Hoạn Thư thời A Còng
Truyện ngắn của Hoa Lan
Bề ngoài thơn thớt nói cười.
Mà trong nham hiểm giết người không dao.
Đấy là cá tính độc đáo của nhân vật Hoạn Thư, nổi danh tài trí một thời trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du. Tài trí đây không phải là để phục vụ cho đất nước hay tha nhân gì cả, mà dùng để bảo vệ hạnh phúc gia đình của chính mình, khi đã lỡ trao thân gửi phận cho một người đàn ông thuộc giống đa tình cỡ Thúc Sinh. Cái người hay “Mượn gió bẻ măng“, tối ngày chỉ la cà trong các lầu xanh tửu điếm… để làm gì nhỉ? Để phá tiền của vợ chứ còn gì nữa, ai đời dám đem cả ngàn lượng vàng ra chuộc cô Kiều rồi dấu riêng một chỗ, tưởng rằng “lấy vải thưa che mắt thánh“ được người vợ thuộc hàng trâm anh thế phiệt, con gái yêu của quan lớn trong triều đang sống tại quê nhà.
Cô nàng Hoạn Thư không cần phải đích thân đi đánh ghen làm chi cho mệt xác, chiêu thức hạng bét này không thể xử dụng cho một tiểu thư lá ngọc cành vàng như nàng. Phải làm sao cho chồng và tình địch khi nhìn nhau cứ phải ngậm đắng nuốt cay, nghẹn ngào không nói được thành câu mới hả dạ:
Làm cho nhìn chẳng được nhau.
Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên.
Với địa vị và tiền tài sẵn có Hoạn Thư đã cùng mẹ soạn thảo một âm mưu thâm độc để bắt cóc Nàng Kiều, ra tay là một bọn Khuyển, Ưng thuộc dòng xã hội đen chuyên nghiệp. Họ tạo hiện trường giả “người chết“ sau khi đã đốt nhà và mang vật chứng Thúy Kiều đi giấu nhẹm trong dinh quan Lại Bộ.
Trước khi mở màn vở tuồng “Ghen kiểu Hoạn Thư“ lừng danh kim cổ, người viết có vài lời bàn Mao Tôn Cương cho người phụ nữ có bản lãnh phi thường ấy. Thiên hạ cứ đồng hóa nhân vật Hoạn Thư với hai chữ “ghen tương“ tầm thường, mà không để ý đến khả năng ứng xử tuyệt vời trong mọi tình huống của nàng.
Để giải mã cho câu: Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen, khoa học ngày nay đã chứng minh được là khi cơn ghen nổi lên, não bộ trên đầu sẽ truyền xuống tiểu thận để tiết ra một loại Stress-Hormon tên gọi Adrénalin. Ôi thôi, Hormon này đi đến đâu là làm tăng bội phần nhịp đập con tim, máu huyết sẽ nhảy vũ điệu quay cuồng, hơi thở dường như tắt nghẹn, có nghĩa là nạn nhân ở trong một trạng thái sống dở chết dở ghê sợ lắm. Tâm trạng của Hoạn Thư cũng không khá gì hơn:
Lửa tim càng dập càng nồng.
Trách người đen bạc, đem lòng trêu hoa.
Vậy có cách nào hóa giải tình trạng khẩn trương như thế không? Có chứ đơn giản thôi, ta chỉ cần ngồi thiền, hít thở thật sâu hay niệm Phật để tâm được yên lặng, chờ thời gian cần đủ cho cái Hormon quái quỷ ấy tan biến đi, trả lại ta mặt nước hồ thu như nguyên thủy lúc ban đầu. Ái chà! Nói nghe thì dễ chứ khi máu ghen đã nổi lên rồi thì… thì sao nhỉ? Thì như báo chí vẫn đăng tin đấy: nhẹ chỉ nhờ các tay anh chị rạch mặt để cảnh cáo, còn nặng sẽ được tặng một chai át-xít vào mặt. Phương án này chỉ tổ mau mất chồng sớm mà thôi, nên một người danh giá như Hoạn Thư: Ở ăn thì nết cũng hay, Nói điều ràng buộc thì tay cũng già, đã qua nhà mẹ đem tình địch đáng ngại là Thúy Kiều về làm nô tì với tên mới là Hoa Nô.
Cuộc đánh ghen nhân từ, trí tuệ và độc đáo, có một không hai trong lịch sử “đánh ghen“ đã đưa tên tuổi của Hoạn Thư lên hàng Siêu Sao trong nhiều thế kỷ. Cái ghen của Hoạn Thư nhiều lúc cũng lộ vẻ nhân từ:
Ví bằng thú thật cùng ta.
Cũng dong kẻ dưới mới là lượng trên.
Khi thấy Kiều đánh đàn hay làm thơ giỏi, Hoạn Thư cũng phải:
Tiểu thư xem cũng thương tài.
Khuông uy dường cũng bớt vài bốn phân.
Và đáng ngại hơn nữa là đã công khai khen tình địch trước mặt chồng:
Ví chăng có số giàu sang.
Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên.
Đấy chỉ là một khía cạnh nho nhỏ của Hoạn Thư, chứ nổi bật nhất vẫn là màn đánh ghen vô tiền khoáng hậu sau đây:
Trong khi bày tiệc tẩy trần cho Thúc Sinh về sum họp với vợ nhà, Hoạn Thư đã dàn dựng một màn bi hài kịch cho người chồng phản bội của mình phải chạm trán với người yêu trong tình huống chủ tớ não lòng:
Cùng trong một tiếng tơ đồng.
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm.
Sau khi hành hạ đối phương tơi bời hoa lá với đòn ghen Nhẹ như bấc, nặng như chì; “Bên thắng cuộc” Hoạn Thư thấy khoan khoái trong lòng, bèn xoa tay:
Lòng riêng khấp khởi mừng thầm.
Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay.
Tuy hả dạ đã dằn mặt được anh chồng Thúc Sinh và Nàng Kiều phải gánh nhiều nhục nhã, nhưng Hoạn Thư vẫn chưa yên tâm phải tìm phương kế cách ly bó rơm Thúc Sinh trước ngọn lửa rực Thúy Kiều. Bằng cách khoan hồng độ lượng đưa nàng vào Quan Âm Các để chép Kinh (có tài liệu cho rằng chép Kinh Hoa Nghiêm, nhưng người viết tìm tới tìm lui trong 3254 câu vẫn chưa ra manh mối), với pháp danh tự đặt là Trạc Tuyền cho thích hợp với công việc cao quý này. Trao truyền tam quy ngũ giới kiểu này là sai nguyên tắc! Nhưng thôi chúng ta không nên làm khó dễ cụ Nguyễn Du làm gì? Mà phải thật hãnh diện khi có được một tuyệt tác như thế!
Màn kịch đánh ghen chưa thể kết thúc ở giai đoạn “Mỡ đang còn treo trước miệng mèo”, cho dù cô Kiều có mặc áo nâu sòng, đầu có cạo hay mang một pháp danh thánh thiện nào đi chăng nữa, mèo Thúc Sinh vẫn lẩn quẩn theo sau. Đúng là như thế! Mạng lưới theo dõi của Hoạn Thư lúc nào cũng rình rập từng phút lại từng giây, để đến khi nghe được nỗi lòng của Thúy Kiều:
Liệu mà mở cửa cho ra.
Ấy là tình nặng ấy là ơn sâu.
Và Thúc Sinh phải lộ chân tướng hèn nhát và bội bạc của mình trong tình huống chẳng đặng đừng:
Liệu mà xa chạy, cao bay.
Ái ân ta có ngần nầy mà thôi!
Hoạn Thư lúc ấy mới thật yên tâm, từ từ bước ra khỏi chỗ nấp, dịu dàng kéo tay chồng dẫn về nhà. Cô Kiều bị một phen sợ vỡ mật, biết mình không thể ở gần người đàn bà độc đáo này, nên trong ba mươi sáu phép biến hóa, tẩu vi thượng sách. Bỏ của chạy lấy người là hay nhất. Ấy sai rồi! Cô Kiều đã vào cửa Không làm gì có của mà bỏ lại, cô nàng còn lấy theo chuông vàng khánh bạc trong Quan Âm Các của Hoạn Thư để làm vật phòng thân nữa. Việc phá “giới thứ hai không trộm cướp” của Kiều, sau khi đã trộm trái tim không ngủ yên của Thúc Sinh lần đầu, đã là cái quả đưa đến chuyện Thúy Kiều phải vào lầu xanh lần thứ hai.
Hoạn Thư biết chuyện Kiều bỏ trốn lại ẵm theo hiện vật vẫn phớt lờ, không chịu báo công an hay nha môn truy xét, cố tình để tình địch biến mất trong cuộc đời. Nhưng đời này mấy ai học được chữ ngờ, thời gian sau Thúy Kiều gặp gỡ Từ Hải, bỗng chốc trở thành “Bà Lớn”, nên có cảnh oán trả ân đền:
Vợ chàng quỷ quái tinh ma.
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau.
Và cơ hội cho Hoạn Thư dùng ba tất lưỡi để thoát án tử hình:
Rằng tôi chút dạ đàn bà.
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Rồi nhắc lại ơn nghĩa cũ:
Nghĩ cho khi các viết kinh.
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
Cuối cùng nàng chấm dứt bằng những lời lẽ đánh động lương tâm của vị nữ quan tòa Thúy Kiều, để được bản án tha bổng đuổi ra ngoài khỏi bị chết chém:
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.
Nghĩ cho cùng thấy anh chàng Thúc Sinh có “Số Đỏ” thật sự, một người vừa khoác lác, vừa nhát gan lại được tới hai người đàn bà thông minh tài trí, bản lãnh phi thường yêu thương và suýt phải toi mạng vì mình.
Đấy là chuyện xưa tích cũ từ thời cụ Nguyễn Du, không phải đợi đến ba trăm năm mới có một Hoạn Thư thời A Còng nhỏ nước mắt khóc thương vị tiền bối này:
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Tạm diễn Nôm là:
Không biết ba trăm năm sau,
Thiên hạ còn ai khóc Tố Như chăng?
Vậy nhân vật Hoạn Thư thời A Còng là ai mà dám so sánh mình với Hoạn Thư của cụ Tố Như, không sợ bị truy tố về tội lộng ngôn hay sao? Mời các bạn theo dõi câu chuyện của nhân vật Trần Thị Lá Sen, vợ của anh chàng lãng tử Nguyễn Văn Đầu Vịt của chúng ta.
Những ai đã từng say mê theo dõi câu chuyện “Mái ấm chợ chiều”, nội dung gói trọn trong bốn chữ T to đùng: Tình, Tiền, Tù, Tội. Hẳn đã biết rõ nguồn cơn của cái gia đình thuộc diện trí thức tiểu tư sản này. Anh Đầu Vịt sau thời gian dài đi hoang, dĩ nhiên là tìm về nơi cố quận, nơi sản sinh nhiều kiều nữ chỉ thích lấy chồng với nhãn hiệu “Việt kiều”, “made in Vietkieu” là hàng xịn, vớ được hàng này là có cơ hội đổi đời sẽ được xài hàng ngoại trọn kiếp.
Thiên hạ hay dọa anh Đầu Vịt là “Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma” nhưng anh nào có sợ vì nghĩ mình bản lĩnh phi thường như Ma Vương, ma nào dám đến gần. Thế rồi anh kết bạn trăng hoa với một kiều nữ phơi phới xuân tình, xuân xanh chỉ xấp xỉ dưới tuổi con trai anh. Người đời chê anh là kém đạo đức nhưng anh vẫn cho là chuyện bình thường, xã hội ngày nay tuy không chấp nhận chế độ đa thê, nhưng trong đầu anh vẫn giữ mãi câu “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng” đáng sợ ấy.
Thế rồi Thời gian thấm thoát thoi đưa. Nó đi đi mãi không chờ đợi ai, cho đến năm anh Đầu Vịt ăn mừng thọ Lục Tuần. Các cụ bảo năm tuổi xui lắm phải có đứa con ẩn tuổi bố, ra đỡ đạn cho bố mới được bình yên. Thế là em Mận Đào sẵn sàng gánh vác đại sự, cho ra một nhi đồng cứu quốc thật dễ thương và giống anh Đầu Vịt từ dung mạo đến tính tình, nghĩa là có nhiều cá tính độc đáo.
Câu chuyện đến đoạn này đã làm chúng ta thương cảm cho số phận “con Tiều” của chị Lá Sen. Phải xử trí ra sao khi biết chuyện? Có người cho rằng nhất định chị phải quẳng tờ giấy ly dị vào mặt lão chồng mất nết, cho hắn biết thế nào là lễ độ. Chứ hết phương cứu chữa rồi, lão Đầu Vịt phải có trách nhiệm với cậu bé Gia Gia. Ôi thôi mỗi người nghĩ mỗi kiểu, nhưng chẳng phương án nào cứu rỗi nổi cái gia đạo rối beng của chị Lá Sen.
Nghĩ cho cùng anh Đầu Vịt cũng sợ phát khiếp khi em Mận Đào tặng anh một “Trái sầu rụng rơi” kiểu đó, vợ anh mà biết được thì không biết cuộc đời còn lại của anh sẽ trôi về đâu? Anh nghĩ đơn giản lắm, ta sẽ chơi màn “Một cảnh hai quê”, cứ sáu tháng mùa đông ta về với em và con, sáu tháng xuân hạ ta về lại mái nhà xưa; phải dấu và tuyệt đối phải dấu kiểu: Nghĩ đà bưng kín miệng bình. Nào ai có khảo mà mình lại xưng?
Nhưng trời bất dung gian, cậu bé Gia Gia tuy bản chất thuộc dòng khỏe mạnh, nhưng hay dở chứng ho hen khó thở. Cứ nhìn cảnh cậu con trai bé nhỏ của mình phải nằm trong các bệnh viện nhi đồng với giây nhợ chằng chịt, chung giường với hai ba bệnh nhân tí hon khác mà anh cảm thấy ruột gan mình như đứt từng khúc ruột (một kiểu Đoạn Trường Tân Thanh ấy mà). Anh quyết định phải đưa mẹ con Mận Đào sang quê hương thứ hai của anh, phải cứu nhi đồng cứu quốc của anh ra khỏi mạng lưới y tế khủng khiếp của đảng và nhà nước. Cứu người như cứu hỏa, còn lửa ghen của bà vợ cứ để từ từ sẽ tính sau.
Thế là anh bí mật làm hồ sơ giấy tờ bảo lãnh cho “Em và Con” sang đoàn tụ ngay tại địa chỉ của Mái ấm chợ chiều, đấy là cái vi-la to đùng của vợ chồng con cái anh gây dựng từ mấy chục năm nay. Hai cậu lớn đã có sự nghiệp và gia đình ra ở riêng từ lâu, trong nhà chỉ còn cậu út sắp xong đại học cũng tấp tểnh đòi ra ở riêng nhưng chưa được phép của bố mẹ.
Chị Lá Sen vẫn sống một cách vô tư, biết chắc lão chồng “trăng hoa là bệnh của người em yêu” từ lâu rồi, nên chị đã học nhiều phương pháp để tự cứu mình. Châm ngôn treo trên tường chỉ đơn giản có 3 chữ “Ich liebe mich” theo tiếng Phổ, còn tiếng Anh là “I love me”, nói nôm na theo cụ Khổng là “Người không thương mình thì trời tru đất diệt”, nghe không quen tai nhưng lại có tác dụng cứu khổ cứu nạn cho chính mình.
Cho đến một hôm, chị xách xe đạp ra định đi chợ, khi ngang qua thùng thơ tiện tay chị rút ra một lá thơ của Sở Ngoại Kiều, viết riêng cho anh chồng của chị. Theo luật dân sự chị không được quyền mở thơ người khác, nhưng anh Đầu Vịt thường hay vắng nhà nên đã trao giấy ủy quyền cho chị toàn quyền xử lý các dịch vụ hành chánh của anh, kể cả việc giả chữ ký trong một số giấy tờ không quan trọng. Khi đọc xong lá thơ, chân tay chị lạnh cứng, đầu óc như quay cuồng, phải định lắm chị mới không bù lu bù loa gào thét lên trước mặt anh. Phần anh ngược lại, khi thấy chuyện đổ bể, mặt mũi xám xanh miệng mồm lắp bắp:
- Mẹ cứ đi chợ trước đi, rồi về tôi sẽ giải thích sau!
- Không chợ búa gì nữa cả, nếu hôm nay không nhận được thơ này, chắc anh chờ tôi ra mở cửa đón hai mẹ con vào nhà rồi mới giải thích hay sao?
Giọng chị Lá Sen rất từ tốn, không có triệu chứng gì của Stress-Hormon Adrenalin đang đi hành quân trong máu. Có thể sự việc diễn ra quá nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng, khiến tiểu thận của chị đình công chưa kịp sản xuất ra chất xúc tác cho “Máu ghen”.
Nhưng kể từ giây phút định mệnh ấy, làm sao chị Lá Sen sống vô tư như những ngày xưa thân ái được nữa. Ban đêm chị chống mắt lên nghĩ ngợi vẩn vơ, với Mận Đào chị chẳng thèm ghen như các em Xuân, Lan, Thu, Cúc nào đó của anh Đầu Vịt. Nhưng Mận Đào nắm vũ khí chính quy trong tay, anh Đầu Vịt làm sao bỏ được Gia Gia. Cứ cái vòng luẩn quẩn rối mù ấy đã làm chị Lá Sen ngã quỵ từ thể xác tới tinh thần, chị không ăn uống gì được nữa, nửa đêm thức dậy chị thấy tay chân mình tê liệt, không cử động lên xuống được. Hoảng sợ chị kêu to cầu cứu anh Đầu Vịt mang chai dầu lên cạo gió cho mình, hai mái đầu muối tiêu ôm nhau khóc lóc cho nghiệp quả cay nghiệt này.
Chị Lá Sen là người ít khi nào chịu đầu hàng trước nghịch cảnh, từ địa ngục trần gian chị trồi lên tìm con đường sống sót để đi cho hết một kiếp người. Phương châm trước mắt là phải bình tĩnh, trí tuệ và có sức khỏe, phải làm sao đây? À! Chị nhớ ra rồi, pháp môn niệm Phật thật là dễ dàng, thực hành ở đâu cũng được, bất cứ thời điểm nào cũng xong. Để nội công thêm thâm hậu, chị niệm tới hồng danh của 2 vị Phật và một vị Bồ Tát tùy theo chức năng thù thắng của mỗi Vị. Chẳng hạn lúc tay chân tê liệt, chị niệm câu: Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, gọi vị thầy thuốc đến cứu. Lúc phân vân không biết có nên đến luật sư làm đơn ly dị, tống anh chồng có năm bảy lá gan ra ngoài đường, chị niệm câu: Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát. Rồi bình thường muốn được vãng sanh ngay tại chỗ không cần phải đợi đến khi nhắm mắt buông tay, chị niệm câu: Nam Mô A Di Đà Phật.
Chỉ có thế thôi mà linh nghiệm vô cùng, chị Lá Sen đã lấy lại phong độ như xưa. Chị ngọt ngào với chồng, cộng tác chung trong công việc bảo lãnh cho hai mẹ con người ấy sang nhanh. Chị tỏ thái độ yêu mến cậu bé Gia Gia, xem như có thêm “Tứ Quý” trong nhà, ba cậu con trai của chị tuy đã thành danh nhưng các cụ bảo “Tam nam bất phú” chưa giàu to. Đáng ngại nữa là chị tìm Sư Phụ cho cậu Gia Gia quy y ngay trong điện thoại với pháp danh là Nguyên Huệ, tương tự như Hoạn Thư dám tự ý trao pháp danh Trạc Tuyền cho Thúy Kiều. Chúng ta hãy chờ xem đoạn cuối một cuộc tình sẽ diễn biến như thế nào trong phần hai:
Một nhà đầm ấm yên vui.
Chúng mình bốn đứa cùng cười bên nhau.
Ngày đón hai mẹ con Mận Đào đến xứ Phổ có nắng ấm trời trong, vợ chồng anh Đầu Vịt áo quần chỉnh tề ra phi trường đón người thân. Chị Lá Sen chỉ chú tâm vào thằng bé “Tứ Quý” của chị mà lòng không nổi sóng với Mận Đào. À thì ra chữ Ái của chị đã chuyển sóng từ bố chạy thẳng sang con, yêu cái sinh vật bé nhỏ này chỉ toàn cái lợi mà thôi. Lời lỗ như thế nào hãy để đoạn sau sẽ tự động hiển bày, câu chuyện cần đi theo thứ tự lớp lang cho hợp lý.
Phàm làm việc gì cũng phải có giai đoạn chuyển tiếp, không thể đường đột đưa ngay “Em và Con” vào giang sơn của cọp cái cho dù có hiền từ đi đến đâu chăng nữa! Họ quyết định mướn tạm một phòng trọ gần nhà để sáng chiều cùng nhau đi thăm nuôi và tìm gấp một căn hộ nho nhỏ cho hai mẹ con ra ở riêng, để tiện việc đôi bề.
Người viết cần làm sáng tỏ vấn đề pháp lý giữa mối tình tay ba, bốn mạng này cho người đọc đỡ tức tối suy nghĩ vẩn vơ sẽ hại đến thân tâm. Theo đạo luật §28 của xứ Phổ, anh Đầu Vịt đứng ra làm giấy tờ nhận con thì bé Gia Gia đương nhiên thành công dân Đức với thông hành Đức, muốn sống tại đâu tùy ý, ra vào xứ Đức là chuyện đương nhiên. Nhưng cậu bé dưới tuổi vị thành niên, phải cần người mẹ đi theo chăm sóc cho đến năm 18 trưởng thành, mẹ cậu sẽ phải về lại bản xứ nếu không chịu làm ăn hội nhập với xứ sở này. Phần chị Lá Sen cũng có luật §1361b bảo vệ, vì chồng chị đã đưa chị vào trạng thái không thể chịu đựng nổi, nên tòa án có quyền chiếu theo luật này để tống cổ anh Đầu Vịt ra khỏi ngôi nhà hạnh phúc của anh chị. Thôi nhé! Chúng ta không nên giở luật ra để dọa nhau làm gì cho câu chuyện hết cả thơ mộng lẫn tình người.
Trở lại câu chuyện gay cấn của chúng ta, sau hơn một tuần ở khách sạn “Bụi chuối sau hè”, hai mẹ con Mận Đào đã ngán tới tận cổ vì chật chội và không có chỗ nấu nướng. Ban đêm phải ngủ một mình, không biết tiếng tăm, Gia Gia dở chứng khóc đêm thì làm sao trả lời năn nỉ hàng xóm đây. Phần anh Đầu Vịt phải trả tiền phòng cháy túi, cộng thêm tiền xăng chạy tới chạy lui, chịu sao cho thấu. Nên giải pháp kiếm nhà gấp phải đặt lên hàng đầu, nhưng không thể khả thi vì giấy tờ lắc léo chẳng ai cho mướn nhà.
Trong tình thế nan giải ấy, dòng máu Hoạn Thư trong người chị Lá Sen đã đi vào hoạt động. Chị nghĩ ngay đến một vài kế hoạch phải thực hiện, hết “plan A” rồi lại đến “plan B”, miễn sao giữ được chân anh Đầu Vịt mới thôi. Trước tiên là không được dọa nạt anh bằng tờ giấy ly dị, làm cho đã nư chỉ tổ thiệt thân, anh mà bị khích bác chạm tự ái là nhắm mắt ký ngay, thế có phải là dọn cỗ sẵn cho Mận Đào vào xơi không? Lại còn cái vi-la to đùng mới rắc rối chứ, chia tay xong là phải bán nhà, ai trả nổi tiền cho chị Lá Sen ung dung tự tại sống một mình trong đó. Chia tay anh Đầu Vịt là thất sách, gia đình chị sẽ ly tán, bản thân chị vừa mất chồng, mất nhà, mất tiền; các con chị mất bố, cháu nội chị mất ông. Phải chia một lúc đến mấy lần động từ “Mất” cũng phát mệt, nhưng đó là thực tế, làm sao các con của chị chịu đến thăm bố khi có mặt của Mận Đào.
Từ những suy tư như thế chị đề nghị với chồng đem hai mẹ con họ vào nhà sum họp đề huề. Ôi thôi, quyết định của chị đã làm chấn động tất cả các thành viên trong gia tộc và lan rộng khắp năm châu bốn biển cho những ai đã từng quen biết chị. Kẻ khen người chê cứ loạn cào cào châu chấu, phản đối mạnh nhất là lũ con của chị, chúng không chịu đến nhà thăm bố mẹ và gây áp lực tống Mận Đào ra khỏi Nguyễn gia trang. Cậu út nhân cơ hội này xin dọn ra ở riêng cho tiện việc học hành. Cộng đồng gần như tẩy chay chị vì các bà sợ chồng mình bắt chước cảnh anh Đầu Vịt và cái gương chiều chồng quá lố của chị.
Nhưng mặt khác cũng có người hiểu đạo, khen chị tu giỏi, dám làm chuyện khó ai có thể thực hiện nổi. Dưới áp lực nặng ngàn cân ấy, chị Lá Sen vẫn nhơn nhơn cái mặt vui vẻ sống vì chị biết chỉ có cách đó mới giữ được cậu bé Gia Gia cho vợ chồng chị. Nếu chị để cậu bé theo mẹ ra ở riêng ngay từ phút ban đầu thì chị không có cơ hội để gần gũi nữa, chồng chị cũng sẽ mất con vì Mận Đào sẽ làm áp lực bắt anh bỏ vợ mới mở cửa cho vào thăm con. Tâm trạng chị Lá Sen được thể hiện đúng như hai câu Kiều lẩy: Rằng hay thì thật là hay. Nghe sao ngậm đắng nuốt cay thế nào.
Phần anh Đầu Vịt tâm trạng ra sao? Có thật diễm phúc như thiên hạ vẫn tưởng không? Mặc dù anh đã cố gắng hết sức “Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”, thế mà trong nhà anh có êm ấm chút nào đâu? Anh bị sức ép từ hai phía, bên vợ bên nàng khốn khổ khôn nguôi, đối với người vợ nhân từ và rộng lượng yêu thương con chồng hết mực, khiến anh động tâm và cảm phục không dám làm vợ khổ đau. Thế thì anh rơi vào nghịch lý cuộc đời mất rồi! Gieo nhân nào sẽ gặp quả nấy, các cụ đã nói không sai. Chúng ta hãy chờ xem ngày anh trả quả, có còn dám khoe khoang đòi sống chết với tình nữa hay không: Quản chi lên thác xuống ghềnh. Cũng toan sống thác với tình cho xong.
Sang đến phần cô em Mận Đào thà bẻ cho người tình chung này mới thật đáng thương, trên đời này biết bao đàn ông sao em không gặp, lại lấy chi người có vợ như anh Đầu Vịt để lâm vào cảnh: Ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.
Mặc dầu chị Lá Sen mặt ngoài vẫn đối xử tốt với mẹ con em, chẳng lộ vẻ ghen tương kiểu nhi nữ thường tình, lúc nào cũng có vẻ thông cảm vỗ về em bằng câu: Đau đớn thay phận đàn bà. Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Thế nhưng những lúc nhìn cảnh hai anh chị ngồi ăn sáng uống trà, đàm luận thơ văn kim cổ như hai tri kỷ tri âm. Em ngồi yên mang nhiều mặc cảm về sự thiếu sót của mình, nghĩ tới lại nghĩ lui thấy tương lai của mình không có chỗ đứng trong ngôi nhà này, khi người đàn bà kia còn có mặt. Nói trắng ra là em ghen ngược, thế thì em đã chuốc khổ vào thân mất rồi!
Câu chuyện đến đây cần phải được dừng lại, để chúng ta cùng hít thở thật sâu, quán chiếu soi rọi tận thâm tâm xem mình có đủ can đảm để đi theo bước chân của anh chàng Đầu Vịt này hay không? Mời các bạn xem tiếp phần 3: “Gieo gió gặp bão” của các thành viên trong Nguyễn gia trang mà hiện nay chỉ còn “Chúng mình bốn đứa” mà thôi.
Chiếu theo lời một bài hát nào đó: “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần sầu”, thì mối tình bất chánh của anh Đầu Vịt và em Mận Đào không thể nào thăng hoa được. Chị Lá Sen trái lại rất tin vào luật nhân quả, nên không ngồi đó than khóc cho số phận hẩm hiu của mình. Chị quyết định nhường chồng cho em Mận Đào để đổi lại hai chữ tự do, chị tìm cách đi chơi xa không kiểu này thì cách nọ để cho họ được thoải mái, không phải thấy bóng mây hay bóng ma của chị trước mặt. Mặt khác chị lo tu tâm dưỡng tánh, ngày ngày lạy sám hối cho nghiệp chướng được tiêu trừ, chẳng phải các cụ vẫn bảo: “Tu là chuyển nghiệp” hay sao? Nhưng khốn nỗi nghiệp của chị lại chuyển sang một hướng khác cũng mang nhiều điều kỳ bí, hiện tại với mắt trần chúng ta chưa thể phán xét là đúng hay sai, vui hay khổ?
Họ sống kiểu đó thế mà cũng gần được hai năm, bé Gia Gia lớn mau lớn mạnh chẳng thấy triệu chứng gì của đường phổi khò khè. Có thể xứ Phổ không bị ô nhiễm môi trường trầm trọng như ở Sài Gòn quê ta ơi. Cậu bé có hai người mẹ, cậu gọi chị Lá Sen bằng mẹ một cách thân thiết như từ ở một kiếp nào, cũng đủ làm chị ấm bụng không phải tức anh ách như khi ở với bố của cậu. Cuối tuần chị dẫn cậu lên Chùa để giải trừ những tàn dư tích lũy cho cậu như những câu: “Oan gia trái chủ” của chị hay “chính chủ” của bố mẹ cậu. Cái này lại càng huyền bí, ta không nên nhồi vào đầu cậu bé những từ khủng khiếp như thế tội lắm người ơi!
Câu chuyện đến đây diễn biến đúng như “plan A” của chị Hoạn Thư thời A Còng, chị sẵn sàng nhường tình riêng cho em Mận Đào để đi theo tình chung phụng sự chúng sinh. Vì chị cũng là một chúng sinh nên trước tiên chị phải phục vụ chính cho mình bằng những chuyến hành hương đầy thú vị. Ở nhà em Mận Đào không chịu yên phận thủ thường nuôi con, khi nghĩ tới cảnh không ra danh phận gì hết, mang tiếng là vớ được người đàn ông giàu có nhưng tài sản nằm hết trong tay chị vợ, em cảm thấy bất lực trước tình thế mà sinh bệnh mất ngủ, cảm giác khó thở quay cuồng. Lần đầu tiên phát bệnh, chị Lá Sen là người phải chở Mận Đào vào nhà thương để rồi suốt đời em phải ôm hộp thuốc an thần hạng nặng. Cô nàng bị tâm bệnh nặng rồi. Dĩ nhiên là hai đào thương và kép độc này đã diễn nhiều màn độc đáo la hét, đập phá những gì với trong tầm tay.
Chị Lá Sen chỉ ngồi yên trên nhà niệm Phật và mỉm cười với “Luật nhân quả” liền tay, ngày xưa anh Đầu Vịt đối xử thế nào với chị, bây giờ Mận Đào trả lại thẳng tay. Chỉ khi nào cậu bé hoảng sợ la khóc, chị mới xuống hiện trường bế cậu thoát vòng vây. Có người sẽ hỏi, thế lòng từ bi của chị để đâu mà không can ngăn để họ đánh nhau sứt đầu lỗ trán như thế kia chứ! Xin thưa rằng, ai làm người ấy chịu, ta không thể gánh nghiệp được cho kẻ khác, chỉ trừ khi cộng nghiệp một chút mà thôi. Tuy nhiên có lần chị Lá Sen cũng tìm cách can ngăn, nhưng họ hung dữ quá! Suýt tí nữa chị bị vạ lây.
Giây đàn căng lắm cũng có ngày đứt giây, họ chờ chị vắng nhà mới lên cơn. Ai đời nửa hôm nửa đêm lại ấu đả nhau, làm sao để bà hàng xóm già bên cạnh nghe được tiếng kêu cứu của người phụ nữ trẻ và tiếng khóc thất thanh của cậu bé con giữa đêm khuya thanh vắng. Không cần biết vì lý do gì, ai phải ai trái, cứ gọi cảnh sát đến cho tròn bổn phận một người dân. Chị Lá Sen lúc ấy đang ở bên khung trời Thụy Sĩ lo tu học nên tránh được kiếp nạn của hai người.
Thế là luật pháp đã can thiệp vào mối tình của họ, luật pháp Đức nổi tiếng bênh phụ nữ nên anh Đầu Vịt chỉ có nước ngẩng mặt lên than trời hát câu: “Tôi đã lầm đưa em sang đây” của chàng nhạc sĩ ”Duyên Kiếp”.
Thế rồi cả một tập đoàn bảo vệ trẻ em và phụ nữ lo nơi ăn chốn ở cho Mận Đào, họ giúp đỡ nàng chống lại cái người đàn ông ấy. Nguyên nhân chia tay cũng bởi vì máu ghen của anh Đầu Vịt với người tình mới của Mận Đào, một anh chàng Đức xếp của cửa hàng Mận Đào đang làm thuê. Lại thêm một quả báo liền tay, phụ người thì bị người phụ, các cụ nói quả không sai.
Nhưng lý do chính Mận Đào nêu ra cho quyết định chia tay của mình là bà vợ “Hoạn Thư thời A Còng” của anh. Nào là bà ấy nham hiểm nhiều thủ đoạn, đừng gọi bà ấy là “Bà Tiên” nghe mà muốn ói, phải gọi là ”Phù Thủy” thì đúng hơn. Trước khi đi chơi xa còn nói móc một câu làm Mận Đào đau đớn nhiều đêm: “Một chút hương thừa ta hãy nhường cho em Mận, em Đào; còn tuổi thanh xuân ta đã hưởng trọn”.
Chị Lá Sen nghe chồng kể rõ nguồn cơn, bèn giật mình không ngờ mình cao kế thế. Trong cuộc chiến giữa hai người đàn bà, không thể xem tình địch là người thân được, phải một mất một còn. Đáng lẽ chị phải là người vào nhà thương điên trước tiên mới đúng, nhưng nhờ sự bình tĩnh, đức nhẫn nại biết buông xả chị được tất cả. Mận Đào phải ra đi tay trắng bỏ lại đứa con trai vừa tròn 3 tuổi cho hai ông bà già hưu trí trông coi.
Để kết thúc câu chuyện hôm nay, người viết xin được trích dẫn hai câu cuối của cụ Nguyễn Du:
Lời quê chắp nhặt dông dài.
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Hoa Lan.
Mùa Xuân 2015.