Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

18. Mấy Ông Sư Quậy Phá

26/11/201320:34(Xem: 31593)
18. Mấy Ông Sư Quậy Phá
mot_cuoic_doi_tap_4



Mấy Ông Sư Quậy Phá




Vấn đề ngủ nghỉ tại Trúc Lâm đang yên ổn như vậy thì một hôm, nhóm tỳ-khưu Mettiya và Bhummajakā(1)lặn lội từ phương xa tìm đến. Họ là những người sơ tu, và nói là đệ tử của tôn giả Sāriputta nhưng ai cũng ngờ ngợ và khó chịu khi nhìn thấy cách mặc y, mang bát, đi đứng nói năng của họ còn quá nhiều tục tính.

Chỗ ở tại đại tịnh xá này, tuy là hàng ngàn liêu thất nhưng bao giờ cũng không thừa chỗ. Những nơi tươm tất, chu đáo, yên tĩnh nhất thường để dành cho chư vị trưởng lão tôn túc. Những nơi tương đối đàng hoàng tiện nghi thì để dành cho những vị thâm niên cao hạ. Chỗ khác thì để dành cho những nhóm học chúng kinh, luật, Abhidhamma, thiền định... Chỗ khác nữa là chư khách tăng tôn túc vãng lai. Chỗ còn lại là chư tăng tỳ-khưu hoặc sa-di nội trú để chăm lo mọi Phật sự, tăng sự trong ngoài. Bởi vậy, khi hai nhóm tỳ-khưu Mettiya và Bhummajakā xin chỗ ở, đại đức Dabba Mallaputta và chúng của ngài chỉ có khả năng thu xếp chỗ ở tạm thời thôi. Thế là họ la ó, làm ầm ĩ và huyên náo lên. Dù giải thích thế nào họ cũng đòi chỗ tốt, chỗ tiện nghi hơn.

Thế là chư vị trưởng lão phải xuất hiện để răn đe, nghiêm khắc giáo giới họ mới chịu yên. Đại đức Dabba cũng không chấp trước gì, im lặng cho người quét tước, dọn dẹp, cho sắp đặt thêm những vật dụng thiếu thốn, đáp ứng một số tiện nghi cho họ. Yên ổn được mấy hôm thì phát sanh vấn đề khác cần phải chấn chỉnh.

Các vị sa-di đến trình với đại đức là: Họ thường hay ở mình trần đi đây đi đó. Họ làm nước lai láng trong phòng tắm. Họ đi vệ sinh tiêu, tiểu không dội nước cho sạch. Họ quăng y bẩn bừa bãi trong phòng tắm hơi. Họ kỳ cọ lưng nhau rồi đùa bỡn, cười cợt thô tục. Có đôi vị vẽ hình lên thân thể. Chỗ ngủ của họ, gối kê, tấm đắp được rắc đầy dầu thơm. Họ ngủ chung giường, chung chiếu, chung tấm đắp, hai ba người một chỗ. Họ ăn chung với nhau một bát, uống chung nhau một cốc...

Thế rồi, chư vị trưởng lão như Assaji, Vappa, Nadīkassapa, Gayākassapa, Kāḷudāyi... đã phải họp chúng, đưa ra những điều học trước đây đã từng chế định tại Kosambī để khiển trách, la rầy họ, sau đó đưa ra những hình phạt tương thích.

Vấn đề phức tạp thứ hai là thọ thực. Thường thì nhiều gia chủ trong kinh thành Rājagaha thỉnh chư tăng đặt bát cúng dường tại tư gia. Ngoại trừ những lần cúng dường lớn thì năm trăm vị, một trăm vị còn bình thường thì năm vị, mười vị, hai mươi vị, cũng có đôi nơi hai hoặc bốn vị. Có những thí chủ lại đích thân thỉnh những vị trưởng lão mà họ kính trọng, ngưỡng mộ. Sự sắp xếp, phân bố trì bình mỗi ngày theo yêu cầu của thí chủ cũng là bổn phận của đại đức Dabba Mallaputta. Vị nào không có trong danh sách này thì phải đi khất thực tùy ý trong kinh thành hoặc vùng phụ cận. Tại nhà ăn, chư vị trưởng lão làm nơi nương tựa cho chúng hoặc chư đại đức, tỳ-khưu sống nhiều năm phụ trách những lớp giảng huấn thường được đại đức Dabba cho sa-di dâng thêm bơ, sữa hoặc dầu ăn thơm ngon cho quý ngài.

Nhóm tỳ-khưu Mettiya và Bhummajakā cảm thấy tủi thân. Họ đợi hoài cũng không có ai mời thỉnh tại tư gia. Họ đợi hoài cũng thấy chưa đến phiên mình. Khi đi trì bình khất thực trở về nhà ăn thì chẳng thấy ai dâng cho mình những thức ăn ngon như chư vị trưởng lão, như chư đại đức sống lâu năm ở đây. Bực dọc, tức tối, họ đến gặp đại đức Dabba Mallaputta để chất vấn:

- Tại sao, thức ăn của chúng tôi không có gì cả, lúc nào cũng tầm thường, thô tháo, không có phẩm chất còn những vị khác thì thượng vị nầy, trân vị kia?

- Cũng đúng thôi, này các vị! Đại đức ôn tồn đáp, nhưng âm giọng rắn rỏi, nghiêm túc - Vì đấy là những bậc tôn túc, thâm niên, cao hạ thì phải được kính trọng để dâng đến quý ngài những vật thực tương thích. Chư vị chỉ là những kẻ sơ tu thôi, hãy thấy rõ sự thực như vậy! Chư vị chưa có công đức gì, chưa có phước báu gì, giới đức, định đức, tuệ đức ra sao mà đòi ngồi ngang hàng với chư vị trưởng lão hay sao?

Trong bụng họ giận căm gan, nhưng biết điều ấy đúng với sự thực, lát sau họ chất vấn tiếp:

- Cũng được đi! Nhưng việc đặt bát cúng dường tại rất nhiều tư gia, sao đợi chờ hoài cũng không đến phiên chúng tôi?

- Hãy chịu khó! Hãy kham nhẫn! Sẽ có lúc đến phiên các vị thôi!

Hôm kia, có một gia chủ đến thưa với đại đức Dabba Mallaputta là họ xin được thỉnh thường xuyên bốn vị đặt bát tại tư gia. Suốt sáu hôm như vậy, đại đức tuần tự sắp xếp mỗi ngày bốn vị, bốn vị một cách đều đặn. Ngày nào cũng vậy, những ai thọ bát trở về cũng tán thán ca ngợi là gia chủ kia, cả vợ, cả con, cả gia nhân ai cũng lịch thiệp, lễ độ, hoan hỷ; còn vật thực như cơm canh... loại cứng loại mềm đều ngon lành, tuyệt hảo.

Cuối ngày thứ sáu, gia chủ tìm đến Trúc Lâm, được đại đức Dabba Mallaputta đón tiếp nơi phải lẽ, khen ngợi sự trân trọng cúng dường, nói thêm một thời pháp thuận thứ để khích lệ, tạo niềm tin thêm cho gia chủ. Trước khi ra về, với tâm hân hoan, vị gia chủ hỏi:

- Ngày mai là bữa cuối cùng, không biết đại đức sắp xếp cho những ai đến thọ bát tại tư gia?

- Thưa! Ngày mai đến phiên các vị sư thuộc nhóm Mettiya và Bhummajakā.

Ra về, tâm vị gia chủ không được vui, tự nghĩ thầm: “Sáu ngày vừa rồi ta có nhiều phước báu vì được dâng cúng đến những vị tỳ-khưu đàng hoàng, có giới hạnh. Tại sao ngày mai, ta có cái duyên xấu gì xen vào mà mấy ông sư tồi tệ ấy lại đến phiên thọ bát tại nhà ta?”

Bực bội âm ỉ trong lòng, vị gia chủ về nhà, dặn dò những người tớ gái:

- Ngày mai, ta đi vắng! Các ngươi hãy sắp xếp chỗ ngồi thọ bát cho các ông sư ngay tại trong nhà kho. Và vật thực cúng dường, nên nhớ là chẳng cần thượng vị, thượng trân gì cả, cơm tấm siu ôi và nước cháo chua gì đó cũng được!

Nghe đến phiên mình sẽ được “ăn ngon” vào ngày mai, nhóm tỳ-khưu Mettiya và Bhummajakā mừng vui không ngủ được. Sáng ngày, khi họ mặc y mang bát đến nhà gia chủ, họ được mời ngồi trong nhà kho. Và khi họ tưởng thọ nhận được thượng vị loại cứng, loại mềm thì họ được gia nhân sớt đầy bát cơm hẩm và canh siu.

Mất mặt, bẽ bàng, tức giận, trên đường trở về, họ bàn bạc với nhau rằng: “Chúng ta đã bị ông Dabba chơi khăm, chơi xỏ rồi! Không thế thì cũng bị hắn ta tìm cách ly gián với gia chủ mới xảy ra cớ sự bị hạ nhục đáng hận như hôm nay!”

Mới về ngang cổng Kỳ Viên, họ đã thất thểu, rớt y, rớt bát rồi ngồi ủ rũ, im lặng, vai co rút lại, ôm gối nhìn xuống đất, trầm ngâm, xấu hổ...

Lúc ấy, tỳ-khưu-ni Mettiyā, vốn là người quen thân với bọn chúng, đi qua, thấy vậy, chào hỏi có vẻ ân cần, quan tâm, nhưng cả ba lần vẫn không nghe ừ, nghe hử.

- Hãy giúp chúng tôi! Một người trong nhóm nói - Nghe đức Thế Tôn vừa về sáng nay. Vậy ni cô hãy vào trình bạch với ngài là chúng tôi đã bị đại đức Dabba Mallaputta bức hiếp tồi tệ, đã thông đồng với thí chủ để chơi khăm, chơi xỏ đến cạn tàu ráo máng. Ôi! Nhục ôi là nhục!

Rồi họ kể lại chuyện cho tỳ-khưu-ni Mettiyā nghe, cô ta cũng nổi sùng lên:

- Vậy là không được! Vậy là quá đáng, quá đáng... nhưng rồi cô chợt e ngại, nhưng mà biết nói sao cho hay, tố cáo sao cho có ấn tượng?

Bọn chúng lại tham mưu cho tỳ-khưu-ni cách nói, và nói sao cho văn hoa bóng bẩy. Vị ni nầy không có giới hạnh, lại ngu si, tự dưng lại quàng việc vào mình, đã vào đảnh lễ đức Phật rồi thưa như sau:

- Bạch đức Thế Tôn! “Nơi nào đúng pháp và luật thì nơi ấy không có sợ hãi, tai họa và sầu khổ! Nơi nào không đúng pháp và luật thì nơi ấy có sự sợ hãi, tai họa và sầu khổ. Chính đại đức Dabba Mallaputta đã hành xử không đúng pháp và luật, đã lăng mạ, ô nhục đệ tử. Tưởng là gió lặng nhưng mà bão đã nổi lên rồi, và lửa cũng đã bùng cháy lên rồi” xin đức Tôn Sư minh xét!

Đức Phật lắng nghe trong im lặng rồi bước vào hương phòng, để lại câu nói, dặn bảo các vị trưởng lão đang có mặt:

- Hãy dựa theo pháp và luật để hành xử việc ấy. “Con trai” của Như Lai như thế nào thì các ông đều đã biết rõ.

Chư vị trưởng lão khi nghe vị ni vô duyên, vô cớ cáo bậy, họ biết là ai xúi bẩy ở đằng sau rồi. Nhưng để cho sự việc được sáng tỏ, đại đức Dabba Mallaputta được gọi lên để đối chứng.

- Này Dabba! Tôn giả Mahā Kassapa nói - ông đã bị vị ni này tố cáo là hành xử cái gì đó không đúng pháp và luật, đã lăng mạ, ô nhục cô ta! Vậy thì sự thực như thế nào hãy trình cho chư trưởng lão biết!

- Đệ tử không biết vị tỳ-khưu-ni này! Đại đức Dabba đáp - Đây là lần đầu tiên đệ tử thấy mặt cô ta. Quả thật, đệ tử không rõ sự lăng mạ, ô nhục ấy từ đâu nẩy sanh!

Tôn giả Mahā Kassapa vừa quay sang nhìn tỳ-khưu-ni Mettiyā để xem phản ứng, thái độ ra sao thì thấy sắc mặt cô ta đã xanh mét, hơi thở dồn dập có vẻ bồn chồn, rối loạn... Thấy vậy, tôn giả Upāli nghiêm khắc nói:

- Tố cáo gian dối, bôi nhọ tư cách, phẩm hạnh của một vị tỳ-khưu, nhất là một bậc thánh lậu tận, cô ni ngươi có biết là tội nặng lắm không?

Nhìn dáng dấp, sắc diện oai nghiêm của chư tôn túc trưởng lão, tỳ-khưu-ni Mettiyā sợ hãi quá, đành phải thú tội, thú nhận, là do nhóm tỳ-khưu Mettiya và Bhummajakā xúi giục, cô vì ngu si, dại dột, nhẹ dạ nên lỡ phạm lỗi lầm.

Thế rồi, bọn chúng được chư trưởng lão gọi lên. Chúng đã không tỏ ra thành tâm cải hối lại còn có vẻ căm hận tỳ-khưu-ni Mettiyā dám tố cáo mình!

Sau đó, nội vụ được sáng tỏ, bởi chúng có phẩm hạnh lôi thôi, ăn nói, đi đứng, y bát thiếu tăng tướng, thiếu tư cách nên cư sĩ cận sự nào có trí, chỉ cần liếc nhìn qua là họ biết ngay. Vì ông cư sĩ này ghét bọn chúng nên “chơi khăm” như vừa kể. Lỗi không phải do đại đức Dabba Mallaputta. Thế là nhóm tỳ-khưu Mettiya và Bhummajakā bị phạt nhốt ở trong phòng, bị phạt làm vệ sinh nhà xí, vệ sinh mương cống, lao tác bửa củi, gánh nước... Tỳ-khưu-ni được răn đe nghiêm khắc rồi gởi trả về Ni viện để chư trưởng lão Ni tùy nghi xử phạt.

Chuyện chưa thôi. Thế mà bọn chúng vẫn tánh nào tật nấy. Hôm kia, chúng đi bát, thấy một con dê đực đang giao phối với một con dê cái trên sườn núi. Chúng tự đùa bỡn, gọi tên con dê đực là tỳ-khưu Dabba Mallaputta, con dê cái là tỳ-khưu-ni Mettiyā. Về tu viện chúng kể oang oang chuyện ấy cho nhiều người nghe rồi kết luận:

- Không phải nghe bằng lỗ tai mà chúng tôi thấy tận mắt: Con dê đực Dabba Mallaputta làm tình với con dê cái Mettiyā!

Đức Phật đã phải gọi chư vị trưởng lão đến:

- Các ông phải họp đại chúng, dựa theo “Bảy điều hòa giải các cuộc tố cáo, tranh tụng” được đúc kết tại Kỳ Viên để hành xử vụ việc. Ông Ānanda còn thuộc lòng đấy, hãy tuyên đọc lại. Ông Upāli cũng phải ghi nhớ cho chính xác. Rồi sau đó, các vị đưa ra những học giới chế định về các tội trạng này, cùng các tội tương tợ, cũng đã phải lúc, phải thời cho học chúng Tăng ni các nơi noi theo.

Vậy là tội cáo gian lần thứ hai này, nhóm tỳ-khưu Mettiya và Bhummajakā bị trách phạt nặng nề hơn, là bị nhốt kín trong phòng, không cho ai giao tiếp (như bị tù); thức ăn, vật uống có chúng sa-di mang đến, đều chỉ là vật thực để tồn tại, chẳng có ngon bổ gì.

Hơn hai mươi ngày sau, “ra khỏi tù”, các vị trưởng lão tổ chức một cuộc lễ, có hai vị luật sư tụng tuyên ngôn để bọn chúng có cơ hội thấy rõ tội rồi sám hối trước tăng, sám hối trước đại đức Dabba Mallaputta.


(1)Thường được gọi chung là nhóm lục sư. Như đã ghi chú ở một chương trước, hai nhóm tỳ-khưu Paṇḍuka và Lohitaka ở Jetavana, hai nhóm tỳ-khưu Assaji và Punabbasuka ở Kiṭāgiri, còn ở Veḷuvana là nhóm của hai vị này. Đây là nhóm lục sư hay quậy phá, thường bị hành xử, sau đó mới chế định học giới. Họ không phải là nhóm “lục sư ngoại đạo” như nhiều nơi đã ghi nhầm lẫn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/03/2017(Xem: 8200)
Mỗi sáng Chủ Nhật , quý Sư ở tu viện Santi Forest Monastery thường chuẩn bị rời chùa, đi xuống phố hoặc vào làng khất thực. Gọi là “đi khất thực”, nhưng thực sự nên gọi là “đi gieo duyên” với quần chúng địa phương thì đúng hơn, cư dân nơi đây, họ là những người Úc thuần túy, Phật giáo đối với họ là một tôn giáo hoàn toàn xa lạ, có thể họ chỉ nghe qua cái tên “ Buddhism “ mà không hề biết đó là gì ?
21/03/2017(Xem: 5599)
Đây là một tập bút ký, ghi lại cảm nghĩ của tác giả từ các nơi chốn tùng lâm ở Nhật Bản, Trung Hoa, Việt Nam. Không hề có một so sánh hay đánh giá ở đây, tất cả đều trình hiện như nó chính là nó. Chúng ta cũng vui đọc theo chân người đi, đôi lúc mình cũng là người đang đi như thế. Chiều thu muộn hay sáng hồng rực rỡ, một viên sỏi trong vườn thiền cũng chiếu rọi ánh tuyết lấp lánh. Tách trà xưa và nay cùng nâng lên để kỷ niệm giây phút tao phùng.
20/03/2017(Xem: 5208)
Đặt chân xuống phi trường Bordeaux, tôi thấy một cảm giác nao nao vui mừng và hối hộp. Tôi sắp đựơc gặp các huynh đệ và Thầy, tôi sắp đựơc trở về Làng Mai, nơi Thầy và Tăng Thân đã sinh ra tôi, đã cho tôi một hình tứơng sư cô trong tinh thần giải thóat. Nhìn ra ngòai cửa, các Thầy các sư cô đang vẫy tay chào đón chúng tôi, rồi quí‎ vị vào trong khu vực chuyển hành lí tiếp chúng tôi vận chuyển lên xe, về Làng.
20/03/2017(Xem: 5385)
Cuộc sống của chúng ta có những lúc cần phải suy gẫm về ý nghĩa về đạo lý làm người. Ngày xưa có một người gánh nước, mang trên vai hai chiếc bình. Trong hai bình ấy có một bình bị vết nứt, còn bình kia thì nguyên vẹn. Suốt một chặng đường dài từ nơi mé sông về nhà, chiếc bình nứt chỉ còn một nửa. Thời gian đã tròn ba năm, ngày nào cũng vậy, người gánh nước chỉ mang về đến nhà chỉ có một bình rưỡi nước.
28/02/2017(Xem: 12700)
Đó là câu chuyện về Ngài Geshe Lama Konchog Rinpoche qua đời năm 2001. Có nhiều chuyện kỳ lạ trở thành mầu nhiệm sau khi Ngài ra đi.
24/02/2017(Xem: 4013)
Một buổi xế trưa nắng hơi nghiêng về chiều, cái sân nhỏ trước hiên, nhờ bóng nhà đầy râm mát. Đàn gà ri -một mẹ, một bố và tám con- đang líu ríu bươi đất cát nơi chân hàng rào. Công việc thật thừa thãi, nhàm chán, tôi chắc chắn chúng chả tìm thấy gì trong đám cát khô cằn không một ngọn cỏ một bóng cây. Thế mà đã nhiều ngày, cứ giờ này, chúng lại luẩn quẩn quanh đấy, bươi đất cát, nô giỡn ra điều thích thú lắm. Không ai đoán được chúng rất tinh khôn. Vì vào giờ này, sau khi đánh một giấc ngủ trưa, tôi vẫn có thói quen mở nắp lon guigoz vốc một nắm gạo nàng hương mà tôi đã xay nhỏ bằng cối xay tiêu, một ít thóc, rồi thong thả ra sân chưa kịp cất tiếng…cộc...cộc…cộc…để gọi đàn gà ri, chúng đã ùa chạy tới, như một thói quen, đợi tôi cho ăn. Tôi rải gạo, thóc trên khoảng sân nhỏ bằng xi măng bên hông cửa ra vào. Những con gà ri con chỉ mới nở hơn tuần nay, lông trắng ngần, lăng xăng chạy theo bố mẹ, như những trái ping pong. Chúng vươn cánh và dù cố gắng nhiều lần để nhảy lên thềm nhà như
23/02/2017(Xem: 4598)
Họ đã kết hôn được 78 năm, người chồng 103 tuổi, người vợ 100 tuổi, họ vẫn ở bên nhau suốt ngần ấy năm tháng, mạnh khỏe và hạnh phúc. Trong ngày Valentine năm nay, câu chuyện về họ được biết tới, chia sẻ và gây cảm động.
22/02/2017(Xem: 36844)
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA CON TRAI CỦA TÔI (DALAI LAMA, MY SON) Tự truyện của mẫu thân Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tác giả: Diki Tsering Biên tập & giới thiệu:Khedroob Thondup Việt dịch: Thích Nguyên Tạng Diễn đọc: Quảng Thiện Duyên
05/02/2017(Xem: 4113)
Khi tôi lên giường, kim đồng hồ chỉ 23 giờ 30. Thông thường vào giờ này, vốn dễ ngủ, không mộng mị, nếu có, chỉ toàn giấc mơ hoa, không bao giờ gặp ác mộng, tôi đã ngáy khò khò; thế mà hôm nay, tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Nằm trăn trở trong đêm, tôi lắng nghe âm thanh của đêm. Sài Gòn giờ này đã trả lại sự yên vắng cho nó. Không còn tiếng rao hàng, không còn tiếng người qua lại, không còn tiếng xe cộ? Lâu lắm mới có chiếc Honda xẹt ngang của vị nào đi chơi khuya về.
03/02/2017(Xem: 3823)
Thời gian đã vẽ thêm một vòng hào quang cho quá khứ thêm lộng lẫy đẩy lùi tất cả vào dĩ vãng trong một ngăn nào đó của bộ nhớ, và tuổi già thường hay hoài niệm những ngày cũ mà ngậm ngùi nuối tiếc. Tuổi già đối với những người khác không biết thế nào nhưng riêng tôi lại thích tham dự những buổi họp mặt với bạn bè cũ, gặp lại nhau biết bao mừng vui tràn ngập cả tâm tư. Tôi lại định cư tại một nước xa xôi lạnh lẽo, bạn bè ngày xưa không có, thành ra tôi cứ ao ước được bay đến những vùng trời khác. Nơi đó có những người bạn thời trung học thật tuyệt vời, là niềm an ủi cho mái tóc đã điểm bạc trong cuộc sống cách biệt quê người vạn dặm này. Tôi nhớ lại lần tôi qua Cali dự lễ kỷ niệm 50 năm xa trường. Đêm Đại hội đã để lại trong tôi quá nhiều cảm xúc, suy nghĩ; sự suy nghĩ với nhiều thứ pha trộn nhau. Với tôi, đó cũng là một sự hạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]