Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bên khu rừng trúc

10/04/201313:19(Xem: 9905)
Bên khu rừng trúc

rungtruc_2

BÊN KHU RỪNG TRÚC

Lam Khê

--- o0o ---

Bảo Lâm bước chậm lại... ý như để lắng nghe tiếng chim hót líu lo từ phía khu rừng trúc. Vài tia nắng nhẹ vừa xuất hiện phía hừng đông, bầu trời trong xanh văng vắt làm tan biến hết mọi khoảng vắng đêm tối còn sót lại. Những cành trúc mềm mại khẽ run lên theo chiều gió, và tiếng chim hót trên mấy rặng cây cao trở nên nhịp nhàng và ru hồn hơn. Bảo Lâm lấy làm lạ khi thấy mình cảm nhận được điều đó. Cảnh sắc bên ngoài dường như đang tác động vào và trở nên gần gũi với lòng chú.

Con đường đất từ chùa băng qua khu rừng trúc từ ngày Bảo Lâm về được phát quang rộng thoáng hơn. Hoa rừng cỏ dại mọc xen lẫn trên lối mòn tôn tạo thêm vẻ đẹp hài hòa giữa thiên nhiên và cuộc sống. Ngôi thạch thất nằm tận cuối khu rừng, trên một ngọn đồi nhỏ nên gió nắng cứ mặc sức tỏa lộng. Mỗi sáng chiều Bảo Lâm mang thức ăn và nước uống lên đây, đưa qua khe nhỏ bên khung cửa sổ cho sư phụ đang nhập thất bên trong. Ba tháng rồi chú vẫn đều đặn làm công việc này, như một bổn phận thiêng liêng của người đệ tử. Hẳn sư phụ không ngờ người hầu thất cho mình lại là chú tiểu Bảo Lâm ngày trước.

- Sư đệ về, nhưng sư phụ nhập thất đã gần một năm rồi. Cuối hạ này Người mới ra. Nếu không có gì sư đệ có thể ở lại. Hay là...

- Thưa không, đệ sẽ ở lại chờ sư phụ. Sư huynh cho đệ được hầu thất trong mấy tháng còn lại này nhé.

Ngày ấy, trong ngôi chùa lá đạm bạc, mấy thầy trò ngày ngày khổ công khai hoang phát rẫy, không bao lâu cả cánh đồng lúa bắp tùy theo mùa phủ kín cả mặt đất. Khu rừng trúc rộng hơn mười mẫu tây, là do sáng kiến của sư phụ muốn hình thành cảnh quan mới cho chốn đại tòng lâm, và cũng tạo nguồn thu nhập chính cho chùa - vì trúc là mặt hàng tiêu thụ mạnh cả trong và ngoài nước. Qua cơn bĩ cực, Bảo Lâm cùng mấy sư đệ được thầy gởi lên thành phố theo học lớp trung cấp Phật học vừa mới mở. Dù còn nhỏ nhưng Bảo Lâm là chú tiểu khôi ngô lại sớm bộc lộ sự thông minh đĩnh đạc hơn hẳn các huynh đệ. Chú học rất giỏi, được thầy yêu bạn quý, ai cũng đặt tin tưởng vào tiền đồ xán lạn ngày mai của chú. Thế mà những ưu điểm đó đã trở thành vấn nạn cho cuộc đời tu học của chú sau này không ít.

Về thành phố, Bảo Lâm theo học cả hai chương trình đạo và đời. Thời gian đầu, những ngày nghỉ lễ, Tết, chú đều trở về chùa phụ thầy và mấy sư huynh. Việc học hành tiến triển thuận lợi, Bảo Lâm luôn là niềm tự hào cho quý thầy giáo thọ. Học giỏi, đạo hạnh, trang nghiêm, phong cách chững chạc và từ tốn, lễ độ với mọi người. Phật tử lui tới học viện đều yêu mến và dành cho chú nhiều sự ưu ái kính phục.

- Bảo Lâm! Hôm nay sư phụ ra thất, sư đệ không đắp y áo lên đón sao?

- Em không dám lên gặp Người..., sư huynh à! Mà chắc sư phụ không còn nhớ em đâu. Thôi, cho em ngồi ở đây được nhìn và đảnh lễ thầy từ xa, rồi em sẽ ra đi.

- Sao đệ lại nghĩ như vậy. Dù đã nhiều năm sư đệ không về, nhưng sư phụ luôn nhắc đến em. Người biết hết mọi chuyện ăn ở tu học của đệ mà không bao giờ nói gì cả. Lòng thầy cũng ví như cha mẹ. Con có ra sao thì cha mẹ cũng không bao giờ chối bỏ. Sư phụ lúc nào cũng hết lòng tin tưởng thương yêu đệ.

- Đệ không xứng đáng được như vậy đâu... Sư huynh đừng...

- Sư huynh nói thật lòng chứ không có ý gì. Mà thôi, đệ đã trở về, vẫn còn nguyên vẹn một tâm hồn trong màu áo đạo. Con đường tu vốn có nhiều thử thách mà, điều duy nhất còn lại là mình luôn biết thức tỉnh trở về.

* * *

... Những đêm trăng sáng có thể đọc được cả những hàng chữ Nho bé tí in trên những hàng cột ngoài hiên chùa, thầy trò sau thời kinh tối thường bắc ghế ra ngồi trước sân ngắm trăng đàm đạo. Không gian lắng dịu bởi hương thơm của hoa cỏ mọc quanh chùa, của gió mát trăng thanh làm cho thâm tình thầy trò càng thêm cởi mở thắm thiết. Bảo Lâm nhớ hôm về thăm chùa lần trước, cũng một đêm trăng sáng, sư phụ hỏi:

- Bảo Lâm này, sao con có vẻ trầm tư quá vậy. Chuyện học hành ra sao rồi? Hay có điều gì nói thầy nghe thử coi?

- Dạ thưa thầy, không có gì. - Bảo Lâm trả lời mà tránh nhìn sư phụ - Tại hôm nay trong người con không được khỏe thôi.

Đây là lần đầu tiên chú nói dối và cũng là lần cuối thầy trò còn ngồi ngắm trăng bên khu rừng trúc. Suốt buổi tối hôm đó, chú chỉ yên lặng, mắt chăm chú vào từng lời từng câu sư phụ nói mà đầu óc thì nghĩ ngợi đâu đâu. Sư phụ đang kể một câu chuyện về "Con Vàng bị mắc cạn". Cá vàng là loại quý hiếm người ta mua về để thả chơi làm kiểng. Con cá vàng này luôn được cha mẹ nhắc nhở là đừng đi ra nơi dòng nước cạn. Nhưng nó vốn ham vui, thích bay nhảy cho thỏa chí tung hoành. Thế rồi khi mải vờn theo đám rong rêu phiêu bạt, cá bị bọn trẻ con giăng lưới bắt được. Từ đó phải sống đời cá chậu chim lồng không còn tự do vùng vẫy. Câu chuyện về con cá mang nhiều ngụ ý đeo đẳng theo Bảo Lâm đến tận bây giờ. Sáng sớm hôm sau chú đã vội vã rời khỏi núi rừng để dấn thân vào những cuộc hành trình mới. Cuộc hành trình không hề phẳng lặng như chú hằng nghĩ.

Bảo Lâm rời khỏi Phật học viện. Cành trúc xanh đã không thể đứng vững trước cơn cuồng nộ của gió ngàn. Con cá vàng bị vướng vào vòng lưới giăng của đám bụi trần lúc nào mà chú không hề hay biết. Với tư chất thông minh, học giỏi, tài hoa hơn người, nhưng vì tự mãn và vọng động nên Bảo Lâm luôn cho mình có quyền sống theo mọi ý thích. Giao du nhiều, đua đòi và đi đứng quên cả giờ giấc nội quy ở Phật học viện, có khi bỏ những giờ học chính quy, bỏ hết mọi lời khuyên răn khiển trách của Ban Giám viện, của quý thầy cùng mấy huynh đệ đồng tu học.

Mọi việc rồi cũng kết thúc theo một chiều hướng nào đó không như mình mong đợi nhưng không nằm ngoài dự đoán của bao người. Cho đến năm thứ ba thì Bảo Lâm học hành sa sút hẳn, phạm nhiều quy chế của một học Tăng, bị buộc rời khỏi nội viện, sau đó phải lưu trú qua nhiều nhà Phật tử. Cuộc sống buông lung không có điểm dừng cứ thế trôi qua. Dù Bảo Lâm không muốn từ bỏ con đường mà mình đã chọn, nhưng hầu như chú đã quên hết chí nguyện của thuở phát tâm ban đầu, đánh mất hết niềm tin, sự kỳ vọng của thầy tổ huynh đệ, và đôi khi đánh mất luôn cả bản thân mình. Cho đến khi chú bất chợt nhìn lại mình, thấy thật xa lạ và trống trải làm sao trong cảnh bụi xe ngất ngưởng. Bảo Lâm vội vàng lánh xa những gì mà chú từng mơ ước tìm kiếm. Nhưng chú vẫn không dám trở về thăm sư phụ, mà lại bắt đầu một bước đường rong ruổi mới... lang thang vô định khắp chân trời cuối biển như một gã cùng tử... bỏ quên hết mọi lối về quê cũ.

Một lần Bảo Lâm dừng chân bên ngôi chùa vốn là một danh lam nổi tiếng ở tận xứ Bắc. Có mấy đoàn hành hương đang ghé lại tham quan, nhìn mấy tà áo tu sĩ qua lại, gợi cho Bảo Lâm nhớ nhiều về một thời ở Phật học viện. Lánh tìm đến ngồi bên một ao sen nhỏ vắng vẻ sau chùa, soi bóng xuống dòng nước, Bảo Lâm giật mình khi không thể nhìn ra một con người tiều tụy xác xơ, manh áo nâu bạc thếch theo thời gian, tóc tai lởm chởm vì nhiều tháng rồi chưa cạo. Lúc này nếu có gặp người quen thì...

- A! Sư huynh Bảo Lâm. Đúng là sư huynh đây rồi... Sư huynh đi đâu ra tới ngoài này... mà sao... nhưng thôi sẵn có xe hành hương, sư huynh theo em về thăm sư phụ đi. Người trông sư huynh lắm đó.

Hai huynh đệ bất chợt gặp nhau, mừng vui hỏi thăm vồn vã làm cho Bảo Lâm bớt đi sự ngỡ ngàng. Sư đệ nói nhiều về thầy, về những chuyện ở chùa kể từ ngày Bảo Lâm không trở lại.

- Gặp được sư huynh, đệ mừng quá. Thầy cứ bảo mấy huynh đệ đi tìm hỏi thăm xem sư huynh ở đâu. Sư huynh biết không, khi nghe sư huynh rời khỏi học viện, Người buồn quá, cho chặt hết vườn trúc và bỏ phế luôn không chăm sóc tới nữa. Vậy mà qua một trận mưa, trúc lại nẩy mầm, xanh tươi rồi lớn nhanh một cách kỳ lạ. Bây giờ mỗi khi ra thăm trúc, sư phụ thường nói: "Thầy tin tưởng Bảo Lâm có ngày sẽ trở về, như từng tin vào những bụi trúc này cũng trở lại xanh tươi như trước".

- Sư huynh, dù sao cũng về thăm sư phụ một lần chứ.

Bảo Lâm nhìn người sư đệ thân tình mà không nói gì. Nhưng rồi chú cũng đã trở về...

* * *

- Bảo Lâm, sư phụ đang đợi đệ trên phương trượng.

- Sư phụ biết em về rồi sao sư huynh?

- Sư huynh chưa kịp thưa, nhưng Người đã biết. Chắc khi đệ hầu thất, sư phụ nhìn thấy.

Sư phụ khẽ gật đầu khi Bảo Lâm bước vào lạy chào. Lúc này mặt chú đã bình thản hơn dù vẫn còn phảng phất đôi chút ưu tư. Như thấu hiểu tâm trạng của người đệ tử, Người không hỏi gì nhiều, chỉ nhẹ nhàng nói: - Con đã trở về. Thầy biết trước sau rồi con cũng sẽ trở về. Những dư vị cuộc đời chắc con đã nếm qua. Nếu như con biết trở về, biết sống trong niềm tin chánh đạo thì hãy xem mọi chuyện xảy ra như hạt sạn có làm đôi chân mình vấy đau lên đôi chút, nhưng cũng giúp con vững vàng hơn trên mỗi chặng đường đi tới. Con phải vứt bỏ hết bao ưu tư mặc cảm trong lòng, cứ ở lại đây với thầy và huynh đệ một thời gian. Rồi con sẽ thấy tình người và cuộc sống nơi cảnh thiền môn yên tĩnh này sớm giúp con lấy lại những gì mình đã đánh mất. Quan trọng hơn hết là con phải biết tự mình đứng lên.

Đưa tay chỉ ra khu vườn trúc, Người nói tiếp: "Con nhìn xem, vườn trúc này đã lớn lên trong sự chắt chiu của khí trời đất nước cùng bao công sức vun đắp của mấy thầy trò chúng ta. Có lần thầy cho chặt đốn hết, định phá bỏ. Nhưng khi trời đất giao mùa, chỉ sau vài cơn mưa, nó lại nẩy mầm rồi xanh tươi còn hơn cả trước kia. Con người ta cũng không dễ dàng bị đánh đổ bởi ngoại cảnh một khi niềm tin và dũng khí vẫn còn đó, cho đến một lúc nào cũng sẽ đâm cành nẩy lộc trở lại. Bài học về những cây trúc này đáng để cho ta suy nghiệm về đường tu của mình đấy con ạ.

Có cơn gió vừa thổi đến làm bạt đi vài cụm mây đen từ phía chân trời. Mênh mông trong làn sương khói giữa núi rừng, những hàng trúc xanh vẫn cứ vươn lên uyển chuyển theo chiều gió lộng. Khi cùng sư phụ dạo quanh con đường lên thiền thất, Bảo Lâm chợt ngộ ra chân lý nhiệm mầu về sự sống đó. Cuộc sống của chú chỉ mới bắt đầu từ buổi bình minh được trở về bên khu rừng trúc.

--- o0o ---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/04/2013(Xem: 7497)
Ngài Hàn-Sơn : Trong thế gian mà bị người phỉ báng, khi dễ , nhục mạ, cười chê, khinh khi , chà đạp, ghen ghét , đè bẹp, đố kị ta. Như thế, ta phải xử trị cách nào ?
05/04/2013(Xem: 7939)
Sáng nay một đạo hữu đem sách này trao tôi, nhờ đọc xem có tham phá Phật pháp không. Sau khi đọc hết tôi nhận thấy trừ vài chi tiết, phần chủ yếu của sách chẳng có chi trái nghịch Phật pháp, theo những nhận định dưới đây ...
05/04/2013(Xem: 5223)
Ambapàli (Am-ba-bà- lị) nguyên là một kỹ nữ hạng sang sống tại thành Tỳ-xá-li. Nàng sở hữu nhiều tài sản, trong đó có một khu vườn xoài nổi tiếng xinh đẹp nhất thành phô và cũng là trung tâm giải trí lớn nhất của tầng lớp thượng lưu.
05/04/2013(Xem: 2937)
Trước năm 1975, ba tôi là một thương gia giàu có. Sự giàu có không bắt nguồn ba là quan chức đầy thế lực hay thân cận chính quyền. Ba tôi chỉ là một người dân lương thiện thuần túy. Ngày ba mẹ dắt đứa con trai nhỏ từ Bắc vào Nam, ba mẹ tá túc tại nhà người chú họ bên mẹ. Người chú có một xưỡng sản xuất bánh kẹo, thế là ba mẹ tôi vừa được xem là “con cháu trong nhà” vừa làm việc đắc lực cho chú. Đương nhiên thôi, chân ướt chân ráo vào Nam với hai bàn tay trắng, có nơi ăn chốn ở tạm gọi là an thân còn mong gì hơn. Thế nhưng, cuộc đời không đơn giản như thế. Ba mẹ tôi chỉ được nuôi ăn nhưng không nhận được đồng lương nào, dù chỉ vài đồng tiêu vặt.Tiền với ba tôi không phải là cứu cánh, nhưng nó là phương tiện để giải quyết nhu cầu cần thiết, cơ bản của con người.
04/04/2013(Xem: 11750)
Phải chăng là "niêm hoa vi tiếu" hay những nghịch lý khôi hài? Là nụ cười bao dung hỷ xả hay những lời châm biếm chua cay? Là tiếng cười vang tự đáy lòng hay chỉ là cái nhếch môi vô tâm vô sự? Là công án Thiền của thời đại hay chỉ là những chuyện tiếu thường tình? Là dụng tâm chỉ trích phá hoại hay thiện ý khai thị mạch nguồn?
02/04/2013(Xem: 14670)
Khi chọn lựa đề tài và sắp đặt câu chuyện, tôi mong rằng sẽ đi sâu từng chi tiết một, để câu chuyện hữu lý hơn; nhưng trước khi đi Canada lần nầy đã cung đón Đức Đạt Lai Ma về Chùa Viên Giác, nơi tôi đang trụ trì; nên có lẽ Chương đầu của quyển sách nầy, chỉ nói về bậc Thánh nhân ấy, không liên quan trực tiếp đến câu chuyện của quyển sách.
01/04/2013(Xem: 16365)
Mục Lục: HT Thích Như Điển - Xuất gia học đạo - Chùa Phước Lâm - Làm Nhang - Học tập - Về lại chùa Viên Giác - Ngày mất mẹ - Làm đậu hủ - Pháp nạn năm 1966 - Học tán tụng - Về Cẩm Nam - Hội An ngày ấy - Hồi ký - Tết năm Mậu Thân - Thầy tôi - Di tích - Chiếc nón bài thơ - Xa Hội An - Cách học cho giỏi - Lời cuối - Gặp lại nhau - Ba thế hệ đậuTiến Sĩ Mục Lục: Trần Trung Đạo - Lời Ngỏ - Vài nét về Chùa Viên Giác - Thời thơ ấu ở Duy Xuyên - Đến Chùa Viên Giác lần đầu - Rời Chùa Viên Giác đến Vĩnh Điện - Trở lại Chùa Viên Giác - Sư Phụ, Cố Đại Lão Hòa Thượng Long Trí - Tưởng nhớ Bổn Sư Thích Như Vạn - Tưởng nhớ HT Thích Tâm Thanh - Phố cô Hội An và những ngôi trường cũ - Hãy ngủ yên Đà Nẵng của tôi - Vu Lan nghĩ về Mẹ và Quê Hương
01/04/2013(Xem: 14606)
101 câu chuyện Thiền - Trần Trúc Lâm dịch
01/04/2013(Xem: 3066)
Túi vải đã sẵn trên vai, gã nhìn quanh căn phòng tạm trú, với tay, lấy chiếc mũ nỉ trong tủ áo, chụp lên đầu rồi khép cửa, bước ra đường.
29/03/2013(Xem: 3920)
Khi tơi đang dịch “Nhân Kiếp và Tai Kiếp” (Human Life And Problems, do hịa thượng tiến sĩ K. Sri Dhammananda) vào giữa tháng 09/2001 tại Toronto thì bất ngờ được biết thầy Thích Tâm Quang bên Mỹ đã dịch xong với tựa đề là “Các Vấn Đề Của Xã Hội Hơm Nay” (web www.budsas.org)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]