bất tận, nên giữ tâm an nhiên, không vọng tưởng, không suy lường. Rõ ràng bài kệ chỉ đọc chữ nghe thôi mà không để cho đệ tử biện giải nghĩa lý, thật là đúng theo chủ trương ban đầu của Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma là “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, kiến tánh thành Phật.

Nói kệ xong, đến canh năm Sư an nhiên thị tịch, thọ thế sáu mươi mốt tuổi.


Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiền sư Đại Xả do Thượng Tọa Chúc Hiền sáng tác cúng dường Ngài:


Thuở nhỏ nương thầy nguyện xuất gia
Sớm hôm Kinh kệ dưỡng tâm hoa
Hoa Nghiêm, thần chú chuyên lòng tụng
Phật Đạo hương thiền tịnh đức Hòa
Gương hạnh sáng soi ngời chí nguyện
Lý mầu chiếu tỏa rực thiền na
Thiền thi lưu xuất trao huyền chỉ
Tổ ấn trùng quang rạng sơn hà

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về Thiền sư Đại Xả. Xả là hạnh tu quan trọng trong bốn hạnh tu Từ Bi Hỉ Xả, là nền tảng của giác ngộ và giải thoát. Sư thường trì tụng Kinh Hoa Nghiêm, trong mười Hạnh Nguyện Phổ Hiền, hạnh thứ nhất, Lễ kính Chư Phật là quan trọng, là lễ kính Phật trong tự tánh của chính mình và hồi hướng cho tất cả chúng sanh đồng lợi lạc trên đường tu.
Ngoài ra Sư còn giúp trị bệnh phiền não cho Đức Vua là giữ nghiệp thức thanh tịnh, lắng trong phiền não, dùng Trí tuệ diệt vô minh, là giáo lý cốt tủy của Đức Thế Tôn truyền dạy 26 thế kỷ trước.


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).



299_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Dai Xa


Thiền sư Đại Xả (1120 - 1180)
Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông
(Vào thời Vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông)



Kính dâng Thầy bài trình pháp về Thiền sư Đại Xả với lòng thành kính và tri ân Thầy đã chỉ rõ giáo lý tinh yếu của Đức Phật. Lý Duyên Khởi và đặc biệt nhất là sự tương quan mật thiết với Tứ Diệu Đế mà chỉ có một năm gần đây khi học lại Kinh Trung Bộ con mới thọ nhận và hôm nay một lần nữa Thầy đã xác quyết khiến con hồ hỡi và phấn khích vô cùng. Hơn thế nữa Thần Chú Phổ Hiền được truyền trao từ Hòa Thượng Tăng Giáo Trưởng Thích Huyền Tôn cũng đã minh chứng đúng thời đúng lúc, đại duyên sẽ đến ...Con có chút căn cơ Mật Tông nên đã tìm thấy nhiều linh nghiệm khi trì chú này qua YouTube được vài năm gần đây. Kính đảnh lễ Thầy, kính chúc sức khỏe Thầy, HH

Khi đọc đến hành trạng và bài thi kệ thị tịch của Thiền sư Đại Xả ( đệ tử truyền thừa đời thứ 10 của Thiền phái Vô Ngôn Thông, một thiền phái chịu ảnh hưởng Trung Hoa và Nam Phương đốn ngộ của Lục Tổ Huệ Năng) hẳn chúng ta đều nhận ra hai phần rõ rệt trong bài thi kệ ấy .

Phần đầu với cái nhìn sâu sắc nhất, tế nhị nhất, mầu nhiệm nhất trên nền tảng giáo lý 12 nhân duyên. Điều này đã được Như Lai dạy: Ai thấy Duyên Khởi thì thấy pháp, ai thấy Pháp thì thấy Duyên Khởi. Những pháp này thì do duyên tạo ra: đó là Năm thủ uẩn. Bất cứ sự ham muốn dục lạc, ưa thích, nắm giữ nào đối với Năm thủ uẩn đều là sự sinh khởi của khổ đau. Bất cứ sự chế ngự tham ái, chấp thủ, sự từ bỏ tham ái và chấp thủ nào đối với Năm thủ uẩn đều là sự đoạn diệt khổ đau.

Bốn rắn chung rương trước giờ không,
Núi cao năm uẩn đâu chủ ông.
Chân tánh sáng ngời không chướng ngại,
Niết-bàn sanh tử mặc che lồng.
(Tứ xà đồng khiếp bản lai không,
Ngũ uẩn sơn cao diệc bất tông.
Chân tánh linh minh vô quái ngại,
Niết-bàn sanh tử nhậm già lung.)

Và chính những danh từ Bốn rắn chỉ cho tứ đại trích từ Phẩm thứ 23 trong Kinh Đại Bát Niết Bàn .
Nhưng đoạn hai lại lấy căn bản của Bồ Đề Đạt Ma (Bất lập văn tự có nghĩa là vốn thoát ly danh từ ngôn ngữ ...vì sẽ tạo ra nhiều khởi tưởng suy niệm tư duy phân biệt không nằm trong thế giới hiện tại

Nên ...Lại nói:

Ngựa đá nhe răng cuồng,
Ăn mạ ngày tháng kêu.
Đường cái người đồng qua,
Trên ngựa không người đi.

(Thạch mã xỉ cuồng nanh,
Thực miêu nhật nguyệt minh.
Đồ trung nhân cộng quá,
Mã thượng nhân bất hành.)

Kính trộm nghĩ:
Điều này không lấy làm ngạc nhiên lắm vì nó được nuôi dưỡng với thời gian hành trì Giáo Lý Kinh Hoa Nghiêm của Ngài và trì chú Phổ Hiền Bồ tát mỗi ngày.

(Sư thường trì tụng Kinh Hoa Nghiêm và Thần chú của Ngài Phổ Hiền làm việc thường nhật.)
Kinh Hoa Nghiêm lại đại biểu cho tư tưởng Phật Pháp đại-thừa về lý hữu hóa duyên sanh của vạn pháp, với trùng trùng duyên khởi và ...chính Giáo lý duyên khởi lại bao trùm Nhân và Quả trong Tứ Diệu Đế. Chính giáo lý Duyên Khởi đặc biệt giải thích về trạng thái đau khổ con người do đâu sinh ra. Tất cả là do 12 Duyên Khởi.

Bằng vào tuệ giác siêu việt, Đức Phật tự kiến giải, rồi khai thị cho chúng ta hiểu. Đó là một vòng tròn tuy nói là khép kín, nhưng cũng có cách để chúng ta phá vỡ nó. Chỉ cần chúng ta diệt một trong các mắt xích, mà quan trọng nhất là mắt xích Vô Minh và Ái dục thì tự động cái vòng phiền não này sẽ tan rã.
Nếu chúng ta chịu tu tập theo các giáo lý mà Đức Thế Tôn đã giảng dạy thì sẽ cắt đứt được Vô Minh và Ái dục. Những giáo lý đó là Tứ Diệu Đế, Ngũ Uẩn, Nhân Quả, biết tàm quý, sám hối chừa bỏ những lỗi lầm, tu theo Giới Định sẽ Sinh Tuệ theo Bát Chánh Đạo theo chu trình như sau
Nhân quá khứ ( vô minh ->tham ái tạo nghiệp ->TẬP ĐẾ ) làm có Quả hiện tại ( sanh tử luân hồi -> KHỔ
Nhân hiện tại (Chuỗi vô minh, hành , thức.... bị cắt do tu Bát chánh Đạo -> ĐẠO ĐẾ ) sẽ cho Quả tương lai (không còn tái sinh trong ba cõi sáu đường -> DIỆT ĐẾ )

Như vậy, giáo lý Duyên khởi bắt đầu từ vô minh đến già chết như sau: “Vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc ...; hữu duyên sinh; sinh duyên già chết...] đức Phật trình bày chi phần vô minh trước tiên trong chuỗi 12 chi phần nhân duyên để nói lên sự nguy hiểm của vô minh và tầm quan trọng của việc giác ngộ. Trước nhất Ngài chỉ dạy về nguyên nhân quá trình hiện hữu của đời sống. Đời sống hiện hữu của chúng ta với những khổ đau của kiếp người, nào sinh, già, bệnh chết, sầu, bi, khổ, ưu, não; nào sự tái sinh trong Tam giới, Lục đạo đều có nguồn gốc từ vô minh. Có vô minh tức có tái sinh, có đau khổ. Ở đây Phật nói lên cái nguyên nhân căn đế của khổ đau để cảnh tỉnh chúng ta. Ngài chỉ đích danh vô minh như khởi điểm của mọi tiến trình sinh tử, như xuất phát điểm của 12 chi phần duyên khởi. Mặc dù vô minh cũng mang tính duyên sinh, không phải nguyên nhân đầu tiên. Tuy vậy, vô minh vẫn đóng một vai trò rất lớn trong toàn bộ 12 chi phần duyên khởi, một trong những động cơ chính tạo nghiệp sinh tử. Phật dạy duyên khởi bắt đầu từ vô minh là có mục đích để người nghe thấy sự nguy hiểm của tâm lý si mê lầm lạc tai hại biết chừng nào. Chính tâm si mê không biết chính đạo đã khiến cho chúng sinh phải luân chuyển trong lục đạo luân hồi. Vì: ‘Do duyên Vô minh, Hành sinh; do duyên Hành, Thức sinh; do duyên Thức, Danh-sắc sinh; do duyên Danh sắc, Lục nhập sinh; do duyên Lục nhập, Xúc sinh do duyên Xúc, Thọ sinh; do duyên Thọ; Ái sinh, do duyên Ái; Thủ sinh, do duyên Thủ; Hữu sinh, do duyên Hữu; Sinh sinh, do duyên Sinh, Lão tử sinh, do duyên Lão tử, sầu - bi - khổ - ưu - não sinh. Như vậy là sự sinh khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Này các Tỳ kheo, đây gọi là ‘Duyên Khởi’.

Nhưng từ sự tan biến và chấm dứt hoàn toàn Vô minh, Hành chấm dứt; từ sự chấm dứt của Hành, Thức diệt; do Thức diệt mà Danh - sắc diệt...; do Sinh diệt, mà Lão - tử - sầu - bi - khổ - ưu não diệt. Như vậy là sự chấm dứt hoàn toàn toàn bộ khổ uẩn này’

. Nếu chúng ta chịu tu tập theo các giáo lý mà Đức Thế Tôn đã giảng dạy thì sẽ cắt đứt được Vô Minh và Ái dục. Những giáo lý đó là Tứ Diệu Đế, Ngũ Uẩn, Nhân Quả, biết tàm quý, sám hối chừa bỏ những lỗi lầm, tu theo Giới Định Huệ v.v...
"- Này các Tỳ Kheo, đây chính là Khổ thánh đế: Sinh là khổ, bệnh là khổ, già là khổ, chết là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ, thân ái biệt lylà khổ, cầu không được là khổ, tóm lại chấp thủ năm uẩn là khổ.
"- Này các Tỳ Kheo, đây chính là Tập khổ thánh đế. Chính là ái đưa đến hữu, tương ứng với hỷ và tham, tìm cầu hoan lạc chỗ này chỗ kia, chính là dục ái, sinh ái, vô sinh ái.
"- Này các Tỳ Kheo, đây chính là Diệt khổ thánh đế. Chính là sự diệt tận, vô dục, từ bỏ xả ly, giải thoát, tự tại đối với các ái.
"- Này các Tỳ Kheo, đây chính là Đạo diệt khổ thánh đế, đưa đến diệt khổ, chính là con đường thánh tám ngành: Chính kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định."

Và điểm đặc biệt nhất là Thần chú của Phổ Hiền Bồ Tát, chắc hẳn thần chú phải đọc sau khi Ngài đã tâm tâm niệm niệm mười đại hạnh trước mà người tu bất cứ pháp môn nào cũng phải Kinh qua. Đó là

1. Lễ kính chư Phật.
2. Xưng tán Như Lai.
3. Quảng tu cúng dường.
4. Sám hối nghiệp chướng.
5. Tùy hỷ công đức.
6. Thỉnh chuyển pháp luân.
7. Thỉnh phật trụ thế.
8. Thường tùy phật học.
9. Hằng thuận chúng sinh.
10. Phổ giai hồi hướng


Nhưng điều chúng ta học được nơi Ngài một thần chú hóa giải nghiệp chướng, tiêu trừ bịnh tật và luôn có thân tâm an lạc của Đức Phổ Hiền Bồ Tát đã được Hòa Thượng Tăng Giáo Trưởng Thích Huyền Tôn truyền trao đến Giảng Sư TT Thích Nguyên Tạng qua bài pháp thoại nầy( trong mùa đại dịch ) ....thật mầu nhiệm vi diệu.

Kính xin ghi lại theo lời đọc của Giảng Sư :
“ Án bạt đề lễ, bạt đề lễ, tô bạt đề lễ, bạt đà ra, bạt trí, trãn đà ra, tì ma lễ tóa ha”.

Thật là một điều trùng hợp quá nhiệm mầu ....vì từ lâu người viết đã tụng thần chú Phổ Hiền mỗi sáng bằng tiếng phạn ... tương tự âm nhưng không biết phải đúng không ( xin được thứ lỗi nếu sai sót )
AH AH SHASA MAHA MAME- DHARMA RARA HATANGA AH SHALA SHAME DHAMA DALI GHAHANA AHLIDA HAMA SHASA GIYO
https://youtu.be/HurQEIIh62U


Lời kết :

Kính ngưỡng Thiền sư Đại Xả với đạo hiệu được tiêu biểu cho một hạnh rất quan trọng trong Tứ Vô Lượng Tâm (cũng là một hạnh mà bất cứ người Phật tử nào cũng phải thực hành cho được vì đó là nền tảng dẫn đến Giác Ngộ Giải Thoát )
Bài kệ thị tịch lưu lại cho hàng hậu học chúng con là một pháp bảo trân quý trên bước đường tu tập theo dấu Như Lai.
Kính trân trọng,


"Một sự Buông Xả Vĩ Đại"
Tuyệt vời thay ...Đạo hiệu Thiền sư Đại Xả!
Đời thứ 10 thiền phái Vô Ngôn Thông
Kinh Hoa Nghiêm, thần chú Phổ Hiền niệm nằm lòng
Tuyên Minh Hồ Nham lập Chùa giáo hóa
Kiến Ninh Vương, Công Chúa Thiên Cực cùng nhiều học giả



Do đàm tiếu đố kỵ, ngục tù bị hàm oan
Hình phạt nặng nề, không hề sợ hãi oán than
Có lẽ hằng thuận chúng sinh ...
.....trong Thập Quảng Đại Nguyện Vương Phổ Hiền Bồ Tát?



Kính đa tạ Giảng Sư .. thật biện tài quảng bác
Từng câu kệ bài thị tịch chỉ rõ ngọn ngành
Cốt lõi giáo lý duyên sinh ... nhân quả kết thành
Tương quan Tứ Diệu Đế ...vì sao luân hồi sinh tử
Kính đảnh lễ ....Hòa Thượng Bảo Vương Tự
Thần Chú Phổ Hiền sưu lục đã truyền trao
Hàng hậu bối ....tiếp nhận sự vi diệu nhiệm mầu
Giúp tiêu trừ bịnh tật, thâm tâm an lạc!



Kính tri ân Giảng Sư ...
....Như Lai Sứ Hoàn thành viên mãn công tác!
Pháp bảo đang giáo truyền trong kiếp hiện tại này
Chân lý uyên nguyên ..nhập pháp giới đồng tử Thiện Tài
Kinh Hoa Nghiêm ....Tư tưởng Đại Thừa Phật Pháp!



Nam Mô Thiền sư Đại Xả tác đại chứng minh
Huệ Hương
Melbourne 19/10/2021



thich nguyen tang-2 (1)thich nguyen tangthich nguyen tang-2 (2)thich nguyen tang-2 (4)





Chú thích : 

(1) Sư họ Hứa, quê ở phường Đông Tác (nay thuộc huyện Hoàng Long, Hà Đông). Xuất gia từ thuở bé, theo học với Thiền sư Đạo Huệ, nhận được chút ít yếu chỉ thiền học

(2)Sư thường trì tụng kinh Hoa Nghiêm và thần chú của ngài Phổ Hiền làm việc thường nhật. 

Có lúc, Sư xõa tóc bỏ ăn, chỗ ở không nhất định

(3) Các vương công đều quí kính, Kiến Ninh Vương và Công chúa Thiên Cực cũng rất kính trọng.

Sư thường ở Tuyên Minh Hỗ Nham lập chùa giáo hóa, học giả các nơi đến học rất đông. 

(4) 

Có vị Tăng nước Tống hiệu Nham Ông, nghe tiếng Sư cảm mộ đốt ngón tay để cúng dường. Có người nghi Sư dùng yêu thuật, nên trong khoảng niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo (1174-1175) Thái úy Đỗ Anh Vũ ra lệnh bắt Sư vào giam, hành phạt nặng nề mà Sư không có vẻ sợ hãi. Sau đó, có lệnh thả Sư.

(5) 

Lúc bấy giờ ngài Phổ Hiền đại Bồ Tát khen ngợi công đức thù thắng của đức Như Lai rồi, bèn bảo các vị Bồ Tát và Thiện Tài rằng:

- Này thiện nam tử! Công đức của Như Lai, giả sử cho tất cả các đức Phật ở mười phương, trải qua số kiếp nhiều như cực vi trần trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật diễn nói không ngừng, cũng không thể trọn hết được. Nếu ai muốn trọn nên công đức của Phật, thời phải tu mười điều hạnh nguyện rộng lớn. Những gì là mười điều? 

Một là lễ kính các đức Phật. 

Hai là khen ngợi các đức Như Lai. 

Ba là rộng sắm đồ cúng dường. 

Bốn là sám hối các nghiệp chướng. 

Năm là tùy hỷ các công đức. 

Sáu là thỉnh đức Phật thuyết pháp. 

Bảy là thỉnh đức Phật ở lại đời. 

Tám là thường học đòi theo Phật. 

Chín là hằng thuận lợi chúng sanh. 

Mười là hồi hướng khắp tất cả.

(6)

Vua cho vời vào hỏi:

- Trẫm bị phiền muộn, Sư có thuật gì trị chăng?

Sư đáp:

- Pháp Mười hai nhân duyên là căn bản tiếp nối sự sống chết, cần lấy đó để trị, nó thật là phương thuốc hay vậy.

Vua hỏi:

- Ý chỉ nó thế nào?

Sư đáp:

- Vô minh là nhân duyên của Hành cho đến lo buồn khổ não, muốn cầu quả Bích-chi Phật nên nói Mười hai nhân duyên. Đem trị trong thân này thì không còn phiền não.

Vua hỏi:

- Thế thì, trẫm phải tĩnh tâm tu tập?

Sư đáp:

- Khi giữ được nghiệp thức yên tịnh, tức là lóng trong phiền não, không còn pháp nào khác đáng tu tập cả. Xưa kia vua Lương Võ Đế thường đem vấn đề này hỏi Thiền sư Bảo Chí, Bảo Chí cũng đáp như thế. Hôm nay trộm vì Bệ hạ đưa ra điều tương tợ ấy.

*

Đến ngày 2 tháng 5 niên hiệu Trinh Phù thứ năm (1180), Sư gọi đệ tử dặn dò nói kệ:

Bốn rắn chung rương trước giờ không,
Núi cao năm uẩn đâu chủ ông.
Chân tánh sáng ngời không chướng ngại,
Niết-bàn sanh tử mặc che lồng.

(Tứ xà đồng khiếp bản lai không,

Ngũ uẩn sơn cao diệc bất tông.

Chân tánh linh minh vô quái ngại,

Niết-bàn sanh tử nhậm già lung.)

Lại nói:

Ngựa đá nhe răng cuồng,
Ăn mạ ngày tháng kêu.
Đường cái người đồng qua,
Trên ngựa không người đi.

(Thạch mã xỉ cuồng nanh,

Thực miêu nhật nguyệt minh.

Đồ trung nhân cộng quá,

Mã thượng nhân bất hành.)

Nói kệ xong, đến canh năm Sư tịch, thọ sáu mươi mốt tuổi.

(7)  

Dưới cội Bồ đề, đức Phật khởi lên ý nghĩ:

* Không có Sinh thì Khổ đau không có mặ
* Không có Hữu thì Sinh không thể có mặt.
* Không có Thủ thì Hữu không thể có mặt;
* Không có Ái thì Thủ không thể có mặt.
* Không có Thọ thì Ái không thể có mặt.
* Không có Xúc thì Thọ không thể có mặt.
* Không có Lục nhập thì Xúc không thể có mặt.
* Không có Danh sắc thì Lục nhập không thể có mặt.
* Không có Thức thì Danh sắc không thể có mặt.
* Không có Hành thì Thức không thể có mặt.
* Không có Vô minh thì Hành không thể có mặt.

Như thế, Vô minh là suối nguồn của dòng đời khổ đau. Nhưng nó là do duyên mà sinh, chứ không phải là nguyên nhân đầu tiên như đức Phật đã giảng.

‘Này các Tỷ kheo, điểm khởi đầu của Vô minh là không thể biết được để nói rằng: ‘trước đó Vô minh không có mặt; Vô minh có mặt từ đó’. Này các Tỷ kheo, lời nói này được tuyên bố. : Vô minh là do duyên này duyên kia mà sinh khởi’ 

Ở đây Phật nói lên cái nguyên nhân căn để của khổ đau để cảnh tỉnh chúng ta. Ngài chỉ đích danh vô minh như khởi điểm của mọi tiến trình sinh tử, như xuất phát điểm của 12 chi phần duyên khởi. Mặc dù vô minh cũng mang tính duyên sinh, không phải nguyên nhân đầu tiên. Tuy vậy, vô minh vẫn đóng một vai trò rất lớn trong toàn bộ 12 chi phần duyên khởi, một trong những động cơ chính tạo nghiệp sinh tử. Phật dạy duyên khởi bắt đầu từ vô minh là có mục đích để người nghe thấy sự nguy hiểm của tâm lý si mê lầm lạc tai hại biết chừng nào. Chính tâm si mê không biết chính đạo đã khiến cho chúng sinh phải luân chuyển trong

(8) 

Hoà Thượng Tăng Giáo Trưởng Thích Huyền Tôn đã tuyền cho Giảng Sư Thích Nguyên Tạng thần chú Phổ Hiền trong bộ Mật Tông như sau 

ÁN BẠT ĐỀ LỄ , BẠT ĐỀ LỄ , TÔ BẠT ĐỀ LỄ, BẠT ĐÀ RA BẠT TRÍ   TẢN ĐÀ RA, TỲ MA LỆ TOÁ HA .

(9) 

Kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh đại thừa, là vua trong các kinh, với nội dung siêu việt tuyệt luân hùng vĩ, tráng lệ nguy nga, thể hiện pháp thân, tư tưởng và tâm nguyện của Phật.

Hoa Nghiêm tiếng Phạn là Avatamsaka, có nghĩa là đóa hoa thanh khiết tuyệt đẹp nhất trần gian, ngát hương khắp mười phương các cõi pháp giới.

Tư tưởng Hoa Nghiêm trình bày vạn pháp do tâm sanh. Tâm là thực thể của vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt hình hình sắc sắc, trùng trùng duyên khởi, cái này có cái kia có và ngược lại, như lưới đế châu. Tâm chơn thì pháp giới tánh với Tâm là một, vạn pháp đồng nhất thể. Tâm thanh tịnh thì thấu đạt chơn lý Phật tánh, suốt thông pháp giới vô ngại, thể nhập bất tư nghì giải thoát hạnh môn. 

Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật chỉ cho chúng-sanh thấu rõ cội nguồn của xum la vạn tượng do mê thức vọng tưởng nghiệp duyên hình thành, các pháp hiện hành trong vũ trụ là huyễn hóa, như hoa trong gương, như trăng trong nước. 

Tất cả vạn pháp trong pháp giới đều từ tâm sanh. 

Tâm trùm khắp cả pháp giới. Tất cả vạn hữu vũ trụ có thể nằm gọn trong hạt cải. Hạt cải có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ vạn pháp. Thể tánh của Tâm nhiếp thâu tất cả. Tất cả là một, một là tất cả. Đó là bản tánh vô ngại của Tâm. 

Bản tánh chơn tâm suốt thâu vạn pháp hữu tình và vô tình; lấy toàn thể pháp giới tánh làm lượng; lấy xứng tánh bất tư nghì vô ngại giải thoát làm thể. Đó là ý nghĩa căn cốt của Kinh Hoa Nghiêm.

Ngoài ra Kinh Hoa Nghiêm còn là một thông điệp, một bài học phong phú sinh động muôn đời, trao gởi cho hành giả có tâm hướng thượng đại-thừa, tu là cần phải học phải hành qua hình ảnh Thiện Tài đồng tử tham bái cầu học đạo với năm mươi ba vị thiện tri thức, là bằng chứng cho ta thấy rằng tu học đạo bồ-đề điều tiên quyết cần phải khắc phục nội tâm cống cao ngã mạn, dục vọng loạn tưởng; ngoài thân khiêm cung cầu tiến hành trì phương pháp Hoa Nghiêm tuyệt đỉnh, tìm chân sư liễu ngộ mới mong hiển lộ được Phật tánh chơn tâm của mình.

  • 53 vị thiện tri thức tiêu biểu cho 53 địa vị tu chứng từ Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh , Thập Hồi Hướng, Thập Địa đến Đẳng Giác, Diệu Giác , Phật
  • Vị Bồ Tát thứ 53 chính là Ngài Phổ Hiền Bồ Tát 



facebook
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/01/2018(Xem: 5180)
Vào những năm đầu của thập niên 2000, khi cây bút đang còn sung sức, tôi viết rất nhiều bài về danh lam thắng cảnh trên quê hương Nha Trang của mình để giới thiệu trên các báo và tạp chí khắp đất nước. Trong số đó, hiển nhiên là có bài viết về ngôi chùa đã lưu nhiều hình ảnh, dấu ấn kỷ niệm vào ký ức tuổi thơ của tôi với tên gọi thân quen mộc mạc: “Chùa Núi Sinh Trung”.
08/01/2018(Xem: 11620)
Hồi còn tại thế xưa kia Trên đường giáo hóa Phật đi qua làng Ngài đi cùng ông A Nan Khai tâm gieo ánh đạo vàng giúp dân. Đang đi ngài bỗng dừng chân Bước quanh lối khác có phần xa thêm Ông A Nan rất ngạc nhiên Vội lên tiếng hỏi. Phật liền giảng ra: "Này A Nan phía trước ta Có quân giặc cướp thật là hiểm nguy Sau ta ba kẻ đang đi Gặp quân giặc đó khó bề thoát qua!"
08/01/2018(Xem: 9791)
Ở bên Ấn Độ thuở xưa Nơi thành Xá Vệ, buổi trưa một ngày Gia đình kia thật duyên may Phật thương hóa độ, dừng ngay tại nhà, Tiếc thay chồng vợ tỏ ra Tham lam, độc ác, xấu xa, hung tàn. Hóa thành một vị đạo nhân Phật đi khất thực dừng chân trước thềm Ôm bình bát, đứng trang nghiêm, Anh chồng đi vắng, vợ liền nhảy ra Tay xua đuổi, miệng hét la
07/01/2018(Xem: 7860)
Sau mỗi lần có dịp viếng thăm các chứng tích như tượng đài, lăng mộ, viện bảo tàng, nhà lưu niệm, ..., của những nhân vật mà cuộc đời phần nào liên quan đến đời sống vật chất hay tinh thần, sự thịnh suy ,... của một nhóm người, một dân tộc, một vùng, một quốc gia,..., tôi ra về lòng những bâng khuâng với hai câu : Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ ? trong bài thơ Ông Đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên.
21/12/2017(Xem: 3856)
Anh sinh ra và lớn lên ở miền gió cát khô nóng Phan Rang. Là một Phật tử thuần thành, lại được phước báu khi có đến hai người con trai xuất gia, nên nhân duyên đưa đẩy đã trở thành đạo hữu của tôi qua nhiều lần hội ngộ lạ lùng ở các thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Kết tình đạo hữu với nhau đã gần mười năm rồi, mỗi lần gặp mặt, tôi và anh đều tay bắt mặt mừng, trò chuyện thân mật, nhưng người huyên thiên lúc đàm đạo là anh, còn tôi thì cứ chỉ biết gật gù, mỉm cười, họa hoằn lắm mới buông một đôi câu phụ họa. Anh quý mến tôi ở điểm đó.
15/12/2017(Xem: 6444)
Hương Lúa Chùa Quê" Bản Tình Ca Quê Hương của nhị vị Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và Thích Như Điển. Sau khi đọc tác phẩm “Hương Lúa Chùa Quê” chúng con không dám mong ước giới thiệu sự nghiệp văn học, văn hóa cả đạo lẫn đời của nhị vị Hòa Thượng. Vì công trình tạo dựng sự nghiệp của các bậc xuất sĩ không nằm trong “nguồn văn chương sáng tác”. Vì xuyên qua mấy chục năm hành đạo và giúp đời, nhị vị đã xây dựng nhiều cơ sở Phật giáo đồ sộ trên nhiều quốc độ khác nhau như: chùa Pháp Bảo tại nước Úc; chùa Viên Giác và Tu viện Viên Đức tại nước Đức. Nhị vị cũng đã mang ánh Đạo vàng đến khắp muôn nơi, soi sáng cho bước chân “người cùng tử” được trở về dưới mái nhà xưa, để thấy lại “bóng hình chân nguyên”; dẫn đường cho những người chưa thể “tự mình thắp đuốc lên mà đi” được tìm lại “bản lai diện mục”. Đó mới gọi là “sự nghiệp” của bậc xuât sĩ. Điều nầy đã có lịch sử ghi nhận từ mạch nguồn công đức biểu hiện và lưu truyền.
15/12/2017(Xem: 88133)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dương và lưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoát và giác ngộ cho những ai học hỏi và thực hành đúng đắn. Chánh Pháp ấy là thuốc hay, nhưng bệnh mà không uống thì chẳng phải là lỗi của thuốc. Trong kinh Di Giáo, đức Phật cũng ân cần huấn thị lần chót bằng những lời cảm động như sau: “Thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói Chánh Pháp ích lợi một cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành… Hãy tự cố gắng một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình trôi qua một cách vô ích, và sau này sẽ phải lo sợ hối hận.” Báo Chánh Pháp có mặt để góp phần giới thiệu đạo Phật đến với mọi người. Ước mong giáo pháp của Phật sẽ được lưu chuyển qua những trang báo nhỏ này, mỗi người sẽ tùy theo căn tánh và nhân duyên mà tiếp nhận hương vị.
29/11/2017(Xem: 6699)
Trong loạt bài Kể Chuyện Đường Xa lần này, người viết đặt thêm tên cho mục này Vòng Quanh Thế Giới, để có cùng tên với loạt phóng sự sẽ đưa lên tvtsonline.com.au với nhạc hiệu mở đầu của bài “Vòng quanh thế giới” người viết sáng tác gần bốn thập niên trước đây. Từ năm 1990, chúng tôi đã bắt đầu viết bút ký với chuyến đi Bangkok (Thái Lan) và loạt bài cuối cùng là chuyến du lịch Âu Châu vào năm 2015.
27/11/2017(Xem: 4935)
Nếu chấp nhận thuyết nhân duyên của Đạo Phật thì có thể dễ dàng, giải thích cho mọi tình huống và mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời nầy. Nhân duyên hay duyên sanh cũng tương tự với nhau. Đó là: „Cái nầy có cho nên cái kia có; cái nầy sanh cho nên cái kia sanh. Cái nầy diệt, cho nên cái kia cũng diệt theo“. Không ai trong chúng ta có thể biết trước được việc gì sẽ xảy đến cho mình về sau nầy cả; dầu cho chúng ta có cố gắng làm mọi việc tốt đẹp trong hiện tại; nhưng dư báo trong quá khứ, ai biết được thiện, ác còn lại bao nhiêu mà lường được. Chỉ khi nào nắp quan tài đậy lại trong kiếp nầy, thì lúc ấy ta mới biết được cái quả trong hiện tại là cái nhân như thế nào mà trong quá khứ của chúng ta đã gây ra và chính cái quả của ngày hôm nay sẽ là cái nhân cho ngày sau nữa.
01/11/2017(Xem: 4433)
Hôm nay ngày 1.11 tôi viết bài này chỉ nhằm kể một câu chuyện thực tế lịch sử; vì đâu, nguyên nhân, tôi xin miễn đào sâu vì cũng không có đủ hiểu biết, thời gian và cũng không phải mục đích tôi muốn chia sẻ ở đây! Ba mẹ tôi đều sinh ra và lớn lên tại Huế, học xong tú tài ở trường Khải Định năm 1955 (tên lúc bấy giờ của trường Quốc Học Huế). Giai đoạn đó đất nước vừa chia đôi, TT Ngô Đình Diệm vừa chấp chính. Ông Diệm xuất thân từ gia đình quan lại, bản thân ông cũng từng đỗ đạt ra làm thượng thư như cha của ông là Ngô Đình Khả, anh là Ngô Đình Khôi, nên rất trọng bằng cấp, học vấn như lối suy nghĩ của tầng lớp trí thức nho học thời bấy giờ. Vì vậy ông Diệm rất ưu tiên cho ngành giáo dục, đặc biệt trong giai đoạn sau 1954 khi người Pháp rời khỏi VN, cần xây dựng một nền giáo dục bản xứ thay thế cho nền giáo dục thuộc địa của Pháp.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]