Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 12. Ngủ

18/07/201509:46(Xem: 2627)
Chương 12. Ngủ
TỰ TRUYỆN MỘT NGƯỜI TU 
Thích Hạnh Nguyện 

Nhà xuất bản Hồng Đức 2015
CHƯƠNG 12
NGỦ

Hãy thưởng thức trạng thái ngủ mà thức, khi mọi căn của thân và tâm nằm trong trạng thái tĩnh lặng và dứt trừ các hoạt động trí năng. Trạng thái ngủ mà thức là một thức biết siêu việt. Nơi đó có sự sáng suốt toàn hảo, khi tâm của chính họ đã nhập vào trong đại thể. Sẽ không có sự tỉnh dậy từ giấc ngủ này. Sivananda.

Hồi còn làm chú tiểu tu học ở chùa tôi đã khổ không ít vì cái chuyện ngủ này, vì ngủ đối với tôi thường là một đam mê quái đản; tôi không bao giờ biết mệt mỏi khi ngủ nhiều, dậy trễ.  Khi chưa đi tu thì tôi có quyền nằm thẳng cẳng đến mấy giờ dậy cũng được, thường thì 8, 9 giờ sáng mới dậy, và cái dậy sau một giấc ngủ dài thẳng cẳng thì quả thật là thoải mái và thảnh thơi. Nhưng đến khi vào chùa tu rồi tôi không được phép làm những gì tôi muốn, mà chỉ làm theo những gì thầy tôi muốn, dù rằng việc ấy có khó chịu và khó khăn đến đâu. Con người hư hỏng của tôi bắt đầu được gọt đẽo lại kể từ thời gian ấy, cái giá của nó cũng thật chẳng giản đơn chút nào.

Hồi đó và mãi cho đến bây giờ tôi vẫn có cái ý nghĩ rằng, cái sướng nhất của người thế gian là được ngủ theo số thời gian mà họ muốn. Họ cũng có thể đi ngủ thật trễ một hai giờ khuya hay sớm khoảng tám chín giờ, để rồi khi thức dậy có thể là bảy tám giờ hoặc mười một, mười hai giờ trưa mà chẳng phiền hà ai, và cũng chẳng sợ ai la rầy. Cuộc đời con người của chúng ta thì giấc ngủ đã chiếm một phần ba kiếp sống này rồi, thế thì nếu người ta không tránh khỏi cái khổ trong đời sống vật lộn bon chen hàng ngày, thì người ta phải có quyền hưởng cái sướng và đẹp trong giấc ngủ chứ? Không hưởng được khi ngủ lẫn khi thức thì thế gian này còn lại gì?

Có những lúc tôi phải tự bào chữa với mình bằng những lý lẽ như vậy, để ráng nằm thêm chút nữa cho đã cái xác thân; nhưng những lời răn lời dạy của thầy tôi còn làm tôi đau nhức hơn, nên lâu lâu mới dám mạo hiểm một lần chứ không đến nỗi thường xuyên. Khi có những công việc đột xuất hoặc gặp thầy bạn huynh đệ nào ở xa mới đến, thì tôi phải thức khuya hơn để làm việc hoặc để chuyện trò, thế nhưng buổi sáng hôm sau cũng phải thức dậy đúng giờ. Tôi và thầy Hạnh Tấn hai người đồng thức dậy cùng thời gian là 5 giờ 15, sau khi rửa mặt xong phải lên chánh điện trước để thắp nhang đốt đèn trước bàn Phật. Đúng sáu giờ kém, thầy tối mới ra và mọi người bắt đầu tụng thời kinh công phu kinh Lăng Nghiêm. Ở nước ngoài hầu hết các chùa nếu có tụng kinh thì tụng vào giờ này hoặc trễ hơn nữa, để tránh tiếng ồn vang vọng giữa đêm khuya, có thể làm phiền người hàng xóm. Họ mà cảm thấy chút phiền hà đem nói với chính quyển thì sẽ có giấy mời hầu toà đến ngay, thế nên chuyện dọn chùa ở hải ngoại là điều thường thấy là do như vậy. Chùa tôi đặc biệt có thầy tôi lại là người siêng tụng kinh Lăng Nghiêm nhất, nên dẫu có lười và buồn ngủ đến đâu tôi cũng khó trốn né việc này; vì trốn né vắng mặt là thầy biết ngay và sau thời kinh là sẽ có trát đến tận phòng để mời vô nói chuyện.

"Hôm nay vì sao chú không đi tụng kinh?" Thầy tôi hỏi. "Dạ bạch thầy, con nhức đầu.". "Nhức đầu gì mà ngày nào cũng nhức đầu vậy?".

"Dạ, con không biết nữa, mấy hôm nay con cảm thấy mệt quá nên không đi được dù con cố gắng lắm." Tôi đáp một cách khéo léo nhưng chắc không qua mắt được thầy tôi, nên thầy răn đe.

"Chú mà không lên tụng kinh thì không được đâu nghe. Tu học mà biếng lười thì không nên tu vì như vậy thì sẽ bị đoạ chết. Ăn cơm, hưởng sự cúng dường của đàn na thí chủ mà không ráng lo tu thì kiếp sau mang lông đội sừng để trả nợ".

Với những lời cảnh cáo và nói gay gắt của thầy, kể từ đó tôi sợ và hết dám trốn tránh, vì có biết trốn tránh cũng không xong. Ở gần mặt trời mà làm vậy có ích gì, chẳng thà ở riêng một mình và xa xôi tận một nơi nào đó.
 
Những hôm sau thức dậy, đôi mắt mỏi mệt và cay xè, bước đi loạng choạng hướng về công tắc đèn để mở mà tôi tưởng chừng như mình ngã quỵ xuống và ngủ tiếp được, nhưng nghĩ đến ông thầy nghiêm quá nên đành thôi. Vậy ra có được một vị thầy nghiêm ít nhất cũng làm cho mình sợ, để bớt dễ duôi và lười biết với chính mình. Còn không sợ thầy hay gặp một vị thầy quá dễ dãi thì có thể mình sẽ cảm được một sự thoải mái nào đó trong đời sống tu hành; nhưng nếu không khéo sống trong sự ý thức và tự chủ với chính mình thì khi về già, ta có thể trở thành một vị tăng dốt, kiêu ngạo, lười biếng và hay tìm cách che mắt người. Có lẽ những điều này đã xảy ra rồi, nên ngay cả thời xưa, chư tổ cũng đã có răn dạy về điều này. Tổ Quy Sơn có dạy:

"Tu hành giải đãi biếng lười nên đến lúc tuổi già, lạp hạ thì lớn nhưng bụng thì trống rỗng. Do vì chưa từng thân cận bậc thiện hữu tri thức để học hỏi nên giáo pháp không biết, luật nghi cũng chẳng thông, thế nên chỉ biết xấc láo và ngạo ngược. Nói năng thì vô phép, lời to tiếng lớn, không kính kẻ trên người dưới. Khi ăn thì khua bát, khua chén và dậy trước, ăn rồi thì tụ họp ngồi nói chuyện tào lao như những người Bà la môn không khác, nên dầu đã bạc đầu mà chẳng có lợi gì cho người. Kẻ hậu học đến thưa hỏi thỉnh vấn Phật pháp thì không biết trả lời, hoặc nếu có trả lời thì đáp bậy không liên hệ gì đến kinh điển. Hậu sinh có chê thì thân tâm nổi giận, lớn tiếng át người nói, bảo họ vô lễ".

Thầy tôi đối với chuyện ngủ nghĩ không bao giờ đánh đòn đệ tử mà chỉ la rầy, nói những lời nghiêm khắc và cảnh cáo; còn đánh đòn thì chỉ đánh những chuyện khác. Đó là chuyện tụng kinh, đánh chuông đánh mõ sai điệu. Đánh chuông mõ sai điệu mà nhất là lúc thầy đang tụng thì thật là phiền hà, vì lúc ấy buổi lễ trông loạn hẳn lên. Những lúc ấy thì phải coi chừng thầy "phóng phi tiêu". Tôi và mấy chú khác trong chùa thường hay bàn nhau về chuyện này vì đã được chứng kiến thầy phóng vài lần. Số là trong chùa có chú Thiện Phước, một chú xuất gia trước tôi độ hơn một năm nhưng rất tối học và hơi kém lanh lẹ. Thầy dạy mãi mà chú học không vô, thầy la hoài mà chú chứng nào cũng tật nấy; cứ hay lãng vãng dưới bếp phụ giúp việc chung với mấy cô mấy bà. Học hành kinh điển thì học hoài không thuộc, thầy la rầy thì giương mặt nhe răng mà cười trừ. Tính chú ấy hiền hậu và dễ thương như vậy, nhưng khổ nỗi dốt quá thành ra la mãi thầy bỗng thấy bực mình, nên dần dà cũng chẳng ưa chú. Có lần trên chánh điện đang tụng kinh, chú đánh mõ sai nhịp sao đó, nên thầy đang ngồi tụng phía trên, bèn lấy cái dùi chuông đánh nhịp đều canh lại để nhắc chú đánh cho đúng nhịp. Thế mà chú vẫn tỉnh bơ, mạnh thầy thầy đánh, mạnh chú chú đánh và đường chú, chú cứ đi mà lòng chẳng nao núng. Quá bực, thầy phóng luôn cái dùi chuông vào người chú; dù có khờ khạo đến đâu nhưng lúc ấy tôi vẫn thấy chú né người một cách tài tình trong đường tơ kẻ tóc.
"Chú đánh mõ gì lạ vậy!" thầy tôi la lên và tiếp tục tụng kinh như thường lệ.

Quá hoảng chú Thiện Phước lùi lại ra sau, thấy tình cảnh tội nghiệp của chú, chú Thiện Tín nhào người lên trước đỡ lấy chuông mõ và tiếp tục đánh theo cuộc lễ. Chú Thiện Tín là một người lanh lẹ, học giỏi và khéo ứng xử trong mọi trường hợp nên chẳng bao giờ bị phóng phi tiêu, còn chú Thiện Phước thì ít nhất ba lần đã bị phóng ngay trên chính điện. Đánh mõ cho các bài kinh thông thường thì chẳng khó mấy, nhưng đánh cho bài kinh Lăng Nghiêm mà thầy tụng mỗi buổi sáng thì là cả một vấn đề. Thầy tụng rất nhanh, những đoạn sau gần như là thầy tụng nuốt hết tất cả chữ, thế thì biết đâu mà mò để đánh theo nhịp. Trúng nhịp thì thầy cũng chẳng thưởng cho gì, sai nhịp thì bị thầy để ý và răn đe phóng phi tiêu có phải là khổ không! Thế nên biết mình cũng thuộc loại chậm chạp, đánh mõ dở và hay sai, nên nếu đánh chắc thế nào cũng bị thầy ra tay; tôi đành thủ về phía đánh chuông cho chắc, vì đánh chuông rất dễ và chỉ đánh đủ số tiếng là được.

Chú Thiện Phước sau một thời gian ở chùa đã ra đi, không biết là tại vì thầy tôi khó và không thương chú mà chú bỏ chùa để về chốn cũ là nước Phần Lan, hay là tại vì tâm trí yếu ớt, khả năng tu học kém nên phải đầu hàng trước những khó khăn và thử thách của chốn thiền môn. Tuy nhiên khi về nước chú cũng ráng giữ y áo tu tập một mình đâu trong khoảng hai năm trường, nhưng rồi sau đó cũng hoàn tục. Tôi không biết là sau khi ra đời chú có còn thương chùa, tưởng nhớ đến thầy hay không? nơi mà chú đã ở, được sự dạy dỗ của thầy và được bao người trong chùa mến thương vì tính tình khả ái của chú; hay chú lại phiền hà trách móc thầy điều nọ, điều kia. Cái tâm lý thông thường của một người thua cuộc thường là hay thấy lỗi tại nơi nào đó, tại vì người này, người kia hoặc do hoàn cảnh mà thân tôi phải ra như thế này. Họ có biết đâu tất cả đều do tâm họ sai khiến với bao lý lẽ để, cuối cùng xúi dục họ ra đời. Người có can đảm chính là người dám thừa nhận sự thất bại này đây là do mình, nơi mình mà ra, chẳng có ai khác có thể làm mình thất bại ngoại trừ chính mình. Nếu con người ta đến với đạo Phật qua vị thầy thì cũng sẽ qua vị thầy họ bỏ đạo Phật, nhưng nếu đến với đạo Phật qua giáo lý của Ngài bằng sự hiểu biết của trí tuệ, thì họ sẽ không bao giờ rời bỏ đạo Phật.

Ở Việt Nam các chùa thường thức dậy rất sớm khoảng ba giờ hoặc ba giờ rưỡi để tụng kinh và ngồi thiền, và khi ngủ thì vào lúc 10 giờ. Do đó nên cái nhọc và mệt của những tu sĩ ở Việt Nam có phần hơn. Thầy tôi và ngay cả một số mấy thầy bạn đồng tuổi ở Việt Nam có kể lại nhiều chuyện vui về việc ngủ nghĩ và tụng kinh khuya này. Buổi khuya thức dậy, có chú lên tụng kinh mà cũng còn mắt nhắm mắt mở, nên sau khi tụng một hồi rồi thì mất bắt đầu nhắm lại luôn, cho đến khi một cái dùi chuông hay một cái dùi mõ nào đó đập vào đầu, chú mới sực tỉnh và dông tuốt ra ngoài. Có chú đang đứng đánh mõ tự nhiên vậy mà lại ngủ tỉnh bơ, khi đến hồi dứt mõ mà chú cũng đánh đều nhịp, người ta mới biết là chú đang ngủ và chỉ đánh theo thói quen. Vậy là cũng bị ăn những trận đòn tá hỏa tam tinh. Có chú buồn ngủ quá tìm cách chui vào cầu tiêu vào tủ để lén ngủ, thật là tội nghiệp nhưng đành phải vậy chứ biết sao vì giới luật tu hành buộc phải vậy, truyền thống chùa chiền là vậy, đâu còn cách nào khác hơn. Đức Phật dạy rằng:

"Người xuất gia thì lấy ba việc ăn, ngủ và nghỉ làm giới hạn, không cho nó đầy đủ như người thường. Vì ba điều ấy mà buông lúc phóng túng thì biết mấy cho vừa, lại thêm thời gian thoáng đó mà trôi chảy không ngừng nên không khéo tu, không khéo hành trì thì chỉ uổng kiếp sống một đời người, mà chẳng mang ích lợi gì cho mình và cho người".

Cái ngủ giờ đây đối với tôi sau nhiều năm luyện tập đã có phần nào giảm bớt, đã thuần phục dưới sự điều khiển của lý trí. Nó không còn là một căn bệnh quái đản như ngày nào, dù rằng giờ đây tôi ngủ rất ít, chỉ độ khoảng 5 tiếng mỗi đêm mà thôi, nhưng tôi vẫn cảm thấy khoẻ khoắn như thường. Thầy Hạnh Tấn thì càng đặc biệt hơn nữa vì thầy ấy mỗi ngày đều có thể ngủ 3 hoặc 4 tiếng là tối đa, ngủ nhiều hơn là thầy ấy cảm thấy đau dần trong người, cảm thấy lừ đừ và chẳng thể làm gì được, có lần thầy ấy nói với tôi như vậy. Ở chung với thầy ấy, thấy thầy ăn và ngủ mà tôi cũng phát sợ vì theo không kịp. Ăn thì thẩy có thể ăn quanh năm suốt tháng với độc một món, còn ngủ thì ngủ lúc 1 hay 2 giờ và thức dậy lúc 4 giờ. Ăn và ngủ như vậy, thì dù tôi có là thánh đi nữa chắc cũng chẳng theo nổi.

Sau thời gian sống ở chùa với thầy dù không được nhiều năm lắm, nhưng quen nếp sống ăn, ngủ và làm việc điều hòa của thầy nên nay tôi đã rất ảnh hường với thời khóa đều đặn hàng ngày. Thật ra cái ngủ tuy khó kìm chế nhưng lại là dễ, vì nó chỉ là một thói quen tự nhiên theo bản năng mà thôi. Nếu ta để cho thân này ngủ ngày tám tiếng mỗi ngày, thì khi làm khác đi do thời gian, hoàn cảnh nào đó thì ta sẽ cảm thấy mệt mỏi khó chịu vô cùng trong một thời gian nào đó; nhưng sống với thời gian của sự ngủ nghỉ mới một lúc ta sẽ quen, và chẳng thấy khó chịu nữa. Như người ngủ ít thì cũng vậy, và khi bị điều kiện hoàn cảnh nào đó để phải ngủ nhiều, họ sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn, thay vì thoải mái hơn như thường tình.

Sau một thời gian sống trong sự ngủ nghỉ điều độ, thì dù chẳng có sự khắc chế, cái thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ ấy cũng trở thành một bản năng ngủ và thức tự nhiên theo giờ giấc định sẵn. Kinh nghiệm cho tôi thấy là cứ đến giờ tụng công phu khuya là tôi tự nhiên thức giấc, hai mắt mở trao tráo và chẳng thể ngủ được nữa, đó là một điều mà gần như người tu nào cũng có qua thời gian tập luyện.

Trong những cái dục ái đam mê của cuộc đời thì trong đó cũng có cái dục ngủ, nên xem chừng như cái ham muốn và mê say của việc ngủ cũng không phải là xem thường cho lắm. Người tu thì do vì có lý tưởng và mục tiêu sống của họ, nên buộc phải kìm hãm bất cứ gì có thể kìm hãm được, để cho đời sống tu hành được thánh hóa hơn. Nhưng với người thế gian thì không có mục tiêu rõ rệt trong cuộc đời, nên con người ta thường chỉ tìm cách sống sao cho thoải mái thân này là được. Thân này càng thoải mái, càng sướng thì người ta càng cho rằng cuộc đời họ sẽ có hạnh phúc hơn. Do đó mà bao nhiêu tiện nghi vật chất được tạo ra cũng là để cho thân này, mà vật chất để cung ứng cho cái ngủ cũng đa dạng không kém. Trong những xã hội phương Tây, người ta bày biện ra biết bao nhiêu loại giường, kiểu nọ kiểu kia với đủ thứ thời trang đẹp mắt. Nào giường nước, giường sưởi, giường điện, giường bông, giường lò xo kéo lên kéo xuống và thôi thì đủ thứ. Nhưng bên cạnh, người ta cũng chế ra nhiều loại thuốc ngủ khác nhau để giúp cho cái ngủ nữa. Không biết có phải cái tình trạng mất ngủ của những người sống trong xã hội phương Tây kia, có phải là do có quá nhiều giường thời trang và tiện nghi kia không? Cũng có thể lắm chứ, vì một phần cái tiện nghi quá sức kia cũng chính là đầu mối đưa người ta đến mất ngủ. Thế nên cứ không phải ở cao sang với vật chất tứ bề là người ta có thể cố được một giấc ngủ ngon lành. Cứ không phải những kẻ đầu đường xó chợ lại phải ngủ trằn trọc đêm thâu. Cả hai trường hợp chúng ta đều có thể ngủ ngon và không ngủ ngon nếu biết, và không biết cách.

Thật ra con người chúng ta vì phải mang thân xác phàm này, nên việc ngủ phải là một yếu tố cần thiết cho cuộc sống. Tuy nhiên nó không phải là điều quyết định cái sướng, cái khổ của con người. Theo Phật giáo thì những người ngủ nhiều tâm trí sẽ bị ám muội, dật dờ và thiếu sự sáng suốt; còn nếu ngủ ít quá mà chưa có khả năng tự chế thì cũng có thể sinh ra phiền não. Trong hai điều đó cần phải có một sự dung hòa để thích hợp với tự thân. Với đức Phật một người đã hoàn toàn giác ngộ thì giấc ngủ thường tình đã không còn ảnh hưởng thân Ngài. Giấc ngủ của Ngài là sự nhập định. Trong kinh tả rằng vào buổi tối từ khoảng thời gian 10 giờ khuya đến 2 giờ khuya, là giờ đức Phật giảng pháp và hóa độ cho chư thiên. Từ hai giờ đến ba giờ Ngài đi kinh hành, từ ba giờ Ngài nằm định thần nghiêng về phía tay mặt. Từ bốn giờ đến năm giờ, Ngài nhập Đại bi định rải tâm từ bi đến mọi loài chung sinh, sau đó dùng Phật nhãn của Ngài để quán sát người có nhân duyên được độ. Đó là một giấc ngủ của bậc trí tuệ. Có lẽ chỉ có Ngài, bậc đại tuệ và là người đã diệt hết mọi lậu hoặc nên mới có thể sống một đời với các hạnh lợi tha nhiều và có sự ngủ khiêm tốn như vậy. Ngoài ra, ngay cả bậc đệ tử lớn của ngài là đức Mục Kiền Liên cũng không kiểm soát và chế ngự được cơn ngủ trong sự tu tập của Ngài. Trong kinh trưởng lão thượng tôn thùy miên, thuộc Trung A Hàm, đức Phật dạy ngài Mục Kiền Liên về phương cách chống lại cơn buồn ngủ như sau:

"Này Đại Mục Kiền Liên, nếu chứng buồn ngủ của thầy không bị diệt trừ thì hãy theo giáo pháp đã được nghe, tùy theo đó mà thọ trì, tâm suy niệm, tâm suy tư. Lại nữa, thầy có thể dùng hai tay xoa lên hai mép tai, hay lấy nước lạnh rửa mặt và dội ước thân thể, hay đi ra ngoài thất xem khắp bốn phương, nhìn các vì sao. Như vậy thì chứng buồn ngủ mới có thể được diệt trừ".

Ngài Mục Kiền Liên, một bậc thánh còn bị chứng buồn ngủ ngăn che và làm cho sinh ưu phiền, thì chúng ta hàng phàm phu tất sao tránh khỏi, nên ngủ hoài mà vẫn chưa thấy đủ, thấy đã là vậy. Và có lẽ vậy nên chúng ta mãi mãi còn là chúng sinh.

Xuất gia tu hành là cần phải hiểu cái lẽ vô thường hơn ai hết, nên việc ngủ nghỉ cần phải khắc chế. Đức Phật trong kinh Di giáo, Ngài cũng nói nhưng lời ân cần sau cùng khuyên bảo các thầy Tỳ kheo là chớ nên ngủ nghỉ nhiều, mà hãy lo gắng sức tu hành sớm hôm để cầu giải thoát. Ngài nói:

"Các thầy Tỳ kheo, ban ngày thì nỗ lực thực tập thiện pháp, không để thì giờ lướt qua, đầu đêm và cuối đêm cũng đừng để phế bỏ, giữa đêm lại phải tụng niệm để tiêu trừ nghiệp chướng. Đừng vì lý do ngủ nghỉ mà để một đời trôi đi, chẳng được chút ích lợi. Hãy nhớ ngọn lửa vô thường đang đốt cháy thế gian, hãy sớm cầu tự độ mà đừng ham ngủ nghỉ. Giặc phiền não thường rình rập để giết ta, dữ hơn kẻ thù thì tại sao ta có thể ngủ nghỉ mà không tự cảnh giác? Phiền não ngủ trong ta ví như rắn hổ mang màu đen nằm ngủ trong nhà, các thầy phải dùng móc sắt giữ giới mà cấp tốc móc kéo nó ra. Rắn độc ra rồi mới yên tâm mà ngủ nghỉ. Không ra mà ngủ thì thật là kẻ không biết sợ và hổ thẹn."

Nếu người ta thật tâm với đạo, với sự giải thoát cho chính mình và vì hạnh lợi tha cho người thì họ cũng không thấy có thời gian để ngủ nghỉ nữa. Thời gian trông dường như dài đằng đẵng của một ngày ấy thoáng qua là hết với bao nhiêu là công việc của sự tu hành, xem kinh sách, dịch thuật, giảng dạy và đi hoằng hóa nơi này nơi kia. Các bậc thầy đức độ của chúng ta đã là những tấm gương trước mắt. Tiêu biểu là thầy tôi đó! vì suốt cả một đời người đã không có sự phóng túng tìm cái an nhàn và ngủ nghỉ cho mình, mà chỉ lo cho Phật pháp, cho người với bao nhiêu là công hạnh lợi tha. Khi mà các bậc thầy ấy cảm nhận được ân đức của chư Phật, trách nhiệm mà quý ngài đang gánh trên vai, thì làm sao có dư thời gian rỗi rảnh để yên lòng lo chuyện ngủ nghỉ. Chính những tấm gương và đức hạnh sống gần gũi bên mình của quý thầy, chính những lời dạy tha thiết của đức Phật về việc ngủ nghỉ như thế, mà tôi mãi mãi có đủ thêm năng lực để tự khắc chế mình, hầu có thể mạnh dạn bước vững trên con đường giải thoát giác ngộ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/01/2020(Xem: 12565)
Càng có tuổi, hình như tôi càng nhận ra có cái gì đó ở ngoài ý chí mình, can thiệp vào mình tùy hứng khiến mình đôi lúc không khỏi chưng hửng, ngỡ ngàng, thầm nghĩ “duyên” chăng? Nhưng duyên là gì không biết. “Nghiệp” chăng? Nhưng nghiệp là gì cũng không biết. Thôi thì, cứ để nó trôi chảy, tự nhiên, bởi nó có vẻ chẳng cần đến ta, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…
16/12/2019(Xem: 6685)
Chùa do Thiền sư Liễu Quán (1667-1742) khai sáng vào đầu thế kỷ XVIII. Thiền sư là đệ tử đắc pháp của Hòa thượng Minh Hoằng - Tử Dung, được Hòa thượng trao tâm ấn năm 1712. Bấy giờ, chùa đã trở thành một đạo tràng lớn, có hàng vạn đệ tử học đạo, nghe pháp. Trong ba năm 1733, 1734 và 1735, Thiền sư đã mở ba Đại giới đàn truyền giới cho hàng vạn người tại chùa. Năm 1740, Thiền sư mở đại giới đàn Long Hoa ở kinh thành; năm 1742 mở Đại giới đàn tại chùa Viên Thông, nơi ngài khai sơn trước chùa Thiền Tôn. Thiền sư viên tịch năm Nhâm Tuất (1742), bảo tháp dựng ở một triền núi phía Đông Nam chùa vào tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), la thành bao quanh đồi tháp được xây vào năm 2001 nhân dịp đại trùng tu ngôi tổ đình.
15/12/2019(Xem: 18603)
INTRODUCTION "WITHIN A TREE, THERE IS A FLOWER WITHIN A ROCK, THERE IS A FLAME" BY SENIOR VENERABLE THICH NGUYEN TANG, QUANG DUC MONASTERY MELBOURNE, AUSTRALIA. "...The gift of the Dhamma excels all gifts; the taste of the Dhamma excels all tastes, and delight in the Dhamma excels all delights. The eradication of craving (i.e., attainment of arahatship) overcomes all ills (samsara dukkha). The gift of the Dhamma is the greatest giving among the all other givings. The one who is well trained in the Dhamma will share his understanding of the Dhamma either by writing a book, by preaching Dhamma, by discussing Dhamma, or by writing an article. Master Thich Nguyen Tang has used all these methods in his contribution to the Dhamma. Giving food or clothes or any other material items to a person makes them happy and they indeed will survive in the world, but they cannot get rid of this terrible circle of birth and death. It can be done only by understanding the noble Dhamma. Thus, the wr
09/12/2019(Xem: 4406)
Hơn một thế kỷ trước, một người quốc tịch Anh đã thất bại trong việc nghiên cứu về Giáo Lý Đạo Phật. Đó là giáo sư Rhys Davids, con của một mục sư Cơ Đốc Giáo. Ông đã bỏ ra nhiều năm học tiếng Pali, kiên nhẫn tìm tòi, nghiên cứu các kinh điển Phật Giáo chỉ để mong đạt mục đích là chứng minh giáo lý Đạo Phật thua xa giáo lý Cơ Đốc. Nhưng Rhys Davids đã thất bại với công việc này!
07/12/2019(Xem: 8381)
Cuối năm, lên núi thăm Chùa Sắc Tứ Kim Sơn, hầu chuyện với Thầy trụ trì Thích Nguyên Minh, tôi được Thầy ban tặng một cuốn lịch để về treo đón năm mới Canh Tý 2020.
05/12/2019(Xem: 4656)
Tiểu Truyện của HT. Thích Huyền-Tôn 玄宗小傳 (Đây là bài Tự Thuật, nên 2 chữ Ht(trong bài) là người viết, {Huyền Tôn} cũng là đạo hiệu. Còn 2 chữ HT lớn, Là để chỉ cho các HT đương thời. ) Đời sống Đạo của HTHuyền-tôn: *Sanh: VL. 4807. Mậu-thìn (1928) *6t, xuất-gia. Quy-Y, Pd Như-Kế. Giáp-tuất (1934). *13t, Thọ Sa-di, PhápTự Giải-Tích. Tân-Tị (1941). *20t, Tỳ-Kheo, HiệuHuyền-Tôn. Mậu-tý (1948). *43, Thượng, Tọa. Chùa Pháp-vân, Tỉnh Gia Định Sai-gòn. *66, Hòa Thượng, Tại Hoa Kỳ.
26/11/2019(Xem: 7585)
Những ngày ở Áo Thích Như Điển Lâu lắm rồi tôi mới trở lại Áo trong mùa Đông như năm nay, từ ngày 22 đến 24 tháng 11 năm 2019. Thầy Viên Duy và một Phật Tử đến phi trường Wien (Vienna) đón tôi vào chiều ngày 22 tháng 11, đưa về chùa Pháp Tạng, nơi Thượng Tọa làm Trụ Trì và Hòa Thượng Thích Trí Minh làm Cố vấn và lãnh đạo tinh thần. Đây chẳng phải là lần đầu tiên tôi đến Áo, mà những lần trước đó, kể từ năm 1978 đến nay chắc cũng hơn 10 lần, nhưng mỗi lần lại mỗi khác, chẳng có lần nào giống lần nào cả
18/11/2019(Xem: 6492)
Đại chúng thương mến, Như thông lệ hàng năm với 4 khóa tu Xuân - Hạ - Thu - Đông, Khóa Tu Mùa Đông năm nay được chùa Sắc Tứ Kim Sơn tổ chức vào các ngày 20,21,22/12/2019 (Nhằm ngày 25,26,27/11 ÂL). Thương mời Đại chúng cùng về chùa thực tập ăn cơm chánh niệm, thiền hành, thiền tọa, tụng kinh, nghe pháp thoại, chia sẻ pháp đàm và hát thiền ca cùng Quý Thầy - Quý Sư Cô giữa không gian xanh mát của núi đồi Kim Sơn. Khóa tu còn là cơ hội để quý vị trở về và tiếp xúc với một nếp sống giản dị - bình an, tập nhìn lại chính mình giữa cuộc sống bận rộn, hối hả.
31/10/2019(Xem: 5396)
Vào ngày 4/6/2018, nhà vẽ kiểu túi xách Kate Spade/ Kate Valentine thành công với tài sản ước lượng 200 triệu Mỹ Kim, bà đã treo cổ tự tử ở trong phòng riêng, để lại một tuyệt mệnh thư cho con gái, trong khi chồng ở một phòng khác. Điều này cho thấy “Thành công và tăm tiếng chưa chắc đã ngăn ngừa được sự buồn nản, chán đời” (Kate Spade's suicide is proof that money and fame can't deter depression).
29/10/2019(Xem: 5354)
Tuần qua tin tức thế giới chấn động khi được nhìn thấy 39 thi thể của những nạn nhân vì mục đích đi tìm hạnh phúc cho gia đình mình, cho mình và người thân theo quan niệm thường có ở thế gian ( của cải, vật chất) đã không màng đến tính mạng rủi ro xảy ra trên đường đến Anh Quốc . Chúng ta thường đã được nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận thức như sau khi đã tiếp xúc với nhiều dân tộc, ra nhiều thành phần trong xã hội " TẤT CẢ CHÚNG TA AI CŨNG MUỐN SỐNG CÓ HẠNH PHÚC CHỨ KHÔNG THÍCH KHỔ ĐAU " .
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]