Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương mười chín

14/10/201311:35(Xem: 12073)
Chương mười chín
coitroi2



Chương mười chín

Từ bệnh xá, tôi trở về phòng giam vào chiều thứ ba. Hôm sau, ông Đại vào phòng thông báo là có một công tác đặc biệt đòi hỏi nhiều nhân công trong những ngày sắp tới. Vì vậy, lệnh của ban Chỉ huy Khu C là tháo cùm cá nhân cho thành phần tù chính trị chúng tôi để có thể dễ dàng tham gia công tác đặc biệt đó.

Cùm cá nhân là loại cùm mà ngày đầu tiên chúng tôi nhập trại đã bị đóng cho mỗi người một cái ở cổ chân phải và đeo mãi bên mình suốt gần một tháng nay (phân biệt với “cùm tập thể” là loại cùm ở cổ chân trái, xỏ chung một thanh sắt dài với 29 người khác cùng phòng giam). Ngay tối hôm ấy, tại phòng giam, chúng tôi được ban Chỉ huy Khu C mang kềm búa đến tháo bớt một cùm. Thật nhẹ nhàng làm sao! Chưa ra khỏi nhà tù mà chúng tôi đã thấy hân hoan mừng rỡ vô cùng, bởi vì cái cùm cá nhân nặng trịch này làm phiền chúng tôi rất nhiều mỗi khi di chuyển, làm việc, tắm rửa… và nhất là lúc thay quần, thật là khổ sở! Bây giờ được tháo, chúng tôi thật sung sướng, không phải chỉ sung sướng ở phần xác mà cả ở phần tinh thần—cùm được tháo bỏ cho chúng tôi cảm giác là chúng tôi đã tiến được một vài bước nào đó về hướng tự do: chỉ những người mới vào trại, những người phạm kỷ luật và những người án nặng mới phải đeo cùm mãi dưới chân.

Sáng hôm sau, vừa tập thể dục xong đã bị tập trung đi sớm, bỏ qua phần “tán” Bác Hồ và “tụng” nội qui trại giam. Ở sân trại, tù nhân xếp hàng ngồi dày đặc. Sương mai kéo xuống trắng như bông. Lạnh căm căm. Nhiều anh tù run bần bật. Vài người ho sù sụ. Cai tù đọc tên mấy người được y tá chứng nhận có bệnh cần vào bệnh xá điều trị. Sau đó, điểm danh cấp tốc rồi toàn bộ tù nhân xếp thành hai nhóm lớn, mỗi nhóm xếp thành năm hàng ngang, mỗi hàng khoảng năm chục người, rầm rộ theo sự hướng dẫn của cai tù, bước ra hướng cổng rào của Khu đã mở sẵn thật rộng. Đây là lần đầu tiên từ ngày nhập trại tôi được ra khỏi cổng chính của Khu C. Chẳng biết là sẽ được dẫn đến đâu, chúng tôi cứ việc lầm lũi bước theo người đi trước. Ra khỏi cổng rào, quẹo trái, đi thẳng trên con đường rộng trải đá sỏi. Tiếng bước chân của đoàn người dẫm trên sỏi nghe rào rạo, có khi nghe lỏi chỏi không đều, chừng như những bước chân loạng choạng miễn cưỡng của một bầy quỉ đói đang bị lùa vào chảo dầu, có khi lại nghe rầm rập xôn xao, như cô hồn các đảng ùn ùn đẩy xô nhau tiến về phía có mâm cao cỗ đầy… Chừng mười phút sau, đoàn người đứng dừng lại trước một cái hố lớn. Quanh miệng hố có một số cai tù đứng đứng ngồi ngồi, chỉ trỏ, bàn bạc. Cái hố thật lớn, có dáng hình chữ nhật, chiều dài khoảng sáu chục thước, chiều rộng chừng ba chục thước, chiều sâu đâu chừng một thước rưỡi. Dưới đáy hố lô nhô những tảng đá lớn, sình ngập lênh láng. Một vài anh cai tù đang đứng dưới hố đo đạc gì đó, sình lỏng ngập gần tới đầu gối. Chúng tôi được đưa đến gần miệng hố để nhìn thấy nó mà vẫn chưa hiểu là tại sao có nó và bây giờ chúng tôi sẽ làm gì với nó. Chưa có một lời giải thích nào về công việc mà chúng tôi sẽ làm.

Đang đứng im chờ lệnh, bất ngờ nghe một hồi còi dài thổi lên, rồi đồng loạt các cai tù cất tiếng hét vang rân, thúc giục chúng tôi ùa xuống hố.

“Xuống, xuống, mau!”

“Xuống mau!”

Đoàn tù hơi ngỡ ngàng ở phút đầu rồi cũng xăn quần, xăn tay áo, ồ ạt tìm đường nhảy xuống hố, tránh những đường roi vun vút đuổi tới sau lưng. Ình, ình. Bõm, bõm. Sình văng tứ tung. Nhiều anh mới nhảy xuống đã bị đá cắt đứt chân, ôm chân máu nhảy lò cò dưới sình. Nhiều anh đứng dưới hố rồi mà không biết phải làm gì, cứ xoay qua xoay lại, ngó đây ngó kia, rồi bị roi của cai tù quất tới. Quang cảnh làm việc mà cứ y như là cái ổ kiến bị chọc. Người đâu mà ngập tràn, nhích qua nhích lại không đụng người này cũng thúc nhằm người kia, vậy mà cai tù cứ lùa xuống, lùa xuống, không cho ai đứng trên miệng hố. Xua cả sáu, bảy trăm người xuống một cái hố nhỏ mà không giải thích trước công việc phải làm, rồi cứ vung roi quất túi bụi, đốc thúc la hét không để cho ai kịp suy nghĩ và chọn lựa công việc và cách thức làm việc. Có lẽ quan niệm và thói quen “lấy thịt đè người” để giải quyết mọi việc đã ăn sâu vào những cái đầu ít thông minh mà nhiều hoang tưởng nên người ta không cần biết gì cách làm việc dây chuyền và theo phương pháp khoa học của Taylor và Ford. Cứ nghĩ đông người thì việc sẽ mau hết mà không nghĩ đến cái hại của sự chật chội làm trở ngại sự vận chuyển, khiến công việc bị chậm trễ và kém năng suất, kém hiệu quả. Thành ra mấy trăm người xuống hố chỉ hấp tấp, vội vàng, xịch tới xịch lui vài ba công việc mà đáng ra chỉ cần khoảng ba mười người khoẻ mạnh!

Cùng với bạn tù, tôi cũng xăn quần xăn áo, bỏ lại đôi giày xăng-đan trên bờ, lần dò xuống hố. Giữa đám người đông nghịt chen chúc trong cái hố sình nhỏ, tôi cố gắng tìm hiểu thật nhanh công việc dưới hố là công việc gì thì thấy từng nhóm người xúm xít lăn đá từ trung tâm hố đến sát các cạnh hố; nhiều nhóm khác đang cố gắng đẩy các tảng đá ở cạnh hố lên khỏi hố (công việc này rất nguy hiểm, vì cả đá và tay chân người lăn đá đều dính sình nên rất trơn trợt, dễ gây ra tai nạn). Một số đá tảng quá lớn không đẩy lên nổi thì có người mang búa tạ hoặc đục đến để chẻ ra thành từng mảnh nhỏ hơn. Công việc chỉ có vậy, chẻ đá, lăn đá và đưa đá lên bờ. Vậy mà mấy trăm người loay hoay chộn rộn chẳng thấy làm được bao nhiêu việc. Mấy chục cai tù cầm roi đốc thúc cũng làm choán khá nhiều diện tích của hố và chính sự gắt gỏng vô lý của đám cai tù này cũng đã làm trở ngại cho công việc vô cùng. Tôi thấy hai anh tù nọ bị một cai tù trẻ tuổi (cỡ tuổi Lộc) cầm cái roi quất tới tấp, bảo lăn một tảng đá lớn sang một bên, hai người này sục tay xuống dưới sình, tìm kẽ hở dưới chân đá để lăn, nhưng tảng đá cứ trơ trơ ra, chẳng chịu nhúc nhích, và roi của anh cai tù cứ việc giáng xuống vai xuống lưng họ. Tôi lội sình tiến nhanh đến hướng đó. Anh cai tù thấy tôi đến thì đưa mũi roi dí vào mặt tôi, hét:

“Thằng này nữa hả, muốn thử hả, rồi, dzô đi, ba thằng lăn cục đá này cho tao, mau, mau!”

Tôi chưa kịp đưa tay xuống đã bị roi quất vào sau lưng, nghe nóng ran. Có tôi vào phụ thêm sức mà tảng đá vẫn trơ lì như một tảng núi. Anh cai tù thấy vậy càng đánh đập chúng tôi túi bụi, vừa giáng roi vừa hét:

“Ba thằng mà không xong, vô dụng! Đồ lưng dài chai lười lao động!”

Trong số ba người lăn đá, tôi nhỏ tuổi hơn cả và cũng là người có chiều cao kém nhất. Hai người kia to cao, mập mạnh, cũng là tù chính trị nằm chung phòng với tôi, anh nào anh nấy ước chừng có thể cao hơn tôi cả tấc. Còn anh cai tù thì thấp hơn tôi gần một cái đầu; anh nhỏ con nhưng được trao quyền trong tay nên anh đâu có sợ chúng tôi, cứ cầm roi quất tới, quất tới. Ba đứa chúng tôi chẳng dám nói năng gì, cứ gằm đầu xuống, cố gắng mấy lần vẫn không xê dịch được tảng đá. Anh cai tù mặt mày hiểm ác, dữ tợn, nghiến răng nói:

“Nè, thôi, ba đứa bây qua một bên, để tao kêu thằng này nó lăn một mình cho tụi bây coi! Ê, Tư! Mày đến đây đi, lăn cục đá này cho tao! Mày coi, ba thằng to bự như vậy mà lăn cục đá không nổi, có phải là vô dụng không! Mày lăn cục đá này đi, mày lăn được thì tao phạt đòn ba thằng kia!”

Anh chàng tên Tư cũng là một anh tù khá to cao, lội sình bước tới, ngó chúng tôi, mỉm một nụ cười cảm thông một cách khó hiểu, rồi cúi người xuống, sục tay xuống sình, lần dò một lúc rồi vùng một cái, hai tay anh nhấc lên, khối đá lăn nửa vòng, đổ ầm xuống phía trước. Ngay lúc đó, tôi biết ngay tại sao chúng tôi ba người không lăn nổi tảng đá. Nhưng cũng chậm rồi. Anh cai tù hét lên, giọng có vẻ sung sướng một cách nhỏ mọn:

“Đó, đó, thấy chưa ba thằng lười! Lại đây, tụi bây lại đây tao đánh đòn, chìa tay ra đây! Đánh để tụi bây giác ngộ mà lo lao động đàng hoàng!”

Chúng tôi lần lượt đến trước mặt anh cai tù, chìa ngửa bàn tay ra cho anh khẽ như thuở còn học tiểu học bị thầy giáo phạt. Một anh tù bị quất như vậy thì chảy nước mắt. Không phải vì đau (bởi vì roi quất nơi vai nơi lưng thì đau hơn), mà vì nhục. Đến lượt tôi đưa tay cho anh cai tù quất, tôi nói:

“Quất thì quất đi, nhưng anh đừng có đem cái trò đó ra bịp người ta hoài, chẳng hay ho gì đâu!”

“Mẹ! Mày nói cái gì, hả?”

Tôi chìa tay ra, chờ đợi. Thấy tôi không nói gì nữa, anh quất mấy roi rồi lại hét lên:

“Đó, ba đứa tụi bây thấy rồi đó, một mình thằng kia lăn được thì tụi bây phải lăn được! Lăn mau, mau!”

Hai anh tù kia vội vàng xúm lại chỗ cục đá, tôi bước tới, dang tay cản hai anh, nói:

“Một người lăn thôi. Đứng ba người chật ních thì làm sao có thể! Còn nếu ba người thì phải hô hai ba, cùng nhấc lên một lượt. Đừng có mắc mưu người ta. Thôi, để tôi thử trước.”

Anh cai tù thấy vậy thì xông tới, quất roi vào cả ba người, hét:

“Cả ba thằng, tao nói ba thằng, xúm vô, lẹ, lẹ!”

Không chờ hai người kia kịp cúi xuống, tôi khom người, vục hai tay xuống đá, thọc sâu vào kẽ hở, bám chặt mấy ngón tay vào, hai chân vững vàng bám đất, từ từ dùng sức của hai chân đứng thẳng lên. Trơn quá, tay tôi trượt khỏi cạnh đá, không giữ được, đành để nó rơi trở lại vị trí cũ. Anh cai tù thấy một mình tôi sắp sửa nhấc nổi tảng đá có lẽ đã hơi quê trong bụng nhưng rồi thấy tảng đá rơi trở lại, anh đắc chí lắm, lại tiếp tục la hét:

“Được rồi, mày ngon thì để mày ngon, cho mày lăn một mình để coi sao!”

Tôi bặm môi cúi xuống quyết tâm lăn một lần nữa. Ầm! Tảng đá lăn nửa vòng bắn sình văng tung tóe. Tôi nhìn lại thấy hai anh bạn tôi mặt tươi rói lên, còn anh cai tù thì hậm hực, bĩu môi nói:

“Như vậy thì ăn thua gì, lăn cho tới bờ luôn!”

Tôi định cúi xuống nữa thì hai anh bạn kia giành lấy. Chúng tôi thay phiên nhau, mỗi người lăn nửa vòng, cho đến khi chạm cạnh hố, rồi tiếp tục tìm tảng đá khác. Anh cai tù căm tôi lắm nên cứ rà rà theo tôi, thấy tôi hơi ngưng tay một chút là quất roi hối thúc tôi làm việc (mặc dầu có đôi lúc chẳng còn tảng đá nào để lăn vì số đá dưới chân chưa đục chẻ ra kịp).

Cứ như vậy, chúng tôi cùng với mấy trăm tù nhân khác hì hục khom lưng lăn đá, đẩy đá, không một phút ngơi nghỉ; cho đến đúng 12 giờ trưa mới nghe thổi còi ra lệnh rời hố. Lúc ấy, tôi quên mất thời gian nên ngỡ là đã chiều và chúng tôi đang được nghỉ để về lại phòng giam. Nào ngờ chỉ mới nghỉ để ăn trưa! Ôi là thời gian, sao mà trôi chậm. Lăn bao nhiêu đá, chịu bao nhiêu roi, dẫm bao nhiêu sình… vậy mà chỉ mới bữa ăn trưa!

Lên bờ, tôi tìm đôi giày xăng-đan thì chẳng thấy đâu. Rõ ràng lúc nãy để chỗ này, gần tảng đá này. Chắc anh chàng tù hay cai tù nào đó đã mượn đỡrồi.

Ai bảo để giày trên bờ! Ai mà muốn để giày trên bờ! Không để trên bờ chẳng lẽ lại mang xuống dưới sình!

Ai bảo đi lao động mà mang giày xăng-đan bằng da, sang quá! Thực ra, có sang gì đâu: lúc bị bắt tôi mang đôi giày đó thì bây giờ cũng mang đôi giày đó, có giày giép nào khác để thay nó đâu mà bảo sang với hèn!

Ai bảo mang giày theo làm gì, sao chẳng chịu đi chân không! Trời đất, đi chân không giữa cái vùng đá sỏi, gai góc lởm chởm như khu trại à! Huống chi, có giày giép sao lại đi chân không!

Thôi thì giờ mất giày rồi, bàn cãi gì nữa! Vậy là đi chân không theo đoàn tù tập trung ở một bãi đất rộng bằng phẳng ở gần chỗ đập nước để ăn cơm trưa. Đoạn đường đi phải dẫm trên đá vụn (đá này cũng do tù nhân chúng tôi đập nhỏ ra từ các tảng đá lớn và trải khắp các con đường trong trại và công viên, sở thú… của trại K4; đá này có cạnh rất sắc), đau thốn cả bàn chân đã bị đá cắt đứt nhiều vết lúc lội dưới hố sình.

Trong khi ngồi chờ phát cơm trưa, hai anh bạn tù khi nãy lăn đá chung hỏi tôi:

“Sao lạ vậy há. Mình lăn ba người cục đá không nhúc nhích, lăn một người thì nó lại ngã cái ầm một cách nhẹ nhàng?”

Tôi nói:

“Tại vì mấy tảng đá đó hình dạng chông chênh bất định, góc cạnh không đều lại bị sình lấp, trơn trợt. Tụi mình xúm vào, người đầu này, người đầu kia, người nhấc trước, người nhấc sau, không những không đủ lực mà còn tạo nên những lực phản nhau ở hai ba chiều đối nghịch làm cho đá đứng yên một chỗ. Rồi tụi mình lại quíu lên vì bị la chửi và quất roi phía sau, thì làm sao nó nhúc nhích được! Cứ bình tĩnh đừng để ý chuyện roi vọt đốc thúc, quyết định nhấc lên là nhấc lên, thì nó sẽ lên. Anh chàng kia chắc đã kinh nghiệm cái chuyện này rồi nên mới lấy đó làm trò chơi để được thi thố cái quyền thưởng phạt!”

Một anh bạn tôi nói:

“Thằng quỉ sứ, ngó bộ vó của nó là biết thứ cán bộ công an chuyên môn nạt nộ bức hiếp bóc lột làm tiền dân, nếu không phải vậy thì cũng là dân ăn cắp, không phải dân ăn cắp thì cũng ăn trộm, không phải ăn trộm thì cũng là ăn cướp! Tại nó lùn tịt lại đen điu nên ganh tị muốn hành hạ tụi mình đó mà!

Chúng tôi cùng cười với nhau một lúc rồi đưa ca đón nhận phần cơm trưa.

Và khi bất chợt ngước lên nhìn bầu trời quang mây xanh biếc, tôi bỗng nghe một niềm cô tịch cao khiết vô cùng đang bừng nở và tràn ngập trong lòng. Tôi biết, tôi từng biết, có một thứ tự do không ai có thể tước đoạt được. Tự do ấy không được sinh xuất hoặc ban phát từ xã hội mà từ sự nỗ lực của tự tâm. Cũng không phải từ sự nỗ lực, mà từ sự an nhiên, bất động, vô hành, vô vi, vô lao, vô tác. Không có thứ lao động nào vinh quang và đem lại vinh quang thực sự cho con người. Lao động là gì? Là sự vận động nhọc nhằn của thân xác hay của tinh thần ư? Những vận động đó không mang lại vinh quang nào cả mà chính chúng là gốc gác sinh sản những vọng động, manh động, bạo động, dìm chết con người trong nỗi vong thân, lạc bước, xa dần với tâm thức tự do thực sự. Có xã hội thì không thể có tự do. Có chủ nghĩa xã hội cũng không thể nào có tự do. Có cá thể thì không thể có bình đẳng. Có chủ nghĩa cá thể không thể có bình đẳng. Chúng ta hoàn toàn không có chút tự do và bình đẳng nào hết. Chúng ta chỉ tưởng tượng ra những thứ ấy mà thôi! Thế rồi, chúng ta gộp lại, gom lại, mượn cái hội đồng, mượn cái nhân dân, mượn cái công ích, mượn cái của chung… để mà đối phó với những cá thể vượt trội và bảo vệ những cá thể bất lực hèn mọn. Chung qui chỉ có vậy.

Này anh chị em ơi, thực ra không phải thứ gì trên đời cũng đòi hỏi cộng tác, cộng sự, cộng lao, cộng hữu, cộng sản… Cũng như cái việc lăn đá kia, có thể chỉ cần một người thôi, với sức lực, quyết tâm và trí khôn của nó. Không có cái gọi là sự “sáng tạo của tập thể.” Cũng không có cái gì thực sự là “tập thể.” Chỉ có cá thể. Chỉ có con người. Con người đó thường khi chỉ muốn và chỉ cần tồn hữu vận hành như một cá thể tự do. Bởi vì chỉ có chính nó mới có thể sáng tạo nên xã hội tốt đẹp và xấu xa trên cuộc đời. Nhưng con người đó thực sự là gì? Có thực là có một cá thể, một con người chăng? Lý luận theo Thanh Biện, hay theo quan điểm Phật giáo thì tập thể xã hội không có thực, chỉ có cá thể mới thực; nhưng cá thể, hay con người, cũng là sự tập hợp của nhiều yếu tố (duyên), vậy con người cũng không có thực, các yếu tố cấu tạo nên con người mới có thực; nhưng mỗi yếu tố cũng do nhiều thành phân chi li khác tập hợp lại mới có, vậy yếu tố đó không có thực, các thành phần của các yếu tố đó mới có thực… Cứ vậy mà suy diễn tiếp, cuối cùng, chẳng có cái gì có thực cả. Duyên không có thực. Con người không thực. Xã hội không thực. Thế giới cũng không thực. Thế giới chỉ là giấc mộng. Chúng ta đang làm cái trò gì đây? Chỉ cột trói nhau bằng những vọng tưởng mà thôi.

Ăn trưa xong, chúng tôi lại bị lùa xuống hố, và bây giờ thì chúng tôi đã biết việc gì để làm, cũng như đã hiểu tại sao phải lăn đá từ dưới hố lên: chúng tôi đang đào một cái hồ nuôi cá cảnh trên mảnh đất đầy những đá tảng có chân đá rộng và ăn sâu xuống lòng đất. Có thể nói công việc đào ao bằng sức người—nhất là sức của những người tù thiếu chất dinh dưỡng—cũng tờ tợ như dọn núi để làm sông vậy.

Nguyên sáu giờ đồng hồ của buổi sáng chúng tôi chỉ mới đào sâu thêm được nửa thước, như vậy cái hồ bây giờ đã sâu cỡ hai thước, lút đầu người. Hố càng sâu, công việc càng nặng nhọc hơn. Chân chúng tôi bị đá cắt đứt nhiều vết từ buổi sáng, bây giờ càng lúc càng nhức nhối khó chịu. Máu tươm theo sình. Sình lẫn trong máu. Sình lấp đầy vết thương. Tiếng chân lội bì bõm. Tiếng búa đập lên đá nghe bùm bụp, bôm bốp. Tiếng người la hét mắng chửi. Ngoảnh trước ngoảnh sau, người đông lúc nhúc. Kẻ khom, người đứng, kẻ đẩy, người lăn. Bỗng nghe tiếng roi chan chát như nhắm vào một cái lưng trần nào đó, và có tiếng la khóc kéo theo sau những tiếng roi ấy. Những người ở xa không nghe thấy, tiếp tục làm việc, nhưng người ở gần như tôi thì dừng tay, quay nhìn. Một ông già bị té xấp xuống, hay tay chống xuống sình cố ngoi đầu dậy, trong khi một anh cai tù, rồi hai anh cai tù, xúm lại, quất roi túi bụi trên lưng ông. Tôi không kịp suy nghĩ gì, lội sình lao tới phía đó ngay. A, lại ông già Nghĩa, người bị đau bụng và bị Lộc bắt nhai cái quần phân hồi mới nhập trại! Tôi không dám cản trở gì hai cái roi của hai anh cai tù mà chỉ lách chen vào, cúi xuống xốc hai nách ông già lên. Và dĩ nhiên là hai ngọn roi đã đánh phủ lên đầu, lên vai, lên lưng tôi.

“Ê, thằng này, mày làm cái gì vậy?”

Một bàn chân đạp mạnh xuống sau lưng, ngang chỗ thắt lưng tôi khiến tôi nhào xuống, ông già cũng rơi trở lại xuống vũng sình. Tôi nằm sấp, chồm qua người ông già, hai tay và hai chân chống cao, che cho ông ấy. Hai ngọn roi quất xối xả lên người tôi. Tôi nhắm mắt, cắn răng chịu đựng, không bật lên một lời. Tôi nghe tiếng văng tục chửi thề của hai anh cai tù rin rít xoáy theo tiếng roi. Chát, chát! Ban đầu những ngọn roi khi quất xuống làm tôi đau rát từng thớ thịt trên lưng, nhưng chỉ ngay sau đó, roi càng chạm vào người, tâm tôi càng vắng dần mọi thứ vọng tưởng, rồi một trạng thái vắng lặng mang ập đến; bao nhiêu ý tưởng, hoài niệm, vọng tâm phân biệt, cảm giác và nhận thức của tôi tan biến thật nhanh; chúng có vẻ như bị ngọn roi đuổi xua đi. Và tôi cũng bị xua đến cái bờ mé của hư không bao la, nơi đó, tôi như đứng chênh vênh ở đỉnh cao nhất của đầu núi, đối diện với chính nỗi cô tịch thâm sâu của tự tâm. Té ra cây gậy của Lâm Tế có phần hữu lý ở chỗ này. Ý nghĩ đó thoáng qua thật nhanh trong đầu tôi và kéo tôi về với cái thực tế, rằng tôi đang khom người, hai tay chống xuống sình, gánh chịu những đòn roi đau rát. Rồi có tiếng xôn xao của nhiều người xúm lại. Hình như sắp có ẩu đả. Hai ngọn roi đã ngưng, tôi ngước lên thấy nhiều người bạn tù kéo tới định đánh lại hai anh cai tù để cứu tôi và ông già Nghĩa. Nhưng đám cai tù cũng khá đông, từ chung quanh tụ lại rất nhanh, dùng roi đẩy xô các anh em tù ra.

“Tụi mày dám chơi không?” tiếng một anh cai tù đánh roi chúng tôi cất lên.

Thấy anh em tù dạt ra hết rồi, một anh cai tù túm lấy gáy cổ áo của tôi kéo xốc lên.

“Mày ngon a, muốn chịu đòn thay thằng già mất nết hả?”

Vừa nói anh vừa giơ nắm tay định đấm vào mặt tôi, bỗng nghe tiếng hét ở đâu đó:

“Ê, thằng kia! Mày làm cái gì vậy?”

Quả đấm của anh cai tù ngưng lại nửa chừng. Anh quay đầu nhìn về phía có tiếng nói. Tôi cũng nhìn về hướng ấy thì thấy Lộc, thằng bé giết cha, đang nhảy chồm những bước thật nhanh về hướng chúng tôi. Lộc chụp tay anh cai tù, hất mạnh xuống, rồi nhanh như chớp, bộp tai anh kia hai cái, văng tục rồi quát lên:

“Tụi mày làm cái giống gì vậy! Dám đụng tới anh Hai tao hả? Mẹ, tụi mày tổ nào, đội nào, muốn làm vua hả, tao vặn cổ hết bây giờ, nghe chưa!”

“Thằng già này cứ đứng xớ rớ, chẳng làm được cái gì hết. Tụi em đánh nó còn nói lầm bầm. Rồi anh này nhào vô đỡ đòn chứ tụi em đâu muốn đánh ảnh!”

“Im mồm! Hai thằng mày lo làm đi, lăn đá, đục đá, mau! Không cho tụi mày làm cai nữa. Đi mau không thôi tao đạp xuống sình!”

Hai anh cai tù tản ra. Tôi cúi xuống xốc ông già Nghĩa dậy. Lộc nhìn tôi, nói:

“Anh… tên gì quên rồi, à tên Khang, anh có sao không? Lâu quá em bận lo công tác trên Khu, chẳng có dịp nào ghé ngang phòng anh. Tụi nó đánh anh dữ lắm hả. Đưa lưng em coi thử. Úi, bầm hết rồi. Thôi, anh lên bờ ngồi nghỉ đi.”

“Không được đâu, anh đang làm việc mà.”

“Anh sợ tụi nó hả, không sao đâu, em bảo đảm mà. Có em không thằng nào dám đụng anh đâu. Em nói anh bệnh, em cho anh nghỉ. Không bệnh em còn cho nghỉ được nữa là…”

“Thôi, cám ơn Lộc. Mấy ông già như ông này lom khom lăn đá, anh làm sao ngồi trên bờ mà ngó được!”

“Mấy ông già này hả? Không sao, em cho mấy ổng lên hết trên bờ. Anh lên trước đi, hay là để em đỡ anh lên, rồi em đi vòng vòng kêu mấy ông già lên hết, chịu không?”

“Không, không cần đỡ anh, dìu ông già này lên trước đi.”

“Ủa, cũng bố già này hả, bố nhớ con không bố?” Lộc vừa nói vừa cười rồi cùng tôi dìu ông già lên bờ.

Vừa lên tới bờ, tôi nói với Lộc:

“Ai chịu trách nhiệm chuyện đào hồ này vậy?”

“Thằng Hiệp lùn công an chứ ai. Mà sao anh Khang?”

“Làm việc kiểu này phí công sức mà ít kết quả quá! Mấy ông già với mấy anh chàng ốm yếu kia đứng dưới đó chật chỗ, cản trở công việc thêm mà thôi. Sao không cho họ đập đá hay làm việc nhẹ nhàng trong Khu, có phải hay hơn không!”

“Ô, cái đó là do cái thằng Hiệp ngu đó mà, trong buổi họp nó yêu cầu sáu trăm công nhân trong vòng nửa tháng thì Khu cho nó sáu trăm nhân công, nó muốn làm sao thì làm, em đâu có nói được với nó. Bây giờ kêu mấy ông già lên thì em phải đứng đây chờ nó ra, thương lượng với nó mới được. Hồi nãy em có gặp nó ngồi uống cà phê nói dóc với thằng Bính công an ở cái băng đá phía sau nhà hàng đó mà. Em đang công tác bên khách sạn, đi ngang đây thấy ồn ào, nhìn kỹ lại thấy cái áo sọc này của anh, em nhớ ra mới chạy tới. Chút nữa em đưa anh vô bệnh xá xức dầu cho tan mấy vết bầm này nghen?”

“Em nói Bính công an à, có phải Bính to con, người Bắc không?”

“Phải, Bính công an bây giờ có Hiệp công an bao che, mới nhập trại mà đã ngồi chơi không chẳng làm gì cả. Anh biết thằng Bính hả?”

“Anh ta ở chung trại B5 với anh một thời gian.”

“Nó với thằng Hiệp toàn là công an buôn lậu, tham nhũng, hối lộ, bán bãi vượt biên. Bây giờ vô đây làm cai tù. Cha, hình như có máu chảy chỗ này, áo anh thấm máu kìa. Em đưa anh vô bệnh xá liền nghe?”

“Lộc à, anh không sao đâu, chuyện vô bệnh xá để tối nay về phòng tính sau đi, bây giờ lo cho ông bố già này trước thì tốt hơn, ông cũng bị đánh roi nhiều lắm đó.”

Lộc đứng ngó dáo dác một lúc, thấy có một tổ lao động ở đâu đi ngang liền kêu lại hỏi rồi gởi ông Nghĩa đi theo tổ đó để bảo vệ bệnh xá. Tôi an lòng, cám ơn Lộc. Lộc ngồi chơi với tôi một lúc, chờ đợi Hiệp.

“À, anh Khang, từ hôm nói chuyện với anh, em suy nghĩ như vầy: nếu mình không có ba thì mình hãy coi tất cả những ông già trên đời này như ba của mình. Nghĩ như vậy, tự dưng em thấy sướng quá. Đi đâu em cũng gặp ba em cả.”

“Ừ, nghĩ như vậy là hay đó. Em cũng có thể suy ra, nếu mình không có anh em ruột thịt thì hãy coi tất cả những người chung quanh là anh em. Như vậy em cũng sướng lắm, đi đâu cũng gặp anh em.”

“Phải rồi, phải rồi! Nhưng hai cái thằng kia, chó má quá hả anh Hai! Không làm anh em với tụi nó được.”

“Cũng được hết đó Lộc à. Họ cũng là anh em, có điều… là anh em hơi dữ mà thôi! Mình thương họ thì từ từ họ cũng hết dữ.”

Lộc ngó tôi một lúc, nói:

“Anh hiền quá anh Khang à. Phải chi hồi đó ba em mà hiền như anh thì… Thôi, để em đi vòng vòng, kiếm mấy ông già với mấy thằng sức yếu, kêu lên bờ, nghe anh Khang.”

Tôi ừ. Lộc đi vòng vòng trên bờ hồ, nhìn mặt nhìn dáng từng người, kêu lên bờ. Khoảng gần hai chục người được Lộc rút ra khỏi hồ, tập họp dưới bóng cây dương gần chỗ tôi ngồi. Tôi cám ơn Lộc thêm một lần nữa rồi dặn Lộc:

“Chút nữa Hiệp ra đây, có hai việc mà Lộc nên đề nghị với anh ta: thứ nhất là đừng dùng roi vọt để thúc đẩy người ta làm việc vì chuyện đó thường thường chỉ làm chậm công việc thêm mà thôi; thứ hai, nên sắp xếp mấy người già yếu cho làm việc nhẹ trên bờ. Còn phần anh, để anh xuống tiếp tục làm việc dưới hồ. Anh còn khỏe mạnh, anh không muốn người ta nghĩ anh điều đình thương lượng chuyện đó cho bản thân anh đâu, Lộc hiểu không?”

Lộc gật đầu, suy nghĩ một lúc rồi ngồi xuống.

“Anh Khang à, anh là sĩ quan hả?”

“Không, không phải.”

“Vậy sao anh bị nhốt chung phòng với tốp sĩ quan?”

“Phòng anh chỉ có vài người sĩ quan của chế độ cũ. Nhưng họ bị bắt vào đây không phải vì sĩ quan mà vì chống lại Nhà nước. Anh cũng vậy.”

“Chống lại Nhà nước à? Anh hiền như vầy mà chống lại Nhà nước sao? Nhưng lấy gì mà chống? Anh chỉ có hai tay không, còn Nhà nước có công an, có quân đội, có súng đạn…”

“Súng đạn không bền bằng lòng người đâu, Lộc à.”

“Em không hiểu.”

“Một ngày nào đó em sẽ hiểu.”

“Em muốn hiểu ngay, anh nói rõ hơn một chút đi. Em không có học, không biết chữ, anh nói sao cho dễ hiểu đó nghe.”

“Thì… có bao giờ em nghe người ta nói tình thương sẽ thắng thù hận, mềm dẻo sẽ thắng sự cứng rắn, yếu thắng mạnh?”

“Không, chưa bao giờ em nghe như vậy. Khó hiểu quá, tình thương mà sao thắng được thù hận?”

“Cái gì khiến em thay đổi thái độ đối với anh và ông già Nghĩa?”

“Tại vì… tại vì anh dạy em nên coi ổng như ba, làm em nhớ tới ba em…”

“Có nghĩa là tình thương đã thắng được lòng thù hận trong em, rồi nó làm thay đổi con người em.”

“Em hiểu rồi, em hiểu rồi”, Lộc reo lên. “Hay quá, anh Khang à. Anh còn chuyện gì giống như vậy, nói cho em nghe nữa đi, em nghĩ là nghe mấy chuyện của anh em sẽ sung sướng lắm đó! Ôi anh Khang ơi, có khi em thấy anh giống ông thầy chùa ở xã em quá!”

Tôi giật mình ngó Lộc.

“Thiệt đó, ông thầy chùa đó hiền khô à. Vậy mà rồi ổng cũng bị công an bắt đem đi đâu mất không bao giờ thấy về nữa. Chùa của xã em thành ra là cửa hàng bán chất đốt. Em chẳng hiểu sao những người hiền như vậy mà lại bị bắt. Chắc tại vì… mấy ông thầy chùa lấy tình thương để thắng thù hận mà chắc chưa thắng được, phải không anh?”

Tôi phì cười:

“Có lẽ vậy. Bởi vì những người thù hận chưa chịu thức tỉnh giống như em nên họ còn thù hận, cứ còn dữ dằn mãi.”

“Em bây giờ cũng hiền rồi đó anh Khang à.”

“Ừ, em hiền nhiều rồi. Anh mong thế giới này, ai dữ rồi cũng thay đổi thành hiền như em… như vậy thì hạnh phúc biết bao!”

“À, em nghe nói có một ông thầy chùa ở trong nhóm sĩ quan chính trị của anh, sao chẳng bao giờ thấy ông ta đâu hết vậy?”

“Em nghe ai nói?”

“Không nhớ nữa, nhưng hình như là cán bộ nói, rồi mấy công nhân nói lại, rồi mấy chức năng chuyền miệng với nhau… nên em biết. Mới đầu em cũng muốn gặp thầy chùa đó để coi thử ổng có phải là ông thầy chùa ở xã em không, nhưng chẳng thấy ông đâu.”

“Người ta còn nói gì về ông thầy chùa đó không?”

“Ư… họ nói đây là thứ dữ, phải canh phòng đặc biệt! Nhưng em không nghĩ là mấy ông thầy chùa dữ đâu, phải không anh Khang?”

“Ừ, họ không dữ đâu, nhưng vì họ thường lên tiếng chống lại cái dữ cái ác nên kẻ dữ sợ họ, cho rằng họ dữ. Có một câu chuyện như vầy…”

“Ồ hay quá, anh kể chuyện em nghe đi, anh Khang, em thích nghe lắm, hồi nhỏ tới giờ, em không được nghe ba má kể chuyện gì hết.”

Tôi im một lúc, ngẩm nghĩ, rồi kể câu chuyện trong kinh Hiền Ngu:

“Ở khu rừng nhỏ cạnh làng đó có một con trăn to lớn, rất dữ dằn, ai thấy nó cũng sợ hãi bỏ chạy. Nhưng một hôm, có một nhà sư đi du hóa—tức là đi nơi này nơi nọ để cứu giúp người—gặp con trăn phóng tới tấn công, ông không hoảng sợ nó mà trầm tĩnh đứng nhìn lại nó bằng đôi mắt rất từ bi. Chính nhờ đức từ bi…”

“Từ bi có phải là hiền không anh?” Lộc cắt ngang.

“Cứ hiểu đại khái là như vậy, nhưng từ bi nghĩa sâu rộng hơn nhiều. Hiền chỉ là một đức tính nhỏ trong từ bi mà thôi. Để anh tiếp: Chính nhờ đức từ bi mà nhà sư cảm hoá được con trăn—cảm hóa tức là làm thay đổi kẻ khác bằng tình cảm đó em. Trước khi tiếp tục đi chu du, nhà sư dạy con trăn về đức tính từ bi và nhẫn nhục. Từ đó, con trăn không giết hại hay ăn thịt bất cứ động vật nào nữa, mà cũng chẳng bao giờ tấn công, rượt đuổi ai; trái lại, chính vì nó hiền quá nên người ta không sợ nó nữa. Thậm chí bọn trẻ con trong làng thấy con trăn không những không bỏ chạy mà còn dám tới gần, chọc ghẹo, lấy gậy, lấy đá, đánh chọi nó. Con trăn cứ nằm im chịu trận, chẳng lên tiếng than van, chẳng tỏ thái độ gì để tự vệ hay chống chọi lại. Nó bị đánh đập và chọi đá toác da toác thịt, máu ra ướt cả đất, cử động không nổi, sắp chết tới nơi mới được bọn trẻ tha cho. Tình cờ lúc nó gần chết, nhà sư kia lại đi ngang làng, thấy nó ra cơ sự đó liền hỏi. Nó kể lại sự tình, nói rằng vì theo lời dạy của nhà sư mà áp dụng tinh thần từ bi nhẫn nhục, không hại ai và sẵn sàng chịu đựng hết mọi khổ nhục… để đến nỗi sắp chết. Nhà sư lắc đầu dạy con trăn rằng: ‘Con đã áp dụng sai tinh thần từ bi nhẫn nhục rồi. Từ bi không phải là ngu si, ù lì, để cho ai muốn làm gì đó thì làm. Nhẫn nhục không phải là chỉ biết cắn răng chịu đựng người khác hành hạ tổn thương sinh mạng mình và đồng loại một cách vô lý. Học theo đức tính từ bi nhẫn nhục, con không được làm tổn hại ai mà chỉ biết đem yêu thương đến với họ, nhưng đối với kẻ xấu ác và cố ý tổn hại đến con và đồng loại của con, con phải chứng tỏ cho họ biết rằng con có đủ khả năng để thắng được họ mà không cần giết; con không sử dụng sức mạnh của con để giết hại ai, nhưng con có thể biểu hiện nó để tự vệ. Đối với những kẻ cố tình giết hại con, nếu có thể tránh né được họ thì tránh né, còn không tránh né được thì con có thể phùng mang trợn mắt, thè lưỡi nhe răng để họ sợ hãi mà xa lánh, không phiền đến con nữa. Phải chạy, hoặc phải tự vệ để sống còn. Có sống con mới có cơ hội tu tập và làm lợi ích cho kẻ khác được chứ!’”

“Em hiểu rồi. Như vậy… chắc là ông thầy ở trại B5 chuyển đến, cũng như ông thầy ở xã em, cũng vì bỏ chạy hoặc tự vệ nên họ bị bắt. Bị bắt vì lý do đó thì vô lý quá, phải không anh Khang? Tội nghiệp mấy ổng quá hả?”

“Thực ra thì nhà sư dạy con trăn phải bỏ chạy hoặc phải tự vệ bằng cách biểu dương sức mạnh là vì nó chỉ là con trăn; chứ nếu nó là con người thì nhà sư dạy một thái độ tích cực hơn.”

“Vậy hả anh? Tích cực làm sao?”

“Con người khi học đức tính từ bi, thấy kẻ khác gặp khổ nạn thì phải ra tay cứu giúp, quên cái quyền lợi riêng của mình mà dấn thân vào đời để đem lại hạnh phúc an vui cho kẻ khác…”

“Ô, thằng Hiệp ra rồi kìa, để em đến nói chuyện với nó. Thôi… em gặp anh Khang sau nghen.”

Trong khi Lộc đi về phía bên phải để đón Hiệp, tôi đứng dậy, bước về phía bên trái, nơi cái hố sình đầy ngập những đầu người lô nhô, lúc thò lúc thụt, như những tội nhân đang cố ngoi lên khỏi vũng lầy thống khổ của địa ngục trần gian.

Tôi dừng lại bên miệng hồ, nhìn xuống. Một vài khuôn mặt hốc hác, nhọc nhằn ngước lên nhìn tôi rồi lại cúi gằm đầu xuống, tiếp tục lăn đá. Những cái lưng khom khom đầy mồ hôi. Nhiều lưng áo rách toạc phơi bày những hốc xương và những vệt bầm tươm máu. Bóng tôi cùng với nắng chiều đổ nghiêng xuống vũng sình lĩnh xĩnh lóp nhóp. Nhiều bàn chân dẫm qua dẫm lại trên cái bóng ấy. Và trong ánh chiều lấp lóa xen kẽ giữa nhưng đôi vai gầy còm lay động liên tục ở dưới hố, tôi thấp thoáng nhìn thấy những giọt mồ hôi của bạn tù rơi xuống, rơi xuống, như mưa, như sương, như ngọc lưu ly, như tinh anh vẹn tuyền của tất cả khổ lụy đời người. Nước mắt tôi bỗng rơi theo, rơi theo, vỡ trên bờ đá, từng giọt mất tăm thật nhanh vào vùng sình đen lầy lội. Bất chợt, một nỗi cảm thương vô cùng mạnh mẽ, bừng dậy trong tôi. Và tiếp theo đó là một đại nguyện, như một nụ hoa ươm nhụy từ lâu với bao tinh chất trinh nguyên cao khiết để chờ đợi một khoảnh khắc phát tiết thiêng liêng, đã bùng vỡ ra một cách tự nhiên trong trái tim nguyên sơ không tì, không vết:

“Hỡi những tù nhân tội nhân của tất cả các thế giới, tất cả những địa ngục, tất cả những cảnh khổ đau, nghèo đói, áp bức nhục nhằn, xin trút hết bi lụy thống khổ lên vai tôi, xin hãy để một mình tôi gánh chịu, xin hãy để một mình tôi gánh chịu. Tất cả chúng sanh trong vô lượng thế giới ngay giờ phút này, xin cho họ đều được lập tức xa lìa mọi khổ não, hướng về an vui tuyệt đối.”

Và chính ngay ở cái phút giây ngắn ngủi của đại nguyện vừa cất lên, một cái gì mênh mang tịch lặng mở ra. Vâng, tôi trực nhận được nó, chính là nó, cái mà tôi tìm kiếm đã từ lâu. Nó, cái vật không bao giờ mất đó đã hiện bày một cách trọn vẹn tinh tuyền trong tôi, tràn ngập, cùng khắp, không biên giới, không cùng tận. Tôi từ từ đưa hay bàn tay dính đầy những sình khô lên, nhìn lại, nhìn thật kỹ. Đôi tay tôi là đôi tay tôi mà không phải là đôi tay tôi. Có một cái gì không thể nói được, không thể diễn bày được. Nó chính là tôi, là thế giới. Phải rồi, tôi chưa bao giờ, không bao giờ mất nó cả. Tôi đang ngắm nhìn nó, mà thực ra là nó đang ngắm tôi. Cũng không phải vậy nữa! Bởi vì nó chính là tôi, mà tôi cũng chính là nó… Tôi nghĩ là tôi đã thực sự trông thấy nó. Nhưng nó tuy là cái bất diệt không bao giờ mất, vẫn hãy còn là một cái gì mong manh mà nếu tôi lay động nhẹ một chút thì nó sẽ tan biến ngay. Tôi đứng lặng ở bờ hồ chăm chăm ngó thẳng vào nó như một con thú rình mồi không để sơ sẩy. Tôi muốn đứng mãi cho đến khi nào tôi hoàn toàn nắm giữ được nó, không để cho nó vuột mất nữa.

Bất ngờ một hồi còi dài vang lên. Tôi giật mình, quay lại và thấy một anh cai tù tay phải cầm còi, tay trái cầm một mẩu giấy nhỏ, ra dấu cho mọi người lắng nghe. Mấy trăm người dừng tay, im lặng như tờ. Lộc và Hiệp cũng từ từ bước ngang gần chỗ tôi. Anh cai tù kia thấy mọi người yên rồi mới nhìn vào mẩu giấy một lần nữa rồi lớn tiếng:

“Ở đây có ai tên là Vĩnh Khang không?”

Phải một lúc lâu, tôi mới thực sự nói được một chữ:

“Có,” và tôi đưa một tay lên cao.

“Tội phản cách mạng, phải không?”

“Phải.”

“Vậy anh theo tôi về Khu gấp.”

Anh cai tù đưa mẩu giấy đó cho Hiệp. Hai người nói với nhau gì đó một lúc, Hiệp ghi chú vào sổ tay riêng, chắc là trừ bớt một người trong nhân số lao công thuộc quyền kiểm soát của anh. Anh cai tù gọi tên tôi ra dấu tôi bước theo anh về Khu. Lộc chạy theo chúng tôi, hỏi:

“Nè, sao vậy, có chuyện gì vậy, được về hả?”

“Còn lâu” anh cai tù kia đáp.

“Vậy chứ sao kêu về Khu, bệnh hả?”

“Không phải. Tại vì phản cách mạng, thú dữ, nên không được ra khỏi Khu. Tụi mình còn may phước đó. Thả ông nội này ra đào ao lỡ ổng sổng thì bị cùm hết cả đám. Cái ao gần đường cái quá, cán bộ nói vậy. Bảo kêu vào, từ nay không cho ra ngoài nữa.”

“Gì mà ghê vậy. Anh Khang này tao biết mà, hiền khô à.”

“Hiền, chuyện đó khó bàn lắm mày ơi. Tốt hơn là cứ theo lệnh cán bộ.”

“À, vậy mày đưa ảnh vô bệnh xá luôn được không? Tao còn bận qua trại ngựa, không vào Khu được.”

“Sao phải vô bệnh xá?”

“Ảnh bệnh, bị tụi kia nó đánh bầm cả người. Mày đưa ảnh vào bệnh xá đi, tao chịu.”

“Dễ thôi, bây giờ cũng chiều rồi, có đưa về Khu cũng chuẩn bị cho nghỉ lao động rồi. Tao sẽ đưa ổng vô bệnh xá.”

Mặc hai người nói gì với nhau thì nói, tôi chỉ bước theo, lòng ngẩn ngơ tiếc nuối. Luôn có một trở lực nào đó ngăn cản sự trở về của mình.

Tôi có cảm tưởng rằng nếu lúc đó tôi được để yên, được ngồi xuống bên bờ đá, tham thiền liên tục trong suốt 49 ngày đêm, thì tôi sẽ thành Phật. Ma vương không bao giờ thích cái chuyện thành Phật của tôi hay của bất cứ ai cả. Vì vậy, ngay ở cái khoảnh khắc thiêng liêng mà tôi sắp sửa nắm bắt trọn vẹn được thực tại tối hậu, nó xen vào ngay. Nó cho tôi cơ hội thoải mái dễ dãi khác để đánh đổi, để cách ly tôi ra khỏi con đường trở về. Và tôi tiếp tục, thay vì dõng mãnh bước xuống vũng lầy thống khổ, lại bước vào bệnh xá để được nghỉ ngơi, điều trị.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/11/2020(Xem: 4235)
Vào ngày 16/10/2020, một nam giáo viên Pháp dạy lịch sử đã cho học trò cả lớp xem những bức hý họa châm biếm Nhà Tiên Tri Mohammad để chứng tỏ quyền tự do ngôn luận đã bị chặt đầu ở một địa điểm gần trường học của ông ở ngoại ô Paris. Hung thủ là người gốc Chechen đối đầu với cảnh sát và bị bắn chết. Trước khi chết thanh niên này hô to, “Thượng Đế Vĩ Đại” bằng tiếng Ả Rập (Allahu Akbar). Mưởi hai người sau đó đã bị bắt trong đó có cả phụ huynh học sinh của trường này.
25/10/2020(Xem: 15297)
Thiền Sư Long Đàm Sùng Tín (TK 8-9) Người đặt nền móng cho Phái Vân Môn & Pháp Nhãn Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng từ 6.45am, Chủ Nhật 25/10/2020 (09/09/Canh Tý) 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻 Điểm tâm bánh nướng thật no nê Con cháu đỡ phiền khỏi ủ ê Dâng cúng tâm thành đừng dụng tướng Giáo nhân chí cả phát bồ-đề Đắp y ăn uống bày chân pháp Tiếp khách đãi người rõ bến mê Sáng tỏ bản lai do thấu đáo Việc làm phương tiện vẫn đề huề. (Thơ tán thán công hạnh Thiền Sư Sùng Tín của HT Hư Vân, do HT Minh Cảnh dịch) 💐🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼🌺🍀💐🌼 Múi giờ : pháp thoại mỗi ngày của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃
16/10/2020(Xem: 2202)
Sáng nay là ngày sinh nhật Ba, con nhớ Ba thật nhiều, giờ này con đang được nghỉ ăn trưa, con đi dọc theo con đường bên hông hãng nơi con thường đứng đó để gọi điện thoại thăm Ba, con mời Ba về xơi bánh mì và uống cà phê cùng con. Trời bây giờ đã vào thu, gió lành lạnh, con đường thật yên tĩnh thẳng tắp, màu xanh mùa hè của lá đã chuyển vàng, đỏ. Tuổi học trò lại quay về trong con, ngày đó con học lớp đệ tam, con giữ sổ đầu bài, ngồi bàn đầu nên các Thầy thường hay lấy vở con để xem giảng tới bài nào, Ba gọi một học trò nam lên trả bài, cậu đó không thuộc Ba cho ngay con 02 /20 to tướng vào vở con với lời phê "không thuộc bài", lúc Ba trả lại tập, con mở ra mới thấy, ngập ngừng con thưa: "thưa Thầy, đây là tập của con", Ba cười khà khà và kêu con lên bảng trả bài, con thuộc, Ba cho con 18 điểm, Ba thương con lắm thường khen con ngoan nhất lớp và có mái tóc đẹp, mỗi lần tới giờ Ba dạy là tim con hồi hộp cộng thêm vui mừng, câu thành ngữ Ba dạy cho đám học trò để dễ nhớ khi xài
01/10/2020(Xem: 21684)
33 Vị Tổ Thiền Tông Ấn-Hoa (HT Thanh Từ biên dịch, TT Nguyên Tạng giảng trong mùa dịch Covid-19 năm 2020)
20/09/2020(Xem: 4978)
Theo thống kê cho thấy, những tội phạm tuổi thiếu niên thường có cơ thể khỏe mạnh hơn những thiếu niên biết tuân thủ pháp luật ở cùng độ tuổi. Nhưng sau khi họ bước vào tuổi trung niên thì tình hình sức khỏe lại xuống dốc nhanh chóng, nguy cơ nằm viện và bị tàn tật cao hơn nhiều lần so với người bình thường. Điều này khá dễ hiểu, rất có thể là có quan hệ tới thói quen sinh hoạt không tốt và trạng thái tâm lý tạo thành.
17/09/2020(Xem: 8160)
Thư viết lần cuối gửi Anh Bốn và Chị Năm Hôm nay là tuần một trăm ngày của Anh Bốn và cũng tiện thể Gia Đình làm lễ cầu siêu tuần 49 ngày cho Chị Năm. Từ xa xôi hơn nữa vòng trái đất Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi có mấy lời để tiễn đưa Anh Chị lần cuối
29/08/2020(Xem: 8937)
Trong hơn một tuần qua, theo “tintuc60giay.com” ngày 24/8/2020, đã có hơn 100.000 cư dân được sơ tản và lửa đã đốt cháy hơn 991.000 acres. Đây là trận cháy rừng lớn nhất tại California. Có hơn 13.700 lính cứu hỏa đang đấu tranh để cứu những người dân và nhà của học. Thành phố Vacaville là nơi bị thiệt hại rất nặng! Thật mầu nhiệm! Trung tâm tu học Phổ Trí, một ngôi chùa Việt tọa lạc tại số 7233 Pleasants Valley Road, thành phố Vacaville có diện tích 5 acres, được Thượng tọa Thích Từ Lực sáng lập vào năm 2012 làm nơi tu học cho tăng thân Việt - Mỹ còn nguyên vẹn.
27/08/2020(Xem: 5639)
Kính chiếu yêu ma bài viết của Cư Sĩ Huệ Hương (ở Melbourne, Úc Châu) Do Phật tử Diệu Danh (Hannover, Đức Quốc diễn đọc) Mười năm về trước khi đọc " CỬA TÙNG ĐÔI CÁNH GÀI " của Sư Ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh tôi vẫn không hề nghĩ đến có ngày mình phải dùng kính chiếu yêu này ... không phải cho người khác bên ngoài mà chính là dùng để soi rọi vào những con ma đang ẩn núp trong rừng tâm của tôi quá chằng chịt và rậm rạp nơi mà tập khí được chôn vùi và đã trở nên hoang dại đến nỗi rất khó để tháo gở được những rễ dây đã bám sâu trong đất Tâm này
25/08/2020(Xem: 4347)
Lời người dịch: Thành phố Melbourne hiện vẫn còn trong thời gian phong tỏa giai đoạn 4 kéo dài đến giữa tháng 9 và cũng thuộc tiểu bang bị nhiễm bệnh cao nhất nước Úc hiện nay. Mỗi ngày thức dậy, người dân Melbourne lại được cập nhật với những tin tức số người bệnh, số người chết mỗi ngày... khiến nhiều người lo lắng, bất an. Những người thân gần xa cũng thăm hỏi, lo lắng cho người Melbourne. Cộng đồng người Việt dù có ý thức cao về việc tuân thủ các luật lệ và phòng ngừa nhưng vẫn nằm trong danh sách những cộng đồng sắc tộc có tỉ lệ mắc bệnh covid-19 cao. Tuần qua, khi đọc Facebook của Bệnh viện Western Heath, QT tìm thấy câu chuyện thú vị và cảm động của một cô gái Việt cũng là bệnh nhân covid-19 đã chia sẻ trên báo Herald Sun. QT hy vọng những tâm tình của Tina sẽ giúp mọi người hiểu thêm về những trải nghiệm của người bệnh để mình cố gắng tự bảo vệ và đề phòng cho mình và gia đình để không bị mắc phải căn bệnh này. Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tá
17/08/2020(Xem: 4629)
Nhớ lại thuở xa xưa khi tôi mới chỉ là cô bé 6,7 tuổi, thỉnh thoảng vào chiều thứ Bảy, Mẹ thường dẫn tôi về thăm ông Ngoại. Gần nhà Ngoại có Chùa Linh Quang và Khuông Tuệ Quang, nên lần nào về thăm Ngoại là tối đó Mẹ cũng dẫn tôi đến Khuông Tuệ Quang để tụng kinh, tôi rất thích mặc dù tôi chưa biết tụng kinh và tụng để làm gì. Tôi chỉ thích nghe âm vang lời kinh tụng hòa chung với tiếng mõ nhịp nhàng, cùng tiếng chuông thỉnh thoảng ngân vang, và thích nhất là được nghe tụng Chú Đại Bi, tuy không nghe ra được chữ gì, nhưng thích cái âm điệu dồn dập lúc trầm, lúc bổng của thời kinh. Không hiểu sao mà tôi rất mê nghe tụng chú Đại Bi, nên mỗi khi gần nhà có đám tang, là tôi luôn tìm cách đến xem lúc có ban hộ niệm cúng, để được nghe tụng Chú Đại Bi, và thầm thán phục, sao mà các bác ấy có thể thuộc làu những lời kinh như vậy!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]