DÒNG CAM LỘ BAO ĐỜI VẪN CHẢY …
Giữa tháng 11 năm 2007, khi tôi đang nhập chúng, An Cư Kiết Đông tại Làng Mai, Pháp quốc, chờ được thọ giới Sa-Di-Ni trong Đại Giới Đàn Thanh Lương Địa, thì gia đình gửi điện sang, cho biết đã tìm được một chỗ khá tươm tất theo nhu cầu và khả năng của tôi, nhưng phải trả lời ngay trong vòng 24 tiếng!
Số là, sau khi chính thức xuất gia giữa tháng 8 năm 2007, tôi gom góp những gì còn lại, nhờ gia đình tìm một nơi cư ngụ trong khu chung cư nào xa nơi ồn động, để từ phòng trọ, sẽ dọn về đó “định cư”.
Nhưng trong suốt hơn 2 tháng tìm kiếm mà không được. Cái hợp với nhu cầu thì không đủ khả năng; hoặc ngược lại! Ngày lên đường qua Pháp, tôi nghĩ, chắc còn ở trọ dài dài …
Qua điện thư báo tin về nơi cư ngụ tương lai, gia đình cũng cho biết vài chi tiết. Đó là căn hộ một phòng, ở tầng dưới, trong khu chung cư không xa trung tâm, nhưng lại rất yên tĩnh, đa số cư dân là gốc Nhật Bản và Đại Hàn. Nội thất đã sẵn mọi tiện nghi do chủ cũ để lại, nhà bếp, phòng khách, phòng ngủ gọn sạch, lại có phòng giặt riêng, là điều ngoài mong ước, và một hàng hiên vừa đủ đón nắng ban mai cho những chậu Bonsai reo vui, nhảy múa.
Nơi lý tưởng như thế, lại vừa với túi tiền, vì đó là căn hộ nhà băng đang rao bán đấu giá. Gia đình đến ghi danh cho tôi thì đã có năm người tới trước. Nhưng rồi, cả năm người đó, không biết thiếu điều kiện gì mà khi làm việc với nhà băng thì đều rớt đài, nên tôi mới có cơ hội. Tôi gửi điện về cho gia đình là không cần tới 24 tiếng mới trả lời, mà hãy tới làm thủ tục ngay đi, hy vọng mình không là người thứ sáu bị từ chối.
Và tôi đã hội đủ tiêu chuẩn nhà băng đưa ra để sẽ làm chủ một nơi tôi chưa từng nhìn thấy!
Cũng lạ!
Từ Pháp về, tôi hoàn tất ngay những thủ tục giấy tờ nào còn lại, mà người đại diện không thể đại diện, để nhận chìa khóa căn chung cư.
Cảnh trí đầu tiên đánh động tâm tôi là dòng suối nhân tạo chảy ngang ngay trước lối vào nhà. Đây là chi tiết bất ngờ, vì không được gia đình mô tả trong điện thư, có lẽ vì nội thất mới quan trọng chứ cảnh ngoài, tả làm chi!
Tiếng suối róc rách, êm ả, như có mãnh lực dán cứng tôi trên lối sỏi. Cây cối, lá hoa hai bên suối được chăm sóc khá sạch sẽ, gọn gàng. Chúngthân thiện với nhau bằng một cầu gỗ nhỏ, bắc ngang qua. Dưới lòng suối là những tảng đá đủ cỡ lớn nhỏ tạo thành bức họa thiên nhiên không thể hoàn mỹ hơn với cư dân trung lưu trong vùng.
Ngay khi đó, trước khi bước vào nhà, tôi đã biết tôi sẽ đặt tên nơi cư ngụ này là Tào-Khê Tịnh Thất.
Tôi gọi như vậy chỉ vì có dòng suối róc rách ngày đêm đã khiến tôi liên tưởng tới suối Tào-Khê chảy ngang Nam HoaThiền Tự, tọa lạc tại tỉnh Tào Khê, bên núi Song Phong, huyện Khúc Giang, thuộc Quảng Đông, Trung Quốc.
Chính nơi đây, Lục Tổ Huệ Năng, vị Tổ đời thứ sáu của Thiền Tông Trung Quốc đã dừng chân, lập nên Thiền Tông Nam Phái, trao truyền những tinh hoa cực kỳ toàn hảo, lấy Vô Niệm làm Tông, Vô Tướng làm Thể, Vô Trụ làm Gốc, đem lại niềm an lạc kỳ diệu cho hàng triệu người đã tới thọ pháp và đạt được giải thoát, giác ngộ.
Cổng Tam Quan Chùa Nam Hoa,
Tổ Đình Tào Khê ở Quảng Đông, Trung Hoa
Qua bao thế kỷ, tinh thần “Tức Tâm Tức Phật”vẫn không ngừng phát triển khắp năm châu. Thiền vị từ dòng suối Tào Khê đó đã tùy thời, tùy duyên mà uyển chuyển tuôn chảy.Ngay tại Việt Nam, ở miền Bắc, Thiền Tào Động đã sớm được truyền thừa tại chùa Trấn Quốc, chùa Hòe Nhai. Vào miền Trung, dấu ấn của phái Lâm Tế Chúc Thánh cũng đã in đậm ở chùa Từ Đàm, chùa Chúc Thánh; phái Lâm Tế Liễu Quán thì nở rộ thiền lực từ Huế, qua Nha Trang, Hội An, Sài Gòn, Đà Lạt ….. Nhiều thập niên qua, âm thanh kỳ diệu của dòng Cam Lộ đó cũng ngân vang qua thi kệ Làng Mai, một tăng đoàn mang hành trang “Hiểu và Thương” đã và đang có mặt khắp hoàn vũ để chia sẻ và xoa dịu thương đau cho bất kỳ sắc dân nào, mầu áo nào có đủ duyên gặp gỡ:
“Tào-Khê một dòng biếc
Chảy mãi về phương Đông
Quan Âm bình nước tịnh
Tẩy sạch dấu phong trần
Cành dương rưới Cam Lộ
Làm sống dậy mùa Xuân
Đề hồ trong cổ họng
Làm lắng dịu muôn lòng
Nam Mô Bồ Tát Cam Lộ vị
Nam Mô Bồ Tát Cam Lộ vi
Tượng đài về biểu tượng Y-Bát của Lục Tổ Huệ Năng
do Sư Phụ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền lại, được tôn trí trước Tổ Đường
ở Chùa Nam Hoa, Quảng Châu, nơi phát tích dòng thiền Tào Khê
(xin mời xem thêm hình ảnh phái đoàn hành hương
Tu Viện Quảng Đức viếng thăm nơi chốn Tổ này)
Còn dòng suối Tào Khê chảy ngang Nam HoaThiền Tự thì sao?
Nước suối Tào Khê đó đã thực sự là nước Cam Lộ mà hàng năm, những hành giả đến thăm nơi xưa, đắm chìm trong niềm cung kính hoài tưởng vị Tổ đã dẫn dắt muôn người giác ngộ, không thể không đón nhận một tách trà được pha từ nước suối Tào Khê. Một lần, vâng, dù chỉ một lần được nếm vị Cam Lộ đó thì dư hương kỳ diệu sẽ xông ướp vào những thời thiền tọa, dù hành giả đang hành thiền nơi đâu, trên trái đất này.
Theo lời chia sẻ của những hành giả đã tới, rồi đi, thì cảm xúc đích thực này chỉ chính hành giả đó mới cảm nhận hết. Khi kể lại chỉ là tương đối qua âm thanh cao thấp; viết lại, chỉ là ngôn từ giới hạn trên mặt phẳng của giấy mực chứ không thể thuần khiết là điều kỳ diệu lung linh trong chiều sâu tâm thức nữa!
Làm sao mà ngôn ngữ thế gian có thể diễn tả trọn vẹn sự hài hòa của Y Báo và Chánh Báo!
Trở lại dòng suối trước tịnh thất tôi. Tuy chỉ là suối nhân tạo, nhưng tiếng nước róc rách len qua những tảng đá chênh vênh thì ai tạo?
Người tạo được suối nhưng không tạo được âm thanh này. Tiếng róc rách, êm ả, nhẹ nhàng này là do nước và đá tạo ra. Nước có mời gọi và đá có đáp lại không, mà âm thanh đã thể hiện tấm lòng tri kỷ của Bá Nha-Tử Kỳ! Ôi, chỉ nước và đá biết mà thôi. Mênh mang trời đất có lẽ cũng còn bao lặng thầm tri kỷ mà ta chưa nhận ra để trân quý, để đồng hành! Thương thay!
Hình ảnh tại Tịnh Thất Tào Khê
của tác giả tại miền nam California, Hoa Kỳ
Một lần, sau khi quét lá sân trước, tôi đã ngồi khá lâu bên bờ suối và lẩn thẩn cảm nhận như thế. Dòng suối gần hàng hiên đến mức ngồi bên hiênnhững sớm mai, khoanh chân kiết già trước tôn tượng Bổn Sư Thích Ca, hay khi chiều xuống, niệm Phật thầm trước tôn tượng Phật A Di Đà, tôi cũng nghe rõ tiếng nước chảy; nhưng chỉ khi vừa nghe, vừa quan sát tôi mới nhận ra như thế. Nước, chất lỏng không nắm bắt được, và đá, chất cứng giữ chắc trong tay, hai loại tương phản, khi hài hòa lại có thể tạo thành tuyệt tác phẩm mà những gì đồng loại chưa chắc đã tạo được!
Tiếng suối róc rách đó cũng giúp tôi thường nhớ lời nhắc nhở của Đại Lão Hòa Thượng Hư Vân, là những hành giả chuyên tu niệm Phật phải giữ câu niệm Phật như dòng nước, cứ rỉ rả liên tục chảy hoài, mới mong đạt tới nhất tâm bất loạn.
Tiếng suối từ con suối nhân tạo này cũng đã vô tình trợ lực cho tôi trong những thời công phu tĩnh lặng để thoảng hoặc, bất chợt nghe được tự cõi lòng mình từ những lời không nói, khóc được tự cõi lòng mình bằng những hạt lệ không rơi …… để rồi quỳ xuống cảm tạ Chư Phật đã ban cho những sát na “Bất khả tư nghì”như thế.
Thấm thoát, tôi đã gắn bó với Tào-Khê Tịnh Thất hơn 11 năm và cư dân trong chung cư, khi đi dạo, dừng lại bên hiên, thích thú nhìn ngắm những chậu Bonsai, cũng đã đủ thời gian để họ biết, sau những cây kiểng là tôn tượng Chư Phật mà tôi cung kính bái lạy mỗi sáng sớm, khi mở cửa chàomột ngày mới. Tôi thật cảm động khi thỉnh thoảng, từ sau rèm cửa trong nhà nhìn ra, bất ngờ thấy khách dừng chân, không chỉ ngắm cảnh mà còn hướng về tôn tượng, chắp tay xá Phật.
Những điều thầm lặng cảm nhận khiến tôi càng thương Tào-Khê Tịnh Thất hơn và nghĩ rằng mình sẽ trụ nơi đây cho tới ngày rời Cõi-Tạm-Ta-Bà này.
Nhưng vừa khởi nghĩ thế, bỗng giật mình tưởng như lời Lục Tổ đang phảng phất trong làn gió thu sang “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”.
Ôi, cái tâm phàm phu còn vướng cảnh, lụy tình là còn tu, còn sửa, còn chỉnh đốn dài dài …..
Ai đó có nói, muốn “chỉnh”, phải mạnh mẽ “đốn”.
Nên lại tự an ủi rằng, cũng may còn nhận ra cái tâm “ưng trụ” để mà chỉnh đốn!
TN Huệ Trân
(Tào-Khê Tịnh Thất – Thu chí, Mậu Tuất niên)