Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những câu chuyện chung quanh ngôi Chùa Cổ công chúa đời Trần

15/04/201506:34(Xem: 11287)
Những câu chuyện chung quanh ngôi Chùa Cổ công chúa đời Trần
                                           Den Thai Vi

NHỮNG CÂU CHUYỆN CHUNG QUANH
NGÔI CHÙA CỔ  CÔNG CHÚA ĐỜI TRẦN


 

      Một sớm mai nọ, tôi không nhớ ngày ta, ngày tây, chỉ  nhớ đầu năm 1984. Buổi sáng hôm ấy đầy dáng Xuân cả đất trời Nam Hà, khi tôi và hằng trăm tù nhân chính trị trên đường đến hiện trường lao động ở dải đất dài, mà hai bên toàn là núi đá vôi cao, thấp trùng trùng, điệp điệp. Người địa phương Ba Sao gọi là THUNG.

      Trên  đường tiến ra hiện trường lao động, mỗi người tù chính trị, chân bước một, bước hai, tâm có ý nghĩ riêng về số phận đời cải tạo của mình, được thấy qua các trạng thái riêng ở một số người, như thầm lặng đếm bước, đưa mắt nhìn trời quên bước đi, cất tiếng hát trầm buồn, bàn chuyện này, chuyện nọ hôm nay, ngày kia với nhau, phát ra tiếng cười khúc khích một cách tự nhiên, thoải mái, – nếu không nói là đã hết thời điểm khắt khe trật tự, đi có hàng lối.

      Riêng tôi dán mắt vào cảnh vật chung quanh xa, gần để thưởng ngoạn tiết xuân mênh mông qua những hiện tượng đầy dáng xuân trên xứ Bắc. Đó là những núi đá vôi cao ngất, đầu đội khăn hồng, do thần Thái dương vừa bước ra khỏi màn bình minh ban cho. Nhưng thân mình của núi lại mặc áo xanh đậm. Còn những núi thấp như đang dụm đầu nhau thì thầm với khói sương mong manh. Sương khuya đang vo tròn thân ngọc long lanh trên ngàn cây, cỏ nội. Không gian thung lũng, dưới đầm, xóm vôi Ba Sao, tất cả, dường như đang choàng thêm áo xám, mặc dù thần Thái dương phương Đông đã thức dậy với nét mặt đỏ ửng, nhưng đang còn ngự ở dưới trần, chưa lên Thiên đàng, nên cảnh vật chưa thấy ấm, còn đang se lạnh. Sỏi đá trên đường mặt mũi tái tê. Rừng mơ bên đường, đang đua nhau nở rộ hoa trắng như tuyết, lác đác trên cành có lá non xanh mơn mởn bên cạnh những nụ nâu ươm lộc.

    
  Tôi  đang chăm chú nhìn không gian bốn mặt, bỗng thấy có  bóng người đi cùng chiều bên cạnh phía trái, làm cho tâm ý tôi trở về thực tại, nhận ra đó là ba bà cụ có vóc dáng thấp và  gầy guộc, phục sức theo truyền thống xứ Bắc; đầu đội khăn mỏ quạ, áo dài đen tứ thân có thắt ở vạt trước, chân đi dép nhựt. Họ vừa đi vừa nói chuyện lí nhí trong lúc tay xách những oản xôi nếp, một con gà luộc tươm mỡ căng da, vai mang đèn nhang, nải chuối sứ chín vàng. Tất cả đều nằm trong bao ni lông. Họ đi nhanh, tù đi chậm, nên vừa thấy họ qua vài cái nháy mắt, họ đã ở trước mặt tôi một khoảng xa mươi mét.

      
Hình ảnh ba bà cụ, cùng với những phẩm vật mang sắc thái tín ngưỡng tôn giáo thờ cúng Phật, Thánh, Tổ  tiên ở tay xách, vai mang của họ, làm cho tâm  ý tôi khởi lên những điều thắc mắc rằng; con đường này dành riêng cho tù, gia đình công an của trại mới có  quyền đi. Cớ sao hôm nay lại có ba bà cụ mang những phẩm vật dâng cúng đình, miếu, không phải cúng chùa, cúng chùa đâu có cúng gà. Như vậy đình, miếu trong thung lũng này, ở chỗ nào mà quý cụ đây đến cúng bái? Do đó, sau ý niệm thắc mắc, đôi chân tôi tự động bước nhanh để đuổi kịp các bà ấy mà hỏi cho ra những điều thắc mắc.

      Khi đôi chân tôi ngang tốc độ song song với các bà, khiến cho đôi chân các bà bước chậm, rồi đưa mắt nhìn tôi trong im lặng.

      Để không bị mất cơ hội, tôi vội ngỏ lời:

– Xin chào quý cụ!

– Vâng, xin chào ông!

– Quý cụ ở đâu, đi đây?

– Các già chúng tôi ở ngoài Ba Sao cơ.

– Quý cụ đi vào Thung này, để làm gì?

– Vâng, các cụ già chúng tôi đi lễ chùa trong này đấy ạ!

– Ở đây mà có chùa sao, thưa quý cụ?

– Có chùa chứ. Chùa nhỏ lắm cơ! Chùa xưa của công chúa Huyền Trân, con gái của vua Trần Nhân Tông.

– Thưa quý cụ, đi lễ chùa cúng Phật, quý cụ có cúng gà luộc nữa sao?

– Không, chúng tôi cúng Phật, Bồ tát thì cúng oản xôi, chuối, hương hoa và các món chay. Còn cúng Tứ Thánh Thanh Văn thì cúng gà luộc, vì các Thánh ăn mặn. Các Thánh hộ Phật, hộ pháp hộ Tăng, Phật và Bồ Tát thì nói pháp cứu khổ chúng sanh.

  
    Đang nói chuyện ngon trớn, tôi vội vàng tách ra khỏi ba bà cụ một cách mau lẹ, không có lời chào tạm biệt, liền sáp nhập vào dòng người của đội đang sát bên cạnh phải tôi. Vì theo nội quy của trại; những tù nhân chính trị không được tiếp xúc với thường dân bên ngoài. Mặc dù lúc bấy giờ nội qui trại có nới lỏng, nhưng không phải vì thế mà đi quá trớn, do vậy tôi đành giã từ các bà, trở về hàng ngũ của đội, chứ còn định hỏi thêm nhiều chuyện nữa.

      Sau khi hòa nhập vào dòng người trong đội, tâm tư tôi quên thực tại ở đôi chân, không còn cái bước lang thang tự nhiên như mọi người chung quanh, tức là bước chậm hơn cái bước lang thang, gần như  đi thụt lùi. Bởi vì tâm tư tôi hoàn toàn quên thực tại, chỉ cứ thấy các vật phẩm cúng tế của các bà, chỉ cứ nghe lời của ba bà cụ nói: “Đi lễ chùa, ở đây có chùa, chùa nhỏ lắm cơ, chùa của công chúa đời Trần, cúng Phật và Bồ Tát bằng oản xôi, chuối…, cúng các Thánh bằng gà luộc…”

      Giữa giây phút thấy lại những hình ảnh phẩm vật và nghe lại lời nói của các bà, tâm tư tôi tự thầm trách mình, là tại sao lúc nãy ta không hỏi các bà, chùa ở trong Thung, chỗ nào? Tâm tư tôi liền than; ta xa chùa đã chín năm rồi. Biết bao giờ ta được về lại chùa xưa! Ta nhớ chùa như nhớ mẹ! Ta thèm chùa như thèm xôi nếp chấm chao kho. Hết than đến hy vọng. Tâm hồn tôi nói; sau cơn mưa, trời lại sáng. Hết cơn bĩ cực, đến kỳ thái lai. Thật sự chùa được có ở đây, thế nào ta cũng sẽ tìm thấy trong một ngày gần đây. Điều đó được xác định qua lời các bà nói đi lễ chùa và các phẩm vật ở tay xách, vai mang.

      Đang nghĩ ngợi về những điều mắt thấy, tai nghe ấy, chân tôi quên tránh mỏm đá quen thuộc ló ra ở khúc quanh con đường, nên bị vấp, may là nhẹ. Khi đó thầy Lê Thái Bình (1) cũng vừa đi tới bên phải tôi. Sau thầy Bình là các thầy Nguyên Lai (2), Huỳnh bá Hảo, Lê Quang Đức, thầy Khuê, … và ông đội trưởng Nguyễn Kim T, cựu đại tá BĐQ VNCH.

      Tôi và thầy Bình đi song song với nhau. Tôi nhìn thầy Bình nói lời trêu chọc:

– Tối về phòng giam thiền tọa hay hơn, mắc chi thiền hành ở đây, hỡi thầy Bình!

      Thầy Bình nhìn tôi mỉm cười, nói:

– Đâu có thiền thung gì ở đây.

      Nói xong, thầy Bình chìa ra cái bao cát, trong đó có một bộ quần áo xanh của trại cho tôi xem. Thầy nói luôn:

– Tôi đang suy tư tìm cách mãi tán bộ đồ xanh này ngay hôm nay. Bán cho dân, họ thích quần áo tù lắm. Bán để lấy tiền mua chút ít thức ăn tươi ở căn tin trại và này lại một số thuốc tây trị cảm cúm từ các ông Tướng tại nhà 3 khu F, để bồi dưỡng sức khỏe và trị bệnh cảm cho số anh em con bà Phước trong nhóm tù của tôi, vì tôi đã phát hạnh nguyện Bồ Tát rồi, mình phải thực hiện cho đến cùng, đừng bỏ anh em giữa đường, tội nghiệp họ là không có thân nhân thăm nuôi, nên mới dấn thân làm CHÀNH buôn bán đổi chác. Trước khi đem hiện vật đổi chác với dân, tôi phải suy nghĩ tìm cách, tìm lối cho kỹ lưỡng và an toàn, chứ đâu có thiền hành làm chi.

      Thầy Bình vừa ngưng, tôi chen lời:

– Thầy ôm bộ quần áo lồ lộ trên tay như vậy, không sợ cán bộ quản giáo và dẫn giải thấy hả? Họ thấy được, là thầy bị kỷ luật bởi tội buôn bán đổi chác theo nội quy đã định.

– Không sao đâu! Mấy ổng dư biết tôi làm CHÀNH lâu rồi, do vậy có khi mấy ổng nhờ tôi tìm mua dùm một số hàng cần dùng mà căn tin trại không có bán, chỉ có ở trong dân.

      Sau một vài giây phút ngưng nói, thầy Bình và tôi thầm lặng đếm bước song hành, đoạn thầy Bình quây qua tôi hỏi nhỏ:

– Khi nãy, tôi thấy thầy bám sát theo ba bà cụ Ba Sao, để hỏi gì vậy?

      Lời hỏi của thầy Bình, làm cho tôi phải nhìn lui xem hai cán bộ của đội có gần hay xa mình. Thấy hai ổng cách xa cả mươi mét, tôi liền nói khẽ:

– Thầy Bình biết không, ba bà cụ ấy mang vật phẩm có tính cách cúng tế ở miếu, ở đình. Thấy vậy tôi mới bám theo hỏi cho bằng được họ đi đâu. Các bà trả lời đi lễ chùa, có chùa trong Thung, chùa nhỏ, chùa của công chúa đời Trần. Tôi hỏi tiếp; đi đến chùa có lễ Phật, Bồ Tát là có cúng dường phẩm vật lên chư Phật, Bồ Tát. Cớ sao các bà cụ lại có mang theo gà luộc, để cúng ai vậy? Các bà trả lời cúng các Thánh THANH VĂN bằng gà luộc, còn cúng Phật và Bồ Tát thì bằng oản xôi, chuối. Thầy Bình nghĩ sao về vấn đề các bà cụ đem gà luộc đồ mặn vào chùa cúng các Thánh Thanh Văn?

      Thầy Bình đưa mắt nhìn ra xa trong bước đi thầm lặng qua vài giây, đoạn thầy mở lời:

– Thật sự suy cho cùng, các bà cụ Ba Sao miền bắc, đem đồ mặn vào chùa, cúng các Thánh Thanh Văn, là đúng theo sử sách Đạo Phật có hai hệ phái Bắc Tông Đại Thừa, Nam Tông Tiểu Thừa. Nếu không nói là; các chùa bắc tông Đại Thừa ở các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Tây Tạng, Mộng Cổ, Việt Nam… có cách thờ phượng thật bao dung đầy đủ chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Thánh Hiền, Long thiên Hộ pháp, Thần Hoàng… Qua đó cho ta thấy Đại thừa luôn luôn có tư tưởng rộng lượng, lợi tha, bao dung. Vì thế mà các phật tử Việt Nam miền bắc và Trung Hoa ở khắp nơi, ưa đem đồ mặn vào chùa, cúng dường lên các bàn thờ Thánh Thanh Văn, Thánh Hiền, Thần Hoàng các giới, là như vậy do thấy có thờ Thánh và do hiểu Thánh chưa phải là Phật, Bồ Tát. Chư Tôn Đức Tăng Ni ở miền bắc và Trung Hoa có thấy, biết phật tử đem đồ mặn cúng lên các bàn thờ chư Thánh, nhưng quý ngài không thể ngăn cản được bởi vì có thờ chư vị THÁNH các giới. Đã là THÁNH, thì cúng chay hay mặn không thành vấn đề. Vì Thánh hưởng cả mặn và chay, còn Phật, Bồ Tát hoàn toàn hưởng chay. Thôi thì việc ấy, ta tạm gác qua một bên. Điều quan trọng là bám theo sau các bà, để xem các bà đi vào hướng nào, là có chùa ở hướng đó, có phải không?

      Nghe thầy Bình nói như vậy, tôi liền đề nghị:

– Bây giờ tôi và thầy tiến lên phía trước đội mình và vượt qua đội kế để đuổi kịp theo các bà, ok hả?

      Nghe tôi đề nghị, thầy Bình cười trong lưỡng lự, rồi nói:

– Cũng được, nhưng mà lỡ ra bị mấy ông quản giáo của các đội ở trước thấy, chận lại hỏi, mình trả lời sao?

– Thì mình phịa ra; được quản giáo cử đi vô hiện trường trước để đem cuốc ra cho đội. Sắp đặt câu trả lời như vậy, để ngừa thôi chứ quý ổng không hỏi gì đâu. Mình có tấm lòng mong muốn thấy chùa, ắt sẽ có Long Thiên Hộ Pháp hộ trì cho. Thầy đồng ý với tôi điều đó hay không?

– Đồng ý chứ. Nói vậy chứ đâu sợ gì. Bây giờ tiến nhanh lên hả!

      Nói xong, thầy Bình liền sàng qua trái, hô lớn: một, hai, ba! Rồi bước nhanh làm cho tôi phải mất đến mấy giây mới đuổi kịp bước song hành với thầy. Thật  đúng như điều anh em từng nói thầy Bình chậm thì  như rùa, khi cần nhanh, thì nhanh như sóc, được thấy ở trạng thái thoát nhanh, ẩn núp cán bộ  tuần tra, trên đường vào dân tìm mối đổi chác. Cũng như lúc tĩnh tọa, tĩnh cả giờ không nhúc nhích như pho tượng.

      Tôi và thầy Bình qua khỏi số người đi đầu của đội, vượt luôn khỏi số người đi chót của đội trước, trong đó có hai cán bộ, nhưng họ không chận hỏi chúng tôi gì cả. Còn anh em ta, khi thấy chúng tôi xuất hiện bên cạnh, người này thì hỏi chúng tôi ở đội ông T sao đi đây. Người kia gọi thầy Bình đến gần, rồi hỏi hôm nay thầy đổi chác gì. Riêng Phạm Hữu Trung (Pháp Quang) bước nhanh tới bên thầy Bình, hỏi hôm nay có duyên sự độ sanh ở đâu mà đi nhanh vậy? Thầy Bình nói rằng; đi tìm chùa Công Chúa đời Trần.

      Nghe đến chùa, Phạm Hữu Trung ngưỡng mặt lên, miệng hỏi lia lịa: Chùa ở đâu hỡi Thầy, thầy đến chưa? Thầy Bình vừa cười khúc khích, vừa đưa tay chỉ vào hướng ba bà cụ đang đi ở  trước phía bên lề đường, cách xa hai chúng tôi cỡ  sáu mét, rồi nói: “các bà đang đi lễ chùa kìa thấy chưa? Họ đang xách oản xôi, chuối… vai mang nhang đèn đó, thấy không?” Bây giờ chúng tôi đang bám theo sau các bà đây nè, để biết các bà đi lối nào, là biết chùa ở hướng đó. Chứ chưa có biết chùa ở đâu cả!

      Lúc bấy giờ, hai chúng tôi giảm tốc độ, đi bình thường, bởi vì ba bà cụ ấy vẫn giữ cách khoảng sáu mét trước chúng tôi, có lẽ họ đã thấm mệt, cảm thấy nong nóng trong người, mặc dù không gian đang choàng thêm áo bởi tiết xuân buổi sớm se lạnh, nhưng vì thân già, đường xa, đi bộ  ắt phải nóng người, chùn bước.

      Đến khoảng đường cong cong chếch về hướng Tây Bắc, mà bên trái con đường là nương dâu của trại, nó đang tiếp nhận ánh nắng ban mai trước nhất, cho nên có tiếng chim nhỏ kêu ríu rít vang vọng như đón chào ngày mới, còn những chim lớn bay vòng trên cao để sưởi ấm.

      Tại khoảng đường cong ấy, đội trước và đội Phạm Hữu Trung, cả hai quẹo vào nương dâu để lao động. Mọi người trong bước rẽ vào, ai cũng đưa tay vẫy chào hai chúng tôi. Riêng Phạm Hữu Trung nhìn lui ra đường nói lớn: “Hai thầy tìm thấy được chùa, tối về kể cho con nghe nhé”.

      Trên khoảng đường cong cong lúc bấy giờ chỉ còn hai chúng tôi và ba bà cụ. Nếu không nói là, cảm thấy lẻ loi; cô đơn.

      Qua cảm nghĩ lẻ loi ấy, chúng tôi định đi lui, nhưng sợ mất dạng ba bà cụ, nên chi vừa đi chậm để đón đội, vừa dán mắt theo ba bà cụ.

Le Bao Ky

Tác giả Đức Hạnh Lê Xuân Kỳ (xem thêm về tác giả)

 

      Đến khoảng đường cong, chếch hẳn về hướng Đông Bắc, mà hai bên nó là vườn mơ đang trổ hoa trắng xóa, chính là hiện trường lao động của đội Tuyên Úy Phật Giáo chúng tôi. Cũng là phần đất cuối cùng của thung lũng, hết đường bằng, chỉ có đường núi ra tận bến Đục, nhưng ngày xưa kìa, ngày nay không còn lối đi nữa, vì cây rừng cao lớn đã che kín đường Xưa. Tuy nhiên ai muốn ra bến Đục đi chùa Hương thì leo đồi, chen mình qua rừng cây. Theo lời của các tù hình sự thuộc diện rộng nói với chúng tôi như vậy.

      Sau khi thấy vườn mơ, biết gần đến láng của đội, thầy Bình liền nói:

– Còn hơn ba trăm mét nữa là đến láng của đội, mà sao ba bà cụ vẫn còn đi, chưa thấy rẽ vào đâu cả! Chẳng lẽ chùa ở gần địa phận vườn mơ này sao?

      Hai chúng tôi bảo nhau không đi nữa, có ý  chờ  đội ở sau tới, nhưng mắt không rời hình dáng ba bà cụ. Bỗng thấy ba bà rẽ vào lối mòn bên trái, lối mòn quen thuộc mà chúng tôi đã đi lại hơn một lần để chặt củi, kiếm rau rừng, phụ  thêm cho bữa ăn trưa thông tầm sau khi làm cỏ xong sáu gốc mơ, chỉ tiêu được quản giáo ấn  định.

      Lối mòn ấy ở giữa vùng hoang vu đầy cỏ tranh, cỏ đót, lau sậy cao ngất nghểu cúi đầu nở hoa xuân.

      Khi không còn thấy ba bà cụ, họ mất dạng sau những bụi lau, thầy Bình nói lời khẳng định:

– Như vậy, theo tôi thấy có chùa ở trên núi thấp bên cạnh rừng lau sậy đó. Bởi vì có lần, tôi đi kiếm rau rừng, tình cờ bắt gặp hai thằng tù hình sự diện rộng chăn dê của trại. Chúng cãi nhau tại lối mòn ấy, thằng này nói thằng kia gian xảo, thằng kia nói thằng nọ lường gạt. Thì một thằng nói lời thề rằng; tao mà lường gạt mày, tao sẽ bị Phật, Thánh trên chùa vật cổ cho chết.

      Hai chúng tôi tiếp tục chuyện trò với nhau một cách say mê, cho đến nỗi không biết mình đang đến đâu. Khi nhìn thấy mấy cây nhãn trước mặt đang đứng yên  đội nắng sớm trên đầu ngọn cây, lấp lánh qua lá, cành. Mới biết mình đang đến láng của đội từ  bao giờ, liền dừng chân, đứng dưới gốc nhãn chờ  đội đến. Chẳng mấy chốc đội đã đến. Những người đi hàng đầu, đó là các thầy Nguyên Lai, thầy Khuê, Trần Văn Diệu và giáo sư Nguyễn Đình Huy (giáo sư Huy cũng ở chung trong đội TUPG).

      Chỉ  có quý vị đi hàng đầu, mới thấy, biết hai chúng tôi rời khỏi đội, đi lang thang, tới láng trước, do vậy thầy Nguyên Lai liền mở lời:

– Hai tướng này đi trước chúng tôi lâu lắm, vậy kiếm được rau quả, đổi chác gì chưa?

      Thầy Bình chỉ cười khúc khích, còn tôi hỏi lại:

– Sau khi xuất trại, tôi thấy ngài đi cuối hàng, cớ sao bây giờ ngài đi hàng đầu?

– Cuộc đời cải tạo, mình phải tiến bộ lên (đi bộ lên mau ở truớc) để kiếm rau rừng chứ, đi chậm, đi sau thiên hạ đi trước nhổ hết còn đâu tới mình!

      Nói xong ngài Nguyên Lai rút ra từ trong cái bị vải một cây cải trời bự và non, chưa trổ bông, để chứng minh cho mục đích đi hàng đầu là như vậy.

      Sau khi ông đội trưởng Nguyễn Kim T báo cáo quân số đội lao động đầy đủ với hai cán bộ quản giáo và võ trang. Mọi người vác cuốc ra rừng mơ làm cỏ sáu gốc mơ theo chỉ tiêu được quản giáo ấn định cho mỗi người.

      Mới hơn ba mươi phút theo ước tính ở mặt trời qua khỏi  đỉnh núi cao nhất phía Đông, tôi không còn thấy thầy Bình cách tôi mười hai cây mơ theo hàng dọc. Thầy làm cỏ hôm ấy quá mau, làm mau để đi tìm chùa. Lần lượt mọi người vác cuốc vô kho, rồi tản đi khắp nơi. Người đi chặt củi, kẻ đi kiếm rau, kiếm quả trong rừng, bỏ mặc cho ông đội trưởng, hai ông cán bộ ngồi trong chòi tranh uống trà, hay cà phê, hút thuốc thơm có cán, nói chuyện đời, kể chuyện xưa, tích cũ. Tức là ông đội trưởng T kể chuyện rất hay.

      Riêng tôi hôm ấy không đi chặt củi, ngồi dưới gốc nhãn chờ thầy Bình mang tin chùa về. Bỗng chốc thầy Bình xuất hiện từ khu cỏ tranh phía Tây đến, với nét mặt thật vui, cùng với nụ cười trên môi. Thầy đi nhẹ đến bên tôi, ngồi xuống, đưa tay vỗ nhẹ lên vai tôi, nói khẽ: “Tôi tìm thấy chùa rồi. Chùa gần đây, ở hướng Tây, trên núi thấp, nhưng phải đi qua vùng cỏ tranh, cỏ đót, lau sậy, đường đi cong cong chếch về Tây Bắc. Tôi đã lên tận nơi qua hai từng cấp. Ba bà cụ đang còn trên đó, họ đang dâng cúng vật phẩm lên bàn Phật, bàn Thánh, quỳ gối chắp tay hướng lên, miệng vái lâm râm ra tiếng xuýt xoa, hít hà từng đợt. Nào, bây giờ tôi và thầy lên chùa nhé.”

      Thế  là tôi đứng lên một cách hăng hái vừa lúc thầy Bình quay mặt bước đi. Thầy Bình đi trước, tôi đi theo bén gót không hở bước. Chúng tôi đi giống như những người du kích; vừa đi thật nhanh, vừa lom khom dưới những ngọn cỏ tranh, cỏ đót, lách nhẹ qua các bụi phi lau, đưa tay vén sậy, vì sợ tốp cán bộ tuần tra phát hiện, chứ không sợ hai cán bộ của đội.


Chua co doi tran

 


NGÔI CHÙA

 

      Vừa thấy ngôi chùa lồ lộ trước mặt, cả thân tâm tôi tự dưng tĩnh lặng, mặt hướng lên, mắt nhìn sững, chắp tay lên ngực, lòng thì thầm: ngôi chùa thật đây rồi!

      Qua một vài giây phút tĩnh lặng, tâm thức tôi trở về  thực tại, tôi nhìn thấy thầy Bình đang đứng trên tầng cấp cao trước cửa chánh điện nhìn xuống, như có  ý bảo tôi mau lên.

      Tôi lên tới nơi rồi, mà thầy Bình cứ đứng yên chưa vào chánh điện. Có lẽ thầy hiểu ý  tôi muốn vào, thầy liền nói nhỏ: “các bà đang còn quỳ gối lễ bái, vang vái, đứng ngoài nhìn cảnh đã, họ cúng xong, mình vào, chưa có vội. Quý bà phật tử miền Bắc và Trung Hoa, họ cúng tế lâu lắm từ giờ này qua giờ nọ, thay nhang hai ba lần, họ vang vái kỹ lắm, cho đến khi nào cảm thấy có thấy Phật, Thánh chứng giám thì mới đứng lên lễ tạ lui ra”.

      Đúng thật như vậy, nghe có tiếng nói bên trong, “Phật, Thánh chứng rồi cụ ạ. Chúng ta lễ tạ đi thôi”.

      Thầy Bình cười khúc khích, nói: “Các bà cúng xong rồi đó, mình vào đi”.

      Thấy chúng tôi, các bà vừa bỏ phẩm vật cúng xong vào các bao ni lông, vừa chào chúng tôi: “Chúng cháu xin chào các bác ạ!”.

      Thầy Bình đáp lễ: “Chúng tôi xin chào các cụ”.

      Tôi chen lời: “Các cụ cúng xong rồi, các cụ có bố thí đồ cúng cho người hàng xóm hay không?”

      Một bà già nhất nhìn tôi, nói một cách dõng dạc: “Xin lỗi bác, chúng cháu không dám đâu ạ! Vì đây là lộc Phật, lộc Thánh ban cho tất cả người trong gia đình chúng cháu, nên không cho ai được, chỉ có người trong gia đình chúng cháu mới được hưởng thôi ạ!”

      Trong lúc tôi đem lời hỏi các bà, mắt tôi đảo quanh một vòng, thấy tượng Phật, tượng Thánh trên các bàn, tượng nào cũng bị thủng, sứt mẻ khác nhau. Tôi bèn hỏi các bà một lời vui:

– Này các cụ! Quý cụ dâng cúng phẩm vật lên Phật, Thánh, mà ông nào cũng bị thương tích như vậy, làm sao quý ngài có thể ăn được?

      Một bà không già lắm trả lời:

– Ông nói thế cũng đúng đấy, nhưng mà tượng Phật, Thánh ở đây chỉ tượng trưng thôi đấy ạ. Quý ngài ở trên cõi hư vô cả, quý ngài giáng về đây để chứng giám và hưởng hơi hương, hoa thôi, đâu có ăn như con người. Đó là lời dạy của ông bà chúng cháu hồi xưa là như vậy. Thôi, chúng cháu xin về, hai ông ở chơi nhé!

      Các bà đi rồi, chúng tôi tha hồ rộng bước tới, lui, nhìn khắp chốn; nhìn lên trần, xuống sàn, nhìn bốn vách, các bàn thờ Phật, Thánh được xây bằng gạch, cát, vôi theo kỹ thuật xưa. Đâu đâu đều ngả màu xam xám, đen đen, loang lổ, vằn vện. Trần nhà bị nứt tróc vôi nhiều chỗ, vách cũng vậy, sàn chánh điện được lót bằng gạch vuông đất nung theo kiểu xưa to bản, cũng đã lên màu cũ kỹ. Các bàn Phật, Thánh bị nứt mặt, sứt cạnh.

      Chúng tôi đến trước bàn Phật, Thánh. Cả thảy có bốn bàn: giữa ba, nhìn ra hướng Tây; trước một, nhìn vô, đó là bàn của Bồ Tát Tiêu Diện, có cả Đức Hộ Pháp. Bàn Phật ở giữa, hai bàn hai bên thờ các Thánh. Tại bàn Phật, chúng tôi thấy có tượng Phật A Di Đà phóng quang bằng giấy đã bạc màu ở giữa, được lộng trong khung gỗ không có kính, hai bên Phật A Di Đà có hai tượng Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí bằng gỗ. Tất cả tượng trên các bàn đều bằng gỗ và đất nung, không có tượng nào được lành lặn, tượng gãy tay, tượng lủng bụng, tượng mão cánh chuồn bị sứt cánh. Các tượng ở dưới sàn trong góc tường còn tang thương hơn, vì bị tàn phế nhiều, nên chi ngồi ngả nghiêng, nằm xiên xẹo, cho nên chúng tôi phải ngồi xuống nhìn thật lâu, nhìn sâu vào bản thể các tượng, làm cho lòng chúng tôi cảm thấy xúc động, thương cho tượng, thương cho chùa, đoạn thầy Bình quay qua tôi, thầy hỏi:

– Số tượng này ở đâu, mà đem để đây ta?

– Có lẽ tại một ngôi chùa nào đó gần đây đã bị hư hoại bởi bom đạn chiến tranh gây nên. Chùa bị tan nát, tượng làm sao còn nguyên được! Người ta vất bỏ mọi thứ, trừ tượng không nỡ bỏ, nên đem lên chùa đây.

      Thấy trời cũng đã trưa, chúng tôi tạm biệt chùa, về lại  đội qua lời thầy Bình:

– Chúng ta nên hạ sơn, về đội để độ ngọ thông tầm (3), giờ này, người anh nuôi (thầy Đức) làm bếp, chắc đã lo xong cơm, canh rồi.

      Trên  đường về đội, chúng tôi cũng đi theo kiểu du kích như lần trước, nên chưa tới mười cái nháy mắt, đã có mặt nơi đội, đúng lúc thầy Đức đang chia cơm, canh cho anh em.

      Thấy hai thằng tôi có nét mặt lạnh lùng, một kiểu mặt vờ vịt để che dấu việc bí mật vừa mới làm, nên khiến cho các thầy nhà ta hỏi chúng tôi sao hôm nay buồn tênh, lạnh lùng thế?

      Thầy Bình liền đưa ngón tay trỏ lên trước mặt ra dấu đừng hỏi, các thầy mới chịu im.

      Với con người tâm hồn thẳng như ruột ngựa, tôi bèn kể  cho các thầy đang cùng nhau ngồi nghỉ trưa dưới gốc cây nhãn, được nghe hết về ngôi chùa, các pho tượng Phật, Thánh, ba bà già Ba Sao đi lễ Phật, dâng cúng oản xôi, gà luộc… Các thầy đòi tôi dẫn đi lên chùa liền ngay lúc đó, nhất là hai thầy Nguyên Lai, Quang Đức hậm hực muốn đi cho bằng được.

      Thấy tôi lưỡng lự, nửa muốn, nửa không, thầy Bình liền có lời:

– Thưa quý ngài, để ngày mai đi! Chúng ta sẽ còn cả ngàn ngày mai lận, mặc sức mà lên chùa, chùa ở gần đây nè, chỉ mất vài phút qua rừng cỏ tranh là đến chùa.

      Ngày mai đến, ngày đầu tiên đối với các thầy và  một số anh em phật tử trong các đội phải được nhìn thấy chùa như lời thầy Bình đã hứa. Tinh thần hâm mộ ngôi chùa, nếu không nói là được đặt lên hàng đầu hơn các việc khác như leo núi chặt củi, kiếm rau, tìm nấm trong rừng. Cho nên tôi mới thoáng thấy các thầy, giáo sư Nguyễn Đình Huy, đại tá Lợi đang lom khom tại các gốc mơ, vài phút sau nhìn lại thì không còn ai nữa, cả thầy Bình, thầy Đức  nấu nước cho đội cũng biến mất. Tôi biết các thầy đang lên chùa, duy chỉ có giáo sư Huy leo núi chặt củi, đại tá Lợi ngồi uống trà với đại tá T đội trưởng cùng với hai cán bộ trong chòi tranh.

      Thấy mọi người đi cả, làm cho tôi nôn nóng, nên tôi giẫy nốt gốc mơ còn lại một cách sơ sài, lấy lệ cho xong để lên Chùa. Trước khi tôi đoán giờ, để biết có tốp tuần tra, vì mặt trời đã lên cao cỡ tầm chín giờ hơn, do vậy vừa vào rừng cỏ tranh ở hướng tây, tôi cũng đi theo kiểu du kích, đúng là làm kiếp cải tạo, hễ ra khỏi hiện trường lao động cho việc riêng tư, ai cũng phải đi theo kiểu du kích.

      Tôi  đang chen chân nhanh giữa đám cỏ tranh cứng cáp cao tới ngực, đưa tay vén những chùm bông cỏ đót phe phẩy trước ngọn gió rừng làm nhột nhạt bên tai, thì bỗng nghe có tiếng gọi đứng lại từ sau vọng đến, tôi tưởng tiếng gọi của tốp tuần tra, liền quay mặt lui, thì ra ba chàng của phe ta, đó là đại úy Cảnh Sát đặc biệt PHẠM HỮU TRUNG đi đầu, kế tiếp là thiếu tá không quân LÊ VĂN SANG, sau cùng là thiếu tá không quân NGUYỄN THÁI CHI đang vén cỏ tranh lủi tới (slip way).

      Khi sáp mặt, Phạm Hữu Trung liền cười khúc khích, rồi nói sorry thầy, làm thầy hết hồn, vì con sợ lạc  đường nên gọi thầy đứng lại, ok bây giờ chúng ta đi, kẻo tuần tra phát hiện.

      Thấy chùa rồi, ba chàng im lặng, tự động tiến bước lên những tầng cấp bằng đá, đi vào chánh điện, không biết tôi đang theo sau hay còn đứng dưới.

      Thật sự sáng hôm ấy, tôi quyết định đứng dưới để chiêm ngưỡng thưởng ngoạn cảnh chùa mới biết thân phận ngôi chùa của xứ bắc đang lẻ loi nơi rừng rú thế này.

      Ngôi chùa được tọa lạc trên một ngọn đồi có  độ cao cỡ bốn mét, được dính liền bên cạnh một ngọn núi không cao lắm. Chùa nhỏ vừa đủ cho một người ẩn dật tu hành. Chùa không hoành tráng rồng phượng, nhưng có vóc dáng xinh xắn của một người nữ thuộc dòng họ quý phái ẩn thân tu hành không trang điểm.

      Chùa một gian, hai mái. Mái sau ở hướng Đông, mái trước ở hướng Tây, lợp bằng ngói âm dương. Mái trước ở đầu hiên bị xiêu vẹo, trên hai mái đầy rêu phong, lá cây phủ đầy. Mái trước được che khuất bởi mặt tiền được xây lên, nên đứng dưới nhìn lên giống như nhà hộp hình chữ nhật. Giữa mặt tiền cao ấy có đề tên chùa ba chữ TAM TINH TỰ (chữ Tàu, Việt dịch chùa BA SAO). Chùa quay mặt hướng Tây chiều dài cỡ sáu mét, ngang cỡ bốn mét. Bên trong có đóng trần. Chùa chỉ có một cửa lớn, nay chỉ là một khoảng trống hình chữ nhật dựng đứng ở góc phải từ hướng Tây nhìn về Đông. Trước cửa là hai tầng cấp (hình như vậy). Từ dưới  lên có bảy cấp. Tại đó có một khoảng nghỉ chân để bước tiếp lên tầng cấp hai có sáu cấp.

      Bên cạnh hai nấc thang cấp là cây hoa sứ có tuổi thọ ba trăm năm ước chừng như vậy, vì  loài hoa sứ sống lâu lắm, cho nên thân chính của nó  cao cỡ ba mét và to có số vòng hai người giang đôi cánh tay ra, ôm lại mới giáp vòng. Từ thân chính có năm thân phụ, thân phụ nào cũng to bằng cột nhà, cao một mét rưỡi, hai mét. Thân chính và  phụ đều có màu da xam xám, đen đen, sần sùi, nứt nẻ từng mảng như vảy cá sấu. Trên những thân phụ (hay còn gọi là thân con), lại có những thân cháu nho nhỏ  bằng cán dao, lóng tay. Trên đó đầy lá xanh và hoa trắng với nhụy vàng sậm, tỏa hương thơm ngát.

      Thân sứ, phần dưới nghiêng ra khỏi vách, các thân con trên lại cong cong hướng vô hai tầng cấp, giống như  những cung phi tỳ nữ đứng nghiêng mình, cúi mặt  đưa tay dâng hoa đón chào công chúa mặc áo tràng đang bước lên tầng cấp vào chánh điện cho khóa lễ tụng kinh, niệm phật, thiền tọa…

      Rồi hằng chục, trăm “ngày mai” tiếp đến với chúng tôi ở trại Nam Hà trong những năm còn lẻ của một tá con giáp cải tạo.

      Suốt trong những năm dài, tháng rộng ấy của bốn mùa, không có ngày nào mà chúng tôi không thi hành những “thiện pháp chui” cho bản thân, cho tha nhân và ngôi chùa bé nhỏ của nàng công chúa ngày xưa nơi mỏm núi cô đơn giữa rừng rú âm u tịch mịch!

      Tất cả những THIỆN PHÁP CHUI mà anh em chúng tôi thực hiện cho ngôi chùa vào những ngày đi lao động, cũng như những ngày nghỉ ở nhà, đều là những kỷ niệm riêng của chúng tôi, không dễ gì quên, do vì hành động phật sự không được phép.

      Vì  thế làm sao quên được hơn một lần vào những buổi mai vào THUNG, hai thầy Bình, thầy Đức, sau giờ  lao động, lén lên chùa đỡ dậy những pho tượng lên, để ngồi dựa vào tường quây mặt ra thật thứ tự  theo mức độ sứt mẻ ít nhiều của mỗi pho tượng. Sau đó dùng cây chổi đót, lấy từ phòng giam nhà một, đem theo quét sàn chùa (floor), dùng vải cũ của chiếc áo tù, giặt sạch lau các bàn Phật, Thánh, không quên ra hái hoa sứ đem vô dâng cúng lên bàn Phật Thánh.

      Làm sao quên được, một trưa hè nọ, ngày nghỉ  lao động, tôi được thầy Bình nhờ qua nhà  giam số ba, biệt danh khu F, để gặp các vị Tướng gốc phật giáo, hỏi vị nào cần củi, đổi củi lấy tiền mua nứa cho công việc sửa lại mái chùa ở  phía trước đang bị sụp.

      Nhà  ba, là nơi ở của các tướng lãnh QLVNCH, nên không dễ gì vào được, phải leo rào thôi. Lần đầu tiên tôi leo rào từ nhà một qua nhà ba để thực hiện phật sự thầy Bình giao phó. Nhưng chưa thi hành vì được tướng Lê Minh Đảo gọi vào nhà ăn. Tại đây tướng Đảo và tuớng Thân đang hòa nhạc, tướng Đão đánh đàn guitar nằm, tướng Thân thổi sáo. Tướng Đão biết tôi hát hay, nên nhã ý mời tôi hát vài bài cho vui. Thế là tôi hát bài Biển Mặn, hát tiếp bài Tuyết Trắng, tôi bị quên mấy câu gần chót, nên chi cứ hát lập đi lập lại hai ba lần câu “vút cao, vút cao, mây trời kết thành…”. Tướng Đảo nhìn tôi nở nụ cười, cùng lúc giảm âm thanh đàn, rồi nói lớn: “Thầy ơi, cho máy bay đáp xuống phi đạo, bay hoài sẽ bị phòng không trực trại bắn hạ”. Nói xong, tướng Đảo hát tiếp lời mới được trọn vẹn bài hát và chấm dứt.

      Vừa dứt lời ca qua mấy giây, thì tướng Văn Thành Cao từ  ngoài sân đi vô nói khẽ: “Cán bộ Lực trực trại đang mở cửa cổng vô”. Tướng Đảo liền bảo tôi đi vào trong nhà. Tôi liền bước nhanh vào trong, núp mình ở Restroom, cỡ hai phút, cán bộ Lực đi rồi, tôi vội leo rào về nhà một.

      Phật sự đổi củi lấy tiền mua nứa chống đỡ mái chùa, mãi đến mấy ngày sau mới được, do thầy KHUÊ  (thượng tọa Thích Thiện TÂM, trụ trì chùa Vạn Hạnh ở North CAROLINA hiện nay Hoa Kỳ) thực hiện, mà đối tượng để đổi củi vẫn là các vị tướng.

      Được có tiền rồi, không phải ngày một, ngày hai là chống được mái chùa! Phải trải qua nhiều bước thật gian nan, vì bước nào cũng chui cả!

      Nói rõ hơn, phật sự chống đỡ mái chùa được ba người cùng lo, đó là thầy KHUÊ, anh SANG, anh CHI. Mỗi người phụ trách hai ba việc trước khi cùng nhau leo lên mái chùa vào một buổi mai thuận lợi. Những việc  được lo trước, đó là nhờ người mua nứa ở Ba Sao đưa về, được để ngoài trại ở đâu đó có làm dấu, báo cho nhau biết để sáng ra trên đường lao động, tạt vào lấy nhanh đem đi, tìm cách chặt ra, chẻ nứa, cất trên chùa, sáng hôm sau, ba vị cùng đến thực hiện nhanh ngay sáng hôm ấy cho xong.

      Xong việc chống đỡ mái chùa, ba vị nhìn thấy bảng hiệu chùa TAM TINH TỰ bị lu mờ. Anh Sang nói với thầy Khuê: “Bảng hiệu chùa không cần nhiều người, để một mình con lo sơn lại”.

      Sơn lại bảng hiệu chùa là việc nhỏ chỉ cần một người, nhưng anh SANG cũng phải vất vả nhiều việc, trong đó đi kiếm sơn, sơn phải đỏ  để lâu phai mầu, kiếm cọ, cọ phải to để sơn cho mau. Sơn và cọ được xem cây nhà, lá vườn, tức là do Phạm Hữu Trung cung cấp, vì Trung trong ban văn nghệ của đại tá Quy. Ban văn nghệ  thường tập dượt ở nhà văn hóa, nơi có  sơn, có cọ.

      Được sơn, cọ rồi, anh SANG phải tìm xăng pha trộn vào sơn, quậy đều, rửa cọ cho sạch, cho mềm, rồi cất kỹ vào cái bị bằng bao cát để trên chỗ nằm.

      Bước chót là đem sơn, cọ theo canh cánh bên mình trên  đường vào hiện trường lao động. Sau giờ lao động, anh SANG đi lên chùa. Anh đi vừa nhanh, lại vừa nhẹ chân để bảo toàn sơn không bị chao, bị đổ, cũng như luôn đưa mắt cảnh giác toán tuần tra khi đi trên đường, cho đến lúc ngồi trên mái chùa sơn bảng hiệu.

      Ấy thế vậy mà, sơn xong chữ TAM, nửa chừng chữ TINH, liền trông xuống bên cánh trái ngôi chùa, thấy toán tuần tra ba người đang nhấp nhô giữa đám cỏ tranh, lau sậy, tiến bước lên hướng chùa.

      Anh SANG tức tốc ngả người ra sau, để cọ xuống, rồi nằm im trên mái chùa. Nằm im, nhưng lắng tai để nghe họ có nói gì đến ba chữ TAM TINH TỰ, tại sao ai sơn nửa vời, lại bỏ dở hay không.

      Giữa lúc lắng tai nghe bên dưới có nói gì và nghe lòng hồi hộp, trôi qua trong giây phút im lặng đáng sợ  ấy, thì bỗng nghe từ dưới vọng lên tiếng của một người nói: “Thôi về, vì xế này, tớ còn phải đi Phủ Ní”.

      Tâm hồn anh SANG L19 bắt đầu mở cờ, ngồi dậy, ngưỡng cổ lên, để đôi mắt ló trên đầu bức tường mặt tiền có bảng hiệu một chút, đủ để thấy bóng dáng tốp tuần tra đi xuống, từ từ mất dạng sau rừng lau, sậy. Anh SANG ngồi hẳn lên, lấy cọ, chấm sơn, tiếp tục sơn nốt nửa chữ TINH và chữ TỰ.

      Làm sao tôi quên được những buổi mai nắng mới, chói chang lên những cây phượng vĩ bên góc sân nhà  một, bên cổng nhà ba các tướng và đường lên cơ quan trại, đang trổ những cánh hoa thật mơn mởn, hồng tươi giữa màu xanh biếc của lá ở  trung tuần tháng tư đầu mùa hạ, là thời điểm dậy thì của hoa phượng. Cũng là đầu mùa sen nở, mùa Phật Đản Sanh.

      Do vậy, trong những buổi mai nắng hạ đầu mùa ấy, gặp những ngày chủ nhật, anh em chúng tôi chia nhau làm phật sự chui cho ngôi chùa.

      Thầy  Đức đi tìm thùng đựng vôi, tìm xong đưa cho tôi rửa sạch, cất giữ, Anh SANG L19 đi kiếm vôi đến hai ba lần mới được vài ký, đủ để quét bốn bức tường trong, ngoài ngôi chùa. Thầy Khuê tìm giấy  đưa cho cụ Vỹ trực buồng để cụ chép bài kinh Di Đà từ cuốn Nghi thức Tụng Niệm của cụ. Anh Chi C130 lo phơi bông cỏ đót và tìm cây làm cán chổi quét vôi, bó thành chổi, đem cất kỹ. Thầy Bình đi tìm mua một chiếc chiếu mới, giao cho Phạm Hữu Trung và dặn nếu ai hỏi, thì nói chiếu của ban văn nghệ.

      Tất cả vật dụng cho ngôi chùa được hai anh Sang, Chi và các thầy đem vào chùa; nay thứ này, mai thứ khác trong những ngày lao động, nhưng được giấu kín trong các bụi lau sậy gần chùa, rồi hẹn gặp nhau đúng giờ N tại chùa vào buổi sáng sau giờ lao động, cùng bắt tay vào các việc một cách tích cực, nên chỉ một giờ là xong hết mọi việc. Hôm ấy chỉ có anh Sang, Chi, thầy Bình, thầy Khuê, không dám đông người. Thầy Bình lo quét sàn, trải chiếu, thầy KHUÊ lo lau bàn, để bài kinh Di Đà trên bàn Phật, ra hái hoa sứ vô cúng Phật, cúng Thánh…

      Phật sự chùa được xong, sau ba ngày chúng tôi không hẹn nhau, tự động lên chùa để nhìn lại thành quả đã làm. Tốp anh SANG, CHI có cả Phạm Hữu Trung từ hiện trường phía Nam đến. Tốp thầy Bình, có tôi, thầy Đức, thầy KHUÊ từ nền chùa cũ (vị trí lao động, nghỉ ngơi… của đội) đến qua khúc quanh cỏ tranh, lau sậy, không xa lắm.

      Hai tốp vừa gặp nhau được vài bước qua khỏi ngã ba rừng cỏ tranh, trên đường đến chùa, thì  thấy ngay toán tuần tra từ hướng chùa đi ra, chưa sáp mặt nhau, chỉ mới thấy họ thấp thoáng sau các bụi lau sậy ở khúc quanh trước mặt chúng tôi cỡ bốn trăm mét. Mấy người chúng tôi liền tự động quay lui một cách nhanh chân theo phản xạ tự nhiên. Tôi không biết tốp anh Sang trên đường chạy lui như thế nào! Chứ tốp thầy Bình chúng tôi chỉ mất hai phút nhanh chân trên đường mòn quanh co đầy cỏ tranh, là đến vị trí đóng quân của đội.

      Về  đến đội, chúng tôi chỉ thấy không gian im vắng, tất cả các thầy trong, thầy ngoài (giáo sư Đình Huy) đã hòa mình vào dòng sinh hoạt thường lệ là vào rừng để cải thiện thêm cho đời sống bằng lẻ củi, cọng rau rừng, tai nấm mèo, nấm mối… Duy chỉ còn đại tá Lợi ngồi dựa gốc nhãn đọc sách, ông đội trưởng Kim T ngồi kể chuyện đông tây, kim cổ, đời sống nhân dân miền nam hồi xưa với hai cán bộ trong túp lều tranh một cách say sưa giữa người kể lẫn người nghe, nếu không nói kể chuyện, là sở trường của ông T.

      Hôm  ấy, ba chúng tôi mất job cải thiện, vì ham lên chùa, lúc về đội, đã lỡ thì quá ngọ, vì  giờ cải thiện phải là chín giờ đến xế  bóng, được hay không được, phải lo về đội.

      Người tù chính trị mất job cải thiện, không làm gì  khác hơn, là ngồi nhìn trời, nhìn đất, nếu  được có sách, báo thì đọc. Do vậy ba chúng tôi, mỗi đứa ngồi dưới bóng mát của cây nhãn nơi nền chùa. Mỗi người có tư duy khác nhau, nếu không nói là đồng ngồi gốc nhãn, nhưng tâm hồn dị  mộng. Thầy Bình ngồi tựa lưng, bó tay lên gối, nhìn ra xa, như tư lự về sự nghiệp làm CHÀNH để trợ giúp thêm vật chất cho mấy anh em con bà phước vô gia đình.

      Thầy Khuê (Thiện Tâm) thì ngồi theo cách thiền tọa dưới gốc nhãn với đôi mắt lim dim, nhưng miệng mỉm cười, có lẽ do đang nghe tiếng chặt củi  côm cốp của thầy Đình Huy, tiếng ném củi rào rào của thầy Tuồng nơi triền núi phía Đông, do vậy chẳng mấy chốc, thầy Khuê đứng dậy, đến vén cỏ tranh, lấy con dao tông, đi vào núi; mới hai bước, bị thầy Bình gọi giựt ngược:

– Thầy Khuê đi đâu giờ này vậy?

      Thầy Khuê quay lui, trả lời nhát gừng:

– Đi-đi-chặt bụi Son Đào ở chân núi đây thôi, không lên xa!

– Lại Son Đào nữa! Thầy chưa tởn đã bị mấy ông Thánh Thần trên chùa ra ngoài trại, vào tận nhà một giữa canh khuya, gặp bố Long; nói lời than phiền là; không còn chỗ ở, vì các thầy đã chặt hết cây Son Đào chung quanh chùa, hay sao mà cứ đi tìm Son Đào! Vào nghỉ đi, lỡ thì rồi, trời đang xế bóng, còn giờ đâu nữa mà đi! Còn nhiều ngày mai lắm, rừng núi chưa hết cây, đừng sợ hết củi.

      Nghe thầy Bình can gián, thầy Khuê cất dao, trở lại thiền tọa dưới gốc nhãn.

      Son Đào là một loại cây rừng không hoa, trái. Một bụi Son Đào gồm có nhiều thân cây nhỏ, lớn mộc chùm với nhau từ đất lên, mặc dù có nhiều nhánh con, nhánh cháu, lá xanh. Nhưng không cọ sát nhau, luôn hở ra, cây này cách cây kia cỡ năm phân khi cây còn nhỏ. Đến khi lớn, cao thì có khoảng cách càng lúc càng rộng ra cỡ hai ba gang tay nghiêng mình ra trông như hình cánh quạt, hình khối lộn ngược, nên không bị um tùm, lưa thưa, cành nhỏ, lớn đều mảnh khảnh. Thân Son Đào màu mốc xám, trơn mịn, không gai, lá giống như cây hoa Anh Đào, ruột của nó  đỏ như son, nên chi được các tù nhân chính trị  con bà phước của ta, đặt cho cái tên là Son Đào.

      Những người tù nhân chính trị con bà Phước đi chặt củi mà gặp được bụi Son Đào, ai cũng mừng khúm. Bởi vì dễ chặt, dễ bửa, mau khô, đốt lò không có khói đen, khói xanh, lửa màu vàng sậm, ngọn lửa không cao, cháy đều. Những vị tướng ở khu F và các đại tá trong ban dịch thuật các tài liệu quân sự, chính trị ở nhà hai không có đi lao động, hay có đi lao động, nhưng không có sức đi lấy củi. Tất cả quý vị ấy ai cũng thích củi Son Đào. Cho nên đổi củi Son Đào với các vị ấy, rất được giá cao, có lúc còn được các vị ấy biếu thêm một món ăn cao cấp như mì gói, đường cát. Nhất là các vị tướng, đại tá rất thương và giúp đỡ cho các thầy TUPG, bởi vì không có ai thăm nuôi, sống nhờ củi hay làm CHÀNH như thầy Bình.

      Vấn  đề Hòa Thượng Thích Thanh Long được các ông Thánh, Thần từ trong chùa ra trại, gặp Hòa Thượng Thanh Long trong giấc ngủ và thưa gởi lời than van không có  chỗ ở, do vì các thầy đã chặt hết cây, là một sự thật. Bởi vì sau khi phát hiện được ngôi chùa, suốt thời gian chúng tôi lén lên chùa, vừa lo cho chùa một vài phật sự nho nhỏ như đã nói ở trước, lại vừa chặt hết một số cây chung quanh chùa để làm củi, trong đó có Son Đào bị chặt sạch tận gốc. Vì thế, tôi và thầy Khuê, thầy Tuồng được Hòa Thượng Thanh Long gọi đến từng đứa một, rồi ngài nói:

– Đêm qua trong giấc ngủ, bố thấy hai ba ông, mặc áo rộng xanh, đen, đỏ, đi hài mũi cao, đội mão cánh chuồn đến trước bố, họ chấp hai tay thưa rằng: “kính thưa ngài, chỗ của chúng con đang ở, đã bị các nhân viên của ngài đến phá sập hết rồi. Chúng con phải xuống tạm trú dưới nền chùa cũ, nhưng phải chia nhau lên Tịnh thất Công chúa để bảo vệ Phật pháp và ngôi Tịnh thất ban ngày lẫn ban đêm, bằng không sẽ bị các quỷ ác đến phá phách. Như  vậy, các thầy phá sập cái gì trong đó, mà  các ông Thánh, Thần họ nói với bố?

      Mỗi  đứa chúng tôi đều khẳng định:

– Dạ thưa bố, trong lúc lén lo một vài phật sự cho ngôi chùa, chúng con có chặt một số cây to, cây nhỏ chung quanh chùa; trước để làm củi cho việc đổi chác sinh nhai, thứ nữa để cho ngôi chùa được sáng sủa, không bị âm u, tăm tối, chứ đâu có phá sập thứ gì!

      Nghe chúng tôi trình bày sự việc ấy. Hòa Thương Thanh Long, ngài cười và nói khẽ:

– Chỗ ở của các Thánh Thần sông, Thần núi, Thần Sa mạc… là cây cao bóng mát. Đó là nhà ở của họ đấy! Các thầy chặt cây, nhất là cây to dù ở đâu, chính là phá hết nhà của họ. Nhớ điều đó nhé, bữa sau đừng có chặt cây to, cây nhỏ chung quanh chùa, miếu, lăng tẩm, là mang tội phá nhà của các Thánh, Thần.

 

*

*   *

      Trong buổi sáng hôm ấy, buổi sáng lỡ thì các việc cải thiện sinh nhai, nhưng tôi không ngồi gốc cây nhãn như hai thầy Bình, Khuê. Tôi tản bộ trên con đường chùa cũ hướng ra bến Đục ở phía Đông với ý niệm để nhìn tận mắt những dấu xưa của cây Tùng, cây Lựu và phong cảnh Cực Lạc hữu tình mà lâu nay chưa có dịp.

      Con đường tôi đang đếm bước, đang còn đó, nhưng bản thể bị rách nát, lởm chởm sỏi, đá, ổ  gà bởi định luật vô thường gậm nhấm qua cả ngàn năm không thể tránh khỏi.

      Mặc dù thế, con đường ấy ngày nay vẫn còn có giá  trị cao, là trung tâm điểm để nhìn tổng thể sắc thái linh thiêng, hùng vĩ, thiền tịnh, Cực Lạc, Niết bàn được có nơi phần cuối thung lũng Ba Sao ngàn đời không thay đổi, hiếm có trên đất Việt.

      Đúng thật, tại con đường chùa cũ ấy, hành giả tu tập, được nhìn thấy phong cảnh linh thiêng, hùng vĩ, Niết bàn, Cực lạc, Thiền tịnh bốn phía. Phía Đông có ngọn núi cao dài tới nửa chặng phía Nam. Khi bình minh ló dạng, mặt trời vừa mở mắt trong hai mùa Xuân, Hạ, đỉnh núi có ngay ánh nắng hồng loang loáng giữa những thân cây thấp, lưa thưa, cũng là lúc con sơn dương ngồi đưa râu nhìn xuống nền chùa. Khi mặt trời lên cao nơi đỉnh núi, giống như cây đèn pha chiếu ánh sáng thẳng tắp xuống thung lũng, làm cho cây lớn, cây nhỏ nơi nền chùa nói riêng, thung lũng nói chung đều ngả bóng về Tây. Rồi từ từ tròn bóng, là lúc mọi bản thể vạn hữu có thêm sức sống, được thấy qua sắc thái sừng sững và rực rỡ.

      Phía Tây Bắc, Tây Nam là một vùng núi thấp, lô nhô, chập chùng với hai màu xanh và nâu. Khi mặt trời chiều gác núi, thì muôn vàn cây, cỏ nơi thung lũng đều ngả bóng càng lúc càng dài, rồi tắt lịm trong hoàng hôn tím ngắt, được nói lên đời người ai cũng trải qua hai thời kỳ thanh xuân sáng sớm và già  nua xế bóng chiều tà tắt lịm (thân người nào khác hoa, sáng tươi, chiều tàn) theo định luật vô thường, được Chư Tổ nói ở bài “Thị nhựt dĩ quá, mạng diệc tùy giảm, như thiểu thủy ngư…”.

      Nơi con đường cũ chùa xưa hành giả học phật thực tập các đạo lý vô ngã, vô thường ở  phương pháp quán chiếu vào thực tại khi thiền hành trên con đường ấy, được nhìn trời xanh, trời đục, mây trắng, mây xám, cỏ hoa, cây cối xanh tươi trong khuôn viên chùa, ra xa rừng núi và nghe nhiều tiếng hót khác nhau của các loài chim rừng nhỏ, lớn ngay vườn chùa, trong núi, rừng vọng ra; như tiếng “cúc cù” của Bồ câu đất gọi nhau trên các cây nhãn lúc giờ tỵ (cỡ 9 giờ 30 sáng), tiếng gà rừng gáy sáng, gáy trưa, tiếng “bắt trâu trói cột” của một giống chim hót vang lúc mặt trời xế bóng, tiếng “tà tà” của loài chim bìm bịp lúc chiều tà…

      Nếu ngôi chùa lớn ngày xưa ấy còn hiện hữu nơi đây, khi màn đêm phủ xuống, người tu hành (công chúa Huyền Trân) ngồi trong phòng nhìn qua cửa sổ, ngồi trước chùa, hay dạo mát trong sân, không thể không nghe khúc nhạc rừng đêm được hòa tấu bởi những loài chúng sanh sống về đêm; như loài chim cú, chim vạc, dơi, ếch, nhái… Nhất là vào những đêm của các mùa trăng Xuân, Hạ và Thu, người tu hành nơi ngôi chùa  được nhìn trăng bạch mùa thu, trăng thanh mùa xuân, trăng vàng mùa Hạ khi trăng trải thảm bạc xuống mặt thung lũng, trăng rụng xuống gốc chỗ đen, chỗ trắng. Trăng nằm im trên mái chùa, con đường đá ra bến Đục. Trăng sải mình, ỏng ẹo trên thân hình những đồi, núi ở Tây Nam… là lúc người tu hành dạo bước trong vườn chùa vào những đêm Mười Ba, Mười Bốn, Rằm, Mười Sáu có trăng sáng lung linh.

      Phải công nhận rằng; phần đất cuối cùng của thung lũng ấy, là một cảnh địa đàng, vì các cảnh ở  bốn phương, tám hướng đều có nét đẹp vừa thiên nhiên, vừa linh thiêng. Nhất hạng ở khuôn viên chùa xưa ấy, dù chỉ còn nền móng cũ, nhưng thiền vị, Cực Lạc không mất, càng lúc càng hiện hữu bởi sự sinh trưởng của vạn vật và bản sắc cố hữu muôn đời không thay đổi của  đất trời, trong đó có ngọn núi cao ở phía Đông; như là một tấm chắn ngăn cản người tu hành, xa lánh xã hội trần gian. Cả một đời tu hành, chỉ thấy cây xanh, hoa nở, bầu trời trong xanh, núi non và nghe chim hót. Cũng như thấy  được đạo lý duyên sinh của vạn vật, sau một  đêm, sáng ra vươn mình lên như vừa mới sinh ra, khi mặt trời chiếu rọi nắng mới vào bản thể. Xế bóng, ngả về Tây, rồi gác núi, làm cho bản thân cỏ, cây đều ngả bóng càng lúc càng dài trên mặt đất, rồi từ từ tắt lịm vào hoàng hôn tím ngắt khi mặt trời khuất sau núi. Đêm về, một ngày đã qua, gọi là sớm còn, tối mất, giống như đời người sinh ra ai cũng già, rồi chết theo định luật vô thường do vì vô ngã không tự thể. Tất cả hành giả học phật và tu tập đều luôn luôn nhận thức ba đạo lý cơ bản ấy.

      Vì  thế, vua Trần Nhân Tông đã thấy phần đất cuối thung lũng Ba Sao ấy, là một cõi Tịnh độ rất thiên nhiên mang sắc thái thiền tịnh, nên xây dựng một ngôi chùa lớn và một thiền thất cho con gái mình là  công chúa Huyền Trân ẩn thân tu hành ở phần cuối  đời còn lại.

      Với phong cảnh thiên nhiên đầy sắc thái thiền tịnh ấy, tin chắc công chúa Huyền Trân đã vãng sanh Cực Lạc. Vì nàng là một thánh nữ vốn có Bồ  Đề Tâm, hành Bồ Tát Đạo rất lớn lao, là  hy sinh cả cuộc đời son trẻ, niềm vui chưa trọn, đã biết làm việc đại nghĩa trong công cuộc mở  nước vào phương Nam của vua cha, nên đã bước xuống thuyền vào làm dâu xứ Chiêm Thành, suýt bị chết thiêu theo vua Chế Mân.

      Nhìn cảnh mà tâm ý khởi sinh ra tình theo quy luật tâm duyên với cảnh. Đúng thật, cứ mỗi lần ngồi gốc nhãn hay đi dạo trong khuôn viên nền chùa cũ trong giờ rảnh rỗi hết lao động. Chặt và bó củi xong, mắt tôi nhìn vào nền móng cũ, chùa xưa, phong cảnh thực tại, tâm ý tôi luôn luôn nhớ hai câu thơ của bà Huyện Thanh Quan: “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”, rồi ngâm ra lời nho nhỏ đủ mình nghe.

      Mỗi lần nhìn vào nền móng cũ, lúc ngâm hai câu thơ ấy, tôi cảm thấy hình bóng nàng công chúa Huyền Trân còn phảng phất đâu đây trong phục sức áo vải tứ thân mầu nâu sồng, tay lần tràng hạt, mắt khép hờ hiền như Phật, chân bước nhẹ lên chùa, vào chánh điện, khai chuông gia trì, kiết già thiền tọa, rồi tụng kinh.

      Tôi vẫn còn nhớ hôm ấy, một buổi trưa mùa thu, bầu trời man mát. Tôi thả bộ trên con đường sỏi đá để ngắm hoa dại hai bên đường một cách chầm chậm tới, lui. Đến vòng thứ ba, tôi dừng chân  ở cuối đường hướng ra bến Đục, vừa ngắm cảnh rừng núi, vừa ngâm hai câu thơ “Dấu xưa xe ngựa…” thì bỗng thấy thầy Nguyên Lai (Trần Văn Tùng) khom người vén lá rừng bước ra. Đầu thầy đội nón vải, vành rủ xuống tới tai, vai mang cái bị bằng bao cát hơi no đầy rau rán cải thiện.

      Thấy tôi, thầy vừa bước tới vừa nói: “Muốn ăn rau đắng chùa Hương, Ta đừng sợ cán sợ đường chông gai. Không đi ta đói dài dài, Cọng rau tai nấm lai rai kiếp tù”.

      Nói xong mấy câu thơ, thầy ngồi xuống, vạch bị  càn khôn, đưa tay xáo trộn mấy cái, bốc ra một nắm rau, thầy nói:

– Đây rau đắng chùa Hương chính tông, thấy chưa, ngon lắm đấy!

      Nghe vậy, tôi thốt lên lời:

– Trời đất quỷ thần ơi! Thầy chưa tởn ba lần bị cùm một chân trong xà lim kỷ luật ở trại Thanh Phong hay sao, mà còn dám đi kiếm rau ở xa! Thầy còn nhớ không, hai lần bị cùm một chân, mỗi lần bảy ngày do đi mót sắn, bị cán bộ võ trang gọi về, thầy cãi lại lớn tiếng. Một lần thầy đi hái bông bí, bị cán bộ gọi về, thầy không về, cãi lại. Sau đó cán bộ võ trang lên đạn, thầy vạch ngực xông tới, làm cho cán bộ bước lui, cả đội vừa cười, vừa sợ thầy chết. Cho nên thầy bị cùm một chân mười ngày trong xà lim. Điều đó được hằng trăm tù nhân chính trị trại Thanh Phong đều biết. Thầy còn nhớ không, mà nay thầy dám cả gan qua tận chùa Hương hái rau đắng? Thầy hãy cất rau vào bị đi, ta đi lẹ vô gốc nhãn ngồi nghỉ, kẻo bị toán tuần tra bắt gặp bị rau của thầy nữa bây giờ, vì sáng nay trên đường lên chùa, tụi này trông thấy họ ở hướng đến chùa, nên tháo lui về đội, có thể họ sẽ đến đây lắm!

      Mới vừa vào nền chùa cũ, còn cỡ bốn mét nữa là  đến gốc nhãn, nơi các thầy Khuê, Bình, Đức, Hảo, Như  Nhựt (Trần V. Học, biệt danh Điền Đô) đang nói chuyện linh tinh gì đó, thì thầy Nguyên Lai (Trần V. Tùng, biệt danh Bác Tám) lại bô bô ra lời: “Muốn ăn rau đắng chùa Hương…” Tức thì thầy Đức (Quảng Minh) nhăn mặt, phát tay qua mép tai, ra hiệu ngồi xuống đây, đừng nói thơ nữa! Thế là thầy Nguyên Lai liền nín, không nói câu thứ hai “thầy đừng sợ cán….”, đến ngồi bên cạnh thầy Như Nhựt. Thầy Như Nhựt nghiêng đầu qua thầy Nguyên Lai cười khúc khích, rồi nói:

– Con xin lạy Bác Tám; nếu ngài có hái thật rau đắng chùa Hương, thì đừng hô lên hai chữ rau đắng! Hô lên như vậy, vô tình lạy ông tôi ở bụi này. Thật sự tôi biết thầy không có hái rau đắng, mà nói rau đắng. Họ không cần biết thầy có đi vào tận chùa Hương hay không, chỉ cần nghe “rau đắng”, là đủ bị cùm một chân vào xà lìm rồi, vì tội ra khỏi hiện trường lao động năm trăm mét, huống hồ từ đây qua tới chùa Hương theo đường chim bay ba cây số, đường rừng núi là trên mười cây. Thầy có thành tích đi cải thiện rau ráng xa hơn hiện trường lao động cả cây số và ưa cãi lại cán bộ. Như vậy, Bác Tám có đi vào chùa Hương thật, hay không?

– Làm sao đi nổi, qua khỏi con đường đá đó thôi. Còn rau, là rau tạp tàng đủ thứ ở rừng đây thôi. Đâu có rau đắng! Tôi nổ cho vui với các thầy thôi. Lời thầy Nguyên Lai.

      Thầy Bình từ bên gốc nhãn nói vói qua:

– Thôi chúng ta đổi đề tài khác đi, cất rau đắng của Bác Tám dưới rặng Tuyết sơn. Ai có chuyện gì vui xin kể nghe?

      Tôi  đáp lời:

– Không kể chuyện, đọc thơ được không?

      Thầy Như Nhựt hỏi:

– Thơ hiền hay dữ? Thơ hiền không sao. Thơ dữ coi chừng vào xà lim!

      Tôi liền trả lời:

– Thơ chặt và bó củi, được không?

      Thầy Khuê tán thành:

– Thơ chặt củi thì quá hợp rồi. Đọc lên đi!

      Tôi liền đọc:

– Nhãn chùa che bóng trưa hè, Cho thầy bó củi đem về đổi khoai. Khoai chiều để lại sáng mai, Hết khoai hết củi lấy ai thầy nhờ!

      Tôi  đọc xong bốn câu thơ, tất cả các thầy ngồi im. Trong đó thầy Như Nhựt đưa cánh tay lau nước mắt, quay mặt nhìn vào sườn núi, nơi đang có  tiếng ném củi rào rào của thầy Tuồng.

      Như  để xóa tan không khí im lặng sầu muộn, thầy Bình mở lời:

– Tôi có bạch với bố Thanh Long, rằng chúng con đã tu bổ xong một vài Phật sự nho nhỏ trong chùa. Chúng con định làm lễ chui một bữa. Hôm đó có chè, xôi, hoa quả, nhang, đèn. Có được hay không, thưa bố? Thì bố bảo đừng có đông, một vài anh em thôi. Nhưng mà phải cẩn thận, kín đáo. Rồi bố có hứa là, chờ vài hôm nữa là đúng kỳ, các bà phật tử chùa Giác Ngạn ra thăm, thì bố sẽ đưa hết cho chúng ta các thứ; đường, bột đậu xanh, nếp, khoai lang khô. Có thứ nào đưa thứ đó, nếu có. Các thầy thấy sao, có ý kiến gì không?

      Thầy Khuê (Thích Thiện Tâm) mở lời khe khẽ:

– Nếu bố Long có những thứ đó, mình lấy một món thôi, để lại cho bố dùng. Chuyện hành lễ và xôi, chè, hoa quả là chuyện lớn, nhưng mà chuyện nhỏ. Chúng ta đổi củi ở khu F, mỗi người một bó là đủ rồi. Riêng tôi ba bó và nhã ý với các ông Tướng về việc đó, thế nào cũng được, chư Phật, Bồ Tát sẽ gia hộ cho chúng ta được toại nguyện, đừng lo, có cả hai anh SANG, CHI nữa. Tôi  đề nghị như vậy, có được không? Nếu  được xin ngồi im, đừng vỗ tay, im lặng là đồng ý.

      Thầy Như Nhựt góp ý:

– Những người như tụi mình còn có củi để đổi, chứ còn thầy Hảo (Lan Nhã) đâu có củi mà đổi. Củi của thầy bằng chiếc đũa, bó củi của thầy cũng bằng bó đũa 50 chiếc.

      Nghe vậy, tất cả thầy cười rộ lên (To burst out laughing). Thầy Khuê liền có lời phán:

– Miễn cho thầy Hảo, Diệu, và Bác Tám (Nguyên Lai).

      Với tính hào hùng, tự chủ, không nhờ vả, người sao ta vậy, thầy Nguyên Lai nói rằng, đừng miễn cho thầy, để thầy góp công đức, thầy sẽ đi chặt củi… Chưa hết ý thì thầy nín, vì nghe thầy Khuê báo  động đỏ: “Ê đừng nói nữa, tuần tra tới!” Tất cả các thầy ngồi im phăng phắc, đưa mắt nhìn toán tuần tra ba cán đang tiến vào lều tranh, nơi  ông đội trưởng T và hai cán bộ của đội đang ngồi tán gẫu qua chén trà, điếu thuốc có  cán.

      Giữa giây phút im lặng, chẳng mấy chốc, thầy Nguyên Lai mở  lời:

– Tiếp tục nói chuyện lên đi chứ, sợ quái gì, ngồi im mất vui!

      Thầy Bá Hảo tiếp lời:

– Bác Tám bảo anh em tiếp tục nói, là nói chuyện chi, rau củi hay chùa? Nói rau, nói củi thì hơn, nói chùa, các cán nghe, là bị họ bắt chúng ta làm kiểm điểm, xa hơn nữa có thể bị vào xà lim. Hiện nay chúng ta là diện đợi chờ lên tàu khi được đổi chác với Hoa Kỳ, nên cần giữ hai chữ bình an trong lúc này, lỡ ra có chuyện không may, bị ở lại, buồn lắm đấy, xin hết.

      Thầy Học (Như Nhựt) cười khúch khích, hất hàm qua thầy Bình hỏi:

– Này, ông CHÀNH Bình chuyên nghề đổi chác, vậy xin ông CHÀNH cho biết bao giờ hằng trăm tù nhân chính trị trại Nam Hà lên tàu?

      Thầy Bình cười sằng sặc (to choke with laughter) qua mấy giây, rồi trả lời:

– Muốn biết chuyện ấy, thầy hỏi ông đại CHÀNH Trần Hữu Tư hay thầy Đức Hạnh, một chuyên viên thu lượm tin tức bốn phương, chứ còn tôi chỉ là nghề CHÀNH cò con, ở cái quần, cái áo tù… để kiếm thêm chút ít vật chất cho anh em trong nhóm con bà Phước của tôi, nên tối ngày tôi lo đổi chác, nhất hạng các anh em trong nhóm tôi bị cảm cúm, tôi phải chạy lo tìm xin thuốc tây ở các vị tướng khu F, cũng như ở các đại tá cho anh em uống, bên cạnh đó nấu nước xông, nấu cháo, giặt giũ quần áo giùm cho anh em. Ngoài chuyện làm CHÀNH, mỗi lần ông anh tôi ở Vĩnh Long ra thăm nuôi cả tạ quà, tôi đều phân phát hết cho anh em trong và ngoài nhóm. Những việc làm đó, được hằng ngàn tù nhân chính trị trại Nam Hà qua nhiều đợt ai cũng biết, vì tôi ở tại trại này từ năm 1979 từ Phú Sơn về đến nay là 1984. Chứ các thầy mới về đây từ 1983 tới giờ, chưa biết hết Bồ Tát Đạo của tôi đã làm. Sở dĩ tôi phải tích cực lo vật chất cho anh em con bà phước như vậy, là vì sau 26 tháng bị cùm hai chân, một chân trong xà lim trại kỷ luật ở Mễ (Phủ Lý), được về, tôi chỉ nằm một chỗ cả năm, không đi được, vì quá ốm như con cá khô, nhờ các anh em xúm nhau trông lo cho tôi, ẵm bồng, đút cơm cháo, thay quần áo… cho nên sau khi được khỏe mạnh rồi, mình phải đền ơn một cách tổng thể, dù một số anh em được về, chuyển đi trại khác, thì lo cho anh em còn ở đây, và trại khác đến trong hoàn cảnh con bà phước, mình phải lo chung vui với anh em, đó là một cách đền ơn theo nghĩa báo ân chúng sanh trong tứ ân.

      Thầy Bình vừa chấm dứt, thầy Như Nhựt nhìn tôi, vừa cười vừa nói:

– Xin ông chuyên viên tin tức, nói cho anh em ta được biết bao giờ, chúng ta lên tàu qua xứ Mỹ?

      Tôi ngẫm nghĩ một chút, mới nói:

– Chúng ta đã đến Mỹ rồi, đang ở Mỹ Nam Hà đây! Các thầy còn nhớ trên đường chuyển trại từ Thanh Phong về Hà Tây trong buổi sáng cuối xuân 1982, khi xe dừng lại nghỉ, ăn trưa tại sân của trụ sở Ủy Ban Nhân Dân xã (tôi quên tên xã), thì một ông đến tự giới thiệu là xã trưởng, rồi nói: “Tôi chúc mừng các anh xuống tàu tại Hải Phòng để đi Mỹ như tin chúng tôi đã nghe cách đây mấy ngày.” Tôi liền nói: “Đã được đi Mỹ rồi, tại sao chúng tôi còn bị còng tay hai người một còng?”

Nói đến đó các thầy cùng cười rộ lên và nói đúng rồi, nhớ rồi. Tôi nói tiếp:

– Khi đến trại Hà Tây, chúng ta thấy toàn thể tù nhân chính trị ở đó, lao động phất phơ, ngày nào cũng lãnh thức ăn tươi, cơm rau, cá thịt dư thừa đến nỗi đem cho các tù hình sự, tối về ca hát, các đại tá đánh mạc chược cả ngày, có đàn em lo việc nấu nướng. Các tướng hình như cũng vậy. Cho nên trại Hà Tây lúc đó được tù ta gọi là Thiên đường hạ giới, vì bớt khổ được vui. Vui nhất là lúc nào cũng được tin sắp lên tàu đi Mỹ. Sau khi từ Hà Tây về Nam Hà vào đầu xuân 1983, chúng ta tiếp tục được nghe chuyện tù nhân chính trị sắp đi Mỹ, tù đi trước gia đình đi sau. Chính phủ Mỹ đã dành cho các tướng và đại tá một vùng đất rộng, tại đó chính phủ Mỹ đã xây xong cho các tướng, đại tá mỗi vị một căn nhà. Nhà vị nào  đã được đề tên vị đó trước cổng nhà  rồi, qua đó là đến ở thôi. Còn có tin từ  bên Mỹ nói về, chánh phủ Mỹ sẽ trả  lương cho tất cả các sĩ quan cải tạo từ  tháng tư, 75 cho đến khi qua Mỹ. Về  phía tù nhân chính trị ngành TUPG chúng ta, nghe đâu được chư vị Hòa thượng, Thượng tọa gốc GHPGVNTN chạy ra khỏi nước truớc 30-4-1975, vượt biên sớm vào các năm 79-80-81 đang ở Canada, Hoa Kỳ hết lòng quan tâm đến chúng ta qua lời thư  gởi về các phật tử Saigon. Trong thư quý  ngài hứa rằng; thầy nào về sớm, vượt biên qua đảo, sẽ được quý ngài đến tận đảo thăm, ủy lạo vật chất lẫn tinh thần, sau đó can thiệp với phái đoàn LHQ về nhân quyền, xin quý thầy Tuyên úy đi định cư sớm sang Mỹ  hay Canada. Nếu còn đang ở trong trại, quý ngài sẽ tìm cách gởi quà vào để cứu đói. Nếu ngày nào đó, cả tập thể Tuyên úy  được về, sẽ gởi tiền về cho để làm hồ  sơ định cư qua Mỹ. Khi được qua Mỹ, sẽ  được quý ngài lập ban cứu trợ đón tiếp nồng hậu, tổ chức hàn huyên gặp gỡ, thăm hỏi, cổ võ tinh thần đoàn kết chung lo Phật sự với các ngài tại mỗi địa phương theo hoàn cảnh còn xuất gia hay hết xuất gia và kể cả giúp lo làm giấy tờ định cư, trợ cấp, lái xe, học sinh ngữ hay college… Những tin về TUPG chúng ta, sẽ được chư tôn đức GHPGVNTN cũ bên Canada và Hoa Kỳ quan tâm, mà tôi kể vừa rồi đó, là do bố Thanh Long kể lại. Bố kể lại rất giới hạn, chỉ có “tứ trụ triều đình” được nghe, đó là tôi, thầy Bình, thầy Học (Như Nhựt), thầy Đức (Quảng Minh).

Sau ki tôi xác  định bốn người được nghe, thì ba vị kia đồng loạt lên tiếng: “Chúng tôi được bố Long kể cho nghe như vậy”. Tôi nói tiếp:

     – Bốn người chúng tôi sau khi được nghe bố Long kể  tin hấp dẫn như vậy, chúng tôi có hỏi bố  dựa vào đâu mà biết quý ngài bên đó, có tấm lòng quan tâm đến bố và chúng con như vậy? Thì bố Long nói quý ngài có biên thư về cho các bà Phật tử của quý ngài ở Saigon. Các bà Phật tử Giác Ngạn của bố ra thăm nuôi bố, rồi nói lại cho bố  nghe. Bố Long còn nói: “Các nước Canada, Hoa Kỳ, Úc, Anh, Pháp… là những nước văn minh đa diện, trong đó có văn minh điều hành tôn giáo Tinh Lành, Công Giáo của họ, ở các việc hết lòng chăm sóc tinh thần đồng môn, các tín đồ đồng đạo của họ rất chặt chẽ. Có lẽ quý Hòa thượng, Thượng tọa của ta trong các giáo hội PGVNTN và không TN bên các nước đó, nhất là Hoa Kỳ, Canada, Úc, đã học hỏi theo cách văn minh điều hành tôn giáo của họ là Tin Lành, Công Giáo, cho nên quý ngài đã viết thư về cho các Phật tử quý ngài, trong đó cho biết sẽ có  chương trình đón tiếp, chăm sóc vật chất, tinh thần  đối với các con, giống như các Mục sư, Linh mục  đối với tín đồ, giáo phẩm đồng môn của họ  vậy. Các con yên chí, thế nào bố con ta cũng sẽ được về và được đi định cư sang Mỹ. Quý ngài bên đó sẽ đón tiếp và chăm sóc vật chất, tinh thần cho các con đúng như quý ngài nói trong thư. Riêng bố, bố sẽ không đi, vì bố  đã già, đang bị bệnh trĩ quá nặng và  các bệnh khác. Tuổi già qua Mỹ khổ lắm, không đủ khả năng làm chùa, ở chung với các sư đồng môn sẽ gây khó khăn cho quý ngài, cho nên bố quyết định ở lại. Các con còn trẻ nên đi.

      Thấy tôi hết nói, thầy Nguyên Lai nhìn đăm đăm vào tôi giữa không gian im lặng qua mấy giây, đoạn thầy nói một cách trầm buồn rằng:

– Lời của các bà Phật tử Saigon nhận thư quý ngài từ Canada, Hoa Kỳ gởi về, rồi nói ra cho các bà bạn được nghe, là đúng theo nội dung thư. Lời các bà Phật tử chùa Giác Ngạn nói với bố Long lúc ra thăm nuôi, là đúng theo nội dung thư. Bố Long nói lại cho bốn thầy Đức, Bình, Học, và Đức Hạnh là đúng theo nội dung thư quý ngài đã viết ra, như Đức Hạnh đã vừa kể lại. Nhưng riêng tôi không tin lời quý ngài nói trong thư, nếu không nói là quý ngài cho anh em ta đi tàu bay giấy, lời nói làm quà mà thôi! Nói để cho các bà Phật tử Saigon nghĩ về các ngài là cấp lớn ra đi còn có tâm từ bi biết thương tưởng về cấp nhỏ đang ở lại ngục tù, nghĩa là thương tưởng bằng hơi, cứu khổ bằng hơi, không có hiện thực bằng vật chất! Điều đó được chứng minh qua mảnh thư nhỏ của một giáo phẩm GHPGVNTN cũ đang ở xứ người gởi về cho thầy Tuyên úy đang cải tạo ở trại Tân Lập K5 với tôi. Thư gởi về Phật tử Saigon có con em cải tạo ở K5 Tân Lập ở cùng phòng với thầy Tuyên úy. Anh ấy được bà chị ra thăm, anh ấy mang mảnh thư đó vào một cách kín đáo, thầy Tuyên úy đọc mảnh thư đó cũng rất kín đáo bằng cách đắp chăn lại. Nội dung trong thư, ngài giáo phẩm nói vỏn vẹn mấy lời: “Tôi có lời khuyên tất cả các thầy Tuyên úy nên định tâm tu thiền trong lúc cải tạo” rồi ký pháp hiệu (tôi miễn nói pháp hiệu của thầy Tuyên úy và vị giáo phẩm). Các thầy thấy chưa, thời điểm giữa năm 1979, tất cả  tù nhân chính trị ở các trại miền bắc  đuợc nhận quà bưu kiện và được thân nhân thăm nuôi, mặc dù cả hai thăm và quà bưu kiện không nhiều, nên tù ta đói dài, các thầy Tuyên  úy của ta đói hơn hết, sau ba năm (76-77-78) ở biên giới Hoàng Liên Sơn được chuyển về các trại miền duới, tưởng rằng về miền dưới được no, nhưng vẫn đói dài. Giữa năm 1979, cũng là thời  điểm bưu điện thế giới đuợc giao thông với bưu điện Việt Nam qua các nước Đông Âu, Âu Châu, Canada, Thái Lan, Trung Hoa, Ấn Độ, lúc đó chưa bang giao với Mỹ do vậy quý ngài viết thư  gởi về được cho Phật tử, cho thầy Tuyên úy, còn quà cáp, và tiền, tại sao không gởi được?!!! Để rồi các thầy sẽ thấy lời tôi nói quý ngài bên xứ người cho anh em ta đi tàu bay giấy, ủy lạo bằng hơi, là  đúng sau này, chúng ta được về và được đi định cư ở Hoa Kỳ, như chúng ta và đang được nghe người ngoài xã hội nói nhiều về chuyện tù chính trị được đi Mỹ. Qua được xứ Mỹ rồi sẽ thấy quý ngài có  đối với chúng ta đúng như lời ước hẹn nhắn về hay không? E rằng, không những bội ước Bồ Tát Đạo đối với chúng ta, mà còn chụp mũ chúng ta là cộng sản, nữa là khác! Tuy nhiên, cũng sẽ có một số Hòa thượng, Thượng tọa đồng sư, đồng môn, cùng tông phái, cùng viện có lời thăm hỏi, gặp mặt, lì xì cho vài đồng. Chứ khác Tông, khác môn… chắc chắn sẽ bị quý ngài khác môn, khác Tông… đó, ngoảnh mặt làm ngơ, dù cho anh em chúng ta có  người quỳ xuống bên cạnh khai báo thật thà “Hồi xưa con ở chùa đó, PHV đó, con ở tù về, nay qua đây….”. Thế là sau đó còn bị các đệ tử của quý ngài đến chửi bới, chụp mũ cộng sản, dù cho bị ở tù lâu trên mười năm, cũng vẫn bị chụp mũ cộng sản do độc quyền chống cộng. Tôi nói không sai đâu, qua đó các thầy sẽ thấy Phật giáo VN ở tại các Thiên  đường ấy tuần tự bị biến thành hơn một nửa  địa ngục khổ cho Phật tử, còn lại một ít Thiên đường của các bậc chơn tu cũng sẽ được thấy. Qua kinh nghiệm cho thấy GHPGVNTN được thành lập vào đầu năm 1964, từ chỗ hưng thịnh, hòa hợp tăng, đoàn kết thương kính nhau, lần lần bị  suy đồi, bất hòa, tan rã. Tất cả giai do mình, chứ  không phải do người ngoài.

      Thầy Nguyên Lai đang nói “chứ không phải do người ngoài”, liền ngưng ngay không kịp thở khi thấy các thầy không nhìn mình, đều quay mặt vào chòi tranh, là lúc ông đội trưởng T và người cán bộ võ trang đang tiến ra hướng các thầy, ông T nói lớn: “Các anh tập họp, điểm danh!”, còn người cán bộ võ trang đứng lại bên khoảng trống nền chùa.

      Giữa lúc mọi người đang tiến ra một cách dồn dập ở  nền chùa, ông T hô lớn: “Hai hàng dọc, trước thẳng!” Sau đó ông đội T đếm từ đầu ra sau, sau ra trước, liền nói thiếu một anh. Các thầy ta nhìn trước sau, qua phải, trái. Thì thầy Như Nhựt hô lớn: “Thiếu thầy Tuồng, thầy Diệu làm ơn chạy vô chỗ giếng kêu thầy Tuồng, thầy ở  trong đó, chứ không đâu khác.”

      Thầy Diệu (Trí Tánh) quay lui, đi nhanh, nhưng không vào giếng, đứng ở bìa rừng cỏ tranh, đưa hai bàn tay cong vòng giáp nhau trên mũi, gọi lớn: “Bợ thầy Tuồng ơi! Thầy ờ mô rựa, đội tập họp điềm danh, về gập, về gập. Tất cà đều đù, chì còn thiệu thầy nừa thôi!”

      Chẳng mấy chốc có tiếng trả lời “nghe rồi, nghe rồi” từ trong rừng cỏ tranh vọng ra. Vài giây sau, thầy Tuồng xuất hiện không rõ mặt, chỉ  thấy bó củi dài thòn cao quá tai, cái nón cối lá buông tróc vành lụp xụp, tróc đỉnh, lòi lá, xòe ra như hoa súng nở rộ, chiếc áo hoa rừng ngày xưa, nay càng được lá rừng, đất bụi, rong rêu dính đầy, nhưng màu áo vẫn còn đậm nét, thêm mùi cải tạo.

      Thầy Tuồng bước chậm tới bên gốc nhãn, nghiêng vai, bó  củi rơi xuống thật mạnh phát ra tiếng phạch, rồi dở  nón, làm quạt lên mặt bơ phờ, đứng nhìn hàng ngũ đội đang chờ. Làm cho thầy Như Nhựt quát lớn: “NẪU, lẹ lên, đội chờ!”

      Thấy thầy Tuồng đứng vào cuối hàng, ông đội T đứng bên cạnh đội ở đầu hàng, xoay mặt vào người cán bộ  võ trang, nói lớn:

– Báo cáo cán bộ, đội tập trung đủ 18 người.

– Được! Anh cho đội đứng nghiêm chờ cán bộ quản giáo. Lời của cán bộ võ trang.

      Cỡ  vài giây sau đó, ba người cán bộ tuần tra và  quản giáo từ lều tranh tiến ra, đứng bên cạnh, cán bộ võ trang. Ông T liền hô lớn: “Nghiêm! Quay qua trái, quay!”

      Một cán bộ trong nhóm toán tuần tra mở lời:

– Các anh đây, có anh nào lên sửa chữa gì trên chùa hay không?

      Thầy Như Nhựt trả lời:

– Không có! Chúng tôi có lên, nhưng chặt củi thôi. Nếu có sửa chữa gì đó, là do các bà cụ Ba Sao làm.

      Cán bộ tuần tra nói tiếp:

– Các anh nói hay nhỉ? Các cụ già nhà ta, làm sao có thể leo lên mái chùa để sơn lại ba chữ Tam Tinh Tự và quét vôi vách chùa! Tôi chưa nói; nào là chiếu, kinh phật được chép ra giấy thành bản, quét dọn sạch sẽ, đặt để lại các pho tượng ngay thẳng,… là đằng khác, tất cả do các Tuyên giáo trong đội này. Người mà chỉ đạo hành động, đó là anh Lê Thái Bình, anh Bình đâu rồi?

– Tôi đây, có gì không, cán bộ? Lời thầy Bình hỏi lại.

      Nguời cán bộ tuần tra, nghiêm nét mặt, mím môi, gật  đầu lên xuống, đoạn ông ta nói gằn giọng:

– Anh là người ưa lãnh đạo quần chúng. Nếu tôi không lầm vào năm 1979, anh đã bị kỷ luật suốt 26 tháng, do tội lãnh đạo một số trại viên phản động biểu tình ngay sân trại trong giờ sắp xuất quân lao động, để đòi hỏi, yêu sách những điều vô lý. Thì nay, những việc làm trên chùa đã hiện thực một số thấy rõ, chính là do anh lãnh đạo các anh Tuyên giáo hành động, chứ còn ai vô đó! Tôi nói cho các anh biết, chùa trên đó là của dân, mặc dù các anh là Tuyên giáo chùa, nhưng không được phép lên đó làm gì trong lúc đang cải tạo. Các anh tiếp tục lên là phạm nội quy cải tạo. Các anh, có ai hỏi gì không?

      Thầy Nguyên Lai liền hỏi:

– Chúng tôi xem trong nội quy, đâu có điều nào cấm các Tuyên úy chúng tôi lên chùa?

      Lời thắc mắc đầy ẩn ý yêu cầu được lên chùa của thầy Nguyên Lai vừa dứt, người cán bộ  quản giáo liền quay qua người cán bộ, trường toán tuần tra, nhã ý xin nói, sau đó mở lời:

– Anh Tùng! Anh đừng thấy tập thể cán bộ trại đối với các anh có hơi nới lỏng nội qui trong lúc này, mà anh  tái diễn lời nói mang tư tưởng chống đối như trước đây anh đã từng nói và hành động, là không được. Xét ra lời nói của anh vừa rồi và cái việc anh lên chùa làm gì trên đó, đủ bị kỷ luật rồi. Anh nhớ rằng; anh đang còn cải tạo đấy nhé! Sở  dĩ các anh được có một chút tự do tối thiểu là ra khỏi hiện trường lao động cả cây số, hai cây số để chặt củi, nấu nướng, ca hát trong các ngày nghỉ, thậm chí có anh còn gặp dân trong việc buôn bán đổi chác, vân vân, là do Ban Giám Thị trại chủ trương dễ dãi. Đừng vì  thế, mà phát ngôn linh tinh, bị hại vào thân. Theo nội qui, anh lên chùa là phạm nội qui, vì chùa là cơ sở tín ngưỡng của dân. Khi nào anh được ra khỏi trại, anh mặc sức vào chùa đúng theo nghề tuyên giáo của anh, khi đang còn trong trại thì  chưa được phép. Anh T hãy cho đội nghỉ!

      Chiều  đến trên đường về, ông đội trưởng không đi sau vớ hai cán bộ như thường lệ,  đi lên ở đầu hàng, để tâm tình với các thầy, ông nói:

– Những lời của hai cán bộ nói chung trước đội, nói riêng với hai thầy hồi sáng, là nhiệm vụ của họ, một bên là trưởng toán tuần tra, một bên là quản giáo. Bởi vì mấy ổng sợ các thầy làm quá, động đến tai ban giám thị, bộ nội vụ, thì mấy ổng sẽ bị hai cấp trên khiển trách mà thôi, các thầy đừng sợ gì cả. Việc làm trên chùa của các thầy không phải là chính trị hay chống đối. Do vậy các thầy cứ tiếp tục được gì hay đó, trước khi chúng ta ra khỏi thung lũng này trong những ngày sắp tới, không lâu đâu. Nhưng tất cả việc làm phải được chui,  đừng lộ liễu, thật kín đáo. Lỡ ra bị mấy ổng bắt gặp, thì cứ chối quanh. Cuối cùng nhận chịu và nói xin rút kinh nghiệm, họ rất thích mình nói xin rút kinh nghiệm trong trường hợp phạm nội quy về sinh hoạt cải thiện, buôn bán đổi chác. Chứ phạm nội quy về tư tưởng chống đối mang tính chính trị, mình bị họ cùm ngay vào xà lim, dù cho nói hằng ngàn lời xin rút kinh nghiệm họ cũng không tha. Điều đó, với thầy Bình quá biết rồi, phải không?

– Hai mươi sáu tháng bị cùm trong xà lim, do chỉ đạo hàng ngàn tù nhân chình trị biểu tình, đòi hỏi đối xử tập thể tù nhân chính trị theo tiêu chuẩn quốc tế, làm sao mà quên được! Trường hợp phạm nội quy về chống đối và chính trị thì tôi hết rồi. Nhưng phạm nội quy về buôn bán đổi chác, cải thiện, tôi bị mấy ổng bắt gặp dài dài. Nhiều lần chạy bán sống, bán chết ẩn núp vào bụi gai rách cả áo, nhảy vào hố bị bể hột gà, trật cả chân… Có lúc khỏi, có lúc bị mấy ổng phát hiện, bắt ra đường hạch hỏi. Tôi bình tĩnh vừa cười vừa nói lời chối quanh. Xét thấy không thoát được, tôi nói lời “Xin rút kinh nghiệm”, tức khắc mấy ổng đáp lại “Anh nhớ bữa sau đừng như vậy nữa nhé”. Chứ mình cãi lại to tiếng, thách đố, là bị mấy ổng kết tội phá hoại hoa mầu, phạm nội quy ở điều năm, điều bảy gì đó, là mình bị họ cùm vào xà lim. Sống một mình, tôi không ngán bị cùm vào xà lim, cãi lại cho đã miệng một cách dũng cảm, bất khuất. Nhưng đang sống với mấy anh em con bà phuớc mà mình bị vào xà lim, đến khi được ra, mình bị họ cấm hẳn làm CHÀNH, thì mấy anh em con bà phước chúng tôi bị thiếu thốn, mất vui. Niềm vui của người tù chính trị chúng ta là sinh hoạt chung, trong đó có ăn chung từ hai người, ba, bốn… người trở lên để đỡ đần nhau lúc ốm đau. Do vậy mà tôi phải dùng lời nhã nhặn, vui cười trước lời họ hạch hỏi khi mình bị phạm nội quy đổi chác, cải thiện rau rán, để được tiếp tục đem lại sự ích lợi vật chất thiết thực cho anh em. Chứ không phải lúc nào mình cũng cương, thách đố đối với họ được. Những người luôn luôn cương, thách đố bằng lời lẽ và hành động đấu tranh không ngừng nghỉ đối với họ, đó là những nhà chính trị ngoài xã hội để được danh và lợi, để rồi một ăn, một thua do bạo lực này thua kém bạo lực kia. Những người Tỳ Kheo Tăng trong Phật giáo chúng tôi; được Đức Phật dạy, là luôn luôn sử dụng phương tiện thiện xảo trong việc hoằng hóa độ sanh gọi là tùy duyên bất biến đúng theo nguyên lý của pháp môn Phật là biến đổi, uyển chuyển không cứng đơ như sỏi đá. Tùy theo căn tính, hoàn cảnh, môi trường sống của chúng sanh mà người tu sĩ chúng tôi sử dụng phương tiện để cứu chúng sanh. Trước đây khi mới vào trại, tôi đã cương và thách đố với họ trong việc đòi hỏi phải đối xử với tù nhân chính trị về ăn, ở  theo tiêu chuẩn quốc tế qua hành động biểu tình ngay sân trại vào giờ chuẩn bị xuất trại lao động, mà không được. Thì nay mình nhẫn nhục, nhu mì  để tìm lối sống cho anh em, chứ đâu phải mình sợ  họ. Dù cho trong lúc mình đi tìm lối sống cho anh em một cách lén lút, âm thầm, nhẫn nhục, nếu mà bị  họ bắt gặp, hành xử đánh đập, chửi mắng…, mình vẫn tiếp tục nhẫn nhục, chịu đựng, không chống trả, thách đố, có khi còn cười với họ, giả  vờ làm thân với họ để được đem lại  ích lợi cho anh em (chúng sanh), chứ đâu phải mình theo họ, sợ họ. Chính tôi đã từng thực hành pháp nhẫn nhục đó trong lúc làm Chành. Tất cả hằng ngàn anh em tù nhân chính trị trại Nam Hà, ai cũng đều biết đến cách nín thở qua sông, tùy duyên bất biến ấy của tôi, do vậy tôi chưa hề bị  mấy ổng đánh, chỉ bị làm kiểm điểm hai ba lần, nhưng kiểm điểm về việc phạm nội quy cải thiện, chỉ là lời hứa lèo, sau đó tôi cứ tiếp tục làm Chành. Trong số thầy Tuyên úy hiện đang ở đây, một vị đã bị người cán bộ võ trang coi đội lao động dùng bá súng AK47 đánh lên vai, ngã  gục trong lúc khom lưng mót sắn để luộc cho anh em trong đội ăn. Tôi đố ông đội trưởng, biết vị nào hay không?

      Ông T im lặng qua mấy giây, đoạn trả lời:

– Thầy Thanh Long, có phải không?

– Đúng rồi! Vậy ông đội trưởng kể cho nghe với.

– Thầy gần gũi bên thầy Long, thầy quá biết, còn bắt tôi kể nữa! Thật sự, tôi chỉ được nghe qua một số anh em ở chung đội với thầy Long trên Hoàng Liên Sơn về đây kể lại cho nghe thôi, làm sao biết rõ bằng thầy. Ngược lại tôi yêu cầu thầy kể cho tôi nghe. Kể mau đi, về đến cổng trại là hết kể đấy nhé.

      Thầy Bình cười khúc khích mấy tiếng, rồi im lặng trong bước đi, như còn do dự. Thấy vậy, ông T nói lời thúc:

– Thầy Bình, kể lẹ lên, còn do dự gì nữa!

      Thầy Bình nhìn qua ông đội trưởng T, cười mím một chút, tằng hắng hai ba cái, mở lời:

– Trước khi tôi kể chuyện bố Thanh Long mót sắn cứu đói anh em trong đội, bị người cán bộ võ trang đánh ngã gục bằng bá súng AK47… Tôi kể cho ông T nghe câu chuyện bố Thanh Long giấu kín công điện di tản tất cả thầy Tuyên úy qua Thái Lan trước 30-4-75, do Thượng Tọa TÂM CHÂU từ Thái Lan đánh về qua hai tòa đại sứ Mỹ và Thái Lan. Sở dĩ chúng tôi biết được điều đó, là do thiếu tá Huỳnh Hữu Đức, nguyên trưởng khối hành chánh của NHA kể lại khi gặp nhau tại trại Thanh Phong vào đầu năm 1980. Anh Đức kể lại rằng, ảnh nhận được công điện từ tòa đại sứ Mỹ và Thái Lan đem tới. Anh Đức đem trình với Thượng tọa giám đốc Nha, là bố Thanh Long lúc bấy giờ. Bố Long bảo anh Huỳnh Hữu Đức cất kỹ không phổ biến. Trong công điện, có  lời Thượng tọa Thích Tâm Châu nhắn với bố Long, là tập trung tất cả thầy Tuyên úy tại sân VN Quốc Tự để máy bay Mỹ đến bốc các thầy qua tạm trú bên Thái Lan để xem tình hình quân sự  trong nước được yên thì về lại, không yên thì  qua Mỹ. Quả thật, vào ngày giờ N ấy có máy bay trực thăng Mỹ hạ cánh ở sân VN Quốc Tự, nhưng không có ai trong lúc đợi chờ hằng mươi phút, họ cất cánh bay lên. Trong lúc hàng chục Tuyên úy nằm nghỉ ngơi tại cư xá vãng lai ở đường Hiền Vương. Sau khi nghe Huỳnh Hữu Đức kể, chúng tôi đều thay nhau đến hỏi bố Long, được bố Long xác nhận có thật điều đó. Bên cạnh lời xác định có bảo anh Đức cất giữ, không phổ biến công điện, bố Long còn nói rằng: “Chúng ta là những bậc lãnh đạo tinh thần quân nhân phật tử, làm sao có thể ra đi trong khi hằng triệu quân VNCH đang còn cầm súng chiến đấu với cộng quân miền Bắc. Mình ra đi là tự đánh mất Bồ  tát nguyện Tuyên úy của mình, phải ở lại với quân lực VNCH, nếu có chết mình chết với quân, bị tù tù theo quân, khổ thì khổ  theo quân. Mình bỏ quân, ra đi để quân ở  lại, coi sao được! Mình trốn quân, ra đi tìm sự sung sướng, khi đất nước được bình định, an ninh được tái lập, mình trở về, lúc đó ăn nói sao với toàn quân? Bây giờ mình đang ở tù chung với hằng triệu quân nhân, đó là một niềm hãnh diện của người Tăng bảo không phản bội chúng sanh”. Bố  Thanh Long mót sắn cứu đói anh em trong đội. Câu chuyện này hầu hết tù nhân chính trị ở Hoàng Liên Sơn đều biết, các thầy biết rõ hơn. Vậy xin mời thầy Tùng (Nguyên Lai) kể cho ông T nghe.

      Thầy Tùng hứ một  tiếng lớn, liền nói:

– Bình kể luôn đi, tôi kể dở lắm!

      Ông đội trưởng chen lời:

– Phải. Thầy Bình kể được lắm, xin mời tiếp tục.

      Thầy Bình tiếp tục nói:

– Ông T biết không! Trong kinh Phật thường đề cập đến danh từ phương tiện có thêm hai chữ thiện xảo. Xảo ở đây không phải là xảo trá, gian manh đâu nhé, mà là tinh anh, hợp hoàn cảnh, rốt ráo, vì có chữ thiện đi cùng. Phương tiện rất nhiều hình tướng, nhiều cách trong đó có  bản thân và trí tuệ (phương tiện trí) con nguời là quan trọng hơn hết, được nói riêng đối với người Tỳ Kheo Tăng trong phật giáo trên con đường hoằng hóa độ sanh, một cách dấn thân vào mọi giai tầng xã hội con người theo sở trường hạnh nguyện. Do vậy có những vị dấn thân vào khối người này, có những vị dấn thân vào khối người kia, không ai giống ai, kể cả vào các bạo lực, chủ  nghĩa. Các vị Tỳ Kheo trong Phật giáo dư biết sở nguyện của nhau nên ngồi im không phê phán. Bố Thanh Long dùng bản thân làm phương tiện đi mót sắn trong lúc đi tìm củi để nấu nước sôi cho đội. Thùng nước và bếp lửa là phương tiện luộc sắn để cứu đói cho mọi người trong đội. Trước cảnh mọi người bị đói, bố Long dựa vào chức vụ nấu nước sôi cho đội, đi tìm củi, bố Long mót sắn đem về luộc, sau đó phân phát cho số người trong đội. Công việc mót sắn, luộc sắn được hanh thông vài lần. Một hôm, bố đang cúi người xuống moi gốc sắn, thì bị người cán bộ võ trang đi đến, trở bá súng đánh mạnh lên vai, bố ngã quỵ xuống đất. Bố đứng lên, nở nụ cười, không nói gì cả. Có lẽ vậy, nên chi người cán bộ nổi giận lên chửi mắng, nhưng bố vẫn đứng im không nói gì. Ngày mai đến, bố Long không lấy gì làm sợ, tiếp tục mót sắn trong lúc lấy củi nấu nước, nhưng mang về láng, tối luộc vì tại láng được đốt lửa để sưởi ấm trong đông xuân. Cũng không thể tránh khỏi cặp mắt của các cán bộ tuần tra an ninh, do vậy được qua năm lần, đến lần thứ sáu, bố  bị người cán bộ an ninh trại ban đêm vào, tra hỏi sắn ở đâu có, ăn cắp chỗ nào phải khai ra. Thấy vậy, bố Long vẫn nói trong lúc lấy củi, thấy có sắn còn sót, để đó chúng hư  thối, uổng lắm, mót về luộc cho anh em ăn, là  việc làm hữu ích, đâu có gì là phạm nội quy, xin cán bộ thông cảm cho. Nghe vậy, người cán bộ im lặng bỏ đi. Còn một chuyện nữa, bố Long đã làm động đến Thiên  đình. Ông T muốn nghe chuyện ấy hay không?

– Trời đất! Chuyện gì mà động đến Thiên Đình dữ vậy?

– Chuyện bố Long tạc bia cho người chết, rồi lén ra gắn trên đầu mả. Thấy động trời chưa?

– Quá động trời! Một vị Thượng tọa đang ở trong trại cải tạo, là nơi khắt khe, nghiêm mật mà dám làm cái việc tạc bia cho người tù đã chết, là chuyện quá hy hữu, có một không hai trên cõi đời này. Vậy thầy kể cho tôi nghe. Ê, mà kể nhỏ tiếng thôi, kể lẹ lên, còn hơn cây số nữa là đến cổng trại.

      Sau  lời ông T, thầy Bình đổi hướng qua phải để gần thầy Khuê, thầy Tùng, rồi bắt đầu nói:

– Như ông T dư biết, tất cả tù nhân chính trị của ta tại các liên trại trên Hoàng Liên Sơn (Phú Sơn, Lạng Sơn…) khi mới ra vào mùa hè 76, ai cũng dừng tay đốn nứa để nhìn cây rừng thì thầm ân ái, thác đổ dải lụa trắng xóa như tuyết, rì rào muôn chiều, nghe chim rừng hót vang vọng nhiều âm điệu, thật là mơ mộng… Khi mùa đông đến, là thời điểm người tù chúng ta đồng loạt trên đà bị kiệt sức bởi khí lạnh rát da, xé thịt cùng với cái đói triền miên, chính là nguyên nhân đưa đến sự ra đi vào lòng đất đối với một số tù nhân chính trị quá ư kiệt sức. Do vậy, trong đội của bố Long, có một anh quá kiệt sức, nên không đủ sức để chống lại cơn bệnh cảm, vì thế anh đã ra đi vào lòng đất mẹ. Khi còn sống, anh ấy rất hiền hòa, dễ thương, nói năng từ tốn. Nhất là đối với bố Long, anh ấy rất kính mến Ngài, thường ngồi gần bên cạnh bố Long để tâm tình chuyện này, chuyện kia, mặc dù anh ấy không phải là quân nhân phật tử, nhưng bố Long rất thương anh ấy. Do vậy sau khi anh ấy chết, bố Long xuống suối tìm một miếng đá có mặt bằng. Cuối cùng bố chọn một miếng có hình chữ nhật và bề ngang bằng hai bàn tay. Sau đó vào những ngày nghỉ lao động, xuống suối tắm giặt, bố mang theo mài mặt phẳng cho thật bằng phẳng. Không những mài ở suối, bố mài ở láng vào buổi chiều tối. Thấy mặt miếng đá bằng phẳng, có thể khắc tên được, bố đi tìm xin những ai có con dao nhỏ và nhọn mũi (con dao được làm lén bằng một cổng sắt, miếng nhôm…). Được có con dao rồi, bố  hì hục khắc tên họ và ngày chết của anh ấy lên mặt đá qua nhiều ngày mới xong. Xong rồi, bố Long điều nghiên thật kỹ cách thức  đi lén vào mả, đào sâu một khoảng trên đầu mả anh ấy, rồi cắm tấm bia ấy xuống. Để cho chắc  ăn, bố tìm những cục đá, đem đến đặt chung quanh tấm bia, để cho tấm bia được đứng vững.

      Thầy Bình định nói thêm nữa, nhưng ngưng lại do có tiếng của người cán bộ võ trang phía sau nói vọng lên:

– Anh T hãy cho đội đứng lại, xếp hàng hai trước cổng, để báo cáo quân số nhập trại.

 

*

*  *

      Làm sao tôi có thể quên được trong những buổi mai cuối hạ, khi những cánh phượng nhạt màu, cánh đực rơi rụng đỏ gốc như những xác pháo nhà ai có  con gái lên xe hoa về nhà chồng, sau thời gian cùng với cánh cái ôm nhau tạo quả dưới ánh nắng thiêu đốt giữa mùa hạ. Nay cánh cái còn đeo chặt bên quả non cho đến khi quả trưởng thành, cánh cái cũng rơi rụng luôn theo quy luật hoa nở rồi hoa tàn.

      Trong những buổi mai có nhiều cánh phượng rơi rụng ấy, có một buổi mai chủ nhật, các thầy Bình, Học, Khuê, Đức và tôi, được bố Long gọi tụ  họp nơi gốc phượng nhà một. Tại đó, tôi thấy những gói thực phẩm được bố Long đã bày ra sẵn trên bao cát màu xanh, sau đó bố cầm lên từng thứ, vừa đưa cho thầy Bình, vừa nói:

– Đây là gói đường cát, đậu xanh hột, ba gói mì ăn liền. Các con nhận lấy, tính liệu phân ra, thứ nào  để nấu chè cúng Phật, Bồ Tát, cúng các Thánh trong chùa, thứ nào nấu ăn ngay hôm nay. Những thực phẩm này do một bà Phật tử Giác Ngạn ra thăm, cúng dường. Kỳ thăm nuôi này không được nhiều món. Thôi, như thế cũng tốt lắm rồi, Phật tử cho gì hay đó, ít nhiều gì, mình đều lo niệm Phật hồi hướng công đức cho Phật tử, cầu nguyện cho họ luôn được an bình khỏe mạnh. Các con cất giữ và khi nào thì thực hiện nấu chè, hành lễ?

      Thầy Bình đại diện các thầy, thưa:

– Kính thưa bố. Chúng con kính xin cảm ơn bố! Nhưng chúng con chỉ lấy hờ một nửa đường cát, một nửa đậu xanh thôi. Còn lại để cho bố bồi dưỡng. Vì chúng con đã lo xong đường, đậu, khoai lang, nếp, một nải chuối, nhang, đèn và hoa vạn thọ. Tất cả được có do chúng con đổi củi lấy một ít thực phẩm và tiền từ mấy vị Tướng khu F và quý đại tá. Thứ nào có sẵn thì thôi, thứ nào không có, chúng con ra mua ở căn tin trại và ở trong dân như hoa vạn thọ, chuối sứ… Chúng con đã phân công rồi. Phần con (Bình) và Khuê lo nhang, đèn, hoa, quả. Thầy Đức lo nồi và nấu chè. Anh Lê Văn Sang và anh Nguyễn Thái Chi lo mua đường và đậu xanh. Phạm Hữu Trung lo đi mua nếp và khoai lang. Như Nhựt và Đức Hạnh nấu xôi. Tất cả đều có ở căn tin trại. Về nghi lễ, thầy Đức chủ lễ niệm hương. Thầy Khuê đánh mõ (chúng con có mõ nhỏ, kêu lắm) thầy Đức Hạnh đứng bên chuông (không có chuông). Ba thầy Nguyên Lai, Như Nhựt (Học), Bình đứng sau, sau cùng là hai anh Sang và Chi. Còn Phạm Hữu Trung nguyên gốc cảnh sát đặc biệt đứng ngoài cửa canh chừng công an là đúng theo nghiệp vụ. Ngày giờ hành lễ, chúng con đã chọn vào buổi sáng Thứ  Hai giữa trung tuần tháng Bảy âm lịch, là mùa Vu Lan. Sở dĩ chúng con chọn ngày thứ hai, là  vì chủ nhật ở nhà đã lo chuẩn bị  xong các việc.

      Sau lời thầy Bình trình bày mọi việc, thì bố Long ban bố vài lời:

– Đường, đậu mà bố đưa cho đó, các con đừng đưa lại cho bố, nấu chè tất để được nhiều, trước cúng Phật, sau cấp cho hết thảy các thầy và quý anh em ăn để mà nhớ đời, kỷ niệm khó quên một miếng khi đói và Phật sự chui cho một ngôi chùa trong trại cải tạo, thật gian nan.

*

*  *

      Tôi vẫn còn nhớ mãi buổi sớm mai Thứ Hai hôm  ấy, buổi mai mùa thu đang về, được thấy qua những cụm mây xám lang thang chầm chậm trên bầu trời, rơi bóng xuống thung lũng chỗ trắng, chỗ xám. Cây rừng, cây chùa, nội cỏ, ngàn hoa đua nhau lắc lư thân hình nhè nhẹ như vũ điệu slow làm rơi rụng lá vàng đầu tiên, để làm quà chào mừng mùa thu đem lại sự mát mẻ bởi những ngọn gió  heo may đầu mùa, sau những ngày dài chịu đựng dưới ánh nắng thiêu đốt của mùa hè.

      Buổi mai mùa thu ấy, chính là buổi mai tâm tư các thầy và mấy anh em Phật tử đầy hứa hẹn, lên chùa hành lễ cúng dường chư Phật, Bồ Tát và chư Thánh Thần bằng tấm lòng thanh tịnh và vật chất khiêm tốn của người tù, – nếu không nói, đó là lễ cầu an theo truyền thống Đại thừa Phật giáo sau khi ngôi chùa được tu sửa dù nhỏ hay lớn, chứ không phải là lễ Vu Lan, mặc dù mùa Vu Lan đang đến.

      Do tâm tư đầy ước hẹn lên chùa, cho nên các thầy trong nhóm chùa đã làm cỏ sáu gốc mơ xong trước các thầy khác và trước thời gian thường lệ là chín giờ, sau đó mới được quyền đi cải thiện; trừ thầy Đức là người phụ trách nấu nước sôi cho đội. Vì thế, hôm ấy thầy kê thêm hai bếp phụ bên cạnh thùng nước cao năm tấc, là hai bếp một nấu chè, một nấu xôi.

      Sau khi cất cuốc vào đám cỏ tranh, các thầy trong nhóm chùa ngồi ở gốc nhãn nói chuyện, hút thuốc lào giả vờ như rảnh rỗi, không có chuyện làm. Rồi các thầy tuần tự từng thầy ôm nhang, đèn, hoa, quả đi nhanh vào rừng cỏ tranh hướng lên chùa cách nhau năm phút. Duy chỉ còn ba chúng tôi, đó là thầy Đức đang nấu chè, thầy Như  Nhựt và tôi lo nấu xôi. Xôi thì mau chín, do vậy thầy Như Nhựt bảo tôi:

– Đức Hạnh ngồi đây xem xôi được, nhắc xuống đem lên sau, đồng thời phụ khuấy chè với thầy Đức để chè không bị khét, tôi phải lên chùa để hái hoa sứ, phụ với hai thầy Khuê, Bình trong việc đem dĩa, bát, muỗng ra để chuẩn bị múc chè, đơm xôi. Hai thầy ấy đang lo cắm đèn xuống bàn đá, đơm chuối vào dĩa nhôm. Còn đơm hoa vào cái lon gô, không biết có đuợc không? Tôi phải lên phụ mới được.

Trước khi đi, thầy Như Nhựt đến Bác Tám (thầy Nguyên Lai) ở gốc nhãn, nói nho nhỏ:

– Chặp nữa Đức Hạnh bưng nồi xôi một mình lên chùa. Còn nồi chè, xin nhờ Bác Tám khiêng phụ với thầy Đức lên chùa giùm nhé. Đang khiêng, lỡ ra bị gặp toán tuần tra, họ hạch hỏi, xin ngài từ tốn, tìm lời khéo nói với họ, chứ đừng vung tay, vạch ngực sấn tới như xưa, thì chè bị đổ hay bị tịch thu, uổng lắm đấy! Dặn hờ vậy thôi. Hôm nay Thứ Hai không có tuần tra, họ ưa đi vào giữa tuần, Thứ Tư hay Thứ Năm.

      Thầy Nguyên Lai cười một cách đắc ý, rồi nói lớn:

– Ngu sao, mà vung tay, vạch ngực, sấn tới lúc này! Để còn đuợc đi Mỹ nữa chớ! Bồ Tát trừ ma, phá ác có lúc, chứ đâu phải lúc nào cũng vung tay, vạch ngực đâu! Chống người ác mà cứ dùng hoài pháp cũ rich, không chuyển hóa họ đuợc, phải thay đổi pháp mới. Trong đạo Phật có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn cho các bậc Bồ Tát hành đạo độ sanh, mà cứ dùng hoài một pháp một khi đối tượng quá ư si mê, đâu phải là Bồ Tát. Như Nhựt yên chí đi, tôi không vạch ngực sấn tới nữa đâu. Tôi sẽ làm đúng theo lời đệ dặn. Thôi, đi đi! Đừng đứng đây nữa! Đúng là Bình Định hay lo xa!

      Thầy Như Nhựt cười lên ha hả, bước tới ghé tai nói nhỏ:

– Bác Tám ơi, nhờ lo xa như vậy, mà Bình Định ta ních hết, Thừa Thiên trớt quớt, trợt móng!

      Chẳng bao lâu, các thầy và ba Phật tử trong nhóm chùa có mặt tại chánh điện. Mọi người đứng đúng vị  trí của mình như đã định. Thầy Quang Đức làm chủ lễ đứng giữa. Có lẽ do vì  chức sám chủ, cho nên thầy Đức đột xuất mặc thêm chiếc áo bốn túi màu hoa rừng lục quân QLVNCH, thay cho CÀ SA. Chiếc áo được mặc lại sau 30-4-75 sau khi vào trại cải tạo do ban giám thị trại phát cho. Chứ người lính cũ trong lúc trình diện học tập, không ai dám đem theo, phục sức toàn là quần  áo dân thường rất tươm tất, lịch sự, như đi  ăn cỗ.

      Nghi thức hành lễ được bắt đầu. Tôi ở vị trí chuông, cũng là vai trò đốt hương, đưa cho vị chủ lễ và cắm hương lên bàn Phật.

      Sau khi nhận lấy ba cây hương từ tay tôi đưa, thầy Đức đưa lên trán vài giây, rồi để xuống giữa ngực, thầy niệm hương qua từng mục đuợc nghe rõ: Nguyện đem lòng… Đấng pháp vương… Đến mục KỲ NGUYỆN  thầy niệm lời cầu siêu  “… Hôm nay chúng con một dạ chí thành, ngưỡng cầu chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền Tăng trong mười phương từ bi phóng quang tiếp độ cho vô số  hương linh chiến sĩ QLVNCH đã vong thân trước và  sau 30-4-75 trong các trại cải tạo trên ba miền đất nước Nam, Trung, Bắc được dứt sạch nghiệp chướng sâu dầy, sanh về các cõi an lành vĩnh hằng. Người đang còn cải tạo, được an bình, khỏe mạnh mau chóng về sum họp gia đình…”

      Những lời cầu nguyện ấy đã làm cho mọi người ai cũng cảm động đến rơi nước mắt, được thấy thầy Đức cũng phải ngưng vài giây để hạ  lòng xúc động.

      Nghi thức cho buổi lễ được thầy Đức khởi xướng từng mục: “Nhứt tâm đãnh lễ”, ba lần. Thầy Khuê khai mõ. Thầy Đức bắt bài tán Chiên Đàn, rồi Nam mô thập phương thường trụ Tam Bảo, ba lần. Thầy Đức niệm lời cầu siêu (thay cho sớ). Tụng Đại Bi; tụng Quy y Hương Linh; niệm Phật A Di Đà (10 lần) Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Địa Tạng Vương, Thanh Tịnh Đại Hải chúng; tụng Bát Nhã, Vãng Sanh (ba lần); tụng Nguyện ngày an lành, đêm an lành… (cầu an cho tất cả tù nhân); tụng bài Cầu siêu, Cầu an công đức thù thắng hạnh…; Nguyện tiêu…; Nguyện sanh. Niệm lời Phục nguyện lần chót. Tụng Tam Tự QuyNguyện đem công đức này… Thầy Khuê đánh mõ lớn tiếng vang dội cả phòng, thầy Đức liền đưa tay ra dấu đánh nhỏ lại. Thầy Tùng ở sau lên tiếng bảo đánh lớn lên, đừng sợ gì cả.

      Sau bài Nguyện đem công đức này, tất cả mọi người đều đứng trước bàn Phật cùng lạy tạ ba lạy, rồi đến bái ba bái ở các bàn Thánh Thần.

      Thấy vậy Phạm Hữu Trung từ cửa đi tới, nói lớn:

– Thưa thầy Chủ Sám, con hết gác rồi, thầy cho con được lạy Phật, bái Thánh.

      Lạy xong, bái xong, Phạm Hữu Trung đứng trước mặt thầy Đức Chủ Sám như muốn mở lời nói gì, thầy Đức liền hỏi:

– Muốn gì nói lẹ lên, còn dọn dẹp để rút quân nữa?

– Theo lời bố Long chỉ thị, là tụng ngắn, sao thầy tụng nhiều bài?

– Cả cầu siêu và cầu an, sao tụng ngắn được!

– Thêm một lý do nữa, con biết tại sao thầy tụng nhiều.

– Lý do gì, nói thử, có trúng như thầy biết hay không?

– Hôm nay là Thứ Hai không có tuần tra. Thứ nữa hôm nay ông đội trưởng T cầm chân hai cán bộ của đội qua ly cà phê, thuốc điếu có cán và kể truyện, để cho các thầy mình và anh em chúng con được làm lễ thoải mái. Chứ ngày thường, sức mấy thầy dám tụng nhiều như vậy, đúng chưa?

– Hay lắm, đúng là cảnh sát đặc biệt VNCH săn tin giỏi, biết trước hết mọi việc, sẽ có thưởng.

      Nghe thầy Đức và Phạm Hữu Trung đối đáp, anh Sang từ bàn Thánh đi tới, nhìn anh Trung, hỏi:

– Gì nữa đây?

– Không có gì. Em nói thầy Đức hôm nay tụng nhiều bài kinh, là do thầy biết… Thôi em không nói đâu. Điều đó anh biết rồi!

– Chú mầy canh CÁN không chịu nhìn ra ngoài, cứ chắp tay nhìn vô, lại còn tụng theo nữa! Phật ở ngoài không gian còn nhiều hơn trong này, nói cho chú mầy biết. Mai mốt về, anh cho chú mầy đi tu làm thầy Sa Di Cồ, mặc sức mà tụng kinh, niệm Phật. Còn ở đây, là phải lo canh CÁN để cho các thầy làm lễ. Làm lễ chui là phải có người canh. Người canh chừng, đó là chú mầy. Chức vụ canh CÁN là chức Hộ Pháp, phước lớn lắm đó. Chú mầy nghe anh nói có đúng không?

– A Di Đà Phật! Tiểu đệ xin phụng hành lời đại huynh chỉ giáo, lần sau làm đúng.

      Xong lễ, tất cả mọi người xúm nhau dọn dẹp sạch sẽ  và ai cũng có lộc Phật. Các thầy không dự  lễ đang ngồi ở nền chùa cũ vẫn  được có theo lời bố Long chỉ thị.

      Sau đó mọi người rút quân ra khỏi chùa, xuống núi lẻ  tẻ từng người một, cách nhau hai phút, thật nhanh lách người qua rừng lau sậy như người du kích. Ba Phật tử Sang, Trung, Chi ở hiện trường phía Nam, đường dài đi trước, sau mới đến các thầy ở  hiện trường nền chùa.

 

*

*     *

      Tôi không bao giờ quên, vào sáng Thứ Năm hôm ấy, xong chỉ tiêu lao động, mọi người rời khỏi nền chùa, ra đi mỗi người một phương, người chặt củi, kẻ kiếm rau theo thông lệ, nếu không nói là cái nghiệp không ngồi yên. Trong đó có thầy Bình đã đi tìm mấy tù hình sự chăn dê để buôn bán  đổi chác. Riêng tôi và thầy Khuê đã phục sức xong áo mão, dao tông, giầy bố sẵn sàng lên đường, nhưng cứ lưỡng lự. “Hai tư tưởng lớn gặp nhau”, thầy Khuê liền rủ tôi đi chặt củi ở hướng Tây Nam sát bìa núi,  nơi có rừng cây, để sau đó trên đường về, bỏ củi ở ngã ba đường mòn cỏ tranh, rồi lên chùa chơi, xem lại mấy hoa vạn thọ cắm trong lon gô có còn tươi và nải chuối sứ chưa chín lắm, còn để thờ, có bị con sóc, chồn, chuột ăn hay không sau ba ngày hành lễ. 

      Thế  là hai chúng tôi tiến bước một cách thoải mái từng bước trên đường mòn cỏ tranh, thì đột nhiên nhìn thấy bóng dáng năm bà, một cụ ông từ  đường lớn rẽ vào đường mòn cỏ tranh, cách chúng tôi cỡ bốn trăm mét. Hai chúng tôi dừng chân quay lui, thấy họ phục sức áo dài kiểu Bắc, đầu đội mâm có đậy lá chuối, lá sen, tay xách, vai mang phẩm vật cúng chùa. Tôi nhìn mặt trời, đoán thời gian cỡ hơn chín giờ.

      Thầy Khuê (Thiện Tâm) liền nói:

– Ồ, hôm nay Thứ Năm, nhằm ngày Mười Bốn hay Rằm tháng Bảy, tôi đoán như  vậy, vì mấy đêm rồi, tôi thấy ánh trăng sáng tỏ qua cửa sổ nhà giam, do vậy họ  đi lễ chùa là đúng. May mà mình không chọn ngày hôm nay rất hay. Chứ chọn là bị đụng cả hai thứ hàng: đụng toán tuần tra, đụng các bà đi cúng chùa. Mình chọn ngày Thứ Hai quá  hay. Thôi bây giờ mình đi, chặp nữa quay lui, mình lén lên chùa để xem các bà cúng gì, có gà  luộc là cái chắc, không những một con mà cả  hai, ba con, vì hôm nay mùa Vu Lan tháng Bảy, kẻ cúng, người quảy.

      Thật sự hai chúng tôi cầm dao tông ra đi, là đi theo thói quen của người tù chính trị chúng tôi, sau khi xong chỉ tiêu lao động, là phải ra khỏi hiện trường lao động xa, hay gần, ít khi ngồi ở hiện trường. Đi, để tìm tai nấm, lá rau, chặt củi, được gì hay đó. Có khi được ổi rừng, ớt rừng nhỏ xíu, nhưng cay xé họng, cào ruột, chảy nước mắt do cái bụng không bao giờ no.

      Hai chúng tôi chặt mỗi người vài ba cây củi găng đầy gai nhọn, loại củi có giá trị cao sau son đào. Chặt vài cây để làm phương tiện phòng thân cho mục đích lên chùa, lỡ ra bị tuần tra bắt gặp đem củi ra mà đỡ.

      Với ý nghĩ ấy, thấy được vài cây, đủ làm phương tiện chống đỡ, chúng tôi giã từ rừng, vác củi ra đường.

      Đang đi, thì nghe sau lưng hướng Nam có tiếng người niệm A Di Đà Phật, không xa.

      Nghe tiếng niệm Phật là biết phe ta rồi. Hai chúng tôi liền đứng lại, nhưng không quay lui, vì củi dài cồng kềnh. Vừa lúc anh Sang  bước tới bên cạnh mở  lời:

– Hai thầy bỏ củi ở ngã ba vào nền chùa, thầy trò mình lên chùa chơi, hôm nay có mấy bà cụ Ba Sao cúng Vu Lan ở trển.

      Thầy Khuê cười, nói ngay:

– Đứng đây chơi hay hơn. Lên chùa giờ này là giờ toán tuần tra thường đến. Gặp họ, bị họ hạch hỏi phiền phức!

– Hôm nay Thứ Năm có tuần tra thật, nhưng mà họ về trại rồi, sau khi họ vào mấy đội ở chỗ con, không vào đây nữa!

      Sau lời anh Sang nói nghe có lý, tôi và thầy Khuê  đem củi bỏ ở ngõ vào hiện trường nền chùa. Hai chúng tôi cùng anh Sang khom lưng bước chậm lên chùa. Nhưng cả ba chúng tôi do dự không lên chánh điện, đứng dưới để chờ các bà cúng xong, họ đi, mới lên.

      Chúng tôi đứng dưới gần bậc cấp đầu tiên và  bên cạnh cây sứ trăm năm, nên được nghe rõ  tiếng các bà và ông cụ nói với nhau; nào là căn phòng hôm nay sáng sủa lắm, là nhờ  tường có quét vôi.

      Nghe tường có quét nước vôi, thầy Khuê nhìn anh Sang nói nhỏ: “Các bà khen anh Sang quét nước vôi, còn thiếu lời khen ba chữ TAM TINH TỰ được sơn lại”.

      Anh Sang cười, đáp lời: “Một con én không làm nên mùa xuân. Có thầy chỉ huy và anh Chi tiếp tay, chứ  đâu phải mình con”.

      Tôi  đưa ngón tay trỏ phải lên trên mũi ra hiệu im lặng để nghe các bà nói tiếp. Chúng tôi được nghe tiếp, nào là: “Nền chùa nay sạch sẽ lắm. Các pho tượng Thánh nơi tường được xếp ngồi ngay ngắn. Chiếc chiếu mới này chắc là do các bác tù chính trị tạo nên.” Tiếng cụ ông nói: “Này, có  tờ kinh nữa đấy”. Tiếng một bà nói sang sảng: “Chùa ta hôm nay được sáng sủa, sạch sẽ, có  chút tươm tất, ngăn nắp ra phết như thế này, là do các bác tù miền Nam làm lén đấy. Nếu họ được phép, còn hơn thế nữa”. Tiếng một bà khác vang lên không kém tiếng bà vừa rồi: “Theo em chặp nữa trước khi chúng ta về, chúng ta nên để lại một nửa con gà và một ít oản xôi  để biếu cho các bác ấy, các chị thấy sao?” Tiếng một bà đáp lại: “Biếu thì dễ rồi, nhưng biếu bằng cách nào, làm sao được gặp các bác  ấy, mà trao?” Liền có bà đáp lời: “Ta cứ để đây, ngày nào, các bác tù chả  có lên đây! Không chừng trên đường về, ta lại gặp các bác ấy đang lên”.

      Nghe đến những lời “không chừng trên đường về, ta lại gặp các bác ấy đang lên”, thầy Khuê liền nói:

– Mình rút quân, rút quân nhanh lên, đứng đây kỳ lắm!

      Tôi buột miệng:

– Sao lại đi, mình cứ đứng đây để gặp họ, xem họ đối với mình ra sao chứ?

– Tất cả những lời họ nói nãy giờ, chúng ta được nghe đó, là biết ngay họ thương và khen thưởng chúng ta rồi. Lời thầy Khuê.

      Ba chúng tôi xuống ngồi tại hai bó củi, chẳng bao lâu thấy họ xuống, tay xách, nách mang, lũ lượt trên  đường mòn cỏ tranh tiến ra đường lớn hướng Nam.

      Họ  đi khuất xa rồi, ba chúng tôi lên chùa. Quả thật  đúng như lời họ nói; chúng tôi thấy nửa con gà luộc và năm oản xôi được gói kỹ  trong lá chuối để trên bàn ông Thánh đội mão cánh chuồn bị sứt một cánh.

      Thấy gà và oản xôi rồi, để đó đã, cả  ba chúng tôi không ai nói gì. Mỗi người chúng tôi đi qua lại các bàn để thưởng thức lại cái thành quả  cỏn con được hiện thực đúng như lời các bà  cụ Ba Sao đã nói lời trầm trồ, khen ngợi sau khi cúng vái, lễ lạy xong mới thấy rõ.

      Qua mười mấy phút ngắm lại toàn bộ trong chánh điện, ba chúng tôi rời khỏi chánh điện. Trước khi đi, thầy Khuê nói:

– Hoa vạn thọ để lại. Đem nải chuối chín về, và cả gà, oản xôi luôn. Oản xôi và chuối chia cho những người trong nhóm chùa, còn nửa con gà luộc, làm quà biếu cho hai cán bộ của đội và ông đội trưởng. Anh Sang và thầy Hạnh thấy Sao?

      Cả hai, anh Sang và tôi đồng thanh nói lớn:

– Quá đúng, đó là phương tiện chống đỡ!

      Trên  đường xuống núi, anh Sang về hướng Nam theo con đường mòn cỏ tranh. Tôi và thầy Khuê đi ngay về  đội, không vác củi, để đó tính sau.

      Về  đến đội, chúng tôi  thấy thầy Bình và Bác Tám (Nguyên Lai) đang ngồi ở gốc nhãn từ  bao giờ, Chúng tôi liền xề tới, ngồi bên. Cỡ  chừng vài phút, tôi vỗ nhẹ lên vai thầy Bình, nói khe khẽ:

– Hôm nay hai ngài được quà thưởng?

– Quà gì?

– Gà luộc và mấy cục xôi, do các bà cụ Ba Sao cúng chùa xong sáng nay, họ để lại nơi bàn Thánh, dù họ không nói, nhưng gián tiếp biếu cho mình.

Nói xong, tôi mở lá chuối ra, thầy liền nói:

– Ê, tôi đề nghị, mình chia nhau xôi, còn đem nửa con gà luộc biếu cho hai cán bội và ông đội trưởng. Quý thầy đồng ý hay không?

– Việc ấy, tôi và thầy Hạnh, cũng như anh Sang đã đồng ý với nhau rồi. Vậy, hai thầy Khuê và Bình đem gà vô lều tranh cho mấy ổng, để lâu bị ôi.

– Đem vào, thế nào cán bộ quản giáo cũng hỏi gà luộc ở đâu, các anh có, đem biếu? Hai thầy trả lời sao? Lời tôi hỏi?

– Ồ! Thiếu gì cách nói, yên chí đi. Lời thầy Khuê.

      Đem gà vào, thầy Khuê nói lời chào hai cán bộ, rồi đặt gà lên bàn. Thầy Khuê nói tiếp rằng: anh em chúng tôi đổi chác được con gà, nay xin biếu hai cán bộ và ông đội trưởng nửa con để nhâm nhi cho vui.

      Người cán bộ quản giáo liền nói lời cảm ơn. Sau đó ông ta có lời hỏi:

– Các anh còn tiếp tục lên chùa làm gì trên đó, nữa không?

– Tuyệt đối, chúng tôi không bao giờ dám lên chùa. Lời thầy Khuê

– Các anh nói thế nào! Chúng tôi biết hết. Nhưng điều chúng tôi yêu cầu các anh hành động vừa thôi, vì việc trên chùa, xét ra chả tác hại gì đến an ninh trại cả. Tuy nhiên, đừng thái quá, thái quá, không những các anh, mà cả chúng tôi đều bị ban giám thị bắt làm kiểm điểm đấy.

      Như để xác định lại được hay không được lên chùa, ông đội trưởng có lời hỏi:

– Theo lời cán bộ nói, tức là được lên chùa, nhưng không được lên nhiều, có phải vậy không?

– Nói thế, anh biết rồi, hỏi lại làm gì nữa!

 

*

* *

      Tôi nhớ mãi một buổi mai có ánh nắng ấm và  gió heo mây mùa thu thổi nhẹ. Hôm ấy là ngày Chủ Nhật. Các thầy Tuyên úy chúng tôi gặp nhau dưới gốc phượng nhà giam số một, nơi đang có những cánh phượng cái nằm ngả nghiêng rải rác trên mặt sân xi măng như những nốt nhạc buồn trên giấy, sau khi không còn sức bám theo những quả  non đã trưởng thành, phải rơi xuống gốc.

      Hôm  ấy chúng tôi hàn huyên tâm sự chuyện vui làm chui việc chùa nhiều lần đã qua. Do vậy, chúng tôi cung thỉnh cố Hòa thượng Thích Thanh Long, nguyên giám đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo QLVNCH cùng chung vui chứng minh.

      Những thầy và ba Phật tử gọi là “nhóm chùa”, đều có mặt; đó là những thầy Thích Nguyên Lai (người hùng ưỡn ngực trước đầu súng AK47), Thích Thiện Tâm (Khuê), thầy Thích Quảng Minh (Lê Quang Đức), Thích Như Nhựt (Trần Văn Học, người hùng nhảy xuống trực thăng ở lại con đường bảy, Phú Bổn, Sông Ba), thầy Lê Thái Bình (người hùng xà lim 26 tháng) và tôi là Đức Hạnh (Lê Kỳ Xuân), thiếu tá không quân Lê Văn Sang, thiếu tá không quân Nguyễn Thái Chi và đại úy cảnh sát đặc biệt Phạm Hữu Trung.

      Giữa những giây phút hít thuốc lào ngất ngư gật gù, uống ực vào ngụm nước trà nóng chát, nhai nhẹ miếng khoai… anh em thay nhau kể nhiều chuyện vui Phật sự chui, trong đó có chuyện hai thầy Bình, Đức đỡ các pho tượng Phật, Thánh ngồi dậy, tựa vào tường do Phạm Hữu Trung kể lại cho ôn Thanh Long nghe, nghe xong, ôn nở nụ cười thật hoan hỷ, đến nỗi thấy rõ mấy chiếc răng như hạt trái na xếu xáo, ngả nghiêng ở lợi trên, lợi dưới qua mấy giây, do tài diễn tả của Phạm Hữu Trung, đoạn ôn Thanh Long mở lời:

– Đỡ tượng Phật, tượng Thánh lên, cho dựa vào tường như vậy là việc làm hiếm có xưa nay. Phật sự đó rất lớn, có công đức tối thượng, vì được xem như một lễ an vị. Các thầy có tụng kinh trong lúc đỡ tượng lên hay không?

– Dạ thưa bố, chúng con chỉ tụng ba biến Bát Nhã. Lời thầy Đức thưa.

      Tôi bèn nói đùa:

– Quên tụng chú Vãng Sanh.

Nghe vậy, Phạm Hữu Trung liền nói:

– Ý chết! Để quý ngài còn ở đây mà phù hộ cho dân Ba Sao luôn được an lành, chứ tụng chú Vãng Sanh, quý ngài về trển hết, không ai hộ trì cho dân Ba Sao.

      Lời Phạm Hữu Trung vừa dứt, ôn Thanh Long dạy:

– Thần, Thánh còn vãng sanh, chứ chư Phật đâu còn vãng sanh nữa. Tất cả các cõi trong tam giới, lục đạo, chỗ nào cũng là Niết bàn vô sanh, vô tử của chư Phật, Bồ Tát cả. Những pho tượng Phật, Bồ Tát bằng gỗ, đất, giấy…, chỉ là để biểu tượng như Phật, Bồ Tát đang còn hiện hữu tại thế gian, để cho Phật tử nương vào đó mà tu tập, lễ bái, cúng dường, cho nên tượng phải nguyên vẹn, tướng hảo quang minh đối với Phật tử. Còn đối với chư tăng chơn tu, liễu ngộ chơn lý, vô ngã, vô thường, thì tượng còn nguyên hay bị sứt mẻ, hư hoại, không thành vấn đề đối với quý ngài. Do vậy anh em cảm thấy thương tâm cho các tượng trên chùa bị sứt mẻ, hư hoại, mà ra tay đỡ lên cho tựa vào tường, cũng như quét dọn, sửa chữa mái chùa, sơn, quét vôi…, là đúng với vai trò của người con Phật là quan tâm cho Đạo Pháp. Phật sự đó tại môi trường không tự do, hoàn cảnh tù cải tạo như thế này, mà các thầy và anh em phát tâm làm, là có công đức lớn. Tuy nhiên phải cẩn thận, kín đáo, kẻo bị kỷ luật do vì Phật sự chui.

      Sau lời dạy của Hòa Thượng Thanh Long, Phạm Hữu Trung phát biểu:

– Thưa bố, theo bố thì những tượng Phật, tượng Thánh bị sứt mẻ đang có trên chùa, do từ đâu hả bố?

– Theo chỗ tôi biết, trong khu vực chùa Hương từ trên núi, trong hang động và chung quanh chùa Hương ở hướng Đông, Tây hữu ngạn, tả ngạn bến Đục, bến Trong đều có chùa nhỏ, lớn ngay trong các đời Đinh, Lê, Lý, Trần… chứ không phải mới có sau này. Đến khi người Pháp đem quân đánh nước ta, đặt nền đô hộ ngay từ triều đại Nguyễn Ánh Gia Long, cho đến các đời nhà Nguyễn kế tiếp, thì các chùa chiền, lăng miếu ở miền quê, rừng, núi từ Bắc chí Nam nói chung, vùng núi chùa Hương nói riêng đều bị máy bay giặc Pháp đến đánh bom. Nhất là những năm 1951-1953, vùng núi chùa Hương bị Pháp đánh bom nhiều nhất vì họ cho là căn cứ địa của quân kháng chiến Việt Minh. Chùa nào bị hư hại nặng, chư Tăng và phật tử lấy gỗ, gạch dùng vào việc khác, còn những pho tượng Phật, Thánh, Bồ Tát… đem gởi vào các chùa gần đó. Do vậy một số tượng Phật, Thánh bằng gỗ bị sứt mẻ đang có trên chùa, mà các thầy và anh em được thấy, có thể  từ ngôi chùa nào gần đó đã bị hư  hoại bởi bom đạn của giặc Pháp, được Phật tử  đem lên đó.

      Thấy Hòa Thượng Thanh Long ngưng, uống xong ngụm trà nóng, thầy Bình thưa:

– Đúng rồi bố ơi! Tại chỗ đội chúng con thường tập trung ăn uống, nghỉ ngơi, bó củi sau giờ lao động. Tại đó có một nền móng cũ bằng gạch, sát mặt đất, hình chữ nhật, dài cỡ mười hai thước tây, ngang cỡ sáu thước tây mà con đã đo bằng những bước của con. Chung quanh đó đang còn mấy cây nhãn, một gốc cây tùng không còn ngọn, một vài cây lựu rất  là cằn cỗi ở hai bên con đường cũ đầy sỏi đá và ổ gà đi ra hướng Đông bến Đục. Phía mạn đông thuộc phần đất chùa có một cái giếng cạn thiên nhiên hình bán nguyệt, ngang cỡ thước hai, dài hai thước ở sát vách của một núi cao, nước ngọt và trong, đội chúng con thường lấy nước ở giếng ấy nấu uống và rửa ráy. Phần đất của ngôi chùa được tính riêng cỡ vài mẫu tây ở hai bên núi Đông và Tây. Từ Tây sang Đông chỗ rộng nhất cỡ ba cây số, hẹp nhất là có một cây số chiều ngang, còn dài cỡ trên ba cây. Trước hình ảnh nền móng cũ, ngôi chùa nhỏ còn lại  trên mỏm núi thấp cách nền cũ chùa xưa ở hướng Tây và những cây nhãn, gốc tùng, gốc lựu đang trơ gan với nhật, nguyệt trong bốn mùa… Chúng con bèn hỏi mấy cán bộ trong đội rằng: Tại sao ở đây có nền móng giống nền móng theo kiểu chùa, kiểu miếu quá vây? Thì họ trả lời, đó là nền cũ của ngôi chùa ngày xưa, chùa của công chúa đời nhà Trần đấy. Họ  còn nói thêm: đường vào chùa đây có hai ngả, từ Phủ Lý - Ba Sao hướng Đông vào, từ bến  Đục ở hướng Đông Bắc đi vô, nhưng phải qua hai ngọn đồi. Nay đường ấy hết người đi lại, vì đâu còn chùa lớn nữa mà đi, nên chi bị mất lối bởi cây cối mộc thành rừng. Chỉ còn con đường từ Phủ Lý - Ba Sao vào đây thôi.

      Thầy Bình ngưng ở hai chữ “đây thôi”, không tuyên bố hết hay còn, mặc nhiên đưa tay lấy điếu cày dài thòn có hai chân chống như cây đại liên, nạp bi thuốc lào vào lỗ điếu, đưa lên miệng, châm lửa, rít một hơi dài ưỡn ngực phát ra âm thanh róck róck giòn tan như đại liên khạc đạn, rồi ngước mặt lên, nhả khói tua tủa ra mũi, miệng, cùng lúc cả thân hình gật gù lên xuống, tay run rẩy bưng gô nước lên, uống ực một ngụm, thở dài hổn hển với đôi mắt lờ đờ, làm cho ôn Thanh Long và anh em cười rộ lên trong thoáng chốc, rồi trả  lại cho không gian cái yên lặng trôi qua từng cái nháy mắt của mọi người.

      Để cho không khí hàn huyên đừng tiếp tục đi vào cô đơn, tôi mở lời:

      – Thưa bố, phải công nhận phong cảnh nơi chùa cũ ngày xưa  ấy, rất đẹp; đẹp một cách thiên nhiên đầy thiền vị, mặc dù nay chỉ còn nền móng cũ, nhưng cảnh đẹp thiên nhiên, thiền vị không mất, càng lúc càng đẹp thêm. Đúng, Trần Nhân Tông là một thiền sư, nên ngài đã chọn cảnh đẹp thiên nhiên đầy thiền vị, tịnh độ ấy để xây dựng một ngôi chùa lớn, một am nhỏ cho con gái mình là công chúa Huyền Trân để ẩn tu thiền tịnh ở phần đời còn lại.  Nhân đây con mạo muội nhái lại lời thơ xưa: “Hôm nay cây quế ở rừng. Không còn thằng mán, thằng mường nó trêu”.

      Tôi  đọc xong câu thơ, bố Long ban lời:

– Hôm nay ngày Chủ Nhật, được một ngày nghỉ, dành thì giờ cho cơm trưa trong đó có nấu nướng, rồi giặt giũ, tắm gội.  Còn ở đây là còn làm Phật sự chui, nói vui chuyện chùa.  Hôm sau hàn huyên tiếp. Chúng ta nghỉ nhé.

 

 

Đức Hạnh LÊ KỲ XUÂN,

Cựu Đại Úy QLVNCH,

Trưởng Phòng TUPG

Trường Võ Bị QGVN & Đại Học CTCT

ĐÀ LẠT

 

 

 

(1) Chỉ  đạo biểu tình đòi quyền sống cho các tù  nhân chính trị bì cùm 26 tháng trong xà  lim.

(2) Người Tỳ Kheo luôn luôn bất khuất.

(3) Ăn trưa ở hiện trường, chiều mới về. 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/01/2023(Xem: 3730)
Thưa các bạn, câu chuyện tôi muốn kể sau đây về sức vươn lên của cậu bé chăn trâu 11 tuổi tên Quảng. Quảng và tôi có một nhân duyên kỳ lạ có lẽ kết từ bao kiếp trước để run rủi kiếp này có những ràng buộc dù muốn hay không đã trở thành con nuôi của tôi. Quảng sinh ra và lớn lên tại núi đồi Yên Bái, vùng sâu và xa, nơi đa số toàn người sắc tộc thiểu số, đêm đêm chỉ có tiếng ếch nhái ểnh ương nỉ non hay khỉ ho cò gáy từ rừng xa vọng lại.
17/12/2022(Xem: 3793)
Đồng tiền có hai mặt sấp ngửa, vũ trụ đất trời có ngày và đêm, sáng và tối, con người có hai mặt thiện và ác. Chồng của tôi có hai mặt đối nghịch mà tôi phải dùng Bát Nhã Tâm Kinh quán chiếu "Không dơ cũng không sạch" để sống còn đến ngày kỷ niệm 50 năm ngày cưới, một đám cưới vàng. Đến thời điểm này tôi mới dám viết lại câu chuyện thật của đời tôi, và cũng nhờ Phật pháp nhiệm mầu, những giáo lý vi diệu của Đức Phật mà tôi đã học hỏi được để chuyển hóa một ông chồng Nghịch Duyên hạng nặng, trở thành một ông chồng Trợ Duyên hữu dụng.
03/12/2022(Xem: 4339)
Tại kinh thành Lạc Dương có một tay, trước là thương buôn sau chuyển sang nghề cờ bạc. Nhờ lanh lợi trong mánh lới buôn bán, gã học được nghề bịp rất nhanh. Tài bịp của gã giỏi tới mức không một ai biết mà chỉ cho rằng gã “số đỏ” hoặc “thiên tài”. Bao nhiêu tiền ngày hôm nay đều do cờ bạc mà có. Thế nhưng không hiều sao, có thể do ‘tổ trác” hay do “hết thời” mà gã thua liên tiếp, mất 50 lượng vàng tại một sòng bài lớn. Vừa tiếc của, vừa tức giận, vừa xấu hổ, gã cho mời viên quản lý ra, lớn tiếng nói: -Ta sống bằng nghề đánh bạc đã hơn hai mươi năm, chỉ có ăn mà không có thua. Nếu ta thua tức sòng bài gian lận. Yêu cầu quản lý trả lại 50 lượng vàng, nếu không ta sẽ thưa lên quan phủ.
21/11/2022(Xem: 5539)
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp trung cấp Phật học tại Đà Nẵng, bản thân phát nguyện ăn ngày 1 bữa (chỉ dùng đúng Ngọ 12h trưa, trước và sau Ngọ sẽ không dùng bất kỳ thức ăn gì). Lúc đó, không ngoài tâm nguyện “Trên tìm cầu tu học Giáo Pháp giải thoát và trong tâm luôn hướng nghĩ đến sự giác ngộ của muôn loài” do vậy mà bản thân phát nguyện ăn ngày 1 buổi và chuyên tâm trì tụng Chú Đại Bi tiếng Phạn.
12/11/2022(Xem: 4217)
Có những bước chân đi chỉ để mà đi, nhưng có nhưng bước chân đi là để trở về. Trở về về với những nơi thân thương, trở về với chính bản thân mình, trở về với cội nguồn, trở về với miền đất Phật. Trong chuyến đi để trở về ấy, chúng tôi _ đoàn Thái Hà Books và gia đình “Thiền trong từng phút giây” đã có những khoảng khắc tĩnh tâm, những khoảnh khắc nhìn lại chính mình, và những khoảng khắc vô cùng xúc động.
11/11/2022(Xem: 3022)
Bút giả đến Mỹ cũng khá lâu, cách nay cũng trên 40 năm. Đầu tiên tôi sinh hoạt chính thức Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam tiểu bang Colorado, thành phố Denver. Được hơn một năm, không chịu đựng với cái lạnh không quen ở đây nên về sinh hoạt với Phật Học Viện Quốc Tế và cũng là Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Nghi lễ của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Hoa Kỳ, trụ sở là chùa Việt Nam Los Angeles bây giờ. Sau đó, quý thầy lớn : Đức Niệm, Thiện Thanh, Tịnh Hạnh . . . lớp quý thầy ngang lứa như chúng tôi (Tín Nghĩa), Nguyên Đạt, Pháp Châu, Nguyên Trí núi (tức là Hòa thượng Nguyên Trí chùa Bát Nhã bây giờ) và Nguyên Trí già (tức là Hòa thượng Đạo Quang bây giờ). Tôi là Phó Chủ tịch đặc trách Gia đình Phật tử. . . còn quý Trí thức Cư sĩ gồm có : Bác sĩ Tôn Thất Niệm, Dược sĩ Tâm Thường, Đạo hữu Thiện Bửu . . . còn một số nữa, lâu quá chúng tôi không nhớ hết.
02/11/2022(Xem: 19190)
Bấy giờ, tôi khoảng chín tuổi, một hôm đi xem đưa đám tang ông Võ Hờ trong xóm, thấy mọi người đi sau đám tang đều khóc nức nở và tức tối. Thấy họ khóc, tôi cũng khóc, nhưng bấy giờ tôi không biết tại sao tôi lại khóc như vậy.
15/05/2022(Xem: 10877)
“Kinh Pháp Cú” là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Đây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới. Nhiều tác giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của đạo Phật. “Pháp” có nghĩa là đạo lý, chân lý, giáo lý. “Cú” là lời nói, câu kệ. “Pháp Cú” là những câu nói về chánh pháp, những lời dạy của đức Phật nên “Kinh Pháp Cú” còn được gọi là “Kinh Lời Vàng” hoặc “Lời Phật Dạy”.
01/05/2022(Xem: 15270)
“Kinh Pháp Cú” là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Đây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới. Nhiều tác giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của đạo Phật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]