Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

16. Cho Xin Một Chiếc Lông

26/11/201320:31(Xem: 29535)
16. Cho Xin Một Chiếc Lông
mot_cuoic_doi_tap_4

Cho Xin Một Chiếc Lông



Hôm kia, đột ngột, đức Phật trở về Veḷuvana vì ngài biết ở đây đang xảy ra vài vụ việc lộn xộn. Và quả thật vậy, đầu tiên tôn giả Mahā Kassapa đến trình bày với đức Phật một số việc liên hệ đến Tăng, đến học giới cần chế định, ban hành.

Số là hôm kia, tôn giả Mahā Kassapa khởi hành từ Sāvatthi, khoảng chừng ba mươi do-tuần thì dừng chân tại thành phố Āḷavī, nghỉ đêm tại tháp Aggāḷava. Nơi này, tôn giả và hội chúng của ngài đã từng dừng chân hành hóa khoảng năm năm về trước nên khá quen thuộc. Sớm hôm sau, tôn giả ôm bát đi vào thành và ngạc nhiên khi thấy thái độ của dân chúng. Một số người thấy ngài thì họ quay mặt đi hoặc tránh né sang đường khác, một số nhà thì có vẻ e ngại nên nhẹ nhàng khép cửa lại; và đa phần họ không đặt bát.

Phần vật thực ít ỏi nhận được hôm đó chỉ là vài muỗng cơm, chút ca-ri của gia đình một cư sĩ nghèo. Khi tôn giả hỏi lý do tại sao lại phát sanh chuyện khác thường như vậy thì có một cận sự nam tình thật thổ lộ cho biết:

“- Thuở trước, tôn giả đi hành hóa dừng chân ở đây với hội chúng năm trăm vị du tăng đầu-đà, dân chúng rất kính trọng và mến mộ. Vật thực đặt bát hằng ngày cũng như tứ sự, dù chư tăng đông đức như thế nhưng lúc nào cũng đầy đủ do tín tâm của nhiều người. Hội chúng chư vị trưởng lão khác đến đây hoằng pháp mấy năm sau cũng vậy. Nhưng gần đây, chư vị trưởng lão tôn túc theo gót chân hành hóa sang phương khác thì có một hội chúng mới tìm đến. Nhóm hội chúng này khoảng mấy chục vị, họ rất tà mạng. Cái gì họ cũng kêu gọi. Cái gì họ cũng muốn người ta bố thí...”

Tôn giả nhíu mày hỏi:

“- Ví dụ cụ thể là cái gì nào?”

“- Thưa, cái gì họ cũng kêu réo. Ví dụ, hãy bố thí cho chúng tôi những vật liệu xây dựng cốc liêu như gỗ, ván, tre... Hãy bố thí người nam để hầu hạ. Hãy bố thí nhân công để làm việc. Hãy bố thí trâu, bò, xe kéo, rìu, búa, cuốc, xẻng... Do vậy, hiện nay, vừa thấy bóng dáng tỳ-khưu, chưa biết là ai, dân chúng cũng như cư sĩ đã tìm cách tránh mặt đi vì sợ bị kêu gọi cúng dường hoặc sợ bị xin cái này, xin cái nọ. Tranh cũng xin, cỏ cũng xin, chum ghè cũng xin, nước cũng xin, đất sét cũng xin! Cái gì họ cũng mở miệng xin được!”

Trình bày câu chuyện xong, tôn giả Mahā Kassapa thưa tiếp:

- Bạch đức Tôn Sư! Chiều hôm đó, có hiền giả Nigrodha Kappa ghé thăm, đảnh lễ và trình bày câu chuyện cũng tương tự. Ông ta nói:

“- Tôi và một tỳ-khưu hầu cận tên là Vaṅgīsa vốn sống ở Aggāḷava-cetiya này, nhưng do nhóm tỳ-khưu kia lộng hành, tà mạng quá, chịu không nổi nên chúng tôi phải trốn vào rừng sống. Nay trưởng lão đã đến đây thì phải tìm cách xử lý bọn chúng, dẫn dắt họ trở lại đời sống chánh hạnh thanh tịnh mạng”.

Người đệ tử đi theo tức tối, hậm hực; nhưng sau đó y đã nén giận, đọc lên một bài kệ rất hay, rất ấn tượng...

Đức Phật chợt mỉm cười:

- Ừ, Như Lai biết! Tỳ-khưu Vaṅgīsa ấy làm kệ thơ giỏi lắm. Có lẽ y ứng tác ngay tức khắc...

- Đúng vậy! Bài kệ thơ ấy như sau:

“ - Bọn chúng là lũ quạ

Như bới rác trong bùn

Hở gì thì xin nấy

Xin tranh tre, tấm lợp

Xin gỗ hương, củi mục

Xin người nữ làm công

Xin người nam hầu hạ

Hãy cho tôi trâu cày

Hãy cho tôi ngựa kéo

Cuốc xẻng và búa rìu

Ghè chum uống và rửa

Hố đào ỉa và đái

Gối dựa và gối ôm

Khăn nằm và khăn đắp

Chúng xin tất tần tật

Da mặt dày hai lóng

Mở miệng thối hầm phân

Dạ-xoa ăn thịt chết

Còn ghê tởm bọn chúng

Vắt cẳng chạy cho xa

Trốn tà sư ác đảng...”

Bạch đức Thế Tôn! Mấy ngày hôm sau, chư trưởng lão Assaji, Mahānama, Yasa, Nadī Kassapa, Upāli, Bhaddiya, Bhagga, Kimbilā, Nandiya... cùng hội chúng ghé Āḷavī rồi sau đó một hội đồng đã được thiết lập và nhóm chư tỳ-khưu tà mạng kia đã được hành xử dựa theo những điều khoản đức Thế Tôn vừa chế định tại Jetavana.

Ngay chiều hôm ấy, đức Phật cho triệu tập toàn thể tăng ni hiện đang có mặt tại Rājagaha cùng vùng phụ cận để nói về chánh mạng và tà mạng.

Đầu tiên, đức Phật kể lại chuyện hóa độ vị đại điền chủ Bà-la-môn Kasī-Bhāradvāja ở tại làng Ekanāḷā gần núi Dakkhiṇāgiri; rằng là, ngay chính lúc thuyết pháp, nói đạo hay giáo giới kệ ngôn cho thí chủ với mục đích thọ nhận sự cúng dường cũng được xem là tà mạng.

Rồi đức Phật kể luôn một lần hai câu chuyện.

Tích truyện thứ nhất. Thuở trước có hai anh em vị ẩn sĩ tu tập và sống nương tựa nhau tại một khu rừng bên bờ sông Gaṇgā. Có một con rồng chúa tên là Maṇikaṇṭha(1)ở gần đấy, do duyên quá khứ nên khởi tâm ái luyến người em, tức vị ẩn sĩ trẻ, mỗi ngày thường tìm cách đến gần. Đợi lúc ẩn sĩ trẻ ngồi thiền, rồng Maṇikaṇṭha tìm đến, âu yếm quấn quanh thân bảy vòng rồi phồng mang lớn trên đầu để che mưa đỡ nắng cho vị ấy. Do quá khiếp sợ nên thời gian sau, vị ẩn sĩ trẻ tuổi trở nên ốm o, gầy guộc, xuống sắc, xanh xao, thân hình nổi đầy gân... Người anh thấy vậy hỏi lý do, người em tình thật kể lại mọi chuyện rồi bảo là không có cách chi trốn thoát khỏi sự kinh sợ ấy được.

Người anh do kinh nghiệm hơn, thông thái hơn, bèn chỉ cho người em biện pháp để đuổi con rồng ấy đi. Người anh nói:

“- Loài rồng vốn quý viên ngọc maṇi hơn cả sanh mạng. Thức ăn, vật uống, nhu cầu, tiện nghi, sở thích... gì gì nó cũng nhờ vào viên ngọc như ý ấy cả. Bây giờ, mỗi lần nó đến, em cứ mở miệng xin nó viên ngọc. Cứ xin mãi, xin hoài, năm lần bảy lần; thế là đến một lúc nào đó, nó ngán, nó sợ, nó không dám đến nữa đâu!”

Và quả thật như vậy, vị ẩn sĩ trẻ, sau ba lần xin viên ngọc, là vật sở hữu quý trọng của rồng,con rồng Maṇikaṇṭha trốn biệt, mất dạng luôn từ đó.

Câu chuyện thứ hai, xảy ra trong hiện tại. Số là có một số tỳ-khưu ở tại một khu rừng có cây lá xanh tươi, có một đầm sen, đầm súng mát mẻ, tươi thắm hoa và ngào ngạt hương. Họ đang tu tập yên tịnh như vậy trải qua tháng ngày hỷ mãn, lạc mãn. Bỗng một hôm, có một đàn chim lớn có lông cánh sặc sỡ nhiều màu đến chiếm ngự khu rừng, chiếm ngự luôn đầm nước cả đêm cả ngày quá ồn ào, quá huyên náo. Các vị tỳ-khưu kia không còn yên tịnh được nữa vì bị quấy rầy bởi tiếng hót, tiếng la, tiếng kêu, tiếng đập cánh, tiếng gọi đàn, tiếng tình tự, tiếng đánh nhau, chửi mắng nhau, tiếng cây lá khô gãy... làm cho một chút hỷ, một chút lạc của họ cũng không còn nữa.

Hôm kia thất thểu, mệt mỏi trở về Kỳ Viên đảnh lễ Như Lai, họ kể lại chuyện trên. Như Lai đã chỉ cho họ phương pháp để đuổi đàn chim ấy đi. Như Lai nói:

“- Loài chim thường có lông cánh như vật trang điểm, nó tự hào, hãnh diện, luyến ái lông cánh rực rỡ của nó. Vậy thì buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều và cả ban đêm... chư vị ra đứng giữa rừng, la to lên rằng: Hỡi các ngài chim trong khu rừng này! Hãy lắng nghe tôi! Chúng tôi cần lông chim! Chúng tôi cần lông chim! Chúng tôi cần lông chim! Vậy mỗi ngày, mỗi ngài hãy hoan hỷ cho chúng tôi xin chỉ một chiếc lông! Mỗi ngày, mỗi ngài hãy hoan hỷ cho chúng tôi chỉ một chiếc lông mà thôi!”

Này đại chúng! Đừng tưởng rằng, loài chim nó không nghe được tiếng người và nó sẽ không hay biết gì! Nó không nghe qua phân tích ngôn ngữ nhưng nó cảm nhận bằng tâm do âm tiếng kia tạo ra. Cảm nhận bằng tâm nên nó biết, nó hiểu, và rồi nó sợ bị xin lông cánh là vật sở hữu mà nó ái luyến nên cả bầy đàn bèn bỏ đi phương khác! Và quả thật như vậy, sau ba bốn ngày chịu khó y theo “phương pháp xin” ấy, đàn chim bỏ đi không còn một mống!

Kể xong cả hai câu chuyện, đức Phật kết luận:

- Này đại chúng Tăng ni! Rồng và chim là loài thú, xin mãi xin hoài một vật mà nó quý trọng, nó sẽ không hoan hỷ; không những không hoan hỷ mà nó còn chán, nó sợ, nó bỏ đi luôn.

Còn loài người thì sao? Tiền bạc, của cải, tài sản kiếm được ai ai cũng gian lao, vất vả; nếu có tích lũy được ít nhiều cũng phải khó nhọc, lao tâm khổ tứ. Thế mà những tỳ-khưu ở Āḷavī, hễ gặp hai hàng cận sự hoặc dân chúng thì cứ mở miệng xin đủ mọi thứ. Xin, xin, xin, xin mãi xin hoài, con thú nó cũng chán huống hồ gì con người? Là bậc thiện trí thức, là tỳ-khưu trong giáo hội của Như Lai có nên làm như thế chăng? Rõ là kẻ ngu mới làm, còn bậc trí thì không như thế. Đối với pháp và luật của Như Lai “xin cái này, xin cái kia” là tà mạng! Quý vị hãy nhớ như vậy. Không những mở miệng xin, mà chỉ gợi ý, nhắc khéo để cho người ta biết mình cần vật này, vật kia cũng là tà mạng!

Đức Phật lại kể tiếp. Tỳ-khưu Raṭṭhapāla thuở còn là tại gia, con trai của một phú hộ tại Kuru, từ nhỏ chí lớn, cho đến khi xuất gia, ông ta chưa hề mở miệng xin cha mẹ mình một cái gì cả.

Hôm kia, vị phú hộ cất giọng buồn buồn, tâm sự với con rằng:

“- Tài sản của ta không nhiều bằng ai mà cũng không thua ai nhiều lắm, trong kinh thành này. Năm này, năm nọ, tháng này, tháng nọ, biết bao nhiêu là người, không kể thân bằng quyến thuộc, đến cầu cạnh, nhờ cậy ta giúp đỡ tiền bạc cũng không phải là ít! Thế mà con, con trai ta, là người xứng đáng thừa kế gia sản, từ nhỏ chí lớn, con chưa hề mở miệng hay gợi ý xin cha mẹ một vật gì, một sở hữu nào là tại làm sao?”

Thanh niên Raṭṭhapāla cúi đầu lễ độ, cất giọng ôn tồn đáp:

“- Thưa cha! Trông sắc mặt, dáng dấp của người đi xin vật này vật kia, không ai ưa thích, không ai có cảm tình cả. Còn về phần người cho, nếu cho, họ cũng bực bội, không hoan hỷ; nhưng nếu không cho, họ lại cảm thấy khó chịu, áy náy trong lòng. Vì nghĩ như thế nên con nguyện suốt đời không xin ai cái gì cả!”

Thế đấy, cả cha mẹ mình mà cũng không mở miệng xin, gợi ý xin! Nhờ cái trí ấy, cái tâm ấy, sau này, tỳ-khưu Raṭṭhapāla thà ăn nước cháo chua mà người tớ gái sắp đổ thải ra mương cống chứ không ghé gia đình để được ăn thượng vị loại cứng, loại mềm. Khi gia đình dụ dỗ bằng nữ sắc, bằng hai đống vàng, đống bạc, tỳ-khưu Raṭṭhapāla vẫn không động lòng.

Đức Phật lại kể chuyện tiếp. Tỳ-khưu Sāriputta trong một lần bị đau bụng quặn, dù ông ta đã dùng định lực trấn giữ cơn đau nhưng sắc mặt xanh mét và mồ hôi toát ra dầm dề.

Tỳ-khưu Mahā Moggallāna trông thấy bèn hỏi rằng:

“- Thưa sư huynh! Bệnh này dường như là tiền căn. Vậy khi còn ở tại gia, khi đau bụng phát sanh, sư huynh đã dùng thuốc gì để trị liệu?”

Tỳ-khưu Sāriputta đáp:

“- Thuở ấy, mẹ tôi thường nấu cháo gồm có gạo, đậu, sữa và gừng, ăn xong một bát là chấm dứt bụng quặn ngay!”

Có một vị trời nghe được tức khắc mách bảo cho thí chủ nên khi tỳ-khưu Mahā Moggallāna đứng bát nơi nhà một cư sĩ nọ, ông liền thọ nhận được món cháo đặc biệt ấy.

Khi tỳ-khưu Mahā Moggallāna dâng bát vật thực chữa bệnh thì tỳ-khưu Sāriputta từ chối, không thọ dụng, nói rằng:

“- Đức Tôn Sư có giáo giới, thân khẩu cử động có tội và thân khẩu cử động vô tội. Vật thực này, do mở miệng nói ra mà có, tức là khẩu cử động có tội nên tôi không thể dùng. Dù ruột tôi có đau đớn, có đứt thành bảy khúc, cũng quyết không tà mạng”.

Vậy thì đại chúng hãy ghi nhớ những chuyện ấy để làm gương. Ai không làm gương được thì “việc xin, mở miệng hoặc gợi ý” ấy sẽ trở thành pháp chế định tội tà mạng để công bố rộng rãi cho học chúng khắp mọi nơi.

Là tỳ-khưu tăng ni trong giáo pháp của Như Lai, mọi thức ăn, vật uống, chỗ ở, thuốc men, nơi ngủ nghỉ đều không được xin, không được mở miệng, không được gợi ý bằng cách này cách nọ với hai hàng cư sĩ. Tứ sự có được là do sự bố thí, cúng dường đúng pháp và luật, tức là do tình nguyện, tự nguyện và tâm hoan hỷ của nam nữ cận sự. Vậy mới được gọi là chánh mạng. Hãy như vậy mà y chỉ, mà phụng hành!



(1)Ngài Buddhaghosa giải thích: Con rồng này đi đâu cũng trang điểm ngọc maṇi - và đeo ngọc ấy nơi cổ (kaṇṭha) nên được gọi thành tên.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/10/2010(Xem: 3001)
Hằng Nga trong cung trăng: Theo sách của Hoài Nam Tử, Hậu Nghệ xin thuốc trường sinh của bà Tây Vương Mẫu, Hằng Nga là vợ của Hậu Nghệ uống trộm...
27/10/2010(Xem: 20284)
Mục đích của chúng tôi trong khi sưu tập những mẫu chuyện kể này là để mọi người thưởng thức những tinh hoa hay đẹp của giáo – lý qua những câu chuyện tươi sáng đẹp đẽ. Nếu công việc sưu tập ca – dao là một việc khó thì công việc sưu tập và trình bày những mẩu chuyện cổ của đạo Phật cũng là một việc khó khăn và đòi hỏi sự hợp lực của nhiều người. Hàng chục ngàn mẫu chuyện đạo, nào thuộc loại tiền thân, nào thuộc loại lịch sử, nào thuộc loại thí dụ, nào thuộc loại triết lý. . . những câu chuyện đó thật là phong phú và chứa đựng những tinh hoa của giáo - lý, từ - bi và trí tuệ. . . Ðọc những mẫu chuyện đạo ấy, không ai thấy chán nản cả. Các em thiếu nhi thích đã đành, người lớn chúng ta cũng vẫn thích và hơn thế nữa, lắm lúc cũng phải suy nghĩ nhiều để có thể hiểu được triết – lý của một câu chuyện. Chúng tôi sức lực không bao lăm thành thử trông mong rất nhiều ở các vị học giả thâm uyên và dày công nghiên cứu. Chúng tôi chỉ muốn làm công việc nói lên những nguyện vọng, và tr
22/10/2010(Xem: 3863)
Tại biên giới của tỉnh Tây Khương sát với Tây Tạng, có một bà lão sống cô độc, chồng và đứa con trai duy nhất của bà đã qua đời. Bà sống nhờ một thửa đất nhỏ trồng những hạt ngũ cốc. Vì cuộc đời đã trải qua nhiều gian truân từ nhỏ, bà lão cảm thấy nghiệp chướng trong người rất nặng nên đã cố công tìm hỏi những người chung quanh phương pháp chuộc tội để cầu xin cho tâm hồn được bình yên.
21/10/2010(Xem: 8391)
Bị xổng một lần trong khóa tu học kỳ 6 tại Bỉ, vì chọn ngày hè trật đường rầy (hãng tôi làm việc phải chọn hè từ đầu tháng 2); năm sau, tôi quyết tâm canh ngày giờ cho đúng để tham dự cho bằng được khóa tu học kỳ 7 tại Đan Mạch, do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu tổ chức.
19/10/2010(Xem: 7959)
Khi xe chúng tôi đến nơi, đồng hồ chỉ đúng 12 giờ khuya. Phòng ốc dành cho 300 giường đã không còn chỗ trống. Ban Tổ Chức đành trưng dụng phòng họp, phòng học - một cho phái nữ, một cho phái nam - với các tấm nệm lót dưới đất cho chúng tôi ngủ tạm. Giải quyết một lúc cho phái đoàn Thụy Sĩ 30 người - chưa kể các nước khác - đâu phải dễ. Vả lại đi chùa thì phải chấp nhận "ăn chay nằm đất". Nằm "đất" còn phải chịu, lựa là nằm "nệm", nên chúng tôi vui vẻ nhận lời, không than van gì cả. Mà than van nỗi gì được khi đã hiểu giáo lý (dù chút chút) của đạo Phật. Mọi sự phải do "duyên" mà có. Và "duyên" này khởi từ "nhân" chiều nay.
17/10/2010(Xem: 9458)
Hơn 6 tiếng xe lửa từ Aschaffenburg, tôi trở về đến nhà gần 10 giới tối. Lục đục tắm rửa, ăn chén súp nóng (do chồng nấu cho) huyên thuyên kể chuyện, rồi đánh răng... mãi gần 12 giờ khuya tôi mới lên giường đi ngủ. Sáng sớm hôm sau 6 giờ thức dậy sửa soạn đi... cày. Công việc ứ đọng của 2 ngày thứ 5, thứ 6 (lấy hè, cộng với công việc của thứ 2 đầy ắp trên bàn. Tôi một mình chịu trách nhiệm một phòng không ai thay thế). Ông xếp trước khi về văn phòng còn đứng đó chờ đợi, vẻ lo âu. Tôi trấn an ông:
17/10/2010(Xem: 4733)
Tết Trung Thu ăn vào ngày rằm tháng 8. Nguyên cuối đời nhà Tây Hán (206 trước 23 sau D.L.), Vương Mãng nhân được cầm giữ chính quyền...
17/10/2010(Xem: 2921)
Một vị thương gia lập nghiệp từ tay trắng, sau kiếm được rất nhiều tiền nhưng vì buôn bán trong thời kinh tế không ổn định, khiến anh ta trở nên phá sản, nợ nần chồng chất. Nghĩ mãi không tìm ra cách giải quyết, anh ta bèn ra bờ sông tự tử. Vào lúc canh ba một đêm nọ, anh ta đến trước bờ sông, bỗng nhiên nhìn thấy một thiếu nữ đang ngồi khóc thảm thiết, anh bèn đến hỏi cô gái: - Có chuyện gì mà đêm hôm khuya khoắt cô ngồi khóc một mình ở đây?
16/10/2010(Xem: 4075)
Hàng ngàn năm trước tây lịch, khi thổ dân Dravidian còn ngự trị khắp lãnh thổ Ấn Độ cổ thời, vùng phía tây Hy Mã Lạp Sơn là lãnh địa của rắn. Vốn là vùng rừng núi bạc ngàn nằm trên nóc nhà thế giới, Hy Mã Lạp Sơn là nơi thâm u bí hiểm với sơn lam chướng khí trùng trùng và vô số loài thú dữ cư ngụ sẵn sàng lấy mạng người để làm thức ăn. Thời đó, thổ dân Dravidian không có đủ vũ khí hùng mạnh để chống cự với các loài mãnh thú và tự bảo vệ mình. Từng người vào rừng săn tìm thức ăn đã không thấy trở về. Độc địa nhất không phải chỉ là những hổ, cọp, gấu, beo nằm lồ lộ chờ mồi bên bờ suối, dưới gốc cây hay trong khe đá, mà ngay bên dưới lớp lá khô mục của đường rừng là những loài rắn nguy hiểm chực chờ bước chân người.
16/10/2010(Xem: 3740)
Trong thiền không có đầu đuôi, khúc chiết, lý luận. Nó đập vỡ lý luận. Đó là thế giới lý tưởng của câu thơ lớp ba mồ côi luận lý. Thế giới của những câu cuối lấc cấc, mẹ gà con vịt. Đừng bắt tôi giải thích; hãy lang thang với tôi trong câu cuối của dăm ba chuyện thiền nổi tiếng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]