30/4 VÀ CUỘC HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DO CỦA TÔI
Vừa trút xong gánh nặng với 94 đứa học trò trong học kỳ mùa Xuân, tôi viết đôi dòng tản mạn ngày 30/4 của 46 năm trước khi buổi sáng ngày này tướng DVM tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh Sài-Gòn.
Má tôi là Liên Gia Trưởng nên nhà được phát cây Carbine M2 và sau đó có thêm cây Shotgun. Thỉnh thoảng tôi vẫn đem hai cây súng ra lau chùi bôi nhớt cho không bị rỉ sét. Mỗi lần như vậy Má tôi vẫn nhắc chừng:
- “Cẩn thận, súng đạn vô tình nghe con!”. Tôi trả lời cho Má tôi yên tâm:
- “Má đừng lo, con làm quen rồi!”.
Năm 72, cao điểm của chiến tranh Việt Nam qua mùa Hè Đỏ Lửa ở Cổ thành Quảng-Trị. Không biết các trường trung học ở Đô thành Sài Gòn thế nào, nhưng ở trường Trung-Thu của chúng tôi, từ lớp 10 trở lên đều được huấn luyện quân sự học đường. Có đi tập bắn ở xạ trường Phú Lâm, và tôi có trong toán biểu diễn bịt mắt tháo ráp vũ khí trong vòng 1 phút. Buổi lễ có lập khán đài rất trịnh trọng và nhiều quan chức lớn bên Bộ Tư Lệnh CSQG đến dự. Nếu tôi không lầm, có ông Chuẩn tướng Bùi Văn Nhu, nhà cạnh bên trường, là Tư lệnh phó CSQG chủ tọa. Các đoàn/lớp chúng tôi đi diễn hành thật đẹp với đồng phục quần kaki xanh, áo trắng ngắn tay, giày bata trắng, mũ kết màu xanh lam, tay mang gậy tre hướng đạo với hàng đầu bồng súng, chân bước đều ngay ngắn trên Đại lộ Thành Thái (giờ là An Dương Vương), quận 5…!
Phía sau nhà tôi là sông Cầu Kiệu, ngó qua bên kia là đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận. Sau tuyên bố đầu hàng của Big Minh, tôi xách hai cây súng ra sau sông ngắm bắn các đám lục bình, chai lon trôi nổi ở giữa dòng với tầm xa độ 30 mét. Phải nói là tôi bắn khá chính xác, các lon bị trúng đạn văng lên cao khoảng nửa thước rồi rơi xuống. Bắn hết hai băng đạn và mấy viên shotgun xong, tôi liệng hai khẩu súng xuống sông; còn lá cờ thiêng Tổ quốc và vài bộ đồ lính của các anh, Má tôi đưa tôi đem dìm xuống sình bùn dưới sông sau nhà.
Đứng trên bờ sông, lòng tôi chùng xuống với nỗi buồn nặng trĩu không biết cuộc sống sẽ thế nào trong những ngày sắp tới. Vài ngày trước, người anh thứ Tư của tôi (1944) đã cố ra Vũng Tàu để liên lạc với người anh thứ Năm (1947) là HQ Trung úy Thuyền trưởng Coastguard nhằm lên kế hoạch di tản gia đình ra Đệ thất Hạm đội, nhưng việc bất thành vì đoạn đường từ Long Khánh xe cộ không thông thương được nữa nên phải quay về…
Tôi còn nhớ, khoảng một tháng trước ngày Sài-Gòn sụp đổ, tin tức trên radio có nói đến chuyến vượt biển của Giáo sư Đại học Khoa học là Lâm Lý Hùng. Tôi còn nhớ tên ông này vì cùng họ với tôi. Ông Hùng đã chở hết gia đình khoảng 20 người trên chiếc thuyền nhỏ chạy dọc theo duyên hải miền Tây sang Thái-Lan tị nạn. Lúc đó tôi vô cùng thán phục ông giáo sư này, đã biết trước miền Nam sẽ thay ngôi đổi chủ mà đưa hết gia đình đi tị nạn Thái-Lan.
HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DO...!
Không ngờ rằng bảy năm sau, 1982, tôi đã thực hiện một chuyến vượt biển còn ngoạn mục hơn gấp bội lần, khi một mình tôi đã lái chiếc tàu đánh cá dài 14 mét, chở 109 người, vượt thoát qua khỏi trạm công an biên phòng sông Vàm Láng, đi thẳng dọc hải phận quốc tế, gặp sáu thương thuyền ngoại quốc mà không được vớt. Họ chỉ chạy chậm lại quan sát chúng tôi, nhưng khi thấy chúng tôi hướng về họ thì chỉ trong vòng nửa tiếng, bóng dáng họ biến mất ở chân trời. Có hai lần chúng tôi gặp họ vào ban đêm khi thấy ánh đèn sáng choang rực rỡ như một thành phố nổi di động trên mặt biển. Chúng tôi đã bắn hết 6,7 viên đạn flare mang theo xin cầu cứu nhưng vẫn không thành công. Có thể họ sợ chúng tôi là cướp biển nên tránh xa. Tôi nghĩ họ chỉ thực hiện hành động nhân đạo cứu vớt khi thấy chúng tôi đang bị chìm hay trong cơn nguy hiểm.
Từ đó, tôi quyết định không đuổi theo họ vì chỉ mất thời gian phải tính toán điều chỉnh lại hướng đi, nên cứ đi thẳng đến mục tiêu là miền Bắc Mã-Lai theo hướng đã vẽ trên hải đồ (nautical chart); sẽ đi ngang qua dàn khoan dầu ở vị trí 60 hải lý ngoài khơi bờ biển Mã-Lai. Tọa độ của giàn khoan này tôi được bác Nguyễn Chánh Trực, một cựu thuyền trưởng hàng hải thương thuyền cho tôi. Bác Trực cũng nói với tôi là do một đồng nghiệp khác của bác là Tôn Thất Ngữ, cho bác. Bác Trực đã tiếp xúc với tôi trong khoảng hai năm dài, có lúc hai bác cháu nói chuyện về các chuyến hải hành hay các vấn đề kỹ thuật của thủy động cơ, máy tàu …. mà không biết tôi là một thuyền trưởng Hải quân trung úy “dởm” vì tôi đã đóng vai người anh thứ Năm trong các cuộc nói chuyện với chủ tàu và nhóm tổ chức vượt biển, và phải trải qua nhiều thử thách từ họ trước khi họ dám trao sinh mạng của cả gia đình và tài sản của họ vào tay tôi. Thời gian này tôi đã phơi nắng cho mình đen đúa già đi hơn tuổi, vì tôi nhỏ hơn anh tôi đến hơn 8 tuổi.
Tôi không ngại khi họ có những câu hỏi kiểm tra tôi về các vấn đề kỹ thuật hải hành (navigation techniques), cơ khí máy tàu (hydromechanics), hải trình (nautical route) hay hệ thống tổ chức của hải quân VNCH cũng như các vị chỉ huy các cấp ở các hải đoàn, hải đội vì tôi đã điều nghiên trước và học thuộc lòng tên họ và cấp bậc các vị chỉ huy trưởng/phó qua các cuộc nói chuyện và khéo léo khai thác thông tin từ những vị đã từng phục vụ trong binh chủng hải quân.
Tôi chỉ sợ nhất là những lần họp mặt bàn tính chuyện vượt biển nếu gặp ai đó biết mình hay một sĩ quan hải quân nào cùng khóa 20 hay đã biết anh tôi. May mắn là việc này đã không xảy ra qua nhiều lần hội họp của nhiều chuyến tổ chức vượt biển, cho đến một lần ....
Bà Tám, tôi chỉ biết bà là bà Tám, nhà ở Chợ-Lớn, đẹp người dáng đẫy đà, nước da trắng, lớn hơn tôi khoảng 15 tuổi. Sau chuyến đi vượt biển đầu tiên không thành công năm 80 mà tôi sẽ đề cập vắn tắt bên dưới. Bà Tám biết tôi và mời tôi cùng bà đi về Gành Hào, Cà Mau để xem chiếc tàu đánh cá mà bà đang tính tổ chức ra đi. Phương tiện duy nhất để đi từ Sài-Gòn về Cà-Mau lúc đó không gì khác hơn là xe đò. Từ sáng sớm tinh sương, chúng tôi về đến Hộ Phòng, Cà Mau thì trời đã sập tối và chuyến đò cuối trong ngày đi ra Gành Hào, gần cửa biển nơi người chủ tàu cư ngụ đã rời bến trước đó.
Bà Tám đã thuê nơi trú ngụ tạm qua đêm. Đó không phải là phòng khách sạn như bây giờ mà là hai bộ ván gỗ dài trước mái hiên của căn nhà gạch lụp xụp. Trên hai bộ ván gỗ đã trải sẵn khoảng mười chiếc chiếu và trên mỗi chiếc chiếu đã giăng sẵn cái mùng được vén lên trên. Mùng nào được bỏ xuống là đã có người thuê rồi. Bà Tám đã thuê một cái mùng cho tôi và bà ngủ chung đêm đó. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi ngủ chung mùng với một người phụ nữ không cùng gia đình huyết thống nên có phần trăn trở khó ngủ dù đã khá mệt cho cuộc hành trình Sài-Gòn - Cà Mau từ sáng sớm. Chẳng lâu sau tôi đã nghe tiếng ngái nho nhỏ và hơi thở đều đều từ bà Tám. Tôi mở mắt hi hí nhìn sang thấy ngực bà phồng căng lên rồi xẹp xuống theo từng hơi thở ra hít vào... Tôi quay lưng nằm nghiêng qua phía bên kia và niệm Phật, cầu nguyện cho mọi việc được suôn sẻ bình an và cố dỗ giấc ngủ ...!
Hai ngày sau khi trở về Sài Gòn, buổi trưa khi đang còn ở nhà bà Tám. Nằm trên chiếc giường ở phòng ngoài, tôi nghe tiếng gõ cửa sắt trước nhà. Nhẹ nhàng bước ra nhìn qua ô cửa nhỏ, tôi thấy ông thầy dạy Sử Địa năm lớp 11 của tôi là Trần Tuấn Kiệt. Tôi hoảng hồn quay lưng bước trở vào và nằm lên giường quay mặt vô tường. Bà Tám bước ra tiếp chuyện thầy Kiệt. Tôi hiểu là thầy Kiệt đang tìm đường vượt biển vì bà Tám là người chuyên tổ chức đưa người đi.
25 năm sau, khi lần sang Cali tham dự họp mặt trường Trung-Thu, hình như năm 2005; tôi gặp lại thầy Kiệt và có nhắc với thầy việc này. Thầy Kiệt cho biết bà Tám sau này cặp với một ông Tướng VC và hai người đã vượt biển thành công, hiện đang sống ở Cali.
Trở lại với lần ra khơi thứ hai năm 1982....
Chuyến đi không hoàn toàn suôn sẻ nên thủy thủ đoàn có tất cả 6 người với tôi là hoa tiêu (pilot) nhưng rốt lại chỉ còn mình tôi và một thợ máy phụ. Người tài công chính, hai tài công phụ, thợ máy chính và một thợ máy phụ đã nhảy lên ghe nhỏ trở vào bờ khi nghĩ rằng chuyến đi đã bị bể. Tôi được bên tổ chức cho dẫn theo ba người không tốn tiền, là người bạn gái mà sau này là vợ tôi, đứa em trai, bảng xanh đậm Trung-Thu và đứa cháu sắp đến tuổi bị bắt đi nghĩa vụ quân sự của VC. Tôi đã dặn với tất cả là nếu bị bể, cứ bị bắt ở tù rồi sẽ được thả về. Còn phần tôi, bằng mọi giá, tôi sẽ nhảy xuống sông bơi vào bờ vượt thoát chứ nhất định không để bị bắt khi cái lý lịch của tôi đã bị công an thành phố nắm rõ và đang truy nã, mặc dù tôi cũng đã chuẩn bị cho mình một lý lịch hoàn toàn khác.
Tôi nói chuyến đi không suôn sẻ tưởng chừng như “bể” vì…
Gia đình tôi bốn người nhưng bị nhóm tổ chức tách ra làm ba cánh. Chú em và cháu tôi đi theo một cánh, vợ tôi đi một cánh khác và tôi được đưa đi riêng theo anh Ngọc, là người đã mời tôi làm hoa tiêu chuyến đi này. Ngọc chính là người tổ chức lấy người từ Sài-Gòn.
Quá nửa đêm ngày 16/8/1982 tôi được ghe máy đuôi tôm đưa lên “cá lớn”. Từ xuồng ba lá gắn máy đuôi tôm lên con thuyền đánh cá dài 14 mét, trong bóng đêm tôi thấy nó lù lù “vĩ đại” còn hơn “vị cha già dân tộc”. Khi lên cá lớn rồi, tôi thấy một đàn “cá bé”, từ xuồng ba lá chèo tay tới xuồng gắn máy đuôi tôm, từ bốn phương tám hướng đổ về cá lớn. Mọi người kêu réo ơi ới, ì xèo, chen nhau trèo lên cá lớn và chui xuống khoang thuyền. Lúc đó, một xà-lang lớn hình như chở cát chạy ngang sát mạn thuyền khoảng chừng 10 thước; mấy cái đèn pha sáng rực quét ngang ngôi chợ nổi bỗng nhiên nhóm chợ quá nửa đêm. Với cảnh tượng này, tôi thầm nghĩ, không xong rồi, chắc sẽ bể. Nếu chiếc xà-lang báo cáo với đồn công an biên phòng địa phương chặn ngoài cửa biển thì cả đám sẽ bị hốt trọn ổ….!
Bóng đêm tối mịt mờ, không thấy gì ngoài bóng người xôn xao gọi nhau ơi ới, tôi gọi lớn:
- “X ơi, em có đó không? T. ơi, có đó không? H. ơi, có đó không?”. Hoàn toàn không một giọng nói quen thuộc đáp lời. Tôi quay sang nói với Ngọc:
- “Nếu không có người nhà tôi thì tôi sẽ không đi!”. Ngọc thì thầm gì với người bên cạnh, rồi quay sang nói với tôi:
- “Anh chịu khó chờ một chút, tôi đi kiếm sẽ trở lại ngay!”.
Ngọc nhảy xuống chiếc ghe máy đuôi tôm với một vài người khác. Ngay sau đó con cá lớn được ai dời sang một điểm khác, rồi thì có thêm vài con cá bé bu lại và bóng người lại trèo lên thêm khoảng vài chục mạng nữa. Tôi hiểu ra là phe ở địa phương đã qua mặt Ngọc, lấy thêm người, thêm vàng bỏ túi riêng.
Khoảng nửa tiếng sau tôi mới nghe tiếng lạch tạch máy đuôi tôm của vài con cá bé chạy tới, lên thêm chừng hai chục người nữa và trong số này đã hiện diện đầy đủ người nhà tôi. Ngọc bắt tay tôi, chúc may mắn. Tôi nhắc lại lời gửi gắm người anh thứ Tư của tôi, cũng là hải quân trước 75 trong Giang đoàn 24 Xung phong, cho chuyến đi kế tiếp mà Ngọc sẽ tổ chức...!
Trách nhiệm tôi, hoa tiêu, chỉ bắt đầu từ cửa biển. Đến lúc này kiểm soát lại thủy thủ đoàn, tôi mới biết là chỉ còn lại một mình tôi và một thợ máy phụ (quên tên, tạm gọi là A).
Từ sông Vàm Láng ra biển, bên mạn phải đáy sông sâu nên đồn công an biên phòng đóng bên đó, bên trái nước cạn, có nhiều cồn và dân địa phương đóng đáy giăng lưới bên bờ sông này. Anh tài công chịu trách nhiệm lái tàu ra đến cửa biển là người địa phương, tuổi trạc 40 (không nhớ tên, tạm gọi là B) yêu cầu mọi người giữ im lặng. B để ga nhỏ, cho tàu chạy chậm, cặp sát mạn bờ bên trái. Đến lúc này tôi mới biết rằng ban tổ chức không hề “mua” biên phòng như lời Ngọc đã nói; mà họ chỉ mua xóm làng, bà con dòng họ ở địa phương để ếm người từ ngày trước khi dân Sài-Gòn đổ xuống từ nhiều cánh khác nhau.
Không khí thật hồi hộp và căng thẳng, thật im lìm, không một tiếng khóc của trẻ con mà chỉ nghe tiếng máy tàu rất nhỏ tưởng chừng như có máy hãm thanh. Tôi nghe A nói là gắn “ống bô nước” để hãm âm thanh nhỏ bớt lại. Tôi không còn nhớ là khoảng trống im lặng này đã kéo dài bao lâu … Bỗng nhiên anh tài công cho tàu chạy chậm hơn và nói với tôi, cho anh ta xuống, chạy vào trong (có kéo theo xuồng máy đuôi tôm phía sau) rồi sẽ có người khác ra thay thế anh dẫn tàu ra cửa biển.
[Đã kinh nghiệm chuyến đi đầu tiên năm 80, cũng xuất phát từ Vàm Láng. Tài công từ Bạc Liêu đến trước một tuần cho quen địa thế, nhưng đêm ra khơi đã mắc cạn ba lần, tôi phải cho hết mọi người, ngoại trừ một chị đang mang bầu, nhảy xuống đẩy thuyền ra khỏi cạn. Chính vì ba lần mắc cạn, phải đẩy ra mà các đường trai trét kẻ nối ván thuyền đã bị tróc, nước tràn vào khi đã vượt thoát ra vùng biển an toàn không còn tàu tuần của VC. Máy bơm hoạt động tối đa đến khi không còn hoạt động được nữa thì mọi người phải tát nước bằng tay. Tất cả thùng, bình nhựa, xô nhựa trên tàu đều được tận dụng cho công việc … tát nước. Đây là lý do chính mà tôi đã quyết định quay về sau khi họp với ban tổ chức.
Chuyến đi lần đó là do gia đình em (quên tên, tạm gọi là C) của Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn tổ chức. C tốt nghiệp cán sự điện Phú Thọ và nghe nói làm Trưởng ty Điện lực một tỉnh nào đó ở miền Trung, hình như Quy Nhơn hay Bình Định. Ông bố của Giáo sư CPNS, nếu tôi nhớ không lầm tên Chu Hoành, cũng từng là một cơ khí trưởng của hàng hải thương thuyền (chi tiết này do bác Trực kể khi nói chuyện với tôi).
C có mời một sĩ quan khóa 19 hải quân, trước anh tôi một khóa, là đại úy Nguyễn Ngọc Sơn làm phụ tá cho tôi trong chuyến vượt biển này. Tôi nhớ tên anh này vì trùng tên với một người bạn học của tôi. Khi thuyền còn trong sông hướng ra cửa biển, đang nằm trước mũi cùng với vài người quan sát các hàng cọc đóng lưới đáy của dân địa phương để giúp tài công không bị vướng, anh Sơn lồm cồm bò ra gọi tôi vào cabin để điều khiển tàu. Ở một thời điểm nào sau đó, anh thú thật với tôi là từ lúc ra trường hải quân Nha-Trang, anh chỉ đóng ở căn cứ bờ, chưa từng đi biển ngày nào. Về điềm này thì anh hoàn toàn giống tôi, vì đây là chuyến hải hành đầu tiên tôi thực sự ra khơi để áp dụng tất cả “lý thuyết” về hàng hải cũng như kỹ thuật lái tàu mà tôi đã tự nghiên cứu trong điều kiện không có sách vở sau mấy đợt VC áp dụng chính sách thiêu hủy văn hóa phẩm đồi trụy của “Ngụy quyền SG”. Tuy nhiên, anh vẫn hơn tôi khi được huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn suốt một năm trời ròng rã trong một trường hải quân nổi tiếng ở Đông-Nam-Á thời bấy giờ.
Trong chuyến đi này, tôi vẫn mang tên người anh thứ Năm của tôi nhưng trong vai trò một “cựu hàng hải thương thuyền”, vì khởi đầu do anh Lê Văn Dĩnh, một kỹ sư công nghệ khóa đầu tiên Phú Thọ và nguyên là Phó Tổng giám đốc kỹ thuật Công ty Đường Việt-Nam đã giới thiệu tôi với gia đình C. Anh Dĩnh nghĩ tôi là dân hàng hải thương thuyền, và có gửi hai đứa con đi trong chuyến này. Do vậy mà tôi đã tin tưởng không yêu cầu đi giám định kỹ thuật chiếc tàu, cũng như họ có đưa ra lý do an ninh sợ người địa phương biết khi đưa tôi xuống xem.
Sau chuyến đi ba ngày trên con thuyền dài 12 thước, chở theo 75 người, phải quay về vì tình trạng kỹ thuật không thể tiếp tục cuộc hành trình, mọi người đều được giải tán bình an trở về Sài-Gòn, không ai bị bắt thì danh tiếng tôi (nhưng dưới tên người anh thứ Năm) được nhiều người trong giới tổ chức vượt biên biết đến và mời tham gia sau đó. Nhưng đến hai năm sau duyên may mới đến cho cuộc hành trình tìm tự do lần thứ hai ...!
Dù thất bại với chuyến hải hành đầu tiên, tôi cũng đã được C. trả ba cây vàng theo hợp đồng thỏa thuận trước. Số tiền này đối với một kẻ đang bụi đời vô gia cư như tôi quả là rất lớn, đã giải quyết được cuộc sống khó khăn những tháng ngày sau đó! Cũng nói thêm cho rõ về việc thanh toán hợp đồng này. Một ngày trước giờ khởi hành rời Sài-Gòn, vợ chồng C trao trước cho tôi một cây vàng qua trung gian chị Đinh Bích Thủy là vợ anh Lê Văn Dĩnh, và hẹn hai ngày sau chị Thủy sẽ đến nhà tôi trả nốt hai cây vàng còn lại. Chị Thủy đã làm đúng theo giao ước, và qua ngày thứ ba ... mọi người và tôi thoát hiểm về lại Sài-Gòn...! Nếu về sớm một ngày hay là chị Thủy chậm trễ qua ngày thứ ba mới đến giao thì chắc chắn C sẽ không thanh toán hai cây vàng còn lại. Sau này vợ chồng C có mời tôi tham gia "làm lại" chuyến đi sau nhưng tôi đã từ chối không cộng tác!
Khoảng một tuần sau khi trở về, anh Hải quân Đại úy Nguyễn Ngọc Sơn có mời tôi đến nhà anh ở Gò-Vấp đãi một bữa cơm chiều. Tại đây tôi có gặp mặt vợ và mẹ vợ anh. Lúc anh đi, ban tổ chức (vợ chồng C) chỉ cho anh mang theo một đứa con nhỏ …!]
Trở lại câu chuyện …
Tất nhiên tôi không bao giờ chấp nhận lời yêu cầu vô lý này của B. Nỗi ám ảnh bị mắc cạn của năm 80, nhắc nhở tôi rằng, bằng mọi giá không để anh thoát khỏi buồng lái. Lúc này, tôi ra hiệu cho A khóa cửa buồng lái lại. Tôi thấy A lấy cọng dây kẽm cột chặt hai cánh cửa cabin; rồi hắn cầm con dao phai và lớn tiếng văng tục:
- “ĐM, anh mà bước ra khỏi chỗ này là tui đâm chết mẹ anh luôn!”. Phần tôi thì dỗ ngọt và dụ B đi theo:
- “Anh đi luôn với tụi tui đi. Ra nước ngoài anh làm có nhiều tiền gửi về giúp đỡ cho gia đình rồi bảo lãnh cho hết gia đình qua với anh, có cuộc sống sung sướng cả nhà!”.
- “Không được đâu chú ơi, tui còn mẹ già, vợ và tám đứa con. Không bỏ đi được đâu!”.
Thật sự, nếu anh ta đi theo luôn thì tôi khỏe hơn vì có thêm được một tay lái chuyên nghiệp.
B cứ nài nỉ, hứa cho anh vô sẽ có người ra thay hướng dẫn tàu ra cửa biển, A vẫn tiếp tục lớn tiếng hăm dọa và tôi vẫn dụ B đi theo luôn….!
Cuối cùng tàu cũng ra đến cửa biển! Tôi thấy thân tàu bắt đầu bồng bềnh lắc lư như điệu nhảy disco. B cho tàu dừng lại, anh vui mừng nói lớn:
- “Qua khỏi đồn biên phòng. Ra tới cửa biển rồi bà con ơi. Bà con nào còn tiền Việt-Nam, cho tui xin hết đi. Đem theo cũng không xài được đâu!!”.
Nhiều người đã móc tiền ra cho B. Anh đi một vòng thu lượm tiền Hồ và vui mừng chúc mọi người đi bình an; rồi nhảy xuống chiếc ghe máy đuôi tôm cột phía sau … !
Lúc này là 4 giờ sáng nhưng trời vẫn tối đen mù mịt ngoài biển. Tôi không dám mở đèn trong cabin vì sợ biên phòng hay tàu tuần có thể trông thấy. Tôi nhờ A mở đèn pin đủ sáng để tôi tìm cách đặt hải bàn (compass) lên một lỗ tròn đã cắt sẵn trên kệ lái…!
Sau này tôi mới biết … Hai ngày sau khi ra khơi, Sài-Gòn mưa giông ngập lụt, Má tôi sợ quá phải mua hoa quả vào ngôi chùa Quảng Thành trong xóm để cầu nguyện cho chúng tôi được bình an. Ngoài biển, buổi chiều tối ngày thứ hai, mưa giăng vần vũ, sóng gió to như cao ốc ba tầng lầu ập xuống. Chiếc thuyền nhỏ bé trồi lên rồi chúi xuống tưởng chừng như đi thẳng vào lòng đại dương, theo từng đợt sóng thật cao; còn thân tàu vặn mình kêu răn rắc như sắp vỡ tung ra từng mảnh. Tôi chỉ biết cầm vững tay lái, giữ ga thật nhẹ và chú tâm niệm danh hiệu Phật Bà Quan Âm vì trước mặt tôi, ngay trong buồng lái cũng có treo một khung hình Phật Bà đang cưỡi Rồng vượt sóng...
Buổi sáng ngày thứ 4 của chuyến hải hành, tức ngày 20/8/1982, khoảng 8 giờ, tôi bỗng nghe tiếng la to mừng rỡ của nhiều người đàn ông ở trước mũi thuyền: "Giàn khoang! giàn khoang!". Tôi dụi mắt, lấy ống dòm lên xem. Quả đúng là giàn khoang dầu! Một mái vòm đen ở đường chân trời. Tôi biết mình đã đi rất đúng hướng vì đây chính là mục tiêu tôi đã chấm tọa độ trên hải đồ để hướng tới. Tôi biết chỉ còn 60 hải lý nữa (một hải lý là 1,852m) là cặp bờ biển Mã-Lai nên quyết định không ghé giàn khoang mà đổi chệch hướng một chút về phía trái để tiến thẳng vào bờ. Trên đoạn đường này, có rất nhiều cá heo (dolphin) phóng lên khỏi mặt nước bơi đua theo thuyền nên rất vui. Mọi người lúc đó cũng lấy lại khí thế, vui mừng la to khi thấy cả đoàn dolphin vượt sóng cùng thuyền. Tâm trạng tôi lúc đó mới thật sự vui mừng và hoàn toàn tự tin, vì biết con đường sống đang mở ra trước mắt cho 109 người trong cuộc hành trình này.
Tôi đã dùng một kỹ thuật rất đơn giản để đo vận tốc thật của con tàu mà không cần tính toán hướng và sức gió cũng như dòng hải lưu tác động lên hướng đi. Lần được đưa xuống Bến Tre trước đó để giám định kỹ thuật chiếc tàu, tôi rất hài lòng khi thấy đó là tàu đi biển đánh cá được trang bị máy RAY4 của Mỹ khá mạnh, hình như công suất 90HP hơn hẳn máy Yanmar 4 đầu bạc, 60HP (các chi tiết này đã 39 năm, có thể quên!). Tôi đã yêu cầu chủ tàu, anh Trần Văn Sử, xúc rửa sạch thùng sắt chứa nước uống và cắt một lỗ tròn trên kệ lái theo kích thước của hải bàn để đặt cho vừa trong đêm ra khơi. Tôi cũng dặn anh Sử mua cho tôi sợi dây thừng bằng nylon nhỏ dài 100 mét và thùng nhựa khoảng 20 lít. Đây chính là máy đo vận tốc sáng tạo của tôi. Trên suốt hải trình, ngoại trừ ban đêm, cứ khoảng 3 tiếng tôi đo tốc độ một lần bằng cách chăm chú nhìn đồng hồ đeo tay, ra hiệu cho anh Sử quăng thùng nước đã chứa khoảng 2/3 bình xuống biển và khi anh Sử báo cho tôi biết sợi dây đã căng thẳng đủ 100 mét thì tôi ghi nhận thời gian bao nhiêu giây trên đồng hồ để tính ra tốc độ, rồi cập nhật vị trí tàu trên đường đi. Chính nhờ vậy mà tôi kiểm soát vị trí thật con tàu trên hải đồ và hải trình khá chính xác.
Tôi còn nghiên cứu đến mức mà trong trường hợp nếu bị cướp biển Thái-Lan cướp mất hải bàn và hải đồ; trắng tay không còn dụng cụ hải hành nào thì tôi vẫn có thể lái tàu cặp vào bờ biển Mã-Lai. Điểm đặc biệt từ bất cứ vị trí nào ở Bắc bán cầu là, nếu biết được cao độ sao Bắc đẩu (North Star) là bao nhiêu từ vị trí hiện tại thì chúng ta đang nằm trên vĩ độ (latitude) có cùng số đo đó. Ví dụ muốn đi vào thành phố Kuala Lumpur của Mã-Lai ở vĩ độ 3.14o Bắc của đường Xích đạo (Equator) thì cứ xuôi về hướng Nam. Ban ngày dùng mặt trời định chuẩn phương hướng, ban đêm dùng chòm sao Nam-Tào (Southern Cross). Cứ thế mà xuôi về hướng Nam đến khi đo được cao độ sao Bắc đẩu đúng 3.14o thì bắt đầu đổi sang hướng chính Tây (270o). Ban ngày cũng dùng mặt trời, ban đêm dùng sao Bắc đẩu hay chòm Đại hùng (Great Bear) và Tiểu hùng (Little Bear) định vị phương hướng. Cứ thế mà chạy sẽ vào đúng ngay bờ biển đi vào Kuala Lumpur.
Để đo được cao độ của mặt trời hay các vì sao, các nhà hàng hải phải dùng kính lục phân (sextant). Đây là một dụng cụ mắc tiền không thể có, tôi đã dùng cây thước kẻ bằng nhựa, kết nối ở điềm giữa với thước đo độ hình bán nguyệt. Khoét một lỗ nhỏ ở vị trí trung tâm, buộc một sợi chỉ và cột một vật gì hơi nặng để kéo căng sợi chỉ xuống. Khi mình dùng thước dài ngắm dọc theo sóng cây thước theo đường thẳng tới sao Bắc Đẩu, sợi chỉ đi ngang số đo nào, nhờ một người đọc số đo đó trên thước đo độ, thì đó chính là cao độ của sao Bắc-Đẩu.
Ngoài ra, tôi cũng được người anh thứ Năm chỉ sử dụng sóng vô tuyến điện từ của máy thu thanh (radio) để xác định vị trí trên biển. Trong các máy radio xưa, luôn có thỏi sắt từ trường bên trong được quấn bọc chung quanh bởi các sợi dây đồng. Khi mở radio và bắt sóng tần số từ một đài phát thanh ở xa, âm thanh lúc nghe rõ lúc bị nhiễu sóng khó nghe khi chúng ta xoay vị trí radio theo nhiều hướng khác nhau. Khi nghe được âm thanh rõ nhất, đó là lúc tần số sóng điện đang truyền theo một đường thẳng từ đài phát thanh tới hướng dọc theo thỏi sắt quấn dây đồng này. Nếu nắm được nguyên tắc này thì việc xác định vị trí hiện tại đang trên biển rất dễ dàng. Thí dụ, khi bắt sóng đài phát thanh Kuala Lumpur của Malaysia, mình sẽ xoay radio từ từ theo vòng tròn 360o đến khi nào âm thanh nghe được rõ nhất thì lúc đó chiều dài của thỏi sắt đang hướng về trên cùng một đường thẳng tới Kuala Lumpur. Chỉ cần lái tàu theo hướng này sẽ gặp được mục tiêu.
Trong trường hợp có hải đồ, cũng làm tương tự, sẽ kẽ được một đường thẳng từ Kuala Lumpur trên hải đồ. Tiếp tục làm vậy tới một đài phát thanh thứ hai, thí dụ đài Sài-Gòn cũng sẽ kẽ được một đường thẳng thứ hai trên hải đồ phát xuất từ Sài-Gòn. Vị trí của hai đường thẳng giao nhau trên hải đồ chính là vị trí hiện tại của chúng ta trên biển...!
Tôi đã chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ này mang theo để dự phòng trong trường hợp bị hải tặc cướp mất hải bàn và hải đồ, nhưng đã không có cơ hội dùng đến vì tôi đã chọn hải trình đi dọc theo hải phận quốc tế để tránh cướp biển Thái-Lan.
TIẾP THEO (PHẦN 3) 21/05/2021
Buổi sáng ngày thứ hai ra khơi, có một em sinh viên tên Nguyễn Kỳ Thuyên (định cư Mỹ) mà tôi đã huấn luyện tại chỗ cho em cầm tay lái phụ tôi vào ban ngày khi trời quang gió lặn để tôi có thể chợp mắt ngủ vài tiếng, hầu có sức chống chọi với biển dữ và sóng to gió lớn ban đêm. Thuyên đã tiếp thu rất nhanh. Sau khi quan sát em cầm tay lái vững vàng giữ đúng hướng la bàn không sai lệch khoảng 15 phút, tôi thấy yên tâm và giao trọng trách "thuyền phó" cho Thuyên vài tiếng vào ban ngày.
Ngày thứ ba lúc biển yên vào buổi sáng, tôi giao tay lái cho Thuyên và quyết định đi tham quan một vòng thăm hết mọi người xem ai "sống chết" ra sao? Vì chiều dài tàu chỉ 14 mét mà chở đến 109 người nên anh Sử đã đóng thêm một tầng lửng khoảng 7 mét lưng chừng mà trước đó khi đi tham quan tôi đã không thấy. Số người nằm ngồi la liệt dưới đáy tàu tất nhiên đông hơn tầng trên. Có một chị đi với hai đứa con nhỏ khoảng 4, 5 tuổi đang trần truồng trong khi gió thổi lạnh vào khoang dưới. Tôi len từng bước, qua từng người, đến gần hai đứa nhỏ nằm dật dờ bên mẹ; chúng không còn sức để khóc la mà chỉ rên hừ hừ nhè nhẹ. Tôi sờ trán và người hai đứa thấy nóng hổi nên vội vàng trở lên phòng lái nói anh Sử mở thùng cấp cứu lấy thuốc hạ nhiệt mang xuống cho chúng uống. Đó là lần đầu cũng là lần duy nhất tôi đã đi một vòng "thăm dân cho biết sự tình".
Mọi người trên tàu đều được phân phát thức ăn khô và nước uống theo định kỳ thời gian quy định. Tôi thấy người trong gia đình anh Sử phát từng ly nhỏ nước lợn cợn cặn bẩn vàng khè như nước cam cho mọi người uống ngon lành. Tôi biết họ đã không làm vệ sinh thùng nước theo yêu cầu của tôi trước đó. Riêng gia đình anh Sử và gia đình tôi được cung cấp nước sạch chứa trong các thùng nhựa. Anh Sử nấu cơm gạo trắng và chiên cá khô cho gia đình anh ăn và mỗi lần mang cho tôi một tô cơm lớn còn nóng hổi. Tôi chỉ ăn qua loa vài muỗng cho đỡ đói rồi đưa sang cho bạn gái tôi, cũng chỉ ăn được vài muỗng vì nàng đã ói mửa từ mật xanh ra tới vàng rồi không còn màu sắc gì nữa. Chỉ có chú em tôi và đứa cháu là ăn ngấu nghiến ngon lành!
Đến hai giờ trưa từ khi phát hiện giàn khoan dầu vào buổi sáng, tàu chúng tôi đã vào cận bờ. Từ xa, bằng mắt trần, tôi thấy con đường nhỏ trên bãi biển có một xe hơi nhỏ và 6, 7 chiếc honda đậu nơi đó thật lý tưởng. Tôi cho tàu hướng vào điểm đó. Tôi đã dặn mọi người không ai được ngóc đầu lên. Phải giả vờ như tàu đánh cá bình thường vì cũng sợ bị tàu cá Mã Lai chặn cướp bóc. Nhưng sau này tôi mới biết điều đó là vô nghĩa, vì tàu cá Mã-Lai có hình dáng hoàn toàn khác với tàu cá Việt-Nam….!
Khi đáy mũi tàu vừa chạm đáy biển, một mình tôi đu xuống, mực nước cao ngang ngực. Từ đó cách bờ khoảng gần 40 mét, tôi bơi vào. Tôi thấy đám người Mã trung niên, quấn xà rông chạy xuống gần sát mặt nước. Có một người cầm cái cây dài phất phất đuổi chúng tôi ra. Tôi đã chuẩn bị tinh thần, nếu họ đánh thật thì sẽ tháo chạy trở ra tàu…!
Tôi đã chuẩn bị sẵn một số câu nói tiếng Anh để nói với họ: “Chúng tôi là người tỵ nạn cộng sản Việt-Nam đi tìm tự do… Tàu chúng tôi đã hết lương thực và nước uống và cũng sắp hết dầu nên xin được lên tỵ nạn ở đây….”. Chỉ có câu nói đầu là Sự Thật, những câu sau toàn nói láo vì thật sự lương khô và nước uống cũng như dầu máy vẫn còn nhiều, vì đã chuẩn bị đi tới Nam-Dương (Indonesia) nếu không được vào Mã-Lai. Nhóm người Mã trung niên này không biết nói tiếng Anh. Có một đám Mã trẻ chạy đến và những em này đã thông dịch cho đám người lớn tuổi. Tôi thấy họ gật gù và hỏi tôi: “Có hải bàn và hải đồ không?”. Tôi gật đầu, nói có và chỉ tay về hướng chiếc tàu đang đậu ngoài kia. Họ lấy thuốc lá đầu lọc ra mời tôi. Tôi lịch sự cầm lấy một điếu đưa lên miệng...!
Họ chấp nhận cho chúng tôi lên bờ. Tôi mừng rỡ, vội bơi trở ra tàu. Lên tàu tôi dặn mọi người khi leo xuống phải giả bộ lội vào với dáng vẻ thật mệt nhọc như đã kiệt sức. Tôi dặn A mở lỗ lù cho nước tràn vào như đáy tàu đã bị vỡ không thể đi được nữa. A đã làm đúng lời tôi dặn nhưng mọi người thì … không! Họ trèo xuống, lội nước đi vào, hân hoan mừng rỡ nói cười kêu réo ầm ĩ …!
Không lâu sau đó, có khoảng hai tiểu đội lính Mã đến ngay hiện trường. Họ mặc quân phục rằn ri xanh như lính Thủy quân Lục chiến của VNCH, nhưng lại đội bê-rê đen của binh chủng Thiết giáp. Sau này tôi mới biết đó là cảnh sát dã chiến Mã-Lai. Chúng tôi bị tách ra làm ba nhóm: đàn ông, đàn bà, và trẻ con riêng biệt. Họ đếm tới đếm lui rất kỷ, có đến 5, 6 lần và lấy lời khai của chúng tôi. Sau khi họ biết tôi là thuyền trưởng, họ đến hỏi tôi về hải bàn và hải đồ. Tôi cho họ biết là nhóm người Mã trung niên hồi nãy đã lấy rồi. Sau đó, họ kêu tôi lái tàu mang nó về căn cứ của họ rồi sẽ chở xe jeep cho tôi về lại hiện trường. Tôi nói gạt họ là khi đâm tàu vào bờ đã bị vướng đá lũng tàu và nước đã tràn vào không thể chạy được nữa. Sau này tôi mới được kể lại là bãi biển tôi đáp vào có nhiều đá ngầm đã làm đắm nhiều tàu tỵ nạn Việt-Nam. Vậy là số chúng tôi may. Hay không bằng hên!
Sau mọi thủ tục làm việc đã yên ổn, ngồi trên bãi biển nhìn về con tàu vừa vượt đại dương suốt 104 giờ qua, tôi thấy nó không còn vĩ đại như đêm 15 rạng sáng ngày 16/8 khi từ chiếc xuồng ba lá máy đuôi tôm leo lên nó trong đêm tối. Nó thật sự nhỏ bé như chiếc lá giữa đại dương bao la. Cũng là nó, chiều dài 14 mét không thay đổi, nhưng to lớn hay nhỏ bé tùy vào hoàn cảnh, góc độ và khoảng cách của tầm nhìn. Tôi nhìn nó với sự biết ơn vì đã đưa 109 người chúng tôi cặp vào bến bờ tự do. Một viễn cảnh tươi sáng của cuộc sống mới đang mở ra trước mắt tôi. Từ nay tôi thật sự đã thoát khỏi cuộc sống đầy hiểm nguy không biết bị VC bắt bất cứ lúc nào khi tôi hoàn toàn không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào trong người và với cái lý lịch đang bị truy nã!
Sáu tiếng sau, mãi đến 8 giờ tối mới có 3 chiếc xe bus lớn của Hội Lưỡi Liềm Đỏ Mã Lai (Hội Hồng Thập Tự, MRCS = Malaysian Red Cross Society) đến chở chúng tôi đi về Marang Center, là nơi tạm trú cho người tỵ nạn Việt-Nam trên đất liền, trước khi được đưa ra đảo Pulau Bidong. Tôi không nhớ rõ đoạn đường này bao xa, nhưng thời gian chạy xe không quá một giờ. Mỗi người chúng tôi được phát một hộp sữa đậu nành và vài bao nhỏ bánh biscuit. Ngồi trong xe bus có máy lạnh, ăn mấy cái biscuit và uống hộp sữa đậu nành mà sao tôi thấy ngon quá, thật ngon và thật tuyệt vời như mình đang được ở trên thiên đàng, mặc dù chưa hề biết thiên đàng là gì ngoài cái cảm giác sung sướng và sảng khoái tinh thần. Cái cảm giác thiên đàng của tôi ở thời điểm đó chỉ là vài cái bánh biscuit, hộp sữa đậu nành và ngồi trong không khí mát lạnh của xe bus. Có lẽ nó cũng giống cái ước ao khi còn ở Việt-Nam, đi ngang qua mái hiên nhà người ta trong đêm tối và ước gì được nằm đó ngủ mà không bị bò vàng đến quấy bắt đi. Sự khác biệt là cái ước ao khi còn ở Việt-Nam và cái hiện thực tôi đang ngồi trong xe bus trên đất nước tự do Mã-Lai với viễn cảnh tương lai tươi sáng mở ra trước mắt tôi…!
(CÒN TIẾP)
LTD.