Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Theo mây đi Cùng mây về (Ký sự)

19/03/201420:27(Xem: 5742)
Theo mây đi Cùng mây về (Ký sự)

minh_hoa_quang_duc (80)
Theo mây đi

Cùng mây về.

Ký sự du tăng.

1/- NHẬN DIỆN.

Điểm xuất phát từ Tp. Long Xuyên, bây giờ đã hơn 20 giờ ngày 7.02al năm Giáp ngọ (2014), tổng số trong đoàn Tham quan và Cứu trợ trên dưới 150 người, trong đó có 10 vị thầy, thầy G. Tín là trưởng đoàn. Xe đến xa lộ Nam Saigon hướng thẳng cầu Phú Mỹ trong khu vực Quận 7, Tp. HCM, tiếp tục băng qua ngả tư Cát Lái giao lộ mới tiếp giáp đoạn đến cầu vượt sông Đồng Nai đến Thị Trấn Long Thành, hướng về Bình Sơn để trổ ra ngả tư Dầu Dây, rồi trực thẳng Long Khánh, Phan Thiết.

Dọc theo quốc lộ 1, cận Thị xã Phan Thiết, trông những vườn Thanh Long rực sáng bởi đèn chong để hấp thụ hoa, kích thích mỗi nhánh mỗi hoa, mỗi hoa là mỗi trái, đây là sự phát minh rất tình cờ của người nông dân bản xứ nơi ấy. Đến Phan Rí Cửa, trời đã tờ mờ rựng sáng, trời hồng lấp ló cuối biển xa, mọi hình ảnh mua bán, sinh hoạt đều bắt đầu cho một ngày mới, thế nhưng trong xe thì còn nghe im ỉm, bởi phần nhiều còn níu lại giấc điệp trong đêm.

Đã hơn 7 giờ sáng rồi, bãi biển Cà Ná hiện dần phía trước, đối diện là điểm dừng chân rộng thoáng, lịch sự, đó là Quán Quê Hương. Mọi việc buổi sáng đều xong, phần đông mọi người đã ngồi vào bàn để chuẩn bị lót dạ buổi sáng.

Từ phía khán đài nhỏ vang ra những giọng trầm ấm truyền cảm, bởi những âm điệu tình tự, sắc màu quê hương. Không có sự kết thúc qua một định nghĩa nào về hai chữ quê hương, mà chỉ mang mang vô cùng trong muôn vàn ý tưởng của mỗi chúng ta. Lời nhạc có lúc lên vút cao, hòa tan trong sương khói mây ngàn gió núi, có lúc trải dài êm êm trầm buồn, hoài niệm nhớ thương da diết cả một thời dĩ vãng, để rồi thanh âm lẫn vào bao lớp bụi thời gian, thành một sức sống trong tim máu của từng lớp người đi qua, như những bản nhạc bất hủ mà chúng ta thường nghe, như ; Miền Trung quê hương tôi, Chuyến đò quê hương, Giả từ cố đô, Huế buồn, Thương về miền trung, Lá thư miền trung, Thương về xứ Nghệ, Một chút tâm tình người Hà tỉnh.v.v…

Tất cả đều toát ra một ý vị quê hương, không phải quê hương chỉ có miền trung, mà là cả ba miền đất nước. Vì đoàn đang đi trên phần đất miền trung, nên nói về quê hương miền trung. Nhưng thật ra, đâu cũng là máu thịt quê hương, đâu cũng là hơi thở nhịp tim của dân tộc.

Chúng ta có thể ngầm hiểu rằng : Quê hương là một dòng ký ức được thấm đẩm sâu sắc trong máu tim của mỗi con người, nó luôn gắn liền từ tuổi thơ và có khi suốt cả cuộc đời, từ những hình ảnh núi sông, biển đảo, ruộng vườn, bờ cau, liếp chuối, lũy tre, phong tục, tập quán lễ nghi, đạo lý, nếp sống cần cù, chân chất, hiền lành trong sáng.v.v… Cho dù mỗi lúc xã hội có thể đổi thay phần nào qua sự hối hả tất bật, thực dụng của con người. Nhưng khí chất, ý vị muôn thuở của quê hương, quốc túy, quốc hồn dân tộc có bao giờ phai nhạt đổi thay !

Đoàn bắt đầu hướng về Tp. Nha Trang, giả từ Quán Quê Hương, và cả tiếng hát quê hương, xe chạy được một đổi xa, băng ghế phía sau có người định cư ở nước ngoài, họ cùng tham gia trong đoàn theo cuộc hành trình, thoáng nghe họ tấm tắt, ca tụng, khâm khen không ngớt bao cái đẹp, cái sạch cái hay đủ điều nơi xứ sở họ đang định cư, nơi những quốc gia có nền công nghiệp phát triển, và không ít lời phê phán cách sinh hoạt ứng xử, từ việc ăn, việc ở đến việc sạch đẹp môi sinh môi trường.v.v… Họ luôn dùng ngôn ngữ Việt mà nói với nhau như vậy.

Không bảo vệ gì những điểm khuyết trên, thế nhưng có điều ta phải thấy rằng : không phải xã hội ta lúc nào cũng vậy, ở đâu cũng vây, người nào cũng vậy. Khi một phương hướng, hay một định hướng chưa thật sự khả thi, chưa thật sự nhận diện, thì điều ấy vẫn còn là một quá trình…

2/- BÀN ĂN CỦA QUÍ THẦY.

Từ điểm dừng chân tại bờ biển Cà Ná, còn nằm trong địa phận tỉnh Bình Thuận-Ninh Thuận, sau khi dùng sáng xong, đoàn tiếp tục cuộc hành trình hướng về Tp.Nha Trang, bấy giờ đã hơn 8g sáng. Tuy đã sáng rồi, nhưng suốt đêm qua mọi người hãy còn chập chờn trong giấc ngủ, nên xe chạy được một khoảng đường, phía sau nghe im lặng, thỉnh thoảng nghe tiếng ngái của một vài người có sức ngủ tốt.

Thành phố Nha Trang bây giờ sầm uất hơn xưa nhiều, có những công ty như vừa mới hoàn thành xong công trình, hoặc đã đi vào sinh hoat, những qui hoạch khu dân cư có nơi còn đang thi công, những con đường mới tráng nhựa thẳng tắp, quán xá người mua bán lao xao.v.v…

Đoàn xe thẳng đến quán chay trong khuôn viên chùa Long Sơn (Thích Ca Phật Đài, Nha Trang), nơi đây có tượng Phật an tọa uy nghi từ trên đồi cao nhìn xuống thành phố, như để quan sát, lắng nghe sự sinh hoạt của muôn người bằng một nguồn từ tâm bất tận, “cụ nhất thiết công đức, từ nhãn thị chúng sanh…” (Người có đầy đủ những công đức lành, nên thường lấy con mắt từ bi mà nhìn chúng sanh…)

Trời đã đứng bóng, chúng tôi bước nhanh vào quán, thấy bàn giữa phía trong như đã tươm tất hình thức, nên không ngần ngại ngồi vào, tất cả 9 vị thầy, chợt một cô từ bàn điều hành bước đến và nói với chúng tôi rằng; thưa quí thầy, bàn nầy là bàn ăn của quí thầy ở Saigon đã đặt trước, nghe vậy, nên cả chúng tôi phải vời qua bàn ở bên. Liền theo đó, vị thầy trong đoàn đã liên hệ trước đây với chủ quán, bước vào và xác định đây là quí thầy từ Long Xuyên đã đặt cách đây mấy hôm, bấy giờ chúng tôi lại phải vời qua trở lại.

Ngồi dùng bửa cơm trưa, mà thầm nghĩ rằng : nơi đây và bây giờ là “bàn ăn của quí thầy”, nhưng khi chúng tôi rời khỏi chỗ nầy, nếu có quí cô, quí ni ở đâu đó cũng có liên hệ đặt bàn, thì khi ấy nó sẽ là bàn ăn của của quí cô, quí ni, rồi đến lượt quí ông, quí bà hay một nhóm người nào đó cũng liên hệ như thế, thì bàn ăn ấy sẽ là của… như thế !...

Cứ như vậy mà “của” từng chập thời gian đi tới, và rồi sẽ qua đi, như để đánh dấu cột móc vô thường tạm bợ, của từng khoảnh khắc cuốn trôi lặng lẽ theo dòng đời, “của” nó không dừng lại cho ai, và cũng không bất cứ một ai luôn được dành riêng cho mình một hình thức sở hữu (danh hay sắc) tồn tại mãi bao giờ ! Như hình ảnh “bàn ăn của quí thầy” vậy thôi …!

-----------------------------

3.- TẮM BIỂN

Mới hơn 4g sáng, tiếng gỏ cửa phòng từ phía bên ngoài của mấy vị thầy trẻ gọi mời đi tắm biển, tiếp theo là nghe tiếng lẹp xẹp của nhiều người đi về phía đầu cầu thang.

Nhìn qua cửa sổ, thấy từng tốp người hối hả đi ra hướng biển, trời còn sớm, nên biển vẫn còn im, những cơn gió vẫn nhịp nhàng qua những cành dừa nghiêng bóng, thỉnh thoảng có một vài lượng sóng con tạt vào bờ cát mịn, lố nhố những người lặn hụp, nhảy sóng, trường cát, trông ra vẻ thích thú, hào hứng lắm.

Chúng tôi hỏi : tắm biển chi sớm vậy ?

Mấy vị trả lời ngay ! Tốt lắm; nào là để xả stress, sóng biển có tác tụng như là massage nhẹ, nước biển có khả năng cung cấp oxy cho cơ thể, tắm biển để được cải thiện các hoạt động của mạch máu, ổn định nhịp tim, giảm huyết áp khi bị cao, tắm biển làm cho các cơ bắp được khỏe, giảm đau nhức các khớp bị tê thấp,.v.v… những lợi ích ấy do tắm biển.

Nhìn chung, tất cả những tác dụng ấy nhằm giúp ích cho cơ thể vật chất, đồng thời ít nhiều liên hệ đến đời sống tinh thần trong xã hội, nhứt là giữa cuộc sống bộn bề hôm nay, trăm sự lo toan, trăm phần đối mặt, tất bật với bao chuyện áo cơm, nhà cửa, công danh sự nghiệp.

Thế nhưng, cuộc đời vốn là biển pháp mênh mông, tất cả từ nguồn tâm vô tận, mà các bậc thiện trí thức, các bậc Thánh đức, Hiền đức, cùng chư Phật, và Bồ tát đều tắm bằng ý thức để được giác ngộ, để được nhận ra sự vật hiện tượng “không ta, không của ta” để tâm được nhẹ nhàng cao trên trong sáng an vui của một tâm hồn.

Nếu như vị mặn của nước biển sẽ tạo ra nhiều năng lực cho cơ thể tiếp thu, để hóa giải những bịnh tật từ nơi thân cần phải được hóa giải, để đem lại cho một chiếc thân không bịnh. Cùng thế ấy, giáo pháp của Phật có năng lực giúp cho chúng ta tiêu trừ những ô uế nơi thân và tâm, không còn bị những trói buộc và phiền não, sạch bẩn bởi những tham-sân-si, không còn bị đọa lạc vào sự thống khổ. Đó chính là vị giải thoát.

Thiển nghĩ; không có bến hay bãi tắm nào đem lại hạnh phúc thật sự cho tự thân và tha nhân trong thế gian nầy, một khi chúng ta còn thấm mặn những bùn dục, những ý tưởng tầm cầu thường tình qua từng lớp sóng phàm tâm, cho dù có rắn khỏe thân thể nầy, nhưng tự trong sâu thẳm tâm hồn vẫn còn chứa đầy những bịnh tật, gầy guộc ốm đau giữa những người bịnh hoạn, ta sống bị bịnh hoạn.

Chúng tôi chợt nhớ đến lời Phật dạy đến với Bà La Môn Sagarava, như sau :

... “Chánh pháp là ao hồ

Giới là bến nuớc tắm

Không cấu uế, trong sạch

Được Thiện nhân tán thán.

Là chỗ bậc có trí

Thường tắm trừ uế tạp

Khi tay chân trong sạch,

Họ qua bờ bên kia.”

Kinh Tương Ưng I.

Như vậy, sự tắm rửa của mọi sự tắm rửa bằng ý thức trong sáng, lành mạnh, đem lại bình an cho mình và người và cho cả cuộc đời, vẫn là quí hơn mọi sự tắm rửa, là vượt thoát mọi sự tắm rửa…

----------------------------

4.- DU THUYỀN HẢI ĐẢO.

Nắng đã rót vàng lên những cành dừa lả ngọn nghiêng mình bên bờ cát phẳng lì, hắt hiu những cơn gió mới mang về từ đỉnh núi xa, từ đại dương xanh biếc mù khơi, hơi biển và khí núi rừng hội tụ thanh trong tinh khôi thoáng đã lên màu thanh tân trời đất. Đoàn đã chuẩn bị đâu đó cho buổi sớm mai vừa xong, đến Bến cảng Cầu đá, tàu du lịch ra vào bến liên tục, khách du lịch chen chúc lên xuống đông đầy.

Cuộc du thuyền hải đảo bắt đầu, những con tàu rẽ sóng bạc trên mặt biển xanh, mỗi lúc tàu lẫn trong biển trời, xa khuất bến bờ, chỉ còn thấy màu mây khói trắng đục ở phía chân trời.

Bãi Sỏi là điểm dừng duy nhứt, nơi đây du khách ăn uống, giải trí, tắm cát, phơi nắng, hoặc nhìn ra xa biển trời cao rộng mà tư duy chiêm nghiệm.v.v… Tuy có sự ồn náo, nhưng những thanh âm dường như đã bị chìm vào giữa thinh không bao la, không đủ gây tiếng vang động giữa cõi vô cùng tận.

Đoàn tiếp tục cuộc hành trình ngang qua từng hòn còn lại như: Hòn Tằm, Hòn Mun, Hòn Rơm, Bãi Tranh.v.v… Giữa cảnh trời nước mênh mông, với cây cỏ um tùm, những lối mòn lạnh dấu hoang sương, những tảng đá rêu phong xanh hồn theo năm tháng, không một bóng người. Cảm tưởng như một thế giới kỳ tuyệt rất bình yên, như bặt đi những dấu vết ký ức thời gian, như chưa hề có một ý tưởng nào chạm đến từ thuở cõi nguyên sơ. Thời gian thoáng qua, bến cảng hiện ra dần, kết thúc chuyến du hành hải đảo.

Thế nhưng, phải đâu chừng ấy cuộc du hành ! Một khi con người vẫn còn bôn ba ngược xuôi giữa muôn vạn nẻo đời gió bụi, lao xao của dòng tâm tưởng phàm tình, của bao bến đục trong sóng dựng đài mây nhơn ngã. Ta đâu có nghĩ rằng : du thuyền hải đảo là để lắng nghe, tận hưởng hơi thở của khí đất trời bình yên, để hòa vào tận nguồn sâu thẳm của tâm hồn, để toát ra bao ý vị muôn trùng diệu lạc.

Du thuyền hải đảo phải đâu chỉ thoáng chốc thời gian, mà chính là sự quán chiếu từng phút giây hiện tại, biết nhận diện nơi chính mình, năng lực ý thức giác ngộ của mình cũng chính là năng lực của Tam bảo. trở về nương tựa từng niệm tỉnh giác trong mỗi phút giây, là biết trở về với hải đảo tự thân, Đức Phật dạy :

Hãy tự làm hòn đảo

Tinh cần gấp, sáng suốt

Trừ cấu uế, thanh tịnh

Không trở lại sanh già.” PC.238.

-----------------------

5.- LÀNG CHÀI.

Đoàn không ghé lại Làng Chài, chỉ đi ngang và người hướng dẫn giới thiệu tóm tắt cho biết sự hình thành, sự hoạt động của nó, ánh nắng ban trưa khá gắt, vả lại trong đoàn có nhiều thầy và phật tử đều dùng chay, nên thấy không cần thiết phải ghé vào, mà chỉ nghe người giới thiệu là đủ rồi !

Được biết Làng Chài nầy nằm trong cụm đảo có hồ cá Trí Nguyên và hồ cá Trí Nguyên nằm trên hòn đảo Bồng Nguyên. Cư dân của Làng Chài không nhiều, chỉ trên dưới 50 hộ dân, và cũng từ các Tỉnh miền ngoài vào lập nghiệp, như : Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.v.v… sau đó dùng tàu, thuyền đánh bắt cá, cũng như các loài hải sản và nuôi cá bè.

Nơi đây, du khách đến có thể thưởng thức hương vị của các món hải sản đã sẵn có trong những ô bè, trong ấy có đủ các loại tôm, cá, mực, ốc,v,v,,, chế biến tại chỗ. Những loại ấy phải bỏ thời gian đi đánh bắt, lưới, hoặc câu ngoài xa rồi đem về thả vào bè, nhằm phục vụ cho khách du lịch mỗi khi tham quan đến Nha Trang.

Nói về có được những loại hải sản ấy, người dân Làng Chài cũng phải đổi lấy bao nhiêu công sức ngày đêm, chống chỏi với bao mưa nắng bảo bùng, với bao gió sớm sương khuya, với bao rét buốt lạnh lùng, với bao nóng bức gian nan, mới có được ít nhiều những thành quả, để cho du khách được thỏa thích ngon miệng, đánh bắt, lưới, câu của người Làng Chài là để có sanh ra của cải, tài sản, lo cho cuộc sống tự thân và gia đình, đó là công việc, phận sự của người Làng Chài.

Thế nhưng đối với những người đệ tử Phật, chúng ta cũng sẽ phải làm một cách giống như thế. Chúng ta sẽ rõ biết, nhận diện các pháp thích hợp với lẽ chánh thiện, và từ bỏ những điều bất thiện, không ích lợi, không được sự chấp nhận bởi người có trí, chúng ta sẽ vây lưới, câu lấy những thiện sự, đem về rọng chứa trong tâm, để được sanh lợi là công đức, phước lành vào trong cuộc sống và sự sống an bình cho mọi người. Gây tạo niềm tin chánh pháp, hướng tâm chánh pháp, để hưởng được cảnh giới lành an vui từ nơi phước lực.

Nếu như người dân Làng Chài nổ lực cần mẫn để có được tài sản, sự sống cho thân, thì chúng ta cũng phải nổ lực cần mẫn để có được các pháp lành, làm đạo lộ siêu hóa cho tâm, và cho cả mọi người.

-------------------------------

6/- DỪNG CHÂN BẾN LỘI

Khánh Vĩnh, Khánh Hòa.

Núi đã lở

Giá băng hồn cổ thụ

Cõi hoang sơ, nát lệ mộng mây ngàn !

Đây Bến Lội đìu hiu trời lữ thứ,

Ta lặng nhìn sương khói bóng ngày tan.

Dòng suối nhỏ không đủ người soi bóng

Vực đá hờn không một vết rêu phong.

Giữa hoang mạc tiếng chim còn lạc giọng,

Để nhớ về thuở rừng núi mênh mông.

Dáng đèo nghiêng, dốc tuông ngàn mộng thắm

Đỉnh xa trơ cháy xám gốc cây già.

Chạnh lòng ta bao nỗi niềm thăm thẳm,

Buồn như chiều lên nhánh khói lam xa.

Đây Bến Lội,

Hay bến lòng dặm khách ?

Chút sắc hương còn một nhánh lan rừng,

Từ dưỡng khí nơi đất trời tinh sạch,

Sao nghe lòng dâng một nỗi bâng khuâng !.

------------------------------

7/- XE QUA ĐÈO.

Đã gần 1 giờ, đoàn dừng chân tại điểm dừng Bến Lội, nơi giao điểm giữa Diên Khánh và Khánh Vĩnh thuộc tỉnh Khánh Hòa. Mùa nầy (giữa xuân, tháng 2 al) dòng suối Bến Lội gần như trơ đáy sâu hỏm, chỉ còn thấy phía dưới rất mỏng manh một dòng nước ngoằn ngẻo, nặng nề trôi về phía hạ nguồn, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chim lẽ loi từ những đỉnh ngàn xa đâu vọng lại, mây trắng cũng buồn tênh khi ngang qua cảnh rừng núi hoang sơ.

Ngoài việc giải khát và vệ sinh trong đoàn ra, các tài xế cần phải kiểm tra lại hệ thống xe với những điều cần thiết, để chuẩn bị việc lên đẻo cho được an toàn, vì đây là một trong những đường đèo khá dài và có chiều cao nhứt trong khu vực phía Nam của đất nước ta. Đó là đèo Khánh Vĩnh hay còn gọi là Khánh Lê.

Theo thông tin du lịch cảnh quan, chúng ta được biết : từ Nha Trang, tỉnh lộ 652 nối đoạn cuối 723 tiếp với Huyện Lạc Dương thuộc tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt (Cao Nguyên Lâm Viên). Thay vì trước đây, từ Nha Trang phải trở vào Phan Rang rồi đi QL 27 lên đèo Ngoạn Mục (Xông Pha) đến Đơn Dương, tiếp đó mới lên đèo Preen Đà Lạt. Thì nay, từ Tp. Nha Trang trực tuyến đến Ngả ba Thành (H. Diên Khánh) dọc theo dòng sông Cái rồi tiếp đến H. Khánh Vĩnh, hướng theo đoạn đường nầy có khoảng 139 – 140km, và đoạn đèo có khoảng 33km, đỉnh cao của đoạn đèo nầy là 1700m. Đỉnh núi cao nhứt của đoạn đèo nầy là núi Bi Đoup còn gọi là núi Hòn Giao, cao 2287m, đỉnh núi nầy cũng là ranh giới giữa tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng.

Tuyến đường nầy còn được trong giới du lịch khai sinh ra cái tên thật là bát ngát thơ và mộng “cung đường nối Biển và Hoa” và thật sự đúng như tên đã gọi, vì từ biển tiếp đến bạt ngàn rừng núi, thông và hoa, mây trắng thắt lưng chừng rừng xanh thẳm biếc, sương khói đục nhòa lan man khỏa lên màu nhân ảnh, tạo nên sự đắm say, vọng tìm của những khách lãng du, như những cánh chim giang hồ chưa mỏi cánh.

Cung đường có lúc gấp khúc co quanh, trông rất lãng mạn cho những tâm hồn thong dong tiêu sái, nhưng cũng không ít nguy hiểm cho những ai lơ đễnh qua cuộc rong chơi, càng chơi vơi hùng tráng kiêu sa phía trên cao, thì càng hiểm nguy khổ nạn, bởi những truông vực thăm thẳm hút tận đáy sâu, phía bên trên như thông lộ nối muôn màu ngàn hoa mộng, phía bên dưới tưởng chừng như tuyệt lộ phong trần.

Đã hơn 2 giờ đồng hồ trôi đi, trông chiếc xe nặng nề lầm lì leo đèo với vận tốc 40-50km giờ, những vuôn rẫy xanh màu, những lồng lưới các loại hoa hiện dần lên phía trước, khí trời nghe mát dịu, như báo hiệu đoàn đã đến phương trời Đà lạt mộng và thơ, bây giờ là 12 giờ kém.

Đến đây, ta có thể nghĩ rằng : đời như một chuyến xe thời gian ngược xuôi đưa ta đi về muôn ngả, mà mỗi người ai cũng phải tự chọn cho mình một trong những nẻo đi về. Có những con đường đèo qua từng kiếp tử sanh, cái dốc cao danh lợi, giàu sang hay cái truông vực hiểm nguy, nghèo khó khổ đau. Có những khúc quanh, người ta sẽ được cơ hội thăng hoa thời vận tôn vinh, lại có những khúc quanh, người ta phải bị khốn quẩn hoang tiêu tài sản cửa nhà. Đó là những khúc đoạn đời qua của nhân thế. Cái thăm thẳm cao rộng hùng tráng bên trên là con đường, là tâm hồn thanh thiện, nhưng những vực đáy hiểm sâu, là con đường, là một tâm hồn đọa xứ, là thế giới khổ đau, lạc thú thường tình.

Ai rồi cũng băng qua những khúc đoạn tử sanh, hạnh phúc và khổ đau, bình an và đày đọa.v.v… nào phải từ đâu đến, chính do ta tự đến những cung đường, hạnh phúc bình an và cao rộng luôn ở phía bên trên, đau khổ đọa dày thấp kém có bao giờ rời xa phía dưới…

Và đời như chuyến xe thời gian, đưa ta đến đi ngược xuôi bao nẻo khúc đoạn đường, dốc đèo, truông hiểm, để ta chiêm nghiệm và cảm nhận từ đây và bây giờ.

-----------------------------

8/- BIỂN, CẢNH GIÁC CHÁY RỪNG.

Dọc theo những tuyến quốc lộ hay tỉnh lộ, và kể cả những khu vực được cho là vùng sinh thái thiên nhiên, hay bất cứ một tài sản nào từ thiên nhiên mà những người lảnh đạo đất nước cần phải quyết tâm gìn giữ và bảo tồn. Và sự quyết tâm ấy phải được nghiêm túc cao từ phía các bậc bề trên, cho đến mọi từng lớp trong cộng đồng của một quốc gia.

Nếu khu vực đồng bằng Miền Đông, Tây Nam bộ có rừng Ngập Mặn Cần giờ, Cà Mau có rừng tràm U Minh Thượng, U Minh Hạ, ở An giang có rừng tràm Trà Sư, ở vùng Đồng Tháp có Vườn quốc gia Tràm Chim, Long An có rừng ngập ngọt.v.v…tất cả đều phải truyền thông và thực thi kế hoạch bảo vệ. Bởi, đó được xem là tài sản quí hiếm đã có được từ thiên nhiên của đất trời muôn thuở.

Trên chiếc xe hướng về đèo Khánh Vĩnh, thoan thoát lướt qua những đồi rừng đã được tái tạo lại từ những cây tràm, cây dầu, cây sao… còn lẫn với một vài cụm rừng chồi hoang sơ, mặc dầu nhìn về phía dãy núi xa có những khu rừng trông còn nguyên sơ tự nhiên, ẩn hiện với núi non xanh biết bạt ngàn hùng vĩ. Bất chợt trông bên đường, có một biển báo hình chữ nhựt “…tích cực phòng chống cháy rừng” được dựng trên phần đất của khu rừng đã bị cháy trồi lên những gốc đen trơ trọi. Phải chăng, có sự sơ ý hay chưa kịp di vời biển báo đến chỗ rừng còn xanh ?!

Nếu rừng nguyên sinh bị cháy, bị cưa đốn, tàn phá, nó sẽ làm tổn giảm tài sản danh mộc quí hiếm của quốc gia, mà còn làm mất đi sự thăng bằng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi sinh và môi trường do từ những biến động của thiên tai, sự sống của các loài động vật và con người sẽ không ít điều nguy hại…

Điều cần nói ở đây, không phải chỉ khắc phục những điều phải khắc phục như chỉ là hành động khắc phục. Mà là phải từ sự nhận biết, ý thức đích thực qua giáo dục toàn diện tự tính của con người trong mọi từng lớp xã hội, chính nơi đây không cần phải có sự khắc phục nào.!

Nghĩ một cách khác, ta có thể thấy và nhận ra rằng : nếu muốn có và thực hiện được một đời sống thịnh vượng, an bình từ trong gia đình đến xã hội, thì tưởng cũng nên cần đến con người có mẫu mực, đức hạnh và trí tuệ. Chính nó sẽ tạo ra vô số hạt nhân tốt đẹp và khỏe mạnh cho một vùng trời bóng mát và mầu mỡ. Và trái lại, đất sẽ bị vỡ lì đi làm khô cằn, cạn kiệt những dưỡng chất, khó và rất khiêm tốn sự có mặt cho những tàng đại thụ (Đức Trí).

Nói một cách khác nữa, nếu tự thân đã bị đốt cháy bởi những ý niệm ác quấy, thiêu ruội những năng lực hiền thiện, ngòi mọng của những đức nhân và đức trí, mà lại khuyên và hướng dẫn người phải như thế nầy hoặc như thế kia. Thì chẳng khác nào như hình thức biển báo “…phòng chống cháy rừng” đã được dựng trên khu đất rừng đã bị cháy.

Ký sự du Tăng… tiếp theo.

CUỘC HÀNH TRÌNH ĐẾN DALAT.

9/- CỨU TRỢ LẠC DƯƠNG.

Khi nói đến Đà lạt, là nói đến trời hoa thơ mộng, của mây ngàn lãng đãng và khói sương, của bao nhiêu tình tự và bình yên, nhưng nó vẫn lồng trong ấy bao nỗi cơ hồ trong cuộc sống mỏng manh, cũng không ít nỗi đời gầy guộc đổ xuống bóng trầm luân, qua bao vết hằn nỗi sầu dâu bể.

Cứ mỗi khi đến Đà lạt, là mỗi lần khoát lên trong tâm tư, ý tưởng khác nhau. Vào năm 2005, chúng tôi cùng đi trong đoàn Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Đồng Nai, để tham gia trại sáng tác thuộc khu vực cao nguyên tổ chức. Lần nầy, qua cái nhìn và cảm thụ cuộc sống từ nghệ thuật, từ sự ca tụng hình ảnh thiên nhiên: “đã bao lần trở lại, vẫn còn hương Lâm viên, cánh Mosa vàng mãi, trên đồi chiều bình yên”.

Thế nhưng, có phải đâu cuộc đời chỉ đừng lại những cái đẹp, những cái tình tự, những sắc màu diễm lệ mãi như thế, thay vào đó bằng một cảm thụ mới, cái cảm thụ từ nỗi đời trong mỗi thân phận con người, như : “đường về, bước dốc qua truông, trong sương khói tỏa nghe buồn lạnh khuya !”,mà người ta có thể cố lờ đi bởi những sắc rêu phong nhạt màu bên những lối đời vô tình xuôi ngược.

Mỗi năm, đoàn cứu trợ Miền Tây Nam Bộ, từ các đạo tràng Tịnh xá, Tự viện, cho đến các tổ chức từ thiện, do Hòa Thượng Giác Dũng trú xứ tại Năng Gù, An Giang hướng dẫn đã nhiều năm liền. Năm nay đoàn tập kết tại trung tâm Đà lạt vào chiều ngày 10.3.2014, để lên phương hướng hoạt động cứu trợ vào ngày 11.03.2014 tại Huyện Lạc Dương, xã Dinh K’ Nớ, Tất cả chi tiết đã được thông qua và được sự chấp thuận của các lảnh đạo ban ngành tỉnh đến địa phương từ nhiều tháng trước.

Được biết, từ Tp. Đàlạt đi về hướng Đông Bắc, đường rừng đèo dốc hiểm trở với chiều dài trên dưới 70km, nơi đây cách hai năm về trước, đoạn đường chưa thực hiện thi công, nên rất khó đi cho những chiếc xe trên 40 chỗ, nhưng năm nay thì khá dễ dàng cho loại nầy hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một vài khúc đoạn gồ ghề giữa đá núi và đất, bên thì vách núi, bên thì vực sâu, không ít nguy hiểm, nên có những chiếc từ 30 chỗ trở lại di chuyển rất chậm. Có những chiếc bị cọ lường, tét vỏ, hoặc hỏng máy.v.v… trên đoạn đường xấu nầy, nên có số người quá giang xe khác trong đoàn, hoặc được các xe Honda của người dân tộc hộ đưa vào điểm phát quà cách đó gần cả cây số. Tổng số nhận quà là 500 người tại xã nghèo nơi vùng cao vùng sâu nầy, và tổng số tiền mặt trên l tỷ 200 triệu đồng, chưa tính phần linh tinh quà và gạo…

Buổi lễ phát và nhận quà dưới ánh nắng mỗi lúc càng gay gắt của vùng cao nguyên, trông sự mệt mỏi đã hòa lẫn với bao niềm vui, cái vui thật sự từ người cho ra, vì họ đã không tiếc gì khi đi đến hơn 600 km, và cái vui từ người được nhận, vì họ thật sự là người đáng nhận từ những tấm lòng hảo tâm. Chúng tôi thấy họ mừng đến nỗi, không cần mang tiền về tới bản làng, mà ngay dưới bóng cây, bệ đá bên đường, họ trút tiền và bao thơ vào cái nón, cái thau mũ, mà ngồi, mà vui, mà đếm để sớm biết kết quả. Bấy giờ, trời đã đứng bóng, đoàn cứu trợ lần lượt về lại Tp. Đà lạt trong nắng xế.

Chúng ta thấy rằng : có hai cánh cửa mở ra để đi đến hai đạo lộ : một cánh đưa ta đi đến sự khổ đau, đói khát và phá hoại, một cánh khác giúp cho ta đi thẳng đến cõi an vui, thanh thiện, thăng hoa. Nền tảng của nguồn hạnh phúc là từ các hạnh lành, đứng đầu là tinh thần Bố Thí, mà cũng là mở đầu cho cuộc hành trình tuyên dương giáo pháp của Đức Phật. Trái với cuộc sống chìm đắm trong dục tham, những tư niệm ích kỷ, gian trá, bỏn xẻn, nhỏ nhoi, với bàn tay nắm lại, để nhận lấy quả khổ, tổn hại cho mình và người, khiến cho hơi thở, các tế bào sống phải bị hòa lẫn trong bùn đục nhiễm ô từ trũng thấp thói đời.

Đức Phật giúp cho ta có cách nhìn về cõi giới đích thực từ một hành động, một tâm hồn tốt đẹp, thánh thiện, như : “như giữa đống rác nhớp, quăng bỏ trên đường lớn, chỗ ấy hoa sen nở, thơm sạch đẹp ý người”. Điều ấy không phải ở đâu xa, chính ở đây, giữa lòng cuộc đời nầy, mà ta đã làm được nhiều thiện sự. Có khi chúng ta khái niệm, ấn tượng về một ngôi chùa, một ngôi đền được giới thiệu qua công trình nguy nga đồ sộ, lộng lẫy, hay một trong những pho tượng Phật, Bồ Tát, được xếp vào hạng to lớn nhứt, vĩ đại trong thời đại.

Đành rằng nó cũng giúp cho lòng tin số đông, phần nào ích lợi cho sự hướng thiện, ngưỡng vọng chiêm bái. Thế nhưng, chúng ta quên rằng đức Phật hay đạo Phật luôn có mặt trong đời với những mục đích : “ nơi bất công, Phật hiện thân bình đẳng, cõi tử sanh, diệu lý Phật vô sanh, trong bi trí, Phật xóa lòng cừu hận, trong đau thương Phật siêu hóa một tình thương.”

Đã một lần đức Phật chứng minh cho một vị Thiên khi đến đảnh lễ, và trình kệ như sau “trong ngôi nhà thiêu cháy, vật dụng đem ra ngoài, vật ấy có lợi ích, không phải vật bị thiêu. Cũng vậy trong đời nầy, bị già chết khô cháy, hãy đem ra bằng thí, vật thí khéo đem ra, có thí có lạc quả, không thí không như vậy…”Một trong những việc làm đích thực ấy, giúp cho mình có được lạc quả, giúp cho người có niềm vui giữa đời thường, cho dù chẳng là bao.

Đêm nay trời Đà lạt căm căm lạnh! Ngồi nhớ lại ngày cứu trợ, mà hiểu thêm cho những mảnh đời :”đường về bước dốc qua truông, trong sương khói tỏa nghe buồn lạnh khuya !”

---------------------------

10/- VIẾNG CHÙA…

Ngay sau khi đến Đà Lạt, đầu giờ chiều, việc khởi động đầu tiên của đoàn là viếng chùa, để được chiêm bái, cúng dường, và cầu nguyện, phần nào có khác với những chuyến, tour tham quan… Vì Đàlạt là điểm dừng chân có sức lay động tâm hồn về mặt thiên nhiên, núi đồi, rừng thác, sương lạnh và ngàn thông, mây trắng và ngàn hoa…

Nhưng ở đây cũng không thể loại trừ những điểm du lịch tâm linh, của kiếp con người nhỏ bé, bởi đối trước sự mênh mông cuộc đời, và bộn bề cuộc sống, trăm phương toan tính, vui buồn và khổ đau từ bên trong của bao nỗi niềm tục lụy…! Do đó, việc làm phước, cúng dường, cầu nguyện, chiêm ngưỡng và lễ bái Tam bảo, để làm cho tăng trưởng công đức và phước lành là điều cần phải có đối với những ai có lòng kính tin và tu tập.

Nói đến những ngôi chùa ở Tp. Đàlạt, như : chùa Linh Quang, chùa Linh Phong, chùa Linh Sơn, chùa Linh Phước, Thiền viện Vạn Hạnh, Thiền viện Trúc Lâm.v.v… những nơi đây khách trần duyên đã gieo bao nỗi niềm dâu bể, phút giây dừng trôi nơi bến giác.

a/- Đoàn xe thẳng lên đường đồi chùa Linh Sơn giữa hai hàng thông và bạch đàn. Thông tin du lịch cho biết rằng : ngôi Linh Sơn tự nầy đã có từ năm 1938, lối kiến trúc cổ kính đậm nét Á đông, trước đây Tượng đài Bồ tát Quan Âm được tôn trí ngay trước mặt diện sân chùa, nhưng nay được dời sang bên trái Chánh điện (ngoài nhìn vào) và cạnh bên phải Chánh điện (ngoài nhìn vào) là Pháp tháp 3 tầng hình bát giác. Cặp rồng chầu hai bên sân chùa trước Chánh điện. Bên trong chánh điện là Tôn trí tượng Phật Bổn Sư bằng đồng từ năm 1952, có chiều cao 1,7m, nặng 1,25 tấn, bên trái là Tổ đường, bên phải Hộ Pháp Di Đà, và một đại hồng chung nặng 450kg.

Chúng ta quan sát tổng thể, thấy biết là như vậy, thế nhưng ờ thời điểm nầy ngoài sân vườn, hoa cỏ đã phải ngả màu tàn phai, rác rến như chưa kịp dọn cuối ngày, thoáng trông vài con ngựa lơ thơ kiếm sống bên triền đồi vắng đìu hiu, bổng dưng lòng chợt nhớ đến lời thơ đã được nhạc sĩ Minh Kỳ phổ từ thơ của thi sĩ Dạ Cầm “Thương Về Miền Đất Lạnh” như : “Linh Sơn đâu đây buông tiếng chuông ban chiều…”

Và bây giờ, hương và trời đang là ban chiều, phải chăng tiếng chuông ban chiều xưa lại cũng đang rơi rơi nhẹ nhẹ lan xa, và lan theo từng bước đi của đoàn hành hương.!

b/- Rời khỏi chùa Linh Sơn, tiếp đến đoàn hướng về khu vực Trại Mát để đến chùa Linh Phước. Theo sổ tay du lịch, được biết chùa Linh Phước được khởi công vào năm 1949 và hoàn thành năm 1952, nguồn xây dựng do Phật tử địa phương đóng góp, và có một lần trùng tu vào năm 1990 cho đến nay.

Ngôi đại hùng bửu điện có chiều dài 33m, rộng 22m, tôn trí bảo tượng Bổn sư cao 4,9m kể cả tỏa sen. Hai hàng cột bên trong khảm mảnh sành hình rồng, và phù điêu lịch sử Phật Bổn sư, có tranh vẽ điển tích Phật A Di Đà, kinh Pháp Hoa, phí sau là Tổ đường, Thập bát La Hán và Thập mục ngưu đồ.v.v… Ngoài ra còn có Long Hoa Viên chạm hình rồng 49m và thờ Tôn tượng Di Lặc, đối diện có tòa Linh Tháp 7 tầng, cao 37m, đại hồng chung cao 4,3m, đường kính 2,3m, nặng 8,5 tấn. Còn có một bảo tượng Bồ tát Quan Âm kết bằng hoa bất tử tôn trí phía trước sân chùa.v.v…

Đó là nói về phần cơ sở kiến trúc xây dựng thờ tự, chiêm bái. Ngôi chùa nầy khác hẵn với ngôi chùa Linh Sơn, sự vắng vẽ đìu hiu của chùa Linh Sơn lúc nảy bao nhiêu thì chùa Linh Phước trông tấp nập ồn náo bấy nhiêu. Vì nơi ấy có nhiều cơ sở chạm trổ, điêu khắc, tạc tượng, trưng bày các mặt hàng cây gỗ các loại từ tạp đến danh mộc hiếm quí, phần đông khách tham quan chỉ lấy tay chạm đến hiện vật mà tấm tắt bằng lời thôi ! Ở hai cạnh góc mặt sân là bãi đậu xe các loại, và quày bán quà lưu niệm, các loại đặc sản bánh mứt, ăn uống.v.v…mà phần lớn các điểm ăn chơi, phục vụ mua sắm đều có.

Có điều thoáng nghe phần đông du khách thường hay bảo nhau rằng : nên đến chùa Linh Phước; vì vừa Linh và vừa Phước, nên thường thấy họ đến những nơi tôn tượng là đắm đuối lễ lạy, mài miệt cầu nguyện van xin để tìm kiếm chút may mắn linh thiêng từ cõi trên… Họ không nghĩ rằng : muốn có PHƯỚC là phải tùy hỷ tâm mà bố thí, hành sự mọi bất hại cho đời, phải BIẾT ý thức sống giữa mọi người, và tập tu các pháp lành để được LINH. Như vậy mới đem lại mọi an ổn. Như lời Phật dạy :

“Vui thay, chúng ta sống, không rộn giữa rộn ràng;

Giữa những người rộn ràng, ta sống không rộn ràng” PC 199.

c/- Hòa Thượng chứng minh mà cũng là Trưởng đoàn cứu trợ, đã đứng trước bậc thềm đầu tiên, chờ chư Tăng và đoàn để cùng hướng lên Thiền viện Trúc Lâm. TV. Trúc Lâm là một trong những điểm được giới du lịch quan tâm nhứt hiện nay mỗi khi du khách đến Đà lạt. Tọa lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng cách Tp. Đà lạt 5km, khởi công xây dựng từ năm 1993 và hoàn thành năm 1994 (điểm đặc biệt là mô hình xây dựng các Thiền viện đều giống nhau, chỉ khác nhau đôi phần tùy theo địa hình, và tiến độ thi công rất nhanh).

Tất cà các công trình Thiền viện Trúc Lâm do HT. Thích Thanh Từ chủ xướng, với tinh thần làm sống lại Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308).

Ngoài đường bộ để đến Tv. Trúc Lâm ra, còn có cáp treo nối liền từ bến xe mới Đàlạt đến thềm sân dưới của Thiền viện. Phía dưới mặt tiền của Thiền viện là Hồ Tuyền Lâm và núi Voi, đây cũng là một thắng cảnh rất thơ mộng hữu tình, du khách có thể du thuyền hay dã ngoại bên kia dưới chân núi.

Lại một lần nữa, chúng ta có dịp thấy khác biệt rất rõ cả hai ngôi chùa vừa kể trên, khách viếng Thiền viện rất đông, trước thềm chánh điện có lúc chen chân, nhưng không vang tiếng ồn, không bịt bùng nhang khói, không lấn giành lối đi, mà nghe như có chung một không khí bình yên, trang nghiêm, hiền hòa giữa bao con người, cây cảnh và hoa cỏ, vườn hoa kiểng ở đây như có phần nhỉn hơn vườn hoa Tp. Đà lạt là phải ? Bởi từ một tâm thái bên trong như thế nào, thì đối ngoại cảnh cũng hiển lộ ra như thế ấy. Thế nên ta nghe từ lời Phật dạy :“Hãy học các giòng nước, từ khe suối vực sâu, nước khe suối chảy ồn, biển lớn động, im lặng”Cho dù có đang hoạt động đi nữa, nhưng với định tỉnh vô tranh, thì khác nào sự im lặng của bậc Thánh.

Được biết trong hai nội viện, có số lượng Tăng Ni trên trăm vị, thế nhưng chúng tôi đi quanh bán vòng cả hai khu vực, vẫn nghe im phăng phắc. Tất cả quày lưu niệm, quán giải khát đều được chia thành khu vực bày bán phía dưới sân cùng với bãi đậu xe, nên khu vực trung tâm Thiền viện luôn được yên tĩnh. Cảnh trí bên trên như có lực hấp dẫn nào níu chân lại bao khách lãng du qua lời ca “Bềnh bồng sương, bềnh bồng nỗi nhớ… Ta ngẫn ngơ không muốn quay về…”

Mặt trời đã cắm đỉnh non xa, đoàn xe tuông dốc hướng về Tp. Đà Lạt trong bãng lãng sương chiều và đồi núi thắt lưng mây.

---------------------------------

11/- TẤM LÒNG THÀNH KÍNH.

“Thành kính là phước báu

Quên mình là cội phước

Phước là sự bố thí”.

Không phải đã có từ ngàn xưa, mà ngay cho đến tận bây giờ, vẫn còn có những người thuần khiết, chân chất và thành kính đối với Tăng già, khi họ còn phải đối mặt giữa bao cuộc đời thường. Trong khi mật độ con người ngày càng cao, nghiễm nhiên là sự bon chen cạnh tranh cho sự sống và lẽ sống, cũng phải được nâng lên để giành phần riêng từ mọi lãnh vực, để vệ cho cuộc sinh tồn.

Tuy nhiên, cho dù dòng thời gian và xã hội có biến động đến như thế nào, nhưng những sắc màu và hương hoa vẫn âm thầm lặng lẽ truyền đi một sức sống lành mạnh cố nhiên cho muôn ngã cuộc đời.

Nhận lời cung thỉnh của ĐĐ.G.Khải ngay từ khi còn ở Nha Trang cách 3 ngày trước đó. Bây giờ trời Đàlạt đã nghiêng chiều, từ khách sạn Á Đông, 3 chiếc tắc xi loại 7 chỗ hướng về và qua khỏi chùa Linh Quang hơn 100m, phía trên trái đồi thoãi dài là những dãy nhà nửa cây nửa tường, hình thức kiến trúc đơn sơ. Như đã chuẩn bị trước mọi việc, những thành viên trong gia đình chừng 10 người thôi, trong đó có 2 vị mặc áo tràng và 1 vị sư Tăng, còn lại trông rất gọn gẽ qua cách trang phục để đón tiếp chúng tôi.

Thoáng nét hoan hỷ ẩn hiện sự chân chất bên trong của mỗi tâm hồn, có lẽ ít khi họ được dịp tiếp đãi chư Tăng đông như vậy, dù là ly nước, phong bánh, dĩa mứt, tịnh tài, nhứt là lời tác bạch cúng dường, ĐĐ, G, Khải : “cúng dường như thế nầy, làm thêm nhớ đến bà thân khi còn sanh tiền…” để ngầm hiểu rằng : khi mẹ còn sống, cũng đã tùy hỷ việc làm như vậy …, và hơn thế nữa, trong gia đình có 2 vị đã trở thành tu sĩ Phật giáo, nên lòng kính tin Tam Bảo cũng đã được sâu đậm và tự nhiên trong tâm tưởng.

Chân chất, trong sáng, thành kính là những chất liệu đạo đức gắn kết với muôn đời, muôn người và muôn loài, mà cũng là mạch nguồn bình an và phước lành, là nhân lìa xa ác đạo. Bởi vì nó ví như ngưỡng cửa vượt thoát khỏi nơi trói buộc, túng quẩn, ích kỷ, bỏn xẻn, thiếu thốn và khổ đau của kiếp người hạ liệt.

Do đó, pháp Bố thí hay cúng dường là những pháp phổ quát trong giáo lý Phật, mà đối tượng là Đức Phật, Thánh đệ tử, Cha mẹ và chúng sanh, như lời Ngài Tịch Thiên : “Hãy thường khởi tâm hành thiện, hoặc khởi tâm đối trị (bất thiện), như cúng thí vào 3 ruộng phước là : Kỉnh Điền (cúng dường Tam Bảo), Ân Điền (cha mẹ), và Bi Điền (kẻ nghèo khó), thì sẽ được phước lớn”.

Không những vậy, với tinh thần phổ hóa của đạo Phật, Đức Phật còn dạy cho chúng ta nhận thức thêm như sau : “ Không phải do nhờ hiệu lực của Tặng vật mà việc bố thí cúng dường đặc biệt phát sinh kết quả lớn, song đúng hơn, do hiệu lực của tín tâm và phước điền của những người nhận được vật cúng dường… sẽ được đại kết quả, đại vinh quang, và công đức thấm nhuần khắp nơi…” (Kinh tiểu bộ II, Thiên cung sự.)

Buổi tiếp và cúng dường tiểu thực, cũng như sau những lời hỏi thăm vấn an và chúc lành, chúng Tăng từ giả ra về, trong lúc đèn hai bên đường vừa chiếu sáng, và cảm nghe như đang thắp sáng trong những tấm lòng thành kính…

---------------------------------

12/- CHỤP HÌNH.

Trước đây và bây giờ, các nhiếp ảnh (chóp hình) đã trở thành phổ biến rộng rãi khắp nơi, như ; những điểm tham quan thắng cảnh du lịch, những đền thờ, chùa chiền, tôn miếu, những điểm di tích lịch sử.v.v… họ vừa thể hiện năng khiếu nghệ thuật để phục vụ, đóng góp, hướng đến cái Chân, Thiện, Mỹ cho quê hương đất nước, con người, mà cũng là vừa đem lại lợi nhuận cho sự sống bản thân và gia đình. Với chuyên ngành nầy, nay đã trở thành “Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam” hay nhỏ hơn là “Câu Lạc Bộ Nhiếp Ảnh”.

Đòan tham quan nào đến Đàlạt, những người này rất nhanh nhạy, họ có mặt ngay nơi nhà nghỉ hay khách sạn, để tháp tùng, hướng dẫn, giới thiệu địa danh lịch sử, phong cảnh và chụp ảnh lưu niệm… Họ rất sành sỏi, điệu nghệ về phong cách, và phần nhiều cũng rất thông hiểu về những sự kiện, những câu chuyện, tình tiết về địa danh, niên đại có liên quan đến lịch sử.v.v…

Về phía khách hàng, nhìn chung về mặt tâm lý, một khi đứng trước cảnh trí hữu tình đồi suối thông hoa, những khách cũng muốn có vài tấm ảnh vừa ý để kỷ niệm cho một chuyến đi. Và mỗi khi chụp ảnh thì bao giờ cũng lựa chọn, tìm kiếm cái đẹp, nên thơ, để tăng thêm phần duyên dáng, thường gọi là “ăn ảnh”.

Tuy nhiên, gần đây có những loại máy chụp hình mini nhỏ gọn và các loại điện thoại di động, iphone, có chức năng ghi hình cũng khá tốt, nên phần nhiều du khách ít nhờ đến máy ảnh chuyên nghiệp từ ngoài, mặc dù họ xử dụng máy riêng hay điện thoại iphone, thì về mặt kỷ xảo nghệ thuật, cũng không thể qua nổi các loại máy dành cho những nhiếp ảnh chuyên nghiệp.

Thế nhưng, ngoài những giá trị ảnh nghệ thuật lưu niệm ra, nó còn ghi lại sự kiện thực, ẩn kín và sâu sắc với những khoảnh khắc sống của cuộc sống, mà nghười nghệ sĩ hay tự thân người được chụp, phải biết chớp lấy một cơ hội “khoảnh khắc thực”. Bởi vì cuộc đời là một chuổi dài bất tận từng chập khoảnh khắc đi qua, nếu có minh họa gì cho cuộc đời được chăng; chỉ nhờ vào những hình ảnh nghệ thuật, tâm hồn và khoảnh khắc từ nơi khách hay chủ thể ấy… Cũng như ta không thể hình dung nỗi cuộc đời là bể khổ, nhưng nếu có bức tranh vẻ vời phát họa lên, thì ta có thể cảm nhận ngay, như : “Sóng cồn cửa bể nhấp nhô, chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh”… (Nguyễn Gia Thiều).

Thế đấy, có những tấm tranh, ảnh trong đời, nếu khéo ghi nhận, chụp lấy, thì đây là điều rất cần, như : qua cái nhìn, nghe, bằng đặc tính về nhân văn, thực tại, thì chính nơi ấy ta đã chớp và rửa ra từ tâm trí của chúng ta không biết bao nhiêu tấm ảnh sống thực và vĩ đại.

Do đó, nếu có cái nhìn bằng sự quán chiếu về bản chất của mọi sự vật, các pháp hằng chuyển động trong sanh hóa tiêu tàn, và nhận biết bằng sự nghe, như cảm thọ một nghệ thuật bất tại vừa diễm mà lại vừa ảo, diễn biến muôn trùng trong muôn pháp và muôn duyên bất tận theo dòng đời. mà nhận ra lẽ “Nhậm vận thịnh suy…”

Khuya mai, đoàn sẽ rời khỏi Đàlạt, các người thợ chóp hình tranh thủ đến từng phòng để kịp giao hình, người nhận hình có giây phút vừa lòng và không vừa lòng lẫn lộn, người giao hình thì cố giải thích cách nầy hay cách kia để được trả lại phần công sức của mình.

---------------------------------

13/- VÀO QUÁN ĂN.

Ăn, mặc, ở…là những yếu tính bản năng sinh tồn và phát triển của một cơ thể vật chất, thay vì những thực phẩm là một dưỡng chất, nếu trái lại là một độc chất, như vậy, nó đóng một vai trò quan trọng trước hết và hơn cả. Vì rằng: ăn uống là sự giáp mặt trực tiếp với mọi điều kiện hấp thụ của một chiếc thân. Tuy nhiên, năng lượng nầy chỉ có chừng mực nào đó cho những nhu cầu bảo dưỡng ích lợi, và ngược lại sẽ làm phương hại về thân cũng không ít.

Như bao nhiêu lần khác, lần nầy mỗi người tự chọn phần ăn riêng theo sở thích của mình khi ngang qua thực đơn, mọi việc đâu đó đã xong. Thế nhưng, có vị chợt thấy đĩa bì cuốn bắt mắt và đề nghị gọi thêm phần nầy, tức thì trong bàn có một vị hưởng ứng, và bảo rằng :

- Được, biết đâu phần kêu trước có đủ no hay không !

- Ngay sau đó, một vị khác nữa lại góp ý;

- Nếu thấy không đủ, thì mình cứ kêu thêm, vì chúng ta đang ở trong quán ăn mà !.

Điều đầu tiên, chúng ta có thể thấy là : một khi đã vào quán ăn, hay bất cứ tham dự trong buổi tiệc nào, trước hết là để rõ biết cái ngon, từ chất liệu hương, vị của loại thực phẩm đó, để được thưởng thức khi tiếp xúc. Thế nhưng sự thưởng thức ấy bằng một đề cao của sự vô hại, không phải cái ngon nào cũng đắm chìm trong khi tiếp xúc, hay chỉ để cho được cái no, cái đầy đủ về số lượng.

Ngang qua cái nhìn khác, nếu thực phẩm độc nhiễm sẽ gây nguy hại, bệnh tật cho chiếc thân và đưa đến tổn thương cuộc sống tinh thần từ bản thân đến mọi người. Do đó, sự “ăn” đóng một vai trò quan trong xã hội, nếu ăn có biết lựa chọn cho thích hợp, đúng phương pháp, thì sẽ có được sự tiêu hóa tốt, và lượng dung nạp sao vừa đủ những dưỡng chất cho cơ thể, dẫn đến ít bệnh, ít não…, mặc khác, nhờ sự ăn hiền hòa, thời sẽ đem lại sinh hoạt cho một nếp sống gia đình được yên ổn hơn.

Đối với đức Phật hay đạo Phật, không phải chỉ dừng lại ở loại thức ăn ấy, mà còn giúp cho chúng ta có một hoạt động về tầm nhìn thiết thực và thoáng đãng, như ; mọi hình thức có sức hấp dẫn về mặt tâm lý, tình cảm, vui hay buồn, chấp nhận hay từ bỏ… thì đây được xem là một loại thức ăn. Có sự tư duy diễn ra đồng hành với bao tham muốn, ước vọng, mong cầu cho hiện tại và mai sau, những năng lực nầy có thể đem lại hạnh phúc hay đau khổ, nó được xem là một loại thức ăn nghiêng về mặt tinh thần. Có sự chấp trì và quán chiếu các pháp nhân duyên sanh diệt, để khả năng nhận thức đúng đắn, sai trái, được tăng trưởng, tác thành sự sống có ý thức và hành động.

Mỗi ngày có bao nhiêu sự diễn biến, ta đều tiếp nhận, biết rõ, và hóa giải sao cho thân tâm được bình an, hoặc để thân tâm rơi vào những bất an, đó là kết quả do thọ dụng thức thực, hay nói một cách khác ; cần có chánh kiến, chánh niệm mỗi lúc trong sinh hoạt của cuộc sống.

Từ đây, ta có dịp đọc lại lời dạy của đức Phật, như : “…Do vị ấy trú, quán vô thường, do vị ấy trú, quán tiêu vong, do vị ấy trú, quán ly tham, do vị ấy trú, quán đoạn diệt, do vị ấy trú, quán từ bỏ đối với thân và lạc thọ của vị ấy, nên tham tùy miên đối với thân và lạc thọ được đoạn diệt…”

Kinh Tương Ưng 4.

Như vậy, sợ ăn không đủ no, sợ cung cấp thức ăn thiếu.v.v… là nguyên nhân phát sanh dục tham, dục tầm cầu, nó sẽ dẫn đến cạnh tranh, đấu tranh, để được lợi dưỡng và danh xưng, hướng đi của sự khởi niệm ấy sẽ dẫn đến sự nhiệt não, sự tàn hại, một khi đã mất tỉnh giác, mất chánh niệm, mất lạc trú hiện tại của người đệ tử Phật trước và trong khi ăn, cho dù đang ở trong quán hay bất cứ ở đâu !

Cuộc đời là một quán ăn, các pháp, nhân duyên, là những thức ăn thích hợp cho mỗi trình độ tu tập, mỗi tâm hồn chúng ta, chỉ cần trú và quán ly tham, mà không cần phải đo lường thiếu đủ.

-----------------------------------

14/- THEO NẮNG MỚI LÊN ĐỒI.

Đã hơn hai ngày ở Đàlạt, loanh quanh mãi khu Hòa bình riết rồi đâm ra lại ngẫn ngơ, đi không mấy bước, nghe chân đã mỏi, về đến khách sạn, lên xuống cầu thang nhiều lần, ngán ! Thời gian nghỉ ngơi thì ít, thời gian theo đoàn loanh quanh đây đó thì nhiều !

Sáng nay, theo chương trình cho biết; sẽ đi tham quan Thung Lũng Vàng, điểm đến nầy cách Tp. Đàlạt 14km về hướng Tây Bắc, được biết mới vừa khai thác từ năm 1999-2005, đường đèo dốc quanh co, bạt ngàn thông xanh, trời hãy còn sớm, nên núi rừng nhìn từ xa như được tráng phủ lên lớp sương mù màu trắng đục. Trong quần thể nầy có hồ Đankia và hồ Suối Vàng, ngoài ra còn nhiều khu giải trí khác.v.v…

Điểm dừng của xe khách là một bãi rộng dưới chân một dãy trái đồi trãi dài xanh sắc cỏ, mặt trời mới vừa nhú lên bóng núi xa, vạt nắng hồng nhạt xuyên qua từng tán thông già tạo nên những sắc màu lung linh đẹp lạ. Lần nầy đoàn tập trung khá đông, trông thấy trên dưới 6 xe từ 30 đến 45 chỗ ngồi, và do trước cảnh trí hữu tình, nên có đề nghị chóp ảnh chung lưu niệm cho một chuyến đi, trong thời gian sắp xếp hàng ngũ để được lọt vào ống kính, chợt thoáng nghe phía bên có nhóm lẻ 5, 7 người Phật tử, họ bảo với nhau rằng : “sau khi đoàn chụp xong, mình thỉnh thầy của mình chụp riêng với mình ít kiểu!”. Và nghe họ lập đi lập lại nhiều lần như thế.!

Đoàn chóp ảnh chung vừa xong, thì túa ra theo hướng sở thích của mỗi người, kẻ thì dạo quanh những khóm hoa, kiểng, người thì lần đến bờ suối có cầu nhỏ ngang qua, hoặc khu vực có cây cảnh và đá bonsai, những ngôi nhà mát bằng lá, tre theo kiểu người dân tộc.v.v… thời gian vui chơi thưởng cảnh ở đây được mở rộng trên dưới 2 giờ, nên mọi người mặc sức chóp ảnh, uống cà phê, mua sắm, dạo quanh.

Hai huynh đệ chúng tôi bấy giờ men theo lối mòn đá sỏi rêu phong, hai bên có điểm vàng những cánh hoa bồ công anh, và lá cỏ như chưa kịp ráo hồn những giọt sương khuya, trên cành tiếng chim mách lẻo như báo ngày đang lên. Phía trước là đỉnh đồi khá cao, leo đến nơi là hơi thở dồn nhịp, thế nhưng nghe tâm tư sảng khoái khi đứng trên mặt đỉnh bằng rộng chừng 2 công đất, nhìn quanh những phương trời thoáng đãng, phía xa là ngọn LangBiang sừng sững biếc trời xanh, ngọn núi như cột trụ huy phong khung trời Tây Nguyên, mà chúng tôi đã có lần nghe lời ca :

“… Ngọn LangBiang ơi, đã bao năm,

Từng vượt ngàn phong ba bảo giông,

Bấy lâu từng, nguyện ước vương xa…”

Nhìn xuống từ đỉnh đồi cao, thấy số đông người còn loanh quanh phía dưới, và cũng thấy cả nhóm Phật tử mới nảy “…thỉnh thầy của mình…”vẫn còn lẩn quẩn đâu đó nơi những cụm hoa, bờ cỏ được chăm bón cắt tỉa, bên con suối giả tạo, yếu ớt, mỏng manh dòng chảy, bên những hòn đá cụi được bàn tay con người sắp đặt vị trí. Và cũng chính vì “thầy củamình”,nên cả thầy trò không đi đâu xa hơn nữa được, mà chỉ loanh quanh đấy thôi ! Còn các thầy không phải riêng của ai, thì thong dong, tiêu sái trên đồi xa, đồi cao trong nắng mới vương lên, chờm lên những ngọn thông xanh bạt ngàn đến phương vô tận.

Xuống và ngồi nghỉ chân cùng huynh đệ dưới gốc thông già, gió mới thoảng đưa thơm phức mùi hương cỏ, nắng đã lên cao, nhưng vẫn rót những giọt hồng vàng xuống thành từng chấm trên lối đi, nhìn về phí đồi xa mà nhớ lại lời ca : “… từng vượt phong ba…

Bấy lâu từng, nguyện ước vương xa…”

“Nguyện ước vương xa”, nào phải đâu cho một cuộc sống thường tình, bọt bèo của mớ vật chất, cái cảnh hạnh phúc ảo huyền diễm lệ mỏng manh, nào phải đâu chỉ để vui theo một giấc mơ con của một cuộc đời con, mà phải là vượt thoát cái cảnh cơ cực tối tăm, cố chấp lì mãi thấp kém của tâm hồn. Để đến và có một cuộc sống mới, ý thức, phước lành, trong sáng, yên bình cho mình và cho người, như nắng mới tự do vương mình lên đồi cao, núi cao…

------------------------------------

15/- NHẬN & TRẢ PHÒNG.

Mới bốn giờ sáng, nhìn những dãy phố còn im ỉm chìm lặng trong lớp sương mù và khí trời khuya nay khá lạnh, thế mà phía dưới khách sạn dậy tiếng người, nào là kẻ mua người bán mời mọc trả giá nhau, nhất là hàng bông, trái, bánh mức, những món đặc sản nơi Đàlạt, nào là những kiện hàng đã đóng thành từng thùng, từng bao, từng bịt nilon lớn nhỏ, tất cả đều được chuyển ra xe, những loại nào cồng kềnh nặng nề thì để ở dưới ngăn hầm, lớp thì mang lên để trên kệ phía trên băng ngồi, lớp thì để phía dưới ghế. Lúc đi thì đã có khệ nệ một mớ hành lý cá nhân, nhưng đến khi về thì thêm một ít nữa, nên chiếc xe lúc nầy đầy ấp những người và vật, trông rất nặng nề.

Lúc đi thì cũng chừng ấy người, mà tải trọng xe thấy nhẹ hơn, nhưng đến khi về thì hơn gấp mấy lần tải trọng lúc đi. Trưa hôm ấy, thấy ai cũng có chờ sẵn một tâm lý nôn nã, ước muốn, mong mõi, vui tươi khi đến khách sạn để được nhận phòng, để được tắm giặt, ăn uống và nghỉ ngơi, dưỡng khỏe. Trong khách sạn có nhiều loại phòng, như : có phòng 6 người, có phòng 4 người, có phòng 2 người.

Bình thường thì nhà ai nấy ở, phòng ai nấy nghỉ, nhưng lúc nầy thì bắt, chọn với nhau, từ 2 người, 4 người, đến 6 người, nhờ vậy mà thấy biết hiểu nhau, thân mến thương yêu với nhau, đôi khi cũng có phật ý với nhau rồi cùng nén lòng cho qua, nghĩ rằng chỉ ở chung tạm đôi ba ngày rồi thôi. Thế là lần lựa thời gian dần trôi, ngày giờ quay về đã đến, bởi có cuộc hội ngộ nào lại không có cuộc chia tay, và có cuộc ra đi, nên bây giờ có cuộc trở về…

Người trực tiếp quản lý khách sạn lại là có quen biết thâm tình với thầy trong đoàn, nên riêng quí thầy (tất cả 10 vị) được ở 2 phòng 4, 6 và không tính tiền phòng. Nhìn chung tất cả các phòng đều thông thoáng rộng rãi, lịch sự, sạch sẽ, bàn nước, bàn viết, trang điểm đầy đủ, hình thức thiết kế không thấy quá tiết kiệm về không gian phòng.

Cái đến cũng có sự nôn nã, chờ mong của một dòng tâm lý… đến lúc ra về cũng nơm nớp, bận rộn, hối hả, đợi trông bằng một cảm giác tâm lý mới. Đành rằng cái đến là tạm để ra đi, và cái đi cũng chỉ là tạm cho cái trở về, nhưng đến đi, ở về, phải như thế nào cho ý nghĩa cuộc sống và lẽ sống của kiếp con người. “Tín tâm, sống giới hạnh, đủ danh xưng tài sản. Chỗ nào người ấy đến, Chỗ ấy được cung kính”. PC. 303.

Một khi chuyển tiếp khúc đoạn tử sanh, ta có một cõi sống mới, nơi đó, ta đã mang theo một ít nghiệp lành hay nghiệp dữ, và rồi từng chập tư tưởng đổi thay theo thời gian, duyên cảnh, ta có thể tạo thêm lành dữ ở hiện tại, để rồi từ đó, sẽ được tạo tác phước nghiệp, nhẹ nhàng, an lạc, hạnh phúc, hay trái lại, sẽ bị cột trói, hành phạt khổ đau, bất an bởi hành động ác quấy tội lỗi do ta gây ra. Vì vậy, nên Bồ tát Tịch Thiên dạy rằng: “ vì không biết rằng khi chết phải bỏ lại tất cả, nên chúng ta đã vì người thân và kẻ thù mà tạo ra đủ thứ tội lỗi”.

Sáng nay, sau khi làm thủ tục trả phòng, nghe đâu có một vài người trong đoàn, trong thời gian lưu trú, đã dùng thực phẫm ăn, uống của khách sạn mà không thanh toán tiền bạc, khi nhân viên có trách nhiệm kiểm phòng phát hiện, và đã được thông báo trong đoàn.

Như vậy, nhận và ở trong cuộc sống bằng hạnh nghiệp tốt đẹp, an hòa, thì mai kia mốt nọ, khi ta từ bỏ ra đi, sự an hòa, tốt đẹp ấy cũng sẽ để lại cho đời một chất dưỡng khí lợi lạc. Và nếu như những việc làm ác quấy từ ý niệm tham lam, sự tàn hại, nhiệt não từ hành động giận dữ, và sự tà vọng từ nhận biết mê lầm, thì chính ta làm cho ta khổ đau, và khi ta từ bỏ thân giả tạm vô thường nầy, bấy giờ ta lại còn để lại cho đời nhiều phiền muộn…

Cũng giống như hôm nay, ta nhận phòng như thế nào, thì khi trả phòng phải như vậy, và còn hơn thế đó bằng những hạnh nghiệp, những phước nghiệp của ta.

Đoàn đã rời khỏi Tp. Đà lạt trong ánh đèn còn khuya khắt, sương mù và cái lạnh của Cao nguyên.


Long Xuyên, ngày 15.03.2014.

MẶC PHƯƠNG TỬ.

16/- QUAN ÂM PHẬT ĐÀI (Bạc Liêu).

Sau 3 ngày Tết ở Saigon,

Thường, mật độ con người ở Saigon (Tp. Hồ Chí Minh) rất đông, có những nơi không đợi đến giờ cao điểm, vẫn bị kẹt xe, còn đến giờ cao điểm thì rất nhiều nơi chịu ảnh hưởng chung. Bởi Saigon là trung điểm giữa hai miền Nam-Trung, điều kiện kinh tế, cuộc sống, thời tiết.v.v… có nhiều ưu đãi cho con người, nên phần lớn, thiên hạ đổ xô đến để kiếm sống qua ngày và lập nghiệp lâu dài, kể cả việc học hành, làm việc.v.v…

Từ Quang Tịnh Xá (ở Quận 4) là nơi chúng tôi thường lưu trú, có lúc ở dài hạn, ngôi đạo tràng nép mình trong một con hẻm không sâu lắm, chỉ cách con đường Vĩnh Hội chừng 50m thôi, nhưng lại là xóm dân cư, đông đảo, nên không ít ồn náo và phức tạp, có lúc nửa khuya (12g, 1g sáng) chúng chưởi nhau um sùm, rồi cũng phải cố gắng dỗ giấc ngủ. Nhưng trong những ngày nầy thì rất êm, vì ngày thường thì phần nhiều là người tứ xứ đến thuê nhà trọ, còn dân có nhà cửa tại đó thì lớp về quê thăm ông bà, lớp thì đi chơi xa đôi ba ngày. Nên trong những ngày từ 29-30 đến hết ngày mùng 6, mùng 7 tháng giêng, thiên hạ mới đổ dồn về Tp trở lại.

Thọ trai bữa trưa mùng 3 xong, từ giả huynh đệ, chúng tôi ra xe về Tịnh xá Ngọc Liên tại Tp. Bạc Liêu, nơi đây khuôn viên đạo tràng trên dưới 2 hecta, không khí rất thoáng mát, lại ảnh hưởng gió biển đưa vào, nên ngày đêm nghe lồng lộng gió, vườn chùa có nhiều cây cao, bóng râm mát cả ngày, mỗi sáng sớm chỉ cần đi kinh hành giáp vòng khuôn viên chừng 4, 5 vòng là thấy nhịp tim đập mạnh, cơ thể nghe rưng rức mồ hôi, rồi hít thở với không khí trong lành nghe sảng khoái tâm hồn.

Ở đây được vài hôm, chợt nhớ đến lời Phật tử cũng như khách thập phương giới thiệu đến tượng đài Quan Âm Nam Hải, nên cũng muốn đi đến để cho biết, và cũng không xa lắm, chỉ độ chừng 5 hay 6 cây số là đến nơi rồi. Sư trụ trì cũng hoan hỷ đi chung để hướng dẫn và giới thiệu phần tổng quan. Khi xe đến gần cổng Tam quan, thì được biết cổng mới được xây dựng vào năm 2006, trong khu vực Phường Nhà Mát, thuộc Tp. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.VN, từ ngoài cổng đến nơi tượng đài độ chùng trên dưới 200m, Quan Âm Phật Đài là tên gọi từ lâu của người dân địa phương. Bảo tượng Bồ tát được xây dựng từ năm 1973 đến 1975 hoàn thành, với chiều cao 11m không kể chân đế, vị trí sát bờ, mặt hướng ra biển Đông, nhưng từ đó cho đến nay đã cách bờ gần cây số, do nhiều năm phù sa bồi vào.

Từ ngoài bước vào Quan Âm Phật Đài, phía tay phải là điện thờ Thiên Thủ Thiên Nhãn, nhìn sang phía đối diện là điện thờ Bồ Tát Địa Tạng và một số phù điêu khác được trình bày nhiều hình thức, để hàng Phật tử, khách thập phương có lòng kính tin cầu nguyện.v.v… chúng tôi còn thấy công trình đang tiến hành một số hạng mục được giới thiệu qua các mô hình tiêu biểu.

Mặc dù lúc nầy chưa phải là một trong những ngày lễ hội hành hương tâm linh, thế nhưng người thì rất đông, thấy kẻ mang từng tụng nilon, nào là bông, trái, dĩa, nhang, đèn cầy, đủ thứ các loại để dâng cúng, lễ bái, cầu nguyện. Họ bày ra dưới chân tượng đài với dĩa bông trái, nhang đèn, rồi râm ran lời cầu khẩn, rồi vái lạy một cách tha thiết. Chúng tôi trông cái cảnh ấy một hồi lâu, sau đó thấy ai ai cũng túm hoa trái và dĩa vào bịt nilon trở lại rồi mang đi, để nhường chỗ cho bao nhiêu người khác cũng tiếp tục như vậy. Thấy vậy, chúng tôi hỏi thăm tự sự, người ta bảo rằng : có người mang bông trái về, nhưng cũng có người đem trả lại chỗ mướn bông trái và dĩa, để người khác mướn tiếp, cho đến khi nào không còn cho mướn được nữa…

Chúng tôi nghĩ rằng : tinh thần cứu khổ cứu nạn của Bồ Tát Quan Âm là để khởi lòng tin mà phát tâm tu tập, trưởng dưỡng lòng nhơn, tích tụ công đức, biết làm việc phước lành, thương vật mến người, tránh xa các tội sát hại chúng sanh, biết quí trọng sự sống con người, không dùng cách nầy thế kia, mưu sâu hiểm độc, cậy thân cậy thế để lường gạt, cướp đoạt tài sản, tiền bạc của người. không vì lòng nhục dục mà làm cho gia đình kẻ khác phải đổ vỡ tình cảm, không nói lời thêu dệt, tráo trở, tự phụ, hăm dọa, để dành phần lợi cho mình, không vì việc ăn uống chè chén say sưa qua khỏi cổ họng do lòng tham lam ác quấy, còn làm cho bao hiểm họa cho gia đình, xã hội nhân quần, để phải kẻ tù đày nơi khám ngục, người nghèo đói, hoạn nạn, chết chóc thảm thương.v.v…

Nếu như lời vái nguyện bằng ý thức những điều trên, cộng với lòng chân thật kính tin, không phải để cầu nguyện suông, hay lúc khổ nạn, thì bản thân, gia đình, xã hội có chi là khổ hoạn. Với Từ lực của chư Phật, Bồ tát luôn có mặt khắp nơi, luôn hóa hiện khắp nơi, nào phải riêng chỗ nầy hay chỗ khác, và cũng không tư vị cho riêng ai, dù là giàu nghèo, quan quyền, sang hèn, già trẻ, trí ngu.v.v… chúng ta nghe lại lời Phật đã dạy :

Không làm mọi điều ác

Thành tựu các hạnh lành

Tâm ý giữ trong sạch

Chính lời chư Phật dạy”. PC. 183.

Phật dạy chừng đó, ta học ta tu chừng đó, và chỉ chừng đó thôi, ta cũng đủ làm cho ta an vui, người an vui, cuộc đời an vui, đó là hình ảnh và hạnh nguyện phổ hóa của Bồ tát Quan Thế Âm vậy.

Miên man dòng suy nghĩ, khi về đến Tịnh xá, trời đổ bóng hoàng hôn.

---------------------------------

17/- VẮNG MỘT CHUYẾN ĐI.

Hằng năm, vào thượng tuần tháng hai âm lịch, đoàn cứu trợ Miền tây do HT. Giác Dũng hướng dẫn đến Lâm đồng để cứu trợ đồng bào nghèo, thường là người dân tộc ở vùng cao, và sâu trong rừng Lạc dương, hoặc Đơn dương, hay một điểm nào thấy thích hợp. Trong đoàn thường có các địa phương tháp tùng như, : Tăng Ni phật tử Tp. Châu Đốc (2 đoàn), Thị Xã Tân Châu, H. Châu Chú, Q. Châu Thành (Long Xuyên), Tp. Long Xuyên, H. Thoại sơn (Long Xuyên), Q. Thốt nốt, Cần Thơ (3 đoàn), Tp. Cần Thơ, Tp. Bạc Liêu, Tp. Long An, Tp, Mỹ Tho.v.v…

Năm nay có một vài đoàn vắng mặt, do chuyển hướng khác, trong đó có một đoàn ở Thốt nốt thì không thực hiện được chuyến đi như hằng năm. Sau đó, hỏi thăm ra thì mới biết sự tình của vị thầy nơi ấy không đi được cùng chuyến đi lần nầy.

Nguyên là : 6 công đất mà vị nầy đã và đang ở tịnh tu trên 30 năm, kể từ sau 1975 đến nay, hiện tọa lạc tại khu vực Cống Mới thuộc địa phận Q. Thốt nốt, phần đất trên do một Phật tử tín tâm với pháp danh T. Thông, lúc ấy thỉnh thầy về lập nhà thờ Phật, am thất, làm nơi tịnh tu chung cho quí thầy nào có chí nguyện về hướng nầy. Ngay ban đầu, cũng đã có nhiều thầy đến tịnh tu trong thời điểm giao thời của đất nước, về sau trở ra phục vụ trong các ban ngành Giáo Hội, hoặc có vị tiếp tục tịnh tu.

Thầy G. Kính là người nhận trực tiếp từ sự tín tâm của người Phật tử lúc ấy, đồng thời được nhập hộ khẩu đàng hoàng, bấy giờ hộ khẩu chỉ có 2 vị. Sau đó, người Phật tử tín tâm trên qua đời, nên nghiễm nhiên vị còn lại là chủ hộ, nhưng lại không thực hiện phép chuyển đổi xác nhận theo hành chánh, coi như việc tự nhiên bình thường. Mãi cho đến những năm gần đây, con của người Phật tử tín tâm trên (nữ) đến mượn hộ khẩu, nhưng không nói lý do gì hết, đến khi trả lại, thì thấy đã có tên trong hộ khẩu, sau lại mượn thêm lần nữa, và đến khi trả lại, thì lần nầy thấy tên mới nhập vào đã trở thành chủ hộ… ?

Rồi từ đó, không khí sinh hoạt trở nên nặng dần, cảm thấy chuyện hơn 30 năm về trước đã tàn phai, lạnh lùng theo giấc mộng thời gian, khi mỗi lúc nhịp sống và mật độ con người càng cao, thì những đức tánh cao quí lại càng bị thu hẹp lại bằng một lý do nào đó.

Sự việc như vậy, đã kéo lê đến cuối năm 2013 như đã thấm mặn vị đời, hơn thế nữa, vì tự biết phần sở hữu đất hiện nay và cũng tự biết mình hơn hết, nên nhờ Phật tử kiếm mua phần đất khác, để lo chuyển đổi nơi cư trú cũng như về mặt hành chánh (hộ khẩu) cho ổn định việc tu tập còn lại trong đời. Mặc dầu sau đó, những người kế thừa sở hữu đất có lời thỉnh cầu ở lại…

Điều mà người tu vẫn biết rằng : “sống chết là chuyện đi về, hợp tan là trò dâu bể”một khi đã nhận ra lời Phật dạy “thế gian vô thường, quốc độ nguy thú, tứ đại khổ, không…”thì có sá gì trước cảnh đổi thay muôn đời như dòng chảy, nên chỉ cần cái “ nhấp nhá” dòng tâm thức của chúng sanh, là đã hiểu ngay, và tự thân mình phải biết làm gì. Hơn nữa, người đệ tử Phật phải đâu lấy sự lòn cúi, vặn lòng theo thói đời, để được cái ăn, cái ở, mà gọi là có ân, có nghĩa, ân là ân chúng sanh trong muôn một, nghĩa là lòng chân thật giáo hóa tỉnh thức lẽ đời, nào phải đâu chỉ bám níu đôi chút rong rêu, cột trói ta người mà tôn danh ân nghĩa !

Trở lại vấn đề trên, việc xuất nhập hộ khẩu lâu nay bao giờ cũng có một qui tắc chung trong hành chánh các cấp, mà pháp luật đã qui định, chớ đâu phải tự cắt, tự nhập mà không cần xin hỏi chi chi hết, thì cái nghĩa của sự đời còn không tỏ rõ rồi, có đâu nói đến đạo lý sâu xa hơn, phải chăng như Nguyễn Gia Thiều đã than : “Lò cừ nung nấu sự đời, bức tranh vân cẩu vẻ vời tang thương”.

Thế nhưng, thời gian luôn đi tới, muôn sự ở đời rồi cũng phải hanh thông, nhân duyên, quả nghiệp âu cũng là tác thành vay trả, luật nhân quả, công lý chẳng hề mảy may thiếu thừa, dư sót điều chi. ngã rẽ nào cũng là con đường đi tới, khúc quanh nào cũng bỏ lại dấu chân qua. Càng thâm thúy rất thực ngay trong hiện tại của người đệ tử Phật là : “Đệ tử Gotama, luôn luôn tự tỉnh giác, Vô luận ngày hay đêm, Ý vui niềm bất hại.” PC. 300.

Nên năm nay chỉ vắng một chuyến đi, mà không mất một chuyến hành trình về phương trời viễn mộng tâm linh.

18/- BÊN DÒNG CỔ CHIÊN

TỤNG BÀI KINH PHẬT.

Đã hơn 18 năm bước đời phiêu bạt, kể từ mùa an cư kiết hạ 1996 đến nay (2014), vẫn lặng lẽ tháng ngày bên suối đồi, khi lên núi Dinh ở Bà Rịa, lúc đến Tây Ninh nắng cháy, rồi lãng đảng núi rừng Bù Đăng, Đak’ Nông, nay dừng chân nơi Miền Tây sông nước phù sa… mượn câu kinh kệ làm niềm vui với đời thường, lấy cỏ cây, hoa lá, mây trắng lưng trời, chim hót rừng xa, để ươm mầm sống thực giữa muôn sắc màu dâu bể, mà người đệ tử Phật cần phải quán chiếu, nhận diện. Vì rằng chỉ có đến mới thấy, và chỉ có đến mới nghe được những gì từ nơi cuộc sống.v.v…

Từ khi huynh đệ mỗi người mỗi ngã du hóa vào đời, như những cánh chim trời vẫn mãi vang tiếng hót cho muôn hoa cỏ và sông núi muôn trùng của quê hương đích thực. Nay được tin nhau, vội vã gọi mời nhau và hẹn nhau ngày tái ngộ.

Cuộc hành trình từ Tp. Long Xuyên bằng xe Honda đến Sadec, rồi Vĩnh Long để qua Chợ Lách Bến Tre, tuy đoạn đường không xa lắm, không đầy 100km, nhưng phải qua 2 con phà (phà Vàm Cống , Đồng Tháp và phà Đình Khao, Vĩnh Long). Lâu lắm không có dịp ngang qua Tp. Vĩnh Long, lần nầy đến thấy thay đổi khác xưa nhiều, đường thì mở rộng và thêm những giao lộ mới, khu du lịch Trường An trông rộn rịp, công viên và bờ kè của Tp dọc theo dòng sông Tiền tạo một dáng vẻ mỹ quang và lồng lộng gió, đến phường 4 có Văn Thánh Miếu, nơi thờ các danh sĩ văn học yêu nước…Được biết trong khu vực Miền Đông, Tây Nam bộ có 3 Văn Thánh Miếu, như; ở Biên Hòa (Đồng Nai), ở Gia Định (tp. HCM), và ở Vĩnh Long, cả 3 cùng hình thành vào Tk 19.

Đến vòng xoay, hướng đi Long Hồ, Cần Thơ, và Phà Đình Khao, mà lâu nay nghe người ta thường gọi là bắc Cổ Chiên. Thật ra, trước năm 1975 đã có tên Đình Khao, là một ngôi đình tại xã Thanh Đức, H.Long Hồ, nơi đây sau khi quân lính hoàn thành nghĩa vụ cùng tập họp tại đây để được khao, lâu sau được người quen gọi là Đình Khao. Đình Khao được xây dựng từ thời Gia Long 1817. Còn sông Cổ Chiên là địa danh của một nhánh sông mà tôi thường mơ ước muốn đến để thấy tận mắt đã từ lâu mà chưa có dịp.

Dòng Cổ Chiên là nhánh sông phía Nam của sông Tiền, ngả ba sông là ranh giới của 3 tỉnh, như : Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre, từ chân cầu Mỹ Thuận phía Tp. Vĩnh Long chảy dài 82km theo hướng Tây-Bắc, Đông-Nam rồi đổ xuôi ra biển, hai bên bờ Cổ Chiên có nhiều cồn, cù lao, như : cù lao Nai, cồn Dung, cồn Lớn…thuộc tỉnh Bến Tre. Cù lao Long Hòa, cồn Long Trị, cồn Bần (Thủy Tiên)… thuộc tỉnh Trà Vinh, cù lao An Bình, cồn Dài… thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Địa danh dòng Cổ Chiên có nhiều thuyết, thế nhưng có thuyết cho rằng tên con sông liên quan đến một sự kiện lịch sử khi vào cuối Tk XVIII (1785), lúc đại bại trận Rạch Gầm-Xoài Mút, là 2 nhánh sông nhỏ của sông Tiền trong khu vực của tỉnh Tiền Giang ngày nay. Tàn quân của Nguyễn Ánh tháo chạy theo đường sông xuống phía Nam, nhưng khi đến đoạn sông nầy thì bị chiến thuyền của quân Tây Sơn đuổi nà theo, đoàn thuyền quân Nguyễn Ánh phải tìm cách thoát nạn nguy chết, nên đánh rớt “Trống, Chinh” hết xuống đoạn sông nầy, vì Trống là Cổ, còn Chinh nói trại thành Chiên, ghép thành Cổ Chiên, như ngày nay thành địa danh của dòng sông nói trên.

Phà vượt ra giữa dòng, nhìn thẳng về phía ngã ba sông, thấy một màu xanh đầy sinh lực của cây trái, bởi do sự hội tụ bồi đắp phù sa tự ngàn năm cho quê hương ngàn dặm. Bỗng nhớ đến lời bài ca “Con Sông Quê” do ca sĩ Anh Thơ biểu diễn, có đoạn :

“…Qua nửa đời phiêu dạt,…

Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ,

Chở che con qua chớp bể mưa nguồn…

Một dòng sông xanh chảy mãi đến vô cùng.”

Lời ca như trầm xuống trong lòng, vì lúc nầy gợi nhớ đến cuộc đời của mẹ, một tấm lòng chất phát, mộc mạc chân quê, vì con mà mẹ một đời tận tụy, chở che cho con, dù đã phải trải qua bao chớp bể mưa nguồn, mặc dầu hôm nay con đã quá nửa đời người, và mẹ bây giờ đã hóa ra người thiên cổ, nhưng cũng như những hạt phù sa mãi bồi đắp cho bến đời luôn tươi mát, cho cây đời thêm xanh và xanh đến tận vô cùng…!

Hai bên đường xanh rợp bóng cây, không mấy chốc đã đến cầu Phú Phụng, một cây cầu trông như mới vừa hoàn thành công trình, kế nữa là chợ và Đình Phú Phụng, rồi chùa Quang Minh, xã Phú Phụng, H. Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, Quang Minh là một ngôi chùa đã trên 100 năm, dáng vấp vẫn còn thô sơ nép mình dưới tàng đại thụ bồ đề. Huynh đệ gặp lại đã hơn 18 năm, mừng vui qua đôi điều thăm hỏi, ánh nắng chiều đã rót vàng trên thềm chùa sau một cơn mưa khá to, như để làm bớt đi những ngày oi bứt của thời tiết đầu mùa.

Tối nay, vầng trăng ngà mùng tám lung linh chếch nghiêng mái chùa, nghe tiếng chim giang hồ như đang xếp cánh đâu đây, thỉnh thoảng những ngọn gió lùa qua mang theo những hương hoa cỏ, hương của miệt vườn, và hương của cả những tấm lòng trong cuộc đời, như để hòa vào hương vị bất tuyệt của đạo lý giác ngộ tự ngàn xưa và cho cả ngàn sau muôn trùng diệu lý, chợt nhớ đến lời thi kệ của Ngài Trần Thái Tông :

“Thiên giang hữu thủy, thiên giang nguyệt…”

(Ngàn sông con nước lưu giao

Mênh mang muôn dặm nơi nào không trăng).

Dù có đi đâu, qua muôn rạch trăm sông, mỗi bước vào đời ngược xuôi ngàn dặm, vẫn hằng thắp sáng lẽ sống chơn thường giữa bao lớp bể dâu vô thường sanh diệt, nơi nào mà không vầng trăng diệu pháp luôn hiển lộ, sự bình an nào không tự nơi mình!

Nghỉ một đêm trong khuôn viên chùa yên tịnh, sáng mai sẽ có buổi nói chuyện về đạo lý với hơn 100 phật tử gần xa đến dự khóa tu cố định hằng tháng tại đạo tràng, buổi nói chuyện như để tụng một bài kinh muôn thuở bình an cho mình và cho cuộc đời :

“Như giữa đống rác nhớp

Quăng bỏ trên đường lớn,

Chỗ ấy hoa sen nở,

Thơm sạch, đẹp ý người,” PC. 58.

MẶC PHƯƠNG TỬ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/04/2013(Xem: 7528)
Ngài Hàn-Sơn : Trong thế gian mà bị người phỉ báng, khi dễ , nhục mạ, cười chê, khinh khi , chà đạp, ghen ghét , đè bẹp, đố kị ta. Như thế, ta phải xử trị cách nào ?
05/04/2013(Xem: 7958)
Sáng nay một đạo hữu đem sách này trao tôi, nhờ đọc xem có tham phá Phật pháp không. Sau khi đọc hết tôi nhận thấy trừ vài chi tiết, phần chủ yếu của sách chẳng có chi trái nghịch Phật pháp, theo những nhận định dưới đây ...
05/04/2013(Xem: 5231)
Ambapàli (Am-ba-bà- lị) nguyên là một kỹ nữ hạng sang sống tại thành Tỳ-xá-li. Nàng sở hữu nhiều tài sản, trong đó có một khu vườn xoài nổi tiếng xinh đẹp nhất thành phô và cũng là trung tâm giải trí lớn nhất của tầng lớp thượng lưu.
05/04/2013(Xem: 2954)
Trước năm 1975, ba tôi là một thương gia giàu có. Sự giàu có không bắt nguồn ba là quan chức đầy thế lực hay thân cận chính quyền. Ba tôi chỉ là một người dân lương thiện thuần túy. Ngày ba mẹ dắt đứa con trai nhỏ từ Bắc vào Nam, ba mẹ tá túc tại nhà người chú họ bên mẹ. Người chú có một xưỡng sản xuất bánh kẹo, thế là ba mẹ tôi vừa được xem là “con cháu trong nhà” vừa làm việc đắc lực cho chú. Đương nhiên thôi, chân ướt chân ráo vào Nam với hai bàn tay trắng, có nơi ăn chốn ở tạm gọi là an thân còn mong gì hơn. Thế nhưng, cuộc đời không đơn giản như thế. Ba mẹ tôi chỉ được nuôi ăn nhưng không nhận được đồng lương nào, dù chỉ vài đồng tiêu vặt.Tiền với ba tôi không phải là cứu cánh, nhưng nó là phương tiện để giải quyết nhu cầu cần thiết, cơ bản của con người.
04/04/2013(Xem: 11840)
Phải chăng là "niêm hoa vi tiếu" hay những nghịch lý khôi hài? Là nụ cười bao dung hỷ xả hay những lời châm biếm chua cay? Là tiếng cười vang tự đáy lòng hay chỉ là cái nhếch môi vô tâm vô sự? Là công án Thiền của thời đại hay chỉ là những chuyện tiếu thường tình? Là dụng tâm chỉ trích phá hoại hay thiện ý khai thị mạch nguồn?
02/04/2013(Xem: 14718)
Khi chọn lựa đề tài và sắp đặt câu chuyện, tôi mong rằng sẽ đi sâu từng chi tiết một, để câu chuyện hữu lý hơn; nhưng trước khi đi Canada lần nầy đã cung đón Đức Đạt Lai Ma về Chùa Viên Giác, nơi tôi đang trụ trì; nên có lẽ Chương đầu của quyển sách nầy, chỉ nói về bậc Thánh nhân ấy, không liên quan trực tiếp đến câu chuyện của quyển sách.
01/04/2013(Xem: 16425)
Mục Lục: HT Thích Như Điển - Xuất gia học đạo - Chùa Phước Lâm - Làm Nhang - Học tập - Về lại chùa Viên Giác - Ngày mất mẹ - Làm đậu hủ - Pháp nạn năm 1966 - Học tán tụng - Về Cẩm Nam - Hội An ngày ấy - Hồi ký - Tết năm Mậu Thân - Thầy tôi - Di tích - Chiếc nón bài thơ - Xa Hội An - Cách học cho giỏi - Lời cuối - Gặp lại nhau - Ba thế hệ đậuTiến Sĩ Mục Lục: Trần Trung Đạo - Lời Ngỏ - Vài nét về Chùa Viên Giác - Thời thơ ấu ở Duy Xuyên - Đến Chùa Viên Giác lần đầu - Rời Chùa Viên Giác đến Vĩnh Điện - Trở lại Chùa Viên Giác - Sư Phụ, Cố Đại Lão Hòa Thượng Long Trí - Tưởng nhớ Bổn Sư Thích Như Vạn - Tưởng nhớ HT Thích Tâm Thanh - Phố cô Hội An và những ngôi trường cũ - Hãy ngủ yên Đà Nẵng của tôi - Vu Lan nghĩ về Mẹ và Quê Hương
01/04/2013(Xem: 14690)
101 câu chuyện Thiền - Trần Trúc Lâm dịch
01/04/2013(Xem: 3090)
Túi vải đã sẵn trên vai, gã nhìn quanh căn phòng tạm trú, với tay, lấy chiếc mũ nỉ trong tủ áo, chụp lên đầu rồi khép cửa, bước ra đường.
29/03/2013(Xem: 4023)
Khi tơi đang dịch “Nhân Kiếp và Tai Kiếp” (Human Life And Problems, do hịa thượng tiến sĩ K. Sri Dhammananda) vào giữa tháng 09/2001 tại Toronto thì bất ngờ được biết thầy Thích Tâm Quang bên Mỹ đã dịch xong với tựa đề là “Các Vấn Đề Của Xã Hội Hơm Nay” (web www.budsas.org)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]