Bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng
(giảng sáng 19/8/2020)
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh
Cũng như chuông, trống cũng được coi như là một loại pháp khí không thể thiếu trong văn hóa tín ngưỡng của đa số dân tộc theo Phật giáo.
Phật tử Việt Nam chúng ta rất gần gũi với thanh âm ngân vang thâm trầm của tiếng chuông; tiếng trống thì lại dồn dập như thôi thúc lòng người...Tại các ngôi chùa, trống Bát Nhã được đánh lên là để cung thỉnh Chư Phật, Chư Bồ Tát quang giáng đạo tràng chứng tri buổi lễ. Thông thường trống Bát Nhã được đánh lên vào ngày lễ Sám hối và trong những ngày Đại lễ. Ba hồi chuông trống Bát Nhã trổi lên để cung thỉnh Chư Phật và cung đón Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni quang giáng đạo tràng, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người nên lắng lòng, buông bỏ mọi tạp niệm. Bà kệ trống Bát Nhã được đọc như sau:
Bát Nhã hội
Bát Nhã hội
Bát Nhã hội
Thỉnh Phật thượng đường
Đại chúng đồng văn
Bát Nhã âm
Phổ nguyện pháp giới
Đẳng hữu tình
Nhập Bát Nhã
Ba La Mật môn
Ba La Mật môn
Ba La Mật môn.
Căn cứ theo bài kệ này, thì mỗi chữ đánh một tiếng trống, cuối mỗi câu thỉnh một tiếng chuông, và phải đánh 3 hồi như vậy. Đánh 1 hồi đủ rồi, nhưng phải đánh 3 hồi, mỗi hồi có 36 tiếng trống, chuông, ba hồi cộng lại thành 108 tiếng trống, chuông, biểu trưng cho ý nghĩa tiêu trừ 108 phiền não
Mỗi con số đều biểu trưng cho ý nghĩa trong giáo lý và khi nói đến một con số (là sự) thì luôn luôn kèm theo ý nghĩa bên trong con số đó (là lý). Lý sự luôn phải viên dung , hành giải phải tương ưng với nhau thì sự tu học của mình mới có kết quả, từ lý hiển bày ra sự, nhìn sự để mà hiểu lý. Ví dự như số 3 ta thường thấy trong chùa, đây cũng là con số nền tảng, theo truyền thống của Việt Nam, số 3 là con số dương (số lẻ là số dương và số chẵn là số âm). Chúng ta thường nghe nói: Ba mặt một lời; Ba chìm bảy nổi; Thiên Địa Nhơn; Trời Đất Người; Thiên thời, Địa lợi, Nhơn hòa; Kiềng ba chân...Tất cả đều dùng số lẻ, không có cái nào dùng số chẵn cả. Con số dùng nhìn theo thế gian là như thế nhưng trong triết lý nhà Phật hiển hiện trong những cụm từ có ý nghĩa cao quý:
Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng
Tam Vô Lậu Học: Giới, định, tuệ
Đốt ba cây nhang: Biểu trưng cho ý nghĩa cúng dường Phật, cúng dường Pháp, cúng dường Tăng.
Cổng Tam Quan của Chùa có ý nghĩa là Tam Giải Thoát Môn: Không, Vô Tướng và Vô Nguyện.
Bát Nhã là trí tuệ, là điều mà bất cứ hành giả nào cũng cần phải có để loại bỏ vô minh, giải trừ hết mọi phiền não, từ đó mới có thể giác ngộ, giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi. Muốn được vậy phải tu Tam Vô Lậu Học: Giới, Định, Huệ. Ba hồi trống Bát Nhã ở đây biểu trưng cho Tam Vô Lậu Học.
Như trên đã nói, một hồi chuông trống Bát Nhã có đủ 36 tiếng trống, chuông, đó là không tính các câu lập lại thì bài kệ có 8 câu gồm 28 chữ, mỗi chữ 1 tiếng trống, cộng thêm 8 tiếng chuông cho 8 câu, chúng ta có 36 tiếng chuông trống, đánh 3 lần chúng ta có tất cả 108 tiếng. 108 tiếng chuông trống này biểu hiện cho 108 phiền não, là nguyên nhân đưa chúng ta trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi.
Ba hồi trống kết hợp với tiếng chuông là hai thứ tiếng có tiềm lực đánh thẳng vào tâm thức của mỗi người, thôi thúc chúng ta thức tỉnh, biết thắp lên ngọn đuốc trí tuệ soi sáng trên con đường giải thoát.
Nhân đây Thầy cũng xin giải thích ý nghĩa của xâu chuỗi 108 hạt trong nhà Phật, cũng là biểu trưng cho 108 thứ phiền não, phát xuất từ 6 căn tiếp xúc 6 trần sanh ra 6 thức tạo thành 18 giới; đem 18 giới nhân với 6 căn bản phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến, ta có 108 loại phiền não. Như vậy từ 6 giác quan đã tạo thành 108 thứ phiền não. Lần chuỗi niệm Phật là để đoạn trừ 108 loại phiền não này.
Mình niệm hạt chuỗi đó là mình niệm Giác, mà mình niệm Giác thì mình luôn luôn ở trong giờ phút chánh niệm, không có phiền não nào xuất hiện, mà không có phiền não nào xuất hiện là Phật tánh hiện tiền. Nếu chúng ta không liễu tri, không có an trú trong chánh niệm, mình cầm chuỗi chỉ là để làm trang sức, trang điểm cho vui mà thôi.
Tất cả các con số trong giáo lý Phật đều ẩn ý nghĩa bên trong, chúng ta phải liễu tri. Bây giờ chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của bài kệ Trống Bát Nhã.
Ở Việt Nam chúng ta có ba miền: miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Miền Bắc thì chỉ đánh trống thượng đường, chứ không có trống Bát Nhã. Không biết sau này Quý Ngài có vào miền Trung và miền Nam học đánh trống Bát Nhã hay không, vì từ thập niên 2000 trở đi, quý Thầy và quý Sư Cô ở trong miền Trung và miền Nam có đi ra miền Bắc hoằng Pháp, vì ngoài đó thiếu người. Thầy có tới thuyết Pháp tại chùa Tăng Phúc của Ni Sư Đồng Hòa ở huyện Đông Anh (gần Hà Nội). Ni Sư Đồng Hòa hồi xưa là đệ tử của Sư Bà Tịnh Đức ở Nha Trang, sau đó Ni Sư ra Hà Nội học và ở lại để phụ giúp công việc hoằng Pháp. Ni Sư rất giỏi và làm được rất nhiều việc, Thầy có tới giảng Pháp gieo duyên với chúng đệ tử ở miền Bắc tại ngôi chùa này, và Thầy thấy ở đó không có chuông trống Bát Nhã.
Miền Trung thì đánh trống theo bài kệ Trống Bát Nhã. Người đánh trống Bát Nhã bắt buộc phải thuộc bài kệ và hiểu ý nghĩa bài kệ.
Miền Nam và miền Tây Việt Nam thì lại không đánh theo nguyên bài mà chỉ đánh phần đuôi của bài này thôi. Nghĩa là chỉ đánh 8 chữ: Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Đó là cốt tủy của Bát Nhã Kinh.
Cách đánh thì giống như miền Trung, từ chậm tới nhanh, và đánh ba hồi, chuông đánh trước, trống đánh sau. Khi vào bắt đầu bằng lôi thất và khi ra thì dứt tứ.
Chúng ta cũng nên biết thêm, chuông trống ở trong chùa được sắp xếp theo nguyên tắc “Tả chung hữu cổ” nghĩa là chuông đặt phía bên trái, trống đặt phía bên phải. Có nhiều chùa không biết nguyên tắc này nên để sai vị trí, khi có Hòa Thượng nào biết thì hướng dẫn chỉ đặt lại cho đúng.
Ở trên bàn Phật thì Đông bình Tây quả, nghĩa là bình hoa thì để phía Đông, và đĩa trái cây thì để phía Tây, để cho cân đối. Các đệ tử muốn để hai bên hai bình hoa, hai đĩa trái cây thì không cần suy nghĩ. Đức Phật đặt ở giữa, hoa và trái cây để cân xứng hai bên. Hoa, quả đó là sự; nhưng về lý thì hoa và quả biểu trưng cho Chân đế và Tục đế (nhị đế), mà người tu thì nhị đế phải dung thông.
-Bát Nhã hội: có nghĩa là hội Bát Nhã.
Hội Bát Nhã này ở đâu?
Đức Thế Tôn của chúng ta thuyết Kinh Bát Nhã tại 4 địa điểm trong 22 năm, góp lại thành 600 quyển, 5 triệu chữ, cái này gọi là Hội Bát Nhã.
-Thỉnh Phật thượng đường.
Thường là mình hiểu đánh trống Bát Nhã là để thỉnh Chư Tôn Đức từ dưới trai đường đi lên Chánh điện. Nhưng không phải vậy. Đánh trống Bát Nhã là để thỉnh Phật thượng đường, thỉnh Chư Tôn Đức chỉ là phụ. Cho nên nói cho đủ là thỉnh Phật và cung đón Chư Tăng Ni, hay là “Thỉnh Phật Nghinh Tăng”.
Thông thường trống Bát Nhã được đánh lên vào ngày lễ Sám hối và trong những ngày Đại lễ. Ba hồi chuông trống Bát Nhã trổi lên để cung thỉnh Chư Phật, chư Bồ Tát và cung đón Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni quang giáng đạo tràng, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người đang hiện diện nên lắng lòng, buông bỏ mọi tạp niệm.
Thông thường MC sẽ xướng lên câu như sau:
“Ban nghi lễ cử ba hồi chuông trống Bát Nhã để cung nghinh Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni quang lâm Chánh điện.”
Nhưng kỳ thực bên trong phải hiểu rằng:
Ban nghi lễ cử ba hồi chuông trống Bát Nhã để thỉnh Phật thượng đường và cung nghinh Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni.
Có lẽ MC nên nói như sau để đầy đủ ý nghĩa hơn:“Cử ba hồi chuông trống Bát Nhã thỉnh Phật thượng đường và cung nghinh Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni quang lâm đạo tràng. Kính mời quý Phật tử chỉnh lý y trang. Khởi thân để thỉnh Phật và Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni”.
Trống Bát Nhã để thỉnh Phật thượng đường chứ không phải chỉ để thỉnh Tăng. Mình học ngay vô trong bài gốc này là không thể nào sai lạc được cả.
-Đại chúng đồng văn
-Bát Nhã âm.
Đại chúng trong giờ phút đang dự lễ phải lắng lòng xuống để cùng nghe âm thanh của Bát Nhã.
Bát Nhã tiếng Phạn gọi là Prajna. Kinh Đại Bát Nhã gọi là Maha Prajna Paramita Sutra. Maha là Đại, Prajna là Bát Nhã, Paramita là Ba La Mật, Sutra là Kinh. Nghe tiếng Bát Nhã là nghe Prajna Paramita, có nghĩa là Đại Trí Tuệ. Mình nói chữ Bát Nhã nghe nó lơ mơ xa vời, nhưng nói Trí Tuệ thì nghe gần gũi với mình hơn.
Trí Tuệ là Bát Nhã, Bát Nhã là Prajna, Prajna là Wisdom, Wisdom là Bát Nhã, Bát Nhã là Trí Tuệ, mà Trí Tuệ là điểm đến của Giác Ngộ và Giải Thoát.
Toàn bộ Kinh điển của Đạo Phật nói trong 45 năm cốt yếu chỉ nói hai chữ này thôi. Cuối cùng gom chung lại chỉ có hai chữ: “Prajna”, là “Bát Nhã”, là “Wisdom”.
Cho nên mở đầu một đại lễ, người ta thỉnh chuông trống Bát Nhã là nói lên toàn bộ hệ thống Giáo Lý Đạo Phật, rất sâu và rất cao, chứ không phải chỉ là hình thức bên ngoài, mà ý nghĩa bên trong đó là cả một quá trình 45 năm thuyết Pháp độ sanh của Đức Thế Tôn để lại cho đời. Cho nên yêu cầu đại chúng dự lễ hôm nay “Đồng văn Bát Nhã âm”.
-Phổ nguyện pháp giới
Đẳng hữu tình
Nhập Bát Nhã
Ba La Mật môn.
Là cầu nguyện cho tất cả chúng sanh ở trong pháp giới này. Mình ở trong đại lễ đó rồi, nhưng mà bên ngoài là cả pháp giới chúng sanh, mình cầu nguyện cho chúng sanh ở trong pháp giới này cũng giống như mình, có phước duyên giống như mình đang dự lễ tại đây. Cầu nguyện cho pháp giới hữu tình chúng sanh cùng vào thực tướng của Bát Nhã. Cầu nguyện cho bản thân mình và cho tất cả hữu tình chúng sanh đều thể nhập vào Trí Tuệ Bát Nhã, thâm nhập vào chân lý Bát Nhã. Để mà thể chứng vào pháp môn Ba La Mật. Hay là đi vào trong cửa Ba La Mật.
Cửa Ba La Mật này còn gọi là “Cửa Không”.
Cho nên chùa được gọi là “Cửa Không” và cửa không này là cánh cửa cuối cùng mà người đệ tử Phật phải bước vào.
Cho nên, cầu nguyện tất cả mọi người phải bước vào Ba La Mật môn, Ba La Mật môn, Ba La Mật môn,….
Người đánh trống Bát Nhã phải liễu đạt chân lý này, phải thâm nhập lý mầu của Bát Nhã hội.
Quý Phật tử nên ghi bài này xuống học thuộc lòng, khi nào có dịp, Sư Phụ tập sẽ hướng dẫn quý vị đánh bài Bát Nhã này. Và nhớ là thỉnh chuông trống Bát Nhã nghĩa là thỉnh Phật thượng đường, nhưng điều quan trọng phải nhớ là không phải thỉnh “Đức Phật từ Bồ Đề Đạo Tràng” về đây để thượng đường, đó chỉ là sự, còn lý là phải thỉnh ông Phật ở trong tâm của chính mình thượng đường.
Cái này mà nói thì mấy đệ tử sơ cơ sẽ không sao hiểu nổi, thế nào là thỉnh ông Phật trong tâm của mình ra để mà thượng đường? Ít nhất chúng đệ tử nghe loạt bài giảng 48 Đại Nguyện Của Đức Phật A Di Đà và 108 bài kệ của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ mà Thầy chia sẻ trong mùa dịch này, thì khi nghe Thầy nói thỉnh Phật trong tâm của mình ra thượng đường thì các vị sẽ hiểu lý mầu của nó. Mà nếu không hiểu được điều này thì phải nói là uổng cho một cuộc đời của chúng ta, và vừa phí cho thời gian của chính mình.
Cho nên mong quý vị hiểu thỉnh Phật thượng đường ở đây có nghĩa là thỉnh ông Phật chính mình thượng đường, phải hiểu rõ đó.
Đại chúng đồng văn ở đây là bản thân mình phải nghe tiếng lòng của mình. Bát Nhã âm ở đây cũng chính là tiếng lòng của mình. Tiếng lòng của mình ở đây chính là Diệu Âm, Quán Thế Âm, Thắng Bỉ Thế Gian Âm. Tiếng lòng của mình ở đây là Thể Tánh Tịnh Minh và Chân Tâm Thường Trú. Khi tiếng lòng của mình lên tiếng thì những tiếng nói của thế gian sẽ được lắng xuống.
Khi tiếng lòng của mình là không tham, không sân, không si, không tật đố, không ganh ghét…. tiếng nói của thế gian chính là tiếng tham, tiếng sân, tiếng si, tiếng ganh tỵ, tiếng tật đố sẽ rơi xuống và sẽ biến mất. Cho nên lúc nào chúng ta cũng cần tiếng lòng của mình lên tiếng, nghe Bát Nhã âm của mình lên tiếng.
Không phải mình dự lễ hôm nay mình mới cần nghe tiếng Bát Nhã âm, mà Bát Nhã âm này chúng ta phải nghe thường xuyên ở trong đời sống hằng ngày của mình, nếu không nói là các vị phải nghe tiếng Bát Nhã âm của mình 24/7.
Bát Nhã âm này luôn luôn phải hiện tiền, phải rõ biết, chứ không phải bài Bát Nhã này chỉ nghe tối 14, tối 29 Sám Hối, không phải nửa tháng mới nghe một lần, mà nghe mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây.
Bát Nhã âm và Bát Nhã đường. Quý vị phải đi vào Bát Nhã đường để mà nghe Bát Nhã âm.
Quý vị đi lên lầu 3 của Tăng xá Tu Viện Quảng Đức, Thầy đặt tên tầng lầu trên cao đó là Bát Nhã Đường, có chữ Bát Nhã Đường ở đó. Đó là phòng họp của Chư Tôn Đức Tăng Ni khi về đây An Cư. Thỉnh Quý Ngài bước vào Bát Nhã Đường lắng lòng nghe Bát Nhã âm, nghe tiếng lòng của mình, để khi nghe tiếng lòng của mình rồi, thì trong phiên họp đó, tất cả mọi thứ đều là mát mẻ, thanh lương. Tại vì khi nghe nói tới đi họp là ai cũng sợ hết. Thầy làm thư ký rất là sợ phiên họp, tại vì khi họp thì bàn thảo, tranh cãi, đưa ý kiến, mà ý kiến thì 9 người 10 ý, không ai chịu thua ai, vô đó là cãi. Thỉnh Quý Ngài vào phòng Bát Nhã Đường là hy vọng Quý Ngài không cãi nữa, chỉ để tiếng lòng của mình lên tiếng thôi, chứ không để tiếng nói của thế gian lên tiếng ở trong phòng họp. Họp xong rồi thì nhẹ nhàng, mát mẻ, thanh lương. Ý Thầy đặt tên Bát Nhã Đường là vậy.
Chuông trống Bát Nhã chỉ là sự thôi, âm thanh của chuông trống Bát Nhã khi được thỉnh vang lên là để thức tỉnh, để thôi thúc khách trần ở trong thế gian đầy mộng ảo này sớm tỉnh ngộ. Tiếng chuông và tiếng trống ở trong chùa có công năng lôi kéo người ta trở về với thực tại, nên Cổ Đức có viết câu đối như sau:
Mộ Cổ Thần Chung cảnh tỉnh thế gian danh lợi khách
Kim Kinh Ngọc kệ thoát hồi khổ hải mộng mê nhơn.
Nghĩa là:
Chuông sớm Trống chiều cảnh tỉnh khách trần trong bể ái,
Lời Kinh tiếng Kệ gọi người về trong biển khổ mênh mông.
Tiếng Trống tiếng Chuông có công năng đánh động tiếng lòng của chúng ta, chúng ta đang hụp lặn trong biển khổ sanh tử, cho nên chúng ta phải cần có một âm thanh bên ngoài đánh động, thôi thúc chúng ta thức tỉnh để mà trở về.
Cho nên ở trong chùa hình ảnh, âm thanh tiếng chuông, tiếng trống rất quan trọng. Giờ quan trọng nhất là giờ Giao Thừa để Nghinh Xuân Đón Tết, ban nghi lễ cử 9 hồi chuông trống Bát Nhã thỉnh Phật thượng đường, để mà nghinh Xuân. Tiếng trống và tiếng chuông hòa lẫn vang vọng hết khắp pháp giới chúng sanh, đưa tất cả chúng sanh về với Biển Tánh Tỳ Lô, đưa tất cả chúng sanh nhập vào Pháp Giới Hải, đưa tất cả chúng sanh nhập vào Ba La Mật môn bắt đầu cho một năm mới. Chuông trống Bát Nhã có ý nghĩa như thế.
Thầy nói một chút về ý nghĩa của Bát Nhã. Bát Nhã là Giáo Lý cốt tủy mà Đức Phật đã thuyết trong 22 năm, để giúp cho chúng ta nhìn thấy được tự tánh của các pháp luôn luôn ở tánh “Không”.
Bát Nhã được thuyết 22 năm nhưng mục đích chỉ nói tới một chữ “Không”. Cho nên Ngài Huệ Khả khi ngộ Pháp rồi, Ngài viết ra bài kệ 4 câu hàm ý phủ nhận tính chất thực có của sự vật, tất cả đều không:
Bồ đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi Đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai?
Ở trong Kinh Bát Nhã 265 chữ có tới mười mấy chữ Vô chữ Bất và chữ Không. Nói tới tự tánh Không của vạn pháp.
Thị chư Pháp không tướng, bất sanh, bất diệt...
Phải nhìn thấy tất cả các pháp ở trên thế gian này là luôn luôn ở tướng Không. Tướng Không ở đây không phải là không ngơ mà là đương thể tức Không. Mình nhìn thấy mọi thứ, mọi vật ở trên cuộc đời này luôn luôn tự tánh là Không, nếu mà có thì chỉ là giả có, là “Giả chúng duyên nhi cộng thành”, nhưng mà thực tướng của nó là Không.
Và bài thơ diễn tả tướng không này của nhà thơ Từ Đạo Hạnh, Thầy cho rằng là số 1.Phật Giáo Việt Nam của chúng ta đã sản sanh ra một vị Thiền Sư liễu đạt được chân lý Bát Nhã, Ông Ngài đã viết ra một bài thơ mà Thầy cho rằng, hay nhất trong tất cả các bài thơ nói về tự tánh Không. Đó là Thiền Sư Từ Đạo Hạnh, Ngài đã học Đại Trí Độ Luận, học Đại Bát Nhã, để cuối cùng rút ruột rút gan ra viết bài thơ:
Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu, không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không.
Dịch nghĩa:
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không.
Có, không, bóng nguyệt lòng sông,
Ai hay có có, không không là gì?
Quý Phật tử chưa hiểu ý nghĩa tự tướng Không, tự tánh Không thì nên học bài thơ này. Bởi vì chúng ta nhìn đâu cũng thấy có, cái gì cũng sờ sờ trước mắt mà mình nói không là không được. Là người Phật tử, mình phải hiểu rằng nó có trước mắt, nhưng mà cái có này là giả có, chớ không phải thực có. Giả có là bởi vì nó do nhiều duyên gom lại mới gọi là có. Nếu như những cái duyên này tan rã thì nó sẽ không còn, nên gọi là không.
Mình lấy cái thân người của chính để liễu tri. Cái thân người đây có là gồm tinh cha, huyết mẹ và nghiệp thức, nếu mà tách rời chúng ra thì không có thân này. Thân này được tạo thành từ 5 yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nên rong Kinh Tăng Nhất A Hàm Đức Phật đã dạy cách để phá chấp thân ngũ uẩn rằng: “Quán sắc như tụ mạt, thọ như phù bào, tưởng như dã mã, hành như ba tiêu, thức như huyễn pháp”, có nghĩa là : “quán sắc như như hột bọt, thọ như bong bóng nước, tưởng như ngựa hoang, hành như cây chuối và thức như trò ảo thuật”.
Rõ ràng thân này là tổng hợp của ngũ uẩn không thật có, nó không có chủ thể cho nên mới gọi là vô ngã. Vì vô ngã cho nên nó là vô thường. Vì nó vô thường cho nên nó vượt khỏi tầm tay với của mình. Mình không thể kiểm soát nó, mình không thể làm chủ nó được. Nó muốn bịnh, muốn nóng, muốn lạnh, muốn làm cái gì là tùy ý nó, vì nó không phải là của mình. Nhưng mà mình chấp nó là của mình nên mình mới khổ.
Muôn sự trên cuộc đời này là như thế. Vì là vô ngã cho nên vô thường, vì vô thường cho nên mình khổ. Cái đó là logic trong Giáo Lý của Đức Phật nói ra là như thế.
Mà khi mình có Bát Nhã âm này, mình có Trí Tuệ Bát Nhã này, mình nhìn mọi sự, mọi vật luôn luôn ở tự tánh Không, thì mình không đau khổ nữa. Tức là mình giải quyết được dây chuyền của khổ đau.
Mình nhận chân ra được tự tánh Không này, sự hư rã này, sự vô thường này, sự không có chủ thể này, là ngay lúc đó mình chặt đứt hết tất cả vòng vây của sanh tử luân hồi. Cho nên thỉnh Bát Nhã hiện tiền ngay tại đây và bây giờ thì chúng ta không lầm chấp, không vô minh, không có tạo nghiệp nữa. Mà không tạo nghiệp thì không có luân hồi, không có sanh tử. Nó đơn giản vậy thôi.
Cái đường tu, cái quá trình tu ở trong đạo Phật rất là đơn giản, rất là nhẹ nhàng, chỉ làm sao mà hành giả nhận chân ra được mọi pháp, mọi vật đều ở tự tánh Không, tự tướng Không, thì mình sẽ ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.
Cho nên trong Kinh Bát Nhã nói rằng:
Tam Thế Chư Phật Y Bát Nhã Ba La Mật Đa Cố Đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
(Ba Đời Mười Phương Chư Phật Y Theo Bát Nhã Ba La Mật mà đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.)
Pháp Sư Huyền Trang đã đem lại niềm vui, đem lại niềm lạc quan cho tất cả hàng đệ tử Phật qua câu cuối trong bản kinh Bát Nhã:
Gate Gate Paragate Parasamgate Bodhi Svaha.
Yết-đế, yết-đế, ba-la-yết-đế, ba-la-tăng-yết-đế, bồ-đề-tát-bà-ha.
Tiếng Việt dịch là:
Đi qua, đi qua, qua bờ kia, qua đến bờ kia, vui quá.
Ý nghĩa bài chú Bát Nhã ở cuối cùng là như vậy. Qua bên kia rồi là phải vui. Nhưng mà đi qua rồi thì nhớ đẩy chiếc thuyền Bát Nhã về cho người khác đi qua, chứ đừng vác chiếc thuyền đi theo. Đức Phật nói chánh pháp còn bỏ thì huống gì là phi pháp. Khi mà mình xây dựng nhà lầu thì mình phải dựng giàn, để mình leo lên xây gạch, tô tường, sơn phết... xong rồi thì mình phải tháo gỡ giàn này xuống. Khi qua bên kia bờ rồi, các vị để thuyền, để bè, để Kinh Bát Nhã xuống luôn. Chứ các vị còn vác trên vai, vác trên lưng cũng giống như các vị xây nhà mà để giàn giáo trước nhà, nhìn vô chỉ thấy giàn giáo thôi chứ không thấy kiến trúc của ngôi nhà.
Đó là ý nghĩa của bài kệ Trống Bát Nhã (Bát Nhã Cổ.) Hòa Thượng Thánh Nghiêm bên Đài Loan đặt chùa của Ngài là Pháp Cổ. Và từ Pháp Cổ này lấy từ trong Kinh Pháp Hoa. Đức Phật tuyên bố trong Kinh Pháp Hoa là: “Từ nay Ta sẽ thổi Pháp Loa lớn và đánh trống Pháp Cổ lớn để mà tuyên thuyết Pháp mầu, để mà đưa tiếng trống pháp này đi vào ở trong cuộc đời, đánh động lương tri, tâm thức của loài người để mà họ quay về với nẻo Giác”.
Và tất nhiên trống Bát Nhã chỉ có bên phía Phật Giáo Đại Thừa thôi, chứ bên Phật Giáo Nguyên Thủy và Phật Giáo Nam Truyền thì không có. Chùa Nam Truyền không có Trống Bát Nhã, cũng không có Đại Hồng Chung.
Tại mỗi quốc gia các chùa có cách đánh trống Bát Nhã riêng. Chỉ có Trung Quốc và Việt Nam là giống nhau, còn bên Triều Tiên, Nhật Bản, Tây Tạng thì họ có cách đánh trống theo kiểu riêng của họ, và bài kệ Trống của họ cũng khác, không giống như mình.
Trống ở bên Nhật Bản và Triều Tiên rất là lớn, gấp năm gấp sáu lần cái trống Bát Nhã của chùa Quảng Đức này, và họ làm rất là đẹp.
Thầy đi hành hương ở bên Nam Triều Tiên, Hàn Quốc thấy trống rất là thích. Họ có làm cái trống nhỏ rất đẹp để mình thỉnh về làm kỷ niệm, bên Nhật Bản cũng vậy.
Chuông Hồng Chung và Trống Bát Nhã của Nhật Bản và của Hàn Quốc là số 1, âm thanh rất là hay và hình dáng cũng đẹp. Ở Việt Nam mình bây giờ, có nhiều chùa có trống và chuông giống của Nhật, bắt nguồn từ khi Hòa Thượng Tâm Giác và Hòa Thượng Thanh Kiểm đi du học về, có mang cái chuông và cái trống, từ đó Việt Nam đúc chuông làm trống theo mẫu của Nhật Bản.
Thầy xin đọc bài thơ nói về chuông trống Bát Nhã của nhà thơ Vĩnh Hữu, là con trai thứ 11 của Cụ nữ sĩ Tâm Tấn và Giáo sư Bửu Đáo.
Nghe Trống Bát Nhã
Chắp tay
Nghe tiếng trống dồn
Cung nghinh
Triệu thỉnh
Chư Tôn thăng đường
Bảo tòa thơm ngát hoa hương
Trang nghiêm pháp giới
Trùng trùng uy linh
Chắp tay
Cung thỉnh âm thanh
Từ Bi cứu độ chúng sanh muôn loài
Đạo từ
Kim khẩu Như Lai
Truyền vang tưới mát trong ngoài thân tâm
Biển Trí Tuệ
Sóng Diệu Âm
Thiêng liêng lan tỏa hồng trần khổ mê
Chắp tay
Đón tiếng trống về
Vén màn u tối phủ che bao đời
Trống vang
Bát Nhã ba hồi
Thành tâm sám hối
Nụ cười nở sen!
Cảm niệm công đức của Phật tử, nhà thơ, nhà văn Vĩnh Hữu đã gửi tặng cho trang nhà Quảng Đức bài thơ về Bát Nhã Cổ, Trống Bát Nhã.
(Phật tử Lệ Trinh Diệu Tuyết & Nguyên Quảng Tánh phiên tả xong ngày 15/07/2021. Phật tử Thanh Phi check lỗi chính tả xong ngày 1/8/2021
Xem bài giảng phiên tả khác:
- Thơ Tán Dương Hạnh Nguyện Hoằng Pháp