Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đường lên núi Linh

10/04/201313:07(Xem: 4210)
Đường lên núi Linh

 

mountain_1Đường lên Núi Linh

Vĩnh Hảo

---o0o---

Cách thị trấn năm dặm về hướng tây là một cánh rừng rậm bọc quanh một ngọn núi cao ngất. Ngọn núi sừng sững trấn ngự một phương trời như một vị thần cô độc xa lánh trần gian. Dù rằng từ thị trấn đến chân núi chẳng xa là bao, dân trong thị trấn ít khi nào léo hánh đến vùng núi. Họ chỉ nhìn thấy ngọn núi từ xa và mỗi khi nhìn thấy thì trong lòng mỗi người như chỗi dậy một niềm kính tín thiêng liêng.

Không biết từ đời nào, người ta truyền miệng nhau hoặc dạy cho nhau về những linh nghiệm của ngọn núi, khiến cho từ thế hệ này đến thế hệ kia, đều nhìn ngọn núi với cánh rừng bao quanh ấy như là một vùng thánh địa. Muốn cầu nguyện việc gì, người ta không cần phải đến tận vùng thánh địa, cứ việc đứng trong nhà, thắp nhang hướng về núi ấy, van vái. Điều cầu nguyện của mỗi người có được đáp ứng hay không thì chẳng biết; chỉ biết xưa nay người ta cứ gọi núi đó là núi Linh, có người còn kiêng gọi chữ "núi", chỉ dám gọi là "ông": Ông Linh. Chưa bao giờ người ta thấy được một Ông Linh toàn vẹn. Suốt ngày đêm mây trắng và sương mù giăng kín hết nửa phần trên của núi, chỉ để lại phần chân núi xanh thẫm. Nửa phần chìm trong mây khói kia là cả một kho tàng của linh thoại.

Một trong những linh thoại được truyền cho nhau đã trở thành như một sự thật, đó là trên đỉnh núi có một hang động rất lớn. Từ Phật Tổ Thích Ca, Nhị Tổ Ma Ha Ca Diếp, cho đến các vị Thánh tăng nhiều đời, ở khắp nơi, đều tập trung trong hang động đó. Mỗi ngày đức Phật đều thăng tòa thuyết pháp y như lúc còn tại thế. Linh thoại ấy từ nhiều đời, đã khiến cho nhiều người trong thị trấn không ngăn được hiếu kỳ, hoặc không kềm được nỗi khát vọng giải thoát giác ngộ, đã tìm cách băng rừng rồi leo lên ngọn núi ấy. Chẳng biết họ có gặp Phật gặp Tổ hay không. Chỉ thấy có nhiều người đi mà ít có người quay trở lại. Thảng hoặc có người từ núi Linh quay trở về, người ta xúm xít hỏi han thì chỉ được nghe một câu ngắn gọn: "Đâu có đường lên!" hoặc "... chỉ thấy một nhà sư lúc ẩn lúc hiện," hoặc "chỉ thấy mây giăng mù mịt". Những câu trả lời đại loại như thế chỉ làm tăng thêm niềm tin về những linh thoại mà thôi. Cuối cùng, núi Linh vẫn là núi Linh, chẳng bao giờ và chẳng ai khám phá thêm được gì khác ngoài những chi tiết huyền hoặc tô vẽ thêm cho một kho tàng bí nhiệm vốn vượt khỏi tầm nhận thức và kinh nghiệm sống của con người trần tục.

Cho đến khi có hai nhà sư trẻ từ thị trấn lên núi Linh học đạo trở về, bức màn huyền bí của hang động Phật Tổ cũng chưa được vén lên. Nài nỉ cách mấy người ta cũng không cạy miệng được hai nhà sư trẻ này. Chỉ nghe họ tiết lộ duy nhất một điều là sư phụ của họ hiện đang ở trên núi ấy. Hỏi sư phụ ấy có phải là Phật, là Tổ không, thì được đáp rằng: "Là sư phụ, là một lão tăng, thế thôi."

Hai vị sư trẻ này chia nhau đi khắp thị trấn để hành đạo. Trông họ có vẻ như đang nỗ lực thực hiện việc truyền bá chánh pháp cho kịp một thời điểm nào đó, và có lẽ họ sẽ trở lại núi Linh với thành tích hành đạo của họ tại thị trấn này.

*

Vị lão tăng có bộ râu bạc phơ dài đến ngực nhưng da mặt ông không nhăn lắm. Đôi mắt ông sáng và trông rất nhân hậu dưới đôi mày cũng dài và bạc theo màu râu tóc. Khi hai nhà sư trẻ mới từ thị trấn đến núi Linh bái thỉnh lão tăng làm thầy để cầu học đạo, họ đã được lão tăng tiết lộ cho biết rằng lão tăng chỉ là "người giữ cửa". Người đệ tử lớn tuổi, được coi là sư huynh và được lão tăng đặt cho đạo hiệu là Tuệ Trí, nhíu mày hỏi:

"Bạch thầy, xin hỏi thầy giữ cửa gì ạ?"

Vị thầy cười nhẹ nói:

"Cửa Không."

"À, à... cửa Không. Nhưng... cửa Không thì đâu cần gì phải giữ, bạch thầy? và cái cửa Không sẽ dẫn đến đâu? có phải là..."

"Dĩ nhiên là nó dẫn đến nơi ấy," vị thầy khoát một cử chỉ mơ hồ hướng về đỉnh núi, "nhưng không phải ai muốn vào cũng được. Ta giữ cửa là giữ theo nghĩa đó, nghĩa là ta có bí quyết, có chìa khóa cho những ai hội đủ điều kiện vượt qua cái cửa Không này."

Tuệ Trí nhìn ra ngoài cửa sổ, đảo mắt một vòng chung quanh thảo am, qua con suối nhỏ chảy róc rách và những tảng đá lớn phía sau, dừng lại nơi mấy cây tùng cổ thụ đứng thẳng như những người lính gác im lặng và tận tụy dưới nắng sương...

"Cánh cửa ấy ở đâu vậy, bạch thầy? Có phải chỗ mấy cây tùng..."

"Cửa ấy không có cánh. Và nó bắt đầu ngay từ bước chân của con chứ chẳng ở đâu xa. Có điều, không phải bước chân nào cũng cất lên được một cách hài hòa và phù hợp với chiều kích của cánh cửa ấy."

"Vậy nhiệm vụ giữ cửa của thầy tức là hướng dẫn hành giả phương cách bước vào cái cửa không cánh ấy?"

"Phải," vị thầy ôn tồn đáp.

"Bằng cách nào và bao lâu chúng con mới có thể bước vào cửa ấy?" Tuệ Trí nóng nảy hỏi.

"Không có gì phải gấp gáp như vậy. Cứ ở đây, ta sống sao các con sống vậy, rồi một lúc nào đó, ta sẽ chỉ đường cho các con, hoặc có thể các con sẽ tự thấy con đường và cánh cửa đó mà đi vào. À, này Tuệ Đức, con có điều gì nghi ngờ không, nãy giờ ta không nghe con lên tiếng?"

Tuệ Đức, vị sư đệ trầm lặng, mặt mày không được sáng láng thông minh như Tuệ Trí nhưng phong cách thì chuẩn mực, nghiêm túc, và nét mặt thì nhân hậu, thiết tha, biểu lộ sự chân thành trọn vẹn hướng đến mục tiêu giải thoát. Nghe thầy ỏœi, Tuệ Đức cung kính thưa:

"Bạch thầy không ạ."

"Tốt. Thôi, chúng ta cùng đi dạo để các con quen với cảnh mới này."

*

Trải ba năm không rời khỏi núi, cùng ở tu trong mái thaả am dưới sự dẫn dắt của vị thầy già ấy, một hôm, Tuệ Trí và Tuệ Đức được thầy gọi đến dạy:

"Ta nghĩ đã đến lúc để các con đem những kiến văn và sở học của mình ra mà truyền rộng cho nhiều người khác cùng được lợi ích. Vì vậy, hôm nay, hai con hãy lên đường, xuống núi hành đạo."

Tuệ Trí ngạc nhiên hỏi:

"Bạch thầy, thế còn... cách vào cái cửa Không? Chừng nào thầy mới dạy cho?"

"Các con cứ xuống núi hành đạo. Khi nào cảm thấy là mình đã tạo nên được công đức gì đáng kể, đáng gọi là thành tựu, thì quay trở về đây. Các con tưởng rằng một người không có chút công đức hay thành quả nào hết mà có thể qua được cánh cửa ấy sao?"

Tuệ Trí xìu mặt, suy nghĩ: "Tu học ba năm cực nhọc ở đây rồi mà vẫn chưa đủ công đức! Biết bao năm nữa mới gọi là đủ đây?"

Vị thầy ruốt chòm râu bạc, đứng dậy, bước đến bên cửa sổ, nhìn ra ngoài. Một lúc lâu, ông quay lại nói:

"Nhưng trước khi các con rời núi, ta muốn nghe các con trình bày vài nét về sự hiểu đạo của các con; bằng vào phương châm nào mà các con dấn thân vào trần gian để hành đạo; bằng vào phương tiện thiện xảo nào mà các con có thể tự kiểm thúc được thân tâm mình giữa cõi đời phiền lụy. Tuệ Đức, con nói trước đi."

Tuệ Đức liền quỳ xuống chắp tay cung kính thưa:

"Quy y Phật, Pháp, Tăng; hành động, lời nói và ý nghĩ luôn luôn qui thuận và phù hợp với Phật, Pháp, Tăng."

Vị thầy hỏi tiếp:

"Còn gì nữa không?"

"Thưa, chỉ có vậy," Tuệ Đức nhỏ giọng thưa.

Sư huynh Tuệ Trí nghe vậy thì bật cười lên một tràng, thương hại thay cho người sư đệ cục mịch quê mùa, ba năm học tập kinh điển ở đây chưa ra khỏi bước đầu học Phật. Vị thầy cũng nở một nụ cười, tủm tỉm quay trở lại ngồi xuống bồ-đoàn, hỏi Tuệ Trí:

"Đừng cười sư đệ con căn tính trì độn. Biết gì thì nói nấy, có sao đâu. Thế còn con, con xuống núi với tâm nguyện và hành xử nào đây, nói ta nghe và để sư đệ con có cơ hội học hỏi thêm luôn thể?"

Tuệ Trí đang đứng, xoay một vòng, bước ra cửa, ngửa mặt lên trời, vừa đi vừa nói:

"Nhìn mây bay, thấy tóc xanh thuở xưa còn tung xõa

Nghe chim hót, tin tiếng lòng năm cũ mãi âm vang."

Nói rồi Tuệ Trí đi thẳng xuống núi. Vị thầy ngồi im, gật gù bảo Tuệ Đức:

"Hai đứa con mỗi đứa có một căn tính và sở đắc khác nhau. Đều tốt cả. Khi đã nói là phương tiện thiện xảo thì không có vấn đề cao thấp. Khác nhau chăng là chỗ diệu dụng, ý ta muốn nói cái dụng quả, của mỗi phương tiện mà thôi. Con chuẩn bị gói ghém hành lý chi đó rồi lên đường. Mong rằng chuyến đi của các con không làm ta thất vọng. Ta chờ đợi các con đó."

Tuệ Đức lạy thầy ba lạy rồi lui ra.

*

Nơi thị trấn, Tuệ Trí và Tuệ Đức chia nhau hai ngả, du hành khắp nơi để truyền bá chánh pháp. Mỗi người có một lối giảng dạy riêng về Phật Pháp, về Thiền đạo, nhưng cả hai đều thành công, thu phục được nhiều đệ tử, tạo được nhiều uy tín và tiếng vang trong khắp thị trấn ấy, rồi lan dần đến các thị trấn lân cận.

Nhưng tiếng tăm lẫy lừng, nổi bật nhất, vẫn là từ Tuệ Trí, vị sư huynh cao ráo, trắng trẻo, điển trai, nói năng hoạt bát và lôi cuốn, học rộng biết nhiều, lại có cả tài làm thơ viết văn rất tuyệt, chinh phục hầu hết giới trí thức trong nước. Nhờ những thuận lợi về thể chất lẫn kiến thức và tài năng đó mà Tuệ Trí thành công rất nhanh, tự mình tạo nên một tông phái Phật giáo rất mạnh và có ảnh hưởng trong cả nước. Giáo lý nền tảng của tông phái Tuệ Trí xem ra thì không có gì mới mẻ, vẫn là dựa vào kinh điển Phật để xiển dương; nhưng nhờ kiến văn quảng bác và khả năng xét đoán thời cuộc rất nhạy bén, Tuệ Trí biết nhắm đến hoàn cảnh và nhu cầu tâm lý của con người thời đại, nhờ vậy mà mở ra những sinh hoạt có vẻ mới mẻ, tiến bộ; lôi kéo được nhiều người trí thức từ thôn quê đến thành thị, ùn ùn qui tụ học hỏi. Nhiều người bỏ cả sản nghiệp để dâng cúng cho Tuệ Trí. Nhiều chùa chiền, thiền thất, đại tùng lâm ở khắp nơi cũng được xây dựng để dâng trọn vẹn cho Tuệ Trí tùy nghi sử dụng. Đồ chúng tìm học Tuệ Trí càng lúc càng đông. Dần dần, nhu cầu tu học theo tông phái Tuệ Trí trở nên một phong trào quần chúng không phân biệt trí thức hay dân giả cùng đinh thất học. Nhưng một khi đã trở thành phong trào rồi thì mặt phẩm chất không còn là điều hệ trọng nữa; chỉ còn sức lớn mạnh không gì ngăn nổi của phần số lượng. (Thực ra, không phải là do những người ít học tham dự vào phong trào đã làm giảm đi phần phẩm chất của tông phái Tuệ Trí—tu học đạo giác ngộ đâu có căn cứ vào chuyện học thức hay thất học!—mà chính sức lớn mạnh quá nhanh của phong trào đã như dòng độc dược giết chết từ trứng nước cái khát vọng hướng đến giải thoát giác ngộ—vốn là điều đòi hỏi nhiều kinh nghiệm tu chứng tâm linh hơn là sinh hoạt và nghi thức kiểu cách rườm rà, rình rang, học đòi, bắt chước, truyền đạt mau chóng từ người này đến người kia—và thay vào đó chỉ là khát vọng được gần gũi tông chủ Tuệ Trí, được tông chủ đặt cho một cái đạo danh và được gắn cho cái huy hiệu riêng của tông phái nơi vai phải, để hãnh diện rằng mình là đệ tử thuộc dòng Tuệ Trí).

Say mê trong hào quang danh vọng của một tông chủ sáng chói đó, Tuệ Trí quên bẵng chuyện quay về núi Linh với sư phụ để được vào cánh cửa Không. Thỉnh thoảng, Tuệ Trí có nghe các đệ tử báo cáo cho biết về tình hình sinh hoạt của sư đệ Tuệ Đức tại một vài nơi hẻo lánh nào đó trong nước. Nghe nhắc Tuệ Đức thì Tuệ Trí nhớ đến núi Linh, nhưng rồi chỉ khoảnh khắc sau đó là chìm ngập vào những công việc khẩn thiết mà các tu viện do mình trực tiếp đảm nhận đòi hỏi, hoặc phải chú tâm nghiên cứu những dự án phát triển tông phái do các môn đồ đề xuất... Bao nhiêu việc phải làm, phải để tâm đến, chiếm hết cả thời giờ tu tập của Tuệ Trí đến độ mỗi lúc Tuệ Trí đăng đàn thuyết pháp hay hướng dẫn các khóa lễ, các khóa thiền tọa đại chúng, chàng cũng chỉ có mặt như một cái xác không hồn để làm và nói những điều đã quen và thuộc lòng, còn tâm trí thì lúc nào cũng bận bịu với các chương trình, các lễ hội sắp tới...

Một hôm, Tuệ Đức trên đường hoằng hóa ghé ngang tu viện của Tuệ Trí, bèn nẩy ý muốn vào thăm sư huynh, đồng thời muốn trao đổi với sư huynh chút kinh nghiệm tu học và hành đạo.

"Ô, Tuệ Đức đó hả? Vào đi," Tuệ Trí đưa tay ngoắc sư đệ vào, "mấy năm rồi, sư đệ cũng chẳng thay đổi gì hết, nhìn là nhận ra ngay. Này, các con pha trà mời sư chú đi."

Tuệ Đức nhìn vào căn buồng phía sau phương trượng, thấy một nhóm người lăng xăng, xì xào, lấp ló, chỉ trỏ mình; chàng e dè theo sự ra dấu của sư huynh, ngồi xuống ở một cái trường kỷ chạm trổ xa cừ bóng lộn.

"Sư huynh bây giờ thấy khác nhiều, nếu gặp ngoài đường e rằng đệ nhận không ra," Tuệ Đức nói.

"Khác dữ vậy sao? Ha ha. Chắc ta ốm và xanh đi nhiều phải không? Ừ, thì công việc nhiều quá khiến ta như vậy."

"Không, huynh đâu có ốm xanh. Mập trắng ra thì có. Phát tướng đấy. Trông sư huynh bây giờ đường bệ hơn xưa nhiều. Sư huynh có nhớ năm xưa cùng đệ đi tham vấn nhiều nơi, cuối cùng là đến núi Linh... lúc đó sư huynh rõ đúng là một tăng lữ khổ hạnh..."

"Thôi đừng nhắc chuyện cũ nữa. À này, sư đệ tìm ta có việc gì không? Có cần giúp đỡ gì không thì cứ nói thật. Có cần tu bổ hay xây chùa, đúc tượng, in thỉnh kinh sách gì thì cứ nói, ta sẵn sàng chu cấp tất cả những gì đệ cần."

"Không, cám ơn huynh. Đệ đâu có chùa chiền gì đâu mà tu bổ. Chỉ nhân chuyến du hóa vùng này, ghé thăm sư huynh thôi."

"Không có chùa? Nói giỡn sao? Thế... lâu nay đệ trú ở đâu?"

"Dạ thì nơi nào cần thì đệ đến. Thường thường là ở các chùa vùng quê hẻo lánh, nơi mà Phật Pháp suy yếu hoặc chưa được phát triển."

"À, ra thế. Thảo nào trông đệ hãy còn dáng vẻ lam lũ, khổ nhọc như năm xưa. Trà có rồi hả, được rồi, chế ra tách dâng sư chú đi."

Có khoảng sáu nữ đệ tử của Tuệ Trí, xếp hàng hai bước ra, người dâng khay trà, người bưng khay tách, người dâng bánh, người dâng quả, hai người cầm quạt đứng hầu hai thầy. Tuệ Đức cảm nghe có gió mát phía sau lưng, quay lại thấy một nữ nhân đang quạt cho mình thì giật thót người đứng dậy, khoát tay:

"Mô Phật, tôi không dám, xin miễn cho."

Tuệ Trí cười khan:

"Thôi, sư chú các con không quen gió lạnh, vào trong đi."

Cả bọn nữ nhân kéo nhau vào phía trong. Tuệ Đức hãy còn đỏ mặt, lúng túng chẳng biết làm gì. Tuệ Trí nói tiếp:

"Ta cũng định một ngày nào đó trở lên núi Linh. Có lẽ là cuối năm này. Đệ nghĩ sao? Chúng ta cùng đi chứ hả?"

"Vâng, đệ muốn theo sau huynh, đâu dám vô phép lên núi trước. Nhưng cuối năm nay thì hơi sớm đối với đệ. Có lẽ phải cuối năm tới."

"Sao vậy? Đệ không lập chùa mà, có bận bịu gì đâu?"

"Bận bịu thì không rồi, nhưng... đệ cảm thấy là mấy năm nay chưa làm được gì đáng kể, tự nghĩ là chưa đủ công đức để trở lại trình sư phụ."

"À, ra thế. Vậy là từ đây đến cuối năm sau đệ sẽ nỗ lực làm thêm công đức. Ta hiểu rồi. Ừ mà sao đệ không đến đây phụ giúp ta một tay để gầy dựng thêm công đức. Cần gì phải đi đâu xa xôi, bụi bặm. Tính đến nay, bốn năm trời, một mình ta đã xây hơn bốn chục caảh chùa, chưa kể các đạo tràng của các môn đồ mọc lên khắp nước, phải kể đến số ngàn. Đồ chúng theo ta tu học thì có thể tính bằng số vạn. Công đức ấy... ôi, nhiều quá, kể sao hết. Ta đây mà có người phụ tá như đệ thì công việc hẳn là tiến hành nhanh chóng và tốt đẹp hơn."

"Không dám, xin sư huynh miễn thứ cho, đệ còn có những Phật sự phải làm ở vùng quê đã dự tính trước. Đệ chỉ ghé thăm sư huynh để học thêm kinh nghiệm hành đạo của sư huynh mà thôi."

"Kinh nghiệm ư? Ừm, để coi nào. Lâu nay ta chỉ làm, chẳng bao giờ để ý chi cái kinh nghiệm. Nói đại khái thì phải có một thuyết lý gì đó mới lạ để thu phục số đông. Thuyết lý đó cũng cần cái phong cách nổi bật của chính mình để phù trợ nữa. Khi quần chúng đã qui phục rồi, ta muốn gì lại chẳng được... Nhưng, ta và đệ khác nhau lắm, ta e đệ không áp dụng được kinh nghiệm của ta đâu. Cái kinh nghiệm ấn tống một cuốn kinh, đúc một tượng Phật, xây một ngôi chùa, thì có thể chỉ bày cho nhau được, chứ kinh nghiệm sáng tác thơ văn, tư tưởng và biện tài thuyết giáo... nó thuộc về tài năng thiên bẩm, làm sao ta có thể truyền dạy đây?"

"Thưa không, đệ chỉ xin sư huynh một bài kệ, một câu thơ gì đó thôi, cũng đủ làm hành trang cho đệ trên đường chu du rồi."

Tuệ Trí bật cười lên một tràng:

"Thơ, kệ à? Ừm, để coi, lâu nay ta cũng ít sáng tác vì bận quá. À, để ta đọc đệ nghe mấy câu thơ cũ của tiền nhân, được chứ hả? Coi nào, đệ hỏi đột ngột quá, ta chưa kịp nghĩ câu nào có thể thích hợp để đọc cho đệ. Nhớ rồi, bốn câu thơ này của Thiền sư Ngộ Ấn, ta vẫn thường đọc cho các đệ tử nghe:

Diệu tính hư vô bất khả phàn

Hư vô tâm ngộ đắc hà nan

Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận

Liên phát lô trung thấp vị càn.

Đệ từng nghe bài đó chưa? Hiểu chứ hả? Thôi để ta đọc luôn bản dịch của ta cho đệ:

Diệu tính hư vô khó nghĩ bàn

Một khi liễu ngộ còn khó chi

Ngọc thiêu trên núi màu vẫn sáng

Sen đốt trong lò sắc thêm tươi.

Độc đáo quá hả? Nói thiệt đệ nghe, bài thơ ấy làm cho ta thêm tự tin khi dấn thân vào chốn bụi hồng để hoằng truyền chánh pháp. Sao? Đến giờ hành lễ rồi à? Được rồi, thầy sắp xong rồi. Hay là sư đệ cùng ta hành lễ rồi sau đó đàm đạo tiếp?"

"Thưa không, thỉnh sư huynh đăng đàn, đệ chỉ ghé thăm, được sư huynh cho nghe bốn câu thơ, tưởng cũng đủ lắm rồi, không dám phiền sư huynh nữa. Đệ xin cáo."

*

Cuối năm sau, Tuệ Đức lại ghé đạo tràng của Tuệ Trí để cùng sư huynh lên núi Linh thì nhằm lúc Tuệ Trí đang bận lo buổi lễ kỷ niệm đệ tứ chu niên ngày thành lập tông phái của Tuệ Trí. Đồ chúng tụ tập quá đông, khiến Tuệ Đức phải khó nhọc lắm mới vào đến được phương trượng để gặp sư huynh. Thấy sư huynh bận rộn với ngày lễ, Tuệ Đức cáo lui, đi bộ hơn một dặm đường mới tìm được chỗ vắng vẻ, có bóng mát, dưới một gốc đại thụ, lánh xa được đám đông ồn ào lễ hội.

Ba ngày sau, Tuệ Đức mới quay trở lại tu viện của Tuệ Trí để mời sư huynh cùng lên núi. Tuệ Trí nói:

"Sau ngày lễ, ta không được khỏe lắm, nhưng ta sẽ đi với đệ. Nhất quyết là phải đi. Tạm thời gác mọi công việc sang một bên cái đã. Giấc mộng của anh em mình xưa nay làm sao nguôi nguây được, phải không? Này, đem y áo của thầy ra đây. Thầy có việc phải vắng mặt một thời gian, mọi việc trong tu viện thầy đã giao cho sư cô Diệu Bảo thay thầy đảm trách, bây giờ thầy phải đi với sư chú lên núi lạy sư ông của các con."

Đám nữ nhân đệ tử Tuệ Trí xúm xít quanh thầy tỏ vẻ bịn rịn, quyến luyến dữ lắm khiến Tuệ Trí cũng nao lòng. Nhưng rồi chàng cũng mạnh dạn lên đường. Đám đệ tử định che lọng, rước kiệu tiễn đưa tông chủ Tuệ Trí đến tận chân núi nhưng chàng xua tay bảo thôi, chỉ cho phép sáu nữ đệ tử thân tín tháp tùng. Tuệ Đức thấy vậy thì nhíu mày, tỏ ý không bằng lòng. Tuệ Đức thưa nhỏ với sư huynh:

"Huynh bảo họ ở lại tu viện chứ đi theo làm gì cho vướng bận. Sư phụ chẳng vui đâu. Hơn nữa, nếu sư phụ mở đường cho chúng ta vào cửa Không thì sư huynh cũng đâu có mang họ theo được, không lý bắt họ ở dưới chân núi chờ hoài?"

"Ôi, đệ cố chấp quá làm sao giải thoát được. Ta đã đọc cho đệ nghe bài thơ của thiền sư Ngộ Ấn rồi, không lẽ đệ chẳng thấm nhập gì hết sao? Đi. Đừng nói nhiều."

Vậy là hai huynh đệ lên đường, có sáu đệ tử lẽo đẽo theo sau.

Đường đến núi Linh vào mùa đông hơi lầy lội vì đã có nhiều cơn mưa trước đó. Đến bìa rừng, muỗi vắt ào ào bu đến, đám đệ tử la khóc eo éo. Tuệ Trí phải dừng chân chăm sóc, khuyến dụ. Vậy mà rồi họ vẫn không bỏ ý định đi theo Tuệ Trí đến tận chân núi. Có thêm đoàn tùy tùng này, con đường đến núi Linh đối với Tuệ Đức như dài thêm gấp mười lần vì đi một đoạn đường lại cứ phải cùng sư huynh đứng lại chờ đợi sáu người kia.

Sau một ngày đường vất vả, cuối cùng, đoàn người cũng đến được chân núi. Tuệ Trí dặn dò đám đệ tử:

"Thầy cùng sư chú lên núi. Các con cứ chờ ở đây. Sáng mai nếu không thấy thầy trở xuống thì các con tự động trở về tu viện, tạm thời nương sư cô Diệu Bảo mà tu học. Khi nào xong việc thầy sẽ xuống núi, tiếp tục hướng dẫn các con."

Tuệ Đức đứng chờ sư huynh dặn dò, rồi thêm chuyện đệ tử tác bạch tiễn đưa, thề ước, thưa bẩm, gởi gắm, nhắn nhủ, bịn rịn tình nghĩa thầy trò cũng mất cả nửa giờ. Đến khi mặt trời sắp sửa khuất sau núi Linh rồi, hai huynh đệ mới bắt đầu cất bước.

Sư phụ ngồi trên bồ đoàn, hai huynh đệ sụp lạy. Xong, Tuệ Trí thưa:

"Bạch thầy, năm năm qua con vâng lời thầy xuống núi đã thực hiện nhiều Phật sự, tạo nhiều công đức. Nay xin thầy từ bi hoan hỷ mở cánh cửa cho con bước vào nhà Không của Như Lai."

Tuệ Đức chỉ quỳ chắp tay, lặng thinh.

Sư phụ gật gù hỏi:

"Phật sự của các con làm thầy có biết. Nay thầy chỉ muốn nghe các con trình bày ngắn gọn một câu thôi mà tóm thâu tất cả những gì trong năm năm vừa qua. Tuệ Đức con nói trước đi."

Tuệ Đức cung kính thưa:

"Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh không rời một khoảnh khắc."

Tuệ Trí nghe vậy cũng muốn bật cười lên, nhưng chưa kịp cười thì sư phụ đã hỏi đến mình.

"Tuệ Trí, con nói đi."

Tuệ Trí bèn thưa: "Trên đầu sợi tóc mỹ nhân, thấy sự mầu nhiệm linh thiêng của thế giới hoa tạng; ngày đêm ăn ngủ nói cười mà vẫn cùng Phật Tổ sánh vai không rời một bước."

"Sở học cao thâm, ngữ khí trượng phu lắm. Nhưng, đối với ái dục thì sao, nói ta nghe, Tuệ Trí?"

"Có vướng cũng không bận," Tuệ Trí tự tin đáp.

Sư phụ quay qua Tuệ Đức:

"Đối với ái dục con thế nào?"

Tuệ Đức thưa:

"Lặng trong không vướng, không bận."

Sư phụ im lặng rời bồ đoàn đứng dậy, bước ra sân. Hai đệ tử cũng bước theo. Sư phụ quay lại nói:

"Cửa Không đã sẵn mở, các con bước vào đi."

Tuệ Đức hốt nhiên đại ngộ, tươi sáng nét mặt, cúi lạy thầy rồi ung dung bước thẳng lên đỉnh núi, thoáng chốc là biến mất trong lớp mây mù. Trong khi đó, Tuệ Trí hãy còn phân vân, nghi ngại; vừa tính dợm chân bước thì thấy nặng trì ở dưới gót chân phải, như đeo phải đá, không sao cất lên nổi.

"Bạch thầy, sao lại có chuyện lạ như vậy? Chân con, không biết sao, kỳ cục quá, không cất lên được..."

Vừa nói đến đó bỗng thấy Tuệ Đức từ trên núi lướt xuống. Thân hình cục mịch nhà quê của Tuệ Đức lúc này trông nhẹ như mây. Lướt ngang chỗ sư phụ và sư huynh, Tuệ Đức chắp tay vái chào rồi bay thẳng xuống núi.

"Tuệ Đức, đi đâu vậy? Bạch thầy, sao Tuệ Đức lại xuống núi, chẳng lẽ trên đó không có gì hết sao?"

"Hoa tạng thế giới của con đâu mà giờ này còn hỏi? Đã cùng với Phật Tổ sánh vai thì cần gì phải tìm Phật tìm Tổ trên núi! Kiến tánh thành Phật rồi thì ra vào tự tại, có cánh cửa nào có thể ngăn ngại được đâu. Cửa Không có bao giờ đóng đâu mà phải cần thầy mở. Kiến tánh rồi thì tự khắc thấy đường đi thôi. Tuệ Đức thong dong được là do lẽ đó."

Tuệ Trí bấy giờ mới thức ngộ, bật khóc. Bao nhiêu danh từ và chương cú hoa mỹ về Phật, về Thiền, về Hoa Nghiêm, về Bát Nhã, về Lăng Già, về Như Lai Tạng Tính... mà lâu nay chàng từng sử dụng, bây giờ mới thấy chỉ là những cụm từ rỗng tuếch, không dính nhập gì đến thực tại tối hậu.

Sư phụ thương cảm, nói lời an ủi:

"Căn tính con thông tuệ, nhạy bén hơn Tuệ Đức rất nhiều. Trí tuệ là khí giới tối hảo để đạt đến đạo quả giác ngộ; nhưng từ nhiều năm nay, con chưa hề tạo được một công đức nhỏ nào cả. Tất cả những gì con làm ở thế gian, đều chỉ là những manh động của dục vọng, làm sao tạo nên được công đức! Phước Đức và Trí Tuệ giống như đôi chân của con vậy, phải đủ cả hai và phải cùng song hành, không thể thiếu một mà có thể bước đi được," vị thầy ngưng một lúc, thở dài nói tiếp "à, con có nhớ những lời đơn sơ của Tuệ Đức không? Quy y Phật, Pháp, Tăng. Tại sao? Vì quy y Phật là trở về với thể tính thanh tịnh, đoạn trừ tất cả những tham dục, cấu bẩn; quy y Pháp là trở về với trí tính vô biên, đoạn trừ hết những si mê, cố chấp và lòng kiêu ngạo; quy y Tăng là trở về với tự tính hòa hợp bình đẳng, trừ bỏ những lòng hận thù, ganh ghét... Không có trí tuệ siêu việt nào có thể bừng vỡ trên mảnh đất còn tràn ngập những tham, sân, si và các phiền não căn bản. Cho nên, theo ý thầy thì con nên ởœ lại đây, nỗ lực tu tập thêm một thời gian nữa; hay con muốn tiếp tục trở về với tu viện dưới núi của con thì tùy ý, nhưng dứt khoát là dù ở đâu, cũng phải dẹp hết những thứ phiền não linh tinh từng quấy nhiễu phá rối tâm con thì may ra mới vào được cánh cửa Không ấy."

Tuệ Trí lạy tạ ơn thầy chỉ dạy rồi đứng dậy, phân vân một lúc, nhớ rằng sáu đệ tử của mình đang chờ đợi dưới núi. Tuệ Trí quyết định từ giã thầy, lủi thủi cúi mặt bước xuống núi, nhưng được nửa đường thì đứng lại. Tưởng tượng mấy chục ngôi chùa và hàng trăm đạo tràng với bao nghi lễ rình rang xôm tụ đang chờ đón mình bên dưới, rồi nhớ đến cả lô học giả trí thức bày trò đốn ngộ chứng Thánh, mở miệng là nói thiền ngôn mật ngữ nhưng chưa bao giờ nếm được một giọt nước nhỏ trong đại dương giải thoát, rồi nghĩ đến đám nữ nhi phàm tục dễ sa nước mắt quấn quít nhõng nhẽo đêm ngày... Ôi, sao mà rỗng tuếch, vô vị, cho dù có thêm triệu năm nữa để đóng kịch và bày trò, cũng chẳng một mảy may nào trong những thứ ấy có thể vói đến được cánh cửa huyền vi của ngọn núi Linh này. Tuệ Trí còn nhớ có một ông lạt-ma Tây Tạng hứa sẽ dạy chàng về pháp đằng vân (cỡi mây) với điều kiện chàng phải xây cho ông ấy một tu viện nguy nga tận xứ Tây Tạng và chàng đã hứa sẽ sắp đặt thời gian rảnh để học phép thuật này. Bây giờ, chàng thấy cũng không cần thiết nữa. Cho dù có học được phép cỡi mây, cỡi gió đi khắp nơi thì cũng chỉ lẩn quẩn trong vòm trời hữu hạn của trần gian, không làm sao lọt vào được cõi Không bát ngát thênh thang mà chàng hằng ôm ấp. Tất cả những thứ kể trên, ngay lúc này, chàng thấy không còn cần thiết nữa. Chàng đứng im một lúc ở lưng núi khi trời đang tối dần.

Trong khi sáu nữ đệ tử của Tuệ Trí từ chân núi nhìn lên thấy núi Linh mây phủ mờ mịt, gợi lên bao huyền thoại kỳ bí xa xăm thì ở lưng núi, Tuệ Trí cũng quay đầu ngước nhìn lên núi cao, trong mắt chàng lúc ấy, mây mù đã tan sạch, đỉnh núi Linh cao vợi lần đầu tiên hiện ra sừng sững giữa trời tây trong vắt. Thực sự là không còn một huyền thoại hay một kho tàng mầu nhiệm nào đáng để tìm cầu khám phá nữa. Chàng bật lên một tràng cười sảng khoái, rồi đi ngược lên núi, tìm sư phụ, bắt đầu cuộc hành trình đi vào cửa Không.

 


---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/10/2010(Xem: 20292)
Mục đích của chúng tôi trong khi sưu tập những mẫu chuyện kể này là để mọi người thưởng thức những tinh hoa hay đẹp của giáo – lý qua những câu chuyện tươi sáng đẹp đẽ. Nếu công việc sưu tập ca – dao là một việc khó thì công việc sưu tập và trình bày những mẩu chuyện cổ của đạo Phật cũng là một việc khó khăn và đòi hỏi sự hợp lực của nhiều người. Hàng chục ngàn mẫu chuyện đạo, nào thuộc loại tiền thân, nào thuộc loại lịch sử, nào thuộc loại thí dụ, nào thuộc loại triết lý. . . những câu chuyện đó thật là phong phú và chứa đựng những tinh hoa của giáo - lý, từ - bi và trí tuệ. . . Ðọc những mẫu chuyện đạo ấy, không ai thấy chán nản cả. Các em thiếu nhi thích đã đành, người lớn chúng ta cũng vẫn thích và hơn thế nữa, lắm lúc cũng phải suy nghĩ nhiều để có thể hiểu được triết – lý của một câu chuyện. Chúng tôi sức lực không bao lăm thành thử trông mong rất nhiều ở các vị học giả thâm uyên và dày công nghiên cứu. Chúng tôi chỉ muốn làm công việc nói lên những nguyện vọng, và tr
22/10/2010(Xem: 3864)
Tại biên giới của tỉnh Tây Khương sát với Tây Tạng, có một bà lão sống cô độc, chồng và đứa con trai duy nhất của bà đã qua đời. Bà sống nhờ một thửa đất nhỏ trồng những hạt ngũ cốc. Vì cuộc đời đã trải qua nhiều gian truân từ nhỏ, bà lão cảm thấy nghiệp chướng trong người rất nặng nên đã cố công tìm hỏi những người chung quanh phương pháp chuộc tội để cầu xin cho tâm hồn được bình yên.
21/10/2010(Xem: 8394)
Bị xổng một lần trong khóa tu học kỳ 6 tại Bỉ, vì chọn ngày hè trật đường rầy (hãng tôi làm việc phải chọn hè từ đầu tháng 2); năm sau, tôi quyết tâm canh ngày giờ cho đúng để tham dự cho bằng được khóa tu học kỳ 7 tại Đan Mạch, do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu tổ chức.
19/10/2010(Xem: 7962)
Khi xe chúng tôi đến nơi, đồng hồ chỉ đúng 12 giờ khuya. Phòng ốc dành cho 300 giường đã không còn chỗ trống. Ban Tổ Chức đành trưng dụng phòng họp, phòng học - một cho phái nữ, một cho phái nam - với các tấm nệm lót dưới đất cho chúng tôi ngủ tạm. Giải quyết một lúc cho phái đoàn Thụy Sĩ 30 người - chưa kể các nước khác - đâu phải dễ. Vả lại đi chùa thì phải chấp nhận "ăn chay nằm đất". Nằm "đất" còn phải chịu, lựa là nằm "nệm", nên chúng tôi vui vẻ nhận lời, không than van gì cả. Mà than van nỗi gì được khi đã hiểu giáo lý (dù chút chút) của đạo Phật. Mọi sự phải do "duyên" mà có. Và "duyên" này khởi từ "nhân" chiều nay.
17/10/2010(Xem: 9466)
Hơn 6 tiếng xe lửa từ Aschaffenburg, tôi trở về đến nhà gần 10 giới tối. Lục đục tắm rửa, ăn chén súp nóng (do chồng nấu cho) huyên thuyên kể chuyện, rồi đánh răng... mãi gần 12 giờ khuya tôi mới lên giường đi ngủ. Sáng sớm hôm sau 6 giờ thức dậy sửa soạn đi... cày. Công việc ứ đọng của 2 ngày thứ 5, thứ 6 (lấy hè, cộng với công việc của thứ 2 đầy ắp trên bàn. Tôi một mình chịu trách nhiệm một phòng không ai thay thế). Ông xếp trước khi về văn phòng còn đứng đó chờ đợi, vẻ lo âu. Tôi trấn an ông:
17/10/2010(Xem: 4733)
Tết Trung Thu ăn vào ngày rằm tháng 8. Nguyên cuối đời nhà Tây Hán (206 trước 23 sau D.L.), Vương Mãng nhân được cầm giữ chính quyền...
17/10/2010(Xem: 2921)
Một vị thương gia lập nghiệp từ tay trắng, sau kiếm được rất nhiều tiền nhưng vì buôn bán trong thời kinh tế không ổn định, khiến anh ta trở nên phá sản, nợ nần chồng chất. Nghĩ mãi không tìm ra cách giải quyết, anh ta bèn ra bờ sông tự tử. Vào lúc canh ba một đêm nọ, anh ta đến trước bờ sông, bỗng nhiên nhìn thấy một thiếu nữ đang ngồi khóc thảm thiết, anh bèn đến hỏi cô gái: - Có chuyện gì mà đêm hôm khuya khoắt cô ngồi khóc một mình ở đây?
16/10/2010(Xem: 4075)
Hàng ngàn năm trước tây lịch, khi thổ dân Dravidian còn ngự trị khắp lãnh thổ Ấn Độ cổ thời, vùng phía tây Hy Mã Lạp Sơn là lãnh địa của rắn. Vốn là vùng rừng núi bạc ngàn nằm trên nóc nhà thế giới, Hy Mã Lạp Sơn là nơi thâm u bí hiểm với sơn lam chướng khí trùng trùng và vô số loài thú dữ cư ngụ sẵn sàng lấy mạng người để làm thức ăn. Thời đó, thổ dân Dravidian không có đủ vũ khí hùng mạnh để chống cự với các loài mãnh thú và tự bảo vệ mình. Từng người vào rừng săn tìm thức ăn đã không thấy trở về. Độc địa nhất không phải chỉ là những hổ, cọp, gấu, beo nằm lồ lộ chờ mồi bên bờ suối, dưới gốc cây hay trong khe đá, mà ngay bên dưới lớp lá khô mục của đường rừng là những loài rắn nguy hiểm chực chờ bước chân người.
16/10/2010(Xem: 3740)
Trong thiền không có đầu đuôi, khúc chiết, lý luận. Nó đập vỡ lý luận. Đó là thế giới lý tưởng của câu thơ lớp ba mồ côi luận lý. Thế giới của những câu cuối lấc cấc, mẹ gà con vịt. Đừng bắt tôi giải thích; hãy lang thang với tôi trong câu cuối của dăm ba chuyện thiền nổi tiếng.
16/10/2010(Xem: 3783)
Trong đời, tôi đã thấy mặt trăng lần nào chưa? Nhìn trăng, tôi nhìn cả đời. Nhưng thấy trăng, tôi không dám nói chắc. Khi tôi nhìn trăng trước mắt, tôi nghĩ đến trăng nửa khuya loáng thoáng trên tàu lá chuối sau vườn cũ. Tôi nghĩ đến đèn trung thu lúc nhỏ. Tôi nghĩ đến cái chõng tre giữa sân trên đó, ngày xưa, tôi nằm nhìn mây bay. Nhìn trăng, tôi không thấy trăng. Chỉ thấy lá chuối, chõng tre. Thấy cả tôi với trẻ con hàng xóm nô đùa. Có lần tôi trốn tìm với chúng nó, bị lộ, tôi nhảy bừa vào bụi tre, bất ngờ có đứa con gái đã ngồi sẵn trong đó. Tôi sợ hoảng, toan vọt ra thì nó kéo tay tôi lại, ấn vai tôi xuống, cười đồng lõa. Trong loáng thoáng của cây lá, tôi thấy hai cái răng cửa của nó sáng ngời ánh trăng. Bây giờ, nhìn trăng non, tôi thấy cái miệng và hai cái răng. Tựa như hai cái răng của nó phát ánh sáng và in hình miệng nó lên bầu trời.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]