Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 01: Tiếng Khóc Mẹ Hiền

30/12/201318:56(Xem: 10566)
Phần 01: Tiếng Khóc Mẹ Hiền

Huong_Lua_Chua_Que



Phần 1: Tiếng khóc mẹ hiền

- Tần tảo nuôi con

- Thương yêu rất mực

- Giống Phật chớm nở

- Dáng đạo sĩ

- Sinh hoạt Gia Đình Phật Tử

- Cuộc thám du mang nhiều dấu ấn

- Đánh bạo xin đi tu

- Trốn gia đình

- Đi về hướng nào...

HT Thích Bảo Lạc

thichbaolac_1

Ai ơi góp mặt với đời

Mang thai công mẹ sánh tày non cao

Vì con tần tảo sớm trưa

Quanh năm lặn lội nắng mưa dãi dầu…

(Rồi 30 năm sau – Sông Thu)


Tần tảo nuôi con:Xa mẹ năm tôi lên mười lăm tuổi vào chùa tu (1957), cái tuổi đã trưởng thành không còn vụng dại lắm. Nhưng lần đầu tiên xa mái ấm gia đình, xa tình thương yêu nồng ấm của mẹ hiền, như len lõi khắp trong châu thân của đứa con trai dù mang chí nguyện: phát túc siêu phương, tâm hình dị tục – bước đi ngoài muôn dặm, thân tâm khác người thế tục, tôi có lúc cũng mủi lòng thương nhớ mẹ da diết.

Mẹ tôi cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác, tận tụy trong thiên chức người mẹ, tần tảo săn sóc chồng, con; trông nom nếp sống gia đình trong ngoài chu toàn mọi việc. Gia đình tôi tạm được gọi là hạng trung lưu, nên không thuộc bần nông như nhiều người khác trong làng. Nhưng vì đông con, gia đình tôi gồm 8 anh chị em, thêm cha mẹ nữa là trọn một chục chẵn, nên mẹ có phần vất vả, nếu nói cho đúng nghĩa là bà lam lũ quần quật trong công việc suốt ngày thấy mà thương vô cùng! Cũng vì lẽ đó mà một nhà thơ tiền bán thế kỷ 20, ông Trần Tế Xương không tiếc lời ca tụng tán dương người vợ hiền – bà Tú Xương – qua mấy vần thơ thất ngôn đầy vẻ sống động gợi hình:

Quanh năm buôn bán ở ven sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quảng vắng

Eo sèo bọt nước buổi trời đông…

Ngoài việc cấy hái, hong phơi ra, mẹ còn tạo thêm kinh tế tự túc để có đồng ra đồng vô cho các con đủ no lòng, hầu bằng được người ta, để nở mày mở mặt với thiên hạ; bằng cách trồng rau cải trong vườn nơi vuông đất phía sau nhà. Tôi còn nhớ mỗi năm vào dịp Tết, sản phẩm của mẹ hái ra tiền là rau ngò, cải tần ô, rau thơm, cải cau… bó thành từng lọn cho vào gánh quảy đi bán ở các chợ rất xa cả chục cây số như chợ Câu Lâu, Vĩnh Điện, chợ Trà Kiệu… Mỗi lần đi chợ về, mẹ đều mua bánh kẹo cho tôi và em Út (chú Chín), nên tôi có cái thú là ưa đứng nơi đầu ngõ trông mẹ về để vòi vĩnh, nũng nịu, mách chuyện nọ, việc kia ở nhà của anh em tôi cho bà nghe. Nghe xong bà để bụng mà chả có binh đứa nào. Bởi vì mẹ luôn bận rộn, vừa đặt đôi gióng xuống là lăn xả vô bếp nấu cơm, dọn dẹp cho các thành viên của gia đình có cơm nóng canh hổi no lòng kịp lúc, đúng bữa. Lúc tôi chưa đi tu, gia đình còn lại anh bốn (An), chị năm (Đấu), anh sáu (Thang), em chín (Cường) và tôi (Cư); chị hai (Quyên), chị ba (Miên) đã có gia đình và về ở bên nhà chồng. Nhà còn lại 7 miệng ăn, trong số bốn người đi làm: cha tôi, anh bốn, chị năm, anh sáu; tôi và Cường ăn theo vì còn nhỏ, còn mẹ là viên nội tướng quản lý mọi việc trong ngoài gọn ơ. Mỗi lần lầm lỗi, tôi bị cha phạt, trách; mẹ là vị thần hộ mạng chở che an ủi, nơi trú ẩn an toàn nhất cho tôi mỗi khi có biến cố chẳng may nào xảy đến bất chợt.

Thương yêu chồng con hết lòng:mẹ không quản ngại thân của mẹ, thức khuya dậy sớm, ăn đói nhịn khát vẫn không lấy làm điều, miển phục vụ chồng, con đầy đủ là mẹ vui rồi. Tới năm 1958 anh bốn cưới vợ nhưng vẫn sống chung với cha mẹ, vì anh là con trai cả trong gia đình; đến năm 1960 anh chị sanh con đầu lòng lại là con gái. Điều này tuy không nói ra , mẹ kém vui thật sự; theo bà phải chi nó sinh con trai để mình có cháu đích tôn sớm. Đằng này… Hai năm sau chị năm cũng đi lấy chồng, tôi bỏ đi tu, làm cho mẹ buồn nhớ khôn nguôi, nhà chỉ còn lại ông bà, anh chị bốn, anh sáu và chú út; đến năm 63, anh sáu (Thang) lập gia đình và năm 1964 chú út vào chùa tu. Lần lượt các thành viên của gia đình tôi ngày càng thưa vắng; đến năm 1966, anh sáu (Lê Văn Thang) chết trận trong chiến tranh, làm mẹ đau buồn nhớ thương, dù anh đã có vợ và sanh con cái. Mẹ thương anh, vì bà tội nghiệp hai cháu nội còn nhỏ dại mà lâm cảnh mồ côi cha sớm. Cái tình của bà sâu thăm thẳm, rộng bao la không thể lấy gì đong lường được.

Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào

Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào

Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào

Tiếng ru êm đềm trăng tà soi bóng mẹ yêu…

(Y Vân)

Tình thương yêu của mẹ như thế đó, nó cuồn cuộn tựa sóng cồn, cao vút tận mấy tầng không, xa vời vợi không làm sao với được. Chỉ vì thương yêu chồng con mà mẹ phải hy sinh tạo bao nhiêu ác nghiệp để rồi nhận mọi hậu quả xấu ác. Vì thấy mẹ quá vất vả, tôi không đành lòng nhìn bà lặn lội bươn chải kiếm tiền lo trang trải cho gia đình, nên đã nhảy vào đời vật lộn năm lên mười ba tuổi bằng việc thủ công đan rổ, thúng bán giúp phụ với mẹ. Năm lên 14 tôi đổi qua nghề chằm nón lá, kể cả nón bài thơ – nghề tuy vất vả - nhưng thật là vui, vì dễ hái ra tiền, nếu ta chịu khó, trì chí. Từ ngày tôi phụ giúp vào ngân quỹ gia đình với mẹ, bà rất hài lòng, vì có đứa con biết lo nghĩ, chia xẻ với bà như thế. Thế nhưng tôi đâu có ở nhà gần mẹ lâu, vì tôi đã có dự định sớm chớm nở mà mẹ cũng như gia đình không ai hay biết, kể cả cha tôi, tôi vẫn giữ kín không hé tin gì. Về sau này mẹ đã qua đời, nhân sống xa nhà tôi ghi lại trong dịp Vu Lan:

Nhân mùa Vu Lan báo hiếu để kỷ niệm 15 năm ngày tôi mất mẹ, mượn mấy dòng này tôi muốn gợi lại một ít những hình ảnh đáng nhớ mà mẹ tôi đã dành trọn lòng thương yêu vô tận cho con cái, để làm trợ duyên cho những ai có diễm phúc còn mẹ, suy nghĩ mà thương mẹ hiền nhiều hơn, rồi một mai kia mẹ có qua đời cũng không tự cảm thấy mình lỗi đạo làm con.

Trường hợp của tôi sắp kể sau đây hơi có phần đặc biệt hơn mọi người. Vì tôi đã vào chùa tu từ lúc còn nhỏ nên khoảng thời gian sống gần gũi với gia đình cũng ngắn lại. Tuy nhiên cái tình của tôi đối với mẹ, lúc nào tôi cũng quý trọng, kính yêu người. Và ngược lại, đối với tôi, mẹ cũng dành cho tôi trọn vẹn lòng thương bao la không bờ bến. Tôi còn nhớ rõ, mỗi lần tôi từ chùa về thăm nhà, mẹ lo lắng cho tôi đầy đủ mọi thứ từ giấc ngủ, miếng ăn, cho chí giặt giũ áo quần cho tôi nữa. Gia đình tin Phật giáo, cha mẹ tôi ăn chay kỳ mỗi tháng 2 ngày vào ngày rằm và mồng một. Tôi và em trai đều đi tu cả và chúng tôi ở hai chùa khác nhau. Từ khi chúng tôi vào ở chùa cho tới ngày rời khỏi đất nước cũng mười mấy năm, nhưng anh em ít có dịp gặp nhau tại nhà, kể cả ngày đại tang của mẹ tôi (năm 1966) nữa!

Cứ mỗi lần tôi về thăm nhà, mẹ tôi lo mua sắm đủ thứ rau tươi, trái lạ để đãi tôi như là một khách quý vậy. Những năm tháng đầu tiên tôi về thăm gia đình, mẹ nhận thấy tôi ăn ít được cơm nên đâm ra lo lắng. Bà nghĩ bụng: Có lẽ vì chén bát không tinh khiết kém ngon nên tôi ăn bữa không được vừa miệng. Mẹ lo đi mua sắm cho tôi một bộ chén bát riêng để khỏi lẫn lộn với chén bát dùng của gia đình. Rồi không biết nấu đồ chay khéo, mẹ cũng tìm học cách chế biến thức ăn của mấy người quen lân cận để cốt tạo bữa ăn vừa miệng cho tôi. Theo thói quen, mỗi lần tôi về thăm gia đình là bà con lối xóm xúm nhau lại đông nghẹt cả nhà để nghe tôi kể chuyện này chuyện nọ, nhất là những mẩu chuyện vui buồn trong đạo. Cũng trong những dịp gần gũi này, bà con mang lại cho tôi nhiều thức ăn lạ khác với những bữa ăn thường nhật tại chùa. Ở chùa chư tăng hầu như phải sống khắc khổ để tập rèn luyện ý chí. Mẹ vừa nhìn tôi và nhìn mọi người vừa nói:

- Thằng bảy (tôi thứ bảy trong gia đình nên mẹ gọi như thế) độ rày coi bộ ốm nhom ốm nhách trông mà tội nghiệp! Thế mà em nó vẫn nằng nặc đòi xin đi tu. Tôi và ba nó cản ngăn cũng không được, nên cũng lại đi tu rồi. Mỗi khi nó về thăm, tôi cũng đều lo cho được mấy bữa cơm sung túc; còn thằng này (mẹ chỉ vào tôi) vì ở xa nên ít về được để tôi săn sóc cho được chu đáo. Ôi tình mẹ! Cho dù con có ở đâu và làm gì, dù con lớn khôn thế mấy hay nhỏ dại đến bao nhiêu, mẹ cũng cho con tình thương tỏa rộng như tàng cây cổ thụ che rợp bóng mát cho cuộc đời của những đứa con được may mắn còn mẹ. Mẹ còn căn dặn tôi rằng con cố gắng thường hay về thăm để mẹ tẩm bổ cho, nhìn tôi mẹ bảo thế mà nước mắt mẹ rơm rớm nghẹn ngào…

Từ khi tôi xa nhà vào chùa học đạo, cho tới ngày tôi mất mẹ khoảng thời gian độ 10 năm. Trong khoảng thời gian khi tôi còn tu học ở chùa Non Nước; tôi thường hay về thăm nhà mỗi khi có dịp thuận tiện. Sau này khi vào Sài Gòn rồi, việc gần gũi cha mẹ đối với tôi càng trở nên thưa vắng dần. Việc ít về thăm gia đình của tôi không phải là điều bất hiếu mà theo như trong luật có dạy rằng người đã cắt ái từ thân không nên gần gũi cha mẹ, vì sợ cái tình cảm của gia đình mạnh hơn sẽ làm trở ngại cho việc học đạo. Điều đó không sai, vì không có tình thương nào lớn rộng cao cả cho bằng tình mẹ con.

Mẹ chính là bầu sữa ngọt ngào, “là nải chuối, buồng cau, là bóng mát đêm thâu trong cuộc đời”:

Mẹ là dòng suối diệu hiền

Là bài hát thần tiên…

Mà thật đúng như vậy. “Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận. Vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ” (Thích Nhất Hạnh trong Bông Hồng Cài Áo). Đáng lẽ ra hai anh em chúng tôi đã không đi tu để được gần gũi săn sóc mẹ cha, hầu an ủi các vị trong lúc tuổi già xế bóng. Nhưng nhân duyên Phật pháp khiến tôi lìa bỏ gia đình, cha mẹ già để vào chùa, rồi sau đó 7 năm lại đến lượt em tôi cũng theo bước chân tôi. Lúc em tôi đi rồi, mẹ tôi khóc mòn mỏi! Thương mẹ quá nhưng tôi không biết phải làm sao hơn được. Kinh dạy: Con muốn báo ơn cha mẹ một cách hữu hiệu là phải biết con đường tu niệm và khuyên nhắc cha mẹ lánh dữ làm lành lúc trở về già, đó mới là cách đền ân cha mẹ hữu hiệu nhất. Đối với tôi, trên thực tế của cuộc đời, và theo như kinh nghiệm bản thân, tôi nhận mình chưa báo đáp thâm ân thì mẹ mất vào năm 1966. Đầu óc tôi như quay cuồng, tâm trí như bấn loạn... Song vì hoàn cảnh bắt buộc, tôi cũng không về được để tiễn đưa mẹ lần cuối về nơi an nghỉ nghìn thu. Với lòng thành tôi chí tâm cầu nguyện cho hương hồn Người sớm được siêu thoát, và gia hộ cho cuộc đời tu niệm của tôi được thông suốt, vẹn toàn.

Năm xưa tôi còn bé

Mẹ tôi đã qua đời

Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận kẻ mồ côi…

Hoàng hôn phủ trên mộ

Chuông chùa nhẹ rơi rơi

Tôi thấy tôi mất mẹ

Là mất cả bầu trời

(Vũ Đình Liên).

Năm 1981, cũng trong mùa báo hiếu, chùa Pháp Bảo có lễ cài hoa hồng cho những ai còn mẹ và hoa trắng cho người mất mẹ. Trong dịp này, tôi thổ lộ cảm xúc của mình qua bài giảng về đạo hiếu. Tôi kể lại câu chuyện tôi mất mẹ, ai cũng cảm thấy thương thương, cũng có người rưng rưng nước mắt. Bà con khóc thương tôi mất mẹ hay đúng hơn là thương cho chính thân phận mình đang sống trong cảnh lưu lạc chia lìa của kiếp đời tỵ nạn lênh đênh nơi xứ lạ quê người.

Mùa Vu Lan là mùa báo hiếu mẹ cha – mùa tình thương – hay còn gọi là mùa cầu nguyện của những người con hiếu còn biết nghĩ tới cội nguồn, huyết thống, dòng dõi, tổ tông… dâng trọn lòng thành lên 10 phương chư Phật cầu cho cha mẹ, bà con nội ngoại, kẻ còn sống được an vui sức khỏe, người lưu lạc ở khắp bốn phương trời sớm quay về đoàn tụ với gia đình; còn kẻ quá vãng được siêu sanh về cảnh giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Cũng như mọi người, chúng ta đốt nén hương trong sự chí thành tha thiết, nguyện cầu cho cha mẹ đã qua đời được an nhiên nơi cõi tịnh. Cầu nguyện cho mẹ, cho quê hương Việt Nam muôn thuở, và hằng mong ngày trở lại của những đứa con xa xứ sẽ không còn xa để chúng ta – những đứa con lưu lạc bất đắc dĩ – nhìn kỹ vào mặt mẹ lần hội ngộ trùng phùng để thỏa bao chuỗi ngày xa cách! Cho dù người nào có bất hạnh mất mẹ như tôi, cũng đều có cơ hội tốt để chúng ta có dịp được đốt nén nhang cắm lên ngôi mộ của đấng sanh thành trong lời cầu nguyện…

Giống Phật chớm nở:Là đoàn sinh của Gia Đình Phật Tử Hà Linh, tôi sinh hoạt trong nhiều năm từ ngành Oanh Vũ lên ngành Thiếu Nam. Bồ đề tâm chớm nở không biết tự bao giờ mà lòng thương người, thương loài vật của tôi có rất sớm. Tôi nhớ không chính xác lắm, có lẽ năm 1952, 53 gì đó, mẹ tôi nuôi một con heo bự và dự định mổ thịt cúng giỗ đãi khách vào cuối năm đó. Con vật như có linh tính biết trước, nó rơm rớm nước mắt và bỏ ăn trước ngày bị hành quyết. Tôi đánh bạo nhảy vào can gián, không cho ai được giết chết con heo ấy, nên đề nghị gia đình đổi lại thay cúng mặn nên cúng chay tịnh. Cha mẹ tôi cũng là Phật tử, thấy con có tâm từ như thế, nên biểu đồng tình và tha chết cho con vật đáng thương kia. Làm được việc cứu vật như thế, trong lòng tôi cảm thấy thật là vui. Và cũng bắt đầu từ đó trở đi tôi phát nguyện ăn chay mỗi tháng 10 ngày, thay cho hai ngày như từ trước. Cha mẹ tôi cũng chay tịnh mỗi tháng 2 ngày rằm và mồng một; cũng như về chùa lễ lạy sám hối hồng danh mỗi tháng 2 lần, và thỉnh Phật về thờ tại nhà cho con cháu có dịp tín kính Phật. Dần dà sau này cả gia đình đều quy y Tam Bảo hết, cha tôi pháp danh là Thị Tế, mẹ có pháp danh Thị Sắc, anh Bốn pháp danh Như Khương v.v… đều thuộc phái Lâm Tế Chúc Thánh – Hội An. Xã Xuyên Mỹ của tôi có nhiều người đi tu như tôi được biết ít nhất có độ 50 vị là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, đã vào phẩm vị Thượng Tọa, Ni Sư, Hòa Thượng, riêng thôn Mỹ Hạc vùng tôi ngày nay còn lại Ni Sư Diệu Nghĩa ở chùa Bảo Thắng (Thủ Đức) Ni Sư tịch năm 2012, Ni Sư Hạnh Nghiêm (Gia Định), Hòa Thượng Như Điển (chùa Viên Giác – Đức quốc), Hòa Thượng Bảo Lạc (chùa Pháp Bảo – Sydney), Sư Bà Diệu Tâm, Ni sư Như Viên, Ni Sư Diệu Chỉ (chùa Bảo Vân Saigon), Ni Sư Diệu Phước (chùa Linh Thứu – Berlin, Đức quốc). Còn nhiều vị nữa tôi không nắm rõ được hết. Cho tới giờ này, tôi cũng không hiểu tại sao người làng tôi sớm có nhân duyên với Phật pháp như vậy. Dĩ nhiên, quý vị xuất gia đông như vậy qua thời gian gạn lọc sàng sảy, nay còn lại đếm không đầy trên đầu ngón tay. Thật quả đời vô thường biến đổi như lời Phật dạy, đó là điều chắc chắn có thật, không hề sai lầm bao giờ.

Dáng đạo sĩ:Lúc bấy giờ (1954 – 1957) Phật giáo hoạt động chưa lấy gì làm khởi sắc mấy. Người Phật tử tin Phật không theo đường chánh tín mà chỉ có mê tín nhiều hơn. Họ xem Đức Phật như vị thần không khác, vì chỉ việc cầu nguyện ban ân phước chứ người tín đồ chưa phát nguyện tu tập, do giáo lý chưa có người truyền đạt giảng giải để mọi người hiểu rõ. Thập niên 50, cách thờ Phật, tin Phật khác với sau này nhiều lắm. Chẳng hạn, người ta che trùm mặt cho Phật bằng tấm vải đỏ; phụ nữ không dám đi ngang qua trước mặt Phật, vì sợ có tội. Mỗi lần bất đắc dĩ phải đi qua trước Phật, đàn bà phải cúi đầu khép nép. Vì người ta sợ rằng, nếu không làm như vậy, Phật quở và thậm chí có người còn tuyên bố rằng Phật bắt! Quả tình niềm tin Phật hời hợt kiểu đó rất tội nghiệp, đưa đạo Phật đi xuống, sụt lùi lại hàng ngàn năm! Vì Đức Phật chưa hề quở trách và phạt ai bao giờ, thế tại sao ta chưa hiểu Phật mà lại gán cho Ngài cái nhãn hiệu phi đạo lý ấy. Cho nên theo nhà nghiên cứu sử học Phật giáo Trí Siêu Lê Mạnh Thát cho rằng đó là thời kỳ Phật giáo quyền năng kéo dài hơn cả ngàn năm, mãi cho tới thời Pháp thuộc (1868-1954). Chúng ta không lấy làm lạ, Phật giáo bị ảnh hưởng không ít bởi tính cách quyền năng này trong lòng người Phật tử chân quê mộc mạc, kiến thức cạn mỏng, niềm tin mù quáng chưa được soi sáng bởi đạo lý giác ngộ. Thiếu vắng các bậc thầy, những pháp sư giáo thọ điển hình mô phạm đem đạo vào đời, xây dựng cuộc sống nhân sinh an lành hạnh phúc. Nhưng thỉnh thoảng cũng có vài đoàn du tăng khất thực đi chân trần trong sắc y vàng thanh thoát, họ bước đi trên quốc lộ 1 gần nhà, làm cho tôi vô cùng thích thú đem lòng hâm mộ, ước mong mình đóng được vai trò như các vị khất sĩ kia thì còn hạnh phúc nào hơn! Hình ảnh giải thoát ấy luôn đập mạnh vào tâm hồn tuổi thơ của tôi, tuy rất ham thích nhưng không biết làm cách nào để thực hiện tâm nguyện. Tôi âm thầm mơ ước, hầu dệt mộng tương lai vào một ngày không xa. Nhưng đối với bạn bè, người thân cái mộng ước của tôi không khéo lại thành vỡ mộng và không tưởng. Nói chung, không ai chịu chấp nhận một thiếu niên mới lớn lại có ý nghĩ lạ đời muốn đi tu như tôi cả. Chôn chặt sâu kín vào đáy lòng để chờ đợi nhân duyên hội đủ, tôi sẽ ra đi như kẻ “xuất trần thượng sĩ”, mà việc trước mắt là đoàn thể tôi đang theo đuổi.

Sinh hoạt Gia Đình Phật Tử:Hệ thống tổ chức Gia Đình Phật Tử khởi đi từ Gia Đình Phật hóa phổ do bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám nhen nhúm thành lập ngoài Huế năm 1940, nhưng vì chiến tranh trong thế chiến II (1939-1945), mãi đến năm 1952-1955, các Gia Đình Phật Tử mới thành lập và sinh hoạt tại các chùa, các Khuôn hội Phật giáo tại hầu khắp miền Trung và một vài nơi tại miền Nam – Việt Nam. Cho đến năm 1957-58 phong trào Gia Đình Phật Tử đang lên rầm rộ thì gặp phải sự kỳ thị bắt bớ, thủ tiêu những cán bộ Huynh trưởng nồng cốt bởi chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, phân biệt giữa đạo Phật và đạo Chúa. Là một Phật tử nhiệt thành, tôi hăng say sinh hoạt trong đoàn thể trẻ của Gia Đình Phật Tử Hà Linh trong 5 năm từ năm 1952 đến ngày rời gia đình đi tu năm 1957. Gia Đình Phật Tử Hà Linh hoạt động rất tích cực và xuất sắc về nhiều mặt. Nhất là về tổ chức và kịch nghệ mà sau này dù đã là Đại Đức tôi vẫn thích văn nghệ, nên được các trường Bồ Đề: Huệ Quang, Hạnh Đức mời làm giáo sư hướng dẫn cho học sinh về các môn này. Có thể nói Gia Đình Phật Tử như là điểm tựa cho tôi đi xa hơn vào đời sống người xuất gia về sau, nhất là học hỏi giáo lý và phương pháp tổ chức về Đội, Đoàn, Chúng v.v… hầu như tôi nắm rất rõ. Tuổi trẻ ưa bay nhảy và tánh thích phiêu lưu, tôi thích nhất là những chuyến thám du đi xa học hỏi được nhiều kinh nghiệm quí báu và những kỳ trại họp bạn còn là cơ hội tốt để chúng tôi kết thêm bạn bè và tranh tài với các gia đình khác trong toàn tỉnh về kỹ thuật, thể thao v.v… thật là hào hứng khó quên. Nhờ sinh hoạt Gia Đình Phật Tử mà tôi thành dạn dĩ, tự tin, độc lập rất sớm không bị lệ thuộc vào bất cứ người nào. Tôi thuộc nằm lòng châm ngôn: Bi - Trí – Dũng và năm điều luật của ngành thiếu Gia Đình Phật Tử:

  1. Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện
  2. Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống
  3. Phật tử trau dồi trí tuệ và tôn trọng sự thật
  4. Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm
  5. Phật tử sống hỷ xả để vững tiến trên đường đạo.

Mỗi điều luật như mực thước đo đạo đức, giới răn cho các đoàn sinh Phật tử, nếu muốn được trở thành là Phật tử gương mẫu xứng đáng, ngõ hầu dắt dẫn đàn em lớp sau. Trong năm điều luật tôi tâm đắc nhất là điều thứ tư: trong sạch thể chất – tinh thần, từ lời nói đến việc làm. Nếu như chịu suy nghĩ, điều này có thể một người làm suốt đời cũng chưa xong, vì ba nghiệp: thân, miệng, ý không dễ giữ cho thanh tịnh. Một người mà giữ ba nghiệp thanh tịnh trở thành Thánh nhân Bồ tát và được mọi người quy kính, học hỏi.

Cuộc thám du còn mang nhiều dấu ấn:Trong sách Như Dòng Ý Thức nơi chương một, phần nói về nhân duyên kỳ lạ, có viết như thế này: “Qua nhiều lần tổ chức trại (GĐPT) tôi đã có dịp tham gia, cũng như các cuộc du ngoạn khác cùng với các bạn đồng đội trong Gia đình, một hôm nhân chuyến du ngoạn chùa Non Nước – Ngũ Hành Sơn – trở về tự nhiên trong đầu óc tôi nảy ra nhiều nghi vấn về cuộc đời và con người hiện tại. Ý nghĩ này cứ làm cho tôi bận tâm không ít, là con người rồi sẽ đi về đâu? Và cuộc sống nhân sinh sẽ phải giải quyết ra sao? Cứ suy nghĩ mãi trong mấy hôm liên tiếp, nhưng tôi vẫn không tìm ra được đáp số của bài toán “nhân sinh” ấy rồi sẽ được giải đáp như thế nào? Tôi tự nghĩ chỉ còn một cách duy nhất dù phải ra đi như thái tử Tất Đạt Đa khi xưa để sống theo nếp sống đạo mà theo tôi, nó sẽ nhiệm mầu và có thể tìm ra được mẫu số chung cho kiếp làm người. Tuy nhiên, một cuộc ra đi như vậy không phải dễ dàng và đơn giản như bạn tưởng! Đó là cả một sự phấn đấu quyết liệt với mọi hoàn cảnh, nhất là đối với gia đình. Ý là tôi sớm tự lập mà còn gặp phải nhiều sự chướng ngăn khó một lúc giải quyết dứt khoát được như thế, huống chi người tuỳ thuộc vào thân nhân nhiều, hẳn khó gấp vạn lần. Nói như thế, nhưng tôi vẫn phải can đảm lắm mới hạ quyết tâm một lần rồi thôi không lặp lại nữa. Trong tâm mãi đắn đo suy đi nghĩ lại thấy thương cha mẹ quá, đâu nở nào lìa bỏ núm ruột dứt khoát ra đi cho đành! Qua nhiều đêm thức trắng không sao chợp mắt được, cố mong tìm cho ra giải pháp hoặc cách nào đó thuyết phục cha mẹ để xuất gia cho bằng được, dù phải đón nhận thất bại trước mắt. Tự hào tuổi trẻ, hễ nghĩ là làm, tôi mạnh dạn tỏ bày ý định đi tu với cha mẹ.

Đánh bạo xin cha mẹ đi tu:

thichbaolac_2


Hình tác giả 42 năm trước

Mọi việc đâu đấy đều đã được xếp đặt và chuẩn bị sẵn sàng, tôi bèn nảy ra ý định ngay với gia đình việc xuất gia học Phật. Khi trình bày ý nghĩ táo bạo này với song thân, tôi đã gây nên sự sững sốt lẫn ngạc nhiên cho mọi người trong gia đình. Nhất là ở vào lớp tuổi vừa mới lớn của tôi, đang cần sự săn sóc, giúp đỡ của người thân. Cha tôi nghiêm nghị bảo:

- Nếu trong gia đình có gì bất mãn, con cứ việc nói thẳng hết ra để cha có thể tìm cách giải quyết ổn thỏa. Nhưng tại sao con lại muốn đi tu?

- Vì con muốn sống đời thanh thoát của một người tăng sĩ.

Cha nói tiếp:

- Con đừng vì nông nổi mà quyết định một việc quá vội vàng, hấp tấp thiếu sự cân nhắc kỹ lưỡng điều hơn lẽ thiệt, sẽ có ăn năn hối hận về sau.

- Nhưng thưa cha con đã dứt khoát, không thể nào khác hơn

- Con nên nhớ rằng, khi con ra đi rồi thì việc gì sẽ xảy ra trong gia đình này? Anh con còn đang trong quân ngũ chưa mãn hạn. Con nên nghĩ kỹ lại đi…

Nghe cha nói thế, cả nhà mẹ và mấy anh chị đều hướng mắt nhìn tôi thăm dò phản ứng mà nơi thâm tâm họ rất hài lòng qua những lời khuyên can chí tình của cha tôi. Mẹ tôi đâu bao giờ nghĩ tới việc hệ trọng như thế này. Mới đây bà ép tôi cưới vợ để nhà có thêm tay làm, nào bà có ngờ đâu một sự kiện quá đột ngột, làm hao hơi tổn sức chứ đâu phải chuyện thường. Bà chỉ nghĩ đơn giản: người con đi tu là mất hẳn, vì trước mắt là không nối dõi tông đường, thứ đến gia đình mất đi một bàn tay đóng góp tích cực mà một người như tôi bà rất tin cậy nên không muốn rời xa.

Nước mắt mẹ hiền: tiếng khóc qua giọt nước mắt biểu lộ nhiều trường hợp, hoàn cảnh khác nhau, nhất là về mặt tình cảm của con người. Đã là người, không cứ người lớn hay trẻ con lấy nước mắt làm vũ khí che chở, chống chế, đồng tình, phản kháng… cách hữu hiệu nhất, làm cho kẻ khác ngao ngán, chùn bước, dừng tay v.v… không dám tiến hành, thực hiện một công việc, dự án hay đề nghị nào. Nghe con dại khóc thét lên khiến người mẹ đang làm việc gì vẫn ngưng lại vỗ về an ủi, cho tới lúc nó thỏa mãn yêu sách mới thôi. Trong trường hợp của tôi, tiếng khóc của mẫu thân vô cùng lợi hại, bà có đặt điều kiện gì với tôi không? Không, vì bà có nói lên lời nào đâu mà bảo là điều kiện với không; vả lại càng không yêu sách nào hết cả. Nhưng trong vô hình, giọt nước mắt của mẹ biểu tỏ nhiều điều cụ thể mà không thể tiện diễn tả được nên bằng lời:

- Mẹ thương con vô hạn, con đừng làm cho mẹ đau lòng mà tổn hại tới sức khỏe tuổi già.

- Con không thể sống xa nhà thiếu tình thương yêu đùm bọc của người thân được.

Hãy ở lại nhà tu có mẹ có con, hà tất vào chùa mới tu được hay sao?

Dù bằng lời khuyên của cha hay với những lời phải trái của các anh chị, tiếng khóc của mẹ nghe sao mà quá cảm động. Vì hồi nào tới giờ tôi chỉ nghe tiếng khóc trẻ thơ mà việc tôi muốn đi tu cũng vì không ưa tiếng khóc của chúng. Hễ khi nào nghe mấy đứa cháu trong nhà hay trẻ con lối xóm khóc ré lên là tôi tránh đi chỗ khác. Nay lại nghe tiếng khóc của người mẹ hiền làm sao tôi có thể đủ can đảm đứng nhìn với nhiều lối giải thích và bằng đủ mọi cách để cản ngăn ý chí quyết định ra đi của mình, người nhà mong làm nản lòng thối chí để tôi có thể hủy bỏ chuyến đi định mệnh đó hay ít ra cũng thay đổi thái độ. Tôi bèn nghĩ kế khác để ra đi cho bằng được với bất cứ giá nào.

Trốn gia đình xuất gia:Mặc dù chăm chỉ làm việc phụ lực vào kinh tế gia đình, nhưng tâm tư tôi cứ nghĩ chuyện bay bổng ở trên trời nên không bị gò bó thu hẹp nơi xóm thôn chật hẹp với đồng ruộng, khu vườn. Như đã trình bày, thỉnh thoảng tôi được nghe các thầy giảng sư từ Tỉnh Hội về thuyết pháp, cũng như trông thấy quý sư du tăng khất sĩ đi trên quốc lộ. Trông thấy các thầy tướng tốt trang nghiêm, dáng đi thanh thoát nhẹ nhàng trong chiếc y vàng như kiểu Phật mặc, trông họ thật là an lạc giải thoát. Còn nhìn lại mình cảm thấy sao mà bận rộn, vất vả mọi bề; đời sống lại là đấu trường tranh nhau hơn thua, lợi hại. Do nhiều yếu tố tạo thành giúp tôi có thêm nghị lực nảy ý định xuất gia, nhưng thật quả là khó vô cùng. Sớm muộn gì rồi cũng phải thực hiện cho được chuyến đi, tôi thuyết phục và tìm đủ mọi cách để cho gia đình biết rõ ý định, nhưng vẫn cứ lần lựa không dám nói thẳng, vì sợ bị ngăn cản…

Nơi cuốn sách đã dẫn có đoạn viết: Một hôm đang sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử, tôi bày tỏ thái độ dứt khoát ra đi này và ngỏ lời từ giã với một vài người bạn thân. Các bạn tôi lấy làm ngạc nhiên và chất vấn lý do, cũng như điểm đến của chuyến đi đầy thử thách đó của tôi. Nhưng các bạn hữu chỉ biết một cách đại khái, mơ hồ, còn sau này việc tôi tu học ở chùa nào, tôi giữ bí mật, không thể nào cho họ biết rõ được. Vì biết đâu để lộ kế hoạch sẽ là bước cản trở con đường của tôi dự tính. Thế là ngày giờ và hành trang như đã sẵn sàng. Với một thái độ cương quyết và dứt khoát, tôi tìm cách trốn gia đình để ra đi trong muôn vàn đau xót. Hôm đó, một vài người bạn thân được tôi mời đến nhà để chuyện trò và họ cũng được cho hay là nội trong đêm tôi sẽ từ giã mọi người để ra đi. Sau khi nghe xong câu chuyện tôi trình bày, cả ba thiếu niên đều ngồi yên lặng không ai thốt lên được một lời nào cả. Sau gần một tiếng đồng hồ, tôi đã viết xong được ba lá thư. Lá thư thứ nhất để lại cho cha mẹ như:

Mỹ Hạc, ngày … tháng … năm 1957

Kính gởi cha mẹ và các anh chị em thương mến.

Đã nhiều lần con tỏ ý định ra đi này với cha mẹ và các anh chị, nhưng lần nào con cũng bị gạt ngang dòng tư tưởng đang bùng cháy trong lòng với đủ lý do này hoặc lý do khác.

Hôm nay, đúng ngày rằm tháng giêng con đã có quyết định ra đi qua nhiều đêm suy nghĩ: việc ra đi của con sẽ làm cho gia đình buồn khổ, nhưng ý con đã quyết … con vẫn biết ra đi như thế này là để lại bao nhiêu thương nhớ nơi người thân, nhất là đối với mẹ. Mẹ thương, con rất có lỗi với mẹ cha, vì ở vào tuổi con đáng lẽ phải hầu hạ và săn sóc mẹ lúc tuổi về già. Nhưng con lại bỏ lại tất cả những thâm tình cốt nhục để ra đi, thật là điều bất hiếu đối với gia đình, nhưng con không còn cách nào nghĩ khác hơn được cả.

Con đã học được ở giáo lý đạo Phật, công ơn cha mẹ sánh như trời biển, muốn báo đền sự hy sinh cao cả của đấng sanh thành, người con cho dù suốt đời cõng cha bên vai trái và cõng mẹ bên vai phải đi suốt từ nguồn ra tới biển để đền ơn cũng chưa chắc đền đáp được. Nhưng có một cách báo ân cha mẹ xứng đáng là người con phải hiểu lý vô thường và cố khuyên nhắc cha mẹ lúc tuổi về già làm việc phước đức, cũng như kính thờ Tam Bảo và niệm Phật. Nhờ đó con mới mong đền đáp lại phần nào công ơn như trời biển trong muôn một.

Việc ra đi của con hôm nay chắc chắn dư luận sẽ phê phán, nhưng khi đã biết rõ được đâu là sự thật thiên hạ sẽ không còn ngạc nhiên, thắc mắc nữa. Cho đến khi nào con đã yên tâm tu học, rồi thì cũng chính là lúc con báo đáp thâm ân cha mẹ một cách trọn vẹn.

Con nguyện cầu hồng ân chư Phật gia hộ cha mẹ, anh chị em cùng thân bằng quyến thuộc được vạn sự an lành và nhiều phúc lộc.

Kính thư

Con

Lê Văn Cư

Lá thư thứ hai gởi lại bạn bè thân, nhất là các đoàn sinh trong Gia Đình Phật Tử Hà Linh. Lời tâm sự, chia xẻ cũng là


lời từ giã chia tay của người viết, thế là từ nay tôi không còn lui tới sinh hoạt với các bạn nữa. Cho tới giờ này khi các bạn đọc thư tôi, tôi đã đi xa các bạn, xa mái nhà lam đầm ấm của chúng ta, mong các bạn tinh tấn tu tập và cầu nguyện cho tôi đủ nghị lực phấn đấu trên con đường tầm cầu giải thoát. Hy vọng một ngày nào đó chúng ta hẹn sẽ gặp lại nhau. Trong lúc tôi còn sinh hoạt với Gia đình, nếu có điều gì phật ý các bạn cũng hoan hỷ bỏ qua vì tuổi trẻ nhiều háo thắng chắc không tránh khỏi lỗi lầm. Việc âm thầm ra đi của tôi cũng là điều lỗi nữa, vì đã không báo trước các bạn hay; lại cũng im lìm chẳng tổ chức tiệc tùng đưa tiễn. Như các bạn thấy đó, tôi đâu có được gia đình chấp thuận cho đi tu, nên phải trốn cha mẹ lặng lẽ ra đi trong đêm khuya. Việc công khai của tôi cho mọi người biết là điều không thể, nên các bạn phải thông cảm cho tôi ở điểm này. Có điều tôi mong ước là trong số các bạn có ai dám theo tôi vào ở chùa không? Nếu có bạn nào làm được như vậy, chúng ta sẽ kết thành huynh đệ, pháp hữu với nhau lâu dài, không những trong đời này mà còn ở kiếp khác nữa, để cùng nhau phụng sự Tam Bảo. Mấy lời phát xuất tự trong đáy lòng chân thật của tôi, mong các bạn mạnh khỏe và luôn dũng tiến trên đường đạo. Bên dưới bức thư ký tên: Lê Văn Cư. Và lá thư thứ ba: gởi Bác gia trưởng và các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Hà Linh, nhằm mục đích xin vắng mặt trong các buổi sinh hoạt, cám ơn Bác gia trưởng cũng như các anh chị huynh trưởng đã tận tình giúp đỡ và dành cho tôi nhiều cảm tình quý mến. Xin gởi lại bao niềm lưu luyến tình lam với Bác gia trưởng và các anh chị trưởng. Cầu chúc tất cả tinh tấn.

Đi về hướng nào:Sáng ra, cả gia đình đều hoảng hốt, ai nấy nhìn lên bàn thấy mấy phong bì thơ còn để ngổn ngang, nhất là lá thư tôi viết từ giã gia đình cha mẹ và mấy anh chị tôi, theo lời anh tôi kể lại, đều khóc nức nở. Nhưng không ai biết được tôi đã đi về hướng nào và đi tới đâu? Mỗi người nhìn nhau không nói, và ai nấy đều tỏ ra lo lắng tột cùng vì đều cùng mang một tâm trạng buồn và nghĩ ngợi khác nhau.

Tôi và hai người bạn nhè nhẹ gài cửa rồi nhẹ bước ra đi trong khi mọi người còn đang ngon giấc. Cũng như cuộc vượt thành xuất gia của Thái tử Tất Đạt Đa năm xưa. Thái tử rời hoàng cung với con ngựa Kiền Trắc và người hầu Xa Nặc; còn tôi đi chẳng có ngựa và kẻ tùy tùng mà lội bộ lô ca chân mệt nghỉ. Tất Đạt Đa ra đi từ cửa thành phía Đông bằng cưỡi ngựa đến dòng sông A Nô Ma, cách xa đến 60 cây số rồi cắt tóc cởi áo hoàng bào trao cho Sa Nặc đem về giao lại phụ hoàng. Biến cố lịch sử đầy bi hùng đó còn lưu lại với bài hát dòng A Nô Ma mà chúng tôi rất ưa thích, nên ghi lại đây tặng quý độc giả:

Dòng A Nô Ma sóng nhấp nhô bờ lau xanh

Nhìn làn nước biếc Thích Ca Ngài lòng vững bền

Thôi con hãy về để ta vui ánh vàng

Ta đã quyết tìm đạo sáng cứu chúng sanh

A Nô Ma vẫn còn nhớ ghi gương sáng ngời

Chúng ta giờ đây nguyền noi gương đức từ bi.

Còn tôi chẳng có gì trao lại các bạn đem về cho gia đình làm tin hết.

Đi tới quốc lộ số 1, chúng tôi chia tay hai người bạn khi chiếc xe đò Phi Long - Sài Gòn – Đà Nẵng vừa trờ tới. Hai bạn tôi nghẹn ngào rơi nước mắt lúc vẫy tay chào từ giã và cứ đứng đó trông theo mãi cho tới khi xe chạy mất hút mờ dần họ mới uể oải trở về mà trong tâm trạng vô cùng lo lắng, vì họ không biết tôi đi về ngã nào để mách tin cho gia đình nhất là cha mẹ tôi đang chờ tin từng giờ từng phút. Xe tới Đà Nẵng là trạm cuối cùng, tôi đón xe tiếp đi về hướng Non Nước – Ngũ Hành Sơn. Sở dĩ rành đường đi nước bước là do tôi có tham gia cuộc


du ngoạn trước đây của Gia Đình Phật Tử Hà Linh, nên biết Hòa thượng Hương Sơn và chùa Linh Ứng tại Non Nước. Đó là chuyện đoàn thể, việc của Gia Đình Phật Tử, còn hôm tôi đến sáng sớm hôm đó chỉ một mình trơ trọi khiến cho Thầy tôi phân vân nghĩ ngợi không ít.

Vừa chợt thấy thầy Sơn nhanh nhẹn hỏi:

Cần điều cho con tới sớm nơi này.

Tôi quỳ thưa: Xin học đạo từ đây

Được hứa khả sau một hồi suy nghĩ…

Vì tôi là một thiếu niên nên Thầy cần biết rõ lý do xuất gia phải được vị gia trưởng hay người giám hộ gửi gấm hoặc giới thiệu mới đúng. Nhờ có quen trước đây nên thầy không ngại nhận cho tôi ở chùa sau khi đã hỏi sơ vài điều lý lịch và cho xuống phòng chúng. Từ đây tôi bắt đầu nghiền ngẫm về việc đi chùa hay ở chùa của người Phật tử:

Có ba thái độ đi chùa

Ngỡ ngàng, xa lạ, vui đùa giải khuây

Xem chùa là chuyện của thầy

Vòng ngoài ngắm cảnh ai hay làm gì

Thiện nam tín nữ tu trì

Gặp nhau niệm Phật A Di chào mừng

Hai tay chắp lại ung dung

Thân thương hòa ái vô cùng thiết thân

Tuy xa đồng cảm như gần

Chùa ta xây dựng ân cần từ đây

Tới lui học đạo lâu ngày

Thấm nhuần kinh kệ giải bày tâm tư

Bây giờ ai cũng xem như

Chùa chung bá tánh riêng tư đâu còn

Từ đây vào thẳng bên trong

Tự tin cảm thấy cõi lòng an nhiên

Mái chùa che chở hồn thiêng

Trẻ già, trai gái đồng nguyền tiến tu

Sớm chiều kinh kệ công phu

Xây đời an lạc đắp bù gia công

Quả xinh tu tạo nhân trồng

Tương lai bồi đắp cha ông đạo nhà

Mái chùa đầm ấm thiết tha

Cháu con giữ lấy món quà tâm linh.(Sông Thu)

Ba thái độ đi chùa của Phật tử xưa nay:Xem chùa là của thầy, thứ hai xem chùa như của mình và thứ ba: chùa là của thập phương bá tánh. Ít nhất chúng ta phải cần đi sâu vào nếp sinh hoạt chùa chiền mới không làm khách bàng quan chỉ ngắm cảnh chụp hình đi dạo ở vòng ngoài rồi thôi. Đó không phải thái độ đi chùa đúng nghĩa, vì còn thấy có sự phân biệt ngăn cách giữa mình và chùa. Chẳng hạn, ăn uống ở chùa phải đợi mời mọc, nếu không là trách cứ, giận hờn, bỏ chùa… như thế đâu có đúng ý nghĩa đi chùa. Người Phật tử tới chùa nên xem như việc nhà của mình mới tự tại mà không phiền não; rồi lâu dần tiến tới xem chùa là ngôi nhà chung của thập phương bá tánh.

Kể cả người tu ở chùa, nếu nhìn khách quan, chắc chắn chùa không bao giờ phát triển được. Mọi người con Phật dù tại gia hay xuất gia cũng phải nhiệt tình tham gia đóng góp để bảo vệ ngôi chùa làm hiển phát chốn già lam, như câu nói quen thuộc trên môi của nhiều người “chùa chiền”, hết người này trông nom chăm sóc đến người khác cũng giữ gìn chốn thiền môn như vậy. Hẳn là thiền môn nghiêm tịnh (thanh tịnh) chúng lý an hòa và người thí chủ đàn na đem của cúng dường chùa được tăng phước thêm thọ. Cũng như con chim mẹ dẫn dắt tập chim con bay lúc mới biết bay chập chững, nó đứng nhữ chim con chiền gần rồi từ từ đi xa hơn một chút, tập con nó cứ chiền hết cành này sang cành khác, hết cây này qua cây kia. Suốt cả buổi chú chim con bay xa sải cánh vững chải mà không sợ rớt té nguy hiểm. Nếu ai cũng quan niệm duy trì giữ gìn ngôi chùa một cách nhiệt thành bằng khả năng và thiện chí, chúng ta tin chắc rằng ngôi chùa trở nên tươi mát có hồn và thanh tịnh. Mới bước chân vào chùa sống đời phạm hạnh, tôi lại suy nghĩ miên man về việc này, có lạc đề không nhưng đây là một phần để làm nguôi quên cuộc sống của tôi hiện tại, như có vẻ đầy xúc động đối với người thân. Và phần nữa, cũng nhân cơ hội này tôi mong mỏi những ai là Phật tử chân chánh mà trong đó có thân bằng quyến thuộc của tôi, nên thay đổi thái độ đi chùa, nhằm đóng góp trực tiếp trong việc bảo vệ chùa chiền. Lâu nay chúng ta sống trong cảnh co cụm do người ngoại quốc chi phối, hết Tàu, đến Pháp rồi Nhật Bản, làm cho niềm tin Phật của người Phật tử lỏng lẻo bị chao đão. Nếu không muốn nói là người Pháp như muốn đồng hóa Phật với đạo thờ thần để họ dễ dàng cai trị người Việt trong gần một trăm năm đô hộ Pháp từ 1859 đến 1945.

Đây đề cập sơ nếp sinh hoạt của tôi ở chùa như là một kinh nghiệm thời niên thiếu. Ở chùa bận rộn nhất là những dịp quốc lễ. Du khách các nơi đổ dồn về Non Nước để chiêm bái rất đông. Họ không phải chỉ có thuần túy là người Việt mà ngay cả du khách ngoại quốc cũng đông không kém. Ngũ Hành Sơn vốn đã nổi tiếng từ lâu về cảnh trí đẹp và nhất là các di tích lịch sử như hang động Huyền Không, Vân Căn Nguyệt Quật, động Tàng Chơn, vọng Giang Đài, vọng Hải Đài, giếng tiên… Du khách tới lui viếng chùa tấp nập, nên tăng sinh chúng tôi phải bận rộn suốt ngày, vì thế thì giờ như phần nào bị eo hẹp lại không đủ. Chúng phải dành nhiều thì giờ vào học tập kinh kệ gồm hai buổi sáng và chiều. Một vấn đề thật hết sức nan giải cho vùng núi cao này là nước uống. Từ khi chưa có xi tặc xây trên núi, mỗi lần có lễ lộc, tăng sinh chúng tôi phải xuống tận dưới chân núi lấy nước giếng gánh đem về cho du khách dùng.

Chế độ ăn uống ở chùa lại quá kham khổ, còn việc học hành thì thiếu thốn mọi phương tiện như sách vở, đèn đuốc, bút mực hay kể cả quần áo. Mỗi bữa ăn nhìn trên bàn chỉ cơm là chính, còn thức ăn ngoài rau muống luộc với lại thêm món nước luộc rau ấy bỏ lỏng bỏng mấy miếng cà chua làm canh. Thế nhưng tăng sinh chúng tôi ăn cảm thấy ngon miệng đáo để, một phần nhờ số đông, và phần khác do sức lực tuổi trẻ đang vươn sức sống. Ban đêm, chúng tôi học với cây đèn dầu hôi bóng hột vịt, vì vào thập niên 50 ấy, vùng núi Non Nước làm gì có điện như ngày nay. Sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn ấy, nhưng tăng sinh chúng tôi rất lấy làm vui và ai cũng ưa thích nhờ được tu và được học bên thầy thương bạn mến làm trưởng dưỡng đạo tâm cho người học đạo xuất thế.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/10/2010(Xem: 3843)
Trong đời, tôi đã thấy mặt trăng lần nào chưa? Nhìn trăng, tôi nhìn cả đời. Nhưng thấy trăng, tôi không dám nói chắc. Khi tôi nhìn trăng trước mắt, tôi nghĩ đến trăng nửa khuya loáng thoáng trên tàu lá chuối sau vườn cũ. Tôi nghĩ đến đèn trung thu lúc nhỏ. Tôi nghĩ đến cái chõng tre giữa sân trên đó, ngày xưa, tôi nằm nhìn mây bay. Nhìn trăng, tôi không thấy trăng. Chỉ thấy lá chuối, chõng tre. Thấy cả tôi với trẻ con hàng xóm nô đùa. Có lần tôi trốn tìm với chúng nó, bị lộ, tôi nhảy bừa vào bụi tre, bất ngờ có đứa con gái đã ngồi sẵn trong đó. Tôi sợ hoảng, toan vọt ra thì nó kéo tay tôi lại, ấn vai tôi xuống, cười đồng lõa. Trong loáng thoáng của cây lá, tôi thấy hai cái răng cửa của nó sáng ngời ánh trăng. Bây giờ, nhìn trăng non, tôi thấy cái miệng và hai cái răng. Tựa như hai cái răng của nó phát ánh sáng và in hình miệng nó lên bầu trời.
16/10/2010(Xem: 3132)
Ngày xưa, một nhà quan lang họ Cao có hai người con trai hơn nhau một tuổi và giống nhau như in, đến nỗi người ngoài không phân biệt được ai là anh, ai là em
16/10/2010(Xem: 2944)
Ngày xưa, vào hồi Tây Sơn khởi nghĩa, có một chàng trai người vùng Đồng Nai, có tài cả văn lẫn võ, đã vung gươm hưởng ứng sự bất bình của thiên hạ.
16/10/2010(Xem: 2783)
Ngày xửa... Ngày xưa... Có một cô bé rất giàu lòng yêu thương. Cô yêu bố mẹ mình, chị mình đã đành, cô còn yêu cả bà con quanh xóm...
15/10/2010(Xem: 3226)
Một danh tướng về già muốn tặng thanh kiếm báu của mình cho một tướng quân ở xa. Ông giao trọng trách đó cho một gia nhân, cũng là một tay kiếm xuất chúng. Cẩn thận như vậy, ông vẫn không yên lòng, nghĩ rằng kiếm sĩ này chưa chắc đã đủ chín chắn để giữ kiếm không bị cướp dọc đường. Thanh kiếm không những quý về chất thép mà còn quý vì chuôi kiếm có nạm vàng và ngọc vua ban.
13/10/2010(Xem: 2621)
Có hai vợ chồng một ông già tên là Dã Tràng. Trong vườn họ có một hang rắn. Thường ngày làm cỏ gần đấy, ông già vẫn thấy có một cặp vợ chồng rắn...
13/10/2010(Xem: 4171)
Vào Thứ Sáu, ngày 8 tháng 10 năm 2010, Ủy Ban Giải Nobel Hòa Bình Na Uy đã công bố giải Nobel Hòa Bình năm 2010 được trao cho Lưu Hiểu Ba. Lưu Hiểu Ba, sinh năm 1955 tại thủ phủ Trường Xuân của tỉnh Cát Lâm ở đông bắc Trung Quốc, là nhà tranh đấu bất bạo động cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Trung Quốc. Ông đã từng tham gia phong trào sinh viên đấu tranh trong biến cố Thiên An Môn năm 1989 và sau đó liên tục bị sách nhiễu, quản chế tại gia và tù tội. Ngày 8 tháng 12 năm 2008, ông đã bị bắt vì cùng một số nhà tranh đấu dân chủ và nhân quyền Trung Quốc công bố Hiến Chương 2008 đòi xóa bỏ chế độ cai trị độc đảng để tiến tới một xã hội dân chủ cho Trung Quốc. Hiến Chương 2008 cho đến nay đã có hơn 8,500 người tham gia ký tên. Vì Hiến Chương 2008, Lưu Hiểu Ba đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc kết án 11 năm tù. Hiện ông vẫn còn ngồi tù ở Liễu Ninh, Trung Quốc.
11/10/2010(Xem: 3195)
Không ngờ tôi lại có được duyên lành đi chung với Thầy Trụ Trì Chùa Tâm Giác một đoạn đường khá xa. Tôi vẫn thường hay đến chùa, vãn hay gặp Thầy nhưng lúc nào Thầy cũng „Phật sự đa đoan“ nên tôi có rất ít thì giờ gần gũi và tiếp xúc với Thầy nhiều. Chuyến đi này thật hữu ích cho tôi vô cùng, tôi đã nghe và thấm nhuần được rất nhiều điều về Giáo lý Phật Đà - một niềm tin mà tôi luôn luôn tôn thờ và say mê khi vừa mới lớn cho đến tận bây giờ và cũng nhờ Thầy mà đoạn đường đi về 260 km không còn xa vời vợi nữa.
07/10/2010(Xem: 3328)
Hiện nay, truyền thuyết Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài được lưu truyền dưới nhiều hình thức nghệ thuật khác như kể chuyện, ca dao, truyền kỳ, kịch, khúc nghệ, âm nhạc, v.v
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]