Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Về đến quê xưa tìm gốc rễ

12/12/201507:17(Xem: 3188)
Về đến quê xưa tìm gốc rễ


Ve den que xua_hoa lan thien gioi (6)
Về đến quê xưa tìm gốc rễ

 

Tôi xa Hà Nội năm tôi một tuổi khi vừa biết đi. Ấy thế mà mãi tận năm mươi năm sau, tôi mới có dịp đặt chân lên mảnh đất thân thương đấy! Các bạn hãy mừng cho chuyến đi này của tôi. Thật không tầm thường chút nào! Này nhé! Tôi được tháp tùng Ni Sư Linh Thứu ở Berlin và Sư Cô Như Giác ở Sài Gòn. Hai vị này đại diện cho chùa Linh Thứu ở Berlin, đem ba mươi hai chiếc xe lăn và hàng trăm phần quà, làm cuộc hành trình về phương Bắc quyết phá tan lũ giặc đói nghèo. Nói thế cho oai, chứ bàn tay bé nhỏ làm sao che hết nổi mặt trời. Làm được chút nào vui chút ấy, nghĩ ngợi nhiều quá sợ vướng căn bệnh Tham Sân Si, tuy cái Tham từ thiện rất dễ thương, nhưng đã gọi là Tham thì không tốt.

Hai địa điểm được chọn để phát xe lăn là vùng đồi núi tỉnh Ninh Bình và các huyện nghèo ở chung quanh tỉnh Hà Tây. Có bạn sẽ tự hỏi, tại sao chương trình xe lăn của Ban Từ Thiện chùa Linh Thứu lại nhiêu khê, lặn lội vác xe ra tận chốn này chi cho tốn kém. Người khổ ở trong Nam thiếu gì, phát gần gần sáng đi chiều về, có phải khỏe thân không? Vâng, các bạn nghĩ rất hợp lý. Nhưng từ lúc thành lập chương trình xe lăn vào đầu Xuân 2000 đến giờ đã hơn năm năm, chương trình đã vác xe đi khắp các miền trên đất nước, chưa thấy nơi nào còn xa lạ với hai chữ “Từ Thiện“ như những vùng quê nơi đất Bắc. Lúc trước, từ chính quyền cho đến người dân, không ai chịu tin nổi là trên đời này có người dại khờ, dám đem bạc triệu ra mua xe tặng không cho những người xa lạ. Chắc có mưu đồ hay điều kiện gì đây? Các bạn ạ! Điều kiện thì không có, mưu đồ cũng chẳng xong. Chỉ mong muốn sao: Sáng mang niềm vui đến cho người, chiều làm cho người bớt khổ. Làm tốt hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền mà thôi.

 

Lúc phái đoàn sửa soạn ra Bắc, nghe tin tức các đài, biết cơn bão lớn đang tàn phá các tỉnh ở Yên Bái, Nam Định và Thanh Hóa. Ni Sư Linh Thứu đã kết hợp với phái đoàn cứu lụt của chùa Bảo Quang ngoài Đà Nẵng. Điểm hẹn là núi đồi Yên Bái, nơi đang bị bão lụt nặng nhất, gây thiệt hại cả tính mạng lẫn tài sản nhiều người.

Kinh nghiệm của phái đoàn đi làm công tác từ thiện là ngày ra đi hành trang còn chất đầy những nốt nhạc Đô và La tuyệt vời chật túi. Đến ngày về phái đoàn chỉ là những kẻ khố rách áo ôm và nợ như Chúa chổm. Nhưng được cái an ủi là ai ai cũng sẵn lòng móc túi cho mượn tiền để trả về sau. Chúng tôi đã ký những giấy nợ bằng miệng một cách chớp nhoáng không cần suy nghĩ. Tôi xin đi sâu vào chi tiết từng chuyến đi cho các bạn rõ, kể cho đáng "đồng tiền bát gạo" mới thôi.

Vì Ni Sư Linh Thứu và Sư Cô Như Giác phải tham dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng chùa Hương Sơn ở Ngũ Hành Sơn, nên tôi được dự ké xem thắng cảnh Đà Nẵng. Sau đó lại vội vã ra Hà Nội. Điểm đầu tiên chúng tôi đến Nho Quan. Con đường từ Hà Nội đến Nho Quan chỉ hơn một trăm cây số, nhưng đoạn sau không còn đường cao tốc nữa mới lắm gian nan. Hình ảnh con đê đường làng với những ruộng lúa mới gặt, vài con trâu nằm gặm cỏ hoặc lội bùn bên những hàng cau thẳng tắp, không còn là hình ảnh trong trí tưởng tượng nữa. Tôi khoan khoái ngắm cảnh, ngửi bụi mù và ngâm hai câu thơ cải biên:

Về đến quê xưa tìm gốc rễ.

Đi qua cầu khỉ rớt đường mương!

Ve den que xua_hoa lan thien gioi (1)Sư Cô Như Giác phải kéo tay lôi tôi trở về chánh niệm. Và may quá Sư Ông Làng Mai không có ở đây để khõ đầu tôi về tội dám đổi lời hai câu thơ tuyệt diệu của Người: “Về đến quê hương tìm gốc rễ. Đi qua cầu Hiểu đến cầu Thương“.

Các bạn ơi! Có một điều Sư Cô và tôi rất đau lòng vì những tấm bảng gắn dọc đường của các hàng quán ở khu vực này. Đã quá ba phần tư là món ăn dân tộc thịt “cầy“, mèo, chó gì cũng xơi tuốt!

Tôi nghĩ cũng cùng một thân chó, tại sao không vào những gia đình ở phương trời Âu đất Mỹ. Thân phận có khi còn được xếp cao hơn cả ông chủ nữa. Sinh chi ra ở đất này cho người ta làm bảy món, cho người ta cuộn với Lá Mơ rồi nhâm nhi câu: Sống ở trên đời...

Ve den que xua_hoa lan thien gioi (3)

Đi mãi rồi cũng phải đến, mặt trời đã lên cao làm người tôi muốn bốc hỏa. Khi xe chúng tôi luồn lách một cách khó khăn qua các ngõ hẻm chỉ vừa đủ chiều ngang một chiếc xe, thì mọi người đã quy tụ đầy đủ ngoài sân. Một thiếu sót kỹ thuật đáng kể trong buổi phát xe tại Ninh Bình. Chẳng là phái đoàn bận ra Đà Nẵng nên không nhận được danh sách người nhận xe, để viết sẵn bảng tên ở nhà. Đến nơi Sư Cô Như Giác mới giao cho tôi viết, làm sao viết kịp, nhờ các Thầy của Chùa viết hộ họ lại viết sai. Các bệnh nhân khuyết tật chờ lâu cũng mệt, người nhà họ thấy xe lăn để mời mọc, bèn bế họ lên ngồi tạm. Phát sinh ra cảnh "Râu ông nọ cắm cằm bà kia", thành xe tên người này, bảng cầm tên người khác. Họ cãi nhau chí chóe, đã lỡ ngồi lên xe rồi không ai muốn đổi nữa!

Sư Cô Như Giác và tôi phải chia nhau ra dẹp loạn, phải chụp hình từng chiếc, kiểm soát kỹ lưỡng từng tấm hình mới dám để họ ra về. Đến trưa còn sót lại một vài chiếc, vì người nhận ở quá xa hay di chuyển không được, phái đoàn phải đến tận nhà để phát xe. Ni Sư hỏi han những trường hợp đặc biệt và trao cho họ câu niệm Phật. Có thể đây là lần đầu tiên họ nghe đến điều này.

Tí nữa tôi quên, buổi sáng đài truyền hình địa phương cũng cử hai ba nhân viên vác máy đến quay phim. Cả huyện có tin giật gân. Một phái đoàn từ thiện ở đâu xa lắc đến cho không các người khuyến tật xe lăn, tổng giá trị món quà lên đến gần hai mươi triệu chứ phải chơi!

Đến chiều khi chiếc xe lăn cuối cùng đã trao đến tận nhà, chúng tôi từ giã vùng núi Nho Quan về chùa Diên Phúc ở Hà Tây, sửa soạn cho chuyến phát 16 xe còn lại và 40 phần quà vào ngày mai.

Khi xe chạy ngang Hà Đông, đến nơi dệt lụa nổi tiếng của tỉnh này. Tôi vẫn mang một đề tài muôn thuở là ngâm thơ cải biên:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt rét.

Bởi vì em là sư tử Hà Đông.

Chẳng ngờ hai câu thơ làm Sư Cô Như Giác tỉnh giấc nồng, Sư Cô mắng yêu:

-             Thiện Giới chỉ giỏi đổi thơ người ta thôi!

Đường vào chùa Diên Phúc cũng lắm gian nan, qua bao nhiêu bụi tre, ruộng lúa mới đến được cổng Tam Quan. Chùa thuộc diện Chùa Cổ Di Tích Lịch Sử không được đổi thay.

Sư Trụ trì là bạn đồng học với Sư Cô Như Giác, ra đón với nụ cười răng đen hạt huyền thật tươi. Tôi được sống hai ngày tại ngôi chùa cổ, như hình ảnh trong bài thơ Nhớ Chùa của Thi sĩ Huyền Không:

 

Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng.

Có con đường đỏ chạy lang thang.

Có hàng tre gợi hồn sông núi.

Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng.

………….

Đây ngôi chùa Cổ ngày hai buổi. Cầu nguyện dân làng sống yên bình.

Mái chùa che chở hồn dân tộc.

Nếp sống muôn đời của Tổ tông.


Ve den que xua_hoa lan thien gioi (4)Ve den que xua_hoa lan thien gioi (2)
Ve den que xua_hoa lan thien gioi (5)

Sáng hôm sau phái đoàn lo phát xe lăn và quà tại ngôi chùa nhà, nên rất thảnh thơi. Mọi việc đã có Sư Trụ trì và Phật tử chùa lo hết. Việc phát xe diễn ra trong trật tự, Ni Sư và Sư Cô Như Giác còn đủ thời giờ đi hỏi han các cháu bé đáng thương. Một bé gái học giỏi dễ thương, khiến Ni Sư có ý định đưa về Bệnh Viện Phục Hồi Chức Năng ở Sàigòn để chữa trị. Phần tôi mải lo chụp hình tối mặt nên chẳng hỏi han được ai. Gặp một ông cụ mặt mũi dạn dày sương gió, định giơ máy hình lên ngắm cho rõ nên nhỏ nhẹ nói:

-        Cụ làm ơn ngẩng mặt lên một chút!

Các người nhà con cháu cụ nhao nhao lên nói:

-        Cụ cười lên nào! Cười cho thật tươi. Ông cụ tuôn ra một tràng:

-        Khổ bỏ mẹ đi! Còn cười thế nào được!


Tôi phải chụp nhanh cho cụ đem xe về, nhỡ để lâu cụ lại xổ ra vài tràng chữ Nho thì nguy.

Đến trưa mọi việc đều xong, xét lại còn ba xe phải đưa đến tận nhà, hoặc đến chiều con cháu họ chở đến. Tuy nhiên chương trình buổi chiều còn phải đến Trại Phong ở Huyện Quốc Oai để phát 130 phần quà. Trại nằm ở sâu trong vùng núi nên khí hậu dễ chịu hơn. Bác sĩ tại đây cho biết Bệnh Phong đã bị diệt trừ từ những năm 80, khả năng lây bệnh không còn nữa. Những người được điều trị ở đây là căn bệnh Hậu Phong Biến Chứng. Trại này đã được Hội đoàn của người Đức bảo trợ, nguyên hệ thống điện nước đã được làm mới từ năm ngoái. Thôi cũng mừng cho các bệnh nhân ở Trại Phong Hà Tây.

Trên đường về lại chùa Diên Phúc, tôi cố nài xin được viếng Chùa Thầy. Quả tình tôi nghe gà hóa quốc, cứ tưởng chùa Thầy là chùa Đậu chứa nhục thân của hai vị Bồ Tát nên nằng nặc đòi đi. Sau được giải thích là của Thiền sư Vạn Hạnh nơi nuôi ngài Lý Công Uẩn, ai đem con thơ bỏ chùa này. Cuối cùng cũng sai bét, thôi đành đi luôn.

Về đến nơi tôi được tắm rửa thoải mái đi dạo cảnh Chùa. Còn Sư Cô Như Giác phải đem xe lăn đến tận nhà chụp hình đến tối mịt mới về, người thơm mùi tôm cá. Sư Cô hớn hở khoe, trên đường về gặp một gánh cá tươi rói, Sư Cô đòi mua để phóng sanh. Bên kia vì tình thế bắt buộc nên phải bán rẻ. Sư Cô ôm giỏ cá vào lòng chạy ra bờ sông chú nguyện cho chúng được quy y Tam Bảo. Nhỡ mai có chui vào bụng tay bợm nhậu nào cũng biết được Phật pháp, chóng được vãng sanh. Sư Cô vui sướng ra mặt nói, với số cá này ở Sài Gòn Sư Cô phải trả giá gấp ba. Bù lại Sư Cô phải giặt ngay bộ quần áo thơm mùi bất tịnh đáng sợ này.

Theo đúng chương trình chúng tôi được nghỉ ngơi một ngày, để chờ phái đoàn cứu lụt của chùa Bảo Quang từ Đà Nẵng ra. Đến tối điện thoại reng cho biết Ni Sư đã đổi lộ trình ra Thanh Hóa. Đường lên Yên Bái bị lở, xe lớn không vào được. Cách chỗ cứu trợ mười cây số, xe hơi phải bỏ lại, chỉ xe gắn máy hoặc người đi bộ mới được vào. Chúng tôi đành hủy chuyến đi, tìm đường trở về thành phố sớm.

Trước khi giã từ đất Bắc, chúng tôi được một anh Phật tử cho đi vòng quanh kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Tìm lại nơi chôn nhau cắt rốn của Sư Cô Như Giác tại đường Hoàng Hoa Thám và của tôi tại phố Mai Hắc Đế. Các bạn có tin rằng cả ba người trong phái đoàn Bắc Du đều tuổi Quý Tỵ cả không? Làm thân con gái nếu không xuất gia thì phải xuất giá. Tôi vì bản “Nhạc Sầu Tương Tư“ của người ấy mà phải chọn con đường thứ hai để trả cho xong món nợ tình.

Được đi một chuyến thế này cũng đủ mãn nguyện lắm rồi, chẳng dám kêu ca.

Về chùa Bảo Vân ở thành phố, tôi bị bắt cóc ở chùa một ngày để viết bài và sang hình ra máy vi tính với Sư Cô Như Giác. Sau buổi điểm tâm, Ni Sư đã ân cần dẫn tôi lên một phòng thoáng mát biệt lập ở trên lầu cao để viết bài. Tuy không dọa nạt nhưng vẫn hiểu rằng, nếu chưa nộp bài thì chưa được về. Thỉnh thoảng Ni Sư vẫn ngầm cho người đưa lên trái dừa xiêm để bồi dưỡng. Hay vào phòng hỏi han xem tôi nguồn thơ đã lai láng đến đâu. Giống như hình ảnh của ông chủ bút đi đòi bài của các phóng viên cắc ké.

Viết mãi rồi cũng phải xong, tôi nộp bài cho hai vị Trụ Trì, rồi thu dọn tàn binh tìm đường tẩu sớm.

Chúc các bạn một ngày vui, thân tâm an lạc.

Hoa Lan - Thiện Giới.

2005.

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/10/2010(Xem: 2094)
Một vị thương gia lập nghiệp từ tay trắng, sau kiếm được rất nhiều tiền nhưng vì buôn bán trong thời kinh tế không ổn định, khiến anh ta trở nên phá sản, nợ nần chồng chất. Nghĩ mãi không tìm ra cách giải quyết, anh ta bèn ra bờ sông tự tử. Vào lúc canh ba một đêm nọ, anh ta đến trước bờ sông, bỗng nhiên nhìn thấy một thiếu nữ đang ngồi khóc thảm thiết, anh bèn đến hỏi cô gái: - Có chuyện gì mà đêm hôm khuya khoắt cô ngồi khóc một mình ở đây?
16/10/2010(Xem: 3318)
Hàng ngàn năm trước tây lịch, khi thổ dân Dravidian còn ngự trị khắp lãnh thổ Ấn Độ cổ thời, vùng phía tây Hy Mã Lạp Sơn là lãnh địa của rắn. Vốn là vùng rừng núi bạc ngàn nằm trên nóc nhà thế giới, Hy Mã Lạp Sơn là nơi thâm u bí hiểm với sơn lam chướng khí trùng trùng và vô số loài thú dữ cư ngụ sẵn sàng lấy mạng người để làm thức ăn. Thời đó, thổ dân Dravidian không có đủ vũ khí hùng mạnh để chống cự với các loài mãnh thú và tự bảo vệ mình. Từng người vào rừng săn tìm thức ăn đã không thấy trở về. Độc địa nhất không phải chỉ là những hổ, cọp, gấu, beo nằm lồ lộ chờ mồi bên bờ suối, dưới gốc cây hay trong khe đá, mà ngay bên dưới lớp lá khô mục của đường rừng là những loài rắn nguy hiểm chực chờ bước chân người.
16/10/2010(Xem: 2676)
Trong thiền không có đầu đuôi, khúc chiết, lý luận. Nó đập vỡ lý luận. Đó là thế giới lý tưởng của câu thơ lớp ba mồ côi luận lý. Thế giới của những câu cuối lấc cấc, mẹ gà con vịt. Đừng bắt tôi giải thích; hãy lang thang với tôi trong câu cuối của dăm ba chuyện thiền nổi tiếng.
16/10/2010(Xem: 2822)
Trong đời, tôi đã thấy mặt trăng lần nào chưa? Nhìn trăng, tôi nhìn cả đời. Nhưng thấy trăng, tôi không dám nói chắc. Khi tôi nhìn trăng trước mắt, tôi nghĩ đến trăng nửa khuya loáng thoáng trên tàu lá chuối sau vườn cũ. Tôi nghĩ đến đèn trung thu lúc nhỏ. Tôi nghĩ đến cái chõng tre giữa sân trên đó, ngày xưa, tôi nằm nhìn mây bay. Nhìn trăng, tôi không thấy trăng. Chỉ thấy lá chuối, chõng tre. Thấy cả tôi với trẻ con hàng xóm nô đùa. Có lần tôi trốn tìm với chúng nó, bị lộ, tôi nhảy bừa vào bụi tre, bất ngờ có đứa con gái đã ngồi sẵn trong đó. Tôi sợ hoảng, toan vọt ra thì nó kéo tay tôi lại, ấn vai tôi xuống, cười đồng lõa. Trong loáng thoáng của cây lá, tôi thấy hai cái răng cửa của nó sáng ngời ánh trăng. Bây giờ, nhìn trăng non, tôi thấy cái miệng và hai cái răng. Tựa như hai cái răng của nó phát ánh sáng và in hình miệng nó lên bầu trời.
16/10/2010(Xem: 2182)
Ngày xưa, một nhà quan lang họ Cao có hai người con trai hơn nhau một tuổi và giống nhau như in, đến nỗi người ngoài không phân biệt được ai là anh, ai là em
16/10/2010(Xem: 2050)
Ngày xưa, vào hồi Tây Sơn khởi nghĩa, có một chàng trai người vùng Đồng Nai, có tài cả văn lẫn võ, đã vung gươm hưởng ứng sự bất bình của thiên hạ.
16/10/2010(Xem: 1866)
Ngày xửa... Ngày xưa... Có một cô bé rất giàu lòng yêu thương. Cô yêu bố mẹ mình, chị mình đã đành, cô còn yêu cả bà con quanh xóm...
15/10/2010(Xem: 2260)
Một danh tướng về già muốn tặng thanh kiếm báu của mình cho một tướng quân ở xa. Ông giao trọng trách đó cho một gia nhân, cũng là một tay kiếm xuất chúng. Cẩn thận như vậy, ông vẫn không yên lòng, nghĩ rằng kiếm sĩ này chưa chắc đã đủ chín chắn để giữ kiếm không bị cướp dọc đường. Thanh kiếm không những quý về chất thép mà còn quý vì chuôi kiếm có nạm vàng và ngọc vua ban.
13/10/2010(Xem: 1707)
Có hai vợ chồng một ông già tên là Dã Tràng. Trong vườn họ có một hang rắn. Thường ngày làm cỏ gần đấy, ông già vẫn thấy có một cặp vợ chồng rắn...
13/10/2010(Xem: 3290)
Vào Thứ Sáu, ngày 8 tháng 10 năm 2010, Ủy Ban Giải Nobel Hòa Bình Na Uy đã công bố giải Nobel Hòa Bình năm 2010 được trao cho Lưu Hiểu Ba. Lưu Hiểu Ba, sinh năm 1955 tại thủ phủ Trường Xuân của tỉnh Cát Lâm ở đông bắc Trung Quốc, là nhà tranh đấu bất bạo động cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Trung Quốc. Ông đã từng tham gia phong trào sinh viên đấu tranh trong biến cố Thiên An Môn năm 1989 và sau đó liên tục bị sách nhiễu, quản chế tại gia và tù tội. Ngày 8 tháng 12 năm 2008, ông đã bị bắt vì cùng một số nhà tranh đấu dân chủ và nhân quyền Trung Quốc công bố Hiến Chương 2008 đòi xóa bỏ chế độ cai trị độc đảng để tiến tới một xã hội dân chủ cho Trung Quốc. Hiến Chương 2008 cho đến nay đã có hơn 8,500 người tham gia ký tên. Vì Hiến Chương 2008, Lưu Hiểu Ba đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc kết án 11 năm tù. Hiện ông vẫn còn ngồi tù ở Liễu Ninh, Trung Quốc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567