Tự truyện
của một người mới tu học
• Trần Thị Nhật Hưng
Bị xổng một lần trong khóa tu học kỳ 6 tại Bỉ, vì chọn ngày hè trật đường rầy (hãng tôi làm việc phải chọn hè từ đầu tháng 2); năm sau, tôi quyết tâm canh ngày giờ cho đúng để tham dự cho bằng được khóa tu học kỳ 7 tại Đan Mạch, do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu tổ chức.
Vì là lần đầu tiên, tôi lọng cọng bỡ ngỡ rất nhiều từ việc tàu xe cho đến việc tu học; nhất lại sau khóa học một tuần, tôi còn tiếp tục đi Na Uy thăm bà con sau hơn 20 năm xa cách. Nhưng rồi cuối cùng việc đâu cũng vào đấy. Đúng 20.7 tôi khăn gói lên đường.
Ngôi trường tu học tọa lạc giữa cánh đồng vàng tại một miền quê hẻo lánh của thành phố Horsen Đan Mạch. Trong khung cảnh thiên nhiên, yên tĩnh, xa lánh mọi cám dỗ của phố phường thật là môi trường thích hợp để cho ta tịnh tâm tu học.
Tôi đến nơi vào xế trưa thứ sáu của một ngày nắng đẹp, rực rỡ, sau hơn 18 tiếng xe lửa khởi hành từ St. Gallen, Thụy Sĩ. Đến nơi, người chưa mấy đông, trên dưới khoảng 50 người đa số là Phật tử tại địa phương đến để sửa soạn phòng ốc. Chưa quen ai, tôi có hơi bỡ ngỡ lạc lõng lúc ban đầu; đứng xớ rớ, đi ra đi vô, tôi cảm thấy tôi vô cùng thừa thãi; muốn làm một việc gì đó, muốn tiếp tay giúp ban tổ chức nhưng chả ai "thuê". Thế là, tôi buồn tôi đi lang thang. Loanh quanh một vùng trong sân trường. Khuôn viên khá rộng. Phòng ốc tuy nhiều nhưng rải rác đó đây. Ở cuối sân trường, một bãi cỏ xanh dành cho Gia Đình Phật Tử cắm lều. Chiều đến, người người lũ lượt tụ về. Càng lúc càng nhiều hơn. Chả mấy chốc số người tham dự đã lên tới gần 300.
Sau khi nhận phòng, đóng tiền lệ phí, văn phòng trao cho tôi một phiếu ghi danh. Cũng như những thủ tục nhập học thông thường phải điền tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, địa chỉ v.v... có mục chọn cấp học làm cho tôi khựng lại. Có hai cấp: cấp một và cấp hai. Cấp một, lẽ đương nhiên thuộc vỡ lòng A, B, C... rồi. Tôi đoán mò, cấp này chạy không khỏi tiểu sử Đức Phật Thích Ca, Tam Qui, Ngũ Giới... những điều sơ đẳng mà hồi 8 tuổi khi gia nhập Oanh Vũ Gia Đình Phật Tử lúc còn ở Việt Nam tôi đã học qua và bây giờ thỉnh thoảng đến chùa, tôi vẫn nghe quí Thầy nhắc đến. Học lại những điều đã biết, không gì chán bằng! Nhưng nếu chọn cấp 2 cao quá không hiểu gì cả, ngồi ngáp ruồi, bơi lõm bõm thì cũng chẳng thích thú chi. Cuối cùng, chả lẽ cứ mãi là gạch nối nằm giữa hai cấp. Thôi thì, một liều ba bảy cũng liều, tôi quyết định ngồi lớp hai, học không nổi thì tuột xuống lớp một. Đi xuống vẫn dễ hơn đi lên mà. Hơn nữa, tu học là tu cho mình chứ chả cho ai, nên quí Thầy cũng không khó dễ, hạch sách, khảo sát khả năng gì.
Chương trình học mỗi ngày ba buổi. Mỗi buổi hai tiếng: Sáng, trưa, tối. Tụng kinh hay giờ ăn cũng thế.
Giờ học đầu tiên, đề tài "Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam Trước Thế Kỷ 21" do Thầy Quảng Ba từ Úc sang phụ trách. Đề tài có tính cách xã hội, thực tế, sống động nên vô cùng... dễ hiểu.
Giờ kế tiếp của Thầy Nhất Chân. Thầy dạy một cuốn kinh có tính cách chuyên môn, tựa đề: "Kinh Bất Tăng, Bất Giảm". Buổi đầu tiên Thầy cũng chỉ tâm tình, vui nhộn rồi cũng nói sơ qua về môn học. Tiếp đến nữa là giờ của Thầy Quảng Bình rồi đến Thầy Trí Minh... Nhìn chung chung, quí Thầy cũng chỉ giảng về chuyện đạo liên quan với đời sống, xã hội bên ngoài. Có gì khó đâu? Dễ... ợt hà! Nhưng, (chữ "nhưng" thật là quái ác) nhưng nếu chỉ nói "dễ" thôi, thì giáo lý của Đức Phật còn gì cao siêu thâm thúy để ta tìm tòi học hỏi nữa?!
Những buổi học đầu, tôi lâng lâng thích thú như kẻ lội nước gần bờ, nhìn đáy cạn qua dòng nước trong mát mà khoan khoái bơi dần ra khơi. Thừa thắng xông lên, tôi ngồi luôn lớp hai, không nghĩ tuột xuống lớp một nữa.
Người đời vẫn bảo: "Bể học mênh mông". Triết lý của Đức Phật vốn sẵn thâm sâu nên cũng mênh mông. Càng bơi ra xa, tôi mới thầy đáy sâu thăm thẳm, đen ngòm. Khi giật mình hiểu ra vấn đề, muốn quay trở lại thì sức đã tàn, hơi đã kiệt, tôi cứ bơi lõm bõm ngoài khơi trước khi chìm dần trong đáy nước.
Những buổi học kế tiếp, ngoài các giờ phụ giảng (dạy ít buổi hơn) của Thầy Như Điển, Thầy Minh Tâm, Thầy Trí Minh v.v... không vấn đề gì; còn hầu hết là giờ của Thầy Quảng Ba và của Thầy Nhất Chân. Như vừa nói ở trên, Thầy Nhất Chân giảng dạy một cuốn kinh. Những danh từ chuyên môn như: "Bất Khả Tư Nghì", "Như Lai Tạng Bổn Tế Tương Ưng Thể", "Giới Cấm Thủ Kiến", "Kiến Thủ Kiến", "Diệt Kiến", "Thân Kiến, Biên Kiến, Nhất Thiết Kiến", "Chánh Kiến, Tà Kiến"; ... Ô la... la... toàn Kiến! Cả một tổ kiến (!) mới nghe qua tôi đã thấy chóng mặt! Càng đào sâu vào, tâm thần tôi - một tâm thần vốn dĩ ngầy ngật vì thiếu ngủ - như lơ lửng lạc vào sương mù. Ngồi trong lớp học, thỉnh thoảng tôi cứ gật lia, nhưng tôi vẫn cố giương mắt, nghểnh tai cố gắng nghe để thu thập được chút nào hay chút ấy, đôi khi tôi muốn tụt xuống cấp một, nhưng nghĩ sao tôi lại thôi. Tuy vậy, cái không khí được ngồi trong lớp học, tìm lại khung cảnh ngày xưa thuở còn cắp sách đến trường giành ghế, giành chỗ tôi thấy vô cùng vui nhộn. Tôi có tật thích ngồi bàn đầu và đầu bàn (dù học dốt), trong tình trạng này có khác nào "lạy ông con núp chỗ này" để cho Thầy thấy rõ mình đang ngủ gật. Thật ra giành chỗ, tôi cũng có lý do. Mắt tôi cận thị nặng, nếu không ngồi bàn trên, làm sao nhìn bảng để hiểu bài. Cái cảnh "xí chỗ" làm cho tôi buồn cười. Không chỉ có mình tôi mà những người xung quanh: các cụ ông, cụ bà, các cô, các cậu, cứ đến gần giờ học là ai nấy, kẻ máng áo xí phần, người đặt tập trên bàn làm dấu. Tôi bỗng thấy tâm hồn mọi người trẻ thơ, trẻ như cỡ 15, 16 tuổi! Mà ngủ gật, tôi cam đoan cũng không chỉ mình tôi. Thỉnh thoảng tôi đưa mắt lấm lét nhìn người đối diện, tôi cũng thấy mắt họ lừ đừ rồi bất ngờ gật một cái. Tôi cười thầm trong bụng. Và chính quí Thầy lâu lâu vẫn hỏi cả lớp: "Chắc tối hôm qua bà con ít ngủ?". Hẳn là vậy rồi. Ngủ sao được trong trạng thái lâng lâng, rộn ràng của không khí quây quần chả mấy khi có cơ hội gặp gỡ tâm tình với người đồng hương?! Đó là tôi chưa kể thời gian thiếu ngủ vì thức khuya dậy sớm (học giáo lý đến 11 giờ tối, 6 giờ sáng phải có mặt tại Chánh điện tụng kinh).
Tuy nhiên, có một điều đáng khích lệ ở đây là tinh thần ai nấy rất chịu "tu", chịu ghép mình vào khuôn khổ của tổ chức. Nếu không vậy, giành chỗ học để làm gì? và buổi học, giờ tụng kinh nào cũng đông nghẹt, đúng giờ và trật tự. Riêng tôi, tôi không bỏ sót giờ học nào, cố tham dự hầu hết các mục sinh hoạt của khóa tu học, kể cả sinh hoạt thanh niên với anh em Gia Đình Phật Tử.
Ở cái tuổi "già chưa tới, trẻ không còn", già nhất trong giới trẻ, trẻ nhất trong giới già, tôi là cái gạch nối giữa hai giới. Thêm vào đó với bản chất "bà cụ non", cụ cũng được mà non cũng xong, nên tấp vào phía nào tôi không bị bơ vơ lạc lõng. Bỏ giờ nghỉ trưa, mặc dù buồn ngủ, thiếu ngủ trầm trọng (lỗi này tự mình còn than nỗi gì), tôi ra tham dự "trò chơi" với các anh em Gia Đình Phật Tử.
Trên sân cỏ rộng mượt mà núp dưới một tàng cây lớn, được bao bọc xung quanh bởi những chiếc lều đầy màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng..., những tiếng cười, tiếng hát, tiếng reo hò của hơn một trăm mái đầu đủ mọi lứa tuổi đến từ nhiều quốc gia: Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Na Uy, Hòa Lan, Đan Mạch v.v... vang vọng một vùng. Lâu lâu lẫn trong tiếng gió hiu hiu, tiếng ríu rít của đàn chim bay lượn đùa giỡn trên cành cây, tiếng réo gọi nhiều lần có vẻ "năn nỉ" của chiếc loa phóng thanh: "Ban nhà bếp thông báo, ban nhà bếp thông báo, xin mời anh em Gia Đình Phật Tử, ngay bây giờ, ngay bây giờ trở về phòng ăn để ăn chè - Ở cuối câu còn thòng theo lời "hăm dọa"; kẻo hết!", làm ai nấy cười xòa. Anh Lộc, người hướng dẫn trò chơi, cười nói: "Lực lượng anh em mình hùng hậu, mình không lên thì chè chỉ còn nước ế! Đừng sợ!".
Nhưng sinh hoạt sôi nổi, rộn ràng nhất vẫn là mục chuẩn bị thi đua văn nghệ cho chương trình văn nghệ tối thứ năm, cuối khóa. Từng đội trở về bàn bạc. Tôi được ghép vào đội "Chánh Tư Duy", một trong tám đội của "Bát Chánh Đạo", mỗi đội khoảng 13, 14 người. Ngồi quây quần bên nhau trên sân cỏ mượt, cùng nhau chia xẻ nỗi lo lắng của nhau, tình thân con người như xích lại. Đây là cơ hội gần gũi để thắt chặt, quen và biết rõ nhau hơn. Trong đội, tôi "già" nhất, thêm lời "quảng cáo" của Trần Bảo Ninh ở Thụy Sĩ tôi là "cây văn nghệ xanh lè" nên các em hướng mắt về phía tôi, trông đợi. Cũng may, trước lúc đi, tôi mang theo một băng nhạc vũ, dự định sang Na Uy sẽ giúp các con, cháu của Tiến, người bà con của tôi, đang làm Chi Hội Trưởng Hội Phật Giáo tại Stavanger, khi cần. Bài vũ còn mới toanh, tôi cũng vừa tập xong cho thiếu nhi tại Thụy Sĩ nhân dịp Tết Trung Thu. Nay có cơ hội sử dụng thật vô cùng thuận lợi. Chỉ ngặt bài múa cần 8 cô, mà đội tôi chỉ có 3 gái. Tôi mang nỗi thắc mắc, bày tỏ cùng các em:
- Ta có thể "mượn" thêm 5 cô của đội khác được không?
Nhiên, đội trưởng của đội, lắc đầu:
- "Mượn đồ" thì được, chứ "mượn người" thì không. Với lại như thế đâu còn danh nghĩa của "Chánh Tư Duy" nữa.
Chợt một ý nghĩ lóe lên, tôi chưa kịp nói ra, Thịnh - một đoàn sinh - cất tiếng:
- Hay để tụi em giả gái múa chung với 3 cô.
Thật là "hai tư tưởng lớn" gặp nhau. Tôi biểu đồng tình, còn giải thích thêm:
- Đúng vậy. Sẵn không có quần áo vũ để tô chuốt hình thức bên ngoài cho đẹp, cho hay, ta múa giễu để chọc cười thiên hạ vậy.
Còn kịch, theo tôi, vốn dĩ thường phản ảnh đời sống xã hội, nên tôi đưa ý kiến với các em dựng lên những tiểu tiết sinh hoạt của những ngày tu học. Vấn đề là phải biết chọn những tiểu tiết nào nối kết lại sao cho mạch lạc tựa như những viên ngọc khéo xâu để trở thành đồ trang sức. Rồi tôi gợi ý các em nên làm như vậy... như vậy... như vậy...
Thảo luận xong đâu vào đấy, cũng như các đội khác, đội tôi tìm phòng tập dượt.
Ngày trình diễn, mặc dù kết quả của đội Chánh Tư Duy rất thành công theo ý muốn: Tạo được những tràng cười trào lộng, cười bò lăn, nghiêng ngửa, cười đến độ át cả tiếng nhạc rập rình sống động vui tươi của bản nhạc các em đang múa, vậy mà... Buổi hôm sau, tình cờ đang trò chuyện với anh Lộc, xướng ngôn viên chương trình, một bà cụ xà lại phía chúng tôi, khèo nhẹ vai anh Lộc, nói:
- Nì, ai là người chịu trách nhiệm sắp chương trình văn nghệ tối qua vậy? Sao không kiểm soát trước khi trình diễn để cấm cản những màn vũ "nham nhở" giả gái rứa?
Thôi rồi, đụng phải "bà già trầu" thứ thiệt! Một bà cụ chính gốc "con nai vàng"! Một bà cụ tận cùng số của phái đẹp lão! Cụ không hề biết "vũ sư", người gây "phiền não" một trong "sáu căn" của cụ đang hiện diện trước mặt, cụ thản nhiên, tiếp:
- Có quí Thầy đang ngồi đó, múa chi mà "khiêu gợi" rứa!
Tôi suýt phì cười. Những bắp chân cuồn cuộn thô kệch đầy lông lá của những cậu con trai, hở hang qua những chiếc váy đầm củn cởn mà... khiêu gợi được quí Thầy sao?! Rồi bằng cái nhìn "Phật tính", tôi nghĩ: "Pháp thân tu hành đạt tới Bồ Tát hay Như Lai Tạng thì tâm sẽ tĩnh lặng không còn phiền não". Lời của Thầy Nhất Chân, nhắm mắt ngủ gật, tai tôi vẫn còn nghe rõ. Hé mắt ra, nhìn lên bảng, một đồ thị đã được thiết lập; Những làn sóng hung hãn trôi nổi bềnh bồng; Sóng thần biểu hiện "Như Lai tại triền" tức chúng sinh còn "vô minh". Những làn sóng lăn tăn, nhấp nhô, nhẹ nhàng là hình ảnh biểu tượng Bồ Tát. Một đường thẳng phẳng lặng an bình, tâm Phật xuất hiện... Quí Thầy chưa là Bồ Tát hay Như Lai Tạng, nhưng ít ra quí Thầy đang là những bậc tu hành đâu chấp nhất những trẻ ham vui; nhất lại buổi văn nghệ có tính cách sinh hoạt giải trí, không nặng phần trình diễn?! Tuy nhiên trước lời phàn nàn của bà cụ, lòng tôi cũng thấy nhột. Tôi xét lại màn vũ tối qua. Kể ra cũng... "nham nhở" thật! Vì dụng tâm muốn chọc cười thiên hạ, các em quá đà, thay vì giả gái chỉ độn ngực lớn bằng hai trái quít hay hai trái cam, các em độn to bằng hai trái bưởi! (loại bưởi của Âu Châu). Lúc Thịnh và Tâm chống tay xuống đá phóng mình lộn ngược, những chiếc váy tốc lên, hai "trái bưởi" chực lăn ra ngoài; tiện đà, Tâm đưa hai tay ra đỡ. Đã vậy, thấy khán giả cười ào ào, thừa thắng xông lên, các em "hăng tiết vịt", sẵn nhạc man-bô, các em càng uốn éo nhiều thêm nữa.
Anh Lộc cũng không hề biết "thủ phạm" đầu não tội "thọt lét thiên hạ" chính là tôi đây; nên vô tình, như một luật sư không công, anh biện hộ:
- Thưa bác, đây là sinh hoạt thi đua để các em phát huy sáng kiến, khả năng nên không thể kiểm soát trước được. Chúng ta chỉ có thể phê phán lên án sau lúc trình diễn mà thôi. Với lại đời sống ở hải ngoại buồn tẻ, vô vị, khó kiếm được những nụ cười thoải mái; bọn trẻ giờ ham vui như vậy, nếu chúng ta gò bó, không "hoằng thuận chúng sinh", chúng mau chán, ra xì-ke ma-túy còn tai hại hơn.
Nghe giải thích như vậy, bà cụ xuôi tay gật gù nhưng xem ra lòng vẫn còn ấm ức:
- Nếu như rứa, cho diễn chót đừng để quí Thầy coi!
Anh Lộc cười, tôi cũng cười. Biết bà cụ khó tính vì chưa rõ gút mắc bên trong của vấn đề nhưng tôi không giải thích gì hơn. Muôn thuở sở thích và quan niệm của người già và giới trẻ khó có một điểm chung; nhất là giới trẻ ở hải ngoại hiện nay đang chịu ảnh hưởng và hấp thụ cách suy nghĩ của xã hội Tây phương, một sự sai biệt quá chênh lệch của hai nền văn minh Âu, Á. Tuy nhiên, để "hoằng thuận chúng sinh" hài lòng giới trẻ, vui vẻ kẻ già, những người - tự nhận đang là gạch nối của hai giới - tôi phải tự biết có trách nhiệm làm thế nào để hài hòa từ hai phía. Bấy giờ, tôi mới nhận ra: "tu", tu nhập thế rõ là rất khó. Rồi từ lý thuyết đến thực hành - áp dụng vào đời sống mới thiết thực - là vấn đề càng khó hơn!
Cuối khóa, để trắc nghiệm khả năng tu tập của Phật tử, ban tổ chức mở một cuộc thi. Riêng tôi, từ lúc đầu nhập học, tôi ghi danh dự thính, nhưng rồi cuối cùng tôi cũng xin phép được thi.
Từ sáng sớm, sau khi điểm tâm xong, "vỗ bụng xem ra chẳng chữ nào", tôi cũng lẫn trong đám người lũ lượt kéo về phòng thi. "Người thi thì ta cũng thi, cũng lều cũng chõng cũng đi thi"...! Tôi bỗng khựng lại, lâng lâng, hồi hộp khi chân đặt tới cửa.
- Vào đi, đậu hết cả rồi. Bằng đã sắp sẵn tối hôm qua! Tiếng của anh Thanh từ trong lớp vọng ra.
Anh Thanh là người cùng ban hành đường (bồi bàn) với tôi. Những lúc "sẹc via" chạy qua chạy lại đụng độ nhau mà quen biết nhau. Đến chỗ tu học, tất cả mọi người đều phải chọn một trong ba ban: hành đường, vệ sinh, trai soạn để làm việc, không chừa một ai. Về sau, tôi hơi tiếc không nhập ban trai soạn để học lóm tài nấu ăn của quí bà, quí cô trong ban này. Nấu chay cho hơn 300 người ăn, quí bà trổ tài (nấu rất ngon) một bữa ba bốn món, không bữa nào trùng bữa nào từ cà-ri, bún riêu, bún bì, hủ tiếu, "bò kho", mắm chay v.v... làm cho ban hành đường của tôi có hôm, gặp ngày trực, rửa chén mệt nghỉ!
- Đầu tiên tổ chức tại chùa Khánh Anh (Paris) chỉ 21 người. Năm ngoái lên 250, năm nay đã 300. Không biết trong tương lai tăng tới 1.000, giải quyết làm sao đây? Nhìn chồng chén dĩa cao ngất ngưởng, có người lo lắng.
- Đứng đó mà "nói" thì không giải quyết được gì. Cứ bắt tay vào "làm" thì mọi sự đâu vào đấy.
Những sinh hoạt tập thể tại đây nói chung, ngoài lý thuyết cho ta nhiều cơ hội thực hành vào đời sống. Cái hay là bài học cho ta, điều dở cũng là điều ta cần ghi nhớ. Ra khỏi đây ta có cảm tưởng như một sinh viên tốt nghiệp... "đại học tổng hợp". Nơi đây hội tụ đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi trong xã hội: già trẻ lớn bé, công nhân thợ thuyền, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư đại học v.v... đủ cả. Và ở đây, người ta cũng dễ dàng tha thứ, thông cảm để xích lại gần nhau qua tình đồng đạo. Một cái dẫm chân lên nhau, một nụ cười mỉm khi ngồi đối diện trong bàn ăn... cũng có thể trở thành đôi bạn.
- Thôi, vào đi chứ! Anh Thanh lại thúc.
Không chần chờ, tôi mạnh dạn bước vào. Tôi chọn một ghế trống ở dãy cuối lớp để tránh cặp mắt... giám thị của Thầy Quảng Ba. Bên cạnh tôi là chị Thanh Trà. Nhờ "làm quen" cùng sự "quảng cáo" của anh Thanh ngồi phía trước, tôi được biết chị đến từ Canada và từng theo giáo sư đại học "đại học tổng hợp" (đại học này chính gốc con nai vàng) ở Sàigòn trước đây.
Chị Trà có nét mặt thật tươi, cởi mở, vui vẻ dễ gây cảm tình, bắt chuyện với người đối diện - không phải tôi "thấy sang bắt quàng làm họ" đâu nhé - Cũng như tôi, chị tham dự khóa học lần đầu. Ngồi bên chị, tôi vững tâm (dù gì chị cũng là giáo sư mà! Có bí bài, tôi có người trông cậy). Tôi bắt chuyện cùng chị:
- Từ Canada xa xôi mà chị lặn lội đến đây. Chị có tâm đạo ghê nhỉ.
- Ở Canada nghe tiếng chùa Viên Giác lâu rồi, cũng tò mò muốn thăm một lần cho biết, sẵn gặp khóa tu học đến tham dự luôn; Ngưng một lát, chị tiếp:
- Không ngờ dưới trướng của Thầy Như Điển quá nhiều nhân tài. Chả trách chùa Viên Giác phát triển.
Tôi ghé tai chị, nói nhỏ:
- "Hiền sĩ" hay tìm "minh chúa", "chim khôn lựa cành mà đậu", đó là lẽ thường tình thôi. Cứ gieo "nhân lành" ắt gặt "quả tốt".
- Xin giữ trật tự và im lặng! Tiếng của Thầy Quảng Ba cất lên sau tiếng leng keng phát ra từ một chiếc chuông nhỏ. Tôi nhìn lên bảng:
- Trật tự, im lặng.
- Không được hỏi bài nhau.
- Không xem tài liệu.
Và sau đó, tôi nhận bài thi. Từ lúc này trở đi, tôi không trò chuyện cùng chị Thanh Trà nữa.
Tôi lướt qua các câu hỏi của quí Thầy. Có tất cả 15 câu của ba Thầy: Như Điển, Nhất Chân và Quảng Ba. Dù tâm tôi thật tĩnh và trí óc vận dụng tối đa, tôi vẫn chới với trước những câu hỏi "hóc búa" của Thầy Quảng Ba. "Thấy dzậy mà không phải dzậy!". Học dễ mà thi khó!
- Một đại kiếp có bao nhiêu năm? 672,000,000 năm? 1,343,840,000 năm? 336,000,000 năm? Tất cả đều sai, con số đúng là... (không biết!) - Tôi ghi trong bài như vậy -
- Duyên giác thừa hay Bích Chi Phật chỉ cho những ai? Các bậc A La Hán đại đệ tử của Đức Phật, như Xá Lợi Phật v.v... Quán Thế Âm, Văn Thù, Phổ Hiền. Các giáo chủ ngoại đạo. Những vị thánh nhân tự tại sinh tử nhờ thông suốt lý nhân duyên sinh của vũ trụ. Cả bốn câu trên đều sai, Duyên giác là chỉ cho... (Hết biết!)".
Lúc giảng dạy, tôi đâu nghe Thầy nói về điều này. Chóng mặt, tôi định "kiện tới" "ba tòa quan lớn", nhưng nghĩ lại, dù gì tôi cũng là Phật tử... thứ thiệt (?!) phải ăn hiền ở lành, tu nhân tích đức, nên lại thôi.
Tôi đọc đi đọc lại câu hỏi nhiều lần nữa. Vẫn mù tịt. Mặt tôi nóng bừng. Dù biết rằng thi chơi, có đậu lãnh bằng, cầm cái bằng đi xin việc... rửa chén cho chùa Khánh Anh, Thầy Minh Tâm vẫn không nhận, nhưng mồ hôi tôi cũng toát ra. Tôi đưa tay vào túi áo, cầu cứu từ "phép lạ" của ba hạt gạo đã chú niệm do Đức Đạt Lai Lạt Ma tặng Phật tử nhân Ngài ghé thăm chùa Viên Giác. Những hạt gạo được gieo xuống để hướng dẫn tôi tréo ở câu thích hợp. Nhưng tôi kịp nghĩ lại, dù gì tôi cũng là Phật tử... thứ thiệt (?!) nên kịp né tránh hành động thi gian, học lận đó.
Cuối cùng, không lẽ chịu nhận những... quả trứng lộn (dù đang ăn chay) thì thật quê xệ, tôi "bí chú" ở cuối bài thi như lời "trần tình" cái lý do vì sao - còn vì sao nữa, vì tội trèo cao, không lượng sức mình đèo bồng học lớp lớn - để quí Thầy... thông cảm!
"Bạch quí Thầy,
Con đến đây lần đầu tiên như người lạc vào vườn trầm. Con đang ngây ngất trước hương thơm ngào ngạt của trầm, mải mê thưởng thức kiểu "cỡi ngựa ngắm hoa" nên con chưa ngắt được cành trầm nào cả. Tuy nhiên con hy vọng, lúc con trở ra, trên người con cũng phảng phất được ít nhiều hương thơm của nó. Nam Mô A Di Đà Phật".
Viết xong rồi tôi ký tên, nộp bài.
Ngày nhận lại bài, tôi vô cùng sửng sốt: 51 điểm/75. Như vậy là không "bù", có điểm là có ăn! Nhưng tôi chả... hãnh diện một chút nào. Đem phân tích thật kỹ bài làm của tôi, trong 51 điểm đó, phân nửa do "đoán mò mà mò trúng", còn phân nửa mới chính thật "phảng phất được ít nhiều hương thơm của nó".
Nhắc lại chị Thanh Trà, sự nhận xét của tôi về chị quả không sai. Tuy ở tuổi "già chưa tới, trẻ không còn" chị vẫn rất vui vẻ, hồn nhiên.
Trưa thứ sáu, giữa lúc tôi lẫn trong những Phật tử khác quây quần ở phòng ăn, tò mò xem Thầy Như Điển chấm thi. "Bài tôi ra dễ thế này mà ai lãnh hết zéro vậy cà?", Thầy nói và đưa mắt nhìn lên đầu bài, than "Trời, ông này là giáo sư đại học!". Tôi cười thầm, nghĩ: "Bạch Thầy, ông ta là giáo sư đại học ở trường đời", nhưng trong "trường đạo" thì cũng mới vỡ lòng như con thôi ạ", thì chị Thanh Trà đến khèo vai tôi:
- Ê bồ, tối mai mình muốn hát một bài "đăng ký" ở đâu, bồ?
Tôi quay lại:
- Em không biết nữa, nhưng dường như ở góc bàn đàng kia, mấy cô cậu đang hí hoáy viết đó.
Văn nghệ tối thứ bảy là chương trình "đột xuất" thể theo sự yêu cầu của những người yêu văn nghệ, đồng thời là chương trình giải quyết tiếp những màn ứ đọng của tối thứ năm. Tinh thần mọi người rất hăng say. Thời gian dài 3 tiếng, không giải lao, cho mỗi tối mà vẫn chưa dứt điểm các tiết mục. Từ các cụ già tình nguyện ngâm thơ đến Tăng Ni, giới "sồn sồn", thanh thiếu niên cho tới các em bé đoàn Oanh Vũ ai nấy đều trổ hết tài năng tuy "cây nhà lá vườn" nhưng nhiều màn vô cùng đặc sắc. Đặc biệt nhất là các màn kịch, trong đó nổi bật màn, do sự phối hợp của ban hành đường và trai soạn - không phải màn của tôi đâu - từ kịch bản đến diễn viên, tôi không thể tưởng tượng được, tập dượt trong thời gian rất ngắn mà đã thể hiện một cách tài tình như những nhà chuyên nghiệp. Vở hài kịch vừa tạo được nhiều trận cười ý nhị, thoải mái vừa chuyên chở cả những ý tưởng cao đẹp từ giáo lý Đức Phật để truyền đạt đến khán giả.
Chị Thanh Trà gặp tôi, tấm tắc khen mãi (nguyên văn lời chị):
- Không ngờ Âu Châu quá nhiều nhân tài. Kỳ này về Canada, tôi phải "quảng cáo" mới được cho bà con bên đó bớt tính... ngạo mạn đi.
Lời khen, tôi không rõ xuất phát tự đáy lòng hay xã giao của chị. Tuy nhiên, cho dù thế nào, tôi cũng thưa cùng quí vị "nhân tài" Âu Châu, khi đọc tới đoạn này, đừng vội... nở mũi như trái cà chua, hách xì xằng vỗ ngực xưng tên ta đây là "đỉnh cao trí tuệ", là "vĩ đại", là... là rồi cứ ngước mặt lên cao coi trời bằng cái vung, mà hãy nên nhớ rằng người xưa còn có câu: "Cao nhân tất hữu cao nhân trị", hoặc "Núi cao còn có núi cao hơn" để rồi tu tâm dưỡng tánh học hỏi nhiều thêm nữa; trước, không phụ "lời khen" của khách phương xa (chị Thanh Trà) và biết đâu những khóa tu học tới, "nhân tài" Canada, sau khi đọc bài này chẳng... nóng mặt bay qua đọ sức thì các "đỉnh cao trí tuệ" Âu Châu bị quê xệ đó.
Chương trình kết thúc vẫn đúng 23 giờ theo qui định. Đêm cuối, một lần nữa, ban trai soạn đã rất dễ thương thay vào "chung rượu quan hà" bằng những chén chè thưng nóng hổi để bà con tiễn biệt. Vẫn trong căn phòng ấm cúng, mọi người vui vẻ trò chuyện nhưng trong giây phút này "gặp nhau đây rồi chia tay đường trường sông núi ngày mai ta sum vầy"; biết vậy, mà lòng ai nấy vẫn bịn rịn quyến luyến không nguôi...
Thôi, chào nhé những khuôn mặt thân thương, chào nhé những tiếng cười, chào nhé những hàng cây và chào luôn những con "mác" nhỏ li ti dễ ghét, lớn chỉ bằng đầu mũi kim thường bám đầy trên tóc, tai, mặt, mũi, quần áo mà vì sợ phạm sát sanh trong lúc tu học, tôi không nỡ giết. Tôi xin chào, chào tất cả. Hẹn gặp lại trong những khóa tu học sau.
Một cuộc du ngoạn tham quan thắng cảnh địa phương, chùa chiền vẫn là tiết mục thường có trong cuối chương trình của các khóa tu học.
Từ sáng sớm ngày chủ nhật, chiếc xe Bus đã chầu chực sẵn. Mọi người tay xách nách mang, xiêm y thay đổi trở lại cuộc sống bình thường sau một tuần ghép mình vào khuôn khổ. Lẫn trong nhóm người rộn ràng chờ đợi, tôi hân hoan bước lên xe chuẩn bị đón nhận không khí mới, khung cảnh mới...
Đúng 8 giờ chiếc xe rục rịch chuyển bánh nối đuôi theo một đoàn xe con bon bon nhắm thành phố Arhus trực chỉ.
Ngồi trên xe ngắm cảnh, cũng cái kiểu "cỡi ngựa ngắm hoa", tôi chỉ ghi nhận loáng thoáng hình ảnh bên ngoài: Những cánh đồng lúa mạch, sông, núi, nhà cửa hai bên đường: một vài tòa lâu đài trắng toát cổ kính nằm khuất sau một công viên, chênh vênh trên một ngọn đồi nhìn ra biển, nhà nghỉ mát của vua chúa xứ Đan Mạch. Ai nhìn cũng tấm tắc khen xinh đẹp, thơ mộng, nhưng đối với tôi, tôi cho đó là một nhà tù trưởng giả được sơn son thếp vàng. Người sống trong đó không khác như những con chim bị nhốt trong lồng son. Đã chắc gì đêm đêm ăn ngon ngủ kỹ, nếu không sợ "ma sống" lẻn vào ăn trộm, ám sát thì cũng khó ngủ yên vì những "ma chết" chập chờn. Đổi địa vị, cho tôi lâu đài đó chắc chắn tôi sẽ không nhận?! Cứ thử xem! Hà...!
Đến trưa, xe dừng tại Niệm Phật Đường Chi Hội Phật Giáo Hjorring dùng cơm sau khi ghé thăm nhanh ngôi chùa Quảng Hương ở Arhus. Nhìn chung các ngôi chùa ở Âu Châu, đa số biến từ một ngôi nhà riêng sửa lại (trừ chùa Viên Giác) nên cho dù trang hoàng sửa đổi thế nào vẫn thiếu nét linh thiêng trang trọng như những ngôi chùa ở Việt Nam. Nhưng vì hoàn cảnh bó buộc, thôi thì, có vẫn hơn không.
Sau cơm trưa, tôi ở lại Hjorring đợi 7 giờ tối xuống tàu "vượt biển" (đi phà) qua Na Uy theo chương trình riêng của tôi. Chiếc xe lại tiếp tục cuộc hành trình dọc bờ biển đưa mọi người về thủ đô Kobenhavn thăm chùa Liễu Quán bỏ lại tôi đứng tiếc ngẩn ngơ với một chút man mác trước lẽ vô thường hợp rồi tan, tan rồi hợp của cuộc sống.
của một người mới tu học
• Trần Thị Nhật Hưng
Bị xổng một lần trong khóa tu học kỳ 6 tại Bỉ, vì chọn ngày hè trật đường rầy (hãng tôi làm việc phải chọn hè từ đầu tháng 2); năm sau, tôi quyết tâm canh ngày giờ cho đúng để tham dự cho bằng được khóa tu học kỳ 7 tại Đan Mạch, do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu tổ chức.
Vì là lần đầu tiên, tôi lọng cọng bỡ ngỡ rất nhiều từ việc tàu xe cho đến việc tu học; nhất lại sau khóa học một tuần, tôi còn tiếp tục đi Na Uy thăm bà con sau hơn 20 năm xa cách. Nhưng rồi cuối cùng việc đâu cũng vào đấy. Đúng 20.7 tôi khăn gói lên đường.
Ngôi trường tu học tọa lạc giữa cánh đồng vàng tại một miền quê hẻo lánh của thành phố Horsen Đan Mạch. Trong khung cảnh thiên nhiên, yên tĩnh, xa lánh mọi cám dỗ của phố phường thật là môi trường thích hợp để cho ta tịnh tâm tu học.
Tôi đến nơi vào xế trưa thứ sáu của một ngày nắng đẹp, rực rỡ, sau hơn 18 tiếng xe lửa khởi hành từ St. Gallen, Thụy Sĩ. Đến nơi, người chưa mấy đông, trên dưới khoảng 50 người đa số là Phật tử tại địa phương đến để sửa soạn phòng ốc. Chưa quen ai, tôi có hơi bỡ ngỡ lạc lõng lúc ban đầu; đứng xớ rớ, đi ra đi vô, tôi cảm thấy tôi vô cùng thừa thãi; muốn làm một việc gì đó, muốn tiếp tay giúp ban tổ chức nhưng chả ai "thuê". Thế là, tôi buồn tôi đi lang thang. Loanh quanh một vùng trong sân trường. Khuôn viên khá rộng. Phòng ốc tuy nhiều nhưng rải rác đó đây. Ở cuối sân trường, một bãi cỏ xanh dành cho Gia Đình Phật Tử cắm lều. Chiều đến, người người lũ lượt tụ về. Càng lúc càng nhiều hơn. Chả mấy chốc số người tham dự đã lên tới gần 300.
Sau khi nhận phòng, đóng tiền lệ phí, văn phòng trao cho tôi một phiếu ghi danh. Cũng như những thủ tục nhập học thông thường phải điền tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, địa chỉ v.v... có mục chọn cấp học làm cho tôi khựng lại. Có hai cấp: cấp một và cấp hai. Cấp một, lẽ đương nhiên thuộc vỡ lòng A, B, C... rồi. Tôi đoán mò, cấp này chạy không khỏi tiểu sử Đức Phật Thích Ca, Tam Qui, Ngũ Giới... những điều sơ đẳng mà hồi 8 tuổi khi gia nhập Oanh Vũ Gia Đình Phật Tử lúc còn ở Việt Nam tôi đã học qua và bây giờ thỉnh thoảng đến chùa, tôi vẫn nghe quí Thầy nhắc đến. Học lại những điều đã biết, không gì chán bằng! Nhưng nếu chọn cấp 2 cao quá không hiểu gì cả, ngồi ngáp ruồi, bơi lõm bõm thì cũng chẳng thích thú chi. Cuối cùng, chả lẽ cứ mãi là gạch nối nằm giữa hai cấp. Thôi thì, một liều ba bảy cũng liều, tôi quyết định ngồi lớp hai, học không nổi thì tuột xuống lớp một. Đi xuống vẫn dễ hơn đi lên mà. Hơn nữa, tu học là tu cho mình chứ chả cho ai, nên quí Thầy cũng không khó dễ, hạch sách, khảo sát khả năng gì.
Chương trình học mỗi ngày ba buổi. Mỗi buổi hai tiếng: Sáng, trưa, tối. Tụng kinh hay giờ ăn cũng thế.
Giờ học đầu tiên, đề tài "Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam Trước Thế Kỷ 21" do Thầy Quảng Ba từ Úc sang phụ trách. Đề tài có tính cách xã hội, thực tế, sống động nên vô cùng... dễ hiểu.
Giờ kế tiếp của Thầy Nhất Chân. Thầy dạy một cuốn kinh có tính cách chuyên môn, tựa đề: "Kinh Bất Tăng, Bất Giảm". Buổi đầu tiên Thầy cũng chỉ tâm tình, vui nhộn rồi cũng nói sơ qua về môn học. Tiếp đến nữa là giờ của Thầy Quảng Bình rồi đến Thầy Trí Minh... Nhìn chung chung, quí Thầy cũng chỉ giảng về chuyện đạo liên quan với đời sống, xã hội bên ngoài. Có gì khó đâu? Dễ... ợt hà! Nhưng, (chữ "nhưng" thật là quái ác) nhưng nếu chỉ nói "dễ" thôi, thì giáo lý của Đức Phật còn gì cao siêu thâm thúy để ta tìm tòi học hỏi nữa?!
Những buổi học đầu, tôi lâng lâng thích thú như kẻ lội nước gần bờ, nhìn đáy cạn qua dòng nước trong mát mà khoan khoái bơi dần ra khơi. Thừa thắng xông lên, tôi ngồi luôn lớp hai, không nghĩ tuột xuống lớp một nữa.
Người đời vẫn bảo: "Bể học mênh mông". Triết lý của Đức Phật vốn sẵn thâm sâu nên cũng mênh mông. Càng bơi ra xa, tôi mới thầy đáy sâu thăm thẳm, đen ngòm. Khi giật mình hiểu ra vấn đề, muốn quay trở lại thì sức đã tàn, hơi đã kiệt, tôi cứ bơi lõm bõm ngoài khơi trước khi chìm dần trong đáy nước.
Những buổi học kế tiếp, ngoài các giờ phụ giảng (dạy ít buổi hơn) của Thầy Như Điển, Thầy Minh Tâm, Thầy Trí Minh v.v... không vấn đề gì; còn hầu hết là giờ của Thầy Quảng Ba và của Thầy Nhất Chân. Như vừa nói ở trên, Thầy Nhất Chân giảng dạy một cuốn kinh. Những danh từ chuyên môn như: "Bất Khả Tư Nghì", "Như Lai Tạng Bổn Tế Tương Ưng Thể", "Giới Cấm Thủ Kiến", "Kiến Thủ Kiến", "Diệt Kiến", "Thân Kiến, Biên Kiến, Nhất Thiết Kiến", "Chánh Kiến, Tà Kiến"; ... Ô la... la... toàn Kiến! Cả một tổ kiến (!) mới nghe qua tôi đã thấy chóng mặt! Càng đào sâu vào, tâm thần tôi - một tâm thần vốn dĩ ngầy ngật vì thiếu ngủ - như lơ lửng lạc vào sương mù. Ngồi trong lớp học, thỉnh thoảng tôi cứ gật lia, nhưng tôi vẫn cố giương mắt, nghểnh tai cố gắng nghe để thu thập được chút nào hay chút ấy, đôi khi tôi muốn tụt xuống cấp một, nhưng nghĩ sao tôi lại thôi. Tuy vậy, cái không khí được ngồi trong lớp học, tìm lại khung cảnh ngày xưa thuở còn cắp sách đến trường giành ghế, giành chỗ tôi thấy vô cùng vui nhộn. Tôi có tật thích ngồi bàn đầu và đầu bàn (dù học dốt), trong tình trạng này có khác nào "lạy ông con núp chỗ này" để cho Thầy thấy rõ mình đang ngủ gật. Thật ra giành chỗ, tôi cũng có lý do. Mắt tôi cận thị nặng, nếu không ngồi bàn trên, làm sao nhìn bảng để hiểu bài. Cái cảnh "xí chỗ" làm cho tôi buồn cười. Không chỉ có mình tôi mà những người xung quanh: các cụ ông, cụ bà, các cô, các cậu, cứ đến gần giờ học là ai nấy, kẻ máng áo xí phần, người đặt tập trên bàn làm dấu. Tôi bỗng thấy tâm hồn mọi người trẻ thơ, trẻ như cỡ 15, 16 tuổi! Mà ngủ gật, tôi cam đoan cũng không chỉ mình tôi. Thỉnh thoảng tôi đưa mắt lấm lét nhìn người đối diện, tôi cũng thấy mắt họ lừ đừ rồi bất ngờ gật một cái. Tôi cười thầm trong bụng. Và chính quí Thầy lâu lâu vẫn hỏi cả lớp: "Chắc tối hôm qua bà con ít ngủ?". Hẳn là vậy rồi. Ngủ sao được trong trạng thái lâng lâng, rộn ràng của không khí quây quần chả mấy khi có cơ hội gặp gỡ tâm tình với người đồng hương?! Đó là tôi chưa kể thời gian thiếu ngủ vì thức khuya dậy sớm (học giáo lý đến 11 giờ tối, 6 giờ sáng phải có mặt tại Chánh điện tụng kinh).
Tuy nhiên, có một điều đáng khích lệ ở đây là tinh thần ai nấy rất chịu "tu", chịu ghép mình vào khuôn khổ của tổ chức. Nếu không vậy, giành chỗ học để làm gì? và buổi học, giờ tụng kinh nào cũng đông nghẹt, đúng giờ và trật tự. Riêng tôi, tôi không bỏ sót giờ học nào, cố tham dự hầu hết các mục sinh hoạt của khóa tu học, kể cả sinh hoạt thanh niên với anh em Gia Đình Phật Tử.
Ở cái tuổi "già chưa tới, trẻ không còn", già nhất trong giới trẻ, trẻ nhất trong giới già, tôi là cái gạch nối giữa hai giới. Thêm vào đó với bản chất "bà cụ non", cụ cũng được mà non cũng xong, nên tấp vào phía nào tôi không bị bơ vơ lạc lõng. Bỏ giờ nghỉ trưa, mặc dù buồn ngủ, thiếu ngủ trầm trọng (lỗi này tự mình còn than nỗi gì), tôi ra tham dự "trò chơi" với các anh em Gia Đình Phật Tử.
Trên sân cỏ rộng mượt mà núp dưới một tàng cây lớn, được bao bọc xung quanh bởi những chiếc lều đầy màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng..., những tiếng cười, tiếng hát, tiếng reo hò của hơn một trăm mái đầu đủ mọi lứa tuổi đến từ nhiều quốc gia: Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Na Uy, Hòa Lan, Đan Mạch v.v... vang vọng một vùng. Lâu lâu lẫn trong tiếng gió hiu hiu, tiếng ríu rít của đàn chim bay lượn đùa giỡn trên cành cây, tiếng réo gọi nhiều lần có vẻ "năn nỉ" của chiếc loa phóng thanh: "Ban nhà bếp thông báo, ban nhà bếp thông báo, xin mời anh em Gia Đình Phật Tử, ngay bây giờ, ngay bây giờ trở về phòng ăn để ăn chè - Ở cuối câu còn thòng theo lời "hăm dọa"; kẻo hết!", làm ai nấy cười xòa. Anh Lộc, người hướng dẫn trò chơi, cười nói: "Lực lượng anh em mình hùng hậu, mình không lên thì chè chỉ còn nước ế! Đừng sợ!".
Nhưng sinh hoạt sôi nổi, rộn ràng nhất vẫn là mục chuẩn bị thi đua văn nghệ cho chương trình văn nghệ tối thứ năm, cuối khóa. Từng đội trở về bàn bạc. Tôi được ghép vào đội "Chánh Tư Duy", một trong tám đội của "Bát Chánh Đạo", mỗi đội khoảng 13, 14 người. Ngồi quây quần bên nhau trên sân cỏ mượt, cùng nhau chia xẻ nỗi lo lắng của nhau, tình thân con người như xích lại. Đây là cơ hội gần gũi để thắt chặt, quen và biết rõ nhau hơn. Trong đội, tôi "già" nhất, thêm lời "quảng cáo" của Trần Bảo Ninh ở Thụy Sĩ tôi là "cây văn nghệ xanh lè" nên các em hướng mắt về phía tôi, trông đợi. Cũng may, trước lúc đi, tôi mang theo một băng nhạc vũ, dự định sang Na Uy sẽ giúp các con, cháu của Tiến, người bà con của tôi, đang làm Chi Hội Trưởng Hội Phật Giáo tại Stavanger, khi cần. Bài vũ còn mới toanh, tôi cũng vừa tập xong cho thiếu nhi tại Thụy Sĩ nhân dịp Tết Trung Thu. Nay có cơ hội sử dụng thật vô cùng thuận lợi. Chỉ ngặt bài múa cần 8 cô, mà đội tôi chỉ có 3 gái. Tôi mang nỗi thắc mắc, bày tỏ cùng các em:
- Ta có thể "mượn" thêm 5 cô của đội khác được không?
Nhiên, đội trưởng của đội, lắc đầu:
- "Mượn đồ" thì được, chứ "mượn người" thì không. Với lại như thế đâu còn danh nghĩa của "Chánh Tư Duy" nữa.
Chợt một ý nghĩ lóe lên, tôi chưa kịp nói ra, Thịnh - một đoàn sinh - cất tiếng:
- Hay để tụi em giả gái múa chung với 3 cô.
Thật là "hai tư tưởng lớn" gặp nhau. Tôi biểu đồng tình, còn giải thích thêm:
- Đúng vậy. Sẵn không có quần áo vũ để tô chuốt hình thức bên ngoài cho đẹp, cho hay, ta múa giễu để chọc cười thiên hạ vậy.
Còn kịch, theo tôi, vốn dĩ thường phản ảnh đời sống xã hội, nên tôi đưa ý kiến với các em dựng lên những tiểu tiết sinh hoạt của những ngày tu học. Vấn đề là phải biết chọn những tiểu tiết nào nối kết lại sao cho mạch lạc tựa như những viên ngọc khéo xâu để trở thành đồ trang sức. Rồi tôi gợi ý các em nên làm như vậy... như vậy... như vậy...
Thảo luận xong đâu vào đấy, cũng như các đội khác, đội tôi tìm phòng tập dượt.
Ngày trình diễn, mặc dù kết quả của đội Chánh Tư Duy rất thành công theo ý muốn: Tạo được những tràng cười trào lộng, cười bò lăn, nghiêng ngửa, cười đến độ át cả tiếng nhạc rập rình sống động vui tươi của bản nhạc các em đang múa, vậy mà... Buổi hôm sau, tình cờ đang trò chuyện với anh Lộc, xướng ngôn viên chương trình, một bà cụ xà lại phía chúng tôi, khèo nhẹ vai anh Lộc, nói:
- Nì, ai là người chịu trách nhiệm sắp chương trình văn nghệ tối qua vậy? Sao không kiểm soát trước khi trình diễn để cấm cản những màn vũ "nham nhở" giả gái rứa?
Thôi rồi, đụng phải "bà già trầu" thứ thiệt! Một bà cụ chính gốc "con nai vàng"! Một bà cụ tận cùng số của phái đẹp lão! Cụ không hề biết "vũ sư", người gây "phiền não" một trong "sáu căn" của cụ đang hiện diện trước mặt, cụ thản nhiên, tiếp:
- Có quí Thầy đang ngồi đó, múa chi mà "khiêu gợi" rứa!
Tôi suýt phì cười. Những bắp chân cuồn cuộn thô kệch đầy lông lá của những cậu con trai, hở hang qua những chiếc váy đầm củn cởn mà... khiêu gợi được quí Thầy sao?! Rồi bằng cái nhìn "Phật tính", tôi nghĩ: "Pháp thân tu hành đạt tới Bồ Tát hay Như Lai Tạng thì tâm sẽ tĩnh lặng không còn phiền não". Lời của Thầy Nhất Chân, nhắm mắt ngủ gật, tai tôi vẫn còn nghe rõ. Hé mắt ra, nhìn lên bảng, một đồ thị đã được thiết lập; Những làn sóng hung hãn trôi nổi bềnh bồng; Sóng thần biểu hiện "Như Lai tại triền" tức chúng sinh còn "vô minh". Những làn sóng lăn tăn, nhấp nhô, nhẹ nhàng là hình ảnh biểu tượng Bồ Tát. Một đường thẳng phẳng lặng an bình, tâm Phật xuất hiện... Quí Thầy chưa là Bồ Tát hay Như Lai Tạng, nhưng ít ra quí Thầy đang là những bậc tu hành đâu chấp nhất những trẻ ham vui; nhất lại buổi văn nghệ có tính cách sinh hoạt giải trí, không nặng phần trình diễn?! Tuy nhiên trước lời phàn nàn của bà cụ, lòng tôi cũng thấy nhột. Tôi xét lại màn vũ tối qua. Kể ra cũng... "nham nhở" thật! Vì dụng tâm muốn chọc cười thiên hạ, các em quá đà, thay vì giả gái chỉ độn ngực lớn bằng hai trái quít hay hai trái cam, các em độn to bằng hai trái bưởi! (loại bưởi của Âu Châu). Lúc Thịnh và Tâm chống tay xuống đá phóng mình lộn ngược, những chiếc váy tốc lên, hai "trái bưởi" chực lăn ra ngoài; tiện đà, Tâm đưa hai tay ra đỡ. Đã vậy, thấy khán giả cười ào ào, thừa thắng xông lên, các em "hăng tiết vịt", sẵn nhạc man-bô, các em càng uốn éo nhiều thêm nữa.
Anh Lộc cũng không hề biết "thủ phạm" đầu não tội "thọt lét thiên hạ" chính là tôi đây; nên vô tình, như một luật sư không công, anh biện hộ:
- Thưa bác, đây là sinh hoạt thi đua để các em phát huy sáng kiến, khả năng nên không thể kiểm soát trước được. Chúng ta chỉ có thể phê phán lên án sau lúc trình diễn mà thôi. Với lại đời sống ở hải ngoại buồn tẻ, vô vị, khó kiếm được những nụ cười thoải mái; bọn trẻ giờ ham vui như vậy, nếu chúng ta gò bó, không "hoằng thuận chúng sinh", chúng mau chán, ra xì-ke ma-túy còn tai hại hơn.
Nghe giải thích như vậy, bà cụ xuôi tay gật gù nhưng xem ra lòng vẫn còn ấm ức:
- Nếu như rứa, cho diễn chót đừng để quí Thầy coi!
Anh Lộc cười, tôi cũng cười. Biết bà cụ khó tính vì chưa rõ gút mắc bên trong của vấn đề nhưng tôi không giải thích gì hơn. Muôn thuở sở thích và quan niệm của người già và giới trẻ khó có một điểm chung; nhất là giới trẻ ở hải ngoại hiện nay đang chịu ảnh hưởng và hấp thụ cách suy nghĩ của xã hội Tây phương, một sự sai biệt quá chênh lệch của hai nền văn minh Âu, Á. Tuy nhiên, để "hoằng thuận chúng sinh" hài lòng giới trẻ, vui vẻ kẻ già, những người - tự nhận đang là gạch nối của hai giới - tôi phải tự biết có trách nhiệm làm thế nào để hài hòa từ hai phía. Bấy giờ, tôi mới nhận ra: "tu", tu nhập thế rõ là rất khó. Rồi từ lý thuyết đến thực hành - áp dụng vào đời sống mới thiết thực - là vấn đề càng khó hơn!
Cuối khóa, để trắc nghiệm khả năng tu tập của Phật tử, ban tổ chức mở một cuộc thi. Riêng tôi, từ lúc đầu nhập học, tôi ghi danh dự thính, nhưng rồi cuối cùng tôi cũng xin phép được thi.
Từ sáng sớm, sau khi điểm tâm xong, "vỗ bụng xem ra chẳng chữ nào", tôi cũng lẫn trong đám người lũ lượt kéo về phòng thi. "Người thi thì ta cũng thi, cũng lều cũng chõng cũng đi thi"...! Tôi bỗng khựng lại, lâng lâng, hồi hộp khi chân đặt tới cửa.
- Vào đi, đậu hết cả rồi. Bằng đã sắp sẵn tối hôm qua! Tiếng của anh Thanh từ trong lớp vọng ra.
Anh Thanh là người cùng ban hành đường (bồi bàn) với tôi. Những lúc "sẹc via" chạy qua chạy lại đụng độ nhau mà quen biết nhau. Đến chỗ tu học, tất cả mọi người đều phải chọn một trong ba ban: hành đường, vệ sinh, trai soạn để làm việc, không chừa một ai. Về sau, tôi hơi tiếc không nhập ban trai soạn để học lóm tài nấu ăn của quí bà, quí cô trong ban này. Nấu chay cho hơn 300 người ăn, quí bà trổ tài (nấu rất ngon) một bữa ba bốn món, không bữa nào trùng bữa nào từ cà-ri, bún riêu, bún bì, hủ tiếu, "bò kho", mắm chay v.v... làm cho ban hành đường của tôi có hôm, gặp ngày trực, rửa chén mệt nghỉ!
- Đầu tiên tổ chức tại chùa Khánh Anh (Paris) chỉ 21 người. Năm ngoái lên 250, năm nay đã 300. Không biết trong tương lai tăng tới 1.000, giải quyết làm sao đây? Nhìn chồng chén dĩa cao ngất ngưởng, có người lo lắng.
- Đứng đó mà "nói" thì không giải quyết được gì. Cứ bắt tay vào "làm" thì mọi sự đâu vào đấy.
Những sinh hoạt tập thể tại đây nói chung, ngoài lý thuyết cho ta nhiều cơ hội thực hành vào đời sống. Cái hay là bài học cho ta, điều dở cũng là điều ta cần ghi nhớ. Ra khỏi đây ta có cảm tưởng như một sinh viên tốt nghiệp... "đại học tổng hợp". Nơi đây hội tụ đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi trong xã hội: già trẻ lớn bé, công nhân thợ thuyền, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư đại học v.v... đủ cả. Và ở đây, người ta cũng dễ dàng tha thứ, thông cảm để xích lại gần nhau qua tình đồng đạo. Một cái dẫm chân lên nhau, một nụ cười mỉm khi ngồi đối diện trong bàn ăn... cũng có thể trở thành đôi bạn.
- Thôi, vào đi chứ! Anh Thanh lại thúc.
Không chần chờ, tôi mạnh dạn bước vào. Tôi chọn một ghế trống ở dãy cuối lớp để tránh cặp mắt... giám thị của Thầy Quảng Ba. Bên cạnh tôi là chị Thanh Trà. Nhờ "làm quen" cùng sự "quảng cáo" của anh Thanh ngồi phía trước, tôi được biết chị đến từ Canada và từng theo giáo sư đại học "đại học tổng hợp" (đại học này chính gốc con nai vàng) ở Sàigòn trước đây.
Chị Trà có nét mặt thật tươi, cởi mở, vui vẻ dễ gây cảm tình, bắt chuyện với người đối diện - không phải tôi "thấy sang bắt quàng làm họ" đâu nhé - Cũng như tôi, chị tham dự khóa học lần đầu. Ngồi bên chị, tôi vững tâm (dù gì chị cũng là giáo sư mà! Có bí bài, tôi có người trông cậy). Tôi bắt chuyện cùng chị:
- Từ Canada xa xôi mà chị lặn lội đến đây. Chị có tâm đạo ghê nhỉ.
- Ở Canada nghe tiếng chùa Viên Giác lâu rồi, cũng tò mò muốn thăm một lần cho biết, sẵn gặp khóa tu học đến tham dự luôn; Ngưng một lát, chị tiếp:
- Không ngờ dưới trướng của Thầy Như Điển quá nhiều nhân tài. Chả trách chùa Viên Giác phát triển.
Tôi ghé tai chị, nói nhỏ:
- "Hiền sĩ" hay tìm "minh chúa", "chim khôn lựa cành mà đậu", đó là lẽ thường tình thôi. Cứ gieo "nhân lành" ắt gặt "quả tốt".
- Xin giữ trật tự và im lặng! Tiếng của Thầy Quảng Ba cất lên sau tiếng leng keng phát ra từ một chiếc chuông nhỏ. Tôi nhìn lên bảng:
- Trật tự, im lặng.
- Không được hỏi bài nhau.
- Không xem tài liệu.
Và sau đó, tôi nhận bài thi. Từ lúc này trở đi, tôi không trò chuyện cùng chị Thanh Trà nữa.
Tôi lướt qua các câu hỏi của quí Thầy. Có tất cả 15 câu của ba Thầy: Như Điển, Nhất Chân và Quảng Ba. Dù tâm tôi thật tĩnh và trí óc vận dụng tối đa, tôi vẫn chới với trước những câu hỏi "hóc búa" của Thầy Quảng Ba. "Thấy dzậy mà không phải dzậy!". Học dễ mà thi khó!
- Một đại kiếp có bao nhiêu năm? 672,000,000 năm? 1,343,840,000 năm? 336,000,000 năm? Tất cả đều sai, con số đúng là... (không biết!) - Tôi ghi trong bài như vậy -
- Duyên giác thừa hay Bích Chi Phật chỉ cho những ai? Các bậc A La Hán đại đệ tử của Đức Phật, như Xá Lợi Phật v.v... Quán Thế Âm, Văn Thù, Phổ Hiền. Các giáo chủ ngoại đạo. Những vị thánh nhân tự tại sinh tử nhờ thông suốt lý nhân duyên sinh của vũ trụ. Cả bốn câu trên đều sai, Duyên giác là chỉ cho... (Hết biết!)".
Lúc giảng dạy, tôi đâu nghe Thầy nói về điều này. Chóng mặt, tôi định "kiện tới" "ba tòa quan lớn", nhưng nghĩ lại, dù gì tôi cũng là Phật tử... thứ thiệt (?!) phải ăn hiền ở lành, tu nhân tích đức, nên lại thôi.
Tôi đọc đi đọc lại câu hỏi nhiều lần nữa. Vẫn mù tịt. Mặt tôi nóng bừng. Dù biết rằng thi chơi, có đậu lãnh bằng, cầm cái bằng đi xin việc... rửa chén cho chùa Khánh Anh, Thầy Minh Tâm vẫn không nhận, nhưng mồ hôi tôi cũng toát ra. Tôi đưa tay vào túi áo, cầu cứu từ "phép lạ" của ba hạt gạo đã chú niệm do Đức Đạt Lai Lạt Ma tặng Phật tử nhân Ngài ghé thăm chùa Viên Giác. Những hạt gạo được gieo xuống để hướng dẫn tôi tréo ở câu thích hợp. Nhưng tôi kịp nghĩ lại, dù gì tôi cũng là Phật tử... thứ thiệt (?!) nên kịp né tránh hành động thi gian, học lận đó.
Cuối cùng, không lẽ chịu nhận những... quả trứng lộn (dù đang ăn chay) thì thật quê xệ, tôi "bí chú" ở cuối bài thi như lời "trần tình" cái lý do vì sao - còn vì sao nữa, vì tội trèo cao, không lượng sức mình đèo bồng học lớp lớn - để quí Thầy... thông cảm!
"Bạch quí Thầy,
Con đến đây lần đầu tiên như người lạc vào vườn trầm. Con đang ngây ngất trước hương thơm ngào ngạt của trầm, mải mê thưởng thức kiểu "cỡi ngựa ngắm hoa" nên con chưa ngắt được cành trầm nào cả. Tuy nhiên con hy vọng, lúc con trở ra, trên người con cũng phảng phất được ít nhiều hương thơm của nó. Nam Mô A Di Đà Phật".
Viết xong rồi tôi ký tên, nộp bài.
Ngày nhận lại bài, tôi vô cùng sửng sốt: 51 điểm/75. Như vậy là không "bù", có điểm là có ăn! Nhưng tôi chả... hãnh diện một chút nào. Đem phân tích thật kỹ bài làm của tôi, trong 51 điểm đó, phân nửa do "đoán mò mà mò trúng", còn phân nửa mới chính thật "phảng phất được ít nhiều hương thơm của nó".
Nhắc lại chị Thanh Trà, sự nhận xét của tôi về chị quả không sai. Tuy ở tuổi "già chưa tới, trẻ không còn" chị vẫn rất vui vẻ, hồn nhiên.
Trưa thứ sáu, giữa lúc tôi lẫn trong những Phật tử khác quây quần ở phòng ăn, tò mò xem Thầy Như Điển chấm thi. "Bài tôi ra dễ thế này mà ai lãnh hết zéro vậy cà?", Thầy nói và đưa mắt nhìn lên đầu bài, than "Trời, ông này là giáo sư đại học!". Tôi cười thầm, nghĩ: "Bạch Thầy, ông ta là giáo sư đại học ở trường đời", nhưng trong "trường đạo" thì cũng mới vỡ lòng như con thôi ạ", thì chị Thanh Trà đến khèo vai tôi:
- Ê bồ, tối mai mình muốn hát một bài "đăng ký" ở đâu, bồ?
Tôi quay lại:
- Em không biết nữa, nhưng dường như ở góc bàn đàng kia, mấy cô cậu đang hí hoáy viết đó.
Văn nghệ tối thứ bảy là chương trình "đột xuất" thể theo sự yêu cầu của những người yêu văn nghệ, đồng thời là chương trình giải quyết tiếp những màn ứ đọng của tối thứ năm. Tinh thần mọi người rất hăng say. Thời gian dài 3 tiếng, không giải lao, cho mỗi tối mà vẫn chưa dứt điểm các tiết mục. Từ các cụ già tình nguyện ngâm thơ đến Tăng Ni, giới "sồn sồn", thanh thiếu niên cho tới các em bé đoàn Oanh Vũ ai nấy đều trổ hết tài năng tuy "cây nhà lá vườn" nhưng nhiều màn vô cùng đặc sắc. Đặc biệt nhất là các màn kịch, trong đó nổi bật màn, do sự phối hợp của ban hành đường và trai soạn - không phải màn của tôi đâu - từ kịch bản đến diễn viên, tôi không thể tưởng tượng được, tập dượt trong thời gian rất ngắn mà đã thể hiện một cách tài tình như những nhà chuyên nghiệp. Vở hài kịch vừa tạo được nhiều trận cười ý nhị, thoải mái vừa chuyên chở cả những ý tưởng cao đẹp từ giáo lý Đức Phật để truyền đạt đến khán giả.
Chị Thanh Trà gặp tôi, tấm tắc khen mãi (nguyên văn lời chị):
- Không ngờ Âu Châu quá nhiều nhân tài. Kỳ này về Canada, tôi phải "quảng cáo" mới được cho bà con bên đó bớt tính... ngạo mạn đi.
Lời khen, tôi không rõ xuất phát tự đáy lòng hay xã giao của chị. Tuy nhiên, cho dù thế nào, tôi cũng thưa cùng quí vị "nhân tài" Âu Châu, khi đọc tới đoạn này, đừng vội... nở mũi như trái cà chua, hách xì xằng vỗ ngực xưng tên ta đây là "đỉnh cao trí tuệ", là "vĩ đại", là... là rồi cứ ngước mặt lên cao coi trời bằng cái vung, mà hãy nên nhớ rằng người xưa còn có câu: "Cao nhân tất hữu cao nhân trị", hoặc "Núi cao còn có núi cao hơn" để rồi tu tâm dưỡng tánh học hỏi nhiều thêm nữa; trước, không phụ "lời khen" của khách phương xa (chị Thanh Trà) và biết đâu những khóa tu học tới, "nhân tài" Canada, sau khi đọc bài này chẳng... nóng mặt bay qua đọ sức thì các "đỉnh cao trí tuệ" Âu Châu bị quê xệ đó.
Chương trình kết thúc vẫn đúng 23 giờ theo qui định. Đêm cuối, một lần nữa, ban trai soạn đã rất dễ thương thay vào "chung rượu quan hà" bằng những chén chè thưng nóng hổi để bà con tiễn biệt. Vẫn trong căn phòng ấm cúng, mọi người vui vẻ trò chuyện nhưng trong giây phút này "gặp nhau đây rồi chia tay đường trường sông núi ngày mai ta sum vầy"; biết vậy, mà lòng ai nấy vẫn bịn rịn quyến luyến không nguôi...
Thôi, chào nhé những khuôn mặt thân thương, chào nhé những tiếng cười, chào nhé những hàng cây và chào luôn những con "mác" nhỏ li ti dễ ghét, lớn chỉ bằng đầu mũi kim thường bám đầy trên tóc, tai, mặt, mũi, quần áo mà vì sợ phạm sát sanh trong lúc tu học, tôi không nỡ giết. Tôi xin chào, chào tất cả. Hẹn gặp lại trong những khóa tu học sau.
Một cuộc du ngoạn tham quan thắng cảnh địa phương, chùa chiền vẫn là tiết mục thường có trong cuối chương trình của các khóa tu học.
Từ sáng sớm ngày chủ nhật, chiếc xe Bus đã chầu chực sẵn. Mọi người tay xách nách mang, xiêm y thay đổi trở lại cuộc sống bình thường sau một tuần ghép mình vào khuôn khổ. Lẫn trong nhóm người rộn ràng chờ đợi, tôi hân hoan bước lên xe chuẩn bị đón nhận không khí mới, khung cảnh mới...
Đúng 8 giờ chiếc xe rục rịch chuyển bánh nối đuôi theo một đoàn xe con bon bon nhắm thành phố Arhus trực chỉ.
Ngồi trên xe ngắm cảnh, cũng cái kiểu "cỡi ngựa ngắm hoa", tôi chỉ ghi nhận loáng thoáng hình ảnh bên ngoài: Những cánh đồng lúa mạch, sông, núi, nhà cửa hai bên đường: một vài tòa lâu đài trắng toát cổ kính nằm khuất sau một công viên, chênh vênh trên một ngọn đồi nhìn ra biển, nhà nghỉ mát của vua chúa xứ Đan Mạch. Ai nhìn cũng tấm tắc khen xinh đẹp, thơ mộng, nhưng đối với tôi, tôi cho đó là một nhà tù trưởng giả được sơn son thếp vàng. Người sống trong đó không khác như những con chim bị nhốt trong lồng son. Đã chắc gì đêm đêm ăn ngon ngủ kỹ, nếu không sợ "ma sống" lẻn vào ăn trộm, ám sát thì cũng khó ngủ yên vì những "ma chết" chập chờn. Đổi địa vị, cho tôi lâu đài đó chắc chắn tôi sẽ không nhận?! Cứ thử xem! Hà...!
Đến trưa, xe dừng tại Niệm Phật Đường Chi Hội Phật Giáo Hjorring dùng cơm sau khi ghé thăm nhanh ngôi chùa Quảng Hương ở Arhus. Nhìn chung các ngôi chùa ở Âu Châu, đa số biến từ một ngôi nhà riêng sửa lại (trừ chùa Viên Giác) nên cho dù trang hoàng sửa đổi thế nào vẫn thiếu nét linh thiêng trang trọng như những ngôi chùa ở Việt Nam. Nhưng vì hoàn cảnh bó buộc, thôi thì, có vẫn hơn không.
Sau cơm trưa, tôi ở lại Hjorring đợi 7 giờ tối xuống tàu "vượt biển" (đi phà) qua Na Uy theo chương trình riêng của tôi. Chiếc xe lại tiếp tục cuộc hành trình dọc bờ biển đưa mọi người về thủ đô Kobenhavn thăm chùa Liễu Quán bỏ lại tôi đứng tiếc ngẩn ngơ với một chút man mác trước lẽ vô thường hợp rồi tan, tan rồi hợp của cuộc sống.
Gửi ý kiến của bạn