Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Đạo Huệ, Đời thứ 09, Thiền Phái Vô Ngôn Thông 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀

14/09/202113:06(Xem: 23949)
Thiền Sư Đạo Huệ, Đời thứ 09, Thiền Phái Vô Ngôn Thông 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀




Thiền Sư Đạo Huệ,
Đời thứ 09, Thiền Phái Vô Ngôn Thông


🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺


Thuyết giảng: Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng
Trình pháp: Cư Sĩ Quảng Tịnh Tâm, Cư Sĩ Huệ Hương
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh
Lồng nhạc và online: Cư Sĩ Quảng Phước, Cư Sĩ Quảng Tịnh





Nam Mô A Di Đà Phật

 

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay cuối tuần thứ Ba, 14/9/2021, chúng con được học về Thiền Sư Đạo Huệ, đời thứ 9, Thiền Phái Vô Ngôn Thông, Sư phụ dựa theo tài liệu gốc Thiền Sư Việt Nam do HT Thích Thanh Từ biên soạn và ấn hành tại VN vào năm 1972. Pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 285 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh đại dịch covid 19 (đầu tháng 5-2020).

  

Sư họ Âu, quê ở Chân Hộ làng Như Nguyệt, tướng mạo đoan trang, tiếng nói rất trong trẻo.

Năm hai mươi lăm tuổi, Sư theo Thiền sư Ngô Pháp Hoa (Thông Biện) ở chùa Phổ Ninh xuất gia. Ở đây Sư thầm hỏi về huyền môn và thâm đắc đến chỗ uyên áo.

 

Sư phụ giải thích:

-Thiền sư Đạo Huệ có tên rất hay, nếu cắt nghĩa theo truyền thống: Đạo là con đường, Huệ là trí tuệ. Đạo Huệ là con đường dẫn tới trí tuệ, tới giải thoát.

Nhưng giải nghĩa theo Tổ Sư thiền, Đạo không là con đường nữa mà Đạo ở đây chính là chân tâm Phật tánh luôn có bên trong của tất cả chúng sanh vạn loài. Huệ là trí tuệ, nhờ có trí tuệ mới nhận ra được chân tâm Phật tánh.

- Sư Phụ của thiền sư Đạo Huệ là thiền sư Thông Biện, là hành giả kinh Pháp Hoa, Sư họ Ngô, nên người đời tôn vinh Ngài là Ngô Pháp Hoa. Ngài Đạo Huệ nghe danh thiền sư Thông Biện ở chùa Phổ Ninh nên tìm đến xin xuất gia.

- Ngài Đạo Huệ thầm hỏi về Huyền môn, mỗi ngày theo học hạnh của thiền sư Thông Biện, thầm nhận huyền môn, là chỗ bí mật của vũ trụ, bí mật của vũ trụ là gì ? đó chính là thể tánh tịnh minh, chân tâm thường trú, đó là Phật tánh. 

- Ngài Đạo Huệ chưa bao giờ hỏi sư phụ Thông Biện bằng ngôn ngữ mà hai thầy trò, thầm hỏi, thầm nhận và thầm trao truyền, thầy trò đã đạt đến chỗ uyên áo của “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”, đó chính là “trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật”, tôn chỉ xưa nay của Tổ Sư Thiền. Thiền sư Thông Biện Ngô Pháp Hoa đã thầm truyền trao tri kiến Phật cho đệ tử Đạo Huệ.

Sư Phụ cũng giải thích thêm về ý nghĩa biểu tượng của hoa sen trong kinh Pháp Hoa là diễn bày cho “nhân quả đồng thời”có nghĩa là trong ngó sen, búp sen còn nằm trong bùn nhơ nước đọng vẫn có đủ 4 yếu tố: cánh sen, gương sen, nhụy sen và hạt sen. Cũng vậy chúng sanh còn hụp lặn trong vũng lầy của sanh tử, từ địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh, thiên nhơn, a tu la…tất cả đều có đủ hạt giống Phật tánh..nhưng vì đang bị nghiệp chướng nặng nề che khuất cho đến khi nào đủ nhân duyên, điều kiện tu tập, tẩy trừ hết nghiệp báo, Phật tánh sẽ hiển lộ.

 

 

 Một thời gian sau, Sư tìm đến chùa Quang Minh ở núi Thiên Phúc trong huyện Tiên Du và dừng trụ nơi đó. Sư khép mình trong giới luật, chuyên tu Thiền định, suốt ngày đêm không nằm, trải qua sáu năm trường, cảm đến loài khỉ vượn trong núi, họp lại nghe pháp. Do đó, tiếng tốt của Sư vang dậy đến kinh đô.

 

Sư phụ giải thích:

Sau khi được ấn chứng, Sư vào đời cứu độ chúng sanh. Sư trải sáu năm thiền định không nằm. Sư theo hành trạng của Đức Thế Tôn từ hơn 26 thế kỷ trước, cảm hoá loài khỉ vượn cùng đến nghe pháp:

Sáu năm tu tập chốn rừng già 

Khổ hạnh ai bằng Đức Thế Tôn

Chim hót trên vai, sương phủ áo

Hưu kề dưới gối, tuyết đơm hoa…

 

 Niên hiệu Đại Định thứ hai mươi (1159), Hoàng cô Thụy Minh có bệnh, Vua sai sứ thỉnh Sư vào xem bệnh. Khi Sư xuống núi khỉ vượn đều kêu la bi thảm, như quyến luyến trong sự chia ly. Khi vào cung, Sư vừa đến cửa ngoài thì bệnh Hoàng cô được lành. Vua Lý Anh Tông rất vui mừng, mời Sư ở lại chùa Báo Thiên trong khoảng mười ngày. Các công khanh và bạn đạo khắp nơi nghe danh Sư tìm đến thăm viếng đông đảo không kể xiết. Nhân đó, Sư khai đường giáo hóa, không trở về núi lại.

 

Sư phụ giải thích:

Hoàng cô là cô của vua. Đức độ của Sư chỉ cần xuất hiện là Hoàng cô hết bệnh. Do nhu  cầu thuyết pháp độ chúng đệ tử đến rất đông hàng ngàn người không kể xiết, Sư không trở về núi.

 

 Đến niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ mười (1172) ngày mùng một tháng tám, Sư có chút bệnh, than rằng: “Loạn ly lan rộng, ái chừ, từ đó mà đến.”

 

 Sư phụ giải thích:

Câu nói cảnh báo của Thiền Sư Đạo Huệ rất sâu sắc “Loạn ly lan rộng, ái chừ, từ đó mà đến.”, có nghĩa là: lúc con người rời bỏ cõi tạm này, thân thể tứ đại đảo lộn, loạn ly, đau đớn, sợ hãi. Ái chừ là niềm luyến ái bám víu xuất hiện, đây chính là đường dẫn đưa thần thức người ấy đi tái sanh, tiếp tục đày đọa trong ba cõi sáu đường, rất nguy hiểm. Ánh sáng hào quang từ cõi giới thanh tịnh pháp thân Tỳ Lô Giá Na xuất hiện chỉ diễn ra trong khoảng một bữa ăn để hành giả nhập vào luồng hào quang ấy để đi về pháp giới tánh, nếu không đủ nội lực thì phải ở lại trong cõi giới. Trung Ấm Thân để tuần tự đi tái sanh sau đó.

 

Sư lại nói kệ:

Đất nước lửa gió thức,
Nguyên lai thảy đều không.
Như mây lại tan hợp,
Phật nhật chiếu không cùng.
Sắc thân cùng diệu thể,
Chẳng hợp chẳng chia lìa.
Nếu người cần phân biệt,
Trong lò một cành hoa.

 

(Địa thủy hỏa phong thức,
Nguyên lai nhất thiết không.
Như vân hoàn tụ tán,
Phật nhật chiếu vô cùng.
Sắc thân dữ diệu thể,
Bất hiệp bất phân ly.
Nhược nhân yếu chân biệt,
Lô trung hoa nhất chi.)

 

 Sư phụ giải thích:

-Đất nước lửa gió thức,

Nguyên lai thảy đều không.

Hai câu đầu này ngài nhắc nhở chúng ta rằng thân (đất nước lửa gió) và tâm (thức) này đều do duyên hợp lại mà thành, nay duyên ly tán thì thân và tâm này sẽ trở về với hư không, từ không biến thành sắc, từ sắc rồi trở về không. Tư tưởng cốt tủy của Bát Nhã.

 

- Như mây lại tan hợp,

Phật nhật chiếu không củng.

Có nghĩa là hành giả nhận ra được mọi pháp do duyên hợp mà có, duyên tan thì về không thì lập tức hành giả ấy có ánh sáng của trí tuệ Phật tâm vẫn chiếu đến để dẫn dắt.

 

Sắc thân cùng diệu thể,
Chẳng hợp chẳng chia lìa.
Nếu người cần phân biệt,
Trong lò một cành hoa.

Bốn câu sau này gắn liền với nghĩa kinh Pháp Hoa: hành giả phải nhận ra trong sắc thân ngũ uẩn này luôn có diệu thể tri kiến Phật cũng như trong lò lửa tam giới, dục giới sắc giới và vô sắc giới luôn có cành hoa Phật tánh không bị lửa vô thường hủy diệt.

Sư Phụ cũng nhắc thêm về cành hoa Phật tánh được thể hiện trong bốn câu thơ ‘Tín Tâm Minh’ của ngài Tam Tổ Tăng xán :

2 cầu đầu:

“Chí đạo vô nan
Duy hiềm giản trạch”

 

Và 2 cầu cuối:

“ Tín tâm bất nhị
Bất nhị tín tâm”

 

Có nghĩa là: “chỗ tột cùng của đạo không khó, chỉ ngại vì hành giả phân biệt chọn lựa; Tin vào tâm mình là chân tâm, Phật tánh thì tuyệt nhiên không còn có tâm nhị biên, hai bên, đối đãi nữa”, vì sao ? vì còn có tâm hai bên, tâm đối đãi, tâm nhị biên là còn phiền não, còn phiền não là còn tạo nghiệp, còn tạo nghiệp là còn luân hồi sanh tử.


Sư phụ nhắc lại pháp tu rốt ráo để chấm dứt vòng sanh tử luân hồi, đó là hành giả phải lo tu tập để tận trừ nghiệp cũ trong quá khứ và không tiếp tục gây tạo nghiệp mới nữa. Không có nghiệp mới thì không còn đường dẫn đi tái sanh, hành giả lúc mạng chung ở cõi giới Ta Bà này liền nhập vào cảnh giới vô dư niết bàn, niết bàn là gì ? niết bàn chính là vô sanh, mà vô sanh là bất tử, đó là điểm then chốt quan trọng mà tất cả đệ tử Phật cần phải học, phải tu và phải đạt cho kỳ được trong thời gian ngắn ngũi còn lại của đời mình.

 

Đến canh ba, Sư im lặng mà hóa. Môn nhân đưa linh cữu Sư về cố quận làm lễ hỏa táng, xây tháp thờ tại chùa Bảo Khám, núi Tiên Du, lại đưa một phần xá-lợi về an trí.

 

Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Đạo Huệ do Thầy Chúc Hiền sáng tán cúng dường Ngài:


Tiếng trong tướng hảo vẻ thanh hiền

Mộ Phật theo thầy học đạo thiền

Gạn hỏi huyền môn tâm tỏ rạng

Huân tu thiền định giới trang nghiêm

Cỏ hoa đượm đức đơm chồi thắm

Khỉ vượn triêm ân thính pháp thiêng

Hạnh giải song hành rền cõi nước

Vua quan nể phục sáng thiền viên. 

 

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về Thiền Sư Đạo Huệ, Ngài là vị thiền sư chứng đắc nhẹ nhàng trong im lặng vô ngôn, thầm nhận Huyền môn chân tâm Phật tánh đến chỗ Uyên áo. Ngài khép mình trong sáu năm khổ hạnh ngồi thiền định không nằm và đặc biệt hơn nữa Ngài còn để  lại một cành hoa Phật tánh bất diệt luôn hằng hiện hữu trong lò lửa tam giới của chúng sanh vạn loài.

 

  

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

Cung kính và tri ơn Sư Phụ,

Đệ tử Quảng Tịnh Tâm

(Montréal, Canada).

 

 



285_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Dao Hue

Thiền Sư Đạo Huệ ( ?- 1172 )
Đời thứ 09, Thiền Phái Vô Ngôn Thông
(Triều Đại Vua Lý Anh Tông (1138-1175)
Kính dâng Thầy bài trình pháp về thiền sư Đạo Huệ , sau khi được chăm chú nghe một bài pháp thoại tuyệt vời mà con rất tâm đắc với những lời bình giải của Thầy khi cho rằng lời Ngài Đạo Huệ trước khi thị tịch là một lời cảnh báo về giây phút quan trọng nhất để đi tái sinh . Kính tri ân Thầy đã lồng câu hỏi của đạo hữu Bảo Minh Toàn vào bài giảng khi đúng thời đúng lúc dù những tiểu tiết ấy ít có người lưu tâm . Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc Thầy pháp thể khinh an , HH


Nếu như mỗi tên các vị Phật khi niệm hồng danh sám hối ít nhiều đều biểu trưng cho một đức tính nơi tự thân tâm ta, cho những khả năng tiềm tàng trong chính ta. Nên mỗi khi ta lạy Phật là làm khơi dậy những khả năng tốt lành ấy đang bị che mờ vì vô minh phiền não và sẽ đánh thức tiềm năng quý báu đang ngủ quên trong tâm ta.

Thì trong Tổ Sư Thiền , dường như mỗi đạo hiệu của thiền sư đã nói lên sự triệt ngộ của quý Ngài ...và đã được ấn chứng từ vị minh sư, ...nhất là khi Sư Phụ trao truyền tâm ấn cho đệ tử nối pháp mình .

Và trường hợp Ngài Đạo Huệ hẳn không ra ngoài điều ấy ....vì Đạo Huệ vừa là con đường dẫn tới trí tuệ ( sự ) mà còn là nhờ có trí tuệ soi sáng vén được màn vô minh che lấp nên đã tìm thấy Chân Tâm thường trú ( lý ). Điều này càng được minh chứng rõ rệt qua lời chỉ dạy và bài kệ trước khi thị tịch .

Vì Ngài đã thâm đắc đến chỗ uyên áo về huyền môn ( Phật tri kiến từ Kinh Pháp Hoa ) mà Quốc Sư Thông Biện liễu triệt . Nhưng đây cũng là lời cảnh báo rất quan trọng về giây phút quan trọng nhất khi bước qua cửa tử để đi tái sanh .....

{ Sư chút bệnh, than rằng: “Loạn ly lan rộng, ái chừ, từ đó mà đến.”

Lại nói kệ:

Đất nước lửa gió thức,
Nguyên lai thảy đều không.
Như mây lại tan hợp,
Phật nhật chiếu không cùng.
Sắc thân cùng diệu thể,
Chẳng hợp chẳng chia lìa.
Nếu người cần phân biệt,
Trong lò một cành hoa.

(Địa thủy hỏa phong thức,
Nguyên lai nhất thiết không.
Như vân hoàn tụ tán,
Phật nhật chiếu vô cùng.
Sắc thân dữ diệu thể,
Bất hiệp bất phân ly.
Nhược nhân yếu chân biệt,
Lô trung hoa nhất chi.)}



Kính tán thán lời bình giải của Giảng Sư TT Thích Nguyên Tạng về câu " LOẠN LY LAN RỘNG , ÁI CHỪ, TỪ ĐÓ MÀ ĐẾN " Phải chăng đây là kinh nghiệm của Giảng Sư khi đã dịch tác phẩm " Chết và Tái sinh" trong đó có nói rõ thần thức sẽ đi theo và nhập vào một luồng ánh sáng chỉ diễn ra trong thời gian một bửa ăn tuỳ theo Phước nghiệp của mỗi người ....

Con người khi chết tái sanh

Có ba hình thức sau khi qua đời

Tu tịnh, làm thiện tuyệt vời

Lại thêm ác nghiệp chết thời thác sanh

Còn lại pháp thượng, hạ, trung

Phải đủ bốn chín ung dung nhập vào

Trong thai mẹ tùy thấp cao

Sanh ra nghèo khổ, có khi sang giàu

Là do nghiệp trước dồi trau

Hôm nay thọ nhận kiếp mau tu hiền

Tu hành không Phật thì Tiên

Không vương thì bá cũng hầu công khanh

Khuyến trong đại chúng tu hành

Làm người Phật tử tín thành kết duyên.

Kính trình giải những điều thâm ngập từ bài pháp thoại

Trân trọng,



Kính ngưỡng phục bậc danh Tăng....Thiền Sư Đạo Huệ,
...nối pháp đời thứ chín phái Vô Ngôn Thông
Từ minh sư Ngộ Pháp Hoa ...
Phật Tri Kiến thâm đắc uyên áo huyền tông (1)
Chùa Quang Minh dừng trụ theo dấu chân Phật (2)

Sáu năm không nằm, thiền định thêm tinh chuyên giới luật
Uy Đức nhiếp phục môn đệ đến ngàn người
Chiêu cảm khỉ vượn chuyên tâm thính pháp không lười (3)
Danh thơm lan rộng đến triều đình thời ấy (4)

Được triệu thỉnh vừa đến Hoàng Cung, điều lạ ...thấy (5)
Chùa Báo Thiên khai đường giáo hoá ...khắp nơi nghe danh (6)
Kính đa tạ Giảng Sư ...bình giải ý chỉ lúc tái sanh
Phút giây quan trọng tuỳ theo Phước duyên đã tu tập ((7)
Dựa vào điểm này ....
.....câu hỏi về" Đoạt Xá " được giải đáp ((8)
Và tuyệt diệu yếu chỉ bài kệ thị tịch ...trình bày (9)
Tu là xoá trừ nghiệp cũ, nghiệp mới chẳng vay
Cốt lõi Tín, Tâm , Minh cùng chuyện Tô Đông Pha, Phật Ấn (10-11)

Tiệm tu A tăng kỳ kiếp ...học nhân chút cảm nhận !
Bao giờ Tâm Thức chuyển đổi Tứ Trí ...khó thay (12)
Phút giây đốn ngộ khi hội đủ túc duyên quả ... lâu dài
Chiêm nghiệm được :
Hành trạng Tổ Sư Thiền gắn liền kinh Bổn sanh, Phật tự thuyết ! (13)

Nam Mô Đạo Huệ Thiền Sư tác đại chứng minh .


Huệ Hương
Melbourne 14/9/2021



Chú thích :

(1)

Thiền sư Đạo Huệ (? - 1172) (Đời thứ 9, dòng Vô Ngôn Thông)

Sư họ Âu, quê ở Chân Hộ làng Như Nguyệt, tướng mạo đoan trang, tiếng nói rất trong trẻo.

Năm hai mươi lăm tuổi, Sư theo TS Ngô Pháp Hoa (Thông Biện) ở chùa Phổ Ninh xuất gia. Ở đây Sư thầm hỏi về huyền môn và thâm đắc đến chỗ uyên áo.

(2)

Sau, Sư tìm đến chùa Quang Minh núi Thiên Phúc trong huyện Tiên Du dừng trụ.

Sư khép mình trong giới luật, chuyên tu Thiền định, suốt ngày đêm không nằm, ngót sáu năm trường,

(3) Cho đến loài khỉ vượn trong núi cũng họp lại nghe pháp. Do đó, tiếng Sư vang dậy đến kinh sư.môn đệ có đến ngàn người

(4)

tiếng Sư vang dậy đến kinh sư.môn đệ có đến ngàn người

Niên hiệu Đại Định thứ hai mươi (1159), Hoàng cô Thụy Minh có bệnh, Vua sai sứ thỉnh Sư vào xem bệnh. Khi Sư xuống núi khỉ vượn đều kêu la bi thảm, như quyến luyến trong sự chia ly.

(5) Khi vào cung, Sư vừa đến cửa ngoài thì bệnh Hoàng cô được lành.

Vua Lý Anh Tông rất vui mừng, mời Sư ở lại chùa Báo Thiên trong khoảng mười ngày

(6) Các công khanh và bạn đạo khắp nơi nghe danh Sư tìm đến thăm viếng đông đảo không kể xiết. Nhân đó, Sư khai đường giáo hóa, không trở về núi lại.

(7) Theo Phật Giáo nguyên thủy

Phật Giáo chỉ biết có một diễn biến liên tục từ vô lượng tâm thức kết thành giòng nghiệp mà thôi, cũng như không nhìn nhận một cái xác thân trước sau là một mà chỉ thấy một hiện tượng diễn biến liên tục, thay đổi không ngừng, từ có ra không, từ không ra có. Danh như sắc, sắc như danh, đều nằm trọn trong lý vô thường. Đó là sự thể và thực trạng của vạn hữu. Không có cái gì là không cấu tạo, không có cái gì là thường còn, là không biến đổi, xê dịch. Vô lượng tâm thức kế tiếp nhau cuộn chảy trong thời gian, trên một môi trường cũng luôn luôn biến đổi là thể xác ta, kết thành hành động là nghiệp. Có nghiệp mới có sanh, sanh trở lại tạo nghiệp. Cứ vậy mãi. Và cứu cánh cuối cùng và duy nhứt của giáo lý Đức Phật là chấm dứt giòng chảy lẩn quẩn đó

Cũng như Giảng Sư đã ngâm những câu thơ này

Con người khi chết tái sanh

Có ba hình thức sau khi qua đời

Tu tịnh, làm thiện tuyệt vời

Lại thêm ác nghiệp chết thời thác sanh

Còn lại pháp thượng, hạ, trung

Phải đủ bốn chín ung dung nhập vào

Trong thai mẹ tùy thấp cao

Sanh ra nghèo khổ, có khi sang giàu

Là do nghiệp trước dồi trau

Hôm nay thọ nhận kiếp mau tu hiền

Tu hành không Phật thì Tiên

Không vương thì bá cũng hầu công khanh

Khuyến trong đại chúng tu hành

Làm người Phật tử tín thành kết duyên.

(8)

Đạo hữu Bảo Minh Toàn thắc mắc khi Bồ Tát theo hạnh nguyện để nhập Ta Bà hoàng hoá độ sanh có chuyện Đoạt Xá không ?

Giảng Sư giải thích không vì chữ Đoạt Xá đã không thích hợp cho một vị Bồ tát vì Đoạt xá có nghĩa là một thần hồn cường đại cưỡng ép chiếm cứ thân thể của thần hồn nhỏ yếu hơn, đồng thời đây cũng là hành động quỷ dị và nguy hiểm nhất từ trước đến nay.

(9) Bình giảng bài thơ

Điạ thủy hỏa phong thức,

Nguyên lai nhất thiết không.

Như vân hoàn tụ tán,

Phật nhật chiếu vô cùng.

Sắc thân dữ diệu thể,

Bất hiệp bất phân ly.

Nhược nhâ yếu chân biệt,

Lô trung hoa nhất chi.

Dịch :

Đất nước gió lửa thức,

Nguyên lai thảy đều không.

Như mây lại tan hợp,

Phật nhật chiếu không cùng,

Sắc thân cùng diệu thể,

Chẳng hợp chẳng chia lià.

Nếu người cần phân biệt,

Trong lò một cành hoa.

Giảng :

“Điạ thủy hỏa phong thức,nguyên lai nhất thiết không”. Đất nước gió lửa chỉ cho phần sắc chất, thức chỉ cho phần tinh thần. Con người chúng ta gồm hai phần thể xác và tinh thần. Hai phần này Ngài nói xưa nay đều là không. Nhưng không như thế nào ?

“Như vân hoàn tụ tán, Phật nhật chiếuvô cùng”. Thân người như mây hợp rồi tan tan rồi hợp, tùy duyên tụ tán không thật, nhưng có mặt trời Phật soi sáng không cùng. Ý bốn câu này dạy thân sắc chất do bốn đại hợp và tâm thức phân biệt lăng xăng không thật. Nó hợp tan tan hợp như mây tụ tán trên bầu trời, nhưng trong ấy có trí tuệ soi sáng không cùng tận.

Ngài chỉ rõ nơi con người chúng ta, phần nào là bại hoại sanh diệt, phần nào không bại hoại không sanh diệt. Ý này Ngài chỉ tiếp ở bốn câu kế :

“Sắc thân dữ diệu thể, bất hiệp bất phân ly”.Sắc thân chỉ cho thân tứ đại, diệu thể chỉ cho Phật tánh, ở trên gọi là Phật nhật, hai phần này không hợp cũng không ly, nghĩa là nó không phải một mà cũng không phai hai. Tại sao vậy ? Vì thân con người gồm phần sắc chất có đủ thứ bệnh hoạn, luôn luôn đổi thay không cố định, phần tâm thức thì niệm niệm sanh diệt không dừng.

Hai phần này không là một với tánh giác hằng hữu, nên nói không hợp.

Nhưng tánh giác hằng hữu không rời tâm thức và thân tứ đại này. Nếu rời thì nó là ai chứ không phải là mình. Nếu rời làm sao mình nói năng hành động ? Vì vậy mà nói chẳng phân ly.

Tôi dạy quý vị tu thiền để thấy thân tứ đại này hòa hợp không thật, thấy vọng tưởng sanh diệt không thật, nhưng cái thấy hai cái không thật đó thì chân thật.

?Nó không phải một mà cũng không phải phân ly. Ngài chỉ trong mỗi chúng ta có diệu thể hằng hiện hữu không phân biệt và không bao giờ mất.

“Nhược nhân yếu chân biệt,lô trung hoa nhất chi”.

Nếu ai cần phân biệt rành rẽ thì được hoa sen ở trong lò lửa. Hoa sen chỉ cho thể chân thật không sanh diệt. Lò lửa chỉ cho tam giới Lại nữa thân tâm ta thì vô thường sanh diệt Người biết rõ cái giả và cái chân thì ngay nơi thân tứ đại này nhận ra thể chân thật.

Nó ở ngay nơi thân tứ đại này,, mà thể chân thật có sẵn nơi chúng ta, song chúng ta nhưng thiền định tâm thức lóng lặng vọng tưởng lặng yên thì dễ nhận ra hơn lúc ấy nó mới hiển hiện. tâm không lóng lặng, tâm không lóng lặng thì thể chân thật không hiển hiện.

( 10)

Hai câu đầu trong Tín Tâm Minh( TĂNG XÁN -TRÚC THIÊN dịch)

Chí đạo vô nan duy hiểm giản trạch

đản mạc tắng ái đỗng nhiên minh bạch

Đạo lớn chẳng gì khó, cốt đừng chọn lựa thôi

quí hồ không thương ghét thì tự nhiên sáng ngời

Tổ Sư nói "CHÍ ĐẠO VÔ NAN, DUY HIỀM GIẢN TRẠCH". .

Chư Tổ thấy đó gọi là Chí-đạo, Chư Phật chứng đó gọi là Bồ-đề, chúng sanh mê đó gọi là Vô-minh, giáo môn hiển bày đó gọi là Biển-giác, đều là tên gọi khác biệt của một tâm, cho đếnbao gồm danh tướng, thấu nhập sắc không, muôn ngàn đề mục, đường lối dù khác nhau,..... nếu biết được như vậy thì li "CHÍ ĐẠO" đã hiện hành rồi.

Do đó, thông suốt lý sự, dung thấu cổ kim, cho là "VÔ NAN" đã thành lời thừa.

Nhưng thánh phàm nhiễm tịnh, trước mắt toàn chân, nếu sanh ra tình thức phân biệt thì trái hẳn với chí-thể (tự tánh), nên mới nói "DUY HIỀM GIẢN TRẠCH" vậy.

Hai câu cuối trong Tín Tâm Minh

Tín tâm bất nhị, bất nhị Tín Tâm

Ngôn ngữ đạo đoạn phi cổ lai trâm.

Tín Tâm chẳng phải hai chẳng phải hai Tâm Tín

Lời nói làm đạo dứt chẳng kim cổ vị lai.

"Tâm là căn, pháp là trần, hai thứ như dấu bụi trên gương",Tam Tổ nói "TÍN TÂM BẤT NHỊ, BẤT NHỊ TÍN TÂM". Tổ Sư rằng; chúng sanh mê tâm này đã lâu, nơi một pháp vọng sanh phân biệt, mỗi mỗi phân biệt đều là nhị. Nay thấy mình là tự ắt thấy người là tha, ấy gọi là cái nhị của tự tha. Từ đây sanh khởi vô số phân biệt, nhị lại thêm nhị, dùng toán số thí dụ cũng chẳng thể biết được số lượng, cho nên lòng từ bi của Tổ Sư thái quá, đề ra hai câu "TÍN TÂM BẤT NHỊ, BẤT NHỊ TÍN TÂM" làm chánh ấn (con dấu chánh pháp), ngay đầu thiền giả dùng ấn ấn định, như nắm bâu áo thì cả áo đều xuôi theo. Chẳng lìa căn nhà chiêm bao, cao đăng quốc độ chơn giác, dùng thân huyễn thẳng chứng bản thể kim cang,đây là lời bậc đạo sư hướng dẫn từ phàm vào thánh.

(11)

Tô Đông Pha là ai? Tên tục của ông là Tô Thức, hiệu Đông Pha. Ông là trí thức nổi tiếng sinh ra trong một gia đình khoa bảng thập phần tinh anh, thực đã chiếm hết cái giỏi của thiên hạ. Cả cha và em trai ông cũng đều là những kẻ văn chương nức tiếng thời Tống. Bản thân Tô Thức đỗ tiến sĩ năm 21 tuổi. Tô Đông Pha cùng cha và em ở trong số tám đại văn hào lớn nhất của Trung Quốc suốt bảy thế kỷ, từ thế kỷ thứ VII đến XIII.

Lô sơn yên toả Chiết giang triều,

Vị đáo bình sinh hận bất tiêu.

Đáo đắc bản lai vô biệt sự,

Lô sơn yên toả Chiết giang triều.

HT Tuệ Sỹ cho bài dịch dưới này là chuẩn ý nhất.

Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang.

Khi chưa đến đó hận muôn vàn.

Đến rồi về lại không gì lạ.

Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang.

Và tiền thân Ngài Tô Đông Pha và Phật Ấn khi xưa cùng là thiền sư tu tập cùng nhau rất thân

Một hôm trong khi đồng ngồi thiền, nơi tiềm thức của ngài Giới Diễn ( tiền thân Tô Đông Pha ) thoạt nổi lên một niệm sắc ái, ngài liền diệt trừ; song bên kia Quang Huệ thiền sư ( tiền thân Ngài Phật Ấn ) đã hay biết. Sau khi xuất định, ngài Quang Huệ làm bài kệ có ý trêu cợt ngài Giới Diễn. Giới Diễn thiền sư buồn thẹn, liền thâu thần nhập diệt.

Ngài Quang Huệ hối hận, gọi đệ tử đến phó chúc rằng: "Bạn ta trong khi thiền định có một niệm sắc ái, sau tất lụy về sắc; vì phiền ta mà thị tịch, sau sẽ phá hoại Tăng bảo. Lỗi ấy một phần do ở nơi ta, nếu ta không theo hóa độ, tất sẽ mang lấy hậu quả!"

Dặn dò xong, ngài cũng viên tịch theo luôn. Sau, Quang Huệ chuyển thân làm thiền sư Phật Ấn; Giới Diễn chuyển kiếp làm Tô Đông Pha. Đông Pha do kiếp trước có tu nên làm quan to trong triều, thông minh trí tuệ mà cũng đa tài đa tình. Ông có đến bảy người thiếp, và thường đem sự thông minh bác lãm của mình mà vấn nạn các vị thiền sư. Về sau Tô Đông Pha bị ngài Phật Ấn chiết phục, ông mới quay lại đường tu đến chỗ rốt ráo.

Vậy người tu khi có chút cảnh giới tốt chớ vội khoe khoang tự đắc, phải nhìn gương ngài Giới Diễn, vì một niệm sắc ái mà phải chịu chuyển kiếp và có bảy bà vợ; và cũng đừng vội tự thị chê bai kẻ khác, mà phải xem gương Quang Huệ thiền sư.

(12) trong Phẩm Cơ duyên của Kinh Pháp bảo đàn có nhắc đến Tứ Trí như sau :

Đại viên cảnh trí tánh thanh tịnh,

Bình đẳng tánh trí tâm chẳng bệnh.

Diệu quan sát trí chẳng tác ý. ( Sự thấy của diệu quan sát trí chẳng cần tác ý )

Thành sở tác trí đồng viên cảnh.

Có nghĩa là :

Thức A lại Da sẽ chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí

Mạt Na Thức sẽ chuyển thành Bình Đẳng Tánh Trí

Ý thức sẽ chuyển thành Diệu Quan Sát Trí

Tiền ngũ thức sẽ chuyển thành Thành Sở tác trí

(13) tập Jàtaka (Bổn Sanh hay chuyện Tiền Thân) này, theo cách phân loại, đây là tập thứ 10 trong bộ Khuddaka Nikàya (Tiểu Bộ Kinh).

Những Kinh trong Tiểu Bộ gồm: có Dhammapada (Pháp Cú, số 2); Udàna (Phật Tự Thuyết Kinh, số 3); Itivuttaka (Phật Thuyết Như Vậy, số 4); Suttanipàta (Kinh Tập, số 5); Theragàthà (Trưởng Lão Tăng Kệ, số 8); Therìgàthà (Trưởng Lão Ni kệ, số 9).



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 15475)
Nói đến luân hồi, nhiều người quan niệm đó như là chuyện xưa tích có, nhưng thật ra vô cùng mật thiết với đời sống thăng trầm của kiếp người mà chẳng mấy ai lưu tâm. Cũng như không khí hít thở hằng ngày rất thiết yếu cho đời sống, nhưng phần đông không mấy người để ý đến.
08/04/2013(Xem: 16796)
Bộ kinh Bách Dụ gồm 98 bài thí dụ của Phật nói do Ngài Pháp Sư Tăng Gia Tư Na sao lục trong kinh tạng. Hai thí dụ rốt sau: "Thuốc hay hòa trong đường phèn", "Dùng là gói thuốc A Dà Ðà" là của Pháp Sư tự soạn, để tổng dụ cho diệu lý đủ trong những thí dụ trên.
08/04/2013(Xem: 33956)
Bởi đời đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipasyin), sau khi Phật Niết-bàn, chúng xây tháp thờ Xá-lợi, trong tháp có an trí một pho tượng Phật phết vàng. Lâu ngày pho tượng trên mặt bị lở khuyết. Khi ấy, ngài ca-diếp là thợ đúc vàng, có cô gái nhà nghèo, vì thấy mặt Phật hư khuyết, cô còn một đồng tiền vàng đem đến nhờ Ngài ca-diếp nấu ra để phết lại tượng Phật.Thấy cô phát tâm tu bổ tượng Phật, ngài rất hoan hỷ đứng ra làm chu tất việc nầy, nhơn đó, hai người cùng nguyện đời đời sẽ làm vợ chồng, mà coi như đôi tri-kỷ, chớ không vì tình dục.
08/04/2013(Xem: 12663)
Ước mong rằng người đọc cũng như người nghe truyện sẽ ghi nhớ mãi trong tâm cái nếp sống đạo đức chân chính cùng những lời khuyên dạy quý báu của vị Bồ Tát trong truyện để cùng nhau cố gắng noi theo hầu đạt được cái Chân, Thiện, Mỹ trong cuộc sống hàng ngày.
08/04/2013(Xem: 15014)
Từ ngày Ngài xuất hiện đến nay, trên hai ngàn năm trăm năm đã trôi qua bao nhiêu lớp người trồi sụp, bãi bể nương dâu đã mấy lần thay đổi: những vết tích đã xoá nhoà trong trí nhớ của người đời, những nét chữ đã lu mờ trong sách sử. Di tích của Ngài tuy được giừ gìn trong các đền chùa tháp điện, cũng không khỏi lấm màu sắc thời gian.
08/04/2013(Xem: 16410)
Tôi viết tập truyện nhỏ này với niềm say mê thích thú chưa từng có. Một mình trên căn gác, suốt ngày tâm hồn đắm vào thế giới loài vật những cọp những beo, cáo, gấu, chìa vôi, bìm bịp, chèo bẻo... tôi tưởng như chúng đang chạy nhảy và đối thoại quanh tôi. Thật là những giờ phút kỳ diệu. Viết xong từng đoan, đọc lại, cười. Như đọc văn của ai. Thích hơn khi viết về Người, bởi nghĩ rằng viết về Người đã có nhiều ngòi bút khác viết rồi. Ðằng này do mình tưởng tượng dựng ra thì hy vọng chúng mang trọn vẹn bản sắc của tâm hồn mình.
08/04/2013(Xem: 12711)
Thuyết pháp giảng kinh, viết sách giáo lý nhà Phật hoặc in kinh sách đem phát cho mọi người xem, để họ sớm giác ngộ. Ðược như thế công đức vô lượng, đó gọi là pháp thí. Nếu không đủ điều kiện làm những việc ấy, . . .
08/04/2013(Xem: 16680)
Trong thế kỷ XX, phương Tây có hai người tìm hiểu đất nước Tây Tạng rất sâu sắc, đó là bà Alexandra David Néel và ông Anagarika Govinda. Cả hai vị này đã từng sống nhiều năm tại Tây Tạng, từng tu tập thiền định và đi khắp nơi trong xứ sở huyền bí này hơn bất cứ người nước ngoài nào khác. Có thể nói họ hiểu Tây Tạng với bất tất cả những khía cạnh tâm linh, tâm lý, địa lý nhiều hơn cả phần đông người Tây Tạng.
08/04/2013(Xem: 3825)
Tháng 10 mùa thu, đề tài muôn thuở để bao văn nhân thi sĩ trên thế gian này múa bút. Kẻ tán tụng, người than van. Nhưng tựu trung không ai phủ nhận mùa thu đẹp với những chiếc lá vàng rơi phủ đầy lối đi, đường phố. Rồi thì khách bộ hành, những cặp tình nhân tay đan tay rảo bước đạp xào xạc trên lá vàng khô. Họ kéo cao cổ áo, nép vào nhau khi một làn gió nhẹ mơn man thổi đến.
08/04/2013(Xem: 20022)
Ngày xửa, ngày xưa, có một cô công chúa Út con gái yêu của hoàng đế La Mã - một ông hoàng giàu sang độc tài và rất hung bạo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]