Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 02: Nếp Tu Hành

30/12/201319:16(Xem: 10271)
Phần 02: Nếp Tu Hành
Huong_Lua_Chua_Que



Phần 2: Nếp tu hành

- Một thời hành điệu
- Huynh đệ đồng chúng
- Bậc thầy mô phạm
- Tu tập hành trì
- Chế độ ăn uống nơi tự viện
- Mộng tuổi thơ
HT Thích Bảo Lạc

T

hật quả đúng như người ta nhận xét, người có căn cơ mới tu hành được, để ý tôi thấy nhiều người sống gần chùa nhưng chẳng biết tu hành gì. Lại có số người khác tới chùa cũng chỉ ngắm cảnh vui chơi mà không có tâm đi sâu vào Phật pháp. Không biết tự bao giờ tôi đã phát tâm hướng Phật mà hễ gặp Phật, chư Tăng là tôi cung kính xá dài; cũng như biết ăn chay từ hồi lên 7, 8 tuổi và phát tâm từ bi thương người và vật. Cộng thêm nhân duyên gia đình tôi theo đạo Phật hồi đời ông bà đến cha mẹ đều tôn thờ kính Phật, nhờ vậy hạt giống Bồ Đề trong tôi nẩy mầm rất sớm. Hồi khoảng 5 tuổi tôi xáng một cơn bịnh trầm trọng tưởng không qua khỏi, nhưng nhờ phước đức ông bà, sau vài tháng điều trị chứng ruột thừa biến mất. Tôi còn nhớ rõ, lúc đó cha mẹ tôi mừng khôn tả in như tôi được hồi sinh không bằng! Mẹ cho mời một ông thầy xem tướng tới coi chỉ tay cho tôi. Ông ta nhìn chăm chú vào mặt tôi một hồi và nói: Tuổi Nhâm năm Ngọ cầm tinh con ngựa. Mạng mộc thuộc dương liễu mộc, dẽo dai bền bỉ. Ngựa chạy nước rút đường dài mà đường đạo mới thông; đường đời bị chướng. Sau khi lật ngửa bàn tay tôi để ông luận đoán về đường học vấn, công danh, tình duyên và thọ mạng. Về đường học vấn, ông nói cậu này có chí sáng, chăm học đạt thành tài, nên cố gắng tiếp tục đèn sách, thay vì theo nghiệp nông cũng thành tựu nhưng tương lai không khá mấy. Đường công danh khá rạng rỡ nhưng đến


hơi chậm, đừng vì lẽ gì thối chí nửa đường, hẳn có lao đao lận đận không cứu vãn được đâu. Hữu chí cánh thành là câu nói phát ra từ miệng ông ta mà tôi không bao giờ quên được. Ông còn nói thêm, cậu vừa trải qua một cơn bạo bệnh thập tử nhất sanh, từ nay có phần nhẹ bớt nghiệp rồi. Nghe ông nói tôi như vịt nghe sấm, chẳng hiểu mô tê chi hết, không biết nghiệp là cái chi chi, vì thật khó hình dung nó ra sao, lớn nhỏ thế nào lại có đủ sức chi phối con người đến vậy. Tới chuyện tình duyên, ông luận đoán: Theo đường chỉ tay của cậu nếu sau này lập gia đình sẽ lấy hai vợ. Vợ trước có 3 con rồi chết sớm, người vợ thứ hai sanh hạ được 4 người con và hai vợ chồng sống với nhau cho tới mãn kiếp. Cậu sẽ nhờ đỡ người vợ thứ hai này nhất. Nhưng ông nói tới đó lại ngập ngừng một lúc làm cho cha mẹ tôi hơi lo lắng rồi tiếp; cậu quý tử của ông bà có số đi tu, hẳn là hanh thông hơn, thay vì ở đời lo công danh sự nghiệp. Sau hết, ông nói về thọ mạng, bèn đưa bàn tay trái của tôi chỉ rõ cho cha mẹ tôi thấy đường thọ mạng của tôi kéo dài. Có đoạn sắp bị cắt đứt chỉ trận đau của tôi hồi còn nhỏ, nhưng đã qua rồi. Cậu có thể sống dài dài mà không bị đau ốm gì nhiều nữa đâu, ông bà đừng có lo lắng chi cho nhiều.

Lá số tử vi của tôi như thế nhưng tôi đâu có tin và như lời ông thầy tướng có nói: chỉ tay của một người có thể thay đổi trong vòng 3 tháng. Cho nên một người tu phải chuyển nghiệp, hẳn số tử vi đâu còn đúng nữa và lại không thích hợp với chánh tín trong Phật pháp. Dù vậy phần nhiều người ta hay lấy số mạng làm đầu, nên mới tạo cơ hội nuôi sống được những ông bà thầy xem tướng số. Mà ở thời nào họ vẫn có thân chủ chiếu cố, dễ mấy gì thất nghiệp đâu. Không thể nối dõi tông đường, tôi chọn hành trình kế thừa đạo nghiệp.

Một thời hành điệu:Tuổi trẻ hồn nhiên, thơ ngây và tâm hồn trong trắng như thiên thần vậy đó, chưa nhiễm bụi trần nên dễ huân tập hạt giống lành vào tâm điền rất nhanh chóng, hợp với câu tục ngữ: gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Theo đó, tôi muốn nói rõ, người nào có ý định muốn tu nên dứt khoát xuất gia lúc tuổi còn nhỏ, gọi là đồng chơn nhập đạo. Ở vào lứa tuổi này con người chưa hề vướng mắc cạm bẩy của đời sống: tình, tiền, danh lợi, địa vị; cũng như tuổi đời còn dài mới có nhiều cơ hội phụng sự cho đạo pháp. Ngày nay sau năm mươi sáu năm nhìn lại lúc tôi mới vào chùa tu, đầu cạo nhẵn chỉ còn chừa lại chỏm tóc phất phơ phía trước mỏ ác, thấy tức cười ngộ nghĩnh và thương quá là thương.

Việc đầu tiên của tôi ở chùa là phải học thuộc lòng hai thời công phu sáng và chiều. Thời kinh sáng hay cũng gọi là công phu khuya gồm 5 đệ thần chú: Thủ Lăng Nghiêm, chú Đại Bi, 10 bài chú ngắn, tâm kinh Bát Nhã, niệm Phật hồi hướng và 3 tự quy y. Chú Lăng Nghiêm trúc trắc khó đọc, đọc mãi không trôi chảy lại cũng khó thuộc nữa. Cho nên người ta hay gán câu: “Hành quân sợ qua ải, làm sãi ngán Lăng Nghiêm” là như thế. Thời công phu chiều gồm kinh A Di Đà, hồng danh bảo sám, mông sơn thí thực, một bài sám nguyện, Bát Nhã tâm kinh, niệm Phật và hồi hướng cũng tương tự như buổi sáng. Đối với tôi, tôi có cách chia chú Lăng Nghiêm thành từng đoạn, học thuộc một đoạn rồi mới học tiếp đoạn khác. Vì vậy, tôi học chú Lăng Nghiêm chỉ 3 tuần là thuộc, dù chưa nhuần nhuyễn lắm, nhưng đọc theo chúng được. Trọn thời kinh sáng tôi học thuộc nằm lòng trong vòng 7 tuần lễ. Thời kinh buổi chiều không khó lắm, nhưng phần kinh A Di Đà lặp đi nhắc lại quá nhiều danh hiệu Xá Lợi Phất, tôi để ý có tới 30 lần Xá Lợi Phất, lại Xá Lợi Phất, lại nữa này Xá Lợi Phất. Trong bài kinh ngắn chỉ 1860 chữ, tính trung bình cứ mỗi 60 chữ là có một danh hiệu ngài Xá Lợi Phất, cũng đủ làm cho người học lộn trước ra sau và lấy đầu làm đuôi, nếu tâm không chú ý tập trung. Học Kinh và Luật có thầy chỉ dẫn chúng có lớp học đàng hoàng với ghế bàn, bảng đen, giờ giấc nhất định; trong khi thời công phu mỗi người phải tự học mà không ai để ý theo dõi cả, cũng như thời giờ học tự do tùy thích, miễn học thuộc là được. Hai thời công phu tôi luyện chưởng trong vòng 12 tuần lễ là thuộc khỏi cầm bổn đọc mà đã nhập tâm rồi. Ở chùa ngoài việc học ra, tôi còn hai công tác mà ngoài đời như chưa bao giờ làm qua, đó là đốn củi và gánh nước. Thầy chúng trưởng qui định chúng tôi phải lên núi đốn củi mỗi tuần 3 bó lớn (toán tôi 3 chú) mỗi chú. Còn nước phải đi gánh từ dưới chân núi lên, bằng đôi thùng thiếc đựng dầu lửa hiệu con sò đã lau chùi sạch sẽ. Nước giếng mát mẻ, trong sạch, chúng tôi phải dùng gàu múc rồi gánh lên con đường núi 108 bậc cấp mỗi ngày 3 đôi như vậy. Như vậy, mỗi sáng tôi tập thể dục luôn thể, vừa tiện lại cũng vừa giúp cho thân thể khỏe mạnh nữa. Dù học hành, làm việc bận rộn như vậy nhưng cảm thấy thật là vui, vì được sống chung có thầy có bạn bè đông đảo như trong một đại gia đình hòa hợp nhau. Thật quả đúng như câu nói: “ăn chưa no, lo chưa tới” của tuổi trẻ dễ thương nên ai cũng thích. Do tâm hồn của tuổi thơ chân thật không quanh co, không đề phòng, không sách lược…như người lớn. Họ làm việc rất hăng say, nhiệt tình, có khi không kể gì tới thân xác, nên dễ dàng đóng góp sức lực trong việc xây dựng gia đình, quốc gia, xứ sở, đạo giáo. Tuy nhiên, tuổi trẻ cũng hay bốc đồng, làm việc tùy thích, muốn thì làm… là những thất bại dù là đời hay đạo cũng thế. Nếu được đào tạo trong môi trường thích hợp tuổi trẻ vẫn đóng góp được nhiều hơn cho đạo pháp. Như con chim bị trúng ná nghi ngờ và sợ hãi bất cứ người nào gần nó, tuổi thơ cũng vậy đừng làm cho họ thối chí nản lòng mà phải trưởng dưỡng đạo tâm cho họ đủ sức vươn lên, là bổn phận và trách nhiệm của người thầy hay của những nhà giáo dục mà ngôi chùa là mái ấm tình thương che chở tuổi “đồng chơn nhập đạo”; sẽ kết thành hoa trái tươi tốt trong vườn tuệ giác.

Huynh đệ đồng chúng:Chúng sống áp dụng đúng theo pháp lục hòa: Thân hòa đồng trụ, khẩu hòa vô tranh, ý hòa đồng duyệt, giới hòa đồng tu, kiến hòa đồng giải, lợi hòa đồng quân. Nhằm thúc buộc 3 nghiệp thân, khẩu, ý vào khuôn khổ để tiến tu giới – định – huệ ba môn học, hay còn gọi là tam vô lậu học, không để bị phiền não ngăn chướng, ràng buộc. Cùng nhau hòa đồng chung sống dưới mái chùa, cùng lạy chung Đức Phật, cùng thầy, cùng chúng, cùng lớp, cùng học và vui v.v… nên chúng tôi xem nhau như anh em cùng một nhà, mặc dù mỗi người trước đó không ai có liên hệ bà con với nhau. Nhất là lúc đau ốm, tôi mới cảm nhận tình huynh đệ cao quý biết chừng nào. Chúng tôi lo giúp đỡ cho nhau từng thang thuốc, bữa cơm, chén cháo như người mẹ, người chị trong gia đình; cũng làm cho bịnh tình chóng hồi phục.

Lời nói hòa nhã ôn tồn, không tranh cải ồn ào làm mất hòa khí và còn làm động chúng nữa. Việc gì bất bình hay bị bạn chơi gác ức không biện bạch được phải bạch cho thầy Chúng Trưởng giải quyết, chừng nào không xong mới đưa sự việc trình thầy cả xử lý. Có ý kiến nào hay, mới lạ đem chia xẻ để huynh đệ cùng học hỏi và tìm thấy niềm vui trong lẽ đạo; không nên che giấu, ích kỷ cố thủ riêng cho cá nhân mình. Cũng như thấy việc dở lỗi lầm đều chỉ giúp lẫn nhau để anh em cùng tu cùng hiểu sâu rộng hơn. Về phần giới luật, dĩ nhiên, Sa Di chỉ mới thọ 10 giới mà 5 giới đầu hầu như tương đương với giới của Phật tử tại gia, tuy chỉ khác giới thứ 3, chúng tôi ai cũng nhiệt thành vâng hành tu tập, và rất tâm thành gìn giữ những giới điều đã thọ nhận. Cùng chia xẻ sự hiểu biết giáo pháp lẫn nhau trong chúng như nước hòa với sữa không tách rời nhau, tức là hợp quần thêm sức mạnh trong sự tương trợ hết lòng. Còn một điều cũng thật tế nhị là ở chung ta không nên nhắm quyền lợi riêng cho cá nhân mà có bất cứ món gì đều đem phân chia đều trong chúng cùng chung vui hưởng. Sống đúng theo quy luật thiền môn như thế tập cho tăng sinh chúng tôi có kỷ luật như quân đội. Giờ học, giờ tu tập, ăn uống, công tác, ngủ nghỉ… nhất nhất đều theo khuôn khổ mà không ai được làm khác. Tinh thần đồng đội giúp tôi luyện nung nấu ý chí, nghị lực cho tăng sinh sau này rất nhiều trong việc Phật sự. Ngoài ra, để trở thành một tăng sĩ hay tăng già xứng đáng hành giả phải là những người tu hành giỏi, những người tu hành tinh tấn, những người tu hành để vượt qua khổ đau, và những người tu hành đúng cách, như thiền sư Ajahn Chah – Thái Lan đã nhận định (Food for heart, thượng tọa Tâm Quang dịch). Nếu triển khai 4 đức tính ấy, chúng ta rút tỉa được những bài học thực tiễn như tu hành giỏi tức là người nhiều khả năng, sáng kiến, năng động trong sự tu hành mà mình tự chủ, không phải kẻ bị động, thiếu lập trường và hướng đi đúng giáo pháp. Tu hành tinh tấn như ai cũng biết, nhưng khi thực hiện hay đến lượt mình lại khác. Vì con người nếu không tu ai cũng tự dễ dãi với chính mình; tiến đến chỗ tự tha thứ cho ta và việc gì cũng châm chước bỏ qua được hết. Như thế, không tránh khỏi trì trệ, bạc nhược và người ta không còn chuyên nhất hành trì. Trái với những phần tiêu cực vừa nêu là tinh tấn thực hành giáo pháp. Vượt qua khổ đau phải là người đủ ý chí, niềm tin và nghị lực dũng cường mới đạt được như Đức Phật và Thánh chúng xưa nay, còn lưu lại công hạnh cho ta học hỏi, noi gương. Tu hành đúng cách là theo đúng chánh pháp, không theo quan kiến hay tri kiến hạn hẹp một chiều, tức là thiếu con mắt trạch pháp. Thiền sư tóm kết mấy điểm như thế này: “Chúng ta đến từ những tầng lớp khác nhau, nhưng chúng ta giống nhau. Dù cho những quan điểm khác nhau, nếu chúng ta tu hành nghiêm chỉnh sẽ không có va chạm xảy ra. Giống như các dòng sông, dòng suối đều chảy ra biển cả… một khi chúng đổ ra biển, chúng đều thuần một vị và một màu sắc giống nhau. Cũng giống như thế, với con người, khi con người đi vào dòng suối pháp, chỉ có một pháp, dù họ đến từ những nơi khác nhau, họ vẫn hòa hợp và hợp nhất (sđd. như ghi trên).

Bậc thầy mô phạm:thật quả đúng như câu: “Không thầy đố mày làm nên” mà tôi học được ở trường đời. Câu này cũng như câu: “Tiên học lễ, hậu học văn” treo nơi lớp tiểu học của trường tôi, giúp tôi rất nhiều trong việc học hỏi và hiểu biết. Thầy bổn sư tôi rất nghiêm nghị và kỷ luật. Thầy phạt thẳng tay làm cho huynh độ chúng tôi hơi ngán. Chẳng hạn thấy lỗi thầy phạt quỳ ngay tại chỗ; phải quấy hạ hồi phân giải. Điều đó, theo thầy là hay nhưng với chúng tôi nghĩ có phần không giống như thầy, lại hóa ra làm anh em bất hòa nhau cũng chỉ vì lối hành xử quá căng của thầy. Người nào biết tánh thầy cảm thấy thoải mái còn với chúng lý chỉ biết sợ thầy bằng cách né tránh mỗi lần thầy đi xa về, huynh nào lạng quạng gặp thầy trước có nước lãnh đủ, chịu trận mà thôi. Thế nhưng mỗi khi bước vô lớp, việc đầu tiên là thầy chọc cả chúng cười rộ trước khi giảng bài. Mới cười hỉ hả đó nhưng phải coi chừng, nếu huynh đệ không học nghiêm chỉnh hẳn ăn tát tai liền tại chỗ mà không được kêu nài năn nỉ chi cả. Thầy giảng dòn tan như pháo tống nổ, một hồi mệt rồi ngồi nghỉ thở lấy sức trông thật là cảm động vô chừng. Huynh đệ nào tinh ý chứng kiến những lúc này đây mới thương thầy nhiều hơn nữa. Tánh thầy nóng lửa rơm như vậy đó nhưng hạ ngay không để tâm qua đêm, nên các thầy đồng song ai cũng mến thích muốn thân cận lúc nhỏ to khi châm chọc nhại tiếng nói giọng Quảng Điện Bàn của thầy. Thế là thầy rượt các thầy chạy te tua kiểu trẻ con cút bắt, không kể lớn nhỏ, thầy bà chi hết. Lúc đó coi vậy mà vui, sau một hồi thầy lại lấy đặc sản quê hương Quảng Nam đem đãi khách, nói chuyện, uống trà sen thơm phức thật là mùi mẫn, đạo tình.

Thầy là nhà mô phạm rất rõ nét, như tôi đã trình bày trong sách “Thoáng Quyện Ân Từ”, công hạnh tu trì của Ngài khó ai theo kịp, đó là việc tự chặt 2 ngón tay út để cúng dường Phật và việc đốt liều hương. Thay vì đốt 3 liều như phần nhiều các tỳ kheo khác, Ngài đốt tới 6 liều trên đầu. Đó cũng do nguyện lực của mỗi hành giả tự phát để dâng lên mười phương chư Phật chứng minh cho lòng thành tha thiết của hàng môn hạ.

Tu tập hành trì:Nói đến tu tập gồm có tu và học nơi các Phật học viện, tăng học đường hồi thập niên 50, 60 rất khác với cách thức ngày nay. Tăng sinh phần nhiều chuyên về nội điển hơn, nếu có phần ngoại điển chỉ thêm Việt văn và môn toán hay sinh ngữ là cùng. Chẳng hạn, Phật học viện Huệ Nghiêm niên khóa 1963-1964 gồm có 5 lớp chúng: Mã Minh, Huyền Trang, Vô Trước, Thế Thân, Long Thọ mà chỉ có lớp Huyền Trang của chúng tôi được ra ngoài học chương trình ngoại điển mà thôi.
blank

Lớp chúng Huyền Trang - PHV Huệ Nghiêm 1964

Đời sống tu tập đầu tiên phải kể đến ở chùa Linh Ứng – Non Nước, chúng tôi học ngày hai buổi sáng – chiều, công phu 6 thời: công phu khuya, cúng ngọ, công phu chiều, tịnh độ tối và hai thời tọa thiền sáng tối. Tất cả cộng lại độ 3 tiếng và ngày học 4 tiếng nữa là 7 tiếng. Chương trình tu học áp dụng chung cho 3 cấp học: sơ đẳng 4 năm, trung đẳng 4 năm và cao đẳng 4 năm. Sau khi tốt nghiệp lớp cao đẳng tăng sinh hoặc tiếp tục ghi danh học Đại học Vạn Hạnh, đại học chuyên khoa hoặc ra làm việc trong các ngành Tuyên Úy Phật giáo, giảng sư đoàn, trụ trì v.v… Cộng trụ tu học cùng chúng tại chùa Linh Ứng 3 năm, chùa Giác Sanh 1 năm, chùa Lưỡng Xuyên 3 năm, Phật học viện Huệ Nghiêm 4 năm (sẽ viết rõ hơn sau). Đó chỉ mới phần tu và học, còn hành trì là việc khác nữa, thuộc về chuyên ngành dành riêng cho những vị chuyên về luật, thiền, tịnh độ, mật tông, kim cang thừa… Chọn lựa hợp sở thích và công hạnh để gia tâm hành trì. Quý vị có thể phát nguyện nhập thất ẩn tu không tiếp xúc với Phật tử, quần chúng. Công hạnh của các Ngài khó ai sánh kịp như ta biết Hòa thượng Quang Chánh hiệu Bảo Đài ẩn tu nơi động Tàng Chơn – Non Nước thời vua Lê Cảnh Hưng (cuối thế kỷ18), Hòa thượng Thích Quảng Đức cũng có thời nhập thất tu hạnh đầu đà tại Vạn Ninh – Khánh Hòa (1927-1933), Hòa thượng Thích Thiền Tâm lên vùng núi Đại Ninh – Lâm Đồng lập tịnh thất lấy tên Hương Nghiêm chuyên tu tịnh nghiệp từ năm 1968 đến ngày viên tịch năm 1992, ròng rả 25 năm không rời khỏi núi. Hòa thượng Thích Thanh Từ chuyên về thiền ra Vũng Tàu lập thiền viện Chơn Không từ năm 1967; thập niên 90 Ngài lập thiền viện Trúc Lâm – Đà Lạt, thập niên 2000 lập Thiền Viện Trí Đức, Bà Rịa Vũng Tàu. Hòa Thượng chuyên về Thiền Trúc Lâm Yên Tử của Việt Nam. Hòa Thượng Thích Trí Tịnh là bậc tam tạng pháp sư dịch kinh tạng sớm nhất từ thập niên 40, 50 nay đã gần 100 tuổi, Ngài vẫn chuyên hành trì pháp môn Tịnh Độ tại chùa Vạn Đức – Thủ Đức – Việt Nam.

Đó chỉ đề cập sơ lược sự tu tập có qui củ và công hạnh tu trì miên mật của một vài vị để các thế hệ tăng ni trẻ noi gương sáng các Ngài cho tới ngày công viên quả mãn. Được vậy, cơ đồ Phật giáo Việt Nam hẳn quang huy không thua kém các nước Phật giáo vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện, Đại Hàn, Đài Loan, Tây Tạng… Đó là lời ước nguyện của bút giả mong trở thành hiện thật để cho nền Phật giáo Việt Nam thêm khởi sắc, ngõ hầu xứng danh với truyền thống 2000 năm truyền thừa mà lịch đại các vị tổ sư từ Tây Trúc qua Đông Độ đến Việt Nam còn lưu dấu ấn. Chúng ta có bổn phận trong sứ mệnh nối tiếp ngọn đèn chánh pháp không để lu mờ mai một với thời gian.

Chế độ ăn uống của tăng ni sinh:Muốn đi trên con đường dài người ta cần phải đủ sức, tu học muốn cho tới nơi đến chốn chế độ ăn uống của tăng ni sinh phải được cải thiện. Nhìn chung đất nước Việt Nam mà đa số dân chúng nghèo khó nên chùa chiền cũng ảnh hưởng do chế độ cúng dường tùy thuộc mức lợi tức của Phật tử. Lùi lại thế kỷ trước, chúng ta thử tìm hiểu do đâu chùa không dồi dào nguồn cung cấp thực phẩm để nuôi tăng chúng. Như trong phần nhận định tôi đã nêu khá rõ nơi sách Thoáng Quyện Ân Từ có đoạn: “Vì là chùa ở trên núi (Linh Ứng) nên nguồn cúng dường không được dồi dào cho lắm. Thầy trò sống cảnh thanh bần lạc đạo như vậy, và chúng tôi cảm nhận được một điều là rất hạnh phúc, vì được học pháp. Ăn uống đơn sơ chả có gì, mỗi bữa mỗi người ngoài 3 chén cơm ra, trên bàn chỉ có rau luộc chấm nước tương đậu nành tự chế và một món canh lỏng bỏng nữa là xong. Không tàu hủ, không nấm rơm, không có món xào chi hết. Còn trái cây, năm khi mười họa mới có, chứ có đâu dư thừa như bây giờ (theo tiêu chuẩn ở ngoại quốc) mà nghĩ chuyện bưng lên dọn xuống còn nguyên! Chính sư phụ cũng sống kham nhẫn với chúng như vậy. Tôi còn nhớ chú Thông Nghĩa làm thị giả thầy, chú có sáng kiến lên núi hái đọt thiên tuế đem xào cho thầy thời, coi như món đổi bữa, thế mà lạ miệng cũng ngon cơm đáo để đấy chứ…” (Sđd trang 51 và 52). Có lẽ chế độ ăn uống như thế đại diện nhiều chùa khác cũng chẳng khá hơn là bao. Nếu như đổ lỗi vì Phật tử nghèo nên chư tăng ăn uống thiếu thốn kham khổ cũng tạm chấp nhận được. Nhưng còn việc học hành và thức khuya dậy sớm thì sao? Theo như tôi được biết có chùa tăng chúng phải thức dậy lúc 3 giờ, 3 giờ 30 sáng ngồi thiền, 4 giờ công phu sáng. Còn việc học mỗi ngày độ 6 giờ, chưa tính giờ đi lại mất khoảng 1 giờ nữa. Ăn uống như thế, học hành như thế, thức dậy sớm như thế, thử hỏi sức đâu chịu nổi đối với một người trẻ tuổi. Làm thế nào đủ bảo đãm để họ có sức khỏe sau khi tốt nghiệp ra trường làm được Phật sự mới không phí công lao đào tạo. Riêng tôi nhờ may mắn đi đến nhiều nơi mới hưởng được chế độ ăn uống đầy đủ của viện nên ngày hôm nay dù hơn 70 tuổi trong đời tu vẫn còn đủ sức khỏe làm việc mỗi ngày từ 7 – 8 tiếng, nhất là lễ lạy sám hối hồng danh chư Phật đứng lên quỳ xuống thẳng gối mà chưa đến đổi khó khăn gì. Nói như thế nhằm phản ảnh tới việc giáo dục mà Ban Giám Hiệu hoặc Ban liên hệ đời sống tăng sinh không thể không quan tâm, và nên nhanh chóng cải thiện càng sớm càng tốt, để cứu vãn tình trạng tệ hại mà nhiều lớp chúng tăng đã phải gánh chịu trong nhiều thập niên.

Chúng ta đang ở vào thế kỷ thứ hai mươi mốt, sao vẫn còn tồn đọng mấy chuyện ăn với ngủ chưa giải quyết được. Trong khi đời sống văn minh vật chất, khoa học tiến bộ vượt bậc mà loài người vốn tự hào chinh phục tới không gian, mặt trăng và nhiều hành tinh khác cách xa trái đất cả hàng ngàn năm ánh sáng, nhưng cái bao tử trống rỗng liệu có làm được việc hiệu quả không? Có thực mới vực được đạo là câu nói chí lý bao giờ vẫn đúng sao người trách nhiệm giáo dục tăng ni lại không chịu lo gần lại lo quá xa đi tới tận chín tầng mây vậy!

Mộng ước tuổi thơ:Hồi còn nhỏ tôi rất thích loài rồng, mặc dù tôi tuổi con ngựa, vì rồng bay nhào lộn trên không trung coi bộ tự tại quá, đáng thán phục biết bao, làm háo hức và tác động tuổi trẻ chúng tôi không ít. Lớn lên một chút tôi được chứng kiến cảnh sinh hoạt nhộn nhịp như Phố Hiến – Hội An, Tourane – Đà Nẵng của đủ các sắc dân ngoại quốc, nhà lầu cao, xe hơi bóng lộn, đường sá rộng sạch, đẹp đẽ… đập vào mắt, khiến tuổi thơ của tôi luôn suy nghĩ, để tự so sánh người thành thị với người thôn quê. Sao mà đời sống chênh lệch khác nhau một trời một vực như thế mà chính bản thân cũng không ngoại lệ. Thế là tôi ôm một giấc mơ: làm tiên hay làm Phật để đạt được đôi cánh tung bay đây đó cho thỏa chí bình sanh. Sau tôi nghe nhiều người kể rằng, tiên đẹp nhưng vẫn còn bị đọa trong luân hồi. Chỉ có Phật mới thoát ngoài vòng sanh tử, thế là chủng tử Phật ngự trị trong tôi lúc nào không hay và đời sống tôi bắt đầu thay đổi từ dạo đó. Dẫn dài dòng một chút cho thấy rằng tuổi trẻ phải được giáo dục đúng mức, nếu không lại thành phản giáo dục mà trách nhiệm là do người lớn cả. Ngày nay phương pháp giáo dục không bằng biện pháp mạnh như dùng roi vọt, phạt quì gối v.v… đã quá lỗi thời, nên cho chúng vào dĩ vãng là hơn. Tăng ni sinh thời nay cũng vậy, đừng bao giờ nhồi sọ giáo dục mà nên để cho họ phát triển trí năng đúng mức. Vị thầy chỉ giữ vai trò cố vấn chỉ đạo mà thôi, không nên nghĩ học trò là lớp sau phải theo như thế này thế này mới đúng. Hướng nhìn cho riêng mình tôi đã đạt được mục đích đi xa từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Thế rồi, nhân duyên đưa tôi tiếp tục cuộc hành trình từ Sài Gòn sang tận Đông Kinh (Tokyo), và rồi từ Tokyo như diều gặp gió, tôi phi thân qua tới Sydney – Úc Đại Lợi, vượt qua Thái Bình Dương không chút trở ngại, dù có vất vả khó khăn. Nhưng đó chưa phải mục đích đề cập ở đây mà điều đáng quan tâm là chung cho Phật Giáo, con đường phát triển Phật đạo trong tương lai. Nhìn vào hiện tại người ta thấy dường như Phật giáo có tiến triển và mở rộng đấy, nhưng e rằng như thế không khỏi có phần chủ quan và phiến diện. Tại sao chủ quan và phiến diện? Chỉ nhìn vào hai khía cạnh này để chứng minh: xây dựng chùa chiền và đào tạo tăng tài.

a) Vấn đề xây dựng chùa chiền: Những ngôi chùa xây cất đồ sộ trên một diện tích rộng lớn, và nhiều cơ sở Phật giáo thiết lập tại khắp nơi, ấy chưa phải tự thân Phật giáo phát triển rầm rộ như có số người nhận định. Theo tôi, chúng ta nên đáng lo cho hiện tượng bộc phát này hơn đáng mừng, vì chùa đông mà người ở chùa thưa vắng liệu có tương xứng? Đây là thực tế, nếu có ai thực hiện một cuộc khảo sát, thăm dò cặn kẻ hẳn theo dõi thấy rõ kết quả trước mắt. Tác giả đã có cơ hội đi sang Hoa Kỳ, Âu Châu, Á Châu, Úc Châu v.v… thấy nhiều ngôi chùa lớn mà chẳng có chư tăng, ngoài vị Trụ Trì trông coi ở đó mà thôi. Thật quả đúng như câu nói “tre tàn nhưng măng không mọc” đối với Phật giáo nói chung tại hải ngoại. Nếu theo đà này hẳn Phật giáo rơi vào tình trạng lạm phát cơ sở mà khủng hoảng nhân sự điều hành trầm trọng. Không nhìn đâu xa, riêng tại Úc Châu, hẳn chúng ta thấy rõ điều này hơn cả, không riêng cho Phật giáo Việt Nam mà Phật giáo các sắc tộc cũng không ngoại lệ. Chịu khó đi sâu vào bên trong tìm hiểu như “Tu mà không học là tu mù, học mà không tu là đãy sách” để nhắc nhở Phật tử chúng ta vừa tu Phật và học Phật song hành mới có thể quân bình được giữa hình thức (chùa viện) và nội dung (tinh thần tu học Phật). Có như thế Phật giáo mới phát triển đồng bộ cả chiều rộng lẫn chiều sâu mà Phật tử nên tự hào và hãnh diện. Chúng ta đừng vội mừng việc trước mắt mà nên nghĩ suy kỹ để tìm cho được giải pháp.

b) Đào tạo tăng tài: Vấn đề có tính thời đại hơn là thuần tôn giáo, nên không riêng gì Phật giáo. Đây là dấu hiệu báo động cho tình trạng hụt hẩng nhân sự của các tôn giáo, nhất là các vị lãnh đạo tinh thần. Một ngày gần đây chùa chiền, nhà thờ, giáo đường… sẽ không có người trông coi chăm sóc, vì trong hiện tại thiếu vắng người xuất gia nhập đạo. Thử tìm nguyên nhân, chúng ta hẳn thấy rõ: các kinh điển phải cập nhật bằng ngôn ngữ thời đại để những ai không rành tiếng mẹ đẻ cũng có thể đọc hiểu và áp dụng tu tập trong đời sống của họ; kể cả giới trẻ nằm trong hệ thống tổ chức Gia Đình Phật Tử cũng thế. Có hai vấn đề cốt lõi đáng quan tâm lo lắng: lao theo đời sống vật chất, giới hạn sinh sản trong mỗi gia đình. Người ta phải tất bật chạy đua theo kim đồng hồ làm việc kiếm sống, vì thế cha mẹ không còn thì giờ gần gũi và chăm sóc con cái. Cái tình huyết thống không còn đậm đà như xưa, hồi mà đứa con sinh ra được bú sữa mẹ cho tới khi khôn lớn. Còn ngày nay, hầu như trẻ thơ nào cũng được nuôi bằng sữa bò thay thế, do vậy mà tình mẫu tử trở nên lạc lõng, nếu không muốn nói thiếu vắng tình thương. Có nhiều gia đình mà cha mẹ không bao giờ gặp mặt được con cái như mặt trăng và mặt trời vậy. Họa hoằn đến cuối tuần họ mới cố gắng để có cuộc hẹn gặp nhau giữa các thành viên trong gia đình. Cuộc sống bận rộn đã làm họ tự động tách rời núm ruột của mình lúc nào không hay, để tới lúc hiểu ra thì hỡi ôi, con cái đã vụt khỏi tầm tay của cha mẹ. Giờ biết trách lỗi, đổ thừa cho ai hay chỉ tự trách?

Một vấn đề khá tế nhị khác cũng là mối trăn trở không ít đối với giới lãnh đạo Phật giáo – những vị có quan tâm: Việc hạn chế sinh sản đối với những đôi vợ chồng. Thay vì gia đình có 4 người con hoặc đông hơn, nếu có một người phát tâm xuất gia, đôi vợ chồng cũng có thể chấp thuận cho con thỏa được nguyện ước. Trong hoàn cảnh hôm nay, theo như luật qui định (chưa khắc khe mấy) mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh sản 2 đứa con mà thôi. Cho nên chúng ta thấy rất rõ, ngay như ở Việt Nam trong thời gian gần đây, số người xuất gia nam giới giảm sút đáng ngại. Từ đó suy ra, người Việt hải ngoại phát tâm đi tu thưa thớt như lá mùa thu cũng là điều dễ hiểu. Nói lên thực trạng này chúng ta cũng chỉ biết ưu tư thôi mà không sao khắc phục được.

Như thế, chúng ta có đáng tự hào Phật giáo đang phát triển? Các thế hệ đi trước không làm tròn trách nhiệm đối với lớp kế thừa chăng? Có các nhà khoa học, trí thức nghiên cứu đạo Phật là niềm hãnh diện đối với người Phật tử?

Nếu bình tâm suy xét kỹ đó cũng chính là mối ưu tư hàng đầu của giới lãnh đạo Phật giáo thế giới mà hiện tại chúng ta đang gặp phải. Theo như toán học đường cong Parabol tới cực điểm cong vòng rồi hạ xuống thấp, vì theo định luật tự nhiên cái gì có thăng phải có lúc trầm. Phật giáo lúc thạnh cũng có lúc suy mà chưa đi tới chỗ cùng. Theo như thiển ý của tôi, Phật giáo Việt Nam hiện tại đang đi sụt lùi và dậm chân tại chỗ mà không có dấu hiệu cho thấy được sự phát triển nào đáng lạc quan cả. Nêu dẫn câu chuyện bồi dưỡng tăng tài để đọc giả rộng đường suy nghĩ. Năm 2010, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan nhân mùa an cư kiết hạ tổ chức tại thiền viện Minh Quang, Sydney. Vào giờ hướng dẫn giới luật cho tăng ni, quý Hòa Thượng giáo thọ Bảo Lạc, Quảng Ba, Minh Hiếu đã nghe ni sư Thích Nữ Kh.L trụ trì tịnh xá NB tại Bạc Liêu – Việt Nam kể lại rằng, ni sư có cô đệ tử đầu tốt nghiệp Cử nhân Phật học tại viện PGVN viện đại học Vạn Hạnh – Sài Gòn. Ni sư cho cô đệ tử sang Ấn Độ du học Phó tiến sĩ và sau đó lấy bằng Tiến sĩ Phật học tại đại học New Delhi. Trong thời gian 7 năm đại học ấy, ở bên nhà Ni sư dành mọi ưu tiên gởi tiền sang lo trang trải việc ăn uống, đi lại, chỗ ở, học phí cho cô đệ tử, những mong chóng thành tài trở về phục vụ Phật giáo tại quê hương Việt Nam. Ni sư vừa nói mà như vừa mủi lòng: bao nhiêu hy vọng bấy nay đã thành hy vọng mong manh, nếu không muốn nói là thất vọng ngao ngán! Sư cô du học vừa về nước chưa được bao lâu bèn tuyên bố với các huynh đệ rằng sẽ cải cách nếp sống tu hành trong chúng như một cuộc cách mạng, kể cả lối giáo dục cổ điển của sư phụ phải sửa đổi. Nói tới đây, Ni sư tâm sự: Kết quả việc học của các cô đâu chưa thấy, trước mắt tự cảm thấy chùa mất mát quá nhiều về tình thầy trò, sư đệ, đời sống tu hành giữa người xuất gia và Phật tử bổn đạo của chùa. Ni sư đưa tới kết luận: phải chi biết trước đệ tử như thế, thì đâu có cho nó đi học, phần tốn kém tiền bạc của đàn na thí chủ qua mỗi kỳ chuyển ngân chưa nói; bên nhà phải thắt lưng buộc bụng cho chúng kham khổ để dành tài trợ sư tỷ du học hầu nở mặt, hãnh diện với thầy tổ, tông phong. Nào ngờ bao nhiêu sự đầu tư kỳ vọng giờ đây chỉ còn là con số không và một sự nghi ngờ khả năng và tinh thần học tập, sự hy sinh đóng góp cho Giáo Hội và tiền đồ Phật giáo nói chung của các đệ tử xuất gia. Bên ni mà đã như vậy, theo tôi nghĩ bên tăng còn có nhiều trường hợp cười ra nước mắt của những vị thầy có đệ tử xuất gia du học nước ngoài. Có điều bên chư tăng thâm trầm kín đáo nên các thầy có gặp phải đệ tử phụ bạc cũng đành làm thinh mà không bày tỏ cho ai biết. Vì chung quanh họ thiếu vắng người cảm thông chia xẻ: biết ai nghe mà nói, có ai hiểu để cho thổ lộ tâm tư?

Ở đây, tưởng cần nêu dẫn thêm nhận định của Thượng Tọa tiến sĩ Henepola Gunaratana Mahathera người Tích Lan để chúng ta suy nghĩ:

“Chúng ta bắt đầu nhận thức rằng theo đà phát triển vượt bực thuộc lãnh vực vật chất của đời sống để phải trả một giá đắt trong phạm vi cảm xúc và tinh thần mà ta phải trả cho sự sai trái đó. Điều đó để nói lên sự suy thoái đạo đức và tinh thần xuống dốc như tại Hoa Kỳ hiện nay; nhưng còn một việc khác là phải làm một cái gì đó mà điểm bắt đầu là từ bên trong chúng ta”. (We are just beginning to realize that we have overdeveloped the material aspect of existence at the expense of the deeper emotional and spiritual aspect, and we are paying the price for that error. It is one thing to talk about degeneration of moral and spiritual fiber in America today, and another thing to do some thing about it. The place to start is within ourselves). (Mindfulness in plain English của Ven. H. Gunaratana, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc dịch).

Vị thiền sư người Tích Lan này đã dạy môn Phật học tại các trường đại học Georgetown và Merryland tại Hoa Kỳ, hiện đang sinh hoạt Phật sự tại Mỹ. Ông xuất bản nhiều tác phẩm Phật giáo giá trị và nhiều bài đăng tải trên các tạp chí tại Mã Lai, Ấn Độ, Tích Lan, Hoa Kỳ.

Hướng nhìn về tương lai của Phật giáo phải do nhiều người đóng vai trò nổi bật trong xã hội đương đại mới đủ chính xác và không thiên vị chủ quan một chiều. Còn một điểm khác mà dư luận cũng khá sôi nổi như các nhà trí thức, khoa học đến với đạo Phật có làm cho Phật tử chúng ta hãnh diện?

Thật ra, Phật giáo ngay tự bản chất của nó đủ bảo đãm được giá trị đích thực, nếu có thành phần trí thức nghiên cứu tu tập hẳn có lợi cho bản thân họ nhiều hơn, như tôi từng nói rằng, nếu các nhà khoa học, phát minh khám phá vũ trụ không gian, nguyệt cầu, nhiều hành tinh khác ở cách xa trái đất của chúng ta hằng ngàn năm ánh sáng. Những nhà nghiên cứu nhiệt thành cống hiến tài năng trí tuệ cho nhân loại, nhất là trong lãnh vực y học đã đạt đích điểm… biết tu một chút thì cái giá trị việc làm của họ càng cao và được lâu dài hơn biết mấy. Song, không phải vì thế chúng ta phủ nhận công sức hy hiến của họ cho nền văn minh của nhân loại hiện nay.

Là Phật tử, chúng ta nên nỗ lực tinh tấn tu tập, không lui sụt tâm Bồ đề để góp phần xứng đáng tô bồi vào tòa lâu đài Phật giáo; đó chính là duy trì ấn Tổ được trùng hưng cũng là phát huy Phật pháp qua các thời đại mà người xuất gia nhận vai trò đi tiên phong vào đời, như một chiến sĩ mang giáp đồng lâm trận quyết chiến đấu để diệt trừ ma quân và các ác đảng, dù phải hy sinh. Rất mong mỏi thành phần tăng ni trẻ kìm hãm bớt đà tiến theo văn minh vật chất để dồn nội lực vào việc đào luyện trui rèn tâm đức như các bậc thầy tiền bối để Phật giáo Việt Nam tiếp tục tự tồn như lịch sử 2000 năm đã minh chứng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/01/2023(Xem: 3904)
Thưa các bạn, câu chuyện tôi muốn kể sau đây về sức vươn lên của cậu bé chăn trâu 11 tuổi tên Quảng. Quảng và tôi có một nhân duyên kỳ lạ có lẽ kết từ bao kiếp trước để run rủi kiếp này có những ràng buộc dù muốn hay không đã trở thành con nuôi của tôi. Quảng sinh ra và lớn lên tại núi đồi Yên Bái, vùng sâu và xa, nơi đa số toàn người sắc tộc thiểu số, đêm đêm chỉ có tiếng ếch nhái ểnh ương nỉ non hay khỉ ho cò gáy từ rừng xa vọng lại.
17/12/2022(Xem: 3887)
Đồng tiền có hai mặt sấp ngửa, vũ trụ đất trời có ngày và đêm, sáng và tối, con người có hai mặt thiện và ác. Chồng của tôi có hai mặt đối nghịch mà tôi phải dùng Bát Nhã Tâm Kinh quán chiếu "Không dơ cũng không sạch" để sống còn đến ngày kỷ niệm 50 năm ngày cưới, một đám cưới vàng. Đến thời điểm này tôi mới dám viết lại câu chuyện thật của đời tôi, và cũng nhờ Phật pháp nhiệm mầu, những giáo lý vi diệu của Đức Phật mà tôi đã học hỏi được để chuyển hóa một ông chồng Nghịch Duyên hạng nặng, trở thành một ông chồng Trợ Duyên hữu dụng.
03/12/2022(Xem: 4491)
Tại kinh thành Lạc Dương có một tay, trước là thương buôn sau chuyển sang nghề cờ bạc. Nhờ lanh lợi trong mánh lới buôn bán, gã học được nghề bịp rất nhanh. Tài bịp của gã giỏi tới mức không một ai biết mà chỉ cho rằng gã “số đỏ” hoặc “thiên tài”. Bao nhiêu tiền ngày hôm nay đều do cờ bạc mà có. Thế nhưng không hiều sao, có thể do ‘tổ trác” hay do “hết thời” mà gã thua liên tiếp, mất 50 lượng vàng tại một sòng bài lớn. Vừa tiếc của, vừa tức giận, vừa xấu hổ, gã cho mời viên quản lý ra, lớn tiếng nói: -Ta sống bằng nghề đánh bạc đã hơn hai mươi năm, chỉ có ăn mà không có thua. Nếu ta thua tức sòng bài gian lận. Yêu cầu quản lý trả lại 50 lượng vàng, nếu không ta sẽ thưa lên quan phủ.
21/11/2022(Xem: 5680)
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp trung cấp Phật học tại Đà Nẵng, bản thân phát nguyện ăn ngày 1 bữa (chỉ dùng đúng Ngọ 12h trưa, trước và sau Ngọ sẽ không dùng bất kỳ thức ăn gì). Lúc đó, không ngoài tâm nguyện “Trên tìm cầu tu học Giáo Pháp giải thoát và trong tâm luôn hướng nghĩ đến sự giác ngộ của muôn loài” do vậy mà bản thân phát nguyện ăn ngày 1 buổi và chuyên tâm trì tụng Chú Đại Bi tiếng Phạn.
12/11/2022(Xem: 4350)
Có những bước chân đi chỉ để mà đi, nhưng có nhưng bước chân đi là để trở về. Trở về về với những nơi thân thương, trở về với chính bản thân mình, trở về với cội nguồn, trở về với miền đất Phật. Trong chuyến đi để trở về ấy, chúng tôi _ đoàn Thái Hà Books và gia đình “Thiền trong từng phút giây” đã có những khoảng khắc tĩnh tâm, những khoảnh khắc nhìn lại chính mình, và những khoảng khắc vô cùng xúc động.
11/11/2022(Xem: 3101)
Bút giả đến Mỹ cũng khá lâu, cách nay cũng trên 40 năm. Đầu tiên tôi sinh hoạt chính thức Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam tiểu bang Colorado, thành phố Denver. Được hơn một năm, không chịu đựng với cái lạnh không quen ở đây nên về sinh hoạt với Phật Học Viện Quốc Tế và cũng là Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Nghi lễ của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Hoa Kỳ, trụ sở là chùa Việt Nam Los Angeles bây giờ. Sau đó, quý thầy lớn : Đức Niệm, Thiện Thanh, Tịnh Hạnh . . . lớp quý thầy ngang lứa như chúng tôi (Tín Nghĩa), Nguyên Đạt, Pháp Châu, Nguyên Trí núi (tức là Hòa thượng Nguyên Trí chùa Bát Nhã bây giờ) và Nguyên Trí già (tức là Hòa thượng Đạo Quang bây giờ). Tôi là Phó Chủ tịch đặc trách Gia đình Phật tử. . . còn quý Trí thức Cư sĩ gồm có : Bác sĩ Tôn Thất Niệm, Dược sĩ Tâm Thường, Đạo hữu Thiện Bửu . . . còn một số nữa, lâu quá chúng tôi không nhớ hết.
02/11/2022(Xem: 19740)
Bấy giờ, tôi khoảng chín tuổi, một hôm đi xem đưa đám tang ông Võ Hờ trong xóm, thấy mọi người đi sau đám tang đều khóc nức nở và tức tối. Thấy họ khóc, tôi cũng khóc, nhưng bấy giờ tôi không biết tại sao tôi lại khóc như vậy.
15/05/2022(Xem: 11173)
“Kinh Pháp Cú” là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Đây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới. Nhiều tác giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của đạo Phật. “Pháp” có nghĩa là đạo lý, chân lý, giáo lý. “Cú” là lời nói, câu kệ. “Pháp Cú” là những câu nói về chánh pháp, những lời dạy của đức Phật nên “Kinh Pháp Cú” còn được gọi là “Kinh Lời Vàng” hoặc “Lời Phật Dạy”.
01/05/2022(Xem: 15936)
“Kinh Pháp Cú” là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Đây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới. Nhiều tác giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của đạo Phật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]