Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Huyền Thoại Rắn

16/10/201021:45(Xem: 3305)
Huyền Thoại Rắn

 huyenthoairan2

 

 

Huyền Thoại Rắn

 

Huỳnh Kim Quang


 

Hàng ngàn năm trước tây lịch, khi thổ dân Dravidian còn ngự trị khắp lãnh thổ Ấn Độ cổ thời, vùng phía tây Hy Mã Lạp Sơn là lãnh địa của rắn.

Vốn là vùng rừng núi bạc ngàn nằm trên nóc nhà thế giới, Hy Mã Lạp Sơn là nơi thâm u bí hiểm với sơn lam chướng khí trùng trùng và vô số loài thú dữ cư ngụ sẵn sàng lấy mạng người để làm thức ăn. Thời đó, thổ dân Dravidian không có đủ vũ khí hùng mạnh để chống cự với các loài mãnh thú và tự bảo vệ mình. Từng người vào rừng săn tìm thức ăn đã không thấy trở về. Độc địa nhất không phải chỉ là những hổ, cọp, gấu, beo nằm lồ lộ chờ mồi bên bờ suối, dưới gốc cây hay trong khe đá, mà ngay bên dưới lớp lá khô mục của đường rừng là những loài rắn nguy hiểm chực chờ bước chân người.

Trong số rắn độc lấy mạng nhiều thổ dân Dravidian nhất là loài mãn xà hung bạo. Chúng không những ở trên mặt đất mà còn ở dưới nước của sông, suối, khe, lạch, ao, mương. Người Dravidian còn cho rằng loài mãn xà có khả năng gọi mưa, thổi gió để trừng phạt con người. Thổ dân sợ loài rắn đó lắm. Họ không biết làm sao để đối phó hay trốn tránh chúng. Họ chỉ biết cầu nguyện. Và rồi họ nghĩ rằng cách hữu hiệu nhất là lập đền thờ rắn để cầu khẩn thần rắn tha mạng cho họ. Thần Nàga xuất hiện từ đó. Nàga không đơn giản là tên gọi một loài rắn bình thường mà còn biểu đạt sức mạnh siêu nhiên của thần linh có khả năng tàn hại hay cứu mạng con người. Huyền thoại Ấn Độ cổ thời cho rằng Thần Brahma rất sủng ái và tin tưởng hoàng tử rắn là Sesha nên giao nhiệm vụ cưu mang và bảo hộ thế giới cho hắn.

Không những thế, huyền sử cổ thời của các dân tộc khác cũng có tục thờ thần rắn, như tại vùng sông Nile của Ai Cập, vùng lưỡng hà của Ba Tư, hay tại lãnh địa của dân tộc Cam Bốt, v.v… Đặc biệt tại Trung Quốc nàga đã hóa thân thành rồng với sắc thái đặc dị và linh thiêng mà các vị vua Trung Quốc đều lấy đó làm biểu tượng cho vương triều của họ. Rồng Trung Quốc về hình thức thì có khác với thần rắn Nàga của Ấn Độ nhưng về đặc tính siêu nhiên và thần thoại thì không khác mấy.

Sử thi Mahabharata (xuất hiện vào thế kỷ thứ 9 trước tây lịch) của Ấn Độ kể chuyện làm sao rắn và diều hâu trở thành kẻ thù truyền kiếp để từ đó xảy ra các cuộc thiêu sống loài rắn. Chuyện kể rằng, ngày xưa vua diều hâu Garuda và rắn Nàga vốn là anh em họ. Nhưng đến đời thánh Kasyapa thì chuyện xục đục giữa hai nhà bắt đầu phát sinh. Lý do là vì ông thánh Kasyapa này có tới 13 bà vợ. Một trong 13 bà vợ đó có 2 bà tên là Kadru và Vinata. Kadru muốn có nhiều con, ngược lại Vinata thì chỉ muốn có ít con nhưng đứa nào cũng phải đầy quyền lực. Rồi thì cuối cùng cả hai bà đều được toại nguyện. Kadru đẻ ra một ngàn con rắn, và Vinata đẻ hai người con mà một người là Surya, thần mặt trời và người con kia là Garuda, con chim diều hâu mang nửa cốt người nửa cốt chim mà thần Vishnu thường cỡi trên lưng bay đi. Trong một cuộc đánh cá mà cổ thi gọi là ngu xuẩn, Vinata bị bắt làm nô lệ cho chị mình là Kadru. Nhưng oái ăm thay, nợ mẹ mà con phải gánh. Do đó, Garuda là con của Vinata đã bị buộc làm theo mệnh lệnh của rắn. Garuda bực tức và đã thề rằng không bao giờ buông tha. Khi Garuda hỏi con rằn làm sao để cứu được mẹ, Vinata bảo Garuda phải mang linh đơn, thần dược bất tử tới. Garuda bèn ăn cắp thần dược từ vị thần và mang tới cho các con rắn để hoàn thành yêu cầu của chúng, nhưng những con rắn đã không thực hiện lời hứa. Từ đó về sau, Garuda xem những con rắn là kẻ thù và bắt để ăn.

Trong cuộc cá độ, để giành phần thắng, Kadru, thủy tổ của rắn, yêu cầu con cháu bà phải tìm mọi cách để cho bà thắng. Nhưng con cháu rắn của bà đã không chịu làm thế, cho nên Kadru nổi giận và thề bắt chúng phải bị chết thiêu trong lễ tế rắn của Vua Janamejaya. Vua Janamejaya sinh ra mang theo mối hận vua cha bị rắn giết nên thề không đội trời chung với loài rắn. Do vậy ông thực hiện lễ thiêu sống rắn gọi là Sarpa Satra. Các cuộc tế lễ thiêu sống rắn được thực hiện bên bờ sông Arind tại Bardan, ngày nay là Parham. Và ngôi đền do Vua Janamejaya xây lên để tế sống rắn ngày nay vẫn còn tại vùng Mainpuri, ở Ấn Độ. Sau đó vị vua rắn Vasuki tỉnh thức trước lời thề và biết rằng những anh em của ông phải cần đến một vị anh hùng để giải cứu. Vasuki bèn đến vị đạo sĩ Jaratkaru với đề nghị kết hôn với nữ thần rắn là Manasa, chính là em gái của Vasuki. Cặp vợ chồng đạo sĩ Jaratkaru và nữ thần rắn Manasa sinh ra người con trai Astika chính là cứu tinh của rắn. Astika đến khuyên can Vua Janamejaya để chấm dứt cuộc tàn sát loài rắn và Vua Janamejaya làm theo.

Khi văn hóa Ấn Độ lan truyền sang vùng Đông Nam Á vào thế kỷ thứ 3 trước tây lịch đi theo đó là làn sóng truyền bá của Bà La Môn Giáo hay Ấn Độ Giáo. Trong số những quốc gia vùng Đông Nam Á hấp thụ nền văn hóa Bà La Môn của Ấn Độ sâu đậm và lâu dài nhất là Cam Bốt.

Rắn Nàga của Ấn Độ khi đến Cam Bốt đã hóa thân thành người. Huyền thoại này kể rằng, người con gái của Vua Rắn Nàga trong một tình cờ đã gặp được chàng thanh niên giòng dõi Bà La Môn của Ấn Độ có tên là Kaundinya. Hai người yêu nhau và lấy nhau, rồi sau đó sinh ra những người con để tạo thành dân tộc Cam Bốt tồn tại cho đến ngày nay. Trong nền văn hóa Cam Bốt, Rắn Nàga được tạc thành tượng 7 đầu để thờ trong các đền thờ như Đền Đế Thiên Đế Thích. Theo văn hóa Cam Bốt, 7 đầu tượng trưng cho 7 màu của cầu vòng. Người Cam Bốt còn giải thích Rắn Nàga có số đầu lẻ tượng trưng cho phái nam với năng lực, vô hạn, vô biên, và bất tử. Rắn Nàga có số đầu chẵn tượng trưng cho nữ giới với thể lực, hữu hạn, tạm bợ và trái đất.

Dân tộc Thái Lan và Lào cũng tôn thờ thần rắn nàga vì họ cho rằng thần rắn nàga là chúa tể cai quản dòng sông Mekong. Hàng năm người dân Thái Lan và Lào đều tổ chức lễ cúng tế thần rắn nàga. Người dân Thái và Lào sống dọc theo sông Mekong tin rằng cúng tế thần rắn nàga sẽ được thần rắn bảo hộ tai qua nạn khỏi lúc làm ăn trên sông, trên nước. Mỗi năm vào ngày 15 tháng 11 theo lịch Lào, một buổi lễ cúng tế thần rắn nàga được tổ chức trọng thể tại quận Phonephisai thuộc tỉnh Nong Khai của Thái Lan với pháp bông rực rỡ vào ban đêm.

Rắn nàga hóa thành người ở Cam Bốt và được tôn làm thần linh ở Ấn Độ, Thái Lan, Lào là huyền thoại đầy bí nhiệm, nhưng vẫn chưa bằng huyền thoại rắn nàga thành Phật trong kinh Phật. Tuy nhiên, trước khi kể chuyện rắn nàga thành Phật, xin kể về chuyện rắn nàga giữ kinh Phật ở thủy cung hay long cung.

Chuyện là thế này, lịch sử Phật Giáo Ấn Độ có một nhân vật mà sau này được tôn xưng là đệ nhị Thích Ca, tức là chỉ đứng sau đức Phật Thích Ca mà thôi. Nhân vật đó là Bồ Tát Nàgarjuna (xuất hiện vào thế kỷ 2 sau tây lịch tại miền nam Ấn Độ) mà các nhà Phật học Trung Quốc dịch là Long Thọ. Bản thân của ngài Long Thọ chứa đầy những huyền thoại ly kỳ mà cho đến nay các nhà sử học cũng không có cách lý giải. Ngài Long Thọ là người truyền bá tư tưởng Phật Giáo Đại Thừa mạnh mẽ và hữu hiệu nhất tại Ấn Độ đặc biệt là hệ thống giáo nghĩa về Bát Nhã Tánh Không. Chuyện kể rằng khi chưa xuất gia đầu Phật, ngài Long Thọ là người bác học tinh thông mọi thứ từ triết lý tư tưởng, tôn giáo đến y học, thuật số và phép tắc thần thông. Ngài đã từng chữa lành bệnh nan y cho nhiều người. Sau khi xuất gia ngài thông suốt khắp các kinh luận của những bộ phái Tiểu Thừa và biện tài vô ngại. Tiếng đồn thấu tới tận long cung của vua rắn Nàga. Vua rắn Nàga mới cho người thỉnh ngài Long Thọ xuống long cung để trao kinh Phật. Nguyên là khi đức Phật còn tại thế đã giao cho vua rắn cất giữ bộ Kinh Bát Nhã ở long cung chờ đến khi có đủ duyên và người xứng đáng để trao lại. Ngài Long Thọ xuống long cung và được vua rắn Nàga dẫn vào thư phòng chứa bộ Kinh Bát Nhã để giới thiệu. Ngài Long Thọ ở lại mấy tháng để đọc bộ Kinh Bát Nhã này và nằm lòng trong bụng. Sau khi trở về nhân gian, ngài Long Thọ chép lại Kinh bằng tiếng Phạn và viết nhiều bộ luận để xiển dương giáo lý Bát Nhã Tánh Không của Đại Thừa. Trong số các bộ luận do ngài Long Thọ sáng tác có nhiều bộ rất phổ biến và còn lưu truyền đến ngày nay như Trung Luận, Thập Nhị Môn Luận, Đại Trí Độ Luận, v.v…

Bây giờ xin kể chuyện con gái của vua rắn nàga thành Phật. Chuyện này được kể trong Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa – Mahayana Saddharma Pundarika Sutra, phẩm Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) thứ 12 theo bản dịch Hán ngữ của ngài Cưu Ma La Thập – Kumàrajìva -- từ bản tiếng Phạn vào năm 406 sau tây lịch tại Trung Quốc. Bộ Kinh này cũng đã được dịch sang tiếng Việt bởi Hòa Thượng Thích Trí Quang và Hòa Thượng Thích Trí Tịnh. Bản dịch sau được phổ biến rộng rãi trong các Chùa Việt. Kinh kể rằng trong Hội Pháp Hoa, Bồ Tát Trí Tích hỏi Bồ Tát Văn Thù (Manjusri) lâu nay ở trong thủy cung của vua rắn đã độ được bao nhiêu con rắn. Bồ Tát Văn Thù nói rằng ngài đã thuyết Kinh Pháp Hoa và độ vô số chúng sinh trong loài rắn. Khi ngài Văn Thù nói như vậy thì có vô số bồ tát từ dưới biển vọt lên và đến núi Linh Thứu nơi đức Phật đang nói Kinh Pháp Hoa. Bồ Tát Trí Tích hỏi lại Bồ Tát Văn Thù rằng Kinh Pháp Hoa là vua trong các Kinh nội dung cao sâu vi diệu không phải ai cũng có căn cơ đủ để tu hành mà thành Phật mau được. Ngài Văn Thù liền kể rằng có người con gái của vua rắn ở long cung mới có 8 tuổi mà “căn tính lanh lẹ, có trí tuệ, khéo biết các căn tính hành nghiệp của chúng sinh, được pháp tổng trì, các tạng pháp kín rất sâu của các Phật nói đều có thể thụ trì, sâu vào thiền định, rõ thấu các pháp. Trong khoảnh sát na phát tâm Bồ Đề được bậc bất thối chuyển, biện tài vô ngại, thương nhớ chúng sinh như con đỏ, công đức đầy đủ, lòng nghĩ miệng nói pháp nhiệm mầu rộng lớn, từ bi nhân đức khiêm nhường, ý chí hòa nhã, nàng ấy có thể đến bồ đề.”

Khi ngài Văn Thù kể đến đó thì Bồ Tát Trí Tích không tin, nên ông phát biểu cảm nghĩ rằng đức Phật Thích Ca cũng đã trải qua vô lượng vô số kiếp tu hành khổ hạnh thì mới thành Phật được, lẽ nào một con rắn con mới có 8 tuổi lại có thể mau thành Phật như thế. Trong lúc Bồ Tát Trí Tích còn đang giải thích suy nghĩ của mình cho ngài Văn Thù nghe thì con gái của vua rắn hiện ra trước pháp hội đến đảnh lễ đức Phật và đứng qua một bên. Lúc bấy giờ ngài Xá Lợi Phất là đệ tử có trí tuệ đệ nhất của đức Phật Thích Ca còn nghi ngờ chuyện con gái vua rắn thành Phật nên hỏi người con gái của vua rắn rằng, việc đó có đúng như vậy chăng. Con gái vua rắn không nói gì mà đem hột minh châu đắt giá tặng cho đức Phật Thích Ca. Đức Phật tức thì hoan hỷ nhận hạt minh châu của cô bé con vua rắn. Cô bé rắn quay qua ngài Xá Lợi Phất và Trí Tích Bồ Tát hỏi rằng việc cô tặng hạt minh châu và Phật nhận có mau không? Cả hai vị đều nói là rất mau. Cô bé rắn giải thích với 2 vị này rằng việc cô thành Phật còn mau hơn nhiều. Và rồi cô bé con vua rắn tức thì biến thành thân con trai và bay qua cõi nước Vô Cấu ở phương nam, ngồi lên tòa sen và thành Phật với ba mươi hai tướng tốt không khác gì các đức Phật. Bồ Tát Trí Tích và ngài Xá Lợi Phất chỉ còn biết im lặng và tin là thật mà không nói được lời nào.

Truyền thuyết về con rồng cháu tiên của dân tộc Việt có phải cũng từ huyền thoại rắn nàga mà ra và người Việt Nam phải chăng cũng là con cháu của nhà rắn thần linh này? Dẫu sao thì dòng dõi Lạc Hồng cũng hơn các dân tộc khác ở chỗ có một nửa cốt cách là tiên.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/10/2010(Xem: 2073)
Một vị thương gia lập nghiệp từ tay trắng, sau kiếm được rất nhiều tiền nhưng vì buôn bán trong thời kinh tế không ổn định, khiến anh ta trở nên phá sản, nợ nần chồng chất. Nghĩ mãi không tìm ra cách giải quyết, anh ta bèn ra bờ sông tự tử. Vào lúc canh ba một đêm nọ, anh ta đến trước bờ sông, bỗng nhiên nhìn thấy một thiếu nữ đang ngồi khóc thảm thiết, anh bèn đến hỏi cô gái: - Có chuyện gì mà đêm hôm khuya khoắt cô ngồi khóc một mình ở đây?
16/10/2010(Xem: 2651)
Trong thiền không có đầu đuôi, khúc chiết, lý luận. Nó đập vỡ lý luận. Đó là thế giới lý tưởng của câu thơ lớp ba mồ côi luận lý. Thế giới của những câu cuối lấc cấc, mẹ gà con vịt. Đừng bắt tôi giải thích; hãy lang thang với tôi trong câu cuối của dăm ba chuyện thiền nổi tiếng.
16/10/2010(Xem: 2810)
Trong đời, tôi đã thấy mặt trăng lần nào chưa? Nhìn trăng, tôi nhìn cả đời. Nhưng thấy trăng, tôi không dám nói chắc. Khi tôi nhìn trăng trước mắt, tôi nghĩ đến trăng nửa khuya loáng thoáng trên tàu lá chuối sau vườn cũ. Tôi nghĩ đến đèn trung thu lúc nhỏ. Tôi nghĩ đến cái chõng tre giữa sân trên đó, ngày xưa, tôi nằm nhìn mây bay. Nhìn trăng, tôi không thấy trăng. Chỉ thấy lá chuối, chõng tre. Thấy cả tôi với trẻ con hàng xóm nô đùa. Có lần tôi trốn tìm với chúng nó, bị lộ, tôi nhảy bừa vào bụi tre, bất ngờ có đứa con gái đã ngồi sẵn trong đó. Tôi sợ hoảng, toan vọt ra thì nó kéo tay tôi lại, ấn vai tôi xuống, cười đồng lõa. Trong loáng thoáng của cây lá, tôi thấy hai cái răng cửa của nó sáng ngời ánh trăng. Bây giờ, nhìn trăng non, tôi thấy cái miệng và hai cái răng. Tựa như hai cái răng của nó phát ánh sáng và in hình miệng nó lên bầu trời.
16/10/2010(Xem: 2166)
Ngày xưa, một nhà quan lang họ Cao có hai người con trai hơn nhau một tuổi và giống nhau như in, đến nỗi người ngoài không phân biệt được ai là anh, ai là em
16/10/2010(Xem: 2026)
Ngày xưa, vào hồi Tây Sơn khởi nghĩa, có một chàng trai người vùng Đồng Nai, có tài cả văn lẫn võ, đã vung gươm hưởng ứng sự bất bình của thiên hạ.
16/10/2010(Xem: 1851)
Ngày xửa... Ngày xưa... Có một cô bé rất giàu lòng yêu thương. Cô yêu bố mẹ mình, chị mình đã đành, cô còn yêu cả bà con quanh xóm...
15/10/2010(Xem: 2244)
Một danh tướng về già muốn tặng thanh kiếm báu của mình cho một tướng quân ở xa. Ông giao trọng trách đó cho một gia nhân, cũng là một tay kiếm xuất chúng. Cẩn thận như vậy, ông vẫn không yên lòng, nghĩ rằng kiếm sĩ này chưa chắc đã đủ chín chắn để giữ kiếm không bị cướp dọc đường. Thanh kiếm không những quý về chất thép mà còn quý vì chuôi kiếm có nạm vàng và ngọc vua ban.
13/10/2010(Xem: 1698)
Có hai vợ chồng một ông già tên là Dã Tràng. Trong vườn họ có một hang rắn. Thường ngày làm cỏ gần đấy, ông già vẫn thấy có một cặp vợ chồng rắn...
13/10/2010(Xem: 3276)
Vào Thứ Sáu, ngày 8 tháng 10 năm 2010, Ủy Ban Giải Nobel Hòa Bình Na Uy đã công bố giải Nobel Hòa Bình năm 2010 được trao cho Lưu Hiểu Ba. Lưu Hiểu Ba, sinh năm 1955 tại thủ phủ Trường Xuân của tỉnh Cát Lâm ở đông bắc Trung Quốc, là nhà tranh đấu bất bạo động cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Trung Quốc. Ông đã từng tham gia phong trào sinh viên đấu tranh trong biến cố Thiên An Môn năm 1989 và sau đó liên tục bị sách nhiễu, quản chế tại gia và tù tội. Ngày 8 tháng 12 năm 2008, ông đã bị bắt vì cùng một số nhà tranh đấu dân chủ và nhân quyền Trung Quốc công bố Hiến Chương 2008 đòi xóa bỏ chế độ cai trị độc đảng để tiến tới một xã hội dân chủ cho Trung Quốc. Hiến Chương 2008 cho đến nay đã có hơn 8,500 người tham gia ký tên. Vì Hiến Chương 2008, Lưu Hiểu Ba đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc kết án 11 năm tù. Hiện ông vẫn còn ngồi tù ở Liễu Ninh, Trung Quốc.
11/10/2010(Xem: 2195)
Không ngờ tôi lại có được duyên lành đi chung với Thầy Trụ Trì Chùa Tâm Giác một đoạn đường khá xa. Tôi vẫn thường hay đến chùa, vãn hay gặp Thầy nhưng lúc nào Thầy cũng „Phật sự đa đoan“ nên tôi có rất ít thì giờ gần gũi và tiếp xúc với Thầy nhiều. Chuyến đi này thật hữu ích cho tôi vô cùng, tôi đã nghe và thấm nhuần được rất nhiều điều về Giáo lý Phật Đà - một niềm tin mà tôi luôn luôn tôn thờ và say mê khi vừa mới lớn cho đến tận bây giờ và cũng nhờ Thầy mà đoạn đường đi về 260 km không còn xa vời vợi nữa.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567