- Lời giới thiệu và Lời mở đầu
- Chương 1. Chút kỷ niệm thuở ấu thời
- Chương 2. Phương Tây
- Chương 3. Thức tỉnh và xuất gia
- Chương 4. Học hạnh một người tu
- Chương 5. Cái tu trong xã hội tân tiến
- Chương 6. Tập học cuộc đời
- Chương 7. Cám dỗ
- Chương 8. Tiền tài
- Chương 9. Sắc đẹp
- Chương 10. Danh vọng
- Chương 11. Cái ăn
- Chương 12. Ngủ
- Chương 13. Tình yêu
- Chương 14. Dục vọng và đam mê
- Chương 15. Ra đi
TỰ TRUYỆN MỘT NGƯỜI TU
Thích Hạnh Nguyện
Nhà xuất bản Hồng Đức 2015
Thích Hạnh Nguyện
Nhà xuất bản Hồng Đức 2015
CHƯƠNG 13
TÌNH YÊU
TÌNH YÊU
Có ba loại tình yêu, tình yêu không vị kỷ, tình yêu qua lại và tình yêu vị kỷ. Tình yêu không vị kỷ là tình yêu cao thượng hơn hết. Người yêu cho nghĩ đến những lợi ích, điều tốt đẹp cho người mình yêu và chẳng màng đến những khổ cực của chính mình. Tình yêu qua lại là người yêu không chỉ muốn hạnh phúc cho người mình yêu mà họ cũng nghĩ đến hạnh phúc của riêng họ. Đó là trung bình. Còn tình yêu vị kỷ là loại tình yêu thấp hèn nhất. Họ chỉ cốt tìm hạnh phúc cho chính họ, bất kể người họ yêu có khổ đau và sầu muộn ra sao. Ramaknshna (1836-1886)
Thông thường khi động chạm gì đến chuyện tình yêu, người ta xem nó như là chuyện của thế gian và người tu chớ nên nghĩ nhớ về chuyện này. Các bậc thầy lớn của tôi cũng chưa từng đả động gì đến chuyện này cho chúng tôi nghe, hoặc để cho biết hoặc để kinh nghiệm, mặc dù tôi biết các thầy ít nhiều cũng đã trải qua. Ai nói mình không trải qua chuyện này là người ấy không thật lòng, vì ai chẳng có mắt để nhìn cái sắc đẹp đang sống và hiện hữu quanh ta. Ai chẳng có tai để nghe những lời êm dịu, ai chẳng có ý để một thoáng nào đó nghĩ nhớ, tơ tưởng đến hình bóng một người con gái nào đó đang ở bên kia cuộc đời. Chúng ta nên thành thật với chính mình, với ý nghĩ của mình và trong con người mình. Chẳng ai ở bên ngoài có thể ngăn cấm người tu của chúng tôi nghĩ nhớ thương đến người khác, chính tôi và các bạn đồng tu khác tự ngăn cấm mình, vì biết mình cần phải ngăn cấm lấy mình một khi muốn tách mình ra khỏi cái thế giới tục lụy của cuộc đời. Còn nếu có những người tu nào đó không tự ngăn cấm lấy chính họ khi nhìn sắc, khi khởi tâm nghĩ tưởng bậy bạ, hoặc tính chuyện yêu đương thì đó cũng là quyền của họ; đức Phật và quý thầy cũng chẳng thể ngăn cấm được một khi nó còn nằm bên trong tư tưởng và ý nghĩ của họ. Nhưng nếu tu hành mà không ý thức với chính mình để bị ngoại cảnh và con người trần thế mê hoặc, thì không phải họ đang sống trong sự mâu thuẫn với chính họ hay sao. Nếu vậy thì họ đã tự làm khổ họ, tự vấy bẩn lên con người của họ, vây bẩn vào ý nghĩ và vây bẩn vào tâm hồn trong sáng, thánh thiện của họ rồi. Họ đã tự mang vào những chủng tử của nghiệp xấu mà không đáng phải mang.
Tình yêu là một đề tài lớn trong cuộc đời của con người trần thế. Nó gần như chiếm hữu tất cả năng lượng và sức lực một người trong suốt cuộc đời của họ để lao vào để sống và để yêu, nên chi tình yêu đối với thế gian này quả là một cái gì quá đỗi tuyệt vời. Từ cổ chí kim, người ta cũng đã luận bàn về tình yêu rất nhiều. Sách viết thì chứa cũng thành một thư viện, băng nhạc phim ảnh thì cả trăm năm nay nghe và chiếu nhiều rồi mà vẫn có hết đâu. Tầm quan trọng và sức mạnh của tình yêu đã được mọi người chú ý và khai thác triệt để; thế nhưng nào có hết. Nhưng cái thông thường của con người trần thế là, hiểu và nói chuyện yêu đương theo sự hiểu của con người, và những nỗi xúc cảm rung động của con tim. Thế nên để tìm ra một sự thật hay một chân lý nào đó trong tình yêu, người ta khó tìm thấy được. Tìm không thấy nhưng con người ta lại nói về nó rất nhiều, đúng là: Nói về tình yêu tựa như là nói chuyện ma. Người ta nói rất nhiều, nhưng nào ai có thấy. La Rochefoucauld (1613-1680)
Có một thời gian tôi đọc rất nhiều sách nói về chuyện tình yêu để xem trong đó, tình yêu là thế nào? mà những con người chúng ta ít một lần gỡ thoát ra được. Từ những chuyện tình táo bạo của Lệ Hằng, Chu Tử cho đến những chuyện tình cảm tiểu thuyết ướt át khác của Huỳnh Dao.v.v... Tất cả đã cho tôi một cái nhìn khá trung thực về những diễn biến bên trong của cái gọi là: "một cuộc tình". Tôi không rõ khi viết về những câu chuyện tình yêu ấy, tác giả viết lên với những sự kiện có thật, họ tưởng tượng hay là một phần nào đó viết thay cho cuộc đời của chính họ. Chuyện đọc hấp dẫn, có nhiều tình tiết sôi động và éo le nhưng đa phần các chuyện tình ấy mang theo nhiều sự lẩn quẩn, vòng vo trong cuộc đời này. Yêu nhau, hiểu lầm nhau, ghen tương, bỏ, khóc than, trả thù, tìm lại với nhau rồi vui, buồn, yêu nhau, giận nhau và cứ thế cái bi kịch của tình yêu kia cứ dường như lặp đi lặp lại mãi trong suốt đời sống của một con người.
Tình yêu là gì nhỉ? Có những nổi đam mê và vui sướng không? có đẹp không và có một ý nghĩa nào chăng trong cuộc đời? Nếu tôi được phép trả lời thì tôi xin trả lời là có nhưng chưa chấm hết vì sau những nỗi đam mê và vui sướng kia, sau những cái đẹp và ý nghĩa của tình yêu là cả một chuỗi dài sầu khổ, xấu xa, vô vị và hối tiếc. Ai đã nói cho tôi biết về những điều này khi thật sự tôi chưa giáp mặt và đi vào con đường tình yêu của nhân thế. Chính cuộc sống này đây, con người chung quanh và nhất là Phật pháp đã nói rõ cho tôi biết về những điều này chứ ai đâu khác. Cuộc sống và con người nói cho tôi biết kinh nghiệm của họ, còn Phật pháp nói cho tôi biết từ cái nhìn trí tuệ của bậc siêu phàm. Từ cái nhìn trí tuệ, các bậc ấy không cần phải lao đầu vào tình yêu chịu đủ đắng cay, bôn ba tủi nhục mới thấy và hiểu được tình yêu mà các ngài do thiền định, suy tư, quán tưởng và dùng luận lý cũng đủ hiểu rõ lắm rồi.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
Chuyện tình yêu của con người trên thế gian này sẽ dẫn ta đi đâu, khi mà nó chỉ được khởi lên bằng những ý tưởng chiếm đoạt, sở hữu, tham muốn, ích kỷ, ghen tương, ràng buộc, ganh ghét, thù hằn, bất mãn, tuyệt vọng, lo sợ, ray rứt, buồn khổ.v.v... thì làm sao những kết quả của nó lại có thể mang lại những hoa trái của ngọt ngào, yêu thương, cảm thông, hiểu biết, tha thứ, sung sướng, hạnh phúc, v.v... Chỉ có đôi mắt trí tuệ của những bậc giác ngộ mới có thể nhìn thấy và nhìn sâu, vào những mặt trái của cái gọi là tình yêu và cuộc đời này. Còn thông thường con người chúng ta thì chỉ sống trong cái nhìn và hiểu biết của nghiệp lực, nên chi sống làm người đã bị vô minh mù tối che lấp, khi bước chân vào con đường tình yêu người ta còn bị muôn phần mù tối hơn nữa; cuộc đời đã khổ do đó càng khổ thêm.
Propertius, một nhà thơ cổ xưa người Ý có nhận định: "Khi yêu người ta thường bị mù quáng".
Oscar Wilde, một văn hào người Anh viết về tình yêu như vậy: "Khi yêu là người ta đã bắt đầu dối gạt với chính họ, và khi kết thúc họ lại dối gạt với người. Đó là cái mà thế gian gọi là chuyện tình".
Một nhà thơ Ý danh tiếng khác là Ovid cuối cùng cũng phải buộc miệng nói rằng: "Tình yêu là tất cả những gì của lo lắng và sợ hãi".
Pedro Caldron định nghĩa rằng: "Tình yêu mà không điên khùng thì không phải là tình yêu."
Ôi! có quá nhiều người nói về cái tình yêu thơ mộng kia đến nỗi lòng tôi cũng cảm thấy chùn lại. Tình yêu là gì nhỉ khi mà lời than van, chê trách cũng dẫy đầy trong các ngôn từ danh tiếng của những bậc hiền triết thuở xưa. Thế đấy? nếu tôi chỉ lấy một vài câu nói bất hủ trên mà thiền quán và suy tư, thì có lẽ một ngày nào đó cũng sẽ giác ngộ ra được mặt thật của cái gọi là, tình yêu trong cuộc đời.
Robert Browning, một nhà thơ văn người Anh có lẽ cũng đúng khi ông ta viết: "tình yêu là sức mạnh của sự sống". Trong cái tình yêu nói chung, tình yêu trong đạo, cũng tạo cho chúng ta nhiều sức mạnh lắm. Đạo chúa hay nói về tình yêu giữa Thượng đế và con người, và con người đến chúa Ky tô. Đạo Phật cũng nói về tình yêu nhưng thường là mang một ý nghĩa vị tha và rộng rãi hơn là tình yêu thường tình. Cái sức mạnh của tình yêu trong tôn giáo thường có một ý nghĩa cao cả và trong sáng hơn, nên trong đời sống của những người mang tình yêu ấy, họ được hưởng nhiều hơn là phải khổ sầu. Còn sức mạnh của tình yêu giữa con người với nhau -thường được hiểu là sự yêu đương của nam nữ- mang những tính chất thấp hèn hơn, nên ít khi người ta nắm bắt được hạnh phúc thật sự trong cái tình yêu này. Nếu người ta nói có hạnh phúc thì đó chỉ là cái hạnh phúc giả tạo mà thôi; hạnh phúc mong manh, hạnh phúc sớm nở chiều tàn, hạnh phúc của những trận cười và niềm vui ra nước mắt. Nhưng tình yêu này lại chính là tình yêu tạo nên nhiều nỗi hoan lạc và đam mê nhất, nên dẫu biết nó mong manh, giả tạo, biết phải chịu khổ, chịu sầu muộn và đau thương, người ta vẫn không ngại bước vào. "Một phút huy hoàng còn hơn ngàn năm le lói", là như vậy.
Nếu tôi đoán không lầm là khi người ta đang yêu và được yêu, họ sẽ có những cảm giác lâng lâng, vui sướng lắm dù rằng ngoại cảnh có trái ngang, kể cả đời sống vật chất hiện tại của họ khi ấy đang trong cảnh tận cùng. Với họ dường như có một chân trời mới nào đó đang rực sáng lên để chờ đón. Tất cả thế gian này, vạn vật này có thể được họ thấy vui hơn, đẹp đẽ hơn hoặc rộn rã hơn như để chào mừng và chung vui với cái tình yêu mà họ vừa chớm có được. Nếu khi ấy họ được hỏi rằng, cái gì đẹp nhất, ý nghĩa nhất trong cuộc đời thì có lẽ họ chẳng ngần ngại để trả lời rằng, tình yêu của họ là đẹp và ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Tôi xin chấp nhận được điều này vì nếu tôi sống trong những cơn cảm xúc đó, tôi cũng sẽ nói những lời xuất phát từ cảm xúc y như họ. Nhưng nếu tôi muốn họ trả lời câu hỏi ấy đúng như thật, thì tôi sẽ chờ đợi cho đến khi họ bị thất bại, đớn đau và ê chề trong tình yêu thì tôi mới hỏi, có lẽ khi ấy họ sẽ cho tôi một câu trả lời đúng đắn và chân thật nhất.
Tôi tin tình yêu có thể là sức mạnh của sự sống nếu được soi bởi ánh sáng của trí tuệ, nhưng tiếc thay tình yêu xuất phát ra từ con tim của một chàng thanh niên và một cô thiếu nữ, có mấy khi lại được ánh sáng ấy chiếu vào. Họ chỉ sống riêng với những cảm xúc và buồn vui theo nhịp đập của con tim, để rồi một hôm nào đó khi con tim đổi nhịp, họ mới thấy ra được cái thật của tình yêu phũ phàng. Nếu tình yêu được hiểu và nới rộng ra đến với mọi người thay vì "hai", đến với mọi cảnh vật thay vì "hai" thì có lẽ hay biết bao và tràn đầy ý nghĩa biết bao. Một Sĩ Đạt Ta với tình yêu rộng lớn mà tiếng tốt và lợi ích còn để muôn đời, còn con người chúng ta để lại được gì khi cũng có tình yêu, cũng ban ra cho người nhưng đáng tiếc là chỉ ban ra trước và sau có "hai," và tình yêu ấy nó kéo dài không quá một đời người.
Sức mạnh sự sống của một con người là được tạo ra do năng lượng của người ấy, những nguồn năng lượng này có thể được xuất phát từ tình yêu, nhưng không nhất thiết phải là tình yêu nam nữ. Nếu xuất phát chỉ từ tình yêu nam nữ, thì hóa chăng những người có tình yêu nam nữ mới có được sức mạnh của đời sống sao? Đạo Phật dạy cho tôi rất nhiều về tình yêu nhưng lại nhắm đến một thứ tình yêu trong sạch và tinh khiết hơn; đó là tình yêu vô vị kỷ, tình yêu được mở rộng cửa sổ của tâm hồn, tình yêu được trải ra khắp cùng chúng sinh và muôn loài. Khi tình yêu được hiểu và nhận thức đúng đắn, nó cũng mang đến cho tôi một sức mạnh và năng lượng mãnh liệt trong đời sống hàng ngày. Tôi đã cảm nhận được tình yêu trong tôi và tình yêu nơi người, tình yêu thiêng liêng và tình yêu trong sáng mà chưa một lần vẩn đục bởi ý nghĩ thấp hèn và dục vọng. Tôi say mê cái tình yêu mà tôi học và cảm nhận được, vì biết tình yêu ấy mang lại đời sống ý nghĩa cho tôi và lợi ích cho người. Tôi cũng biết trong cái tình yêu mà tôi đang sống và theo đuổi nơi đây, không còn có những ngôn từ của sợ hãi, mất mát, khổ đau hay chia ly, nhưng nếu có, tôi xin chấp nhận tất cả việc này trong một nụ cười biết rũ áo ra đi.
Tình yêu mà tôi đang học và hành là tình yêu trọn vẹn, thường hằng ở nơi tôi. Nó không đến, không đi, không còn, không mất, không đập nhanh, đập chậm theo nhịp thở của con tim. Tình yêu ấy cũng thường chan chứa và dạt dào trong tôi, trong mỗi cơn thiền định và quán tưởng. Nó lặng lẽ âm thầm, nhưng bàng bạc và đầy sức sống trong sự hiểu biết của suy tư, chiêm nghiệm. Tình yêu ấy nhất định là không có những ý tưởng lợi dụng và chiếm hữu, nó thuần khiết và mang ý nghĩa của sự thương xót, muốn cứu độ người sang bờ kia. Tình yêu ấy là tình yêu cho người, vì người và nếu có một sự xây dựng, đặt nền tảng nào đó cho nó thì sự xây dựng và đặt nền tảng ấy của nó phải được xây và đặt trên những con người khác, chứ không thể trên thân này của ta, cho ta và vì ta. Ồ! vậy thì tình yêu ấy lạ quá, ra vẻ rất khác thường và phải chăng là nó thật có. Tôi không biết phải nói thế nào đây nhưng với tôi thì nó là một sự thật, vì nó đã và đang là lý tưởng, là con đường mà tôi đang theo. Tôi theo hoài, theo mãi qua năm này tháng nọ, cho đến giờ mà hai chữ tình yêu tôi cũng còn học chưa được thuộc lòng.
Có thể đó cũng là một phần cái tình yêu mà ngài Sivananda và ngài Swami Ramdas, hai bậc thầy Ấn giáo nói đến qua cái nhìn và hiểu biết cao thượng ở nơi chiều sâu tâm linh của các ngài:
"Tình yêu không mong đợi đáp trả, tình yêu hiểu biết không có sợ hãi, tình yêu trong sáng cho mà không đòi hỏi, tình yêu không nghĩ đến những chuyện xấu ác không có những dụng ý tà vạy. Tình yêu là sự chia sẻ và phục vụ".
Ngài Swami Ramdas thì nói: "Như các loài hoa tỏa ra hương thơm đến những người biết đón nhận, cũng vậy, tình yêu trong ta phải tỏa chiếu đến tất cả mọi người và phải hiển lộ nó qua một tấm lòng phục vụ không biết mệt mỏi."
Tình yêu mà tôi học và hành trong đạo Phật có thể được hiểu là một phần của lòng từ và tâm bi. Lòng từ và tâm bi trong đạo Phật ám chỉ thường có một ý nghĩa tích cực, đầy đủ và trọn vẹn hơn là tình yêu nam nữ thường thấy. Nếu có những gì ý nghĩa, trọn vẹn và cao đẹp nhất trong cuộc đời thì đó là tính chất của từ bi. Ở nơi tính chất này, nó chỉ có ý nghĩa tích cực, có cái đẹp chân thật và vĩnh cửu, có sự an vui và hạnh phúc lâu bền, có sự sáng suốt và trong sạch mà chưa từng nhớp nhơ, không hạn cuộc và bao la trong cả thời gian và không gian mà chúng ta đang sống. Nhưng nó khó học và thực hành lắm, vì nó là con đường đi ngược chiều với con đường mà nhân sinh đang đi. Đức Dalai Lama, con người biểu tượng của tâm từ và tâm bi tột bực, Ngài nói:
"Tình yêu thương và lòng cứu giúp người (từ bi) là những báu vật trong cuộc đời. Nó không phức tạp, đơn giản nhưng rất khó thực hành. Không có tình yêu thương, xã hội con người sẽ gặp tình trạng khó khăn, không có tình yêu thương tương lai chúng ta sẽ gặp bao vấn đề. Tình yêu thương là tâm điểm của đời sống con người".
Còn tình yêu của thế nhân ư! xin hãy cho tôi được làm người đứng ngoài cuộc. Tôi luôn luôn là người nhát gan và chơi dở trong tất cả các cuộc chơi nơi trần thế này. Tôi muốn làm người ngoại cuộc vì đã biết tình yêu trần thế vốn có nhiều khổ lụy, vốn biết nhiều khổ lụy nên tôi cần phải tự giữ lấy mình khi cảm thấy nó cận kề hoặc đang phảng phất đâu đây. Thầy tôi cũng vậy, biết chúng tôi là những kẻ yếu lòng nên cũng thường căn dặn và tránh cho chúng tôi tiếp xúc thường xuyên với các cô gái. Riêng tôi có đôi lúc máu nóng nổi lên, mạo hiểm mà tự nhủ lấy lòng rằng, tại sao mình không nhân cơ hội ấy để biến những tình yêu tầm thường kia thành những tình yêu cao thượng, bao la, để đúng ý nghĩa hơn với lòng từ bi trong Phật giáo mà các vị Bồ tát thường hay thực hành. Tôi nhớ đến Ngọc Lâm trong thoát vòng tục lụy, hay có thể hiểu thật hơn là chuyện tình của ngài Tinh Vân và người vợ của Tưởng Giới Thạch. Ở đó tình yêu tầm thường kia gặp phải sức mạnh của trí tuệ, sức mạnh của sự chuyển hóa, nên tình yêu tầm thường ấy qua thời gian cũng đã biến thành tình yêu cao thượng. Tôi cũng nhớ đến Bồ tát Quan Thế âm với tấm lòng từ (tình thương yêu vô hạn) và bi (lòng xót xa muốn cởi thoát những nổi khổ cho người) không ngằn mé đến với mọi chúng sinh- là tấm gương mà tôi đang cố gắng học theo. Dĩ nhiên thực hành theo tâm hạnh của một vị Bồ tát là rất tốt, nhưng còn có đủ công phu chưa thì điều đó cần đặt lại vấn đề. Riêng tôi đôi lúc hoang tưởng nghĩ vậy, nhưng vẫn tự biết mình còn đang bệnh và yếu ớt lắm.
Đạo Phật không dạy tôi chối bỏ tình yêu, mà dạy tôi về cách hiểu và nhìn vào tình yêu một cách trung thực hơn là thường tình. Cái tình yêu thường tình là tình yêu xuất phát từ con tim, nhưng tôi được dạy là tình yêu cần phải được duyệt xét qua lý trí. Đó là một nhận thức cần được chấp nhận nhưng đôi khi không phải là không có sự thông đồng giữa lý trí và con tim; để một lúc nào đó, tôi có cảm tưởng rằng dường như lý trí mình đang nhượng bộ nhịp đập con tim; để rồi tôi cảm nhận được chút sự rung động nào đó là lạ trong con người của mình, khi gặp một người mà tôi đem lòng muốn cảm mến.
Những người trẻ bạn tôi khi nói chuyện thường có những biện minh riêng của họ về tình yêu, nhưng tôi thì dù muốn dù không cũng phải cần có một cái nhìn tiêu cực về nó, nhất là nhìn vào tình yêu giữa trai gái nam nữ. Người ta có thể cho rằng tại vì tôi đi tu nên nhìn về nó tiêu cực, chứ nếu tôi còn ngoài đời thì chưa chắc hẳn. Nhưng tôi cho rằng, dù điều đó là sự thực và chắc như vậy thì họ cũng vẫn còn có thể biện minh và an ủi với chính họ rằng:
"Những khổ đau của tình yêu vẫn còn ngọt ngào hơn bất cứ những khoái lạc nào khác trên đời".
Có những lúc tôi còn gặp người ta hát: "Yêu là khổ, không yêu là lỗ, thà mình chịu khổ chứ không chịu lỗ". Biện minh và chấp nhận đến nước ấy thì tôi cũng phải chắp tay xá dài mà chào thua.
Tôi không nghĩ rằng cái nhìn tiêu cực của tôi là do từ sự việc tôi đi tu; nhưng nếu ai đó có một cái nhìn khách quan và trung trực về vấn đề này chắc họ cũng sẽ chấp nhận, vì chính nó được cấu tạo bởi sự thật. Con người khi vướng vào lưới của tình yêu thường có một cái nhìn rất phiến diện. Họ chỉ biết họ và sống với đối tượng mà họ đang nhắm đến. Tâm hồn quảng đại và bao dung thường lệ, lúc ấy bỗng chợt nhiên biến mất. Thế thì cái tình yêu mà họ cho rằng trong sáng, thuần khiết kia có là thật không, hay chủ yếu cũng chính vì họ yêu họ hơn ai cả. Tôi nghĩ rằng, nếu họ thật sự yêu người khác, thì khi người khác được vui tất nhiên họ cũng phải vui; nhưng sự thật thì ngược lại. Khi thấy cô ấy vui với bạn trai của cô, chàng buồn; khi thấy cô ấy buồn với bạn trai của cô, chàng vui. Hoặc ngược lại khi thấy chàng vui hoặc buồn với cô bạn gái của chàng, nàng buồn, nàng vui. Vậy thì tình yêu thật sự là cái gì, nếu không nói là sự đòi hỏi thỏa mãn cho cái ngã của chính mỗi người. Tóm lại:
"Có tình yêu cho người khi tôi đây (tự ngã) được thỏa mãn, tôi đây không được thỏa mãn, tất nhiên tình yêu sẽ không đến chàng hoặc nàng đâu".
Thử suy ngẫm bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bính khi nói về cái tình yêu mà chàng và nàng cho là trong sáng và thuần khiết khi trao tặng cho nhau:
"Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai,
Đừng hôn dù thấy đóa hoa tươi,
Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ,
Đừng tắm chiều nay, bể lắm người".
Khi người ta đi vào tình yêu, cái nhãn quan của họ chỉ dừng lại nơi đó. Họ quên tất cả, quên đất trời bao la đang hiện hữu, quên cả thế giới xung quanh đang chuyển động và quên tất cả mọi người đang sống quanh họ; khi ấy chỉ còn có hai chúng ta. Tôi biết đây là sự thật của những người đang sống trong mộng ảo của yêu đương vì tôi đã có sự quán sát, tư duy và kinh nghiệm ít nhất là qua những người thân trong gia đình.
Em gái tôi đang độ tuổi ấy, cái tuổi đang đi tìm tình yêu. Tôi thấy rằng con người ta dù nữ hay nam, nhưng đang khi vào tuổi ấy rồi thì cứ như là họ đang sống với ngọn lửa nào đó trong lòng. Họ bị đốt để phải chịu cảnh đứng ngồi không yên. Đôi khi họ phải đi và đi cả suốt ngày, rồi ngày này qua ngày nọ. Đối với các bạn trai cùng lứa, tôi chọc họ là đang đi săn (săn các cô), còn như các cô em gái tôi thì lại là đang đi bắt (đi bắt hồn những chàng trai). Tôi nghĩ có lẽ các người làm cha làm mẹ của những đứa con vào lứa tuổi này, chắc cũng mệt không ít khi phải trả tiền bill điện thoại quá mức, và mệt cả người khi phải bắt dùm những cú phôn gọi đến liên tục trong ngày. Các buổi nói chuyện điện thoại ngay cả gọi đường xa của các em gái tôi, thường kéo dài ít nhất là một hai tiếng đồng hồ, tôi không hiểu là em tôi nói những gì nhưng tôi đoán là:
"Bầu trời nơi anh bên đó như thế nào? Chứ bầu trời bên Đan Mạch em đây màu xanh."
Rồi anh chàng bên đó lại hỏi: "Mây bên Đan Mạch như thế nào chứ mây bên xứ này màu trắng. Gió của vùng em ở có mạnh không, chứ hiện giờ gió nơi chỗ anh mạnh lắm đến cả trăm cây số giờ." Hết chuyện trời mây gió, chắc sẽ đến chuyện nước, chuyện phim ảnh chuyện chiếc xe hơi, chuyện con chó, con mèo trong nhà v.v.. Đôi khi tôi không hiểu tại sao họ lại phung phí tiền điện thoại, và thời gian một cách thiếu sáng suốt như vậy, tiền mua vé máy bay để bay sang Đan Mạch cũng còn rẻ hơn nhiều kia mà.
Có người lý sự với tôi cho rằng: Tại vì thầy chưa yêu nên không biết đó thôi! chứ trong tình yêu có những đam mê và thú vị lắm. Khi yêu rồi họ nhìn nhau hoài không thấy chán, nghe tiếng hoài không thấy mệt. Nhưng lạ thay rằng nếu một mai nào đó tình yêu kia bị đổ vỡ, hoặc bị xung đột thì lúc ấy không phải nhìn nhau hoài không chán, mà là nhìn nhau là cứ muốn tát, nhìn nhau là thấy chán, thấy ghét và muốn nổi sân si trong lòng; nghe giọng người kia không những thấy mệt mà còn thấy tức khí xung thiên. Nếu người ta đi vào nó với những nỗi đam mê như vậy thì tại sao những cái đam mê ấy lại không kéo dài đến suốt cuộc đời họ, mà nó chỉ kéo dài cho đến khi hai người chiếm hữu được nhau. Sau lễ cưới và đêm tân hôn, cái đam mê bắt đầu thoáng mờ dần, và có thể sẽ biến mất hẳn sau một vài tháng. Rồi sau vài năm, thời gian còn lại trong cuộc đời họ là gì, nếu nói thanh cao một chút là, cuộc sống chung của họ chính là để chu toàn trách nhiệm của người cha người mẹ, mà họ là những người mang trách nhiệm thừa hưởng và truyền thừa. Nói thấp xuống một chút, là do những cái đam mê không thể cưỡng chống được của thể xác và tâm lý, qua những giây phút hoan lạc của yêu đương phải chịu cảnh sống chung chẳng đặng đừng. Nhà Phật nói rằng, họ đang phải hứng chịu những nghiệp dĩ vay trả oan trái với nhau. Sống như thể chịu đựng vì đã lỡ sống với nhau, thì không phải nghiệp dĩ oan trái là gì. Đó là thực tế phũ phàng và nó hiện hữu trong hầu hết mọi gia đình. Người ta đã đến với tôi nhiều lắm để than thở, để kể lể những câu chuyện bất hạnh về đời sống gia đình của chính họ hay con cái của họ. Những câu chuyện ấy nếu gom góp lại cũng thành cả một pho truyện dài nhiều tập, đầy tình tiết sôi động và bi ai!
Cái khổ mà người ta thường xem là "hạnh phúc đời sống gia đình" ấy có phải chỉ hạn cuộc đấu trong những gia đình Việt Nam, mà nó lan tràn hiện hữu ở khắp mọi con người. Nhưng ở đây cũng tùy thuộc vào môi trường, văn hoá và truyền thống của mỗi dân tộc mà cái khổ ấy được tiết chế phần nào. Có dân tộc thì biết tu học và ý thức được cái khổ ấy rõ ràng hơn, mặc dù họ chính là những người trong cuộc. Những người phật tử Tây Tạng trong cái nhìn và hiểu biết điều này nên thường đối với những người đã đi tu họ nói như vầy:
"Thưa thầy! con chắp tay lạy quý thầy, xin quý thầy ráng tu và giữ gìn chiếc áo này! ngoài đời chúng con khổ lẩm, đời sống gia đình không có một chút nào vui và hạnh phúc đâu!".
Vì sao họ lại nói vậy, vì họ nhận ra được cái hư dối của hạnh phúc chỉ nằm trên khái niệm và ngôn từ, còn đằng sau nó là cả một chuỗi dài của những khổ não đau thương, mà họ đã và đang chính là những nạn nhân chịu đựng.
Có mấy ai sống trong đam mê của hạnh phúc và vui vẻ với nhau suốt cả cuộc đời. Nhưng rồi hạnh phúc lại là gì chứ? Phải chăng: "những dòng tư tưởng êm dịu được dịp thả về quá khứ là hạnh phúc, cuộc sống chung không bị các xung đột tâm lý là hạnh phúc, không có cãi nhau mày mày tao tao là hạnh phúc, không có những cảnh chén bay đĩa bay là hạnh phúc, không có những trở ngại về mặt sinh lý là hạnh phúc; ngược lại những điều ấy là không hạnh phúc. Nếu cái hạnh phúc của lứa đôi, của đời sống gia đình được xem là vậy thì thường quá; phải chăng nó còn có những ý nghĩa hay hạnh phúc nào khác. Nếu không mà chỉ như vậy thì quả là giới hạn, tạm bợ, mong manh, bất thường và vô nghĩa làm sao. Cầu xin chư Phật ban cho con trí tuệ và ý chí, để thoát ra khỏi những thứ hạnh phúc như vầy.
Lại nữa cái đẹp đẽ và hạnh phúc nhất của tình yêu trong cuộc đời này là gì, nếu không phải chỉ qua những cảm xúc mạnh khi gặp nhau, khi nắm tay, khi chuyện trò hoặc khi hòa hợp giữa hai thân xác; Nếu tình yêu có sự thật là đẹp và hạnh phúc thì nó sẽ vẫn mãi là đẹp và hạnh phúc, nhưng cái đẹp và hạnh phúc ấy, đôi khi lại quá ngắn đến phũ phàng. Có một cô gái người Mỹ khi đám cưới, cô tổ chức tưng bừng đến cả việc thuê một chiếc máy bay rải đầy hoa vào ngày đám cưới, thế nhưng một tháng sau cô nộp đơn xin ly dị và thời gian sau đi tu với Lama Zopa. Có những cặp vợ chồng mà ai nấy đều khen là đẹp đôi đẹp lứa và sẽ sống hạnh phúc, nhưng thời gian sau không ngờ lại trở thành những kẻ thù của nhau. Ngay cả bà giáo tôi khi một vài ngày trước, tổ chức lễ đám cưới vàng (kỷ niệm 30 năm sống chung) và mời tới tham dự, thế nhưng vài ngày sau tôi lại nghe hai người đã ly dị.
Có một lần nọ, tôi đọc tờ tạp chí viết về câu chuyện tình của Hoàng tử Charles và công chúa Diana. Bài báo diễn tả chi tiết về câu chuyện tình cũng như kèm theo một số hình ảnh của hai người. Hình đầu là hai người lần đầu tiên gặp nhau, bốn mất nhìn nhau như say như đắm, hình hai là hai người đang có vấn đề nên quay mặt lại với nhau, và hình ba là hai khuôn mặt nhìn nhau lạnh lùng như băng đá, ra chiều muốn nảy lửa. Lần theo những câu chuyện và hình ảnh trong tờ tạp chí, tôi để hồn mình thả trôi theo những hình ảnh và cuộc sống của hai người để nhận ra thế nào là cái giả dối, mong manh, và bạc bẽo của cái gọi là tình yêu. Vậy mà đó là cái tình yêu, hạnh phúc mà người ta thường tán dương và ca tụng.
Tôi thích nhìn vào mặt trái của tình yêu, của hôn nhân và gia đình hơn là nhìn vào mặt phải của nó. Mặt trái của nó là những giả dối và lường gạt nhau trong tình yêu, là ích kỷ chỉ nghĩ cho mình và cho mình, mà không bao giờ muốn nghĩ cho người, là đổ vỡ thương đau và âu sầu tiếc nuối, là bất hạnh chia ly và những âm thầm chịu đựng. Đối với mặt phải, tôi biết đã có hàng mấy tỉ người nhìn vào rồi, nhưng với mặt trái của nó thì đã có mấy ai? Nhìn vào mặt phải của tình yêu và hôn nhân, ai ai cũng có thể dễ dàng nhận được mà không cần phải học, phải suy tư nhưng nhìn vào mặt trái của nó và để được thâm nhập người ta cần phải chiêm nghiệm và suy tư. Sự học hỏi hay hiểu biết qua lý trí, sách vở đôi khi không đơn thuần là bài học có giá trị và thực tiễn trong cuộc sống một khi họ giáp mặt với tình yêu; mà người ta chỉ có thể hé thấy khi chính họ bị thất bại, bị đau thương trong các cuộc tình thì họ mới tỉnh ngộ. Nhưng rồi lạ thay là có mấy ai sực tỉnh!
Tôi không dám khinh thường cái tình yêu mà thế nhân đang bị vướng vào, vì tôi biết nó là một loại á phiện cực mạnh, một khi đã vướng vào thì khó mà rút chân ra. Nhưng đôi khi tôi cũng cười thầm và tự diễu cợt với chính nó, với cái mà con người bị buộc vào và ít khi tìm lối thoát vì họ chấp nhận nó như là một nhu cầu cần thiết của đời sống. Tôi cũng không tự mãn với lối thoát ra mà tôi đang có, vì thật sự tôi chẳng hay gì hơn người, mà chẳng qua tôi được cái may vào đạo trước khi vướng vào. Cửa chùa hay là chiếc áo nhà tu là những gì bao bọc, che chở cho tôi khỏi bị sa vào những chuyện tình yêu đoạn trường. Nếu không có chiếc áo tu này che chở, tôi biết tôi sẽ bị sa ngã và có thể xử sự còn tệ hơn cả những người đời.
Là một người tu khi nói về chuyện tình yêu, người ta có phần nào uý kị, nhưng cũng chính nơi ở những người tu mà các chuyện tình yêu, hôn nhân và gia đình được bày tỏ và thổ lộ nhiều nhất. Tôi không hiểu một người tu thiếu sự hiểu biết và kinh nghiệm về đời sống, nhất là đời sống tình yêu thì sẽ xử sự và giúp đỡ ra sao khi một người gặp vấn đề và đến cầu xin giúp đỡ. Trong một xã hội ngày càng thêm phần phức tạp nhiều mặt về vật chất cũng như tâm lý, thì vấn đề giải quyết sẽ không là đơn giản. Trong xã hội Việt Nam khi mà nền luân lý cũng còn đủ mạnh để giữ chân cho hàng bao nhiêu cặp hôn nhân còn tồn tại, thì nó cũng vẫn còn là một vấn đề khó xử, hà huống trong một bối cảnh của một xã hội phương Tây, khi mà tỷ lệ ly dị lên cao đến mức báo động 20%, nghĩa là cứ năm cặp gia đình thì có một cặp ly dị. Ở Đan Mạch và ở Mỹ số ấy tăng lên đến 50%; như vậy thì việc giải quyết chẳng thể là đơn giản. Vậy thì cái xã hội vật chất mà chúng ta đang sống đây cho ta nhiều hơn, hay cũng từ đó làm cho chúng ta bị lung lay nhiều hơn, nhất là trong đời sống tình yêu và đời sống gia đình. Tình yêu và sự sống chung ban đầu lúc nào cũng cao đẹp, có nhiều sự hy sinh cho nhau, nhưng rồi do vì vật chất, tiền bạc cùng lúc thiếu vắng một sự hiểu biết và phát triển về nội tại như: cảm thông, tha thứ, bao dung, và lo lắng thương yêu cho người hơn là mình.v.v...; nên con người đã đi đến tranh chấp, đổ vỡ và thù nghịch lẫn nhau. Đây là một điều đáng buồn, mà kẻ trong cuộc ít khi tìm ra được một lối thoát. Có lẽ điều này là kết quả của những nguyên nhân mà ít có người thấy và cảm nhận được, khi họ đang sống trong những xã hội Tây phương. Mẹ Teresa đã nói đến những nguyên nhân ấy như sau:
"Tôi nghĩ thế giới ngày nay đang bị lật ngược, và sự khổ đau có quá nhiều; bởi vì con người ta có rất ít tình cảm yêu thương trong một nhà, trong một gia đình và trong đời sống. Chúng ta đã không có thời gian cho con cái chúng ta, không có thời gian cho nhau và cũng không có thời gian để hưởng".
Tôi đã được học và tư duy nhiều nơi giáo lý của đức Phật mới hé thấy ra được, biết và hiểu về cái tình yêu, cái đam mê và hạnh phúc của con người quả thật là ngắn ngủi. Cái quả ngọt của các thứ hạnh phúc ấy không có đủ giá trị tương xứng, để cho những người tu phải chạy theo như những người thế nhân đang chạy. Tuy nhiên như vậy không phải là không có vấn đề với những khó khăn bên trong. Vì tất cả những người tu cũng đều là những con người được sinh ra từ bào thai của mẹ, được mẹ nuôi lớn lên với những dòng sữa và chất liệu yêu thương. Ngoài những thứ ấy ra con người làm sao có thể trưởng thành, và mặc được những chiếc áo xuất gia như ngày hôm nay. Đằng sau cái tính chất thực của việc sinh ra từ bào thai mẹ, là cả một quá trình diễn biến liên tục của tâm thức, mà ông chủ nhân chính của nó là vô minh và ái dục. Thế nên không cứ phải là mặc chiếc áo tu rồi, đã trở thành Đại đức hoặc Thượng tọa, là ta đoạn dứt được ái dục của tình yêu và trở thành những vị thánh. Đoạn dứt những tánh chất và năng lượng mù quáng này, đòi hỏi sự hành trì tu tập cao độ, và một tấm lòng biết hy sinh, biết chân thật cầu giải thoát giác ngộ. Chỉ ở nơi những ước vọng vời vợi này, người ta mới có can đảm chặt bỏ nhung gì mà người thế gian không thể chặt bỏ. Thế thì trong một đồ chúng tu hành gồm những người có trình độ, nhận thức, học vấn, căn tánh sai biệt thì làm sao chúng ta có thể đòi hỏi sự đồng nhất và trọn vẹn ở nơi tất cả những người này. Thế nên các hiện tượng như bê tha, suy đồi đạo đức, lạm dụng của các nhà tu hành trong những vấn đề này nên được nhìn với sự tìm hiểu, cảm thông, chia sẻ và khuyên nhắc hơn là nói xấu, chửi bới, rêu rao và đăng báo để triệt hạ uy tín. Hãy tập một cái nhìn rộng rãi, hãy khởi một tâm ý độ lượng và bao dung, hãy tập sống trong những ý niệm lành của sự hiểu biết và cảm thông về chính ta và người. "Vì tất cả chúng ta đều chỉ là một con người đang tu, đang trong quá trình tu và sửa mình!"
Có một hôm tôi xem cuốn phim về Phật giáo Tây Tạng, trong đó có một đoạn chiếu về một tăng sĩ với những lời thố lộ chân tình của thầy: "Tuy tôi là tu sĩ nhưng không hiểu sao khi gặp những người con gái đẹp, tự nhiên tôi cảm thấy yêu họ dù rằng trong giới luật không cho phép tôi nghĩ đến". Phải! điều đó là một sự thật không phải ở nơi vị thầy Tây Tạng trẻ ấy, mà điều đó cũng là sự thật ở nơi tất cả những người tu hành. Một cái phải và hay khác nửa là thầy ấy dám nói lên cái sự thật, mà tất cả những người tu khác không dám nói lên. Thật ra điều ấy đâu có gì phải đáng sợ và xấu hổ vì như tôi đã nói rằng, tất cả chúng ta dù có đi tu hay không đi tu, thì cũng chỉ là những con người không hơn không kém. Đã là người thì ai cũng có một trái tim để rung động và khối óc để nghĩ suy, đã là người thì ai trong chúng ta mà không bị những động lực của vô minh và ái dục trong muôn kiếp sống về trước chi phối. Tôi nhớ có lần đọc được câu chuyện "yêu cọp", mà có lẽ nhiều người đã từng nghe quý thầy kể, nhưng tôi cũng muốn thuật lại nơi đây để mọi người có thể thấy rõ thêm về cái động lực vô minh, và ái dục của con người mà trong đó có chúng ta.
"Có một vị sư già sống trên núi cao với một chú tiểu. Thầy trò sống rất an lạc và hạnh phúc với nhau trong tình đạo. Trải qua nhiều năm tháng, chú tiểu lớn dần trong sự đùm bọc yêu thương và lo lắng của thầy. Những cái gì chú học, chú biết là từ nơi thầy và từ nơi những bộ kinh sách của Phật. Chú cảm thấy hài lòng và an lạc với đời sống đơn điệu của núi rừng dù rằng chú chẳng biết gì cả nơi đời sống của đô hội và phố phường. Một ngày nọ nhân dịp thầy xuống núi để viếng thăm một vài đệ tử thí chủ của thầy, chú xin đi theo. Thầy thấy chú thiết tha quá nên cũng cho chú đi để biết thêm về phố phường nhưng trước khi đi, để cho chắc thầy cũng giảng dạy và căn dặn mọi điều, nào là cẩn thận khi đi đường, phải có ý thức và giác tỉnh khi nhìn và nghe chuyện, nào là người thế gian điêu ngoa và gây tạo lắm điều phiền não khổ đau, và trên hết biết chú đang tuổi trưởng thành, thầy răn đe: "Ở dưới phố có một loại cọp dữ ghê gớm lắm. Loài cọp này nó khác loài cọp trên rừng là đuôi của nó mọc sau đầu thay vì sau đít. Đừng nhìn, và đụng vào loài cọp đó vì nó sẽ cắn chết con ngay".
Nghe lời thầy chú tiểu vâng dạ và vui mừng hớn hở cùng thầy thu xếp hành trang ra đi. Trải qua nhiều ngày ở phố phường chú nhất nhất nghe lời thầy trong từng cách đi cách đứng và nói chuyện, nhưng rồi một hôm chú gặp một cô gái rất đẹp với đuôi tóc dài sau đầu. Đây là con "cọp" mà thấy nói rồi, chú thầm nhủ trong lòng; nhưng sao con cọp này trông hiền quá, đâu có dữ và muốn cắn chết người đâu. Mấy ngày trôi qua cho đến khi theo thầy về núi, chú bắt đầu không cảm thấy được tự nhiên và vui như ngày trước. Cuộc sống của chú ở núi rừng giờ đây như thấy thiếu và mất mát một thứ gì. Tiếng chim hót, tiếng suối reo cũng không đủ gợi cảm và làm cho chú vui như ngày nào; chú cảm thấy bực mình nữa là đằng khác. Một hôm thầy trông thấy và gọi chú lại. "Này con! ta thấy con mấy ngày nay như không được vui, có chuyện gì hãy nói cho ta nghe. " Vị thầy nói. Chú im lặng không nói, rồi nửa như muốn tỏ bày nửa lại như không. Sau cùng biết không thể dấu được thầy, chú nói trong giọng ngập ngừng: "Bạch thầy! trong lòng con giờ đây sao cảm thấy nhớ và yêu con cọp dưới phố quá? Thầy im lặng một lát rồi tự than thầm trong lòng: "Ôi! thật là đáng sợ thay, nghiệp ái của nó đến rồi".
Tôi đọc câu chuyện này nhiều lần và cảm thấy thú vị với nội dung của nó. Câu chuyện có lẽ mang ít nhiều tính hài hước, nhưng nó cũng nói lên được lý thâm diệu về cái nghiệp ái dục tiềm ẩn trong mỗi con người chúng ta, dù rằng đó là người tu, dù rằng họ đã được bao bọc bởi bức tường giới luật và đời sống tu hành, hoặc hơn thế nữa chú tiểu ấy đã được nuôi giữ trong rừng sâu núi thẳm, cách biệt với đời sống và xã hội bên ngoài trong nhiều năm trường. Thế nhưng cho dù được ngăn che và giữ gìn cách mấy, cái nghiệp ái dục trong tâm một khi chưa đoạn thì vẫn có cơ hội để tái phát, dẫn con người đi vào chốn trầm luân.
Thế nên cái đáng sợ ở đây là chúng ta không tự biết mình nên để cho con người, cảnh vật bên ngoài và nghiệp ái bên trong dẫn mình đi mà mình không một chút ý thức. Ở đây cái khác của người tu là tuy biết mình bị rung động và chi phối bởi con tim, họ vẫn còn có trí sáng suốt để nhận biết lấy chính mình và tìm cách kìm hãm. Biết cách giữ mình, kìm hãm và làm mất đi những tính xấu, tiêu cực là thánh nhân, còn chỉ biết sống với con tim, với những tình cảm nhất thời mà thiếu suy tính và kìm hãm là phàm nhân. Thế thôi.
Dẫu con người ta ai cũng biết rằng tình yêu và những ràng buộc của tình yêu, cũng như đời sống gia đình có nhiều khổ lụy. Dẫu cái hạnh phúc và chất ngọt của yêu đương, của đời sống hôn nhân là giả tạm phù du con người. Ta vẫn muốn tiến vào, mặc cho những đắng cay chua xót nhiều vô kể, dai dẳng ngay trong đời sống hiện tại và những kiếp sống tương lai. Đức Phật trong một bài Kinh có nói: "Người bị vợ con nhà cửa trói buộc còn chắc hơn cả lao tù. Lao tù còn có ngày được thả ra, vợ con trói buộc thì người ấy không có ý niệm xa rời. Lòng yêu mến sắc há sợ theo đuổi, tuy có họa kề bên miệng hùm, lòng vẫn cam chịu, vào bùn tự chìm nên gọi là phàm phu vậy ".
Hoặc một đoạn khác đức Phật nói: "Người theo sắc dục, cầu được thanh danh, khi được thì thân đã già suy ví như lửa đốt nhang, khi ngửi được mùi thơm thì nhang cũng thành tro, cái lửa đốt thân này đang ở đàng sau".
Chính ở những chất đắng này, mà con người ta phải mãi mãi chịu cảnh khổ đau trầm luân hết kiếp này đến kiếp khác.
Cũng may cho tôi là chưa đi vào con đường ấy chứ còn đam mê, thú vị và có được hạnh phúc như thế thì thật là chán đời. Tôi vốn đã từng chán cái đời sống đầy vô vị này trước khi tôi biết yêu nữa, nhưng nếu đi vào tình yêu với những cái đam mê, thú vị và hạnh phúc kiểu trên thì tôi thật không biết mình sẽ ra sao, có còn đủ sức để sống cho đến ngày hôm nay chăng?
Nếu chỉ với những cái bill trả nợ, những cái lo lắng, ham muốn về vật chất không thôi đã làm tôi không vui và mất ngủ, thì tưởng tượng ra nếu tôi đi thêm vào con đường này, những đêm mất ngủ của tôi sẽ kéo dài đến là bao. Con người khi bước vào tình yêu thường không tự chủ lấy mình mà chỉ sống, biết và hiểu theo cái tình cảm nhất thời. Họ có thể chết cho nhau nữa là khác như Plato nói:
"Tình yêu làm cho người con trai dám chết vì người yêu và người con gái cũng vậy".
Nếu sự hy sinh như vậy có thể sẽ được người đời ca tụng trong những bài văn thơ, nhạc về tình yêu. Nhưng nếu được nhìn dưới lăng kính của đạo, thì sự hy sinh ấy chẳng sáng suốt chút nào.
Tóm lại tình yêu muôn thuở vẫn là một chất liệu sống và kích thích con người, dù được nhìn dưới bất kỳ lăng kính nào. Đi vào con đường của tình yêu vẫn là đi vào con đường vô cùng, mà ở đó mặc khách không bao giờ cảm thấy mỏi mệt và chán ngán. Con đường ấy cũng là con đường mà cả thiên hạ trên thế gian này đã và đang đi. Nếu có thể ví nó là con đường như thế nào, thì tôi xin ví nó là con đường shopping, một con đường mà không nơi nào khác trên thế giới có khách hàng đi dạo chơi và mua sắm đông nhất. Đường tình yêu vẫn là con đường đông khách nhất. Ôi! tình yêu là cái chi chi, mà kẻ khờ cho đến người thông minh cũng thi nhau bước vào, mà chưa một lần tỉnh giấc để bước ra. Một khi đã vào cuộc rồi thì mấy ai muốn dừng lại mà ra về. Tôi, một người tu thì chẳng biết nói và làm gì để cản ngăn thiên hạ, chỉ biết trầm ngâm đứng nhìn một đỗi, mỉm cười trong lặng lẽ rồi âm thầm quay lưng bước đi.
Gửi ý kiến của bạn