Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những ngày Trên Đất Mỹ (ký sự)

16/06/201410:46(Xem: 6900)
Những ngày Trên Đất Mỹ (ký sự)

Nhung Ngay Tren Dat My_ThichPhuocThai



Thành kính tri ân

Sách nầy được hình thành là nhờ công ơn của:

- Quý Đại Đức Thích Phước Viên, Thích Phước Quảng, sư cô Thích Phước Thanh, Thích Phước An, và quý đạo hữu Hồ Sĩ Trung, Lệ Phượng đã tận tình giúp cho phần kỹ thuật trình bày, sửa bản in và in ấn.

- Chư Tôn Đức Tăng, Ni, quý liên hữu trong hai đạo tràng Phước Huệ và Quang Minh cùng quý Phật tử gần xa và quý vị trong đoàn đã phát tâm ủng hộ tịnh tài ấn tống.

Xin tất cả nhận nơi đây lòng tri ân chân thành của soạn giả.

Nguyện đem công đức nầy hồi hướng cho quý ân nhân cùng pháp giới chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.

Trân kính

Thích Phước Thái


Lời đầu sách

Tập sách nhỏ nầy chúng tôi ghi lại những ngày lang thang rày đây mai đó trên đất Mỹ. Đây là chuyến đi Mỹ lần đầu tiên của chúng tôi. Như những chuyến đi lần trước mà chúng tôi đã có dịp đi qua các nước: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, cứ mỗi chuyến đi tôi đều có ghi chép lại những gì đã xảy ra trong suốt cuộc hành trình. Lần nầy cũng vậy. Tôi cũng muốn ghi lại những việc xảy ra từng ngày. Đến đâu, ở đâu, làm gì ... tất cả, chúng tôi đều có ghi lại đầy đủ. Do đó, quyển sách nầy với hình thức giống như là một quyển nhật ký hay ký sự hơn là quyển sách mang tính chất nghiên cứu. Trong sự ghi chép đó, nơi nào có liên quan đến những địa danh mà chúng tôi tới viếng thăm, chúng tôi đều có sưu tầm một số ít tài liệu để dẫn chứng. Tôi nghĩ rằng, chuyến đi nào cũng có ít nhiều kỷ niệm vui buồn. Cuộc đời tương đối không sao tránh khỏi. Mục đích của chúng tôi là muốn lưu lại một vài hình ảnh kỷ niệm thân thương qua những nơi mà đoàn chúng tôi đã đến.

Ai cũng biết, Hoa Kỳ là một quốc gia tân tiến siêu cường, là đàn anh cầm đầu của các nước tư bản. Với một dân số có hơn 300 triệu và 50 tiểu bang. Vì là hiệp chủng quốc nên có rất nhiều sắc dân chung sống. Tuy nhiên, tinh thần tôn trọng, đoàn kết, yêu nước, ý thức bảo vệ quốc gia của họ rất cao. Họ cũng có một lịch sử hào hùng biết vận dụng sự đoàn kết quyết tâm chiến đấu giành quyền tự chủ độc lập từ sự thống trị ác nghiệt của người Anh. Và bản tuyên ngôn Độc lập ra đời vào ngày 4 tháng 7 năm 1776, đã nói lên cái quyết tâm chiến đấu dũng cảm hiên ngang hào hùng đó. "Nhờ sự giúp đỡ của người Pháp nên các lực lượng cách mạng của Mỹ đã đánh bại quân đội Anh và đã được vương quốc Anh công nhận chủ quyền của mười ba tiểu bang vào năm 1783. Vào tháng 6 năm 1788, chín tiểu bang đã thông qua bản Hiến pháp Hoa Kỳ và từ đó thành lập một chính phủ mới; Thượng và Hạ viện đầu tiên của cộng hòa, và Tổng thống George Washington nhậm chức năm 1789". Thủ đô đầu tiên của chính phủ liên bang nầy đặt tại New York, nhưng chỉ có một năm thôi và sau đó dời đô đến Philadelphia. Năm 1800, chính phủ liên bang di chuyển đến Washington D.C làm nơi thủ đô chính, và tập trung quyền lực tối cao của đất nước mãi cho đến ngày hôm nay.

Nghe danh tiếng đã lâu, nhưng tôi chưa có cơ hội đến để tham quan tận mắt. Dù đã định cư ở Úc trên ba mươi năm, nhưng chưa lần nào tôi có dịp đặt chân lên đất Mỹ. Tôi không có bà con hay anh em thân thuộc họ hàng trên đất Mỹ, nhưng tôi có một vài huynh đệ đồng tu ở đó. Vì vậy, nên tôi cũng muốn đến thăm những huynh đệ mà đã hơn một thời chúng tôi chung sống cùng trường cùng lớp với nhau. Tuy nhiên, trước hết vẫn là muốn mở những khóa tu học tại cơ sở của thầy Phước Nhơn theo sự thỉnh cầu của thầy. Vì nơi đây là một cơ sở mới tạo dựng nên thầy cần có những khóa tu học để gieo thiện duyên với những Phật tử quanh vùng. Do đó, nên lần nầy tôi quyết định thực hiện chuyến đi theo ý muốn của mình.

Vẫn biết sự ghi chép của chúng tôi còn vụng về thiếu sót, nhưng vì muốn đánh dấu lưu lại những kỷ niệm buồn vui có nhau mà đoàn đã chia sẻ trải qua. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn nhân đây để ngỏ lời cảm ơn đến chư Tôn Đức Tăng, Ni, quý ngài đã ưu ái sẵn dành cho đoàn chúng tôi nhiều thiện cảm trong sự tiếp đãi nồng hậu. Và chúng tôi cũng không quên thành thật tri ân các nam nữ Phật tử, quý vị đã hằng tâm nhiệt tình giúp đỡ hướng dẫn đoàn chúng tôi bằng mọi phương tiện sẵn có. Nhất là sự quan tâm ân cần tiếp đãi tận tình của quý vị. Đó là điều mà chúng tôi thật khó quên.

Trong khi ghi chép, nếu có điều chi sai sót lỗi lầm, kính mong chư Tôn Đức Tăng, Ni, quý bạn đồng hành, quý ân nhân và quý độc giả niệm tình thứ lỗi bỏ qua cho. Và chúng tôi sẵn sàng đón nhận lắng nghe những lời chỉ giáo phủ chính của quý vị. Người viết xin hết lòng tri ân và đa tạ.

Chúng tôi thành tâm nguyện cầu hồng ân Tam bảo gia hộ cho chư Tôn liệt vị: thân tâm thường lạc, vạn sự hanh thông, kiết tường như ý.

Trân kính

Thích Phước Thái

Một nhân duyên

Như trên đã nói, từ lâu, tôi cũng có ước muốn đi Mỹ một lần. Nhưng phương tiện và cơ hội chưa có. Lần nầy, một cơ duyên đưa đến, thật tôi không ngờ. Nhân lúc thầy Phước Nhơn qua Úc an cư kiết đông ba tháng tại Tổ Đình Phước Huệ, Sydney, năm nay ( 2012 ) thầy có nhã ý mời tôi sang Mỹ một chuyến, trước là để giúp thầy xây dựng đạo tràng mở khóa tu và sau cũng là để kết thiện duyên cùng một số quý Phật tử bên đó. Vì cơ sở của thầy mới tạo lập nên chưa có nhiều Phật tử biết đến và chưa có dịp quy tụ họ về để tu học. Thầy còn cho biết thêm, về phương tiện nơi ăn chỗ ở, tuy còn chật hẹp, nhưng cũng tạm đủ cho một số khoảng vài mươi người đến dự tu. Nghe thầy nói thế, tôi liền hứa với thầy là sẽ đi với thầy sau khi mãn an cư. Thầy còn mời thêm một vài vị khác nữa như Thầy Phước Nghĩa, Thầy Phước Thiền, chú Sa di Phước Nguyện và Sa di ni Phước Như. Riêng ông bà Tuệ Trung cũng xin thầy được tháp tùng đi chung. Sau khi mọi người đã đồng ý nhứt trí, bấy giờ thầy Phước Nhơn mới liên lạc với cô Oanh đại lý bán vé để đặt mua vé. Tuy nhiên, sau đó, thì thầy Phước Thiền vì bận việc nên phải bỏ vé không đi. Vì là mua vé sale nên không thể lấy tiền lại được. Oanh cho biết, nếu không đi thì phải bị mất tiền. Thế là còn lại bảy người kể luôn thầy Phước Nhơn. Vì thầy Phước Nhơn phải đổi lại chuyến bay để thầy hướng dẫn chúng tôi. Thời gian quyết định khởi hành là thứ tư ngày 5 tháng 9 năm 2012.

Khởi hành

Ngày 5/9/12

Chúng tôi khởi hành ngày thứ tư 5/9/12, rời khỏi chùa Phước Huệ vào lúc 5 giờ sáng. Đến phi trường Sydney lúc 7 gìờ 30 và cân hành lý xong lúc 9 giờ 50. Chiếc phi cơ mang số Delta DL 16 cất cánh lúc 11 giờ 25 phút. Sau hơn 13 tiếng đồng hồ, máy bay hạ cánh xuống phi trường quốc tế Los Angeles ngày 5/9/12, vì Mỹ đi sau Úc khoảng 15 hoặc 16 ( tùy theo tiểu bang ) tiếng đồng hồ.

Từ phi trường Los Angeles, chúng tôi phải đổi chuyến máy bay về phi trường Atlanta. Nơi đây loay hoay chờ lấy và di chuyển hành lý nên phải trễ chuyến bay. Thế là, chúng tôi đành phải chờ đợi chuyến bay sau. Chúng tôi ngồi chờ đợi tại phi trường cả mấy tiếng đồng hồ. Đến 2 giờ 45 phút chiều, chúng tôi mới lên máy bay và tới phi trường Atlanta lúc 9 giờ tối. Từ Atlanta, chúng tôi chuyển máy bay về Chattanooga, số máy bay là DL 5017 khởi hành lúc 10 giờ 45 phút tối, đến phi trường Chattanooga lúc 11 giờ 55. Nơi đây, chúng tôi chờ Kiệt, con trai lớn của Thầy Phước Nhơn đến rước chúng tôi về chùa. Kiệt giao xe cho thầy Phước Nhơn lái. Thầy Phước Nhơn lái về tới chùa là 1 giờ khuya của ngày 6/9/12. Sau khi tắm rửa xong, chúng tôi dùng bún riêu. Nồi bún riêu nầy do cô Út nấu đãi. Đi suốt cả ngày lẫn đêm quá mệt mỏi, bụng đói meo, giờ có được tô bún riêu nóng hổi nên ai nấy ăn ngon lành. Nhân đây, thay mặt đoàn chúng tôi thành thật cảm ơn cô Út rất nhiều.

Ngày 6/9/12

Tịnh dưỡng

Hôm nay, không ai làm gì hết, mọi người chỉ nghỉ dưỡng sức cho khỏe. Đã mỏi mệt lại thức khuya, thêm trái giờ giấc nên khó ngủ. Khoảng 7 giờ sáng, tôi thấy mọi người đều thức dậy hết. Quý cô thì lo cho buổi điểm tâm sáng. Tôi tập thể dục qua một vài động tác nhẹ nhàng thông thường cho giãn gân cốt, rồi đi bách bộ một vòng. Cảnh vật buổi sáng thật yên tĩnh. Đứng trên đồi cao nhìn ngắm cảnh chung quanh thật là thú vị. Tôi thích ngắm cảnh bình minh ở núi đồi. Thời tiết hôm nay rất tốt. Bầu trời quang đãng trong vắt không một áng mây. Hít thở không khí tươi mát trong lành. Thỉnh thoảng, nghe từng cơn gió nhẹ thoảng qua chỉ vừa đủ mát. Nắng ấm, gió mát, chim kêu, đi dưới những tán cây che mát, tâm hồn cảm thấy thật là thanh thoát nhẹ nhàng. Tiếng chim kêu buổi sáng sớm nghe sao quá quen thuộc, tưởng chừng như tôi đang ngồi trong tịnh thất.

Đi một vòng, tôi về lại trai đường dùng sáng. Đây là bữa ăn điểm tâm đầu tiên ở giữa cảnh núi rừng. Dùng xong, mọi người tự tiện sinh hoạt tự do theo ý thích. Thời giờ rảnh rỗi, nên tôi lại đi dạo tiếp. Cảnh trí thiên nhiên thanh tĩnh gây cho tôi có nhiều cảm giác thích thú. Thú thật, tôi không thích cảnh náo nhiệt ồn ào đầy phức tạp xô bồ như ở thành phố. Có lẽ do tôi thích nếp sống đơn giản yên tịnh, nên cảnh trí thiên nhiên núi rừng, nó lại rất thích hợp với nếp sống của tôi chăng? Điều đó có lẽ là như vậy. Cứ mỗi lần có dịp đi vào thành phố thấy nhiều xe cộ và đông đúc người qua lại, lòng tôi cảm thấy thật khó chịu. Có nhiều lúc tôi nghĩ, hay là đời trước tôi đã từng sống trong cảnh núi rừng. Do có chủng tử đó nên nay tôi mới thích cảnh trí thanh vắng của núi rừng. Sống ở thành phố phức tạp ồn náo làm cho tâm hồn người ta luôn bị dao động xáo trộn bất an, không lúc nào cảm thấy yên tĩnh. Càng sống gần với thiên nhiên chừng nào, tâm thức con người càng cảm thấy nhẹ nhàng thanh thoát an lạc chừng nấy.

Có biết bao thi nhân đã ca tụng và hòa mình vui sống với thiên nhiên. Và đã có biết bao người sau khi lăn lộn trong trường danh lợi, nếm đủ mùi vị cay đắng, ngọt bùi, nhục vinh của cuộc đời, đã mỏi gối chồn chân, nên họ quay về sống an phận với đời sống thanh nhàn đạm bạc. Họ lui về vườn sống ẩn dật với gió mát trăng thanh vui thú điền viên.

Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa

Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên

Thoát trần một gót thiên nhiên

Cái thân ngoại vật là tiên trong đời.

( Cung Oán Ngâm Khúc )

Khi nghĩ đến đó, bỗng dưng tôi trực nhớ đến bài thơ thứ 13 trong tác phẩm "Bạch Vân Am Thi Tập" của cụ Nguyễn Bĩnh Khiêm:

Lợi danh náo nhiệt đã lìa xa

Dưỡng được thân nhàn thỏa ý ta

Chẳng có khách phàm khi chuyện vãn

Xa nhìn non biếc lúc ngâm nga

Tiêu dao thần trí ngoài mây khói

Thơ thẩn ngày xuân khoảng tuổi già

Nâng cúc như cùng Đào Tĩnh Tiết

Còn say sưa gượng ngắm màu hoa.

Đến các bậc chư Tôn Thiền Đức ngày xưa, các ngài cũng thường hay ẩn dật nơi chốn thâm sơn cùng cốc để dốc chí tu hành. Vui sống với cảnh trí thiên nhiên lấy núi rừng làm bạn tâm giao. Chỉ có cảnh trí thiên nhiên mới đem lại cho con người nhiều an lạc. Ẩn tích mai danh để trưởng dưỡng đạo tâm, nuôi lớn thánh thai. Càng tiếp xúc nhiều duyên đời con người càng thêm nhiều căng thẳng bực dọc, phiền toái, rắc rối. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sống được như thế. Bởi con người còn quá nhiều dục vọng, thèm khát địa vị cao sang, bạc tiền đầy túi, hưởng thụ khoái lạc... thì thử hỏi làm sao sống trong cảnh thanh vắng nơi chốn núi rừng cho được?! Chỉ có những con người dám từ bỏ tất cả những thú vui khoái lạc của cuộc đời và khéo biết trân quý đạo đức thanh cao, hùng tâm thể nhập hòa mình cùng vũ trụ bao la, để tìm lại giá trị đích thực sự sống của con người. Chỉ có hạng người đó mới đủ sức vươn lên rũ áo phong sương tìm đường giải thoát. Đó là những con người hùng tráng bi tâm lợi mình cứu người hành hoạt hiên ngang trong bầu trời giác ngộ tự do giải thoát.

Trong số các vị Thiền sư Việt Nam đời Trần, Thiền sư Pháp Loa là vị Tổ thứ hai của Thiền Phái Trúc Lâm, Ngài đã để lại cho hậu thế một số bài thơ thiền. Trong số những thiền thơ đó, tôi xin trích dẫn hai bài: “Sơn Vũ và Thạch Thất”.

Sơn Vũ

Thu phong ngọ dạ phất thiềm nha

Sơn vũ tiêu nhiên chẩm lục la

Dĩ thị thành thiền tâm nhất phiến

Cung thành tức tức vị thùy đa

Chùa Núi

Gió thu đêm vắng thổi hiên ngoài

Chùa núi im lìm gối cỏ may

Đã được thành thiền tâm một khối

Rè rè tiếng dế gọi kêu ai

Thạch Thất

Bán gian thạch thất hòa vân trụ

Nhất lĩnh thuế y kinh tuế hàn

Tăng tại thiền sàng kinh tại án

Lô tàn cốt đốt nhật tam can

Thất Đá

Nửa gian nhà đá lẫn trong mây

Một mảnh áo lông trải tháng ngày

Tăng ở trên giường, kinh tại án

Lò hương tàn lụn mặt trời lên

( Hai Bản dịch của HT Thích Thanh Từ )

Ngày 7/9/12

Bồ Đề Đạo Tràng

Nhớ lại, sau hơn 20 tiếng đồng hồ ngồi máy bay và xe hơi, thật quá mệt mỏi. Phần giờ giấc đổi khác nên khó ngủ. Vì ban ngày ở Mỹ thì lại ban đêm ở Úc. Như 5 giờ sáng ở Chattanooga tiểu bang Tennessee của Mỹ thì khoảng 10 giờ tối ở Úc. Ngay như ở mỗi tiểu bang của Mỹ giờ giấc cũng có sai khác nhau chút ít. Vì trái giờ giấc nên mấy đêm đầu thật khó ngủ, nhưng sau rồi cũng quen dần. Khi đã quá mệt mỏi thì bất luận giờ nào ngày hay đêm cũng đều có thể ngủ được cả.

Hôm nay, mọi người thức dậy sớm. Dù có mệt mỏi nhưng cũng đã quen rồi. Thường là vào khoảng 5 giờ sáng mọi người đều thức giấc để công phu. Đi ngang qua nhà bếp, tôi thấy có các cô: Quảng Đoan, cô Út và cô Phước Như đang lui cui làm bếp để chuẩn bị cho bữa điểm tâm sáng. Dùng sáng xong, mỗi người một việc ai nấy đều lo dọn dẹp, quét tước, sắp xếp chuông mõ, trống lớn, trống nhỏ để chuẩn bị cho khóa tu. Các loại Phật cụ pháp khí lớn nhỏ nầy, thầy Phước Nhơn đã thỉnh ở Việt Nam từ trước. Tất cả đều để trong nhà kho lớn. Vì chánh điện mới làm xong, lúc đó thì thầy Phước Nhơn còn đang an cư ba tháng ở Tổ Đình Phước Huệ, Sydney. Khi về, mọi việc chưa có sắp xếp trang bị chi cả. Do đó, mà sáng nay mỗi người đều tận lực phụ giúp với thầy để trang hoàng nơi chánh điện. Sau khi đem chuông, trống, mõ đặt ở chánh điện xong, có người còn đề nghị nên lót sàn nhà bằng gỗ bóng trên nền xi măng cho nó sạch sẽ và đẹp mắt.

Xét thấy đề nghị hợp lý và hữu ích, nên Thầy Phước Nhơn cùng hai vị: Phước Nghĩa và Phước Nguyện đi shop để mua gỗ. Đã có gỗ rồi, mọi người liền bắt tay vào việc. Lúc đầu, nghe chú Phước Nguyện nói, lót chừng khoảng vài tiếng đồng hồ là xong. Nghe thế, ai nấy cũng mừng vì quá dễ dàng. Tuy nhiên, khi lót rồi mới thấy cái khó khăn của nó. Vì tất cả là tay ngang không có ai chuyên nghiệp. Một số người nỗ lực làm việc nầy gồm có: thầy Phước Nhơn (nhân vật chánh) cộng thêm có chú Kiệt (con trai lớn của thầy Phước Nhơn), thầy Phước Nghĩa, anh Tuệ Trung và chú Bảy (em trai của thầy Phước Nhơn). Bắt đầu khởi công khoảng 3 giờ chiều làm mãi miết cho đến 3 giờ khuya mới xong. Sáng ra, ai trông thấy cũng thầm khen ngợi và thán phục tinh thần hăng say tích cực làm việc của quý vị đó. Vì đã có một nền sàn nhà gỗ vừa sạch sẽ và cũng vừa xinh lịch đẹp mắt. Có lẽ mọi người muốn cho chánh điện được khang trang và cũng muốn cho mọi người vào đây làm lễ được trang nghiêm. Sở dĩ làm gấp như thế là vì cho kịp khóa tu ngày mai. Vì đây là khóa tu học được tổ chức lần đầu tiên tại cơ sở mới mẻ nầy. Do đó, nên ai nấy đều hết sức cố gắng cật lực quyết tâm làm cho xong.

Khoảng 10 giờ sáng, có buổi lễ cung nghinh Xá Lợi Phật để tôn thờ ở chánh điện mới. Viên Xá Lợi Phật nầy, thầy Phước Nhơn thỉnh từ Tổ Đình Phước Huệ mang về. Đây là viên Xá Lợi mà cố Hòa Thượng Trưởng Lão Tông Trưởng Tổ Đình Phước Huệ khi còn sanh tiền, Ngài đã hứa tặng cho thầy Phước Nhơn. Tuy nhiên, vì lúc đó chánh điện mới chưa hoàn thành nên thầy chưa có thỉnh về. Đến nay, thầy mới thỉnh về tôn thờ. Do đó nên mới có buổi lễ cung nghinh Xá Lợi từ trong phòng khách (nơi thờ Phật của căn nhà xây dựng đầu tiên). Một buổi lễ diễn ra rất trang nghiêm, dù số người tham dự rất ít. Sau đó, cúng ngọ và thọ trai. Tối lại, khoảng 7 giờ làm lễ khai chung bảng và tiếp theo là thời khóa lễ Tịnh độ.

Ngày 8/9/12

Khóa tu học

Theo dự định, hôm nay là ngày khai giảng khóa tu học. Đây là lần đầu tiên, mở khóa tu học hai ngày. Lúc đầu, thầy Phước Nhơn dự tính là sẽ tổ chức một tuần lễ, nhưng khi đến đây mới biết là không thể nào thực hiện được, vì không có người dự tu. Được biết, Cộng Đồng Người Việt sinh sống ở quanh vùng nầy thật thưa thớt không nhiều lắm. Hơn nữa, vì là nơi rừng núi hẻo lánh nên ít người lui tới. Bởi cơ sở nầy thầy Phước Nhơn mới tạo dựng nên còn rất mới mẻ, ít người biết tới. Muốn tổ chức một khóa tu học để mọi người tham dự đông đảo thì nó đòi hỏi cần phải hội đủ một vài yếu tố quan thiết. Thứ nhứt, phải có một quá trình sinh hoạt lâu dài. Thứ hai, người lãnh đạo phải có khả năng hướng dẫn Phật tử tu học. Thứ ba, chỗ nơi phải có đủ sức dung chứa, nhất là nơi ăn chỗ ở cũng như nơi hành lễ. Nói chung là mọi nhu cầu tiện nghi tương đối phải có. Như thế thì mới có thể đáp ứng được phần nào cho mọi người tham dự tu học. Ngược lại, ở đây mọi thứ đều còn rất mới mẻ và chỉ có một số ít người biết đến mà thôi. Do đó, nên số người đến dự tu rất ít, trên dưới chỉ khoảng 30 người. Ba mươi người so với ở nơi đây phải nói là khá đông ngoài sức tưởng tượng rồi. Trong số các tu sinh dự tu lần đầu tiên nầy, có 5 vị từ nam California qua.

Theo chương trình tu học của hai ngày thứ bảy và chủ nhật như sau:

Thứ bảy ngày 8/9/12

5.00 : Công phu.

10.00: Lễ truyền giới Bát quan trai.

10.30: Họp chúng.

11.30: Cúng ngọ.

12.00: Thọ trai.

2.00: Thuyết pháp.

5.00: Cúng Mông Sơn Thí thực.

7.00: Khóa lễ Tịnh độ.

8.00: Lễ thắp nến niệm Phật.

10.30: Chỉ tịnh.

Chủ nhật, ngày 9/9/12

5.00: Công phu.

9. 00: Lễ cài hoa hồng.

11.30: Cúng ngọ.

12.00: Thọ trai.

2.00: Pháp đàm.

4.00: Sinh hoạt ca hát.

5.00. Công phu chiều.

5.30: Dược thạch.

8.00: Lễ quy y.

9.00: Lễ xả giới và hoàn mãn.

Khóa tu tuy mới tổ chức lần đầu, nhưng kết quả rất tốt đẹp. Sau khi xả giới, quý vị đó còn yêu cầu chúng tôi chủ nhật tới nên mở khóa tu kế tiếp. Nhưng rất tiếc, vì đoàn không có thời gian nhiều nên không thể thực hiện được. Như vậy, chứng minh rằng, họ rất thích tu học nhưng chỉ vì thiếu môi trường để họ có thể tham dự tu học đó thôi. Phải nói tinh thần tu học của họ rất cao. Nhất là thời pháp đàm, đặc biệt chúng tôi dành cho họ có nhiều thời gian để nêu ra câu hỏi. Họ nêu ra nhiều câu hỏi rất thú vị. Bởi lâu nay, những ưu tư hoài nghi thắc mắc của họ như chưa có cơ hội để họ nêu ra có thể cùng nhau trao đổi giải đáp.

Trong số các tu sinh dự tu hôm đó, có một đạo hữu trọng tuổi, xưa kia trước năm 1975, ông là một sĩ quan cấp tá trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông đã quy y từ nhỏ và có pháp danh là Tâm Thiện. Vì quy y lúc còn nhỏ, nên ông không còn nhớ rõ và cũng chưa có ý thức gì về vấn đề quy y Tam Bảo. Hôm nay, nhân khóa tu học nầy, ông đến tham dự và xin được quy y thọ giới lại. Ông là người nêu ra nhiều câu hỏi mà lâu nay ông hằng ôm ấp mãi trong lòng. Ông cho biết, từ nhà ông đến đây phải mất thời gian hơn một giờ lái xe. Ông cho rằng, buổi pháp đàm hôm nay đem lại cho ông nói riêng và đại chúng nói chung rất nhiều sự lợi ích. Nhất là mở mang thêm kiến thức về Phật pháp. Ông mong rằng, khóa tu lần sau, cũng cần có những buổi pháp đàm như thế nầy. Thật là một buổi sinh hoạt rất hào hứng phấn khởi đầy thú vị. Kết thúc khóa tu học trong niềm hoan hỷ an lạc của mọi người. Người vui mừng và thích thú nhất phải nói là thầy Phước Nhơn. Vì tổ chức khóa tu lần đầu mà được kết quả tốt đẹp như thế nên thầy rất vui. Ngôi chùa nầy tôi có góp ý với thầy đặt danh xưng cho ngôi chùa là Bồ Đề Đạo Tràng. Sở dĩ chúng tôi đề nghị như thế, là vì theo dự định của thầy trong tương lai sẽ tạo nơi đây thành "Tứ Động Tâm". Nói tứ động tâm như mọi người đều biết gồm có bốn nơi: Lâm tỳ ni, nơi Phật đản sanh; Bồ đề đạo tràng, nơi Phật thành đạo; Vườn lộc uyển, nơi Phật thuyết pháp đầu tiên, Sa la song thọ, nơi Phật nhập niết bàn. Qua bốn nơi nầy ai đến đây tham quan chiêm bái cũng phải động lòng thậm chí còn rơi lệ nữa, nên nói là Tứ động tâm. Khi nghe tôi đề nghị danh hiệu nầy, thầy Phước Nhơn tỏ ra rất vui mừng và đồng ý.

Trong một buổi họp bàn về việc xây dựng đạo tràng, chúng tôi có đề nghị, bước đầu nên tập hợp một số ít người có tín tâm nhiệt thành với Tam bảo để lập thành một Ban Hướng Dẫn. Từ đó, lần lần kết hợp thêm Phật tử về tu học. Người xưa nói: "ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Xây dựng một đoàn thể tu học rất cần thiết cho sự phát triển theo chiều hướng giác ngộ và giải thoát. Điều nầy, cần phải có yếu tố thời gian và nhơn sự để xây dựng. Mọi người rất hoan hỷ và hưởng ứng theo lời đề nghị thiết thực của chúng tôi.

Ăn cơm thì phải có canh

Tu hành có bạn đồng hành nhắc nhau

Ăn đâu cây nấy phải rào

Nhớ ơn Thầy Tổ ngọt ngào đệ huynh

Hai ngày tu học an bình

Thứ bảy chủ nhật đẹp xinh thầy trò

Qua sông thì phải có đò

Muốn qua biển khổ cùng lo tu hành

Công phu lễ bái trì danh

Quy y Tam bảo tâm thành tại gia

Ngày 10 /9/12

Thành phố đá

Hôm nay là ngày chúng tôi đi tham quan thành phố đá (rock city). Đây là một thành phố khá nổi tiếng ở vùng Midlands. Thành phố đá có trụ sở tại Nottingham City Center. Được biết nơi đây có nhiều loại đá chồng chất lên nhau và có những tòa nhà nổi tiếng trở thành Câu Lạc bộ trong vùng. Nơi đây, dĩ nhiên có nhiều ban nhạc đã được thành lập diễn xuất qua quá trình hoạt động từ năm 1978 cho tới hôm nay. Lịch sử của thành phố nầy trải qua nhiều giai đoạn hình thành của các ban nhạc trình diễn thu hút được nhiều du khách và khán thính giả thưởng thức. Chúng tôi khởi hành vào lúc 9 giờ sáng ngày 10/9/12. Trước khi đến thành phố đá, chúng tôi dừng chân ghé tham quan thác nước Ruby Fall. Nơi đây, có thạch động tuyệt đẹp. Thầy Phước Nhơn mua vé cho chúng tôi vào bên trong để xem. Mỗi vé vào cửa cho người lớn là $17,95 cent.

Sử ghi lại: "Các hang động nơi thác Ruby được thành lập với sự hình thành của Lookout Mountain. Khoảng 200 đến 240 triệu năm trước đây (trong thời gian Cacbon, vào cuối của thời đại Paleozoi), khu vực phía đông Tennessee được bao phủ với một vùng biển nông, trầm tích mà cuối cùng hình thành đá vôi. Khoảng 200 triệu năm trước đây, khu vực nầy được nâng lên và xói mòn sau đó đã tạo ra địa hình hiện tại. Đá vôi, trong đó hang động được hình thành vẫn còn tương đối ngang, giống như nó đã được giữ khi nó được dưới mực nước biển. Lookout Mountain Caverns, trong đó bao gồm thác Ruby Cave, là một hang động đá vôi. Những hang động nầy xảy ra khi hơi nước chua ngắm vào dòng suối ngầm và ăn mòn đá vôi tương đối hòa tan, gây ra các vết nứt hẹp để mở rộng thành các đoạn và các hang động trong một quá trình được gọi là hóa hóa học. Các dòng thác chảy vào các hang động sau khi kết quả hình thành của nó.

Thác Ruby Cave nhiều tính năng của các loại nổi tiếng của sự hình thành hang động (hoặc speleothems) bao gồm các nhũ đá và măng đá, cột, màn treo, và flowstone”.

Thác Ruby Cave là một thắng cảnh mà du khách thích ngoạn cảnh không thể bỏ qua. Chúng tôi đi theo người hướng dẫn đến mỗi nơi ông ta dừng lại và giải thích. Có nhiều đoàn vào đây tham quan. Vì con đường trong hang động lối đi ngoằn ngoèo cong quẹo nhỏ hẹp, kẻ ra người vào tấp nập nên phải nhường né tránh nhau. Thật là kỳ thú mải miết ngắm nhìn không biết chán. Chỉ có thiên nhiên mới tạo nổi những kỳ công tuyệt mỹ như thế nầy. Sức người không thể nào làm nổi những kỳ quan tuyệt đẹp như thế. Chúng tôi cũng có đi tham quan qua một vài hang động ở một vài quốc gia. Tuy nhiên, mỗi nơi đều có những nét đẹp kỳ thú riêng, tùy theo thẩm quan nhận xét thưởng thức của mỗi người. Cuối cùng của hang động có một cái thác nước từ trên cao chảy xuống, nhưng không ai rõ nó phát nguyên từ đâu. Hướng dẫn viên cho biết, cho đến nay người ta cũng chưa có khám phá biết rõ nguồn gốc phát xuất của suối nước nầy.

Tham quan xong, chúng tôi đi trở ra để còn đi tham quan thành phố đá. Vì đã trưa, nên chúng tôi ghé vào một nhà hàng nơi bán đủ loại thức ăn mặn, chay đều có tùy thực khách chọn lấy. Mỗi phần ăn là 10 đồng. Dùng xong, chúng tôi đi thẳng đến thành phố đá. Tới nơi, nhìn đồng hồ tay là đúng 3 giờ chiều. Sau khi mua vé, chúng tôi đi thẳng vào bên trong. Một con đường nhỏ hẹp quanh co hai bên đều là đá nằm ngổn ngang chồng chất lên nhau. Có những tảng đá thật to và cũng có những tảng đá nhỏ. Thỉnh thoảng, chúng tôi ngồi trên những tảng đá to để nghỉ mệt. Vì đường lên dốc đá hơi cao. Trong khi ngồi nghỉ mệt trên tảng đá, bất giác tôi nhớ lại câu chuyện nói về "Tảng Đá Trong Đầu" ở trong quyển Góp Nhặt Cát Đá của tác giả Shaseki - Shu do Vũ Thế Ngọc dịch. Chuyện kể rằng: “Có một vị Thiền sư tên Hogen, ông sống trong một ngôi chùa nhỏ ở vùng quê xa xôi hẻo lánh. Một hôm có bốn du tăng đi qua và hỏi xin đốt lửa ở sân để sưởi ấm và tá túc qua đêm. Các vị nầy trong lúc ngồi hơ lửa, họ tranh luận với nhau về vấn đề chủ thể và khách thể. Lúc đó sư Hogen (Pháp Nhãn) có mặt ngồi chung với họ và sư hỏi: "Có cục đá lớn ở ngoài kia. Các vị xem nó ở ngoài tâm hay ở trong tâm của quý vị". Trong bốn nhà sư, có một nhà sư trả lời: "Theo quan điểm nhà Phật vạn pháp duy tâm thì nó phải ở trong tâm của tôi". Lúc đó Thiền sư Hogen quan sát và nói: "Cái đầu của ông chắc phải nặng lắm nếu ông cứ mang cái tảng đá kia trong đầu".

Lời nói tuy đơn sơ, nhưng nó là cả một nghệ thuật sống. Hầu hết chúng ta đều mang trong đầu những tảng đá to. Chính vì chúng ta chưa buông được cái tảng đá khái niệm về "Duy Tâm hay Duy Vật hoặc bất cứ cái Duy gì khác nữa cũng đều bị những tảng đá to đè nặng trĩu". Nếu chúng ta còn dụng tâm suy nghĩ, tính toán chuyện quá khứ, chuyện tương lai hoặc ngay cả chuyện hiện tại, những cặp trong ngoài, phải trái, hay dở, được mất, thịnh suy, thành bại v.v... tất cả đều rơi vào trong ao tù đối đãi nhị nguyên. Như thế, thì thử hỏi chúng ta làm sao tránh sao khỏi những tảng đá to đè nặng? Con người đau khổ cũng chỉ vì chưa lấy ra khỏi trong đầu những tảng đá to lớn nầy. Nếu muốn những tảng đá to không còn đè nặng, thì chúng ta phải vượt ra ngoài những cặp đối đãi nhị nguyên đó.

Nơi đây, người ta trưng bày nhiều thứ trò chơi và nhiều cảnh quan rất đẹp. Người ta tạo cảnh thiên đàng nơi có nhiều tượng nữ thần như đang ca múa hát xướng. Những tiếng nhạc do nhơn tạo âm thanh vang vọng ra từ nơi những hang đá. Tạo nên những tiếng réo rắc du dương và có khi rất trầm hùng làm cho khách ngoạn du phải quan tâm chú ý. Du khách vừa ngoạn cảnh vừa thưởng thức những điệu nhạc phát ra ở các nơi. Thật là một nghệ thuật tinh xảo dễ gây xúc động lòng người. Du khách vào đây như lạc bước vào thế giới bồng lai tiên cảnh. Đường có lúc lên cao rồi cũng có nơi xuống thấp. Đến một khu vực mà người ta đặt những ống dòm để du khách có thể nhìn thấy mọi cảnh vật từ xa thu gần. Tuy nhiên, phải bỏ tiền cắc mới có thể trông thấy được. Trong đoàn cũng có một vài người bỏ tiền để nhìn thử.

Tham quan xong nơi đây, trời đã xế chiều, nên chúng tôi phải từ giả thành phố đá thơ mộng để ra về. Trên đường về, vì chiều rồi nên mọi người đều đói bụng. Thầy Phước Nhơn ghé vào một cái tiệm chuyên bán tàu hủ chiên sẵn và chả chay để mua cho đoàn ăn. Nơi đây họ bán tàu hủ chiên và chả rất ngon. Chúng tôi ăn ở trên xe. Về tới chùa trời đà sụp tối. Mỗi người tắm rửa dùng cơm và ngủ nghỉ.

Ba ngày 11,12,13 /9/12

Ba ngày nghỉ dưỡng

Ba ngày nầy, chúng tôi không có đi đâu xa. Chỉ có đi shop mua chút ít đồ dùng thôi. Vì những ngày nầy mọi người cần phải nghỉ ngơi dưỡng sức cho khỏe để chuẩn bị cho một cuộc hành trình xa nhiều ngày. Vì vậy, thầy Phước Nhơn để cho mỗi người tự do nghỉ ngơi di dưỡng cho có đầy đủ sức khỏe. Thỉnh thoảng, thầy chở chúng tôi đi xem ngôi nhà thờ nơi mà thầy mới mua để sửa sang lại làm chùa. Ngôi nhà thờ khá khang trang rộng lớn, tọa lạc trên một ngọn đồi cao, có nhiều phòng ốc. Cảnh trí chung quanh rất đẹp, vì có nhiều cây cao bóng mát. Dân cư chung quanh thưa thớt chỉ có một căn nhà nằm sát dưới chân đồi. Còn lại những ngôi nhà khác thì không gần lắm. Nơi đây rất thích hợp cho sự sinh hoạt tín ngưỡng tu học.

Khi đã quyết định mua ngôi nhà thờ nầy, thầy Phước Nhơn cũng có tâm sự với tôi là thầy cũng muốn mở rộng sự sinh hoạt cho mọi người có nơi về lễ bái tu học. Bởi nó gần thành phố và rất tiện lợi cho đồng bào Phật tử tới lui tu học hơn là ở chỗ thầy hiện đang cư trú. Nhưng khổ nỗi, một kiểng hai quê không biết thầy có gánh vác chịu nổi không. Lực bất tòng tâm là thế. Thầy còn nói với tôi, việc tu sửa thì thầy có thể từ từ làm được, nhưng làm rồi ai ở và ai là người đứng ra hướng dẫn quần chúng Phật tử tu học? Chính cái đó mới là cái khó cho thầy. Trước mắt là phải có người đồng tâm hiệp lực cùng thầy để cùng nhau chung sức tu bổ lại. Tuy phòng ốc đã có sẵn, nhưng cũng cần phải tân trang lại theo ý mình muốn. Điều quan trọng là phải có người ở đó trực tiếp trông coi và hướng dẫn.

Nói tắt một lời, thầy rất cần có một vị trụ trì tương đối phải có khả năng về vai trò lãnh đạo và hướng dẫn. Nhưng biết tìm đâu cho ra đây! Đó là lời than của thầy khi thầy tâm sự tỏ bày với tôi. Trong buổi họp mặt chia tay trước khi chúng tôi trở về Úc, tôi cũng có nêu ra vấn đề khó khăn nầy. Những người có mặt hôm đó ai cũng phải công nhận nơi đó có một vị trí rất tốt và rất thích hợp cho sự sinh hoạt, nếu chúng ta muốn phát triển mở rộng cho việc hoằng pháp. Có vài đạo hữu đã hưởng ứng phát tâm đóng góp vào việc làm công quả sửa sang tu bổ lại. Sau buổi tiệc chia tay, mọi người đều đến đó tham quan, vì có một số người chưa biết. Đến nơi ai cũng tỏ ra hết lời trầm trồ khen ngợi và rất thích cảnh trí nơi đây.

Nhân lúc rảnh rỗi, chúng tôi thường đi dạo chung quanh trong khuôn viên của ngôi chùa. Thầy Phước Nhơn có hướng dẫn chúng tôi đến phía dưới của triền đồi để xem những tảng đá to lớn mà thầy định đặt các tượng Phật làm Tứ Động Tâm. Vì những tượng Phật nầy thầy đã chuẩn bị sẵn. Như các tượng: Phật nhập Niết bàn, Phật thành đạo, Phật chuyển pháp luân và tượng Phật sơ sanh v.v... Thầy cho biết, những tượng Phật nầy thầy thỉnh từ Việt Nam. Trong số các tượng đó có tượng Bồ Tát Di Lặc tuyệt đẹp. Tôi có nói với thầy, tượng Di Lặc nầy mà đặt trên ngọn đồi ở chỗ nhà thờ thì thật là lý tưởng. Thầy cũng tán thành và đồng ý với tôi như thế.

Trong lúc đi dạo, thầy còn cho chúng tôi biết thêm, là thầy định làm một lối đi trải đá nhựa quanh co trong khu rừng từ nơi nầy đến nơi kia. Nghĩa là những nơi mà thầy định đặt Tứ Động Tâm. Khi tạo dựng cơ sở nầy, thầy đã bỏ ra rất nhiều công sức. Về phương tiện máy móc, phải nói là thầy bỏ tiền túi ra mua. Khi mới đến, tôi thấy có một vài chiếc xe ủi đất màu vàng nằm rải rác trên khu đất, tôi cứ tưởng là thầy thuê, nhưng hỏi ra mới biết là thầy mua. Khu đất nầy, hiện nay là mặt bằng chỉ có con đường từ ngoài lộ đi vào thì nó nằm thoai thoải dốc lài thôi, còn lại tất cả đều bằng phẳng. Nghĩa là những nơi mà thầy định xây cất thì thầy đều ủi thành mặt bằng hết. Phải nói đây là một công trình rất lớn. Một khu rừng chu vi rất rộng có hơn mười mẫu tây thế mà thầy vẫn làm hàng rào chung quanh bằng loại dây kẻm phòng chống B40.

Thường lệ, tôi với chú Phước Nguyện và cô Phước Như hay đi bách bộ thể dục vào những buổi sáng sớm. Ngoại trừ những lúc có nhiều sương mù hay trời mưa mới không đi. Bởi đi bộ ở vùng rừng núi là một điều rất thú vị, vì vừa đi vừa ngắm cảnh cây cối chung quanh. Nhất là những ngày gần về cây lá thay đổi chuyển màu tuyệt đẹp. Mùa thu ở Mỹ đến nơi nào cũng thấy hoa lá đổi thành nhiều màu. Tôi thích nhất là những cây có nhiều lá màu ửng đỏ. Nhiều màu: xanh, vàng, đỏ, tím, hồng, chúng xen lẫn với nhau làm cho du khách ngắm nhìn không biết chán.

Rừng cây tắm nắng phai màu

Thu vàng thay lá trên đàng xe qua

Lộ trình thẳng tiến đường xa

Bao nhiêu nguyện ước hát ca đẹp lòng

Êm đềm nước chảy dòng sông

Trời trong nắng ấm rừng phong bạt ngàn

Đất trời cao rộng thênh thang

Mùa thu lá đổ bên đàng rụng rơi.

Có lần, đang đi bộ trên đường, hai bên là cây rừng thẳng đứng san sát bên nhau, tôi nói với chú Phước Nguyện, sự tu hành của chúng ta làm sao giống như những cây thẳng đứng nầy. Tăng đoàn muốn được vững chãi hòa hợp thì phải đoàn kết nương nhau như những cây rừng. Nếu chúng đứng riêng rẽ thì dễ bị gảy, chỉ cần một cơn bão cũng đủ tróc gốc rồi. Còn như nếu chúng biết sống chen chúc nương nhau như thế nầy thì dù có bão táp lớn cũng khó làm chúng lung lay. Sư hòa hợp và nương tựa nhau trong tăng đoàn cũng thế. Gió đời thổi cũng khó lung lay. Bởi vậy, ngôi chùa có nhiều cây cối lớn nhỏ đan nhau nên gọi là tòng lâm. Nhân đó, tôi có làm vài câu thơ để tặng chú.

Cây thẳng đứng nương nhau tình thân thiết

Lá phơi mình hứng lấy giọt sương khuya

Đá trơ gan không than thở trách đây kia

Chúng hòa hợp trong tinh thần yêu thương muôn thuở

Nhìn hoa lá cây rừng đều hớn hở

Sống an hòa tạm bợ cõi trần gian

Tìm đâu ra bảo đảm cảnh an toàn

Chỉ dừng lại bằng tâm hồn đầy cởi mở

Hoa hé nụ mỉm cười nào bỡ ngỡ

Nắng chan hòa rực rỡ khắp muôn nơi

Cảnh thiên nhiên là cảnh của đất trời

Của nguồn sống rạng ngời cần trân quý

Từng dạo bước thảnh thơi trong ý chí

Trong tinh thần đoàn kết biết yêu thương

Hãy về đi trong nếp sống "Bình Thường"

Một thực tại an tường chân hạnh phúc.

Những ngày ở đây lòng tôi cảm thấy rất an nhàn thanh thoát. Sáng nào bên tai cũng nghe những tiếng chim kêu ríu rít, chúng hò reo réo gọi với nhau như chào mừng ánh nắng bình minh về sưởi ấm. Cảnh vật chung quanh chỉ là cây lá hoa rừng. Cảnh vật càng yên tịnh thì tâm hồn của người ta càng lắng dịu. Những hơn thua thị phi tranh chấp như không còn chỗ đứng trong tâm trí của con người sống nơi rừng núi thâm sâu u tịch. Cảnh yên thì tâm yên, ngược lại, cảnh mà xao động tâm yên mấy người? Duyên đời có lặng thì duyên đạo mới tăng trưởng. Có thế, thì việc trưởng dưỡng đời sống tâm linh hướng nội ngày càng phong phú hơn. Vừa đi tôi vừa đọc nhẫm lại bài thơ "Thân Đâu Tâm Đó" của cố Hòa thượng Bửu Huệ. Ngài đã sáng tác bài thơ nầy cách nay có hơn 40 năm. Đây là bài thơ mà tôi đã nằm lòng từ những năm khi tôi còn ở Phật Học Viện Huệ Nghiêm.

Từ xưa tâm cảnh liên quan

Cảnh mà xao động tâm an mấy người

Muốn tâm lặng bớt duyên đời

Cảnh mà thay đổi dễ dời bản tâm

Cảnh không tâm lại chưa không

Tâm thầm duyên cảnh ngấm ngầm khó thay.

Tự mình xét tự mình hay

Vọng duyên trôi mãi biết ngày nào ngưng

Càng trôi càng cách nguồn chơn

Vô tâm để vậy chuốc hờn về sau

Sớm đem chánh niệm thay vào

Di Đà sáu chữ tiêu hao vọng trần

Sâu là bể ái nguồn ân

Niệm rành nghe rõ lần lần tiêu ma

Lắm gương chư Tổ thiền gia

Thoại đầu câu Phật chứng đà quả cao

Đặt gương tổ trước ta sau

Bớt duyên chuyên niệm pháp mầu nào hơn.

Bài thơ nầy sau khi sáng tác, nhân ngày lễ vía kỷ niệm khánh đản của Đức Từ Phụ A Di Đà ngày 17 tháng 11 năm 1981, tức năm Tân Dậu, cố Hòa thượng đã dẫn giải từng câu trong thời thuyết giảng của Ngài trước số đông đồng bào Phật tử tham dự. Tôi còn nhớ đề tài của buổi thuyết giảng ngày hôm đó là: "Thân Đâu tâm Đó". Thân và tâm của chúng ta ít có khi nào hợp nhất với nhau. Thường thì cái thân của chúng ta ở đây mà cái tâm của chúng ta thì lại thích rong chơi ngao du nơi khác. Đôi lúc, cái thân thì đang ngồi tham thiền hoặc niệm Phật, nhưng cái tâm thì nó đâu có chịu ngồi yên với cái thân. Nghĩa là thân một nơi, tâm một ngã. Thân thì ở trong đạo tràng mà cái tâm thì ở ngoài chợ. Nó dạo đi khắp hết. Nơi nào cũng có nó đến. Nó thích đi dạo Ta bà thế giới. Chính Vì thế, nên chúng ta mới bị nhiều đau khổ. Muốn bớt khổ thì chúng ta cần phải thực tập đem tâm về với thân. Tuy nhiên, bước đầu, chúng ta cần phải lấy hơi thở làm nhịp cầu giữa thân và tâm. Vì hơi thở là mạng sống luôn luôn có mặt với ta. Được vậy, thì sự hành trì niệm Phật của chúng ta mới có kết quả tốt đẹp. Cái kết quả tốt đẹp đó, là vì chúng ta có được chánh niệm vậy. Có chánh niệm là không có đau khổ. Ngược lại, hễ thất niệm là đau khổ có mặt với ta ngay.

Ngày 14/9/12/

Taxas

Khác hơn thường lệ, hôm nay chúng tôi thức dậy thật sớm. Khoảng 3 giờ khuya, tất cả chúng tôi đều thức giấc. Vì hôm nay là ngày đi xa đến tiểu bang taxas thành phố Houston. Sau khi vệ sinh cá nhân, chúng tôi ăn điểm tâm sơ sài, rồi bắt đầu khởi hành vào lúc 4 giờ sáng. Hôm nay trời nắng đẹp. Thỉnh thoảng đến những cây xăng, xe dừng lại để đổ xăng. Xe thì đổ xăng còn chúng tôi thì "xả xăng". Đến 12 giờ trưa, chúng tôi dừng lại ở một cây xăng lớn, chung quanh có nhiều cây cao bóng mát. Vừa nghỉ xả hơi vừa dùng bữa, vì giờ nầy ai nấy cũng cảm thấy đói bụng. Hai cô nội trợ Phước Như và Quảng Đoan vận chuyển thức ăn lấy thức ăn đưa cho chúng tôi mỗi người một dĩa. Chúng tôi kẻ đứng người ngồi quay quần bên nhau để dùng bữa ngoài trời thật vui. Dĩ nhiên, cơm và đồ ăn đều nguội lạnh. Tuy nhiên, lúc đói thì dù có nguội lạnh đến đâu, ăn cũng cảm thấy ngon lành. Nhất là hòa mình trong cảnh trí thiên nhiên ăn càng cảm thấy ngon hơn. Dùng xong, chúng tôi tiếp tục lên đường. Xe chạy xuyên qua các tiểu bang: Alabana, Mississippi và Lousiana.

Đến khách sạn Holiday Inny lúc 11 giờ tối. Đây là tiểu bang đầu tiên mà đoàn đến tham quan. Lâu nay, tôi đã nghe danh tiểu bang nầy rất nhiều, nay mới có dịp đến viếng thăm. Được biết, Houston là thành phố lớn nhất của tiểu bang Taxas và là thành phố lớn thứ tư của Hoa Kỳ. Thành phố nầy có diện tích hơn 1.600 km2 ( 600 dặm vuông ) và là quận lỵ của quận Harris, quận đông thứ ba ở nước nầy. Theo thống kê vào năm 2005, thì Houston có một dân số trên 2 triệu người. Thành phố nầy nằm tại trung tâm của khu đô thị Houston - Sugar Land - Baytown, là trung tâm văn hóa và kinh tế lớn nhất của vùng vịnh Mexico và là khu đô thị lớn thứ 7 của Hoa Kỳ với 5,3 triệu dân trong quận.

Houston nổi tiếng thế giới với công nghiệp năng lượng ( chủ yếu là dầu hỏa ) và kỹ nghệ không gian và kênh đào cho tàu thủy qua lại. Cảng Houston là cảng lớn thứ sáu trên thế giới về lưu lượng hàng hóa quốc tế.

Theo điều tra dân số Hoa Kỳ năm 2000, số người Mỹ gốc Việt ở Houston là 32.261 người, chiếm 1,7 dân số toàn thành phố.

Ngày 15/9/12/

Một bữa điểm tâm

Vì đến khách sạn hơi khuya, nên sáng hôm nay đoàn thức dậy trễ. Khoảng 9 giờ sáng, chúng tôi đến khu thương mãi của người Việt để dùng sáng. Chúng tôi vào một cái quán chuyên bán thực phẩm chay. Những món ăn họ đều bày sẵn ở trong một cái quầy, chung quanh có kiếng bao bọc. Vì vậy, rất tiện lợi cho thực khách chọn lựa tùy sở thích. Tôi thì thích ăn mì hủ tiếu nước. Thức ăn nầy họ không có bày ra, vì là loại có nước cần phải ăn nóng. Tùy sở thích của mỗi người mà tự chọn lấy. Ngoài mì hủ tiếu nước và khô ra, còn có bún riêu và bún huế cũng như các món ăn khô khác. Đây là bữa ăn điểm tâm đầu tiên tại thành phố nầy. Nói là điểm tâm kỳ thật như là một bữa ăn trưa. Vì cũng đã hơn 10 giờ rồi. Chúng tôi chia thành hai nhóm ngồi hai nơi. Nhóm của tôi gồm có bốn người: tôi, thầy Phước Nhơn, chú Tấn và tài xế Mỹ già Perry. Còn nhóm bên kia gồm có: thầy Phước Nghĩa, chú Phước Nguyện, cô Phước Như và ông bà Tuệ Trung. Còn sư cô Phước Sinh thì ngồi riêng một bàn. Sở dĩ ngồi riêng rẽ như thế, là vì quán nầy không có bàn dài để ngồi chung.

Tham quan một vài ngôi chùa

Dùng xong, thầy Phước Nhơn và chú Tấn lái chiếc xe truck nhỏ đi lo công việc riêng, còn lại chúng tôi 7 người đi chiếc xe van do tài xế Perry người Mỹ lái. Chúng tôi đi thăm một vài ngôi chùa Việt Nam trong thành phố.

Ngôi chùa đầu tiên mà chúng tôi tới thăm đó là chùa Hương Nghiêm. Tuy nhiên, rất tiếc khi đến gõ cửa không có ai mở cửa. Cảnh chùa thật vắng vẻ. Hôm nay có lẽ thầy trụ trì đã đi vắng. Lúc đó gần 11 giờ trưa. Tuy chưa trưa lắm nhưng trời rất nóng. Nắng nóng gay gắt oi bức thật khó chịu. Chúng tôi đi một vòng bên ngoài không thấy bóng dáng ai, thế là chúng tôi trở ra xe đi tham quan nơi khác. Lúc đầu là định đi tìm ngôi chùa Việt Nam do Thầy Nguyên Hạnh làm trụ trì. Nhưng khi xe chạy ngang qua không ai nhìn thấy bảng hiệu của chùa cả. Do đó, chạy một đổi lại gặp bảng chùa Hương Nghiêm mới ghé vào thăm. Đến khi chạy trở lại mới nhìn ra bảng chùa Việt Nam. Ngẫm lại, ở đời, có những cái lồ lộ ở trước mắt mà mình không thấy chỉ thấy những cái gì ở đâu đâu xa xôi. Như cái bản tâm của chúng ta nó luôn hiện hữu sờ sờ trước mắt mà chúng ta không nhận ra cứ mãi lo tìm kiếm ở đâu đâu. Tại sao thế? Tại vì mình bị ba cái thứ phiền não rối rắm nó che ngăn, thử hỏi làm sao mà nhận ra cho được?! Vì thế, nên có cũng như không. Cũng như cái tấm bảng hiệu của chùa nó ở trước mắt bên đường mà mình cứ lo nghĩ vẫn vơ hoặc lúc đó mình đang ngủ gục thì thử hỏi làm sao thấy được? Cái "hữu tướng" mà còn không thấy thì nói chi đến cái "vô tướng". Chính cái vô tướng mới là cái hằng hữu chân thật. Cái chân thật thì lại quên mất mà chỉ chạy theo cái hữu tướng giả dối. Từ đó, người ta mới gây ra không biết bao nhiêu nghiệp ác để rồi phải chịu khổ đau nổi chìm trong biển đời sanh tử.

Khi nhận ra bảng chùa, nhìn vào trong thấy cảnh chùa hiện ra. Bác tài xế lái xe thẳng vào bên trong. Toàn khu đất chùa khá rộng rãi. Ngôi chùa cũng khá khang trang. Cảnh trí chung quanh trông rất xinh lịch đẹp mắt. Nhìn vào cái y báo nơi đây thì mình cũng có thể đoán biết được phần nào cái chánh báo rồi. Chắc chắn là cái chánh báo cũng phải trang nghiêm lắm. Công trình xây dựng kiến trúc ở đây phải trải qua một thời gian dài. Vì toàn khu xây dựng cũng khá quy mô. Rất tiếc, hôm nay thầy trụ trì đi vắng, chỉ có một số Phật tử đến thọ bát tu học thôi. Chúng tôi vào chánh điện lễ Phật, xong rồi đi tham quan một vòng trong, ngoài và nhiếp vài bôi hình lưu niệm. Vì không có thầy trụ trì nên chúng tôi không được ai hướng dẫn để giải thích đôi điều mà chúng tôi muốn biết. Thế là đành chịu biết nói cùng ai!

Nhà sách Tịnh Luật

Sau đó, chúng tôi đến nhà sách Tịnh Luật để tìm mua một ít sách. Thật ra, thầy Phước Nhơn nhờ tôi lựa mua giùm cho thầy. Thầy còn nói, hễ mua cho thầy một cuốn thì tôi một cuốn. Thầy đưa cho tôi một ngàn đô la Mỹ nhờ tôi mua hết cho thầy. Khi vào bên trong, tôi thấy cũng không có sách nhiều. Đây chỉ là một tiệm sách nhỏ thôi. So với ở đây cũng có thể là lớn không chừng. Vì mới đến lần đầu nên tôi cũng không rõ. Tôi lựa những loại sách thông thường căn bản về Phật học, không có triết lý nhiều. Phần tôi, thì tôi cũng lựa mua vài cuốn riêng. Nghĩa là phần của ai thì người nấy trả. Trong khi đó, tôi thấy cô Phước Sinh mua cũng khá nhiều sách. Thấy thế, tôi thầm nghĩ, cô nầy cũng ham đọc sách và quý sách giống như tôi. Thú thật, mỗi khi vào tiệm sách là tôi không còn biết gì đến thời gian. Cắm đầu cắm cổ vào sách, hết lựa quyển nầy tới lấy cuốn kia. Cuốn nào cũng quý cũng muốn mua hết. Có bao nhiêu tiền Phật tử cúng dường, tôi đều cho sách ăn hết. Xưa cũng thế mà nay cũng thế. Tật ham mê sách của tôi thật khó bỏ. Tôi luôn ao ước tự lập cho mình một cái thư viện nho nhỏ. Chính vì nuôi cái ước vọng đó, nên đi đâu có tiệm sách thì tôi vào mua. Tôi nhìn thấy cô Phước Sinh mua mà tôi mừng thầm cho cô. Khi đến Vạn Phật Thánh Thành vào chỗ phát hành kinh sách thì cô cũng lại mua nữa. Không biết cô có phải là con mọt sách hay không. Mua thì tốt rồi, nhưng còn đọc để tìm hiểu lại là chuyện khác. Có người thấy sách thì ham mua, nhưng mua rồi về để đó. Có khi cả năm trời chưa bao giờ mở ra đọc một chữ. Nhiều khi thấy ai mua rồi cũng bắt chước mua theo mà không biết chọn lựa sách nào hay dở. Đọc sách cũng là một cái thú, tuy nhiên, điều nầy còn tùy theo sở thích và sự ý thức của mỗi người. Bởi đọc sách ngoài việc mở mang kiến thức ra, nó còn thêm cái thú vị nữa là, gián tiếp nói chuyện với người xưa. Vì thế, nên cổ nhân có câu nói: "Sĩ phu ba ngày không đọc sách mặt mũi đóng bụi thấy phát ghét". Muốn nói chuyện hay cho có văn chương lưu loát, thiết nghĩ, chúng ta cần nên đọc sách. Bởi đọc sách mới gợi cho chúng ta có nhiều ý tưởng hay. Mỗi người đều có cái thú đam mê. Nhưng nếu chúng ta đam mê những thứ lành mạnh hữu ích bồi bổ cho cơ thể và tinh thần, thì điều đó rất tốt thật đáng khuyến khích. Ngược lại, nếu đam mê những thứ có hại cho thân thể và tinh thần, thì điều đó ta quyết không nên làm.

Mua sách xong, chúng tôi đi về lại khách sạn nghỉ ngơi để chờ thầy Phước Nhơn về đi dùng cơm tối. Chúng tôi dùng cơm tối ở quán ăn Tân Tân.

Ngày 16/9/12/

Từ Bi Quan Âm Đạo Tràng

Sáng hôm nay ngoài trời nắng đẹp. Ánh nắng dịu hiền dễ chịu không nóng gay gắt như hôm qua. Chương trình hôm nay, là đoàn sẽ đến viếng thăm ngôi chùa có tên là Từ Bi Quan Âm Đạo Tràng của thầy Phước Tâm. Trước khi đến đây, thầy Phước Nhơn có liên lạc với thầy Phước Tâm sắp xếp thời gian để đoàn đến tham quan và thuyết giảng. Tuy nhiên, rất tiếc là thầy Phước Nhơn liên lạc hơi trễ nên chùa không tiện thông báo cho Phật tử biết về đông đủ. Đó là lời thầy Phước Tâm nói với chúng tôi. Dù vậy, nhưng số Phật tử về chùa sinh hoạt tu học hôm đó trên dưới cũng khoảng năm mươi người. Đến nơi, thầy Phước Tâm mời tôi vào phòng nghỉ. Như đã chuẩn bị sẵn, tôi vào phòng bên trong để tạm nghỉ. Có lẽ đây là căn phòng của thầy trụ trì. Bên ngoài là phòng tiếp khách. Có một cô Phật tử trẻ tới lui lo nước nôi cho tôi. Lúc đó, quý vị trong đoàn đi dạo ngắm cảnh bên ngoài. Ngồi nghỉ một lát, tôi liền đi dạo chung quanh chùa. Vì lúc nầy còn sớm khoảng hơn 9 giờ sáng.

Theo chương trình thì 11 giờ 30 mới bắt đầu tụng kinh và sau đó là phần thuyết giảng của tôi. Ngôi chùa chánh cũng không rộng lớn lắm tạm đủ sinh hoạt khoảng hơn hai trăm người. Bên ngoài khung cảnh cũng mát mẻ vì có nhiều cây cao tán lá sum suê. Tôi đến phía trước nơi thờ tôn tượng Tam Thánh: Di Đà, Quan Âm và Thế Chí. Bên hông chùa phía bên tay trái từ ngoài nhìn vô có một ngôi nhà làm hội quán của các em gia đình Phật tử sinh hoạt. Hôm đó, tôi thấy có các anh chị em gia đình Phật tử đang sinh hoạt trong đó. Đi đâu nhìn thấy có các Gia Đình Phật Tử lòng tôi rất vui mừng. Nhất là đối với các em đoàn sinh oanh vũ và thanh thiếu niên trông rất dễ thương. Các em là những mầm non của Phật Pháp. Gia Đình Phật Tử là một tổ chức có hệ thống quy củ và sinh hoạt lành mạnh, rất thích hợp cho tuổi trẻ. Những sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử mang lại nhiều lợi ích cho sự sống của các em. Đối với tuổi trẻ như các em cần phải được uốn nắn ươm mầm gieo hạt giống đạo đức cho các em. Tam Quy và ngũ giới đó là những nguyên lý đạo đức căn bản làm kim chỉ nam chỉ hướng cho thuyền đời của các em. Có thế, thì các em mới có thể trở thành những người hữu dụng tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội. Đồng thời hướng dẫn phát huy tiềm năng "Bi, Trí, Dũng" cho các em. Các em có hai truyền thống gia đình: Gia đình huyết thống và gia đình tâm linh. Gia đình huyết thống là các em nối tiếp và thừa hưởng gia tài từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ truyền lại. Đó là cội nguồn huyết thống mà các em cần phải trân quý bảo tồn. Gia đình tâm linh đã được truyền thừa từ Phật và các bậc Thầy, Tổ và gần nhất bên cạnh các em đó là các huynh trưởng. Bởi những vị nầy đã được các bậc Tôn Đức, các Thiện hữu tri thức đã truyền trao những chất liệu đạo đức nuôi dưỡng làm lớn mạnh đời sống tâm linh. Như vậy, mỗi chúng ta đều có hai gốc rễ gia đình cần phải được duy trì và phát triển. Những bài hát ca của các em, bài hát nào cũng mang lại cho các em vừa có được niềm vui trong sáng, vừa mang lại sức sống nội tại. Những bài hát cũng là những bài thực tập giúp cho các em có thêm nghị lực, trí năng và tình thương cao đẹp.

Gần đến giờ, thầy trụ trì mời tôi chuẩn bị y hậu chỉnh tề để quý Phật tử cung thỉnh lên chánh điện tụng kinh và thuyết giảng. Tôi và quý vị trong đoàn đều chuẩn bị sẵn sàng, lúc đó có ba đạo hữu thiện nam làm lễ tác bạch thỉnh chúng tôi. Đến nơi, tôi thấy quý Phật tử đã đứng ngay ngắn nghiêm trang vào hàng ngũ chỉnh tề. Thầy trụ trì mời tôi nguyện hương và sau đó thầy xướng đảnh lễ Tam bảo và rồi tụng phẩm Phổ Môn. Tụng xong, đến phần thuyết giảng của chúng tôi. Trước khi giảng, thầy trụ trì giới thiệu vài nét sơ qua tôi và đoàn. Đề tài mà tôi trình bày hôm đó chỉ có hai chữ: "Tảo Tuệ". Tảo là quét, còn tuệ là cây chổi. Thuở xưa, Phật dạy cho ông Tu Bàn Đặc chỉ có hai chữ nầy. Dạy chữ trước ông quên chữ sau. Có hai chữ mà ông học hoài không nhớ. Bởi thế nên người ta mới nói dốt như ông Bàn Đặc. Đúng là dốt đặc cán mai. Thế mà, khi Phật giải thích cho ông biết ý nghĩa thâm sâu của hai chữ nầy, bấy giờ ông cố gắng dụng tâm hành trì miên mật, không bao lâu ông chứng quả A la hán. Thường thì chúng ta hay thích cầm chổi đi quét nhà thiên hạ, mà ít khi quét lại nhà mình. Nhà của mình thì rác rến đầy ngập vậy mà cứ lo đi quét nhà người ta. Nếu chúng ta hằng quán chiếu dùng cây chổi trí tuệ để quét hết những thứ rác rến phiền não bẩn thỉu trong tâm, thì lo gì chúng ta không được giải thoát. Tôi có làm bài thơ "Quét Lá Sân Lòng".

Tôi lo quét lá sân lòng

Tôi không quét lá bao đồng thế gian

Lá lòng còn quá ngổn ngang

Ngày đêm lo quét mới an tấm lòng

Bao giờ hết lá thong dong

Chỉ còn sân trống mới hòng thảnh thơi

Bấy giờ mới thật vui chơi

Bấy giờ mới thật thảnh thơi an nhàn.

Tu hành chỉ cần nhìn kỹ lại mình để lo tảo thanh những thứ phiền não rác rến, chính nó thường sai sử khiến cho mình phải đau khổ. Ngày xưa, vua Trần Nhân Tông trong lúc theo học với Tuệ Trung Thượng Sĩ. Nhà vua hỏi: "Gốc của người tu thiền là gì?" Tuệ Trung trả lời một câu nói ngắn gọn: "Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc". Nghĩa là phận sự chính yếu của người tu hành không có chi lạ, chỉ cần xoay lại ở nơi chính mình, để quán chiếu thật sâu sắc ở nơi tâm mình, thấy rõ những vọng niệm sinh diệt giả dối không theo, đó là gốc của người tu thiền. Nói gọn cho dễ hiểu, người tu thiền là người hằng tỉnh thức. Có tỉnh thức tất nhiên là không có vô minh. Chỉ ngần ấy là đủ rồi. Ngần ấy, nghe thật đơn giản, nhưng không phải dễ làm. Cũng vậy, đề tài chỉ vỏn vẹn có hai chữ đó thôi, nhưng khi thật hành mới thấy thật là chanh chua đâu phải chuyện dễ làm. Nếu dễ dàng, thì mọi người đã thành Phật tác Tổ hết rồi.

Trong buổi thuyết giảng của tôi, tôi chia ra làm ba phần: Phần đầu, tôi trình bày về ý nghĩa của hai chữ tảo tuệ. Phần kế, tôi dành thời gian cho thính chúng nêu ra những câu hỏi thắc mắc, rồi tùy đó mà tôi giải đáp. Phần cuối cùng, là mọi người sinh hoạt hát ca. Vì chúng tôi có mang theo 40 quyển "Oai Nghi Của Một Tu Sinh". Trong đó có những bài hát đạo, phần lớn là do tôi sáng tác. Phải nói buổi sinh hoạt hôm đó thật là hào hứng phấn khởi. Mọi người đều vui vẻ thích thú.

Sau đó, chúng tôi được Phật tử thiết đãi mỗi người một tô phở nóng. Dùng xong, chúng tôi trao nhau một vài câu chuyện bên lề và hỏi thăm về những sinh hoạt của chùa. Thầy trụ trì và Phật tử có cúng dường tịnh tài riêng cho tôi cũng như cho quý vị trong đoàn, nhưng chúng tôi đều xin cúng dường lại cho Tam Bảo.

Theo luật vô thường, cuộc hội ngộ nào cũng phải chia tay. Chúng tôi xin phép từ giả thầy trụ trì và quý Phật tử để về lại khách sạn. Chiều lại, chúng tôi đến một quán ăn để dùng bữa và cũng để chia tay cùng với sư cô Phước Sinh. Vì sáng sớm ngày mai là sư cô Phước Sinh phải đáp máy bay đến thành phố Sacramento. Dùng xong, chúng tôi về lại khách sạn nghỉ ngơi để chuẩn bị cho cuộc hành trình ngày mai.

Ngày 17/9/12/

Miền Nam California

Như đã nói, sáng sớm hôm nay đoàn chia tay cùng với sư cô Phước Sinh. Vì đi sớm nên tối hôm qua sau khi ăn ở nhà hàng về, sư cô Phước Sinh đến gõ cửa phòng tôi nói vài lời từ giả. Sư cô Phước Sinh hiện đang du học ở Ấn Độ. Nghe cô nói tháng hai năm tới là cô đã tốt nghiệp, tức lãnh bằng tiến sĩ Phật học. Tôi chúc cô thượng lộ bình an và hẹn gặp lại nhau ở thành phố Sacramento. Cô có người cậu ruột hiện đang sinh sống ở đó. Khi đến thành phố nầy, chúng tôi có ghé thăm người cậu của cô, lúc đoàn đưa cô về nhà. Sau khi đưa cô Phước Sinh ra phi trường, thầy Phước Nhơn trở lại khách sạn đưa chúng tôi đến quán ăn San San To Fu. Đây là lần thứ hai chúng tôi trở lại quán ăn nầy. Thức ăn ở đây tương đối cũng dễ nuốt vì có nhiều món để mình chọn lựa. Dùng xong, chúng tôi lên đường trực chỉ đến tiểu bang California.

Theo tài liệu Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia cho biết: "California kề cận với Thái Bình Dương, Oregon, Nevada, Arizona và tiểu bang Baja California của Mexico. Tiểu bang nầy có nhiều cảnh tự nhiên rất đẹp, bao gồm Central Valley rộng rãi, núi cao, sa mạc nóng nực, và hàng trăm dặm bờ biển đẹp. Với diện tích 411,000 km2 ( 160 dặm vuông ), nó là tiểu bang lớn thứ ba của Hoa Kỳ và lớn hơn cả nước Đức và cũng như Việt Nam. Hầu hết các thành phố lớn của tiểu bang nằm sát hay gần bờ biển Thái Bình Dương, đáng chú ý là Los Angeles, San Francisco, San Jose, Long Beach, Oakland, Santa Ana quận Cam và San Diego. Tuy nhiên, thủ phủ của tiểu bang Sacramento, là một thành phố lớn nằm trong thung lũng Trung tâm. Trung tâm địa lý của tiểu bang thuộc về Bắc Fork, California.

Triền núi phía đông của Whitney, nhìn từ đường lên cổng Whitney. Đây là ngọn núi cao nhất của tiểu bang California.

Địa lý California phong phú, phức tạp và đa dạng. Giữa tiểu bang có thung lũng Trung tâm, một thung lũng lớn, màu mỡ được bao quanh bởi những dãy núi bờ biển ở phía tây, dãy núi đá granit Sierra Nevada ở phía đông, dãy núi Cascade có đá lửa ở miền bắc, và dãy núi Tehachapi ở miền nam. Các sông, đập nước và kênh chảy từ các núi để tưới thung lũng Trung tâm. Nguồn nước của phần lớn tiểu bang do Dự án nước tiểu bang cung cấp. Dự án Thung lũng Trung tâm hỗ trợ hệ thống nước của một số thành phố, nhưng chủ yếu cung cấp cho việc tưới tiêu nông nghiệp. Nhờ nạo vét, vài con sông đã đủ rộng và sâu để cho vài thành phố nội địa ( nhất là Stockton ) được trở thành hải cảng. Thung lũng Trung tâm nóng nực và màu mỡ là trung tâm nông nghiệp của California và trồng một phần lớn cây lương thực của Mỹ. Tuy nhiên, việc trồng trọt bị tàn phá bởi nhiệt độ thấp gần điểm đông trong mùa đông. Phía nam của thung lũng, một phần là sa mạc, được gọi là thung lũng San Joaquin, do nước chảy xuống sông San Joaquin, còn phía bắc được gọi là thung lũng Sacramento, do nước chảy xuống sông Sacramento. Châu thổ vịnh Sacramento - San Joaquin vừa là cửa sông quan trọng hỗ trợ hệ sinh thái nước mặn và vừa là nguồn nước chủ yếu của phần lớn dân cư tiểu bang.

Ngoài núi non thung lũng và sông ra, California còn có nhiều rừng cây, nổi tiếng về cây cù tùng khổng lồ, loài cây lớn nhất thế giới. Có thể nói, rừng che phủ khoảng 35% tổng diện tích và có nhiều loại cây thông hơn bất cứ tiểu bang nào khác. Các sa mạc ở California chiếm 25% tổng diện tích.

Nằm theo bờ biển dài và đông đúc dân cư của California là vài khu vực đô thị lớn, bao gồm San Jose - San Francisco - Oakland, Los Angeles - Long Beach, Santa Ana - Irvine - Anaheim và San Diego.

Nói về các thành phố quan trọng thì California có khoảng 478 thành phố, trong đó phần lớn nằm trong những khu vực đô thị lớn. 68% của dân cư California sống trong hai khu vực đô thị lớn nhất gồm vùng Đại Los Angeles và vùng vịnh San Francisco. Theo thống kê dân số ở các thành phố lớn của năm 2000, thì Los Angeles có 3.694.820. San Jose: 894.943. San Francisco: 776.733. San Diego: 1.223.400.

Thành phố chính của tiểu bang nầy là Los Angeles. Đây là thành phố lớn nhất tiểu bang California và lớn thứ nhì tại Hoa Kỳ, thuộc về quận Los Angeles. Những vùng lân cận thành phố nầy còn được gọi là Nam California gồm có các quận: Quận Los Angeles, Quận San Bernardino, Quận Cam, Quận Riverside và Quận Ventura. Riêng Quận Ventura là nơi đông dân cư nhất ở Hoa Kỳ với 16 triệu người.

Theo sử ghi lại, thành phố Los Angeles được thành lập vào năm 1781 do những người Tây Ban Nha tại Mexico sang lập. Vào năm 1821 khi Mexico giành độc lập từ Tây Ban Nha, thành phố nầy thành một phần của nước đó. Sau chiến tranh Mỹ Mễ, Los Angeles lại rơi vào tay Hoa Kỳ.

Thành phố nầy được nổi danh là một trung tâm điện ảnh. Rất nhiều minh tinh điện ảnh sống ở thành phố Berrly Hills lân cận và nhiều phim và chương trình truyền hình được thâu lại.

Theo điều tra Dân số Hoa Kỳ năm 2000, số người Mỹ gốc Việt ở Los Angeles là 19.747 người, chiếm 0.5% dân số toàn thành phố".

Chúng tôi đi hai chiếc xe, mỗi chiếc có hai tài xế. Một tài xế chính và một phụ xế. Bên chiếc xe tôi đi chỉ có hai hàng ghế. Vì là xe truck nhỏ phần sau là để chở đồ. Hàng ghế trước chỉ có hai ghế một ghế là cho tài xế và một ghế dành cho phụ xế. Còn nguyên một băng dài phía sau chỉ có mình tôi. Nhờ vậy, mà tôi nằm ngồi thoải mái. Tài xế chính của chiếc xe tôi đi là thầy Phước Nhơn. Còn tài xế phụ là chú Tấn. Tài xế chính bên chiếc xe van là ông Perry người Mỹ. Phụ xế là anh Tuệ Trung. Hai tài xế cứ thay phiên nhau lái. Người nào cảm thấy mệt mỏi buồn ngủ thì người khác thay thế. Nhờ vậy mà cả hai đều có nghỉ ngơi và khỏe khoắn. Như tuyến đường của chúng tôi đi hôm nay, phải nói là khá dài. Từ Taxas đến Los Angeles phải mất thời gian hơn một ngày đêm. Từ Taxas cứ xuôi theo quốc lộ 10 là tới Los Angeles. Tuy nhiên, trên con đường khá dài nầy phải xuyên qua nhiều sa mạc và những ngọn đồi cằn cổi. Hai bên đường toàn là những ngọn đồi đá trọc không có cây cối. Điều buồn cười khi xe chạy tới Gas field, tức cánh đồng quạt gió lúc đó xe hết xăng. Thầy Phưóc Nhơn bảo chú Tấn lái xe tấp vào lề đường. Vì chú Tấn khi lái không để ý đến xăng còn hay hết. Thường là hễ xăng còn khoảng nửa bình thì phải ghé trạm xăng để đổ thêm. Điều nầy thầy Phước Nhơn rất cẩn thận. Vì đó là kinh nghiệm đi đường xa của thầy. Bởi do chú Tấn sơ ý nên mới xảy ra tình trạng nầy. Thế là, chỉ còn có cách phải đi tìm mua xăng thôi. Perry và chú Tấn lái chiếc xe van để đi tìm mua xăng. Mọi người đều ngồi yên trên xe. Thời may trạm xăng cũng không xa lắm, chỉ mất khoảng nửa tiếng đồng hồ lái xe là tới. Đi và về mất khoảng một tiếng đồng hồ. Khi mua được xăng rồi ai nấy đều vui mừng hớn hở. Nếu không, thì chắc chắn là phải ngủ đêm trên xe ở đây rồi. Vì khi đó trời đã xế chiều. Nhân cảnh nầy tôi có ghi lại bài thơ lưu niệm.

Cảnh Hết Xăng

Trời đất bao la giữa núi đồi

Một vài người đến đứng xem coi

Vì sao dừng lại xe không chạy?

Vì bởi hết xăng khổ quá trời!

Gấp rút đi tìm xăng chỗ bán

May nhờ xăng trạm ở gần nơi

Mỹ già tội nghiệp nhanh mua sớm

Chờ đợi không lâu đã tới nơi.

Đó là một kỷ niệm thật khó quên. Trong lúc ngồi trên xe nhìn cảnh vật núi đồi trời đất bao la, phố xá nhà cửa và xe hơi qua lại, tôi có ghi lại bài thơ đọc cho mọi người nghe vui. Bài thơ với nhan đề là: "Cũng Thế Thôi".

Cũng Thế Thôi

Đi đến nơi nào cũng thế thôi!

Cũng nhà, cũng phố, cũng xe hơi

Cũng non, cũng núi, trời mây nước

Cũng uống, cũng ăn, cũng dạo chơi

Ngắm cảnh ngoạn du ai chẳng thích

Thăm thầy, bạn cũ cũng chia phôi

Lâu nay đất Mỹ hằng mong ước

Đã đến đây rồi cũng thế thôi!

Bài thơ nầy không ngờ trong đoàn đã có người ghi nhớ và thỉnh thoảng đọc lên cho mọi người nghe. Có người vui miệng cười nói chọc nhau cho vui. Người thì ca hát nghêu ngao những bài hát đạo. Có khi thì đồng hát những bản nhạc mà ở đạo tràng Quang Minh quý liên hữu thường hát. Như những bản: Khúc Ca Thọ Bát, Quang Minh Ngày Vui, Khúc Hát Bên Nhau, Buông Xả, Di Đà Trong Ta, Niệm Phật Đi, Trả Về Tứ Đại, Chiếc Áo Tràng Lam v.v... Nhờ vậy mà chúng tôi cảm thấy đỡ mệt.

Ngày 18/9/12/

Thăm viếng vài chùa

Xe chạy suốt đêm không ngủ, 7 giờ 40 sáng mới tới ranh giới California. Xe chạy một đổi khoảng 9 giờ mới tới cánh đồng Palma Spring. Xe tiếp tục di chuyển đến 11 giờ 30, chúng tôi đã đến Los Angeles. Vì còn sớm nên chưa nhận phòng, chúng tôi đi thẳng đến nhà hàng Bồ Đề Tâm Tịnh Trai để dùng trưa. Người chủ nhà hàng là một Phật tử thuần thành. Cô rất tử tế lịch sự chào hỏi chúng tôi. Người chạy bàn là một cậu thanh niên trẻ. Cậu cũng lịch sự xã giao theo phận sự nghề nghiệp của mình. Được biết, là tu sĩ vào ăn ở đây thì sẽ được bớt 50 phần trăm. Hôm nay, vì đi đường xa mỏi mệt nên Thầy Phước Nhơn thiết đãi kêu món ăn chung không có kêu phần. Món ăn rất thích hợp khẩu vị nào là canh chua, cá kho tộ, tàu hủ chiên muối v.v... Món nào cũng ngon và vừa miệng cả. Dùng xong, chúng tôi về khách sạn nhận phòng. Khách sạn có tên là FairField. Lúc đó khoảng 2 giờ chiều. Tắm rửa nghỉ ngơi một chút, đúng 3 giờ chúng tôi đi thăm chùa Pháp Hoa của thầy Phước Sung.

Khi đến, thầy Phước Sung đi vắng. Chúng tôi gặp thầy Phước Hội. Thầy mời chúng tôi vào phòng khách. Thầy cho biết, thầy Phước Sung đi shop sắm chút ít đồ để chuẩn bị cho ngày mai về Việt Nam. Chúng tôi trò chuyện được một lát, thì thầy Phước Sung về tới. Chúng tôi hỏi thăm nhau vài câu xã giao, sau đó, chúng tôi nhờ thầy Phước Hội hướng dẫn chúng tôi đến chùa Phổ Hiền để thăm thầy Duy Tín. Chùa Pháp Hoa và chùa Phổ Hiền cả hai đều là cải gia vi tự. Ở đây, vấn đề xin giấy phép hoạt động rất khó, nên chùa không có treo bảng hiệu. Muốn tìm thì cần phải biết địa chỉ chớ không có bảng hiệu chùa treo ở trước cửa như các chùa có giấy phép hợp pháp hoạt động. Khi đến thầy Duy Tín đang tắm, nên có một thầy mời chúng tôi vào phòng khách. Sau đó, thầy Duy Tín chào hỏi chúng tôi và ngồi trò chuyện thăm hỏi một lát thì thầy Phước Sung tới.

Từ chùa Pháp Hoa đến chùa Phổ Hiền mất khoảng 10 phút lái xe. Khoảng 7 giờ tối, chúng tôi cùng đi đến nhà hàng Paradise để dùng bữa. Nhà hàng Tàu trang trí cũng khá thanh nhã sang trọng đẹp mắt. Cô chạy bàn là một thiếu nữ còn trẻ nói năng hoạt bát và lễ độ. Dường như quý thầy cũng hay đến nơi đây. Vì nghe cách nói chuyện giữa cô và thầy Phước Sung rất là tự nhiên thân mật. Như đã hiểu ý quý thầy, nên cô đã tự chọn thức ăn giùm cho quý thầy. Món ăn đầu tiên mang ra là chiếc thuyền bát nhã. Trong đó có nhiều món khai vị. Chiếc thuyền bát nhã rất lịch sự đẹp mắt. Chiều dài và chiều ngang cũng lớn. Chúng tôi ngồi vào một bàn tròn lớn khoảng mười một người. Đoàn chúng tôi bảy và thêm 4 thầy.

Dùng xong, thời giờ còn sớm, chúng tôi đi thăm Hòa thượng Thiện Long trụ trì chùa Phật Tổ. Từ khách sạn đến chùa Phật Tổ lái xe khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ. Đến nơi, lúc đó khoảng 9 giờ tối. Sau khi lễ Phật, thầy trụ trì mời chúng tôi đến phòng khách trò chuyện. Sau khi trò chuyện, khoảng 10 giờ chúng tôi xin phép từ giả ra về. Về tới khách sạn cũng gần 11 giờ, mọi người tắm rửa và ngủ nghỉ...

Ngày 19/9/12/

Thăm Chùa Hương Tích và Chùa Phật Tổ

Sáng nay, chúng tôi dùng điểm tâm sơ sài ở trong khách sạn. Sau đó mỗi người sinh hoạt tự do. Tôi thì thích đi bộ vào mỗi buổi sáng sớm. Theo thói quen, sáng nào cũng vậy, sau khi tập thể dục thì tôi đi bộ. Chỉ trừ phi những chuyến đi khởi hành quá sớm. Có khi chúng tôi đi vào lúc 4 giờ 30 sáng. Những lúc đi như vậy, thì mới không có tập thể dục và đi bộ. Còn lại những lúc đi trễ thì lúc nào tôi cũng giữ đều đặn như thế. Hôm nay, khoảng 11 giờ trưa, chúng tôi đến chùa Pháp Hoa nhờ thầy Duy Tín hướng dẫn đến chùa Hương Tích thăm Hòa thượng Thiện Viên. Vì chúng tôi có hẹn sẽ gặp nhau tại chùa Pháp Hoa của thầy Phước Sung. Nói đến hai chữ Hương Tích, tôi thầm nghĩ đến ngôi chùa Hương Tích ở Việt Nam. Ngôi chùa nầy tọa lạc trên đỉnh núi Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tỉnh. Theo sử ghi lại: "Ngôi chùa nầy được xây dựng từ thế kỷ thứ 13 ở vào thời nhà Trần. Tuy nhiên, chùa ban đầu đã bị hỏa hoạn làm cháy trụi vào năm 1885. Kiến trúc chùa hiện nay được Đào Tấn cho xây vào năm 1901. Năm 2003, chùa được trùng tu. Hội chùa diễn ra vào ngày 18 thánh 2 âm lịch hằng năm. Ngôi chùa thường được nhắc đến trong văn thơ qua bài thơ "Nhớ chùa Hương" của Thái Thuận:

Khe suối đá gập gềnh

Dấu Quan Âm ẩn náu

Am Thánh Mẫu tu thành

Biết gì ngoài mây rũ

Muôn thuở tiếng Châu Hoan".

Ngoài ra, nhà thơ Chu Mạnh Trinh khi đến đây thăm viếng, ông cũng có làm một bài thơ với nhan đề là "Bầu Trời - cảnh Bụt".

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay

Kìa non non, nước nước, với mây mây

"Đệ nhất động" hỏi rằng đây có phải

Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái

Lững lờ khe yến cá nghe kinh

Thoảng bên tai một tiếng chầy kình

Khách tang hải giật mình trong giấc mộng

Nầy suối Giải Oan, nầy chùa Cửa Võng

Nầy am Phật Tích, nầy động Tuyết Quỳnh

Nhác trông lên, ai khéo họa hình

Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt

Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt

Gập gềnh mấy lối uốn thang mây

Chừng giang sơn còn đợi ai đây?

Hay tạo hóa khéo ra tay sắp đặt

Lần tràng hạt niệm: Nam vô Phật

Cửa từ bi công đức biết là bao...?

Càng trông phong cảnh càng yêu.

Nhớ lại, năm 2003, chúng tôi có đến tham quan chiêm bái ngôi chùa Hương Tích nằm trong hang động Hương Tích. Ai cũng biết, Hương Tích là một hang động nổi tiếng hương sắc tuyệt đẹp. Hiện nay là một trong những khu du lịch quốc gia Hương Sơn huyện Mỹ Đức tỉnh Hà Tây nay thuộc thành phố Hà Nội, Việt Nam. Theo một tài liệu cho biết: "Hang động nầy cách Hà Nội khoảng 70 km về phía Tây Nam. Thời Vua Lê Chúa Trịnh vào năm 1770 Chúa Trịnh Sâm có đến tham quan hang động nầy và đặt tên cho động là "Nam Thiên đệ nhất động", tức động đẹp nhất trời Nam. Trong động người ta có tạc pho tượng Bồ Tát Quan Thế Âm bằng đá xanh rất đẹp. Trong động giống như một cái hàm rồng rộng lớn, thênh thang, hun hút. Bên dưới, bên trên, bên phải, bên trái, cân đối nhau chằn chặn. Hòn thạch nhũ có tên là Đụn Gạo, nằm ở chính giữa, gần lối cửa vào, giống như lưỡi trong miệng rồng. Đèn trong hang động mờ ảo không đủ ánh sáng để thấy rõ mọi vật tượng. Du khách hành hương đến đây như lạc bước vào cõi bồng lai tiên cảnh".

Trở lại vấn đề thăm viếng Hòa thượng Thiện Viên. HT Thiện Viên, HT Thiện Long, TT Duy Tín, TT Phước Sung, chúng tôi đã quen biết nhau trong những kỳ đại giới đàn ở Tổ Đình Phước Huệ. Năm rồi, nhân dịp làm lễ kính mừng thượng thọ cho cố Hòa thượng Tông Trưởng Tổ Đình Phước Huệ, quý ngài cũng có sang và chúng tôi lại gặp nhau. Những vị nầy, tuy không phải là đệ tử chánh thức của cố Hòa thượng Tông Trưởng Tổ Đình Phước Huệ, nhưng quý vị đó đã cầu pháp coi cũng như là đệ tử. Tuy không nằm trong Tông Môn, nhưng chúng tôi coi nhau như huynh đệ. Vì vậy, khi đến đây, việc đầu tiên là chúng tôi đến thăm quý vị nầy. Chúng tôi đi hai chiếc xe một chiếc xe du lịch và một chiếc xe van. Chiếc xe du lịch 4 chỗ ngồi gồm có: tôi, TT Phước Sung, Thầy Phước Hội và TT Duy Tín lái. Còn chiếc xe van gồm có: Thầy Phước Nghĩa, chú Phước Nguyện, ni cô Phước Như và ông bà Tuệ Trung. Còn thầy Phước Nhơn và chú Tấn thì đi lo công việc riêng. Đến nơi, quan sát cảnh trí chung quanh thật không có gì mang màu sắc Hương Tích của một ngôi chùa mang tầm vóc lịch sử Việt Nam như đã nói ở trên. Tên gọi thì giống, nhưng cảnh trí thì rất khác nhau. Ngôi chùa Hương Tích ở Mỹ thì làm gì giống ngôi chùa Hương Tích ở miền Bắc Việt Nam? Dù phong cảnh ở đây không có những cảnh quan tuyệt đẹp thơ mộng như chùa Hương, nhưng vì muốn tưởng niệm đến một ngôi chùa nổi tiếng lịch sử nên mới lấy đó mà đặt thành danh hiệu cho ngôi chùa chăng?

Tuy ngôi chùa không giống, nhưng tình người thì lại tràn đầy thiện cảm. Khi bước vào trong chùa, HT trụ trì Thích Thiện Viên tiếp đón đoàn chúng tôi một cách ân cần chân tình niềm nỡ và thân mật. Ngoài đoàn chúng tôi ra, còn có hai Thượng Tọa: Duy Tín, Phước Sung và Đại Đức Phước Hội nữa. Tôi ngồi bên chiếc xe của TT Duy Tín lái. Hôm nay, chúng tôi có hẹn với HT Thiện Long là dùng trưa tại chùa thầy. HT Thiện Long đã chuẩn bị thiết đãi chúng tôi bánh tráng cuốn. Đây là món mà chúng tôi rất thích. Vì nó vừa đơn giản tiện lợi và vừa nhẹ bao tử dễ tiêu hóa. Nói đơn giản là vì chỉ cần có một vài món như: tàu hủ, chả luạ, dưa leo, giá , rau cải, bún và bánh tráng là đủ rồi. Nếu muốn thêm thì thêm rong biển dễ cuốn hơn. Món ăn vừa đơn giản không cầu kỳ mà lại không có dầu và dễ tiêu hóa nên ai cũng thích. Chúng tôi đến nơi là đã quá 12 giờ trưa. Hòa thượng Thiện Long mời chúng tôi vào trai đường. Thức ăn đã dọn sẵn trên một cái bàn dài. Tất cả chúng tôi đều ngồi chung với nhau. Ai ăn nấy cuốn tùy ý thích của mình. Đây là lần đầu tiên, chúng tôi được ngồi ăn uống chung bàn với nhau tâm tình thật là vui vẻ thích thú.

Trong khi ăn, bỗng tôi trực nhớ đến bài thơ "Bánh Tráng Cuốn", do tôi sáng tác cách nay cũng khá lâu.

Đối diện cuốn từng bánh tráng ăn

Việc đời thôi nghĩ hết khó khăn

Ăn không nghĩ ngợi, ăn thiền vị

Ăn "Biết"rõ ràng trâu có chăn

Đối diện cuốn từng bánh tráng ăn

Tâm hồn tươi mát chẳng lăng xăng

Ăn không tính toán khen ngon dở

Cứ thế mà ăn chẳng nhọc nhằn

Đối diện cuốn từng bánh tráng ăn

Phóng khoáng thơ tràn thay nói năng

Nắng vàng gió thổi tan niềm tục

Trí sáng chan hòa vượt chướng ngăn

Đối diện cuốn từng bánh tráng ăn

Hương tình đạo vị chẳng khô cằn

Thời gian lặng lẽ trôi trôi mãi

Thế sự thăng trầm chỉ "Thiện Căn".

Dùng xong, HT Thiện Long mời tất cả chúng tôi sang phòng khách uống trà đàm đạo. Chúng tôi trao nhau qua một vài kinh nghiệm về ăn uống và bệnh tật, nhất là chứng bệnh phổ cập nhất hiện nay là bệnh tiểu đường. Được biết, Hòa thượng thiện Viên mắc phải chứng bệnh tiểu đường nầy khá nặng. Mỗi tuần lễ ngài phải chích thuốc insuline ba lần. Chúng tôi trà đàm tâm tình với nhau đến khoảng 3 giờ chiều rồi từ giả chia tay mạnh ai nấy ra về. Chúng tôi về lại khách sạn nghỉ ngơi. Đến tối, chúng tôi đi đến nhà hàng Tân Tân để dùng hủ tiếu xào. Nhà hàng nầy không bán đồ ăn thuần chay. Nghĩa là vừa có chay mà cũng vừa có mặn. Hủ tiếu xào ở đây tương đối cũng dễ ăn, vì ít dầu hơn các nhà hàng Tàu. Dùng xong, chúng tôi vào trong siêu thị lớn để mua chút ít đồ ăn khô để mang theo. Như hủ tiếu gói, phở gói, cơm hộp, miến gói v.v... Mua xong chúng tôi trở về lại khách sạn ngủ nghỉ...

Ngày 20/9/12/

Trung tâm thương mãi người Việt

Đặc biệt hôm nay là ngày mà đoàn sẽ đi dạo phố cho biết. Nhất là các phố xá buôn bán của Cộng Đồng Người Việt ở miền Nam California. Lâu nay, tôi nghe tiếng tăm rất nhiều, nhưng chưa có dịp đến tham quan. Vì vậy, thầy Phước Nhơn đã dành trọn một ngày để chúng tôi đi dạo qua cho biết. Chúng tôi đi một chiếc xe van do ông tài xế Mỹ già Perry lái. Sau khi tới bãi đậu xe, tài xế bỏ chúng tôi xuống và mỗi người tự do đi dạo. Perry không có đi theo chúng tôi. Đến đây, mới thấy quả tiếng đồn danh bất hư truyền. Các quán xá buôn bán của người Việt mình nằm dọc theo hai bên dường rất nhiều. Nghĩa là toàn khu vực đều là những nơi buôn bán tấp nập xe cộ người qua kẻ lại. Điểm đầu tiên, chúng tôi đến là thương xá Phước Lộc Thọ. Nơi đây là một tòa nhà rộng lớn hai tầng. Họ trưng bày bán đủ loại mỹ phẩm cũng như quần áo và các món hàng lặt vặt khác. Đồ ăn cũng được bày bán trong đây. Chúng tôi chỉ đưa mắt nhìn sơ qua ở tầng dưới chớ không có lên trên lầu. Tôi nghĩ, trên đó cũng bày bán như thế thôi. Nhìn quanh chỉ thấy người Việt mình ra vô tới lui, chớ không thấy bóng dáng ông Tây, bà Đầm nào ra vào cả. Bên tai chỉ nghe tiếng nói xì xào của người mình. Xong rồi, chúng tôi đi trở ra.

Điểm thứ hai mà tôi và chú Phước Nguyện đến đó là tiệm sách Pháp Quang. Tiệm sách nầy do người em của thầy Phước Hảo làm chủ. Tiệm sách nầy chuyên bán các loại kinh sách Phật thôi, còn những loại sách văn hóa đời thì ít thấy. Thầy Phước Nhơn nhờ tôi mua một số kinh sách cho thầy. Vì vậy mà tôi mua khá nhiều kinh sách. Cô chủ bán sách có tặng cho tôi một số xâu chuỗi trường loại hạt nhỏ. Và một ảnh tượng Phật để treo trong xe. Mua xong, để vào thùng vì nhiều sách nên chúng tôi phải gởi lại. Sau đó, chúng tôi đi bộ đến nhà hàng Vạn Hạnh để dùng trưa. Nhà hàng nầy chuyên bán thức ăn chay. Khi vào, chúng tôi không thấy có khách, chỉ có đoàn chúng tôi thôi. Chúng tôi ngồi chung một bàn, tùy sở thích khẩu vị của mỗi người mà chọn thức ăn. Tôi thì ăn một tô hủ tiếu mì. Vì trời nóng ăn mì hủ tiếu có nước cho dễ nuốt. Dùng xong, chúng tôi lên xe đến tiệm sách lấy sách. Xong rồi, chúng tôi đi tới một nơi chuyên bán hàng mỹ phẩm. Đây là một tòa nhà dài, cao, rộng lớn. Đi vào nhìn chỗ nào cũng thấy trưng bày toàn là hàng mỹ phẩm không thôi. Chúng tôi vào đây xem qua cho biết với mục đích là chỉ để trốn nắng chớ nơi nầy đâu có thích hợp với những ông thầy tu như chúng tôi. Đi một vòng mỏi chân, tôi tìm một băng ghế dài ngồi nghỉ chân cho khỏe. Thầy Phước Nghĩa, chú Phước Nguyện và cô Phước Như cũng tìm chỗ ngồi nghỉ như tôi. Ngồi để chờ hai ông bà Tuệ Trung đang kiếm lựa mua đồ. Xong rồi, chúng tôi trở ra xe để về lại khách sạn.

Lạc Bước

Lạc bước vào đây nghĩ thất cười

Toàn hàng mỹ phẩm bán mọi nơi

Nơi đâu cũng thấy vàng, quần áo

Óng ánh kim cương chiếu sáng ngời

Cảm thấy như mình đang lạc lõng

Nghe lòng hổ thẹn cảnh vui chơi

Dừng chân nghỉ khỏe trời trưa nắng

Chen chúc làm chi giữa chợ đời

Ngày 21/9/12/

Phước Huệ Đạo Tràng

Theo dự định thì hôm nay, chúng tôi sẽ rời khỏi Los Angeles để đi San Jose. Tuy nhiên, trước khi rời khỏi nơi đây, chúng tôi đến viếng thăm một ngôi Phật tự quan trọng đó là Phước Huệ Đạo Tràng của Hòa thượng Thích Phước Bổn. Thật ra, khi mới tới đây, chúng tôi có liên lạc điện thoại định tới thăm Hòa thượng trước nhưng không gặp ai. Hôm nay, trước khi đến, chúng tôi đã có liên lạc rồi. Chúng tôi khởi hành lúc 8 giờ 10 phút sáng. Từ khách sạn đến chùa phải mất khoảng hơn nửa giờ lái xe. Khi đến chùa cánh cửa ngoài còn đóng kín. Chúng tôi bấm chuông thì cửa tự động mở không cần người. Vì có thông báo trước, nên khi cửa mở tôi thấy Hòa Thượng Phước Bổn ra ngoài để đón tiếp đoàn chúng tôi. Khi vào, chúng tôi chắp tay chào ngài và được ngài ưu ái mời lên chánh điện lạy Phật trước. Chúng tôi đến bàn thờ Tổ chí thành đảnh lễ chư Tổ sư ba lạy rồi mới bước lên chánh điện. Hòa thượng Phước Bổn thỉnh chuông để chúng tôi đảnh lễ Tam bảo. Lạy xong, ngài giới thiệu đôi điều về các tượng Phật. Sau đó, ngài mời chúng tôi xuống phòng khách để dùng trà, Tôi có tặng cho ngài một cuốn sách "Phù Tang Ký Sự". Chúng tôi ngồi trò chuyện tâm tình với nhau cũng khá lâu. Đây là lần đầu tiên, tôi mới đến nơi đây. Có một bà Phật tử tới lui châm trà và lấy bánh đãi chúng tôi. Huynh đệ lâu ngày gặp lại cảm thấy cũng vui. Hòa thượng Phước Bổn kể cho chúng tôi nghe về việc xây dựng ngôi Phật tự nầy. Nghĩa là lúc đầu cũng gặp nhiều trở ngại khó khăn trong việc xin giấy phép xây cất cũng như ngân quỹ tài chánh. Tuy nhiên, cuối cùng cũng vượt qua tất cả và hoàn thành ngôi Tam bảo. Ngôi chùa cũng khá khang trang rộng lớn. Chu vi chùa cũng rộng rãi và cảnh trí chung quanh tuy gần dân cư nhưng cũng không đến đổi trở ngại cho sự sinh hoạt. Việc xây chùa ở xứ người nơi đâu cũng thế. Ít nhiều gì cũng gặp nhiều chướng duyên thử thách. Điều quan trọng là đòi hỏi ở nơi mình có bền chí hay không. Hòa thượng còn nói với chúng tôi là sự sinh hoạt của chùa không có mở rộng. Do đó, sự cúng dường Tam bảo cũng rất ít. Có khi khui thùng phước sương chưa tới một trăm đồng. Dĩ nhiên là chùa vẫn còn thiếu nợ chưa trả hết. Hầu hết các chùa ở hải ngoại chỉ sinh hoạt có ngày chủ nhật hoặc nhiều lắm là thêm ngày thứ bảy. Còn những ngày khác trong tuần thì ai cũng lo bươi chảy tìm kế sinh nhai. Người nào cũng bận việc lu bu đâu có ai rảnh rỗi để đi chùa. Ngoại trừ có đám sám hoặc tiệc tùng bất thường mà thôi.

Sau khi thăm viếng nơi đây, chúng tôi xin phép và từ giả Hòa thượng Phước Bổn để đi nơi khác. Khoảng 11 giờ trưa, chúng tôi đi ngang qua Chinatown rồi vào quán ăn bên đường để dùng trưa. Dùng xong, thầy Phước Nhơn và chú Tấn đi lo công việc riêng, còn lại chúng tôi thì mỗi người tự do dạo phố. Đến 1 giờ 30 chiều, chúng tôi tập trung lại một nơi để khởi hành đi San Jose.

"San Jose là thành phố lớn thứ 3 ở tiểu bang California, lớn thứ 10 ở Hoa Kỳ. Đây là thủ phủ quận Santa Clara. Trong nhiều năm, thành phố được gắn liền với danh hiệu Thành phố lớn an toàn nhất Hoa Kỳ. San Jose nằm trong thung lũng Silicon, mũi phía Nam của Vịnh San Francisco. Diện tích: 466.11km2, dân số của thành phố được cập nhật năm 2011 là 958.789 người, với mật độ đạt 2,100 người/km2, đây là thành phố lớn nhất vùng Bắc California".

Thành phố San Jose

San Jose theo tiếng Tây Ban Nha nghĩa là Thánh Guise, được thành lập năm 1777 như là thị trấn đầu tiên của thuộc địa Tây Ban Nha tại vùng Nueva California ( Tân Cali ), sau nầy thành Alta California ( Thượng Cali ). Thành phố là cơ sở trang trại hậu cần phục vụ cho quân đội Tây Ban Nha xây dựng ở San FranciscoMonterey. Sau khi California nhận được quy chế tiểu bang Hoa Kỳ năm 1850, San Jose là thủ phủ đầu tiên của California. Sau 150 năm phát triển nông nghiệp, sự gia tăng nhu cầu nhà ở của binh lính và các cựu chiến binh trở về từ chiến tranh thế giới thứ 2 đã khiến thành phố nhanh chóng được mở rộng xây dựng. Trong thập niên 70, việc xây dựng Thung Lũng Silicon tại đây khiến cho San Jose - nằm trong trung tâm Thung Lũng Silicon được đặt nickname là Thủ đô Thung Lũng Silicon. Tháng 4./1979, Hội đồng thành phố đã quy định phát âm tên thành phố là San José lên con dấu và các văn bản chính thức. Tuy nhiên, người ta vẫn phát âm và viết tên thành phố mà không có dấu sắc. Tên chính thức của thành phố là "The City of San José".

Đối với Cộng Đồng Người Việt ở San Jose, theo cuộc kiểm kê Dân số Hoa Kỳ năm 2000, số người Mỹ gốc Việt ở San Jose là 82.838 người, chiếm 9,2% dân số toàn thành phố. Đối với cộng đồng người Việt, San Jose còn mệnh danh là Thung lũng Hoa Vàng với khu thương mại chính thức do thành phố ấn định năm 2007 mang tên Saigon Business District. Trong số 10 ghế của hội đồng thành phố, người Việt có 1 đại diện là cô Madison Nguyễn, đắc cử năm 2005 với nhiệm kỳ 4 năm. Tháng 11 năm 2007, Hội đồng thành phố San Jose bỏ phiếu tán thành quy hoạch khu phố dành cho cộng đồng người Việt tại một đoạn đường Story với tên gọi là "Saigon Business District". Nhưng cộng đồng người Việt tại San Jose đã không tán thành quyết định của hội đồng thành phố. Trải qua một thời gian đấu tranh, Hội đồng thành phố San Jose đã chính thức thông qua tên gọi cho khu phố người Việt tại San Jose"Little Saigon". Ngày 21 tháng 5 năm 2011. khánh thành bia đá Little Saigon San Jose trong niềm vui và phấn khởi của người dân trong vùng" (1)

Xuôi theo quốc lộ 5 cứ chạy mãi sẽ đến San Jose. Trên đường đi, chúng tôi thấy dọc hai bên đường phần nhiều là đồng bằng ít có núi đồi như dọc đường từ Taxas đến Nam Cali. Đến tối chúng tôi đến San Jose và ghé vào nhà hàng Di Lặc của người Việt để dùng cơm. Đây là nhà hàng chuyên bán đồ chay nổi tiếng ở đây. Lúc đó là 8 giờ 30 tối. Dùng cơm xong, chúng tôi đi thẳng đến khách sạn để nhận phòng. Khách sạn có tên là Hotel Extended Stay America.

Sau khi lấy chìa khóa nhận phòng, chúng tôi mỗi người mang hành lý lên phòng tắm rửa và ngủ nghỉ...

Ngày 22/9/12/

Thăm Chùa Quang Nghiêm

Như đã dự định, hôm nay là ngày chúng tôi đến viếng thăm chùa Quang Nghiêm của thầy Minh Đạt. Thầy Minh Đạt với tôi xưa kia ở Huệ Nghiêm là bạn học chung lớp chung trường. Chúng tôi sống chung với nhau một thời gian dài suốt 15 năm. Trải qua các lớp từ sơ đẳng đến trung đẳng và tốt nghiệp cao đẳng. Trước khi đến, chúng tôi có hẹn với nhau. Thầy cũng có cho tôi biết là hôm nay thầy có kẹt một cái đám đặc biệt không thể chối từ. Tôi nói không sao thầy cứ lo giải quyết công việc riêng của thầy. Sở dĩ tôi nói thế, là vì ngày hôm nay chúng tôi sẽ ở đó cho tới chiều.

Chúng tôi khởi hành vào lúc 8 giờ 30 sáng. Nơi đây thuộc thành phố Stockton. Từ khách sạn đến đây phải mất gần 2 tiếng đồng hồ lái xe. Sau hơn 30 năm xa cách, mỗi người một ngã, bỗng hôm nay chúng tôi gặp lại nhau thật là cảm xúc nghẹn ngào. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau vui mừng nói không ra lời. Tưởng chừng không bao giờ gặp lại nhau, nhưng không ngờ hôm nay, chúng tôi lại có dịp hội ngộ. Thầy Minh Đạt vượt biên cùng với thầy Trí Tuệ vào năm 1979 nghĩa là trước tôi 2 năm. Thầy Minh Đạt lớn hơn tôi bốn tuổi. Năm nay thầy đã 72 tuổi. Theo thời gian tuy thầy có già đi, nhưng cái phong độ của ngày nào nay vẫn còn đó. Giữa hai chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm khó quên. Trong những năm ở lớp cao đẳng, chúng tôi cùng đi công tác chung. Theo lệnh của Viện Hóa Đạo, chúng tôi chia nhau từng phái đoàn đi các tỉnh thành để góp phần xây dựng hạ tầng cơ sở.

Tôi còn nhớ trước năm 1975, chúng tôi đến tỉnh Phước Long làm việc một tháng. Suốt trong thời gian nầy, chúng tôi luôn sát cánh bên nhau. Chúng tôi chia nhau mỗi nơi để đi giảng và làm việc. Trụ sở chính của chúng tôi ở là chùa tỉnh hội. Điều mà tôi cảm động nhất và không bao giờ quên được là lúc tôi ngã bệnh nặng, chính thầy Minh Đạt đã ôm tôi trong lòng ngồi trên chiếc xe lam của chùa đưa tôi vào bệnh viện Sùng Chính để điều trị. Giám đốc của Bệnh viện thời đó là bác sĩ Lê Khắc Quyến. Ông là một Phật tử và cũng là người theo dõi và chữa trị bệnh cho tôi.

Ghi đến đây, tôi vô cùng xúc động và không bao giờ tôi quên ơn của thầy đối với tôi. Thầy Minh Đạt ơi, hôm đó tôi muốn nói với thầy thật nhiều, nhưng không có dịp để nói. Khi chúng tôi đến, thầy ra ngoài đón tiếp chúng tôi. Một nghĩa cử tuy là cách xã giao lịch sự thông thường của một con người, nhưng đối với tôi hình ảnh đó có khác. Chúng tôi niềm nỡ quý kính nhau khi gặp lại. Có điều rất tiếc, hôm đó lại có một sự trùng hợp bất ngờ là thầy phải đi đám. Thầy xin lỗi tôi và chịu thất lễ, vì cái đám nầy rất có ân nghĩa sâu đậm với thầy nên thầy không thể nào từ chối được. Tôi hiểu và rất cảm thông cho thầy. Tôi nói, thầy cứ đi để chùa tôi trông coi cho. Tôi còn nói đùa là khi thầy về vẫn còn cái nóc chùa là được rồi. Chúng tôi cười xòa với nhau. Thầy đã làm cơm dọn sẵn ở bàn. Thầy bảo chúng tôi cứ tự nhiên khi nào cảm thấy đói thì tự tiện dùng bữa đừng có ái ngại. Sở dĩ thầy nói thế, là vì trong đoàn ngoài tôi ra còn có các vị khác. Thầy Minh Đạt là người rất tế nhị và xử sự chu đáo khéo léo. Thầy là người thông minh học giỏi. Những năm ở trường thầy luôn giữ chức thơ ký lớp suốt thời gian cho các khóa học.

Một bữa cơm tuy vắng mặt thầy, nhưng chúng tôi ăn cảm thấy rất ngon. Tôi còn nhớ bữa cơm hôm đó gồm có các món: bầu luộc, nước tương kho (chính thầy đích thân kho) dưa hấu, cá ( làm bằng tàu hủ ky ) chiên gừng, cải trộn dầu ý. Bầu luộc mà chấm nước tương kho thì phải nói là hết sẩy không gì bằng. Một món ăn tuy giản dị nhưng nó ngon kỳ lạ. Không phải chỉ có riêng tôi khen thôi mà trong đoàn vị nào cũng khen ngon cả. Đến khi thầy về, chúng tôi lại trò chuyện tiếp với nhau. Thầy kể những câu chuyện vui buồn xảy ra ở trong chùa. Ngôi chùa nầy trước kia là nhà thờ thầy mua và sửa sang trang hoàng lại. Tuy chu vi không rộng lớn lắm, nhưng cũng không đến đổi hẹp lắm. Nghĩa là cũng tạm đủ sinh hoạt. Vào những ngày lễ lớn thì có hơi chật một tí, nhưng những ngày sinh hoạt cuối tuần bình thường thì không chật. Chánh điện đủ sức dung chứa hành lễ. Thầy có nhã ý mời tôi ở lại một đêm và sáng mai là ngày chủ nhật mời tôi giảng pháp. Nếu ở lại, thì cũng kẹt cho thầy Phước Nhơn phải chạy tới, chạy lui đón rước tôi cũng phiền phức. Vả lại từ khách sạn đến đây không phải là gần lái xe phải mất gần 2 tiếng đồng hồ. Do đó, nên tôi xin cáo lỗi với thầy và mong thầy hoan hỷ thông cảm cho. Nếu như gần khách sạn chắc chắn là tôi ở lại để hàn huyên tâm sự với thầy rồi. Điều đó, thật ngoài ý muốn của chúng tôi. Trước khi rời khỏi, thầy còn mời chúng tôi ở lại dùng bữa bún măng chiều rồi mới đi.

Dùng xong, chúng tôi xin phép và từ giả thầy để đi nơi khác. Tôi có tặng cho thầy vài quyển sách do tôi biên soạn.

Tu Viện Thôn Yên

Chúng tôi rời khỏi chùa Quang Nghiêm lúc 5 giờ chiều. Chúng tôi đi thẳng đến Tu viện Thôn Yên để thăm Hòa thượng Tịnh Diệu. Hòa thượng Tịnh Diệu ngày trước cũng ở Huệ Nghiêm. Thầy theo học ở lớp Trung Đẳng Phật Học Chuyên Khoa ba năm. Thầy cùng một lớp với quý thầy: Nhật Quang ( Thường Chiếu ) Phước Hảo ( Chơn Không ) Quảng Hiển (Đại Tòng Lâm Bà Rịa ) Tâm Thọ (ở Mỹ ) v.v... Khi đến nơi, trời sắp tối. Chúng tôi bước vào trong chùa không thấy ai. Nhưng chùa vẫn còn mở cửa. Đi vòng quanh một hồi mới thấy có người. Thế là chúng tôi được một vị thầy hướng dẫn đến để gặp Hòa thượng Tịnh Diệu. Tuy khác lớp, nhưng chúng tôi ở chung trường, khi nhắc lại thì HT Tịnh Diệu mới nhận ra tôi. Thế là chúng tôi trò chuyện hỏi thăm nhau trong giây lát rồi thầy nhờ một người dẫn đường chúng tôi đến thăm Tu Viện Kim Sơn của thầy Tịnh Từ.

Tu Viện Kim Sơn

Khi đến nơi trời đã tối hẳn. Chúng tôi rảo bước một vòng, vì lúc nầy mọi người đang tụng kinh ở chánh điện. Từ chánh điện đi ra, bỗng tôi gặp lại một người quen đó là sư cô Thanh Giới. Cô Thanh Giới trước kia pháp danh là Diệu Huệ ở Trà Vinh cùng quê với tôi. Diệu Huệ xuất gia với thầy Tịnh Từ nên có pháp hiệu là Thanh Giới. Ngoài Thanh Giới ra, tôi còn gặp lại người em gái ruột của cô là Thanh Nghiêm. Hôm nay, Thanh Liên tức là Diệu Hòa em ruột của Diệu Huệ đi vắng. Chúng tôi gặp nhau bất ngờ rất mừng rỡ. Vì chúng tôi xa nhau cũng gần 40 năm mới gặp lại. Mấy chị em ngày xưa, thường hay đi chùa Long Khánh, Phước Hòa, Lưỡng Xuyên ở Trà Vinh. Mỗi lần nghỉ hè, tôi có dịp về thăm quê thì thường hay gặp các chị em của Diệu Huệ. Thỉnh thoảng quý vị nầy cũng có lên Huệ Nghiêm thăm quý thầy. Diệu Hòa thường tới lui thăm thầy Liêm Chính, một bạn học cùng lớp với tôi. Rất tiếc hôm nay, chúng tôi không gặp thầy Tịnh Từ. Vì thầy có công việc Phật sự đi xa không có ở chùa. Nghe nói hiện nay, thầy có 4 cơ sở: Kim Sơn, Thôn Yên, Nam Hải và Liên Trì. Cơ sở nào thầy cũng có đặt người trông coi. Thầy Tịnh Từ cũng học cùng lớp cao đẳng Phật học với chúng tôi. Tuy nhiên, thầy có được cái may mắn là xuất ngoại du học ở Mỹ vào năm 1974. Hôm sau tôi có điện thoại thăm thầy. Thầy Tịnh Từ chỉ học ở Huệ Nghiêm khoảng ba năm.

Sau khi tham quan chiêm bái, chúng tôi trở về lại khách sạn vào lúc 9 giờ tối. Có hai sư cô Phước Sinh và Phước Nhẫn cùng tháp tùng đi theo đoàn. Hôm nay đi mệt nên chúng tôi không có đi ăn ở nhà hàng mà chỉ ăn mì gói. Dùng xong, ai nấy đều ngủ nghỉ dưỡng sức để chuẩn bị cho cuộc hành trình ngày mai.

Núi vàng bảo vật sẵn trong ta

Ngại gì tìm kiếm ở đâu xa

Bao kiếp tử sanh vì trục vật

Mấy đời chìm nổi bởi xa hoa

Rừng sâu núi thẳm mây qua lại

Biển vắng non cao bóng Đạt Ma

Tịnh thủy ngàn xưa trăng bóng dọi

Từ Thuyền tế độ cõi Ta bà.

Ngày 23/9/12/

Thành Phố San Francisco

Hôm nay đoàn sẽ đi tham quan ở thành phố San Francisco. Ngoài trời nắng đẹp, gió mát. Đoàn khởi hành vào lúc 7 giờ 30 sáng. Đến phố lúc 8 giờ 15. Xe chạy ngang qua Chinatown, phố Tàu hôm nay ngăn đường không cho xe vào. Thế là xe chỉ chạy ngang qua nhìn vào chớ không có vào bên trong được. "Tên San francisco theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Thánh Phanxico. Cựu Kim Sơn là cách gọi của người Trung Hoa từ xưa cho đến bây giờ, vì khi xưa nơi đây là nơi người ta đổ xô đi tìm vàng và nó có ý nghĩa là "Núi Vàng Xưa". Vào giữa thế kỷ 19, nhiều người Trung Hoa đã nhập cư vào Hoa Kỳ và định cư tại nơi nầy. Họ nhập cư để tìm vàng hay để làm việc lắp đường rầy xe lửa xuyên qua lục địa. Để miêu tả miền đất hứa nầy, họ gọi nơi nầy là Cựu Kim Sơn. Tên nầy vẫn còn được sử dụng trong tiếng Hoa. Nhiều văn bản tiếng Việt cũ theo đó cũng gọi tên thành phố bằng tên nầy.

"San Francisco là thành phố đông dân thứ 4 ở tiểu bang California và là thành phố đông dân thứ 14 ở Hoa Kỳ, với dân số ước tính năm 2006 là 744.041 người. San Francisco là thành phố lớn có mật độ dân số cao thứ hai ở Hoa Kỳ. San Francisco được xếp hạng là một thành phố thế giới beta theo xếp hạng của Nhóm nghiên cứu thành phố thế giới và Toàn cầu hóa của đại học Loughborough. Thành phố nằm trên mũi của Bán đảo San Francisco với Thái Bình Dương nằm về phía tây Vịnh San Francisco nằm về phía đông, và Golden Gate về phía bắc.

Năm 1776, người Tây Ban Nha đã định cư ở khu vực mũi của bán đảo, thiết lập pháo đài tại Golden Gate và hội truyền giáo đặt tên theo Francis của Assisi. Cuộc đổ xô đi tìm vàng California năm 1848 đã đưa thành phố nầy trải qua một giai đoạn tăng trưởng nhanh. Sau khi bị trận động đất và hỏa hoạn năm 1906, San Francisco đã nhanh chóng được xây dựng lại.

San Francisco là một điểm du lịch của quốc tế phổ biến nổi tiếng có sương mù mùa Hè lạnh lẽo, các đồi nhấp nhô và dốc, một hỗn hợp chiết khúc của kiến trúc Victoria và kiến trúc hiện đại, dân số đồng tính luyến ái, lưỡng tính và xuyên giới tính lớn, và vị trí bán đảo của nó. Các địa điểm nổi bật nổi tiếng có cầu Cổng Vàng, đảo Alcatrz, xe điện cáp, tháp Coit, và Chinatown". ( 2 )

Cầu Cổng Vàng

Đoàn không vào tham quan được Chinatown, nên đi thẳng đến Golden Gate Bridge tức cầu Cổng Vàng. Cầu Cổng Vàng là một trong những thắng cảnh của thành phố San Francisco. Du khách đến tham quan thành phố nầy chắc chắn là không thể bỏ qua cầu Cổng Vàng. Cầu được xây dựng và hoàn thành vào năm 1936 đồng thời với Cầu qua Vịnh San Francisco - Oakland. Chúng tôi đến đây vào buổi sáng sớm nên sương mù còn bao phủ dày đặc không nhìn thấy rõ. Đứng từ xa nhìn chỉ thấy cây cầu mờ mờ ảo ảo khi ẩn khi hiện. Sau đó, chúng tôi đi qua cái cầu Cổng Vàng nầy. Xe chạy trên cầu nhìn thấy biển trời đồi núi bao la chập chùng trong ánh sáng của đầu ngày gây cho tôi có nhiều cảm giác hứng thú. Vì lúc nầy mặt trời đã lên cao nên ánh sáng ban mai tỏa chiếu càng lúc càng rõ hơn. Lượng du khách đến đây tham quan hôm nay cũng khá đông đảo, kẻ tới, người lui dập dìu tấp nập. Phong cảnh thật hữu tình gây cho lòng người nhiều cảm xúc vui tươi khi thưởng ngoạn.

Vạn Phật Thánh Thành

Sau khi tham quan nơi đây, chúng tôi đi đến Vạn Phật Thánh Thành. Được biết, Vạn Phật Thánh Thành là do cố Hòa Thượng Tuyên Hóa sáng lập. Khi tới nơi nhìn đồng hồ tay là đúng 12 giờ trưa. Sau khi vào chánh điện lễ Phật và tham quan sơ qua, chúng tôi đi tìm nhà hàng để vào ăn trưa. Thầy Phước Nhơn và sư cô Phước Sinh đã có qua đây thăm viếng rồi, nên nơi đây đối với hai vị đó cũng không có gì là xa lạ lắm. Khi bước tới cửa, chúng tôi nhìn thấy một bảng thông báo bằng tiếng Việt ghi rõ là nơi đây không nhận thực phẩm cúng dường của Đài Loan. Vì đói bụng, nên chúng tôi cũng không chú ý quan tâm đến việc đó lắm. Tuy không quan tâm, nhưng chúng tôi cũng thừa biết là thức ăn của Đài Loan như thế nào rồi. Điều gây cho tôi chú ý hơn là họ thông báo nêu rõ không một chút e dè áy ngại, dù họ là người Hoa. Khi vào, các cô thiếu nữ hầu bàn mời chúng tôi ngồi vào bàn tròn lớn. Chúng tôi chia làm hai nhóm. Nhóm chúng tôi toàn là phái nam, còn nhóm bên kia là phái nữ. Tự mỗi người chọn kêu thức ăn. Dù là người Hoa, nhưng thức ăn ở đây phải nói là ít dầu và có chất lượng cao. Tôi nghe ai cũng khen một bữa ăn thật xứng đáng đồng tiền. Bởi thức ăn họ nấu rất thích hợp khẩu vị.

Dùng xong, vì trời trưa nắng gắt, nóng bức khó chịu, nên chúng tôi đi vào trong thư viện nơi phát hành kinh sách để xem. Nơi đây, cô Phước Sinh và thầy Phước Nhơn mỗi người mua vài cuốn sách. Tôi chỉ mua một cuốn nói về cuộc đời của Hòa thượng Tuyên Hóa. Nói đến Hòa thượng Tuyên Hóa không ai lại không biết đức độ và hạnh tu khổ cực của Ngài. Ngài ngủ ngồi, dùng ngọ và các đệ tử xuất gia của ngài cũng vậy. Tăng Ni ở đây tất cả đều đắp y, dù là đang làm công việc. Dù Hòa thượng đã viên tịch, nhưng số tăng ni ở đây vẫn còn đông đảo. Nơi đây, cảnh trí vắng vẻ thanh tịnh, có nhiều cây cao bóng mát, phải thế là một cảnh già lam lan nhã. Khuôn viên xung quanh chùa cũng khá rộng lớn. Có nhiều tòa nhà đã được xây dựng lâu năm. Mỗi tòa nhà đều có mỗi công dụng riêng. Phải nói là một nơi tu hành rất trang nghiêm và có kỷ luật.

Tham quan xong, chúng tôi rời nơi đây vào lúc 3 giờ 15 phút chiều. Sau đó đưa hai sư cô Phước Sinh và Phước Nhẫn về lại Sacramento. Đến nơi nhìn đồng hồ tay là 7 giờ 20 tối. Chúng tôi được sư cô Phước Nhẫn mời đến quán ăn chay do con gái của cô làm chủ. Dùng xong, chúng tôi đưa sư cô Phước Sinh đến nhà người cậu ruột của cô. Chúng tôi ghé vào thăm trong giây lát rồi từ giả trực chỉ về lại khách sạn.

Ngày 24/9/12/

Dạo Phố

Ngày hôm nay phải nói là một ngày rất đẹp. Bầu trời quang đãng nắng ấm dịu hiền thật là lý tưởng cho việc đi dạo tham quan. Bởi thế, nên thầy Phước Nhơn đã dành trọn ngày hôm nay cho mọi người đi dạo phố. Khoảng 9 giờ sáng, chúng tôi đến một trung tâm thương mại của người Việt. Đã là nơi buôn bán thì thiết nghĩ nơi nào cũng thế thôi. Những cửa tiệm, những hàng hóa trưng bày, những người qua lại mua sắm, những người quảng cáo rao hàng... ngần ấy sự việc thì nơi nào cũng thế. Tuy nhiên, điễm đặc biệt gây sự chú ý cho tôi là đi đến đâu cũng thấy người Việt mình có những trung tâm thương mại khá phồn thịnh. Đó là nét son đánh giá được sự thành công của người Việt trên phương diện kinh doanh thương trường ở xứ người.

Sau khi tham quan một vòng, chúng tôi đến một siêu thị có tên là Lion Plaza. Lúc đầu, tôi tưởng là của người Tây phương, nhưng khi vào bên trong mới biết là của người Việt mình. Siêu thị cũng khá lớn bán đủ thứ mặt hàng. Chủ yếu là các loại thực phẩm tươi khô đều có. Trong đoàn có cô Quảng Đoan vì là cư sĩ và theo thói quen nên cô rất thích đi dạo mua sắm đồ. Còn lại, tất cả chúng tôi là tăng ni nên việc mua sắm thì chẳng có hứng thú gì. Tuy nhiên, đã đến đây rồi thì cũng nên đi cho biết thế thôi. Mấy ngày qua tôi rất thèm rau cải tươi, nên hôm nay tôi lựa mua vài bó cải để dùng cho mát. Vì ở khách sạn có lò điện nấu nướng tự do thoải mái. Trải qua 7 cái khách sạn tạm trú, đặc biệt chỉ có cái khách sạn nầy là cho khách hàng nấu nướng tự do. Vì vậy lợi dụng cơ hội nầy, chúng tôi mua đồ về nấu khỏi phải đi ăn ở nhà hàng. Thật là tiện lợi biết bao!

Chúng tôi chỉ đi dạo mua sắm buổi sáng, chiều lại mọi người ở lại khách sạn nấu nướng ăn uống nghỉ ngơi cho khỏe.

Ngày 25/9/12/

Quán ăn Di Lặc

Sáng nay, như thường lệ lợi dụng thời gian đi trễ, tôi đi bách bộ chung quanh khách sạn. Bởi chu vi khách sạn khá rộng lớn. Ngoài những bãi đậu xe ra, còn có những nơi rất thoáng rộng mát mẻ. Vì xung quanh có những cây cao bóng mát tán lá sum xuê. Tôi đi bộ dọc theo bên lề đường phía trước khách sạn. Buổi sáng sớm rất yên tĩnh ít người qua lại. Đi bộ khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ, tôi trở lên phòng tắm rửa để chuẩn bị đi dùng sáng ở quán Di Lặc. Thầy Phước Nhơn cho biết là khoảng 10 giờ mình sẽ đến quán ăn Di Lặc. Như đã nói đây là quán ăn của người Việt. Người chủ quán là một Phật tử vui vẻ chào hỏi đón tiếp lịch sự. Quán nầy nổi tiếng ở trong thành phố. Đây là lần thứ hai chúng tôi tới đây. Trong đoàn không có ai đi, chỉ có tôi, chú Tấn và thầy Phước Nhơn lái chiếc xe nhỏ thuê, vì chiếc xe truck bị bể ống dầu nên phải bỏ gara sửa. Trên đường đi thầy Phước Nhơn ghé đổ xăng và tìm đường để đi đến quán Di Lặc. Dù chỉ có 10 phút lái xe, nhưng vì quên đường nên cần phải có máy chỉ dẫn. Perry lái chiếc van đi theo. Những người khác họ nấu ăn ở khách sạn, vì khách sạn có lò điện, tủ lạnh, microwave nên rất đầy đủ tiện nghi.

Chiều lại, tôi có điện thoại thăm cô Thanh Liên ( Diệu Hòa ) nhưng lại gặp cô Thanh Giới ( Diệu Huệ ). Sau đó, Thanh Liên điện thoại lại hỏi thăm và hẹn sẽ đến khách sạn thăm tôi. Khoảng 6 giờ chiều, cô Thanh Liên và Diệu Lộc ( em ruột của Thanh Liên ) đến thăm và mời chúng tôi đến nhà hàng Di Lặc dùng cơm tối. Như đã nói, tôi và các cô nầy xa nhau rất lâu nay gặp lại rất vui mừng. Thể theo lời mời chúng tôi đều đi, chỉ có ba người bận việc không đi, đó là thầy Phước Nhơn, chú Tấn và Tuệ Trung. Chúng tôi đi chiếc xe van do Perry lái.

Dùng xong, chúng tôi chia tay với Thanh Liên, Diệu Lộc và rồi về lại khách sạn. Thanh Liên có nói với tôi là ngày mai cô ta về Việt Nam.

Ngày 26/9/12/

Công Viên Goden Gate

Đêm rồi ngủ rất ngon. Hôm nay là ngày rời khỏi khách sạn để đi Seattle. Chúng tôi rời nơi đây vào lúc 9 giờ sáng. Đi xuyên qua thành phố San Francisco đến Goden Gate Park. Nơi đây có một ngôi nhà trắng hình bầu dục trong đó người ta chưng bày nhiều loại hoa kiểng thật đáng giá. Du khách muốn vào xem thì phải mua vé, mỗi vé là 7 đồng cho người lớn. Bên ngoài, có một vườn hoa phơi bày đủ loại màu sắc tuyệt đẹp. Chu vi công viên khá rộng lớn. Du khách vào đây mặc tình thưởng ngoạn. Dọc theo hai bên đường mòn, có nhiều cây cổ thụ to lớn tán lá sum xuê. Buổi sáng hôm nay, trời quang mây tạnh nắng đẹp tươi mát rất thích hợp cho du khách dạo xem thưởng thức. Du khách tới lui tham quan rất đông. Chúng tôi đi dạo trong nầy cả buổi trưa. Perry ở ngoài xe không có đi dạo trong công viên với chúng tôi. Ông nằm nghỉ dưỡng sức ở trong xe. Vì mấy ngày qua ông lái xe cũng đã thắm mệt. Thầy Phước Nhơn và chú Tấn thì đi lo công việc riêng. Đi dạo một vòng rộng lớn, hơi mệt nên tôi ra xe để dùng cơm trưa. Chú Phước Nguyện, cô Phước Như tưởng tôi đi lạc nên hai người đi kiếm tôi. Hai người nầy lúc nào cũng quan tâm lo lắng cho tôi. Vì hai vị đó biết sức khỏe của tôi không được tốt lắm. Phước Như lo cho tôi như một người thị giả. Viết đến đây, tôi cũng xin cảm ơn hai người rất nhiều. Khi ra xe, tôi thấy mọi người đang xôn xao bàn tán về vấn đề có kẻ gian đập xe. Chúng định đập chiếc xe đậu bên kia đường đối diện với chiếc xe của Perry đang đậu. Nhờ có Perry thấy nên chúng mới chịu bỏ đi. Nếu không, thì chúng cũng đập cửa kiếng của chiếc xe đó rồi. Nơi đâu và xứ nào mà lại không có những hạng người bất lương chuyên khấy rối gây bất an cho xã hội như thế.

Dùng trưa trên xe xong, chúng tôi đi tìm thầy Phước Nhơn. Perry điện thoại liên lạc với thầy Phước Nhơn và hẹn nhau chỗ gặp. Chúng tôi chạy theo sau chiếc xe nhỏ thuê để đi lấy chiếc xe truck. Xong rồi, chúng tôi đi ngang qua một cái cầu dây dài khoảng gần hai cây số. Mặt cầu rộng có 5 lane. Xe chạy thoải mái không bị kẹt. Không bao lâu, chúng tôi đã đến Sacramento.

"Thành phố Sacramento là trung tâm của quận Sacramento và là thủ phủ của tiểu bang California. Sacramento được John Sutter ( con ) thành lập vào tháng 12 năm 1848 từ vùng đất mang tên Sutter ' Fort do cha ông, đại úy John Sutter ( cha ) gây dựng vào năm 1839.

Trong cơn sốt tìm vàng ở California, thành phố Sacramento trở thành địa điểm phân phối chính, là trung tâm thương nghiệp, nông nghiệp và là điểm cuối cùng của các tuyến xe lửa, các tuyến xe ngựa ( tiếng Anh: Stage-coach ), đường thủy ( tiếng Anh: river boat ), điện báo, bưu chính tốc hành chuyển bằng ngựa ( tiếng Anh: Pony express )và đường xe lửa xuyên lục địa đầu tiên ( tiếng Anh: transcontinental railroad )" ( 3 ).

Đến khu phố Việt Nam vào lúc 6 giờ chiều, chúng tôi vào quán Hương Sen To Fu của người Việt để dùng bún huế. Sau đó, đoàn trực chỉ đi suốt đêm. Trên đường đi, chúng tôi ghé nhiều trạm xăng để đổ xăng và đi vệ sinh. Đến một cây xăng, khoảng nửa đêm, bấy giờ thầy Phước Nhơn là tài xế chính của chiếc xe truck quá thắm mệt, nên thầy cần phải ngủ nghỉ để dưỡng sức. Chúng tôi dừng xe ở đây khoảng 1 tiếng đồng hồ. Vì trời tối nên không biết nơi đây là chỗ nào. Chúng tôi xuống xe kẻ thì đi bộ vòng quanh cho rản chân, người thì kiếm chỗ ngồi nghỉ cho khỏe. Sau đó, chúng tôi tiếp tục lên đường. Đến sáng, Perry chạy đi tìm chỗ thay nhớt xe van. Ông chạy lòng vòng đến khi tìm ra được chỗ thay nhớt mất cũng khoảng 10 phút. Thay nhớt xong, xe tiếp tục xuôi theo quốc lộ 5 xuyên qua tiểu bang Orgen và đến một cái cầu hai tầng rất lớn. Hệ thống cầu ở Mỹ không nói thì ai cũng phải thán phục về kỹ thuật làm cầu. Có nhiều cây cầu họ xây chồng chéo lên nhau trông vừa đẹp mắt lại vừa tiện lợi cho việc giao thông. Thú thật, đây là lần đầu tiên tôi mới trông thấy những cây cầu như thế nầy. Nhìn hai bên đường không có những đồi núi bao bọc gần lộ như ở Nam Cali, mà chỉ có đồng bằng phẳng phiu và cây cối xanh um tươi mát.

Ngày 27/9/12/

Thành Phố Seattle

Bình minh đã về. Nắng ấm rất đẹp. Nhìn cảnh vật chung quanh thật tươi mát. Những giọt nắng ban mai óng ánh như đang phơi mình trên các cành cây kẻ lá. Mặt trời lên cao ánh nắng chói chang chan hòa khắp nơi. Ngồi trong xe nhìn cảnh vật hai bên đường lòng cảm thấy lâng lâng vui nhẹ. Thoáng đó mà đã gần đến khách sạn rồi. Trải qua hơn một ngày đêm, cuối cùng cũng đã tới điểm hẹn. Chúng tôi đến thành phố Seattle vào lúc 2 giờ chiều. Đoàn đi thẳng đến khách sạn số 116 Coast Hotel. Như thường lệ, thầy Phước Nhơn vào trước để lo làm thủ tục nhận phòng. Tất cả chúng tôi đều ngồi yên trên xe, chờ khi nào có lệnh mới mang hành lý vào trong.

Nhận phòng tắm rửa xong, chúng tôi đến nhà hàng Moonlight mà người Việt địa phương thường gọi là nhà hàng Ánh Trăng. Sở dĩ đoàn biết được nhà hàng nầy cũng nhờ chú Dũng bạn thân của thầy Phước Nhơn giới thiệu dẫn đường. Vì khi đến là đã có mặt chú Dũng ở khách sạn rồi. Đây là nhà hàng của người Việt chuyên bán thức ăn chay. Họ làm đồ ăn cũng mau và cũng rất hợp khẩu vị. Thầy Phước Nhơn kêu nhiều món ăn chung. Dùng xong, chúng tôi đến thăm viếng ngôi chùa đầu tiên, đó là chùa Việt Nam. Tuy nhiên, rất tiếc khi đến không có ai ở chùa. Được biết, đây là ngôi chùa do Hòa thượng Minh Chiếu làm trụ trì. Chúng tôi chỉ đi vòng ngoài nhìn cảnh vật xung quanh chùa độ vài phút rồi chúng tôi lên xe về lại khách sạn. Vì mãi mê nói chuyện, chú Dũng chạy lạc đường nên chạy lòng vòng cũng khá lâu.

Vừa về tới cửa phòng chưa mở cửa vô, nghe tiếng điện thoại mobile reo, tôi said hello, thì nghe tiếng của Tâm Hải hỏi thăm và báo tin cho tôi biết là thân mẫu của Huệ Tịnh mất. Quan tài hiện quàng tại chùa, chư Tăng, Ni và quý liên hữu Phật tử đến tụng kinh trợ niệm cũng khá đông. Đây là lần đầu tiên, Tâm Hải điện qua hỏi thăm và báo tin cho tôi biết. Tôi nhắn gởi và thành thật chia buồn cùng với Huệ Tịnh và gia đình.

Tối lại, chú Dũng lái chiếc xe van đưa chúng tôi đi ngắm cảnh về đêm ở bãi biển. Nghe nói bãi biển ở đây ban đêm rất đẹp. Tuy nhiên, chú Dũng lại không rành đường nên tìm không ra dù đã có điện thoại hỏi bà xã của chú. Cuối cùng, bù lại, chú chở chúng tôi đi vào trung tâm thành phố xuyên qua một vài con đường để ngắm cảnh cho vui. Nơi đây, chúng tôi thấy có một số thanh thiếu niên nam nữ, họ đang tụ họp bên lề đường chuyện trò vui vẻ. Hỏi ra mới biết đó là những cô cậu sống lang thang bụi đời không cửa không nhà. Tiếng Anh gọi những người nầy là homeless, nghĩa là vô gia cư.

Seattle là một trong những thành phố lâu đời có một địa vị tên tuổi trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước Hoa Kỳ. Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên tìm hiểu sơ qua đôi điều về những nét chính yếu tiêu biểu của thành phố nầy.

Theo sử ghi lại, "Seattle tọa lạc ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Thành phố nầy nằm ở phía tây tiểu bang Washington trên một dãi đất giữa Eo biển Puget ( một nhánh nhỏ của Thái Bình Dương ) và hồ Washington, cách khoảng 160 km về phía nam biên giới Canada - Hoa Kỳ. Thành phố được đặt tên theo tù trưởng Seattle, thuộc các bộ lạc Duwamish và Suquamish. Seattle là trung tâm của vùng đô thị Seattle - Tacoma - Bellevue lớn thứ 15 ở Hoa Kỳ và lớn thứ nhất ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục của khu vực. Seattle là thủ phủ của Quận King. Theo cuộc điều tra dân số vào tháng 4 năm 2009, Seattle có dân số khoảng 617.000 người, còn vùng đô thị là 4.158.000 người. Cảng Seattle và sân bay quốc tế Seattle - Tacoma là cửa ngõ chính đi tới Châu Á. Alaska và các nơi khác trên thế giới.

Những người bản địa đã định cư tại Seattle ít nhất 4000 năm, nhưng khu định cư người Châu Âu chỉ bắt đầu giữa thế kỷ 19. Những người định cư lâu dài Châu Âu đầu tiên - Arthur A. Denny và những người tiếp theo được gọi là Đảng Denny - đã đến đây vào ngày 13 tháng 11 năm 1851. Năm 1853, David Swinson Maynaed đã đề xuất tên gọi khu định cư chính được đổi thành "Seattle", một tên gọi Anh hóa của tên Sealth. tù trưởng của 2 bộ lạc địa phương. Kể từ đó, thành phố có tên gọi là Seattle. Từ năm 1869 cho đến năm 1882, Seattle đã có tên gọi "Queen City".

Seattle nổi tiếng với việc tiêu thụ nhiều cà phê; các công ty cà phê được thành lập hoặc đóng trụ sở ở Seattle có Starbucks, Seattle' Best coffee, và Tully's. Các nhà nghiên cứu tại trường đại học Central Connecticut đã xếp hạng Seattle là thành phố học thức nhất Hoa Kỳ trong 69 thành phố lớn nhất Châu Mỹ, trong năm 2005 và 2006, xếp thứ nhì trong năm 2007 ( sau Minneapolis, Minnesota ), và hòa với Minneapolis vào năm 2008. Ngoài ra, số liệu điều tra từ cục điều tra dân số Hoa Kỳ cho thấy Seattle là thành phố có giáo dục cao nhất Hoa Kỳ, với 52,% dân số từ tuổi 25 trở lên có bằng cử nhân hoặc cao hơn. Seattle là nơi sinh của huyền thoại nhạc rock Jimi Hendrix và phong cách nhạc gọi là "Grunge", được làm nổi tiếng bởi ban nhạc Nirvana, Alice in Chains, Pearl Jam và Sound garden. Bruce Lee và người con trai của ông, Brandon Lee được an táng ở khu nghĩa trang Lakeview.

Xét về thu nhập bình quân đầu người, một nghiên cứu của cục phân tích kinh tế Mỹ xếp hạng vùng đô thị Seattle đứng thứ 17 trong 363 khu vực đô thị trong năm 2006. Seattle từ một vùng kinh tế lạc hậu, nay đã phát triển mạnh mẽ về trung tâm công nghệ thông tin, hàng không, kiến trúc và các ngành công nghiệp giải trí. Thành phố được biết đến như một trung tâm của những người yêu công nghệ "Xanh".

Các tuyến đường sắt và xe điện thô sơ ( street car ) đã từng thống trị hệ thống giao thông nhưng đã bị thay thế phần lớn bằng một hệ thống xe buýt dầy đặc và sự phát triển nhanh chóng đã khiến cho xe hơi trở thành phương tiện chính của người dân từ giữa đến cuối thế kỷ XX. Chính vì vậy, Seattle đã trở thành một trong những thành phố có nạn ùn tắc giao thông nhiều nhất nước Mỹ. Mặc dù vậy, những nỗ lực để thay đổi vấn nạn nầy tại các khu vực và các cơ quan chức năng đã dẫn đến dịch vụ đường sắt mới nối Seattle đến Everett và Tahoma, liên kết khu vực Light Rail về phía nam từ khu trung tâm và khu nội thành South Lake Union bằng tuyến đường sắt South Lake Union. Một tuyến đường mở rộng ở phía nam đi tới sân bay quốc tế Seattle - Tahoma bắt đầu được đưa vào sử dụng từ ngày 19/12/ 2009; tuyến đường mở rộng ở phía Bắc thì đến đại học Washington được xây dựng vào năm 2010; và một vài mở rộng xa hơn như kế hoạch đi đến Lynnwood ở phía Bắc, Des Moines ở phía Nam, và Bellevue và Richmond ở phía Đông vào năm 2023" ( 4 ).

Nước Mỹ có hai tiểu bang: Washington Sate và Washington D.C. Nếu chỉ nói Washington không thôi thì người ta dễ lầm lẫn. Do đó, để phân biệt khỏi nhận lầm thì người ta thường gọi tên thành phố là Seatte hơn là Washington State. Sau khi dạo qua một vòng ở trung tâm thành phố, chúng tôi về lại khách sạn vào lúc 9 giờ tối.

Ngày 28/9/12/

Niệm Phật Đường Tầm Nguyên

Sáng sớm hôm nay ngoài trời nắng đẹp. Mùa thu lá đổi thay màu. Có những chiếc lá vàng úa bắt đầu rơi rụng. Nắng tươi mát hoa lá phơi mình trong nắng ấm. Mặt trời nhô lên cao khỏi những tòa nhà cao vút bên kia đường. Tôi đi bộ dọc theo bên đường. Được biết, đây là thành phố của nhà tỷ phú nước Mỹ Bill Gate. Chúng tôi có đi ngang qua ngôi làng của ông. Chú Dũng có chỉ căn nhà của ông ẩn hiện xen lẫn trong đám cây cao bao phủ. Nơi làng ông ở dân cư đông đúc và trù phú. Đi bộ một vòng khỏe chân, tôi lên phòng tắm rửa để chuẩn bị đi viếng thăm một vài ngôi chùa trong thành phố.

Khoảng 8 giờ 40 phút sáng, chúng tôi bắt đầu khởi hành. Ngôi chùa đầu tiên mà chúng tôi đến viếng thăm là ngôi Niệm Phật Đường Tầm Nguyên của thầy Thông Lai. Rất tiếc, khi đến, không có ai cả. Chúng tôi phải đứng bên ngoài. Vì sáng nay, chúng tôi có hẹn với cô Diệu Ngộ, tức bà xã của chú Dũng hướng dẫn đi viếng thăm một vài ngôi chùa. Do đó, nên phải đứng bên ngoài chờ đợi.

Tầm Nguyên chỉ là một căn nhà nhỏ có lẽ là mua lại của người khác. Một ngôi nhà cây cũ kỹ, phía sau là một miếng đất trủng bỏ trống. Chờ đợi một lát, bỗng có một chiếc xe màu trắng chạy vào. Xe dừng lại ở phía trước sân chùa. Từ trong xe bước ra là một cậu thanh niên tuổi độ ba mươi và một người đàn bà trọng tuổi. Người thanh niên đó tên là Tuyên pháp danh Thiện Hạnh đệ tử của thầy Thông Lai. Còn người đàn bà pháp danh Tâm Thủy là thân mẫu của Phật tử Thiện Hạnh. Vì trong khi đi vắng, thầy Thông Lai có giao chìa khóa cho Thiện Hạnh cất giữ. Thật ra, Thiện Hạnh và cô Tâm Thủy trên đường đi khám bệnh, nhưng khi đi ngang qua nhìn thấy chúng tôi, nên cậu ta ghé vào mở khóa cửa cho chúng tôi vào trong chùa lễ Phật. Lúc nầy, cô Diệu Ngộ cũng chưa tới. Lạy Phật xong, tôi đi ra ngoài. Thiện Hạnh hỏi thăm tôi đôi điều. Cậu ta nói, gần đây có một ngôi thiền viện Minh Chánh thuộc hệ phái Thiền tông của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Thế là tôi nhờ cậu ta chở tôi đến đó viếng thăm. Đến nơi, chúng tôi vào lạy Phật và hỏi thăm đôi điều với một thầy phó trụ trì. Thầy nầy còn trẻ khoảng 38 tuổi xuất gia với Hòa Thượng Thanh Từ trong lúc Hòa Thượng công du Phật sự nước Mỹ. Thầy sang Mỹ năm 1985. Tôi không còn nhớ rõ pháp danh của thầy nầy. Thăm xong, chúng tôi trở lại chùa Tầm Nguyên. Bấy giờ cô Diệu Ngộ đã đến do con gái của cô lái xe đưa tới. Con gái của cô tên là Lý Thức.

Chùa Cổ Lâm

Từ giả nơi đây, chúng tôi đến viếng thăm ngôi chùa Cổ Lâm. Nhưng trước khi đến chùa Cổ Lâm, chúng tôi có ghé thăm một ngôi chùa Ni. Chúng tôi chỉ ghé thăm một chút rồi đi ra. Vì trong chùa đang bận rộn như đang chuẩn bị cho buổi tiệc cơm chay gây quỹ là phải. Ngôi chùa Cổ Lâm khi tối chúng tôi có đi ngang qua. Chỉ ngồi trên xe nhìn vào mà thôi. Hôm nay, chúng tôi mới đến viếng thăm. Ngôi chùa nầy do Thượng tọa Thích Nguyên An làm trụ trì. Khi vào có một vị tăng mời chúng tôi vào trong phòng khách. Sau đó, được thầy Nguyên An tiếp chuyện với chúng tôi. Tôi và thầy Nguyên An không quen biết nhau khi còn ở Việt Nam. Tuy nhiên, là người xuất gia thì tất cả đều là huynh đệ. Tuy lần đầu gặp gỡ sơ giao, nhưng chúng tôi trao nhau nhiều câu chuyện sinh hoạt Phật sự rất lý thú. Sau đó, thầy hướng dẫn chúng tôi đi tham quan nơi đức Phật Phật Thích Ca nhập Niết bàn. Tượng dài 7m đặt trên ngọn đồi cao rất đẹp. Xong rồi, thầy hướng dẫn chúng tôi vào chánh điện lễ Phật. Chúng tôi có nhiếp chung với thầy một bôi hình kỷ niệm nơi đây. Trời đã trưa, tuy thầy có mời chúng tôi ở lại dùng cơm, nhưng chúng tôi xin phép cáo từ, vì còn phải đi viếng thăm một vài nơi khác.

Chùa Việt Nam

Thế là, chúng tôi từ giả và đi đến chùa Việt Nam. Đây là ngôi chùa mà hôm qua chúng tôi có đến viếng thăm nhưng không gặp ai cả. Khi đến, nhìn đồng hồ tay đã quá 12 giờ trưa. Vì vậy, khi vào chúng tôi gặp Hòa thượng Minh Chiếu đang ngồi ở bàn. Chúng tôi trân kính chào ngài và thăm hỏi vài câu rồi xin phép lên chánh điện lễ Phật. Nhìn thấy sức khỏe của ngài dường như không tốt lắm, đôi chân yếu không đi được bình thường. Thấy ngài chợt nghĩ đến mình. Nghĩ đến đôi chân của tôi cũng yếu đuối đi không bình thường, nhưng chưa đến đổi như ngài. Tuy nhiên, tương lai không biết sẽ ra sao, cũng có thể là tệ hơn ngài nữa không chừng. Sau đó, chúng tôi từ giả ngài để đi đến nhà hàng dùng trưa. Chúng tôi vào nhà hàng Moonlight để dùng bữa. Đây là lần thứ hai chúng tôi vào nhà hàng nầy. Mỗi người tự kêu và chọn lấy thức ăn. Buổi ăn trưa hôm nay không có thầy Phước Nhơn và chú Tấn, vì hai người đang chạy lo công việc riêng. Tuy tôi có liên lạc điện thoại với thầy và mời thầy đến dùng trưa, nhưng thầy xin lỗi từ chối không thể đến được.

Dùng xong. chúng tôi trở về lại khách sạn để nghỉ ngơi. Buổi chiều không có đi đâu. Chúng tôi dùng chiều trong khách sạn. Riêng tôi, khi trưa Phước Như có mua phần hủ tiếu nước cho tôi, nên tôi đến phòng của Phước Như để dùng.

Hồ Alki

Dùng xong, khoảng 8 giờ tối, tôi, thầy Phước Nhơn, thầy Phước Nghĩa, Tuệ Trung, Quảng Đoan cùng với vợ chồng chú Dũng đi ngắm cảnh ở hải cảng hồ Alki. Thầy Phước Nhơn lái chiếc xe van chở chúng tôi. Mảnh trăng vàng treo lơ lửng trên không trung. Ánh trăng như đang theo dõi soi tỏ lối đi cho lữ khách ngoạn du. Đêm trăng thanh vắng đứng trên bờ hồ ngắm cảnh vật chung quanh thật là thơ mộng lý thú. Nhìn xuống hồ thấy ánh trăng vàng nhấp nháy nhảy múa đùa giởn như đang trêu chọc chúng tôi. Dù có trêu chọc đến đâu thì tôi cũng vẫn biết đó là bóng trăng. Đâu có ai dại dột gì hờn giận với bóng trăng. Trăng với mình có khác đâu mà giận hờn. Giận trăng cũng là giận mình. Vì mình cũng chính là trăng. Nhận thức và đối tượng nhận thức sẽ không còn phân chia ranh giới. Không ai ngu dại gì phải nhảy xuống nước để mò trăng chết một cách oan uổng như nhà thơ Lý Bạch. Nhìn ngắm trăng, tôi liên tưởng đến nhà thơ thiên tài Hàn Mặc Tử. Trăng đối với họ Hàn như một cái gì rất thân thiết và như chiếm hữu độc quyền. "Ai mua trăng ta bán trăng cho". Dường như trăng lúc nào cũng là hình bóng thân thương nhứt của nhà thơ tài ba lỗi lạc không bao giờ muốn rời xa.

Trời sáng trăng, sáng khắp mọi nơi

Tôi đương cầu nguyện cho trăng tôi

Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi

Trăng mới là trăng của rạng ngời.

&&&

Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa

Vỡ tan thành vũng động vàng khô

Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy

Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra

Nhà thơ thiên tài của chúng ta đã yêu trăng, say trăng một cách đắm đuối tha thiết. Vì trăng là đề tài muôn thuở của nhà thơ. Đọc 2 câu thơ dưới đây ta thấy Hàn Mặc Tử đã say và yêu trăng đến mức độ nào:

"... Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm

Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe..."

Nhân đêm thanh vắng trời trong, ngắm trăng và cảnh vật xung quanh hồ, tôi cũng có cảm hứng viết vài câu thơ mua vui lưu niệm.

Đêm thanh vắng trời trong hồ yên lặng

Ánh trăng vàng chiếu tỏa khắp không gian

Alki kia hồ nước trải muôn ngàn

Dòng lịch sử chứa chan đầy thơ mộng

Nhìn cảnh vật giữa bầu trời cao rộng

Bóng người đi trong ước vọng lắm thiết tha

Cảnh và người đâu khác nẻo chan hòa

Từng bước nhẹ an hòa cùng vũ trụ

Dừng tâm thức bao nhiêu là chẳng đủ

Sống quay về buông rũ sạch niềm đau

Như nước hồ kia mát mẻ chứa ngọt ngào

Trăng soi tỏ lối đi hằng tỉnh thức

Vượt thoát khỏi với muôn ngàn lĩnh vực

Trải rộng lòng chan khắp cõi không gian

Như ánh trăng chiếu sáng cả ba ngàn

Về thực tại như hồ yên hằng trong sáng.

Sau hơn nửa tiếng đồng hồ ngắm cảnh hồ êm đềm lặng lẽ, chúng tôi trở về lại khách sạn ngủ nghỉ...

Ngày 29/9/12/

Vận động thể dục và đi bộ

Đêm qua, do mệt nên ngủ rất ngon. Giật mình thức dậy nhìn đồng hồ là 5 giờ 30 sáng. Sau khi tĩnh tọa niệm Phật, tôi tập thể dục trong phòng. Tập xong, tôi xuống lầu đi bách bộ vài vòng trong khuôn viên khách sạn. Trong lúc đang đi thấy Phước Nguyện và Phước Như cũng đang đi bộ. Tôi rũ hai người đi xuống phố. Vì phố xá không xa khách sạn mấy. Sáng sớm cảnh vật vẫn còn yên tĩnh. Buổi sáng hôm nay khí trời mát mẻ thật dễ chịu. Không khí buổi sáng trong lành rất thích hợp cho việc thể dục và đi bộ. Chúng tôi đi dọc theo con đường dẫn đến những tòa nhà cao của thành phố Bellevue. Đây là dãy phố nằm trong địa hạt của thành phố Bellevue chớ không phải thành phố chính Seattle. Đường xá rất rộng rãi và sạch sẻ. Mùa thu, khí hậu không nóng bức như mùa hạ chỉ hơi lành lạnh giống như khí hậu ở Đà Lạt xứ mình. Sáng sớm đường xá rất vắng thưa thớt người qua lại. Các cửa tiệm vẫn còn đóng cửa chưa hoạt động. Thường ở đây các phố xá mở cửa vào lúc 10 giờ sáng, và họ đóng cửa rất sớm. Các tiệm ăn đều đóng cửa vào lúc 9 giờ tối. Dù trễ hơn 5 phút thôi du khách muốn vào ăn cũng không bao giờ có.

Chúng tôi đi bộ một con đường thẳng qua các dãy phố tính ra cũng hơn một mile, nghĩa là khoảng 1 cây số 60. Sau đó, chúng tôi trở lại khách sạn. Hôm nay đi bộ cảm thấy rất khỏe. Vì phần nhiều là ngồi xe cả ngày có khi cả đêm. Lượng đường lên cao một phần là do ăn uống; một phần cũng do mình ít vận động thể dục nhất là ít đi bộ. Đi bộ là một bộ môn vận động thể dục rất tốt cho sức khỏe. Hôm nào đi bộ nhiều và ăn uống kiêng cử thì tăng xông và lượng đường sẽ hạ thấp. Đó là kinh nghiệm của những người mắc phải bệnh tiểu đường. Vì thế, nên người ta luôn khuyến khích và cổ võ cho vấn đề vận động đi bộ nầy. Về tới khách sạn nhìn đồng hồ là đúng 9 giờ 40 phút. Theo chương trình hôm nay là chúng tôi sẽ rời khách sạn vào lúc 11 giờ trưa. Đến nhà hàng dùng trưa xong, sẽ bắt đầu khởi hành đi thành phố Chicago.

Nói đến thành phố nầy, có điều buồn cười, nhớ lại, cách đây gần 40 năm, lúc đó tôi chưa có ý định đi vượt biên, trong chiêm bao tôi thấy mình đến thành phố nầy. Khi ấy tôi chưa bao giờ biết đến thành phố Chicago. Có biết chăng là chỉ đọc trong sách vở thôi. Nhưng không ngờ giấc mơ đó hôm nay lại trở thành sự thật.

Nhắc lại, trong lúc đi bộ dù là đi đường thẳng nhưng có lúc cũng lên dốc và có lúc lại xuống dốc. Bận đi thì lên dốc, nhưng khi trở về thì lại xuống dốc. Lên dốc thì mệt thở hào hển; còn xuống dốc thì cảm thấy nhẹ nhõm khỏe ru. Trong lúc đó, tôi nói với chú Phước Nguyện và Phước Như, sự tu hành hay làm việc lành việc tốt thì cũng giống như lúc mình đang đi lên dốc; còn không tu hành hay không biết làm lành tạo nhân tốt, thì chẳng khác nào như người đang xuống dốc. Bởi làm việc thiện hay nói cách khác là đi trên con đường giác ngộ giải thoát thì nó khó khăn như mình đang lên dốc vậy. Ngược lại làm dữ hay chạy theo dòng đời ngũ dục chỉ biết thụ hưởng, không biết tu hành thì nó dễ dàng như đang xuống dốc. Bởi thế, nên cổ đức mới nói: "Tòng thiện như đăng, tòng ác như băng". Đó là câu nói đầy kinh nghiệm của người xưa. Phước Nguyện liền nói với tôi, câu nói của thầy tuy nghe thật đơn giản, rất lý thú, nhưng thật hành quả không đơn giản chút nào. Tới khách sạn, chúng tôi về phòng lo sắp xếp đồ đạc để chuẩn bị lên đường.

Dạo phố

Chúng tôi rời khỏi khách sạn Coast vào lúc 10 giờ sáng. Chúng tôi đến bãi đậu xe trong thành phố lúc 11 giờ. Thầy Phước Nhơn và chú Tấn đi lo công việc và chúng tôi hẹn nhau có mặt tại xe khoảng 12 giờ. Tôi, thầy Phước Nghĩa, Phước Nguyện, Phước Như và hai ông bà Tuệ Trung đi dạo phố. Chúng tôi đi vào một dãy phố chuyên bán các loại trái cây. Và rồi đi vào trong nhà lồng chợ, thật ra, chỉ đi cho biết thôi chớ không có mua sắm thứ gì. Trong khi đó thì ông bà Tuệ Trung không có đi chung với chúng tôi. Đi chợ "ngó" một hồi cũng chán. Sau đó, chúng tôi đi xuống bờ sông để ngắm cảnh buổi sáng ở trên sông. Muốn tới bờ sông, chúng tôi phải đi xuống từng bậc nấc thang thật dài. Bận xuống thì rất là khỏe. Nhưng bận trở lên mới thật là ê ẩm mệt đừ. Đến bờ sông, chúng tôi kiếm chỗ ngồi hóng gió mát và nhìn cảnh tàu bè qua lại trên sông cũng rất thú vị. Trong khi ngắm cảnh, tôi có cảm hứng ghi lại vài câu thơ lưu niệm nơi đây

Dòng sông trôi chảy lững lờ

Cuộc đời đi mãi không chờ đợi ai

Lợi danh say đắm đêm ngày

Trần gian khổ lụy đắng cay bao đời

rỗng rang nhẹ bước thảnh thơi

Bước đi tỉnh thức sáng ngời bao la

Sáng soi ánh nắng chan hòa

Bình minh hoa lá hát ca giữa đời

Sống vui, sống đẹp tùy thời

Sống hòa biển nước mù khơi không còn

Sương mù bao phủ núi non

Nắng về xoa dịu chỉ còn trời trong.

Gần tới giờ hẹn, chúng tôi trở ra xe. Nhìn đồng hồ tay lúc đó mới có 11 giờ 40 phút. Khi đó, thầy Phước Nhơn và chú Tấn đã có mặt ở xe rồi. Chỉ còn thiếu ông bà Tuệ Trung. Vì chưa đúng giờ hẹn, nên chúng tôi lên xe chờ đợi. Ông bà tới xe thật đúng hẹn. Thế là chúng tôi rời khỏi bãi đậu xe lúc 12 giờ trưa. Chúng tôi đến một quán ăn của người Việt có tên là Thanh Thảo. Dùng xong, chúng tôi đi qua siêu thị gần đó để mua chút ít lương thực khô mang theo. Mua sắm xong, chúng tôi khởi hành vào lúc 2 giờ 10 phút chiều. Trên đường đi, lúc đó khoảng 7 giờ 30 tối, chúng tôi có ghé tiệm Phở Vân, định ăn tô phở nóng cho khỏe. Nhưng khi bước vào hỏi ra mới biết nơi đây không có bán phở chay. Bên chiếc xe van thì mọi người đều dùng cơm. Vì tất cả lương thực mang theo đều để bên chiếc xe đó.

Khi xe chạy được một đổi, khoảng 8 giờ, vì quá đói bụng, nên thầy Phước Nhơn ghé vào một khu vực đặc biệt dành cho du khách tạm nghỉ chân tiếng Anh gọi là "Rest Aria". Nơi đây, chúng tôi mang thức ăn và lò ga ra để nấu ăn. Ai thích gì thì nấu nấy. Thức ăn gồm có: cơm nguội, mì gói, hủ tiếu gói, miến gói, tàu hủ chiên và chả lụa... Khi đói bụng ăn thứ gì cũng ngon cả. Người ta ăn picnic ban ngày chúng tôi thì ăn picnic ban đêm. Đêm ngày gì miễn có thức ăn vô bụng là được rồi. Ăn như thế cũng rất vui và đó cũng là một kỷ niệm khó quên. Xe chạy suốt đêm ai ngủ được thì ngủ còn không thì thức suốt đêm.

Ngày 30/9/12/

Bữa cơm tối thân mật

Suốt ngày hôm nay chúng tôi ở trên xe. Xe chạy tàu suốt cả ngày lẫn đêm. Cứ thỉnh thoảng xe dừng lại tìm chỗ ăn uống nghỉ ngơi một chút rồi chạy tiếp. Tối lại, khoảng 11 giờ đêm, chúng tôi ghé nhà của chú Long cháu ruột của thầy Phước Nghĩa. Long gọi thầy Phước Nghĩa bằng cậu. Long và bà xã đã chuẩn bị cơm nước thật chu đáo. Mặc dù đã có nói trước, là đoàn chỉ ghé thăm một chút thôi, vì đoạn đường còn khá xa nên phải tranh thủ đi sớm. Tuy nói thế, nhưng Long vẫn chuẩn bị cơm nước chu đáo đàng hoàng. Đây là bữa cơm thân mật ấm cúng như trong gia đình. Rất tiếc, là chúng tôi không có ghé chơi lâu. Thật là tôi nghiệp cho thầy Phước Nghĩa, cậu cháu lâu năm mới có dịp gặp lại, nhưng chưa có tâm sự trò chuyện gì nhiều, mà đành phải giả từ ra đi. Người đi không vui, kẻ ở lại cũng buồn. Có cảnh chia ly nào mà không buồn. Kẻ ra đi có lẽ vui hơn người ở lại. Vì người ra đi bao giờ cũng có cảnh mới, còn người ở lại thì cũng cảnh cũ buồn thiu quen thuộc đó thôi. Mấy ai trong lúc chia tay với người thân thương mà không khỏi chạnh lòng chua xót buồn tủi?! Có người không nén được cơn xúc động đành phải gạt lệ khóc thầm. Cõi đời đau khổ tạm bợ, vô thường phù du là như thế! Long còn cho chúng tôi biết, từ nhà Long đến thành phố Chicago còn phải lái xe mất khoảng 6 hoặc 7 tiếng đồng hồ nữa mới tới. Dùng cơm xong, chuyện trò một chút, chúng tôi cám ơn Long và gia đình rồi từ giả tiếp tục lên đường.

Ngày 1/10/12/

Thành phố Chicago

Chúng tôi đến khách sạn Charhome Double tree vào lúc 9 giờ sáng, thứ hai ngày 1/10/12/. Tính ra từ Seattle đến Chicago phải mất thời gian là một ngày rưỡi và hai đêm. Như vậy, nguyên ngày chủ nhật chúng tôi ở trên xe. Làm thủ tục nhận phòng xong, đến 10 giờ 30 chúng tôi xuống phố dùng cơm trưa. Dùng xong, thầy Phước Nhơn và chú Tấn đi lo công việc, còn lại 6 người chúng tôi đi chiếc xe van do Perry lái dạo phố. Perry bỏ chúng tôi xuống một nơi gần trạm xe buýt. Chúng tôi hẹn sẽ gặp nhau nơi đây sau khi đi dạo.

"Chicago là thành phố đông dân thứ ba của Hoa Kỳ, sau thành phố New YorkLos Angeles. Chicago nằm trong tiểu bang Illinois của miền Trung Tây Hoa Kỳ, ven bờ tây nam của hồ Michigan. Khi tính vào các ngoại ô và chín quận chung quanh ở Illinois, Wisconsin, và Indiana, khu vực đô thị dưới tên Chicagoland bao gồm gần 10 triệu dân cư.

Được thành lập năm 1833 là thị xã ở biên giới Lãnh thổ Tây Bắc, Chicago phát triển thành một trong những thành phố hạng nhất của thế giới. Chicago là nơi của nhà chọc trời đầu tiên của thế giới, Tòa nhà bảo hiểm nhà cửa ( Home Insurance Building ), và ngày nay là trung tâm kiến trúc, tài chính, và văn hóa của miền Trung Tây. Nó là trung tâm vận tải của nước Mỹ, có nhiều đường xe lửa và đường xuyên bang nhất của thành phố nào trong nước.

Chicago cũng đứng đầu về số hội chợ được đăng cai hằng năm. Thành phố đã nổi tiếng toàn thế giới lâu năm về tài chính, công nghệ, vận tải, và dân tộc. Các nhà chọc trời, món ăn, truyền thống chính trị, và đội thể thao của Chicago cũng nổi tiếng. Nó có nhiều tên hiệu, bao gồm "Thành phố thứ hai" ( tiếng Anh: "Second City" ), "Thành phố lắm gió" ( "Windy City" ), "Thành phố vai lớn" ( "City big Shoulders" ), và "Chi-town".

Một dân cư Chicago được gọi Chicagoan trong tiếng Anh, nhưng không rõ tên gọi những dân cư ở ngoại ô - có người tự xưng Chicagoan và thường đi xuống phố, trong khi có người khác ít khi xuống phố. Các dân cư Chicago thường gắn bó với một trong nhiều hàng xóm của Chicago. Vào khoảng một phần ba của dân cư thành phố là người Mỹ gốc Âu, một phần ba là Mỹ gốc Phi, khoảng một phần tư là người Hispanic, và một phần hai mươi là Mỹ gốc Á, có một số người khác còn lại Chicago được chia thành bảy mươi bảy khu chính thức. Chicago tạo ra GDP vùng đô thị là ba trăm chín chục tỷ USD và có quận kinh doanh trung tâm lớn thứ 2 Hoa Kỳ" ( 5 ).

Thành phố Chicago khá đẹp, lượng người đi dạo phố tới lui tấp nập. Chúng tôi đến một cái thác nhơn tạo chung quanh là cây kiểng rất xinh tươi. Khí hậu ở đây mùa thu thật dễ chịu không nóng không lạnh. Lúc nào cũng cảm nghe trong người mát mẻ. Chúng tôi đi dạo trên bãi biển nhìn xa xa có một vài chiếc tàu nhấp nhô trên biển cả. Bãi biển rất thơ mộng. Đi bộ hóng mát gió biển thật khỏe khoắn. Dạo một vòng, chúng tôi trở lại điểm hẹn. Tới nơi đứng chờ một lát thì Perry lái xe tới. Thế là chúng tôi lên xe về lại khách sạn. Vì nơi lạ, Perry không rành đường, vả lại ông không nghe theo máy chỉ dẫn nên chạy lạc đường lòng vòng rất lâu khi tới khách sạn là đã hơn 3 giờ chiều.

Chicago một tỉnh thành đầy thơ mộng

Biển cát vàng nắng đẹp ánh tinh khôi

Màu lá thay hồng ửng vắt ngang đồi

Mang sức sống tự do nguồn sưởi ấm

Vang tiếng gọi tình người trong biển vắng

Hoa nào tàn khi nắng nhuộm thắm màu cây

Đoàn người đi có mặt giữa nơi đây

Đâu khác biệt cũng là dòng máu đỏ

Hãy lắng động tâm tư nghe bày tỏ

Tiếng cõi lòng vang vọng nỗi đau thương

Bóng người đi dõi bước một con đường

Đường giác ngộ tự do và giải thoát.

Ngày 2/10/12/

Như hôm qua, sáng nay ngoài trời nắng đẹp, khí hậu mát mẻ dễ chịu. Tôi thức giấc lúc 4 giờ 30 sáng. Như thường lệ vẫn tĩnh tọa niệm Phật và sau đó tập thể dục. Thầy Phước Nhơn cho biết, hôm nay sẽ rời khách sạn về lại Bồ Đề Đạo Tràng. Bồ đề Đạo Tràng là cơ sở mới tạo dựng của thầy Phước Nhơn như đã nói qua. Nơi thầy ở thuộc thành phố Chattanooga nằm trong tiểu bang Tennessee. "Tennessee đã được nhận vào liên minh là tiểu bang thứ 16 vào ngày 1 tháng 6 năm 1796. Thành phố lớn nhứt của TennesseeMemphis. Ngoài ra còn có các thành phố khác như KnoxvilleChattanooga. Tennessee nằm bên cạnh 8 tiểu bang khác: KentuckyVirginia về phía bắc; Bắc Carolina ở phía đông; phía nam giáp Georgia, AlabamaMississippi; và phía tây là Arkansas và Missomi. Diện tích: 109.247 km2. Bề ngang: 195km; bề dài: 710 km. Về dân số khoảng 5.689.283 người ( hạng 16 ); mật độ 58,29 km2 ( hạng 19 )".

"Chattanooga là thành phố lớn thứ tư trong tiểu bang Tennessee của Mỹ, với dân số 167.674 như điều tra dân số 2010. Nó thuộc quận Hamilton, nằm về phía đông nam của Tennessee trên Chikamauga Lake và Nickajack Lake, cả hai đều là một phần của sông Tennessee. Chattanooga nằm khoảng 120 dặm ( 190 km ) phía tây bắc của Atlanta, Georgia, 120 dặm ( 190 km ) về phía tây nam của Knoxville, về 135 dặm ( 217 km ) về phía đông nam của Nashville, khoảng 120 dặm ( 190 km ) phía đông bắc của Huntsville, Alabama, và khoảng 148 dặm ( 238 km ) về phía đông bắc của Birmingham, Alabama. Chattanooga tiếp giáp với Georgia biên giới và là nơi ba đường cao tốc giữa các tiểu bang lớn; 1.24. 1-75 và 1-59.

Thành phố, trong đó có một độ cao trung tâm thành phố khoảng 680 feet ( 210 m ), nằm ở sự chuyển tiếp giữa phần sườn núi và thung lũng của dãy núi Appalacchian và cao nguyên Cumberland. Thành phố nầy do đó được bao quanh bởi các dãy núi khác nhau và các rặng núi. Biệt danh chính thức cho Chattanooga là "Scenic City". Một số biệt danh không chính thức bao gồm "River City", "Nooga" "Chattown" và "Gig Thành phố", chứng minh rằng Chattanooga hiện đang có các dịch vụ internet nhanh nhất ở Tây bán cầu.

Chattanooga được quốc tế biết đến với vàng kỷ lục vào năm 1941 bài hát Chattanooga Choo Choo, được sáng tác bởi Glen Miller và dàn nhạc của mình" ( 6 ).

Ngắm cảnh bờ hồ

Trở lại vấn đề của ngày hôm nay, sau khi dùng hủ tiếu sáng ở phòng cô Phước Như, tôi đi bách bộ vòng quanh ở khách sạn. Khi trở lên phòng, gặp chú Phước Nguyện. Chú nói mình sẽ trả phòng và rời khỏi khách sạn lúc 9 giờ 30. Tôi vào phòng và tắm rửa vừa xong, thì thầy Phước Nhơn đến phòng tôi lấy đồ phụ giúp cho tôi đem xuống xe trước. Chúng tôi rời khách sạn lúc 10 giờ sáng. Thành phố nầy tương đối khá yên tĩnh. Xe chạy quanh thành phố để chúng tôi ngắm cảnh. Chúng tôi chỉ ở thành phố nầy có một ngày và một đêm. Kể ra thì thời gian quá ngắn ngủi, không có được tham quan lãm cảnh gì nhiều. Cho đến ngày hôm nay, chúng tôi đã trải qua 3 tuần lễ, nhưng mọi người vẫn khỏe, chỉ có tôi trong mấy ngày nay bao tử hành ăn hơi khó tiêu đó thôi.

Khoảng 10 giờ 30 sáng, chúng tôi đến bờ hồ ngắm cảnh. Mọi người xuống xe đi dạo chung quanh vừa lãm cảnh vừa nhiếp ảnh lưu niệm. Cảnh quan nơi đây thật là tuyệt mỹ. Chúng tôi đi dọc theo bờ hồ để hóng mát không khí trong lành. Nơi đây có nhiều cửa hàng lớn nhỏ bày bán đủ thứ mặt hàng, chủ yếu là những món hàng để du khách mua làm quà kỷ niệm. Ngoài ra, còn có một vài cửa tiệm chuyên bán thực phẩm để du khách thưởng thức. Còn có một công viên khá xinh đẹp thật lý tưởng. Rất tiếc, vì thời gian có hạn, nên chúng tôi chỉ dạo cảnh tham quan đại khái thôi. Sau đó, chúng tôi lên xe chạy một vòng dọc theo bờ hồ. Mùa thu có nhiều cây thay màu đổi lá dọc theo hai bên đường. Có những chiếc lá vàng úa phai màu lìa cành rơi rụng lác đác, bất giác tôi nghĩ đến đời người không khác một chiếc lá. Sinh, trụ dị, diệt là luật định chung của muôn loài.

Cửa thiền trăng xế bóng nghiêng

Lá rơi nhẹ cánh mái hiên an tường

Cho hay vạn cảnh vô thường

Lá về với đất con đường ngàn xưa

Bình minh chiếc lá đong đưa

Hoàng hôn lá rụng sớm trưa đâu còn

Sum la vạn tượng núi non

Bầu trời vắng lặng mất còn vẫn yên

Ngang qua một hồ nước trong đó có những vòi nước phun lên. Đây là một cái hồ nhơn tạo trông cũng đẹp mắt lắm. Xe đậu lại, chúng tôi xuống xe đến trước hồ nước để nhiếp chung vài bôi hình kỷ niệm. Có một vòi phun nước lên thật cao nước văng tung tóe như hình rẽ quạt thật đẹp. Và hơi nước theo chiều gió bay rất xa. Nhiếp ảnh xong, chúng tôi rời nơi đây và ra khỏi thành phố lúc 12 giờ 15 phút trưa.

Giả từ cảnh đẹp Chicago

Ánh mắt người theo lá điểm tô

Ửng đỏ thay màu thu nắng dọi

Lá vàng rơi rụng trụi cành khô

Đến đi huyễn mộng trò dâu biển

Lưu luyến được gì tợ sóng nhô

Thế sự thăng trầm như bóng chớp

Sao bằng an phận niệm Nam

Nhà hàng buffe

Chúng tôi đến thành phố Lansing ghé lại tiệm nail của chú Hiếu. Chú Hiếu là người em trai thứ tư của chú Long và cũng là cháu ruột của thầy Phước Nghĩa. Giờ nầy đã quá trưa và mọi người cũng đã đói bụng, nên nhờ chú Hiếu hướng dẫn chúng tôi đến nhà hàng Buffe để dùng trưa. Từ tiệm nail đến chỗ nhà hàng Buffe mất khoảng 20 phút lái xe. Khi đến nơi là đúng 1 giờ chiều. Theo chú Hiếu cho biết, người Việt Nam sinh sống ở thành phố nầy khoảng 15 ngàn người. Chú còn cho chúng tôi biết thêm, thành phố Chicago là một trong ba thành phố trù phú nhất nước Mỹ. Ba thành phố đó là: Chicago, NewYork, Và San Francisco. Ba nơi nầy tương đối người dân dễ tìm kiếm công ăn việc làm hơn các thành phố khác.

Nhà hàng Nhật

Dùng trưa xong, chúng tôi từ giả vợ chồng chú Hiếu tiếp tục lên đường về lại Bồ Đề Đạo Tràng. Trên đường về, chúng tôi có ghé lại một nhà hàng của người Việt tên anh là Hải bạn thân của thầy Phước Nhơn. Tuy là người Việt, nhưng anh mở nhà hàng lấy tên nhà hàng bằng tiếng Nhật. Tôi tò mò muốn biết và hỏi anh lý do tại sao như thế? Anh cho chúng tôi biết, khi mới qua đây anh có làm công cho một nhà hàng người Nhật, cho nên anh cũng biết chút đỉnh về thức ăn của người Nhật. Đó là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai, là vì vùng anh ở đa số là người Nhật và người Mỹ bản xứ chớ người Việt mình rất ít, nên đa số người Mỹ chỉ biết đến thức ăn của người Nhật nhiều hơn. Người Mỹ họ chưa quen dùng thức ăn của người Việt mình. Anh nói thêm, lúc đầu khi mới khai trương anh cũng eo hẹp về tiền bạc và lo lắng vất vả lắm. May mắn là nhờ vốn của một người bạn Mỹ giúp đỡ nên anh mới có thể xoay trở được. Lối trang trí trong nhà hàng không khác gì lối trang trí của nhà hang Nhật. Chúng tôi ngồi chung quanh một cái bàn và bên cạnh là một cái lò nướng lớn. Đầu bếp là một người đàn ông Việt Nam đứng chiên xào những món đồ chay cho chúng tôi, trông cách anh làm thật quá sành sỏi chuyên nghiệp. Làm xong món nào thì anh chia điều món nấy bỏ vào dĩa cho chúng tôi. Món nào cũng nóng hổi và rất hấp dẫn.

Ăn xong, chúng tôi tiếp tục lên đường, ghé qua nhiều trạm xăng và một vài chỗ nghỉ để đi vệ sinh. Thầy Phước Nhơn có ghé một siêu thị lớn để mua đồ ăn. Lúc đó là 3 giờ khuya và về tới nơi là gần 4 giờ sáng. Tắm rửa xong, tôi có điện thoại cho cô Lệ Phượng để hỏi thăm tình trạng sức khỏe của Hiền, em gái ruột của cô. Cô cho tôi biết là Hiền đã giải phẩu ở bệnh viện Trà Vinh và mọi việc đều diễn tiến tốt đẹp, không có dấu hiệu gì đáng lo ngại cả.

Ngày 3/10/12/

Một vài suy tư về môi trường

Hôm qua, ở đây trời có mưa nhưng chắc không lớn lắm chỉ đủ thắm ướt đất thôi. Tuy nhiên, sáng nay bầu trời quang đãng, ánh sáng chan hòa mát mẻ không nóng, cây cối đứng lặng yên im lìm không một chút lay động. Tập thể dục xong, tôi đi bách bộ một vòng vì chưa ăn sáng. Bởi do mọi người thức trễ nên ăn sáng trễ hơn mọi khi. Mấy hôm nay, bao tử hành thật khó chịu. Mỗi lần ăn vô hay bị no hơi khó tiêu. Không biết tôi ăn trúng thức ăn gì mà bị như thế. Trước đây, tình trạng nầy cũng hay thường xảy ra, nhưng không đến đổi khó chịu như mấy hôm nay. Có lẽ tôi đã bị trúng thực. Sáng nay, quý cô nhà bếp cho ăn bún riêu. Ông bà Tuệ Trung đang lui cui ở bếp để nấu chuẩn bị cho buổi ăn sáng. Anh Tuệ Trung thường hay phụ giúp quý cô ở nhà bếp. Tuy tuổi trên sáu mươi, nhưng sức khỏe của anh rất tốt. Những ngày nghỉ dưỡng không có đi đâu, chúng tôi thường giúp nhau trong công việc dọn dẹp xung quanh chùa. Vì chùa chỉ có một mình thầy Phước Nhơn nên không có ai phụ dọn dẹp trong ngoài.

Đặc biệt, hôm nay, chúng tôi được nghỉ ngơi tịnh dưỡng suốt ngày. Nghỉ ngơi dưỡng sức, vì mấy ngày qua đoàn di chuyển liên tục nên ai nấy đều rất mệt mỏi. Tuy vậy, cho đến nay sức khỏe của mọi người vẫn an ổn tốt đẹp, không có ai ốm đau chi cả, chỉ có riêng tôi hơi khó chịu về bao tử chút đó thôi.

Sáng ra, nhìn cảnh vật chung quanh cây lá hoa rừng trải dài tươi mát. Chùa nằm trên một ngọn đồi nên có thể nhìn xa. Nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn cây lá hoa rừng xanh um dịu mát. Thật là một cảnh trí rất nên thơ. Mỗi sáng, tôi thích đứng nhìn cảnh vật chung quanh lòng cảm thấy lâng lâng nhẹ nhàng thanh thoát. Nơi đây rất yên tĩnh khác nào như một Đại tòng lâm.

Thiên nhiên đã khéo tô điểm nhiều vẻ đẹp thanh tú mỹ quan cho con người thưởng ngoạn. Ngoài việc tô điểm những nét đẹp duyên dáng thanh tao ra, thiên nhiên còn mang lại cho con người nhiều sức sống tin yêu. Thiên nhiên đã cung cấp cho nhơn loại nhiều tài nguyên và nhiều nguồn lợi tức. Thế mà, người ta không biết bảo vệ môi trường, bảo vệ môi sinh. Môi trường sống rất quan trọng đối với con người ngày nay. Hằng ngày, chúng ta hít thở nhờ đâu? Nếu không phải thiên nhiên cung cấp cho chúng ta thì làm gì chúng ta có thể hít thở không khí để sống còn? Hít thở được là phải nhờ đến không khí. Không khí đã bị ô nhiễm, tất nhiên, môi trường sinh thái sẽ không tốt đẹp. Khi môi trường sinh thái bị ô nhiễm nặng, thì thử hỏi sức khỏe của con người như thế nào? Tất nhiên, là luôn bị đe dọa đến sức khỏe con người. Trái đất của chúng ta hôm nay cần phải được bảo vệ và cứu chữa. Trái đất đang giãy chết từng giây phút. Trái đất đang cần những bàn tay cứu giúp của chúng ta. Những tài nguyên thiên nhiên động vật và thực vật cũng cần được con người quan tâm lưu ý bảo vệ. Từ xa xưa, Phật giáo lúc nào và bao giờ cũng kêu gọi nhơn loại nên ý thức đến vấn đề bảo vệ môi trường. Có bảo vệ môi trường thì đời sống của nhơn loại mới mong được tồn tại lâu dài. Thế hệ nầy không biết gìn giữ bảo vệ, không những thế, mà còn nhẫn tâm tàn phá hủy hoại thiên nhiên, điều nầy, tất nhiên sẽ dẫn đến hậu quả không mấy tốt đẹp cho các thế hệ con cháu của chúng ta mai sau. Một hậu quả tang thương hệ lụy đi dần vào ngỏ cụt bị hủy diệt.

Trong một bài viết nói về "Phật Giáo Và Môi Trường" của Đại sư Tinh Vân, do Nguyễn Phước Tâm dịch, có đoạn ngài viết: "Coi trọng việc bảo vệ môi trường, trước hết phải biết bảo vệ trái đất, sông ngòi, biển cả, rừng sâu, núi cao và các loại động thực vật đang có mặt trên trái đất nầy. Giống như các bộ phận trong cơ thể con người, dòng sông tựa như dòng máu, lưu thông không ngừng nghỉ, có thể chuyên chở cung cấp các dưỡng phần; biển cả như quả thận, gìn giữ sạch sẽ, có thể phát huy công năng trao đổi chất; rừng rú như tim phổi, giảm bớt chặt đốn, có thể có tác dụng điều tiết không khí tốt lành; núi non như xương cốt, giảm bớt khai quật tàn phá, có thể duy trì được cán cân về đất và nước của trái đất; động vật như tế bào, không đi săn bắn giết hại, có thể duy trì cân bằng sinh thái. Tài nguyên trái đất nếu được giữ gìn bền vững, thì con cháu đời sau mới có thể an cư lạc nghiệp".

Ngày 4/10/12/

Cảnh bình minh nơi rừng núi

Sáng sớm hôm nay, ngoài trời sương mù bao phủ dày đặc khắp cả rừng cây. Bầu trời u ám, cây cối đứng im lìm. Tôi thích ngắm cảnh bình minh ở núi đồi. Hương rừng phảng phất đượm mùi hoa lá từ phương xa theo gió sớm mang về. Chim chóc gọi nhau ríu rít hát ca mừng vui trong nắng mới. Lắng nghe nhạc trời hương gió thoảng đầu ngày tinh mơ đầy hứa hẹn. Thơ vang lên hòa nhịp theo âm điệu của thiên nhiên của vạn cảnh trở về đầu nguồn của sự sống.

Sáng hôm nay ngoài trời mây u ám

Có sương mù giăng phủ khắp không gian

Cảnh vật kia sau giấc ngủ mơ màng

Cùng thức dậy lắng nghe trời đất chuyển

Chim ríu rít hò reo như trò chuyện

Mừng bình minh ca hát khúc nhiệm mầu

Lắng tâm tư quán niệm cảnh vui đau

Của trần thế lắm trò nhiều ảo mộng

Xin dừng lại hãy lắng nghe từng tiếng vọng

Nó nói gì cảnh động quá bi thương

Hãy về đi trở lại nếp sống của "Bình Thường"

Để chấm dứt tình trường trong đau khổ.

Theo thường lệ, cứ mỗi buổi sáng tôi đều có tập thể dục, ngoại trừ những lúc ngồi trên xe đi tuyến đường xa. Thể dục đem lại rất lợi ích cho sức khỏe. Đối với những người trọng tuổi rất cần thể dục bằng những động tác nhẹ nhàng và nhất là vận động bằng cách đi bộ. Sau khi tập thể dục, tôi đều có đi bộ. Khu đất rừng cây nơi đây rất rộng lớn, tha hồ mà đi bộ. Nói đi bộ, nhưng kỳ thật theo thói quen tôi vẫn đi thiền hành. Sáng sớm đi thiền rất thích thú. Cảnh trí thiên nhiên rất thích hợp cho việc đi thiền.

Tôi rất thích bài hát nói về thiền hành. Bài hát nầy đã được các liên hữu trong đạo tràng Quang Minh thường hát ca trước khi đi thiền hành vào những lúc sinh hoạt ngoài trời hay những khóa tu. Bài hát nầy do tôi sáng tác cách nay cũng khá lâu:

Ta đi đi không có gì ràng buộc

Ta đi đi không hướng vọng tương lai

Ta đi đi quên cả tháng năm ngày

Ta đi đi từng bước chân trong hiện tại

Ta đi đi vượt muôn ngàn chướng ngại

Ta đi đi về tới bến nơi rồi

Ta đi đi từng bước thật thảnh thơi

Thật thanh thoát an lành trong chánh niệm.

Theo dự định, chúng tôi sẽ đi đến tiểu bang Virginia thành phố Washington D.C vào ngày 8/10/12/. Đây là thành phố nổi tiếng tập trung về quyền lực của nước Mỹ. Vì nơi đây có tòa nhà quốc hội và tòa bạch ốc tượng trưng cho quyền lực tối cao. Nghe tiếng đã lâu, nay có dịp chúng tôi quyết đến đây tham quan cho biết. Được biết, thầy Trí Tuệ là người bạn học cũ chung trường chung lớp với tôi cũng đang định cư ở thành phố nầy. Vì vậy, trước khi đi tôi có điện thoại liên lạc với thầy. Tôi biết, thầy rất bận thường hay đi làm những công tác Phật sự nơi nầy nơi kia. Cho nên, tôi cần liên lạc trước với thầy để thầy tiện bề sắp xếp thời gian thích hợp để chúng tôi đến thăm. Sau khi điện đàm, thầy sẽ dành cho chúng tôi trọn ngày thứ ba tức ngày 9/10/12/. Tôi cảm ơn thầy đã dành cho chúng tôi trọn một ngày thăm viếng. Nói xong, tôi cúp máy điện thoại, vì đã đến giờ dùng sáng. Bữa điểm tâm sáng nay, chúng tôi dùng cháo trắng với tàu hủ trắng và nấm rơm kho tiêu. Đây là món ruột của tôi hàng ngày . Nói món ruột, vì sáng nào tôi cũng dùng cháo trắng. Ăn hoài không ngán mà trở thành bệnh ghiền cháo khi nào không hay.

Một tô cháo trắng đậm đà

Từ ngày qua Mỹ tới nay, tôi ít khi dùng cháo trắng. Nên hôm nay, nghe có cháo trắng, thì tôi rất thích. Nói thế, chắc là quý độc giả không khỏi chê cười tôi, tưởng là thích cao lương mỹ vị gì (ăn chay đạm bạc đâu có gì gọi là cao lương mỹ vị ), chớ còn cháo trắng thì quá dễ có gì đâu mà phải thèm. Thưa, mỗi người có mỗi sở thích riêng. Ăn uống, đối với tôi càng đơn giản chừng nào thì càng cảm thấy nhẹ nhàng và ít bận rộn chừng nấy. Người xưa thường nói: "Họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập". Hay câu nói: "Ăn để mà sống, chớ không phải sống để mà ăn". Đâu có ai sống hoài để mà ăn. Giả như có sống hoài, thì ăn cũng không vô. Thử hỏi già rồi còn răng cỏ đâu nữa mà ăn. Ngay như tôi, năm nay mới gấn bảy mươi thôi, mà răng cỏ cũng không còn nhiều. Những cây răng còn lại thì cũng xiếu xáo xệu xạo lung lay, cái lòi, cái lõm. Hôm nào có thức ăn mềm thì còn dễ nuốt, còn gặp đồ ăn cứng thì chỉ có nước nhai mấp trệu trạo, nghĩa là điều tra sơ sơ rồi tống giam. Mới có nói về răng thôi mà đã khổ như thế rồi. Có người nói sao không làm răng giả gắn vô xài đỡ. Trời ơi, răng thiệt còn chưa thấy gì nói chi đến răng giả. Thôi thì xài đỡ, xài tạm cũng được, nhưng thật ra mới gắn vào cũng khó chịu lắm.

Thử hỏi trên đời có ai sống hoài mà không già? Dù cho có phép mầu luyện đơn uống thuốc trường sanh nhưng cũng không thể bất tử được. Sách sử ghi: "xưa kia Bành Tổ sống đời, tám trăm tuổi thọ nay thời còn đâu". Trên thế gian nầy, chỉ có một người sợ chết ham sống lâu nhứt, đó là Tần Thủy Hoàng. Chỉ có ông vua tàn bạo độc ác nầy mới sai người tìm thuốc trường sanh bất tử. Vì tham vọng quyền lực, vì muốn thụ hưởng khoái lạc cho thỏa mãn lòng khát vọng, nên ông bất chấp mọi thủ đoạn gian ác, nhẫn tâm ra tay hạ sát không biết bao nhiêu người dân vô tội. Ông muốn ngồi trên ngai vàng vĩnh cửu để có kẻ hầu người hạ, không ai có thể thay thế địa vị quyền cao tước vọng của ông, nên ông mới sai người phải tìm cho được thuốc trường sanh bất tử cho ông. Nhưng than ôi! trường sanh đâu không thấy mà người ta chỉ thấy ông chết trong một hoàn cảnh thương tâm. Thử hỏi trên đời có ai lột da sống hoài để hưởng thụ ăn uống đâu? Nếu sống để mà ăn thì thật là quá khổ sở. Bởi không biết bao nhiêu cho đủ, cho vừa. Được món nầy thì lại gầy thêm món khác. Được ngày nay mong đến đổi khác ở ngày mai. Tục ngữ cũng có câu: "Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu". Chỉ vì mất một miếng ăn thôi mà gan ruột lộn xà ngầu hết. Người ta cực khổ quanh năm suốt tháng cũng chỉ vì lo cho ba thứ nhu cầu: "Ăn, mặc và ở". Ăn ngon, mặc đẹp, ở sang. Thế nhưng, làm sao đáp ứng cho đủ cái túi tham không đáy của con người? Nhu cầu càng cao, thì cực khổ càng lắm. Chi bằng sống đơn giản không cầu kỳ, kiểu cọ, như thế có thể đỡ khổ hơn. Ngày nay, ai cũng biết, bệnh hoạn của con người phải nói, phần lớn đều do ăn uống trái phép không hợp vệ sinh mà ra.

Trở lại bữa ăn điểm tâm sáng. Đặc biệt hơn nữa, sáng nay, thầy Phước Nhơn lại đích thân kho nấm rơm cho tôi. Thầy kho mặn để ăn cháo. Tôi không ngờ thầy Phước Nhơn cũng biết nấu ăn. Không những biết thôi mà thầy còn nấu ăn ngon nữa. Tôi tưởng thầy kho với đường hóa chất, nên tôi không dám ăn nhiều. Vì vị tình khó nhọc thầy nấu, nên tôi chỉ dùng qua loa thôi. Nhưng không ngờ, thầy kho với loại đường dành riêng cho những người mắc phải bệnh tiểu đường dùng. Dù tôi chưa phải là người bị bệnh tiểu đường, chỉ vì lượng đường đang có khuynh hướng lên cao. Do đó, tôi kiêng cử đồ ngọt tối đa vì không muốn bị bệnh. Bệnh tiểu đường hiện nay là một chứng bệnh phổ thông mà phần lớn người ta đều vướng phải. Thôi thì, mình cứ áp dụng cái câu tục ngữ mà Cổ Đức thường khuyên bảo: "Ngừa bệnh hơn chữa bệnh". Ngừa được tới đâu thì hay tới đó.

Dùng sáng xong, tôi chú Phước Nguyện và cô Phước Như đi bộ dọc theo đường lộ phía trước. Trong khi đi, chúng tôi cũng có chuyện trò và tôi giải thích khuyên bảo đôi điều trong việc tu học. Vì hai người nầy, lúc chưa xuất gia cũng như sau khi xuất gia đều theo học với tôi. Nhất là trong các khóa tu xuất gia ngắn hạn cũng như trong mùa an cư kiết đông tại Tổ Đình Phước Huệ. Thời gian tôi lên Phước Huệ để hướng dẫn giúp cho các khóa tu học, thì cô Phước Như được thầy Phước Viên cắt cử cô dọn cơm cho tôi. Tôi thường khen ngợi hai người nầy tuy là vợ chồng nhưng khi xuất gia thì hai người cũng cùng xuất gia một lượt. Có lúc vui miệng tôi nhắc lại hai câu ca dao cho hai người nghe:

Tu đâu cho thiếp tu cùng

Ngày sau thành Phật ngồi chung một bàn.

Người ta thì đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn, còn hai người nầy thì đồng vợ đồng chồng tu học cho đến ngày thành tựu chánh quả. Phước Nguyện thì thường hay hỏi ý kiến tôi, hoặc có điều gì thắc mắc chú cũng thường hay nhờ tôi giải quyết giùm. Tôi rất thích những người có ý chí tìm cầu học hỏi. Tôi thường khuyến khích hai người nên cố gắng chuyên cần để tâm nghiên cứu học hỏi nhiều hơn.

Đi một vòng, chúng tôi trở lại mỗi người tự sinh hoạt theo ý mình. Vì theo lịch trình thì chúng tôi có thời gian nghỉ dưỡng sức cho đến ngày 8/10/12/ mới khởi hành.

Tối lại, khoảng 8 giờ, thầy Phước Nhơn chở chúng tôi đi siêu thị để mua ít đồ dùng. Mấy ngày nay, bao tử của tôi không được tốt, nên tôi phải đi tìm mua thuốc uống cho dễ tiêu hóa. Những vị khác thì tìm mua một vài thứ mà họ cần dùng. Sau đó, chúng tôi trở về chùa. Về tới chùa gần 12 giờ khuya. Dùng thuốc xong, tôi đánh một giấc tới 5 giờ sáng. Thường lệ, chúng tôi công phu vào lúc 5 giờ 30. Buổi công phu hôm nay không ai vắng mặt cả.

Ngày 5/10/12/

Thất Vọng

Hôm nay, chúng tôi vẫn còn nghỉ ngơi ở Bồ đề đạo tràng của thầy Phước Nhơn. Sáng nay trời trong xanh như màu cẩm thạch, không một áng mây và không có sương mù như hôm qua. Vẫn như thường lệ, tập thể dục, ăn sáng, đi bộ. Phước Nguyện, Phước Như thích đi bộ với tôi để có dịp gần gủi tôi chỉ bảo thêm. Sau khi trở lại chùa, thầy Phước Nhơn rũ chúng tôi đi đến chỗ chuyên bán đồ sứ để mua những con nai nhơn tạo. Thầy nói, chỗ đó họ bán nhiều con nai làm bằng chất liệu đất sét đẹp lắm. Thế là, cả ba chúng tôi cùng đi với thầy. Từ chùa đến đó lái xe mất khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ. Tiếc thay khi đến nơi, thì nai đâu không thấy mà chỉ thấy một vài con vật khác như gà, vịt, chó v.v... Những con vật nầy họ đúc nắn cũng rất xinh đẹp. Nhưng chủ yếu là thầy Phước Nhơn muốn mua những con nai để về trang trí nơi Tứ động tâm. Thất vọng không có nai, thì đành phải trở về. Bận đi bận về mất 2 tiếng mấy đồng hồ thật là phí uổng. Tuy nhiên, có dịp cũng nên đi xem qua cho biết. Về tới chùa đã đến giờ ngọ trai. Bữa ăn trưa hôm nay thật đơn giản đạm bạc chỉ có canh dưa tây, bầu kho và tương hột. Vậy mà ai nấy đều ăn ngon lành. Buổi chiều, tôi chỉ cho quý vị đó cách đánh chuông trống bát nhã và trống tán cũng như những pháp khí khác. Nói chung là hướng dẫn giúp cho quý vị đó học về nghi lễ.

Ngày 6/10/12/

Bánh xèo món ăn quê hương

Sáng nay, ngoài trời sương mù dày đặc. Trời rất lạnh khoảng 10 độ F. Hôm nay, thời tiết không tốt nên tôi không có đi bộ như mọi khi. Dùng sáng xong, tôi đi lòng vòng ở trong chùa để cho tiêu hóa thức ăn. Sau đó, tôi về phòng sao chép lại những bài thơ ghi lại cuộc hành trình của chuyến đi. Mãi miết ghi chép đến giờ ngọ trai không hay. Cô Phước Như gõ cửa phòng và mời tôi dùng trưa. Bữa ăn trưa hôm nay, quý cô đãi bánh xèo. Bánh xèo là món ăn mà tôi rất thích. Bánh xèo là một trong những loại bánh đặc sản thuần túy của Việt Nam. Tùy theo từng nơi, từng vùng mà bánh xèo được thưởng thức với những hương vị mang nét đặc trưng có khác. Như ở Huế loại bánh nầy được gọi là bánh khoái. Bánh xèo ở Phan Thiết thì không giống bánh xèo ở những nơi khác. Vì bánh nhỏ bằng cái lòng chén và không có cuốn với rau xà lách mà người ta thả nó vào tô nước mắm chín ( nước mắm đã được giã với tỏi và ớt ). Về các loại rau để ăn bánh xèo tùy mỗi nơi cũng đều có khác. Phải nói rau cải rất đa dạng nhiều thứ, tùy sở thích của mỗi người. Tuy nhiên, thông thường thì người ta dùng các loại rau cải như: cải xanh, rau diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non, mã đề v.v... Có nơi thêm các loại lá, như ở Cần Thơ lá chiết, Đồng Tháp, lá bằng lăng, Vĩnh Long, lá xoài non, Bạc Liêu, lá cách. Riêng Trà Vinh nơi làng tôi ở, tôi thấy có thêm lá mã đề.

Tôi còn nhớ, lúc nhỏ, mỗi lần mẹ tôi đổ bánh xèo, bà thường sai tôi đi hái rau mã đề và đọt cơm nguội non. Rau mã đề ngày xưa ở vùng tôi nhiều lắm. Nó mọc ở dưới ruộng và lá của nó nằm phơi mình là đà trên mặt nước. Tôi rất thích lội ruộng hái loại rau nầy. Còn đọt cơm nguội non, không có ai trồng mà tự nó mọc và lớn lên chen lẫn ở những lùm cây rậm rạp. Nhân của bánh xèo mặn không đơn giản như bánh xèo chay. Bánh xèo ngon hay dở là do ở nơi người biết pha bột và khéo biết cách chiên. Nhìn những cái bánh xèo chay mà quý cô đổ hôm nay, thật khéo tay, màu vàng tươi, mỏng, dòn nóng hổi trông rất hấp dẫn. Nhưng rất tiếc, hôm nay bụng còn đầy hơi nên tôi không dám ăn. Tôi chỉ dùng hủ tiếu và miến cho nhẹ bụng dễ tiêu.

Giờ nầy, ngoài trời mưa vẫn còn rơi. Theo dự báo thời tiết cho biết, thì hôm nay trời mưa dầm suốt ngày. Khí hậu ở vùng rừng núi rất lạnh. Càng về chiều thời tiết càng lạnh. Tôi ngồi trong căn phòng nhỏ, mặc đồ ấm mà vẫn cảm thấy lạnh lẽo. Có lẽ thời tiết lạnh nên bụng tôi lại càng không tốt hay bị sôi ruột. Cô Phước Như hỏi tôi chiều nay ăn gì, tôi nói với cô, cô hoan hỷ cho tôi món kho khô và canh cải. Cô Phước Như cũng thích nghe thơ. Cô thấy tôi đang sao chép lại những bài thơ tôi làm, cô muốn nghe nên tôi đọc cho cô nghe. Nghe xong, cô đến nhà bếp để nấu chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Quý vị kia, thì đang phụ giúp tân trang kệ tủ ở khu nhà bếp mới.

Theo dự định, thì ngày mai sẽ có một ngày tu học thọ bát. Có hai cô Phật tử từ phương xa đến chùa để dự tu. Vì hôm nay thứ bảy nên hai cô đến sớm để ngủ lại. Như đã nói, đồng hương Phật tử sinh sống rải rác cách xa nơi đây. Do đó, nên số người đến dự tu không có đông, trên dưới chỉ vài mươi người là cùng. Thế cũng là quý lắm rồi. Những người tới dự tu phải nói họ rất có đạo tâm và rất ham tu. Họ rất mong muốn được quý thầy hướng dẫn tu học như thế nầy. Phần vì cách xa chùa; phần vì thiếu người hướng dẫn và nhất là ngôi chùa nầy mới tạo dựng còn rất mới mẻ nên ít người biết đến. Thầy Phước Nhơn vì mới xuất gia nên việc giảng dạy và kinh nghiệm hướng dẫn nghi lễ trong sự tu học cũng chưa được thông thạo rành rẽ lắm. Do đó, nên thầy cũng không dám phô trương hoạt động rộng lớn. Chính vì vậy, nên chỉ có một số ít người biết đến nơi đây mà thôi.

Ngày 7/10/12/

Khóa tu học lần thứ hai

Sáng sớm hôm nay, tuy không có sương mù, nhưng ngoài trời vẫn còn lạnh. Cái lạnh ác nghiệt kéo dài không thua gì mùa đông ở Melbourne. Theo dự định, thì hôm nay có khóa tu thọ bát. Mọi người lần lượt về chùa. Ngoài số những người cũ dự tu kỳ rồi, còn có thêm một vài người mới. Vì chờ đợi nên lễ truyền giới hơi trễ. Đúng 10 giờ 30 mọi người ghi tên và có mặt tại chánh điện. Số người dự tu trên hai mươi vị. Trong số tu sinh dự tu có hai cháu trẻ rất ngoan và dễ thương. Hai cháu theo người lớn dự tu suốt ngày. Các cháu không bỏ sót một thời khóa lễ nào. Sau lễ truyền giới, tôi nhắc nhở họ vài điều về chương trình hành lễ và nội dung khóa tu. Nhất là mọi người cần phải giữ đúng theo tinh thần nội quy của khóa tu. Tuy số người không đông, nhưng tinh thần tu học của họ rất cao. Họ rất ham tu hiếu học.

Nhìn thấy họ, tôi rất kính mến và thán phục. Dù đường xá xa xôi, nhưng họ cũng quyết chí lặn lội về chùa để tham dự khóa tu. Nhất là đối với quý vị thiện nam. Họ rất thành kính như biểu lộ nỗi lòng khao khát tu học của họ. Khi nghe pháp, họ rất chú tâm theo dõi. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe họ phát biểu. Họ nêu ra một vài thắc mắc liên quan đến những hình thức nghi lễ và giáo lý. Đối với một số người họ cảm thấy xa lạ với chương trình tu học. Vì hiểu được phần nào tâm lý của họ, nên chúng tôi áp dụng chương trình tu học vừa nhẹ nhàng vừa thoải mái. Chính vì thế, nên họ tỏ ra rất thích thú. Tôi hướng dẩn họ cách hành trì không quá nặng về hình thức. Như lễ bái và tụng kinh nhiều. Tôi chỉ dẫn cho họ về cách thở, cách theo dõi hơi thở để có được chánh niệm an lạc và hạnh phúc. Đồng thời, tôi cũng chỉ dẫn cho họ cách niệm Phật theo hơi thở gọi là tùy tức niệm Phật. Hoặc sổ tức niệm Phật. Nghĩa là niệm Phật bằng cách đếm và nhớ số. Nói chung, vì họ là những người mới dự tu, nên tôi giúp cho họ một vài nghi cách thông thường theo khả năng lãnh hội của họ.

Tôi cảm động nhất là qua phần trao đổi chia sẻ Phật pháp với họ. Những câu hỏi của họ nêu ra rất thật thà và đơn giản. Họ không hỏi gì về những triết lý cao siêu, mà họ cần muốn biết những gì có liên quan đến đời sống thực tế của một người Phật tử. Nghĩa là những gì mà họ có thể áp dụng khả thi trong cuộc sống hằng ngày. Có thế thì mới được lợi ích thiết thực. Khi trao đổi chia sẻ giúp cho họ, thật tình tôi cảm thấy rất an lạc và thích thú. Đạo Phật là một nghệ thuật sống. Đạo Phật không đưa con người vào những lý giải viễn vông huyền đàm thiếu thực tế. Lý thuyết dù có hay ho siêu việt đến đâu, mà không có thật hành, thì lý thuyết đó cũng chỉ có giá trị như những món đồ cổ quý báu, được chưng bày trong các bảo tàng viện mà thôi. Thực tế, thì không giúp và đem lại sự lợi lạc hạnh phúc gì cho con người cả. Nói thế, không có nghĩa là chúng ta coi thường lý thuyết. Lý thuyết cũng rất cần, nhưng chỉ cần ở phương diện soi sáng chỉ đạo cho sự thật hành đúng hướng chân lý đó thôi. Ngoài ra, chỉ là lý thuyết suông, tệ hơn nữa là những hý luận huyền đàm không dính dáng ăn nhập gì đến sự sống cả. Như một người đang bị mũi tên cắm sâu vào da thịt, việc gấp rút là phải tìm cách nhổ mũi tên đó ra và thoa thuốc cho lành lặn vết thương. Đó là thái độ của người khôn khéo biết sống. Còn hơn ngồi đó đặt ra những câu hỏi vu vơ vô ích về nguyên nhân xuất xứ của mũi tên. Hỏi thế là không ích lợi gì cho người đang bị tên cả. Cũng thế, hiện chúng ta đang đau khổ như người bị tên, thì cần phải gấp rút chạy chữa dứt trừ đau khổ. Trong đạo Phật tri hành phải hợp nhất. Không thể chỉ có tri thôi mà không có hành. Nếu thế thì muôn đời cũng chỉ là kẻ đếm bò thuê hay đếm bạc mướn cho người mà thôi.

Sự tu học của họ hôm nay, dù thời gian chỉ có một ngày, nhưng tôi tin tưởng rằng sẽ mang lại cho họ nhiều an lạc hạnh phúc. Bởi chúng tôi chú trọng đặt nặng ở phần hướng dẫn thật hành nhiều hơn. Dù có lý thuyết nhưng đó cũng chỉ là để soi sáng làm rõ thêm cho sự thật hành của họ. Lý thuyết dụ như đôi mắt sáng và thật hành giống như đôi chân mạnh. Mắt và chân liên hệ mật thiết với nhau. Mắt chỉ để soi sáng cho đôi chân đi. Nếu không có mắt thì sự đi sẽ không đến đích. Và có thể xảy ra nhiều nguy hiểm. Ngược lại, có mắt mà không chân thì cũng không đi tới đâu. Do đó, cả hai đều phải khéo vận dụng hỗ tương cân bằng song hành với nhau. Được thế thì mới đúng theo tinh thần Phật dạy vậy.

Ngày 8/10/12/

Tiểu bang Virginia

Hôm nay là ngày khởi hành cho cuộc hành trình thời gian một tuần lễ. Theo lịch trình đã vạch định, đoàn sẽ lên đường đi viếng thăm một vài nơi. Trước tiên là đoàn sẽ đến tiểu bang Virgnia. Đây là một tiểu bang nổi tiếng là vùng đất "địa linh anh kiệt". Virginia (đặt tên theo nữ hoàng Elizabeth I của Anh, người được biết đến dưới cái tên là Virgin Queen ) là một trong mười ba tiểu bang đầu tiên nổi dậy chống lại sự thống trị của vương quốc Anh trong cách mạng Hoa Kỳ. Nó nằm về phía nam Hoa Kỳ, nhưng đôi khi được kể vào các bang Mid- Atlantic. Là một trong 4 tiểu bang sử dụng tên Commonwealth. Virginia là phần đầu tiên của châu Mỹ trở thành thuộc địa của Anh.

Nói địa linh anh kiệt vì chính nơi đây sanh ra tám vị tổng thống Hoa Kỳ:

- George Washington ( tại Wakefield, Westmoreland County ),

- Thomas Jefferson ( tại Shadwell, Albemarle County ).

- James Madison ( tại Port Conway, King George County ).

- James Monroe ( tại Westmoreland County ).

- Woodrow Wilson ( tại Staunton.

- William Henry Harrison ( tại Berkeley, Charles city County ).

- John Tyler ( tại Greenway, Charles City County ).

- Zachary Taylor ( tại Orange County ).

Phải nói một tiểu bang mà có nhiều vị tổng thống nắm quyền hành cai trị toàn quốc như vậy thì không địa linh là gì? So với những tiểu bang khác thì làm sao có được như thế. Bốn trong năm vị Tổng thống đầu tiên là từ Virginia, và bảy trong mười hai Tổng thống đầu tiên. Tổng thống gần đây nhất xuất thân từ Virginia là Woodrow Wilson, Tổng thống thứ 28. Chính vì vậy cho nên tiểu bang nầy còn có tên gọi "Morther of Presidents".

"Theo địa lý thì vị trí của tiểu bang nầy phía tây giáp Tây Virginia, Maryland và đặc khu Columbia ( bên kia sông Potomac ). Về phía bắc; với vịnh Chesapeake và Đại Tây Dương về phía đông; với Bắc Carolina và Tennessee về phía nam; và với Kentucky và Tây Virginia về phía tây.

Vịnh Chesapeake chia cắt tiểu bang, với phần phía đông ( gọi là Bờ đông Virginia ), một phần bán đảo Delmarva, hoàn toàn tách rời với phần còn lại của tiểu bang".

Vì đi đường xa nên chúng tôi thức dậy sớm để chuẩn bị mọi thứ. Loay hoay đến 5 giờ 30, chúng tôi mới rời khỏi chùa. Khổ nỗi, xe chạy được một đổi, thì thầy Phước Nhơn phát hiện ra là đã bỏ quên điện thoại cầm tay ở chùa. Thế là phải quay trở về chùa. Thật ra, thì cái điện thoại ở trong cái túi mang balô của thầy. Khi gọi, vì tiếng xe ồn ào nên không nghe reo. Đến chừng phát hiện ra, thì cũng đã về gần tới chùa rồi. Ngoài việc điện thoại ra, thầy còn quên một vài món đồ lặt vặt cần thiết nên thầy phải vào trong chùa để lấy. Chúng tôi vẫn ngồi yên trong xe. Chuyến đi nầy không có chú Tấn và ông tài xế Mỹ già Perry. Chúng tôi chỉ đi một chiếc xe van do thầy Phước Nhơn và Tuệ Trung lái. Tài xế chính là thầy Phước Nhơn còn Tuệ Trung chỉ là phụ xế thôi. Khi nào cảm thấy mệt mỏi thì thầy Phước Nhơn mới nhờ Tuệ Trung lái phụ. Thật ra, thì thầy Phước Nhơn lái nhiều hơn là Tuệ Trung. Vì Tuệ Trung không có bằng lái xe quốc tế, nhưng vì ông vững vàng tay lái nên thầy Phước Nhơn mới nhờ đến. Dù vậy, mỗi khi Tuệ Trung lái trong đoàn ai cũng hơi lo. Nhưng nếu để một mình thầy Phước Nhơn lái thì quá mệt không tốt. Tuệ Trung chỉ lái ở ngoài xa lộ chớ khi vào trong thành phố thì thầy Phước Nhơn lái. Cứ thế mà hai người thay phiên nhau lái.

Sau khi lấy đồ xong, cứ xuôi theo quốc lộ 24 và 75 thẳng đến thành phố Washington D.C. Hôm nay thời tiết rất xấu. Từ sáng sớm mưa dầm cho đến chiều tối. Xe di chuyển dưới cơn mưa tầm tả. Đến 8 giờ tối, chúng tôi mới đến khách sạn Aloft, một khách sạn nằm ở khu vực ngoại ô nhưng khá khang trang rộng lớn. Nhận phòng xong, chúng tôi tắm rửa dùng bữa cơm tối đơn giản và ngủ nghỉ.

Ngày 9/10/12/

Viếng thăm Trung Tâm Vạn Hạnh

Sáng hôm nay ở đây không có mây mù bao phủ như hôm qua. Khí trời tươi mát ấm áp thật dễ chịu. Tuy không có nắng nhưng không đến đổi lạnh. Hôm nay là ngày như đã có hẹn trước với thầy Trí Tuệ, chúng tôi sẽ đến thăm thầy. Trước khi đi, tôi có điện thoại cho thầy Trí Tuệ biết. Thầy đang chờ đợi đón tiếp chúng tôi. Chúng tôi rời khách sạn lúc 8 giờ sáng. Từ khách sạn đến chỗ thầy Trí Tuệ mất khoảng 20 phút lái xe. khi xe qua cái cầu tới một con đường đá nhỏ, đây là con đường dẫn đến chùa. Hai bên đường là một rừng cây xanh um phủ kín tươi mát. Ngôi chùa nhỏ nằm khiêm tốn khép mình giữa một rừng cây chen chúc san sát với nhau. Cảnh trí ở đây thật nên thơ hữu tình ngoạn mục. Tôi thầm khen thầy Trí Tuệ khéo chọn cảnh trí nơi đây.

Đến nơi, xe chạy thẳng vào cổng chùa để tìm chỗ đậu. Xe dừng lại và đậu ở phía sau chùa. Từ chỗ bãi đậu xe đến chánh điện hơi xa. Tuy nhiên, rất gần cái tịnh thất của thầy Trí Tuệ. Chúng tôi đến gõ cửa phòng không thấy ai. Bấm chuông, mở cánh cửa ngoài, tôi thấy thầy Trí Tuệ đang mặc chiếc áo tràng màu vàng và thầy mở cánh cửa bên trong. Thế là, chúng tôi gặp nhau trong niềm xúc động nghẹn ngào. Sau khi chào hỏi, thầy mời chúng tôi ngồi vào bàn để hàn huyên tâm sự, nhưng tôi xin phép thầy để cho chúng tôi lễ Phật trước. Vì trong tịnh thất của thầy có bàn thờ Phật. Thầy hầu chuông cho chúng tôi lễ Phật.

Lễ Phật xong, chúng tôi đến kéo ghế ngồi chung quanh cái bàn dài. Nhưng có lẽ quý vị trong đoàn muốn để cho chúng tôi chuyện trò tự nhiên, vì lâu ngày gặp lại, nên quý vị đó đi ra ngoài dạo cảnh, chỉ còn lại có cô Phước Như. Vì cô muốn ở lại để khi chúng tôi cần nhờ cô giúp việc. Thú thật, khi đi đến đây, chúng tôi chưa có dùng sáng. Vì vậy, tôi và thầy Trí Tuệ nhờ cô Phước Như nấu cho hai tô mì gói. Thầy Trí Tuệ cho biết, ở đây chỉ có thầy và một người cháu xuất gia thọ đại giới kêu thầy bằng chú. Vì vậy, hằng ngày không có ăn sáng mà chỉ uống cà phê thôi. Như thế đã quen rồi. Nghe thế, tôi biết thầy Trí Tuệ đã ghiền cà phê cũng khá nặng. Thầy còn nói, lúc xưa khi dọn đất chỉ một mình thầy làm thỉnh thoảng không có dùng trưa mà chỉ uống cà phê thay cơm. Thầy mướn xe ủi đất về thầy tự lái, tuy lúc đầu có hơi vất vả khó khăn vì chưa quen, nhưng sau đó khi đã quen rồi thì cũng dễ. Vì say mê với công việc không có ai nấu ăn nên đành phải chịu vậy.

Nhớ lại hồi còn ở trường, tuy lúc đó chúng tôi còn trẻ, nhưng thầy Trí Tuệ vì nhỏ con nên ăn ít hơn tôi. Tôi và thầy Trí Tuệ học chung lớp chung trường. Chúng tôi sống chung với nhau suốt 15 năm ở Phật Học Viện Huệ Nghiêm, sau nầy đổi tên là Viện Cao Đẳng Phật Học Huệ Nghiêm. Nơi đó, còn có tên gọi địa danh nghe buồn áo não ảm đạm: "An Dưỡng Địa". Nó nằm đối diện với xa cảng miền tây. Từ ngoài xa cảng có một con đường nhỏ hẹp đi vào khoảng vài trăm thước là tới. Ngày xưa, trước Mậu Thân năm 1968, nơi đây bốn bề đều là đồng ruộng mênh mông, đồng không hiu quạnh. Không có ai ngờ rằng, giữa bãi tha ma hoang vắng, đồng không hiu quạnh đó mà lại có một ngôi trường Phật Học mọc lên. Ngôi trường ban đầu chỉ có một lớp gọi là lớp Trung Đẳng Phật Học Chuyên Khoa, với sỉ số tăng sinh trên 30 vị. Ban Giám Đốc gồm có ba vị: Hòa thượng Thích Thanh Từ, cố Hòa thượng Thích Thiền Tâm và cố Hòa thượng Thích Bửu Huệ. Ngôi trường nầy do cố Hòa thượng Thích Thiện Hòa tạo dựng và khóa học được khai giảng vào năm 1961. Các tăng sinh theo học khóa học nầy thời gian là ba năm. Vì những vị nầy đã có trình độ Phật học khá. Nghĩa là phải qua một quá trình Phật học ở các lớp sơ trung Phật giáo.

Đến đầu năm 1964, trường lại mở rộng và thu nhận thêm tăng sinh trẻ. Các tăng sinh phải dự thi nếu vị nào trúng tuyển thì được theo học lớp sơ đẳng Phật giáo. Lớp học nầy thời gian học là 4 năm. May mắn thay! chúng tôi được trúng tuyển vào lớp học nầy. Số tăng sinh dự thi có hơn 300 vị, nhưng nhà trường chỉ chọn khoảng 70 vị. Trong số 70 vị nầy có chúng tôi. Vì số tăng sinh khá đông, do đó, nên Ban Giám Đốc chia thành hai chúng, mỗi chúng trên dưới khoảng 35 vị. Tôi, thầy Trí Tuệ, thầy Minh Đạt v.v... học chung lớp học nầy. Tuy học chung một lớp, nhưng ở khác chúng. Tôi ở chúng Vô Trước, còn thầy Minh Đạt và Thầy Trí Tuệ thì ở chúng Thế Thân. Riêng thầy Trí Tuệ thì thầy được trong chúng cử làm thị giả cho quý Hòa thượng trong Ban Giám Đốc cũng như cho quý vị giáo sư đạo, đời đến dạy, trên dưới khoảng 12 năm. Hôm nay chúng tôi gặp nhau nhắc lại chuyện xưa tích cũ, nhiều kỷ niệm buồn vui của đời học tăng khi còn theo học ở nhà trường.

Hàn huyên tâm sự được một lúc, ngoài trời nắng đã lên cao. Ánh nắng ban mai dịu nhẹ rót vào cây lá hoa rừng thật ấm áp nhẹ thoát. Thầy Trí Tuệ hướng dẫn chúng tôi lên chánh điện lễ Phật. Sau đó, thầy hướng dẫn ra bên ngoài và giới thiệu toàn cảnh ở đây. Thầy cho chúng tôi biết, chủ trương của thầy là thích tạo cảnh hơn tạo chùa. Vì xây dựng chùa ở đây không phải dễ. Những năm đầu, thầy rất vất vả lao đao lận đận bởi các vụ kiện thưa. Xin giấy phép trần thân khổ nhọng mà vẫn chưa được. Đi đến đâu thầy giới thiệu đến đó. Cảnh trí xung quanh gồm có: Chùa một cột ( thiết kế theo kiểu mới không giống chùa Diên Hựu hay còn gọi chùa một cột ở miền Bắc, Hà Nội. Chùa Diên Hựu được xây dựng vào thời đại nhà Lý), các tôn tượng Phật: Đản sanh, thành đạo, và Nhập Niết bàn theo ý nghĩa Tam hợp của Phật Giáo thế giới đã nói. Tất cả các tôn tượng đều bằng đá trắng thật quý. Chúng tôi nhiếp chung vài bôi hình kỷ niệm nơi đây.

Dùng phở trưa

Đi dạo xong, cũng gần 11 giờ trưa, thầy Trí Tuệ mời chúng tôi đi đến một tiệm phở của chú Kiệt, một đệ tử thân tín của thầy để dùng trưa. Chúng tôi đi hai chiếc xe. Một chiếc xe du lịch nhỏ của thầy Trí Tuệ và chiếc xe van của thầy Phước Nhơn. Lần đầu tiên, tôi được ngồi chung xe do thầy Trí Tuệ lái. Lợi dụng tất cả thời gian để chúng tôi có dịp trò chuyện. Đến nơi, thầy Trí Tuệ hướng dẫn chúng tôi vào trong quán và vợ chồng chủ quán còn trẻ nhưng rất lịch sự tử tế. Thầy Trí Tuệ giới thiệu tôi và quý vị trong đoàn từ Úc Châu qua, họ xá chào chúng tôi một cách cung kính và niềm nỡ. Qua cung cách chào hỏi của họ, tôi biết họ là những Phật tử khá thuần thành. Đây là tiệm phở chay đặc biệt, ngoài ra, không có một tiệm nào khác. Dùng xong, chúng tôi đến nhà của đạo hữu Minh Trí và Diệu Huệ. Diệu Huệ là người chị ruột thứ ba của thầy Phước Viên. Trước khi đi, thầy Phước Viên có cho tôi địa chỉ và số điện thoại của Minh Trí.

Thăm gia đình Phật tử Minh Trí

Hai người nầy, tuy là đệ tử thân tín của thầy Trí Tuệ, nhưng chưa lần nào thầy tới nhà họ. Do đó, nên thầy Trí Tuệ không rành đường lắm. Thỉnh thoảng thầy phải gọi điện thoại cho thầy Phước Nhơn. Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm ra địa chỉ và đi tới nơi. Khi đến nhà, chỉ có Diệu Huệ, còn Minh Trí đi làm chưa về. Hôm nay, chú Minh Trí xin nghỉ về sớm để đón tiếp chúng tôi. Vào nhà dùng nước trà không bao lâu thì Minh Trí về tới. Ngôi nhà hai tầng khá khang trang rộng rãi và ngăn nắp. Chúng tôi ngồi chung quanh bàn ở phòng khách chuyện trò với nhau rất tự nhiên và thân mật. Thầy Trí Tuệ như có dịp, thầy kể cho mọi người nghe về nhiều câu chuyện có liên quan giữa tôi và thầy trong quá khứ. Kể ra trí nhớ của thầy cũng còn rất tốt. Thầy kể có nhiều chi tiết thú thật tôi đã quên, nay nghe thầy nhắc lại mới nhớ. Trong lúc chúng tôi trò chuyện, thì Diệu Huệ đang lui cui làm bếp để chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Vì Minh Trí và Diệu Huệ có mời chúng tôi ở lại dùng cơm với gia đình.

Bữa cơm thân mật gia đình

Sau khi trò chuyện, chúng tôi có đến viếng thăm ngôi chùa Hoa Nghiêm ở gần đó. Được nghe thầy Trí Tuệ kể nhiều về ngôi chùa nầy. Vị trụ trì là người Huế trung niên xuất gia. Thầy trụ trì vui vẻ tiếp đãi hướng dẫn giới thiệu chúng tôi một vài nơi trong chùa. Ngôi chùa không lớn lắm, nhưng tương đối cũng khá gọn gàng và khang trang.

Tham quan chiêm bái xong, chúng tôi từ giả trở lại nhà của Minh Trí. Về tới nơi, Diệu Huệ cũng đã dọn cơm sẵn trên bàn. Chúng tôi cùng ngồi vào bàn không phân chủ khách, mọi người dùng bữa trong không khí tràn đầy thân mật và ấm cúng. Chúng tôi coi đây như là một bữa cơm gia đình. Một bữa cơm thật đầm ấm vui vẻ, không biết bao giờ chúng tôi có đủ cơ duyên để ăn một bữa cơm trong không khí thân mật như thế nầy. Phải nói, tuy chỉ có một mình làm bếp mà Diệu Huệ đã làm nhiều món ăn, món nào cũng hấp dẫn cả. Quả không hổ danh là một người nội trợ giỏi. Hai ông bà chỉ có một đứa con trai. Nhìn thấy cậu bé cũng bảnh trai và dễ thương.

Theo thầy Trí Tuệ cho biết, hôm nay thầy có cái hẹn với bác sĩ, nhưng vì tiếp chúng tôi mà thầy đành phải dời cái hẹn lại ngày khác. Và ngày mai thầy còn phải đi chứng minh cho buổi đại lễ khánh thành của một ngôi chùa mà chính do thầy đứng tên nhận lãnh. Dùng cơm xong, chúng tôi từ giả thầy Trí Tuệ và gia đình Minh Trí để về lại khách sạn. Về tới nơi gần 9 giờ tối. Chúng tôi hẹn nhau sáng mai đến nhà Diệu Huệ dùng sáng rồi nhờ Minh Trí hướng dẫn chúng tôi đi dạo ngắm cảnh chung quanh thành phố. Tôi có làm bài thơ kính tặng thầy Trí Tuệ:

Gặp Nhau

Lâu ngày huynh đệ gặp nhau đây

Sáng sớm đến nơi gõ cửa thầy

Mì gói cà phê ngồi thưởng thức

Nâu vàng gặp lại cảm vui thay

Bao năm xa cách nay tương hội

Tâm sự giải bài kỷ niệm dai

Phủ kín rừng cây vui gió mát

Kiên cường chí quyết chẳng lung lay.

Ngày 10/10/12/

Tham quan thành phố

Như đã nói, sáng sớm hôm nay, chúng tôi được Minh Trí và Diệu Huệ mời đến nhà dùng phở và rồi sau đó đi dạo phố tham quan một vài nơi. Chúng tôi trả phòng và rời khách sạn lúc 7 giờ 15 phút. Tới nhà Minh Trí khoảng 9 giờ. Từ khách sạn đến nhà Minh Trí cũng khá xa. Vì lạ đường nên phải theo cái máy chỉ dẫn. Nhờ vậy mà đi không lạc. Dùng phở xong, chúng tôi đi chung một chiếc xe van. Minh Trí ngồi ghế trước để chỉ đường. Sáng nay nắng ấm đẹp trời. Minh Trí cho biết, Cộng Đồng Người Việt định cư ở Mỹ có ba tiểu bang đông nhất: California, Taxas và Virginia. Thành phố ở đây là Fairfas. Chúng tôi đi xuyên qua Ngũ giác đài, tức tòa nhà năm góc, đài kỷ niệm vị tổng thống đầu tiên Hoa Kỳ là George Washington. Đền kỷ niệm rất cao đầu nhọn hoắt giống như mũi nhọn của cây viết chì. Đền kỷ niệm thứ hai là của một vị tổng thống nổi tiếng qua bản tuyên ngôn độc lập. Ngôi đền gồm có 4 góc nằm bên cạnh dòng sông Potomac. Thủ đô chính của tiểu bang nầy là Washington D.C. Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên tìm hiểu một vài nét chính yếu của thủ đô tập trung quyền lực tối cao nầy. Theo tài liệu Wikipedia cho chúng ta biết như sau:

"Washington, D.C. ( Hán Việt: Hoa Thịnh Đốn) là thủ đô của Hoa Kỳ, được thành lập vào ngày 16 tháng 7 năm 1790. Mang tên chính thức District of Columbia (viết tắt D.C.), có nghĩa Đặc khu Columbia, thành phố này còn thường được gọi là Washington, the District, hoặc đơn giản hơn D.C. Trong tiếng Việt, District of Columbia cũng được dịch là Quận Columbia nhưng dễ nhầm lẫn vì có đến 8 quận tại Hoa Kỳ mang tên Columbia, đặc biệt nhất là quận Columbia, Washington, một quận nằm trong tiểu bang Washington. Về địa vị chính trị thì Washington, D.C. được xem là gần như tương đương với các tiểu bang của Hoa Kỳ.[3]

Thành phố Washington ban đầu là một đô thị tự quản riêng biệt bên trong Lãnh thổ Columbia cho đến khi một đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ năm 1871 có hiệu lực kết hợp thành phố và lãnh thổ này thành một thực thể duy nhất được gọi là Đặc khu Columbia. Đó là lý do tại sao thành phố này trong khi có tên gọi chính thức là Đặc khu Columbia lại được biết với tên gọi là Washington, D.C., có nghĩa là thành phố Washington, Đặc khu Columbia. Thành phố nằm bên bờ bắc sông Potomac và có ranh giới với tiểu bang Virginia ở phía tây nam và tiểu bang Maryland ở các phía còn lại. Tuy đặc khu này có dân số 591.833 người nhưng do nhiều người di chuyển ra vào từ các vùng ngoại ô lân cận nên dân số thực tế lên đến trên 1 triệu người trong suốt tuần làm việc. Vùng đô thị Washington, bao gồm cả thành phố, có dân số 5,3 triệu người là vùng đô thị lớn thứ 8 tại Hoa Kỳ.

Điều một trong Hiến pháp Hoa Kỳ có nói đến việc lập ra một đặc khu liên bang, không phụ thuộc vào bất cứ tiểu bang nào, để phục vụ như thủ đô vĩnh viễn của quốc gia. Các trung tâm của ba ngành trong chính phủ liên bang Hoa Kỳ cùng nhiều đài tưởng niệm và bảo tàng quốc gia đều nằm trong đặc khu. Washington, D.C. là nơi tiếp nhận 173 đại sứ quán ngoại quốc cũng như các tổng hành dinh của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, và Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO). Ngoài ra còn có tổng hành dinh của các cơ quan khác như các liên đoàn lao động, các nhóm vận động hành lang, và các hội đoàn nghiệp vụ cũng đặt tại nơi đây.

Quốc hội Hoa Kỳ có quyền hành tối cao đối với Washington, D.C. vì vậy cư dân của thành phố có ít quyền tự trị hơn cư dân của các tiểu bang Hoa Kỳ. Đặc khu có một đại biểu quốc hội chung nhưng không có quyền biểu quyết và cũng không có thượng nghị sĩ nào. Cư dân Đặc khu Columbia trước đây không thể tham gia bầu Tổng thống Hoa Kỳ cho đến khi Tu chính án 23 Hiến pháp Hoa Kỳ được thông qua năm 1961. Nếu Washington, D.C. là một tiểu bang thì nó sẽ đứng cuối cùng tính theo diện tích, hạng hai từ cuối nếu tính theo dân số, đứng đầu tính theo mật độ dân số, đứng thứ 35 tính theo tổng sản phẩm nội địa tiểu bang, và đứng hạng nhất về phần trăm dân số người Mỹ gốc châu Phi, khiến cho Washington, D.C. trở thành một tiểu bang có đa số dân thiểu số.

Xét về phương diện lịch sử thì: "Khi những người châu Âu đầu tiên đến đây vào thế kỷ 17, một sắc dân Algonquia với tên gọi Nacotchtank đã cư trú ở khu vực quanh sông Anacostia trong vùng Washington ngày nay.[4] Tuy nhiên, phần lớn những người Mỹ bản thổ đã rời bỏ khu vực này vào đầu thế kỷ 18.[5] Năm 1751, Georgetown được tỉnh Maryland cấp phép thành lập trên bờ bắc sông Potomac. Thị trấn này là một phần của lãnh thổ liên bang mới được thành lập gần 40 năm sau đó.[6] Thành phố Alexandria, Virginia, thành lập năm 1749, ban đầu cũng nằm trong đặc khu.[7]

Trong bài phát biểu mang tên Federalist No. 43 vào ngày 23 tháng 1 năm 1788, James Madison, vị tổng thống tương lai, đã giải thích sự cần thiết của một đặc khu liên bang. Madison cho rằng thủ đô quốc gia cần phải là một nơi rõ ràng khác biệt, không phụ thuộc vào bất cứ tiểu bang nào để dễ quản lý và gìn giữ an ninh.[8] Vụ tấn công chống quốc hội của một nhóm binh sĩ nổi giận tại thành phố Philadelphia, được biết với tên gọi vụ nổi loạn Pennsylvania năm 1783, đã cho chính phủ thấy cần thiết phải xem xét về vấn đề an ninh của chính mình.[9] Vì thế, quyền thiết lập một thủ đô liên bang đã được ghi rõ trong Điều khoản một, Phần 8 của Hiến pháp Hoa Kỳ, cho phép lập một "Đặc khu (không quá mười dặm vuông) như có thể, bằng phần đất nhượng lại của các tiểu bang nào đó, và được Quốc hội nhận lấy để trở thành nơi đặt trụ sở của chính phủ Hoa Kỳ".[10] Tuy nhiên Hiến pháp Hoa Kỳ không định rõ vị trí cho thủ đô mới. Trong một thỏa hiệp mà sau này được biết đến là "thỏa hiệp năm 1790", James Madison, Alexander Hamilton, và Thomas Jefferson đã đi đến một đồng thuận rằng chính phủ liên bang sẽ lãnh hết nợ chiến tranh mà các tiểu bang đã thiếu với điều kiện là thủ đô quốc gia mới sẽ được đặt tại miền nam Hoa Kỳ.[a]

Quang cảnh Tòa Quốc Hội Hoa Kỳ trước "Vụ đốt cháy Washington" (trong khoảng thập niên 1800)

Ngày 16 tháng 7 năm 1790, Đạo luật Dinh cư (Residence Act) đã cho ra đời một thủ đô mới vĩnh viễn được đặt trên bờ sông Potomac, ngay tại khu vực mà Tổng thống George Washington đã chọn lựa.[b] Như đã được Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép, hình dạng ban đầu của đặc khu liên bang là một hình vuông, mỗi cạnh dài 10 dặm Anh (16 km), tổng diện tích là 100 dặm vuông (260 km²). Trong suốt thời gian từ năm 1791–1792, Andrew Ellicott và một số phụ tá trong đó có Benjamin Banneker đã thị sát các ranh giới giữa đặc khu với cả MarylandVirginia. Cứ mỗi một dặm Anh, họ đặt đá làm mốc ranh giới mà nhiều cột trong số đó vẫn còn lại cho đến ngày nay.[11] Một "thành phố liên bang" mới sau đó được xây dựng trên bờ bắc sông Potomac, kéo dài về phía đông tại Georgetown. Ngày 9 tháng 9 năm 1791, thành phố liên bang được đặt tên để vinh danh George Washington và đặc khu được đặt tên Lãnh thổ Columbia. Columbia cũng là tên thi ca để chỉ Hoa Kỳ được dùng vào thời đó.[c] Ngày 17 tháng 11 năm 1800, Quốc hội mở phiên họp đầu tiên tại Washington.[12]

Đạo luật tổ chức Đặc khu Columbia năm 1801 (District of Columbia Organic Act of 1801) chính thức tổ chức Đặc khu Columbia và đưa toàn bộ lãnh thổ liên bang, bao gồm các thành phố Washington, Georgetown và Alexandria, dưới sự kiểm soát đặc biệt của Quốc hội Hoa Kỳ. Thêm vào đó, lãnh thổ chưa hợp nhất nằm trong Đặc khu được tổ chức thành hai quận: Quận Washington trên bờ bắc sông Potomac, và Quận Alexandria trên bờ nam.[13] Theo đạo luật này, các công dân sống trong đặc khu không còn được xem là cư dân của Maryland hoặc Virginia, vì thế họ không có đại diện của mình tại quốc hội.[14]

Nhà hát Ford vào thế kỷ 19, nơi Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát vào năm 1865

Vào ngày 24–25 tháng 8 năm 1814, trong một cuộc càn quét mang tên vụ đốt phá Washington, các lực lượng Anh xâm nhập thủ đô để trả đũa vụ đốt phá thành phố York, tức Toronto ngày nay. Tòa Quốc Hội Hoa Kỳ, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, và Tòa Bạch Ốc bị đốt cháy và phá hủy trong suốt cuộc tấn công.[15] Phần lớn các dinh thự chính phủ được nhanh chóng sửa chữa trừ tòa nhà quốc hội. Lúc đó tòa quốc hội phần lớn còn đang xây dựng và chưa hoàn thành cho đến năm 1868.[16]

Kể từ năm 1800, cư dân của đặc khu đã liên tiếp chống đối việc họ thiếu đại diện biểu quyết tại quốc hội. Để sửa đổi, nhiều đề nghị đã được đưa ra nhằm trả lại phần đất được Maryland và Virginia nhượng lại để thành lập đặc khu. Diễn tiến này được biết đến với tên Hồi trả Đặc khu Columbia.[17] Tuy nhiên, những nỗ lực tương tự đều thất bại trong việc giành lấy đủ sự ủng hộ cho đến thập niên 1830, khi quận miền nam là Alexandria của đặc khu lâm vào suy thoái kinh tế với sự thờ ơ của Quốc hội.[17] Alexandria cũng là thị trường chính trong giao thương buôn bán nô lệ ở Mỹ, và có nhiều tin đồn được truyền đi khắp nơi rằng những người theo chủ nghĩa bãi nô tại quốc hội đang tìm cách chấm dứt chế độ nô lệ tại đặc khu; một hành động như vậy sẽ khiến cho nền kinh tế của Alexandria thêm suy thoái.[18] Vào năm 1840, do không hài lòng với việc quốc hội kiểm soát Alexandria, dân chúng trong quận bắt đầu thỉnh cầu trao trả lãnh thổ miền nam của đặc khu về bang Virginia. Lập pháp tiểu bang Virginia đồng ý việc lấy lại Alexandria vào tháng 2 năm 1846, một phần vì việc trở lại của Alexandria sẽ cung cấp thêm hai đại diện ủng hộ chế độ nô lệ tại Hội đồng lập pháp Virginia.[17] Ngày 9 tháng 7 năm 1846, quốc hội đồng ý giao trả lại tất cả lãnh thổ của đặc khu nằm ở phía nam sông Potomac về Khối thịnh vương chung Virginia.[17]

Đúng như những người Alexandria ủng hộ chế độ nô lệ lo lắng, Thỏa hiệp năm 1850 đã đưa đến việc đặt giao thương buôn bán nô lệ ngoài vòng pháp luật (mặc dù chưa bãi bỏ chính thức chế độ nô lệ) tại đặc khu.[19] Năm 1860, khoảng 80% cư dân người Mỹ gốc châu Phi của thành phố là người da đen tự do. Việc bùng phát cuộc Nội chiến Hoa Kỳ năm 1861 đã mang đến sự phát triển dân số đáng kể trong đặc khu vì sự mở rộng hoạt động của chính phủ liên bang và một làn sóng di cư ồ ạt của những người nô lệ tự do mới đến.[20] Năm 1862, Tổng thống Abraham Lincoln ký Đạo luật giải phóng và bồi thường nô lệ (Compensated Emancipation Act), kết thúc chế độ nô lệ tại Đặc khu Columbia và giải thoát khoảng 3.100 người đang bị cầm giữ làm nô lệ, vào 9 tháng trước khi Tuyên ngôn giải phóng nô lệ (Emancipation Proclamation) ban bố.[21] Năm 1870, dân số của đặc khu phát triển lên đến gần 132.000 người.[22] Mặc dù thành phố phát triển nhưng Washington vẫn còn các con đường đất và thiếu nền tảng vệ sinh căn bản. Tình hình tồi tệ đến nỗi một số thành viên quốc hội đã đề nghị di chuyển thủ đô đến một nơi khác.[23]

Đám đông vây quanh Hồ Phản chiếu Tưởng niệm Lincoln trong một cuộc diễn hành đòi công ăn việc làm và tự do tại Washington năm 1963.

Bằng một đạo luật tổ chức đặc khu năm 1871, quốc hội đã thiết lập ra một chính quyền mới cho toàn bộ lãnh thổ liên bang. Đạo luật này có hiệu lực kết hợp các thành phố Washington, Georgetown, và Quận Washington thành một đô thị tự quản duy nhất có tên là Đặc khu Columbia.[24] Mặc dù thành phố Washington chính thức kết thúc sau năm 1871 nhưng cái tên của nó vẫn tiếp tục được sử dụng và toàn bộ thành phố bắt đầu được biết đến rộng rãi là Washington, D.C.. Trong cùng đạo luật đó, quốc hội cũng bổ nhiệm một ban công chánh lo về việc hiện đại hóa thành phố.[25] Năm 1873, Tổng thống Grant bổ nhiệm thành viên có ảnh hưởng nhất trong ban là Alexander Shepherd vào vị trí thống đốc mới. Năm đó, Shepherd chi ra 20 triệu đô la (tương đương 357 triệu đô la năm 2007) vào công chánh,[26] để hiện đại hóa Washington nhưng cũng làm cho thành phố bị khánh kiệt. Năm 1874, quốc hội bãi bỏ văn phòng của Shepherd để trực tiếp quản lý.[23] Các dự án khác nhằm thay hình đổi dạng thành phố cũng không được thực hiện cho đến khi có Kế hoạch McMillan năm 1901.[27]

Dân số đặc khu tương đối vẫn không mấy thay đổi cho đến thời Đại khủng hoảng trong thập niên 1930, khi chương trình cải tổ kinh tế mới gọi là New Deal của Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã mở rộng bộ máy chính quyền tại Washington. Đệ nhị Thế chiến làm gia tăng thêm hoạt động của chính phủ và kết quả là tăng thêm số nhân viên liên bang làm việc tại thủ đô;[28] Vào năm 1950, dân số của đặc khu lên đến đỉnh điểm là 802.178 người.[29] Tu chính án 23 Hiến pháp Hoa Kỳ được chấp thuận vào năm 1961, cho phép đặc khu ba phiếu bầu trong đại cử tri đoàn.

Sau vụ ám sát nhà lãnh đạo tranh đấu cho nhân quyền, tiến sĩ Martin Luther King, Jr. ngày 4 tháng 4 năm 1968, các vụ bạo loạn bùng phát tại đặc khu, chủ yếu ở các hành lang ở Đường U, Đường số 14, Đường số 7, và Đường H. Đây là những khu trung tâm thương mại và khu vực cư ngụ của người da đen. Các vụ bạo động kéo dài khoảng ba ngày cho đến khi trên 13.000 binh sĩ liên bang và binh sĩ thuộc vệ binh quốc gia của Đặc khu Columbia được phái đến dẹp loạn. Nhiều cửa tiệm và tòa nhà khác bị thiêu cháy; đa số vẫn còn bị để hoang tàn và không được tái thiết cho đến cuối thập niên 1990.[30]

Năm 1973, quốc hội ban hành Đạo luật Nội trị Đặc khu Columbia (District of Columbia Home Rule Act), cho phép đặc khu được bầu lên một thị trưởng dân cử và một hội đồng thành phố.[31] Năm 1975, Walter Washington trở thành thị trưởng dân cử đầu tiên và cũng là thị trưởng da đen đầu tiên của đặc khu.[32] Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ từ cuối thập niên 1980 và cả thập niên 1990, các chính quyền của thành phố bị chỉ trích vì sai phạm quản lý và hoang phí. Năm 1995, quốc hội thành lập Ban Giám sát Tài chính Đặc khu Columbia (District of Columbia Financial Control Board) để trông coi tất cả việc chi tiêu của và cải tổ chính quyền thành phố.[33] Đặc khu lấy lại quyền kiểm soát tài chính của mình vào tháng 9 năm 2001 và các hoạt động của Ban giám sát bị đình chỉ.[34]

Ngày 11 tháng 9 năm 2001, một nhóm khủng bố cướp chuyến bay 77 của American Airlines và đâm thẳng chiếc máy bay vào Ngũ Giác Đài nằm ở thành phố Arlington, Virginia lân cận. Chuyến bay 93 của United Airlines, theo lộ trình đến Washington, D.C., rơi xuống Pennsylvania do nỗ lực ngăn chặn của hành khách"[35][36]

Về địa lý thì: "Đặc khu Columbia có tổng diện tích là 68,3 dặm vuông (177 km²), trong đó diện tích mặt đất chiếm 61,4 dặm vuông (169 km²) và phần còn lại, 6,9 dặm vuông (18 km²) hay 10,16% là mặt nước.[37] Do phần phía nam lãnh thổ đã được trao trả lại cho Thịnh vượng chung Virginia vào năm 1846, Washington, D.C. ngày nay không còn diện tích 100 dặm vuông (260 km²) như ban đầu. Vùng đất còn lại hiện tại của đặc khu chỉ là khu vực được tiểu bang Maryland nhượng lại. Vì thế Washington bị bao quanh bởi các tiểu bang Maryland ở phía đông nam, đông bắc, tây bắc và Virginia ở phía tây nam. Washington, D.C. có ba dòng chảy thiên nhiên chính là: sông Potomac, sông Anacostia, và lạch Rock. Sông Anacostia và lạch Rock là các nhánh của sông Potomac.[38] Lạch Tiber, một dòng chảy trước kia đi ngang qua Khu dạo chơi Quốc gia (National Mall), đã hoàn toàn bị san lấp trong thập niên 1870.[39]

Washington không được xây trên những vùng đất lấn đầm lầy.[40] Trong lúc vùng đất ngập nước bao phủ những khu vực dọc theo hai con sông và các suối thiên nhiên khác, phần lớn lãnh thổ của đặc khu bao gồm đất nông nghiệp và những ngọn đồi có cây.[41] Địa điểm tự nhiên cao nhất của Đặc khu Columbia nằm tại Tenleytown, cao 409 ft (125 mét) so với mực nước biển.[42] Điểm thấp nhất là mặt biển tại sông Potomac. Trung tâm địa lý của Washington nằm gần ngã tư Đường số 4 và Đường L Tây-Bắc (tên đường phố ở Hoa Kỳ thường gồm có tên khu định hướng như Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc).[43]

Khoảng 19,4% diện tích Washington, D.C. được dành cho công viên, đồng hạng với New York về tỉ lệ đất công viên cao nhất trong số các thành phố Hoa Kỳ có mật độ dân cư cao.[44] Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ quản lý phần lớn những môi trường sống thiên nhiên tại Washington, D.C., gồm có Công viên Rock Creek, Công viên Lịch sử Quốc gia Kênh Chesapeake và Ohio, Khu dạo chơi Quốc gia, Đảo Theodore Roosevelt, và Công viên Anacostia.[45] Khu vực môi trường sống thiên nhiên nổi bật duy nhất không do Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ quản lý là Vườn Thực vật Quốc gia Hoa Kỳ (United States National Arboretum), do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ điều hành.[46] Thác Lớn của sông Potomac nằm trên phía thượng nguồn (tức phía tây bắc) Washington. Trong thế kỷ 19, Kênh Chesapeake và Ohio bắt đầu từ Georgetown được dùng để cho phép các xà lan đi qua con thác".[47]

Về Khí hậu thì: "Washington có khí hậu nửa nhiệt đới, ẩm ướt (Phân loại khí hậu Köppen: Cfa), đây là khí hậu đặc trưng của khu vực các tiểu bang giữa duyên hải Đại Tây Dương (Mid-Atlantic states), có bốn mùa rõ rệt.[48] Đặc khu nằm trong vùng chịu đựng nhiệt độ (Hardiness zone) cấp 8a gần trung tâm thành phố, và vùng chịu đựng nhiệt độ cấp 7b ở những nơi khác trong thành phố. Điều này chứng tỏ Washington, D.C. có một khí hậu ôn hòa.[49] Mùa xuân và mùa thu khí hậu dịu, ít ẩm ướt trong khi mùa đông mang đến nhiệt độ khá lạnh và lượng tuyết rơi trung bình hàng năm là 16,6 in (420 mm).[50] Nhiệt độ thấp trung bình vào mùa đông là quanh 30 °F (-1 °C) từ giữa tháng 12 đến giữa tháng 2. Những cơn bão tuyết gây ảnh hưởng cho Washington trung bình xảy ra cứ mỗi bốn đến sáu năm một lần. Những cơn bão mạnh nhất được gọi là "nor'easter" (bão đông bắc) thường có đặc điểm là gió mạnh, mưa nhiều và đôi khi có tuyết. Những cơn bão này thường ảnh hưởng đến phần lớn vùng ven biển Đông Hoa Kỳ.[50]

Mùa hè có chiều hướng nóng và ẩm, nhiệt độ trung bình hàng ngày trong tháng 7 và tháng 8 vào khoảng 80-89 °F (khoảng 26,7-31,7 °C).[51] Sự kết hợp giữa nóng và ẩm trong mùa hè mang đến những cơn bão kèm sấm chớp rất thường xuyên. Một số cơn bão lớn đôi khi tạo ra lốc xoáy trong khu vực. Trong khi đó các cơn bão nhiệt đới (hurricane), hay tàn dư của nó, đôi khi hoành hành trong khu vực vào cuối hè và đầu thu. Thường thì chúng bị yếu dần khi đến Washington, một phần vì vị trí của thành phố nằm bên trong đất liền. Tuy nhiên lụt lội trên sông Potomac do sự kết hợp của thủy triều cao, sóng biển dâng lên cao lúc có bão được biết đến là đã nhiều lần gây thiệt hại tài sản nặng nề tại Georgetown.[52]

Nhiệt độ cao nhất kỷ lục tại Washington, D.C. là 106 °F (41 °C) được ghi nhận vào ngày 20 tháng 7 năm 1930 và ngày 6 tháng 8 năm 1918, trong khi nhiệt độ thấp nhất kỷ lục là −15 °F (−26.1 °C) được ghi nhận vào trong trận bão tuyết ngày 11 tháng 2 năm 1899. Trung bình, mỗi năm thành phố có 36,7 ngày nóng trên 90 °F (32 °C), và 64,4 đêm dưới độ đóng băng".[50][51]

Chúng tôi xuyên qua một con đường dẫn đến tòa nhà quốc hội, dọc theo hai bên đường có những ngôi biệt thự cao, theo lời Minh Trí hướng dẫn thì phần lớn là các bộ của chánh phủ như: bộ nông nghiệp, bộ ngân khố v.v... Đặc biệt là có một tòa nhà cao lớn là nơi nghiên cứu về những chiếc phi thuyền không gian. Khi gần đến tòa nhà quốc hội, tìm chỗ đậu xe rất khó, vì hôm nay là ngày thường nên các nhân viên quốc hội và những công nhân làm việc họ chiếm hết chỗ đậu xe. Cuối cùng, cũng tìm ra chỗ đậu nhưng hơi xa tòa nhà quốc hội. Chúng tôi chỉ đứng bên ngoài nhìn vào, và nhìn chung quanh quang cảnh nơi đây chớ không thể vào được. Nghe nói, trước đây du khách có thể vào bên trong tham quan, nhưng kể từ ngày hai tòa nhà cao lớn ở New York bị bọn khủng bố lái máy bay làm sụp đổ, cho đến nay chánh phủ ra lệnh cấm tuyệt đối du khách không ai được vào bên trong tham quan.

Tham quan và nhiếp một vài bôi hình kỷ niệm nơi đây, chúng tôi đi sang tham quan tòa nhà trắng ( bạch ốc ). Tòa nhà nầy là biểu trưng cho quyền lực cao nhất nước Mỹ, vì nơi đó là nơi làm việc của phủ tổng thống. Sau đó, chúng tôi đến hồ Tidal Bassing để ngắm cảnh. Chung quanh bờ hồ có nhiều cây hoa anh đào phủ kín. Vì nơi đây là một thắng cảnh xinh đẹp nên có sức thu hút du khách tham quan. Du khách qua lại tới lui tấp nập dập dìu, kẻ đứng, người ngồi, kẻ cười, người nói thật là một cảnh náo nhiệt phồn hoa đô hội. Người ta chú ý nhất là pho tượng đá chân dung của một vị anh hùng người Mỹ da đen, ông đã hô hào tranh đấu vì quyền lợi của người da đen, tên của ông là Martin Luther King.

Nhân tham quan và ngắm cảnh nơi đây, tôi có làm hai bài thơ để lưu niệm.

Quốc Hội

Biểu dương quyền lực tập trung đây

Quốc hội dựng xây cũ bấy chầy

Thượng Nghị họp bàn lo quốc sự

Hạ bày nghị sách thật là hay

Tòa nhà Bạch Ốc ngôi cao vị

Kỷ niệm Đền Đài thống trị ngai

Nước Mỹ siêu cường ai chẳng biết

Quyền hành chi phối khắp Đông Tây.

Hồ Tidal Bassing

Sáng nay nắng đẹp đến tham quan

Cảnh trí nhà cao lắm quý sang

Đẹp mắt phong quang ngàn vẻ đẹp

Bao đền kỷ niệm đá trơ gan

Dập dìu du khách đông như hội

Ngắm cảnh bờ hồ tuyệt mỹ quan

Bóng rợp anh đào che phủ kín

Anh hùng tượng đá đứng hiên ngang.

Xong rồi, chúng tôi đến một khu phố Việt Nam có tên Eden để xem qua cho biết. Phố xá nơi đây cũng rất nhộn nhịp trong việc mua bán. Tôi đi qua một vòng nhìn thấy nơi đâu cũng trưng bày một số các loại hàng hóa và những quán ăn đây đó cũng giống nhau. Xem xong nơi đây trời đã trưa, Minh Trí hướng dẫn chúng tôi đến một nhà hàng sang trọng của người Hoa, có tên là Sun Flowers để dùng trưa. Mỗi người một phần ăn, ai thích ăn món gì thì kêu món nấy. Ăn xong, chúng tôi đưa Minh Trí về nhà và rồi trực chỉ đến thành phố Boston. Khi từ giả Minh Trí, tôi có làm bài thơ tặng cho hai ông bà nầy như để tỏ lòng biết ân.

Chia Tay

Giả từ Minh Trí lúc chia tay

Hướng dẫn đoàn đi hơn nửa ngày

Diệu Huệ cảm ơn tô phở nóng

Cơm chiều thiết đãi tự ra tay

Thức chay nhiều món ăn không hết

Một dạ tâm thành quyết thẳng ngay

Kính chúc gia đình luôn an ổn

Trọn đời hành thiện phúc duyên may!

Trên đường đi, đây là lần đặc biệt khác hơn mọi khi, mọi người trong xe ca hát, làm thơ, đọc thơ, ngâm thơ thật là vui nhộn thú vị. Lần đầu tiên, tôi mới nghe Tuệ Trung và Quảng Đoan hát. Cô Quảng Đoan thì thích hát bản nhạc "Chiếc Áo Tràng Lam" do tôi sáng tác. Chúng tôi có đem theo cuốn "Oai Nghi Của Một Tu Sinh", những bài hát do tôi sáng tác cho đạo tràng Quang Minh ca đều ở trong quyển nầy. Do đó, hôm nay mọi người có dịp đem ra ca hát cho vui. Vì đoạn đường xa nên chúng tôi ca hát nghêu ngao cho đỡ buồn. Nhất là ca hát để cho tài xế vui lái quên đi mệt mỏi khỏi phải ngủ gục. Hai ông bà Tuệ Trung cũng vui lắm. Thầy Phước Nhơn, Thầy Phước Nghĩa hay trêu chọc hai ông bà nầy. Vì Tuệ Trung có ý muốn xuất gia, nhưng có lẽ vì nhân duyên chưa đến nên ông vẫn còn nấn ná dần dà chưa bỏ tục xuất gia được. Chính vì thế, nên Tuệ Trung thường hay bị quý vị nầy trêu chọc. Thấy thế, tôi cũng có làm bài thơ theo thể lục bát để trêu đùa Tuệ Trung và mọi người cho vui.

Tuệ Trung ý muốn xuất gia

Muốn đi mà lại lo xa tính gần

Vào chùa công quả trần thân

Mõ chuông không biết nợ nần Đàn na

Bồ Đề (1) thì cũng muốn qua

Nhưng còn e thẹn nói ra ngại ngùng

Nhiều khi cũng muốn sống chung

Bay sang nước Mỹ sống cùng thầy Nhơn

Chưa quen nếp sống cô đơn

Một mình than thở xanh dờn ốm teo

Tụng kinh đôi mắt leo nheo

Quảng Đoan mới nói cho em theo cùng

Có chi mà phải ngại ngùng

Phước Như, Phước Nguyện đi cùng có đôi

Tuệ Trung mới nói được rồi

Nhưng mà bà phải xa rời tôi ra

Lấy ai săn sóc anh nà!

Những khi bệnh hoạn ai mà lo cho

Trung rằng: bà khỏi phải lo

Thầy Nhơn, thầy Nghĩa lo cho được rồi

Anh đây khỏe lắm em ơi!

Vào chùa anh chỉ báo đời người ta

Trung rằng: anh chỉ hát ca

Tụng kinh thì khó hát ca anh rành

Thầy Nhơn phân tích ngọn ngành

Đi tu khỏe lắm tranh giành gác qua

Trung rằng: tu ở tại gia

Vô chùa cũng thích ở nhà cũng vui

Quảng Đoan nghe nói ngậm ngùi

Lúc thì muốn tiến, lúc thì lùi xa

Tính lui, tính tới dần dà

Vào chùa cũng muốn, xa nhà khó quên

Trung rằng: chẳng nghĩ tới tiền

Nhưng mà chỉ nghĩ thiếu duyên căn lành

Nhiều đêm trời đẹp trăng thanh

Quang Minh, Phước Huệ hỏi nhanh chùa nào?

Kinh kệ thì thuộc chưa lào

Vô chùa đi đám phều phào không hơi

Bấy giờ thưa rõ thầy ơi!

Sao mà khó quá thôi thời gác qua

Cho con tu ở tại gia

Thầy Nhơn hối thúc con mà tính sao

Bồ Đề quá bước qua mau

Không nên lưỡng lự về sau khó thành

Bồ Đề tôi đã sẵn dành

Có phòng huynh ở tu nhanh cho rồi

Tuệ Trung mới nói bà ơi!

Thầy Nhơn đốc thúc, bà thời tính sao?

Xin bà hãy tính cho mau

Quảng Đoan mới nói cùng nhau đi cùng

Thầy Nhơn đồng ý hay không?

Thầy Nhơn mới nói sẵn lòng ô kê

Kề tai Trung nói tỉ tê

Thầy ơi! hãy để khi về tính sau

Quảng Đoan không nói lời nào

Tuệ Trung thấy vậy thì thào nhỏ to

Xin thầy hoan hỷ giùm cho

Đừng có đốc thúc, tôi bò bốn chân

Tính xa không bằng tính gần

Thầy lo xây cất khi cần con qua

Xin đừng có nói xuất gia

Để con an phận cho qua tuổi già

Thật ra không phải sợ bà

Chỉ sợ thầy đuổi đi ra khỏi chùa.

(1 ) Bồ Đề Đạo Tràng của Thầy Phước Nhơn

Viết xong, tôi đọc lên cho mọi người nghe, ai nấy đều thích thú vui cười hớn hở. Nhờ vậy mà chúng tôi đi không cảm thấy mệt mỏi. Trời về chiều, những tia nắng vàng nhạt yếu ớt như còn vương vấn lưu luyến trên những cành cây kẻ lá. Mùa thu những chiếc lá vàng phai xen lẫn màu ửng đỏ dọc theo hai bên đường trông thật đẹp mắt. Chiếc xe cứ xuôi theo quốc lộ 95 ngang qua thành phố Nửu Ước ( New york ). Chúng tôi chỉ đi ngang qua không tiện ghé vào thành phố. Vì khi tới đây trời đã nhá nhem chạng dạng tối. Chúng tôi ngồi trên xe chỉ đưa mắt nhìn qua cho biết thế thôi. Chỉ thấy những tòa nhà xa xa khi ẩn, khi hiện qua những ánh đèn lấp loáng chiếu sáng. Thật đáng tiếc, nhưng biết nói sao hơn, vì theo lịch trình đã định thì, chỉ tham quan thành hố Boston một ngày, sau đó phải trở về và còn ghé qua Canada. Vẫn biết thành phố New York rất nổi tiếng trên thế giới. New York là một thành phố đông dân nhất tại Hoa Kỳ và là một trong những vùng đô thị đông dân nhất trên thế giới. Một thành phố đóng vai trò chủ yếu có tầm vóc lớn ảnh hưởng mạnh mẽ qua các lĩnh vực như: thương mại, tài chính, văn hóa, thời trang và giải trí toàn cầu. Liên Hiệp Quốc đặt tổng hành dinh nơi thành phố nầy, vì thế, nên nó đóng một vai trò then chốt quan yếu làm nơi trung tâm các vấn đề quốc tế. Chính nơi đây thế giới đã phải kinh hoàng hốt hoảng khi nghe tin hai tòa nhà chọc trời biểu dương quyền lực của nước Mỹ đã bị sụp đổ, do quân khủng bố láy máy bay tông vào. Ngoài ra, nó còn có nhiều đặc điểm khác mà một số các thành phố khác trên thế giới không có. Đã thế, mà không ghé để tham quan cho thỏa lòng mong ước từ lâu, âu đó cũng là một điều thiếu sót thật đáng tiếc! Tuy nhiên, như đã nói, vì thời gian không cho phép vả lại, khi ghé vào trời đã tối cũng không quan sát được gì. Thôi thì, đành phải chờ dịp khác vậy.

Thế là, chúng tôi đi thẳng tới khách sạn Clarion để nhận phòng ngủ nghỉ. Chúng tôi tới khách sạn lúc 9 giờ 30 tối. Khách sạn tương đối khá rộng lớn, nhưng có điều nó nằm cách xa thành phố. Từ khách sạn đến trung tâm thành phố Boston phải mất khoảng 2 tiếng đồng hồ lái xe.

Ngày 11/10/12/

Gặp lại người thân

Mới sáng sớm, đã nghe tiếng gõ cửa, tôi vội đến mở cửa thì thấy thầy Phước Nhơn vai mang balô như đã chuẩn bị sẵn sàng, lại có Phước Như và Tuệ Trung nữa. Tôi thầm nghĩ và thắc mắc không biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi chưa kịp hỏi, thì thầy Phước Nhơn lên tiếng hỏi tôi: Thầy có đi Nửu Ước không? Nếu đi thì đi liền, mình còn phải về sớm để đi tham quan nơi đây. Không phút giây chần chờ, Tôi liền trả lời ngay với thầy là tôi không đi. Sở dĩ tôi trả lời không đi, vì có ba lý do: Thứ nhứt, là tôi đã hẹn với cô Mừng, một người em gái kết nghĩa huynh đệ với tôi khi còn ở quê nhà. Mừng hứa là sẽ đến thăm tôi sáng nay. Mừng đã định cư ở thành phố nầy trên mười năm qua. Tôi và Mừng cách xa nhau hơn ba mươi năm chưa một lần gặp mặt. Vì vậy nên tôi phải ở lại để chờ Mừng đến thăm. Thứ hai, tôi cảm thấy mệt, vì từ đây đến New York đoạn đường cũng không phải là gần. Đi như thế mất nhiều thời gian mà cũng không được xem lâu. Chạy tới chạy lui như vậy rất mệt. Vì sáng sớm ngày mai là phải trở về và còn ghé qua Canada nữa. Thứ ba, tôi nói với thầy Phước Nhơn, thầy là tài xế chính, thầy cần phải nghỉ ngơi dưỡng sức cho khỏe, nếu đi như vậy cả ngày thì thầy rất mệt mỏi. Tôi nghĩ, thầy cần phải có chút thời giờ nghỉ dưỡng sức cho khỏe. Tôi trình bày qua ba lý do đó cho mọi người nghe nên tôi không đi, mặc dù lòng tôi thì cũng rất muốn. Sau khi nghe tôi trình bày, thầy Phước Nhơn và quý vị kia cũng không đi. Thế là thầy Phước Nhơn trở về phòng nghỉ ngơi. Tôi có nói với thầy, trưa nay mình sẻ xuống phố và dùng trưa ở phố Tàu. Trong khi đó, thì thầy Phước Nghĩa, Tuệ Trung và cô Quảng Đoan đi dạo ở đâu mà tới chiều tối mới về. Hỏi ra, thì quý vị nầy nói đi lạc.

Tôi ở trong phòng chờ đợi cô Mừng đến. Chờ mãi đến hơn 11 giờ trưa mà cũng không thấy. Vì Mừng không có điện thoại cầm tay nên tôi không thể liên lạc được. Tôi đi xuống bãi đậu xe xem Mừng có tới chưa. Đi tới, đi lui một lát bấy giờ mới nghe Mừng điện thoại. Điện thoại nầy là của cháu Phong, con trai út của Mừng. Mừng không thấy tôi và tôi cũng không thấy cô ta. Tôi cứ ngỡ là cô gọi cho tôi trên đường đi, nhưng không ngờ là cô đã tới nơi. Cuối cùng, chúng tôi gặp mặt nhau ở bãi đậu xe. Mừng không thể che giấu được nỗi xúc động khi gặp tôi. Dù cô rất tế nhị không biểu lộ nỗi vui mừng hiện ra bên ngoài. Tôi mời Mừng và cháu Phong, con trai Út của Mừng và Mô. Cháu Phong đẹp trai và hiền hậu dễ thương. Dù lần đầu tiên gặp tôi, nhưng cháu tỏ ra không chút ngại ngùng. Cháu ôm một thùng đồ theo tôi đến phòng. Hỏi ra, mới biết là Phong chạy lạc đường xa vào vùng quê. Vì vậy khi tìm ra khách sạn thì đã mất gần 3 tiếng đồng hồ. Vì từ nhà của Mừng đến khách Sạn phải mất hơn 2 tiếng lái xe. Chúng tôi hỏi thăm và trò chuyện một lát, thì Mừng mời tôi đi dùng trưa ở Phố Tàu. Tôi mời thầy Phước Nhơn, Phước Nguyện và Phước Như cùng đi. Tôi ngồi bên chiếc xe của Phong, do Phong lái. Còn thầy Phước Nhơn lái chiếc xe van chạy theo sau. Lúc đó, chúng tôi không thấy ba người kia, tức thầy Phước Nghĩa, Tuệ Trung và cô Quảng Đoan. Chúng tôi tới phố nhìn đồng hồ tay là hơn 1 giờ trưa. Đậu xe xong, chúng tôi đi tìm quán ăn chay. Cháu Phong dù ở đây, nhưng cũng không rành lắm về những quán ăn của người Việt và người Hoa. Vì thế, đầu tiên vào cái quán không phải quán chay và người chủ quán chỉ một quán chay gần đó. Chỉ cần bước vài bước tới thang lầu và lên lầu gặp ngay quán cơm chay. Quán nầy nằm trong khu phố Tàu và cũng là trung tâm của thành phố Boston.

Thành Phố Boston

"Boston ( Bá Tôn ) là thủ phủ của tiểu bang Massachusetts ở Hoa Kỳ. Nó là thủ đô không chính thức và là thành phố lớn nhất ở New England. Được thành lập năm 1630, Boston là một trong những thành phố cổ xưa nhất và có ảnh hưởng lớn đến văn hóa của Mỹ. Kinh tế của thành phố dựa vào giáo dục bậc cao, nghiên cứu, chăm sóc sức khỏe, tài chính và kỹ thuật, chủ yếu là kỹ thuật sinh học.

Boston được thành lập vào ngày 17 tháng 9, năm 1630, bởi những người khai khẩn thuộc địa Puritan từ Anh, trên một bán đảo gọi là Shawmut mà những người bản xứ Mỹ ở đó. Bán đảo nầy nối với đất liền bởi một eo đất hẹp, bao quanh bởi nước của vịnh Massachusetts và những đầm lầy tại cửa sông Charles. Những người định cư châu Âu đầu tiên ở Boston ban đầu gọi vùng nầy là Trimountaine. Sau đó họ đặt lại tên thị trấn theo tên Boston. Anh, ở Lincolnshire, vì từ vùng đó một số "tín đồ" nổi bật đã di cư đến. Một phần lớn công dân đầu tiên của Boston là những người Puritans. Thống đốc nguyên thủy của khu thuộc địa vịnh Massachsetts, John Winthrop, đã đưa ra một bài giảng đạo nổi tiếng với tựa là "thành phố trên đồi", nắm bắt ý tưởng là Boston có một thỏa ước đặc biệt với Thượng đế. (Winthrop cũng dẫn đầu việc ký kết hiệp định Cambridge được xem là văn bản quan trọng thiết lập nên thành phố.) Đạo đức Puritan đã hun đúc nên một xã hội hết sức bền vững và có cấu trúc tốt ở Boston. Ví dụ, rất ngắn sau khi định cư ở Boston, những người Puritan thành lập trường công lập đầu tiên ở Mỹ, Boston Latin School (1635), và trường đại học đầu tiên ở Mỹ, Harvard College (1636). Chăm chỉ, giữ đạo đức, và một sự nhấn mạnh vào giáo dục vẫn là một phần của văn hóa Boston. Cho đến những năm 1760, Boston là thành phố lớn nhất, giàu có nhất và ảnh hưởng nhất nước Mỹ.

Old State House thế kỉ 18 ở Boston được bao quanh bởi các tòa nhà cao tầng của thế kỉ 19 và 20.

Trong đầu thập kỉ những năm 1770, người Anh cố gắng mở rộng sự kiểm soát trên mười ba thuộc địa, chủ yếu là qua thuế khóa, làm người dân Boston khởi xướng cách mạng Mỹ. Vụ Thảm sát Boston, tiệc trà Boston, và một số trận đánh đầu tiên xảy ra trong hay gần thành phố, bao gồm Trận đánh Lexington và Concord, Trận Bunker Hill, và Cuộc bao vây Boston. Trong giai đoạn này, Paul Revere đã làm nên chuyến đi lịch sử lúc nửa đêm" ( 7 ).

Trở lại vấn đề ăn uống ở quán ăn. Mỗi người coi tờ thực đơn tùy theo sở thích mà chọn lựa. Ở đây họ bán cũng có nhiều thức ăn như: hủ tiếu xào, mì xào, cơm cà ri, cơm đậu hủ xào gừng v.v...

Chùa Bồ Đề

Dùng xong, thầy Phước Nhơn đi lo công việc riêng, còn lại chúng tôi đi với Phong đến nhà bà hai để đi viếng thăm chùa Bồ Đề. Mừng cho tôi biết bà Hai là một Phật tử thuần thành thường xuyên đi chùa nầy. Đến nơi, phải chờ bà Hai khoảng nửa tiếng đồng hồ. Vì bà đi làm buổi chiều kẹt xe nên về trễ. Thầy Phước Nhơn hẹn gặp chúng tôi ở chùa. Nhưng thầy tìm địa chỉ không ra, khi tìm được tới nơi trời đã tối. Chúng tôi ngồi chung một chiếc xe do Hũ, con trai của bà Hai lái. Từ nhà bà Hai đến chùa mất khoảng 15 phút lái xe. Đến nơi, chúng tôi vào chánh điện lạy Phật. Sau đó, có thầy Tuệ Tỉnh đến tiếp chúng tôi ở phòng khách. Đây là ngôi chùa mua nhà sửa lại toàn bộ cũng khá khang trang. Cơ sở nầy theo hệ phái Thiền tông của Hòa Thượng Thích Thanh Từ. Thầy Tuệ Tỉnh quê ở Cái Sách thuộc tỉnh Vĩnh Long, xuất gia ở Thường Chiếu. Được Hòa thượng Thanh Từ bổ nhiệm làm trụ trì ở chùa nầy. Chúng tôi chuyện trò đàm đạo với nhau hơn nửa tiếng đồng hồ. Sau đó, thầy Phước Nhơn đến và rồi chúng tôi từ giả mọi người về lại khách sạn. Về tới khách sạn khoảng 9 giờ tối. Tắm rửa xong, Phước Như nấu cho hai gói mì, tôi và thầy Phước Nhơn dùng ở phòng tôi. Tối nay, mọi người ngủ sớm vì ngày mai lên đường sớm. Khoảng 3 giờ 50 phút khuya, thầy Phước Nhơn điện thoại báo cho tôi biết là sẽ khởi hành vào lúc 4 giờ 30, vì vậy, mọi người phải có mặt ở xe trước 4 giờ 30. Thế là, chúng tôi rời khỏi khách sạn đúng như ngày giờ đã định.

Ngày 12/10/12/

Đêm qua, trời mưa rỉ rả dường như suốt đêm. Lúc xuống xe trời vẫn còn mưa và gió thổi rất lạnh. Mưa gió càng lúc càng nhiều hơn. Xe chạy trong cơn mưa tầm tả. Thường lệ, những lúc đi vào buổi khuya như thế nầy, thì chúng tôi đều có tụng kinh, niệm Phật. Chúng tôi công phu sáng ở trên xe. Ngoài trời mưa rơi nặng hạt, trong xe ngồi tụng kinh, niệm Phật cảm nghe cõi lòng ấm áp làm sao! Vì trời mưa nên xe chạy tốc độ chậm. Ngồi bên tài xế, lúc nào tôi cũng để ý thầy Phước Nhơn lái. Nhất là buổi khuya mà trời mưa như thế nầy thì dễ buồn ngủ lắm. Tài xế mà ngủ gục thì cả xe lãnh đủ.

Đến trạm đổ xăng, lúc nầy trời đã sáng hẳn rồi mà mưa vẫn chưa tạnh. Sau khi đổ xăng, thầy Phước Nhơn mua cho mỗi người một vài cái bánh nhỏ ăn lót lòng. Khi chúng tôi dừng lại ở trạm xăng thứ hai bấy giờ trời mới dứt mưa hẳn. Tuy nhiên, bầu trời vẫn còn u ám, mây mù vẫn còn bao phủ. Thời tiết hôm nay rất xấu. Nhờ thời tiết nầy mà quý vị trong xe dễ ngủ. Sau khi tụng kinh, niệm Phật xong, nghe mọi người yên lặng, không ai nói lời nào là tôi biết quý vị đó đang thả hồn ngao du trong giấc mộng. Tôi thì không thể ngủ được, vì lúc nào cũng phải để ý canh chừng ông tài xế. Thường thì hay kiếm chuyện để nói cho tài xế khỏi buồn ngủ. Nhờ vậy mà tài xế lúc nào cũng tỉnh táo.

Thác Nước Niagra Falls

Chúng tôi đến Niagara Falls gần 12 giờ trưa. Sau khi mua thức ăn bỏ bụng, chúng tôi đi dạo quanh hồ để quan sát thác nước. Thác nước nầy có tên là Niagara Falls. "Thác Niagara ( tiếng Anh: Niagara Falls; tiếng Pháp: les Chutes du Niagara) là thác nước ở sông Niagara tại Bắc Mỹ, nằm ở đường biên giới của Hoa Kỳ và Canada. Thác Niagra bao gồm 3 thác riêng biệt: thác Horseshoe (Canada) (đôi lúc gọi là thác Canada), thác Mỹ và một thác nhỏ hơn gần đó là thác Bridal Vei. Dù thác không cao nhưng các thác Niagra rất rộng. Với hơn 168.000 m³ nước rơi xuống mỗi phút[1] vào thời điểm nhiều nhất, và trung bình gần 110.000 m³ mỗi phút, đây là thác nước mạnh nhất ở Bắc Mỹ[2]. Thác Niagara tọa lạc khoảng 20 phút đi từ thành phố Buffalo của Hoa Kỳ và Toronto của Canada.

Các thác Niagra nổi tiếng vì vẻ đẹp và nguồn giá trị cho thủy điện và một dự án gây thách thức cho bảo vệ môi trường. Là một địa điểm du lịch nổi tiếng một thế kỷ, kỳ quan thiên nhiên này nằm giữa hai thành phố kết nghĩa Niagara Falls, Ontario và Niagara Falls, New York. Thác Niagara gồm Thác Móng Ngựa (Horseshoe Falls-thuộc Canada) và Thác Mỹ. Thác Horseshoe Falls cao khoảng 173 feet (53m). Chiều cao thác Mỹ thay đổi từ 70–100 feet (21m) do khối đá lớn nằm dưới chân thác. Thác Horseshoe Falls rộng khoảng 2600 feet (792 m) , còn Thác Mỹ American Falls rộng 1.060 feet (323 m). Thể tích nước của thác vào mùa nước lớn có thể đạt tới 202.000 cubic feet mỗi giây (5.720 m³/s). Suốt mùa hè, mỗi giây khoảng 2.832 m³ nước chảy qua thác, trong đó tới 90% là qua thác Horseshoe Falls.

Vượt qua thác

Tháng 10 năm 1829, Sam Patch –nhảy thác và sống sót, mở ra ‘truyền thống’ daredevils vượt thác. Vào ngày 24 tháng 10 năm 1901, cô giáo 63 tuổi ở bang Michigan tên là Annie Edson Taylor đã là người đầu tiên vượt thác trong một cái thùng; Bà này cũng sống sót, tuy bị xây xước một chút nhưng hầu như bình yên vô sự. Sau bà Taylor, 14 người khác cũng muốn vượt thác trong hoặc trên một phương tiện nào đó. Một vài người không hề hấn gì nhưng đa số bị thương nặng. Những người sống sót sau những trò phô trương này đều bị buộc tội và bị phạt bởi vì luật cấm nhảy thác đã được đưa ra ở cả hai nước.

Điều kỳ diệu ở Niagara "Miracle at Niagara" xảy ra ngày 9 tháng 7 năm 1960, một cậu bé 7 tuổi người Mỹ tên là Roger Woodward đã sống sót khi rơi từ trên đỉnh thác Horseshoe Fall xuống mà chỉ được bảo vệ bởi một chiếc áo phao. Cô chị gái của cậu, Deanne, được cứu khi chỉ còn cách miệng thác chừng 20 feet (6m) . Vài phút sau, Roger được cứu ở phía dưới chân thác bởi những người trên tàu Maid of the Mist (Tàu du lịch ở thác Niagara). Sự sống sót khó tin của cậu đã được đưa tin khắp thế giới" ( 8 ).

Trong khi đi dạo chung quanh bờ hồ nhìn thấy thác nước chảy mạnh, bỗng tôi liên tưởng đến những thác nước ở quê nhà - Đà Lạt. Đà lạt có những thác nước nổi tiếng và hùng vĩ thu hút nhiều du khách thưởng ngoạn như những thác nước: Cam Ly, Đatanla, Prenn và thác Pongour. Dòng thác vật lý đâu có khác gì dòng thác tâm lý. Từ xa nhìn dòng thác đổ từ trên cao chảy xuống khác nào như một tấm lụa trắng phao, nhưng kỳ thật thì từ giọt nước nầy đẩy giọt nước kia vì tốc độ quá nhanh nên chúng ta không thấy được đó thôi. Tâm thức của chúng ta cũng vậy. Mỗi niệm mỗi niệm sanh diệt liên tục, vì quá vi tế nên chúng ta không thể nhận ra. Người tu hành phải đến quả vị Phật mới dứt sạch hết những vọng niệm biến chuyển sinh diệt vi tế nhỏ nhiệm nầy. Nhân nhìn cảnh nầy, tôi ngẫu hứng có làm bài thơ lưu niệm.

Dòng thác

Nước chảy xuôi dòng sóng cuộn cao

Tạo thành tiếng nhạc rất thanh tao

Người xem ngắm cảnh trời se lạnh

Thác đổ ầm ầm lá đổi màu

Nước biếc trong xanh tàu qua lại

Cầu vòng ửng đỏ vắt ngang nhau

Sông chia hai nước thành biên giới

Mỹ quốc Nada đẹp kết giao.

Sau khi tham quan ngắm cảnh nơi đây, chúng tôi đi qua Canada. Ranh giới ngăn chia giữa hai nước cách nhau chỉ một cái cầu. Nửa cây cầu bên đây là nước Mỹ và nửa cây cầu bên kia là nước Canada. Chúng tôi dừng lại trình giấy thông hành ( pasport ) ở trạm kiểm soát. Chỉ mất khoảng 15 phút là chúng tôi đã qua biên giới Canada. Thủ tục kiểm soát giấy thông hành qua lại giữa hai nước thật quá dễ dàng. Tuy nhiên, từ Mỹ qua Canada thì dễ dàng như thế, nhưng khi trở lại hay từ Canada qua Mỹ thì không phải dễ dàng như thế đâu. Trạm kiểm soát của Mỹ họ xét hỏi rất kỹ lưỡng. Vì như chúng ta biết, xưa nay nước Mỹ có quá nhiều kẻ thù, nên họ rất sợ về vấn đề an ninh khủng bố. Qua Canada, chúng tôi đảo qua một vòng để ngắm cảnh, vì từ Canada nhìn qua cảnh thác đổ đẹp hơn là từ Mỹ. Ai có đến đây ngắm cảnh rồi thì đều phải công nhận như thế.

Phố Chiều ở Canada

Đảo qua một vòng xong rồi, chúng tôi thẳng đến Toronto. Từ nơi nầy đến Toronto mất khoảng gần 2 tiếng đồng hồ lái xe. Chúng tôi tới nhà chú Thông, tức người em trai thứ sáu của thầy Phước Nhơn. Khi đến nơi, nhìn đồng hồ tay là đúng 4 giờ 30 chiều. Khi đến, vợ chồng chú Thông đi làm chưa về. Nhờ có hai đứa con của chú ở nhà nên chúng tôi mới vào bên trong được. Chú Thông có hai đứa con một gái, một trai, đứa gái là chị, đứa trai là em. Sau khi chú Thông về, chú thím định nấu cơm ở nhà, nhưng thầy Phước Nhơn bảo đừng nấu, tranh thủ thời gian đi dạo phố rồi tiện thể ghé nhà hàng ăn luôn. Mọi người đều đồng ý nhất trí như thế. Thế là vợ chồng con cái của chú Thông đi chiếc xe nhỏ, còn chúng tôi đi chiếc xe van. Từ nhà tới phố phải mất gần 1 giờ đồng hồ lái xe. Tới nơi, chúng tôi đi dạo qua một vòng, ai nấy cảm thấy đói bụng, vì lúc nầy trời sắp tối rồi. Phố Tàu ở đây nếu so với phố Tàu ở Melbourne thì nó có chiều dài và rộng lớn hơn. Trời chiều gió thổi se lạnh, kẻ qua người lại tấp nập. Chúng tôi đứng chờ chú Thông đến hơi lâu. Có lẽ chú tìm chỗ đậu xe khó khăn. Khi gặp rồi, thì mọi người cùng đi vào nhà hàng Tàu để dùng bữa ăn tối. Nhà hàng nầy cũng khá rộng và khang trang. Cách thiết trí cũng khá xinh lịch và tao nhã. Dùng xong, chúng tôi ra xe về nhà chú Thông ngủ qua đêm để chuẩn bị sáng mai lên đường trở về chùa sớm.

Ngày 13/10/12/

Tai Nạn kinh hoàng

Như đã định, sáng nay mọi người thức dậy sớm ăn uống để chuẩn bị lên đường. Dùng sáng đơn sơ, sau đó, chúng tôi chia tay với gia đình chú Thông và rời khỏi nhà vào lúc 5 giờ 15 phút sáng. Khi lên xe, đâu đó ổn định, như thường lệ, chúng tôi tụng kinh, niệm Phật. Chúng tôi tụng phần tựa của chú Lăng Nghiêm và tụng chú Đại Bi qua Bát Nhã, rồi tụng bài kệ Tán Phật và niệm Phật. Vừa tụng xong bài Tán Phật, đến cua quẹo, bất thình lình, xe bị lạc tay lái, đụng vào hàng rào sắt bảo vệ bên lề đường, thầy Phước Nhơn mất bình tĩnh bẻ tay lái quá gắt nên xe mất thăng bằng lật nằm nghiêng về phía bên tôi ngồi. Thế là tai nạn kinh hoàng đã xảy ra chớp nhoáng không đầy hai giây đồng hồ. Từ nhà chú Thông chạy tới đây khoảng 10 phút. Rất may, mọi người trong xe chỉ bị thương tích nhẹ và có người thì không có bị thương tích gì. Những vị ngồi bên phía tôi đều bị thương cả. Người bị nặng nhất là cô Quảng Đoan, tức bà xã của anh Tuệ Trung. Lúc đó, Thầy Phước Nhơn, cứ tưởng là tôi văng ra khỏi xe và đã bị chết rồi. Nên thầy vội lên tiếng kêu tôi hai lần. Trong xe lúc đó tối om không nhìn thấy ai cả. Mọi người đều ra khỏi xe, chỉ có cô Quảng Đoan bị kẹt hai cánh tay lấy không ra, vì ghế xe ép lại. Thật sự lúc đó không ai thấy được tình trạng hai cánh tay của cô Quảng Đoan bị kẹt như thế nào. Dù vậy, lúc đó cô vẫn còn tỉnh táo. Tôi nghe cô nói là hai tay của con bị két lấy không ra được.

Cũng may, lúc đó có hai ông Tây chạy xe ngang qua, thấy vậy họ dừng xe lại đến giúp chúng tôi và gọi điện thoại báo cho cảnh sát. Không đầy 10 phút sau, xe cảnh sát, hai chiếc xe cứu thương và xe kéo đều tới một lượt. Xe cảnh sát chặn đường không cho xe qua lại. Vì là sáng sớm của ngày thứ bảy, nên ít có xe qua lại. Chiếc xe bị lật nằm nghiêng một bên ở giữa đường. Họ xúm nhau lại cưa hai cánh cửa ở phía sau xe để lấy tay cô Quảng Đoan ra. Họ làm gần cả tiếng đồng hồ mới lấy ra được. Máu chảy nhiều quá. Trong khi đó, những vị bị thương nhẹ như tôi bị ba vết trầy ở mu bàn tay mặt và bầm ở cù chỏ, còn anh Tuệ Trung thì cũng bị trầy trụa hết cánh tay máu me chảy đầy. Cô Phước Như thì bị đau ở bên hông và bị đứt sâu ở ngón tay út. Còn lại những vị khác như thầy Phước Nhơn tài xế, thầy Phước Nghĩa và chú Phước Nguyện thì an toàn không bị thương tích chi cả. Riêng tôi, nhờ có cái gối và cái áo hai lớp da bảo vệ nên cũng không đến đổi nào. Cái tay áo bên phải của tôi bị rách nát hai lỗ lớn. Thật lúc đó, tôi cũng không biết vì sao mà bị rách nữa. Nhìn lại, tôi chỉ bị thương nhẹ ở mu bàn tay thôi. Khi cảnh sát và xe cứu thương họ làm việc, thì tất cả chúng tôi ngồi lại một chỗ. Lúc đó, chúng tôi ngồi co ro run cầm cập vì sáng sớm trời rất lạnh. Thấy thế, nhân viên của xe cứu thương cho chúng tôi mượn mấy cái mền quấn lại cho đỡ lạnh. Cảnh sát phỏng vấn từng người nhất là hỏi thầy Phước Nhơn nhiều nhất. Vì thầy Phước Nhơn là tài xế.

Sau đó, nhân viên của xe cứu thương mời tất cả chúng tôi lên chiếc xe cứu thương lớn để đưa chúng tôi đến bệnh viện gần đó. Riêng cô Quảng Đoan vì bị thương tích khá nặng nên họ chở cô đến bệnh viện lớn ở thành phố Toronto. Điều mà chúng tôi nhận thấy, khi xảy ra tai nạn ai nấy đều bình tĩnh không có ai hốt hoảng sợ hãi la lên cả. Vì lúc đó mọi người trong xe đang nhiếp tâm tụng niệm. Nhờ vậy mà mọi người giữ được sự bình tĩnh. Khi chúng tôi vào bệnh viện, có một anh cảnh sát người Á châu, có lẽ anh ta là người Hoa, anh theo chúng tôi vào trong bệnh viện tiếp tục phỏng vấn thầy Phước Nhơn. Lúc đó, tôi thấy thật thương cho thầy Phước Nhơn. Tai nạn vừa mới xảy ra đã chưa hoàn hồn, còn lại bị cảnh sát hỏi cung dồn dập tới tấp. Anh ta hỏi những câu hỏi bằng tiếng Anh, câu nào nghe được thì thầy Phước Nhơn trả lời, câu nào không hiểu rõ thì thôi. Vì tiếng Anh của thầy Phước Nhơn cũng đâu có giỏi lắm. Thật là tội nghiệp cho thầy quá! Tôi cũng thầm cảm phục thầy, dù vậy, nhưng thầy cũng vẫn giữ bình tĩnh để trả lời những câu hỏi của cảnh sát có liên quan đến tai nạn do thầy lái.

Chúng tôi ngồi chờ đợi ở đây hơn cả tiếng đồng hồ, để cho họ làm thủ tục giấy tờ và khám bệnh. Họ ghi tên họ của tôi và của cô Phước Như đều sai, dù chúng tôi có đưa thẻ chứng minh cho họ thấy. Cũng may là chúng tôi phát hiện kịp thời nên bảo họ chỉnh lại ngay nếu không thì thật là phiền phức. Thật ra, thì họ đâu có khám bệnh gì. Họ chỉ hỏi đại khái vài câu cho có lệ xem mình có bị gì không. Mình nói không, thì họ băng bó vết thương rồi thôi. Ấy thế, mà họ đưa cho mình một cái danh sách liệt kê ra nhiều thứ mà mình không có biết thứ gì cả. Nghĩa là những cái họ ghi ra thật thì mình đâu có bị. Như đầu gối mình đâu có bị gì mà họ cũng ghi mình bị đau ở đầu gối. Sau khi liệt kê ra nhiều thứ rồi, họ tính tiền mỗi người là 650 đô Canada, tất cả giá tiền đều bằng nhau. Nghĩa là tôi, cô Phước Như và anh Tuệ Trung đều như thế cả. Số tiền nầy chúng tôi phải trả tiền mặt cho bệnh viện. Nếu không thanh toán đủ số tiền nầy, thì làm sao có thể ra khỏi nước của họ được? Về việc khiếu nại bảo hiểm để đòi lại số tiền nầy, đó là nhiệm vụ của chúng tôi. Họ chỉ cần biết chúng tôi phải trả tiền cho họ đủ thôi. Tuy nhiên, không phải chúng tôi trả tiền liền mà trước khi về lại Mỹ chúng tôi mới trả.

Còn chiếc xe sau khi cưa hai cánh cửa sau và lấy hai cánh tay của cô Quảng Đoan ra rồi, xe kéo họ lại giành nhau để kéo chiếc xe về gara của họ. Nhắc lại, sau khi khám bệnh, thầy Phước Nhơn liên lạc với chú Thông đến bệnh viện để chở chúng tôi về nhà. còn thầy Phước Nhơn và anh Tuệ Trung thì ở lại bệnh viện. Vì xe nhỏ chở không hết. Sau đó, chú Thông trở lại bệnh viện chở thầy Phước Nhơn đến chỗ bỏ sửa xe để lấy đồ đạc còn kẹt lại ở trong xe. Vì khi cảnh sát tới lập biên bản, không ai lấy được bất cứ món đồ gì ở trong xe ra cả. Lúc đó cảnh sát cấm không cho ai vào trong xe. Tất cả những đồ lặt vặt trong xe còn nguyên, chỉ có thầy Phước Nhơn mất một cái máy Ipad. Khi mang đồ về, cái gì của ai cũng còn đủ cả. Riêng thuốc uống của tôi chỉ còn được một ít, còn bao nhiêu đều bị văng mất hết. Tôi đem theo 5 loại thuốc mà chỉ còn được có 3 viên thuốc cao máu và vài viên thuốc bổ xương. Những loại thuốc nầy, tôi bỏ trong một cái túi vải màu vàng đậm, nhưng cái túi nầy bị đứt làm hai và nghiền nát luôn. Ngoài ra, cái túi vải màu vàng đựng y hậu và cái bóp đựng giấy tờ của tôi để trong xe thì còn nguyên vẹn. Túi xách và tiền bạc của cô Quảng Đoan cũng không có mất. Những tàng tích đem về, trong số đó có cái gối bị rách một lỗ lớn và cái áo của cô Quảng Đoan thắm đầy máu me.

Như đã nói cô Quảng Đoan được đưa vào bệnh viện lớn. Tôi còn nhớ tên của bệnh viện là Suny Brook. Vì tình trạng cánh tay phải của cô khá nặng, nên sau khi đưa vào bệnh viện bác sĩ phải giải phẩu ngay. Chúng tôi ai nấy đều lo lắng về tình trạng sức khỏe của cô, vì khi cô bị thương máu ra rất nhiều. Tội nghiệp cho anh Tuệ Trung lo lắng ngồi đứng không yên. Thầy Phước Nhơn cũng sốt ruột. Nói chung trong đoàn ai cũng lo lắng cho cô cả. Thầy Phước Nhơn cho biết là đã gọi cho bảo hiểm và bảo hiểm sẽ bồi thường xe, vì chiếc xe đã hư hại nặng nề không thể sửa được. Những cánh cửa kiếng phía bên chúng tôi ngồi đều bị bể nát hết. Song có điều không ai bị miểng kiếng văng trúng cả. Lạ hơn nữa, tôi và thầy Phước Nghĩa đi chân không ( khi lên xe lột giày ra cho thoải mái đôi chân, vì đôi chân của tôi bị tê ) ra ngoài, nhưng không đạp nhằm miểng kiếng nào cả. Chiếc xe van 7 chỗ ngồi đưa chúng tôi đi gần suốt cuộc hành trình, chỉ còn có ngày thứ bảy nầy nữa là kết thúc chuyến đi một cách hoàn toàn tốt đẹp. Thế nhưng, một tai nạn bất ngờ xảy ra thật không ai lường trước được. Chúng tôi có hẹn với quý Phật tử ở bên chùa thầy Phước Nhơn là sáng hôm sau, tức ngày chủ nhật 14/12/12/ sẽ có khóa tu thọ bát tại chùa. Sau đó, chúng tôi sẽ nghỉ dưỡng vài ngày để chuẩn bị về Úc. Tuy nhiên, sự đời đôi khi cũng không thể xảy ra đúng theo ý mình muốn.

Chúng tôi dùng cơm chiều lúc 5 giờ 30, sau đó chú Thông đưa thầy Phước Nhơn và Tuệ Trung vào bệnh viện thăm cô Quảng Đoan. Sau khi giải phẩu, tình trạng sức khỏe của cô Quảng Đoan cảm thấy đỡ hơn. Mỗi ngày nằm trong bệnh viện phải trả số tiền gần năm ngàn đô la. Dĩ nhiên, số tiền nầy bảo hiểm sẽ phải lo hết.

Canada tuy đã vào thu hơn nữa tháng qua, nhưng thời tiết vẫn còn rất lạnh. Chúng tôi tối ngày chỉ ở trong nhà không có đi ra ngoài. Nhà thì phải trang bị hai lớp cửa kiếng dày mới chống nổi cái lạnh ác nghiệt của mùa đông. Cứ đứng trong nhà nhìn ra ngoài, sáng nào cũng thèm đi bộ, nhưng nào có dám bước ra khỏi nhà đâu. Chỉ tạm trú thời gian ngắn thôi, chớ nếu kéo dài thì làm sao chịu nỗi? Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu ở lâu rồi thì cũng sẽ quen dần. Nơi nào cũng vậy, mới đầu thì khó chịu với thời tiết, nhưng ở lâu rồi thì cũng quen thích nghi thôi. Nhờ vậy người ta mới sống nổi. Ở đây, khổ nỗi điện thoại cầm tay ra nước ngoài rất mắc vả lại cũng không có sóng nên không thể điện báo tin đi đâu được hết. Muốn điện về Úc báo tin mà cũng không điện được.

Ngày 14/10/12/

Niềm vui khi đọc sách

Vài buổi sáng qua, tôi không có tập thể dục như mọi khi. Sáng nay, thức dậy cảm nghe một không khí trầm lắng sâu thẳm. Định tập thể dục, nhưng thấy thầy Phước Nghĩa, chú Phước Nguyện và Tuệ Trung còn ngủ ngoài phòng khách, nên tôi trở vào phòng đọc vài trang sách của quyển "Đi Gặp Mùa Xuân" của Hòa thượng Nhất Hạnh. Quyển sách nầy, tôi đã mua tại nhà sách Pháp Quang ở Nam California. Đọc lại những bức thư do sư bà Thanh Thể gởi cho sư cô Chân Không nói về sự thực tập pháp môn của Làng Mai, do Thiền Sư Nhất Hạnh hướng dẫn, nên ngày ra đi của Sư bà rất nhẹ nhàng an thoát.

Sư bà luôn thực tập hai câu: "Thức dậy miệng mỉm cười, thở vào tâm tĩnh lặng". Mỉm cười với chính mình và mỉm cười với tha nhân. Sở dĩ mình mỉm cười tươi như những đóa hoa hé nở, là vì lòng mình thật sự hoan hỷ do mình khéo biết buông xả. Còn vướng mắc là còn đau khổ, khó có được nụ cười tươi như hoa đó. Hơi thở chánh niệm rất cần cho sự chuyển hóa thân tâm. Sự thực tập nầy thật là mầu nhiệm. Niệm Phật cũng là để buông bỏ hết mọi thứ. Buông bỏ đến cùng cực của tâm thức là mình được niệm Phật Ba la mật rồi. Đó là nụ cười đã đạt đến mức tối thượng thừa. Đọc những bức thư do Sư Bà Thanh Thể gởi mà lòng tôi cảm thấy vui lây. Sư bà bị bệnh ung thư máu và đã viên tịch vào năm 1988, thọ 65 tuổi. Sư bà sanh năm 1923 lớn hơn Hòa thượng Nhất Hạnh 3 tuổi.

Ngồi trong phòng khách tầng lầu trên ở nhà của chú Thông, nhìn ra ngoài sương mù giăng phủ dày đặc. Ngoài trời tất nhiên là lạnh lắm. Nhất là ở xứ Canada nổi tiếng lạnh và tuyết. Lạnh và tuyết cũng có thể gây ra chết người. Tôi có hỏi tình trạng sức khỏe của cô Quảng Đoan, Tuệ Trung cho biết, hôm nay bác sĩ sẽ coi lại vết thương và mới có quyết định. Hiện giờ thì bác sĩ cũng chưa có quyết định được thời gian nằm điều trị ở đây bao lâu. Nếu trường hợp kéo dài, thì chúng tôi phải về Tennessee trước để chuẩn bị về Úc. Tôi nói với Tuệ Trung như vậy.

Thăm Các Cháu

Dùng sáng xong, tôi coi lại số điện thoại của cháu Tới xem có phải số vùng ở gần đây không. Khi biết ra, thì Tới đang ở trong thành phố nầy. Tới là một đứa cháu gái kêu tôi bằng bác, vì tôi và ba của cháu là anh em bạn dì ruột. Mẹ tôi thứ ba và người dì của tôi thứ tư. Mẹ tôi có năm anh em, một trai, bốn gái. Nghe Mẹ tôi nói, dì tư tôi chết lúc tôi chưa ra đời. Khi lớn lên, tôi chỉ biết dì tư tôi có hai người con. Người con gái lớn tên Kim Em và người con trai kế tên Chà, thường gọi là Bảy Chà. Vì sau khi dì tư tôi chết, dượng tư tôi có dì tư khác. Dì tư sau có dòng con riêng, nên thứ bảy là nối tiếp thứ tự theo dòng con lớn của dì tư kế. Khi dượng tư tôi sống với dì tư sau, có sanh một người con trai cũng đặt tên là Chà. Cho nên ở nhà hay gọi Chà Lớn, Chà Nhỏ. Tính theo vai vế chú Chà Nhỏ là thứ tám. Hiện nay, Mẹ, cậu, dì dượng tôi đều mất hết.

Cháu Tới đã qua Canada vào năm 1994 đi theo diện bảo lãnh hôn thê. Tới đã sinh sống ở Canada gần 20 năm. Tới còn có hai đứa em: một gái, một trai hiện cũng đang sinh sống ở Canada. Đứa em gái tên Lệ Hoa và đứa em trai tên Mười. Tôi liền điện thoại cho Tới và Tới rất ngạc nhiên tưởng tôi ở bên Úc gọi qua. Ngạc nhiên, vì đây là lần đầu tiên, tôi điện thoại cho Tới. Sau đó, Tới điện thoại cho Mười để Mười đến đón tôi sang nhà Lệ Hoa. Mười sang định cư ở Canada được hai năm. Mười cũng đi theo diện hôn thê. Từ nhà Mười đến nhà chú Thông mất khoảng 5 phút lái xe. Thât tôi không ngờ lại gần đến như thế. Vì là ngày chủ nhật các cháu không có đi làm nên tất cả đều có mặt đông đủ. Gặp lại tôi các cháu đều mừng rỡ. Tôi kể lại đầu đuôi việc xảy ra tai nạn, các cháu nghe đều giựt mình. Nhờ vậy, nên tôi mới gặp được các cháu. Trò chuyện giây lát, trời đã trưa, nên Mười chở tôi và Lệ Hoa đi siêu thị gần đó để mua đồ về ăn trưa. Sau khi bỏ tôi và Lệ Hoa ở chợ, Mười tới nhà chú Thông để rước thầy Phước Nghĩa và chú Phước Nguyện. Mười chở hai vị đó tới siêu thị để đón tôi và Lệ Hoa cùng về nhà Lệ Hoa luôn thể. Chúng tôi mua đồ về cuốn bánh tráng. Đây là món ăn rất tiện lợi không phải tốn công nhiều.

Viếng thăm Chùa Pháp Vân

Dùng xong, đến 4 giờ chiều, Ty (ông xã Lệ Hoa ) lái xe đưa chúng tôi đi viếng thăm chùa Pháp Vân do thầy Tâm Hòa làm trụ trì. Trong đoàn, ngoài tôi, thầy Phước Nghĩa và chú Phước Nguyện ra, còn có các cháu: Mười và Nghiệp (ông xã của Tới ). Nghiệp cũng là người ở bến đáy cùng xóm với Tới. Nghiệp vượt biên sang định cư ở Cannada và sau đó về cưới Tới. Chúng tôi đến chùa khoảng 4 giờ 30. Được biết, thầy Tâm Hòa, thầy Tâm Viên, thầy Tâm Phương là huynh đệ đồng sư với nhau. Thầy Tâm Viên học cùng lớp với tôi và là sư huynh của hai vị nầy. Chúng tôi lạy Phật lạy Tổ xong, thầy Tâm Hòa mời chúng tôi đến phòng khách vừa uống trà vừa nói chuyện. Lần đầu tiên, tôi mới biết thầy Tâm Hòa. Chúng tôi chuyện trò hỏi thăm nhau giây lát, thầy Tâm Hòa mời chúng tôi đi tham quan ở Quan Âm các. Nơi đây có gương phản chiếu hình vạn Phật giống như cảnh giới Tỳ Lô Giá Na Hoa Tạng thật đẹp. Sau đó, chúng tôi đến xem các anh chị em gia đình Phật tử sinh hoạt ở tầng trệt.

Thăm Chùa Hoa Nghiêm

Tham quan xong, chúng tôi từ giả thầy Tâm Hòa để tranh thủ thời gian đi viếng thăm một ngôi chùa thứ hai, đó là chùa Hoa Nghiêm do sư cô Quảng Oánh ( đệ tử của HT Thiện Nghị ) làm trụ trì. Từ chùa Pháp Vân đến đây mất khoảng 30 phút lái xe. Rất tiếc, tới nơi, bấm chuông mãi không thấy ai mở cửa. Điện thoại cũng không có ai bắt. Thế là, biết chắc không có ai trong chùa. Chúng tôi đành lặng lẽ ra về. Chúng tôi về nhà Lệ Hoa để dùng bún mấm chay do Tới trổ tài nấu đãi. Nồi bún ngon thật. Ăn xong, chúng tôi chuyện trò với nhau đến 9 giờ tối mới trở về nhà chú Thông. Về đến, tôi thấy thầy Phước Nhơn và Tuệ Trung, chú Thông đang bàn nhau về vấn vấn đề bảo hiểm. Mọi người có vẻ hơi căng thẳng không vui, nên tôi góp ý kiến để giải quyết vấn đề cho được ổn thỏa tốt đẹp. Thế là mọi người đã cảm thông và vui vẻ.

Theo dự tính, thì thứ tư ngày 17/10/12/ Kiệt con trai của thầy Phước Nhơn sẽ thuê chiếc xe van đến rước chúng tôi về lại Bồ Đề Đạo Tràng ở Chattanooga - Tennessee. Còn anh Tuệ Trung thì tiếp tục ở lại để lo chăm sóc cho cô Quảng Đoan. Vì bác sĩ cho biết là tuần tới cô Quảng Đoan mới xuất viện. Như vậy, sau khi xuất viện phải mua vé máy bay để về Úc. Trong thời gian Tuệ Trung ở lại, tôi có sắp xếp nhờ các cháu của tôi phụ lo giúp giùm. Nếu cần, thì Tuệ Trung có thể đến nhà của Lệ Hoa tạm tá túc vài hôm để tới lui bệnh viện thăm cô Quảng Đoan cho dễ. Vì nhà Lệ Hoa còn dư phòng và gần trạm xe buýt đi lại rất tiện. Hai cháu vui vẻ lên tiếng sẵn sàng giúp đỡ. Tuệ Trung cũng đồng ý đến nhà Lệ Hoa tá túc. Vì thời gian nầy Lệ Hoa ở nhà không có đi làm. Còn vợ chồng chú Thông cả hai đều đi làm nên hơi bất tiện. Thầy Phước Nhơn cũng vui vẻ đồng ý. Thế là mọi việc sắp xếp coi như tạm ổn, không có gì phải lo lắng.

Ngày 15/10/12/

Sáng hôm nay, ngoài trời tuy lạnh nhưng không đến đổi lạnh lắm, vì có nắng ấm. Hôm qua, tôi có nói với Lệ Hoa khoảng 9 giờ sáng đến rước tôi để dùng cơm trưa và giặt đồ. Đúng giờ hẹn, Lệ Hoa lái xe đến đón tôi. Bữa cơm trưa hôm nay một mình Lệ Hoa làm, tôi không có phụ giúp. Tôi cũng muốn thử tài nấu đồ ăn chay của Lệ Hoa. Tuy đồ ăn đơn giản chỉ có tàu hủ chiên sả ớt, rau luộc chấm nước tương và thêm món canh cải mà tôi ăn cảm thấy ngon lành. Kể ra, cháu tôi cũng giỏi đó chớ. Dùng trưa xong, Tôi và Lệ Hoa đi siêu thị gần nhà để mua đồ về nấu phở. Tôi không ngờ Lệ Hoa cũng biết nấu phở chay nữa. Lệ Hoa có nhờ cô hàng xóm mượn cho Tuệ Trung một cái điện thoại cầm tay để tiện liên lạc. Không mấy chốc, cô hàng xóm đem qua đưa cho cái điện thoại và chùm dây sạc điện. Điện thoại được sử dụng trong thời gian một tháng.

Hôm nay, Mười đi làm về sớm. Mười làm cùng hảng với Ty. Mười cho tôi biết, chủ hảng của Mười đang làm là anh ruột của Ty, tức chồng Lệ Hoa. Khoảng 3 giờ chiều, Mười đã về tới nhà. Sở dĩ Mười về sớm như thế là vì hôm nay, Mười lái xe đưa chúng tôi đến chùa để tụng niệm cầu an cho cô Quảng Đoan. Tuy nhiên, trước khi đến chùa, Mười đưa tôi tới nhà chú Thông để tôi cùng thầy Phước Nhơn vào bệnh viện thăm cô Quảng Đoan. Chúng tôi đi bằng chiếc xe van do thầy Phước Nhơn thuê của hảng bảo hiểm. Họ tính cho mình mỗi ngày là 48 đồng, phần bảo hiểm cover cho mình 30 đồng, còn lại 18 đồng mình phải trả. Chiếc xe nầy có 7 chỗ ngồi và thầy Phước Nhơn lái. Sau khi thăm cô Quảng Đoan, chúng tôi trở lại nhà chú Thông.

Buổi Lễ Cầu An

Tôi điện thoại cho Mười đến để hướng dẫn chúng tôi đi chùa. Mười lái xe đến và để xe lại, chúng tôi đi chung một chiếc xe van. Trước tiên, chúng tôi đến chùa Phổ Hiền, nhưng khi đến nơi, chùa đóng cửa không có ai. Sau đó, chúng tôi đến chùa Long Hoa. Tới nơi, nhìn thấy không có ai, vừa định đi về, thì may mắn thầy trụ trì và một thiện nam lái xe vừa về đến. Thật là đúng lúc. Thầy Trụ Trì pháp danh là Nguyên Mãn. Tôi xin phép thầy cho chúng tôi tụng một thời kinh cầu an cho một Phật tử nữ đang nằm điều trị tại bệnh viện. Tôi trình bày về lý do tai nạn xảy ra. Thầy rất thông cảm hoan hỷ và thầy cùng hành lễ với chúng tôi.

Tụng xong, chúng tôi cảm ơn thầy và thầy Phước Nhơn dâng tịnh tài thành kính cúng dường Tam bảo. Sau đó, chúng tôi từ giả ra về. Trên đường về, tôi nói với Mười điện thoại báo tin cho Lệ Hoa biết mình trên đường về để Lệ Hoa chuẩn bị cho bữa ăn tối. Phải công nhận nồi phở của Lệ Hoa nấu rất ngon, ai ăn cũng đều khen. Không phải khen lấy lệ xã giao mà là các vị đó khen thật tình. Dùng xong, chuyện trò một lát, chúng tôi trở về nhà chú Thông để ngủ nghỉ. Lúc đó tôi nhìn đồng hồ tay là đúng 10 giờ tối.

Ngày 16/10/12/

Khám bệnh mua thuốc

Đêm qua, ngủ rất ngon. Sáng thức dậy, tôi cảm thấy trong người khỏe khoắn hơn hôm qua. Ngoài trời tuy ít sương mù, nhưng bước ra ngoài cảm thấy rất lạnh. Hôm nay, Lệ Hoa đến đón tôi để đưa tôi đi khám bác sĩ xin thuốc uống. Vì thuốc cao máu của tôi hôm nay đã hết. Đến phòng mạch bác sĩ, tôi chưa nói, thì Lệ Hoa đã kể hết tình trạng tai nạn của tôi. Do đó, bác sĩ khám không có lấy tiền và ông ghi toa cho tôi mua thuốc. Tôi cảm ơn ông. Đến nhà thuốc Tây Lệ Hoa cũng nói, tôi chỉ cần một viên thuốc cao máu cho sáng mai thôi khi về lại Mỹ thì tôi có thuốc uống rồi. Vì vậy, mà cô bán thuốc cho tôi hai viên thuốc không tính tiền. Kể ra, phải nói là Lệ Hoa lanh mồm thật. Thật cũng may mắn cho tôi, là nhờ có mấy đứa cháu ở đây, nên tôi cũng cảm thấy an vui ấm lòng. Những bữa ăn tuy đạm bạc thô sơ, nhưng nó nói lên tấm lòng của các cháu đối với tôi một cách rất chân tình.

Tâm tình thân mật

Nghe Lệ Hoa tâm sự là được chồng và ông bà già chồng rất thương mến. Hiện hai ông bà sống chung nhà với vợ chồng Lệ Hoa. Nghe thế, tôi rất vui mừng. Tôi thầm khen Lệ Hoa tuy còn nhỏ tuổi, nhưng rất khôn khéo trong cách nói năng và cư xử. Chính vì thế, nên dễ chinh phục cảm tình người khác. Tuy tôi không có dịp gần gũi các cháu nhiều, chỉ thỉnh thoảng lâu lâu mới gặp một lần thôi, nhưng tôi cảm thấy các cháu có tấm lòng vị tha từ tâm thương người. Nhất là đối với những người lâm hoạn nạn khốn khổ thì các cháu sẵn sàng hết lòng giúp đỡ. Nếu chú Bảy Chà còn sống, chắc là chú sẽ vui mừng lắm. Vì chú sanh được những đứa con khéo biết yêu thương và tận tình giúp đỡ cho nhau.

Lâu ngày gặp lại bác cháu tôi có nhiều chuyện để tâm tình. Ty, quê ở miền Trung, cha mẹ đều là ngưòi Huế. Ngày xưa, lúc nhỏ Ty cũng đã tham gia sinh hoạt trong gia đình Phật tử trải qua 16 năm. Do đó, ít nhiều gì Ty cũng thấm nhuần đạo pháp. Ty nói chuyện từ tốn khiêm cung nhỏ nhẹ và có ý chí chịu khó nghiên tầm học hỏi Phật pháp. Ty sang Canada theo diện đoàn tụ gia đình, do người anh thứ hai vượt biên qua Canada và sau đó bảo lãnh cha mẹ và Ty. Anh ruột của Ty có hảng chuyên làm đồ trang trí cho nhà bếp. Vì vậy, nên Ty hướng dẫn giới thiệu Mười vô làm. Cho nên giờ giấc cũng dễ dãi.

Thăm và từ giả cô Quảng Đoan

Thầy Phước Nhơn cho tôi biết, là ngày về Mỹ có thay đổi, thay vì ngày thứ năm như đã dự định, nay đổi lại là ngày thứ tư. Như vậy là sáng mai 17/10/12/ chúng tôi sẽ rời khỏi Canada. Tuy nhiên, trước khi về lại Mỹ, chúng tôi vào bệnh viện để thăm cô Quảng Đoan và báo cho Tuệ Trung biết. Đồng thời, đến bệnh viện để trả tiền lệ phí mà bệnh viện đã tính. Khi nói lời từ giả với cô Quảng Đoan, cô ứa lệ nghẹn ngào nói không ra lời. Thấy vậy, chúng tôi cũng nghẹn ngào cảm động. Vì suốt cuộc hành trình mọi người đều kề cận bên nhau. Cứ ngỡ là sẽ về chung với nhau, đâu có ai ngờ hôm nay lại phải chia tay kẻ đi người ở, kẻ về trước, người về sau, nhất là cô phải nằm đây một mình nghĩ đến thật chạnh lòng chua xót! Còn Tuệ Trung tuy bề ngoài anh tỏ ra không có gì, nhưng trong lòng cũng đau buồn tuổi phận. Nhìn thấy hai người tôi không thể che đậy được nỗi xúc động đau lòng. Tôi chỉ biết dùng lời khuyên lơn an ủi mà thôi.

Trả tiền bệnh viện

Từ giả cô Quảng Đoan, chúng tôi đi thẳng đến bệnh viện. Tưởng mọi việc đâu đó yên xuôi, không ngờ khi đến quầy trả tiền mặt, Phước Như lại bị trục trặc về biên nhận sai tên. Nếu sai tên thì làm sao khiếu nại với hảng bảo hiểm để lấy tiền lại. Khi yêu cầu họ điều chỉnh sửa lại cho đúng, thì nhân viên nhận tiền mặt không chịu. Thế là xảy ra tình trạng ông đổ gà, bà đổ vịt, không ai chịu trách nhiệm việc ghi nhận sai nầy cả. Thật không hiểu nỗi việc làm của họ. Bấy giờ, Phước Nguyện và Phước Như vừa bỏ đi thì họ kêu trở lại để sửa tên cho đúng. Cách làm việc của họ nghĩ cũng buồn cười thật. Trong khi đó, thầy Phước Nhơn và thầy Phước Nghĩa đậu xe chờ đợi ở bên ngoài, vì tìm không có chỗ đậu xe. Chờ lâu nóng ruột, thầy Phước Nghĩa vừa vô tìm chúng tôi, thì gặp chúng tôi vừa ra tới cửa. Chúng tôi cùng ra xe đi về nhà chú Thông.

Bữa Cơm Chia Tay

Sau khi về, tôi điện thoại cho Lệ Hoa và Lệ Hoa đến đón tôi qua nhà. Chúng tôi ghé chợ mua ít đồ về nấu ăn. Lần nầy, tôi giúp cho Lệ Hoa nấu vài món. Đây là bữa ăn cuối cùng, tôi từ giả các cháu trở về Mỹ và rồi về lại Úc. Một bữa cơm thân mật tạm chia tay. Tuy nhiên, rất tiếc vì hôm nay là ngày thường nên các cháu đều đi làm tới chiều tối mới về. Vì thay đổi ngày về đột ngột nên tôi chưa thông báo cho các cháu biết. Các cháu cứ tưởng thứ năm tôi mới về. Vì vậy, nên hôm nay các cháu đi làm về trễ. Bởi thế, khi nấu cơm xong, tôi và Lệ Hoa ăn trước. Tối lại, các cháu biết tôi sáng mai về nên tất cả đều tới chơi. Khoảng 8 giờ tối, Mười qua nhà chú Thông chở Tuệ Trung qua. Lát sau lại có vợ chồng cô Oanh đến thăm tôi. Chỗ Lệ Hoa ở là một chung cư giống như những cái town house. Lệ Hoa nói với tôi, những người ở chung quanh đây phần lớn là những người ở Mỹ Long, tức cùng xứ sở với Lệ Hoa. Vì là người cùng bản xứ nên họ thương và đoàn kết giúp đỡ với nhau lắm. Thiếu trái cà, trái ớt v.v... nhà nầy tới nhà kia xin hoặc hỏi mượn một cách hết sức tự nhiên không chút ngại ngùng. Đó là thói quen của họ khi họ còn ở quê nhà cũng thế. Đó là tình chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Vì vậy, làm sao người Tây phương có thể hiểu được cái thâm tình đùm bọc lá lành đùm lá rách của người Việt Nam? Khoảng 10 giờ tối, Mười đưa tôi về nhà chú Thông ngủ nghỉ chuẩn bị sáng sớm ngày mai lên đường.

Ngày 17/10/12/

Về Lại Bồ Đề Đạo Tràng

Như đã nói, hôm nay là ngày chúng tôi trở về Mỹ ở tiểu bang Tennessee thành phố Chattanooga. Khoảng 4 giờ 10 phút sáng, mọi người đều thức giấc. Sau đó, chúng tôi dùng sáng sơ sài rồi từ giả vợ chồng chú sáu Thông mang hành lý xách tay xuống xe. Đây là chiếc xe van mà thầy Phước Nhơn đã thuê. Ban đầu dự tính là nhờ chú Thông đưa đi, nhưng nghĩ lại, thầy Phước Nhơn quyết định lái nên chú Thông khỏi phải đưa. Chiếc xe 7 chỗ ngồi mà chúng tôi chỉ có 5 người nên cũng thoải mái. Chúng tôi rời nhà chú Thông khoảng 4 giờ 30. Lần nầy thầy Phước Nhơn lái cẩn thận hơn. Dù đã xảy ra tai nạn, nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng tay lái của thầy Phước Nhơn. Bởi thầy có nhiều kinh nghiệm lái xe. Được biết, thầy cũng thường lái xe đi xuyên qua các tiểu bang ở Mỹ nhiều lần. Đâu có phải lần nầy là lần đầu. Thầy đi vì công ăn việc làm của thầy. Khi chưa xuất gia thầy đã thường xuyên đi như thế. Vì vậy nên tôi không bao giờ tỏ ra sợ hãi khi thầy lái. Đã nói là tai nạn thì đâu có ai muốn. Tuy nhiên, dù sao cẩn thận cũng là hay hơn.

Trạm Kiểm Soát

Chúng tôi đến biên giới giữa Mỹ và Canada chia địa phận bởi một cây cầu màu xanh. Phân nửa bên đây là Canada và phân nửa bên kia là Mỹ, gọi là Bridge to USA. Khi tới chỗ trạm kiểm soát, tất cả chúng tôi đều ngồi yên trên xe. Thầy Phước Nhơn trình Pasport của năm người. Cảnh sát viên là một người Mỹ còn trẻ, anh ta hỏi thầy Phước Nhơn nhiều câu hỏi. Vì thầy Phước Nhơn là tài xế. Riêng chúng tôi là hành khách anh ta chỉ hỏi qua loa mỗi người một câu thôi. Chủ yếu là hỏi về tiền bạc. Cuối cùng, chúng tôi cũng được qua cái ải khó khăn nầy. Qua khỏi Canada cảm thấy khí hậu đã thay đổi khác. Bên Mỹ thì thời tiết nóng bức còn Canada thì quá lạnh lẽo.

Cứ xuôi theo quốc lộ 400 và 401 rồi rẽ sang quốc lộ 75 thì về đến Chattanooga. Trên đường về, mọi người vui vẻ kể chuyện nhau nghe rất lý thú. Có người cảm hứng còn làm thơ nữa. Khi nghĩ ra được câu thơ nào hay thì đọc lên cho những người khác nghe. Thầy Phước Nghĩa và thầy Phước Nhơn cứ làm thơ đối đáp với nhau. Có khi mỗi người làm một câu nối nhau. Việc ứng khẩu thành thơ đâu phải là chuyện dễ. Nếu không phải là nhà thơ chuyên nghiệp thì thật là khó. Nhất là người không có năng khiếu về thơ. Tuy nhiên, vì muốn cho không khí vui vẻ, nhất là vừa thoát qua tai nạn, nên mọi người cảm thấy mừng thầm. Có những câu thơ đọc lên không vần, không điệu, không đối, không nêm, nghe thật buồn cười. Dù là những câu thơ lạc vận không ăn nhập vào đâu, nhưng cũng có những cảm hứng nói lên được cái tâm tư ý nghĩ của mình. Vì nguồn thơ phát xuất từ con tim. Những vần thơ hay nhất là những vần thơ đầy nước mắt. Đó là nói những loại thơ trử tình thông thường. Tuy nhiên, về thơ thiền hay thi ca thiền Phật giáo thì có khác. Về hình thức thi ca thiền không cần phải hạn cuộc vào những khuôn mẫu ngôn từ ước lệ. Nghĩa là không cần phải theo đúng luật lệ vận điệu mà các thi nhân khác thường làm. Các vị Thiền sư không sử dụng ngôn từ hoa mỹ, chỉ dùng những ngôn từ thông thường diễn tả đúng theo nhịp điệu của sự vật. Thiền sư nhìn sự vật không vo tròn bốp méo hay thổi phòng sự vật theo lăng kính chủ quan của mình. Sơ Tổ Trúc Lâm có bài thơ "Cảnh Xuân" như sau:

Liễu rũ hoa hồng chim hát ca

Mây chiều in bóng trước hiên nhà

Khách vào, thế sự không cần hỏi

Chỉ tựa lan can ngắm cỏ hoa

( Trích trong quyển Ngôn Ngữ Văn Chương Và Thi Ca Thiền Phật Giáo của tác giả Tâm Trí trang 118 )

Thiền sư Ba Tiêu ( Basho ) là vị Thiền sư Nhật Bổn ông có bài thơ Hài Cú nổi tiếng:

Con đôm đốm

trên lá cây rơi xuống đất

rồi bỗng vụt đi mất

Lời thơ không có gì cầu kỳ bóng bẩy, chỉ là diễn tả đúng sự thật qua sự di động của một con đôm đốm.

Tôi khuyến khích cho các vị đó cứ làm thơ cho vui. Thơ thẩn hay thẩn thơ gì cũng được. Thậm chí là thơ con cóc, con nhái hay con ếch gì cũng không sao.

Con cóc trong hang

con cóc nhảy ra

con cóc nhảy ra

con cóc ngồi đó

con cóc ngồi đó

con cóc nhảy đi.

Bài thơ nầy có khác gì bài thơ của Thiền sư Ba Tiêu diễn tả con đôm đốm.

Hoặc như: "Con nhái nhảy xuống nước nghe một cái tỏm". Mới nghe thật tức cười nôn ruột ấy thế cũng gọi là thơ, tuyệt nhiên không có hồn thơ gì cả. Vì thiền không muốn cho ta suy nghĩ vẫn vơ theo kiểu đầu lại thêm đầu, cắt đứt dòng suy luận khái niệm. Càng suy nghĩ ta càng lạc vào thế giới khái niệm của ngôn từ. Và do đó, ta đánh mất đi cái thực tại hiện hữu chơn thật. Sự vật như thế nào thì diễn tả đúng như thế đó.

Do đó, quý vị nghĩ ra câu nào thì cứ đọc lên câu nấy, nghe có êm tai hay không cũng được. Vì vậy có những câu thơ vừa đọc lên nghe tức cười có người ôm bụng cười lăn. Ngày xưa, tôi cũng có viết vài câu nói về thơ. Chủ đề chỉ có một chữ "Thơ" và bài thơ nầy đã được đăng trong quyển "Hướng Dương Thi Tập". Đó là tập thơ đầu tay của tôi.

Thơ quyện hồn lên ngôi một thuở

Thơ nhập hồn chuyên chở trời xanh

Thơ tràn ngập lúa trăng thanh

Thơ về bến cũ hái cành hoa xuân

Thơ trôi mãi chẳng dừng nơi chốn

Thơ là mình còn trốn nơi đâu

Thơ lên trăng sáng qua cầu

Thơ đùa với bóng thơ sầu với ai

Thơ chắp cánh thơ bay vạn thế

Thơ về nguồn chơn thể dừng trôi

Thơ không vướng mắc ngang đồi

Thơ dàn trải khắp sáng ngời bao la.

Tôi không phải là một nhà thơ mà chỉ thích làm thơ cho vui thôi. Khi nào cảm hứng thì viết vài câu thơ cho vui, chỉ có thế thôi. Mọi người hết làm thơ xoay qua kể chuyện. Thầy Phước Nghĩa, thầy Phước Nhơn, chú Sa di Phước Nguyện, mỗi người lần lượt kể những mẫu chuyện vui buồn của mình. Những câu chuyện nầy phần lớn là có liên quan đến cuộc đời binh nghiệp của quý vị đó. Đó là khoảng đời quá khứ mà họ đã trải qua. Những tập khí hay nói đúng hơn là những pháp trần nó có một sức mạnh làm cho người ta thật khó quên. Bình thường thì không thấy chúng, nhưng khi có dịp thì chúng lại hiện khởi. Dòng tâm thức của chúng ta luôn luôn bị rơi vào hai đầu: "quá khứ hoặc vị lai". Hai đầu nầy được cụ thể hóa là hai ngục tù giam hảm. Thật vậy, trong cuộc sống của chúng ta luôn bị giam hảm trong hai ngục tù nầy. Ít có ai biết sống thực với hiện tại. Thực tại chung quanh ta thật là mầu nhiệm, mà chúng ta lại lãng quên. Vì không chịu tiếp xúc với những gì xảy ra trong giây phút hiện tại, nên chúng ta mới bị đau khổ. Đó là tâm lý thường tình của con người. Ai cũng có những tâm lý bất bình thường nầy. Chỉ trừ các bậc Thánh nhơn mà thôi.

Có lẽ nhờ những mẫu chuyện buồn vui đó, mà mọi người quên hết những gì đã xảy ra trong mấy ngày qua. Đôi lúc, tôi cũng có thoáng buồn, khi nghĩ đến hai người bạn đồng hành giờ nầy họ phải trải qua những giây phút đau đớn khổ sở về thể xác lẫn tinh thần. Dù vẫn biết không ai muốn như thế, nhưng không sao tránh khỏi nghiệp quả. Trong cái cộng nghiệp nó có cái biệt nghiệp. Cô Quảng Đoan đang chịu đựng cái biệt nghiệp của cô. Chính cái biệt nghiệp đó nó lại liên quan đến cộng nghiệp. Anh Tuệ Trung ngoài biệt nghiệp của anh, anh còn phải chịu chung cái cộng nghiệp là luôn túc trực chăm sóc bên cô Quảng Đoan. Ngẫm kỹ lại, không ai thoát khỏi những cái biệt và cộng nghiệp cả. Biệt hay cộng tất cả cũng đều do mình gây ra thôi. Cuộc sống của thế nhân là một chuỗi dài trả nghiệp và gây nghiệp. Vừa trả nghiệp cũ lại tiếp tục gây thêm nghiệp mới. Cứ thế mà xoay vần trả vay, vay trả không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Dù đức Phật đã vạch bày cho chúng ta nhiều con đường thoát ra. Lộ trình đã vạch sẵn, nhưng tại chúng ta chưa chịu mạnh dạn cất bước đăng trình đó thôi.

Khác hơn những ngày ở Canada, hôm nay tôi thấy mọi người thực sự vui vẻ, nhất là thầy Phước Nhơn như trút đi một gánh nặng ngàn cân. Trong mấy ngày qua, lúc nào thầy cũng tỏ ra lo lắng bức xúc và căng thẳng. Vì dù sao thầy cũng cảm thấy khó chịu trong lòng khi nhìn thấy tâm trạng và tình cảnh của cô Quảng Đoan và Tuệ Trung. Vì muốn cho thầy Phước Nhơn và Tuệ Trung bớt lo âu phiền muộn phần nào, nên tôi mới nhờ đến mấy đứa cháu của tôi giúp đỡ cho Tuệ Trung khi chúng tôi rời khỏi nơi đây. Tôi biết anh Tuệ Trung buồn lắm. Dù sao sự có mặt của chúng tôi cũng làm cho anh cảm thấy ấm áp cõi lòng. Do đó, Tôi nhờ Lệ Hoa và Ty giúp đỡ cho anh bằng cách là giúp đưa anh tới lui bệnh viện. Đồng thời sắp xếp nơi ăn chỗ ở cho anh. Khi sắp xếp xong xuôi mọi việc, thầy Phước Nhơn mới thở nhẹ phào cảm thấy an tâm. Nếu không, thì thầy cũng rất khó xử khi bỏ lại Tuệ Trung một mình. Cũng may, chỉ cách một ngày sau nghe đâu con gái của anh bay sang qua Canada. Điều đó lại làm cho chúng tôi cảm thấy an tâm nhiều hơn. Thật vậy, khi con gái của anh đến Canada, chỉ tạm ngủ nhà Lệ Hoa một đêm, sau đó hai cha con dọn ra khách sạn. Vì con gái của anh không muốn nhờ vả phiền phức. Vả lại, mướn khách sạn ở gần bệnh viện thì tiện lợi cho việc tới lui thăm viếng chăm sóc cô Quảng Đoan hơn.

Trên đường về, chúng tôi ghé lại nhà hàng Charlie Brown's, đây là một nhà hàng ở vùng quê. Thức ăn tự chọn lấy, chủ yếu là salad và một vài thức ăn nhẹ. Dùng xong, chúng tôi rời nơi đây lúc 1 giờ 5 phút chiều. Chúng tôi về tới chùa hơn 8 giờ tối. Tắm rửa xong, chúng tôi dùng phở và ngủ nghỉ.

Ngày 18/10/12/

Phật tử đến thăm

Sáng nay, ngoài trời sương mù dày đặc bao phủ cả khu rừng. Từ trong phòng nhìn qua khung cửa sổ không thấy rừng cây. Sau thời công phu sáng, tôi chỉ cho quý vị đó học về nghi lễ chuông mõ. Trưa lại, khoảng 11 giờ, có ba đạo hữu: Perry, Thiện Giác, Tâm Kỉnh đến thăm chúng tôi. Chúng tôi ngồi trò chuyện ở phòng khách. Quý vị đó muốn biết việc tai nạn xảy ra. Tôi lần lượt trình bày đầu đuôi tự sự cho họ nghe. Chúng tôi trò chuyện khoảng 1 tiếng đồng hồ. Sau đó mọi người từ giả ra về và hẹn gặp lại vào ngày thứ bảy. Diệu Tánh, người đệ tử mới quy y, tức con gái út của thầy Phước Nhơn có đến thăm và cúng dường mỗi thầy hai bịt áo thun.

Tiệm bán điện tử

Chiều lại, chúng tôi đến một cái tiệm chuyên bán đồ máy móc điện tử để thầy Phước Nhơn tìm mua cái máy Ipad. Nơi đây, tìm lại những dữ kiện của cái máy cũ hơi lâu. Nhờ Diệu Tánh nói thông thạo tiếng Anh nên không gây trở ngại trong việc tìm kiếm. Vì thầy Phước Nhơn không nhớ rõ nên mới tìm lâu. Cuối cùng, việc mua một cái máy mới không có gì trở ngại. Mua xong, chúng tôi đến siêu thị lớn để thầy Phước Nghĩa tìm mua loại kem trị da khô bị nứt nẻ. Vì loại kem nầy giá rẻ hơn bên Úc nhiều. Tất cả đều do Diệu Tánh mua cúng dường. Chúng tôi chia nhau ra xài.

Ghé quán Piza

Trên đường về chùa, thầy Phước Nhơn ghé lại quán bán piza, chúng tôi vào quán ăn lúc đó khoảng 8 giờ tối. Ở đây, mình chỉ cần đưa cho họ $ 6,50 cent rồi muốn lấy ăn bao nhiêu cũng được miễn no bụng thì thôi. Rời khỏi quán, sau khi lên xe, tôi có điện thoại cho anh Tuệ Trung bên Canada để hỏi thăm tình trạng sức khỏe và vết thương tay của cô Quảng Đoan. Tuệ Trung cho biết, hôm qua bác sĩ giải phẩu cắt thịt đùi lắp vào lỗ trống để khi về Úc được an toàn. Bác sĩ cho biết, nếu mọi việc diễn tiến tốt đẹp, thì ngày 23 tới đây họ sẽ cho cô Quảng Đoan về lại Úc và tiếp tục vào bệnh viện ở Melbourne để điều trị. Nghe thế, chúng tôi cũng mừng thầm. Thầy Phước Nhơn định ngày 22, sau khi đưa chúng tôi về Úc thì thầy sẽ sang Canada để thăm cô Quảng Đoan. Như vậy, là thầy phải đình lại chuyến đi. Tôi có điện thoại cho Lệ Hoa để báo tin cho Lệ Hoa biết là chúng tôi đã về lại Mỹ tới nơi an toàn. Sau đó, Lệ Hoa đưa máy cho Tuệ Trung và Tuệ Trung chúc chúng tôi về lại Úc mọi việc đều suôn sẻ an ổn. Tôi cảm ơn và cũng chúc cho cô Quảng Đoan mau bình phục và Tuệ Trung luôn mạnh khỏe. Đồng thời, tôi cũng cầu chúc cho hai người trên đường về Úc mọi việc đều bình an tốt đẹp. Chúng tôi về tới chùa đúng 9 giờ 30 tối, tắm rửa và ngủ nghỉ.

Ngày 19/10/12/

Đêm rồi hơi khó ngủ, có lẽ vì tách cà phê chăng? Bởi tôi không quen uống cà phê, nhưng vì cô Út đã pha cho và mời tôi uống thử. Tôi nghĩ, một tách nhỏ cũng không đến đổi gì, nhưng không ngờ nó lại có tác dụng làm khó ngủ. Có lẽ bởi do tôi không quen uống đó thôi. Cái gì cũng vậy, mới bắt đầu thì như thế, nhưng khi đã quen rồi thiếu vắng không được. Chẳng những không khó ngủ mà còn ngủ rất ngon nữa kìa! Tôi nhớ có lần hôm trước cô Phước Như mua cho tôi uống cũng bị tình trạng khó ngủ như thế nầy.

Viếng thăm chùa Kim Cang

Theo dự định thì sáng nay, chúng tôi đi Atlanta để viếng thăm ngôi chùa Kim Cang và dạo phố. Khi đến đây, tôi cũng có nghe nói đến chùa Kim Cang rộng lớn mát mẻ phong cảnh đẹp đẽ. Thế nên hôm nay nhân lúc rảnh rỗi tôi muốn đi thăm cho biết. Thế là chúng tôi khởi hành vào lúc 9 giờ sáng. Trên đường đi, đầu tôi hơi bị đau, nên thầy Phước Nhơn ghé tiệm nail của Diệu Tánh để cho tôi đo tăng xông. Tuy nhiên, khi đo thì tăng xông vẫn bình thường. Có lẽ là do bịnh thời tiết không chừng. Sau đó, chúng tôi đi thẳng đến Atlanta. Trước khi đến chùa Kim Cang, chúng tôi ghé vào nhà hàng Đại Hàn để dùng trưa. Trong đoàn gồm có: tôi, thầy Phước Nhơn tài xế, thầy Phước Nghĩa, chú Phước Nguyện, cô Phước Như và cô Út. Đây là lần thứ hai chúng tôi ăn ở nhà hàng nầy. Ăn xong, chúng tôi thẳng đến chùa Kim Cang.

Quả thật cảnh chùa danh bất hư truyền. Từ ngoài cổng chùa nhìn vào bên trong là cả một rừng cây rộng lớn râm mát phủ kín. Vị trụ trì của chùa nầy là thầy Hạnh Đạt. Thầy Hạnh Đạt với tôi cũng không xa lạ lắm, vì chúng tôi đã từng sống chung dưới mái trường Huệ Nghiêm. Thầy với tôi chỉ học khác lớp nhau thôi. Thầy chỉ ở Huệ Nghiêm khoảng hai năm, sau đó thầy rời khỏi vào năm 1969. Ngôi chùa tọa lạc giữa một rừng cây thoáng đảng mát mẻ. Chánh điện gồm có hai tầng. Tầng trệt là cái hall đa dụng. Tầng trên là chánh điện thờ Phật. Chánh điện có khả năng dung chứa khoảng năm trăm người. Thầy Hạnh Đạt cho chúng tôi biết, Phật tử đến chùa sinh hoạt tu học vào mỗi ngày chủ nhật khoảng vài chục người. Chỉ có những kỳ đại lễ như Phật Đản, Vu Lan hoặc Tết Nguyên Đán thì mới có đông người. Thường là làm lễ ngoài rừng cây. Vì nơi đó cũng có thiết bị lễ đài. Thầy nói, làm lễ ngoài trời để tưởng niệm thời của đức Phật, vì thời Phật phần nhiều Đức Phật và các đệ tử xuất gia đều sinh hoạt thuyết kinh giảng pháp trong rừng cây. Vì nó mang sắc thái đặc tính thiên nhiên gần với đạo lý giải thoát hơn. Thú thật, tôi cũng rất thích làm lễ sinh hoạt trong khung cảnh mang tính thiên nhiên như thế. Ngôi chùa khang trang rộng lớn, mà chỉ có mỗi một mình thầy. Đúng là nhứt tăng nhứt tự. Đâu phải riêng thầy, đa số các chùa ở hải ngoại đều là như thế. Thầy đến Mỹ từ năm 1979, lúc đầu thầy định cư ở Nam california và đã từng cộng tác với quý thầy làm việc Phật sự. Thầy đã từng đóng góp tích cực cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt tại hải ngoại.

Sau khi thầy hướng dẫn chúng tôi tham quan một vòng, trời đã xế chiều, chúng tôi xin từ giả tạm biệt thầy để về chùa và còn phải ghé lại shop để mua chút ít đồ dùng. Trên đường về, chúng tôi ghé vào một siêu thị rộng lớn, bán đủ loại mặt hàng nhưng chủ yếu vẫn là rau cải và trái cây. Về tới chùa trời đã tối. Dùng cơm tối xong, mọi người tụng kinh và rồi ngủ nghỉ.

Ngày 20/10/12/

Sáng nay, bầu trời quang đãng không một áng mây, nắng đẹp dịu nhẹ. Như thường lệ ở đây, hôm nào nắng đẹp không có sương mù và mưa, thì chúng tôi thường đi bách bộ. Hôm nay, tôi, Phước Nguyện, Phước Như cùng thả bộ một vòng như mọi khi cho khỏe. Nhìn thấy nhiều cây thay màu đối lá xen lẫn đủ màu sắc tuyệt đẹp. Những giọt nắng ban mai như đang rót lên những tán cây khoe sắc, ánh nắng lung linh phản chiếu sáng ngời. Thấy thế, bỗng tôi trực nhớ đến bài thơ "Đây Thôn Vĩ Dạ" của nhà thơ lớn họ Hàn đăng trong tập thơ Điên.

Sao anh không về chơi thôn vỹ?

Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ta có đậm đà?

Là một trong những bài thơ rất nổi tiếng của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Riêng bài thơ nầy đặc biệt là ông viết tặng riêng cho cô Kim Cúc, một người tình mà ông đã để tâm thương thầm nhớ trộm. Vì đó chỉ là mối tình yêu đơn phương mà thôi. Ở đời, có những cuộc tình mà người ta chỉ âm thầm tơ tưởng đến người mình yêu, mà chính người được yêu cũng không hay biết gì. Đó là trường hợp của họ Hàn thầm yêu trộm nhớ tương tư một người tình trong ảo vọng. Nhân nhớ lại bài thơ trên, tôi có cảm hứng viết vài câu thơ lưu niệm như sau:

Nắng ở Bồ đề nắng đẹp thay

Tình thầy nghĩa đệ thật khó phai

Rừng cây nhuộm nắng phai màu lá

Vững niệm Bồ đề chẳng động lay

Ánh đạo chan hòa khắp thế gian

Vô ưu hương tỏa mảnh trăng vàng

Thuyền về vượt sóng trong cơn gió

Nhẹ bước am thiền vọng tiếng vang

Nắng ấm bình minh gió thoảng qua

Bóng người lữ khách đến phương xa

Tâm tư trút cạn tình như mộng

Chủ khách buông đi một tách trà

Mơ mộng làm chi khóc khổ than

Thế sự lắm tình cảnh trái ngang

Hoa "Cúc" nặng lòng tan rụng sớm

Thương người trong mộng khóc rồi than

Soạn lại hành lý

Đi một vòng, chúng tôi trở vô chùa để soạn đồ của Tuệ Trung, vì Tuệ Trung nhờ chúng tôi mang về Úc giùm. Do đó, cần phải soạn sắp xếp lại bỏ vào thùng. Trước khi soạn, dĩ nhiên, chúng tôi cũng có nói qua cho Tuệ Trung biết và Tuệ Trung cũng đồng ý cho việc làm nầy. Soạn xong, tôi về phòng thì thấy có một số quý Phật tử đến thăm. Bên quý Phật tử thiện nam gồm có: Tâm Thiện, Tâm Kỉnh, Thiện Giác và Tường. Bên quý Phật tử nữ gồm có: Phương Lan, Diệu Thanh, Chiếu Đàm, Ngọc Nhàn. Tôi mời các vị đó đến phòng khách để trò chuyện. Quý vị đó nêu ra vài câu hỏi có liên quan đến vấn đề tai nạn của chúng tôi. Tôi trình bày mọi chi tiết trong việc xảy ra tai nạn. Tôi cảm nhận được sự quan tâm lo lắng của họ. Đây là những Phật tử mà họ đã dự khóa tu lần đầu tiên tại cơ sở nầy. Chúng tôi đã hướng dẫn và gieo thiện duyên với họ.

Vạch hướng hoạt động

Đến giờ ăn trưa, thầy Phước Nhơn mời tất cả ở lại dùng bún chả giò. Tuy bữa ăn đạm bạc, nhưng mọi người rất thân mật vui vẻ. Dùng xong, chúng tôi trao đổi với họ qua một vài câu chuyện đạo lý, vì ngày mai chúng tôi từ giả họ về Úc. Do đó, nên chúng tôi muốn tâm tình giải bày với họ đôi điều. Chúng tôi có nêu ra về việc sửa sang trang hoàng lại ngôi nhà thờ của thầy Phước Nhơn mới mua, để làm cơ sở phát triển trong việc mở rộng hoằng pháp nơi đây. Mọi người hoan hỷ thảo luận góp ý trong vấn đề trang trí và xây dựng thêm cho công trình tái thiết phát triển nầy. Mọi người đóng góp ý kiến và bàn bạc rất sôi nổi trong chiều hướng xây dựng cụ thể, nhất là phần đóng góp nhân lực. Điều quan trọng nhất là cần phải có một thầy trực tiếp quản lý trông coi việc làm nầy. Một mình thầy Phước Nhơn không thể nào đảm đang gánh vác hai nơi hết được. Do đó, họ yêu cầu thầy Phước Nghĩa hoan hỷ qua bên đây để tiếp tay phụ lực với thầy Phước Nhơn lo xây dựng công trình nầy. Mọi người đều bày tỏ nỗi lòng trong sự tha thiết yêu cầu thầy. Họ cho rằng, thầy Phước Nghĩa là một nhân tiển thích hợp nhất, vì thầy không có đảm trách một công việc Phật sự nào ở Úc. Hơn nữa, hiện nay thầy đang sống một mình nên việc sang bên đây rất hợp lý dễ dàng. Thầy Phước Nghĩa nói với họ là để thầy suy nghĩ lại.

Viếng thăm nhà thờ mới mua

Sau khi thảo luận, tất cả đều đến ngôi nhà thờ để mục kích tận mắt, vì có một vài người chưa biết. Mọi người ra đi vào lúc 4 giờ chiều. Từ chùa đến nhà thờ khoảng 50 mile. Như đã nói, ngôi nhà thờ nầy nằm trên một ngọn đồi có một vị trí rất lý tưởng. Nói chung, phòng ốc, bãi đậu xe, nơi thờ phụng làm lễ v.v... tất cả đều đầy đủ tiện nghi rất thích hợp cho một ngôi chùa. Vì thế, khi xem qua, ai nấy đều trầm trồ khen ngợi và rất thích.

Xem xong, mọi người từ giả nhau ra về. Tôi, thầy Phước Nhơn, chú Phước Nguyện và cô Út trở về chùa.

Trên đường về, chúng tôi có ghé thăm căn nhà của cháu Kiệt mới mua. Kiệt cho chúng tôi biết, cháu mua căn nhà nầy là để cho những người thợ làm nail thuê, vì Kiệt có shop làm nail. Căn nhà hai phòng ngủ, hai phòng tắm, hai toilet, phòng khách rộng lớn, double gara, phía sau sát vách núi, sân trước đất hơi chùi xuống, đường lên nhà có dốc hơi cao, nói chung, căn nhà và vị trí tương đối cũng tốt, thế mà giá chỉ có năm mươi mấy ngàn đồng. Căn nhà nầy nếu so với giá cả ở Úc thì phải nói là quá rẻ. Có lẽ, nhà ở vùng nầy không mắc lắm.

Xem xong, chúng tôi đi thẳng về chùa, lúc đó gần 6 giờ chiều. Tối lại, có vợ chồng Kiệt, Diệu Tánh và các cháu nhỏ đến thăm chơi để từ giả chúng tôi. Chúng tôi trò chuyện với các cháu và khoảng 10 giờ mọi người đều ngủ nghỉ.

Ngày 21/10/12/

Chuẩn bị về Úc

Hôm nay là ngày đoàn trở về Úc, sau 48 ngày chu du nước Mỹ. Sáng nay, trời quang đãng, nắng đẹp. Công phu sáng xong, dùng cháo trắng, đi bộ. Sau đó, chuẩn bị sắp xếp lại đồ đạc để chuẩn bị lên đường. Theo vé máy bay, thì chúng tôi phải có mặt tại phi trường Chattanooga trước 2 giờ chiều để làm thủ tục check in. Thời giờ ở đây đi sau Chattanooga một tiếng đồng hồ. Như 12 giờ ở chỗ thầy Phước Nhơn thì 1 giờ ở Chattanooga. Vì vậy, chúng tôi phải rời nơi đây sớm hơn. Chúng tôi đến phi trường lúc 11 giờ 30. Khi đến nơi, kiểm soát lại hành lý, mới phát hiện là cô Phước Như bỏ quên lại một cái vali. Thầy Phước Nhơn điện thoại về chùa nhờ chú bảy ( em trai của thầy Phước Nhơn ) chở ra giùm. Cũng may là đến không có trễ giờ check in hành lý. Sau khi gởi hành lý xong, chúng tôi từ giả thầy Phước Nhơn đi vào bên trong để trình pasport và vé. Người check vé bảo chúng tôi đi thẳng đến cổng số 3 để lấy 3 cái vé. Một vé đi từ Chattanooga đến Atlanta; một vé đi từ Atlanta đến Los Angeless và một cái vé cuối cùng là đi từ Los Angeless đến Sydney ở Úc. Phi trường ở đây không rộng lớn và máy bay cũng nhỏ, chỉ chở khoảng vai mươi người. Chúng tôi chờ đợi khoảng nửa giờ thì lên máy bay. Chiếc máy bay nhỏ mang số DL 5023 cất cánh lúc 4 giờ 30 chiều. Tới Atlanta khoảng 5 giờ. Ở đây, chúng tôi chờ đợi khá lâu đến 7 giờ tối mới lên máy bay. Chiếc máy bay mang số DL 17 và máy bay cất cánh lúc 8 giờ 10 phút. Tới phi trường Los Angeless lúc 10 giờ 20 phút là chuyển máy bay về Úc liền. Tất cả ổn định chỗ ngồi lúc 10 giờ 44 phút và máy bay cất cánh lúc 11 giờ. Chiếc máy bay mang số DL 17.

Chúng tôi ngồi trên máy bay coi như hai đêm liền. Bởi ban ngày ở Mỹ thì lại ban đêm ở Úc. Do đó, nhìn ra bên ngoài lúc nào cũng thấy tối om. Máy bay hạ cánh xuống phi trường Sydney lúc 8 giờ 30 sáng ngày 23/10/12. Nơi đây, chúng tôi chuyển máy bay nội địa để về lại Melboure. Tôi, thầy Phước Nghĩa, chú Phước Nguyện và cô Phước Như đều đi khác giờ và khác chuyến bay. Máy bay cất cánh lúc 10 giờ 30 và tới phi trường Melbourne lúc 11 giờ 15 phút. Tôi về tới nhà khoảng 12 giờ 30.

Tổng Kết

Trải qua hơn 6 tuần lễ ở Mỹ, chúng tôi đi được nhiều nơi. Mỗi nơi đều có những sắc thái nét đẹp riêng. Ngoài việc tham quan một vài phong cảnh tiêu biểu ở các thành phố lớn, chúng tôi còn thăm viếng một số các ngôi già lam. Về các thành phố lớn của một số các tiểu bang, mà chúng tôi đã có dịp đi qua như: Atlanta, Houston, Los Angeles, San Jose, Sacracmento, San Francisco, Seattle, Chicago, Washington D.C và Boston. Vì không có thời gian nhiều, nên khi đến mỗi nơi, chúng tôi không có ở lâu. Do đó, nên chúng tôi chỉ tham quan đại khái, khác nào như người cỡi ngựa xem hoa. Tuy nhiên, đến thành phố nào, tôi cũng thấy có những khu thương mãi của Cộng Đồng Người Việt sinh hoạt khá náo nhiệt và phồn thịnh. Nhất là ở thành phố Los Angeles thuộc tiểu bang miền Nam California. Nơi đó, phải nói có nhiều phố xá của người Việt mình tập trung buôn bán khá đông.

Tôi thầm nghĩ, hơn ba mươi năm hội nhập, kể từ khi người Việt có mặt rải rác khắp nơi trên thế giới, nơi nào Cộng Đồng Người Việt cũng nỗ lực tích cực hoạt động sinh sống, họ đã thành công vẻ vang trong mọi lĩnh vực sinh hoạt, ít nhất là trong lĩnh vực thương trường. Điều đó, đủ nói lên tinh thần chịu khó, cần cù, nhẫn nại, quyết chí để vượt qua mọi chướng ngại khó khăn ở lúc ban đầu. Ngoài lĩnh vực thương trường ra, trong các lĩnh vực khác như: các vấn đề xã hội, chính trị, giáo dục, nghệ thuật, truyền thông v.v... Cộng Đồng cũng đã và đang trên đà phát tiển và thành công vượt bực. Đó là những nỗ lực đóng góp xây dựng một cách tích cực cho bản thân, gia đình và xã hội. Nhất là những nơi Cộng Đồng Người Việt đã và đang sinh sống. Điều đó cũng thẩm định được cái bản sắc truyền thống văn hóa cao đẹp lâu đời của một dân tộc. Tuy nhiên, bên cái tốt đẹp tuyệt vời đó, không sao tránh khỏi những cái tệ nạn mà bất cứ Cộng Đồng của một sắc tộc nào cũng có. Riêng về Cộng Đồng Người Việt, những tệ nạn gây ra làm bất an cho xã hội trong thời gian qua cũng như hiện tại không nơi nào mà lại không có. Những thanh thiếu niên phạm pháp ngày càng gia tăng. Đó là điều thật đáng buồn và thật đáng thương tâm! Nhưng biết nói sao hơn, khi mà nghiệp dĩ và trình độ nhận thức của mỗi người mỗi khác.

Về việc tham quan chiêm bái các chùa, tôi thấy sự sinh hoạt trong các ngôi chùa ở hải ngoại, phần lớn đều giống nhau. Chùa thì nhiều, nhưng số lượng Tăng, Ni thì ít. Do đó, nên lâm vào tình trạng "nhứt tăng nhứt tự". Cũng có chùa được một vài vị Tăng, Ni phụ lực. Nhưng số nầy thì rất ít. Đa phần là một thầy một chùa. Ngoại trừ những trung tâm sinh hoạt tu học, có hệ thống tổ chức, có nề nếp quy củ, có người tài đức lãnh đạo, có đường lối hướng dẫn tu học đàng hoàng và có phẩm chất giá trị cao, chỉ có những nơi đó mới có thể thu hút quy tụ được những thanh niên Tăng, Ni trẻ tuổi tập trung sinh hoạt tu học mà thôi. Tuy nhiên, việc nầy đối với tình trạng Phật giáo ở hải ngoại hiện nay, cũng không phải dễ có và dễ tìm. Bởi số người trẻ tuổi xuất gia rất ít. Còn lại, lớp người già phải nói đa số là những vị trung niên hoặc lão niên xuất gia. Số trung niên xuất gia cũng không có nhiều lắm. Mà giả như có nhiều đi chăng nữa, thì họ cũng không có đủ khả năng gánh vác đảm đang những công tác Phật sự trong vai trò lãnh đạo và hoằng pháp. Bởi quá trình tu học và tài đức của họ chưa đủ để có thể hướng dẫn lãnh đạo quần chúng Phật tử tu học. Đó là chưa nói đến những người trọng tuổi thường hay đau yếu bệnh hoạn. Nếu có người bệnh nặng nằm một chỗ thì thử hỏi ai là người trông nôm săn sóc lo cho họ? Cuối cùng, họ cũng phải trở về nhà để cho con cháu của họ tiện bề lo lắng chăm sóc.

Trở lại vấn đề trên, hầu hết các chùa ở hải ngoại nói chung và ở Mỹ nói riêng, đều dồn hết mọi sinh hoạt vào ngày chủ nhật. Vì chỉ có ngày cuối tuần quần chúng Phật tử mới rảnh rỗi để về chùa tu học hoặc làm công quả. Còn lại, những ngày thường thì ai nấy cũng lu bu bận rộn với công ăn việc làm. Vì thế, nếu chùa nào chỉ có một Tăng hoặc một Ni, thì quý vị đó phải lo sắp xếp và làm hết mọi việc. Từ việc hướng dẫn Phật tử tu học cho đến thuyết giảng, đám sám, tụng niệm v.v... thật là uể oải mệt nhoài. Còn Phật tử chỉ đóng vai trò phụ lực tiếp tay phần nào thôi, chớ làm sao họ có thể thay thế cái cương vị cho Tăng, Ni được. Do đó, khi chúng tôi đến viếng thăm tiếp xúc một vài vị Tăng, Ni, trụ trì, quý vị nầy đều có than van tâm sự bày tỏ nỗi khó khăn trong hoàn cảnh thiếu người cộng lực phụ giúp hiện nay. Tôi thấy vị nào còn trẻ, tương đối có sức khỏe tốt thì không nói, còn những vị tuổi hơi cao thường hay đau yếu bệnh hoạn mà lại phải cáng đáng hết mọi việc thì thật là đáng thương cảm biết bao! Vì cả ngày lo hướng dẫn Phật tử tu học, tiếp khách, đám sám, tụng niệm, sức người có hạn, lâu ngày cũng phải kiệt lực, ngã bệnh mà thôi.

Mặc dù trải qua nhiều tuyến đường xa, di chuyển từ nơi nầy đến nơi khác, nơi nào gần nhất cũng là trên mười tiếng đồng hồ lái xe. Chỉ có một tuyến đường dài xa thăm thẳm là từ thành phố Seattle tiểu bang Washington State đến thành phố Chicago, phải mất thời gian hai đêm và một ngày rưỡi ở trên xe. Phải nói đây là đoạn đường dài nhất trong chuyến đi. Những lúc di chuyển như thế, tất nhiên tài xế phải thắm mệt, còn những người không có trách nhiệm lái, thì cũng mệt nhưng đỡ hơn nhiều. Song có điều, chúng tôi di chuyển từ trạm cây xăng nầy đến trạm cây xăng khác đều có thời gian nghỉ xả hơi. Thường là chúng tôi đi vệ sinh hoặc ăn uống, tuy không lâu nhưng cũng khỏe. Nhờ vậy, mà không có ai mệt mỏi nhiều. Vấn đề ăn uống, mặc dù chúng tôi có mang theo lương thực khô, nhưng cũng ít khi dùng đến. Phần nhiều là ăn uống trong các nhà hàng Tây, Ta ,Tàu đều có.

Trải qua bảy cái khách sạn mà đoàn chúng tôi tạm trú, khách sạn nào cũng có đầy đủ tiện nghi. Tuy không sang trọng lắm như cỡ 4 sao hoặc 5 sao, nhưng cũng không đến đổi tệ. Đặc biệt có một khách sạn ở San Jose, họ thiết bị phòng nào cũng có lò điện và đồ nấu ăn. Chúng tôi tạm trú nơi đây 5 đêm. Chỉ có khách sạn nầy, chúng tôi mua đồ về nấu ăn thoải mái. Vì vậy, nên chúng tôi ít đi ăn ở nhà hàng hoặc quán ăn. Thú thật, chúng tôi rất thèm rau cải tươi luộc ăn với cơm. Thế nên, gặp được khách sạn nầy, chúng tôi đi chợ mua rau tươi về luộc hoặc nấu canh ăn thật là ngon. Thường thức ăn trong các nhà hàng phần nhiều là đồ chiên xào nhiều dầu, lại nhiều đường hóa chất và bột ngọt. Có thế, thì thực khách mới hài lòng ngon miệng. Có nhà hàng, quán ăn nào mà chẳng thế. Tuy nhiên, những thứ nầy, đối với tôi, thì tôi rất sợ. Nhớ lại, năm 2004, đi hành hương Tứ Đại Danh Sơn Trung Quốc, mỗi lần vào nhà hàng là tôi phát ớn lạnh. Bởi món ăn nào cũng là dầu mướt rượt. Cho nên, mãi cho tới bây giờ, khi thấy dầu mướt rượt là tôi phát ớn lạnh rồi. Nói thế, cũng tùy theo cơ thể sức khỏe và khẩu vị của mỗi người. Có người họ rất thích ăn những thức ăn có chất dầu và béo.

Cứ mỗi khách sạn, chúng tôi thường tá túc từ 1 cho tới 5 đêm. Năm đêm là tối đa, còn phần nhiều là 3 hoặc 4 đêm. Chỉ có ở Chicago và Boston, mỗi nơi, chúng tôi chỉ ngủ có một đêm thôi. Điều đáng nói ở đây, tuy di chuyển nhiều nơi, thời gian cũng khá khít khao, nhưng sức khỏe của những vị trong đoàn ai nấy đều mạnh khỏe. Trong đoàn, người trọng tuổi nhứt là thầy Phước Nghĩa và kế đó là tôi. Thầy Phước Nghĩa năm nay tuổi trên bảy mươi, còn tôi thì sáu mươi tám. Còn các vị khác thì từ năm mươi tới sáu mươi lăm. Như vậy, kể ra thì cũng không có ai nhỏ tuổi.

Suốt cuộc hành trình, chúng tôi chia làm hai đợt. Đợt đầu, vì còn sức khỏe tốt nên chúng tôi đi nhiều nơi. Từ Chattanooga tiểu bang Tennessee đến Taxas, từ Taxas đến Los Angeles miền Nam California, từ Los Angeles đến San Jose miền Bắc California, từ San Jose đến Seattle, từ Seattle đến Chicago và rồi từ Chicago trở về lại Tennessee. Sau đó, chúng tôi nghỉ ngơi dưỡng sức cho khỏe để chuẩn bị đi đợt 2 kế tiếp. Chúng tôi nghỉ được vài ngày ở Bồ Đề Đạo Tràng của thầy Phước Nhơn. Lần thứ hai, chúng tôi dự định chỉ đi trong vòng thời gian một tuần và sau đó trở về Bồ Đề Đạo Tràng để mở khóa tu. Chúng tôi bắt đầu khởi hành từ ngày 8/10/12 cho đến ngày 13/10/12/. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là thành phố Washington D.C. nằm trong tiểu bang Virginia. Sau đó, chúng tôi đến thành phố Boston và điểm cuối cùng là ghé qua Toronto, Canada. Chúng tôi chỉ ở Canada một buổi chiều và một đêm. Sáng sớm ngày 13/10/12, chúng tôi vừa rời khỏi nhà chú Thông khoảng độ mười phút thì bất ngờ tai nạn lại xảy ra. Lúc đó, khoảng 5 giờ 30 phút. Đây là ngày cuối cùng kết thúc của một chuyến đi tốt đẹp. Nhưng đâu có ai ngờ tai nạn lại xảy ra như thế. Ở đời vô thường không thể nào lường trước được. Việc nầy, chúng tôi đã trình bày cặn kẽ chi tiết ở phần trên.

Chuyến đi nào cũng có những việc vui, buồn xảy ra không sao tránh khỏi. Tuy nhiên, chuyến đi nầy, đối với tôi thì vui nhiều mà buồn ít. Từ lúc khởi đầu thực hiện chuyến đi mãi cho đến ngày trước khi xảy ra tai nạn, phải nói tất cả đều suôn sẻ an ổn tốt đẹp. Trong đoàn, không có ai than phiền điều gì cả. Ai nấy đều hài lòng vui vẻ. Thầy Phước Nhơn lúc nào cũng quan tâm lo lắng cho chúng tôi. Riêng tôi, thì thầy quan tâm lo lắng cho tôi nhiều hơn. Ngoài tình huynh đệ ra, lúc nào thầy cũng coi tôi như một người giáo thọ. Vì mùa an cư kiết đông vừa qua, tôi đã hướng dẫn giúp cho chư Tăng, Ni và thầy. Ngoài thầy ra, các vị trong đoàn như thầy Phước Nghĩa, chú Sa di Phước Nguyện và Sa di ni Phước Như cũng đều thụ học với tôi. Còn anh Tuệ Trung và cô Quảng Đoan thỉnh thoảng đều có tham dự những thời thuyết giảng của tôi. Chính vì thế, nên quý vị nầy bao giờ cũng quan tâm lo lắng đến sức khỏe của tôi. Vì xương sống và đôi chân của tôi bị yếu. Nói lên điều nầy, để tôi cảm ơn trước là thầy Phước Nhơn và sau là quý vị trong đoàn. Riêng Phước Như và Phước Nguyện hai vị nầy lúc nào cũng nghĩ đến và giúp đỡ cho tôi. Nhất là Phước Như thường lo cho tôi về vấn đề ăn uống. Nhân đây, một lần nữa, tôi cũng xin chân thành cảm ơn thầy Phước Nhơn và hai vị đó. Nhờ thầy Phước Nhơn mà chúng tôi mới có dịp thực hiện chuyến đi lịch sử nầy.

Nhân đây, thay mặt quý vị trong đoàn, trước hết chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn chư Tôn Đức Tăng, Ni, như HT Phước Bổn, HT Thiện Viên, HT Thiện Long, HT Minh Đạt, HT Trí Tuệ, TT Duy Tín TT Phước Sung, TT. Phước Tâm, ĐĐ Phước Hội, quý sư cô Thanh Liên, Thanh Giới, Thanh Nghiêm và một số quý Tăng, Ni khác mà chúng tôi không nhớ hết. Cúi xin quý ngài nhận nơi đây lòng biết ân sâu xa của chúng tôi. Những cử chỉ ưu ái, những ân nghĩa tốt đẹp mà quý ngài đã ưu ái sẵn dành cho đoàn chúng tôi, bằng tất cả tấm lòng thương mến tiếp đãi một cách đầy chân tình nồng hậu. Với những nghĩa cử cao đẹp đó, chúng tôi không biết nói gì hơn, một lần nữa, xin chân thành đa tạ tri ân quý ngài. Trong lúc viếng thăm, nếu có điều gì sai sót thất lễ, kính mong quý ngài rộng lòng hoan hỷ thứ lỗi bỏ qua cho. Trân trọng kính chúc quý ngài: tứ đại điều hòa, pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ.

Lời sau cùng, chúng tôi cũng không quên cảm tạ thâm ân thầy Phước Quảng đã giúp phát họa cho hình bìa, thầy Phước viên đã tận tình giúp cho phần trình bày và in ấn, quý sư cô Phước Thanh, Phước An, cũng như hai Phật tử Hồ Sĩ Trung, Lệ Phượng đã hết lòng giúp cho phần sửa bản in. Đồng thời, chúng tôi cũng xin tri ân những Phật tử đã tùy hỷ phát tâm ủng hộ tịnh tài để ấn tống quyển sách nầy.

Nguyện cầu Tam bảo gia hộ cho toàn thể quý vị luôn được sống trong an lành và tùy tâm mãn nguyện.

Biên soạn xong ngày 10 tháng 12 năm 2012

Nhằm ngày 29 tháng 10 năm Nhâm Thìn,

Tịnh Lạc Niệm Phật Đường

Thích Phước Thái

Tài liệu dẫn chứng

1. Wikipedia

2. Wikipedia

3. Wikipedia

4.Wikipedia

5. Wikipedia

6. Wikipedia

7. Wikipedia

8. Wikipedia

***

Chân thành cảm tạ Thầy Phước Thái & Thầy Phước Viên đã gởi tặng Trang Nhà Quảng Đức phiên bản điện tử tập sách này (T.Nguyên Tạng, 16-6-2014)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 3996)
Long trút hơi thở cuối cùng vào lúc 4:15 chiều, vào thời điểm này cậu mợ của Long đang trên máy bay về Việt Nam để thăm mẹ và bà ngoại của Long. Sau bao nhiêu năm vật vã trong đau đớn vì căn bịnh AIDS, và mấy tháng sau này Long sống trong đau đớn cùng cực bởi cơn bịnh hoành hành thân xác, chỉ còn xương và da. Nhiều lần ý nghĩ tự tử đến với Long, có lần Long dùng sợi giây sắt cắm vào ổ điện để mong sao điện giựt cho cậu chết, nhưng thật là chưa hết nợ trần nên cậu bị điện giựt bắn rớt từ trên giường xuống đất,...
10/04/2013(Xem: 5308)
Trong cuộc đời, có những mối tình ngắn ngủi thoáng đến thoáng đi, hoặc kéo dài "trong một tháng trong một năm" như cách nói của nhà văn nữ F. Sagan. Cũng có những mối tình lâu dài " tưởng trong giây phút mà thành thiên thu" hay "đem xuống tuyền đài chưa tan". Nhưng tất cả không biết đáng kể hay không nếu đem đặt bên cạnh mối tình lạ lùng của vị cao tăng chùa Shiga.
10/04/2013(Xem: 12985)
Xin được viết đôi dòng cảm nghĩ của mình về tác phẩm Tu Bụi của tác giả Trần Kiêm Đoàn. Số là rất tình cờ, tôi và anh Đoàn cùng dạy lớp mùa Hè ở trường Pacific Lutheran University tại Olympia, Washington State, tháng 6 năm 2001. Hai chúng tôi được xếp chung hai phòng sát nhau trong cư xá giáo sư trường đại học PLU và cũng là hai người Việt duy nhất ở đây. Anh Đoàn dạy môn Psychotherapy (Tâm Lý Trị Liệu) và tôi dạy môn Physiotherapy (Thể Lý Trị Liệu) nên có dịp làm việc chung trong khóa học. Tôi ham thể thao, anh Đoàn ham viết lách....
10/04/2013(Xem: 3624)
Người ta có thể vương vấn mùa thu bằng những điều thật giản dị. Những ai lần đầu trở thành sinh viên sẽ có cảm giác hạnh phúc trong mùa thu trọn vẹn ý nghĩa. Những ai đã qua dốc cuộc đời, mùa thu lá rụng sẽ có dịp để nhìn lại, để chiêm nghiệm cuộc sống. Mùa thu níu giữ chân ta ở lại, níu ta sống chậm hơn và muốn ngoảnh lại phía sau xem mình đã đánh mất những gì, mình còn lại những gì… Có những phút lắng lòng như thế để bước tiếp, dù chặng đường phía trước còn cả một mùa đông.
10/04/2013(Xem: 3521)
Thỉnh thoảng con mới gọi về Việt Nam để hầu chuyện với Thầy, thế mà lần nào con cũng nhõng nhẽo than van với Thầy là mỗi khi nói chuyện với Thầy xong , thì cái hầu bao của con nó lủng đi thật nhiều. Nhưng hôm nay, cái cảm giác lủng hầu bao của con không còn nữa, mà thay thế vào đó là một nỗi đau buồn nào đó thật mơ hồ mà ngay chính con, con cũng không nhận rõ được, sau khi được Thầy cho biết cặn kẽ những khổ cực của người dân ở các tỉnh miền Trung đang phải gánh lấy, ...
10/04/2013(Xem: 3608)
Tôi hân hạnh được Thầy Pháp Siêu tức là Nguyễn Thanh Dương trình bày với tôi, Thầy đã phải trải qua nhiều năm sưu tập và dịch thuật một bộ TRUYỆN CỔ PHẬT GIÁO gồm có 62 bài Giảng Luận tóm rút các phần tinh hoa đặc sắc. Mỗi mẫu chuyện có nhiều ý nghĩa thâm thúy: xây dựng, thức tỉnh, và giác ngộ cho người đời, Thầy cũng khuyến khích tôi, nếu có phương tiện in ra để phổ biến cho mọi người được xem.
10/04/2013(Xem: 7048)
Pháp Phật rộng lớn thâm sâu, nhưng không ngoài lý Duyên Khởi và lý Nhân Quả. Duyên Khởi hay lý tánh của các pháp. Thật tướng của các pháp chính là không tướng.
10/04/2013(Xem: 4648)
Phât tử Chơn Huy ở Hoa Kỳ về có đem theo tập tự truyện dày của Tỳ Kheo Yogavacara Rahula. Cô nói truyện rất hay, khuyên tôi đọc và nhờ tôi dịch ra Việt ngữ để phổ biến trong giới Phật tử Việt Nam. Câu chuyện rất lý thú, nói về đời của một chàng trai Mỹ đi từ chỗ lang bạt giang hồ đến thiền môn. Truyện tựa đề "ONE NIGHT'S SHELTER (From Home to Homelessness)--The Autobiography of an American Buddhist Monk". Tôi đọc đi rồi muốn đọc lại để thấu đáo chi tiết trung thực của một đoạn đời,...
10/04/2013(Xem: 6214)
Cách đây hơn ba mươi năm, cũng có vài tiểu thuyết gia viết về Lý Công Uẩn. Cốt truyện tuy ly kỳ, câu văn tuy hấp dẫn thực, nhưng các tác giả thường thường đưa vào nhiều chuyện hoang đường để mô tả một nhân vật lỗi lạc với những hành động vượt quá sức tưởng tượng.
10/04/2013(Xem: 4866)
Còn trong tác phẩm Và khi tro bụi của nhà văn Đoàn Minh Phượng, người đọc không bước qua một cánh cửa, không đi theo một đường thẳng mà cứ bị dẫn dắt qua bao lối rẽ. Người đàn bà đi tìm cái chết, nhưng rồi cuối cùng chính chị phải tìm cách ngăn lại một cái chết khác. Mỗi người được sinh ra không phải để đi tìm cho mình một dấu chấm hết, mà là một mắt xích tạo nên dòng đời. Cho dù cuộc đời chỉ được ghi nhận bằng dòng chữ ngắn ngủi “Tôi là một đứa trẻ mồ côi....
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]