Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuyến Vượt Biên Của Tôi

14/04/202118:52(Xem: 10822)
Chuyến Vượt Biên Của Tôi
Tran_Thi_Nhat_Hung_2
Chuyến Vượt Biên Của Tôi
Trần Thị Nhật Hưng


   Đã hơn 45 năm kể từ 1975, nhắc lại chuyện vượt biên quả là xưa như trái đất, xưa quá rồi diễm, nhiều người chẳng muốn nghe, đôi khi còn trách, chuyện qua rồi hãy cho vào dĩ vãng nhắc lại làm gì cho thêm buồn, “quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, hãy nghĩ và sống với hiện tại”. Thế nhưng đâu ai hiểu cho rằng, hiện tại của tôi bây giờ chính là phải viết bài cho ngày 30/4 để đăng báo, mà 30/4 vấn đề tuy cũ kỹ nhưng muôn thuở vẫn luôn có giá trị vì đó là lịch sử và chuyện vượt biên cũng đóng góp trong phần lịch sử đó. Luẩn quẩn là như thế. Và biết đâu, giữa khi mọi người đã quên thì tôi nhắc lại cho mọi người nhớ, và biết đâu giúp các thế hệ sinh sau đẻ muộn hiểu chút ít về lịch sử nước nhà trong giai đoạn đau thương của đất nước, thống nhất lãnh thổ nhưng không thống nhất lòng người đã để lại hận thù, chia cách không biết khi nào mới hàn gắn được và là nguyên nhân tại sao cha mẹ ông bà chúng lại lưu lạc xứ người và ra đi làm sao. Cây có cội, nước có nguồn, là con người ai cũng muốn biết cội nguồn của mình. Đó là lý do, nhân 30/4 tôi quay về 45 năm trước tại sao tôi và thân nhân gia đình các bạn có mặt tại hải ngoại.

                                       

  
Cũng như bao người miền Nam sau 30.4.1975, trước chính sách khắc nghiệt và quái dị không thể tưởng tượng nổi trên cõi đời này, chỉ mua nửa ký thịt mà cả làng cả xóm xếp hàng từ quày hàng thịt kéo ra tới cổng chợ như rồng rắn lên mây nếu không muốn nói như ăn mày trông không ra thể thống gì, có khi đợi 4 tiếng đồng hồ mới mua được nửa ký thịt nếu không biết tranh, đi thật sớm xếp hàng..v.v.., chưa kể nối đuôi mua 9 ký gạo, vài ký khoai (sùng cũng phải nhận) hay một con cá, vài mét vải..v.v.., một trong những điều vô vàn quái đản đi ngược lại nếp sống tự do và ý muốn của toàn dân mà chế độ mới do đảng cộng sản Việt Nam áp đặt cho mọi người. Còn trăm thứ trăm điều khác nữa "khổ lắm, biết rồi, nói mãi“ nên tôi không ghi thêm ở đây.

   
Không ai chịu nổi cộng sản kể cả người cộng sản nên chính họ sau này cũng đã thay đổi để tồn tại và sư tổ của họ từ Nga cũng phải vứt chủ nghĩa đó vào sọt rác.

 
Trở lại chuyện Việt Nam sau 75, dân tình khốn đốn  chưa kể thành phần bị gán tội "ngụy quân, ngụy quyền“ như tôi bị đì xuống tận đất đen thì càng khó sống hơn với họ, do vậy, đàng nào cũng chết, thà tìm cách sống trong cõi chết, chết vinh hơn sống nhục, nên tôi lúc đó dù chồng còn ngồi tù cải tạo, mới hơn hai mươi tuổi đầu, tôi đã liều chết vượt biên chọn cho mình một cuộc sống xứng đáng hơn, cứu mình và cứu gia đình.

   
Chuyến đi của tôi do vợ của một đại tá tình báo Việt Nam Cộng Hòa thân quen với gia đình tổ chức. Một phu nhân liễu yếu tay mềm từng sống trong nhung lụa “kín cổng cao tường" sau 1975 trước sóng gió cuộc đời, bà bỗng trở nên mạnh mẽ xuất sắc một cách phi thường tôi không ngờ nổi. Chồng đi tù, ở nhà bà gánh 5 con, ngoài sinh kế lo cho gia đình, bà còn đứng ra tổ chức cho đám con và một số người thân quen vượt biên trong đó có tôi, bà ở lại thủy chung chờ chồng và lo thăm nuôi tiếp tế cho ông.

  
Hôm ra đi, bà sắp xếp cho tôi theo một cặp vợ chồng trẻ cùng chuyến. Từ Sài Gòn xuống Bạc Liêu trời đã nhá nhem tối, bà đón chúng tôi và đưa về một túp lều tranh vách đất nhà người dân gần bến xe mà bà móc nối trước đó để giấu chúng tôi. Nhưng khoảng gần nửa đêm, bà ngoắc mình tôi ra, theo bà trải tấm chiếu và giăng màn ngay vỉa hè bến xe ngủ tạm. Giấc ngủ hoàn toàn không đến, tôi với bao nỗi ngổn ngang không sao chớp mắt được, rồi nửa đêm về sáng, bà lay tôi dậy và đưa tôi xuống ghe, bến cũng gần ngay đấy. Bà xiết tay tôi thì thầm vài câu chúc thượng lộ bình an, tôi cũng cám ơn tạm biệt bà rồi lặng lẽ xuống ghe.

  
Trên ghe, ngọn đèn bão sáng lờ mờ soi rõ cho tôi thấy đã có sẵn dăm, bảy người ngồi trong đó. Ai nấy im thin thít, tuy không ai nói ra cũng cùng biết toàn là người vượt biên đồng cảnh ngộ.

  
Mái chèo của người lái đò vẫn nhẹ nhàng khua nước, trong đêm vắng tiếng róc rách nghe rõ mồn một, ghe đưa chúng tôi dọc giòng sông hướng ra biển. Độ chừng hơn nửa tiếng sau, chúng tôi được đưa sang tàu lớn, loại tàu đánh cá chỉ chứa đúng 39 người. Tất cả ngồi bệt dựa vào hai bên thành tàu, hai chân duỗi thẳng xếp lớp với đôi chân người đối diện như xếp cá mòi.

   
Có lẽ, tôi là người lên tàu cuối cùng, vừa ổn định chỗ ngồi ngay cuối tàu, tôi đã nghe tiếng nổ máy phóng đi. Ngang qua biên phòng, có tiếng từ bên trong gọi vói ra: "Tàu vượt biên phải không? Đứng lại!“ tiếp đó có vài tiếng súng nổ. Tàu vẫn chạy...và thoát luôn. Có lẽ do chuyến tàu nhỏ không đáng nên biên phòng không đuổi theo chăng?!

  
Con tàu ra khơi, được một ngày êm ả, biển êm và trời trong xanh, thế nhưng tôi và nhiều phụ nữ khác cũng say sóng ói tới mật vàng. Chẳng ai ăn gì, không thấy đói mà thực sự cũng không ai phát ngoài ấm nước nhỏ bằng nhôm cứ chuyền từ người này đến người kia. Uống không có ly, chỉ há miệng rót vào. Tôi chưa kịp đủ được một hớp nhỏ, là người khác đã giựt đi rồi. 

Con tàu vẫn lặng lẽ trôi, như chiếc lá tre lênh đênh giữa biển trời mênh mông không còn thấy đâu là bờ. Một ngày sau, thấp thoáng xa xa có một chiếc tàu đi lại. Mọi người xôn xao, nhốn nháo: Tàu Nga, tàu Thái, tàu biên phòng Việt Nam hay Cap Anamur cứu người vượt biển? Bao câu hỏi đặt ra, không có câu trả lời, cuối cùng khi tàu lạ đến nơi, mới rõ ra tàu cướp. Khoảng năm, bảy tên nhảy lên tàu chúng tôi, mặt mày tên nào tên nấy bặm trợn, rất hung dữ. Bọn chúng chỉ mặc vỏn vẹn chiếc quần đùi, để lộ tấm thân đen đúa trần trùng trục. Đứa cầm dao, đứa cầm búa hùng hổ đập thình thịch trên thành tàu khủng bố tinh thần chúng tôi, miệng chúng ư ử gầm gừ như cọp rống. Chúng nói tiếng gì không ai hiểu. Mọi người không ai bảo ai, đồng lòng moi tiền bạc vòng vàng đưa cho chúng. Tôi ra đi chẳng mang gì, không có đồng đô la nào, có chút tiền Việt Nam, khi xuống ghe, tôi đã đưa hết cho bà chủ tàu nhờ cầm về cho gia đình, chỉ mỗi chiếc nhẫn cưới vàng tây mỏng mảnh chả đáng bao nhiêu tiền đang đeo trong tay, tôi rút liền đưa cho chúng, còn sợi dây chuyền mẹ tặng khi còn bé, tôi giấu luồn trong dây thun quần, khâu tròn dây thun lại, nghĩ chúng không thấy được nên tôi không đưa ra. Chúng còn lục tung đồ đạc của mọi người thích gì lấy nấy, vớ được tập bản thảo hai truyện dài tôi viết trong hai tập vở, tưởng giấu tiền trong đó, chúng lật từng trang tìm kiếm, không thấy gì thì ném trở lại, may không ném xuống biển. Rồi trước khi rút lui, chúng còn ném cho một canh nước. Cũng còn nhân đạo!

  
Con tàu lại tiếp tục trôi. Qua ngày hôm sau, dường như tàu lọt vào trung tâm đánh cá, thì không những chỉ một lần gặp hải tặc mà liên tục đến năm, sáu lần. Hầu hết như đám cướp lần rồi, xuống gầm gừ thị uy, vớ được tí tiền, vàng liền rút lui. Và trước khi đi, chúng vẫn  cho lại một canh nước.

  
Đã vài ngày, chúng tôi chẳng có gì ăn, vẫn chỉ một ấm nước thay phiên chuyền nhau như vẫn chuyền, tuy nhiên, trong số lần cướp đó, chỉ một lần đặc biệt nhớ đời, chúng lùa hết tất cả chúng tôi lên con tàu sắt khá lớn của chúng, từng người lên cửa tàu đều giơ hai tay lên đầu, chúng chỉa dao ngay bụng để chúng lục soát. Trong tình hình như thế, không hiểu sao, tôi không mảy may một chút sợ hãi, cảm giác tôi sơ cứng hay do tôi đã quen đối đầu trước những gian khổ, chán chường nên không tha thiết gì kể cả mạng sống. Cho sống thì sống, bắt chết thì chết, tiếc gì của cải. Tôi chỉ ngay xuống bụng đang giấu sợi dây chuyền cho chúng lấy đi. Chúng sờ soạn bụng tôi, thấy cờm cợm ở trước bụng rồi lôi ra một gói nhỏ, mở ra chỉ là vài lát sâm Cao Ly do trước khi đi, cụ bố chồng gói cho tôi phòng khi có đói, khát mà cầm cự, tôi đặt ở túi quần tôi vẫn thường may để cất đồ lặt vặt. Nghĩ tôi chỉ chúng mấy lát sâm, chúng đâu cần những thứ đó, nên đẩy tôi qua bên vào một phòng có bàn ghế hẳn hòi và ngồi xuống như bao người trước đó, rồi chúng tiếp tục lục soát người khác. Thế là tôi còn nguyên vẹn sợi dây chuyền. Bọn cướp này có lẽ không là cướp chuyên nghiệp mà là cướp thời vụ, nhân biết bà con vượt biên mang theo tài sản nên động lòng tham thôi, họ vẫn còn rất nhân đạo tử tế, không nghĩ hiếp dâm bất cứ cô nào, rồi trước khi cho chúng tôi xuống tàu, họ còn đãi cho mỗi người một đĩa cơm trắng nóng hổi, một con cá bạc má chiên, một miếng trứng chiên, thêm lát thơm ướp lạnh và ly nước suối.  Bị đói mấy ngày nên ai nấy ăn rất ngon miệng nhưng khi xuống tàu, chỉ non nửa ngày sau, bầu trời đang trong xanh quang đãng, bỗng nơi chân trời xa hiện lên từng mảng đen xì, trời dần dần chuyển màu, tối xầm lại, mây đen vần vũ, gió từng cơn thổi mạnh, cuối cùng cơn giông ập tới.

   
Cùng với biển chao đảo, sóng nhấp nhô nhào lộn, nhồi chúng tôi trên tàu như máy nhồi bột bánh mì. Bao nhiêu thức ăn trong bụng tôi đều ộc ra, ộc cả mật xanh, mật vàng và ộc cả con giun đủa dài bằng nửa chiếc đủa tôi “nuôi„ trong bụng lúc nào không biết. Kéo ra, nó còn ngoe ngoảy bò. Con tàu chiến đấu quyết liệt với tử thần. Đắm tàu, vỡ tàu là lúc này đây. Trời, dễ chết quá. Người lái tàu khéo léo đưa thẳng mũi tàu thẳng góc con sóng, nhưng đôi khi con tàu chưa kịp đỡ con sóng này thì sóng khác ập lại, tàu bị nghiêng tôi còn nhìn thấy mặt biển đen nghịt, đen như chiếc quần đen, chỉ tíc tắc là lật úp. Tôi niệm Phật liên tục, niệm Quan Thế Âm cứu khổ cứu nạn và nguyện nếu thoát chết, khi đến nơi bình yên, con sẽ thờ Ngài như một niềm tri ân. Tuy vậy, tôi vẫn đưa mắt xem trên tàu có tấm ván nào không, nếu tàu ụp xuống, tôi sẽ chụp tấm ván đó cầu may, nhưng chả thấy tấm ván nào. Gió vẫn thổi, vẫn từng cơn rít lên ghê rợn. Biển động mạnh, từng con sóng lớn, nhỏ vẫn thi nhau đập vào thành tàu ầm ầm, nước văng tung tóe và tràn vào cả trong tàu, mọi người thi nhau múc nước hắt ra. Có lúc sóng đập mạnh làm lòi cả cây đinh dài 10 cm ra ngoài. Mọi người hét lên, thông báo cho chủ tàu xuống đóng lại nếu không con tàu sẽ vỡ đôi mất. Ngồi dưới cuối tàu, đầu tôi lấp ló nửa trong nửa ngoài mái tàu, nên tôi ướt như chuột lột. Nhưng rồi, cơn giông gầm gừ mãi cũng yên, trả lại bầu trời trong xanh quang đãng chỉ được hai ngày, ai nấy chưa kịp thở phào nhẹ nhõm, giông lại vần chúng tôi như thế thêm một lần nữa.

    
Ngày thứ năm, để trước khi cập đến đảo Pulau Bidong, Malaysia, chúng tôi lại gặp tàu cướp (chắc cướp Malaysia). Một chiếc tàu sắt lớn so với tàu chúng tôi như voi so với chuột. Chúng áp lại, thả lưới, cầu thang dây đưa hết chúng tôi lên tàu chúng. Nhìn những tên cướp này mặt mày vô cùng sạch sẽ, sáng sủa...đẹp trai, quần áo sơ mi tươm tất, ăn nói lịch sự đàng hoàng, không ai có thể tưởng hay nghi hoặc chúng là tàu cướp mà ai nấy còn an tâm nghĩ là tàu cứu, ngày mai chúng sẽ đưa chúng tôi vào bờ như chúng hứa khi có vài người thạo tiếng Anh hỏi chuyện với chúng.

  
Tàu chúng khá lớn, rộng và dài có rất nhiều cabin. Có một khoảnh sân rộng như sân thượng, chúng đặt một ụ lớn lưới đánh cá. Trong khi mọi người trên tàu đi loanh quanh hay đang dựa thành lan can ngắm biển, yên chí ngày mai sẽ vào bờ, tôi mệt nhoài nằm soải người dựa vào ụ lưới cá nghỉ ngơi, chợt tôi thấy vài tên cướp xuống tàu nhỏ của chúng tôi đang lạo xạo lục đồ. A ha, hành động này không thể tin là tác phong của người tử tế, đàng hoàng, do vậy khi chiều đó, chúng đưa khăn tắm, sà phòng thơm cho mọi người, nhất là ưu ái cho quí cô trong đó có tôi và hướng dẫn vô phòng tắm tắm, thì tôi lại nghĩ khác. Chỉ còn ngày mai đến nơi, thân thể mình hôi hám tổng hợp từ đủ mùi vị nước biển, nước tiểu (trên tàu chả thấy nhà vệ sinh đâu, nếu có cũng chả ai bước nổi), nước ói mửa, và cả mùi tanh tưởi do nằm trên lưới cá, may không có mùi phân vì bụng ai nấy bao ngày đều trống rỗng, đã chịu được nhiều ngày thì chịu thêm ngày nữa, mai vào bờ tắm cũng không muộn.

  
Đúng như suy nghĩ của tôi, khi trời chạng vạng bắt đầu nhá nhem tối, chúng lùa hết đàn ông con trai xuống lại tàu nhỏ của chúng tôi và giữ đàn bà con gái lại trên tàu chúng. Phụ nữ chúng tôi biết chuyện chẳng lành, xúm nhau chui vào lưới cá ôm cứng nhau để tự bảo vệ nhau. Không cách nào lôi chúng tôi từng người ra được, chúng giựt tung tấm lưới và hùng hổ bắt chúng tôi đứng dậy lùa hết vào một căn phòng lớn, nằm xếp lớp trên sàn tàu như xếp cá mòi. Ai nấy đều sợ hãi nằm úp mặt và vẫn ôm cứng nhau. Mấy cô gái hồi chiều ngây thơ tắm rửa sạch sẽ, còn đem cả sơn móng tay ra chuốt làm như hôm sau vào thành bát phố bị chúng lôi từng người đi mất, đưa về phòng riêng của chúng. Riêng tôi, chúng đâu ngoại lệ, trong phòng chỉ còn tơ hơ vài người như tôi, tôi đang ôm cứng con bé 14 tuổi, dúi mặt vào lưng nó, kiểu như mẹ ôm con. Con bé này nghĩ cũng buồn cười, trước khi vượt biên, mẹ nó đã cắt tóc húi cua giả trai cho nó, còn mặc chiếc áo sơ mi màu rêu bộ đội, trông nó in hệt con trai, khi bọn cướp lùa đàn ông con trai xuống tàu, nó không chịu theo, cứ ở lại vì nó đích thị là...thị mẹt!

  
Một tên cướp kéo tôi dậy. Không cưỡng lại sức mạnh của chúng, tôi ngồi bật dậy, không biết nói sao, phản ứng tự nhiên tôi lôi ra vài lát sâm làm như bùa hộ mạng mở ra cho chúng thấy rồi đưa tay đập nhẹ lên trán như muốn nói tôi đang bịnh. Thế rồi chúng bỏ đi, nhưng không phải vì lý do tôi vừa nêu, mà rõ ràng do thân thể tôi bốc mùi...chua quá! Quần áo tôi còn ướt lèm nhèm, tóc tai nhớp nháp dính từng chùm, tổng hợp nhiều mùi vị ủ lâu ngày đã lên...men, chua hơn giấm! Ai đến cũng khịt mũi, bịt mũi chạy có cờ. Con bé 14 tuổi cũng thoát nạn vì nghĩ nó là con trai.


tran thi nhat hung 4tran thi nhat hung 3tran thi nhat hung 2

tran thi nhat hung 1
Vài hình ảnh của tác giả
lúc còn ở trại tỵ nạn Pulau Bidong, Malaysia
vào năm 1981

  
Con bé này có một nhân duyên rất hy hữu với tôi. Nó cũng đi một mình. Cha mẹ gởi gắm nó cho hai chị em con người bạn thân. Lên bờ, thay vì quan tâm chăm sóc nó, thì chính hai chị em hà hiếp bóc lột nó tới bến. Chỉ xách giúp nó một thùng nước theo tiêu chuẩn, mà bù lại đì nó thành con sen ngày ba bữa nấu ăn rửa chén không những cho hai chị em mà còn cả đám bạn gái cùng tàu 5 đứa hằng ngày ngồi hóng gió biển trò chuyện vui cười để nó lủi thủi một mình nấu ăn luôn gặp tôi nơi xó bếp. Mà nấu tại đảo rất vất vả trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, bếp núc, củi lửa rất khó khăn. Nó đi Áo phải học tiếng Đức cùng ngôn ngữ tôi học vì tôi đi Thụy Sĩ. Tôi luôn gặp nó tại nhà bếp ngày ba bận (tôi nấu riêng không chung chạ với ai) nên tôi mới rõ chuyện. Nó vốn hiền, kham nhẫn và chịu đựng, không kêu ca gì nếu tôi không thắc mắc hỏi nó. Thậm chí, khi đêm về, hai chị em, một cái chăn đắp chung, một cái chăn lấy làm gối, trong khi con bé nằm tơ hơ lạnh lẽo khi gió biển thổi vào. Không chịu được, tôi ra tay...nghĩa hiệp cứu nó, nghĩa là hằng ngày, tôi xách giúp nó một thùng nước, nấu cơm cho nó ăn chung, đắp chung chăn với nó, hằng ngày rủ nó đi học, nó được giải phóng hoàn toàn khỏi ách nô lệ của đám quỉ quái kia! Rồi tôi và nó định cư mỗi người mỗi nước. Mãi sau này khi liên lạc về gia đình tại Việt Nam, tình cờ mới hay nó là cháu nội của cụ “Cấm ông Nghè„ một thắng cảnh, địa danh của núi Cấm tại Quảng Ngãi mà ông nội nó đậu tiến sĩ thời nhà Nguyễn được sở hữu nên mới gọi là Cấm ông Nghè, và ông nội cũng như cha mẹ nó không ai xa lạ chính là bạn thân với đấng lang quân tôi.


tran thi nhat hung 5
Nhóm bảo trợ tại Thụy Sĩ năm 1982

tran thi nhat hung 6
Tác giả định cư tại Thụy Sĩ năm 1982



tran thi nhat hung 7
Thuỵ Sĩ năm 1982

tran thi nhat hung 8
Lang quân tác giả đến Thụy Sĩ năm 1987



  

Trở lại vụ tàu cướp. Tôi nằm ôm cứng con bé không biết bao lâu, không rõ thời gian trời trăng ra sao cho đến lúc bọn cướp lay chân gọi tất cả mọi người dậy và thả hết về tàu. Ánh mặt trời lung linh qua khung cửa sổ, tôi mới biết là trời đã sáng.

 
Con tàu tiếp tục cuộc hành trình, lặng lẽ lướt trên mặt biển êm dưới nắng ban mai lấp lánh, trông biển hôm đó hiền, dịu dàng như cô thiếu nữ. Bầu trời quang đãng trong xanh, mây trắng từng cụm vẫn nhẹ nhàng bay không biết về đâu. Dù đã mấy ngày chẳng ai có gì vào bụng, vẫn cũng chỉ vài ngụm nước như bao lần, thế mà đến ngày thứ 5, một thằng bé độ 6 tuổi con ai không biết đứng dậy thả một quả...bom xuống sàn tàu (cũng có thể mẹ nó lén lút cho nó ăn hồi nào không ai biết). Mùi hôi thối xông lên nồng nặc không ai chịu nổi cũng phải chịu. Tôi may mắn ngồi dưới cuối tàu, đứng dậy bước ra ngoài dựa vào thành tàu vừa ngắm biển vừa hít chút không khí trong lành của biển, tránh được mùi...nước hoa do thằng bé sản xuất. Những đàn cá chuồn đuổi nhau, phóng bay trên mặt nước nhào lộn trông thật đẹp và vui mắt. Dưới biển, bơi theo tàu là những đàn cá...mập ( tôi đoán thế), hay cá thu (?) lượn lờ đùa giỡn với nhau rất là an bình. Rồi trời chạng vạng, thoáng trong ánh sáng lờ mờ một vài cánh chim hải âu bay lượn như gọi đàn về tổ, lấp ló xa xa ẩn hiện mập mờ một hòn đảo in nơi chân trời, mọi người reo lên biết là sắp vào đất liền. Tôi cũng thở phào nhẹ nhõm biết mình được sống và hân hoan khi nghĩ đến gia đình nay mai cũng sẽ rất vui khi biết tàu chúng tôi đã đến bến bờ bình yên.

  
Anh tài công định vị, khéo lái đưa tàu vào ngay cầu Jetty của đảo Pulau Biddong. Trời đã tối hẳn. Chúng tôi từng người được đỡ lên bờ. Do hơn 5 ngày không có gì vào bụng, tôi ốm nhom, mặt mày hốc hác, chiếc quần lỏng le, tôi vừa đi vừa túm lưng quần nếu không sẽ bị tuột. Đã lên bờ mà người cứ như say sóng, bước chân lảo đảo như đang ngồi dưới tàu (tình trạng này phải mất vài ngày mới hết). Mọi người trên đảo cũng vui mừng ùa đến làm dàn chào đón chúng tôi. Họ gọi nhau ơi ới khi nhận ra người thân. Còn tôi thì lầm lũi bước không mong gặp được ai quen. Thế mà cũng có người gọi tên tôi, tôi nhìn kỹ nhận ra là Lâm, bạn học cùng lớp với em gái tôi, hồi ở Việt Nam, Lâm hay đến nhà chơi nên biết nhau. Trời, nơi xứ lạ, gặp được Lâm như gặp được vàng. Tôi mừng khôn xiết. Lâm cũng ân cần theo tôi đến chỗ tập trung, đợi chúng tôi được Cao ủy cho mỗi người một chén mì ăn liền nóng hổi, ấm bụng, ngon hơn lúc nào hết, mọi người xin chén thứ hai, nhưng không ai cho cả, họ nói chúng tôi đói lâu ngày, ăn nhiều sẽ bội thực.

   
Chúng tôi ngồi bệt trên bờ, trước văn phòng Cao ủy để nhân viên lập danh sách, số tàu, kê khai những ai bị hiếp dâm để Cao ủy có những biện pháp ngừa dịch hay ngừa thai sao đó và sắp xếp cho chúng tôi ngủ tạm tại văn phòng đợi sáng mai tính tiếp. Đa số, nằm la liệt dưới sàn, riêng tôi được Lâm ngoắc ra, đưa về cái chòi của Lâm cũng là...tổ uyên ương Lâm đang sống chung với vị hôn thê. Mô Phật, cái chòi làm bằng cây xiêu vẹo, chắp vá từ những tấm bạt ni lon, bên dưới có người ở, còn “giang sơn„ của Lâm là trên gác cây, chiếc cầu thang nhỏ cũng bằng cây, tuy chỉ vài bậc thang nhưng đi không khéo là lộn cổ rơi xuống. Tôi thấy bất tiện nên từ chối, rút về văn phòng tập trung với những người cùng tàu đợi sáng mai Cao ủy sắp xếp chỗ ở cho tôi. Nhưng trước khi đi, tôi hỏi Lâm buồng tắm ở đâu cho tôi tắm nhờ, Lâm lắc đầu, điều kiện ở đảo không thuận lợi mọi sinh hoạt, nước ở đảo khan hiếm nên đưa tôi ra biển. Rồi trong khi Lâm đứng chờ trên bờ, tôi vẫn mặc bộ quần áo cũ xuống biển, nước biển đen nghịt trông rất ma quái, tôi một mình tắm nên sợ hãi chỉ tắm qua loa rồi lên bờ, Lâm cho tôi một thau nước ngọt nhỏ dội lại và cho mượn bộ quần áo của bạn gái Lâm mặc tạm.

   
Những ngày ở đảo, cũng nhờ có Lâm hướng dẫn mọi việc, tôi cũng đỡ bỡ ngỡ, buồn tủi trong bước đầu lưu lạc xứ người, xa vòng tay che chở của người thân, gia đình, quê hương và từ đây tôi biết phải một mình đương đầu đối phó với mọi gian lao, khổ cực trong cuộc sống và cạm bẫy của cuộc đời. Tuy vậy, tôi vẫn vui, vì nhờ vượt biên, tôi tìm thấy tự do và sống đời mình muốn sống.

   Tôi xin kết thúc bài viết tại đây. Ghi lại chuyến vượt biên của tôi chỉ là một phần nhỏ như bao chuyến vượt biên khác đóng góp vào trang sử nước nhà, giai đoạn đau thương của dân tộc Việt Nam với ước mong mai sau, thế hệ trẻ hiểu phần nào về chủ nghĩa cộng sản để tránh vết xe lăn đổ nát hầu mong đưa đất nước tươi sáng, hạnh phúc trọn vẹn đúng nghĩa hơn.

Trần Thị Nhật Hưng

 


***

facebook-1


***
 



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/01/2015(Xem: 6743)
Tác phẩm Một Đóa Sen, được diễn nói về vận hành tầm sư học đạo của Sư bà Thích Nữ Diệu Từ, thật là gian truân trăm bề, được thấy từ khi mới vào “Thiền Môn Ni Tự” ở các cấp Khu Ô Sa Di, Hình Đồng Sa Di, ứng Pháp Sa Di và Tỳ Kheo Ni ở tuổi thanh niên mười (10) hạ lạp rồi, mà vẫn còn gian nan trên bước đường hành hoạt đạo Pháp. Nhưng Sư bà vẫn định tâm, nhẫn nhục , tinh tấn Ba la mật mà tiến bước lên ngôi vị Tăng Tài PGVN ở hai lãnh vực văn hóa quốc gia và Phật Giáo Việt Nam một cách khoa bảng. Nếu không nói rằng; tác phẩm “Một Đóa Sen và Pháp thân” của Sư bà Diệu Từ, là cái gương soi cho giới Ni PGVN VN hiện tại và hậu lai noi theo…
24/01/2015(Xem: 4928)
Mỗi sáng sớm khi sương còn mù mịt trên sông, chiếc thuyền con của lão già đã là đà rẽ nước, hướng về bờ – lúc thì bờ đông, lúc thì bờ tây, nơi những ngôi nhà tranh và những chiếc ghe nhỏ tụ tập. Mái chèo khua nhè nhẹ như thể sợ động giấc ngủ của thế nhân. Chẳng ai biết chắc lão có gia đình, nhà cửa ở đâu hay không. Nhưng người ta có thể đoán chiếc thuyền con ấy chính là nhà của lão, vì lão phơi thuốc, xắc thuốc, nấu thuốc ngay trên đó. Trên thuyền không còn ai khác. Ban đêm, thuyền của lão neo ở đâu không ai biết, nhưng sáng sớm thì thấy lù lù xuất hiện trên sông hoặc nơi bờ cát. Lão già đến và đi, một mình. Mỗi ngày xách cái túi nhỏ rời thuyền, thường là đi hái thuốc trên núi, ven rừng, bờ suối, có khi vào làng chữa bệnh cho bá tánh rồi ghé chợ mua vài thứ lĩnh kĩnh.
21/01/2015(Xem: 10180)
1. Chân như đạo Phật rất mầu Tâm trung chữ Hiếu niệm đầu chữ Nhân, Hiếu là độ được song thân Nhân là cứu độ trầm luân muôn loài. 5. Thần thông nghìn mắt nghìn tay Cũng trong một điểm linh đài hóa ra,
16/01/2015(Xem: 3679)
Sau 30-4-75, tất cả giáo chức chúng tôi đều phải đi học tập chính trị trong suốt 3 tháng hè mà họ gọi nôm na là "bồi dưỡng nghiệp vụ". Một buổi chiều sau mấy ngày "bồi dưỡng", tôi đạp xe lang thang qua vùng Trương minh Giảng, tình cờ gặp Báu - một người học trò năm xưa, rất xưa, đang ngơ ngẩn đứng trước cửa nhà. Dừng xe đạp, tôi chào: - Báu hả? Phải em là Trương thị Báu không? Có nhớ ra cô không? Báu giương mắt nhìn tôi, nhìn đi nhìn lại rồi nghiêng đầu lại nhìn...Em không nhớ nổi... Tôi đã thoáng thấy được một tâm thần bất thường qua thần sắc cũng như qua đôi mắt trống rỗng vô hồn!
16/01/2015(Xem: 4901)
Năm 1954 ông Thiện khăn gói đùm đề đưa mẹ, vợ và hai đứa con gái xuống con tàu há mồm vào Nam.Trên bờ, Thụ, người em trai của ông còn đưa tay vẫy vẫy. Đêm hôm qua, ông và người em trai bàn rất nhiều về chuyến ra đi này.Người em nói: - Đất nước đã hòa bình, độc lập, anh nên ở lại, dù gì cũng là nơi chôn nhau cắt rốn.Vào Nam xứ lạ quê người, chân ướt chân ráo trăm bề khổ sở... Ông Thiện đã trả lời em:
15/01/2015(Xem: 5103)
Trong cả thành phố này, anh chị chỉ có tôi là chỗ thân nhất, vừa là thầy vừa là bạn. Buổi sáng anh gọi phone bảo trưa nay đến đón tôi về nhà dùng cơm cho vui. Hôm nay là sinh nhật của thằng Alexander con một của anh chị.
14/01/2015(Xem: 7897)
Tiếng Hồng chung Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang nói riêng và các chùa trong thành phố Nha trang nói chung, sớm khuya ai cũng có thể nghe được, nhưng nghe để “Trí tuệ lớn” và “Bồ-đề sinh” thì tùy theo “phiền não” của đối tượng nghe có vơi nhẹ hay không? Riêng với nhà văn Võ Hồng, qua tác phẩm “Tiếng chuông triêu mộ” cho thấy Trí tuệ và Bồ đề của ông sanh trưởng tốt. Nhưng nhân duyên như thế cũng chưa đủ, ông là giáo sư của PHV, của trường Bồ Đề, là thiện tri thức của các bậc cao Tăng ở đồi Đông và đồi Tây non Trại Thủy. Có thế mới có truyện ngắn “Cây khế lưng đồi”, có tùy bút “Con đường thanh tịnh”. Thưa thầy Võ Hồng, chừng ấy đủ rồi, đủ cho PHV đi vào lịch sử văn học, đủ cho 100 năm sau, 1000 năm sau hay nhiều hơn thế nữa, nhìn thấy PHV uy nghi như một Linh Thứu thời Phật và cũng cho thấy các bậc cao Tăng Miền Trung nói riêng xứng đáng là những Sứ giả Như Lai đầy trách nhiệm đối với sự trường tồn của Phật giáo Việt Nam.
09/01/2015(Xem: 4295)
Tháng 10 năm 1962, TT Chủ Tịch Ủy Ban Liên Phái… nhờ Tôi đi công tác Vũng Tàu, Tôi đi chuyến xe đò lúc 8g30 sáng, xe chạy vừa khỏi hãng xi-man Hà Tiên, thì có 3 người đón xe. Anh tài xế nói với tôi : “Thầy vui lòng xuống hàng ghế phía dưới để cho “mấy cha”ngồi, vui nghen Thầy”! Tôi lách mình qua khoản trống thì có 2 vị đưa tay đón và đở nhường chỗ ngồi còn nói lớn: “Ngộ ha, cha quí hơn Thầy “! Tôi sợ gây chuyện không vui, nên đưa tay và lắc đầu xin yên lặng. Vì đương thời bấy giờ bóng dáng của các áo đen có nhiều sát khí thế lực! Nhưng, Mộc dục tịnh, nhi phong bất đình 木欲淨而風不亭.Xe chạy êm ả, gió lùa mát rượi.
26/12/2014(Xem: 13584)
Phât tử Chơn Huy ở Hoa Kỳ về có đem theo tập tự truyện dày của Tỳ Kheo Yogavacara Rahula. Cô nói truyện rất hay, khuyên tôi đọc và nhờ tôi dịch ra Việt ngữ để phổ biến trong giới Phật tử Việt Nam. Câu chuyện rất lý thú, nói về đời của một chàng trai Mỹ đi từ chỗ lang bạt giang hồ đến thiền môn. Truyện tựa đề "ONE NIGHT'S SHELTER (From Home to Homelessness)--The Autobiography of an American Buddhist Monk". Tôi đọc đi rồi muốn đọc lại để thấu đáo chi tiết trung thực của một đoạn đời, đời Thầy Yogavacara Rahula. Nhưng thay vì đọc lại, tôi quyết định dịch vì biết rằng dịch thuật là phương pháp hay nhứt để hiểu tác giả một cách trọn vẹn. Vả lại, nếu dịch được ra tiếng Việt, nhiều Phật tử Việt Nam sẽ có cơ duyên chia sẻ kinh nghiệm quý báu của Thầy Rahula hơn.
06/12/2014(Xem: 3720)
T huở nhỏ tôi mồ côi bố sớm, ở vào cái tuổi con nít vừa mới chập chững biết đi chưa nói được câu gọi bố lần đầu, bố tôi đã đi về miền cát bụi. Sự ra đi của ông đột ngột quá, còn trẻ quá mới 27 tuổi đầu làm sao không để lại bao luyến tiếc cho người ở lại. Dĩ nhiên mẹ tôi là người chịu nhiều đau đớn nhất, mới lấy chồng được hai năm cộng thêm đời chiến binh nên chỉ ở gần chồng vỏn vẹn có một tháng là nhiều. Con thơ còn bế ngửa trên tay, đầu quấn khăn tang người chồng yêu quí, đã phải xách tay nải leo lên chiếc thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường như một bài hát nào đó.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]