Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 12: Hương Lúa Chùa Quê

24/03/201420:14(Xem: 9665)
Phần 12: Hương Lúa Chùa Quê
blank

Phần 12: Hương Lúa Chùa Quê
HT Thích Như Điển


T

rong kinh Trường A Hàm, Đức Phật dạy rằng: “Ngày xửa ngày xưa cõi đất nầy rất sạch sẽ và cơm gạo ngũ cốc cũng có dư thừa, tự sinh sản. Con người không cần làm lụng cũng có của để dùng. Con người thuở ấy ai cũng có thần thông và đa phần con người đến đây từ cõi Trời Quang Âm Thiên”.

Đầu tiên con người thấy đất đai màu mỡ; nên lấy ngón tay của mình chấm vào đất và đưa vào miệng để mút thử, thấy ngọt ngọt; con người cảm thấy vui thích và cứ thế lấy đó mà dùng. Mỗi người lại tự suy nghĩ: Nếu mình không lấy để dành thì ngày mốt, ngày kia sẽ không có đồ ăn. Từ đó tâm tích lũy tồn tại, ai ai cũng lo lấy đồ ăn có sẵn trên mặt đất để cung phụng cho cái đói và những nhu cầu cho mình. Thế rồi mọi người tự be bờ, đắp lũy để tạo thành những thửa ruộng như ngày nay, rồi canh tác, cày cấy, trồng trọt để có cái riêng cho mình. Khi đã có ruộng vườn, tức phải có chủ nhân của miếng ruộng kia. Rồi tá điền, điền chủ, Thôn trưởng, Xã trưởng lại xuất hiện, để ngày nay tiếp tục gọi là Vua Chúa, Tướng lãnh, Thủ tướng, Tổng thống v.v…

Như vậy con người khởi đi từ cái tham nên mới có sự phân chia như ngày hôm nay và cũng chính từ lòng tham ấy mà thần thông đã mất. Con người ngày nay chỉ có tranh đấu và đấu


tranh để tồn tại và sẽ đi đến sự giải thể qua các giai đoạn của thành, trụ, hoại, không trên quả đất nầy. Đây là những bản kinh cổ điển của Phật Giáo được viết bằng tiếng Pali và được dịch sang chữ Hán cũng như tiếng Việt. Mới đọc, ít người khó tin được. Vì cái chấp thủ của con người; trên thực tế những gì Đức Phật đã dạy trong mấy ngàn năm qua không có một điều gì sai quấy và phản lại khoa học cả. Đây là một Đạo học của nhân loại, một cách sống hợp với lòng từ bi và sự lợi tha cho mọi người cũng như mọi loài. Ai tin được, người ấy cứ tin, ai hiểu được, người ấy cứ hiểu. Đức Phật cũng đã từng dạy rằng: “Đến với ta để thực hành chứ không phải chỉ có tin”. Đây là lời dạy rất sáng suốt của một bậc giáo chủ.

Như vậy ngũ cốc đã có sẵn nơi thế giới nầy tự ngàn xưa; trong đó có lúa, mè, đậu, bắp, khoai. Những thứ nầy là những đồ dùng cho con người và muôn vật. Nó tự biến thể qua nhiều dạng thức khác nhau để làm nên nhiệm vụ sản sinh các thực vật và cung cấp sự sống cho con người cũng như những động vật khác. Ăn là một động tác, hít thở là một động tác, suy nghĩ cũng là một động tác và làm việc là một động tác khi biểu hiện, dễ nhận thức hơn. Con người đã vì cái ăn, vì sự sống mà tranh giành giết chóc với nhau. Do vậy Tôn Giáo giữ một vai trò quan trọng để kiểm soát cái bất thường nơi con người và tạo nên sự quân bình cho cuộc sống giữa đời sống tâm linh và vật chất kia.

Người Á Châu chúng ta dùng lúa gạo làm chính gồm có các dân tộc lớn như Ấn Độ, Trung Hoa, Mông Cổ hay các dân tộc nhỏ như Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam và các nước Đông Nam Á Châu khác. Trong khi đó các xứ Âu Châu và Phi Châu khí hậu khắc nghiệt hơn, do lạnh quá và nóng quá, các thứ lúa sinh sản tại Á Châu khó tồn tại ở Âu hay Phi Châu được; nên tại đây họ trồng lúa mạch hay lúa mì để sản xuất ra những thực phẩm khác, cũng chỉ để nhằm cung cấp lương thực cho con người. Mục đích cũng chỉ để phục vụ cho cái ăn, cái mặc của con người qua nhiều thời đại khác nhau. Ngày xưa số cư dân trên quả đất nầy rất ít; nhưng ngày nay đã có hơn 6 tỷ người sinh sống, tồn tại và nghe đâu đến cuối thế kỷ thứ 21 nầy, dân số lên đến 10 tỷ. Như vậy con người lấy cái gì để ăn đây? Đây là một câu hỏi khiến cho nhiều nhà xã hội học phải đau đầu; nhưng nếu đúng như Thánh Gandhi đã nói thì ta không có gì để lo ngại cả. Ông ta bảo rằng: „Thực phẩm trên thế giới nầy không bao giờ thiếu; chỉ có lòng tham của con người không bao giờ đủ mà thôi“. Như vậy nếu con người biết dừng lại lòng tham thì sẽ không khổ. Cũng vì tham ăn nên mới mất hết thần thông. Bây giờ tham sống; nên mới chém giết lẫn nhau. Cuối cùng rồi cũng chỉ đem đến sự đổ vỡ và cái họa diệt vong cũng gần kề.

Đầu năm 1966 tại chùa Phước Lâm xảy ra nhiều chuyện không vui trong chúng, khiến nhiều chú cũng lo toan, không biết tương lai của mình sẽ ra sao; nhưng cũng nhờ phép sống lục hòa trong chùa đã giữ lại sợi dây hòa khí, vốn xưa nay đã là giềng mối của chốn Thiền lâm và có lẽ mãi mãi cho đến sau nầy cũng vậy; nên mọi việc cũng đã trôi qua một cách nhẹ nhàng êm thắm.

Thế rồi ngày 27 tháng 3 năm 1966 đã đến, tôi và Hòa Thượng Bảo Lạc đã mất đi người Mẹ của mình. Phần tôi ở gần; nên đã về thăm quê trong những dịp như thế ấy, nhằm gián tiếp an ủi người cha trong khi Mẹ đã ra đi. Sau tuần thất thứ nhất, tôi trở lại chùa Phước Lâm và có ý xin Thầy Như Vạn về lại quê xưa để giúp Cha trong mùa gặt sắp tới, nhân ngày chung thất của Mẹ. Đây là cái cớ để xa chùa, xa Thầy, xa Chúng trong một thời gian và mục đích là báo ân báo hiếu.

Tôi sinh ra trong gia đình con nhà nông mà chẳng biết cày bừa, cấy lúa. Vì lẽ từ nhỏ đã có gia đình lo. Bây giờ nhân việc Mẹ mất, trở lại quê xưa để giúp Cha thu hoạch vụ mùa. Những người đi trước làm sao, tôi cố làm theo như vậy. Ví dụ như họ xăn quần lội xuống nước và tay mặt cầm liềm cắt lúa, tay trái đỡ bó lúa; đến khi đầy ôm, mang lại bồ lúa để đập. Bồ lúa gồm một tấm phên được dựng cao trong một cái bồ, khỏi tầm người đứng; đoạn chẻ lúa ra từng lọn nhỏ đứng thẳng người đập mạnh lên trên một cái sạp để hột lúa rớt vào trong bồ và phần bên trên không rơi ra ngoài ruộng là nhờ có tấm phên che sẵn. Lúa đã được đập xong, chỉ còn cọng rạ. Rạ nầy người ta phơi khô để cho trâu bò ăn, hay bện lại thành từng lớp để lợp nhà. Có nơi làm bổi đốt để nấu cơm; có nơi ủ rơm thành nấm. Quả thật cây lúa từ khi mới thành hình cho đến lúc trổ đòng đòng, kết thành bông, tạo thành hạt... rồi thành gạo, thành cơm. Mỗi một giai đoạn, cây lúa từ thân đến hạt đều cung cấp cho con người nhiều việc khác nhau, nhằm giúp cho con người khắc phục những khó khăn nhất định trong cuộc sống hằng ngày.

Đứng cắt lúa và đập lúa tôi không ngại; chỉ ngại khi thấy những con đỉa nhún mình đo tới bám sát vào đùi của mình. Lúc ấy chỉ có la hoảng chạy lên bờ. Trong khi đó anh chị tôi đều cười và bảo rằng: Chẳng có gì để đáng lo cả. Hãy đứng yên đó và nhổ nước miếng vào chỗ bị đỉa cắn, đỉa sẽ buông ra ngay và lấy một mảnh lá tơi đang mang hay lá đang đội nón trên đầu áp vào vết thương, máu sẽ ngưng chảy và đó là kết quả của một công việc. Tuy đơn giản; nhưng không có những bài học của nhà nông thì mãi cho đến bao giờ ta cũng sẽ không thực hành được những kinh nghiệm thực tế ấy.

Sau khi gặt lúa về nhà có nơi dùng trâu hay bò đạp lên bông lúa để có hạt lúa rời; nhưng nhiều nhà nông cho rằng việc nầy không bằng đập lúa để cho hạt lúa còn nguyên vẹn hơn. Sau khi đập lúa xong, người ta phải phơi lúa cho khô qua nhiều ngày nắng. Mỗi ngày lấy cào lúa cào đi cào lại bao nhiêu lần để cho hạt lúa đổi phía. Ngày cuối cùng người ta „dê lúa“. Dê lúa là danh từ của nhà nông; có nghĩa là một người đứng thẳng mang thúng lúa „dê“ xuống đất, phía sau có một người cầm chiếu hay quạt lớn quạt đều tay; những hạt nặng rơi thẳng xuống mặt đất; những hạt lép bay ra phía trước. Cuối cùng người ta chỉ đong những hạt chắc đổ vào lu và những hạt lép cho gà vịt ăn.

Khi nào muốn có gạo thì phải xúc lúa trong lu ra xay bằng cối xay tay. Cối xay có 2 thớt. Thớt trên nặng và quanh mặt thớt có gắn những kim loại để có thể nghiền được. Thớt dưới không di chuyển nằm yên và chung quanh thớt dưới có đường mương cho gạo chảy ra. Lúa được bỏ vào phần trên cùng của thớt bên trên. Khi nào lúa trong vòng tròn sắp hết thì người cho lúa phải tiếp tục cho lúa khác vào. Sau khi xay xong thì gạo nầy có cả trấu và gạo nằm chung. Các chị lúc ấy đổ gạo hỗn hợp nầy lên một cái sàng; gạo được sàng và được sảy thật kỹ. Lúc ấy sẽ có một loại trấu và gạo lức hình thành. Nếu kỹ nữa thì đem gạo lức nầy giã vào cối một lần nữa, sẽ có gạo trắng. Thế là nhà nông có một bữa cơm nguyên chất mặn nồng và đầy cả tình cảm quê hương trong ấy.

Đó là vào thời buổi xa xưa khi phương tiện máy móc chưa xuất hiện ở miền Trung nhiều; nghe đâu sau nầy sau khi gặt lúa, người ta chở lúa đến nhà máy xay lúa. Máy xay hay máy nghiền, máy gặt hoặc máy sấy chỉ làm việc trong một hai ngày là lúa đã sạch vỏ, tạo thành những hạt gạo trong ngần dùng để ăn hay đem ra chợ bán, tùy theo sở thích của gia đình.

Ngày xưa khi còn Mẹ, tôi vẫn được dạy rằng: “Cơm là hạt ngọc của trời, đừng phí phạm nó. Sau nầy sẽ làm heo gà để ăn lại cơm thừa đổ tháo ấy“. Lời Mẹ dặn tuy không mang tính triết học. Thế nhưng nó cũng ứng với kinh điển của Phật dạy tự ngàn xưa. Nghĩa là hạt cơm ấy có gốc gác là những hạt ngọc từ cõi Trời mang đến. Điều nầy cũng không khác gì món cơm ở cõi Trời Hương Tích mà Ngài Duy Ma Cật đã nấu để dâng cúng cho Chư Tăng. Món cơm ấy có khả năng cung cấp cho nhiều người; nhưng nồi cơm vẫn còn nguyên vẹn.

Lần nầy trở lại quê, tôi đã mang vóc hình của người Tăng sĩ, đầu cạo nhẵn, mình mặc áo nhật bình. Do vậy có nhiều người trầm trồ rằng: „Nhà ông Quyên có phước quá, có cả hai người con đi xuất dương“. Ý nói rằng đi xuất gia tu học; nhưng bà nọ bảo là đi xuất dương; thế mà điềm nầy cũng hẳn đúng cho những năm sau đó là Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi đã xa rời khỏi nước trước 1975 để sang Nhật Bản du học. Đây là những kết quả không định trước, mà cũng đã có không biết bao nhiêu người muốn; nhưng đã thành tựu được gì đâu; chẳng qua là nhờ hiện báo và dư báo tốt hoặc xấu của mỗi người còn sót lại.

Chùa Hà Linh quê tôi vẫn còn hiện hữu đó, sừng sững với gió sương, chứng kiến không biết bao nhiêu sự tang thương đổ nát của quê hương qua chiến tranh bị tàn phá và ngôi chùa làng quê tôi cũng đã là chứng nhân của lịch sử; chứng kiến không biết bao nhiêu kẻ đến người đi. Có kẻ thành người hữu dụng cho đất nước, mà cũng có người vì chính kiến khác nhau nên kẻ đứng bên nầy; người đứng bên kia đối diện nhau như hai đường thẳng song song chưa bao giờ gặp nhau được. Ngoài ra chùa cũng là nơi mang đến bao nhiêu hạnh phúc cho dân làng. Vì chùa bây giờ đã sản sinh ra rất nhiều người xuất gia, mà ngày nay đã có rất nhiều Hòa Thượng, Sư Bà, Ni Sư vốn đã xuất thân từ Gia Đình Phật Tử Hà Linh nầy.

Chùa nằm trên vị trí thật cao; nhưng nhiều lúc nước lụt lớn vẫn có thể kéo nước vào. Do vậy sau nầy Ban Đại Diện cũng như Ni Sư Trụ Trì có viết thư vận động nhờ chúng tôi giúp đỡ để xây một Tăng Xá hai tầng, nhỡ khi tai trời ách nước có xảy ra thì cũng có nơi che chở những con người vốn chịu nhiều cực khổ nơi thôn quê, dân giả nầy. Điều nầy chúng tôi đã đáp ứng để thể hiện việc xây dựng tái tạo kia trong đó có cả Hòa Thượng Bảo Lạc, bản thân chúng tôi, Sư Bà Diệu Tâm, Ni Sư Như Viên, Ni Sư Diệu Phước v.v... Đây là cái tình quê và cái nghĩa của nơi chôn nhau cắt rốn mà chúng tôi đã thể hiện trọn vẹn khi còn đang ở ngoại quốc ngày nay, nhằm hỗ trợ cho quê hương có một nơi yên ổn khi xuân đến đông về.

Trước chùa có một sân nhỏ, là nơi để cho Gia Đình Phật Tử sinh hoạt. Hai bên vườn chùa trồng bí đao và bí rợ. Đây là sản phẩm của nhà nông. Vùng chùa quê nầy quanh đi quẩn lại cũng chỉ sản xuất được một số hoa màu chính như: lúa, bắp, đậu và những hoa màu phụ như: bí, bầu, rau, cải v.v.... Nông dân chủ yếu bám vào miếng đất của mình để cày xới, trồng trọt; nhằm tạo thêm đời sống vật chất cho gia đình mình có đủ cái ăn cái mặc; nhưng trời lại chẳng thương tình họ. Khi mùa mưa, mùa lụt đến, tất cả tài sản họ làm được trong năm, đều bị cuốn hút theo dòng lũ ấy. Thế là đi đong cả một công trình. Họ lại bắt đầu cho năm khác và cứ thế, năm nầy qua tháng nọ, một nắng hai sương họ phải chịu dãi dầu như vậy.

Những ngôi chùa Tổ như Phước Lâm, Long Tuyền, Chúc Thánh còn có ruộng đất quanh chùa hay ở những nơi khác. Đây là những đất đai mà ngày xưa vua quan hay những nhà điền chủ đã cúng cho chùa. Nhà chùa cho dân chúng làm thuê và mỗi năm đến mùa gặt, chủ đất đến gặt lúa chung với người thuê đất và chia hoa lợi đem về chùa mình: nhờ vậy mà các chùa Tổ mới có huê lợi nuôi Tăng Chúng ăn học. Còn các chùa tại nhà quê, như chùa Hà Linh; nơi tôi được sinh ra chưa được cái phước ấy. Mãi cho đến khi tôi đi xuất gia, ngôi chùa ấy vẫn chưa có trụ trì. Mọi sự đóng góp đều do dân làng chung sức lại với nhau để xây dựng.

Sở dĩ những ngôi chùa Tổ có được nhiều ruộng đất như vậy vì chùa đã thành lập lâu đời và Trụ Trì hay Phương Trượng của những ngôi chùa Tổ ấy là những vị cao Tăng, đạo cao đức trọng như Tăng Cang hay Hòa Thượng, danh tiếng lẫy lừng. Do vậy vua quan mới trọng vọng và cúng dường vào đó. Từ xa xưa đến nay các chùa Việt Nam chúng ta đều sinh hoạt theo hệ thống nầy; nghĩa là Sơn Môn hay Giáo Hội không có một uy quyền tuyệt đối như các Tôn Giáo khác và không có mệnh lệnh từ trên đưa xuống, vì chẳng có giáo quyền; nhưng Đạo Phật và chùa viện được tồn tại lâu đời trong dân chúng là nhờ vào uy đức của chư Tăng ảnh hưởng đến tín đồ. Chính nhờ công đức của chư vị Tổ Sư mà đã nuôi sống cả một dòng Thiền hay Tịnh Độ và nhờ vậy Đạo Phật đã có mặt trong dân gian từ thượng tầng cơ sở cho đến nơi thôn quê hẻo lánh. Nơi nào có người dân sinh sống; nơi đó đều có sự hiện hữu của một ngôi chùa, tùy theo số lượng dân cư sinh sống tại đó mà chùa sẽ được lập nên ít hay nhiều.

Chùa chiền tại Việt Nam được chia ra nhiều loại như sau:

Chùa Tổ - Đây là những ngôi chùa lớn, có mặt lâu đời tại xứ sở đó. Đầu tiên những ngôi chùa nầy cũng chỉ là những am tranh do các vị Hòa Thượng nổi tiếng về đây xây dựng để nhập thất và hành Thiền. Sau nầy vị Thầy ấy nổi tiếng qua công hạnh tu tập của mình, chùa được các đệ tử xây dựng quy mô hơn, thay thế cho am tranh kia và vị ấy có xuất ra dòng kệ để truyền thừa. Ví dụ như Tổ Minh Hải khai sơn Tổ Đình Chúc Thánh ở Hội An; Tổ Nguyên Thiều khai sơn chùa Quốc Ân ở Huế v.v... Tất cả đều lệ thuộc vào công hạnh của vị Tổ Sư ấy. Thông thường những ngôi Tổ Đình như vậy độc lập về mọi phương diện với tín đồ. Chùa do chư Tăng quản lý và xây dựng. Phật Tử chỉ góp công, góp của vào để tạo nên chốn Già Lam thanh tịnh, nhằm có nơi chốn cho Phật Tử tu hành.

Chùa Tỉnh Hội hay Quận Hội là những ngôi chùa có tính cách hành chánh, là trụ sở của Tỉnh của Quận và ở đây do Ban Hộ Tự nắm quyền. Vị trụ trì nếu có cũng chỉ là một vị lãnh đạo tinh thần đúng nghĩa, không chi phối vào việc chùa và việc Hội. Đây là điểm đặc biệt khác với chùa Tổ.

Chùa làng, chùa tư là do làng xã dựng nên hay những người giàu có bỏ tiền ra để thành lập. Sau đó trong làng đi thỉnh Thầy, Cô về trụ trì và chùa tư cũng giống như vậy. Đa phần những chùa nầy khó nuôi Tăng chúng. Vì tất cả đều lệ thuộc vào làng, xã hoặc tư nhân. Chỉ có vị Sư trụ trì là có thể ở lâu dài tại nơi đây để chăm sóc hương khói cho chùa, cúng đám cầu an, cầu siêu cho dân chúng trong làng.

Ngoài ra cũng có những ngôi chùa làng không hoặc chưa có Thầy, Cô về trụ trì, vì nơi đó hẻo lánh, kinh tế khó khăn, hoặc giả những chùa lớn tại tỉnh nhà không đủ Tăng, Ni để cung cấp về lo chăm sóc những chùa nầy; trong đó có chùa Hà Linh tại quê tôi là một. Thỉnh thoảng có những lễ lớn như Phật Đản hay Vu Lan, Ban Hộ Trì về Tỉnh cung thỉnh chư Tôn Đức giảng sư về đây giảng một hai ngày và tổ chức các buổi lễ quy y Tam Bảo cho Phật Tử tại gia, sau đó các Ngài trở lại trụ xứ của mình và mọi sinh hoạt tại địa phương đều do các Cư sĩ đảm nhiệm.

Trước năm 1975 chùa Hà Linh cũng cùng chung số phận với bao nhiêu chùa khác trong tỉnh là trong một thời gian dài không có Thầy, Cô trụ trì; mặc dầu nơi nầy sản sinh ra không dưới 30 vị đi xuất gia đầu Phật; nhưng sau khi rời khỏi làng quê, quý vị nầy có cơ hội đi là đi tới luôn, ít có vị nào quay trở lại. Nếu có chăng chỉ là thăm viếng trong một thời gian ngắn mà thôi. Không phải người ta chê chùa quê; nhưng vì người trong làng vốn đã quen biết quá lâu, quá nhiều; giờ đi xuất gia rồi, dẫu cho có lên đến bậc Ni Sư, Hòa Thượng họ vẫn nhớ hình ảnh của chú trẻ mục đồng chăn trâu thuở nhỏ hay cô bé gánh nước thuê dạo nào, thật khó làm việc vô cùng, dầu cho vị ấy có khả năng nhiều đi chăng nữa. Cho nên họ chọn giải pháp đi xa và ở xa quả là vậy.

Sau năm 1975, Giáo Hội có thêm nhiều nhân sự trẻ; nên bây giờ chùa Hà Linh cũng đã có một Ni Sư thuộc miền khác về đây trụ trì. Do vậy không khí sinh hoạt của chùa có vẻ ấm cúng hơn.

Trong khi ở lại quê để giúp cho gia đình thu hoạch mùa màng và làm tuần 49 ngày cho Mẹ vào năm 1966 ấy, đêm nào tôi cũng về chùa Hà Linh để nghỉ ngơi và kinh kệ. Sáng sớm hôm sau về nhà dùng điểm tâm và lại xách nón ra đồng để cùng cha và các anh chị tiếp tục công việc nơi những thửa ruộng còn lại. Cuối cùng rồi chữ Hiếu cũng tạm yên, tôi trở lại chùa Phước Lâm tại Hội An trong mùa hè năm 1966 ấy.

Như trên quý vị cũng đã đọc qua, vì trong Chúng có việc không vui; nên tôi cũng đã tìm cách vắng xa chùa một thời gian. Nay tuần 49 của Mẹ tôi cũng đã qua rồi. Đây là cái cớ để tôi xin phép Hòa Thượng Như Vạn về lại chùa Viên Giác để đi học cho gần. Vả lại thuở ấy không có ai hầu Thầy Bổn Sư, ngoài chú Thứ, trong khi đó tại chùa Phước Lâm có nhiều chú lo cho Thầy. Thầy nhìn tôi có ý trù trừ và Thầy cũng đã nhận ra rằng; đó không phải là ý chính thúc đẩy tôi phải về lại Viên Giác; nhưng nếu đã muốn thế, thì Thầy cũng thuận lòng cho.

Lúc ấy chùa Phước Lâm đã lợp ngói xong và ngôi chùa bây giờ bề thế nhiều hơn xưa rất nhiều. Nơi đây dẫu sao đi nữa cũng đã ghi lại nhiều kỷ niệm đẹp trong đời làm Điệu, lúc mới xuất gia học đạo của tôi. Suốt cả trong cuộc đời của mình, mãi cho đến bây giờ gần 50 năm trôi qua, tôi vẫn không bao giờ quên được hình ảnh ngôi chùa và tuổi thơ của tôi đã sống tại đây 2 năm, từ năm 1964 đến năm 1966.

Con người có thể già đi về hình hài và tư tưởng; nhưng rất trẻ con khi những ký ức của tuổi thơ hiện về. Vì vậy đã có không biết bao nhiêu văn nhân thi sĩ nuối tiếc tuổi thơ hay tuổi học trò là vậy. Lúc còn nhỏ, mình đã chẳng làm nên tích sự gì; nhưng chính cái không tích sự ấy đã trở thành sự tích cho Đời và cho Đạo về sau nầy khi mà cuộc đời của vị Tăng Sĩ ấy đã theo Phật về Tây. Ý tôi không phải muốn tự tô bồi cho mình một chỗ đứng; nhưng tôi chỉ muốn ghi lại cuộc đời của mình thật rõ ràng, để ngày sau, nếu có ai đó tìm lại bước chân xưa, thì có cơ sở để dò tìm. Dĩ nhiên là tôi không thể ghi lại hết sự thực 100% được. Vì có những sự thực quá phũ phàng; nên tôi sẽ lướt qua. Vì càng đào sâu vào sự thực thì sự thực ấy sẽ trở thành phản sự thực. Vả lại tất cả cái gì hiện có trên đời nầy đâu có gì là chân thực mà đi tìm cái thực; nhưng nếu có tìm ra được cái thực đi nữa, thì cái thực ấy cũng chỉ là giả danh mà thôi. Bản chất của cuộc đời nầy vốn là như vậy.

Tôi về lại Viên Giác vào mùa hè năm 1966 cũng là thời gian chuẩn bị lễ Khánh thành Tây Đường đã được xây dựng trong thời gian qua. Bây giờ dãy nhà nầy khang trang hơn; có phòng khách, nhà giảng và phòng nghỉ của Sư Phụ. Tầng trên dùng để cho khách đặc biệt của Sư Phụ nghỉ lại khi viếng thăm chùa Viên Giác và bên ngoài là tầng thượng tiếp nối với nhà Trù cũ kỹ ngày xưa. Thầy tôi rất vui khi thấy tôi về và cũng chẳng gạn hỏi gì thêm, sau khi tôi đã thưa ý chính là về đây gần Thầy cũng như đi học cho gần. Thầy bảo qua nhà Đông có Bác Thị Tâm đang ở đó, hãy ở chung gian phòng với Bác.

Lúc ấy tôi cũng đã 17 tuổi rồi. Cái tuổi của chẳng khôn cũng chẳng dại. Đây là cái tuổi của sự phán đoán có lẽ chín chắn hơn và cũng là cái tuổi có nhiều suy tư hơn thuở còn nhỏ. Mùa hè năm ấy có phong trào đưa bàn thờ Phật xuống đường của Hòa Thượng Thích Trí Quang chủ trương và Phong trào Thanh Niên Quyết Tử tại tỉnh nhà cũng rất mạnh. Tôi thường thấy lính tráng, Gia Đình Phật Tử, nam thanh nữ tú vào ra giảng đường nhộn nhịp hằng ngày. Lúc ấy chú Thứ làm Thị Giả cho Thầy và lo trà nước cho nhiều chính khách nên biết mặt, nhớ tên rất nhiều người. Khi nào có gì hơi khả nghi, chú lại tin cho tôi biết. Ví dụ như có cô nào đó vào nói chuyện với Thầy cả mấy tiếng đồng hồ mà chưa xong; có ông Đại úy ấy thấy quá hùng hồn. Hình như bà kia là giao liên cũng nên... hết tin nầy đến tin khác, tôi cũng chỉ quan sát và đợi chờ, không phản ứng và cũng chẳng quan tâm nhiều.

Thông thường con người tự nghĩ mình là đúng; nên mới thực hiện một điều gì đó, hay bảo vệ cho một lý tưởng nào đó của mình. Bởi vì ý kiến kia do sự chấp thủ dẫn đầu; nên khó mà nói rằng điều ấy đúng hay sai. Nó đúng với người nầy mà sai với người kia và trong thiên hạ có cả thiên hình vạn trạng cách suy nghĩ khác nhau, bảo làm sao cho giống mình được. Từ đây mới có sự tranh luận và giành phần thắng lại cho mình. Thắng hay thua, thành hay bại cũng giống như „giọt nước sương mai trên đầu ngọn cỏ“ mà thôi! Có đó rồi mất đó; hiện hữu đó rồi tan biến đó; đẹp đó rồi xấu đó... ai hiểu được điều nầy thì cũng chẳng nên bám víu một vật gì ở thế gian để làm gì. Tất cả đều do sự hòa hợp và tất cả cũng sẽ tan rã. Chỉ chờ đợi thời gian sẽ trả lời cho những sự kiện có không nầy.

Thình lình vào một buổi sáng tinh sương, sân chùa Viên Giác tại Hội An náo động bởi những chiếc áo kaki màu xanh của lính. Họ là những người lính của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đã được lệnh trên; nên đột nhập vào chùa để bắt những người chủ chốt, trong đó có Thầy tôi và một số anh em Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử đang sinh hoạt trong Phong trào Thanh Niên Quyết Tử mặc áo đà thay vì áo lam. Họ là những người sẽ chết vì Đạo và cho Đạo.

Tôi quan sát những người lính nầy họ làm gì và những kết quả thật bất ngờ khi họ dúi tay vào lư nhang lấy ra những quả lựu đạn còn mới. Khi vào sau hậu Tổ họ đem ra một mớ truyền đơn tuyên truyền của cộng sản ra hô hoán là những Anh Em Quyết Tử nầy đang in Ronéo và có cả cờ Giải Phóng nữa. Đây là bằng chứng để họ bắt đi tất cả. Thật sự ra bằng chứng ấy cũng chỉ là một sự ngụy tạo đối với những kẻ đương quyền mà thôi. Vì họ đang có quyền và có súng đạn trong tay: còn Phật Giáo không có gì hết; ngoại trừ một tấm lòng cho quê hương, cho dân tộc và đạo pháp.

Tôi cũng đã đọc xong quyển „Trí Quang tự truyện“ của Hòa Thượng Trí Quang viết trong thời gian gần đây; nhưng thật sự không tìm được câu giải đáp chính đáng của giai đoạn tranh đấu năm 1966 do Ngài chủ trương. Có lẽ Ngài ngại viết ra sự thật. Vì sự thật bao giờ cũng phũ phàng; nhưng nếu nhân vật chính còn ngại ngùng thì tất cả những báo chí phê bình cũng chỉ là những quyết đoán mà thôi. Sự thật như thế nào xin dành cho khoảng không im lặng vậy.

Thầy tôi bị bắt, tôi cũng theo cùng. Khi đến Ty Hành Chánh tỉnh Quảng Nam thì họ đưa Thầy tôi lên máy bay trực thăng, còn tôi và một số anh em Gia Đình Phật Tử họ đưa qua nhà lao bên cạnh trường Trần Quý Cáp. Thời gian nầy là thời gian khai cung, thời gian bị ở biệt lập, thời gian bị tra tấn, thời gian tạo ra sự nghi kỵ lẫn nhau. Họ nhốt chung chúng tôi với tù hình sự. Khi vào đây lại gặp chú Duyên và chú Phấn ở chùa Tỉnh Hội cũng bị bắt vào đây. Có lẽ đây cũng là kế hoạch tổng tấn công các chùa chiền miền Trung, giống như năm 1963 thời ông Diệm.

Năm đó ngoài những Sư Cô ở chùa Bảo Thắng thăm nuôi hằng tuần ra, chùa Viên Giác tại Hội An chẳng có ai đi thăm chúng tôi. Vì Thầy tôi đã bị bắt; chúng lý chùa Viên Giác tan hàng; chỉ còn có Bà Chín ở lại chùa; trong khi cửa chính chùa cũng không mở và chuông u minh cũng chẳng gióng được ngày nào.

Sau mấy tuần hỏi cung họ cũng đã chẳng tìm ra được một manh mối nào. Vì giữa Phật Giáo tranh đấu thuở bấy giờ không có sự liên hệ với bất cứ một đảng phái quốc gia hay cộng sản nào cả. Phật Giáo vẫn là Phật Giáo của dân tộc, không toa rập với ngoại bang để làm hại dân mình. Do vậy Phật Giáo không đứng bên nầy lẫn bên kia, mà đứng lên trên mọi khuynh hướng đối kháng của thời đại và đứng trong lòng của dân tộc. Sống cùng đồng cam cộng khổ với dân tộc; Phật Giáo không sống cho chính mình mà chính vì sự lợi ích của tha nhân và sự hưng thịnh của Tổ Quốc về sau nầy. Từ đó họ nới lỏng chúng tôi, cho ra ở 2 nhà vòm phía trước, đối diện với Tiểu Khu Quảng Nam và vẫn nằm bên cạnh trường Trung Học Trần Quý Cáp.

Sau 3 tháng như vậy có lệnh được phóng thích. Hôm đó có Hòa Thượng Thích Trí Minh, Trụ trì chùa Tỉnh Hội cùng với ông Phạm Ngọc Chi, Tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Nam đến khuyên giải vài điều, rồi chúng tôi ai lại về chùa nấy. Có ở tù rồi mới biết người xưa nói không sai như: „một ngày ở trong tù bằng một ngàn ngày ở ngoài“. Khi chưa mất sự tự do, người ta thường không để ý đến sự tự do là gì; nhưng khi sự tự do đã mất, lúc ấy người ta mới thấy sự tự do là vô cùng quan trọng. Đúng như trong Truyện Kiều, Cụ Nguyễn Du đã diễn tả rằng: „Đoạn Trường ai có qua cầu mới hay“. Khi còn ở bên đầu cầu nầy hay đầu kia, đề bạt nhiều ý kiến; nhưng khi tự mình cất bước qua cầu; nhất là chiếc cầu bắc ngang giữa Đời và Đạo hay chiếc cầu sinh tử, tử sinh, thì lúc ấy mới biết biệt nghiệp của mình lành dữ như thế nào.

Tôi về lại chùa Viên Giác Hội An thấy cửa đóng then cài. Đi từ ngõ vào chùa chỉ cảm nghe như tiếng lá đa xào xạc, không một bóng người qua lại, trông rất đìu hiu. Đặt chân lên chánh điện, tôi mở toang cánh cửa chính đầy màn nhện giăng để cho ánh sáng lọt vào bên trong đoạn dò dẫm lên bậc trên, dưới chân mình chạm vào một lớp bụi thời gian, cảm nghe chừng như lâu lắm mới có người đặt chân đến. Tôi cúi sập người xuống lễ Phật ba lạy rồi gióng lên 3 tiếng chuông gia trì, lòng mình cảm thấy trống vắng lạ thường. Bỗng bà Chín từ đâu đã xuất hiện, mở hé cánh cửa chùa nhìn thấy tôi, bà la lên. Ôi! Ông Điển! Chỉ có thế mà nước mắt lại tuôn trào. Tiếp đến tôi hỏi chuyện bà về ai còn, ai đã ra đi và tin tức về Thầy mình ra sao v.v… kể từ ngày hôm ấy tiếng chuông u minh lại bắt đầu vang vọng.

Sau khi quét dọn chánh điện và sân chùa xong, ông Cửu Y nghe tin tôi về cũng ghé thăm và một vài người Phật Tử ở ngoài đó cũng bắt đầu tụ họp lại, để tụng kinh niệm Phật vào những đêm Sám hối và Rằm, mồng một để chờ ngày Thầy tôi trở về. Độ chừng một tháng sau thì Thầy được trở lại chùa xưa và quý chú cũng lục tục trở lại Viên Giác tự. Thầy không vui mà cũng chẳng buồn, lúc nào cũng cảm thấy như Thầy băn khoăn cho một điều gì đó.

Sau ngày bàn Phật xuống đường tại miền Trung, Hòa Thượng Thích Hành Đạo đơn vị Đà Nẵng và Hòa Thượng Thích Như Huệ đơn vị Quảng Nam chính thức đưa đơn từ chức lên Nha Tuyên Úy Phật Giáo. Các Ngài trở về đơn vị của mình để sinh hoạt như xưa. Kể từ năm 1966 trở đi Hòa Thượng Thích Chơn Phát nghỉ làm Giám Đốc trường Trung Học Bồ Đề Hội An và Hòa Thượng Thích Như Huệ đảm nhận chức vụ nầy cho đến những năm về sau. Trong khi đó trường Bồ Đề vẫn tiếp tục xây dựng, do Hòa Thượng Thích Như Vạn làm Đốc Công và mới đây (17.12.2012) nhân lễ Đại khánh Bát tuần của Hòa Thượng Thích Như Huệ, Phương Trượng chùa Pháp Hoa tại Adelaide, Nam Úc, Ngài cho biết rằng: Thời gian từ năm 1964 đến năm 1968 Công Binh đã giúp cho việc xây dựng trường Trung Học Bồ Đề Hội An rất nhiều, như chở gỗ, chở xi-măng, chở đất, chở sắt v.v… nhưng lúc ấy họ đã cho không và không tính đồng nào; nên Giáo Hội mới có được một ngôi trường khang trang như vậy.

Cho đến bây giờ mỗi lần hồi tưởng về những ngày ở tù của năm 1966 nầy, tôi hay nhớ lại hình ảnh của cha mình đi thăm nuôi, đứng kẹp dù trước cổng trại tù Hội An để han hỏi vài lời rồi trở về quê trong vội vã. Hình ảnh ấy đã làm cho tôi xúc động và tôi cũng đã chẳng hỏi nhờ đâu mà cha biết tin. Thế nhưng người đã đến. Cái tang Mẹ mới cách đó mấy tháng. Bây giờ lại chịu lãnh án tù không chờ đợi ở tuổi 17; trong khi mới xuất gia được gần 3 năm. Thời gian như ngừng trôi và không gian như đọng lại, chỉ có sự chiêm nghiệm vào bề sâu của tâm hồn, tôi mới thấy tình phụ tử, tình mẫu tử là gì. Dẫu cho người con ấy sau nầy có trở thành là gì đi chăng nữa, trong tinh thần huyết thống, nó vẫn là đứa con trong kiếp nầy và nhiều kiếp khác ở trong sự sinh tử luân hồi kia.

Bây giờ cuộc sống của tôi tại chùa Viên Giác đã bước sang một bước ngoặc mới. Vì những khung cửa đã sạch nhện giăng; nhưng đường đời muôn vạn nẻo, tôi vẫn phải dõi theo để củng cố tâm Đạo của mình.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/10/2010(Xem: 3068)
Hằng Nga trong cung trăng: Theo sách của Hoài Nam Tử, Hậu Nghệ xin thuốc trường sinh của bà Tây Vương Mẫu, Hằng Nga là vợ của Hậu Nghệ uống trộm...
27/10/2010(Xem: 20439)
Mục đích của chúng tôi trong khi sưu tập những mẫu chuyện kể này là để mọi người thưởng thức những tinh hoa hay đẹp của giáo – lý qua những câu chuyện tươi sáng đẹp đẽ. Nếu công việc sưu tập ca – dao là một việc khó thì công việc sưu tập và trình bày những mẩu chuyện cổ của đạo Phật cũng là một việc khó khăn và đòi hỏi sự hợp lực của nhiều người. Hàng chục ngàn mẫu chuyện đạo, nào thuộc loại tiền thân, nào thuộc loại lịch sử, nào thuộc loại thí dụ, nào thuộc loại triết lý. . . những câu chuyện đó thật là phong phú và chứa đựng những tinh hoa của giáo - lý, từ - bi và trí tuệ. . . Ðọc những mẫu chuyện đạo ấy, không ai thấy chán nản cả. Các em thiếu nhi thích đã đành, người lớn chúng ta cũng vẫn thích và hơn thế nữa, lắm lúc cũng phải suy nghĩ nhiều để có thể hiểu được triết – lý của một câu chuyện. Chúng tôi sức lực không bao lăm thành thử trông mong rất nhiều ở các vị học giả thâm uyên và dày công nghiên cứu. Chúng tôi chỉ muốn làm công việc nói lên những nguyện vọng, và tr
22/10/2010(Xem: 3942)
Tại biên giới của tỉnh Tây Khương sát với Tây Tạng, có một bà lão sống cô độc, chồng và đứa con trai duy nhất của bà đã qua đời. Bà sống nhờ một thửa đất nhỏ trồng những hạt ngũ cốc. Vì cuộc đời đã trải qua nhiều gian truân từ nhỏ, bà lão cảm thấy nghiệp chướng trong người rất nặng nên đã cố công tìm hỏi những người chung quanh phương pháp chuộc tội để cầu xin cho tâm hồn được bình yên.
21/10/2010(Xem: 8647)
Bị xổng một lần trong khóa tu học kỳ 6 tại Bỉ, vì chọn ngày hè trật đường rầy (hãng tôi làm việc phải chọn hè từ đầu tháng 2); năm sau, tôi quyết tâm canh ngày giờ cho đúng để tham dự cho bằng được khóa tu học kỳ 7 tại Đan Mạch, do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu tổ chức.
19/10/2010(Xem: 8275)
Khi xe chúng tôi đến nơi, đồng hồ chỉ đúng 12 giờ khuya. Phòng ốc dành cho 300 giường đã không còn chỗ trống. Ban Tổ Chức đành trưng dụng phòng họp, phòng học - một cho phái nữ, một cho phái nam - với các tấm nệm lót dưới đất cho chúng tôi ngủ tạm. Giải quyết một lúc cho phái đoàn Thụy Sĩ 30 người - chưa kể các nước khác - đâu phải dễ. Vả lại đi chùa thì phải chấp nhận "ăn chay nằm đất". Nằm "đất" còn phải chịu, lựa là nằm "nệm", nên chúng tôi vui vẻ nhận lời, không than van gì cả. Mà than van nỗi gì được khi đã hiểu giáo lý (dù chút chút) của đạo Phật. Mọi sự phải do "duyên" mà có. Và "duyên" này khởi từ "nhân" chiều nay.
17/10/2010(Xem: 9752)
Hơn 6 tiếng xe lửa từ Aschaffenburg, tôi trở về đến nhà gần 10 giới tối. Lục đục tắm rửa, ăn chén súp nóng (do chồng nấu cho) huyên thuyên kể chuyện, rồi đánh răng... mãi gần 12 giờ khuya tôi mới lên giường đi ngủ. Sáng sớm hôm sau 6 giờ thức dậy sửa soạn đi... cày. Công việc ứ đọng của 2 ngày thứ 5, thứ 6 (lấy hè, cộng với công việc của thứ 2 đầy ắp trên bàn. Tôi một mình chịu trách nhiệm một phòng không ai thay thế). Ông xếp trước khi về văn phòng còn đứng đó chờ đợi, vẻ lo âu. Tôi trấn an ông:
17/10/2010(Xem: 4836)
Tết Trung Thu ăn vào ngày rằm tháng 8. Nguyên cuối đời nhà Tây Hán (206 trước 23 sau D.L.), Vương Mãng nhân được cầm giữ chính quyền...
17/10/2010(Xem: 2987)
Một vị thương gia lập nghiệp từ tay trắng, sau kiếm được rất nhiều tiền nhưng vì buôn bán trong thời kinh tế không ổn định, khiến anh ta trở nên phá sản, nợ nần chồng chất. Nghĩ mãi không tìm ra cách giải quyết, anh ta bèn ra bờ sông tự tử. Vào lúc canh ba một đêm nọ, anh ta đến trước bờ sông, bỗng nhiên nhìn thấy một thiếu nữ đang ngồi khóc thảm thiết, anh bèn đến hỏi cô gái: - Có chuyện gì mà đêm hôm khuya khoắt cô ngồi khóc một mình ở đây?
16/10/2010(Xem: 4144)
Hàng ngàn năm trước tây lịch, khi thổ dân Dravidian còn ngự trị khắp lãnh thổ Ấn Độ cổ thời, vùng phía tây Hy Mã Lạp Sơn là lãnh địa của rắn. Vốn là vùng rừng núi bạc ngàn nằm trên nóc nhà thế giới, Hy Mã Lạp Sơn là nơi thâm u bí hiểm với sơn lam chướng khí trùng trùng và vô số loài thú dữ cư ngụ sẵn sàng lấy mạng người để làm thức ăn. Thời đó, thổ dân Dravidian không có đủ vũ khí hùng mạnh để chống cự với các loài mãnh thú và tự bảo vệ mình. Từng người vào rừng săn tìm thức ăn đã không thấy trở về. Độc địa nhất không phải chỉ là những hổ, cọp, gấu, beo nằm lồ lộ chờ mồi bên bờ suối, dưới gốc cây hay trong khe đá, mà ngay bên dưới lớp lá khô mục của đường rừng là những loài rắn nguy hiểm chực chờ bước chân người.
16/10/2010(Xem: 3802)
Trong thiền không có đầu đuôi, khúc chiết, lý luận. Nó đập vỡ lý luận. Đó là thế giới lý tưởng của câu thơ lớp ba mồ côi luận lý. Thế giới của những câu cuối lấc cấc, mẹ gà con vịt. Đừng bắt tôi giải thích; hãy lang thang với tôi trong câu cuối của dăm ba chuyện thiền nổi tiếng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]