Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4. Học hạnh một người tu

18/07/201509:33(Xem: 2696)
Chương 4. Học hạnh một người tu
TỰ TRUYỆN MỘT NGƯỜI TU 
Thích Hạnh Nguyện 

Nhà xuất bản Hồng Đức 2015
CHƯƠNG 4
HỌC HẠNH MỘT NGƯỜI TU

Hai mươi hai năm trước đến chùa lễ Phật, nhìn dáng thầy uy nghiêm, con cúi chào mà khơi phát xuất trần hạnh nguyện.
Hai năm sau vào chùa xuất gia, trông bóng thầy cao cả, con sụp lạy mà hưng phấn Bồ đề đạo tâm.
Cõi đạo vô biên, chân con bé bỏng, thầy dìu con bước, sáng chiều sớm tối với Tỳ ni Nhật Dụng.
Cửa pháp vô cùng, tâm con cạn cợt, thầy dạy con tu, phút giây tháng ngày trong Tịnh Độ pháp môn.
Bưng bát cơm, nâng tách nước,  tam thiên oai nghi thầy chăm chút nhắc nhở.
Lau bàn thờ, tưới vườn hoa, bát vạn tế hạnh thầy tỉ mỉ khuyên răn.
Khi hoang mang, khi nản lòng  nhớ lấy gương thầy mà vươn mình bước thẳng.
Lúc vấp ngã, lúc buông xuôi, ôn lại lời người mà ngước mặt đi lên.
Lời người đó, ấu thời xuất gia, tâm chưa vọng động dễ huân tập, để mai này "thiệu long thánh chủng"
Gương thầy đây, tuổi thơ vào chùa, chân còn chập chững, đã cảm nhận từ bây giờ "phát tục siêu phương"
Cơm đạm bạc nhờ thế mới nuôi bền giống Phật
Áo thô sơ do vậy mà che ấm thân phàm.
Vĩnh Hảo


Thử thách ban đầu đến với tôi là học thuộc lòng bài kinh Lăng Nghiêm. Nhìn cuốn kinh thầy giao với bài kinh Lăng Nghiêm, và các bài sám tụng ban sáng mà tôi thấy ớn người. Tôi vẫn biết mình có cái vinh dự là được xuất gia trước khi học thuộc bài, vì theo truyền thống thì không ai được vậy, mà họ còn phải làm công quả, sống đời sống tập sự xuất gia cả hàng năm trời trước khi được cạo tóc. Tôi biết mình có may mắn, nên cái khó của việc học kinh chẳng làm tôi nản lòng, mà coi đó như là một thử thách đầu tiên. Thế là sau đó đêm ngày tôi học, từng đoạn, từng đoạn rồi sau ráp lại và cuối cùng việc gì đến nó cũng đến; đó là ngày tôi được kêu lên hỏi bài. Thầy tôi chọn một số đoạn trong kinh và nói tôi bắt theo đó mà đọc tiếp. Tôi cũng còn nhớ là khi đó tôi đọc cũng suôn sẻ, nên thầy rất hài lòng.

Công việc học kinh cũng chưa hết, và tôi bắt đầu được yêu cầu học tiếp bài kinh A Di Đà với các nghi thức liên hệ trong thời công phu chiều. Một tuần sau, tôi lên trả bài cho thầy để thầy biết là tôi đã học thuộc tất cả các bài kinh trong một thời gian khá kỷ lục. Thầy tôi lại cũng tỏ lòng vui vẻ, vì thấy đứa đệ tử mới này cũng không đến nỗi ngu đần.

Thầy tôi khoảng mươi năm trước còn rất trẻ, tôi còn nhớ khi vào chùa lần đầu tiên tôi gặp thầy đang loay hoay làm cái gì đó trong chánh điện. Không biết đó là thầy trụ trì, tôi bước đến gần và hỏi: "bạch thầy, con muốn được xin gặp thầy Như Điển", thầy đáp: "thầy đây". Sau đó tôi mới giới thiệu với thầy rằng tôi là phật tử từ Đan Mạch đang  muốn đến lễ Phật.

Là một người được đi du học ở xứ Nhật, thành tựu và sau có nhân duyên sang Đức và làm việc phật sự tại đây, thầy tôi đã chứng tỏ là một người có khả năng và đạo hạnh. Cái khả năng mà thầy tôi được thừa hưởng từ nơi những ngôi chùa, tổ đình ở Việt Nam cho đến khoảng thời gian sống ở Nhật đã làm thầy tôi trở thành một con người có chí và ham học. Do đó thầy đã không mấy dễ dãi trong việc học hành đối với các đệ tử, những mong về sau các thế hệ này mới có thể đóng góp cho đạo một cách tích cực. 

Tôi và các chú lớp lớn lúc ấy đã một phen bở vía vì cái khó của thầy. Lớp trước tôi có hai chú, đó là chú Thiện Phước và chú Thiện Thành và hai chú này xuất gia trước tôi độ một năm. Thời gian đầu vào chùa, tôi như con nai hiền; ai sai đâu dạ nấy, ai bảo gì làm nấy nhưng rồi ra ngoài những giờ làm việc ấy, tôi rúc vào phòng và tìm chỗ yên tịnh để xem kinh sách. Cuộc sống gần như lập dị đến nỗi nhiều người phải than phiền. Có lẽ đó là cá tính riêng của mỗi người, và đôi khi tôi thấy mình cũng kỳ kỳ khi nghe người ta nói quá nhiều và muốn sửa, nhưng được một hai ngày rồi đâu cũng hoàn đó. 

Khoảng hai tuần sau ngày tôi xuất gia, một buổi thế phát khác cũng được tổ chức tại chùa, vậy là có thêm một chú nữa xuất gia! Pháp danh chú là Thiện Tín, con người xương xương nhưng có một nghị lực vô cùng mạnh mẽ. Ngày chú xuất gia cũng có tôi dự lễ, ngày trước ấy có  một buổi họp của các thầy cô trong chi bộ, nên buổi lễ hôm đó có đông quý thầy cô tham dự. Chú cũng có hai cô em gái tham dự trong buổi lễ, lúc đọc lời phát nguyện cũng như lúc cắt tóc chú, tôi để ý thấy hai cô em gái chú khóc, má chú không đi dự lễ này vì bà ta không được vui nhưng phải miễn cưỡng bằng lòng cho phép chú xuất gia. 

Là con trai một trong gia đình và được mẹ gửi ra nước ngoài từ lúc nhỏ, bà rất trông mong và hy vọng vào tương lai tươi sáng của con mình. Có bà mẹ nào mà không mong con được công thành danh toại với cấp bằng kỹ sư, tiến sĩ nọ kia. Chú cũng học giỏi và đang trên đường thành tài, cùng thời gian ấy bảo lãnh được mẹ và hai cô em gái sang. Không ngờ tin vui với những thành tích học tập mà con bà đạt được thì nghe tin con trai đi xuất gia. Cả một bầu trời hy vọng tan rã và bà ta buồn bã suốt ngày, cố tìm mọi cách ngăn trở. Thời gian nghe đâu cũng kéo dài gần một năm trời ở trong chùa làm việc công quả, mà vẫn chưa được phép mẹ cho đi xuất gia. Có lúc mẹ chú lên chùa khóc lóc, xỉu lên xỉu xuống khi nói chuyện với thầy và yêu cầu thầy đừng dụ dỗ chú đi tu. 

Tuy nhiên có lẽ khi thấy tôi đến sau mà được xuất gia trước nên chú cũng háo hức, tìm phương cách khác để mong thành tựu ý nguyện của mình. Thế là buộc lòng chú phải về nhà thuyết phục và làm áp lực với mẹ: "nếu mẹ cho con đi xuất gia, thì con còn ở gần mẹ, còn không  con sẽ đi thật xa sang một nước nào đó ở tận bên kia chân trời".  Nghe người con nói vậy, bà có lẽ biết rằng con mình giờ đây đã vượt khỏi tầm tay của mình, nên miễn cưỡng gật đầu mà hai hàng lệ chảy tuôn. Vậy là ý chí và nghị lực của chú rốt cuộc cũng được tương thưởng bằng lễ thế phát xuất gia sau đó.

Kể từ khi có thêm bạn mới và đông các đệ tử, thầy tôi lập chương trình và giảng dạy chúng tôi kỹ hơn. Về giới luật có các phần về oai nghi tế hạnh của một người xuất gia, về tu niệm có pháp niệm tâm nương theo các bài kệ trong Tỳ ni Nhật dụng, về kinh thầy giảng về ý nghĩa các bài kinh quan trọng và phổ thông hàng ngày, về chữ nghĩa thầy dạy Hán văn của các bản kinh thường tụng và về phần nghi thức, thầy dạy cách đánh chuông mõ và âm điệu nhịp tán tụng. Thầy chăm chút nhắc nhở và dạy bảo từng ly cho chúng tôi như người cha, người mẹ hiền thương yêu chăm sóc cho những đứa con đầu lòng. Chúng tôi đã là những người con biết lễ, vì trong thời gian đầu ấy vâng lời thầy một cách kính cẩn; các thời khóa tụng công phu buổi sáng, buổi chiều không khi nào bỏ sót. 
 
Khi còn nhỏ tôi thường có cảm tình và quý mến các thầy không những vì các câu chuyện đạo hấp dẫn, mà cũng bởi một phần trong các phong cách của quý thầy. Ở nơi cử chỉ của một người tu, tôi thấy có gì đó nhẹ nhàng và thánh thiện, chứ không như những hành động thông thường của anh chị em tôi, hoặc ở nơi các bạn cùng trang lứa. Tôi không hiểu rằng đó là do cái nhìn chủ quan của tôi khi thấy họ mặc chiếc áo nhà tu đạm màu, hay do từ một nguyên nhân nào khác. Thế nhưng giờ đây khi bước vào nếp sống ấy tôi mới thật sự hiểu được cái chất liệu gì tiềm ẩn bên trong chốn thiền môn, để có thể tái tạo ra những người tu hành hiền lành, có đời sống đạo đức với những ý nghĩ và hành động nhu hòa khác tục. Dù cho những phật tử thuần thành hay đến chùa lễ phật, tụng kinh hoặc thường hay tham dự những buổi thọ bát quan trai, thì cũng chẳng ai có thể hiểu được hoặc cảm nhận đúng như là khi người ta chính thức xuất gia. Có lẽ cái tâm tha thiết khi cầu đạo xuất gia, chiếc áo đang mặc và lòng tín thành thanh tịnh của một người tu đối với vị thầy, mới có thể đem lại những cảm nhận ngây ngất trong thời gian đầu học đạo.

Nếu người đời quan niệm rằng những kỷ niệm đẹp nhất là trong thời thơ ấu của lứa tuổi học trò, hoặc trong thời gian ban đầu của tình yêu thì với một người tu, thời gian mới bước vào chùa làm chú tiểu, tu học sẽ là thời gian của những kỷ niệm đẹp nhất trong đời. Giờ đây đã mười năm qua rồi, tôi không màng những kỷ niệm thời thơ ấu nhưng với kỷ niệm của thời ở chùa, thời gian học đạo ban đầu với thầy vẫn còn man mác và bàng bạc trong tôi. Bắt đầu vào chùa tu là bắt đầu bước vào một ngưỡng cửa mới, một khúc quanh ngã rẽ của cuộc đời. Ờ đó tôi được thầy dạy bảo từng ly từng tí. Làm một người tu không phải là đơn giản vì làm một người tu là làm một người mẫu mực để cho thế nhân nhìn vào mà noi theo. Thầy tôi có lần còn nói: "người tu là người làm dâu cho trăm họ". Thế đấy, có đơn giản và dễ dàng đâu! Một người con gái khi lập gia đình thì phải về làm dâu nhà chồng. Sớm hôm tận tụy trong các công việc trong ngoài, công dung ngôn hạnh đều thông để có thể làm vui lòng gia đình chồng. Thế mà người tu nào cũng phải trải qua sự chịu đựng, sự than phiền trách cứ nào đâu của một người, một gia đình đâu mà cả một nhân thế. 

Thế nên việc đào luyện một người tu ngay từ trong trứng nước là cả một công trình của một vị thầy. Thầy tôi và ngôi chùa Viên Giác tựa như người chủ và một lò rèn, mà ở đó chúng tôi như những đồ vật mẫu được đưa vào để rèn lại hầu có ích và hữu dụng hơn cho đời. Từ cách nói văng tục, những ngôn từ thô lỗ ngoài đời, tôi được chỉnh và sửa lại với những từ ngữ nhẹ nhàng, có ý vị đạo để làm cho những người buồn phiền được vui, những người vui được thấm nhuần lý đạo. Rồi cách đi, cách ngồi thô lỗ ngoài đời, tôi cũng được thầy dạy lại, chỉ bày cặn kẽ về những oai nghi tế hạnh khi đi, khi ngồi của một người tu để người ta nhìn vào sanh lòng mát mẻ dễ chịu vì những sự đoan chánh, trang nghiêm của một kẻ sống đời khác tục. Những điều này cũng chẳng dễ đâu vì tôi cứ hay bi quên hoài là khi đi hai tay đánh lắc lư thật mạnh, khi quên thì chạy xốc áo xốc quần, khi ngồi thì gác chân lên bàn, lên ghế hoặc ngồi dãng cả hai chân. Toàn là những cử chỉ thô tháo dị hợm của những người thiếu học. Những lúc thầy tôi gặp vậy, thầy thường hay cười và ký vào đầu tôi một cái để nhắc nhở, tôi giật mình chợt hiểu và trở về cái tế hạnh mà tôi vừa mới học. Thật là ngu, vì sao khi bị ăn ký thì tôi mới hiểu và ý thức được điều ấy nhỉ!

Không phải chỉ nơi những lời nói và các hành động bên ngoài mới cần sửa đổi mà ngay cả các quan niệm, nhận thức, lối hiểu của tôi theo phàm lệ cũng được chùi rửa và đánh bóng lại. Tôi không được nghĩ nhiều dù là những chuyện đúng ở ngoài đời, huống hồ là nghĩ tưởng đến những chuyện bậy. Cái đúng, phải hợp theo thế nhân dần được loại bỏ, trong tôi cần phải được thay thế bằng những giây phút chánh niệm, có ích cho sự tu tập bằng cách làm khởi phát những tâm niệm lành, có lợi cho mình và chúng sinh. Lúc ấy tôi thấy sao đâu đâu? cái gì cũng có chúng sinh ở trong đó và tại sao phải vậy? khi mà chính mình cũng chưa có được những lợi ích như vậy. Thầy tôi phải rộng nghĩa giải bày, khi gần khi xa cái lý nhân duyên và quan hệ sâu xa giữa mình và chúng sanh thì đầu óc ngu tối của tôi khi ấy mới được rõ ràng. 

Những thao tác hàng ngày của tôi lúc bấy giờ bắt đầu được đi kèm với chánh niệm qua các bài kệ ngắn trong Tỳ ni Nhật dụng. Ngay từ tờ mờ sáng thức dậy, lúc còn nằm trên giường tôi đã được dạy phải niệm thầm bài kệ: "Ngủ nghỉ mới dậy, cầu cho chúng sinh, trí tuệ tỏa  biết, khắp đoái mười phương", nghĩa là: khi tôi mới thức dậy, tôi cầu nguyện cho tất cả chúng sinh có được trí tuệ sáng suốt chiếu rộng khắp cả mười phương. 

Trước khi bước chân xuống giường cũng phải niệm một bài kệ khác: Giờ đây buổi sáng giờ Dần cho đến lúc tối, cầu nguyện cho hết thảy các loài chúng sanh đều tránh gây tạo các nghiệp ác, khi bước chân xuống dưới giường và vo tình chạm phải những chúng sinh nào để nó phải chết, tôi xin cầu nguyện cho nó được vãng sinh vào cảnh giới an vui của tinh độ, án... 

Khi bước vào nhà tắm, lấy nước để rửa mặt cũng có lời niệm: "Lấy nước rửa mặt, cầu cho chúng sinh, được pháp môn sạch, hàng không dơ bẩn, bàn lam toa ha", nghĩa là: khi tôi lấy nước rửa mặt, tôi cầu nguyện cho  tất cả chúng sinh chọn được một pháp môn tu thanh tịnh, không bị những ô uế dơ bẩn, An... 

Khi lấy nước rửa tay cũng khởi niệm: "Lấy nước rửa tay, cầu cho chúng sinh, được tay trong sạch, vâng giữ pháp Phật, án chú ca ra da toa ha", nghĩa là : khi tôi lấy nước rửa tay, tôi cầu nguyện cho tất cả chúng sinh, đều có được những bàn tay trong sạch để duy trì và làm sáng rạng giáo lý của đức Phật, Án... 

Đến khi đi vệ sinh, khởi niệm: "Khi đi đại tiện, cầu cho chúng sinh, bỏ tham sân si, dứt hết các tội, Án ngận lỗ đà da tóa ha", nghĩa là: khi tôi đi vệ sinh, tôi cầu nguyện cho tất cả chúng sinh, loại bỏ được hết tất cả tham sân si và dứt trừ hết tất cả mọi tội lỗi, Án...

Tiếp theo là một dọc dài các bài kệ để niệm mỗi khi đi, đứng, ngồi, nằm, khi nói chuyện, khi ăn, khi uống v.v.. cho đến khi tối bước chân lên giường để ngủ: 

"Đến khi ngủ nghỉ, cầu cho chúng sinh: Đến khi tôi nằm ngủ này đây, tôi cầu nguyện cho tất cả chúng sinh có được một trạng thái tâm an ổn và cõi lòng không bị náo loạn.

Tất cả có 45 bài kệ niệm để giữ tâm chánh định và phát khởi lòng bi mẫn đối với mọi loài chúng sanh. Tâm niệm của một người tu dù là mới bước vào cửa đạo, cũng được uốn nắn và thuần thục với những niệm lành và ý nghĩ cao thượng như vậy. Những tâm niệm vọng động, ích kỷ nhỏ nhen cần phải bỏ lại tất cả cho cuộc đời. 

Hèn chi mà tôi ngay từ lúc nhỏ đã cảm thấy nơi những người tu có những cử chỉ và hành động nhẹ nhàng đoan trang khác với những người thường. Tôi chợt nhận ra nơi người tu là có cả một quá trình luyện tập và làm chủ tâm ý mỗi khi làm việc, hoặc nói năng. Những điều ấy làm sao có được nơi một người thế tục dù rằng ở nơi họ có đủ bằng cao chức trọng. Nếu ở nơi người thế gian họ trang điểm chính họ bằng những vật trang sức hay ở những mảnh cấp bằng thì nơi người tu, trang sức đẹp đẽ nhất chính là chánh niệm và những giới hạnh trong cuộc sống. Chính những điều này mới là trang sức trang nghiêm và làm đẹp người tu. 

Đức Phật đã dạytrong kinh Pháp cú: 

Hương các loại hoa thơm, 
Không ngược bay chiều gió. 
Nhưng hương người đức hạnh, 
Ngược gió khắp tung bay. 
Thì ra có phải đâu là người tu khi chỉ đơn giản mặc vào chiếc áo lam, áo nâu hoặc khi đầu được cạo nhẵn, mà bề sâu bên trong họ còn phải trải qua cả một quá trình luyện tập về tâm và làm chủ lấy tâm. Chính những điều này lại là điều mà thế nhân lơ là và bỏ mặc. Họ thường sống với các hình tướng hư ảo bên ngoài, căn cứ vào đó để nhận định và đánh giá về người. Không những chỉ riêng họ đối đãi với nhau như vậy mà sau này, họ còn áp đặt và đưa những quan niệm và đánh giá như vậy vào một người tu nữa.

Sống trong xã hội ngày nay, tôi càng thừa hiểu và thấm thía hơn tự bao giờ về những điều mà con người ta thường tự ước định. Một người tốt hoặc lịch sự phải là người có học thức, có áo quần thật đẹp với những bộ áo vét thẳng, thắt nơ cà ra vát. Vượt ra ngoài những ước lệ đó là ta sẽ bị nhìn với đôi mắt nghi ngờ và dò xét. Thế nhưng có phải mỉa mai thay khi cũng có rất nhiều người rất có học thức, có áo quần thật đẹp nhưng lại là những người xấu xa và thô tục nhất. Nếu chiếc áo không làm nên ông thầy tu, thì làm sao những cái hình tướng giả tạo bên ngoài ấy lại có thể tạo nên những con người tốt và lịch sự được, như con người ta thường tưởng và ước định. Thế nhưng đó lại gần như là cái nhìn và quy luật chung của con người trên thế gian này. Chính cái tạm bợ và giả dối ấy mà đức Dalai Lama cũng phải than rằng: "Con người ta thường sống không thật với chính họ. Họ cười nhưng không phải cười, vui vẻ, niềm nở và lịch sự nhưng không phải vui vẻ niềm nở và lịch sự.  Phải chi con người biết sống thật thì thế giới này sẽ ít hiểm họa, và nhân loại sẽ được an bình hơn".

Tôi công nhận rằng người tu ngày nay cũng ít nhiều bị lệ thuộc vào cái ước định chung của nhân thế, để dần dần thay đổi bản sắc của chính mình, dù rằng mình là những người có trách nhiệm soi sáng những sai lầm trên cho người thế tục. Một cái danh từ Đại đức hay Thượng tọa khi được kèm vào câu thưa gửi cũng làm cho người tu vui thêm lên, một chiếc y vàng có thêm những đường kim tuyến cũng làm người tu cảm thấy sang hơn và hãnh diện hơn thường lệ, tất cả những thứ đó nếu khởi đầu không xuất phát từ những người chung quanh thì là ai. Hình như con người có cái tâm lý thích được tôn vinh và sùng bái; nhưng tiếc thay đó lại là bề trái của cái ngã, cái mà người tu cần phải thường xuyên ý thức và đoạn trừ. 

Có những người đời thường đem so sánh những chú tiểu hoặc các thầy trẻ tuổi với hàng con cháu của họ: 

"Chào chú, chào thầy! sau khi chuyện trò một lúc, à! thầy cũng bằng tuổi con, cháu của tôi, đứa út tôi năm nay cũng bằng tuổi thầy đó, thầy đi tu bao lâu rồi? Tội nghiệp thầy quá, tu hành cực khổ, trẻ mà đã đi tu rồi! Thầy tôi thường kể những chuyện như vậy cho chúng tôi nghe, cũng có lắm khi đáp lại cho các phật tử ấy rằng: cho dù bác có 70, 80 tuổi đi nữa thì với đạo bác vẫn còn là con số không, còn khờ khạo và ngây thơ vô cùng. Tôi lấy làm thú vị với những giải thích của thầy tôi lắm, vì ít ra tôi cũng có cái để hơn họ, hơn những người đã từng đi trước tôi cả một hai thế hệ. Những điều thầy tôi nói là sự thật vì họ tuy lớn tuổi và quá khứ dù có những kinh nghiệm thành tích phi thường trong cuộc sống, họ vẫn là những chú bé nhồi bông của người thợ vô minh. Để rồi trong cuộc sống từ cách suy nghĩ, đi đứng, ăn uống nói năng đều căn cứ và chấp vào thân này, cái tôi này, vợ con tôi, nhà cửa và tài sản của tôi này. Có một phút giây nào chăng trong cuộc đời, họ giác tỉnh theo lời dạy của đức Phật về cái vô nghĩa của thân mạng họ, vợ con và tài sản họ một mai này khi mất đi:

Con tôi, tài sản tôi, Người ngu sanh ưu não;
Tự ta, ta không có, Con đâu, tài sản đâu?

Mấy khi họ ý thức được điều này về cái giả tạm, vô thường của thân xác, gia đình và cuộc đời để bớt bám víu vào, bớt chấp thủ vào hầu dần dần cởi bỏ để đi tìm một lối thoát cao cả, và lợi ích hơn cho tha nhân.

Thế mà họ còn nhìn người tu hành với những cặp mắt tội nghiệp và thương xót, đối với họ người tu hành là người đáng tội và đáng thương. Tôi đã từng nghe nhiều người tỏ lòng thương không đúng chỗ lên những người tu hành. Tôi không hiểu có bao giờ họ đặt lại vấn đề đó nơi ho, để tội nghiệp và thương xót cho chính họ hay không. Dĩ nhiên là khó thấy quá, ngay cả một số người tu chúng tôi cũng khó thấy nếu họ không được trang bị niềm tin chính kiến và sự hiểu biết trí tuệ. Có lần nọ một thầy ngồi nói chuyện với tôi: "Thầy sống làm sao cố gắng sống để cho người phật tử họ thương mình."Tôi không bằng lòng lắm với câu nói trên và đáp lại rằng: "Dĩ nhiên là đừng làm cho họ ghét người tu; nhưng nếu để làm cho họ thương theo kiểu tội nghiệp người tu, thì con không cần. Con không cần họ thương mình theo kiểu tội nghiệp, vì mình có làm gì đâu để họ tội nghiệp, họ phải tội nghiệp cho chính họ mới đúng. Họ sống trong cái giây nhợ chằng chịt buộc ràng của đời sống gia đình, họ sống trong cái tôi của bản thân, cái tôi giùm cho vợ, con, nhà cửa và tài sản và cho trăm nghìn cái vật linh tinh khác mà không một chút ý thức. Toàn bộ năng lực của thân người họ đều dùng vào mục đích kiếm tiền để bảo vệ cho cái tôi của họ, của người thân và tài vật của họ dù rằng những thứ ấy họ phải miễn cưỡng buông xuôi, một khi nhắm mắt từ giã cõi đời với hai bàn tay trắng. Họ sống mà không một chút ý thức về sự thật và chân lý chắc thật như vậy, thì họ mới đáng là người cho chúng ta tội nghiệp chứ". Nghe tôi trả lời như vậy, thầy ấy im lặng. Thời gian không lâu sau, thầy ấy cởi áo hoàn tục.

Những tháng ngày đầu trong chùa trôi qua êm ả và nhanh như một giấc mộng. Tôi bắt đầu thấy mình chín chắn hơn trước, qua những lễ nghi phép tắc của người tu mà tôi phải giữ. Tuy nhiên tôi thấy mình cô đơn trong môi trường mới. Thầy tôi là một khoảng cách xa mà tôi chẳng với tới được và thầy chỉ có nói chuyện gì cần thiết với tôi khi có chuyện mà thôi, ngoài ra các huynh đệ khác họ dường như chỉ thân mật và chơi chung với nhau. Tôi như một thằng lính mới vừa vào quân đội, lại chẳng mấy cởi mở nên rồi chỉ biết sống với thế giới riêng tư của mình. Chùa Viên Giác lúc ấy còn ở nơi cũ, một kho hàng cũ mèm đã được thầy tôi cùng các phật tử sửa sang và tân trang trở lại và đặt tên cho nó là: "chùa Viên Giác." Thế nên cái chùa mà tôi ở đó tuy thanh tịnh và rất hiền hòa nhưng những tháng năm đầu quả là những tháng năm chật vật, mùa đông, mùa hè chúng tôi đều phải ngủ dưới hầm với những không khí khi thì lạnh như băng giá, khi thì ẩm thấp chật chội. Trong cái khó khăn và không khí ấy tôi đã dần dà trưởng thành.

Làm chú tiểu ở chùa không sướng đâu, vì tôi phải đảm xuyến hết mọi công việc trên chánh điện; những công việc mà tôi thường chẳng thích mấy. Cũng may có chú Thiện Tín phụ giúp tôi mọi chuyện, nên tôi cũng đỡ khổ ở những việc làm này. Tôi không có khéo tay trong mọi việc nên việc gì thầy giao tôi thường làm sai hoặc hư hỏng, do đó khi được giao những công việc làm thì tôi thường cảm thấy rất sợ. Thầy tôi lúc ấy dữ lắm chứ chẳng hiền như hàng ngày đâu? Nếu tôi làm sai hoặc hư hỏng thì việc ăn đòn chắc không thể nào tránh. Thế nên chuyện gì tôi làm không xong là tìm cách bán cái qua cho chú Thiện Tín. Ở trong chùa chú có tâm tốt không ai bằng, nên tôi cũng cảm thấy gần gũi và được an ủi phần nào những lúc cô đơn. Có lẽ cái tính hư đốn của mình trong các công việc, nên tôi rất sợ việc làm nhất là những việc làm có tính cách trưng bày, sắp đặt trên chánh điện. Những lúc tôi bị sai chưng bông, đổ nước, lau chùi, rửa ly tách, chà bình và các cây đèn trên chính điện là những lúc tôi cảm thấy khổ sở nhất. Lúc ấy tôi hay than phiền và càm ràm trong lòng rằng: "Sao mà cứ làm hoài! Bàn thờ gì mà nhiều bình bông quá! Đèn cầy sao lại đốt hoài? Bàn thờ đâu thấy bụi mà sao cứ bắt lau mãi! Thì ra khi vào chùa rồi, tôi mới thấy được những công việc mà khi ở ngoài tôi không thể thấy.

Cũng may ngoài những giờ phút làm việc không mấy vui ấy là thời gian tôi được học, xem kinh sách và bàn tán chuyện đạo với mấy chú bạn. Kể từ khi tôi xuất gia tôi chẳng mấy khi chơi với người ngoài nữa mà chỉ quanh quẩn trong chùa và đôi khi chuyện trò với mấy chú. Cái thế giới bên ngoài dường như đã xa khỏi tôi rồi và tôi  chẳng mấy để ý tới nữa. Một phần thầy tôi cũng không muốn cho tôi tiếp xúc nhiều với các phật tử, nhất là với các phật tử nữ vì sợ tôi yếu lòng sẽ dễ bị sa ngã. 

Thế nên vâng lời thầy và tự trong tôi lúc ấy cũng chẳng ham kết bạn, nên tôi vẫn cứ thường tìm cách xa lánh mọi người. Đôi khi những buổi lễ tổ chức ở chùa, phật tử đến đông và người người vui vẻ, tôi vẫn thấy mình cách biệt và xa lạ với họ. Họ và tôi khác nhau nhiều quá, họ và tôi là hai thế giới riêng biệt. Dù rằng cũng có một vài phật tử thấy tôi là lính mới, nên cũng tò mò tìm đến gạ chuyện và tìm hiểu, nhưng tôi lại đáp cho qua chuyện và tìm cách lẩn tránh.

Sáu tháng trôi qua, một hôm tôi biết được tin có giới đàn, một buổi truyền giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni và Sa di. Tôi biết được và tỏ vẻ háo hức lắm. Đi tu mà cứ mặc những chiếc áo màu lam hoài không có một chút gì màu vàng thì thật là buồn tẻ. Các chú Sa di, các thầy khi làm lễ đều có đắp y vàng nên trông thật đẹp, thật oai và ai cũng để ý, tôi thầm nghĩ như vậy, còn mình thì chỉ có màu lam thật là xấu hổ. Mang những ý niệm đó trong lòng, tôi đi gặp thầy để xin được thọ giới Sa di. 

Sau khi mặc chiếc áo lam nhật bình cho ngay ngắn, tôi vào phòng thầy đảnh lễ thưa về ý định cầu xin thọ giới. Thầy bèn đáp lời mà không cần suy nghĩ: "chú còn sớm lắm chưa thể thọ giới được đâu! " Tôi cảm thấy thất vọng và buồn tiu nghỉu ra mặt. Thầy nhìn như cũng có chút cảm thông, nhưng rồi tấn kịch tôi đóng với vẻ mặt thiểu não cũng không làm thầy thay đổi ý định. Thầy nói phụ thêm: "vài tháng nữa có giới đàn khác thầy sẽ cho chú thọ giới". Tôi biết ý - thầy đã quyết định nên đảnh lễ mà lui ra.

Sau giới đàn lần ấy chú Thiện Phước, người sư huynh trước tôi, - mang về chiếc y còn mới tinh, chiếc y Sa di có một lằn sọc ở giữa, tượng trưng cho cái phước điền ít ỏi của người mới vào đạo. Còn tôi với chiếc áo lam như người cư sĩ đã chẳng có một chút sọc, tượng trưng cho chút ít phước điền nào. Tôi cũng chưa có chữ Thích ở đầu pháp danh nữa nên tuy được cạo tóc rồi, tôi vẫn chưa được xem là một người tu đúng nghĩa. Về giới luật tôi cũng chẳng có giới nào mới để giữ, ngoại trừ năm giới thông thường của người tại gia. Thế nên thấy thiên hạ thọ giới mà tôi lại không được thọ, nên cũng rất lấy làm ấm a ấm ức trong lòng: Cùng đợt xuất gia khi trước với chú Thiện thước còn có chú Thiện Thành, nhưng do vì không ở chùa và về nhà ở quá lâu nên trong đợt giới đàn này, mặc dù được thầy thương và chú cũng xin phép nhiều lần nhưng vẫn không được. Thầy tôi khó tính và gắt gao như vậy nên có lẽ điều này đã làm chú buồn không ít, một thời gian không lâu sau, chú ra ngoài đời.

Thế là tôi đã mất đi người bạn đạo đầu tiên trong cuộc đời, dù rằng thời gian quen và hiểu biết chú chẳng là bao, nhưng tôi cảm thấy như mình mất đi một cái gì thân thương và gần gũi nhất trong đời. Tôi thật sự cảm thấy rất buồn trong nhiều ngày. Đôi khi tôi cảm thấy ngỡ ngàng và hối tiếc làm sao, dù rằng việc chú ra đi đã chẳng phải là lỗi của tôi. Người tu ở hải ngoại này đã quá ít ỏi rồi, thế mà tôi lại mất đi, mất thêm một người bạn nữa. Chú Thiện Tín cũng cảm thấy buồn không ít qua việc này và rồi qua đó tự nhiên hai chúng tôi trong tình trạng không mấy thân lắm bỗng cảm thấy gần lại. Còn ai nữa đâu, chúng tôi chỉ còn có ba người mà.

Nổi buồn của thầy tôi vì mất đi một người đệ tử, đã không làm thầy bớt nghiêm khắc hơn thường lệ. Việc học của chúng tôi vẫn được thầy kèm sát nút. Các buổi học kinh, giới luật và nghi thức được thầy tận tình chỉ bảo, trong nhóm đệ tử có lẽ tôi là người cứng cổ nhất trong vấn đề học nghi lễ. Không hiểu cái thành kiến và ác cám về các nghi lễ tán tụng đến với tôi hồi nào, lúc học, không thể nào tôi cảm thấy vui được. Học những bài tán tụng và các cách đánh khánh, đánh chuông tôi cảm thấy như mình đang phải chịu một hình phạt nào đó. Thầy tinh ý nhận thấy và biết tôi không vui nên những lần học sau đó, tôi nghỉ học và thầy cũng chẳng la. Còn các thời khóa khác như thời Lăng Nghiêm buổi sáng, thì có mấy khi mà trốn thoát được với thầy. Hôm nào tôi cảm thấy mệt và hơi làm biếng không dậy để tụng là có chuyện ngay. Thường thì ngay sau buổi công phu sáng, là tới có điện báo mời vô phòng thầy làm việc. Những lúc ấy thầy không đánh hoặc mắng tôi khi thầy có đủ quyền của một vị thầy mà thầy chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo: "Sao hôm nay chú không tụng kinh, chú biết mình là người tu, thọ nhận của đàn na tín thí rất nhiều mà một việc tụng kinh buổi sáng mình cũng không làm được thì làm sao đáp trả ân ấy. Mình không khéo tu những kiếp sau, mình phải chịu quả báo mang lông đội sừng".

Lời thầy nói nhỏ nhẹ nhưng tôi cảm thấy thấm thía, đối với tôi nó còn có giá trị hơn những ngọn roi hoặc lời la mắng. Từ đó về sau tôi không dám bỏ buổi công phu tụng kinh buổi sáng nữa.

Một năm sau ngày xuất gia, tôi và chú Thiên Tín được thầy cho đi thọ giới Sa di. Đó là ngày tôi cảm thấy vui sướng nhiều nhất, vì ngày ấy là ngày tôi đã trông đợi từ sáu tháng trước. Nếu để dòng đời tự nhiên trôi thì thời gian sáu tháng có đáng là bao, so với cuộc xoay vần đêm  ngày của vũ trụ; nhưng với tôi thời gian lúc ấy quả thật là một thời gian chịu đựng dài thăm thẳm. Tôi biết rằng sau buổi thọ giới này mình sẽ đổi khác, vì sự đổi khác đây không chỉ đổi khác là nơi tôi có thêm những giới luật mới để giữ, mà tôi còn có thêm một cái gì của người tu, cái màu vàng trên mình! Trước ngày thọ giới khoảng một tháng là tôi đã được thầy nhắc đến việc lễ lạy sám hối, để khi thọ giới được thêm phần công đức và thanh tịnh. Do đó tôi và chú Thiện Tín đã đến chùa Pháp Hoa, nơi tổ chức giới đàn để lo phụ giúp vào việc tổ chức giới đàn và cũng là để lễ lạy sám hối. Chúng tôi đã trải qua hai tuần lễ bái, sám hối với thời khoá lễ lạy vài trăm lạy mỗi ngày. Buổi giới đàn hôm đó kết thúc tết đẹp, chúng tôi hai người ra về với những niềm hân hoan trên gương mặt. Kể từ đó tôi đã được mang trên người chiếc y vàng đầu tiên trong cuộc đời. Đó là chín năm về trước. 

Được thọ thêm giới luật là một hình thức nâng cấp nào đó trong đời sống tu hành. Trong quân đội khi người lính được thăng lon tiến chức thì họ rất mừng, nhưng trong đời sống tu hành khi được thọ thêm giới và nâng cấp lẽ ra một người tu chân chánh sẽ không nên mừng. Mừng và tự hãnh trong lòng với những chức vị mới trong cái tên gọi mới, là một trạng thái của sự si mê chấp ngã vào danh này và cái tôi này. Thế mà tôi vẫn thấy mình mừng và sung sướng trong cái tên gọi mới và bộ tăng y mới. 

Quý thầy Trí Minh và Thiện Huệ đôi khi còn nói chuyện tếu với nhau về những cấp bậc so với ngoài đời Sa di là thiếu úy, tân Tỳ kheo là trung úy, cựu Tỳ kheo là đại úy, tân Thượng tọa là thiếu tá, cựu Thượng tọa là trung tá, đại tá và hàng Hòa thượng trở lên là hàng cấp tướng rồi. Tôi không biết khi người tu giác ngộ rồi sẽ được phong cái chức tước nào đây. Tuy nhiên với tôi thì ái chà? Tuy đã qua khỏi hàng binh nhất binh nhì và bước vào hàng thiếu úy rồi, nhưng để được thăng đến cấp tướng cũng phải đến bạc đầu. Con đường phía trước còn xa xôi lắm.

Sau buổi lễ được vài ngày, một hôm thầy gọi hai thúng tôi vào phòng để nói chuyện. Thầy hỏi han mọi điều kể cả việc thọ giới mấy ngày trước đó, và tâm trạng của chúng tôi ra sao. Dĩ nhiên là chúng tôi ai nấy cũng đều vui như tết, hài lòng lắm với những gì mà mình đã thọ nhận. Được thọ giới vẫn là ước mơ từ lâu của bọn tôi kia mà (không biết chú Thiện Tín có cùng tâm trạng mong sớm được thọ giới như tôi không, nhưng tôi đành ghép đại vào chung với tâm trạng tôi cho có bạn), thế nên có lẽ thầy tinh ý cũng sẽ nhận ra điều này từ nơi gương mặt của tôi và chú Thiện Tín. Một lát sau thầy nói rằng thầy sẽ cho chúng tôi một tên mới gọi là pháp tự, tên mới này có thể được thay thế tên pháp danh dùng trước đó. Tên thầy cho tôi là Hạnh Nguyện, còn chú Thiện Tín là Hạnh Tấn. Khi thoạt nghe tên mới, tôi lấy làm bỡ ngỡ vô cùng. Hạnh Nguyện, Hạnh Tấn; tên Hạnh Tấn thì chắc là chú Thiện Tín thích rồi vì tên ấy ra vẻ nam nhi, còn tên tôi sao là lạ vì Hạnh Nguyện có vẻ giống tên con gái quá! Tôi phân vân lấy chính mình, không biết rằng có nên thay đổi tên cũ ra tên mới hay không, nhưng ngẫm lại thấy tên cũ là Tấn thì còn có vẻ là tên con gái hơn nữa vì cái "Lệ" đó, thế nên tôi đành chấp nhận tên Hạnh Nguyện như là chính của mình. Sao cái số tôi cứ hay mãi được đặt cho cái tên giống con gái! Một vài tháng sau ngày thọ giới, tôi xin phép thầy được về Đan Mạch để tiếp tục chương trình học của mình. Thầy tôi bằng lòng vì không muốn do việc đi tu mà tôi phải bỏ dở dang việc học, và thế là tôi ung dung xách gói về Đan Mạch.  Tôi được phép tu và sống theo lối tu và kiểu sống của mình mà không ngại phải phiền lòng người khác và nghịch ý thầy. Vốn thích tu thiền và ghét những lễ cúng đám, chuộng màu hình thức phô trương bên ngoài, tôi dần dần chợt nhận ra một khoảng cách nào đó giữa lối tu của mình và thầy, giữa quan niệm sống đạo của mình và những sinh hoạt có tính cách văn hóa của chùa. Qua cá tính khá kỳ cục của tôi trong cách giao thiệp và đối xử với mọi người, nên ai ai trong chùa cũng chẳng mến. Tôi thì lại luôn luôn cố chấp với những tính tình quen thuộc của mình, nên lại cũng chẳng ưa ai. Thế nên càng thời gian về sau, tôi càng cảm thấy lạt lẽo và vô vị đối với chùa và những người ở đây. 

Do đó được trở về Đan Mạch để học cũng là được một dịp để tôi có thể tránh chùa và thầy. 

Ở Âu châu không có cái lề người tu mặc áo đời đi học hoặc đi làm, nên theo thông lệ ấy tôi làm bộ phớt tỉnh mang chiếc áo nhật bình dài thườn thượt đến trường. Tụi bạn học cùng lớp ai ai cũng ngó chăm chăm trong thời gian ban đầu, nhưng rồi sự việc gì cũng qua, tôi trở thành quen thuộc giữa cách ăn mặc khác thường của mình với người, và họ cũng chẳng xầm xì với cái mốt ăn mặc lạ lùng của tôi nữa. Dẫu sao tôi đang tập sống cho chính mình, thay vì sống bị lệ thuộc người nên dần trở nên chai mặt khi bị người đời nhìn vào và bàn tán.

Là một người dốt học và cũng đã mấy năm rồi không cắp sách đến trường, do chuyện buôn bán giúp đỡ má tôi và thời gian vượt biên sau này tại Việt Nam, nên lần này tới phải học lại lớp 10. Khó khăn và chật vật đã không phải là ít, vì tự thâm tâm tôi cũng chẳng muốn học nữa, vì đi tu rồi mà còn phải học để làm gì, tôi tự nghĩ thầm trong lòng như vậy. Tôi cho rằng cái học của đạo, học nội điển thì dù học suốt cả một đời cũng không xong, thì hơi đâu mà phí phạm thời giờ với cái học rất đời ở nhà trường. Tôi chưa từng bao giờ sợ học đạo, dù cái học này khó khăn và dài hạn đến đâu, nhưng cái học đời thì thật là quá chán. Tuy nhiên thể theo ý thầy thì tôi cũng gắng mài ghế nhà trường thêm vài năm nữa cho đến cuối trung học.

Cũng trong thời gian về ở lại Đan Mạch, tôi ít  nhất phải dời chỗ đôi ba lần, lúc thì tỉnh này lúc thì tỉnh nọ cho đến sau một số lần, sự định cư của tôi mới có phần yên ổn. Có phải đâu đó cũng nói lên được cái số long đong lang bang của tôi trong đời sống xuất gia tu hành về sau này. Tuy nhiên đi đến đâu tôi cũng gắng chọn cho mình một môi trường có không khí tu hành. Thiết lập bàn thờ trang nghiêm, tạo không khí thanh tịnh để tụng kinh, ngồi thiền là những tiêu chuẩn mực thước căn bản của tôi trong đời sống vừa đi học vừa tu hàng ngày. Quanh tôi không có bậc thầy nào lớn để hướng dẫn, mà tôi đôi khi lại phải đóng vai thầy để hướng dẫn cho người. 

Tại một tỉnh lỵ nhỏ bé, tôi được mời về và ở một ngôi niệm Phật đường. Hoan hỷ với tấm lòng sùng đạo của người phật tử, tôi bèn nhận lời mời với tinh thần phấn khởi và vui vô cùng. Tôi dự định tập cho họ tu chung với, những thời khóa tụng kinh buổi sớm chiều, nghe giảng từ các băng đĩa (tape), cùng thảo luận các đề tài Phật học với nhau. Khoảng tháng đầu, thấy cũng có vẻ được lắm nhưng rồi tháng thứ hai, ba sau này, người ta không còn muốn đến niệm Phật đường để tu và học đạo nữa; họ chỉ đến để bàn tán chuyện làm ăn và nói các chuyện đời với nhau. Tôi thật sự buồn phiền về điều này, cảm thấy chán nản vô cùng với cái gọi là người phật tử. Không lâu sau đó, tôi xin lỗi họ phải ra đi và dời đến một thành phố khác.

Thành phố mới có tên là Aahus, thành phố lớn hàng thứ hai sau thủ đô Copenhagen, nơi đây có số lượng người phật tử sống tập trung gần như đông nhất ở Đan Mạch. Niệm Phật đường cũng được người phật tử tại đây lập ra từ nhiều năm trước, nhưng khi dời đến thành phố này, tôi không còn muốn tìm đến và sống dưới mái niệm Phật đường do kinh nghiệm không thiện cảm đã gặp phải trước đây. 

Thà sống trong căn phòng của tôi với đời sống riêng nhưng thanh tịnh với chính mình, còn hơn sống một nơi mang tiếng niệm Phật đường, nhưng lại là chỗ tụ hội của vui đùa và chuyện thế gian. Chốn đông người tôi đã từng không thích rồi, mà đông người với chuyện ăn uống bàn tán cái được mất hơn thua càng làm tôi thấy khó chịu. Vì lẽ đó mà tuy sống gần cái gọi là niệm Phật đường, tôi lại chẳng bao giờ đặt chân đến chốn này.

Sống riêng tư với cái thế giới của mình, ít giao thiệp với người là lối sống tu hành của tôi giữa một xã hội vật chất và đông người hưởng thụ. Có những phật tử quen biết và có tâm đạo đến chơi, tôi tiếp chuyện và hướng dẫn họ tu tập; không có khách là phật tử, tôi lập những thời khóa tu tập cho riêng mình. Trong thời gian này, tôi đã không ngừng lễ bái sám hối các kinh, ngũ bách danh và vạn Phật, nguyện cầu sao tâm tôi càng ngày càng hướng về sự tu tập, và trở nên một vị tăng đúng nghĩa để ích lợi cho đạo, cho đời sau này.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/04/2013(Xem: 3170)
Một ngày nọ có chàng trẻ tuổi vừa buồn vừa khóc, tìm đến Đức Phật. Đức Phật hỏi: "Cái gì sai trái đã làm nhà ngươi khóc?" "Thưa ngài, cha con chết ngày hôm qua." ...
05/04/2013(Xem: 7487)
Ngài Hàn-Sơn : Trong thế gian mà bị người phỉ báng, khi dễ , nhục mạ, cười chê, khinh khi , chà đạp, ghen ghét , đè bẹp, đố kị ta. Như thế, ta phải xử trị cách nào ?
05/04/2013(Xem: 7924)
Sáng nay một đạo hữu đem sách này trao tôi, nhờ đọc xem có tham phá Phật pháp không. Sau khi đọc hết tôi nhận thấy trừ vài chi tiết, phần chủ yếu của sách chẳng có chi trái nghịch Phật pháp, theo những nhận định dưới đây ...
05/04/2013(Xem: 5206)
Ambapàli (Am-ba-bà- lị) nguyên là một kỹ nữ hạng sang sống tại thành Tỳ-xá-li. Nàng sở hữu nhiều tài sản, trong đó có một khu vườn xoài nổi tiếng xinh đẹp nhất thành phô và cũng là trung tâm giải trí lớn nhất của tầng lớp thượng lưu.
05/04/2013(Xem: 2922)
Trước năm 1975, ba tôi là một thương gia giàu có. Sự giàu có không bắt nguồn ba là quan chức đầy thế lực hay thân cận chính quyền. Ba tôi chỉ là một người dân lương thiện thuần túy. Ngày ba mẹ dắt đứa con trai nhỏ từ Bắc vào Nam, ba mẹ tá túc tại nhà người chú họ bên mẹ. Người chú có một xưỡng sản xuất bánh kẹo, thế là ba mẹ tôi vừa được xem là “con cháu trong nhà” vừa làm việc đắc lực cho chú. Đương nhiên thôi, chân ướt chân ráo vào Nam với hai bàn tay trắng, có nơi ăn chốn ở tạm gọi là an thân còn mong gì hơn. Thế nhưng, cuộc đời không đơn giản như thế. Ba mẹ tôi chỉ được nuôi ăn nhưng không nhận được đồng lương nào, dù chỉ vài đồng tiêu vặt.Tiền với ba tôi không phải là cứu cánh, nhưng nó là phương tiện để giải quyết nhu cầu cần thiết, cơ bản của con người.
04/04/2013(Xem: 11673)
Phải chăng là "niêm hoa vi tiếu" hay những nghịch lý khôi hài? Là nụ cười bao dung hỷ xả hay những lời châm biếm chua cay? Là tiếng cười vang tự đáy lòng hay chỉ là cái nhếch môi vô tâm vô sự? Là công án Thiền của thời đại hay chỉ là những chuyện tiếu thường tình? Là dụng tâm chỉ trích phá hoại hay thiện ý khai thị mạch nguồn?
02/04/2013(Xem: 14578)
Khi chọn lựa đề tài và sắp đặt câu chuyện, tôi mong rằng sẽ đi sâu từng chi tiết một, để câu chuyện hữu lý hơn; nhưng trước khi đi Canada lần nầy đã cung đón Đức Đạt Lai Ma về Chùa Viên Giác, nơi tôi đang trụ trì; nên có lẽ Chương đầu của quyển sách nầy, chỉ nói về bậc Thánh nhân ấy, không liên quan trực tiếp đến câu chuyện của quyển sách.
01/04/2013(Xem: 16312)
Mục Lục: HT Thích Như Điển - Xuất gia học đạo - Chùa Phước Lâm - Làm Nhang - Học tập - Về lại chùa Viên Giác - Ngày mất mẹ - Làm đậu hủ - Pháp nạn năm 1966 - Học tán tụng - Về Cẩm Nam - Hội An ngày ấy - Hồi ký - Tết năm Mậu Thân - Thầy tôi - Di tích - Chiếc nón bài thơ - Xa Hội An - Cách học cho giỏi - Lời cuối - Gặp lại nhau - Ba thế hệ đậuTiến Sĩ Mục Lục: Trần Trung Đạo - Lời Ngỏ - Vài nét về Chùa Viên Giác - Thời thơ ấu ở Duy Xuyên - Đến Chùa Viên Giác lần đầu - Rời Chùa Viên Giác đến Vĩnh Điện - Trở lại Chùa Viên Giác - Sư Phụ, Cố Đại Lão Hòa Thượng Long Trí - Tưởng nhớ Bổn Sư Thích Như Vạn - Tưởng nhớ HT Thích Tâm Thanh - Phố cô Hội An và những ngôi trường cũ - Hãy ngủ yên Đà Nẵng của tôi - Vu Lan nghĩ về Mẹ và Quê Hương
01/04/2013(Xem: 14552)
101 câu chuyện Thiền - Trần Trúc Lâm dịch
01/04/2013(Xem: 3043)
Túi vải đã sẵn trên vai, gã nhìn quanh căn phòng tạm trú, với tay, lấy chiếc mũ nỉ trong tủ áo, chụp lên đầu rồi khép cửa, bước ra đường.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]