Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Con Đường Vô Tận

28/12/201622:32(Xem: 2490)
Con Đường Vô Tận
Con Đường Vô Tận

 

Kinh dâng cụ cố Đinh thị Xuyến và hai con là 
cụ bà Nguyễn thị Quỳnh & Nguyễn thị Sáu

Chiếc tàu đò Cao Lãnh Sa Đéc Đại Tân hụ mấy đợt còi thúc giục hành khánh inh ỏi, nhưng vẫn im lìm nằm vạ tại bến tàu, không có vẻ gì sắp di chuyển cả. Hành khánh đã quen thuộc với sinh hoạt nầy nên một số đông vẫn tà tà trên bến thoải mái chuyện trò. Sinh hoạt trên tàu rộn rịp như cảnh chợ đông. Hàng hóa từng bao chỉ xanh tới tấp khuân lên tàu, chất tràn cả lối đi. Hành khách lên xuống, tới lui, ơi ới chỉ điểm nhau chọn một chỗ tốt cho cuộc hành trình. Mấy em bé bán hàng rong len lỏikhắp nơi tha thiết rao hàng mời mọc : “Nước mía! Nước chanh đá đây!”, “Thử tô bánh canh giò heo, chị!”, “Cậu ăn dĩa cơm tấm bì cho chắc bụng! Còn kịp giờ chán mà!...” 
 
Không lạ gì cảnh nầy, Đinh hữu Thuật(1) đứng dựa vào boong tàu lơ đãng nhìn cụm mây trắng xa xôi, cố che dấu niềm riêng đang ngổn ngang trong dạ. Chàng vô tình đưa mắt nhìn về hai đứa bé, đang đứng co ro một góc tàu, dáo dác nhìn lên bờ sục tìm cha mẹ. Chúng đã được cha mẹ dẫn đến bắt ngồi chờ để “xí phần” trước chỗ ngồi, rồi họ lại quày quã trở lên bờ giải quyết chuyện gì khá lâu mà sao vẫn còn biệt dạng. Tàu lại hụ lên ba còi liên tục, lần nầy tiếng còi có mòi dồn dập quyết liệt; thế rồi, giây thừng cột tàu được tháo ra, và tàu từ từ xê dịch. Đám hành khách đang tụm năm tụm ba quyến luyến níu kéo nhau trên bến mới vội vã trổ tài khinh công ào ào phóng xuống tàu. Tới giây phút nầy vẫn chưa thấy cha mẹ xuất hiện, hai đứa bé lo sợ cuống cuồng, đứabé gái mếu cái miệng “méo xẹo” trông dễ thương vô cùng. Thuật chợt liên tưởng đến câu hát ru em :

 “Tàu súp lê một, còn trông còn đợi! 
 “Tàu súp lê hai! Còn đợi còn chờ! 
 “Tàu súp lê ba! Tàu ra biển Bắc! 
 “Tay vịn song sắt mà nước mắt chảy hai hàng…” 
 
Chàng tủm tỉm cười, thầm nghĩ : “Thì cũng có ba tiếng “súp lê”, tàu ra hướng Bắc và có hai hàng nước mắt, dù là nước mắt của trẻ con lạc mẹ”. Nước mắt nào chẳng làm cho người ta mềm lòng, Thuật chen vội đến bên em bé ngọt ngào dỗ :

- Không sao đâu cháu! Ba má cháu không bị trễ tàu đâu! Cháu đừng lo! 
 
Được an ủi, con bé chẳng những không nín, mà lại còn ngoác mồm khóc thét lên, khiến Thuật bối rối chẳng biết phải làm thế nào cho ổn. May mắn là chiếc tàu đang đủng đỉnh xoay đầu, chưa cách bến bao xa, thì đã nghe tiếng kêu ơi ới, rồi có chiếc xuồng con chèo thật nhanh đưa ra thêm mấy hành khách chậm chạp nữa, trong số nầy có cả cha mẹ hai đứa nhỏ. Con bé đang bù lu bù la khóc, vừa thấy mẹ mừng rú lên. Em lại được dúi cho chiếc bánh cam, nên tuy nước mắt chưa khô, mà đã hí hửng cười tươi rồi. Đôi vợ chồng lúng túng ngỏ lời cám ơn Thuật đã trông nom dùm hai đứa trẻ. Người đàn ông lịch thiệp tự giới thiệu tên là Lê văn Cư hành nghề gõ đầu trẻ. Vợ chồng thầy phải gắp rút lên đường về quê nhà tại Bến Tre, vì thân phụ thầy đang lâm bệnh trầm trọng

Thuật cũng tự giới thiệu danh tánh và với giọng nửa đùa nửa thật, chàng cho biết từ ngày bỏ học về nhà “ăn bám” cha mẹ, suốt ngày chàng chỉ biết “rông chơi lêu lỏng” với bè bạn mà thôi. Tuy Thuật dè dặt tránh tiết lộ thân thế và tư tưởng thầm kín của mình và đẩy đưa câu chuyện xoay quanh toàn những đề tài vô thưởng vô phạt, vậy mà, chỉ trong khoảng một thời gian ngắn hai kẻ xa lạ đã đối đáp dòn tan. Bên cạnh đó, thím giáo vừa quạt vừa dịu dàng cất tiếng ru con ngủ. Tiếng ru gợi cảm của thím nhỏ, nhưng trong sángrõ ràng, từng âm thanh ngọt ngào như rót vào tai mọi người :

 “Mười giờ Oâng Chánh về Tây! 
 “Cô Ba ở lại lấy thầy thông ngôn 
 “Thông ngôn, ký lục, bạc chục không màn 
 “Lấy chồng thợ bạc, đeo vàng đỏ tay!…” 
 
Vần thơ trên tuy chỉ mô tả một câu chuyện tình thời sự bình thường, nhưng chủ ý có lẽ nhằm cười cợt đức hạnh tồi tệ của đám người Việt chạy theo thực dân Pháp, vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi xuất hiện, nó đã biến thành câu ca dao phổ biến trong dân gian. 
 
Lời ru vô tình gợi cho hai người đàn ông một đề tài mới để bàn bạc. Thầy giáo Cư phê bình :

- Bọn “me Tây, bồi Tây” dễ ghét làm sao á!

Thuật thở dài đáp :

- Cái bọn “bồi Tây, me Tây” bại hoại nầy thì đâu còn gì để phê bình nữa. Chúng hãm hại đất nước, ức hiếp dân lành còn hơn kẻ ngoại bang nữa kìa!

Chẳng biết có lưu tâm đến mẩu đối thoại của hai người đàn ông không, mà bỗng nhiên lời ru của thím giáo lại trở nên ngậm mgùi u oán :

“ à..ơ..! 
Non nước u sầu hệ bởi đâu? 
Dàu dàu mây bạc cõi Ngao Châu!...” 
và 
Thà đui mà giữ đạo nhà… 
Hơn là có mắt ông cha không thờ!...” 
Thấy vẻ ngẩn ngơ của Thuật, thầy giáo giải thích :

Đây là những câu thơ của cụ đồ Nguyễn đình Chiểu! Dân Bến Tre chúng tôi, ai mà chẳng thuộc nằm lòng những vần thơ yêu nước thương nòi của cụ!

Thím giáo lại tiếp tục ru con : 
“ à… ơ…” 
“Chừng nào con xán bung vành! 
“Tàu binh liệt máy, thì anh mới về!”(2)

- Câu hát trữ tình nầy rất phổ biến tại Cao Lãnh, xuất xứ như thế nào tôi chưa hiểu ra, nhưng tôi thấy có gì trật trật hay là lạ sao đó! Anh nghĩ coi chiếc tàu, chiếc xán là sản phẩm ngoại lai, đâu có gần gũi thơ mộng với dân quê như chiếc xuồng, chiếc ghe, vậy mà không hiểu tại sao tác giả lại mượn hình ảnh nầy để gởi gắm tình cảm của mình?, thầy giáo Cư lại lên tiếng.

Thuật góp ý :

- Câu ca dao nầy có lẽ phát khởi từ nhóm nghĩa quân Thiên Hộ Vương ngày trước. Thuở đó, bọn Pháp xâm lăng miền Tây đã dựa vào những chiếc tàu tối tân chở binh sĩ đi khắp nơi tấn công nghĩa quân yêu nước. Địa phương nào không có đường sông thuận tiện, như vùng Đồng Tháp Mười, chúng phải đào kinh ngang dọc làm đường vận chuyển quân. Thời đó, chiếc xán như con quái vật khủng lồ lạnh lùng nuốt trửng ruộng đồng, nhà cửa dân lành. Nó cũng khủng khiếp như đoàn quân viễn chinh độc ác giết người cướp của, cưởng hiếp phụ nữ kể cả người già và trẻ con. Chính vì vậy mà nghĩa quân năm xưa đã xử dụng hình ảnh phá hủy tàu binh và xán đào kinh để nói lên chí nguyện đuổi quân xâm lăng của mình. Chừng nào hết kẻ xâm lăng thì người nghĩa quân mới có quyền nghĩ đến tình riêng.

- Oâi! Câu hát mộc mạc vụng về mà chan chứa tình nước tình nhà cao ngất! Hào khí của người xưa quả đáng cho chúng ta khâm phục!

Nhờ mấy câu hát ru con yêu nước, Thuật hiểu rõ lòng dạ của vợ chồng thầy Cư, chàng tin tưởng ngay người bạn mới và thố lộ hết những bí mật của đời chàng. Thuật đã dấn thân đời mình cho sự nghiệp cách mạng dành độc lập, nhóm chiến hữu của chàng đã lập ra tổ chức “Đông Kinh Nghĩa Thục miền Nam”, với hoài bảo vận động đưa những thanh niên nhiệt quyết sang Trung Hoa và Nhật học hỏi, chờ ngày thành tài về nước thành lậplực lượng võ trang đánh đuổi bọn xâm lăng. Lúc bấy giờ, một trận thế chiến đã có nguy cơ bùng nổ bên trời âu, chánh quyền Pháp tăng cường kiểm soát an ninh, tung mật thám khắp nơi mưu đồ phá vở các đoàn thể cách mạng, do đó, con đường vượt biên xuyên qua vùng thượng du Bắc Việt trở nên nguy hiểm, nhất là đối với người miền Nam không hiểu rõ sinh hoạt miền Thượng du, và có giọng nói khác biệt. Thuật có vốn liếng Hán học, lại có thể đàm thoại sơ sài tiếng Quảng Đông, nên được anh em ủy thác tìm con đườngvượt biên mới qua ngả Miên Lào. 

Do đó, hôm nay chàng về xã Mỹ Xương thăm nhà lần cuối cùng trước khi lên đường… Thế rồi, Thuật bỗng bùi ngùi run giọng : “Ngày mai, nếu “nhà tôi” hỏi tôi chừng nào trở lại, chẳng biết tôi có đủ can đảm nhắc lại câu hát của người xưa : “Chừng nào con xán bung vành. Tàu binh liệt máy thì anh mới về..” hay không?” 
 
Tàu dừng bến xã nhà, Thuật bận bịu từ giã bạn mới nên vẫn còn chần chờ trên tàu. Bỗng Thuật nhìn lên bờ, chàng tái mặt khi thấy cai tổng Ninh, tên tai sai đắc lực của thực dân Pháp, đang chỉ chỏ ba hoa với mấy tên “phèn”(3) mật thám Sa Đéc. Bọn họ chăm chú nhìn kỹ từng người xuống tàu như đang lục tìm ai.

Thầy giáo Cư tinh ý lên tiếng :

- Có gì lạ phải không anh?

- Nguy hiểm quá! Bọn phèn Sa Đéc đang bủa lưới chận bắt người! Có lẽ hành tung của tôi đã bị lộ, nên bọn chúng mới rình rập tôi ở chốn nầy! 
 
Sau mấy giây phút bối rối, thầy giáo Cư bình tĩnh bảo Thuật nằm cạnh thím giáo, ôm đứa cháu trai trong lòng giả vờ ngủ, rồi thầy giáo ra đứng bên hông tàu, thơ thẩn nhìn mây bay như người vô sự. Thím giáo hội ý chồng, lấy nón lá che mặt cho Thuật, phe phẩy quạt, đu đưa chiếc võng, rồi liên tục cất tiếng ru con ngọt ngào… Bọn mật thám lên tàu lục soát, không chú ý đến cảnh gia đình đầm ấm nầy, nên Thuật thoát nạn.


Thuật tránh liên lạc với bạn hữu vì sợ bị theo dõi mà gây nguy hại đến tổ chức. Ngày hôm sau, Thuật đón xe đò đi Châu Đốc, và nhờ mang sẵn giấy căn cước “thuộc dân”, chàng vượt biên giới hợp pháp đến Nam Vang, ghé Battambang thông báo cho đồng chí cơ sở tại đó, đoạn lên Luang Prabang Ai Lao, tạm ẩn thân tại đồn điền An Phong của vợ chồng cô em thứ năm nhủ danh Đinh thị Xuyến. Chủ nhân thường xuyên sinh sống tại quê nhà, giao cơ sở cho người chú họ tên tư Hanh toàn quyền điều khiển. Viên quản lýđang sống phong lưu với năm bảy nàng hầu, cảm tưởng bất thần bị anh bà chủ thanh sát, nên phục vụ Thuật vô cùng chu đáo, từ việc ăn ở cho đến việc di chuyển khắp nước Lào. Nhờ vậy, chỉ mấy tháng sau, Thuật đã tìm đuợc người địa phương thông thạo dẫn đường vượt biên giới đến Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

Rủi ro bất ngờ, là chiến hữu Triệu thúc Ba, phụ trách cơ sở cho tổ chức tại địa phương nầy bị bạo bệnh qua đời ba ngày trước khi Thuật có cơ hội gặp mặt. Mất đường giây liên lạc, Thuật bơ vơ xứ lạ quê người chẳng biết xoay xở ra sao. Tình cảnh của những người Việt làm cách mạng tạm trú tại miền Nam Trung Hoa lúc bấy giờ rất khó khăn. Tướng Đường kế Nghiêu, đô đốc Vân Nam, chủ trương hợp tác với chánh quyền Pháp tại Đông Dương, vừa ra lệnh lực lượng an ninh lùng bắt tất cả Việt kiều lưu vong sống bất hợp pháp để giao nạp cho Hà Nội. Tiếp tục chuyến đi trong thời điểm nầy rất nguy hiểm, mà trở về Ai Lao bằng con đường cũ cũng là chuyện nan giải, vì các trục giao thông chính yếu đều bị nút chặn an ninh kiểm soát chặt chẽ. 

Do đó, Thuật băng rừng lội suối hoặc chọn những con lộ hoang vắng kiểm soát lỏng lẻo mà đi. Vì không có lộ trình nhất định, vô tình Thuật lạc sang địa phận huyện Tân Châu, phủ Đại Lý. Thuật lại nảy ý vượt biên giới theo ngả Tân Châu sang Miến Điện, rồi từ đó trở về Lào. Lộ trình nầy tuy quanh co khúc khuỷu nhưng rất an toàn. Chỉ mấy ngày xông bờ lướt bụi, ăn uống thất thường, chàng bệ rạc thất thểu như một kẻ ăn mày. “Lộng giả thành chân”, Thuật cũng mon men theo những tên hành khất chánh hiệu, lỳ mặt kiếm chút cơm thừa, tuy bị xô đuổi vẫn đỡ nguy hiểm hơn vào tiệm ăn uống, nói năng không thành thuộc dễ bị lộ chân tướng

Trên con đường đất đá Ngõa thôn thuộc địa phận huyện Tân Châu, Thuật lõm bõm nghe một khách thương kể hành trạng của một vị sư già khổ hạnh, câm và điếc, không danh tính nhưng được dân địa phương tôn kính gọi là “Lung Á đầu đà”(4). Vị sư già nầy từ phương xa lưu lạc đến đây lâu lắm rồi, ngày ngày cứ vác cuốc, vác búa… đi đập đá, sửa đường, đắp lộ. Con đường nầy thuở trước gập ghềnh, đi lại cực kỳ khó khăn, nhờ sư khổ công bồi đắp mà việc đi lại mới dễ dàng. Tuy nhiên, đoạn đường thì dài mà chỉ một mình sư âm thầm sửa chữanên chi, chỗ nầy vừa bằng phẳng thì chỗ khác lồi lõmhư hoại; sư phải dời chỗ tạm trú liên tục, từ khúc lộ nầy đến khúc lộ kia, bền bĩ làm việc không ngừng năm nầy sang năm khác, mà con đường dường như dài vô tận, chẳng có triển vọng chấm dứt công tác. 

Làm lụng cực khổ tối ngày, vậy mà nhà sư câm điếc luôn luôn tươi mát, gặp bất cứ người nào, dù đứa trẻ con, sư đều chấp tay trang trọng vái chào kèm theo một nụ cười hiền hậuCảm ân đức của sư, khách bộ hành có người xin cúng dường sư trọng hậu, nhưng sư chỉ nhận chút ít thực phẩm hộ thân mà thôi. Ai kính mến sư, phát tâm theo sư đắp lộ sửa đường đôi ngày, sư cũng hoan hỷ. Động tính hiếu kỳ Thuật ước mong gặp được nhân vật lạ lùng nầy. Thật ra, ngoài chuyện hiếu kỳ, Thuật còn có hậu ý riêng. Chàng nghĩ khi gặp lão tu sĩ nầy, nếu nhận xét ông ta không nguy hiểm, thì chàng có thể “giả dạng” làm một Phật tử thuần thành phát tâm theo sư làm công quả cũng được. Đâu ai để ý gì đến thằng sửa đường đắp lộ, chàng cứ nương náu với sư một thời gian, chờ tình hình lắng dịu rồi tính. 

Giải pháp nầy chắc chắn sẽ đỡ nguy hiểm và khổ cực hơn cảnh chàng phải trốn chui trốn nhủi, đói rách và đi lang thang vô định như mấy ngày qua. Vã chăng, gần gũi với người câm điếc là chuyện lý tưởng, Thuật sẽ không bị tra hỏi gốc tích, và khỏi phải ấm ớ nói năng ngọng ngịu mà lộ chân tướng người Việt của mình. Điểm rắc rối là Thuật chẳng biết nhà sư câm điếc đang “hành nghề” ở khúc lộ nào để đi tìm, chàng muốn dọ hỏi nhưng làm sao dám lên tiếng, còn kẻ bàng quan kháo chuyện với nhau cho vui, chớ đâu chỉ bày cặn kẽ ngọn ngành. Thuật đành phó thác cho số mạng, cứ âm thầm lầm lủi đi tới trước. 

Mãi đến khi trời đã về chiều, chàng mới thấy xa xa dáng một người đang lui cui đắp đất vá một lỗ hỏng giữa lộ. Đó là một lão già chừng sáu mươi tuổi, mặc chiếc áo bạc màurách nát, bê bết đất, nếu không nhờ cái đầu cạo trọc thì khó biết đó là một tu sĩ. Đoan chắc đã tìm đúng người, Thuật tới gần, giở nón chào. Vị sư già khoan thai từ tốn chấp tay xá đáp lễ và trao cho chàng nụ cười hoan hỷ cảm thông. Thuật lặng người rung độngràn rụa nước mắt. Chàng lâm vào một hoàn cảnh bi đát, thấy ai cũng hốt hoảng nghi ngạilòng dạ rối như tơ vò vì chẳng biết nên làm gì, đi đâu, thăm hỏi ai? Vậy mà, vừa đón nhận nụ cười của sư, chàng liền cảm thấy an lành thư thái, giống như tâm trạng của một chú gà con bị diều hâu săn đuổi, bỗng tìm thấy được mẹ hiền đang dang rộng đôi cánh thương yêu che chở. Sư vỗ nhẹ vai chàng ngầm bảo chàng yên tâm, đoạn sư tiếp tụccông việc dang dở

Nhờ biết rõ sư bị bệnh câm và điếc nên Thuật không thắc mắc hỏi han câu nào, chàng trầm ngâm quan sát lối làm việc của sư, và chờ đợi khi sư hoàn tất việc đắp vá con lộ, quảy cuốc, xách giỏ đi, thì Thuật cũng lẵng lặng theo sau chẳng chút ngần ngại. Mãi đến khi trời sụp tối, lặn lội cả hai dậm đường dài, ông lão mới đưa chàng đến nơi tạm trú, một cái chòi nhỏ xíu nằm ven lộ. Sư lúi húi thổi lửa, luộc khoai, rồi giơ tay ra hiệu mời Thuật ăn. Thuật đang đói bụng, ăn liên tục hai củ mới chợt nhớ đến sư. Chàng lúng túng chắp tay mời sư. Sư lắc đầu, chỉ hướng mặt trời lặn. Suy nghĩ một lúc lâu, Thuật mới hiểu ýsư. Tuy làm việc nặng nhọc, nhưng sư vẫn giữ giới không ăn sau giờ ngọ

Thuật chẳng màu mè, khoan khoái vét sạch phần còn lại. Sư ngắm nhìn chàng ăn, hỷ hả như bà mẹ hiền đang chăm sóc đứa con “cưng”, vui với niềm vui của con. Aên xong, Thuật cũng muốn dọn dẹp nhưng đang đứng xớ rớ thì sư bảo chàng vào ổ rơm nằm ngủ. Thuật đã mệt đứ đừ, mắt ríu lại mở không lên, nên cứ lăn càn ra đó, ngáy vang như sấm. Sáng sớm hôm sau, vừa thức dậy chàng đã thấy sư lo lắng đâu vào đó sẵn cả rồi. Thế rồi, hai người ăn cơm, xới phần còn lại cho bữa trưa, rồi quảy gánh lên đường. Sau đó, cả hai cùng ra tay xúc đất đá đắp đường, trọn ngày không ai nói với ai một lời, nhưng mối liên hệ ngày càng mật thiết

Điểm lạ lùng là tuy tuổi đã cao, phải lao động nặng nề, mà thái độ sư lúc nào cũng ung dung thong thả… trong khi Thuật phải vất vả, vận dụng toàn lực, mệt thở hổn hển mà vẫn chưa theo kịp. Do đó, buổi chiều khi Thuật lê lết về tới lều, thì sức đã kiệt, đầu óc lờ đờ, chỉ đủ sức “nhét” tí thức ăn vào bao tử, là lăn ra nằm ngủ, chẳng quan tâm bất cứ chuyện gì, kể cả nỗi gian truân cơ cực hiện thời. Mấy tuần sau, khi thể xác đỡ bầm dập, đầu óc minh mẫn thì Thuật dần dần khám phá được niềm thú vị trong nếp sống “phu lục lộ” lao khổ nầy, nên cũng đỡ lo lắng cho thân phận hẩm hiu của mình. 
 
Thuở nhỏ, Thuật đã được mẹ đưa đến chùa Bữu Lâm, Cái Bèo, quy y với hòa thượngHải HuệThỉnh thoảng chàng vẫn đến chùa, nhưng tánh chàng hiếu động nên chỉ lễ Phật, chào thầy rồi “chuồn” mất, chàng rất ngại khi phải tiếp xúc với giới tu sĩ trầm lặng. Lần nầy, Thuật bị đặt vào cái thế phải chung sống toàn thời gian với một tu sĩ vừa già, lại vừa câm và điếc nữa…, nên ngoài nỗi khổ vì lao động cực nhọc, chàng còn cảm thấy tù túngvà chán nãn tột cùng.Thế nhưng, sau thời gian đầu bực bội khó chịu, Thuật lần lần lắng lòng, trầm ngâmlặng lẽ quan sát và cuối cùng khám phá được rằng sau khi loại bỏđược mớ âm thanh ồn ào, lột bỏ được cái lễ nghi hình thức giả dối bên ngoài thì người ta mới sống thực với chính mình, mới cảm thông được với vạn vật mọi loài một cách thiêng liêng và sâu sắc. 

Nhận thức trên là một chuỗi dài chuyển biến nội tâm, nhưng thật ra có lẽ đã bắt nguồn từ những hành động “lẩm cẩm vô tích sự” của sư. Đang đi, bỗng nhiên sư dừng lại, cẩn thận dùng chiếc lá nâng con sâu, con bọ… hay bứng một bụi cỏ dại ra khỏi mặt đường. Sư làm việc đó chân thành như một lễ nghi tôn giáo nên mất rất nhiều thời giờ, khiến cho kẻ chờ đợi bực bội không ít. Sư cũng từng bỏ cả ngày để săn sóc cho một con mèo hoang bị trọng thương đang thoi thóp chờ chết, rồi hì hục đào mộ chôn nó, chu đáo như lo lắng cho một thân nhân. Sư cũng có thể sớt phần cơm cho con chó đói hay bớt phần nước uống, rưới cho bụi cỏ dại khô cằn. Điểm đặc biệt là bụi cỏ dại may mắn đó hôm sau trổ được một đóa hoa tí hon xinh xắn, khoe khoan màu sắc, mũm mĩm đón chào sư. Sư ân cần cuối xuống vuốt ve, trang trọng chiêm ngưỡng rồi gật gù tán thưởng. 

Đóa hoa chợt rung động, đong đưa theo gió nhảy nhót vui mừng. Chuyện khó tin, nhưng đối với Thuật, đó là sự thật : Họ - sư và bụi cỏ – đang trầm lặng đối thoại hào hứng với nhau. Thuật khám phá rằng trong con người chân chất của sư tiềm tàng một khả năng siêu việt có thể cảm ứng với muôn loài, tình thương bao la của sư chan hòa cả cỏ cây cát đá, nên bụi cỏ cũng quyến luyến thân thuộc với sư. Cảm nhận được điều đó, Thuật không còn xem nhẹ những chuyện “lẩm cẩm” của sư nữa. Chàng yên lặng quan sát thật kỹ, tìm hiểu thật sâu, để rút tỉa những bài thuyết pháp không lời tỏa ra từ hành vi của sư. Làm việc hay nghỉ ngơi, cuốc đất hay ngắm trăng, lúc nào sư cũng an lạc, sư tận hưởng sự sống trong từng giây phút hiện tiền không để rơi rớt phí phạm. Sư thong thả đi đứng, thở, cuốc đất, đập đá, rải đất đá đắp đường... rất bình thường, nhưng trong mỗi cử chỉđều biểu lộ cho một hành động tràn đầy ý thức, và vì vậy, nên rất sống động và tự tại
 
Gần gũi với bậc thanh thoát, Thuật cũng hưởng lây được niềm hạnh phúc. Càng nếm được hương vị đó, Thuật càng tha thiết mong tham học Phật Pháp với sư, nhưng ước mơ nầy khó thực hiện đối với vị thầy câm điếc. Thuật đành quan sát sư, tự tìm hiểu và tự vạch cho mình một phương pháp tu và sống lành mạnhBước đầu, Thuật tập theo dõitừng hành động, từng suy tư của mình. Chàng chiêm nghiệm được rằng khi dần dần tự kiểm soát được thân tâm, mình mới có thể “tự làm chủ” lấy mình, không còn bị giặc tham sân si hoành hành khuấy phá nữa, vì vậy bản thân sẽ thư thái nhẹ nhàng hơn. Từ đó, dầu phải làm việc nặng nhọc, Thuật vẫn cảm thấy an vui như khi ngắm nhìn trời mây hay thưởng thức cỏ nội hoa ngàn. Giờ đây, chàng ý thức rất rõ, là thời gian làm việc chính là thời gian thụ hưởng giây phút hiện tại nhiệm mầu, nhờ vậy, chàng không nóng nảy mong làm cho chóng xong, để rồi rơi vào trạng thái bồn chồn, sầu lo, thương ghét, giận hờn… 
 
Lụi hụi mà Thuật đã nương náu với nhà sư câm điếc tròn mười tháng. Thuật vui vẻ theo sư di chuyển dài dài trên con đường đất đá gần trăm dặm để sửa chữa, chẳng chút bận tâm đến thân phận trốn tránh bi đát của mình. Một hôm có đoàn khách thương dừng bước ngay chỗ chàng sửa đường, họ cúng dường cho sư chút thực phẩm, rồi có lẽ thấy không cần dè dặt với thầy trò kẻ mang bệnh câm điếc, họ bô bô bàn bạc những tin tứcchánh trị nóng hổi đương thời. Các vị tướng lãnh quân đội tỉnh Vân Nam chia thành hai phe kình chống nhau để tranh đoạt chức đô đốc. Hai bên đã dàn quân đối đầu nhau, giao tranh lớn chắc chắn sẽ xảy ra. Phe của tướng Cổ phẩm Trân có phần hùng hậu hơn phe của tướng Đường kế Nghiêu, vị đô đốc đương thời. Giới lãnh đạo kình chống nhau không ai bận tâm điều hành guồng máy hành chánh kinh tế trong tỉnh. Các viên chức nhỏ bất động không dám giải quyết điều gì vì sợ trách nhiệmthành thử luật lệ nội an lỏng lẻo, giới kinh doanh mặc sức làm ăn phi pháp để làm giàu nhanh chóng. 
 
“Trong tình trạng nầy, có lẽ, lệnh ruồng bắt những người Việt lưu vong không còn hiệu lực nữa. Mình có thể tái hoạt động rồi đây!”, Thuật thầm nghĩ rồi bồn chồn chẳng yên. Bấy lâu, sống êm đềm với nhà sư câm điếc, Thuật tưởng mình đã quên lãng “trần gian khổ lụy”, nào ngờ vừa nghe tin nầy, thì hào khí người trai trổi dậy, chàng hăm hở mong sớm lên đường để tiếp tục sự nghiệp cách mạng của mình. Thế nhưng nghĩ đến việc xa rời vị thầy tôn kính, Thuật cảm thấy bùi ngùi chẳng yên. 
 
Sau một đêm trằn trọc, chờ đến sáng khi đến lúc sắp lên đường, Thuật lạy thầy từ tạ, rồi cảm động rưng rưng nước mắt lên tiếng :

- Con phải lên đường thầy ạ! Con muốn sống mãi nơi nầy với thầy, nhưng con không thể bỏ rơi quê hương và phụ lòng tin tưởng của bè bạn con được! – chàng nói tiếng Việt, vì nghĩ thầy điếc thì nói tiếng nào cũng vậy thôi, thầy đoán mò được điều gì cũng tốt –

- Ơ, đương nhiên thì con phải ra đi! Nhưng nếu con nán lại thêm một thời gian ngắn nữa thì tốt lắm!

Thuật sửng sốt, nhớn nhác nhìn sư. Chàng lắc đầu không tin tưởng lỗ tai mình. Chàng thầm nghĩ : “Lạ quá!sư? sư câm mà sao bỗng nhiên sư nói được, mà nói tiếng Việt mới dị kỳ chớ?, sư là người cõi trần hay từ cõi nào mà có thể hiển lộ thần thông như vậy???”

- Con à! Thầy không câm và điếc, và thầy cũng là người Việt như con vậy đó!

Thuật mừng rỡ hỏi lung tung :

- Thầy sang đây từ bao giờ? Cuộc đời tu tập của thầy như thế nào? Mà sao thầy lại chọn làm công việc nầy ở đây?

- Ơ! Thầy vốn là tu sĩ chùa Phước Hưng, Sa Đéc(6). Thầy rời nước năm hai mươi lăm tuổi, tính đến nay đã tròn bốn mươi năm rồi! Cuộc đời tu tậphạnh nguyện và nguyên nhân “câm điếc” của thầy dài dòng, nhưng thầy có ghi chép lại. Thầy sẽ trao cho con để tìm hiểu sau nầy!

- Đúng là Trời Phật dun rủi cho con trên bước đường cùng, may mắn gặp được thầy!

Dĩ nhiên là như vậy rồi! Nếu không có nhân duyên ngày trước thì làm gì có chuyện hội ngộ về sau! Lần hội ngộ nầy tương đối sắp hoàn mãn rồi. Do đó, thầy chỉ mong con lưu lại chốn nầy chừng hai tháng nữa thì mọi việc sẽ diễn tiến trơn tru tốt đẹp. Thật ra, thì thầy cũng có chút việc dự định phú thác cho con!

- Thầy dạy điều chi con cũng xin tuân theo cả! Ơ! hai tháng thì ngắn ngủi quá! Con nghĩ con nên lưu lại lâu hơn để có thời giờ học đạo với thầy! 
 
Thế rồi Thuật ở lại tiếp tục theo thầy hành nghề phu lục lộ và học đạo. Chàng đã từng quy y với hòa thượng Hải Huệ, nhưng lúc đó nhỏ dại chẳng hiểu biết gì, pháp danhchàng cũng mù tịt nên thỉnh cầu được quy y lại. Thầy quở : “Nếu con chưa nắm vững nghĩa lý thì thầy sẽ giải thích con hiểu Tam Quy và Ngũ Giới, con quên pháp danh thì thầy đặt cho con pháp hiệu là Thiện Hữu để nhân đó mà tinh tiến tu tập, nhưng thầy không thể chấp nhận cho con quy y lại. Quy y lại là hành động vô tình khinh thường vị thầy đầu tiên, một điều mà người con Phật ân nghĩa tình thâm không thể làm được, huống chi “một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, khi lễ quy y đã tiến hành, dù con chưa tin hiểu đầy đủ, nhưng nhân lành đã được gieo, quả lành theo đó mà trùng trùngduyên khởi, phước báu mênh mang, thâm ân thầy xưa sao quên cho được?”

Thuật thỉnh cầu sư trao truyền một pháp môn để tu tập thì sư đáp :

Phật Pháp mênh mông chẳng bến bờ, mà thời giờ còn lại ngắn ngủi, vì vậy thầy đành bắt chước người xưa nhắc nhở con bằng bài kệ : 

Chớ tạo các điều ác 
Vâng làm mọi việc lành 
Giữ tâm ý trong sạch 
Đây lời dạy chư Phật.

Tích xưa kể rằng vào thời nhà Đường có vị cao tăng nổi tiếng là đạo cao đức trọng thường ngồi tu trên một nhánh cây nên được bá tánh tôn xưng là Điểu Sào hòa thượng. Vị thái thú đương thời là là Bạch lạc Thiên, nghe danh tìm đến, thỉnh cầu sư giảng dạy về đại ý Phật Pháp. Sư trả lời bằng bốn câu kệ ngắn gọn nầy. Bạch thái thú phản đối : “Tưởng sư dạy điều gì đặc biệt, chớ những lời nầy thì đứa con nít lên ba tuổi cũng biết”. Sư thản nhiên đáp : “Con nít ba tuổi tuy nói được, nhưng lão già tám mươi chưa chắc làm được!” Phật Pháp giản dị như vậy đó con. Chỉ cần tránh điều ác, làm việc lành là đủ, nhưng vấn đề là phải tâm tâm niệm niệm hết lòng hết sức thực hành điều đó, thì tâm ý mới giữ được thanh tịnh. Giới đã thanh tịnh thì định huệ sẽ phát sanh, con đường giải thoát chẳng còn bao xa nữa.

Nếp sống phu lục lộ vẫn tiến triển như thường lệ cho đến ngày thứ mười kể từ khi sư “khai khẩu”. Sáng hôm đó, khi Thuật lui cui gom đồ nghề chuẩn bị lên đường, sư bỗng ôn tồn ngăn lại :

- Con mang theo chiếc rựa đủ rồi. Từ bây giờ mình sẽ không còn gánh vác chuyện sửa đường lộ nữa, bởi vì, hôm nay là ngày cuối cùng của thầy ở chốn nầy, thầy sắp đi xa rồi con ạ!

- Uả! Thầy đổi ý không bảo trì con lộ nầy nữa sao? Mà thầy định đi đâu vậy thầy?

Chúng sanh vô tận thì hạnh nguyện bồ tát cũng vô tận… Nhưng giờ đây đã đến lúc thầy sẽ vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, thầy sẽ tu tập ở cõi nầy cho đến khi đạt đến trình độ bất thối chuyển, rồi mới trở lại cõi Ta Bà tiếp tục con đường vô tận của mình.

Nghe tin thầy từ giã cõi trần đột ngột, Thuật choáng váng tối tăm mặt mũi. Chàng ước mong gần gũi với thầy thêm một thời gian nữa, nhưng làm sao có thể mở lời ngăn cảnthầy vãng sanh cho được. Nước mắt tuôn tràn, Thuật lặng lẽ theo thầy như một người máy. Sư đi vào rừng sâu, qua khỏi hồ sen nhỏ, đến khoảnh đất cây cối thưa thớt thì dừng lại bên một tảng đá bằng phẳng, rồi lên tiếng :

- Chỗ nầy yên tịnh hợp ý thầy lắm! Con hãy ngồi kế bên đây, thầy có lời cuối cùng dặn dò con! Ơ hay! Tử biệt sanh ly là chuyện thường tình, đâu ai tránh được điều đó! Sao con ơ hờ quên làm chủ lấy mình, để cho tâm ý bấn loạn theo nỗi buồn vui giả dối như vậy?

Nghe thầy nhắc nhở, Thuật vội thở mấy hơi thật sâu, theo dõi tâm niệm mình và dần dầnkhôi phục lại thái độ điềm tĩnh thường nhật. Sư lại lên tiếng :

- Thuở sơ tâm xuất gia, có lần ta theo sư phụ làm lễ cầu an cho một gia đình ở xóm chài, mũi Nai, Hà Tiên. Ta xúc động chứng kiến cảnh vô số loài thủy tộc : cá, tôm tép ruốc… bị bắt làm khô làm mắm, nên nảy lòng phát nguyện tu hành để cứu độ loài thủy tộc nầy. Vì vậy, ta nhờ con thiêu xác thân ta, mang mớ tro tàn về nước để rải ở biển đó. Ta muốn kết thêm duyên và giữ lời ước nguyện năm xưa thêm bền chặt…

Sư trao cho chàng mấy tờ giấy chi chít chữ, rồi ôn tồn tiếp lời :

- Đây là tự truyện của ta! Con tùy nghi mà tìm hiểu, may ra giúp ích chút nào cho con trên bước đường tu tập. Ta cũng nhân cơ hội nầy nhắc con một điều là pháp môn nào của đạo Phật cũng quy vào việc tu dưỡng tâm, tức là chỉ nhằm chuyển sửa tâm tham sân si thành tâm thanh tịnhCăn bản của phép tu tâm là giới mà hơn một lần thầy tóm gọn lại là “làm lành lánh dữ”. Hành giả càng tu, tâm càng thanh tịnh, cái ngã tan biến dần, nên tự tại mà hòa hợpTrái lại, dẫu đạt đến trình độ giác ngộ như thế nào mà thiếu hòa hợp, thì có lẽ tâm đã bị cái ngã che lấp, đường lối tu âm thầm rẽ sang hướng khác mà hành giả không hay biết. Để tránh lầm lạc đó, hành giả nên luôn luôn thận trọng và thành thật quán sát từng động niệm của tâm, càng nhận thấy lỗi mình thì đạo hạnh càng có cơ phát triển.

- Khái quát thì như vậy, nhưng phải có pháp môn cao pháp môn thấp chớ thầy?

- Tâm bệnh của chúng sanh muôn vàn sai khác nên Đức Phật cũng “tùy bệnh cho thuốc” mà đưa ra những pháp môn khác biệt. Pháp môn nào cũng phát xuất từ Đức Phật và đều có hương vị giải thoát, nên không thể phán quyết pháp môn nào cao hơn pháp mônnào. Do đó, nếu quá khích tôn xưng pháp môn nầy, phỉ báng pháp môn khác là đã vô tình phỉ báng Phật PhápVấn đề chính yếu của người hành giả là một khi đã chọn pháp mônphù hợp với căn cơ mình, thì cứ dứt khoát nhất trí tu tập, không để bất cứ ai lung lạc thay đổi đường lối, thì mới mong đạt được kết quả như ý.

- Tiếc quá! Giờ nầy con hiểu chút đạo lý thì mọi sự đã muộn màng! Con đã nguyện dâng hiến đời mình cho dân tộc thì đâu còn cơ hội tu tập gì nữa!

- Con ạ! Hi sinh đời mình cho dân tộc cũng là hạnh nguyện của bậc Bồ Tát. Con có thể làm cách mạng và tu tập được, nếu như hằng quán sát thân tâm không để cho niệm tham sân si sinh khởi là đủ.

Dứt lời, sư ngồi kiết già chấp tay về hướng tây liên tục niệm : “Nam mô A Di Đà Phật”. Thuật ngần ngừ, rồi cũng cất tiếng niệm theo thầy, quên cả giờ giấc. Vừa đúng ngọ, ánh nắng gay gắt bỗng đổi thành dịu dàng, lung linh ngũ sắc, hương thơm hoa sen thoang thoảng. Thế rồi, trong không gian, bỗng có tiếng nhạc kỳ diệu trổi vang lừng, tràng phang bảo cái ẩn hiện trong mây. Từ đỉnh đầu của sư bỗng có làn hào quang xẹt thẳng lên trời. Sửng sốt ngắm nhìn hiện tượng nhiệm mầu hiển hiện trước mắt mình, Thuật nảy lòng thành kính hướng lên hư không đảnh lễ liên tục. Mãi đến khi nghe tiếng âm nhạc nhỏ dần rồi im bặt, chàng mới sờ tay vào mũi sư để biết chắc rằng người đã thị tịch. Tuy vậy, Thuật cẩn thận chờ thêm hai ngày nữa mới gom cây lá, lễ lạy từ biệt rồi mới châm lửa thiêu xác. Lửa tàn, chàng góp nhặt tro trắng và những viên xá lợi đựng đỡ trong chiếc bình bát, đặt trên tảng đá. Chàng lại tìm được vài bụi lan rừng trang trí chung quanh, như vậy, tạm coi như có chỗ thờ kính trang nghiêm trong thời gian bốn mươi chín ngày mà chàng đã quyết định lưu lại. Hàng ngày, đến giờ ngọ chàng kính cẩn quì và niệm Phậtthời giờ còn lại, chàng nghiền ngẫm tự truyện của ân sư để học hỏi đạo pháp và hành trạng của người…

****

Nội dung di cảo thảo bằng chữ nôm như sau : 
 
Tổ phụ ta vốn người Minh Hương, sinh cơ lập nghiệp tại Hà Tiên từ thời Tông Đức Hầu Mạc thiên Tứ. Cha ta tên Hồ thới Thuận, mẹ là Nhan mỹ Lan, kết hôn đã bảy năm vẫn hiếm muộn nên thường đến chùa Phù Dung lễ bái Quán Thế Aâm Bồ Tát để cầu sanh con trai. Một hôm mẹ ta chiêm bao thấy Phật Bà trao cho một con công trống, người vừa đưa tay đón nhận thì con công lại hóa ra đứa bé trai kháu khỉnh. Sau đó, người thọ thai rồi hạ sanh ra ta nhằm ngày rằm tháng chạp năm Đinh Mùi, tức năm Thiệu Trị thứ bảy (1847). Do linh ứng nầy, người đặt tên ta là Từ Aân để tạ ơn Bồ Tát. Hà Tiên nổi tiếng là xứ Phật, nhà nhà chăm chỉ tu niệm, ta lại thường theo mẹ đến chùa lễ Phật nên rất sùng mộ đạo

Tuy vậy, ta vẫn ham vui sống như bao kẻ thế tục và tuyệt nhiên chẳng bao giờ thoáng nghĩ đến con đường xuất gia tu tậpBiến cố làm đảo lộn đời ta đã xảy ra vào năm ta được mười ba tuổi và nhân cái chết của chị Mai, con gái út của thầy ta, cụ đồ Nguyễn trọng Sĩ. Chị Mai vừa mười tám xuân xanh, đẹp đẽtài hoa và thùy mị, khiến bao nho sinh tơ tưởng mê mệt. Chị chỉ trúng gió buổi chiều, thì ngay ngày hôm sau đã lìa đời. Chị phụ giúp thầy dạy dỗ đám học trò nhỏ, lứa tuổi của ta, nên tình chị em khá gần gũi. Ta đến nhà thầy phụ giúp tang ma, cứ lấm lét nhìn thân xác xám xịt ghê rợn nằm bất động, rồi mang ra so sánh với hình ảnh nàng con gái rạng rỡ, tươi cười ngày hôm qua, mà bỗng run rẩy kinh hoàng

Ta tự hỏi : “bao giờ sẽ tới lượt mình?” Từ đó, ta không ăn uống ngủ nghỉ gì được. Ta cứ thao láo nhìn thấy thây ma của chính mình nằm chình ình trước mặt, cái thây đó tím bầm, sình chương lên, nứt nẻ, rục rã, lầy thúi… thật là gớm ghiếc. Chỉ mới hai tháng mà sức khỏe của ta đã trở nên tồi tệ, ta nằm thoi thóp chờ chết, vì ăn uống thuốc thang gì cũng nôn mửa tháo ra ngoài. Mẹ ta gặp ai cũng kêu van nhờ xin cứu chữa cho con, nhưng tất cả thầy bà đều bó tay, chốn linh thiêng nào đi cầu cạnh cũng vô hiệu. Một hôm vừa gặp một du tăng lạ mặt, bà đã khóc lóc kể lể chuyện con, rồi nài ép xin cứu giúp. Nhà sư ân cần hỏi han tự sự, an ủi bà, rồi hoan hỉ đi theo về nhà chẩn bệnh cho ta. Sư từ bi nhìn ta thật lâu, trìu mến nắm tay ta, rồi mới từ hòa lên tiếng :

- Cái chết thật dễ sợ! phải không con? 
 

Câu hỏi đúng y tâm bệnh của ta, ta cảm xúc hai hàng nước mắt chảy dài, nhưng không đủ sức đáp lời. Nhà sư lại chậm rãi :

- Thế nhưng đối với kẻ biết chọn con đường tu đạo giải thoát, thì vấn đề sống chết chỉ là chuyện trò đùa con ạ!

Lâu nay ta bị nỗi kinh hoàng về cái chết bám lấy tợ như bị một khối đá to dằn trên ngực không phương vùng vẫy, bất ngờ vừa nghe được rằng kẻ tu hành coi sống chết tợ trò đùa, thì khối u uất nặng nề kia bỗng tan biến, ta cảm thấy nhẹ nhõm mừng rỡ ngồi dậy thì thào :

- Thưa thầy! Liệu con có thể đi ..đi.. tu…tu… được không thầy!

Cơ thể ta rất yếu ớt, ta gắng sức lập bập chưa hết câu đã mệt nhoài, thở chẳng ra hơi. Sư đỡ cho ta nằm xuống, rồi thương yêu dỗ dành :

- Con sẽ tu giỏi lắm! Thầy hứa dạy con tu! Nhưng bây giờ sức con còn yếu, con nên ăn uống tịnh dưỡng cho khỏe thì mới bắt đầu học đạo được!

Sức khỏe chưa hoàn toàn bình phục, ta đã khẩn thiết van nài cha mẹ cho đi tu. Cha mẹta tuy không muốn xa con, nhưng cảm thấy giữ con ở nhà thì mạng sống nó khó an toàn, nên đành bấm bụng đổi buồn thành vui cho con xuất gia học đạo. Thầy ta là du tăng không trụ trì tự viện nào, nên tạm mượn chánh điện chùa Bạch Vân, để làm lễ thí phátcho ta. Thầy ta pháp danh Hải Minh Bảo Chơn(5), vốn là đệ tử chùa Bát Nhã, núi Long Sơn, miền Trung, thuộc thế hệ thứ 40 thiền Lâm Tế, chi phái Liễu Quán, chiếu theo kệ truyền phái “Thiệt Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng…” Đến lượt ta, thế hệ thứ 41 mang chữ Thanh, nên thầy ban cho ta pháp danh Thanh Trì, pháp tự Tâm ĐịaNếp sốngcủa thầy là du phương tùy duyên hoằng hóa, nơi nào hợp thầy lưu lại dạy đạo, thấy vừa đủ thì lại ra đi. 

Thầy đưa ta đi khắp vùng Hà Tiên, đoạn sang vùng Bảy Núi, chung sống với đồng bào Chàm và Miên một thời gian, rồi đổ xuống đồng bằng sông Hậu. Nếp sống du phươngvất vả – đôi khi được cúng dường tươm tất, tạm trú có mái che mưa nắng, có lúc cũng đói rét, ăn bờ ngủ bụi – tuy vậy, nếp sống nầy rất thích hợp với ta. Ta được ngắm cảnh thiên nhiên thay đổi, tiếp xúc đủ hạng người trong mọi từng lớp xã hội, sắc tộc. Những bài thuyết pháp của thầy do đó cũng tùy trình độ cơ duyên kẻ đối thoại mà biến hóa chập chùng : thường thì giản dị, gần gũi với nếp sống dân quê, nhưng đôi khi gặp bậc cao nhân thì lại cao siêu diệu vợi khiến ta ngờ nghệch tối tăm

Ta may mắn thân cận với thầy, vừa nghe pháp, vừa chiêm ngưỡng đạo phong của thầy qua nụ cười hoan hỷ, lối cư xử nhân hậu tế nhị…, thầy đi, đứng, nằm, ngồi, uy nghi nào cũng phảng phất đạo vị giải thoát để ta học hỏi. Thế nhưng thầy ta lại chủ trương tu sĩ trẻ cần nhập chúng tu tập đúng theo qui củ thiền môn, “hổ ly sơn hổ bại, tăng ly chúng tăngtàn”, tu sĩ trẻ xa chúng dễ sanh bại hoại làm gián đoạn đường tu. Ngoài ra, tu một mình ở chốn thanh vắng nếu chưa đủ công phu thâm hậu, rất dễ lạc theo lối tu tiên : sống trong quên lãng mà tự hào là biết buông bỏtiêu dao hưởng lạc mà ngỡ rằng đã ngộ đạo giải thoát.

Vì vậy, khi đến chợ Sa Đéc, bổn sư gởi gắm ta cho pháp hữu của người là thầy Như Diệu, thủ tọa chùa Phước Hưng(6), dạy dỗ. Ta lễ lạy thủ tọa làm vị y chỉ sư, và người chính thức cho ta thọ giới sa disự nghiệp tu hành của ta khởi sự từ đó. Sa di ở ngôi chùa phố chợ không phải làm ruộng cực nhọc, cơm nước đã có mấy dì cư sĩ công quả, nên chỉ chấp tác vài công việc nhẹ như lau dọn chánh điện, gánh nước, chẻ củi mà thôi. Phần lớn thời giờ, nhóm sa di chúng ta gồm tám chú, được khuyến khích đặt nặng việc tu học, mà căn bản là học thuộc lòng hai thời công phu và thông hiểu các bộ Sa DiLuật NghiTì Ni Nhật Dụng Thiết Yếu… Ta vốn có lòng nhiệt tâm cầu đạo, đã từng tập tành bút nghiên chữ nghĩa, lại được y chỉ sư tài đức tận tụy dạy dỗ nên trình độ am hiểuPhật Pháp thâm sâu hơn mức đòi hỏi của một sa di

Đạo tràng nào khai mở khóa giảng kinh đại thừa, ta đều được y chỉ sư gởi đi tham dựchung với chư tỳ kheo. Nhờ vậy, ta càng tiến bộ vượt bực, khiến cho chư tôn ba tỉnh miền Tây nức lòng khen ngợi. Thắng duyên nầy vô tình tạo mầm mống cho bệnh kiêu mạn khinh người nhen nhúm rồi bành trướng mãnh liệt trong tâm mà ta ơ hờ chẳng biết. Ta chạy theo lời khen và rất tự hào về khả năng , về sở học và về đức hạnh của mình. Ta nghĩ mình tài đức ghê gớm lắm, nên ngoại trừ hai vị ân sư, và hòa thượng Minh Phước, trụ trì chùa Phước Hưng, không ai đáng để ta kính nể cả. Từ đó, ta thích so đo đánh giá từng người, và vì vậy, ta phải “dòm hành” tìm lỗi kẻ khác. Nghe ai tu giải đãi ta chẳng ưa, nghe ai bừa bãi giới luật ta càng ghét cay ghét đắng.

Ta nương náo tại chùa Phước Hưng tròn bốn năm. Năm nào bổn sư cũng ghé chùa thăm ta, thông báo vài tin tức gia đình và sách tấn ta tu học. Lần nào ta cũng mừng rối rít, hãnh diện trình bày thành quả tu học, và luôn luôn được thầy khen ngợi. Lần nầy, sau khi huênh hoang về sở học của mình, ta lại hứng chí lên tiếng than phiền đạo hạnh tồi tệ của vài tu sĩ, kể lể không sót một chi tiết nhỏ. Bổn sư lộ vẻ không hài lòng. Người quở : “Kẻ quyết tâm cầu đạo luôn ý thức rằng cái chết sẽ xảy ra bất cứ lúc nào, khẩn trương tu tậpquán sát tìm lỗi mình để sửa chữa còn sợ không có thời giờ. Sao con lại có thể rảnh rang tìm tòi soi bói lỗi của kẻ khác mà làm gì?”

Ta thoáng ngỡ ngàng về thái độ của thầy, nhưng chỉ băn khoăn giây lát rồi quên mất, không lưu tâm nữa. Ngờ đâu, hai ngày sau ta được nhị vị ân sư vời vào phòng riêng dạy việc.

Bổn sư mở lời huấn vụ :

- Con ạ! Theo nguyên tắc thì pháp thế gian chính là pháp Phật, chốn trần tục và đạo tràng thanh tịnh chẳng phải là hai. Tuy nhiên, trên thực tế đạo tràng là đạo tràngtrần tụclà trần tục; người hành giả sơ cơ phải nương theo bậc thiẹân tri thức chọn đúng đạo tràng thanh tịnh để tu tập mới tránh lầm lạc, uổng phí cả đời. Bốn năm qua con được tu tập tại một đạo tràng tôn nghiêm do thầy tọa chủ đích thân dạy dỗ quả là một phước duyên hy hữu, con hãy lễ thầy để tạ ơn.

Ta bối rối chẳng hiểu ý bổn sư như thế nào, nhưng vẫn vâng lời lạy thầy tọa chủ. Bổn sư ôn tồn tiếp lời :

- Con hiểu khá nhiều sinh hoạt chùa chiền nơi phố chợ, ta nghĩ con cần có thêm kinh nghiệm tu tập tại miền thôn dã, nên đã xin thầy tọa chủ cho con rời chùa Phước Hưng, đến nơi khác tiếp tục tu tập.

Ta chẳng muốn xa chốn nầy, nhưng chẳng dám lên tiếng, đành đưa mắt tha thiết nhìn thầy tọa chủ cầu khẩn người cứu giúp. Thầy tọa chủ ôn tồn khuyên nhủ :

Tu hành thì phải biết buông bỏ, không để tâm quyến luyến một điều gì, kể cả những thuận duyên tu tập như cảnh chùa, thầy bạn… vì lẽ, còn dính mắc thì còn bị phiền nãolàm chướng ngại sự nghiệp tu hành. Con phải dõng mãnh và dứt khoát, khi cần đi thì phải đi, không quyến luyến bịnh rịn như kẻ thế tục. Ta tán đồng ý kiến của bổn sư con, là nên để con có cơ hội tu ở môi trướng khác, hầu con có thể nhận thức được những điều mới mẻ, bổ ích cho sự nghiệp tu hành. Con ạ! Dù con ở chốn nào, nếu như con hằng tưởng nhớ đến những lời giáo huấn của ta, thì coi như đã có ta bên cạnh con.

Bổn sư đưa ta đến Châu Viên sơn tự, trên đỉnh núi Châu Viên vùng Đất Đỏ, tỉnh Đồng Nai, ký thác cho sư đệ của người là Hải Bình Bảo Tạng(7) dạy dỗ. Ta đinh ninh phen nầy sẽ được sư thúc trao truyền hạt giống thiền của giòng phái nên vui mừng khôn xiết. Không ngờ sư thúc lạnh nhạt giao ta cho thầy tri sự, thầy chỉ định ta theo các sa di khác làm rẫy suốt một năm, mà chẳng đá động gì đến việc tu tập. Ta đang ở tuổi mười tám, thân thể cường tráng nên dù chưa từng lao động vất vả, nhưng đã quyết tâm chịu đựngthì cũng quen dần. Điểm làm ta chán nãn là nhiệt tâm cầu pháp đã mỏi mòn, chờ hoài, chờ mãi mà thiền ngữ chẳng ai thèm đề cập, kinh luận chẳng ai thèm diễn giảng. 

Bi đát hơn nữa, là bất thình lình sư thúc lại cắt cử ta sang phụ giúp cho sư Thanh Lực, khởi công khai phá đỉnh núi Kỳ Vân, để phát triển ngôi chùa Ngọc Tuyền tại đây. Tiếng là chùa, nhưng đúng ra cơ sở thờ phượng nầy chỉ có một căn nhà sàn nhỏ lợp tranh trống trải, vừa thờ Phật, vừa xử dụng như nhà kho, cũng vừa là nơi ngủ nghỉ. Nhóm sa diChâu Viên không mấy cảm tình với sư Thanh Lực, họ gán cho sư hổn danh là “thầy chùa lửa” bởi tánh nóng như lửa của sư. Sư chửi mắng đánh đập sa di không nương tay. Do đó, ngoại trừ chú Trừng Quang, nguyên là một đứa bé chăn trâu quen sống kham khổ và giỏi chịu đựng, không sa di nào muốn sang núi Kỳ Vân. 

Sư Thanh Lực tiếp đón ta bằng thái độ của bậc trưởng thượnghống hách buộc ta phải tuân theo một mớ điều lệ rắc rối, rồi ra lịnh cho ta chấp tác tức khắc. Ta lẵng lặng làm việc mà nỗi căm hận cứ chực trào ra ngoài. Nhị vị ân sư là bậc đạo cao đức trọng mà đối xử với ta lúc nào cũng nhã nhặn từ ái, trong khi một nhà sư tầm thường tại chốn “khỉ ho cò gáy” lên giọng hoạnh họe thì làm sao ta không sinh tâm bất bình cho được. Thật ra, suy cho cùng đứng về phương diện vai vế thì sư và ta ngang hàng. Sư có đặc điểmnào đáng cho ta khâm phục đâu? Sư lớn tuổi hơn ta nên được thọ giới tỳ kheo trước ta vậy thôi, ngoài ra, về trình độ học Phật thì “xin lỗi Ngài, tôi không dám khinh Ngài… nhưng nếu Ngài muốn được như tôi, thì chắc còn lâu lắm!” Ta thầm nghĩ, rồi thấm ý cười vang, mặc kệ sư Thanh Lực lên tiếng trách mắng ta là thiếu uy nghi tế hạnh chi cũng được.

Tuy mối bất hòa manh nha ngay từ buổi ban đầu, nhưng ta vẫn cố gắng chấp tác cần mẫn và tuân hành kỹ cương chặt chẽ, nên dù ghét ta, sư Thanh Lực cũng chẳng có cơ hội nào để nặng lời. Sáng ngày nọ, ta vô tình bắt gặp chú Trừng Quang đang bối rối ráp mấy mảnh bình trà đã vỡ. Biết chú đã làm bể bình trà của sư Thanh Lực, ta giả vờ ngu ngơ chẳng thấy, tránh sang hướng khác và thầm nghĩ “sắp có chuyện lớn rồi đây!” Đúng như dự đoán, chỉ mấy khắc sau, ta đã nghe tiếng sư gầm thét gọi hai đứa sa di đến trình diện. Sư cật vấn từng đứa. Cả hai im lặng, ngơ ngác như chẳng biết gì. Sư giận dữ gay gắt : “Hừ! Bây đúng là một lũ tồi bại! Thà chịu chửi mắng chớ chẳng ai đủ can đảm nhận lỗi mình!” Ta vốn khinh chú Trừng Quang là hạng thất học, nay nhìn vẻ mặt lầm lì trân tráo của chú lại càng thấy khó ưa. Ta cũng chịu hết nổi những lời nặng nhẹ của sư Thanh Lực, nên lên tiếng khai rõ cho xong :

- Chú Trừng Quang chớ ai!

Rồi nhỏ giọng nhưng cũng vừa đủ cho kẻ khác nghe, ta lẩm bẩm :

- Xí! Chỉ có cái bình trà bể mà làm như cháy nhà vậy!

Dứt lời ta dợm bỏ đi. Thình lình, sư Thanh Lực hùng hổ như con thú dữ, chụp lấy ta, xán ta hai tát tay thật mạnh khiến ta té lăn xuống đất. Ta điên tiết chụp lấy cái cuốc định đánh trả, may mà ta dằn được, ta hầm hầm bỏ đi vào chùa chụp mớ hành trang bước nhanh xuống núi, nhứt quyết sẽ không quay lại nữa.

Ta lầm lũi đi một mạch hai phần ba đường mới dừng lại thở hổn hểnCơn giận theo từng bước chân giảm dần, đầu óc tươi tỉnh phần nào, ta bắt đầu lo lắng nghĩ đến những khó khăn trước mắt. Ta biết đi đâu tu bây giờ? Và sẽ ăn nói thế nào với nhị vị ân sư đây? Ta chợt cảm thấy lời lẽ và cử chỉ của mình đối với sư Thanh Lực hơi hỗn hào, nhưng ta vội tự bàu chữa rằng tội lỗi xuất từ sư chớ không phải ta. Sư thô lỗ nên ta mới có phản ứngnhư vậy. Nhớ đến sư, cơn giận của ta bùng nổ trở lại. Sẵn thấy có viên sỏi to nằm vừa tầm chân, ta đá mạnh một cái cho hả. Nghe tiếng sỏi rơi lẻng kẻng trên sườn núi ta bỗng bàng hoàng nhớ một việc, mà càng suy nghĩ ta càng ái nái khôn nguôi. Sáng nay, khi trời còn lờ mờ, ta đau bụng cần giải quyết gắp, nên phóng ra khỏi chùa thật nhanh, và vô tình đá một vật gì đó lăn lông lốc. Lúc đó, ta bực bội càm ràm : “Ai để đồ đạc bừa bãi quá!”, rồi ta vội bước đi không kịp tìm hiểu đó là vật gì. 

Thế rồi ta quên bẵng đi mất. Giờ nầy nhớ lại thật kỹ, ta nghi ngại vật đó dám là cái bình trà lắm! Ơ…ơ! rõ ràng là cái bình trà rồi! Ơ… ơ! ta mới đúng là thủ phạm, mà ta lại hồ đồ lên án chú Trừng Quang. Oâi bậy quá! tội lỗi quá! Ta vốn tự hào mình là một tu sĩ biết giữ gìn giới hạnh, chừng khám phá ra mình phạm khẩu nghiệp nặng nề, ta hỗ thẹn vô cùngHối hận quá, ta bắt đầu tự quán sát mình, càng quán sát ta càng thấy rõ lỗi mình. Oâi! Ta cống cao ngã mạn quá : ta đã khiếm nhã với chư tỳ kheo, ta khinh thường người thấp kém, ta nổi sân cuồn cuộn, ta vọng ngữ, nói lời trả treo nặng nề… ta lại thờ ơ không giữ chút uy nghi giới hạnh. Thật vậy, dẫu đau bụng gấp gáp như thế nào, nếu ta nhớ quán các bài kệ :

“Tùng triêu Dần đán trực chí mộ 
Nhất thiết chúng sanh tự hồi hộ 
Nhược ư túc hạ táng kỳ hình 
Nhược nhữ nhứt thời sinh tịnh độ”

hoặc là :

“Đại tiểu tiện thời, 
Đương nguyện chúng sanh 
Khí tham sân si 
Quyên trừ tội pháp” 
thì bước chân ta khoan thai chừng mực, đâu hấp tấp vấp váp để gây tai họa như vậy!

Ta bối rối cố suy tìm một giải pháp cứu vãn tình thếcuối cùng ta nghĩ chuyện gì thì có thể bỏ qua được, nhưng hành động vu oan chú Trừng Quang, thì ta phải gặp chú để sám hối thì mới yên tâm.

Ta bẽn lẽn quay lại chùa Ngọc Tuyền, lễ phép chấp ta thưa với sư Thanh Lực : 
Thưa thầy! nghĩ kỹ con thấy con có nhiều điểm không phải! Con chỉ thấy chú Trừng Quang cầm mảnh bình bể đã hồ đồ lên án chú. Sáng nay con hấp tấp đá một vật, lúc đó không rõ vật gì, nay suy ra thì có thể là cái bình, như vậy kẻ làm bể chính là con rồi. Con phạm lỗi mà còn ương ngạnh vô lễ quả thật đáng trách! Con xin sám hối với thầy và chú Trừng Quang!

- Hay! Thấy lỗi mình và can đảm nhận lỗi, đó chính là hành động của bậc trượng phu! A! Ha! Chú đã thấy lỗi của chú lẽ nào ta không biết lỗi của ta! Ta nói năng thô lỗ nên cũng có lời xin lỗi hai chú!

Ta định xin lỗi xong sẽ ra đi ngay, nhưng nhận thấy sư bày tỏ thái độ hòa hoãn, nên đổi ývà ở lại tiếp tục tu hành.

Biến cố nầy đánh dấu một chuyển hướng quan trọng trong nếp sống tu tập của ta. Ta tự biết tâm mình là nguồn tội lỗi, nên lúc nào cũng đề phòngtheo dõi quán sát từng hành động, từng suy tư của mình. Càng lúc ta càng nhận diện rõ rệt được những lỗi nhỏ nhặt vi tế, càng thấy lỗi, ta càng khẩn thiết sám hối, nguyện sửa đổi để không còn tái phạmCảm thấy được tiến bộ, ta đem phương pháp theo dõi tâm niệm trong từng nhịp thở thực hành ngay trong nếp sống thường nhựt : đang chấp tác hay đang ở uy nghi nào… mà một vọng niệm dấy lên ta phải nhận ngay ra chân tướng, khiến cho vọng niệm tự biến mất. Ta lần lần giữ được chánh niệm, những chuyện thị phi, chuyện lỗi phải của người biến mất tự bao giờ, lòng ta thanh thản nhẹ nhàng. 

Ta sống trên chùa núi, suốt ngày chấp tác, chưa chính thức tọa thiền, mà chẳng lúc nào không phải thiền. Thì ra, khi đã biết tu, thì lúc nào, nơi nào cũng tu được. Điều nầy có lẽ phản ảnh đúng theo lời dạy của cư sĩ Bàng Uẩn ngày xưa : “Gánh nước, bửa củi cũng là thần thông diệu dụng!” Khoảng một năm sau, khi gặp lại bổn sư ta thưa thỉnh về hai tát tay nẩy lửa giúp ta thay đổi thân tâm toàn diện. Bổn sư cũng tán thán : “Cái tát tay hay thật! Thầy Thanh Lực phải là bậc Bồ Tát nên tát tay mới hiệu nghiệm thâm sâu như vậy!”

Mùa Vu Lan năm Đinh Mão, lúc ta đã được 21 tuổi, bổn sư giới thiệu ta về chùa Giác Lâm, Gia Định, thọ giới tỳ kheođại giới đàn do hòa thượng Hải Tịnh(8), làm đầu đàn truyền giới. Ta lớn lên trong thời kỳ mà quân viễn chinh Pháp xua quân xâm chiếm các tỉnh miền Nam. Thời gian sống trên núi, thỉnh thoảng ta có nghe sơ lược về hiện tình đất nước. Khi nghe thì lòng ta cũng dao động, nhưng sau đó, không ai nhắc nhở nữa, ta lại bận bịu tu tập nên quên lãng dần. Nay về đến Gia Định, mắt thấy đạo quân xâm lượcsúng ống hung hăng, tai nghe bao chuyện tàn ác của chúng, ta mới thấm thía được nỗi đau thương nhục nhã của ngưới dân Việt. 

Ta không thể thanh thản tu tập như xưa được. Ta không thể nhắm mắt làm ngơ cho đành. Người Pháp đã xâm chiếm ba tỉnh miền Đông từ năm Nhâm Tuất (1862), nay chúng lại dồn quân về Mỹ Tho, đe dọa chiếm nốt ba tỉnh miền Tây. Ngày thọ giớiđáng lẽlà ngày vui trọng đại của ta, lại là ngày buồn khổ trước thảm họa nước mất nhà tan : kinh lược sứ Phan thanh Giản tuẩn tiết, trọn miền Nam rơi vào tay quân xâm lược. Hưởng ứng hịch Cần Vương, nhân dân khắp sáu tỉnh miền Nam đồng loạt đứng lên trương cờ khởi nghĩa chống kẻ xâm lăng, và bị kẻ xâm lăng cùng đám tay sai đàn áp dã man. Trong thời gian nầy ta tiếp tục lưu trú tại chùa Giác Lâm tham dự khóa giảng về luật nghi, nhưng tinh thần ta cực kỳ dao động, nhiệt tâm cầu pháp giảm dần, việc tu tập ngày càng giải đãi

Một số tăng ni hoàn tục đáp lời kêu gọi của Phong Trào Cần Vương. Gắng gượng ở lại tu tập chỉ còn vài người, trong đó có tỳ kheo Thiện Hữuđệ tử chùa Khải Tường(9), một ngôi chùa lớn tại Gia Định vừa bị chánh quyền thực dân triệt hạ. Thầy Thiện Hữu lại móc nối ta cùng tham gia hoạt động cho nhóm Thiên hộ Võ duy Dương đang kháng chiến tại Đồng Tháp. Ta còn đang phân vân thì đã nghe tin trên con đường chuyên chở gạo tiếp tếcho nghĩa quân, thầy đã bị sát hại tại Gò Bắc Chiêng. Ta đau đớn đến tận nơi xin lãnh xác thầy về an táng, rồi ta bỏ chùa thất thểu ra đi mà chẳng biết đi về đâu và làm việc gì. Cầm vũ khí giết người ta không làm được. Còn tu mà lòng lại phẫn uất cùng cực thì còn tu chi nữa!

Do phước duyên dun rủi như thế nào mà thầy Như Diệu, trong chuyến đi hoằng pháphiếm hoi đã vô tình bắt gặp ta đang lang thang vất vưởng như kẻ không hồn tại xã Mỹ Thuận. Không thắc mắc han hỏi nguyên do, thầy đưa ta về chùa Phước Hưng tịnh dưỡng. Một tháng sau bổn sư ta cũng lại tìm đến. Sau khi hội bàn, hai vị ân sư nhất quyết tin tưởng rằng ta sẽ gặp kỳ duyên tại nước Trung Hoa, nên khuyên ta xuất dương cầu pháp. Ta nghĩ đây có lẽ là phương chước mà quý thầy bày ra để tránh cho ta khỏi bị tình trạng an nguy của đất nước ảnh hưởng mà chểnh mảng tu tậpThời gian qua, sống với vị thầy đạo đức, tâm ta thanh thản phần nào, lòng thiết tha cầu pháp hưng khởi trở lại, nên ta hoan hỉ vâng lời

Theo bổn sư sắp xếp thì ta sẽ quá giang tàu buôn người Phước Kiến, hàng năm theo gió nồm xuôi về vùng Hà Tiên buôn bán đổi chác, rồi chờ đến mùa gió bấc sẽ trương buồm về nước. Về Hà Tiên thì ta lại có dịp viếng mộ cha và thăm mẹ già đã xuất gia hơn ba năm tại Phù Dung tự. Từ lâu ta vẫn ước mơ về nhà thăm mẹ, nhưng sợ tình thương của bà làm nhụt chí khí xuất gia, nên còn ngần ngại. Chừng gặp được bà, ta mới ngạc nhiênnhận thấy người người mẹ yếu đuối ủy mị ngày xưa, đã trở thành một tu sĩ tinh tấn điềm đạm. Bà chẳng những không gây bận bịu, mà còn sách tấn ta tu tập, tạo cho ta thêm hứng khởi trên bước đường dấn thân cầu pháp.

Thời giờ còn lại ngắn ngủi, ta rộn ràng đây đó viếng thăm Hà Tiên thập cảnh, nơi nào cũng đẹp đẽ đáng yêu, ngắm nhìn mãi không chán. Ta cũng tận hưởng những giờ phút thanh thản đạo vị bên cạnh hai vị ân sư, mặc dầu thầy trò chỉ sống bên nhau bình thưòng, không hề đề cập những vấn đề liên quan đến việc tu tập. Thật ra, trong thời giannầy ta có điểm chưa thông suốt là giòng thiền Lâm Tế của ta vốn nổi tiếng về việc xử dụng công án, mà tại sao thầy chẳng hề trao cho ta công án nào để tham cứu cả. Ta muốn đạo đạt lên thầy chút băn khoăn nầy nhưng lần lựa mãi mà chẳng thấy cơ duyênthuận tiện. Không ngờ, bổn sư biết rõ từng động niệm của ta, nên khi tiển ta đến bến tàu, người nghiêm trọng giảng dạy :

- Thiền phái Liểu Quán của chúng ta tuy phát xuất từ giòng Lâm Tế, nhưng chư tổ Việt Nam nhận thấy lối dạy đạo bạo động như đánh hét hay căng thẳng như công án chỉ thích hợp với người Trung Hoa mà thôi. Bản chất người Việt là trầm lặng, hài hòa, hồn nhiên… mà đến với đạo, nên chư tổ chỉ khuyến cáo hành già hành “pháp buông bỏ”, theo tinh thần bài kệ của Đạt Ma tổ sư : 
Ngoài dứt các duyên 
Trong bặt nghĩ tưởng 
Tâm như tường đá 
Mới vào được đạo(10) 
Thầy trầm ngâm một chút, rồi ôn tồn tiếp lời :

- Và đây là việc mà ta muốn nhờ con. Nguyên hai ta đều có chung nguyện vọng là mong đến núi Kê Túc tại Vân Nam để chiêm ngưỡng và đảnh lễ thánh tăng Ma Ca Ha Diếp. Nay chúng ta tuổi đã cao, tự mình không thực hiện được, nên nhân khi con xuất dương, chúng ta ủy thác con đến đó đảnh lễ một lần cho chúng ta mãn nguyện.

- Con nhứt quyết sẽ hoàn thành tâm nguyện của hai thầy. Xin hai thầy yên tâm! 
Ta lại bịn rịn :

- Từ nào đến giờ thầy hướng dẫn cho con mọi việcmai sau, tấm thân đơn chiếc xứ người làm sao con biết đi đâu và về đâu?

- Nếu con hằng quán chiếu thân tâm thì mọi việc đều tỏ rõ, đâu phải thắc mắc chuyện ở chuyện đi. Chỉ khi nào việc lớn đã xong, thì nên nương theo pháp danh Thanh Trì Tâm Địa mà chiêm nghiệm con đường lui tới.

Thầy Như Diệu trao cho ta tập kinh mỏng và ân cần dặn dò :

- Con giữ phẩm “Phổ Hiền Hạnh Nguyện” làm hành trang nơi xứ người. Bốn mươi năm nay, ta nương theo thập nguyện mà tu, hằng ngày lễ lạy và càng lễ lạy càng cảm thấy lợi lạc, nên ta muốn trao kinh nghiệm đó cho con.

****

Để có thể tương trợ nhau trong cơn hiểm nguy, ba thương thuyền Trung Hoa ước hẹncùng lên đường vào đêm trăng tròn tháng tám. Ta được thuyền trưởng Triệu thái Bảo hoan hỉ đưa đi, hứa sẽ cặp bến Phổ Đà sơn cho ta khởi đầu hoằng nguyện hành hương. Trời trong, gió bấc thổi mạnh, ba chiếc thuyền buồm thuận gió lướt sóng phăng phăng thật là ngoạn mục. Thuyền ghé Hội An đôi ngày thu mua tổ yến và một ít thực phẩm tươi, rồi tiếp tục cuộc hành trình một cách suôn sẻ. Sau khi thuyền vượt khỏi vịnh Hạ Long tiến sang vùng biển Trung Hoa, đoàn thủy thủ đang rộn ràng mừng vui sắp về đến nhà thì một trận bảo dữ dội bất ngờ kéo đến. Thủy thủ đoàn hợp sức hạ buồm và cố gắng giữ tay lái, rồi cứ phó mặc cho những đợt sóng to dập vùi

Thế rồi một đợt sóng to như trái núi phủ chụp chiếc thuyền nhận chìm sâu dưới nước, rồi hất tung thuyền trườn lên nằm trên một hòn đảo nhỏ bằng phẳng nhô cao hơn mặt biển chừng một thước. Chiếc thuyền nằm kẹt cứng trên đó, mặc cho sóng to gió lớn cũng chẳng hề xê dịch. Do sự kiện hy hữu nầy chiếc thuyền chúng ta mới an toàn, trong khi hai chiếc thuyền kia bị nghiền nát tan tành trong biển cả. Hôm sau, khi sóng gió lặng yên, hòn đảo bỗng từ từ chìm xuống nước, thì ra, hòn đảo chính thực là lưng một con cá ông cực lớn. Điều lạ lùng là sau vụ thoát hiểm kỳ bí nầy, thủy thủ đoàn lại đối xử với ta bằng một thái độ cực kỳ cung kính

Ta ngạc nhiêndò hỏi mãi, thì Triệu thuyền trưởng mới cho biết trong cơn hoạn nạn nửa tỉnh nửa mê, bỗng bọn họ thấy “Thiên Hậu Phật mẫu”(11) hiện thân khuyên đừng sợ hải vì trên tàu có vị tu sĩ từng tạo phước duyên lớn với loài thủy tộc nên sẽ có loài thủy tộc cứu giúp. Cơn hoạn nạn đã diễn biến đúng như vậy, nên mọi người sanh tâm sùng kínhta. Ta bỗng nhớ lại, thuở sơ tâm xuất giaxúc động trước cảnh tôm cá bị tàn sát tập thể, ta đã chân thành phát nguyện tinh tấn tu tập mong sớm thành Phật để cứu độ thủy tộc các loài. Chẳng biết có phải do phước duyên phát tâm bồ đề ngày trước mà gặp mayhay không? Ta không thố lộ cho ai chuyện nầy, mà chỉ khiêm cung đáp :

- Tôi chỉ là một tu sĩ trẻ, đạo đức tầm thường thì làm sao có đủ phước duyên đùm bọc người khác. Tôi nghĩ, chúng ta thoát nạn một cách kỳ diệu là do cộng nghiệp của chúng taphước đức chung của chúng ta đóng góp lại, chớ không do cá nhân nào cả.

Dẫu ta thoái thoát cách nào, viên thuyền trưởng một mực vẫn tin kính ta, nên khẩn khoản thỉnh ta về quê nhà tại Oân Lăng, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, để xin ta cho cả nhà thọ giới quy y. Ta dự định chỉ lưu lại chốn nầy đôi ngày, rồi sẽ vân du cầu pháp. Điểm không ngờ, là chuyện thoát hiểm trên biển khơi, phát xuất từ các thủy thủ truyền bánhanh chóng khắp địa hạt Oân Lăng. Câu chuyện lại được thổi phồng lên, thêm thắtnhiều chi tiết ly kỳ, rồi bỗng nhiên họ biến ta thành một nhân vật huyền thoại hành tung kỳ bí, đạo đức cao thâm. Từ đó, thiên hạ đổ xô đến quy ngưỡng ta, cúng dường trọng hậuvà khẩn cầu ta xúc tiến thành lập đạo tràng để phổ độ chúng sanh

Ta hiểu khi cái danh hư ảo vượt quá cao so với đức độ thực của mình thì dễ sa đọa, huống chi tu sĩ xa rời tăng chúng sống lẫn lộn tại tư gia thật khó chống đỡ trước bẫy rập của cuộc đời, do đó, ta ngỏ ý sẽ sớm cất bước vân du cầu pháp. Trong đám đệ tử thân cận ta có Triệu tố Diệp, con gái gia chủ. Triệu cô nương kề cận chăm sóc ta như một thị giả, tình cảm nhen nhúm tự lúc nào ta chẳng hay. Khi nghe tin ta dự tính ra đi, cô nương khóc lóc thảm thiếtnăn nỉ mãi khiến ta quyến luyến chẳng nỡ lên đường. Một hôm, thừa lúc nhà cửa vắng vẻ cô nương vào phòng bày tỏ tấm chân tình thắm thiết yêu ta, mong được ta đáp lại. Thật ra, ta chỉ cảm thấy tội nghiệp nàng, nhưng trước những giọt nước mắt vắn dài, ta chẳng nỡ lòng thẳng thắn chống đối. 

Đến khi cô nàng dọa tự tử nếu như kiếp nầy không gá nghĩa được cùng ta, chẳng biết sao lòng ta mềm nhũn ra, nhiệt tâm cầu đạo biến mất, ta quên tuốt luốt giới luật, giơ hai tay chực ôm nàng để an ủi vuốt ve. Trong giây phút nóng bỏng đó, tập kinh mỏng trên bàn vô tình bị cánh tay áo rộng của ta vướng làm rơi xuống đất. Đó là phẩm kinh “Phổ Hiền Hạnh Nguyện”, mà ngày lên đường ân sư đã trân trọng trao cho ta làm hành trang nơi xứ người. Ta sửng sờ nhìn quyển kinh, hình ảnh buổi chia tay cùng với lời dặn dò của của hai vị ân sư hiện rõ ràng trong tâm khảm, khiến cho cơn sốt dục tình đang hừng hực sôi nổi bỗng nhiên nguội lạnh lại. Ta điềm tĩnh chấp tay xá nàng, rồi nhắm mắt tọa thiền chẳng đếm xỉa gì tới sự hiện diện của nàng nữa. 

Lúc đó, lòng ta quyết liệt nguyện thà cắn lưỡi chết chớ không để tâm vọng động nữa. Ta quán thân bất tịnh, quán người đẹp khả ái kia thật ra chỉ là một thây ma biết đi, thây ma đó sẽ có lúc hư hoại, nằm bất động, lầy thúi gớm ghiếc. Có lẽ, nhận thấy thái độ cứng rắn của ta, nàng lặng lẽ bỏ ra ngoài. Ta thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc, càng ngẫm nghĩ ta càng xấu hổ, và hiểu rõ là nếu không có đức độ của hai vị ân sư yểm trợ thì sự nghiệp tu tập của ta đã tan thành mây khói rồi. Hôm sau, ta giã từ gia chủ rồi lên đườngtức khắc. Ta lầm lủi đi suốt ngày, không cần biết con đường trước mặt sẽ dẫn đến đâu, miễn là rời khỏi Oân Lăng càng xa càng tốt. Đến khi định thần trở lại, ta nghĩ đến duyên phước của mình với Đức Phổ Hiền, nên quyết định hỏi thăm đường đến núi Nga Mi, tỉnh Tứ Xuyên, để hàng ngày đảnh lễ Bồ Tátcầu xin sám hối tội lỗi sâu dầy của mình. 

Nga Mi được tôn xưng là linh địa, nơi Bồ Tát Phổ Hiền từng thị hiện, nên ngoài ngôi đại cổ tự chính nằm trên đỉnh, còn đến năm ngôi chùa lớn khác nằm rải rác quanh núi. Ta bắt đầu hành hương từ chùa Phục Hổ dưới chân núi, đi lần lên chùa Vạn Niên, rồi đến Bảo Quang trên sơn đỉnh. Ta đến điện Tích Ngõa lễ hòa thượng Chân Ứng, thỉnh cầu Ngài cho nhập chúng tại chùa Bảo Quang, và được hòa thượng hoan hỉ dành cho một nơi cư trú để tùy nghi tu tập. Núi Nga Mi, cùng với Ngũ Đài và Phổ Đànổi danh là ba vùng linh địa tại Trung Quốc, thường xuất hiện những hiện tượng huyền bí, giúp cho tín tâm người hành giả thêm kiên cố. Vào những buổi bình minh nắng đẹp, trên kim đỉnh ta hân hạnhchiêm ngưỡng những vòng hào quang linh động tỏa ra từ hình dáng to lớn mà tương truyền là của Bồ Tát Phổ Hiền đang hiển linh ngồi dưới thung lũng. Đêm đến thỉnh thoảngta cũng được ngắm hàng trăm quả cầu sáng rực bay lượn quanh đỉnh núi, mà người ta cho rằng đó là những ngọn đèn từ bi phát xuất từ công hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền

Thuở sơ tâm xuất gia, tại vùng Bảy Núi, Châu Đốc, ta cũng đã từng chứng kiến những chùm ánh sáng di động nầy. Có lẽ, vùng Thất sơn huyền bí cũng là một linh địa, chốn ẩn cư của chư Bồ Tát chăng? Thời gian tu tập tại Nga Mi, ta có phước duyên được hòa thượng Chân Ứng giảng dạy giáo lý ảo diệu của kinh Hoa Nghiêm cùng các bộ luận giảicủa tông Hiền Thủ, nhờ vậy, tâm lượng ta được nở rộng ra và tự ngã cũng tan biến dần. Ngoài ra, trừ những lúc phải chấp tác hay dự các thời pháp, ta chuyên tâm lễ bái “Phổ Hiền Bồ Tát thập nguyện vương” từ lúc canh ba cho đến khi chiều tối. Càng lễ lạy ta càng cảm nhận công năng mầu nhiệm của Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương trong việc đối trị bệnh ngã chấp sây dầy của ta. 

Thuở mới xuất gia, tuy ta cũng theo thời công phu lễ thập nguyện vương, nhưng lúc đó ta mang nặng bệnh ngã mạn, nên chỉ thấy được ba nguyện đầu : lễ kính Phậtxưng tánPhật, cúng dường Phật bằng lối nhìn thiển cận. Ta chỉ thấy Đức Phật quá khứ qua hình tượng, chớ đâu thể nhập vào lý sự vô ngại để thấy ba đời chư Phật thể hiện dưới dạng muôn loài chúng sanh trong khắp pháp giới để mà lễ kínhxưng táncúng dường. Sau đó, trên đỉnh Kỳ Vân, nhờ sư Thanh Lực điểm hóa, ta bắt đầu không còn thấy lỗi người, mà hằng quan sát lỗi mình. Từ đó, ta mới hành lễ sám hối nghiệp chướng thâm thiết, đồng thời cũng phát triển được tâm tùy hỉ công đức qua lễ nguyện thứ năm. Ba nguyện đầu, nhờ vậy được triển khai, thế nhưng ta dừng lại ở điểm đó, chẳng tiến bộ xa hơn

Thông thường người hành giả, sau một thời gian dài khổ công tu tập, tưởng chừng tâm đã thanh tịnh, lại ngộ đạt vài kiến giải khá cao... thì bệnh ngã chấp lại mon men tái phát dưới dạng khác. Thật vậy, có một dạo ta chỉ thấy “ngã kiến đạo pháp” của mình cao siêu, giòng phái của mình chánh thống, pháp môn của mình thù thắng…, và dĩ nhiên ta không mấy quí trọng môn phái nào khác. Do bệnh hẹp hòi phân biệtxưng tụng môn phái mình, chê bai môn phái khác, người hành giả không thể nào bước vào ngưỡng cửa của hạnh nguyện thứ sáu và bảy : “thỉnh chuyển pháp luân và thỉnh Phật trụ thế”, thì làm sao có thể đón nhận đạo pháp xuất phát từ kẻ ngoại đạo, từ chúng sanh muôn loài… để “thường tùy Phật học”, làm sao dung chứa muôn vàn sai khác để “hằng thuận chúng sanh”, và thực sự quên mình để “phổ giai hồi hướng”.

Sau sáu năm tu tập tại Nga Mi, ta cảm thấy tư lương đã chuẩn bị đầy đủ, nên quyết địnhxuống núi hành cước khắp nơi tham cầu Phật Pháp. Tiên khởi ta hướng về biển Đông, hành hương núi Phổ Đà, tỉnh Triết Giang, một thánh địa mà Bồ Tát Quán Thế Aâm đã thị hiện nhiều lần trong hình dáng người nữ như hình tượng thờ kính hiện thời. Tuy Phổ Đànằm trên một hòn đảo, nhưng do lòng sùng bái vị Bồ Tát “cứu khổ cứu nạn” khách hành hương luôn tấp nập, do đó, mặc dù diện tích đất đai nhỏ hẹp, nhưng ngoài hai ngôi chùa chính Phổ Tế và Pháp Vũõ, còn có hơn hai trăm cơ sở thờ kính Bồ Tát được xây dựngrải rác khắp đảo. Cha mẹ ta, cũng như phần đông thiện tín tại miền Nam nước Việt, đặt niềm tin sâu xa vào vị “Phật bà”. Đó là nguyên nhân đã hướng dẫn ta đến chốn nầy, để hằng ngày đảnh lễ Bồ Tát, nguyện cầu cho cha mẹ được an lành. Ta tạm trú tại am Phổ Môn, mỗi ngày đảnh lễ một ngàn lạy, đến khi đủ ước nguyện ba trăm sáu mươi ngàn, thì mới hoàn mãn.

Rời Phổ Đà, trên đường đi Ngũ Đài sơn, ta viếng trấn Đại Đồng chiêm bái hàng ngàn công trình điêu khắc tượng Phật vĩ đại tuyệt vời của nhiều thế hệ nghệ sĩ, kéo dài hàng ngàn năm, trang trí trong hơn hai trăm động đá tại núi Ngũ Châuđặc biệt nhất là động Vân Cương với tượng Phật Tỳ Lô Giá Na khổng lồ, đến nỗi người ta có thể đứng gọn gàng trên bàn tay Phật. Ta tiếp tục lên tỉnh Sơn Tây, đến Ngũ Đài sơn, nơi tương truyền là linh địa mà Bồ Tát Văn Thù thường thị hiệnNgũ Đài là một dãy núi to lớn với năm đỉnh cao nhất nhô lên như năm cái đài hùng vĩ. Phong cảnh ở đây vừa đẹp tuyệt vời, vừa đượm nét huyền bí linh thiêng, nên đã quy tụ hơn ba trăm ngôi tự viện lớn nhỏ đủ mọi tông phái, kể cả Mật Tông Tây Tạng và Mông Cổ

Ta lưu trú tại chùa Hiển Thông trọn mùa hạ để đi chiêm bái khắp nơi, và cũng tìm đườngthăm viếng Long Môn động, chốn ẩn cư tu thiền của tổ Hám Sơn thuở xưa, nay dấu vết hầu như đã bị xóa nhòa. Sau Ngũ Đài sơn, ta tiếp tục du hành khắp nước Trung Hoa trong ba năm, chiêm bái hàng mươi ngàn thắng tích và tự viện khác nhau, như các chùa Tây Thành, Giới Đài và Đại Chung tại Bắc Kinh, chùa Chân Như, núi Vân Cư tỉnh Giang Tâychùa Thiếu Lâm núi Tung Sơn tỉnh Hà Nam, chùa Cổ Sơn tỉnh Phước Kiến, chùa Cao Mân tỉnh Dương Châu, chùa Tam Phật, Vô Xương tỉnh Hà Bắc, các chùa A Dục Vương huyện Ninh Ba, chùa Nam Hoa, Tào Khê và chùa Vân Môn, phủ Triều Dương tại tỉnh Quảng Đông… Trong thời gian nầy ta đã hân hạnh chiêm bái chư đại đức cao tăng, đủ mọi tông phái, kể cả các vị lạc ma Tây Tạng và Mông Cổ, mà truyền thống về giới hạnh tu tập hoàn toàn khác biệt với truyền thống của chúng ta

Ta cũng không ngần ngại tiếp xúc với những vị chủ chùa tuy tự nhận là tăng ni, nhưng có nếp sống phóng túng, rượu thịt bừa bãi, thê thiếp đùm đề… hành nghề cúng kiến cầu tàilộc, lên đồng nhập cốt, cúng sao giải hạn… Nhờ thời gian qua, tu tập “Phổ Hiền HạnhNguyện” tâm phân biệt hẹp hòi của ta đã chuyển hóa khá nhiều, vì vậy, dù ở môi trường tôn giáo nào, ta cũng có thể hội nhập hài hòa để tìm thấy bất cứ vị nào cũng có ưu điểmđể ta “tùy hỉ công đức”, “thỉnh chuyển pháp luân” và “thường tùy Phật học” được cả. Ngay như đạo Gia Tô, một tôn giáo đã liên hệ mật thiết với thực dân Pháp trong mưu đồ xâm lăng nước ta, nên trước kia ta không mấy cảm tình, nay thì ta có thể hoan hỉ chấp nhận rồi. Thời gian lưu trú tại chùa Ngọc Phật, thành phố Thượng Hải, ta có dịp kết giaovới sư huynh Felix thuộc giòng La Salle. Sư huynh đưa ta đi thăm các trại cùi, trại dưỡng lão và cô nhi viện do những bà sơ giàu lòng từ bi chăm sóc những kẻ thiệt thòi như một bà từ mẫu. Dù xuất hiện dưới hình thức tôn giáo nào, những vị chân chánh hành hạnh Bồ Tát cứu khổ cứu nạn chúng sanh cũng đáng để chúng ta tán thán và tâm thành học hỏi hạnh nguyện của họ.

Trong thời gian hành cước, ta hi vọng tìm được một đạo tràng tổ chức đúng theo quy củthiền môn để chuyên tu thiền định. Thế nhưng Phật giáo Trung Hoa bấy giờ đang gặp thời suy thoái, những đại tùng lâm quy mô mà chư tổ thiền tông hưng long đạo pháp, nay đã suy tàn, nên ta chưa tìm được nơi thích hợp. Thật ra, khi gặp thuận duyên, ta cũng tham dự những khóa thiền thất tổ chức từ một đến mười hai tuần tại vài ngôi chùa chốn thị thành. Trong hoàn cảnh bận rộn phục vụ nhu cầu tín ngưỡng bình dân, quý thầy vẫn nghiêm túc hướng dẫn những khóa thiền thanh tịnhcông đức vô lượng vô biên. Lần đó, ta dự khóa thiền thất bảy tuần tại chùa Hưng Thạnh, Nam Kinh

Vào giờ Tuất, ngày thứ hai, tuần thứ năm, trong khi chạy bảo hương(12) đến vòng thứ ba, vừa nghe tiếng bảng ra hiệu dừng lại thì ta bỗng thấy và nghe xuyên qua tường vách khắp cơ sở tự viện. Ta hiểu cái đạt nầy chỉ tạo chút tín tâm chớ không lợi ích gì cho con đường đạo nên chẳng quan tâm. Không ngờ “hiện tượng thần thông” nầy lại tái diễnnhiều lần, và đôi khi khiến tâm ta bị dao động mà lảng xao chánh niệm. Đó là lần ta vô tình nghe thấy thầy tri khách trong khi hàn huyên với thiện tín đã nhiệt liệt ca ngợi thiền rồi chê bai pháp môn khác. Ta nghiệm thấy đạo đức mình còn non kém nên tâm dễ động, vì vậy, ta phải tự cảnh giác để tu sửa và phải mất một thời gian khá lâu “hiện tượng thần thông” mới không gây phiền toái cho ta nữa. Sau biến cố nầy, ta nghĩ nên tìm chốn thanh vắng ẩn tu để tránh bị ngoại cảnh chi phối. Ta có kết giao với ba người bạn đạo đồng nhiệt tâm tu thiền là Từ Thạnh, Quảng Thọ, Thiện Pháp

Thoạt đầuchúng ta dự định đi Ngũ Đài sơn, nhưng ngại mùa đông giá buốt của miền Bắc, chúng ta đồng ý cùng về núi Vân Môn, phủ Triều Dương, tỉnh Quảng Đông tu tập. Tổ đình Vân Môn (chùa Quang Thái, núi Vân Môn) do sơ tổ Văn Yển khai sáng, là một đạo tràng to lớn nổi tiếng cả ngàn năm, nhưng nay đã mai một. Tăng sĩ thừa tự không còn ai, ngôi chùa Quang Thái bị bỏ hoang phế và hư hại nặng nề. Chúng ta được Aâu thí chủ ngụ dưới chân núi cúng dường gạo và muối trong vài tháng đầu, sau đó, chúng tatrồng khoai sắn để tự túc. Chúng ta kết am cỏ mỗi người một nơi và giao ước không giao tiếp quấy rầy nhau, hầu mọi người có thể tập trung nổ lực thiền tọa

Tuy vậy, hằng tháng vào ngày rằm, chúng ta đồng quy tụ về ngôi cổ tự hoang phế quét dọn rồi lễ Phật. Đó cũng là ngày chúng ta gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm thiền tập và sắp đặt đề cử một hoặc hai người mang hoa màu xuống núi nhờ Aâu thí chủ trao đổi vài vật dụng cần thiếtNếp sống đơn độc ẩn tu rất thoải mái, ta có thể thực tập thiền trong khi đi đứng và làm rẫy, nên thân tâm ngày càng cảm thấy thanh tịnh. Vào đêm rằm trung thu năm thứ hai trên đỉnh Vân Môn, ta vừa lễ Phật xong trở về am, ngắm trăng một lúc thì tọa thiền cho đến khi nghe tiếng khánh rung bên tai. Ta mở mắt ra thấy ba thầy lăng xăngđứng chung qunh. Ta rất đổi ngạc nhiên về sự phá lệ nầy, chưa kịp han hỏi thì sư Thiện Pháp đã vội giải thích :

Chúng tôi nhận thấy thầy bỏ thời lễ Phật hàng tháng, nghĩ rằng thầy bệnh nặng, nên bàn nhau đến thăm. Đến nơi thấy thầy mải miết tọa thiền nên mới rung khánh thức thầy.

- Uả! Tôi từ chùa trở vềtọa thiền chưa được bao lâu mà!

Thầy Quảng Thọ, lui cui dở nắp nồi cơm ra xem, bỗng chìa nồi cơm mốc meo ra, rồi lên tiếng :

- Ơ! bữa nay là tháng mấy vậy thầy!

Nghe câu hỏi hơi lạ, ta lại thấy ba người bạn đạo trố mắt nhìn ta chầm chập nên ta ngần ngừ :

- Không lẽ, hôm nay không phải là đêm rằm trung thu sao?

- Chúc mừng! Chúc mừng! Thầy đã đạt đến công phu nhập định hiếm có – ba vị đồng reo lên –

Thì ra, hôm nay là ngày rằm tháng chín, ta đã nhập định đúng một tháng mà dường như chỉ trong khoảnh khắc. Kể từ hôm đó, ba thầy thường phá lệ đến thăm ta, để nhân cơ hội đó thi đua ca ngợi thiền và tán tụng nhau. Theo khẩu vị thì dường như ba vị đã bắt đầu tự xem mình ngang hàng với chư Phật, chư tổ. Ta nhận thấy chốn nầy không còn thuận duyên tu tập nữa nên một mình đến chùa Quang Thái lễ lạy tạ ân tổ Văn Yển, rồi âm thầm xuống núi.

Nhớ đến lời hứa với hai vị ân sư, ta đi Vân Nam hành hương núi Kê Túc. Ta quen với nếp sống cô độc trên Vân Môn, nên ngày đi, đêm thường nghỉ ở dưới những cội cây bên đường. Ta đến địa phận huyện Tân Châu vào tiết lập đông, khí trời lạnh buốt nên phải ngồi thiền suốt đêm để chống lạnh. Một hôm, ta nghe tiếng khánh rung, mở mắt thì thấy nhiều người nông dân đang xúm xít vây quanh. Chợt có người lên tiếng :

- Uả! Lão hành khất mù, mới rung chuông xin ăn, sao bỗng biến mất kìa?

Qua câu chuyện của họ, ta biết mình đã nhập định một thời gian dài. Họ thấy ta ngồi trơ trơ nhiều ngày, sờ mũi còn hơi thở, nên nghĩ ta đã trúng gió cứng đờ nên phát lòng từmang về nhà cứu chữa. Họ thoa dầu, xoa bóp chân tay ta và kêu gọi mà ta vẫn bất động. Sau cùng, đến khi người hành khất (hay một vị Bồ Tát hóa hiện) rung chuông ta mới thức tỉnh. Lần xuất định nầy, mặc dầu tâm ta vẫn thư thái an lạc, nhưng không hiểu tại sao toàn thân bị tê cứng, nhếch môi cũng không làm được. Ta đoán rằng có lẽ trong cơn nhập định, những người tốt bụng đã đụng chạm thân thể ta, khiến máu huyết bị đảo lộnmà ra nông nổi nầy. Gia chủ thấy mắt ta chớp chớp tíu tít hỏi han nhưng ta không thều thào chi được. 

Phải lâu lắm một ngón tay ta được thư giản đôi chút, ta ngo ngoe chỉ cái hàm bị cứng thì họ đoán ta bị câm và điếc không nói được phải ra dấu để xin nước. Họ bắt đầu đổ nước cháo chăm sóc ta chừng ba ngày thì tay chân ta cử động bình thường. Ta đã có thể nói được từ ngày thứ nhì nhưng ngay ngày đầu, vợ chồng gia chủ tưởng ta câm và điếc nên đã đối đáp cợt nhã những chuyện riêng tư chẳng chút dè dặt, nên nếu bấy giờ ta lên tiếng thì lại gây bối rối cho họ. Do đó, ta đành “tùy thuận chúng sanh” đóng vai câm điếccho đến ngày từ giã họ tiếp tục hành trình.

Ta hành hương núi Kê Túc lần đầu mà có cảm tưởng như đã từng sống tại đây một thời gian dài. Chân thành xúc động như kẻ tha phương trên đường về nhà, ta hân hoan tìm đến cửa Hoa Thủ, nơi vách đá bằng phẳng có đường lằn ngang và dọc tựa như hai cánh cửa đá khổng lồ khép kín lại, với cái kẽ nằm giữa hai cánh cửa. Theo truyền thuyết, khi tôn giả Ma Ca Ha Diếp vào động nầy tham thiền nhập định chờ đợi Đức Phật Di Lạc hạ sanh, thì cửa đá đã đóng lại, cửa chỉ mở một lần khi tôn giả A Nan đến lễ bái. Ta ngồi tĩnh tọa cả giờ hồi tưởng nhị vị ân sư, rồi bắt đầu dâng hương lễ bái cùng một lần với nhóm Phật tử do thầy Quý Châu, trụ trì chùa La Thuyên, huyện Hạ Dương, phủ Đại Lý hướng dẫn. 

Vừa phủ phục xuống nền đá, hoát nhiên ta thấy cả một chuỗi đời sống động của tiền kiếphiển hiện rõ ràng trước mắt. Khi đó ta mang thân xác một thanh niên trẻ tuổi, đang cùng hai người bạn thiết, mà trong kiếp nầy là nhị vị ân sư, hành nghề chài lưới tại hồ Nhỉ Hải. Một hôm, trong khi chúng ta đang ăn nhậu vui đùa, bỗng có vị tăng sĩ ôm bình bát đến tận bến cá khất thựcChúng ta ngây ngất chiêm ngưỡng phong thái siêu thoát của tôn giảchân thành cúng dường , và được Ngài điểm hóa mà phát tâm bồ đềChúng ta quyến luyến theo chân Ngài đến chốn nầy. Sau khi Ngài vào núi nhập địnhchúng ta vẫn bền lòng dựng lều bên vách đá, tiếp tục tu hành cho đến lúc lìa đời. Ba lần đảnh lễ liên tiếp thì ba lần hiện tượng huyền diệu đó lại xuất hiện

Điều lạ lùng, là qua kinh nghiệm của hai lần nhập định cả tháng mà ta đã trải qua, khi xả định thì dường như thời gian trôi qua chỉ chừng một khắc, ngược lại, trong ba lần đê đầu phủ phục lễ bái không kéo dài hơn âm thanh tiếng chuông, thì ta lại cảm thấy như trở vềsống với thời quá khứ bao năm trời. Ta phân vân thầm nghĩ : “Thời gian là cái gì kỳ dị, kéo dài thì dường như mù mịt vô tận, mà thu lại thì chỉ chừng một niệm”. Vào thời điểm đó, người thị giả của thầy Quý Châu bỗng mang chung trà đến dâng mời ta. Ta bận suy tư, hơ hỏng đánh rơi chung trà xuống nền đá bể nát. Aâm thanh chung trà bể hốt nhiênthức tỉnh ta toàn diện, căn nghi dứt tuyệt, bao nhiêu vọng niệm về thời giankhông gianchủng tộc, chúng sinh… tức thời tan biến. Thân tâm ta trạm nhiên rỗng lặng như hư khôngảnh hiện vạn pháp dung thông lai khứ. Ta vắn tắt ghi lại kinh nghiệm đó bằng bài kệ :

Hốt nhiên căn nghi bặt dứt 
Vọng niệm phân biệt tiêu tan 
Thân tâm trạm nhiên rỗng lặng 
Pháp giới hiển hiện rõ ràng…

Ta dự định dừng chân tại núi Kê Túc một thời gian để nghiêm túc tu trì hầu thanh lọc vọng tưởng vi tế vẫn còn mờ mịt bám víu, nhưng chùa am quanh núi Kê Túc đã mất nề nếp giới luật. Và có lẽ lo ngại bị “cạnh tranh”, họ chủ trương không chấp nhận tăng sĩ lạ mặt lưu trú trong “giang sơn” của họ. Vì vậy, ta đành phải ra đi. Bấy giờ ta mới nhớ lời dặn dò của ân sư ngày trước, chiêm nghiệm pháp danh “Thanh Trì Tâm Địa” và hiểu thầy khuyên ta nên hành hạnh trì địa để tiếp tục gột rửa thân tâm. Trên đường đi, ghé thăm gia đình người nông dân tốt bụng đã cưu mang ta khi ta nhập định, ta bèn nghĩ mình đã có nhân duyên với chốn nầy, và từ đó ta khởi đầu vai trò của một “lung á đầu đà” đắp đường sửa lộ. Ta vốn đặc biệt trân quý “Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương”, nên dẫu ngộ được chút kiến giải qua thiền tập, ta vẫn hằng vâng lời dạy của Bồ Tát Phổ Hiềnphát nguyện vãng sanh về cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Do đó, trong quãng đời còn lại, ta dồn nổ lực hành pháp trì danh Niệm Phật, một phương pháp rất thuận tiện để áp dụngngay khi đang lao động cực nhọc.

Ta an vui với nếp sống đắp vá đường lộ ngày qua ngày rất bình thường. Mãi đến khi ta vừa biết được rõ rệt ngày sẽ từ giã cõi ta bà để sinh sang nước Cực Lạc, thì người bạn thân năm xưa tại chùa Giác Lâmtrong kiếp nầy là một nhà cách mạng lạc lõng xứ người gặp lúc hiểm nguy tìm đến chốn nầy lánh nạn. Thì ra, tuy pháp giới mênh mông mờ mịt, nhưng hể có nhân duyên thì chắc chắn có ngày hội ngộ. Rồi đây, trên con đường vô tậnhành hạnh Bồ Tát để cứu độ chúng sanh, trong bất cứ hình dáng nào : tu sĩ, thầy thợ, phu lục lộ... hay một nhà cách mạngchắc chắn chúng ta sẽ hội ngộ hằng hà sa số lần, để hổ trợ nhau và nhắc nhở nhau hoàn thành đại nguyện năm xưa tại chùa Giác Lâm : “Chúng sanh vô biên con thề nguyện độ. Nếu còn chúng sanh chưa thành Phật, con nguyện chưa thành Phật”.

- Hà! Hà! Năm xưa tại Gò Bắc Chiêng ta lo hậu sự cho ngươi, nay lại đến phiên ngươi hỏa táng ta. Cái đó dân quê mình gọi là : “có qua có lại mới toại lòng nhau!”, đúng không thầy Thiên Hữu?

Xin bảo trọng!

****

Sau khi làm lễ 49 ngày, Thuật cẩn thận mang bình tro và xá lợi của thầy vượt biên giớisang Lào, rồi về nước an toàn. Bị mật thám theo dõi ráo riết, trong khi công tác của tổ chức bề bộn, nên ủy thác của thầy vẫn canh cánh bên lòng, mà Thuật vẫn chưa có cơ hội thực hiện được. Mãi đến ngày Phật đản, biết chắc cô em Đinh thị Xuyến theo lệ hằng năm đưa con về chùa Bữu Lâm, Cái Bèo, lễ Phật. Thuật hóa trang thành người Trung Hoa trọng tuổi bí mật gặp cô em, kể câu chuyện kỳ ngộ tại xứ người, rồi trao cho cô em di cảo và bình cốt tro của thầy để nhờ lo liệu dùm. (Sợ chồng con liên lụy, bà Xuyến dấu kín nội vụ. Bà cũng chẳng dám ra miền duyên hải nên âm thầm rải cốt tro xuống sông Cao Lãnh, một nhánh của sông Tiền, chỉ mong giòng nước sẽ đưa tất cả ra biển Đông mà hoàn thành tâm nguyện của sư Thanh Trì Tâm Địa. Và phải đợi đến hơn bốn mươi năm sau, khi sắp sửa lìa trần, bà mới dám thổ lộ cho đứa cháu ngoại câu chuyện kỳ ngộ của ông cậu)

Có lẽ hạt giống đạo pháp đã được tàng trữ tự kiếp nào, nên chi chỉ gần gũi với nhà sưcâm điếc một thời gian ngắn mà nếp sống tâm linh của Thuật có nhiều thay đổi. Thuật vẫn hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ, nhưng chàng đã làm cách mạng theo hạnh nguyện của Bồ Tát : xả thân cho đại nghĩa, làm để mà làm chớ không mong cầu. Do đó, trong khi hoạt động vẫn có thể tu bằng phương pháp hằng quán sát tâm không để cho niệm tham sân si sinh khởi. Nhờ vậy, mà sau nầy, khi bị bắt, bị tra tấn và tù đày, Thuật vẫn hồn nhiên tươi mát, tâm không bợn một chút hận thù dù ngay đối bọn người đã dã man hành hạ chàng.

Tháng 11.1997 
 

Ghi chú :

1. Đinh hữu Thuật tự Đinh hữu Xương, sanh năm 1874 tại Mỹ Xương, Sa Đéc, con trưởng của một gia đình năm anh em, cha là Đinh văn Chánh, mẹ Nguyễn thị Tài. Oâng được gia đình gởi sang Pháp du học, nhưng bị trục xuất gởi về nước vì tình nghi đã nghiên cứu tìm học thể thức chế tạo vũ khí bị nghiêm cấm. Về nước ông tham gia hoạt động cho Phong Trào Đông Du tại miền Nam do cụ Nguyễn thần Hiến sáng lập dưới danh xưng “Khuyến Du học hội”. Năm 1908, Nguyễn thần Hiến bị Pháp truy nã phải vượt biên sang Nam Vang, rồi sang Trung Hoa phụ trách công tác ngoại vận, giao tổ chức quốc nội cho Nguyễn quang Diệu và Đinh hữu Thuật điều khiển. 

Năm 1912, Đinh hữu Thuật vượt biên qua Trung Hoa mở đường giây đưa cán bộ xuất ngoại sang Nhật. Năm 1913, Oâng cùng các chiến hữu Nguyễn quang Diệu, Huỳnh Hưng… vượt biên đến Hồng Kông tạm trú tại nhà Nguyễn thần Hiến, chẳng may kho chứa vũ khí chuẩn bị đưa về Việt Nam bị lộ, cả nhóm bị nhà đương cuộc Anh bắt giải giao cho Pháp. Tòa án Hà Nội xử ba lãnh tụ Nguyễn thần Hiến, Nguyễn quang Diêu và Đinh hữu Thuật án chung thân khổ sai. Cụ Nguyễn thần Hiến tự tử tại nhà giam Hỏa Lò, Hà Nội. Nguyễn quang Diêu và Đinh hữu Thuật bị lưu đày sang Guyanne, Trung Mỹ. Hai nhà cách mạng đã vượt ngục sang Hoa Kỳ, rồi về nước tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Năm 1933, ông bị đau nặng phải ngưng hoạt động, lén về nhà con gái nương náu một thời gian ngắn thì qua đời. 
(Tài liệu liên hệ đến gia đình cụ Đinh hữu Thuật do hai cụ bà Nguyễn thị Quỳnh và Nguyễn thị Sáu cung cấp)

2. Câu ca dao nầy cũng phổ biến tại Cần Thơ với vài điểm sai khác : 
Chừng nào xán nọ bung vành 
Tàu binh kia liệt máy, thì mình mới xa nhau…

3. Phèn là màu vàng của chất phèn. Khi dùng như danh từ, phèn có nghĩa là chó phèn, tức chó màu vàng (cũng như chó trắng gọi là con cò, chó đen gọi là con mực…). Thời Pháp mới chiếm miền Nam, “phèn” là tiếng lóng chỉ đám người Việt (da vàng) mà đi làm chó săn cho ngoại bang.

4. Lung á đầu đà : tu sĩ khổ hạnh câm và điếc.

5. Hải Minh Bảo Chơn : sư là đệ tử của hòa thượng Tánh Không Giác Ngộ, chùa Bát Nhã, núi Long Sơn, Phú Yên. Sư và sư đệ Bảo Thanh vào Nam hoằng pháp tại núi Chứa Chan, tỉnh Đồng Nai. Hòa thượng Bảo Chơn thường hành hạnh du tăng hoằng hóa khắp các tỉnh miền Tây.

6. Chùa Phước Hưng : còn gọi là chùa Hương Sa Đéc, do hòa thượng Minh Phước sáng lập năm 1838. Hòa thượng Như Diệu là trụ trì đời thứ hai của chùa.

7. Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng (1818-1872), đệ tử hòa thượng Tánh Không Giác Ngộ, chùa Bát Nhã, núi Long Sơn (Phú Yên), thuộc thế hệ thứ 40, phái thiền Lâm Tế, chi phái Liểu Quán. Sư vào Nam hoằng hóa, tiên khởi dừng chân tại xã Bình Thạnh, Thuận Hải, xây dựng ngôi già lam tại núi Cổ Thạch. Sau đó, sư lại đến Bảo Trâm, hoằng dương đạo pháp tại chùa Kim Quang, đoạn vào núi Trà Cú ẩn tu một thời gian. Rời Trà Cú, sư vào vùng Đất Đỏ, Bà Rịa hoằng hóa, lập chùa Châu Viên, núi Châu Viên, chùa Bữu Long xã Phước Hải và chùa Ngọc Tuyền núi Kỳ Vân.

8. Tiên Giác Hải Tịnh (1788-1875) : đệ tử của hòa thượng Tổ Tông Viên Quang. Sư nổi tiếng là bậc tăng tài hiếm có, thông tuệ khác thường, đức độ cao sâu, nên sớm đã được cử làm trụ trì chùa Từ Aân, Gia Định năm 1821, rồi được vua Minh Mạng vời ra Huế trụ trì chùa Thiên Mụ (1825), tăng cang chùa Giác Hoàng (1842). Sau mấy mươi năm ở Huế, sư xin mãi mới được về Nam, trụ trì chùa Giác Lâmlãnh đạo và tổ chức phát triển phong trào Phật Giáo miền Nam buổi giao thời Pháp thuộc.

9. Chùa Khải Tường : Năm1744, tổ sư Phật Ý Linh Nhạc (1725-1821) cùng một pháp hữu từ Trấn Biên vào vùng Gia Định kết am tranh trú ngụ để hoằng hóa. Đến năm 1752, chùa đã được xây cất khang trang, và lần lần trở thành một trong những ngôi chùa lớn tại Gia Định, được sắc phong là Quốc Aân Khải Tường tự. Khi Pháp xâm chiếm miền Nam, chúng viện lẽ chùa đã từng chứa chấp nghĩa quân nên ra lệnh triệt hạ, để xây đồn binh. Theo cụ Vương hồng Sển thì vị trí chùa Khải Tường ngày xưa nằm trong khuôn viên đồn Ô Ma.

10. Nhị tổ hỏi Đạt Ma : “Làm thế nào nhập được đạo”. Tổ Đạt Ma đáp : 
Ngoài dứt các duyên 
Trong bặt nghĩ tưởng 
Tâm như tường đá, 
Mới vào được đạo 
(Ngoại tức chư duyên
Nội tâm vô đoan. 
Tâm như tường bích 
Khả dĩ nhập đạo
(Trích Thiền Đạo tu tập, Chang chen Chi, bản dịch Như Hạnh, trang 32

11. Thiên Hậu Phật mẫu : tục danh Lâm mi Châu, sanh ngày 23.3 năm Giáp Thân (1044). Theo truyền thuyết bà bẩm sinh thông minh đỉnh ngộ, năm tuổi đã biết đọc, mười một tuổi tu theo Phật giáo, mười ba tuổi được bí truyền thiên thơ, căn cứ vào đó mà tu đắc đạo. Bà đắc thần thông nên thấy cha và hai anh đi thuyền bị nạn nên ra tay cứu vớt. Từ đó, những người đi biển gặp nạn, van vái tên bà cầu cứu, đều được thoát hiểm. Do linh ứngvề sự cứu nạn trên biển khơi của bà, năm Canh Dần (1110), vua Tống sắc phong bà “Thiên Hậu thánh mẫu”. Người Trung Hoa sang miền Nam nước Việt bằng thuyền, họ rất tin tưởng bà, nên từ Saigon đến khắp các tỉnh miền Tây, nơi nào họ cũng lập chùa thờ bà.

12. Bảo hương hay hành hương : thiền tập trong khi chạy, thực hành khi bắt đầu thời tọa thiền và giữa các thời tọa thiền.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/03/2011(Xem: 8649)
Theo đạo Phật, luật nhân quả không chỉ giới hạn trong một đời sống hiện tại này, mà là một quy luật chi phối trong suốt dòng thời gian...
13/03/2011(Xem: 10629)
Các chân sư thực hiện những kỳ công của các ngài mà không chút tự hào, với một thái độ giản dị hồn nhiên hoàn toàn như trẻ con. Các ngài biết rằng, năng lực của tình thương luôn che chở các ngài.
13/03/2011(Xem: 6599)
Ngài Nam Tuyền nói: “Tâm bình thường là đạo.” Chư vị Tổ sư dùng đến vô số phương tiện cũng không ngoài việc dẫn dắt người học đạt đến tâm bình thường này.
10/03/2011(Xem: 11788)
Trong lúc thiền quán, tôi tập trung suy nghĩ rất nhiều những lời thầy dạy. Tôi bừng tỉnh nhận ra quả thật điều mà tôi khổ công tìm kiếm không phải là việc say mê dành trọn thời gian cho việc tu tập thiền định.
09/03/2011(Xem: 11029)
Trong đạo Phật, hiếu hạnh được xem là đứng đầu trong tất cả các đức hạnh. Điều này đã được đức Phật chỉ dạy trong rất nhiều kinh điển.
04/03/2011(Xem: 5477)
Đã biết nhân quả theo nhau như bóng với hình, nên kể từ đây chúng ta hãy phát tâm dũng mãnh làm mới lại mình, sám hối, ăn năn những sai lầm đã phạm trước kia.
04/03/2011(Xem: 10727)
Đây là một bản kinh Phật đặc sắc, nêu bật lên ý nghĩa nhân quả bằng những truyện tích nhân duyên rất sống động, được thuật lại với nhiều chi tiết thú vị.
04/03/2011(Xem: 8263)
Một hôm, Hàn Sơn hỏi Thập Đắc: Ở đời, có người đánh tôi, mắng tôi, làm nhục tôi, khi dễ tôi, dọa tôi, gạt tôi, chê tôi, khinh tôi, ăn hiếp tôi, cười ngạo tôi cho đến đối xử khắc nghiệt với tôi, thì phải xử trí như thế nào? Thập Đắc đáp: Chỉ cần nhịn nhục họ, kính họ, sợ họ, tránh họ, nhường họ, khiêm tốn với họ, không chống cự họ, không cần để ý đến họ, rồi chờ ít năm ông hãy nhìn họ xem.
04/03/2011(Xem: 7284)
Ngài Hàn-Sơn : Trong thế gian mà bị người phỉ báng, khi dễ , nhục mạ, cười chê, khinh khi , chà đạp, ghen ghét , đè bẹp, đố kị ta. Như thế, ta phải xử trị cách nào ? Ngài Thập-Đắc trả lời : Thản nhiên vì họ mà nhẫn, mà nhường,  mà cung kính, là trọng tự do của họ, mà tránh đi, cuối cùng đừng để ý tới họ nữa. Chờ vài năm sau sẽ gặp họ. Hàn-Sơn lại hỏi : Họ vẫn giữ quyết liệt như vậy ! Có thể trốn núp được chăng ? Ngài Thập-Đắc nói : " Tôi đã từng thuộc Bài Kệ của Bồ-Tát Di-Lặc. Bạn lắng nghe ! Tôi vì Bạn mà niệm bài kệ :
24/02/2011(Xem: 2851)
Cách đây 28 năm (1973), hồi đó tôi 16 tuổi (1945), nghe kinh Bát Nhã và pháp Bảo Đàn, bỗng nhiên lòng tôi không còn luyến tiếc gì bản thân và muốn xa lìa tất cả để lên non cao tu luyện. Tôi đem ý nguyện ấy thưa với Bổn sư là Hòa thượng Diệu Quang, Tổ thứ sáu của Tổ đình Thiên Ấn và là vị khai sơn chùa Viên Giác núi Thanh Thanh - nơi tôi đang tu học. Hòa thượng nhìn tôi và nghiêm trọng bảo - ông nên dẹp bớt lòng bồng bột ấy đi! Vì khi đang học đạo thì ai cũng tưởng mình có thể thực hành sáu pháp lục độ chẳng mấy khó. Nhưng khi va chạm vào thực cảnh, chịu đói lạnh vài ba tháng, những cơn sốt rét ở rừng sâu và biết bao cảnh trạng kỳ quái cứ đêm đêm lại hiện về như trêu cợt, như dọa nạt thì thối chí ngay. Nếu chí thoát trần mạnh mẽ có thể vượt qua được, thì bấy giờ cái "Động" ở nội tâm lại hiện ra. Tổ xưa đã dạy: "Cực tịnh sanh động". Ông nên tham cứu nghĩa lý ấy và nán lại năm sau, hay đợi khi thọ đại giới rồi sẽ cho ông đi cũng không muộn. Rồi Hòa thượng đưa tay chỉ về trảng núi phía tâ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]