Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuyện hóa thân của Bích Thảo.

10/04/201311:24(Xem: 4852)
Chuyện hóa thân của Bích Thảo.

Chuyện hóa thân của Bích Thảo

( Piktors Verwandlungen )

Nguyên tác: Hermann Hesse

Thái Kim Lan dịch

--- o0o ---

Thuở ấy khi vừa bước vào Thiên Đường, Bích Thảo đến đứng trước một cây kỳ lạ, cây vừa là đàn ông vừa là đàn bà. Bích Thảo cúi chào cây một cách kính cẩn và hỏi : "Chào cây, cây có phải là cây của sự sống không?" Nhưng khi có con rắn muốn thay cây trả lời cho chàng thì Bích Thảo quay lưng bỏ đi.

Chàng tập trung thị giác để nhìn, mọi thứ ở trên Thiên Đường đều làm cho chàng thích thú. Chàng cảm thấy rõ mình đang ở chốn quê hương, đang ở nơi cội nguồn cuộc sống.

Chàng tiếp tục đi và lại gặp một cây kỳ dị khác, cây này vừa là mặt trời vừa là mặt trăng. Bích Thảo hỏi : "Này cây ơi, cây có phải là cây của sự sống không ?"

Bên phía cây mặt trời gật gật cái đầu và cười toét miệng còn bên phía mặt trăng thì gật nhẹ đầu và nhoẻn miệng cười mủm mỉm.

Những bông hoa tuyệt diệu nhất chớp mắt nhìn chàng với nhiều màu sắc và ánh sáng khác nhau, với nhiều đôi mắt long lanh và nhiều vẻ mặt khác nhau. Có những khóm cây gật đầu và cười toe toét. Vài cây khác chỉ gật đầu và cười chúm chím. Có những cây khác thì chẳng gật đầu mà cũng chẳng mỉm cười. Chúng đứng yên mê mẩn, chúng đắm mình suy ngẫm như say như đuối đẩn trong suối hương nồng, hoa hương quyện lẫn.

Một đóa hoa cất tiếng ca bài Tím nhạt, đóa khác hát bài ru con Xanh thẫm. Một đóa hoa trong đám hoa có đôi mắt to màu xanh da trời, còn một đóa hoa khác có khuôn mặt làm cho Bích Thảo nhớ đến mối tình đầu tiên của chàng. Có đóa hoa thơm mùi hương của khu vườn thời thơ ấu, hương thơm ngọt ngào của hoa thoảng nhẹ như giọng nói của mẹ chàng. Còn đóa hoa khác tươi cười chào chàng và thè cái lưỡi đỏ uốn cong đến gần chàng. Chàng đưa lưỡi chạm vào hoa, cảm nghe hương vị nồng nàn man dại như nhựa cây, như mật ong và như nụ hôn của một người đàn bà. Bích Thảo đứng giữa ngàn hoa, lòng tràn ngập những ước ao và những niềm vui mong manh. Ngân nga như tiếng chuông reo, tim chàng đập liên thanh trái tim nóng bỏng, trái tim cuồng vọng những ham muốn vô tri và linh cảm huyền hoặc.

Bích Thảo tiếp tục nhìn ngắm Thiên Đường chàng bỗng thấy một con chim đang đậu trong vùng cỏ dại, con chim lấp lánh muôn màu muôn sắc, hầu như tất cả các màu sắc ở trên thế gian chim đều chiếm hết. Chàng hỏi con chim mỹ miều muôn sắc : "Này chim, vậy hạnh phúc ở đâu vậy hỡi chim ?"

"Hạnh phúc hả ?", con chim mỹ miều nói và cười bằng cái mỏ vàng của nó, "này bạn ơi, hạnh phúc ở khắp mọi nơi, ở núi rừng, ở đồng bằng thung lũng, ở hoa bướm, ở trong pha-lê".

Vừa mới buông lời con chim hớn hở rũ lông, rụt cổ nhịp đuôi, há mỏ cười một lần nữa rồi lại đứng bất động lặng yên trong đám cỏ. Và này hãy xem ! Thoáng chốc con chim đã hóa ra một đóa hoa sặc sỡ, lông chim là những ngọn lá, móng chim là rễ cây. Trong vẻ lóng lánh muôn màu, giữa lúc nhảy nhót múa may con chim lại biến mình thành một cái cây. Bích Thảo trố mắt kinh ngạc trong lúc chứng kiến trò ảo thuật kỳ diệu này.

Ngay sau đó "đóa hoa chim" rung động những ngọn lá và những giây bụi phấn của hoa thế là lại thấy chim biến thành đóa hoa, không còn rễ cây, đóa hoa chuyển mình nhẹ nhàng từ từ cất bổng mình lên cao, rồi bỗng hóa ra một con bươm bướm sáng ngời, lượn mình trên khôn nhẹ bổng nhẹ bông như không có trọng lượng, hoa bấy giờ toàn thân là ánh sáng, vẻ hoa là hào quang. Bích Thảo ngây người càng mở lớn đôi mắt kinh ngạc.

Con bươm bướm mới, con bướm-hoa-chim sặc sỡ, hớn hở, quang diệu như gương, nhởn nhơ lượn quanh chàng Bích Thảo sững sờ, lấp la lấp lánh trong ánh mặt trời, bướm bay bay lượn lượn rồi từ từ hạ mình xuống đất nhẹ nhàng như một nắm tơ, đậu sát vào chân Bích Thảo, bướm thở nhẹ nhàng, rung nhẹ thân mình với đôi cánh lóng lánh - và khoảnh khắc - bướm lại hóa thành một viên pha-lê muôn màu, ở một góc pha-lê lóe ra một tia sáng đỏ hồng.

Viên pha-lê đỏ chiếu lấp lánh tuyệt vời trong đám cỏ và bụi cây, sáng rõ dòn dã như tiếng chuông ngân ngày hội. Nhưng rồi hình như có tiếng gọi về của quê hương viên ngọc-đó là lòng trái đất-cho nên viên ngọc từ từ thu bé lại và sắp sửa lịm dần vào lòng đất...

Trong lúc chứng kiến cảnh này trong lòng Bích Thảo bỗng nổi lên một ham muốn dữ dội, chàng vội vàng nhặt nhanh viên ngọc lên trước khi ngọc sắp tan biến vào lòng đất.

Bích Thảo ngây người ngắm nhìn ánh sáng huyền hoặc của viên ngọc trong tay.

Ánh hào quang như tỏa ra cho Bích Thảo một linh cảm về niềm hạnh phúc toàn diện trong tâm khảm.

Trong lúc ấy bỗng nhiên con rắn trườn đến quấn mình vào một nhánh cây khô, rắn ghé đầu rít vào tai chàng : "Viên ngọc này có thể biến mày thành điều gì mà mày muốn Bích Thảo ạ. Hãy nói nhanh cho viên ngọc biết điều ước của mày trước khi ngọc thu lại, kẻo chậm mất !"

Bích Thảo giật mình, chàng sợ đánh lỡ mất hạnh phúc vội vàng nói nhanh ước muốn của mình, lập tức chàng liền biến thành một cái cây. Bởi vì đã từ lâu chàng mơ ước mình được làm một cái cây, bởi lẽ cây đối với chàng là sự bình an, là nhựa sống, là niềm vinh dự.

Như vậy Bích Thảo hóa thân thành một cây xanh.

Chàng đâm rễ vào lòng đất, lớn nhanh và vươn mình lên cao. Lá và cành mọc ra từ tứ chi của chàng. Chàng rất tự mãn về sức lớn của mình, với những rễ cây khát nhựa chàng đâm mình hút sâu vào lòng đất, chàng phất cao thân trong tầng xanh với cành lá của mình. Những con bọ rầy bắt đầu tìm đến cư ngụ nơi thân cây. Thỏ và nhím đến tá túc ở gốc cây, còn chim thì đến làm tổ ở cành cây.

Cây "Bích Thảo" rất đỗi hạnh phúc và không màng đến năm tháng trôi qua. Đã có nhiều năm qua đi trước khi chàng nhận ra rằng thật sự hạnh phúc của chàng không được hoàn toàn. Phải tốn một khoảng thời gian chàng mới học được cách nhìn với "con mắt cây". Cho đến khi chàng đạt được cách nhìn này thì chàng đâm ra buồn rầu.

Chàng nhìn thấy được rằng ở trên Thiên Đường quanh chàng mọi vật thường đổi kiếp thay thân, rằng mọi vật đều nằm trong giòng luân lưu ảo thuật của sự hóa thân vĩnh cửu. Chàng thấy những bông hoa biến thành châu ngọc hay hóa thành những con chim líu lo đầy ánh sáng bay vụt đi. Chàng thấy bên cạnh mình có nhiều cây bỗng biến mất, có cây tan ra thành nguồn suối, có cây thành cá sấu, có cây lại bơi lội như loại cá nhởn nhơ mát mẻ, đầy khoái lạc và cảm quan vui thú, với những hình dạng mới mẻ, chúng bắt đầu những trò chơi khác lạ. Những chú voi đổi áo của mình với các tảng đá núi, những chàng hươu cao cổ đổi hình dạng của mình với các bông hoa. Chỉ riêng chàng -cây Bích Thảo- thì vẫn giữ nguyên là cái cây, chàng không thể biến đổi ra cái gì khác nữa.

Từ khi nhận biết được điều này, hạnh phúc của Bích Thảo biến mất đi ; chàng bắt đầu trở nên già cỗi, chàng bắt đầu có dáng điệu mệt mỏi nghiêm nghị và lo âu. Điều này người ta thường thấy được hằng ngày ở các loài ngựa, loài chim, loài người. Những sinh vật thường trở nên già nua nếu chúng không có được năng khiếu hóa thân thì với thời gian chúng sẽ rơi vào sự buồn nản và lo âu xao xuyến và cứ thế mà mọi vẻ đẹp dần dần biến mất.

Cái cây Bích Thảo cứ đứng yên như thế ở Thiên Đường...

Cho đến một ngày nọ có một người con gái trẻ đi đâu lạc vào chốn Thiên Đường, cô gái có một mái tóc vàng óng ả, cô mặc một chiếc áo xanh màu thiên thanh. Cô bước đi thảnh thơi trong chốn bồng lai, nhởn nhơ dưới các cây xanh, cô vừa hát vừa nhảy múa và trong đầu cô chưa bao giờ nghĩ đến việc ước mong có biệt tài hóa thân.

Nhiều chú khỉ khôn ngoan mỉm cười nhìn theo cô, các khóm cây vuốt ve cô bằng cành cây, các cây khác ném tặng cô một búp hoa, một hạt dẻ, một trái táo nhưng cô không để ý đến, cứ thảnh thơi đi, hát và nhảy múa.

Khi cây Bích Thảo thấy được cô gái, chàng liền cảm nghe trong tim một nỗi nhớ nhung mông mênh chảy dội về, một thứ nhớ như một lời kêu gọi hạnh phúc chưa bao giờ có được. Đồng thời một ý nghĩ thầm kín choáng ngập tâm hồn chàng, chàng cảm nghe như chính giòng máu của mình lên tiếng gọi : Bích Thảo, hãy suy nghĩ kỹ đi. Trong giờ phút này hãy nhớ lại cả cuộc đời mình, nếu không sẽ muộn mất thôi, và không bao giờ, không bao giờ nữa mày sẽ gặp được hạnh phúc.

Bích Thảo tuân theo tiếng gọi của con tim, chàng đứng nhớ về tất cả nguồn cội của mình, nhớ những năm làm người, nhớ lúc nhập vào Thiên Đường và nhất là nhớ đến giây phút xa kia, trước khi chàng biến thành cái cây, giây phút chàng cầm trong tay viên ngọc nhiệm màu ấy. Nhớ đến thuở ấy, khi mà mọi sự hóa thân đối với chàng còn mở ngỏ, cái thuở mà cuộc sống như chưa bao giờ nóng bỏng đến như thế. Chàng nhớ lại con chim ngày ấy đã cười vang, nhớ cái cây kỳ lạ vừa là mặt trời vừa là mặt trăng. Trong thoáng chốc linh tính cho chàng biết rằng thuở ấy chàng đã bỏ ( mất ) một điều gì đó, rằng lời khuyên của con rắn đã không là lời khuyên tốt lành.

Giữa lúc đang đi, cô gái tóc vàng chợt nghe trong đám lá của cây Bích Thảo có tiếng rì rào như một lời kêu nho nhỏ cô ta ngẩng đầu nhìn lên, tim cô bỗng nhói lên một niềm cảm xúc, từ đáy lòng cô nghe rạo rực những tưởng tượng mới mẻ, một ước muốn khác thường, những mộng mơ chưa bao giờ có ở trong tâm. Như bị cuốn hút bởi một sức mạnh lạ lùng cô đi đến ngồi dưới cây, cô nhìn cây Bích Thảo và thấy cây có vẻ cô đơn, lẻ loi và buồn bã, nhưng lại có một vẻ gì đẹp đẽ dễ rung cảm và cao quý trong nỗi buồn câm lặng của cây. Tiếng ca thỏ thẻ dịu dàng của cây vẳng lên làm cho cô ngây ngất tâm hồn. Cô gái tựa mình vào thân cây xù xì cảm nghe cây rùng mình thâm sâu và nghe trái tim mình như đang cảm nhận nỗi giao động của cây. Tim cô nhói đau một nỗi lạ lùng, trên bầu trời linh hồn cô những đám mây như vụt bay cao và không khóc mà nước mắt trĩu nặng bờ mi. Có chuyện gì thế này ? Có thể đau đớn đến thế này sao ? Tại sao con tim chỉ chờ phá tan lồng ngực để chảy tràn ra, tan biến đến Người, vào tận trong người, con Người cô đơn đẹp đẽ kia ?

Cây người Bích Thảo run lên như cảm thông được nỗi lòng người con gái, thân cây rung động đến tận gốc rễ rồi dồn hết tất cả sức sống của mình cây hướng về phía người con gái trẻ với tất cả ước muốn nóng bỏng được tan hòa với nàng. Cây nghĩ : Chà, ta đã bị con rắn độc đánh lừa để tự đưa mình vĩnh viễn thành một cây cô đơn. Ôi ta đã mù quáng biết bao ! Ôi ta đã điên rồ biết bao ! Ta đã không có một tri thức nào cả sao ? Tại sao sự bí mật của cuộc sống đối với ta lại xa lạ đến thế kia ư ? Không, không, thuở ấy ta đã linh cảm đến điều ấy rồi -Chà- bây giờ chàng nhớ đến cái cây vừa là đàn bà vừa là đàn ông (mà con rắn không cho cây trả lời) với nỗi buồn rầu và nỗi giác ngộ sâu xa.

Giữa lúc ấy có một con chim bay đến, con chim xanh lục đỏ điều, con chim mỹ miều, con chim anh điểu, con chim vàng anh bay lượn thanh thanh. Cô gái nhìn chim bay quanh, nhìn thấy từ mỏ chim nhả ra một vật gì rơi xuống cỏ, vật ấy long lanh màu đỏ như máu đỏ, như lửa hồng, nó rơi xuống đám cỏ dại màu xanh chiếu sáng để cho cỏ ngời ánh hào quang, rất quen thuộc như thuở ấy ánh xuân xanh. Màu đỏ của nó chiếu sáng rộn rã tưng bừng đến nỗi cô gái phải cúi mình xuống nhặt cái màu đỏ ấy lên. Thì thấy đó là một viên ngọc pha-lê, một viên ngọc muôn màu muôn vẻ, ở đâu có ngọc ở đấy không bao giờ có bóng tối.

Lúc cô gái cầm viên ngọc kỳ diệu trong bàn tay trắng nõn nà của cô thì lập tức điều ước của Bích Thảo liền thành sự thực, điều ước mà tim chàng bấy lâu nay đang ấp ủ. Liền ngay cô gái đẹp bỗng nhiên thấy người lảo đảo, cô ngã xuống hóa thân dính liền với cây Bích Thảo làm một, từ thân cây một cành cây non chồi lên non trẻ, vươn lên cao vút và đầy sức lực.

Đến giờ phút này, mọi sự việc đều trở thành toàn thiện. Bấy giờ thế giới mới được an bài và chỉ trong khoảnh khắc này, Thiên Đường mới thực sự được tìm thấy, bây giờ Thiên Đường mới thực sự là Thiên Đường. Bích Thảo không còn là cái cây ưu tư già cỗi nữa, bây giờ chàng cất cao tiếng hát : "Bích Thảo vui ! Thành Thảo vui !"

Chàng đã hóa kiếp. Lần này chàng đã đạt được sự hóa thân đúng đắn và trường cửu, bởi vì chàng đã từ cái một nửa chuyển sang cái toàn thể cho nên chàng có biệt tài (biến) đổi (thân) xác từng giờ từng phút thành bất cứ cái gì chàng muốn. Giòng luân lưu (hồi) huyền diệu của sự trở thành (vô thường) tuôn chảy không ngừng trong huyết mạch của chàng vĩnh viễn chàng có thể tham dự vào sự sáng tạo chớm nở trong từng phút từng giây.

Chàng thở thành nai, trở thành cá, trở thành người và trở thành rắn, thành mây bay, thành chim. Nhưng trong mỗi hình hài chàng vẫn là toàn thể, vẫn là "một đôi", vẫn mang trong mình Mặt trời và Mặt trăng, Đàn ông và Đàn bà.

Như một con sông "sinh đôi" chàng chảy mê mải qua các núi rừng đồng ruộng.

Và lấp lánh trên nền trời chàng sáng ánh sáng của "ngôi sao đôi".


H. Hesse sinh ngày 2.7.1887 tại Calw/Wuerttemberg. Sau khi theo học nhiều năm ở trường Cổ ngữ ở Goeppingen ông tham gia khóa giảng về thần học tin lành vào năm 1891 ở tu viện MAULBRONN và muốn trở thành nhà thần học. Nhưng đến năm 1892 ông rời bỏ tu viện và làm nhiều nghề khác nhau. Trong lúc hành nghề bán sách và sưu tầm Cổ thư ông đã tìm kiếm rất nhiều tài liệu căn bản cho công cuộc sáng tác văn chương của ông. Từ năm 1912, ông dừng lại Thụy Sĩ. năm 1919, cư ngụ thực thụ ở MONTAGOLA cạnh hồ LUGAN và mất năm 1962.

Tác phẩm của ông: Peter Camenzind (1904), Steppenwolf (1927), NarziB und Goldmund (1930, nhà xuất bản Fisher 450), Shiddharta (1922), Das Glasperlenspiel (1943, nhà xuất bản Fischer 842). Năm 1946, Hesse được giải thưởng Nobel về văn học và giải thưởng Goethe của Thành phố Frankfurt. Năm 1955, Ông được hội các nhà sách tại Đức trao tặng giải thưởng hòa bình.

Hết

--- o0o ---

Source: http://vnthuquan.net

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/02/2015(Xem: 4708)
Một trong tôn giáo cổ xưa Có thầy tu nọ rất ưa tế thần Tuy ông nổi tiếng xa gần Nhưng mà mê muội tâm thần nhiều thay. Một hôm ông chọn dê này Cho rằng thích hợp, giết ngay tế thần Nghĩ suy lầm lạc vô ngần:
25/01/2015(Xem: 6642)
Tác phẩm Một Đóa Sen, được diễn nói về vận hành tầm sư học đạo của Sư bà Thích Nữ Diệu Từ, thật là gian truân trăm bề, được thấy từ khi mới vào “Thiền Môn Ni Tự” ở các cấp Khu Ô Sa Di, Hình Đồng Sa Di, ứng Pháp Sa Di và Tỳ Kheo Ni ở tuổi thanh niên mười (10) hạ lạp rồi, mà vẫn còn gian nan trên bước đường hành hoạt đạo Pháp. Nhưng Sư bà vẫn định tâm, nhẫn nhục , tinh tấn Ba la mật mà tiến bước lên ngôi vị Tăng Tài PGVN ở hai lãnh vực văn hóa quốc gia và Phật Giáo Việt Nam một cách khoa bảng. Nếu không nói rằng; tác phẩm “Một Đóa Sen và Pháp thân” của Sư bà Diệu Từ, là cái gương soi cho giới Ni PGVN VN hiện tại và hậu lai noi theo…
24/01/2015(Xem: 4868)
Mỗi sáng sớm khi sương còn mù mịt trên sông, chiếc thuyền con của lão già đã là đà rẽ nước, hướng về bờ – lúc thì bờ đông, lúc thì bờ tây, nơi những ngôi nhà tranh và những chiếc ghe nhỏ tụ tập. Mái chèo khua nhè nhẹ như thể sợ động giấc ngủ của thế nhân. Chẳng ai biết chắc lão có gia đình, nhà cửa ở đâu hay không. Nhưng người ta có thể đoán chiếc thuyền con ấy chính là nhà của lão, vì lão phơi thuốc, xắc thuốc, nấu thuốc ngay trên đó. Trên thuyền không còn ai khác. Ban đêm, thuyền của lão neo ở đâu không ai biết, nhưng sáng sớm thì thấy lù lù xuất hiện trên sông hoặc nơi bờ cát. Lão già đến và đi, một mình. Mỗi ngày xách cái túi nhỏ rời thuyền, thường là đi hái thuốc trên núi, ven rừng, bờ suối, có khi vào làng chữa bệnh cho bá tánh rồi ghé chợ mua vài thứ lĩnh kĩnh.
21/01/2015(Xem: 10109)
1. Chân như đạo Phật rất mầu Tâm trung chữ Hiếu niệm đầu chữ Nhân, Hiếu là độ được song thân Nhân là cứu độ trầm luân muôn loài. 5. Thần thông nghìn mắt nghìn tay Cũng trong một điểm linh đài hóa ra,
16/01/2015(Xem: 3625)
Sau 30-4-75, tất cả giáo chức chúng tôi đều phải đi học tập chính trị trong suốt 3 tháng hè mà họ gọi nôm na là "bồi dưỡng nghiệp vụ". Một buổi chiều sau mấy ngày "bồi dưỡng", tôi đạp xe lang thang qua vùng Trương minh Giảng, tình cờ gặp Báu - một người học trò năm xưa, rất xưa, đang ngơ ngẩn đứng trước cửa nhà. Dừng xe đạp, tôi chào: - Báu hả? Phải em là Trương thị Báu không? Có nhớ ra cô không? Báu giương mắt nhìn tôi, nhìn đi nhìn lại rồi nghiêng đầu lại nhìn...Em không nhớ nổi... Tôi đã thoáng thấy được một tâm thần bất thường qua thần sắc cũng như qua đôi mắt trống rỗng vô hồn!
16/01/2015(Xem: 4827)
Năm 1954 ông Thiện khăn gói đùm đề đưa mẹ, vợ và hai đứa con gái xuống con tàu há mồm vào Nam.Trên bờ, Thụ, người em trai của ông còn đưa tay vẫy vẫy. Đêm hôm qua, ông và người em trai bàn rất nhiều về chuyến ra đi này.Người em nói: - Đất nước đã hòa bình, độc lập, anh nên ở lại, dù gì cũng là nơi chôn nhau cắt rốn.Vào Nam xứ lạ quê người, chân ướt chân ráo trăm bề khổ sở... Ông Thiện đã trả lời em:
15/01/2015(Xem: 5057)
Trong cả thành phố này, anh chị chỉ có tôi là chỗ thân nhất, vừa là thầy vừa là bạn. Buổi sáng anh gọi phone bảo trưa nay đến đón tôi về nhà dùng cơm cho vui. Hôm nay là sinh nhật của thằng Alexander con một của anh chị.
14/01/2015(Xem: 7553)
Tiếng Hồng chung Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang nói riêng và các chùa trong thành phố Nha trang nói chung, sớm khuya ai cũng có thể nghe được, nhưng nghe để “Trí tuệ lớn” và “Bồ-đề sinh” thì tùy theo “phiền não” của đối tượng nghe có vơi nhẹ hay không? Riêng với nhà văn Võ Hồng, qua tác phẩm “Tiếng chuông triêu mộ” cho thấy Trí tuệ và Bồ đề của ông sanh trưởng tốt. Nhưng nhân duyên như thế cũng chưa đủ, ông là giáo sư của PHV, của trường Bồ Đề, là thiện tri thức của các bậc cao Tăng ở đồi Đông và đồi Tây non Trại Thủy. Có thế mới có truyện ngắn “Cây khế lưng đồi”, có tùy bút “Con đường thanh tịnh”. Thưa thầy Võ Hồng, chừng ấy đủ rồi, đủ cho PHV đi vào lịch sử văn học, đủ cho 100 năm sau, 1000 năm sau hay nhiều hơn thế nữa, nhìn thấy PHV uy nghi như một Linh Thứu thời Phật và cũng cho thấy các bậc cao Tăng Miền Trung nói riêng xứng đáng là những Sứ giả Như Lai đầy trách nhiệm đối với sự trường tồn của Phật giáo Việt Nam.
09/01/2015(Xem: 4237)
Tháng 10 năm 1962, TT Chủ Tịch Ủy Ban Liên Phái… nhờ Tôi đi công tác Vũng Tàu, Tôi đi chuyến xe đò lúc 8g30 sáng, xe chạy vừa khỏi hãng xi-man Hà Tiên, thì có 3 người đón xe. Anh tài xế nói với tôi : “Thầy vui lòng xuống hàng ghế phía dưới để cho “mấy cha”ngồi, vui nghen Thầy”! Tôi lách mình qua khoản trống thì có 2 vị đưa tay đón và đở nhường chỗ ngồi còn nói lớn: “Ngộ ha, cha quí hơn Thầy “! Tôi sợ gây chuyện không vui, nên đưa tay và lắc đầu xin yên lặng. Vì đương thời bấy giờ bóng dáng của các áo đen có nhiều sát khí thế lực! Nhưng, Mộc dục tịnh, nhi phong bất đình 木欲淨而風不亭.Xe chạy êm ả, gió lùa mát rượi.
26/12/2014(Xem: 13468)
Phât tử Chơn Huy ở Hoa Kỳ về có đem theo tập tự truyện dày của Tỳ Kheo Yogavacara Rahula. Cô nói truyện rất hay, khuyên tôi đọc và nhờ tôi dịch ra Việt ngữ để phổ biến trong giới Phật tử Việt Nam. Câu chuyện rất lý thú, nói về đời của một chàng trai Mỹ đi từ chỗ lang bạt giang hồ đến thiền môn. Truyện tựa đề "ONE NIGHT'S SHELTER (From Home to Homelessness)--The Autobiography of an American Buddhist Monk". Tôi đọc đi rồi muốn đọc lại để thấu đáo chi tiết trung thực của một đoạn đời, đời Thầy Yogavacara Rahula. Nhưng thay vì đọc lại, tôi quyết định dịch vì biết rằng dịch thuật là phương pháp hay nhứt để hiểu tác giả một cách trọn vẹn. Vả lại, nếu dịch được ra tiếng Việt, nhiều Phật tử Việt Nam sẽ có cơ duyên chia sẻ kinh nghiệm quý báu của Thầy Rahula hơn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]