Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ánh Đèn Mờ Trong Căn Bếp Nhỏ

30/11/201811:00(Xem: 3014)
Ánh Đèn Mờ Trong Căn Bếp Nhỏ

 Duc Phat Di Da


ÁNH ĐÈN MỜ TRONG CĂN BẾP NHỎ
Thích Nữ Huệ Trân

 

            Căn bếp nhỏ thì có gì để nói, nên ánh đèn mờ trong cái bếp không có gì để nói đó thì lại càng không có gì sáng sủa mà được nói tới!

            Ấy vậy mà ánh đèn đó, trong căn bếp đó đã bất chợt khiến Sư già thổn thức “A Di Đà Phật. Ôi, cảm động biết bao!”

            Sư già ở một mình trong căn hộ nhỏ đã hơn mười năm nay. Huynh đệ, bạn đạo gần xa cũng thỉnh thoảng ghé qua, hỏi thăm nhau sức khỏe thế nào, tu tập tinh tấn không …

            Tịnh thất quá đơn sơ nên Sư già cũng chỉ thường đãi khách bằng tinh thần như khi xưa thi hào Nguyễn Khuyến từng tiếp tri kỷ:

            “Đầu trò tiếp khách, trầu không có

            Bác đến chơi đây, ta với ta …”

 

            Mới đây, biết Sư già tịnh tu niệm Phật, có hai bạn trẻ, ngập ngừng mãi mới dám mở lời: “Thỉnh thoảng, ngày cuối tuần Sư cô cho chúng con tới thất, cùng niệm Phật, được không ạ? Vì ngoài giờ đi làm, chúng con cũng chỉ niệm Phật tại nhà thôi.”

            Và một sáng sớm, cái chuông cửa rất ít được xử dụng đã reo lên. Đó là hai người bạn trẻ xin đến cùng niệm Phật.

Sư già chia sẻ, tự tu tại thất nên Sư đơn giản lắm. Ngày hai thời công phu, mỗi thời tụng Kinh A Di Đà, niệm Phật, lạy Phật, đọc lời khai thị của các vị Tổ, sám hối, phát nguyện, kinh hành trong thất hoặc quanh khu chung cư.

Đó là thời khóa tự đặt ra để giúp mình không giải đãi, nhưng đã là hành giả tu pháp môn Tịnh Độ thì cố gắng trong mọi thời, mọi lúc, giữ chánh niệm trong sinh hoạt đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, đều duy trì tiếng niệm Phật trong tâm. Đó là rào cản đẩy xa vọng tưởng. Đó cũng là niềm an lạc vì cảm nhận luôn có Chư Phật gần gũi, và gia hộ.

Hai bạn trẻ chắp tay, nghiêm túc cùng vào thời khóa. Cả ba đồng thuận là khi niệm Phật sẽ niệm theo phương thức Thập Niệm KýSố, thay phiên nhau, mỗi người niệm mười tiếng, chia làm ba hơi 3-3-4:

A Di Đà Phật A Di Đà Phật A Di Đà Phật

A Di Đà Phật A Di Đà Phật A Di Đà Phật

A Di Đà Phật A Di Đà Phật A Di Đà Phật A Di Đà Phật.

 

Phương thức này đã giúp Sư già giữ được chánh niệm khi niệm Phật vì cần chú tâm niệm đủ mười tiếng, nhưng do chia làm ba hơi nên không mệt mà lại rất dễ tự kiểm, niệm một lúc là tự động nhận biết đang niệm ở hơi nào.

Sư lại đề nghị hai bạn trẻ, là để có thêm năng lượng, người trước dứt tiếng, không phải là hết phần mình thì dứt, mà hãy mang tâm mình, nương vào từng tiếng của người kế tiếp. Nếu nhiệt thành, rồi sẽ cảm thấy như mình chưa hề dứt, mà vẫn đang cùng niệm với bạn lúc nào không hay, dù không bằng âm thanh.

Đó có phải cũng là một trạng thái niệm mà vô niệm?

 

Văn hào Victo Hugo có nói một câu rất ý nhị, đại ý “Nghệ thuật có thể hình thành những vần thơ bay bướm, nhưng trái tim mới lưu lại những tác phẩm thi ca”.

Vậy, những gì thuộc lãnh vực tinh thần, ta có nên giảm bớt những hình thức không cần thiết để không gian thông thoáng hơn, tâm người thanh tịnh hơn, quán sát sâu sắc hơn?

Có lẽ nhờ sự vô tình đơn giản mà ánh đèn mờ này đã chợt bừng sáng trong tâm Sư già!

Hôm đó, sau thời công phu, lúc giải lao, hai bạn trẻ ngập ngừng mở một gói nhỏ. Đó là một bóng đèn loại mờ, cắm vào ổ điện nơi nào cần chút ánh sáng trong đêm tối.

Vừa đưa ra, người bạn trẻ vừa cắm vào một ổ điện trong nhà bếp, vừa nói: “Sư cô cho chúng con cắm thử bóng đèn này trong nhà bếp để buổi tối, nếu khi Sư cô ra bếp lấy nước uống hay cần chi nơi bếp thì có ánh đèn mờ vừa đủ, tránh vấp té trước khi bật đèn sáng trong bếp”

Sư già cảm động, nhìn ánh đèn mờ nhưng hữu dụng, mà chính mình chưa hề nghĩ đến, rồi lại nhìn hai bạn trẻ.

Nhưng tối hôm đó, khi ra bếp lấy nước thì ánh đèn đó không mờ như công dụng đặc thù của nó khi được tạo ra. Ánh đèn dường như sáng rực rỡ trong tâm Sư già, sáng tới mức dường như lan tỏa cả căn bếp nhỏ, cả căn hộ nhỏ …

Ôi, kỳ diệu thay khi Tình Đạo được hiển lộ trong Nghĩa Đạo thì Tình Nghĩa này sẽ tự nhiên vượt lên mọi tình nghĩa bình thường thế gian,mà đạt tới Tâm Đạo.

Từnhiều năm nay, bao người đã đến rồi đi, có ai quan tâm về một ánh đèn mờ trong căn bếp nhỏ có thể giúp người Sư già độc cư, tránh được vấp té trong đêm tối? Ngay chínhSư già, từng lần mò trong đêm, có lẽ cũng từng vấp té mà cũng không đủ quan tâm tới chính mình để mang về cho mình một sản phẩm quá thông dụng, bày bán khắp nơi!

Hai bạn trẻ chỉ mới đến thăm vài lần, nhưng đã nhận ra, và đã thể hiện Tình Sen Nghĩa Đạo, khiến ánh đèn mờ không chỉ thắp sáng mà còn khiến đôi dòng lệ hiếm hoi của tuổi đời quá thất thập cổ lai hy đã lặng lẽ nghẹn ngào, như tinh thần hai câu cuối trong bài thơ “Khóc Bạn”,cụ Nguyễn Khuyến đã viết  khi nghe tin cụ Dương Khuê vừa mất: “Tuổi già hạt lệ như sương. Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!”

 

Tối hôm đó, lấy nước uống xong, Sư già vén áo, lặng lẽ ngồi xuống bồ đoàn, trước ban thờ Phật. Chỉ ngồi xuống thôi, mà cũng chẳng nghĩ ngồi xuống để làm gì!

Bỗng dưng, ánh đèn mờ trong bếp như vừa đủ để Sư đọc được từ trong tâm, những nét chữ trong Tôn Kinh A Di Đà vừa tụng lúc công phu chiều.

Phải chi có hai bạn trẻ hiện diện phút này để Sư chia sẻ, là Sư không ngạc nhiên, cũng không hốt hoảng sao mình lại cảm nhận được như thế, mà điều này  chỉ giúp Sư liên tưởng tới hình thức tụng kinh cực kỳ tôn kính tại Tu Viện Quảng Đức, bên Úc, mà Sư vừa nghe nói. Đó là cuối tháng mười vừa qua, Thượng Tọa trụ trì đã hướng dẫn Lễ Pháp Hoa Kinh, mỗi chữ lạy một lạy (nghe file mp3).

Sư già đứng dậy, bật đèn ban thờ Phật, bật đèn sáng căn hộ, mặc áo tràng, đắp y, và ngồi xuống bồ đoàn, mở Kinh A Di Đà.

Chậm rãi đọc trang kinh đầu, Sư tự biết ngay là sức chưa đủ lực, tâm chưa  đủ định, để có thể tụng một chữ, lạy một lạy. Vọng sẽ chen vào quấy nhiễu và tâm sẽ không kết được từng chữ cho trọn ý nghĩa câu kinh. Nhưng ngay trên trang kinh đầu, Sư nhìn thấy những dấu chấm.

Đây rồi! Dấu chấm là biểu tượng vừa tròn ý của một câu. Vậy thì, cứ tụng từng câu, sau mỗi dấu chấm, Sư sẽ lạy xuống một lạy. Thật đơn giản, thật vừa với tâm lực và sức lực, mà cũng tôn kính biết bao! Chư Phật sẽ chứng giám cho.

Vừa nhận ra giải pháp này, Sư già hướng về tôn tượng Đức Quán Thế Âm, bên phải tôn tượng Đức Bổn Sư Thích Ca mà lạy tạ ơn ba lạy. Sư tin tưởng Đức Quán Thế Âm đã lắng nghe được nỗi lòng băn khoăn của chúng sanh mà chỉ dạy. Đừng ai hỏi Sư căn cứ vào đâu mà tin như thế, vì niềm tin này tự nhiên và trong sáng, như nhật nguyệt, nắng mưa, phải thời thì hiện. Sống một mình nhiều năm, Sư đã quen với sự thanh thản làm theo giác quan thứ sáu mà Sư tin tưởng có Chư Phật gia hộ và hướng dẫn.

Thời công phu chiều, thường là một tiếng rưỡi  đồng hồ, nay tụng Kinh A Di Đà, lạy xuống từng câu, Sư hoàn mãn công phu sau hai tiếng.

Tụng một thời kinh mà như được hai thời vì tụng xong một câu, khi chậm rãi cúi lạy thì dư âm câu kinh vừa tụng, theo năm vóc sát đất mà êm ả thấm vào huyết mạch hành giả, như gieo một hạt mà nở trăm hoa ….

Bất giác, Sư già chợt nhớ một lời dạy trong cuốn Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục mà Sư từng được nghe Giảng Sư khai thị “Khi bế quan dụng công, nên lấy chuyên-tinh-bất-nhị làm chính. Đóng cửa phương tiện, cự tuyệt sự vụ chẳng cấp bách, thật là hữu íchlắm thay!”

 

Ôi,

Chữ nghĩa vẫn nằm đó

Năm tháng vẫn trôi qua

Chúng sanh hờ hững quá!

Kho báu bụi phủ nhòa!

Tạ ơn thiện-trí-thức

Dẫn dắt kẻ nghèo cùng

Đến trước kho châu báu

Chỉ đường về Tây Cung.

  

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật.

Nam Mô Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.

 

Con xin quy ngưỡng thân tâm về ngày Lễ Vía Đức Phật A Di Đà, Giáo Chủ Cõi Tây Phương Cực Lạc.

 

Nam Mô Phương Tiện Thánh Cư Độ

A Di Đà Như Lai

Giải Thoát Tướng Nghiêm Thân

Biến Pháp Giới Chư Phật.

 

Thích Nữ Huệ Trân

(Tào-Khê Tịnh Thất – Những ngày tịnh tu, tháng 11-2018)

 

 

           

           

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/10/2010(Xem: 2361)
Hiện nay, truyền thuyết Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài được lưu truyền dưới nhiều hình thức nghệ thuật khác như kể chuyện, ca dao, truyền kỳ, kịch, khúc nghệ, âm nhạc, v.v
05/10/2010(Xem: 1963)
Năm Tiết Đào lên tám, một hôm vào mùa thu, Tiết Đào đứng chơi bên cạnh cha, gần một cây ngô đồng. Cây đã già, cành lá sum sê đứng sừng sững trước nhà...
05/10/2010(Xem: 2494)
Kiều bào hơn 30 quốc gia trên thế giới đã về Thủ đô nhân mùa lễ hội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà nội. Ngày 30/9, tất cả đã có mặt, và được đón về khách sạn Kim Liên. Ngày mồng 1 và mồng 2 tháng 10, tất cả các đoàn Kiều bào được tập dợt tại đường Bắc Sơn, sơ duyệt diễu hành tại Quảng trường Ba Đình. Và những ngày sau đó được Ban Tổ chức đưa đi thăm viếng thắng cảnh, các khu di tích có liên quan đến triều đại Thánh Vương Lý Thái Tổ.
04/10/2010(Xem: 1812)
Thôi Hộ, một danh sĩ đời nhà Đường (618-907), nhân dự hội Đạp Thanh đến Đào Hoa Trang, gõ cửa một nhà xin được giải khát. Một thiếu nữ đứng thập thò bên cửa...
02/10/2010(Xem: 2147)
Một đêm nọ, sư cụ nằm mộng thấy một người đàn bà dắt năm đứa con nhỏ đến trước mặt mình rồi vái lấy vái để, miệng nói: "Xin cứu mạng! Xin cứu mạng!". Sư hỏi người đàn bà...
30/09/2010(Xem: 7731)
Chúng sanh bị đọa địa ngục, đó là chúng sanh tâm bị đọa lạc vào địa ngục tham, sân, si phiền não. Muốn giải phóng chúng sanh tâm, phải dùng tự tánh Địa Tạng của chính mình.
27/09/2010(Xem: 5783)
Đức Địa Tạng là một vị đã chứng bực Đẳng Giác trải đến vô lượng A Tăng Kỳ kiếp rồi. Ngài có lời đại nguyện rằng: Nếu Ngài chưa độ hết chúng sanh, thì Ngài không chứng quả Bồ Đề, và nếu sự thọ khổ trong địa ngục hãy còn, thì Ngài thề không chịu thành Phật. Do cái bổn nguyện ấy, nên Ngài phân thân nhiều phen, đặng độ thoát hằng hà sa số chúng sanh đương tội khổ, trải đã không biết bao nhiêu kiếp rồi, mà Ngài cũng còn làm một vị Bồ Tát như vậy. Còn như nói đến tiền thân của Ngài từ khi chưa chứng quả vị, có kiếp Ngài làm con gái, có kiếp thì Ngài làm con trai, và cũng có kiếp Ngài làm vua nữa.
25/09/2010(Xem: 8016)
Nan-In, một thiền sư Nhật vào thời Minh - Trị (1868- 1912), tiếp một vị giáo sư đại học đến tham vấn về Thiền. Nan-In đãi trà. Ngài chế một cốc đầy và vẫn tiếp tục rót.
10/09/2010(Xem: 50645)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (quyển 3) Vào thời không có đức Phật Chánh Đẳng Giác ra đời, tại vùng Allakappa bị dịch bệnh hoành hành, lây lan từ người này sang người khác, nhà này sang nhà khác làm cho rất nhiều người chết, đói kém xảy ra khắp nơi. Những người còn mạnh khỏe, chưa bị lây nhiễm
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567