Gia đình là nền tảng của xã hội. Muốn tạo dựng một xã hội phồn thịnh an vui, có lẽ ta cần phải có thật nhiều mái ấm gia đình mới phải. Thế nhưng trong thực tế thì than ơi, ta chỉ gặp toàn những gia đình tiêu biểu cỡ anh chồng Nguyễn văn Đầu Vịt và chị vợ Trần thị Lá Sen như câu chuyện Mái Ấm Chợ Chiều dưới đây.
Đã bao đêm chị Lá Sen trăn trở, chị lục đục lăn qua lăn lại xoay hết đủ mọi chiều mà cớ sao mắt chị vẫn mở tráo trưng, vẫn không dỗ được giấc ngủ muộn màng. Chị đã cố dùng bao phương pháp thiền quán của pháp môn này lẫn Tịnh độ của Tông phái kia, nhưng cũng chẳng ăn thua gì trong tình huống giở sống giở chết của chị đây.
Chị Lá Sen của chúng ta bị tâm bệnh nặng đến thế hay sao? Trong bốn chữ T to đùng: Tình, Tiền, Tù, Tội, chị vướng phải chữ nào? Các bạn đừng vội nóng ruột, cứ từ từ đọc tiếp sẽ biết rõ nguồn cơn.
Câu truyện của đôi vợ chồng Đầu Vịt và Lá Sen, tiêu biểu cho khá đông gia đình Việt Nam sống tại xứ người muốn nhận nơi này làm quê hương nhưng sao vẫn thấy lạc loài. Họ toan tính sắp đặt cho tương lai về già của họ một cuộc sống ấm áp thật đầy ắp thương yêu tại quê nhà, nhưng mà… vẫn chữ nhưng đáng ghét!
Sơ lược qua cuộc đời sự nghiệp của hai anh chị, họ đến xứ Đức lập nghiệp đã khá lâu, lâu đến độ không ai còn nhớ gì đến thuở bần hàn tay trắng mỗi bữa cơm chỉ dám mua thịt ba chỉ về kho mặn chấm với rau xanh. Thế rồi họ cùng nhau tay nắm tay gây dựng lên một mái ấm gia đình con cháu đề huề, thành đạt đủ mọi phương diện. Khiến bao người chung quanh phải ngưỡng mộ và phân bì vì nghĩ rằng trời ưu đãi cho họ nhiều quá! Họ lấy hết cả phần của thiên hạ.
Nhưng trời cao cũng có mắt, cho họ nhiều thứ quá sợ thiên hạ kiện nên ông trời chỉ lấy lại của họ một điểm thôi. Chỉ cần một điểm nhỏ thôi là tất cả các ưu việt của họ sẽ đổ cả xuống sông xuống biển. Ấy là câu “phi oan trái bất thành phu phụ“, họ phải trả nghiệp lớn nghiệp bé với nhau “mút mùa lệ thủy“ cho suốt hết tàn canh. Bù lại cả hai đều mang một cái tên định mệnh là Đầu Vịt và Lá Sen, có nghĩa là sau những lần giao tranh ác liệt của “tình trường chứ không phải chiến trường“, tất cả các thương tích đều như nước chảy đầu vịt và dội trên lá sen, họ vẫn không hề hấn gì và vẫn sống hạnh phúc bên nhau chờ cơn bão tới.
Nói cũng phải tội, anh Đầu Vịt là người chồng tốt rất tốt là đằng khác, anh chăm chỉ làm ăn lo cho gia đình vợ con từng ly từng tí. Vợ con cứ việc ăn no ngủ yên, tất cả đều nằm trong vòng tay che chở của anh. Chị Lá Sen chắc phải tu mấy kiếp mới gặp được người chồng lý tưởng như anh. Còn vai trò làm Bố thì anh Đầu Vịt nhất định không thua kém một ai. Thế thì nguyên nhân nào sinh ra cảnh đất bằng dậy sóng vậy kìa! Khó hiểu quá đi thôi! Muốn giải rõ vấn đề này ta cần đi sâu vào khoa tâm sinh lý học, anh Đầu Vịt cả đời bị áp lực của sự thành công đè nặng trên người, nên sau khi làm xong bổn phận của mình anh chợt nghĩ tới thân phận của riêng anh. Cuộc đời còn lại có còn được bao lâu, sao không về Việt Nam hưởng thụ cho thỏa chí tang bồng. Ở xứ Đức đến mùa đông lạnh lẽo, thiếu ánh nắng mặt trời như thiếu cả một trời xuân. Chị vợ Lá Sen tuy vẫn còn xuân sắc, nhưng đã bị liệt vào loại:
Vợ là “địch“, Bồ bịch là “ta“.
Đám cưới đám ma, ta đi với “địch“.
Party du lịch, ta đi với “ta“.
Chiến sự xảy ra, ta về với “địch“.
Nằm trong lòng “địch“, vẫn hướng về “ta“.
Lúc ban đầu chị Lá Sen cũng nổi máu Hoạn Thư ghen tương inh ỏi, chị dọa nạt đòi ly dị xé giấy xé tờ rồi tống anh ra khỏi ngôi nhà hạnh phúc. Anh thản nhiên xách va-li về Việt Nam làm một chuyến dế mèn phiêu lưu ký gần hết nửa năm. Chị Lá Sen ở một mình bên trời Âu thấy cũng khỏe, tận hưởng sự tự do quí giá của mình. Tình cờ chị đọc được trong tờ lịch Tam Tông Miếu có ghi các câu danh ngôn thế giới, có ông nào đó viết:
Tuổi trẻ ta ao ước: tình yêu, tiền bạc rồi mới đến sức khỏe.
Khi về già ta lại ước: sức khỏe, tiền bạc rồi mới đến tình yêu.
Đối với chị sức khỏe là vàng, bằng này tuổi đầu mà còn đòi ly dị không sợ con cháu nó buồn hay sao. Khi hình ảnh anh Đầu Vịt hiện ra trong tâm thức, chị chỉ cần quán đến cái túi da đựng không biết bao nhiêu đồ phế thải là lửa lòng lạnh ngay. Nếu quán sâu thêm phần chi tiết thì cái túi da ở Việt Nam còn không có cả hệ thống thoát thải nữa cơ. Eo ơi! Kinh quá!
Giả thuyết thứ nhất, chị Lá Sen còn đau khổ vì tình không có cơ sở vì ngọn lửa lòng của chị đã bị anh Đầu Vịt vùi dập bao năm, muốn cháy cũng không cháy nổi. Thế thì động cơ thứ hai phải là chữ Tiền. Vâng, với tuổi này tiền bạc được xếp hạng cao hơn tình yêu như cái ông danh nhân ở trên đã nói. Chả trách gì chị Lá Sen mất ăn mất ngủ, nhảy đong đỏng điệu Lam-bà-đa giống như nghệ sĩ Ái Thanh vừa nhẩy vừa hát câu “Quê ta nhiều Honda, nhiều Toyota, nhiều đứa bé không… nhà “. Khi chị nghe tin hành lang từ nhà gửi sang là người chồng yêu quí của chị đã chuyển cho người yêu bé nhỏ của lão ta năm mươi triệu đồng để làm ăn. Thôi thế là hết! Trước sau gì cái lão Đầu Vịt của chị cũng đem tiền cho gái, với vợ thì bỏn xẻn từng đồng nhưng lại “Bòn nơi kẻ chợ, đãi nơi quần hồng“ như cụ Nguyễn Du vẫn thường bảo.
Chị chất vấn anh, anh nạt lớn kiểu Cả vú lấp miệng em:
- Chỉ được cái ăn nói vớ vẩn! Không con nào ăn được của tôi một đồng, cho mượn 50 triệu tháng sau đã trả thành 60 triệu, đồng tiền để phải sinh ra lời chứ!
Chị Lá Sen ngao ngán cho lòng tham không đáy của anh, bọn lừa đảo chỉ dựa vào điểm này để quăng mẻ lưới cuối cùng hốt sạch hết cả vốn lẫn lời của anh, sau khi mồi cho anh một số tiền lời thật khá. Tham thì thâm, Bụt đã bảo rằng chớ có tham câu nói các cụ hay dậy con cái chị nhớ nằm lòng thế mà nói mãi anh chẳng chịu nghe. Tuy bụng bảo tiền của lão ta muốn cho ai chẳng được có chạm đến mình đâu, nhưng chị Lá Sen vẫn ấm ức thầm trong bụng. Đêm nằm vắt tay lên trán chị nghĩ, biết đâu mấy con yêu tinh ở Việt Nam dùng bùa ngải để moi tiền mấy lão Việt kiều. Mấy hôm nay chị thấy ruột gan nóng nảy, chạm trán anh chị chỉ muốn đòi ly dị và bán nhà để khỏi thấy cái bản mặt của anh nữa. Có phải đó là triệu chứng của ngải yêu mà phe “ta“ tung ra để phe “địch“ rút lui một cách thần sầu hay không? Vì vợ là địch, bồ bịch là ta mà.
Sau nhiều đêm mất ngủ, chị Lá Sen đành gọi điện thoại cho người chị đồng điệu của nàng là chị Năm Vịt Bầu để tư vấn cho vấn đề quốc nạn, làm sao giải bùa yêu thuốc lú đây. Chị Năm thương em không biết làm sao, đành mách bảo:
- Lá Sen em, ở vùng chị ở cũng xảy ra nhiều chuyện tương tự, họ nói đem quần áo lót của người bị ểm về Việt Nam kiếm mấy ông Thầy giải bùa là hết liền.
Chị Lá Sen tưởng tượng ra cảnh mình về nhà len lén lấy trộm cái quần xà-lỏn của chồng đem giặt sạch rồi đóng hộp gửi về Việt Nam, nhờ người nhà đi tìm Thầy làm phù phép thế nào cũng được chồng trở lại. Nghe như một giấc mơ!
Nhưng sau một phút đi hoang, con người chánh niệm của chị đã trở về, chị không thể nào để tuột sợi dây Bát Chánh Đạo cột quanh người. Làm sao có thể làm mất chánh tín lẫn chánh tư duy được chứ! Chị Lá Sen cười với chị Năm Vịt Bầu:
- Chị ơi, không được đâu! Sư phụ mà biết em làm vậy sẽ bắt quì nhang điện đó. Ngoài ra em nghĩ kỹ rồi, nếu lão Đầu Vịt của em bị mê muội thì mình cứ để cho lão đi đâu tùy ý, tội vạ gì giải bùa rước cái của nợ ấy về.
Chị Năm gật gù tán thành:
- Em nói đúng đó! Thôi quên ba cái chuyện này đi.
Suýt tí nữa chị Lá Sen đã để con ma “Ngu-A-Ma“ lôi kéo đi theo con đường tà đạo, đây là một loại Ma mới xuất hiện trong kỳ thi Phật Pháp của khóa Tu học Âu Châu kỳ thứ 22. Nguyên nhân nào phát sinh ra một loài Ma không có trong sách vở kinh điển của nhà Phật, chỉ có các thí sinh cấp 2 tham dự kỳ thi mới biết mà thôi. Chẳng là trong bài thi có một câu hỏi của thầy Thông Trí hỏi ngắn làm khó dễ các thí sinh như sau:
Tinh tấn là căn bản để hàng phục ma chướng. Vậy hãy kể ra 4 loại Ma.
Thầy giám thị khi đọc lên câu hỏi đã cười cười trấn áp các thí sinh:
- Nếu ai trả lời là Ma-đam, Ma Le, Ma Xó hay Ma Cà rồng sẽ bị trừ điểm.
Chị Lá Sen đọc xong câu hỏi cũng chết lặng cả vài giây, ngày thường chị vẫn bị các con Ma phiền não quấy phá đến ngủ không yên. Bây giờ đến tên một con Ma cũng không nhớ nữa lấy gì bốn con. Phải mất đến gần mười phút sau chị mới viết được tên hai con Ma, đó là Phiền não Ma và Ngũ Ấm Ma. Đang cơn bối rối bỗng Sư Cô giám thị của chùa nhà đi ngang, chị Lá Sen hỏi nhanh:
- Cô cho con thêm hai con Ma nữa đi!
Sư Cô muốn giúp lắm nhưng không dám mở lời sợ phạm luật thi cử, Cô giả bộ đi tới đi lui mặt hất hất lên trời. Chị Lá Sen nhờ có nuôi dưỡng chủng tử Phật Pháp nên nhanh trí nhớ tới con Ma trời, đã có Thiên Ma rồi ắt sẽ nghĩ đến Tử Ma. Thế là chị được 4 điểm ngon ơ cho 4 con Ma.
Chị bạn Đạo ngồi bàn trên cũng đang vặn đầu tìm tên của 4 loài Ma, không ngờ ma đưa lối quỷ dẫn đường cây bút của chị bị hết mực. Thay vì Ngũ Ấm Ma, mực chỉ ra được có Ngu A Ma, các chị bạn bên cạnh tin tưởng vào tài năng Phật Pháp của chị này nên cả nhóm chúng mình bốn đứa đều viết là Ngu A Ma. Hiện tượng cọp-dề giây chuyền kiểu này đã làm chấn động các vị trưởng lão chấm bài.
Xin đi sơ lược qua 4 loại ma vừa được nhắc đến tên, nhưng chưa một lần nhận rõ chân tướng kỹ càng:
. Phiền não Ma: loại ma này nằm sẵn trong ta, nó theo ta như hình với bóng, chỉ đợi dịp thuận tiện là nhảy ra cắn xé thân tâm ta. Bản chất của Phiền não ma cũng tương tự như Tham-Sân-Si Ma. Muốn diệt chúng phải hạ thủ công phu thật quyết liệt tùy theo căn cơ của từng đối tượng. Cách dễ nhất là thực hành bài kệ “Tứ hoằng thệ nguyện” sau mỗi thời kinh, trong đó có câu:
Phiền não vô tận thề nguyện đoạn.
. Ngũ Ấm Ma: loại ma này rất vô hình và trừu tượng, được tạo thành do 5 thứ vọng tưởng, Ngũ Ấm là 5 thứ ngăn che:
- Sắc Ấm Ma : vật chất, sắc thân, trai gái, xấu đẹp làm ngăn che.
- Thọ Ấm Ma: cảm xúc vui khổ, không vui không khổ (vô ký) làm ngăn che.
- Tưởng Ấm Ma: lầm tưởng không đúng sự thật làm ngăn che.
- Hành Ấm Ma: các hoạt động về vật lý, tâm lý, sinh lý làm ngăn che.
- Thức Ấm Ma: nhận thức sinh ra cái tôi làm ngăn che.
Bản nhân của Ngũ Ấm đều là vọng tưởng, tâm chẳng chánh, lọt vào tà kiến nên bị ma ngũ ấm xâm nhập.
. Thiên Ma: loại ma này rất cao siêu, ở mãi tận trên trời, là Thiên chủ của các trời thứ sáu của dục giới. Nó chỉ thích thử đường tu của các vị cao tăng và các bậc trưởng lão. Còn các loại tép riu hay cào cào châu chấu mới bước chân vào chùa tu tập, không có cơ hội để diện kiến con Ma trời. Một thí dụ điển hình con ma Ba Tuần hay được nhắc đến trong các truyện cổ Phật Giáo.
. Tử Ma: vì thọ mạng của con người có hạn nên làm hại tới việc tu đạo, mới phát sinh ra Tử Ma. Đây mới là thế giới của chúng ta, tuy Người và Ma không có cùng chung một tần số nhưng vẫn sống lẫn lộn với nhau. Ai yếu bóng vía hay lỡ dại có chung một tần số với ma, hoặc dễ hiểu hơn là cứ đi đêm cho lắm vào thế nào cũng gặp được Ma. Những con ma chết này có nhiều tên lắm, nào là Ma Le, Ma Xó, Ma Cà Rồng, Ma Cà Bông, Ma Cầu Muối…
Riêng con ”Ma-đam“ không thuộc về Tử Ma nên xin phép miễn bàn.
Đến đây chấm dứt phần 1 của câu chuyện Mái Ấm Chợ Chiều, trong phần này chúng ta đã đi qua hai điểm then chốt trong cuộc đời ô trược là hai chữ Tình Tiền. Chính hắn là nguyên nhân gây đến khổ đau vô cùng tận cho hai đại biểu Đầu Vịt và Lá Sen. Mời các bạn đọc tiếp phần 2, để biết rõ thêm về cái hậu quả của hai chữ T cuối cùng gói ghém trong cái vòng “Tình Tiền Tù Tội”.
Đã từ lâu mái ấm gia đình của vợ chồng anh chị đại biểu này đã biến chất, nó biến họ từ đôi uyên ương ra thành đôi ễnh ương, thỉnh thoảng lại có dư âm của hai con khỉ già bắt chấy cho nhau. Họ cắn xé nhau rồi chửi bới nhau cứ ơi ới cả ngày, con cái đã ra ở riêng hết, nhà cửa rộng rãi cách xa hàng xóm nên họ tha hồ giở luật giang hồ đập phá la hét, chẳng ma nào thèm để ý đến chuyện riêng tư của họ. Mái ấm gia đình của họ đã biến thành một cái chợ chiều buồn thỉu buồn thiu, không người qua lại.
Nếu phiền não tức bồ đề, tận cùng của khổ đau là hạnh phúc thì sau những biến chuyển của Tình Tiền sẽ đưa đến Tù Tội. Vâng, họ đang dẫn nhau đi trên con đường của ngạ quỷ để trả hết những tiền oan nghiệp chướng của bao kiếp trước đã nợ nhau.
Một sáng đẹp trời đang ngồi uống cà phê chung với nhau, anh thao thao bất tuyệt kể chuyện Tam Quốc Chí khen ngợi hết nhân vật này đến tài trí của kẻ kia. Chị ngồi nghe gật gù phụ họa như bất cứ một người vợ hiền cổ điển trong tiểu thuyết xưa. Ai bảo họ không hạnh phúc chứ. Đùng một cái anh nhận được điện thoại của người em họ báo tin đã ký giấy nợ với một tên Cò nào đó để hắn lo chạy chọt lấy sổ hồng căn nhà anh về Việt
Anh lôi chị vào phòng computer khóa trái cửa lại, để chìa khóa dưới khửy tay rồi bắt chị gọi điện thoại về Việt
- Còn khuya tôi mới chết lảng nhách vì một người như anh! Lỡ chết thật kiếp sau tôi sẽ tìm anh để trả thù chứ yêu thương cái nỗi gì được nữa chứ.
Không ngờ câu nói dọa nạt vô thưởng vô phạt như thế lại làm anh sợ. Anh Đầu Vịt lẳng lặng lấy chìa khóa mở cửa thả chị ra. Chị Lá Sen nghiệm ra một điều, đâu phải lúc nào Bồ Tát Quán Âm cũng cầm cành dương liễu phất phất, ngài phải thè cái lưỡi Tiêu Diện đỏ lòm cho bọn ác ôn chúng sợ.
Chị lại là con người giàu tưởng tượng, chị nghĩ giá lúc ấy chị giận quá mất khôn nhảy thật và chết thật. Dĩ nhiên chết trong thần thức ấy làm sao chị được vãng sanh, làm sao có “Phowa” đây. Phowa theo truyền thống Tây Tạng nghĩa là chuyển di tâm thức của người mất, theo Việt
Từ những nhận xét đơn giản như trên, chị Lá Sen ra giữa trời hét lớn:
- Ta phải sống! Và phải sống hùng sống mạnh.
Chị cần tu hành tinh tấn thêm lên để hàng phục Ma chướng, nhất định không làm bạn với những con ma như Ngu A Ma, hay tự biến mình thành Lá Sen Ma. Khi đã biết được nguyên nhân gây khổ đau là Tình Tiền rồi thì phải cắt đứt ngay tại chỗ, nhất định không để giây dưa kéo theo hai chữ Tù Tội mà thiệt thân.
Chị nhớ lại một buổi tối họp mặt của các chị em bạn đạo lẫn bạn đời. Họ là những người có cùng chung với nhau một tâm tình nên thương mến nhau như chị em ruột trong nhà.
Hôm ấy mọi người ngẫu hứng đòi làm văn nghệ giải sầu, mỗi người phải đóng góp ít nhất một tiết mục, kẻ ca người hát thật vui nhộn. Không biết sao chị Năm Vịt Bầu lại hát bài “Thương hoài ngàn năm” để tặng cho tất cả mọi người trong nhóm, chỉ trừ cô em Lá Sen của chị là không được tặng mà thôi. Bù lại chị kể một câu chuyện nhỏ, một bài toán đố để tặng riêng cho cô em Lá Sen. Mọi người đều hồi hộp, ngóng chờ câu chuyện không phải chỉ riêng mình chị Lá Sen.
Với một giọng kể chuyện thật nhẹ nhàng, chậm rãi, chị bắt đầu:
- Có một người đi câu cá, ngày đầu tiên ông ta câu được 9 con cá nhưng rất tiếc không có đuôi. Ngày thứ hai ông ta câu được 6 con cá nhưng không có đầu và ngày thứ ba ông ta câu được 8 con cá nhưng bị cắt làm hai. Hỏi em Lá Sen và tất cả mọi người ông kia đã câu được bao nhiêu con cá?
Dĩ nhiên cả nhóm lao xao trả lời, kẻ 4 người 5 chẳng ai cùng một đáp số. Ở hàng cuối cùng có tiếng la lớn là 0 có vẻ đúng nhất, nhưng không biết trả lời giải thích tại sao 0?
Lúc ấy chị Năm mới từ tốn giải bài toán mẹo, số 9 mà mất đuôi cũng như số 6 mất đầu, số 8 cắt ngang cuối cùng cũng chỉ là một con số 0 to tướng. Ẩn ý của chị Năm ở đây là muốn cho cô em Lá Sen thấu triệt cái chữ Không và cấm cô em không được thương hoài ngàn năm cái người đàn ông ấy!
Lý thuyết thật là hay nhưng thực tế làm sao biến đổi một sớm một chiều cái tâm ma của cô nàng Lá Sen đây, làm sao bắt nàng đang từ trạng thái yêu say đắm, ái sở hữu, làm một bước tiến nhảy vọt lên thành chánh quả, xem tất cả là Không. Đây mới là mấu chốt của cuộc đời, cô nàng cần tu học nhiều và phải dựa theo câu hỏi trong đề thi nói trên để mà sống:
Tinh tấn là căn bản để hàng phục ma chướng.
Hoa Lan.
Mùa Thu 2010.