Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vài Suy Nghĩ về Tiểu Thuyết Lịch Sử của (Nhà Văn) Hòa Thượng Thích Như Điển

30/01/202106:45(Xem: 6057)
Vài Suy Nghĩ về Tiểu Thuyết Lịch Sử của (Nhà Văn) Hòa Thượng Thích Như Điển
ht nhu dien 6

VÀI SUY NGHĨ VỀ TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA
(NHÀ VĂN) HÒA THƯỢNG THÍCH NHƯ ĐIỂN



Thời gian gần đây có khá nhiều nhà văn quay về với đề tài lịch sử. Sự đi sâu vào nghiên cứu cùng những trang viết ấy, họ đã tái hiện lại một triều đại, hay một giai đoạn lịch sử với góc độ, cái nhìn của riêng mình. Tuy nhiên, không phải nhà văn nào cũng thành công với đề tài này. Gần đây ta có thể thấy, Hoàng Quốc Hải với hai bộ tiểu thuyết: Tám triều nhà Lý, và Bão táp triều Trần, hay Hồ Qúy Ly của Nguyễn Xuân Khánh…Và cách nay mấy năm, nhân kỷ niệm lần thứ 40, ngày thành lập Báo Viên Giác (Đức quốc) Hòa thượng Thích Như Điển đã trình làng cuốn tiểu thuyết lịch sử: Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa. Thật ra, đây là cuốn (tiểu thuyết) phân tích, lời bàn về lịch sử thì chính xác hơn. Thật vậy, trên sáu trăm trang sách được bắt đầu từ sự suy tàn của nhà Lý vắt qua ba cuộc chiến chống ngoại xâm của nhà Trần, đến cuộc đời, duyên định của Huyền Trân Công Chúa với Chế Mân. Một cuộc hôn nhân nặng màu sắc chính trị, khởi đầu cho việc mở mang bờ cõi về phía Nam, được miêu tả, phân tích dưới góc độ, cái nhìn của một vị chân tu, mang mang hồn vía sử thi. Có thể nói, Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa là tác phẩm có tính đặc trưng nhất về thủ pháp nghệ thuật lồng ghép truyện trong truyện, đan xen tình tiết, cài cắm tư tưởng khi trần thuật của nhà văn Thích Như Điển. Còn một điều đặc biệt nữa, cũng như tiểu thuyết Vụ Án Một Người Tu, mười ba chương trong tác phẩm Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa, có thể hoán vị cho nhau khi đọc. Bởi, mỗi chương đều có bố cục chặt chẽ, độc lập cài xen tư tưởng với những lời giải bình cho từng sự kiện, nhân vật. Dù có thể hoán đổi vị trí cho nhau như vậy, nhưng kỳ lạ, khi ghép lại, nó vẫn (nằm trong tổng thể) cùng một mạch văn, mạch truyện xuyên suốt tác phẩm. Và cũng từ đó cho ta thấy: Khi viết Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa ngoài phương diện dân tộc, nhà văn Thích Như Điển chịu ảnh hưởng rõ nét cái tư tưởng, giáo lý của nhà Phật. Do vậy, tính chân thực cùng lòng nhân đạo, nỗi cảm thông đậm nét trong tác phẩm này.

*  Trần Thủ Độ- dưới ngòi bút và cái nhìn khách quan.

Dù là người xuất gia, song có thể nói, nhà văn Thích Như Điển có cái nhìn cởi mở. Ngòi bút của ông đã thoát ra khỏi cái tư tưởng: Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Do vậy, tính triết lý, qui luật của thiên nhiên, với sự công bình của cuộc sống và con người hiện rõ trên những trang viết của ông. Thật vậy, khi triều đình đến tận cùng của sự mục nát, và Lý Huệ Tông buông xuôi đến nhu nhược: “Nhìn xa rồi lại nhìn gần, cơ nghiệp của Nhà Lý đâu còn gì nữa mà trông, vì chung quanh ông toàn là những nịnh thần hay những người luôn muốn tạo phản để chỉ mong mang mối lợi về cho bản thân hay dòng tộc… mọi an nguy của xã tắc Huệ Tông đều hững hờ, cứ để cho thế sự xoay vần đến đâu thì hay đến đó. Bởi chính bản thân ông không đủ tài cán và chung quanh cũng không tìm ra người tâm huyết để giúp lèo lái con thuyền quốc gia đại sự đến được nơi chốn an bình, cho dân chúng an cư lạc nghiệp.“ (chương1) thì dưới lăng kính của nhà văn Thích Như Điển, không có gì gọi là vĩnh cửu. Những nguyên nhân ấy sớm muộn dẫn đến sự soán ngôi, hay sụp đổ của một vương triều là điều tất yếu: “ ông vua nào lên ngôi cũng mong mình trị vì thiên hạ lâu năm, nên bắt thần dân phải tung hô “Vạn tuế”. Thế nhưng đâu có ông vua nào làm vua được trăm năm, đừng nói gì đến ngàn năm, vạn năm thì chắc sẽ không bao giờ có“ (chương 2).

Trong bối cảnh như vậy, sự xuất hiện của Trần Thủ Độ dưới ngòi bút của nhà văn Thích Như Điển là một tội đồ đầy mưu mô, tàn nhẫn, và cũng là một đại công thần. Dường như, nhà văn đã bóc trần bức tranh hai mặt, bởi cho đến nay đã đủ độ lùi về thời gian để người đọc tự đánh giá chính xác, công bình nhất về nhân vật đầy mẫu thuẫn, và đặc biệt này. Khi đi sâu vào phân tích tâm lý, với những hành động được gọi là quỷ khóc thần sầu của Trần Thủ Độ, nhà văn Thích Như Điển phê phán một cách gay gắt:“Thật là một kẻ ác tâm, so với ngày xưa ở Ấn Độ A Xà Thế hại Vua cha, Đề Bà Đạt Đa hại Phật thì cũng không kém chỗ nào“. Nhưng cùng đó nhà văn cũng phải đề cao tài năng của Trần Thủ Độ: “Vào năm 1226, nghĩa là sau 2 năm Chiêu Hoàng làm vua và chính thức nhường ngôi cho chồng, Trần Cảnh lên ngôi xưng là Trần Thái Tông. Tất cả đều do một tay của Thái sư Trần Thủ Độ đạo diễn, thật là tuyệt vời, không một giọt máu nào rơi giữa kinh thành Thăng Long“ (chương 2)

Thật vậy, nếu không xuất hiện một Trần Thủ Độ và lập nên triều Trần thì con dân Đại Việt đã bị thôn tính, đô hộ là cái chắc, làm gì có ba lần đại thắng giặc Nguyên Mông mang lại vẻ vang cho lịch sử nước nhà. Và việc thay triều Lý bằng nhà Trần là nhu cầu tất yếu của lịch sử ở thời khắc đó. Có thể nói, cuộc thay triều đổi đại này, mang tính nhân đạo cao cả. Bởi, nhìn lại lịch sử chưa có cuộc thay đổi triều đại nào là không dẫn đến một cuộc nội chiến đầu rơi máu chảy.

Đi sâu vào đọc, và nghiên cứu, ta có thể thấy, không chỉ riêng tùy bút, tạp văn hay khảo cứu, mà ngay cả tiểu thuyết sự liên tưởng, mở rộng để từ đó bật ra những bài học, luận bàn là một nghệ thuật đã được nâng lên, mang tính đặc trưng trong thơ văn của Hòa thượng Thích Như Điển. Vâng! Đúng vậy. Nếu tùy bút, hồi ký Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác, Hương Lúa Chùa Quê, được mở rộng bằng những chuyến đi hoằng pháp, thì đến với tiểu thuyết Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa, nhà văn Thích Như Điển liên tưởng đến những Lý Long Tường hoàng tử, hay hậu duệ Lý Thừa Vãn Tổng thống của Nam Hàn, Lý Kính Huy Tổng thống Đài Loan, hoặc chính tác giả cùng mấy triệu con dân đất Việt phải rời bỏ quê hương sau 1975. Đây không chỉ là hậu quả, mà còn là một bài học, nỗi đau cho người đọc và cho chính tác giả vậy.

* Nhà Trần cùng Phật giáo với những dấu ấn trong lòng dân tộc.

Đọc Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa, ta có thể thấy, ngoài kinh kệ, thơ văn, hay trong cuộc sống cũng vậy, trải dài suốt gần hai trăm năm, dường như Vương triều Trần trộn Đạo vào đời. Và cửa Phật không chỉ là cái nơi thần dân hướng tới, mà là nơi các Quân Vương phải đi đến. Vì vậy, thời Trần, Phật giáo phát triển rực rỡ nhất kể từ khi lập quốc đến nay. Và việc thu phục nhân tâm, lấy đức để trị quốc tạo ra sức mạnh đoàn kết chống giặc ngoại xâm, cũng như xây dựng đất nước, như một sợi chỉ xuyên suốt thời kỳ đầu nhà Trần vậy. Có thể nói, Tuệ Trung Thượng Sĩ, và Trần Nhân Tông là hai nhân vật điển hình nhất về đặc điểm đó trong tiểu thuyết này của nhà văn Thích Như Điển. Là một người chân tu, do vậy với nhà văn Thích Như Điển: Nếu không có nền tảng, tư tưởng giáo lý của nhà Phật, thì chưa chắc quân dân nhà Trần đã có những chiến công hiển hách đến như vậy. Cho nên, khi trần thuật và phân tích về nhân vật Trần Nhân Tông, ngoài chính sách trị quốc, an dân, theo tinh thần khoan dung, bình đẳng của Phật giáo, thì việc mở mang bờ cõi mang đậm nét trong tư tưởng của ông. Sự định hôn Huyền Trân Công Chúa với Chế Mân để đổi lấy châu Ô và châu Lý, đã chứng minh cho cái tư tưởng ấy, và cái nhìn chiến lược rất sâu sắc của Trần Nhân Tông. Thật vậy, lời cảm nhận dưới đây, không chỉ cho ta thấy tài năng, tư tưởng, mà còn thấy được đức hy sinh của Phật Hoàng Trần Nhân Tông qua ngòi bút của nhà văn Thích Như Điển:

“Đây là cái phúc của dân tộc Việt Nam đã có được một ông Vua biết hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình để đi tìm cái chung cho dân tộc là vậy. Dĩ nhiên ông không thể so sánh với Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni của Ấn Độ được vì ông chỉ là một học trò của hàng cháu chắt của Ngài từ Thiên Trúc đến Trung Hoa rồi Việt Nam qua cả mấy chục đời như vậy, nhưng ông là một ông Vua tuyệt vời trên tất cả những sự tuyệt vời khác.“ (chương 4)

Không đi sâu vào trần thuật, phân tích, nhưng người đọc cảm được cái khí thế hừng hực cùng những chiến công oanh liệt của quân dân nhà Trần qua ba cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông. Câu nói khẳng khái của Trần Quốc Tuấn: “Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước rồi hãy hàng” là hồn khí, biểu tượng tinh thần bất khuất của quân dân nhà Trần vậy. Có thể nói, nhà văn Thích Như Điển đã dành khá nhiều trang viết trân trọng, với những lời bình, phân tích rất hay và sâu sắc về tài năng, nhân cách của Trần Quốc Tuấn. Về những nhân vật lịch sử, có quá nhiều người trước đây, và cùng thời đã viết, có lẽ không dễ dàng gì với nhà văn Thích Như Điển, khi chọn đề tài này. Nhưng ông đã thuyết phục được người đọc, bởi lối dẫn chuyện truyền thống đơn giản, câu văn mộc mạc, cùng sự liên tưởng đan xen lời phân tích, diễn giải. Đoạn kết chương 6 rất xác đáng của nhà văn về Trần Quốc Tuấn sau đây, cho chúng ta thấy rõ điều đó. Tuy nhiên, đoạn văn này có những từ ngữ (suốt) lặp lại một cách không cần thiết, và câu văn quá dài có đến bốn đại từ sở hữu, cùng hai đại từ nhân xưng. Vì vậy, nó làm cho đoạn văn trở nên rối rắm:

“Nhìn xuyên suốt cuộc đời hành hoạt (của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc) Tuấn qua (suốt) 4 đời Vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và Anh Tông, (ông) đã một lòng vì quốc gia đại sự và với tâm nguyện quên thù nhà để trả nợ nước, nên qua 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông vào năm 1258, 1285 và 1288 (chúng ta) đều thấy rõ nét sự hy sinh (của ông) lúc xông trận đánh giặc, lúc phò vua cứu giá, lúc thưởng phạt cho binh sĩ, lúc ra hịch thúc quân v.v…, lúc nào cũng như lúc nào bốn chữ: Trung Quân Ái Quốc vẫn nằm trong tâm khảm (của ông) và chưa một lần thất bại, dầu ở trận đánh nào. Cho nên Thượng Hoàng Thánh Tông và Hoàng Đế đương triều Nhân Tông phong cho ông là “Thượng Phụ” cũng quá xứng đáng cho một đời chinh y đầy bụi, và sĩ khí can cường kia đã làm cho người đời sau phải tự nghiêng mình trước những nghĩa cử cao cả của Hưng Đạo Đại Vương.“

Thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ là anh ruột Trần Hưng Đạo, và là người thầy đưa Trần Nhân Tông đến với nơi cửa Phật. Song văn sử, sách báo dường như, ông ít được nhắc đến với những trận chiến chống giặc Nguyên Mông. Tuy nhiên, dưới ngòi bút của nhà văn Thích Như Điển, ông hiện lên rất đậm nét, gây cho tôi nhiều ấn tượng thật đặc biệt, mới và ngạc nhiên. Dù đã ở nơi cửa Phật, nhưng khi đất nước bị giặc giã lâm nguy ông vẫn cởi áo cà sa để bước ra chiến trường. Với văn võ song toàn, can đảm và đầy mưu lược, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã sát cánh cùng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lập nên những chiến thắng hiển hách. Do vậy, đọc Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa, ta có thể thấy, cùng với Trần Hưng Đạo, Tuệ Trung Thượng Sĩ là linh hồn chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước của quân dân Đại Việt ở giai đoạn đó. Và đất nước bình yên, ông lại rũ bỏ vinh hoa trở về nơi cửa Phật để vá lại hồn người, hồn dân tộc sau chiến tranh. Cho nên, đọc những trang viết về Tuệ Trung Thượng Sĩ của nhà văn Thích Như Điển, có lẽ ai cũng phải bùi ngùi, và cảm động:

“Ngoài ra, những ai nhận phái Trúc Lâm Yên Tử làm tông phái của mình để tu hành thì không thể không biết đến Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, vốn là Thầy của Vua Trần Nhân Tông, người sáng lập ra Thiền phái nầy. Sự truyền thừa củaTrúc Lâm Tam Tổ rất rõ ràng. Đó là Điều Ngự Giác Hoàng, Pháp Loa và Huyền Quang, nhưng nếu không nhờ hình bóng của Tuệ Trung Thượng Sĩ ở chốn triều đình, thì làm sao ai có thể ảnh hưởng đến Vua Trần Nhân Tông được? Do vậy chúng ta cũng có thể kết luận rằng: Tuệ Trung Thượng Sĩ chính là người mở đường dẫn lối cho Vua Trần Nhân Tông đi vào cửa Đạo và sau nầy trở thành Sơ Tổ của Phái Trúc Lâm Yên Tử vậy“ (chương 6)

 

Đọc Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa đã cho tôi một cảm nhận: Dường như, sở trường của Hòa Thượng Thích Như Điển là tâm bút, tùy bút, hồi ký chứ không phải là tiểu thuyết, hay truyện ngắn. Tùy bút, hồi tưởng của ông truyền cảm được đan xen vào những trang tiểu thuyết làm cho lời văn trở nên sinh động hơn. Thật vậy, đoạn tâm bút dưới đây có lời văn rất đẹp, mang mang hoài cổ của ông, được cảm tác từ bài thơ Đường của Bà Huyện Thanh Quan, khi nhà Trần sụp đổ, Thăng Long trở thành hoang phế, sẽ chứng minh cho điều đó. Vâng, nỗi u hoài ấy của Bà Huyện Thanh Quan, hay chính là nỗi buồn của nhà văn Thích Như Điển vậy:

“Thăng Long cũng đã trải qua nhiều nắng sớm sương chiều như vậy. Nơi ấy, hằng ghi lại bao nhiêu dấu tích của vết xe ngựa đã lăn qua. Chúng làm mòn cả lối đi cho bao nhiêu mùa Thu của cây cỏ, và lầu vàng gác ngọc ngày xưa ấy quanh năm suốt tháng được che chở bởi những tàng cây xanh mát, để mặt trời khỏi rọi chiếu vào. Thế nhưng những cụm đá được xây thành lâu đài ấy giờ đây nằm im lìm bất động ở đó, chỉ có non sông gấm vóc nầy vẫn còn lạnh nhạt với bao nhiêu sự đổi thay của các triều đại, không khác nào bãi biển ngày xưa đó, nhưng bây giờ đã trở thành những ruộng dâu rồi. Nếu lấy một ngàn năm để làm tấm gương chiếu hậu, soi lại cho chính mình và cho nước nhà Đại Việt, thì kẻ bên nầy hay người bên kia, kẻ đang được một triều đại tôn phong bao bọc bởi vinh hoa phú quý, rồi nhìn lại người ở đây bị thất sủng chầu rìa, bị bỏ rơi ra ngoài xã hội, thì nỗi đau nào còn sầu thảm hơn được như thế nữa chăng?“ (chương 3)

Tuy không gay gắt, nhưng nhà văn Thích Như Điển đã phê phán thẳng thắn sự hợp hôn cận huyết thống của nhà Trần. Nhà văn miêu tả khá sâu sắc sự dày vò, day dứt nội tâm của Trần Thái Tông cũng như Trần Nhân Tông... Nhận ra, sự sai trái và tác hại của hợp hôn cận huyết, song họ không thể thoát ra khỏi cái vòng kim cô của Trần Thủ Độ để lại. Và có lẽ, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp độ của một vương triều chăng?


*Huyền Trân Công Chúa- Sự giải oan cho một cuộc tình.

Mở rộng cương thổ về phương Nam là sách lược nhà Trần. Có thể nói, đây là cái nhìn sáng suốt của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và Vua Trần Anh Tông. Tuy nhiên, bằng hình thức, thủ thuật lớp lang che chắn có tính sân khấu, kịch trường của nhà văn Thích Như Điển: “Có nghĩa là nếu cả hai nước Đại Việt và Chiêm Thành đang có biên giới liền nhau và phong tục, tập quán, ngôn ngữ v.v… tuy khác nhau rất nhiều, nhưng tinh thần đề phòng sự xâm lăng phía Bắc từ Trung Quốc thì không khác. Nếu cả 2 nước đều có mối giao hảo tốt hơn là mối giao hảo bình thường thì đó là một điềm lành, có lợi cho cả hai dân tộc, nên ý định gả Huyền Trân cho Chế Mân chỉ xuất phát từ ý định đó…“ (chương 8) nhưng khi nhận hai châu Ô, Lý, thì sự gả bán này mang tính chính trị rõ ràng. Vậy là, phông màn đã được mở, khởi đầu cho việc sáp nhập Chiêm Thành vào đất Việt cho thế hệ sau, dưới ngòi bút của nhà văn Thích Như Điển.

Và có thể nói, ông rất công phu khi đi sâu vào miêu tả tính cách, tâm trạng từ thuở thiếu thời cho đến nhập Chiêm và quay về chốn tu hành của Huyền Trân Công Chúa. Mượn cảnh vật thiên nhiên để miêu tả, phân tích nội tâm nhân vật là thủ pháp nghệ thuật không mới, tuy nhiên không phải ai cũng viết được sâu sắc và nhẹ nhàng như nhà văn Thích Như Điển. Thật vậy, tác giả đã mượn Hoa Trà My để nói về tâm trạng, nỗi buồn của Huyền Trân Công Chúa trước khi phải vào làm dâu đất Chiêm. Sự hy sinh cao cả, cùng tâm hồn trong trắng đó làm người đọc không khỏi rưng rưng, thương cảm cho thân phận của bà. Đoạn văn so sánh, giầu hình ảnh dưới đây, cho ta thấy rõ điều đó:

“Hoa Trà My vốn là một trong những loài hoa khi nở có màu trắng, mang hương sắc của một loài hoa vương giả, thế nhưng những loài ong bướm tầm thườ

ng khi tìm hoa hút nhụy, chúng đâu có tiếc thương, dẫu cho đó là loại hoa nào.Quả thật một đời của hoa sánh với cuộc đời của người con gái chẳng khác xa là bao nhiêu. Nếu có chăng, người con gái là một loài hoa biết nói, còn những loài hoa khác tượng trưng cho một trong những loại thực vật bình thường trong các loài kỳ hoa dị thảo vốn được sinh sống tự nhiên nơi những núi đồi cô quạnh, hay chúng được trồng trọt chăm sóc nơi vườn ngự uyển của cung vua“ (chương 11)

Không đi sâu vào phân tích, nhưng dưới ngòi bút của nhà văn Thích Như Điển, Thượng tướng Trần Khắc Chung hiện lên một nhân cách lớn, văn võ song toàn, uyên bác về Phật học. Với những chứng cứ lịch sử chân thực đưa vào những trang văn của mình, dường như nhà văn Thích Như Điển muốn bác bỏ những ý kiến, quan điểm phiến diện, thiếu chứng cứ khoa học về việc Trần Khắc Chung tư thông với Huyền Trân Công Chúa. Thật vậy, viết cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Thích Như Điển như muốn giải oan cho một cuộc tình vậy. Đoạn trích lời tự sự của Huyền Trân Công Chúa với một tỳ nữ, chứng minh cho ta thấy rõ điều đó:  

“Thượng tướng Trần Khắc Chung cũng là một người tu Thiền với Thân Phụ ta. Ông đã có lần đề bạt cho tập “Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục” vốn là Ông cậu của ta, do Pháp Loa biên tập và Phụ thân của ta phụ đính….Ta nghĩ rằng ông là thế hệ của cha mình, làm quan cả mấy triều và danh vọng thật cao ngất trời xanh, tuổi đã lớn, còn ta chỉ xứng hàng con cháu thì quan tâm đến những việc nhỏ nhặt ấy làm gì. Vả lại theo tục lệ của Đại Việt cũng như của Chiêm Quốc, người con gái đã lấy chồng rồi thì phải thực hiện câu “Tam tòng, tứ đức” chứ ta đâu có phải là kẻ lang bạt giang hồ mà ông ta lại chẳng hiểu. Chồng ta bây giờ đã không còn thì ta vui chi với những lời hoa nguyệt …” (chương 12)


Đi sâu vào đọc và nghiên cứu
 Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa, ta có thể thấy, nhà văn Thích Như Điển đã dựng lại cả một giai đoạn lịch sử một cách sinh động. Thông qua các nhân vật từ Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông rồi đến Huyền Trân Công Chúa…cái tư tưởng giáo lý của nhà Phật đã xuyên suốt tác phẩm của ông. Tuy nhiên, Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa có khá nhiều từ ngữ, câu văn lặp lại. Hoặc có những đoạn mang tính liệt kê: “Nếu nhìn vào “Tộc Phả” các thế hệ vua và quan đời Nhà Trần của những thế hệ đầu thì ta thấy như thế nầy: Trần Thừa sinh ra Trần Cảnh và Trần Liễu. Như vậy Trần Liễu ở vai anh và Trần Cảnh tức Vua Trần Thái Tông thuộc vai em… Hoặc: Thật ra việc nầy cũng không khó hiểu mấy. Sau đây là những lý do chính. Đầu tiên là việc đại thắng quân Nguyên Mông…“. Nó làm cho mạch văn bị cắt rời, người đọc hơi bị hụt hẫng. Và dường như, ta ít tìm thấy những đoạn văn đẹp như ở Bóng Đa Chùa Viên giác, hay Hương lúa chùa quê.


Leipzig ngày 28-1-2021

Đỗ Trường

 



***
 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/10/2020(Xem: 14586)
Thiền Sư Long Đàm Sùng Tín (TK 8-9) Người đặt nền móng cho Phái Vân Môn & Pháp Nhãn Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng từ 6.45am, Chủ Nhật 25/10/2020 (09/09/Canh Tý) 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻 Điểm tâm bánh nướng thật no nê Con cháu đỡ phiền khỏi ủ ê Dâng cúng tâm thành đừng dụng tướng Giáo nhân chí cả phát bồ-đề Đắp y ăn uống bày chân pháp Tiếp khách đãi người rõ bến mê Sáng tỏ bản lai do thấu đáo Việc làm phương tiện vẫn đề huề. (Thơ tán thán công hạnh Thiền Sư Sùng Tín của HT Hư Vân, do HT Minh Cảnh dịch) 💐🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼🌺🍀💐🌼 Múi giờ : pháp thoại mỗi ngày của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃
16/10/2020(Xem: 2066)
Sáng nay là ngày sinh nhật Ba, con nhớ Ba thật nhiều, giờ này con đang được nghỉ ăn trưa, con đi dọc theo con đường bên hông hãng nơi con thường đứng đó để gọi điện thoại thăm Ba, con mời Ba về xơi bánh mì và uống cà phê cùng con. Trời bây giờ đã vào thu, gió lành lạnh, con đường thật yên tĩnh thẳng tắp, màu xanh mùa hè của lá đã chuyển vàng, đỏ. Tuổi học trò lại quay về trong con, ngày đó con học lớp đệ tam, con giữ sổ đầu bài, ngồi bàn đầu nên các Thầy thường hay lấy vở con để xem giảng tới bài nào, Ba gọi một học trò nam lên trả bài, cậu đó không thuộc Ba cho ngay con 02 /20 to tướng vào vở con với lời phê "không thuộc bài", lúc Ba trả lại tập, con mở ra mới thấy, ngập ngừng con thưa: "thưa Thầy, đây là tập của con", Ba cười khà khà và kêu con lên bảng trả bài, con thuộc, Ba cho con 18 điểm, Ba thương con lắm thường khen con ngoan nhất lớp và có mái tóc đẹp, mỗi lần tới giờ Ba dạy là tim con hồi hộp cộng thêm vui mừng, câu thành ngữ Ba dạy cho đám học trò để dễ nhớ khi xài
01/10/2020(Xem: 21106)
33 Vị Tổ Thiền Tông Ấn-Hoa (HT Thanh Từ biên dịch, TT Nguyên Tạng giảng trong mùa dịch Covid-19 năm 2020)
20/09/2020(Xem: 4746)
Theo thống kê cho thấy, những tội phạm tuổi thiếu niên thường có cơ thể khỏe mạnh hơn những thiếu niên biết tuân thủ pháp luật ở cùng độ tuổi. Nhưng sau khi họ bước vào tuổi trung niên thì tình hình sức khỏe lại xuống dốc nhanh chóng, nguy cơ nằm viện và bị tàn tật cao hơn nhiều lần so với người bình thường. Điều này khá dễ hiểu, rất có thể là có quan hệ tới thói quen sinh hoạt không tốt và trạng thái tâm lý tạo thành.
17/09/2020(Xem: 7914)
Thư viết lần cuối gửi Anh Bốn và Chị Năm Hôm nay là tuần một trăm ngày của Anh Bốn và cũng tiện thể Gia Đình làm lễ cầu siêu tuần 49 ngày cho Chị Năm. Từ xa xôi hơn nữa vòng trái đất Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi có mấy lời để tiễn đưa Anh Chị lần cuối
29/08/2020(Xem: 8637)
Trong hơn một tuần qua, theo “tintuc60giay.com” ngày 24/8/2020, đã có hơn 100.000 cư dân được sơ tản và lửa đã đốt cháy hơn 991.000 acres. Đây là trận cháy rừng lớn nhất tại California. Có hơn 13.700 lính cứu hỏa đang đấu tranh để cứu những người dân và nhà của học. Thành phố Vacaville là nơi bị thiệt hại rất nặng! Thật mầu nhiệm! Trung tâm tu học Phổ Trí, một ngôi chùa Việt tọa lạc tại số 7233 Pleasants Valley Road, thành phố Vacaville có diện tích 5 acres, được Thượng tọa Thích Từ Lực sáng lập vào năm 2012 làm nơi tu học cho tăng thân Việt - Mỹ còn nguyên vẹn.
27/08/2020(Xem: 5421)
Kính chiếu yêu ma bài viết của Cư Sĩ Huệ Hương (ở Melbourne, Úc Châu) Do Phật tử Diệu Danh (Hannover, Đức Quốc diễn đọc) Mười năm về trước khi đọc " CỬA TÙNG ĐÔI CÁNH GÀI " của Sư Ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh tôi vẫn không hề nghĩ đến có ngày mình phải dùng kính chiếu yêu này ... không phải cho người khác bên ngoài mà chính là dùng để soi rọi vào những con ma đang ẩn núp trong rừng tâm của tôi quá chằng chịt và rậm rạp nơi mà tập khí được chôn vùi và đã trở nên hoang dại đến nỗi rất khó để tháo gở được những rễ dây đã bám sâu trong đất Tâm này
25/08/2020(Xem: 4219)
Lời người dịch: Thành phố Melbourne hiện vẫn còn trong thời gian phong tỏa giai đoạn 4 kéo dài đến giữa tháng 9 và cũng thuộc tiểu bang bị nhiễm bệnh cao nhất nước Úc hiện nay. Mỗi ngày thức dậy, người dân Melbourne lại được cập nhật với những tin tức số người bệnh, số người chết mỗi ngày... khiến nhiều người lo lắng, bất an. Những người thân gần xa cũng thăm hỏi, lo lắng cho người Melbourne. Cộng đồng người Việt dù có ý thức cao về việc tuân thủ các luật lệ và phòng ngừa nhưng vẫn nằm trong danh sách những cộng đồng sắc tộc có tỉ lệ mắc bệnh covid-19 cao. Tuần qua, khi đọc Facebook của Bệnh viện Western Heath, QT tìm thấy câu chuyện thú vị và cảm động của một cô gái Việt cũng là bệnh nhân covid-19 đã chia sẻ trên báo Herald Sun. QT hy vọng những tâm tình của Tina sẽ giúp mọi người hiểu thêm về những trải nghiệm của người bệnh để mình cố gắng tự bảo vệ và đề phòng cho mình và gia đình để không bị mắc phải căn bệnh này. Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tá
17/08/2020(Xem: 4496)
Nhớ lại thuở xa xưa khi tôi mới chỉ là cô bé 6,7 tuổi, thỉnh thoảng vào chiều thứ Bảy, Mẹ thường dẫn tôi về thăm ông Ngoại. Gần nhà Ngoại có Chùa Linh Quang và Khuông Tuệ Quang, nên lần nào về thăm Ngoại là tối đó Mẹ cũng dẫn tôi đến Khuông Tuệ Quang để tụng kinh, tôi rất thích mặc dù tôi chưa biết tụng kinh và tụng để làm gì. Tôi chỉ thích nghe âm vang lời kinh tụng hòa chung với tiếng mõ nhịp nhàng, cùng tiếng chuông thỉnh thoảng ngân vang, và thích nhất là được nghe tụng Chú Đại Bi, tuy không nghe ra được chữ gì, nhưng thích cái âm điệu dồn dập lúc trầm, lúc bổng của thời kinh. Không hiểu sao mà tôi rất mê nghe tụng chú Đại Bi, nên mỗi khi gần nhà có đám tang, là tôi luôn tìm cách đến xem lúc có ban hộ niệm cúng, để được nghe tụng Chú Đại Bi, và thầm thán phục, sao mà các bác ấy có thể thuộc làu những lời kinh như vậy!
16/08/2020(Xem: 7655)
Thân phụ Ngài là một nhà Nho, nên Ngài đã được thụ giáo từ khi mới lên 5 tuổi. Đến 7 tuổi Ngài được vào học trường huyện. Nhờ bẩm chất thông minh, Ngài luôn chiếm ưu hạng. Sau một thời gian Ngài được chuyển lên học trường tỉnh. Đây là nơi Ngài có thể sôi kinh nấu sử để mai sau danh chiếm bảng vàng, làm rạng rỡ tông đường. Ngờ đâu ngày 22 tháng 5 năm Ất Dậu (1885) kinh đô Huế thất thủ. Vua Hàm Nghi phải xuất bôn, và xuống chiếu Cần Vương. Vừa lúc đó có kỳ thi Hương tại trường thi Bình Định, các sĩ tử cùng nhau bãi thi, phá trường, hô hào tham gia phong trào Cần Vương, chống Pháp cứu nước. Ngài cũng xếp bút nghiên, gia nhập hàng ngũ nghĩa quân Bình Định của các Ông Mai Xuân Thưởng, Bùi Điều.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]