Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 15. Ra đi

18/07/201509:49(Xem: 2632)
Chương 15. Ra đi
TỰ TRUYỆN MỘT NGƯỜI TU 
Thích Hạnh Nguyện 

Nhà xuất bản Hồng Đức 2015
CHƯƠNG 15
RA ĐI

Lang thang bao kiếp sống ta tìm nhưng chẳng gặp, người xây dựng nhà này, khổ thay phải tái sinh. - Kinh Pháp cú

Đời của một người xuất gia không phải cứ bình yên và lặng lẽ trong một ngôi chùa, để được tu học dưới sự dìu dắt của thầy và chúng bạn đạo. Đời sống ấy cũng hay thay đổi, và có nhiều sự vô thường xảy đến trong cuộc sống tu hành hàng ngày, nhất là khi con người ta ngày càng trưởng thành qua năm tháng, trưởng thành cả thể xác lẫn ý thức hiểu biết. Đôi lúc có vài người mới đến, có khi vài người mất đi và đôi lúc lại có người ra đi rời khỏi ngôi chùa, dù rằng rạ đi trong một ý nghĩa nào đi nữa. Trong cái cảnh thường hay đổi thay ấy, tôi đã ra đi và đi thật xa khỏi ngôi chùa, nơi tôi đã từng xuất gia và từng được tu học. Ra đi bao giờ cũng là một sự mất mát do nhiều hay ít, bởi vì chính tự trong con người của tôi, tôi biết không nhiều thì ít cũng đã và đang từng ôm ấp bao kỷ niệm cũ; kỷ niệm của một thời xuất gia, một thời sống chung cùng chúng bạn đạo với những lúc vui đùa hoặc những lần cãi vã. Tuy đã là người xuất gia và tôi thường hay muốn quên chuyện cũ, thế nhưng tôi lại không thể quên được những hình ảnh đẹp của thời gian mới tu lúc ban đầu. Nghĩ đến ngày mai ra đi đến một chân trời nào đó tu học, tôi cũng cảm thấy bồi hồi trong lòng, dù rằng cái ao ước khát vọng được đi xa vẫn hay hiện hữu và thao thức trong lòng.

Năm cuối của trung học là năm  mà tôi có cảm tưởng mình bị nhiễu loạn nhiều nhất với những ý tưởng ra đi, vì việc không vừa ý trong đời sống tu hành, và cái nhãn quan tiêu cực về cuộc đời này. Tôi thấy đường tu của mình như đang bị bế tắc, mà bế tắc là vì có lẽ tôi không đủ khả năng để tự chế và làm chủ lấy mình trong cuộc sống của một xã hội vật chất và hưởng thụ ở xứ Tây phương. Tới thấy hưởng thụ là một cái tội nếu tôi còn muốn tu; trong cái bao quanh vật chất ấy  của xã hội, tôi thấy mình không thoát ra được với cái hưởng thụ, và rắc rối phiền phức mà cái hưởng thụ ấy đem lại. Cái cảm tưởng rằng được vào chùa để sống an tịnh, quên bao thế sự và nhiễu nhương của cuộc đời đã không còn đúng với tôi trong lúc ấy nữa. Tôi không còn thấy an lạc và hạnh phúc khi thời gian cứ trôi hết tháng này đến năm nọ, mà tôi vẫn chưa truy tìm ra được căn nguyên của sự an lạc và hạnh phúc. Rồi tôi bèn nảy sinh một ý định ra đi như là một phương cách cuối cùng để giải toả những bế tắc hiện tại.

Trong tâm thường bị nặng trĩu với ý tướng ra đi. Tôi chẳng còn tâm trí gì để học, vào lớp đến trường chỉ là một bổn phận lấy có; tôi thấy mình như buồn phiền nhớ nhung một cái gì đó mà chưa thoả mãn nắm bất được. Cảnh tượng giống như hồi còn ở Việt Nam mà đêm ngày thơ thẩn mơ chuyện được ra nước ngoài, hoặc giống như một chàng trai nào đó thầm mơ tưởng nhớ đến người tình mà chưa thể tiến tới được. Tôi đang trong cái thế buộc phái ở, vì giấy tờ quốc tịch Đan Mạch chưa có, mà chưa có thì với thẻ thông hành tỵ nạn tôi chẳng thể đi đâu lâu được. Có người biết chuyện tôi tính này tính nọ để đi xa nên khuyên tôi, nên an phận là hơn chứ đừng có đứng núi này mà trông núi nọ. Tôi chỉ nghe mà không buồn trả lời, vì đã biết điều gì mình cần phải làm một khi mình quyết định. Tôi có tính ngang lạ lùng như vậy đó, vì cái mà tôi muốn, tôi quyết định rồi thì bất cứ giá nào trước sau tôi cũng thực hiện, còn như không muốn thì có ép mấy cũng là vô ích. Thế nên người biết tính thì thấy tôi vậy đành lắc đầu mà lơ, người không biết thì chỉ còn cách chê bai nói xấu sau lưng mà thôi. Chuyện thiên hạ ấy mà, chuyện tôi thì chỉ tôi biết mặc kệ mọi người! Tôi thầm nhủ như vậy trong lòng. 

Thế rồi chuyện tôi tính tìm một nơi khác tu học đến tai thầy tôi nên nhân dịp một lần về dự lễ, Thầy gọi tôi vào phòng và hỏi: 

"Nghe nói chú muốn đi tìm chùa khác để tu học à!"

"Dạ, con cảm thấy hình như không hợp với chùa này lắm nên con muốn đi tìm một nơi khác để tu". Tôi thật tâm trả lời như vậy.

Thầy tôi nhỏ nhẹ đáp lời bằng một giọng tin tưởng nào đó: "chú đi đâu rồi cũng vậy thôi! Tu học là chính ở nơi mình, còn dông ruỗi nơi này nơi kia mà tâm không an trụ được thì cũng chẳng ích gì: Con người ta thông thường hay đứng ở núi này mà trông núi nọ, tu hành ở chùa này là thầy thấy tốt rồi; nhưng mà kệ chú muốn đi đâu thì đi. Giọng thầy cũng lộ vẻ hiền hòa chứ chẳng chút giận tôi đứa học trỏ cứng đầu. Nghe thầy nói vậy, tôi cũng an tâm nên lạy thầy mà lui ra. Sau buổi lễ, tôi bắt đầu cuộc hành trình rong ruổi của mình bằng cách qua Pháp tìm đến chùa Tịnh Tâm. Chùa này do thầy Minh Lễ trụ trì và trước đó tôi có quen biết thầy nhân dịp thầy sang dự lễ bên chùa thầy tôi. Thầy Minh Lễ tướng người nhỏ hơn thầy tôi, nhưng tuổi hạ lại cao hơn nhiều năm, là bậc đàn anh thầy tôi trong đạo. Thầy bản tính hiền hậu, vui vẻ và có một phong thái thật là bình dân đối với mọi người. Nếu thầy tôi là một người trang nghiêm, ăn nói chững chạc đàng hoàng với những bộ tăng phục thẳng nếp thì thầy Minh Lễ lại ngược lại, thầy xuề xòa trong bộ đồ đầy những nếp nhăn, đôi khi còn bẩn nữa là khác. Cách nói chuyện thầy cũng dễ dãi, hay chọc cười quý thầy dù đó là đang trong một buổi họp -trang nghiêm. Chùa thầy cũng khá lớn và đang trong thời gian xây cất nên khi tôi đến, đồ đạc vật liệu xây dựng nằm bừa bãi ngổn ngang. Trong một thoáng nhìn quanh quất khi vào đến cổng, tôi mới thấy thầy đang khệ nệ khiêng những viên gạch từ đàng sau chùa bước ra. Thấy tôi đến, thầy vồn vã bước tới: "Con mới đến hả, ăn gì chưa, vào trong, vào trong!"

Thầy bỏ dở công việc đang làm và cùng tôi bước vào chánh điện, khi ấy đang còn dở dang với đầy những bụi xi măng và vết loang lỗ trên tường. Sâu vào bên trong, một số các tượng Phật và Bồ tát được trùm kín che bụi bằng những chiếc túi ni lông màu trắng khổng lồ. 

Sau khi uống ly nước, tôi thưa thầy sơ lược về ý định của mình muốn được ở chùa một thời gian để tìm hiểu và tu học. Thầy im lặng chẳng nói gì và sau cùng hỏi một câu: 

"Con đã thưa với thầy Như Điển chưa?"

"Dạ rồi! " Tôi đáp: "và thầy con có cho phép.".

“Dạ…”.

"Vậy thì được, con cứ ở vài bữa rồi thử xem. Ở lại đây cũng khó lắm đó, vì phòng  ốc  chẳng có và chùa hiện đang trong giai đoạn xây cất. Công việc chùa cũng rất nhiều, và thầy chẳng thể lo lắng chu đáo cho con được đâu." 
 
Tôi thưa thầy rằng, chắc có lẽ cũng không sao đâu và để con thử xem. Thật ra khi gặp thầy bên chùa, nói chuyện và cảm mến thầy ở phong thái bình dân, hiền hòa và vui tính nên ý tưởng muốn tu học với thầy nảy sinh trong tôi. Thế nhưng  thực tế khi tôi đến chùa thầy, thấy cảnh chùa dang dở, thầy làm việc tất bật như khiêng đá, kéo cây phụ giúp đám thợ xây cất thì trong tôi đã nảy sinh ý tưởng sờ sợ. Thú thật tôi rất sợ làm việc, một phần có lẽ tôi thuộc loại làm biếng, mà phần khác cũng do là tôi không muốn phí thời gian tu học trong các việc làm. Xuất gia tu học trong ý tưởng của tôi thì chỉ là việc suốt ngày đóng cửa xem kinh, ngồi thiền và chuyên chú hướng cả thân tâm này đến sự giải thoát. Ngoài tất cả điều đó mà chỉ lo bận với việc này rộn với việc kia thì quả thật tôi chẳng mấy cảm thấy thú vị,  nên khi gặp cảnh chùa, khi nghe thầy nói, thì chuyện tôi tự nhủ trước kia rằng, quyết chí sang Pháp theo thầy tu học bỗng đổi sang lời nói ngập ngừng: để con thử xem. 

Tôi đã ở lại chùa 5 ngày và trong thời gian này, tôi cũng bận rộn vô số chuyện để giúp thầy dù tôi không thích làm những việc đó. Lý do rất đơn giản là vì tôi là đệ tử, và đã là đệ tử thì không thể ngồi yên khi thấy thầy mình làm việc. Trong những ngày ấy, thầy cũng không còn tỏ ra vẻ dễ dãi  và hay chọc cười như trước kia nữa. Giờ đây thầy phải đóng vai một vị thầy và tôi thì là một người đệ tử; thầy trò có ngôi thứ khác biệt, có tôn ti trật tự;  tôi có cảm tưởng đôi chút khác lạ. 

Một hôm vào ngày thứ tư ở chùa, tôi chợt nhận ra nơi phía trước chánh điện và trong một gian nhỏ có một bàn thờ đức Quán Thế Âm. Tượng Ngài khá tôn nghiêm với một lư án đầy ắp những cây nhang đã được đốt cháy, một vài bình hoa tươi và hai hộp xăm. Dưới chân tượng Bồ tát, một hàng chữ khá lớn được viết rõ ràng: "phật tử nên cầu nguyện, xăm ở đây rất linh thiêng". Khi thấy được bàn thờ Quán Âm với những dòng chữ này, tôi thật sự cảm thấy thất vọng cho mình. Thôi rồi, những hiện tượng này còn hơn cả chùa thầy tôi nữa, khi viết những dòng chữ như vậy và đặt trên bàn thờ. Thật ra điều này đâu có gì lạ vì chuyện này thầy đã làm lâu lắm rồi mà! Vùng chùa của thầy là vùng của người Hoa và người Hoa thì có lẽ muốn độ họ, thầy khó có thể làm gì khác hơn. Riêng tôi thì chuyện này quả là một điều khó chịu bậc nhất, vì tôi không ưa chuyện bói quẻ, xin xăm và cho đó thuộc loại mê tín dị đoan. Khi mà tôi hiểu Phật giáo như một nền đạo với lý tưởng giải thoát hàng đầu, thì tôi không thể chấp nhận nó với những truyền thống có tính cách tín ngưỡng bình dân. Thế nên do những cái hiểu biết cục bộ và chấp chặt ấy mà tôi thấy chẳng phù hợp với chùa nào, thích ứng với ai; trong tôi dường như thấy ai tu ai làm việc đạo cũng đều không đúng theo tinh thần của đức Phật. Kinh nghiệm của tôi hồi đó là như vậy.

Ngày hôm sau tôi lên thưa thầy cho phép tôi đi về vì thấy không hợp với cảnh chùa ở đó, và cũng vì giấy tờ passport của tôi không cho phép, tôi viện cớ với thầy như vậy để khéo rút lui một cách êm thắm. Ra khỏi xứ Pháp và trên đoạn đường về lại xứ Đan Mạch, tôi thở phào một cách nhẹ nhõm. Tôi vừa được thoát. 

Lần ra đi đầu tiên như vậy là thất bại, tôi cũng chẳng thấy buồn phiền gì mà đôi lúc còn cảm thấy phấn khởi nữa là khác, vì có cơ hội để tiếp tục được đi nữa. Sau lần đó tôi bắt đầu tìm cách để được đi nhiều hơn, đi để quên nổi buồn và quên đi những nổi thất vọng chán chường trong tâm. Tuy nhiên những nỗi buồn và chán chường này không phải là một sự buồn tình đời hoặc thất vọng, chán thầy ghét bạn trong đời sống tu hành, mà là buồn chán vì tôi biết và thấy sự tu hành của mình qua nhiều tháng năm xuất gia nhưng không có sự tiến bộ, thấy không thể nào khá được nếu cứ tiếp tục tu mãi như thế này; biết vậy mà tôi vẫn không tìm cách thoát ra được nên tôi cứ thấy buồn.

Khoảng một vài tháng sau ngày ấy tôi lại qua Pháp nữa và lần này tôi xuống dưới miền Nam nước Pháp, nơi có chùa Pháp Hoa và Hòa thượng Thiền Định trụ trì. Chùa của ngài thật đẹp, tọa lạc trên một ngọn đồi cao nên có thể nhìn thấy nhiều mái nhà dân cư phía dưới. Chánh điện trang nghiêm và mọi kiến trúc của chùa đều được xây dựng hoàn tất lâu rồi, nên đó cũng là điều tôi an tâm vì khỏi phải bị làm việc. Hòa thượng cũng là một người có tiếng đức độ, trong hàng Chư tăng Giáo phẩm Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại Âu châu. Ngài cũng có một ngôi chùa bên Mỹ tên là Quang Minh, nên có lần ngài nói với tôi: "con ở tu với Hòa thượng một thời gian rồi Hòa thượng sẽ gửi con sang Mỹ ở chùa Quang Minh." Nghe nói được sang Mỹ lại được ở chùa của Hòa thượng, nên tôi cảm thấy sướng tít lên rồi. Đi xa là một điều tôi thường mơ ước nhất, mà lại đi xa thật xa đến một chân trời nào đó thì càng thú vị; ở đó tôi sẽ không còn thấy những cái gì quen thuộc nhàm chán. Đi xa qua xứ Hoa Kỳ tôi lại có dịp học thêm Anh ngữ để sau này tôi có thể làm việc đạo một cách hữu hiệu hơn. Nên đó cũng là cái lý do tôi chấp nhận đến chùa và ở với ngài.

Thế nhưng cũng chỉ mới vài ngày là tôi thấy mình như muốn dội ngược, vì tính tình kỹ lưỡng của Hòa Thượng. Tính kỹ lưỡng khắt khe của Hòa thượng làm sao hợp với tôi, khi tôi là một ông vua lười và cẩu thả trong mọi chuyện. Công việc phật sự Ở chùa Pháp Hoa không có, việc xây cất chùa chiền cũng không; chỉ có việc trông coi chùa, quét lá, chăm sóc và tưới một số các chậu hoa, cây cảnh và sau cùng là nấu ăn cho ngài. Dường như chỉ bấy nhiêu đó thôi mà tôi thấy thời gian trôi qua đâu hết rồi, chẳng còn một chút thời gian nào còn lại cho tôi học. Đành rằng quét lá, tưới hoa là tu học đó, nhưng tôi trong tự đáy lòng vẫn chưa chịu chấp nhận cái lối tu học qua các việc làm như vậy. Với tôi tu học là những chuyện khác kìa. Rồi đến chuyện nấu bếp và làm thức ăn cho ngài nữa cũng là một cực hình cho tôi, vì tôi khi còn ở Đan Mạch đã chưa từng biết nấu nướng gì ngoại trừ món mì gói cố hữu và món Musli trộn sữa, nên việc tôi phải nấu nướng quả là một hình phạt đày ải. Nhưng đã vào thì phải chịu, nên ngày đầu khi ngài bảo tôi xuống bếp nấu đồ ăn, mặt tôi bí xị và mặt cúi gầm, đi một mạch thẳng xuống bếp để làm. Biết tôi không vui nhưng đành là vậy, vì không lẽ Hòa thượng lại xuống bếp nấu cho tôi và ngài cùng ăn, mà phật tử đến làm công quả thì chẳng thấy một hình bóng nào héo lánh.

Có lẽ là tại ngài khó tính quá chăng? Tôi thầm nhủ như vậy. Có một vài đôi lần ngài xuống bếp và xem thử tôi nấu nướng thế nào. Nhìn thấy cách tôi xắt cà chua, chẻ bắp cải, ngài nói: "cà chua phải xắt như thế này này, mới đẹp; bắp cải phải xắt như thế này trông mới ngon lành. Làm xong là phải lau chùi như vầy, như vầy, cái muỗng cái giá phải treo như vậy, đầu muỗng và giá chúc xuống dưới như vậy chứ không phải bỏ vào ống chén, khăn lau chùi cũng phải giặt sạch và treo lên như cái kia".  Ngài chỉ dẫn tôi từng li từng tí mà trong tôi thì tai cứ như lùng bùng. Tôi thấy mệt mỏi quá rồi với những cái việc làm ngăn nắp, thứ tự và quá đỗi rắc rối. Thế đấy, bữa ăn và buổi làm việc dọn dẹp ngăn nắp này nọ dưới bếp khi ấy mất gần hai tiếng đồng hồ đó.

Vài hôm sau tôi xin kiếu ngài ra về cũng với một viện lẽ duy nhất là, giấy tờ khó khăn.

Cắt đứt mối tình thầy trò vừa mới được phôi thai kia tôi đáp tàu đi sang thành phố Bordeaux, để đến làng Hồng gần đó hầu làm một cuộc khảo sát ở nơi này. Thầy Nhất Hạnh là một vị thầy Việt Nam có tiếng tăm trên thế giới. 

Nghe danh ngài đã lâu và nay có được cơ hội để đến thăm nơi làng của ngài, được diện kiến  ngài, lòng tôi cảm thấy hân hoan vô bờ. Từ một trạm ga nhỏ, tôi được một chú phật tử nào đó đón vô làng bằng chiếc xe hơi cũ xì hồi thập niên 50, 60 gì đó. Tôi chẳng mấy quan tâm với cái bề ngoài cằn cỗi ấy mà chỉ thấy nó chạy phăng  phăng lướt trên những đoạn đường gồ ghề vào sâu trong làng. Tôi tưởng làng sẽ có một lối kiến trúc và xây cất hiện đại, tương ứng theo cái danh vang lừng mà ngài Nhất Hạnh đã tạo ra trên khắp thế giới chứ! Thế nhưng làng đây chỉ là những khu nhà đất đơn sơ, có cái còn là một tác phẩm sửa lại của một chiếc chuồng bò nào đó nữa. Cũng không sao, tôi thấy nơi đây có vẻ quê hương mình lắm, có quê hương là có tình người rồi.

Tôi được ngài Nhất Hạnh tiếp chuyện, dẫn đi giới thiệu nơi này nơi kia trong làng, ngài cũng kể cho tôi nghe về những giai đoạn quá khứ của ngài, những giai đoạn dầu sôi lửa bỏng khi ngài thành lập đoàn thanh niên phụng sự xã hội, và những hoạt động về xã hội giáo dục khác của ngài. Đến một gian thất cũ kỹ bé nhỏ trên xóm Thượng, ngài còn chỉ cho tôi căn thất của ngài, và tấm hình chú tiểu tóc để chỏm khi ngài còn bé. Rồi đến khi dùng cơm trưa, ngài còn tỏ ra thân tình hơn khi lo lắng gắp một vài món ăn vào chén cơm của tôi nữa. Tôi thấy mình có phúc vì được thầy thương, còn mấy cô khác bên cạnh đâu có ai được đâu. Hồi đó ngài chưa có một đệ tử tăng nào mà chỉ có mấy cô, nên có lẽ thấy tăng đến ngài quý chuộng cũng nên? Vả chăng tôi cũng thưa với ngài là tôi đang dò dẫm để tìm thầy và một nơi chốn tu học thích hợp. Thế rồi tôi ở lại làng Hồng hai tuần để tìm hiểu sự tu học và sinh hoạt ở đây. Mỗi ngày tôi đều dự các khóa thiền vào buổi sáng và sau đó tu tập chánh niệm; cùng làm các công việc lặt vặt khác trong làng với sự chú tâm và tỉnh thức cố gắng. Thời gian hai tuần chóng vánh trôi qua, tôi cảm nhận được chút phần an lạc, nhưng vẫn không cảm thấy thật thỏa mãn tự trong lòng với những pháp tu trong làng đề ra. Có một cái gì đó gắng gượng và gò ép, có một cái gì đó quá hình thức và có một không khí là lạ hụt hẫng nào đó trong tôi mỗi khi gặp, tiếp xúc và chịu sự điều phối của mấy cô. Dần với thời gian sống như trên, tôi vẫn không cảm thấy được cái không khí thân quen như một người trở về nhà. Thấy mình xa lạ và có khoảng ngăn cách vô hình nào đó với cách tu tập, và với những cô ni điều hành làng. Thế rồi biết' mình không có duyên với nơi này, tôi xin phép được gặp ngài để nói lời tạ từ; nhưng mấy cô đã nói là ngài bận nên không tiếp tôi được, thế là hôm về tôi đành lủi thủi ra đi.

Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn tôi đã trải qua nhiều thầy và chùa nổi tiếng ở Âu châu, tai tiếng tôi sau thời gian ấy bỗng chợt nổi lên như cồn. Thầy nào cũng biết danh tôi, "à! cái thằng Lệ Tấn (pháp danh lúc đó của tôi) đó mà, nó mà tu cái gì, ăn rồi đi miết từ chùa này sang chùa khác mà chẳng có tu học gì cả." Và cũng lại có một tin đồn đâu đó rao ra rằng tôi nói: quý thầy ở Âu châu này chẳng ai đáng làm thầy tôi cả." Thế đấy và cứ thế danh tiếng xấu xa của tôi bay lan ra như một cơn gió mạnh.

Dường như có một sức ép nào đó ập đến, làm tôi phải đớn đau quỵ lụy thì mới vừa, hoặc giả nếu tôi không còn đủ sức chịu đựng được nữa với những sức ép này cùng lúc những thất vọng bên trong, để rồi phải hoàn tục ra đời thì người ta mới vui chăng? Chắc chắn là có những kẻ muốn tôi phải là một người bị thất bại trên đường tu thì họ mới  hài lòng. Một khi quý thầy đã biết tiếng, thì phật tử lại cũng chẳng thể lạ gì vì tiếng tăm là từ quý thầy truyền sang; thế nên tôi cũng cảm thấy chột dạ đôi chút nhưng rồi cũng để ngoài tai tiếng dèm pha thị phi. Chỉ tội cho thầy tôi mà thôi, vì người phải mang tiếng là có đệ tử mà không dạy được đệ tử,  để nó phải đi lang bạt và tuyên bố những lời phạm thượng. Chẳng bao lâu sau tiếng  đồn cũng đến tai thầy, nên thầy đã gọi tôi sang Đức để hỏi chuyện.

"Chú làm sao thì làm, chứ để thầy mang tiếng thì không tốt đâu?"

Dạ bạch thầy, con đâu có làm gì xấu xa để thầy phải mang tiếng đâu ạ!", tôi thật tình thưa với thầy và kể rõ nguồn cơn mọi sự kể từ việc đi sang chùa Thượng tọa Minh Lễ cho đến chùa Pháp Hoa, và sau là Làng Hồng của ngài Nhất Hạnh.

Nghe xong thầy tôi im lặng không nói gì nhưng rồi sau một lúc, thầy lại hỏi:

"Chú có nói rằng: quý thầy ở Âu châu này không ai đáng làm thầy chú không?"

"Dạ không, bạch thầy! Làm sao con lại có thể nói những lời vô lễ và phạm thượng như vậy. Con xin thú nhận và sám hối với thầy rằng, bên trong tâm con có một số ý nghĩ bất bình đối với quý thầy về các mặt sinh hoạt phật sự tại chùa. Con nghĩ rằng cách tu tập và sinh hoạt phật sự như vậy không hợp với con; nhưng con thưa với thầy rằng, con chưa bao giờ nói lên những lời như vậy."

Thầy tôi lại cũng im lặng một đỗi rồi nói: "chú về Đan Mạch ráng tu nghe, đừng có đi nhiều nữa không có tốt! "

Tôi vâng dạ rồi xin phép  thầy lui ra. Cả một sự đau đớn  và tê tái trong lòng tôi. Tôi biết thầy tôi buồn, và tôi trong một cách nào đó đã là nguyên nhân làm cho thầy tôi buồn vì chịu tai tiếng. Nhưng tôi biết làm gì đây khi tôi một người đang cố tìm cách vượt thoát, và một khi đã cố thì tránh sao cho khỏi những rách rưới  cùng những vết trầy trụa. Cũng may là tôi có một vị thầy rất bao dung và độ lượng, vì với ngần ấy những tai tiếng và thị phi mà thầy vẫn không một tiếng nặng lời trách mắng tôi, chỉ ôn tồn khuyên bảo và nhắc tôi ráng tu hành. Trong những cơn buồn chán ấy, thầy vẫn chưa phải là người nhẫn tâm đẩy lui tôi đến hố bờ tuyệt vọng. Tôi thấy mình vẫn  còn có lối thoát, và vẫn còn ý nghĩ tìm lối.

Chán nản tu học ở Âu châu, tôi tính tìm đến một nước nào xa xôi nhất để quên đi những tiếng tăm của cuộc đời và nẻo đạo đã dành cho tôi. Nước xa xôi ấy là Trung  Quốc, một nước vốn có nhiều liên hệ mật thiết với truyền thống Phật giáo  Đại thừa ở Việt Nam. Tôi đã từng biết đến xứ này qua các phim ảnh và tài liệu thu thập; cũng qua các kinh sách và thiền luận, tôi biết nước này đã sinh ra nhiều bậc thiền tổ vĩ đại trong lịch sử Phật giáo. Tôi cũng mê những ngôi chùa nơi hoang vắng trong cảnh thâm sơn cùng cốc nào đó, nơi có những bậc đạo sư, thiền sư hay một bậc đạo nhân nào đó xa lánh thế tục. Vào được những nơi ấy để tu có phải là an lạc và hạnh phúc hơn không; hơn là phải sống bon chen, việc này chuyện nọ rồi đủ tiếng thị phi, để rồi ngày tháng dần qua ta chợt thấy mình đã quá lún sâu vào dòng đời.

Chuyến đi Trung Quốc được tôi sắp xếp khá chu đáo, với một lô sách vở và tài liệu để nghiên cứu tận tường về nước này, các địa điểm thăm viếng và chương trình dự định nếu tôi tìm ra được nơi chốn tu thích hợp. Tôi cũng đã tính rằng, nếu tìm ra được một ngôi chùa  thích hợp tôi sẽ tìm cách trốn ở lại xứ này luôn và chẳng cần về lại Âu châu nữa. Sau vài tháng sắp đặt và nghiên cứu, tôi ra đi cùng với một phật tử  (sau này xuất gia với ngài Nhất Hạnh và có tên mới là Chân Nguyện Hải) và đến Trung Quốc nhằm ngày 2 tháng 6 năm 1989, trước cuộc biểu tình sinh viên tại Thiên An Môn hai ngày.

Quang cảnh hỗn độn và chết chóc của ngày tranh đấu đòi dân chủ tại Thiên An Môn đêm ngày 4 tháng 6, đã làm số du khách ở tại Bắc Kinh sợ hãi và bỏ về nước gần hết.

Tôi vài ngày sau có việc lên tòa Đại sứ Đan Mạch ở Bắc Kinh để lo về việc giấy tờ, luôn tiện hỏi họ xem có thể giúp tôi viết giấy giới thiệu cho tôi ở lại xứ này không. Họ không trả lời cho tôi mà khuyên tôi nên bay về lại Đan Mạch, vì tình hình hiện nay đang bất ổn. Tôi đáp lại bằng giọng ngỡ ngàng: "nhưng mà tôi vừa mới đáp máy bay đến đây chỉ mới vài ngày làm sao mà bay về được. Tôi sẽ ở lại và tìm cách đi  tỉnh khác là xong. "Ông sứ quán thấy tôi thuộc loại liều mạng và biết chẳng thể can ngăn được tôi nên nói: "thôi được rồi! ông đi tỉnh khác thì đi, nhưng khi đến nơi nào nên gọi điện thoại về đây để tôi biết mà an tâm". Tôi gật đầu cho ông ta  vừa lòng và kiếu từ ra về, mà chẳng hỏi gì thêm về việc giấy tờ và vụ muốn ở lại.

Trong tình trạng  rối ren vô trật tự gần như là ngày đảo chánh cướp chính quyền đó, tôi bị giam chân ở Bắc Kinh cả một tuần mà không nhúc nhích và đi đâu được. Khắp các nẻo đường đều có công an đứng gác, ngay cả trên các tòa nhà cao từng cũng có công an với những khẩu súng máy lăm lăm chực sẵn trong tay. Các tuyến đường xe, kể cả xe đò và tàu hỏa đều bị ngưng lại; trong khoảng thời gian đó buồn tình chẳng biết làm gì tôi chỉ đi nhong nhong ngoài phố xem cảnh loạn lạc và lấy máy hình ra chụp những hình ảnh có một không hai này. Cũng may là các hình tôi chụp lén này không bị phát giác, chứ nếu lộ ra thì chắc không khéo cũng bị vô bót mà nằm vì tội gián điệp.

Cũng trong thời gian này, tôi có đến trụ sở Trung ương của Giáo hội Phật giáo Trung Quốc tại Bắc Kinh cốt để hỏi thăm tình trạng Phật giáo nước này nhân tiện hỏi thăm về việc có thể ở lại. Thầy trụ trì tôi gặp là một vị Hòa thượng tuổi trạc trên 60, ngài mời tôi vào một phòng tiếp khách sang trọng cùng với một ông thông dịch phật tử trong chùa. Ngài kể cho tôi nghe nhiều chuyện về phật sự cũng như những thảm họa mà Phật giáo Trung Hoa phải gánh chịu suốt trong thời gian của cuộc cách mạng văn hóa. Theo lời ngài thì trong thời gian đó đã có trên 60,000 chùa viện bị đập phá và san bằng thành bình địa, còn tăng, ni bị bắt hoàn tục thì số đông cũng vô kể ước lượng trên 650.000 người. Tôi nghe mà lòng cảm thấy xót xa cho thảm họa của Phật giáo ở xứ này. Tuy nhiên ngài nói: "trong thời gian gần đây cũng có một vài điều khích lệ là nhà nước đã cho sửa sang và trùng tu lại một số chùa, tăng chúng cũng được xuất gia và tu học dù rằng  không được như xưa". Việc tôi hỏi thăm về các sinh hoạt ở chùa và việc ở lại, thì ngài đã đáp rằng: "tình hình cũng còn khó khăn và nhiều phức tạp trong các chùa chiền, nhưng nếu tôi rất muốn ở lại Trung Quốc tu học thì ngài cũng có thể tìm cách giúp đỡ. Tuy nhiên trước hết khoan hãy vội quyết định, mà nên đi một vòng khắp  xứ để tìm hiểu, nếu sau đó vẫn còn muốn tu học tại nơi này thì đến đây nói chuyện lại, thầy sẽ tính." Thấy đó cũng là một đề nghị hay nên tôi hoan hỷ chấp thuận và tạm biệt thầy ra về.

Sau hơn một tuần bị giữ chân tại Bắc Kinh, cuối cùng tôi cũng mua được vé tàu đi Thiên Tân, ở đó vài ngày để chờ cho tình hình Bắc Kinh tạm ổn rồi trở về. Sau đó tôi lại đến Đại Đồng để viếng thạch động Vân Cương, một trong những hang động Phật giáo nổi tiếng với những công trình điêu khắc, tạc chạm từ những ngọn núi. Đại Đồng trở lại Bắc Kinh, tôi đi tiếp về miền nam để thăm Nam Kinh, rồi đi Trấn Giang, Tô Châu, Thượng Hải, Hàng Châu, Ninh Ba, Phổ Đà Sơn, Hợp Phì, Cửu Hoa Sơn, Cốc Sơn, Hoàng Mai Sơn, Trấn Giang, Lư Sơn, Quãng Đông, Thành Đô, Nga Mi Sơn, Lạc Sơn, Trọng Kinh, Tây An, Long Môn, Thiếu Lâm, Thái Nguyên, Ngũ Đài Sơn và về lại Bắc Kinh. Tuyến đường tôi đi là vậy và quả thật đó là một chuyến đi vô tiền khoáng hậu với thời gian 2 tháng trường liên tục ngày đi đêm nghỉ. Tất cả trên 100 ngôi chùa tôi đã thăm viếng kể cả bốn ngọn núi danh tiếng: Phổ Đà Cửu Hoa, Nga Mi và Ngũ Đài Sơn. Ba Phật động nổi tiếng khác là: Vân Cương, Đại Túc và Long Môn và ngoài ra là một số ngôi tổ đình như: chùa Linh ẩn ngài Tế Công, chùa Nam Hà thuộc Tam Luận tông do ngài Pháp Độ khai sáng, Thiên Thai Sơn tổ đình của Thiên Thai Tông, chùa Ngọc Tuyền ngài Trí Giả, chùa Từ Ân ngài Huyền Trang, chùa Hưng Giáo ngài Cứu Ma La Thập, chùa Thảo Đường có ngài Khuê Phong thiền sư ở tại đây, tổ đình luật tông có ngài Đạo Tuyên Luật Sư, chùa Đại Hưng Thiền tự thuộc chùa tổ của Chân Ngôn Tông, có ngài Bất Không Tam Tạng; chùa Thanh Long có ngài Không Hải sau truyền phái Chân Ngôn này sang Nhật, chùa Đông Lâm thuộc Tịnh Độ Tông do ngài Huệ Viễn sáng lập, chùa Linh Thạch ngài Ấn Quang pháp sư, chùa Thiếu Lâm tổ Bồ Đề Đạt Ma, chùa Sơn Cốc tổ Tăng Xán, chùa Chân Giác Ngũ tổ Hoàng Nhẫn và chùa Nam Hoa tổ Huệ Năng.v.v...

Trong các nơi thăm viếng tôi thích nhất là hai danh sơn Cửu Hoa và Phổ Đà; còn các chùa mà tôi được dịp chiêm bái thì chùa Sơn Cốc do Tam tổ Tăng Xán lập nên và chùa Chân Giác của tổ Hoàng Nhẫn là tôi mê nhất. Hai ngôi chùa này nằm sâu trong những dãy núi chập chùng, nếu không có nghiên cứu lộ trình thì tôi không thể nào mà đến được. Chùa lại cung là một nơi bị công an địa phương cấm cản các du khách đến thăm, nhưng do một duyên lành nào đó mà tôi đến được qua sự dẫn đường của một ông thông dịch. Đến khi thăm chùa xong trở ra, và bị công an phát giác mời vô đồn làm việc suốt cả tiếng, tôi mới biết là mình đã được duyên chiêm bái chùa trong một dịp hy hữu. Sơn Cốc Tự và Chân Giác tự nằm không xa mấy độ khoảng 7, 8 giờ xe buýt, ẩn sau trong những ngọn núi đồi trùng điệp. Tôi đến chùa Sơn Cốc trước và ở lại nơi này 3 đêm. Chùa rất xưa với những lầu tháp và điện thờ cổ kính.

Mặt sau chùa có một dòng suối tuyệt đẹp, và đây cũng từng là nơi dừng chân của bao thi nhân mặc khách Trung Hoa nổi tiếng thuở nào. Trên các tảng đá chập chùng giữa và dọc theo bờ suối, tôi thấy các thi kệ của Tô Đông Pha và của Lý Bạch.

Ngài trụ trì, một vị thầy với cá tính đặc biệt luôn hồn nhiên và vui vẻ, đã tận tình dẫn tôi đi đây đi đó quanh vùng để viếng thăm các di tích mà chư tổ để lại. Đây nơi tổ đứng yên mà thị tịch, kia nơi có một lỗ nhỏ trên tảng đá mà người ta truyền tụng rằng khi tổ gõ lên đó, có rất nhiều thóc xuất hiện cho ngài dùng và về sau do vì lòng tham nên người ta đã khoét nó ra lớn để được nhiều thóc hơn, nhưng rồi từ đó chiếc lỗ nhỏ kỳ lạ ấy đã không còn linh thiêng nữa, ở đàng xa kia cũng có một hang đá nhỏ nơi tổ đã từng ẩn thân tu thiền trong nhiều năm trường. Chùa Sơn Cốc này là chùa tôi thích nhất, nhưng vẫn chưa đi đến quyết định ở lại vì tình hình chính trị hiện giờ cũng chưa cho phép và cũng vì tôi sợ muỗi nữa, một ngôi chùa muỗi thì đúng hơn. Có lẽ cảm giác thích thú của tôi bị giảm đi nhiều lắm, khi hàng ngày trong chùa tôi hay chú ý đến những đàn muỗi to tướng bay vo ve tìm khách để chích, có lẽ vì máu tôi thuộc loại máu lạ nào đó nên nó cứ nhắm tôi mà thăm viếng bất kể thời gian địa điểm, ngay cả trong lúc tắm cũng vậy, khi nước vừa ngưng xối lên thân là chúng bay vào hùa nhau mà cắn tôi. Ba ngày sau khi rời khỏi chùa, tôi vẫn còn nhớ mãi đàn muỗi trong ngôi chùa này.

Thầy trụ trì tận tình viết một bức thư giới thiệu tôi cho bạn đạo của ngài trụ trì chùa Chân Giác ở Hoàng Mai, nên tôi được ngài tiếp niềm nở. Ngài cũng sai tăng chúng trong chùa dẫn tôi đi thăm viếng nhiều di tích quanh vùng như: nơi tổ trao y bát cho ngài Huệ Năng, nơi tổ đánh cờ tướng với ngài Đạo Tín, tổ thứ tư trước ngài. Trên một bờ núi cao và rộng phía sau ngôi chùa là nơi tổ thường hay ngồi và thuyết giảng cho hàng trăm đồ chúng ngồi nghe bên dưới.

Một nơi khác là cái hang động phép lạ, nơi ngài thị hiện thần thông in năm vết tay trên đá để đỡ khi bị ma vương xô đá đè ngài, kia là giếng nước nơi ngài hay tắm giặt và một vài bực đá kia là nơi dành để phạt tăng chúng khi họ ngỗ nghịch hay bị phạm giới.v.v... Chùa rộng rãi bao la với hàng mấy mươi gian phòng và khu vườn trồng đầy hoa trái. 

Ở đây cũng là nơi thực thi trọn vẹn quy ước của tổ Bách Trượng để lại là: nhất nhất bất tác, nhất nhất bất thực -một ngày không làm là một ngày không ăn- nên tăng chúng ai trông thấy cũng vạm vỡ và đầy năng động. Tôi đã ở lại chùa ba ngày để rồi sau đó khi ra đi tiếp tục cuộc hành trình chiêm bái, tôi vẫn còn nhiều lưu luyến và nhớ mãi về chùa này. Nhớ đến một xâu chuỗi quý mà tôi để lại trong phòng, dưới gối, quên đem theo lúc ra đi. 

Hai tháng ngao du sơn thủy rồi cũng chóng vánh trôi qua, tôi không còn thích thú tu học ở Trung Hoa nữa vì những sự nhiêu khê rắc rối trong các chùa, viện ở xứ này.

Không phải cái rắc rối do quý thầy tạo ra như ghi tên, sổ sách, ký tên trình và báo cáo mà do những người quản trị khu vực buộc làm. Tôi cảm thấy mệt nhoài với những việc có tính cách hành hạ như thế. Thế gian đã quá rắc rối rồi mà khi người ta vào chùa, họ cũng chẳng để cho yên.

Các chùa chiền lớn ở thành phố hoặc nhưng ngôi cổ tự nổi tiếng không xa thành phố, nay gần như đã biến thành những điểm di tích lịch sử cho du khách chiêm bái. Cảnh bán vé vào chùa, mua bán qua lại đã làm mất dáng vẻ tu hành và tính trang nghiêm của những ngôi cổ tự ấy. Tôi thấy các vị tăng cũng chen mình vào các việc mua bán, tiếp khách và việc giấy tờ này nọ, chuyện tu hành coi như chẳng còn là một chuyện chính yếu nữa.

Với bao cảnh mắt thấy tai nghe và kinh nghiệm trong suốt cuộc hành trình, tôi quyết định bỏ lơ việc ở lại Trung Quốc và đáp máy bay về lại Đan Mạch, sau một ngày dừng chân đổi chuyến bay tại Bắc Kinh. Vậy là giấc mộng đi Trung  Quốc tu học cũng tan thành mây khói sau chuyến đi tuyệt vời kia, một chuyến đi mà tôi tin là có một không hai trong cuộc đời và đã cho tôi một cái nhìn trọn vẹn về những nét đẹp và thanh thoát của những ngôi chùa viện xưa ở Trung Hoa. Các ngôi chùa viện ấy rất giống những ngôi chùa viện ở Việt Nam, nhưng lối kiến trúc và trang trí tao nhã hơn nhiều, rộng rãi và bề thế hơn nhiều, có lẽ là cho xứng đáng với cái tên Trung Hoa vĩ đại, và cũng là đủ chỗ chứa cho hàng trăm, hàng ngàn đồ chúng tu học trong một thuở nào. 

Trở về lại Đan Mạch, tôi lại tiếp tục cắp sách đến trường như là phải trả cho xong một bổn phận đèn sách.

Thời gian học là thời gian tôi chờ đợi đủ năm ở Đan Mạch để lấy quốc tịch hầu có thể bay xa. Bay đến một chân trời nào đó tôi cũng chưa biết, có thể là xứ Úc chăng vì nói đó cũng từng là nơi tôi muốn nhắm tu lúc ban đầu. Trải qua nhiều thất bại tôi thấy thật là buồn, đôi lúc đánh giá xét lại việc tu hành của mình. Không rõ khi xét nét chốn này, thầy kia không thích hợp với mình, hay là mình quá đổi tệ hại để thấy không thích hợp với mọi thầy, mọi chùa.

Không đúng ở người hay không đúng ở mình; có lúc tôi đã tự đặt câu hỏi lại với chính mình về điểm này. Dù biết rằng tu là phải tự quay trở về với chính mình, tôi vẫn không thể nào chấp nhận được một cuộc sống tu hành như vậy trên mảnh đất phương Tây này. Hay là tại tôi có thành kiến nào đó đối với xã hội phương Tây, một xã hội mà chỉ mấy năm trước đây thôi tôi đã ăn ngủ không yên khi thao thức nghĩ cách tìm đường ra ngoại quốc. Tôi lại tự nhủ thầm rằng, khi đó khác vì tôi chỉ là một tục gia, chỉ mong sống được trong một thế giới đầy đủ và giàu sang khi tìm đường ra nước ngoài. Còn giờ đây tôi đã là người tu, mà người tu thì nhất định phải tìm cầu chân lý chứ không phải vì vật chất. Chân lý chỉ có thể đến tết đẹp với tôi khi tôi hài lòng với môi trường sống của nó; mà môi trường sống ấy thì tôi tưởng tượng đến những chốn tự viện sống giữa núi rừng, có đời sống tu học thanh tịnh vắng người thế tục, ngày tháng vui vầy với cỏ cây và chim muông vạn vật. Mang những ý nghĩ đó trong tâm, tôi lại thầm quyết định rằng mình phải ra đi và tiếp tục tìm đường nữa.

Tôi bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về Phật giáo Tây Tạng ở những Trung tâm Phật giáo trong vùng. Trước đây tôi đã biết về truyền thống Phật giáo này rồi, nhưng không cảm thấy thích thú lắm vì cách tổ chức tiền bạc của người bản xứ và vì họ ăn mặn nữa. Tổ chức Phật giáo của họ không giống như những chùa chiền bên mình là đầy ắp tình người, và có nhiều sự thông cảm khi vào cửa chùa. Với họ cái gì cũng tính tiền, ngay cả những buổi tu, những khóa giảng và họ cũng chẳng chừa kể cả người tăng sĩ. Tôi cảm thấy mình bị xem thường, khi đến với họ để tìm hiểu và tu học. Các ngài La ma đến trung tâm rất hiền, tôi nghĩ mấy ngài chẳng biết chuyện tiền bạc tính toán nọ kia đâu, mấy ngài chỉ biết giảng và dạy cho người ta thôi, còn họ thì lấy tiền. Dù cho có thông cảm cách mấy về những khoản tiền mà họ phải trang trải cho trung tâm với số tiền điện ga bếp núc sau đó, tôi cũng thấy mất cảm tình với cách tổ chức và xem nhẹ người tu như vậy. Nhưng mà đó là phong tục của họ thì biết sao, phong tục của họ là sòng phẳng, và sòng phẳng đôi khi dù cả vợ chồng và con cái với nhau. Sòng phẳng vẫn là yếu tố cần thiết cho sự sống chung đụng mong manh của nhau, mà mỗi người trong đó không biết là giờ nào phút nào sẽ đột ngột chia tay nhau. Cuộc sống của người Đan Mạch là vậy nói riêng và của người Tây phương nói chung, đã được xây dựng từ lâu đời trên nền tảng của sự bình đẳng và công bằng; điều đó gần như là điểm then chốt của họ để tạo nên một thế giới đặc biệt của xã hội phương Tây. Với tôi thì trong đó cũng có nét hay của nó, nhưng đã ảnh hưởng nhiều với truyền thống tình cảm của Á Đông, trong đó đối xử giữa người và người với nhau đều dựa trên cái tình hơn là sự sòng phẳng của đồng tiền, nên dù có sống bao năm trong xã hội này, tôi nghĩ mình cũng không thể chấp nhận được điều này.

Điểm kế đến mà tôi không ưa nơi họ là các Trung tâm Phật giáo, cũng như các thầy Tây Tạng đều ăn mặn. Làm sao có thể chấp nhận được khi đã đi tu rồi mà còn ăn mặn với bao món tanh hôi bày biện đầy trên mặt bàn. Thế thì giáo lý tình thương ở đâu, có ý nghĩa gì khi ta chỉ nói, nói rất nhiều về nó, nhưng đến khi làm thì tà vẫn thấy thịt của chúng sinh- đã từng là cha, là mẹ mình trong nhiều đời kiếp trước- vẫn thơm ngon và béo bổ vô cùng. Tôi không chấp nhận điều này với một ý thức cực đoan như vậy, có lẽ là vì tôi đã được thấm nhuần việc ăn chay ngay từ khi còn bé chăng? Hay kể từ khi xuất gia và hiểu được thêm về giáo pháp từ bi không giới hạn của đức Phật. Tuy có những sở tri chướng trên về cái nhìn và đánh giá đó với Phật giáo Tây Tạng, tôi cũng vẫn đến với họ lâu lâu một lần để tìm hiểu cách họ học và thực hành. Tầm quan trọng của việc tu đã được họ nhấn mạnh trong các khóa giảng làm cho tôi được an ủi nhiều, vì tôi rất thích tu. Trong cái lòng khao khát thích tu đó mà tôi vẫn còn giữ liên lạc với trung tâm như là một sợi giây liên hệ thông cảm cuối cùng, sau bao phen thất bại tìm nơi tu học.

Có lần đến trung tâm, tôi được nghe vài người phật tử Đan Mạch kể với nhau về một tu viện Phật giáo Tây Tạng rất lớn bên Tô Cách Lan, một tu viện có nhiều đường hướng sinh hoạt Phật giáo cởi mở hợp với thời đại. Tu viện có những khóa tu nhập thất từ ba năm trở lên, có sự tu và học hành rất đàng hoàng, đặt biệt là trong tu viện toàn thể mọi người đều phải buộc ăn chay. Đây là một điểm khích lệ cho tôi và tôi cảm thấy hài lòng nhất với cái luật lệ đó. Tôi cũng được biết là trong khoảng tuần sau sẽ có một buổi giảng của ngài Tai Sưu Rinpoche, một bậc thầy lớn trong bốn người đệ tử chính của ngài Karmapa, vị Giáo chủ của tông phái Kagyupá. Thấy cơ duyên thuận lợi cho mình về việc tìm một vị thầy lẫn nơi chốn tu học thích hợp, tôi không chần chừ gì nên bèn đáp máy bay sang Tô Cách Lan vài ngày sau đó.

Tu viện Samye Leng do ngài Akong Rinpoche trụ trì, tọa lạc trong một vùng quê xa cách thành phố và tôi đến đây vào một buổi chiều. Trong dự án đồ sộ được khởi công xây cất 10 năm về trước, vậy mà khi tôi đến công trình ấy chỉ xong độ hai phần ba. Sau khi đến tu viện và trình bày lý do của mình với một người thư ký, tôi được đưa vào gặp ngài Akong Rinpoche. Ngài nhìn tôi mỉm cười gật đầu và tôi thì đáp lại bằng ba lễ lạy. Nghe tôi trình bày ngài im lặng hồi lâu không nói gì, trong thời gian nói chuyện ngài cũng tỏ vẻ chăm chú và quan sát tôi lắm. Có lẽ để đánh giá sự thật tình và khả năng tu học của tôi chăng? "Không biết ông thầy này tu có được không hay lại đến đây đi ra đi vào quấy rầy người trong tu viện nữa," tôi đoán có lẽ là ngài nghĩ vậy. Một người dầu là Tây Tạng đi nữa, thì khi sống ở Tây phương nhiều năm cũng thường hay e dè và có nhiều nghi vấn trong đầu. Ở một xã hội văn minh, con người ta thường làm việc bằng đầu óc nhiều hơn là làm việc bằng con tim. Tôi đoán không lầm là, sau khi nghe tôi trình bày lý do và có thể muốn xin ở lại tu học thì ngài nói:

"You có thể ở lại đây tu học được, nhưng trước phải thử hai tuần xem sao rồi tôi mới quyết định".

Tôi bèn hỏi tiếp rằng: "Vậy thì khi tôi ở có phải trả chi phí ăn uống và thuê phòng không? Hay là được miễn như tăng chúng trong tu viện".

"You phải trả tất cả mọi chi phí trong hai tuần đầu, nhưng sau đó nếu được ở thì khỏi trả."

Tôi nghe vậy thì im lặng và cảm thấy không mấy thiện cảm trong lòng rồi vì sự tính toán quá sòng phẳng như vậy.

Dù sao tôi cũng là người tu mà, tiền đâu có nhiều mà phải trả trong thời gian ở đến hai tuần với số tiền không dưới vài trăm usd. Không còn hứng thú tiếp chuyện ngài nữa, tôi xin phép ra ngoài. Ngày hôm sau ngài Tai Sau đến và trong ngày sau nữa, tôi được phép diện kiến ngài. 

Trải qua một thời gian chờ đợi khá lâu vì số người đến gặp ngài rất đông, cuối cùng tôi cũng được đưa vào gặp ngài trong một điện thờ lớn sang trọng nằm bên trên chánh điện mới xây. Cũng với những nụ cười tươi tắn cố hữu của các vị Rinpoche cao đức khi ngài thấy tôi bước vào điện thờ, tôi cúi đầu và sụp lạy ngài trong một niềm tôn kính vô biên, ngài đưa tay khoát khoát ngăn lại nhưng không kịp.

Ngài nói tiếng Anh rất lưu loát và giọng phát âm rõ ràng nên cuộc nói chuyện trao đổi rất là thuận lợi. Ngài hỏi thăm tôi về Việt Nam và chuyện tu học, tôi một mực kể tất cả và sau cùng xin được làm đệ tử của ngài. Khi nghe đến đấy ngài cười thật lớn dòn tan và hỏi lại:

"Tại sao thầy lại muốn làm đệ tử của tôi?"

"Dạ, tại con nghe nói về thầy rất nhiều, ngài là một bậc thầy cao đức mà ai cũng biết, cũng là một đệ tử lớn của ngài Karmapa." Tôi đáp có vẻ suôn sẻ như đã được học thuộc lòng câu nói như trên tự bao giờ. 

"Nghe người ta nói tốt về một vị thầy thì chưa hẳn thầy đó đã là tốt. Một vị thầy có danh tiếng lớn, và được nhiều người ca tụng cũng chưa chắc là một vị thầy tốt. Phải cần tìm hiểu vị thầy ấy nhiều hơn trước khi nhận vị đó làm thầy, vả lại tôi chẳng có cao đức gì đâu, trên tôi còn có rất nhiều bậc thầy giỏi và đầy uy đức khác. Hãy chờ đợi và tìm kiếm thêm nữa".

Nghe ngài nói những lời như vậy, tôi càng khâm phục hơn về đức độ và lòng từ bi của ngài. Đó là tư cách của một bậc thầy đúng nghĩa, xem thường danh lợi, tiếng tăm, chẳng ham có thêm đệ tử, luôn khiêm tốn hạ thấp mình và ca ngợi các bậc thầy khác. Giọng tôi càng quả quyết và lời nói gần như năn nỉ ngài. "Xin ngài nhận con làm đệ tử! "

Thấy tôi nói dai nói dài, ngài đành phải nói một câu hoãn binh: "Chúng ta còn gặp nhau mà, không sao đâu.

Nếu thầy muốn tu thì tốt hơn nên qua Ấn Độ mà tu, muốn làm đệ tử tôi thì qua đó gặp nhau rồi sẽ tính".

Nghe ngài đáp vậy và biết không còn kèo nài thêm được gì nữa, tôi đành vâng lời và xin lạy ngài ba lạy lần nữa trước lúc lui ra. Vậy là coi như tôi có duyên, và cũng không có duyên với ngài. Và ngay buổi chiều hôm đó, tôi đáp xe ra phố, rồi ra thủ đô và đáp máy bay về lại Đan Mạch. 

Từ khi nghe ngài nhắc đến Ấn Độ và việc tu học bên đó, lòng tôi bỗng nhiên cảm thấy rạo rực vô bờ. Ừ nhỉ! Tại sao trước đây đi khắp nơi để tìm thầy, tìm nơi tu học mà tôi vẫn không bao giờ có ý tưởng rằng mình phải đi và tu học bên Ấn Độ. Thế mà mới nghe ngài nói chuyện tu bên ấy, lòng tôi bỗng nhiên lại thấy bồi hồi, tôi như thấy mình đã tìm ra một ánh sáng nào đó cho cuộc đời. Rồi khoảng thời gian một tuần sau, tôi đã làm một chuyến đi Ấn Độ để dò đường bất chấp việc nghỉ học ngang xương ở trường. Gia đình ai cũng lo âu và ngăn cản, nhưng tôi đã quyết thì có trời mới ngăn. Vậy là một cuộc hành trình xa xôi diệu vợi và mới mẻ bắt đầu.

Máy bay đáp xuống phi trường New Delhi, lần đầu tiên đến xứ này nên tôi có cảm giác sờ sợ. Đến khi ra khỏi phi trường tôi lại cảm thấy hết hồn hơn khi nhìn những bộ mặt người dân Ấn khác lạ, đen kịt và râu ria xồm xoàm. Tôi sợ là vì không chuẩn bị kịp tinh thần và cũng có lẽ do chuyến đi quá gấp. Thế nhưng chỉ vài ngày sau đó tôi cảm thấy quen dần và an tâm phần nào; dù vậy trong người tôi lúc nào cũng đề phòng, mỗi khi đi đâu tôi đều thủ sẵn một con dao trong người. Chuyến du hành của tôi bắt đầu bằng TỨ ĐỘNG TÂM – các THÁNH TÍCH VỀ CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT,  đến mỗi nơi tôi đều thành tâm cầu nguyện cho việc tu học của mình ở nơi đây được thành tựu. Ấn Độ là đất Phật, là nơi sản sinh ra nhiều bậc thánh nhân Phật giáo vĩ đại mà tôi tu học còn không thành thì sẽ chẳng biết đi đâu nữa.

Hai tuần thăm viếng các Phật tích và ba ngày ở chùa của ngài Situ Rinpoche đã cho tôi một cái nhìn hiểu biết về xứ sở linh thiêng và sự tu học tại quốc độ này. Tôi cảm thấy hài lòng với chuyến đi ngắn ngủi ấy và thầm cảm nhận được một nhân duyên vô hình nào đó giữa tôi với xứ sở này. Trong lòng phát sinh một sự rung cảm sâu xa tận tiềm thức, tôi biết là mình đã tìm ra được một con đường và tôi đã quyết định.

Một trong những cái gan mà tôi muốn chứng tỏ cho tôi biết, đó là tôi dám làm mọi chuyện nếu tôi nhất định muốn làm. Có một hôm khi nghe băng thầy Nhất Hạnh giảng về sự tập trung tâm ý, và năng lực lớn của việc này qua chuyện nhổ răng của thầy. Một hôm thầy bị đau răng nên đến một ông nha sĩ để xin nhổ, ông nha sĩ đòi chích thuốc tê cho thầy trước khi nhổ nhưng bị thầy cản lại.

"Đau lắm không được đâu!" ông ta nói.

"Không sao đâu, ông cứ nhổ, thầy Nhất Hạnh đáp bằng giọng cương quyết. Thầy kể cho ông nha sĩ nghe rằng thầy không chịu được thuốc tê, vì có một lần nọ cũng sau khi bị tiêm thuốc tê xong mà thầy phải bị ê ẩm và khó chịu với quai hàm mình trong suốt nhiều ngày liền, nên do đó lần này tết hơn là không chích thuốc tê.

Ông nha sĩ lặp lại đôi ba lần, nhưng vẫn không lay chuyển được ý thầy nên cuối cùng buộc lòng ông phải nhổ. 

Trong thời gian ông ta nhổ với những cái nạy, cái móc, thầy liền tập trung tư tưởng chú tâm vào bàn tay phải của thầy và bắt đầu theo dõi hơi thở. Thầy không cảm thấy đau chút gì cho đến khi ông ta nhổ xong.

Xong việc, ông nha sĩ thán phục thầy quá nên cuối cùng cũng chẳng nhận tiền nhổ răng từ thầy, như là một sự đáp lại tấm lòng khâm phục của ông.
Tôi cũng lấy làm khâm phục thầy Nhất Hạnh lắm ở điểm đó, và muốn thí nghiệm với chính mình điều mà thầy đã trải qua, nên một lần nọ trong dịp nhổ răng, tôi cũng học đòi cái cách của thầy Nhất Hạnh mà lập lại nguyên văn lời thầy, khi ông nha sĩ xin phép tôi để được chích thuốc tê.  Khi thấy tôi không chấp nhận, sau nhiều lần nhắc nhở về sự đau đớn nếu không có thuốc tê mà tôi vẫn khăng khăng chối từ, nên ông bèn nhổ liền. Cũng những cái nạy với cái móc bằng y nốc sáng choang ấy, ông ta nạy, đục và thậm chí còn lấy kìm để bẻ cái gốc răng và những mảnh bị bể còn sót lại bên trong. Tôi ngồi gồng mình và tập trung tư tưởng vào lòng bàn tay như thầy Nhất Hạnh đã làm. Kết quả thật là tốt đẹp vì cho đến khi ông ta làm xong rồi mà tôi vẫn không hay, cứ tưởng nhổ răng như vậy thì phải đau ghê gớm lắm. Nhưng thật ra cái đau lại chẳng ra gì, đôi khi chỉ việc tưởng tượng và sợ hãi quá mức cũng là tăng thêm mấy mươi phần trăm cái đau rồi. 

Bước kế tiếp sau cái việc nhổ răng thử nghiệm kia là tôi tính tới việc đốt tay mình để cúng Phật. Đây là một việc làm mà tôi noi gương Hòa Thượng Trí Tịnh, một bậc cao tăng Việt Nam, người đã có công lớn trong việc phiên dịch hầu hết các kinh điển tụng đọc trong Phật giáo Đại thừa. Tôi tự nghĩ thầm trong lòng rằng, mình muốn phát đại nguyện lớn tu học cần cầu giải thoát thì mình cần phải làm những việc nhỏ trước, bằng với cả một tấm lòng biết hy sinh và chịu đựng. Việc nhỏ ấy là việc tự đem cho những cái gì mà mình trân quý và yêu thương nhất trong cuộc đời, đó là những cái nơi và trong thân thể của mình, người đáng được đem cho hay dâng lên đó không ai đáng hơn bằng đức Phật. Dĩ nhiên là đức Phật chẳng bao giờ cần sự dâng cúng như vậy; nhưng với tôi thì đó là cả một tấm lòng, một ý thức cao độ về việc mình quyết tâm dứt bỏ cuộc đời và cầu sự giải thoát. Trong tôi vẫn biết rằng việc này thật khó làm làm sao vì nó đụng chạm đến bản ngã, đến thân thể quý báu này nhưng cứ nghĩ đến sự giải thoát giác ngộ cao cả kia, mà tôi lại có thêm dũng tâm. Chư Phật trong quá khứ, đức Phật Thích Ca đã từng hy sinh biết bao nhiêu thân mạng, đầu, mắt, tay chân cũng là để cầu đạt quả vị giác ngộ đó sao? Ngài làm và làm mãi hết kiếp này sang kiếp khác với chỉ một tâm ý duy nhất là cầu giải thoát để đem lại lợi lạc và an vui cho người; và khi đã đặt lên mục tiêu tối thượng như vậy thì chuyện gì mà ngài không dám làm. Cái quả tối thượng, quả cao tột, trân quý và siêu việt ấy chẳng thể đem mua được, cũng chẳng thể do vì nói hay, nói cao siêu mà thành tựu, hoặc cũng chẳng thể không biết chịu đựng, hy sinh và làm những việc vì lợi ích cho mình và chúng sinh mà nó có được. Sự thành tựu mục tiêu vĩ đại của sự giải thoát cần phải trải qua thời gian, lòng hy sinh nơi mình, tìm cầu trí tuệ và ý chí quyết tâm cầu giải thoát giác ngộ.

Trước khi đốt tay mình cúng Phật và phát nguyện, tôi có nói cho má tôi biết, má tôi sợ và can ngăn tôi hết lời. 

"Chú đâu cần phải làm vậy, tu hành là do tự tâm chứ làm vậy thì cũng đâu có ích gì. Vả lại có thầy nào tu mà phải hủy hoại thân thể như vậy đâu?"
Tôi gân cổ lên cãi lại: "Tại má không biết chứ có nhiều thầy ở Việt Nam làm lắm, điển hình là Hòa thượng Trí Tịnh nề? Lại nữa đâu phải mấy thầy làm là Lệ Tấn làm theo, (tôi xưng Pháp danh với má tôi vì trong luật không cho phép xưng con một khi đã cắt tóc xuất gia) mà Lệ Tấn làm vì cảm thấy điều ấy cần làm. Vả lại nó cũng cho mình biết rằng kể từ đây và về sau, Lệ Tấn đã dứt khoát từ bỏ cuộc đời này. Khi qua Ấn Độ tu học, vết tích ấy cũng sẽ nhắc nhở cho Lệ Tấn biết rằng trước kia, ở nơi ấy và trong lúc đó mình đã phát nguyện như vậy và đốt tay như vậy thì mình sẽ không bao giờ lãng quên, nó sẽ là một động lực thôi thúc Lệ Tấn trên con đường tu học."

Má nghe tôi nói một hồi và thấy rõ quyết tâm của tôi nên im lặng như chấp thuận. Má tôi luôn luôn là như vậy đó; bà là người mẹ hiền và luôn luôn khuyên bảo những điều phải cho con làm nhưng khi thấy điều gì mà con quyết chí làm, thì bà cũng chẳng cản ngăn khi xét thấy nó hợp lý. Tôi cảm thấy hài lòng với chính mình về những lời thuyết phục trên, nên do đó chuyện này được dự tính sẽ tiến hành. Nhưng trước khi bất đầu, tôi cũng muốn qua thưa với thầy tôi về việc tôi ra đi, mà con đường tôi đã chọn là sang tu với Phật giáo Tây Tạng, và sẽ ở lại Ấn Độ trong nhiều năm tới.

Thấy hình bóng tôi loáng thoáng ngoài cổng chùa, thầy tôi lúc ấy đang đi dạo ngoài sân chợt có một thoáng ngạc nhiên. Thầy không hiểu vì sao đột nhiên tôi qua Đức ghé chùa khi chẳng có lễ lượt gì, vì thông thường thì tôi hay biệt tăm tung tích và chỉ xuất hiện nơi chùa khi có một vài đại lễ quan trọng nào đó. Tôi cúi đầu chào thầy và xin phép cùng thầy vào trong thưa chuyện. Thầy gật đầu chưa hiểu chuyện gì nhưng chắc cũng đoán là sắp có chuyện rồi đây. Tôi là người đệ tử luôn luôn mang chuyện đến cho thầy mà! Quả thật trong tôi đôi khi nghĩ cũng buồn vì nhân duyên thầy trò không được tương hợp cho lắm, dù rằng thầy rất thương tôi, muốn tôi tu học tốt đẹp để thành một vị tăng tài có ích cho đạo pháp và dân tộc; nhưng với tôi thì cảm thấy có một khoảng cách nào đó giữa tình thầy trò. Thế nên dù thầy trong một cách gián tiếp nào đó nói tôi về Đan Mạch để học cho xong chương trình, thì tôi cũng nhân đó lấy cớ mà trở về nước mình ở để tránh việc ở chùa. Chùa nơi tôi xuất gia mà lúc nào trở về tôi cũng thấy xa lạ, và người ta cũng thấy tôi xa lạ nữa. Tôi dường như đã không còn là một thành viên của chùa, không biết điều ấy xảy ra tự lúc nào? Có lẽ từ lúc tôi khởi niệm chán chùa và muốn xa lánh chùa. Cái thái độ lơ đễnh và dửng dưng của tôi mỗi lần về chùa cũng hay được thầy tôi nhắc nhở:
"Chú về chùa mà sao giống như là đến chùa ai vậy, thấy giống như là một người khách đó!"

"Dạ bạch thầy, thì con về chùa thường chỉ đôi ba ngày để dự lễ thôi, nên con đâu biết phải làm gì, làm sai thì bị người ta nói nên con đành phải vô phòng thôi".

"Nhưng chú cũng phải tìm cách kiếm việc mà làm chứ, chùa này là chùa của mình mà, trong chùa thì có biết bao nhiêu công việc cần phải làm!"

Tôi im lặng như đuối lý. Giả vờ như là nghe lời thầy nhưng trong bụng thầm nghĩ  "Thầy nói thì nói mình đến chùa thì chỉ việc vào phòng để xem kinh, đọc sách thôi và đến giờ làm lễ thì mình ra, chứ thật tình biết chuyện gì làm bây giờ; mà sao chùa lại lắm chuyện thế, ăn rồi làm hoài làm mãi, thì có thời gian đâu mà tu với học."

Những lần ấy tôi thấy thầy có gương mặt buồn buồn. Có lẽ thầy buồn vì cái mệt nhức đầu với tôi, người đệ tử mà dạy hoài không nghe, hoặc nghe rồi lại cũng bỏ ngoài tai lời thầy nói. Còn riêng tôi thì tánh nào vẫn tật nấy, thầy nói sao tôi cũng có thể đáp lại được dù rằng trong luật có dạy rằng: "Thầy nói thì phải lắng nghe và ghi nhớ những điều thầy dạy, không được chống trái và đáp trả lời thầy. "Nhưng trong tôi cũng vẫn thấy cái lý của mình thì biết làm sao đây; nên tôi buộc phải biện minh với những cái lý lẽ ấy ra thành lời. Tôi xin thú nhận về sự ngỗ nghịch của tôi là như vậy!

Lần này chắc chuyện không đơn giản đâu, vì cái tai tiếng đi lang bạt tìm chùa tìm thầy của tôi đã làm thầy nghe nhiều lời bàn tán và nhức đầu không ít rồi. Giờ  gặp lại còn nói tính chuyện đi xa nữa thì dù thầy có lòng từ bi cách mấy chắc cũng phải nổi giận. Tôi thầm nghĩ trong lòng như vậy, khép nép theo sau thầy vào phòng.  Lấy y áo đã mang theo sẵn trong đãy tôi mặc vào, đảnh lễ thầy theo đúng như phép tắc trong luật đã dạy với câu tác bạch như sau:

"Bạch thầy, hôm nay con có duyên sự xin đầu thành đảnh lễ  thầy tam bái."

Thầy ngồi yên trên chiếc ghế xa lông bên kệ sách thư viện của ngôi chùa cũ, cất tiếng nói tiếp theo sau cái lạy cuối cùng của tôi.

"Thôi được rồi, chú có chuyện gì thì nói đi."

"Dạ bạch thầy, hôm nay con sang đây là muốn thưa thỉnh với thầy một chuyện, đó là việc con đã tìm ra nơi chốn tu học và con muốn được đi xa."

"Nơi chốn tu học thế nào, ra sao và đi đâu?" Thầy hỏi.

"Dạ, con muốn sang tu học bên Ấn Độ với truyền thống Phật giáo Tây Tạng."

"Tại sao chú lại muốn sang bên đó tu học và lại tu học với Phật giáo Tây Tạng?"

"Dạ, bạch thầy, con đã thích Phật giáo Tây Tạng từ lâu rồi và con cũng đã đi xứ Ấn Độ, con thấy bên đó tu học rất là tốt và thích hợp với con".

"Không được, không được đâu? Tại sao Phật giáo Việt Nam mình lại không tu học mà lại chạy theo Phật giáo người ta. Truyền thống của họ có gì hay đâu chứ?".  Thầy tôi nói giọng to tiếng và có vẻ bực tức. "Chú học xong phải về ở chùa này và không được đi đâu hết."

"Dạ bạch thầy, nhưng mà con thấy mình không thích hợp với chùa này, và con cần phải đi nơi khác để tu học." Tôi đáp lại bằng một giọng nói ngang ngang.

"Nhưng thầy không cho phép chú đi! Nếu chú muốn đi thì thầy sẽ họp chư tăng trong Giáo hội lại và lột y áo chú". Thầy nói trong cơn giận dữ.

"Dạ bạch thầy, nếu thầy lột y áo con, thì con sẽ qua bên Ấn Độ xuất gia tu lại". Tôi trả lời thầy như vậy.

Có lẽ đến nước ấy là hết lời để nói rồi nên thầy tôi im lặng. Đệ tử như tôi vậy thì có lẽ đã quá lắm rồi. Khi hồi tưởng để viết đến đây, tôi còn thoáng thấy bóng thầy đâu đó với chiếc thông y màu vàng, vẻ mặt đăm chiêu buồn bã thuở nào.

"Thưa thầy? Con giờ đây viết lại những dòng kỷ niệm cũ mà trong tâm hồn cảm thấy buồn buồn và đau xót cho hoàn cảnh của con, một hoàn cảnh buộc con phải làm những điều con muốn làm, dù biết rằng điều đó không làm vui lòng thầy, làm thầy tức giận. Con muốn sám hối với thầy, và xin thầy tha thứ cho sự cứng đầu và nghịch ý của con hồi đó. Con sám hối thầy vì con mà thầy đã chịu nhiều tai tiếng, bị phiền muộn chuyện nọ chuyện kia và bởi vì con là một đứa đệ tử hư đốn của thầy. Công ơn thầy đã dạy dỗ và thương con rất nhiều mà con vẫn làm thầy buồn. Nay thì mọi chuyện đã qua lâu rồi, đã trôi qua trong những dòng dĩ vãng và nay thì mơ ước ngày nào đó của con đã thành sự thật, con cũng đã yên bề tu học và không còn gì khác hơn là con luôn cố gắng tinh tấn tu học để làm vui lòng thầy, đền đáp ơn nghĩa cạo tóc xuất gia, lời thầy huấn dạy từ bao năm qua".

Khi nghe tôi trả lời lại như vậy, thầy biết rằng tôi đã bệnh quá nặng rồi, và hết cách cứu chữa nên im lặng không nói nữa và bỏ vào phòng trong. Đó là thái độ không hài lòng của thầy. Tôi cũng buồn bã và lui ra ngoài. 

Vậy là sự tình diễn biến có vẻ bất lợi quá, thầy thì chẳng vui lòng, còn tôi thì cứ khăng khăng ý định đi xa tu học như đã dự định ban đầu. Trò và thầy trước đây đã từng có một khoảng cách nào đó, thì nay qua việc này, hố sâu ngăn chia lại càng lớn hơn. Làm sao để có một sự hàn gắn nào khi hai người mà mỗi người lại có một tư tưởng dị biệt đến như vậy. Thầy có lý của thầy là đệ tử Sa di thì phải ở gần bên thầy để học đạo, phải gần gũi thầy lành bạn hiền để học đạo, ngay cả khi thọ giới Tỳ kheo cũng cần phải ở bên thầy tối thiểu là năm năm để tu học, -ngu hạ dĩ tiểu tinh chuyên giới luật, ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền, nghĩa là năm năm đầu thì đệ tử phải ở gần thầy để tu học giới luật, và năm năm sau mới đi xa cầu giáo pháp tu thiền định- vậy mà tôi chỉ ở với thầy vỏn vẹn hơn một năm đã vội cất bước ra đi, thế thì sao có thể chấp nhận được.

Còn tôi thì mang mang một ý nghĩ cầu pháp tu học toàn thời gian ở một nơi xa  xôi nào đó, xa gia đình và thầy bạn. Tôi cũng không bao giờ thích một xã hội vật chất của Tây phương, một  xã hội mà chỉ tạo cho con người thêm sự tham đắm và hưởng thụ. Tôi biết, nếu tôi còn sống giữa những xã hội này thì tôi sẽ bị sa ngã, sẽ hoàn tục vì những chất liệu tu học hàng ngày ít ỏi của tôi, sẽ không tài nào đủ sức khống chế cái ngã gian manh, tâm tham ái, sự dễ duôi phóng dật và hèn yếu của lòng mình. Thà tôi mang tội bất kính và trái lời thầy để tìm ra con đường tu học thích hợp cho mình; tìm thấy được niềm tin, sự an lạc và hạnh phúc của đời sống tu hành nơi xứ lạ, còn hơn phải vâng lời thầy mà tháng năm sau đó không chịu nổi tôi buộc phải ra đời.  Điều đó là điều tất nhiên phải đến, vì tôi sau một  vài năm tu học như vậy đã có cái cảm nhận như vậy. Mà xuất gia tu hành một thời gian  rồi thua cuộc, chịu không nổi phải hoàn tục thì đó chính là một sự thất bại cho chính mình và làm thất bại cho cả thầy mình. Đó là một sự bạc bẽo, vô ơn đối với thầy, với Tam bảo và đối với cả chúng sinh.

Cuối trung học năm đó, tôi thu xếp hành trang để chuẩn bị ra đi một chuyến thật xa, sau khi đơn xin vào quốc tịch của tôi đã được chính phủ chấp nhận. Trong thời gian chờ đợi Visa đi Ấn Độ, tôi quyết tâm thực hiện nguyện ước của mình, đó là việc đốt tay cúng Phật như đã hứa khi trước, cùng lập những lời thệ nguyện của mình trước khi đi xa tu học nơi xứ người. Nhập thất một tuần trong một căn phòng nhỏ lầu trên nhà tôi là thời gian cho tôi dự bị tâm mình. Trong thời gian này hàng ngày  tôi trì tụng kinh Pháp Hoa và chú Đại bi. Đến bữa ăn thì có má tôi đem cơm lên để trước phòng, thời gian lẳng lặng trôi qua, đến ngày thứ bảy ra thất tôi mới thực hiện việc đốt tay. Việc làm này tôi có ý nghĩ và muốn thực hiện là vì tôi đã nghe nhiều thầy ở Việt Nam có làm rồi, vả lại trong kinh cũng có nói đến nhiều trường hợp đốt tay, đốt thân của các vị Bồ tát để cúng Phật và lập nguyện. Tôi chỉ cố noi gương cao cả của các vị ấy mà làm thôi và như tôi đã nói ở trên là nó sẽ mãi mãi nhắc nhở tôi tiến tu thêm trên con đường đạo hạnh, chứ quyết không có lui sụt vì những lần phát tâm dõng mãnh vừa qua. Mỗi một lần phát tâm dông mãnh là mỗi một lần để lại một dấu ấn trong lòng, chứ không thể là những giọt nước rơi trên mặt lá.

Tuy có quyết tâm, nhưng tôi thật sự không biết và chưa có một kinh nghiệm nào về việc đốt tay này, nên bấy giờ tôi chỉ làm theo cái hiểu biết của riêng mình. Đầu tiên tôi đi mua dầu ở một  trạm xăng gần nhà, số dầu ấy được tôi đổ vào một cái chén để ở trước mặt. Ngón tay tôi đốt là ngón út, nên ngón tay đó được quấn quanh bằng nhiều lớp vải, bên ngoài buộc lại bởi một cọng thép chắc. Trước khi đốt tôi khóa phòng lại để  tránh sự dòm ngó, đau buồn của những người thân trong gia đình. Ngồi trong tư thế xếp bằng trang nghiêm và trước mặt là bài chú Đại bi, tôi bắt đầu tụng chú với tâm ý quán tưởng đến đức Phật, quán tưởng đến lòng từ bi và sự hy sinh vô bờ của ngài khi làm những công hạnh Bồ tát trong quá khứ. Tôi bắt đầu phát nguyện: "Xin nguyện do nhân duyên phát tâm đốt tay cúng dường đốt ngày hôm nay, mà con có được trí tuệ và công đức to lớn trong sự tu học. 

Xin nguyện nhờ công đức này mà con thành tựu được sự tu học nơi xứ Ấn Độ. Không thành tựu chương trình tu học của con tại Ấn Độ, con sẽ không trở về lại Âu châu để làm việc đạo.

Xin nguyện nhờ công đức này mà con và mọi loài chúng sinh bớt được tham sân và si, bớt khổ đau và sớm thấy được con đường an vui hạnh phúc của đạo, để cùng nhau đi trên con đường này đến nơi giải thoát giác ngộ".

Sự quán tưởng và lời nguyện vừa xong thì tôi nhúng ngón tay vào dầu, châm lửa từ một cây đèn kế cận và bắt đầu tụng chú Đại bi. Ánh lửa phừng lên và cháy dữ dội, mùi thịt cháy bay lên khét lẹt và lúc ấy, trong phút giây ấy tôi thấy cái đau nhói lên như xé tận tim gan mình, theo phản xạ tự nhiên tôi muốn dụi tắt đi ngọn lửa, nhưng rồi môi tôi một thoáng mím chặt để cố chịu đựng cơn đau khủng khiếp ấy; sau phút giây đau nhói ấy, tôi bắt đầu lấy lại sư bình thản và tụng tiếp bài chú. Lời chú tụng tuôn ra đều đều từ cửa miệng, tâm tôi khi ấy có sự tập trung sâu xa nên cái đau đã dần dần giảm bớt sau một thời gian. 

Ánh lửa vẫn phừng phựt cháy mạnh khoảng vài phút, càng về sau tôi càng cảm thấy không có một nỗi đau đớn nào cả. Tôi tiếp tục tụng và ánh lửa vẫn cháy, nhưng do vì lửa cháy là lửa dầu nên nó cũng sớm tàn và tắt trong độ khoảng vài phút sau đó. Thấy ngón tay út mình vẫn còn với lớp vải quấn cháy đen, rách nát bên ngoài, tôi thầm nghĩ rằng mình phải đốt ít nhất là một lóng ngón tay chứ chỉ một chút vầy thì ít quá, nên tôi đã tiếp tục nhúng ngón tay vào dầu và đốt tiếp. Ánh lửa vẫn phựt lên nhanh chóng và cháy như vậy độ một hai phút nữa rồi lại tắt, tôi vẫn chưa vừa lòng và nhúng tay vào dầu đốt tiếp. Đến lần thứ ba này thì tôi mới hài lòng vì nó đã cháy xuống sát bên dưới gần giữa ngón tay út. Buổi lễ chấm dứt, tôi thấy khoan khoái với việc mình làm, một cảm giác mãn nguyện len lỏi khắp trong người.

Tôi xuống dưới nhà và nói cho má tôi biết, bà lo lắng nhìn nó nửa lo âu cho cái đau của tôi, nửa cảm thấy sợ sệt vì trông đốt ngón tay cháy dở đen kịt ghê gớm quá. Má tôi bảo nên đi nhà thương để họ may và băng bó lại, còn tôi thì cho rằng chuyện này chẳng cần thiết vì sau một vài ngày nó sẽ lành lại. Nhưng sau một lúc thấy má tôi nói quá và cũng để làm vui lòng bà, tôi bằng lòng đi nhà thương.  Má tôi liền gọi một người phật tử bác sĩ quen biết gần nhà và anh này đã đưa tôi đến nhà thương. Trong khi đi xe, anh ta (có tên là Minh) dặn tôi là phải nói dối khi người ta hỏi vì sao ngón tay bị như vậy, chúng tôi phân vân tìm đủ mọi cách để nói cho nó được hợp lý. Cuối cùng anh Minh cũng tìm ra được câu trả lời hợp lý là: "bị cái máy cắt cỏ cắt trong khi ủi cỏ trong vườn". Câu trả lời nghe có vẻ êm xuôi nên tôi chấp nhận liền. "Xin chư Phật cho con được sám hối vì tội nói dối một cách bất đắc dĩ này".  Quả thật là tại nhà thương, ông bác sĩ mổ và may lại ngón tay cho tôi đã hỏi về nguyên nhân của nó.

Dù đã được chuẩn bị trước mà tôi cũng thấy ấp úng làm sao đó khi nói dối điều này, nhưng anh Minh cũng đã mau mắn trả lời thay cho tôi: "À, ông này đang đẩy máy cắt cỏ trong vườn thì không may dây điện bị quấn máy, ổng đưa tay tháo gỡ và thình lình máy chạy cắt đứt ngón tay ổng!". Tôi thấy ảnh mồm mép lanh lẹ quá, cũng tức cười nhưng thầm cảm ơn ảnh đã đỡ đạn cho mình. Việc đốt tay, mổ, may và băng bó lại coi như đã tốt đẹp, nhưng những ngày sau đó quả là một cực hình cho tôi vì cái đau buốt xương của nó. Cử động một chút là đau và khi đi tắm thì phải lấy bọc nhựa che lại chứ không để thấm nước. Vậy đó mà dằng dai cũng gần 6 tháng trời ngón tay tôi mới trở thành lành lặn những vết da bên ngoài. 

Trong thời gian chờ đợi Visa đi Ấn Độ, tôi ghi tên tham dự một khóa học Anh ngữ tại Luân Đôn. Anh quốc thì đã chẳng xa lạ gì với tôi ngay từ những năm đầu mới đến Đan Mạch. Tôi rất mê xứ này vì cái ngôn ngữ thông dụng toàn cầu của nó, còn xứ Đan Mạch tôi ở thì quả đáng buồn vì ngôn ngữ nước này khi ra khỏi nước thì chẳng có ai nghe ai hiểu. Có lúc tôi tự trách rằng sao mình xui xẻo qua nhằm cái xứ nói tiếng lạ đời, nếu qua Anh, úc hay Mỹ thì tôi đã chẳng phải bận tâm học thêm một thứ ngôn ngữ khác nữa. Tại Luân Đôn tôi có quen thầy Trí Cảnh trụ trì chùa Linh Sơn nhân một vài lần ghé thăm trước đó, nên lần đi học này tôi chẳng phải ngại đến nơi ăn chốn ở. Nhưng ngạc nhiên làm sao là khi tôi đến chùa Linh Sơn, thầy Trí Cảnh đã không còn và có một thầy trụ trì mới được thay thế. Thầy trụ trì mới lại tưởng ai đâu xa lạ nhưng hóa ra là thầy Trí  Như, người mà tôi có dịp quen biết trong một lần sang thăm chùa Linh Sơn bên Pháp khi trước. Thầy có tướng người nhỏ và xương xương nhưng có một tinh thần tu hành rất cao, nên khi được gặp lần đầu và qua vài câu chuyện đạo, tôi liền có cảm tình với thầy và thân nhau như anh em. Thầy cũng mến tôi lắm từ dạo ấy nên lần này không hẹn  mà lại gặp nhau tại Anh, tôi và thầy cảm thấy vui mừng vô cùng. Biết tôi có ý định đi Ấn Độ tu học và gặp khó khăn về mặt tài chính, thầy tận tâm kêu gọi các phật tử trong chùa ủng hộ định kỳ mỗi tháng cho tôi có chi phí tu học bên đó.

Bấy giờ tôi bỗng chợt nhận ra rằng, một khi mình thành tâm phát nguyện tu học thì luôn luôn có chư Bồ tát gia hộ. Trước đây khi quyết tâm đi Ấn Độ để tu học, tôi chưa từng đặt vấn đề về tài chính vì tự nghĩ nếu có người giúp đỡ cho tôi tu thì tốt, còn không thì tôi sống khó khăn thiếu thốn như những người Tây Tạng tị nạn cũng chẳng sao. Tuy nhiên chỉ mới sau này khi sang Ấn và tu học, tôi mới biết rằng cuộc sống tu học sẽ không đơn giản, nếu không có ít nhiều tài chính bảo hộ. Dẫu sao tôi vẫn có một sự linh cảm rằng, chư Phật và Bồ tát sẽ luôn luôn gia hộ cho người thành tâm, nên tôi chưa từng lo sợ những khó khăn trước mắt. Thế nên nếu có sự thành tựu trong vấn đề tu học của tôi sau này, tôi sẽ mãi mãi không quên ân đức của thầy Trí Như cũng như những người phật tử Việt Nam tại Anh quốc nói riêng đã hết lòng ủng hộ, cung dưỡng tôi suốt thời gian ba năm đầu liên tiếp kể từ khi tôi đặt chân đến Ấn Độ.

Sau hai tháng học Anh văn tại Luân Đôn, tôi trở lại Đan Mạch và tới tháng 9 tôi có Visa đi Ấn Độ.  Ngày trước có Visa, ngày sau tôi lấy vé máy bay đi liền. Một chân trời mới của xứ lạ, hay một phương trời cao rộng nào đó bên kia trái đất đang chờ đón tôi. 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/08/2021(Xem: 7425)
Thật là một điều kỳ diệu và lý thú khi được tin báo trên Viber là Tuyển Tập pháp Thoại vừa hoàn thành và đã sẵn sàng đến tay Phật Tử khi đến dự Lễ Vu Lan tại Tu Viện Quảng Đức (nếu không bị lockdown). Vì sao gọi là kỳ diệu? Chỉ sau khi tôi được học xong 10 duyên mà Đức Phật cho là quan trọng nhất theo thứ tự của 24 duyên, mà chúng ta ai cũng phải gặp trong thời gian còn làm người phàm, và nếu hiểu rõ tường tận thì mình có thể sẽ không bao giờ thốt lên câu “Học muôn ngàn chữ nghĩa nhưng không ai học được chữ Ngờ” của bộ Đại Phát Thú / Vi Diệu Pháp, do Giảng Sư Thích Sán Nhiên đã thuyết giảng qua 61 video, mỗi video kéo dài từ 3: 00 đến 3:50 giờ. Chính vì thế, nhờ đó tôi chợt nhận ra nhân duyên gì đã làm trưởng duyên và đẳng vô gián duyên, để tôi đến với Đại Gia Đình Quảng Đức Đạo tràng nói chung, và tiếp xúc liên hệ với TT Trụ trì Tu viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng và được cộng tác với Ngài trên trang website Phật Giáo, Trang Nhà Quảng Đức, để rồi hôm nay lại có duyên
17/08/2021(Xem: 6871)
Bà Thanh Đề là mẹ của ngài Mục Kiền Liên (cũng gọi là Mục Liên). Bà tính tình tham lam, độc ác, không tin Tam Bảo, tạo ra nhiều tội lỗi nặng nề, gây ra nhiều “nhân” xấu nên khi chết đi chịu “quả” ác, bị đày vào ác đạo, sinh làm loài ngạ quỷ, đói khát triền miên trong đại địa ngục.
14/08/2021(Xem: 22638)
Chủ đề: Thiền sư Thuần Chân (Đời thứ 12, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 272 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Bảy, 14/08/2021 (07/07/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 01:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 11:45pm (giờ Paris, France) - 03:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
10/08/2021(Xem: 24744)
Con kính lễ Thiền sư Bảo Tánh và Thiền sư Minh Tâm (? - 1034) (Đời thứ 7, Thiền Phái Vô Ngôn Thông, hai vị Thiền Sư chuyên thọ trì Kinh Pháp Hoa)🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️
07/08/2021(Xem: 28168)
Chủ đề: Thiền Sư Từ Đạo Hạnh (1072-1116) (Đời thứ 12, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vị Thiền Sư sau khi viên tịch tái sanh trở lại làm Vua vào triều đại nhà Lý VN) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 269 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Bảy, 07/08/2021 (29/06/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 10:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
06/08/2021(Xem: 9597)
Cũng như chuông, trống cũng được coi như là một loại pháp khí không thể thiếu trong văn hóa tín ngưỡng của đa số dân tộc theo Phật giáo. Phật tử Việt Nam chúng ta rất gần gũi với thanh âm ngân vang thâm trầm của tiếng chuông; tiếng trống thì lại dồn dập như thôi thúc lòng người...Tại các ngôi chùa, trống Bát Nhã được đánh lên là để cung thỉnh Chư Phật, Chư Bồ Tát quang giáng đạo tràng chứng tri buổi lễ. Thông thường trống Bát Nhã được đánh lên vào ngày lễ Sám hối và trong những ngày Đại lễ. Ba hồi chuông trống Bát Nhã trổi lên để cung thỉnh Chư Phật và cung đón Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni quang giáng đạo tràng, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người nên lắng lòng, buông bỏ mọi tạp niệm. Bà kệ trống Bát Nhã được đọc như sau: Bát Nhã hội Bát Nhã hội Bát Nhã hội Thỉnh Phật thượng đường Đại chúng đồng văn Bát Nhã âm Phổ nguyện pháp giới Đẳng hữu tình Nhập Bát Nhã Ba La Mật môn Ba La Mật môn Ba La Mật môn.
06/08/2021(Xem: 4966)
Dấu chân xưa du hóa, một mảnh trời bao dung, gởi những lời vàng ngọc hương xưa bay khắp cả cung trời. Từ xứ Ấn, nơi thánh tích niềm tâm linh Tôn Giáo Phật Đà, Bậc Cha Hiền Đấng Như Lai Thích Ca truyền giáo, khai sáng nguồn tâm nuôi dưỡng chủng tánh cho chư vị Thánh giả Tỳ Kheo Tăng, Tỳ Kheo Ni, hay chư vị Thiên thần Long vương, Trời người quy kính, nghe Đấng Như Lai thuyết giảng, từ gốc nhìn sâu lắng, từ pháp tu thực hành, nên Vua Quan, dân chúng ở xứ Ma Kiệt Đà, xứ Kiều Tất La, vang khắp dòng suối chảy Hưng Long Chánh Pháp nơi xứ Ấn. Có chư vị Thập đại đệ tử lớn, các vị Thánh Tăng tu tập chứng nghiệm, đạt thánh quả A-La- Hán. Tôn Giả A- Nan nối truyền Kinh Tạng nghe thông thuộc ghi nhớ không sót một câu, Tôn Giả Đại Ca Diếp nối truyền Y bát tâm tông Phật trao, làm đệ nhất Tổ sư truyền thừa, vị Luật sư Tôn giả Ưu Ba Ly, và 500 vị A- La-Hán, kết tập Kinh điển Giáo lý mà Đấng Như Lai thuyết trình qua 49 năm hành hóa độ sinh, Tôn Giả A- Nan là vị trùng tuyên Kinh Tạng, Tôn Giả Ưu-Ba-
05/08/2021(Xem: 22664)
Chủ đề: Thiền Sư Cứu Chỉ (Đời thứ 7, dòng Vô Ngôn Thông) Đây là Thời Pháp Thoại thứ 268 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Năm, 05/08/2021 (27/06/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 10:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/ https://www.facebook.com/quangducwebsite Website: https://quangduc.com Tel: 03. 9357 3544 Email: [email protected]
04/08/2021(Xem: 6651)
Sông Thạch Hãn, Ngân Thiền Tâm Mộ Phật. Chốn Trà Trì, Gương Học Hạnh Xuất Gia. Nhỏ Tầm Chơn, Quyết Chí Xa Thế Tục. Khoác Áo Nâu Sòng, Học Lối Thích Ca. Chào Song Thân, Xứ Bảo Lộc Quê Nhà. Nương Thầy Tổ, Giữ Gìn Tâm Hướng Đạo. Mùi Kinh Kệ, Tháng Ngày Xông Cõi Tịnh. Thuộc Luật Nghi, Từ Góc Hạnh Trăng Sao.
02/08/2021(Xem: 18748)
Tiếng chuông chùa vang lên để xoa dịu, vỗ về những tâm hồn lạc lõng, bơ vơ. Hồi chuông Thiên Mụ, mái chùa Vĩnh Nghiêm một thời chứa chan kỷ niệm. Đó là lời mở đầu trong băng nhạc Tiếng Chuông Chùa do Ca sĩ Thanh Thúy trình bày và ấn hành tại hải ngoại vào đầu thập niên 80. Thanh Thúy là ca sĩ hát nhạc vàng, đứng hàng đầu tại VN trước năm 1975. Cô là đệ tử của HT Nguyên Trí ở chùa Bát Nhã, California. Khi Thầy còn ở VN cuối thập niên 80 có đệ tử ở bên Mỹ đã gởi tặng Thầy băng nhạc Tiếng Chuông Chùa này. Hôm nay Thầy nói về chủ đề Tiếng Chuông Chùa, hay tiếng Chuông Đại Hồng Chung. Đại Hồng Chung là một cái chuông lớn được treo lên một cái giá gỗ đặt trong khuôn viên chùa hay trong Chánh điện. Hồng Chung là một pháp khí linh thiêng, là một biểu tượng đầy ý nghĩa của Phật giáo, nên chùa nào cũng phải có, lớn hay nhỏ tùy theo tầm cỡ của mỗi chùa. Hàng ngày Đại Hồng Chung được thỉnh lên vào buổi chiều tối, báo hiệu ngày
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]