Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Truyện Cổ phần 05

18/10/201319:21(Xem: 2836)
Truyện Cổ phần 05

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 1
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 05


21/ Cứu vật, vật trả ơn - Cứu nhân, nhân trả oán
22/ Ðâu nguồn hạnh phúc
23/ Cặp mắt Thái tử Câu Na La
24/ Một câu đáng giá nghìn vàng
25/ Gương bố thí

Cứu vật, vật trả ơn - Cứu nhân, nhân trả oán

Xưa có vị quốc vương nước Thiên La, ông là một người thông minh, nên đã trực nhận: thế cuộc vô thường nhân sanh thống khổ. Liền từ bỏ ngai vàng với tình thương nhỏ hẹp để vào núi tu hành. Ở được 30 năm, bỗng một hôm nay có người đi săn ham đuổi theo một con nai, lỡ bước sa vào một cái hầm sâu, ở trước chỗ Ngài thường ngồi tham thiền; đồng thời có một con rắn một con chim, vì sợ hãi cũng đều rơi xuống đó, thân thể bị thương đau đớn vô cùng. Người trông lên cầu cứu kêu la thảm thiết. Vị đạo sĩ nghe tiếng kêu la, động mối từ tâm lấy đuốc soi xuống các nạn nhân đang gục đầu khóc lóc. Ngài đến bên hầm bảo rằng: “Các người hãy yên tâm, ta sẽ cứu các người thoát nạn”. Ngài liền đi kiếm dây thòng xuống, người, rắn, chim đều nhờ sợi dây đó mà lên, thoát khỏi tai nạn. Sau khi lên khỏi hầm cả ba đều thành kính lạy tạ và thưa rằng: “Thân mạng chúng con được sống ngày nay, là nhờ lòng hoàng từ phổ độ của Ngài, vậy chúng con xin trọn đời cung cấp các vật dụng Ngài thiếu thốn, để đền đáp công ơn trong muôn một!”. Ðạo sĩ nói: Ta là quốc vương trong một nước, trân bảo đầy kho, muốn gì cũng được, nhưng ta nhận thấy phú quí như ngục tù, tài sắc danh vọng là cạm bẫy đưa ta vào vòng tội lỗi, chúng nó là những lưỡi gươm sắn bén để giết đời ta, là những mũi tên nhọn để bắn vào tâm ta và cũng vì chúng ta lặn hụp mãi trong biển sanh tử, chịu đủ mọi điều đau khổ. Vì thế, ta phải từ giả xuất gia học đạo, ta nguyện chứng được đạo quả Vô thượng chánh biến tri để khai hóa chúng sanh trở về giác tánh, đâu phải ba người mà thôi?. Ngài nói tiếp: Từ nay các ngươi đền ơn ta, không gì quý hơn quy y Tam bảo, vâng lời Phật dạy, làm các việc lành.

Người thợ săn thưa: “Ở đời tuy có những nhà nho sĩ tích công lũy đức, làm lành tránh dữ, nhưng đâu bằng người Phật tử quên mình cứu người, mà không cần sự đền đáp của người chịu ân. Thâm ân của Ngài con không biết lấy gì đền đáp, song chỉ xin Ngài nếu thuận tiện quá bước đến nhà con, cho con cúng dường đôi chút”.

Chim thưa: “Con tên Bác, khi nào gặp việc gì cần đến con xin Ngài gọi đến tên con, con sẽ đến ngay”.

Rắn thưa: “Con tên Trành, nếu đạo sĩ có gì không hay xãy đến xin Ngài gọi tên con, con sẽ đến hầu”.

Thưa rồi cả ba đều từ biệt đạo sĩ ra về. Tình cờ một hôm đạo sĩ đến nhà thợ săn, người này vì lòng gian tham ám ảnh nên vừa trông thấy Ngài đi đàng xa, vội vàng bảo vợ: “Ngài đến kia sẽ không may cho ta, nếu ta có bảo ngươi làm thức ăn gì để cúng dường, ngươi hãy chậm chậm, vì quá ngọ thì ông ấy sẽ không ăn nữa”. Ðạo sĩ vừa đến nhà, hai vợ chồng thợ săn niềm nở tiếp rước, mời ở lại thọ trai nhưng dần dà nói chuyện mãi quá ngọ, Ngài phải về không.

Trở về núi thấy chim, Ngài gọi: Bác!… Bác!…

Chim thưa: “Ngài ở đâu về?”

- Ta ở nhà thợ săn về.

- Ngài đã thọ trai chưa.

- Nhà kia chưa kịp dọn thì đã quá ngọ, nên ta không ăn mà trở về đây.

Nghe vậy chim tức tối than rằng: “Thật người quá vong ân bội nghĩa!”. Rồi quay lại thưa với đạo sĩ: “Con không biết lấy gì để cúng dường Ngài. Mời Ngài ngồi đây con đi chốc lát sẽ trở về”. Chim liền bay vào hậu cung của vua nước Bà Già, thấy Hoàng hậu nằm ngủ, trên đầu có gài hột ngọc kim cương; chim tha về dâng cúng đạo sĩ. Hoàng hậu tỉnh dậy tìm ngọc không thấy, liền tâu vua. Vua truyền sắc trong nước: người nào tìm được ngọc trọng thưởng.

Ðạo sĩ khi được ngọc kim cương bèn nghĩ rằng: “Ta tu hành dùng gì đến vật này, thôi đem lại cho người thợ săn”. Người thợ săn biết là ngọc của vua, bèn trói đạo sĩ đem đến nộp cho nhà vua.

Vua hỏi đạo sĩ: “Nhà ngươi từ đâu đến mà được ngọc quý này?”.

Ðạo sĩ suy nghĩ: “Nếu nói sự thật thì loài chim trong cả nước nầy đều bị chết hết; nếu nói trộm được thì không phải người tu hành”, Ngài nghĩ vậy đành im lặng vui lòng chịu đựng sự hành phạt ngọn roi tàn nhẫn! Ngài không oán vua không thù người thợ săn. Trái lại, Ngài động lòng từ bi nên phát nguyện rằng: “Cho tôi được mau thành Phật để cứu độ các sự quả báo khổ não của anh thợ săn vì lòng tham ác đã gây nên, và tất cả chúng sanh hiện đang đau khổ”. Vua truyền đem chôn đạo sĩ chừa đầu lại sáng mai để giết.

Bấy giờ đạo sĩ gọi tên con rắn:

Trành! Trành… Rắn nghĩ: “Trong thiên hạ không ai biết tên ta, chỉ có đạo sĩ thôi, có lẽ cần gì đến ta chăng?”. Rắn vội vàng tìm đến, thấy đạo sĩ bị hình phạt như thế. Rắn đau đớn cúi đầu thưa rằng: “Vì sao Ngài bị mắc nạn này?”.

Ðạo sĩ kể tất cả nguyên do. Rắn rơi nước mắt thưa: “Lòng nhân đạo của đạo sĩ rộng lớn không bờ bến, mà còn gặp tai nạn như thế này, huống gì kẻ không đạo đức, thì tai họa lại sao tránh khỏi”. Rắn thầm nghĩ: ông vua nầy chỉ có một Thái tử rất cưng quý, ta sẽ vào cung cắn chết Thái tử rồi trở ra đưa thần dược cho đạo sĩ. Và dặn: “Hễ thấy đám Thái tử đi ngang qua, Ngài đem thuốc này cứu Thái tử, Ngài sẽ thoát nạn”.

Sau khi hay tin Thái tử chết, nhà vua đau đớn vô cùng, bèn truyền lệnh: “Người nào có tài năng làm cho Thái tử sống lại, ta xin chia một nữa nước”. Nhưng tất cả lương y trong nước đều bó tay. Nhà vua đành đem thây Thái tử vào núi để hỏa tang. Ðám đi ngang qua bên đạo sĩ, đạo sĩ hỏi: “Thái tử đau bệnh gì mà bỏ mạng chóng thế? Hãy thong thả tôi có thể cứu sống Thái tử”. Thị tùng nghe vậy vội vàng đến tâu vua. Vua rất mừng cảm động nói: “Nếu Ngài cứu sống con tôi, tôi sẽ xá tội cho Ngài và chia nước để Ngài làm vua”.

Ðạo sĩ lấy thuốc xoa khắp thân thể, bỗng nhiên Thái tử ngồi dậy: “Vì sao ta ở đây?”. Người hầu thuật rõ mọi việc đã xảy ra. Thái tử vui mừng trở về cung. Vua giữ lời hứa chia nửa nước cho Ðạo sĩ, Ðạo sĩ nhất định từ khước không nhận. Khi đó nhà vua tỉnh ngộ, Ðạo sĩ là người đã sống ra khỏi vòng danh lợi, bèn hỏi: “Ngài ở nước nào, và được ngọc ở đâu?”.

Ðạo sĩ thuật rõ đầu đuôi việc đã xảy ra. Nhà vua nghe rồi ăn năn cầu xin sám hối, rồi đòi thợ săn đến bảo: “Ngươi có công với nước, đem tất cả bà con đến đây ta sẽ trọng trưởng”. Khi đã đến đầy đủ vua truyền lệnh: “Vì ngươi đã bất nhân bội nghĩa, mà đạo sĩ gần thác oan, tội người rất nặng ta sẽ giết cả họ”. Lệnh vừa truyền ra, Ðạo sĩ vội đến can vua: “Chúng ta là kẻ trượng phu, không nên đem oán để báo oán, nên đem ân mà báo oán, oán ấy mới mong dứt được. Vậy xin bệ hạ hãy vì tôi tha cho tất cả những người nầy”. Vua nghe cảm động và mến phục đức nhẫn nại hy sinh cao cả của đạo sĩ. Liền ân xá cho những tội nhân ấy.

Ðạo sĩ trở về núi, tiếp tục tinh tấn tu hành, đến khi mạng chung được sanh lên cõi trời và lần lượt chứng thành đạo quả.

Nói đến đây, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni gọi các Tỳ kheo mà bảo: “Ðạo sĩ này chính là tiền thân của ta, chim là tiền thân của ông Thu Tử, rắn tức là A Nan ngày nay, thợ săn chính là Ðiều Ðat đó vậy”.

Thuật giả: Thể Thanh

Ðâu Nguồn Hạnh Phúc

Ánh tà dương dịu sáng, vui tươi, lan rộng giữa khoảng trời xuân êm ả. Gió muôn phương thổi lại, đem hương hoa về ướp thơm cảnh vật nơi vùng tịnh xá Kỳ Hoàn. Cỏ cây lành mạc đượm vẻ thái bình, thanh tịnh trong buổi chiều hôm. Ðó đây vài làn khói lam uốn éo vươn mình trên mấy túp lều tranh cũ kỹ. Xa xa một đỉnh núi cao của dãy Hy Mã Lạp Sơn đội xấp xỏa lùm cây trắng trông giống như ông lão bạc đầu.

Giữa khung cảnh thiên nhiên vừa êm đềm, vừa ẩn vẻ hùng tráng ấy, bốn thầy Sa môn cùng ngồi đàm luận dưới gốc cây cổ thụ. Trời xuân tươi đẹp như dục khách sanh tình, một vị bổng lên tiếng bảo: “Này các huynh đạo: thử nghiệm xem trong đời có điều chi đáng yêu và vui thích nhất?”. Nghe lời ấy ba vị đều tỏ vẻ tán thành, nói tiếp: “Hay lắm, chúng ta mỗi người nên suy nghĩ, rồi đưa ý kiến ra để giải đáp câu hỏi này, xem đằng nào hơn?”.

Sau vài phút trầm ngâm, vị thứ nhất bảo: “Vào tiết trong xuân, cây cỏ khoe tươi, muôn hoa cười nụ, tiếng chim líu lo trên cành bích, hương thanh phảng phất khắp nơi, phong cảnh thật là đẹp! Trong lúc ấy ví ta được thả thuyền nhẹ theo giòng nước hay mang theo bầu rượu đến sườn non, chắc trong đời không chi thú bằng!”.

Vị thứ hai đáp: “Cảnh gia đình sum họp vẫn là vui. Nhưng nếu thêm vào đấy những thức ngon, rượu quí, và tiếng sinh ca khoan nhặt lẫn trong tình thân mật, nét hân hoan thì tôi thiết tưởng hạnh phúc trên đời chỉ trong ngần ấy!”.

Vị thứ ba nói: “Tôi thấy: nếu ta được sinh trong dòng tôn quý giàu sang, ở lầu cao nhà rộng, sẵn tiền bạc nhiều ta muốn sắm món gì cũng tùy thích. Khi ra đường ta phục sức cực kỳ xinh đẹp, xuống ngựa lên xe. Lúc nào nhà ta gọi đến, lắm kẻ kính thưa hầu hạ. Trong cảnh đó thử hỏi còn chi hơn? Theo ý tôi đó là thú vui độc nhất”.

Vị thứ tư lại bảo: “Giữa đời, tiền bạc, quyền tước có lẽ còn dễ tìm hơn giai nhân. Riêng về tôi, người nào có được ba nàng hầu tuyệt sắc, kẻ ấy chưa chắc vua chúa sánh bằng! Còn thú gì vui hơn: Khi ngắm nét hoa tươi đẹp, bâng khuân dường lạc non hồng; lúc nghe giọng hát du dương; ngơ ngẩn như vào động bích. Lại còn lúc khi cùng người ngọc bàn câu phong tuyệt, cạn chén đồng tâm, chắc rằng hạnh phúc giữa trần hòan không qua mấy điều tôi đã kể”. Sau khi tỏ bày ý kiến, bốn vị đều cho chỗ nhận xét của mình là đúng, cùng nhau tranh luận phân vân.

Bấy giờ, cách đấy không xa, Ðức Phật đang đi kinh hành xung quanh Kỳ Hoàn tịnh xá. Nghe mấy lời ấy, Ngài động lòng thương xót, liền bước đến hỏi: “Các ông bàn luận chuyện gì thế?”. Bốn vị Tỳ kheo không dám che giấu, phải đem sự thật thưa lên. Ðức Phật bảo: “Những lời mà các ông vừa nói, đều là đường lối đi vào sự lo sợ, đau buồn không phải hạnh phúc lâu dài, chân thật, vì sao? - cảnh vật dù tươi đẹp trong mùa xuân, nhưng sang thu đông là phải tàn tạ héo khô. Thân quyến tuy sum họp vui cười, song có lúc đau khổ vì sinh ly tử biệt. Tiền của, ngựa xe là những vật không lâu bền, và khi chết ta không thể đem theo. Ðến như sắc dục là một mối nguy vô cùng nó làm cho con người thân thể suy mòn, tinh thần mờ mệt. Những cảnh hư nhà, mất nước đều từ ấy sinh ra. Tóm lại bao thú vui các ông vừa kể, đã mong manh ngắn ngủi, lại chính là nguyên nhân cho sự luân hồi đau khổ về sau. Chỉ có cảnh niết bàn là sáng suốt, thường còn, an vui, trong sạch. Ðấy mới chính là nguồn hạnh phúc chân thật lâu dài. Là Sa môn đã lánh trần tìm đạo, các ông đừng để cho sự vui giả dối ám ảnh, mà tiến theo con đường chân chánh, sáng suốt của mình”.

Tiếp theo mấy lời ấy, Ðức Phật lại nói kệ rằng:

Thương mừng sinh lo

Thương mừng sinh sợ

Biết rõ thương mừng

Ðâu còn lo sợ?

Ái dục sinh lo

Ái dục sinh sợ

Nếu không Ái dục

Ðâu còn lo sợ?

Ham muốn sinh lo

Ham muốn sinh sợ

Nếu không ham muốn

Ðâu còn lo sơ?

Ưa pháp trong sạch

Lòng thành, biết thẹn

Sửa mình gần đạo

Ðược chúng yên mến

Xa lìa thị dục

Nghĩ rồi mới nói

Lòng không tham ái

Sẽ thoát luân hồi

Ðức Phật lại bảo bốn vị Tỳ kheo: “Về kiếp trước có vị vua tên Phổ An, kết bạn với bốn ông vua bên nước láng giềng… Một hôm, vua Phổ An mời bốn ông bạn sang nước mình hội yến. Tiệc hoa kéo dài đến tận bốn tháng, tiếng ca nhạc, thức lạ ngon, đã làm cho tình thân hữu càng thêm đậm đà, khắng khít. Ðến ngày chia tay, vua Phổ An hỏi bốn bạn rằng: “Trên đời có thú chi vui nhất?” Bốn vị quốc vương đều theo chỗ ưa thích, tuần tự đưa ra mấy điểm sau này: Cuộc dạo chơi – Gia đình sum họp – Giàu sang - Sắc dục. Vua Phổ An nói: “Theo ý kiến tôi, những điều các ông bàn luận, đều là thú vui mong manh và nguyên nhân đau khổ, chỉ có đạo vô vi trong sạch là vui”.

Này các Tỳ kheo! “Vua Phổ An thuở trước chính là thân ta ngày nay; bốn vị quốc vương kia là tiền thân các ông đấy. Kiếp xưa ta đã giải rõ sự vui khổ, mà các ông còn chưa hiểu, nên mới trôi lăn mãi trong biển sanh tử cho đến đời nay. Nếu hôm nay các ông lại không cố gắng tu tỉnh thì bánh xe sống thác khổ đau chưa biết bao giờ dừng nghĩ”.

Nghe Ðức Phật nói, bốn vị Tỳ kheo hổ thẹn, sám hối khói tham dục tiêu tan, gương lòng lặng yên, trong sạch. Khi Ðức Phật trở ngót bước đi, không ai bảo ai, bốn người đều ngồi thẳng mình, để tâm vào cõi thanh nhàn, vắng lặng…

Chiều dương từ từ đi thẳng xuống phương đoài xa thẳm. Dạ thần cũng bắt đầu rủ màn âm u trên vạn vật. Giữa khoảng trống của hai quả núi bên chân trời tây, bỗng lộ ra nhiều vệt mây hồng rực rỡ, tạo nên một vẻ đẹp huyền ảo, thiên thần. Cùng trong lúc ấy, khi ánh sáng đời sắp tắt, ánh sáng đạo lại bật chiếu nơi tâm của bốn vị Tỳ kheo. Trong một buổi chiều xuân, họ đã tìm thấy nguồn hạnh phúc khơi dòng trong cảnh trời xuân bất diệt - trời xuân của ly dục và thanh đạm.

Thuật giả: Trí Hiền

Có thì sẽ mất

Giàu sang sẽ nghèo hèn

Tụ hội sẽ phân ly

Mạnh khỏe rồi sẽ đau chết

Cặp Mắt Thái Tử Câu Na La

Thuở xưa ở Ấn Ðộ có một ông vua tên là A Dục trị dân rất công bình. Hồi còn trẻ, tính Ngài hay giận dữ nhưng dần dần Ngài trở nên hiền từ dịa dàng. Nhờ gương sáng của Ngài, nhờ huấn dụ đưa ra, Ngài dạy cho dân tính nhã nhặn đối với mọi người và lòng bác ái đối với kẻ khổ sở. Ngài lập bệnh viện để chữa trị người bệnh, lập công viên để người và vật có chỗ nghĩ ngơi, sai đào giếng để khách bộ hành và vật khỏi bị khát nước, sai trồng hai bên đường những cây ăn quả và cây để làm thuốc.

Người con đầu tiên của Ngài có cặp mắt đẹp hiền từ như chim “Câu Na La”. Vì thế người ta gọi chàng là Câu Na La. Ðức vua rất đổi yêu mến, Hoàng hậu Liên Hoa là mẹ của Thái tử.

Hoàng hậu mất sớm. Nhưng Thái tử rất được vua cha yêu dấu và tin dùng. Lòng từ ái, tính dịu dàng và khiêm nhượng của Ngài làm nhân dân rất yêu mến và kính trọng. Vợ Ngài rất dịa dàng, bao giờ cũng làm vừa lòng Ngài, tên nàng là Ma Ða Vi.

Hoàng hậu mất, vua A Dục lấy một người vợ kiêu căng và độc ác tên là Xích Di. Sau khi nàng sanh được một con, nàng ước ao nó sẽ được nối ngôi thay chân Câu Na La, và tuy không để lộ ra một cử chỉ gì, lòng nàng rất ghét người con ghẻ.

Nhân khi vua mắc bệnh nặng, các thấy thuốc đành bó tay, nàng Xích Di tìm cách chữa khỏi, vua tỏ ý muốn tạ ơn nàng, nàng xin vua cho con nàng được nối ngôi. Thật éo le cho vua A Dục. Ngài rất làm buồn rầu vì không thể chiều lòng ân nhân, và Ngài nhắc lại lời hứa với chánh hậu lúc lâm chung là chỉ truyền ngôi cho Thái tử Câu Na La mà thôi. Ngài nói: “Ta có thể bỏ ngôi báu chứ không thể phụ lời hứa được”.

Thấy chuyện không lành, Xích Di xin vua cầm quyền chánh một ngày mà nàng sẽ định sau. Vua nghe lời, và nàng định nhân dịp ấy mà làm những việc ghê gớm.

Trong nước có một thành gọi là Ðắc Xô Thi La nổi lên chống lại các quan cai trị của nhà vua. Chính hoàng hậu Xích Di cũng dính vào việc ấy. Thật thế, trước hết nàng cho các quan tiền rồi bảo lấy thuế dân thành ấy thật nặng, sau xúi dân nổi lên làm loạn. Hoàng hậu xúi dân nên yêu cầu vua cho Thái tử Câu Na La ra cai trị thành ấy, lấy cớ rằng chỉ có Thái tử là công bình mới đẹp loạn được. Sáng hôm sau các đại biểu thành Ðắc Xô Thi La đến để yêu cầu việc ấy, Xích Di tâu vua cho được tự tiện dùng ấn của Ngài, là cái ấn dùng để niêm phong những sứ mệnh gởi đi. Thế tức là nàng nắm được quyền hành trong ngày ấy.

Rồi các đại biểu, Hoàng hậu tán thành lời yêu cầu của họ, tâu vua rằng chỉ có Hoàng tử được dân khâm phục và vì thế đưa dân đến chỗ bình an mà không có cuộc bạo động vì. Vua nghe lấy làm bối rối, vì Ngài nghi Hoàng hậu có manh tâm.

Có gì nguy hiểm bằng sai Thái tử đến một thành phiến loạn.

Thấy vua lo âu, Hoàng hậu giả vờ đau đớn nói rằng: “Nếu nhà vua còn nghi ngờ lòng nàng thì từ nay nàng không nói gì nữa”. Rồi nàng giả bộ giận dỗi trả ấn lại cho vua, vì nàng biết thế nào vua cũng không nỡ thu. Thật thế, vua A Dục trọng lời hứa không dám lấy ấn lại. Thái tử cũng một mực xin đi, Ngài phải bằng lòng. Nhưng muốn chắc chắn Ngài định cho một đội quân đi hộ thân Hoàng tử. Hoàng tử từ chối việc ấy, vì ngài nghĩ muốn tránh sự đổ máu, phải hành động rất mau: Nếu đi với đạo quân thì mất nhiều thì giờ. Ngài lại nói rằng: “Nào phải thấy gươm giáo như rừng, nghe tiếng ngựa hý, voi gầm, tiếng xe, tiếng trống, tiếng kèn, mà yên nhân tâm được đâu”.

Vua không nói gì nữa. Thái tử từ giã Ngài, từ giã nàng Ma Ða Vi rồi một mình cỡi ngựa Ma Ðăng La phi đi mau như gió. Chàng có ngờ đâu sau lưng chàng có người kỵ mã phóng nước đại. Ðó là người rất trung thành với Hoàng hậu, đương mang trong mình một sứ mạng có niêm ấn vua kỷ lượng.

Thái tử cưỡi bạch mã đi mau như bay. Hai bên đường làng mạc núi đồi đồng lúa rừng xanh như thụt lui lại. Nhưng cái tên chàng còn đến nhanh hơn, vì nhân gian mong ngài đến lắm. Họ sửa soạn tiếp chàng. Kẻ thì rắc hoa xuống đường, kẻ thì hái quả đến hiến, đâu đâu cũng dậy tiếng hoan hô. Nhân dân xin Thái tử tha tội vì dân chúng không dám nổi lên chống vua, mà chỉ vì bọn tham quan ô lại. Nghe tiếng kêu vang. Ngài lấy làm thương hại tha lỗi mà đi vào thành giữa tiếng nhạc vang lừng. Thái tử đặt lại thuế má chọn người công bình ra trị dân; dân lấy làm mừng rỡ và phái đại biểu về tâu vua tỏ bụng trung thành, và ca tụng Thái tử đã đưa lại sự yên ổn.

Thành Ðắc Xô Thi La đang vui vẻ thì bỗng nhiều người cưỡi ngựa theo Thái tử vừa đến, và giao cho công chức trong thành một cái dụ. Mở ra xem ai nấy sửng sốt sợ hãi vì đạo dụ ra lệnh: “Phải móc mắt Thái tử Câu Na La kẻ thù lợi hại của nhà vua và là kẻ làm nhơ nhuốc nòi giống”. Ðạo dụ lại nói rằng khi đã làm hình phạt ấy rồi, không được người dân nào cứu giúp Thái tử và cấm không được nói đến tên Ngài nữa.

Các viên chức không dám cho Thái tử biết đạo dụ vô nhân đạo ấy. Sau một đêm lo ngại, họ nói với nhau rằng: “Nếu ta không tuân lệnh sẽ bị nhiều nguy hiểm. Ðến Hoàng tử là người tốt đối với tất cả thiên hạ mà nhà vua còn bắt tội nữa là chúng ta”.

Ngày mai họ dâng đạo dụ lên cho Hoàng tử. Ðọc xong Ngài nói: “Ðây chính là lệnh của nhà vua, vì có niêm ấn rõ ràng, các ngươi cứ thi hành theo lệnh ấy”.

Ngài cũng biết rằng vua cha chẳng bao giờ có ra lệnh hành hình con, đó là chỉ do Hoàng hậu, nhưng đã có niêm ấn thì phải tuân theo.

Dân gian được tin sẽ thi hành mệnh lệnh tại một khoảng đất giữa thành phố. Ðến giờ đao phủ được lệnh móc mắt Thái tử, nhưng bọn này chỉ chấp tay cung kính xin chịu: “Chúng tôi không ai đủ can đảm làm việc ấy”.

Thái tử tháo chuỗi ngọc mang trên đầu đưa cho đao phủ nói rằng: “Ðây là tiền thưởng cho các ngươi để làm tròn phận sự”. Chúng vẫn một mực từ chối. Sau cùng có một người hình thù quái gở, đến xin thay chân bọn đao phủ. Nhưng anh này cũng không có gan dùng tay móc mắt. Anh ta đốt một đống lửa lớn nung một thanh sắt đỏ rồi lại gần Thái tử. Thái tử ngồi tự nhiên để đốt cặp mắt. Cảnh tượng bấy giờ thật là đau đớn đến nổi hằng nghìn người chung quanh đều khóc vang lên.

Hành hình xong, Thái tử một tay chống lên người kia, một tay ra hiệu bảo mọi người chung quanh yên lặng. Thái tử khuyên phải xa Ngài ra không được cứu giúp Ngài và kêu tên Ngài, y như trong đạo lệnh. Họ cúi đầu vừa đi vừa khóc, trong lúc ấy Thái tử nằm phục xuống đất. Nghe nắng dội nóng, Ngài lê đến một chỗ có bóng mát để nghỉ.

Lâu lắm, chung quanh Ngài yên tịnh không một tiếng động, bỗng Ngài nghe tiếng chân ngựa dậm gần đến rồi có tiếng kêu thảm thiết.

Nhận là con ngựa Măng Ða La, Ngài nói: “Còn con nữa, con cũng nên bỏ thầy con”.

Con ngựa quanh quẩn vài lần rồi đi xa, ra khỏi thành phố, một mình lủi thủi trở lại con đường mà nó đã vui vẻ đưa Thái tử đi.

Mặt trời lặn. Một vài ngườI động lòng muốn giúp Ngài. Song đã có lệnh cấm, họ đành đứng xa nhìn nhau lắc đầu. Sau mãi một bà lão nghèo đi lại gần Ngài lấy nước rửa chỗ đau và lấy cỏ băng lại; bà đỡ Ngài dậy, dìu ra khỏi cổng làng rồi đành thở dài trở về.

Trong lúc Thái tử đang đau đớn, thì đại biểu thành Ðắc Xô Thi La được vua tiếp đãi ân cần. Thấy nói Thái tử được tung hô tôn trọng, lòng nàng Ma Ða Vi cũng bớt lo sợ, vì nghe chồng nàng phải đi dẹp loạn nàng vẫn áy náy không yên.

Mấy ngày sau, sốt ruột nàng đi đến chỗ nàng từ biệt chồng; qua ngày thứ ba, nàng bỗng thấy con ngựa Ma Ða La trở về một mình. Một tư tưởng ghê gớm thoáng qua óc nàng; rồi như cây gỗ bị đốn gốc, nàng ngã xuống bất tỉnh.

Tỉnh dậy nàng nghĩ rằng có lẽ chồng nàng đã bị dân nổi loạn giết chết. “Sao ta lại không tin chồng ta còn sống?” Nếu chưa được tin chắc chắn, sao ta không đi tìm chồng”. Nghĩ vậy nàng không để mất một phút, trở về cung, trút bỏ đồ trang sức, ăn bận như người thường dân rồi trốn đi tìm chồng nàng không dám cho vua biết, sợ vua vì thương mà cầm lại chăng.

Nàng lủi thủi đi về phía thành Ðắc Xô Thi La, ruột đau như cắt, dọc đường gặp ai nàng cũng hỏi có gặp Thái tử không? Ði ngày này sang ngày khác chẳng được tin gì cả.

Một buổi sáng vừa ra khỏi chỗ trú đêm, nàng liền gặp một người nông phu đang gieo mạ. Người ấy nói lúc rạng đông, nhân đi qua đám rừng nhỏ thấy một người trẻ tuổi mù mặc áo ra dáng ông hoàng; người nông phu liền cho người ấy mấy quả cây hái trong rừng và một chén nước lã.

Nàng Ma Ða Vi liền đến chỗ ấy thì nàng thấy Câu Na La một mình ngồi trên đá. Nhưng đau đớn thay, cặp nhỡn tuyến của chàng đã tắt hẳn. Nàng khóc nức lên và quì trước chàng nghẹn ngào, cầm lấy tay chàng hôn. Nghe nước mắt nhỏ xuống tay, Thái tử cảm động, đoán là nàng Ma Ða Vi. Nhưng chàng chưa dám tin. Ðến khi nghe rõ tiếng nàng thì không còn nghi ngờ gì nữa. Chàng bảo nàng ngồi xuống; trong lúc đang đau khổ ấy, được gặp người thân yêu, nỗi vui mừng khôn xiết.

Thái tử thuật lại cho vợ nghe những chuyện xảy ra. Rồi nàng đỡ chàng đứng dậy đưa chàng cùng về ra mắt vua cha.

Về phần vua A Dục từ khi được tin con ngựa Ma Ða La về một mình và nàng Ma Ða Vi đi trốn, Ngài rất lo ngại. Tức khắc sai sứ về thành Ðắc Xô Thi La để hỏi tin Thái tử và tìm nàng Ma Ða Vi. Nhân dân trong thành, thấy vua lo ngại cho Thái tử liền hiểu họ bị cái dụ đầu tiên lừa. Sợ bị nghiêm trị, họ bèn tìm cách lừa sứ giả rằng Thái tử đã một mình về triều. Dân chung quanh không dám hé răng, vì chúng biết rằng nói sẽ bị trừng phạt. Sứ giả nghi dân đã giết Thái tử nhưng không cớ chứng cớ gì đành trở về.

Trong khi ấy hai vợ chồng Thái tử cùng dắt nhau về kinh. Bấy giờ Thái tử đã trút bỏ bộ quần áo ông hoàng mà khoác đồ rách rưới vì trong cảnh ấy đồ trang sức chỉ làm thêm đau lòng. Ði qua làng hai vợ chồng cất tiếng hát trong trẻo dịu dàng, dân làng động lòng đưa cho đồ để ăn uống.

Một ngày kia hai người đến cung điện nhà vua. Lính canh cửa thấy người lam lũ nên không cho vào. Nhưng thấy cảnh thương hại áo rách bùn lầy bụi bậm nên cho vào trú trong chỗ chứa xe. Mỏi mệt hai người ngủ thiếp. Ngày mai vua A Dục đương buồn rầu nghĩ đến con thì ngài giật mình vì nghe tiếng hát quen tai; đó là tiếng hát của Thái tử ở trong nhà chứa xe. Vua nhận ra là tiếng con, nhưng còn sợ lầm. Ngài sai ra hỏi xem ai hát. Cận thần tâu rằng: đó là tiếng hát của người ăn mày mù, đi với một người vợ. Vua liền sai dẫn cặp vợ chồng kia đến sân rồng. Thoạt đầu thấy người ăn mặc rách rưới vua còn nghi ngờ chưa dám nhận là con nhưng hộ mặt hiền từ phúc hậu kia thật là của Thái tử, còn lầm sao được. Hơn nữa dầu nàng Ma Ða Vi áo quần thô kệch cũng còn dễ nhận. Vua đưa mắt nhìn dâu, nhìn con rồi ôm choàng cả hai mà khóc nức nở.

Một hồi lâu vua mới định thần lại, hỏi vì sao Thái tử mắc nạn. Khi hiểu nguyên do, vua nổi giận, hỏi rằng: “Ðứa nào dám dùng ấn của trẫm để làm việc tày trời kia?”. Thái tử ngồi im, vì chàng không muốn nói vì sợ Hoàng hậu bị nghiêm phạt, hỏi mãi, nàng Ma Ða Vi mới nhắc lại cho vua hay rằng Hoàng hậu Xích Di có được phép dùng riêng ấn vua trong một ngày. Ðã nhiều lần vua nghi Hoàng hậu có bụng ác với Thái tử. Vì Ngài nghĩ rằng, Hoàng hậu muốn con được nối ngôi tức là muốn trừ Hoàng tử Câu Na La; tuy nghi vậy Ngài vẫn không dám tin. Nhưng bây giờ sự đã rõ ràng, Ngài liền truyền lệnh vời Hoàng hậu đến.

Về phần Hoàng hậu, từ khi thi hành được thủ đoạn, mất ăn mất ngủ; hễ chợp mắt là thấy hiện ra cảnh mắt Thái tử bị hành hình. Thế rồi vừa tỉnh dậy vừa la. Nàng lo rằng tội nàng sẽ có ngày tiết lộ. Nàng tưởng tượng rằng từ vua chí dân, lính tráng, quan lại ai cũng nhìn thấu rõ tâm can mình, khiến nàng càng thêm khắc khoải lo sợ.

Khi có lệnh đòi, nàng đoán biết là việc bại lộ, lúc thấy các tội ác của mình, nàng hối hận nhưng không nói ra tiếng nữa chỉ cúi gầm mắt xuống, đợi lời tuyên án. Thái độ ấy rõ ràng hơn lời thú tội.

Vua A Dục nổi giận mắng lớn và truyền rằng trước khi đưa Hoàng hậu ra chém còn bắt chịu nhiều cực hình đau khổ đã. Thái tử tâu xin vua mở lượng từ bi giảm tội cho nàng. Nhưng vua vẫn không nghe. Thái tử bèn quỳ xuống nói rằng: “Tâu lạy phụ vương, nào phải một mình Hoàng hậu phạm tội đâu! Ðó chỉ là kiếp trước con làm nhiều tội ác, nên nay bị nghiệp báo thôi. Ðã từ lâu con cố nhớ xem lại kiếp trước con đã tạo nên tội ác gì nhưng mãi đến tối hôm qua, con mới nhớ rõ…”

Vua ngắt lời: “Như con thì có tội gì, con là người tốt nhất trên đời!”. Thái tử cảm động đáp: “Một người hiền lương chưa hẳn là vô tội. Vì nếu kiếp này ăn ở hiền lành, nhưng kiếp trước bạc ác thì cứ phải chịu quả báo. Tâu phụ vương, thuở xưa, có một người đi săn, một hôm thấy năm chục con dê rừng trong núi, liền lung núi bắt hết. Anh ta nghĩ rằng nếu giết hết thì tiêu thụ làm sao cho hết, chi bằng ta móc mắt chúng đi, chúng không trốn được, ta sẽ lần lượt đưa từng con tới tỉnh mà bán. Nghĩ thế anh ta không ngần ngại liền dùng tay móc mắt chúng đi rồi thả vào hang núi để bán dần. Người đi săn ấy là tiền kiếp của con. Người đi săn ấy đã làm đau khổ năm mươi chúng sanh, ngày nay là ngày cuối cùng người ấy trả nợ vậy”.

Vua nghe lấy làm cảm động, nhưng còn phân vân chưa tin thì Thái tử ngồi ngay ngắn lại, chắp tay trước ngực mà nói rằng: “Nếu lời tôi nói đúng sự thật thì xin Phật chứng minh cho và mắt tôi sáng lại”.

Lời nói vừa dứt, mắt Thái tử bỗng sáng như thường, vua A Dục và nàng Ma Ða Vi xiết bao vui mừng.

Vua dẹp giận ra lệnh ân xá cho nàng Xích Di, chỉ buộc nàng phải tìm chỗ yên để sám hối tội lỗi. Vua từ đó ngôi báu vững vàng, còn Thái tử được chính thức phong Ðông cung để nối ngôi sau và nàng Ma Ða Vi sẽ là Hoàng hậu.

Thái tử Câu Na La là tiền thân Phật Thích Ca vậy.

Trích: Phật Pháp

Tạo một nghiệp nhân gì, dù lâu đến trăm ngàn kiếp cũng không mất, hễ đủ nhân duyên rồi, thì mình phải chịu quả báo.

Một Câu Ðáng Giá Nghìn Vàng

Ðời xưa có một nhà triết lý treo biển giữa chợ nói: “Ai chịu hễ một trăm lạng vàng thì sẽ dạy cho một bài học rất hay!”. Một vị quốc vương lúc ấy đi dạo chơi, thấy biển đó, động lòng hiếu kỳ, liền đem một trăm lạng vàng cho nhà triết lý để xin một bải học, thì nhà ấy chỉ dạy cho một câu: “Phàm làm việc gì trước phải nghĩ đến kết quả”.

Câu ấy giản dị đến nổi phần đông cận thần của vua bĩu miệng trề môi cho giá một trăm lạng vàng là quá đáng. Nhưng sau khi ngẫm kỹ, vua nhận thấy lời ấy rất hay và truyền khắc câu ấy trên các tấm cửa cung điện và các đồ khí dụng của vua, để hằng ngày nhớ mãi không quên. Nhờ một câu ấy mà vua xóa bỏ được nhiều điều tệ, phát minh được nhiều điều hay về chính trị làm cho nước mỗi ngày mỗi thêm thịnh vượng.

Thời ấy có những bậc Hoàng thân thấy Thái tử còn nhỏ, muốn gấm ghé ngôi báu, nên âm mưu làm nhiều điều thí nghịch, họ lo lót với một quan ngự y để đầu độc vua trong những khi đau ốm.

Một hôm, vua se mình đòi quan ngự y đến làm thuốc, quan ngự y chế thuốc độc sẵn, rót vào chén ngự để dâng vua. Nhưng may thay, trong lúc quan ngự y lại thấy nơi chén câu cách ngôn: “Phàm làm việc gì trước phải nghĩ đến kết quả”. Ngự y giựt mình, nghĩ đến kết quả, thấy sự thí nghịch chẳng những làm cho mình phải tru di tam tộc, mà còn gây biết bao tai họa cho thần dân, nên liền hối quá, đem tất cả việc đầu độc thí nghịch tâu cho vua rõ. Nhờ sự thú nhận, mà cả bọn gian đảng đều bị tiểu trừ mà ngôi vàng càng thêm bền vững…

Trích báo: Viên Âm

Muốn biết nguyên nhân thời kỳ đã qua, thì nên xem kết quả hiện tại đương thọ.

Còn muốn biết kết quả về sau thế nào, thì nên xem cái nhân hiện tại đương làm.

Gương Bố Thí

Ngày xưa có một vị Bồ tát, nhân thấy cuộc đời vô thường cho đến cả thân mạng và của cải cũng vậy. Nên Bồ tát phát tâm dõng mãnh đem tất cả sản nghiệp của mình bố thí.

Trong khi bố thí Bồ tát không phân biệt người oán kẻ thân, miễn thấy ai thiếu thốn khổ sở là Ngài đem lòng thương xót và tận tâm giúp đỡ. Cũng vì thế, nên lòng nhân từ của Ngài vang khắp mọi nơi, và ai nghe đến tên Ngài cũng đều cảm phục.

Nhân đó, một vị Thiên đế Thích chưởng quản Dục giới sanh lòng ghen ghét lo sợ. Ông ta thầm nghĩ: “Nếu vị Bồ tát này tu hạnh bố thí quảng đại như vậy không bao lâu phước đức của người sẽ hơn ta và khi ấy địa vị Thiên Ðế Thích này chắc gì ta giữ mãi được”. Nghĩ thế rồi; Thiên Ðế Thích bày mưu kế để lung lạc hạnh bố thí của Bồ tát. Ông bèn dùng thần thông hóa hiện một cảnh địa ngục ghê rợn trước mắt Bồ tát và trong địa ngục ấy, một tội nhân đang bị hành hạ khổ sở… Thấy tội nhân bị hành hạ Bồ tát thấy làm đau đớn thương xót trong khi ấy thì Thiên Ðế Thích kia liền đến chỉ vì chuyên tu hạnh bố thí, nên ngày nay y phải chịu quả báo đau khổ và nếu ngươi tu hạnh bố thí, thì sau này khi mạng chung, ngươi cũng phải đọa vào địa ngục này để chịu mọi điều đau khổ như thế. Vậy, ngươi còn muốn tu hạnh bố thí nữa không?”.

Nghe Thiên Ðế Thích nói, Bồ tát rất ngạc nhiên, và bảo với Thiên Ðế Thích rằng: “Tôi chưa hề nghe ai nói bố thí mà bị đọa vào địa ngục và chịu mọi đau khổ!”. Ðế Thích trả lời: “Nếu ngươi không tin, thì ngươi thử đến hỏi tội nhân ấy”. Bồ tát liền đến hỏi tội nhân: “Ngươi vì duyên cớ gì mà phải chịu hình phạt như thế?”. Tội nhân trả lời: “Cũng vì lúc sanh tiền có bao nhiêu tiền của tôi đều đem giúp hết cho người, nên nay tôi chịu quả báo đau khổ ở đây”. Bồ tát lại hỏi: “Nếu ngươi đem tiền của bố thí mà nay phải chịu quả báo đau khổ, vậy những kẻ được bố thí thì sao?”. Tội nhân đáp: “Những kẻ được bố thí, sau khi mạng chung sẽ được sanh lên cõi trời hưởng quả báo an vui”.

Nghe vậy Bồ tát vui vẻ nói: “Sở dĩ ta đã bố thí là vì muốn cho chúng sanh thoát khổ được vui… Nhưng nếu vì bố thí mà thân ta phải đọa vào địa ngục để chịu muôn ngàn đau khổ, ta cũng vẫn vui lòng. Vả lại cứu giúp chúng sanh mà thân mình bị đau khổ cũng là điều rất thường đối với Bồ tát”.

Thiên Ðế Thích nghe vậy, rất lấy làm cảm phục và cung kính hỏi rằng: “Vì chí nguyện gì mà người có những hành động quả cảm như thế?” Bồ tát trả lời: “Chí nguyện của ta không ngoài mục đích cầu Phật đạo để cứu khổ chúng sanh”.

Sau khi biết rõ chí nguyện của Bồ tát, Thiên Ðế Thích tự thấy hối hận, liền thành kính đến quì trước Bồ tát: “Thưa Ngài chỉ vì nghiệp chướng mê mờ, sợ mấy quyền vị Ðế Thích nên tôi giả bày cảnh địa ngục ấy, để hầu lung lạc chí nguyện bố thí mà phải chịu quả báo đau khổ! Nghĩ lại hành động lỗi lầm của tôi, tôi rất hổ thẹn và đau đớn. Vậy trước Ngài tôi xin sám hối và xin nguyện sẽ mãi mãi noi gương bố thí cao quý của Ngài; và nguyện sẽ hết lòng giúp đỡ những ai trong cõi Dục giới này, phát tâm tu hạnh bố thí.”

Thuật giả: Chơn Trí

Sướng gì hơn sướng làm lành

Cho bao nhiêu của để dành bấy nhiêu


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/03/2022(Xem: 6701)
Trong lúc còn trụ thế, Đức Phật có 10 đệ tử rất xuất sắc. Thuở đó, Phật đã khen mỗi vị giỏi nhất về một lãnh vực, nhưng không đánh giá vị nào đứng nhất, vị nào đứng nhì, ba... trong tăng đoàn. Điều này thật dễ hiểu: đã đắc quả Chánh Đẳng Chánh Giác thì vị nào cũng giỏi cả. Giả sử có dịp ngồi bên nhau, hẳn mười vị A-la-hán này sẽ không bao giờ nhận mình là người giỏi. Thế thì có ai dám nói mình là “người giỏi hơn người”!
28/03/2022(Xem: 8380)
Truyện Tranh LỊCH SỬ PHẬT THÍCH CA là chuyện kể về đời một danh nhân, một ông hoàng vương giả, đã tự mình tìm ra pháp Bất Sanh Bất Diệt và trở thành bậc Thánh ngay giữa lòng nhân sinh cách đây trên 26 thế kỷ. Từ đó đến nay tuy cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng đời sống, nhân cách và tư tưởng của Ngài vẫn là ánh sáng, niềm tin trong tâm hồn của những người yêu Chân, Thiện.
19/03/2022(Xem: 3134)
Trong nhà một nhóm ngồi quanh Phẩm bình đức hạnh một anh ở ngoài Một người lên tiếng chê bai: “Anh này mọi việc trên đời đều hay
19/03/2022(Xem: 5024)
Thuở xưa có một anh kia Nấu đường cát trắng chuyên nghề đã lâu Một hôm đang bận, chợt đâu Có ông khách nọ sang giàu đến thăm
13/03/2022(Xem: 18308)
Hành hương và chiêm bái Phật tích Ấn Độ là nhân duyên hy hữu và là một ước mơ ngàn đời của người đệ tử Phật trên khắp năm châu bốn bể. Nay ước mơ đó đã đến với Tăng Ni và Phật tử Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu. Như chương trình đã sắp đặt trước cả năm, phái đoàn hành hương Ấn Độ gồm 51 người do Tu Viện Quảng Đức tổ chức đã lên đường đúng vào ngày 7-11 năm 2006. Phái đoàn do Đại Đức Phó Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng, Sư Cô Hạnh Nguyên và Đạo Hữu An Hậu Tony Thạch (Giám đốc công ty Triumph Tour) hướng dẫn cùng với 38 Phật tử từ Melbourne, 6 từ Sydney, 1 từ Perth và 5 đến từ Texas, Cali, Hoa Kỳ.
10/03/2022(Xem: 2323)
Cột điện trong làng xuất hiện dòng chữ lạ, vài ngày sau, bà lão mù đã thực sự đổi đời.Dòng chữ trên cột điện viết gì mà một bà lão nghèo và bị mù lòa trong làng lại đứng trước cơ may đổi đời như vậy? Một hôm, đang đi trên đường, 1 người đàn ông bỗng nhìn thấy trên cột điện có 1 mảnh giấy viết mấy dòng chữ. Tò mò, anh ta đến gần để đọc thì thấy nội dung thế này. "Hôm qua, tôi có đánh rơi tờ 50 rupee trên con đường này, nhưng vì mắt tôi không nhìn rõ cho nên không thể tìm ra nó. Vì thế, nếu ai có nhìn thấy thì hãy cho tôi xin lại nhé. Đây là địa chỉ của nhà tôi..."
12/02/2022(Xem: 6944)
Năm 2011 Tu Viện Quảng Đức lần đầu tiên tổ chức chuyến Hành hương Nhật Bản và Đại Hàn, nhưng năm đó Nhật có biến cố động đất và sóng thần nên lịch trình hành hương trên xứ Nhật bị hủy bỏ. Cho đến nay sau 7 năm, Thầy Trụ Trì Thích Nguyên Tạng và anh Tony Thạch, Giám đốc Công Ty Du Lịch Triumph Tour, lại một lần nữa tổ chức chuyến Hành Hương Chiêm Bái Danh Lam Phật Giáo tại Nhật và Đại Hàn trong thời điểm đầu tháng Tư theo lời yêu cầu của nhiều Phật tử, ngõ hầu xuyên qua những danh lam Phật Giáo mà đoàn đến chiêm bái, đoàn còn được chiêm ngưỡng những cảnh trí đẹp tuyệt vời được tô điểm bởi hương sắc nhẹ nhàng của hoa Anh Đào.
08/02/2022(Xem: 6608)
Hai năm trước, khi tin Hòa Thượng Thích Minh Tâm viên tịch lan truyền khắp năm châu, ai ai cũng ngỡ ngàng thương tiếc. Hầu như các tự viện trên thế giới đều tổ chức lễ tưởng niệm tri ân Ngài. Tu Viện Quảng Đức cũng không ngoại lệ, buổi lễ truy niệm đã được tổ chức một cách trang nghiêm, trọng thể. Sau đó TT Thích Nguyên Tạng đã lên chương trình Hành Hương Âu Châu vào cuối tháng 7 năm 2015, với mục đích chính là tham dự lễ Đại Tường Tưởng Niệm HT Thích Minh Tâm, đồng thời dự lễ Khánh thành Chùa Khánh Anh. Phật tử TVQĐ thật hoan hỷ với tin này và đã cùng nhau lập ra kế hoạch tiết kiệm để tham dự chuyến Hành Hương Âu Châu.Thời gian hai năm tưởng là lâu, nhưng thoắt một cái ngày đi đã gần kề, mọi người nô nức chuẩn bị hành trang để lên đường. Phái đoàn Hành Hương có 83 người gồm:Melbourne: 38 người; Sydney: 21 người; Perth: 9 người;Adelaide: 5 người.
07/02/2022(Xem: 17223)
Kính đa tạ Thầy đã giới thiệu 14 lời vàng của HT Thích Trí Tịnh (1916-2014 ) một Bồ Tát thị hiện đã mang kho tàng kinh các đến với Phật Tử VN trong và ngoài nước nhưng cuối cùng di chúc để lại cho đời chỉ vỏn vẹn 14 lời vàng này lại là Kim Chỉ Nam cho những ai muốn tu tập giải thoát ( LÀM LÀNH-LÁNH DỮ-THƯƠNG NGƯỜI- THƯƠNG VẬT-ĂN CHAY-NIỆM PHẬT -TỤNG KINH ) và Bộ Toàn tập Kinh Hoa Nghiêm 4 quyển cũng như Ngũ Kinh Tịnh Độ mà Ngài đã thọ trì hằng ngày từ A lại da thức khởi phát.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567