Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thăm Tù Nghệ Tĩnh (Trần Thị Nhật Hưng)

27/04/202008:47(Xem: 3481)
Thăm Tù Nghệ Tĩnh (Trần Thị Nhật Hưng)

tham tu nghe tinh-tran thi nhat hung

Thăm Tù Nghệ Tĩnh

Trần Thị Nhật Hưng


Ra khỏi bến xe Vinh, xe rẽ về ngả Thanh Chương. Hàng cây hai bên đường như lui dần, biến vào trong đám bụi đất đỏ phía sau xe. Sáng sớm trời còn mờ sương. Hơi lạnh từ các hốc núi tỏa ra lãng đãng tan vào không khí. Gió mát dịu, tôi khoan khoái ngả người vào thành ghế phía sau lơ đãng nhìn những đám mây xám lơ lửng trong bầu trời âm u.

Dường như có một chút ánh sáng ửng hồng ở phương xa, bên kia ngọn đồi trước mặt. Xe tiến tới. Ánh sáng như thật gần rồi sáng bẵng. Mặt trời đã bắt đầu ló dạng. Người trong xe như trở mình sau một cơn ngáy ngủ. Họ lấm lét nhìn tôi soi mói như nhìn một quái vật từ cung trăng rớt xuống. Chắc là tôi lạ lắm. Tôi nghĩ vậy. Mái tóc ngắn, chiếc áo bà ba bó sát thân hình, chiếc quần đen hàng vải ú, nhưng dáng người ốm ốm, cao cao, tôi không giấu được tôi là người miền Nam vừa đến.
- Chị ra Bắc thăm bà con đấy hẳn?
Người đàn bà ngồi bên cạnh hỏi tôi. Tôi quay lại mỉm cười rồi gật đầu dạ nhỏ.


Đây là lần thứ hai tôi ra Bắc thăm chồng. Vẫn một mình trên đoạn đường quen thuộc Sài Gòn – Vinh – Thanh Chương – Trại 6, nhưng mỗi lần thăm là một nỗi ưu tư, khó nhọc khác nhau. Như lần này, dù việc thăm nuôi đã phổ biến rộng rãi, tôi vẫn không xin được giấy đi đường của công an phường, quận cũng như thành phố; phải mánh mung chạy giấy công nhân viên nghỉ phép từ một cơ quan. Tôi cũng không còn cơ hội quá giang xe quen ra Bắc như lần đầu; phải mua vé xe lửa chợ đen với giá cắt cổ mắc gấp mười lần giá chánh thức. Nhà chồng tôi thì quá nghèo. Trước năm 1975 gia đình tôi chỉ sống thanh đạm “ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch” với đồng lương giới hạn, eo hẹp của chồng tôi. Ngày chàng đi tù, gia tài còn lại không ngoài những đồ đạc lặt vặt do khách khứa, bạn bè biếu tặng bố tôi như một sự đền ơn bố tôi bốc thuốc, kê đơn, chấm lá số tử vi không nhận thù lao.

tran huu le-2
Trần Hữu Lễ
Quận trưởng Tư Nghĩa Quảng Ngãi.



Tôi phải sống nhờ vào sự giúp đỡ tài chánh của bố mẹ tôi; của vợ chồng Thiếu tá Miên, bạn tri kỷ của chồng tôi từ ngoại quốc gởi về. Lẽ đương nhiên sự giúp đỡ cũng chỉ giới hạn mà cuộc sống trong xã hội chủ nghĩa Việt Nam càng ngày càng mờ mịt tối tăm. Tôi tằn tiện từng đồng không khả năng đài thọ thêm một giấy đi đường, một vé xe lửa, tiền linh tinh lặt vặt cho cô em họ chồng tháp tùng theo tôi giúp tôi mang xách. Thế là tôi đi một mình với
tám chục ký lô quà gói gọn trong năm giỏ lát.


Hôm lên tàu, con tàu Thống Nhất Sài Gòn – Hà Nội khởi hành từ ga Bình Triệu lúc 7 giờ tối. Ổn định xong hành lý, chỗ ngồi, tôi để ý ngay những khuôn mặt miền Nam có bộ dạng ra thăm chồng miền Bắc, nhưng tuyệt nhiên chẳng gặp ai. Trên tàu đa số là cán bộ, bộ đội, đồng bào miền Bắc và dân buôn hàng chuyến ngồi xếp lớp la liệt dọc lối đi. Gặp người soát vé vừa đi tới, tôi vội vàng hỏi thăm:
- Thưa anh, anh xem ở toa khác có chị nào xuống Vinh, xin mách dùm tôi với.
Người soát vé ngẫm nghĩ, ậm ừ hứa hẹn rồi bỏ đi. Hồi lâu ông trở lại nhưng kết quả chẳng được gì. Tôi lo âu ra mặt, nhìn hành lý của mình, phân vân không biết liệu sao. Những hành khách xung quanh như thấy được sự lo lắng bồn chồn của tôi. Một thanh niên ngồi đối diện với tôi lên tiếng:
- Dường như chị xuống Vinh thăm thân nhân cải tạo phải không?
Tôi ngạc nhiên trước câu hỏi của anh, gật đầu đáp:
- Vâng, tôi thăm chồng đang học tập ở đấy.

Anh ta tiếp:
- Chị an tâm. Tôi cũng xuống Vinh. Hành lý chị nặng nề, tôi sẽ giúp chị một tay.
Tôi nhìn kỹ người thanh niên, thấy anh ta hiền lành, cũng an tâm. Tuy vậy, tôi vẫn dè dặt nói:
- Cảm ơn anh. Tới ga Vinh, nếu tôi không gặp bạn, chắc tôi sẽ phiền anh.


Suốt dọc đường ba ngày, ba đêm từ Sài Gòn đến Vinh, những lúc tàu dừng ở các ga để hành khách ăn uống, xả hơi, anh ta kể tôi nghe về đời sống của anh ở miền Bắc. Anh cũng chỉ là nạn nhân của chế độ. Gia đình anh ngày xưa bị ghép vào thành phần địa chủ ác ôn; anh không ngoi lên được trong xã hội của giai cấp mới. Anh đi thanh niên xung phong tải đạn ở chiến trường. Anh có chú, bác di cư vào Nam và hiện cũng có anh, em họ hàng đang
học tập cải tạo. Có lẽ vì vậy anh thông cảm hoàn cảnh của tôi, ân cần giúp tôi như bạn đồng cảnh ngộ.

Lúc tàu đến Vinh vào ba giờ sáng. Trời còn tối đen. Trong sân ga, vài ngọn đèn rải rác mờ mờ không soi rõ những bóng người di động. Tôi khó nhìn ra được bạn ra Bắc thăm chồng. Không còn sự lựa chọn, tôi đành bám theo anh như người chết đuối vớ được phao trong cơn nguy biến. Tôi xuống tàu lóng ngóng nhìn anh chuyển từng chiếc giỏ của tôi và của anh qua cửa sổ. Rồi tôi đứng canh chừng, đợi anh nhận xe đạp, tài sản quý giá mà hầu hết người Bắc vào Nam ai cũng mang về. Anh mang hành lý vào xe. Rồi lững thững, anh dắt phía trước, tôi đỡ phía sau mất mười phút mới đến bến xe Vinh. Tại đây nhân viên chưa làm việc. Tôi và anh đợi thêm vài tiếng nữa. Trời hừng hừng sáng anh chạy mua giúp tôi một vé xe đò, một gói xôi nhỏ. Nửa giờ sau từ biệt anh lên đường, tôi cảm kích không nói gì cả, chỉ lí nhí vài câu cám ơn rồi lên xe.


Người đàn bà bên cạnh lại tò mò hỏi tôi:
- Chị thăm ai ở Thanh Chương thế?
Tôi quay lại:
- Em thăm chồng.
- Chồng đang cải tạo à?
- Vâng!
Rồi như sợ liên lụy người đàn bà không hỏi gì nữa. Tôi cũng lặng thinh, dõi mắt nhìn đàn chim đang nhởn nhơ bay lượn dưới nắng ấm giữa bầu trời bao la; rồi buồn buồn, nghĩ đến hoàn cảnh “cá chậu, chim lồng” của chồng tôi đang sống. Bao năm hoạt động hào hùng vì nước mất đành chịu sa chân vào lưới, không biết số phận rồi sẽ ra sao. Rồi tôi nghĩ đến tôi, đến cái tổ ấm bé nhỏ bao lâu cùng chồng xây đắp, liệu một mình tôi có đủ bản lĩnh nghị lực
để chống đỡ cơn bão dữ hay mệt mỏi chán chường buông xuôi theo nghịch cảnh. Không! Tôi phải vùng lên, đứng thẳng, tiến tới, thắng lướt mọi gian truân. Tôi phải sống cái đời đáng sống mà một lần tôi đã đọc đâu đó đoạn văn của văn hào Nhất Linh để thấm thía cái hoàn cảnh của đời tôi hiện tại: “ Đời có hy sinh mới là đáng sống, rồi lấy cái thú vị chua chát, chua cay của sự hy sinh để dỗ dành mình trong những ngày thất vọng”.

Tôi chợt thở dài. Nỗi cô đơn lại xâm chiếm tâm hồn. Tôi cảm thấy xa lạ và quạnh quẽ thật sự giữa những người nơi đây. Tôi đưa mắt nhìn họ, những khuôn mặt khắc khổ dấu vết của bao năm oằn vai chịu đựng ách thống trị, hung tàn của cộng sản rồi so sánh với chính mình, kẻ sa cơ thất thế, tôi không biết ai là kẻ đáng thương hơn ai? Tôi có nên ghét họ như bấy lâu tôi cũng như đồng bào miền Nam luôn có thành kiến, họ là những tên Việt cộng khát máu, ác ôn; hay tôi nên thương họ vì chính họ cũng chỉ là những nạn nhân?!


Xe tới bến vào giữa xế trưa. Tôi chưa kịp bước xuống đã thấy ông Tường và một nhóm thanh niên đợi sẵn tự
bao giờ. Thấy tôi, ông vồn vã:
- Cháu mới ra hả cháu? Còn các chị bạn khác đâu?
- Dọc đường cháu có để ý nhưng chẳng thấy ai cả.
Một thanh niên khác chen vào:
- Mọi hôm bà con trong Nam ra thăm chồng đông lắm.
Rồi ông Tường đỡ hành lý của tôi từ mui xe chuyển xuống, thản nhiên trao cho người thanh niên máng vào xe
đạp. Ông nói:
- Cháu thuê hai xe nhé. Một xe chở quà, một xe chở người.
Tôi dạ nhỏ, đợi người thanh niên buộc xong hành lý, tôi trao tiền thuê cho ông Tường rồi từ giã ông, theo hai
người thanh niên nhắm hướng vào trại 6.

Trại 6 cách Thanh Chương 20 cây sô. Đường gồ ghề đồi dốc rất khó đi. Ngoài xe đạp không còn phương tiện di chuyển nào khác. Năm ngoái, lần đầu tiên cũng một mình chân ướt chân ráo đến Thanh Chương mở màn phong trào “Bắc tiến” thăm tù, tôi quen ông Tường do người quen giới thiệu. Hồi đó ông Tường giúp tôi tận tình, cho tôi tá túc, cho mượn xe đạp vào trại. Cũng chính nhờ ông gieo “nhân” lành (nói theo thuyết đạo Phật) giúp người vô vụ lợi nên ngày nay ông nhận “quả” tốt. Sau lần thăm nuôi đó, tôi về phổ biến với bạn bè và giới thiệu cùng ông. Dần dà phong trào thăm nuôi bộc phát. Dân Sài Gòn ra thăm chồng ai cũng biết ông. Và bây giờ ông nghiễm nhiên trở thành “giám đốc công ty chuyên chở bằng xe đạp thân nhân những người tù”. Một cuốc xe đạp chở vô là 20 đồng. Thuê 2 cuốc là 40 đồng. Hôm sau đón về giá cước cũng như vậy. Với mức lương 40 đồng trong một tháng của một công nhân, kể như ông trúng mánh (lương bác sĩ ở Sài Gòn lúc đó 100 đồng). Tôi không rõ phần ông, phần những thanh niên chuyên chở, sau phần bị xẻo bởi ban giám thị trại (ngồi không lấy cớ bảo vệ sinh mạng người thăm nuôi) cuối cùng họchia nhau được bao nhiêu?

Người thanh niên chở tôi tâm sự:
- Các chị ra thăm, ai cũng than là hoàn cảnh hiện nay sa sút, thế mà tiền rắc đường của chị bằng nửa tháng lương của chúng tôi. Nhìn vậy cũng biết đời sống trong Nam trước đây sung sướng lắm.
Rồi bằng giọng bùi ngùi, anh tiếp:
- Không lẽ tôi mong chồng các chị rục xương trong tù để các chị thuê xe tôi mãi. Nhưng ngày đoàn tụ của anh chị là ngày đói khổ của chúng tôi. Tôi xúc động thật sự trước lời tâm sự chân thành đó. Niềm thương cảm trào dâng, tôi thấy mắt mình cay cay, vội chớp nhanh để ngăn dòng lệ chực trào rơi xuống.

 Tôi quay lại nhìn chiếc lưng đẫm ướt mồ hôi của anh, đang gò người vượt trên con dốc lớn. Nắng gắt cháy da. Anh thở phì phò. Tôi mường tượng đến kiếp sống của loài ngựa kéo xe, mắt bị che chỉ nhìn thẳng rồi lao đầu tiến tới. Bao năm qua trong xã hội miền Bắc anh đã nhìn được gì ngoài thiên đường cộng sản chỉ nằm trong tranh vẽ. Sau 30.4.75 sự tiếp xúc với đồng bào miền Nam, điển hình qua những người thăm nuôi đủ nói lên rõ ràng trung thực nhất, bấy lâu anh đã bị lừa gạt bằng những lời hoa mỹ.


Tôi tới trại đúng 12 giờ trưa. Vẫn căn chòi lá ba gian quen thuộc hai phòng ngủ, một phòng khách ở giữa dành cho người thăm nuôi. Vẫn cổng rào với hàng chữ nho nhỏ: “Nhà đón tiếp gia đình trại viên”. Một vài người tù hình sự làm những việc lặt vặt quanh cái giếng nhỏ bên hàng giậu trước nhà. Nét mặt buồn, người xanh xao gầy yếu.

 Tôi trình giấy với ban quản giáo trại, rồi xuống bếp cách trại lá độ 100 thước làm gà (gà tôi mua dọc đường) nấu cơm. Hơn một tiếng sau thì chồng tôi ra tới. Dù thời gian gần đây được tiếp tế, thăm nuôi, ăn “ké” thực phẩm của bạn bè, chồng tôi vẫn không mập ra tí nào. Da cứ tái mét như người sốt rét, môi thâm đen. Chỉ còn ánh mắt và môi cười tươi là tôi an lòng. Chúng tôi được phép trò chuyện trong một tiếng, lẽ đương nhiên trong ánh mắt cú vọ của quản giáo Tuân đang ngồi ở góc phòng, vờ hí hoáy làm việc nhưng thực sự mục đích là để quan sát, theo dõi chúng tôi. Hết giờ, gã thúc hối kiểm tra quà cáp. Gã xục xạo thật cẩn thận từng món một từ hủ mắm ruốc đến gói thịt chà bông. Cuối cùng gã đẩy 10 ký mì ăn liền sang bên rồi nói:
- Dạo này trại cấm nấu nướng. Mì ăn liền không được nhận.
Tôi chưng hửng:
- Trời ơi, không lẽ tôi lại mang về? Nặng lắm. Tôi không xách về đâu. Rồi tôi năn nỉ:
- Anh thông cảm, tôi ra đây chỉ có một mình, trút được một lô quà tôi nhẹ người rồi, anh đừng bắt tôi ra về xách nặng nữa.
Gã lắc đầu:
- Không được đâu, vì hôm trước mấy anh nấu nướng suýt bị cháy nhà nên trại có lệnh cấm. Tôi mở gói mì, bốc một nhúm bỏ vô miệng nhai, giải thích:
- Đây là loại mì đã chín rồi. Nếu không cho nấu nướng thì chồng tôi sẽ ăn không vậy.

Rồi không để cho gã lên tiếng, tôi nói tới, giọng cương quyết:
- Xin anh cho chồng tôi nhận đi, anh ấy không nấu nướng đâu. Nếu anh ấy vi phạm anh cứ phạt học tập…
mút mùa! Tôi ở nhà lấy chồng khác!
Gã Tuân cười:
- Chị nói thật vui. Thôi tôi cho anh Lễ nhận 5 ký vậy.

 Tôi đẩy thêm 2 ký nữa còn 3 ký tôi nhìn gã Tuân nói:
- Tôi tính thế này nhé, chồng tôi nhận 7 ký còn 3 ký tôi biếu các anh.
Gã Tuân khua tay:
- Ấy chết. Cán bộ ai lại ăn của trại viên thế?
Tôi nài thêm:
- Anh cứ nhận đi mà. Tôi nhất định không mang về đâu. Tôi chỉ muốn về tay không thôi. Lẽ đương nhiên tôi biết gã không bao giờ giám nhận, dù lòng rất muốn. Tôi chỉ lấy cớ bỏ mì lại thôi. Gã không nhận tức là chồng tôi sẽ được. Đúng như tôi dự đoán cuối cùng chồng tôi đã mang vào được cả. Buổi chiều, lúc hết giờ lao động. Tôi gặp một số sĩ quan cải tạo luẩn quẩn ở quanh giếng đang rửa tay, rửa mặt. Tôi chạy ra. Các anh mừng ríu rít. Dù không quen, tôi vẫn cảm thấy gần gũi,
thân thương.

Các anh tíu tít:
- Chị ra đây bằng cách nào hay vậy? Gia đình tôi chưa ai thăm tôi cả.
- Anh Lễ thật may mắn, có chị lo chu đáo quá!
- Trại đang cấm nấu mì, chị nói sao mà anh nhận được cả thế?
- Cuộc sống Sài Gòn dạo này ra sao hở chị?
Bao câu hỏi dồn dập, thân tình, tôi cũng vơi đi nỗi cô đơn, lạc lõng.
Một người đến gần tôi nói nhỏ:
- Thấy chị vất vả lặn lội ra thăm anh mà chỉ nói được với anh một tiếng. Chúng tôi bố trí cho chị sáng mai, đúng 8 giờ, ở ngả ba trên đường về sẽ có một xe chở phân đi tới, anh đó sẽ hướng dẫn cho chị thăm lén anh Lễ ở chỗ lao động. Chị nhớ nhé! Tôi gật đầu, nháy mắt ngầm cảm ơn. Vừa lúc đó lão Tuân trong trại ra tới. Gã dừng lại ỡm ờ hỏi:
- Sao? Các anh và chị Lễ nói hành nói tỏi gì tôi thế?
Các sĩ quan cải tạo đồng thanh đáp:
- Có nói gì đâu, cán bộ.
Tôi mỉm cười:
- Vâng, các anh ấy nói hành nói tỏi với tôi rằng, ở trại 6 có cán bộ Tuân… dễ thương lắm! Người thămnuôi nào mà gặp ông ấy sẽ được dễ dàng, nói chuyện với chồng tha hồ, quà cáp mang ra bao nhiêu cũng
được nhận. Thế mà tới đây tôi có thấy ông… Tuân nào dễ thương đâu?
Mọi người cười xòa, gã Tuân cũng cười theo rồi bỏ đi. Các anh sĩ quan nhìn tôi rồi tiếp tục câu chuyện:
- Mai chị về, phiền chị cầm thư chuyển đến gia đình chúng tôi nhé. Và hướng dẫn gia đình tôi cách thức thăm nuôi. Chúng tôi đang cần tiếp tế lắm chị ạ.
Tôi gật đầu, nhìn dáng vóc tiều tụy xanh xao của các anh, những người đang trực tiếp gánh chịu khổ đau cảnh mất nước mà chua xót chẳng biết an ủi sao hơn. Một người lại nói với tôi:
- Cầm thư mong chị cẩn thận cho. Đừng để bắt quả tang, chúng tôi bị cùm chân đấy. Rồi mỗi người dặn tôi một câu:
- Sáng mai, thư của tôi đặt ở gốc cây bên cạnh ao kia kìa.
- Thư của tôi nhét trên mái lá, cửa nhà bếp.
- Thư của tôi giấu ở vách, phía phải phòng tiếp tân.
- Thư của tôi…thư của tôi… tất cả tôi ghi nhận rõ trong đầu.
Rồi như chưa an tâm về việc chuyển thư lén, điều nghiêm cấm của trại tù, các anh lại dặn thêm:
- Chị cẩn thận cho nhé, kẻo chúng tôi bị cùm chân.


Sáng hôm sau, nhớ những lời các anh dặn, tôi lững thững đến những địa điểm, giả vờ đi dạo mát rồi lấy những bức thư viết trong miếng giấy nhỏ, gom cả bỏ vào trong túi quần. Tôi vẫn có thói quen, khi may bất cứ một quần gì, dù là quần thường vẫn may một túi nhỏ, phía phải ngay trước bụng để bỏ những thứ lặt vặt khi cần thiết. Những bức thư nằm yên, tôi an tâm thong thả trở về phòng. Xem xét lại giấy tờ và những thứ lặt vặt cá nhân, nhìn đồng hồ đã gần khoảng 8 giờ, tôi ghé phòng tiếp tân chào lão Tuân và một vài cán bộ ngồi quanh đấy ra về. Vừa quay đi, lão Tuân gọi giật ngược:
- Chị Lễ, vào cho tôi xét hành lý!
Tôi có hơi giật mình, nhưng cố trấn tĩnh, thản nhiên bước vào.
- Chị có nhận thư từ của ai không? Gã nghiêm giọng hỏi.
- Tôi đáp cứng:
- Không!
Rồi đưa hành lý cho gã xét. Gã lục lạo một lúc, tìm ra hai mảnh giấy nhỏ. Đó là hai địa chỉ của hai sĩ quan cải tạo.
Tôi giải thích:
- Hôm qua, các anh cải tạo có nhờ tôi về nhắn gia đình ra thăm. Tôi không nhớ địa chỉ nên yêu cầu viết vào giấy thôi. Hành động này chỉ là nhân đạo. Nhân đạo thì không có tội, và nhân đạo rất hợp với chính sách của Cách Mạng. Gã lườm tôi, đưa mắt quét một đường từ đầu đến chân tôi rồi hỏi:
- Chị có giấu thư từ trong người không?
Tôi hơi khom người xuống để che phần thư từ phình một bên bụng, cương quyết nói:
- Không!
- Chắc không?
- Chắc!
Gã vẫn nghi ngờ nên dụ:
- Chị hãy thành thật khai báo. Cách Mạng sẽ nhân đạo khoan hồng.
Khoan hồng! thật là nhàm tai khi phải nghe luận điệu cũ rích trơ trẽn đó. Bao năm qua, những nhà tù nhan nhản từ Bắc chí Nam, người bị bắt không hề được đem ra xét xử, sống tủi nhục đọa đày hết tháng này qua năm nọ là chứng cớ rõ rệt nhất của cái gọi là “ chính sách nhân đạo khoan hồng” của bọn người tự xưng là “Cách Mạng”. Kinh nghiệm đau thương trong cuộc sống đang sờ sờ ra đó đã cho tôi bài học đích đáng về con người cộng sản. Xưa nay tôi không quen nói dối. Nhưng trong xã hội, nhà nước đối với dân lấy sự dối trá làm căn bản thì người thành thật sẽ là người bị thiệt thòi, dại khờ nhất. Tôi không muốn tranh cãi với phường giảo quyệt, nhưng ít ra phản ứng tự nhiên khi đứng trước kẻ thù cực kỳ lưu manh nguy hiểm tôi không còn thơ ngây, dễ tin đem lòng thành đáp lại kẻ dí dá lúc nào cũng luôn dối gạt tôi.Tôi nhìn gã lắc đầu:
- Tôi không giấu thư nào trong người cả.
Gã gắt lên:
- Nếu chị còn ngoan cố. Cách Mạng sẽ thẳng tay trừng trị.
Tôi vẫn không nao núng:
- Nếu anh không tin để chị kia xét người tôi đi.
Tôi đưa mắt nhìn người đàn bà đang ngồi sau lưng tôi, chị Luân, nữ công an của trại:
- Chị đưa tôi đi khám đi!
Nói câu này kể ra tôi cũng liều. Nhưng tôi đã định sẵn trong đầu. Nếu bị bắt quả tang, tôi viện cớ giúp người vì lòng nhân đạo. Bất quá tôi bị giam vài ngày, hoặc phải nghe mắng chửi vài câu. Chỉ tội các anh vi phạm, nếu lá thư bị phát giác, không chỉ bị cùm chân mà có thể bị phạt nặng nề vì giọng điệu “ác ôn, phản động” của bức thư (sau ngày về Sài Gòn, lúc mở thư xem địa chỉ để đi chuyển, tôi hoảng hồn vì lời lẽ của các anh viết):
- “…Anh bây giờ như nắm xương khô. Em ra chậm chỉ nhận xác anh thôi…”
“… Nếu em ra thăm, em nên mua một chiếc xe đạp. nghe nói trong ấy chỉ 200 đồng, ra đây thăm nuôi rồi em
bán được 400, gỡ tiền tàu xe em ạ…”
“…Ở trong trại lao động cực khổ lắm. Làm sao anh sống nổi với vài củ khoai lang hay vài khúc khoai mì…”
“… Anh nhớ em thật nhiều. Hôn em vạn cái để đền bù những ngày thiếu hụt phải xa nhau…”
“… Em đừng dại dột nghe lời xúi bậy đi kinh tế mới nhé…”
“… Em liệu gom góp bán hết đồ đạt lo cho thằng Tuấn đi đi…”

Toàn những tư tưởng…đáng chết! Thế mới biết cộng sản chỉ giữ được thể xác của các anh mà không giam được tinh thần bất khuất của các anh.
Cũng may, có lẽ vì đang vác bụng bầu, lại thấy tôi nói cứng, chị ta uể oải khoác tay:
- Thôi, cho chị về. Lần sau chị không được đi linh tinh nữa nhé.
Tôi hú hồn, chào mọi người trong phòng rồi vội vấ bước nhanh. Ra tới cổng tôi gặp vài sĩ quan đang lao động gần giếng. Các anh lấm lét nhìn tôi, âu lo như dọ hỏi. Nhưng tôi không giám nói lời nào, chỉ nháy mắt ra hiệu rồi
lầm lũi bỏ đi.


Con đường trước mặt dẫn về huyện Thanh Chương, qua khỏi hai ao lớn nuôi cá, nắng buổi sáng soi rõ nước đục ngầu, là đồi trà với hàng cây thẳng tắp, bao công lao bằng mồ hôi và sức lao động của người tù. Đối diện với đồi trà, bên kia đường là ruộng lúa và một khoảng đất rộng dành cho những vườn rau muống. Lẽ đương nhiên cũng là sức lao động của những người tù. Nơi đây tuyệt nhiên không có bóng dáng nhà người dân nào. Vài căn chòi
rải rác, chính là trạm gác, nhà ở của công an. Tới ngã ba đầu tiên, một xe cải tiến chở phân, đó là chiếc xe bò bánh gỗ có càng gỗ để người kéo, đang ngược đường lại phía tôi, người đàn ông gò lưng kéo phía trước và một người đẩy phía sau. Dáng người họ gầy gò, hai chiếc nón cố tình đội sụp xuống vẫn không che được khuôn mặt cương nghị, chịu đựng, với làn da xanh xao dưới mắt tôi. Họ đi bên kia đường, tôi đi bên này đường. Mắt họ
nhìn thẳng, vẻ rụt rè cẩn trọng. Còn tôi thì cứ chăm chú quan sát. Lúc khoảng cách gần nhất với tôi, người kéo xe
phía trước hỏi:
- Chị có phải là chị Lễ không?
Tôi gật đầu:
- Vâng.
- Chị quẹo về phía phải ngã ba đường, cách 100 mét, anh Lễ đang đợi chị ở đấy. 


Tran thi nhat hung (5)
Anh Trần Hữu Lễ lúc ra tù

Tran thi nhat hung (1)
Anh Trần Hữu Lễ lúc ra tù
Tran thi nhat hung (3)
Anh Trần Hữu Lễ đoàn tụ với vợ tại Thụy Sỹ
Tran thi nhat hung (4)
Anh Trần Hữu Lễ đoàn tụ với vợ tại Thụy Sỹ
Tran thi nhat hung (6)
Anh Trần Hữu Lễ đoàn tụ với vợ tại Thụy Sỹ
Tran thi nhat hung (7)
Anh Trần Hữu Lễ đoàn tụ với vợ tại Thụy Sỹ

Tran thi nhat hung (1)
Ông Bà Trần Hữu Lễ, Trần Thị Nhật Hưng
về thăm quê hương Quảng Ngãi đầu năm 2020



Tôi chỉ kịp cám ơn, chiếc xe đã vượt qua. Tôi quay đầu lại nhìn. Dù không đọc được con số hay vài chữ nhỏ sau lưng áo hai anh, tôi cũng đoán được đó là dấu hiệu đóng dấu thân phận của người tù. Tôi ngơ ngẩn nhìn theo mường tượng cử chỉ, hành động của hai anh và tôi vừa qua giống như phim gián điệp Hong Kong mà chúng tôi là tài tử đang diễn màn hoạt động giữa lòng đất địch. Tôi thương cảm hai anh, đứng tần ngần nhìn chiếc xe đã
khuất xa một lần chót, mới lững thững quẹo vào con đường tay mặt.

 Chồng tôi đang đợi tôi tự bao giờ. Sau lưng anh, những bạn tù lố nhố đang cắt cỏ làm phân xanh dưới chân đồi lá. Mọi người vẫn thản nhiên làm việc như
không có chuyện gì xảy ra. Còn tôi và chồng tôi gặp nhau trong hoàn cảnh đặc biệt, mọi tư tưởng không diễn tả được bằng lời. Tôi nắm tay chàng, mân mê đôi bàn tay xương xẩu gầy guộc. Phải cả phút sau chàng mới cất tiếng hỏi:
- Tình trạng gia đình và thực trạng xã hội bây giờ như thế nào hả em?

Tôi tóm tắt cho chàng nghe về một số khía cạnh sinh hoạt của gia đình, bằng hữu và xã hội. Cuối cùng tôi kết luận:
- Dân tình ở ngoài hiện nay đói khổ lắm. Ai cũng chán ghét chế độ và đang mong chờ một cuộc nổi dậy.
Chàng im lặng trầm ngâm, lắng tai nghe như uống từng lời. Chợt lúc đó một anh bạn tù từ trên đồi đá chạy xuống, hối hả nói với chúng tôi:
- Chị Lễ về ngay, có một tên công an đang đi tới.
Chúng tôi buông tay nhau. Chàng rẽ vào chỗ lao động, còn tôi tất tả men ra con đường cũ.

 Đi được một đoạn
xa, tôi gặp một tên công an đang đạp xe trờ tới. Thấy tôi, gã xuống xe và đứng chận trước mặt tôi, hỏi:
- Chị vào đây làm gì?
Tôi lắc đầu:
- Tôi có làm gì đâu. Tôi lạc đường nên muốn vào hỏi thăm.
Gã quát to:
- Lạc đường gì! Chị có ý đồ gì ở đây?
Rồi thản nhiên gã giựt túi xách của tôi lục soát, không thấy gì gã nhìn trừng trừng vào người tôi soi mói. Cũng may, những bức thư của các người tù tôi đã cẩn thận trao cho anh “tài xế xe đạp” vào đón tôi giữ giùm, nên giờ phút này tôi an tâm không lo sợ gì nữa.
Gã gay gắt:
- Chị có biết đây là vùng cấm không?
- Lẽ dĩ nhiên tôi không biết. Nếu biết tôi chẳng vào. Rồi tôi phân bua:
- Đầu đường tôi đâu thấy treo bảng cấm.
Gã lườm tôi:
- Chị đừng biện bạch. Mời chị vào văn phòng trại lập biên bản.
Tôi lắc đầu:
- Tôi có tội gì đâu mà phải làm biên bản.
Gã quyết liệt:
- Chị không được ngoan cố. Mời chị đi vào!
Tôi không thèm nói nửa lời, đứng ỳ ra. Lẽ dĩ nhiên, vướng chiếc xe đạp gã không thể kéo tôi đi được, mà cũng không thể vô cớ bắn tôi tại chỗ vì tội không đáng. Nơi đây vắng vẻ người qua lại, chỉ có tôi và gã. Nếu vì sợ lời hăm dọa, tôi theo gã vào trại, gặp gã Tuân mọi chuyện còn rắc rối hơn. Tôi để mặc cho gã la hét, quát tháo
gầm gừ như con cọp dữ, tôi vẫn đứng trơ như đá. Thấy tôi lì lợm, biết không làm sao hơn, trước khi lên xe bỏ đi,
gã hạ giọng hỏi tôi một câu:
- Hôm qua chị vào thăm ai thế?
Biết có giấu cũng không xong, vì lát nữa vào trại, gã truy ra cũng biết nên tôi đáp:
- Thăm anh Trần Hữu Lễ.
Gã gật gù:
- Được rồi. Lần sau chị không được phép thăm anh Lễ nữa nhé.
Tôi cũng gật:
- Vâng, ông an tâm. Tôi chẳng thăm nuôi nữa đâu, vì thăm nuôi mệt lắm.

Tuy nói vậy, nhưng một năm sau
đó, trước khi vượt biên bỏ nước ra đi, tôi thăm chồng tôi lần cuối. Lúc vào trại tôi bỗng giật mình hay rằng, đối với công an trong trại, tôi bỗng “nổi tiếng” với biệt hiệu “cái chị chạy linh tinh!”. Hôm gặp tôi lần thứ ba, mới thấy tôi, gã Tuân hỏi:
- Chị là chị Lễ phải không? “Cái chị chạy linh tinh” ra chỗ lao động thăm anh Lễ đây mà.
Tôi cười cầu hòa, nói một câu trách khéo;
- Đó không phải “tội” của tôi mà đó chính là “lỗi” của các anh. Từ Sài gòn hơn 1000 cây số lặn lội ra đây, các anh chỉ cho tôi thăm chồng một tiếng; nói chưa hết câu chuyện, tôi bắt buộc tìm ra chỗ lao động nói tiếp. Nếu các anh cho thư thả thăm nuôi, chúng tôi đâu quấy rầy thêm. Và tôi cũng định sẵn trong đầu. Nếu kỳ này vượt biên xui xẻo bị bắt giam, có cơ hội tôi sẽ nói một câu: “Đừng trách dân cái “tội” vượt biên mà hãy nhìn rõ cái “lỗi” của nhà nước, tại sao làm cho dân chán ngán phải liều mình
bỏ nước ra đi…?!

Trần Thị Nhật Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/11/2015(Xem: 4218)
Đã lỡ hứa với lòng là từ đây nhất định sẽ không viết chuyện tình nữa, nhưng có lẽ “mối dây ràng buộc của nghiệp trần duyên“ của tôi vẫn còn nên phải đành viết tiếp câu chuyện tình của Liên Hoa Hòa Thượng và nàng công nương em gái vua Gia Long. Thiên tình sử kéo dài đến 40 năm với một tình yêu độc đạo, nghĩa là đường yêu chỉ có một chiều. Nàng yêu đắng, yêu cay trong tuyệt vọng vị Hòa Thượng làm Tăng Cang chùa Thiên Mụ ở kinh đô Huế và cũng là sư phụ truyền Bồ Tát giới cho nàng. Để tránh mối tình ngang trái chỉ làm cản trở đường tu và sự trong sáng của mình, vị Hòa Thượng khả kính đã tìm cách trở về chùa xưa, Sắc Tứ Từ Ân ở Gia Định để tỵ nạn tình duyên. Nhưng Hoàng Cô - cô của vua Minh Mạng vẫn bám theo kiểu, cho dù chàng có đi đến chân trời góc biển nào, thiếp cũng khăn gói theo chàng.
24/10/2015(Xem: 6455)
Tại Hoa Kỳ, nếu nói về những người Mỹ gốc Việt đang thành danh trong ngành Luật và hành nghề Luật sư tại các Tiểu Bang khắp nước Mỹ thì thật là cả một lực lượng quá đông. Nhưng nói đến một nữ Luật sư có nhan sắc xinh đẹp, có nhiều tài năng đa dạng vừa là Luật sư xuất sắc kiêm Họa sĩ từng nhiều lần triễn lãm tranh sơn dầu vẽ kích thước lớn trên vải bố Cavas; và là một Thi sĩ có những bài Thơ rất hay đầy tính nhân bản, thật lãng mạn thì chắc chắn người ta phải nói đến Nữ Luật Sư JENNY ĐỖ tại San Jose, bắc California.
08/10/2015(Xem: 3969)
S au 5 năm, tôi trở lại thăm bạn lần thứ tư trên xứ người. Bước xuống phi trường, thấy bạn lững thững từ xa đi đến, bóng dáng lẻ loi nổi bật trên nền trời xanh biếc làm lòng tôi quặn thắt. Tôi biết bây giờ bạn là người cô đơn nhất, lòng đang chất chứa một nỗi u hoài. Còn tôi, cũng chỉ đến với bạn đôi ba ngày, có chăng cũng chỉ đem đến cho bạn vài nụ cười ngắn ngủi rồi đành phải chia xa!
02/10/2015(Xem: 3498)
Hôm nay tôi đến nhà người anh họ để dự đám giỗ mẹ của anh ấy (cũng là mợ của tôi), nhìn lên bàn thờ thấy khói hương nghi ngút, thức ăn, trái cây bày cúng ê hề, lòng tôi bỗng nhói lên một niềm cảm xúc. Thời gian trôi nhanh quá, mới đó đã mười hai năm. Nhớ lúc cha tôi vừa mất, khi chuẩn bị tẩn liệm cho người, mợ ấy đến nhìn mặt cha tôi lần cuối rồi khen rằng cha tôi chết không mất một miếng thịt (cha tôi mất đột ngột do tai biến mạch máu não), mấy tháng sau bắt đầu đến mợ ấy. Thế nhưng căn bệnh ung thư đại tràng đã hành hạ thân xác mợ gần một năm trời khiến mợ như chỉ còn da bọc xương.
01/10/2015(Xem: 8657)
Vạn Dặm Rong Chơi, Đường Rộng Mở _ Thích Từ Lực
14/09/2015(Xem: 3989)
Văn Nhân là văn sĩ nổi tiếng đã có vài chục tác phẩm xuất bản. Nếu như sinh ra ở Hoa Kỳ hay Tây Phương thì chàng ta đã trở thành triệu phú, đời sống đế vương. Thế nhưng thị trường chữ nghĩa của người Việt hải ngoại thì nhỏ, “văn chương hạ giới lại rẻ như bèo”, báo phát không, báo biếu, báo chợ, báo cắt dán khơi khơi đăng truyện của chàng mà không phải trả nhuận bút, nhà xuất bản kiếm được mớ tiền khi xuất bản sách của chàng…thế nhưng chính tác giả lại nghèo kiết xác.
08/09/2015(Xem: 4630)
Ông trời run rủi thật kỳ lạ, cho những người từ những phương trời xa lắc xa lơ bỗng nhiên gặp nhau, rồi cuộc đời ràng buộc với nhau ! Hôm đó trong văn phòng ông Paul, khoa trưởng trường đại học ở một tỉnh xa Paris, có ba người gặp nhau lần đầu : ông Paul, cậu Santy và Jean. Ông Paul người gốc Ba Lan, giòng dõi quý phái, theo cha mẹ lưu lạc sang Pháp. Ông học xuất sắc, đỗ đạt cao, làm giáo sư , rồi lên chức khoa trưởng kiêm giám đốc một trung tâm khảo cứu. Santy là một thanh niên người Lào, con nhà khá giả, được bố mẹ cho đi học bên Tây. Thông minh, chăm chỉ, đậu tiến sỹ rất sớm, cậu được nhận ngay làm giáo sư diễn giảng trong đại học ông Paul.
03/09/2015(Xem: 3624)
Tôi rất thích thiên nhiên. Dù đối với tôi, ở đâu, ngắn hay dài ngày, diện tích lớn hay nhỏ không quan trọng mà tôi luôn chọn cho mình một nơi trú ngụ có thiên nhiên. (Và yêu cầu thứ 2 là sạch sẽ). Điều mong muốn này không có nghĩa rằng tôi đòi hỏi cho mình vườn cây, hồ nước hay bể bơi. Cái mà tôi muốn nhất là khoảng không, là bầu trời. Dù ở căn hộ hay ở phòng thuê nhỏ xíu tôi rất thích có cửa sổ để ngắm trời xanh, mây trắng, và có thể thêm màu xanh của cây cối nơi xa xa…
28/08/2015(Xem: 4767)
Cải biên từ một bài hát, tôi xin đổi là: “Âu Châu có gì lạ không em? Mai em về còn nhớ gì không?”. Còn nhớ chứ, nhớ nhiều nữa là khác. Nhớ như một người yêu nhớ người tình. Và tôi đã nhớ gì, xin... thỏ thẻ cùng các bạn nỗi lòng của tôi nha. Âu Châu năm nay có hai sự kiện: * Sự kiện thứ nhất là khóa tu học hằng năm vẫn thường xảy ra tại một nước trong Âu Châu, không chỉ Phật tử khắp Âu Châu đều biết mà cả thế giới cũng có một số người quan tâm. * Sự kiện thứ hai độc nhất vô nhị thật đặc biệt chưa từng có trên thế gian này đã làm xôn xao khắp năm châu bốn biển đó là 4 đại lễ cùng tổ chức một lần tại chùa Khánh Anh, Paris. - Lễ Đại Tường Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm. - Lễ Khánh Thành Chùa Khánh Anh, Evry. - Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư (Ngày về nguồn 9) - Đại Giới Đàn Khánh Anh.
28/08/2015(Xem: 3548)
Chuyện sẽ không có gì để nói nếu hôm đó cô Susanne không mang mấy cánh hoa vào phòng làm việc của tôi. - Anh có muốn cắm mấy cánh hoa này trong phòng không? - Vì sao? Ở đâu cô có vậy? - Trong phòng họp ngày hôm qua, mấy người khách họ mang đến. - Sao tôi không thấy? - Tại tôi dồn hai bình vào một. - Vậy thì cứ để ở phòng của cô đi. Mấy cái hoa sẽ vui hơn khi nó ở trong phòng cô chứ? - Mới đầu tôi cũng nghĩ thế, nhưng ngày mai tôi bắt đầu đi nghỉ hè rồi. - Ừ thì cũng được, tùy cô. Nhưng cô nghĩ nên để ở đâu? - Trên bàn làm việc của anh, kế bên hình ông Phật đó. - Không được. Cô biết, hoa cũ và không tươi chúng tôi không mang cúng Phật đâu. - Thế anh muốn để đâu? - Ừ... để suy nghĩ!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]