Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lễ sinh nhật của ông Lang

11/09/201307:32(Xem: 4752)
Lễ sinh nhật của ông Lang

Sinh_Nhat_Ong_Lang
Lễ sinh nhật của ông Lang

Trần Thị Nhật Hưng

Hằng năm vào tháng mười, sinh nhật tôi, tôi có thông lệ, trước tiên là tự nhắc mình đóng tiền niêm liễm đến Văn Bút Âu Châu (tôi là hội viên mà), kế đó là cố nặn óc tìm một truyện ngắn về đề tài Sinh Nhật coi như món ăn tinh thần "đãi" quí vị độc giả.

Tôi mời quí vị tham dự sinh nhật của tôi kể đến nay đã 5 lần rồi. Mà 5 lần qua, ngẫm nghĩ cũng thấy... buồn, mặc dù tôi luôn nhắc, nhắc rất nhiều lần, thậm chí liệt kê luôn những điều tôi thích, mà cho đến nay tôi chưa nhận được quà tặng sinh nhật nào cho đúng nghĩa, nếu không muốn nói là không có. Nghĩ có... tủi thân không chớ?! Ấy thế mà chưa đâu. Năm ngoái, món ăn tinh thần của tôi còn bị chê đấy, không vừa bụng của một độc giả khó tính. Thật quả là, viết văn có khác nào "làm dâu trăm họ" ! Tuy vậy, vốn sẵn "dâu hiền", từ bi có thừa, hỷ xả cũng dư, thêm vào đó hằng năm tôi đi tu học do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu tổ chức năm nào cũng có mặt (tám lần rồi chớ ít sao). Tâm đạo để đâu mà không thực hiện hạnh nhẫn nhục để chiều lòng người. Cho nên từ nay, tôi cố gắng bỏ chữ "ngày" trước hai chữ sinh nhật mà... mẹ chồng (tức độc giả nào đó) đã trách: "Tại sao lại dùng chữ "ngày sinh nhật", trong khi chữ nhật đã là ngày rồi. Vậy thì hoặc là sinh nhật, hay ngày sinh như trong "sông Hương Giang" hay "núi Thái Sơn" đều thừa một chữ. Sông Hương hay Hương Giang là đủ rồi".

Cũng may mắn cho tôi. "Mẹ chồng" tôi lại là người có ăn học, trình độ cao, hiểu biết rộng, tuy trách như vậy nhưng lại biết điều, suy xét kỹ rồi an ủi xoa dịu tôi:

"Thế nhưng: công cha như núi Thái... thì thiếu một chữ sơn. Chữ đó lại vần với chữ sau là "nguồn" ... vậy thì sao cà?!"

Thưa... "mẹ", được mẹ thông cảm hiểu cho, con hoan hỷ mát ruột lắm rồi. Sẵn đây, con cắn rơm cắn cỏ mong mẹ tha thứ trước, con dám hỗn hào lý sự với mẹ chỉ một câu thôi để giải bày nỗi lòng của con.

Thưa mẹ, con vẫn nghe thiên hạ nói như một thói quen "ngày chủ nhật" hay "ngày sinh nhật", con thiết nghĩ, phân tích theo văn phạm thì "chủ nhật" hay "sinh nhật" là danh từ kép. Còn "ngày" là mạo từ như mẹ học Anh văn có chữ "the", Pháp văn có "le, la, les", và tiếng Đức là "der, die, das" đó mẹ.. Cho nên nếu con sơ ý, chỉ sơ ý nói theo thói quen thêm chữ ngày, xin mẹ từ bi đừng... vả miệng con, vì con đã nguyện lòng cố gắng chiều theo ý mẹ.

Thưa quý vị độc giả, từ nãy giờ "mẹ con" tôi đóng cửa bảo nhau, vì cửa bị hé hé nên phiền tai quý vị chút chút, mong quý vị niệm tình bỏ qua cho.

Hôm nay lại đúng sinh nhật tôi, là Phật tử thuần thành tôi thấm nhuần câu "thi ân bất cầu báo". Và, một trong mười điều tâm niệm Đức Phật dạy "Coi thi ân như đôi dép bỏ", nên tuy không có quà, tôi vẫn có thói quen đãi quý vị một chầu món ăn tinh thần qua chuyện kể dưới đây, lẽ dĩ nhiên về để tài... sinh nhật.

***

"Ông Lang cả một đời, cho mãi đến 65 tuổi, vợ con ông: bà Lang và cậu Thiên, con trai duy nhất của ông bà, mới nghĩ tổ chức cho ông một lễ sinh nhật. Sở dĩ có lễ này nhờ hai lý do: Thứ nhất, mừng ông vừa chiến thắng lưỡi hái tử thần sau ca giải phẫu chỉ đơn giản thôi nhưng xém chết vì biến chứng. Thứ hai, sau khi từ bệnh viện về nhằm ngày sinh của ông, kịp lúc ông nghỉ hưu không làm việc nữa. Chứ thật ra từ lâu, quen phong tục nếp sống Việt Nam, gia đình ông không hề quan tâm xem sinh nhật là ngày quan trọng. Trái lại, cũng như đa số những gia đình Việt Nam theo truyền thống cổ xưa, ông chỉ quí các ngày giỗ chạp, dù bận rộn đến đâu, vào ngày này ông cũng có cái lễ ít ra một bát cơm con trứng, thắp một nén nhang tưởng nhớ người đã khuất. Nếp suy nghĩ đó đã ăn sâu tận gốc rễ cho cả ngay lúc gia đình ông sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, vợ và nhất là con ông, dù gì cũng còn trẻ (bà Lang kém ông những 15 tuổi) ít nhiều cũng hấp thụ, ảnh hưởng nếp sống mới, họ không chống tập tục cổ xưa nhưng cũng không hoàn toàn theo mới 100%, cứ "ba rọi" nửa kia nửa nọ, khi nào thuận tiện, có thời gian và tùy hứng thì tổ chức, không nhất thiết cái gì cũng... phải!

Cho nên lần này, tổ chức mừng sinh nhật cho ông, ngoài hai lý do vừa nêu trên, nhất cử lưỡng tiện còn tạo cơ hội họp mặt bạn bè cũng là cách tỏ lòng tri ân suốt thời gian gần tháng trời ông nằm bệnh viện, đã ân cần giúp đỡ, thăm hỏi ông và ủng hộ tinh thần vợ con ông nữa.

Vì cả đời mới có lần đầu, bà Lang và Thiên bàn nhau phải tổ chức thật sang, thật đặc biệt. Và không gì đặc biệt hơn là âm thầm bí mật tổ chức không để ông Lang biết. Họ muốn dành cho ông một sự ngạc nhiên, một niềm vui bất ngờ không sao tả được. Hơn nữa, họ cũng biết rõ rằng, nếu để bật mí chắc ông Lang sẽ cản trở và như thế sự việc không còn hứng thú.

Bà Lang bàn với con:

- Thiên à, nếu tổ chức ở nhà hàng bố con không sao biết được. Nhưng ở đó mất tự nhiên, lại không vui. Nhà mình rộng rãi, mẹ con ta đều biết nấu. Vậy tổ chức tại nhà nhé?

Thiên biểu đồng tình. Nhưng vấn đề nấu tại nhà làm sao giấu được ông Lang, đó là điều cần suy nghĩ. Bởi lẽ gia đình bà vỏn vẹn ba người, Thiên vì công việc phải thuê nhà ở riêng cách chỗ ông bà hơn một tiếng xe lửa. Thỉnh thoảng cuối tuần, ngày lễ lạc, rảnh rỗi cậu mới về thăm. Những lúc có Thiên, niềm vui rộn ràng, cả nhà lúc nào cũng quây quần bên nhau hết dưới bếp rồi lại trong phòng khách hàn huyên trò chuyện. Vì thế, ngày trọng đại của ông, sự hiện diện của Thiên lăng xăng cùng mẹ làm bếp không khỏi bị bại lộ. Thiên bàn với mẹ:

- Hôm đó, mẹ cố gắng đưa bố ra khỏi nhà, đi đâu chơi hay tới nhà vợ chồng cô chú Huân - cô Huân là em ruột bà Lang - đợi chiều tối hãy về. Mười giờ sáng con có mặt, chợ búa nấu nướng lo toan mọi thứ, như vậy là tiện nhất.

Bà Lang ái ngại:

- Một mình con lo hết sao xuể, mẹ không an tâm.

- Mình cũng đâu mời cho lắm. Chỉ hai mươi lăm người, con lo được.

- Vậy thôi thế này nhé. Mẹ sẽ nấu sẵn vài món thật giản tiện. Hôm đó chỉ hâm nóng lại thôi. Còn con vài món nhập lại là đủ.

Thế rồi từ đó, bà Lang và Thiên luôn bàn bạc chuẩn bị cho ngày trọng đại. Để tránh không cho ông Lang biết, họ thường dùng điện thoại ở hãng để liên lạc, phân công công việc với nhau. Bà Lang sẽ làm chả giò, đồ chua, mua nem chả, thầu một nồi bốn con gà hấp bia thật lớn. Chịu trách nhiệm lo chén bát, đặt bánh sinh nhật cùng kiêm luôn cách bài trí.

Còn Thiên chỉ nấu 2 món thôi: Nộm rau muống và bê thui.

Bê thui, nộm rau muống mới nghe gợi cho ta những món rất... đồng quê, xoàng xĩnh đơn giản. Nhưng tại Thụy Sĩ nó lại là món hiếm quí. Hiếm, vì bê thui không đào đâu ra được ngoại trừ có người du lịch Mỹ, Việt Nam đem về. Nhưng phải cẩn thận khéo bảo trì, nếu không, tới nơi đã có mùi thum thũm.

Bê thui ở đây do Thiên biến chế, học lóm từ một người từng làm chủ nhà hàng bốn sao. Kỹ thuật làm đòi hỏi thịt Filet thật tươi, ngon, mềm và bí quyết chỉ là cách lăn trên mặt chảo thật nóng, cho đến khi cháy sém bên ngoài rồi thái mỏng nêm nếm muối đường, trộn thính và tỏi phi thơm.

Còn nộm rau muống là món đặc sản quê hương gốc Bắc "gia truyền" từ nhiều đời của gia đình ông Lang. Tuy rau muống tại Việt Nam rẻ tiền, nhưng nhập khẩu đến Thụy Sĩ trở thành món hạng sang đắt tiền, xếp loại "cao lương mỹ vị". Cách làm đơn giản thôi. Luộc sơ, vắt ráo, thái khúc. Trộn với nhân tôm, thịt xào hành tỏi, rồi với khế thái mỏng, thơm và húng quế, húng lủi, tía tô, kinh giới, ngò gai, mắm ruốc pha lẫn chanh đường, sau cùng rắc đậu phụng rang giã nhỏ.

Bàn tính đâu vào đấy, buổi tối, Thiên dùng điện thoại tại nhà thay mặt bà Lang mời khách. Cậu dặn tới dặn lui, yêu cầu khách... bí mật quân sự tuyệt đối không để ông Lang biết.

Và khâu cuối cùng không thể thiếu... trong sinh nhật, đó là quà, bà Lang và Thiên cần nghĩ đến để tặng ông Lang. Thiên thưa với mẹ: Mọi chi phí trong buổi tiệc con đài thọ coi như quà mừng bố.

Riêng bà Lang, bà chưa liệu sao, vì cả đời về vật chất, ông Lang chả mơ gì. Đời sống ông thật đơn giản. Ăn, chỉ cần đĩa rau luộc cũng xong. Ngủ, khi mệt, dựa đâu cũng ngáy được. Nhiều khi bà Lang ướm lời hỏi ông, trong đời ông, ông ước gì? Ông lắc đầu thờ ơ đáp: Chả mơ gì cả. Nhưng hơn bao giờ hết, sống bên ông cả một đời, bà Lang biết rõ những điều ông mơ đã ngoài tầm tay với. Từng là một chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa có lý tưởng, ông ôm hoài bão vượt trên mọi vật chất tầm thường để mơ về một đất nước thanh bình tự do, độc lập, dân chủ mà ông nghĩ rằng người Cộng Sản với ý thức hệ ngoại lai không thể đem lại cho xứ sở ông. Những hoài bão đó, ông từng tâm sự với bà, và từng dốc một lòng cố gắng thực hiện. Tiếc thay, một con én không làm nổi mùa xuân, cuối cùng cũng như bao nhiêu người miền Nam khác, ông ngậm ngùi nhìn đất nước lầm than rơi vào tay cộng sản. Rồi sau chín năm tù tội, bị đày đọa từ Nam cho chí Bắc, bây giờ ông trôi nổi ra xứ người, xung quanh ông đời sống vật chất dư thừa, nhưng ông vẫn là ông, vẫn ông Lang giản dị của thuở nào...

Suy nghĩ lung lắm và cũng để buổi lễ thêm long trọng, bà Lang quyết định may cho ông một chiếc áo dài, khăn đóng, biểu tượng hình ảnh rất Việt Nam để ông mặc trong sinh nhật.

Căn phòng khách khá rộng. Chiều ngang hơn 5 mét rưỡi thông với nhà bếp, có diện tích ngang ngửa với phòng khách, trổ bằng khung cửa sổ kéo qua lại bởi 3 tấm kiếng lớn. Cứ ngồi ở phòng khách nhìn sang nhà bếp hay ngược lại, xuyên các khuôn cửa kiếng ta có thể nhìn suốt khoảng trời rộng bên ngoài trước và sau căn nhà. Một bên sát mặt đường không có gì đặc biệt. Còn một bên phóng tầm mắt băng qua nóc dãy nhà đối diện, qua luôn thung lũng hẹp là những ngọn đồi cỏ, với nhà cửa chập chùng ẩn hiện sau các rừng cây thưa. Giữa khung cảnh ấy, nổi bật một ống khói thật lớn, hằng ngày từ đó tuôn ra những ngọn khói trắng khổng lồ, như mây, rồi tùy theo chiều gió lan tỏa lãng đãng vào không khí. Có lúc khói trắng đó vươn cao, thẳng rồi mới tỏa rộng tứ phía trông xa như hình dáng một chiếc lọng. Lúc thì ngả về một phía ẻo lả theo chiều gió thổi rất sinh động làm cho khung cảnh thiên nhiên vốn tuyệt vời càng thơ mộng thêm lên.

Với căn phòng thoáng mát rộng rãi và xung quanh cảnh sắc êm ả như vậy thật lý tưởng, ấm cúng cho một buổi tiệc 25 người để mừng sinh nhật ông Lang tại nhà ông.

Và hôm nay như chương trình đã định, khoảng 9 giờ sáng, bà Lang có nhiệm vụ bằng mọi cách "điệu hổ ly sơn" kéo ông Lang ra khỏi nhà để khoảng 10 giờ Thiên đột nhập. Bà Lang nói với ông Lang:

-Anh à, trưa nay vợ chồng Huân mời mình ăn cơm. Mình đi sớm, nhân tiện đến đó em làm chả giò. Cho Huân một nửa, còn một nửa đem về cất ngăn đá để dành ăn.

Nói rồi bà thúc ông mang giày, mặc áo khoác, trong khi bà lục đục bưng một bao soạn sẵn nào bánh tráng, thịt xay, rau quả các loại cho món chả giò mà tối hôm trước bà đã chuẩn bị. Tối hôm trước, bà cũng nấu xong 4 con gà hấp bia cất trong tủ lạnh. Thấy bà bận rộn lục đục mãi ở dưới bếp với số lượng nấu bất thường, ông ngạc nhiên thắc mắc hỏi:

-Nấu gì mà lắm thế?

Bà Lang đáp tỉnh bơ vẻ bình thản:

-Dạo này em muốn ăn ngon, nấu sẵn một lần cất ngăn đá ăn dần cho tiện.

Ông tin ngay, không thắc mắc thêm.

Còn nem chua, đồ chua, chả quế, chả lụa bà nhờ em gái lo. Đợi chiều tối Huân đem lại thái cũng không muộn.

Lo liệu đâu vào đấy, trước khi đi cho kịp chuyến xe lửa, bà còn cẩn thận để lại một bì thư trên bàn nhà bếp, chỗ dễ thấy nhất, dặn dò rất tỉ mỉ những đồ đạc: chén dĩa, ly muỗng, khăn ăn, khăn trải bàn, đồ trang trí v.v... cất ở đâu và bày ra thế nào cùng bàn ghế trong phòng sắp đặt ra sao, bà vẽ sẵn cả một đồ hình hành động làm như bản đồ án lập trận không bằng để Thiên cứ thế dựa theo mà làm việc.

Ra khỏi cửa, lòng bà nôn nao, hồi hộp, bà tủm tỉm mỉm cười. Bỗng đang dợm bước, ông Lang khựng lại nói:

- Để anh vào đi tiểu đã!

Bà Lang nhăn mặt:

- Tiểu gì lúc này nữa. Lên xe lửa mà đi!

- Anh mót lắm rồi.

Nói xong ông xăm xăm mở cửa bước vào nhà. Bà Lang sợ ông khám phá lá thư bí mật, bà nhanh chân vào trước tìm tờ báo cũ đậy lên.

Giữa lúc ông Lang "giải bầu tâm sự", có tiếng điện thoại reo, bà Lang bắt phone. Bên kia đầu dây, giọng một thanh niên:

- Chào cô. Mẫn đây. Cô chú khỏe và rảnh không, cháu đến thăm được chứ?

- Cám ơn cháu. Hôm nay cô chú bận phải đi rồi, tối mới về. Mai chủ nhật cháu đến chơi nhé.

Nói xong cả hai đều cúp phone. Chợt một ý nghĩ thoáng qua khiến bà Lang lo lắng, nếu giờ này có người điện thoại nhờ ông Lang châm cứu thì thật khó xử. Điều bà nghĩ quả không sai. Vừa hạ phone lại có tiếng reo, giọng chị Xuân hàng xóm:

- Alo, chị Lang hả. Chị ơi, tối nay tôi không dự được. Xin lỗi nghe. Tự nhiên tôi bị nghẹt thở, phải đi cấp cứu ngay bây giờ.

- Vậy sao? Cố gắng sang cho vui.

- Để xem. Đi bác sĩ xong sẽ liệu

Bà Lang chào, vội vàng cúp máy. Kịp lúc ông Lang vừa ra khỏi WC, ông hỏi:

- Ai điện thoại vậy?

- Chị Xuân.

- Có chuyện gì không?

Bà Lang vô tình thật thà nói:

- Chị bị nghẹt thở, phải đi bác sĩ cấp cứu.

Ông Lang thản nhiên:

- Mời chỉ qua đây, anh ấn cho vài huyệt, cấp cứu gì?!

Bà Lang giật mình lính quýnh:

- Chỉ nói đi bác sĩ mà! Để mai chỉ hãy qua! Giờ mình đi cho kịp xe lửa.

- Trễ, mình đi chuyến sau. Em hãy phone mời chỉ qua đây.

Bà Lang lắp bắp:

- Thôi mà, để... để...

Ông Lang giận:

- Em bất nhân. Người ta nguy kịch như vậy, tại sao không cứu?

Trước sự nhiệt tình vô vụ lợi của ông Lang - ông luôn chữa bệnh cho đồng hương không nhận thù lao - bà Lang đuối lý, không biết nói sao cứ trố mắt thừ người ra, nhìn ông Lang nhấc phone:

- Mời chị sang ngay chị nhé. Tôi bấm cho vài huyệt, hết ngay!

Nói xong ông cúp máy, thung dung ngồi chờ.

Bà Lang sốt ruột như kiến bò trong chảo nóng. Bà đi ra đi vô, mắt luôn dán trên chiếc đồng hồ treo tường. Mỗi phút trôi qua là mỗi phút bà thót tim hồi hộp.

Suốt một tháng rồi, từ ngày bà và cậu Thiên bày chuyện, bà luôn sống trong cảnh giác. Mỗi cú phone bạn bè gọi đến, bà cũng sợ họ sơ ý để lộ ra. Bà thường đón điện thoại và xách tuốt vào phòng trong để ông Lang không nghe thấy. Một vài lần không tiện giấu được. Xách đem đi mãi sợ ông Lang ngờ. Mà nhà bà có thói quen hễ ai gọi đến là tự động bấm loa để hai ông bà cùng nghe. Đôi khi khách vô tình suýt hé ra, đang nói, bà bấm nút tắt cái phụp, khiến ông Lang ngơ ngác hỏi:

- Sao thế?

- à, em bấm nhầm cái nút xóa. Bạn bè hiểu ý, chẳng ai giận trách bà.

Rồi mọi chuyện cũng trôi qua. Hôm nay ngày cuối cùng, bằng mọi cách bà không thể để hỏng việc.

Ba phút sau, chị Xuân qua tới. Bà đón ngay cửa nháy mắt nói khéo với chị:

- May cho chị gọi điện thoại gặp lúc, chứ không, chúng tôi đã đi rồi.

Chị Xuân hiểu ý, bấm tay bà Lang trấn an, cười ý nhị.

Trong khi ông Lang và chị Xuân đang trong phòng chữa bệnh, bà ra phòng khách ngồi. Bà muốn gọi cho Thiên, nhưng Thiên đã rời nhà. Máy điện thoại di động thì chưa có. Lòng bà luôn thấp thỏm hết nhìn đồng hồ rồi chạy vào phòng châm cứu:

-Sắp xong chưa?

Ông Lang vẫn thản nhiên:

- Còn 15 phút nữa.

- Nếu 15 phút thì mình kịp chuyến xe lửa 9 giờ 30 phút!

Bà Lang nhắc chừng.

Nhưng 15 phút trôi qua. Cửa phòng châm cứu chưa thấy gì rục rịch, Bà Lang sốt ruột chạy vào:

- Sao lâu vậy?

- Chữa bệnh phải chữa cho xong chứ. Ông Lang đáp.

Chị Xuân hiểu thời điểm chắc găng lắm rồi. Chị đứng dậy:

- Bớt nhiều rồi anh Lang. Thôi, tôi về. Chị cám ơn, rồi ra cửa. Bà Lang vội theo gót chân chị. Áo khoác, bà mặc sẵn từ nãy.

Bà chỉ kịp xỏ giày, hối ông Lang đi nhanh cho kịp chuyến 10 giờ kém 5 phút.

Ngồi trên xe lửa, bà Lang lại phập phồng lo. Cứ theo chương trình ấn định, giờ này, ông bà có thể đụng độ Thiên ngay tại nhà ga thành phố. Hơn bao giờ hết, bà mong Thiên sử dụng giờ... dây thun như cậu vẫn có thói quen thường bị bà mắng mỏ. Bà hy vọng, có thể Thiên còn chợ búa sắm sửa chắc chắn khó theo giờ chính xác. Nghĩ như vậy, nhưng khi tàu đến nơi, bà vẫn đề phòng chận đường ông Lang, mắt bà dớn dác tìm Thiên.

Bỗng bà giật mình. Điều bà lo ngại rõ là "gậy ông đập lưng ông". Thiên đã đến đúng giờ, đang khệ nệ tay xách nách mang lẫn trong hành khách lấp ló ngay cửa lên tàu. Thiên chưa thấy bà. Cậu không ngờ sự việc biến đổi để kịp thời lánh đi. Mặt cậu thản nhiên, cứ đứng yên chờ hành khách bước xuống.

Trên tàu, bà Lang lúng túng thật sự. Tim bà đập loạn xạ. Bà cố trấn tĩnh nhưng cảm giác vẫn run lên bần bật. Không biết liệu sao hơn, bà chỉ còn cách chắn ngang ông Lang rồi xoay người, bà nói:

- Mình đi cửa sau. Mình đi cửa sau. Cửa trước đông người quá.

Nói rồi, bà đẩy ông lui về sau. Ông Lang chả hiểu chuyện gì, vốn dễ dãi, ông làm theo bà như cái máy.

Khi ông bà vừa xuống tàu, thì cửa trước, Thiên cũng đang lò dò lên tàu. Bà Lang thở phào nhẹ nhõm. Vừa đi sát bên ông, bà vừa vờ vĩnh trò chuyện để đánh trống lảng và để giấu trái tim đang muốn rớt của bà.

***

Xế chiều, đợi ông Lang dỗ xong giấc ngủ trưa, chả giò cũng làm xong, từ nhà vợ chồng Huân, bà Lang lấy Bus... điệu "con hổ" của bà ghé khu chợ trời thành phố.

Chiều thứ bảy, khu chợ trời tấp nập đầy người bu quanh các sạp hàng rau, hoa, quả bán sỉ với giá rẻ mạt. Nơi đây tập trung hầu hết dân Ý. Tâm tình nếp sống của họ ồn ào cởi mở thân thiện nhưng cũng thường ì xèo cãi cọ la lối rất giống Việt Nam. Thỉnh thoảng ông bà có thói quen ghé đây ngắm cảnh ngắm người, đi vài vòng khu chợ, lòng thơ thới như tìm thấy lại phần nào hình ảnh sống động, nhộn nhịp của quê hương. Đôi khi may còn mua được thùng chuối cau (baby) với giá hời đem về nhà vừa biếu vừa ăn một tuần mới hết.

Khu chợ cùng với phố xá 17 giờ đóng cửa cũng vừa đúng thời gian bà Lang muốn về nhà. Giờ này khách khứa chắc đông đủ. Mọi chuyện Thiên cũng lo xong. Nghĩ đến lát nữa ông Lang sẽ trố mắt ngạc nhiên, lòng bà lâng lâng rộn lên một niềm vui rào rạt. Bà liếc nhìn sang ông, miệng bà thoáng một nụ cười. Nhưng khi ông bà về tới ngõ, bà thót giật mình than thầm: "Chết rồi, bể chuyện rồi!". Qua khung cửa kiếng, bà thấy thấp thoáng bóng chồng Huân đang khệ nệ bưng tấm bánh sinh nhật - Huân có xe hơi, bà nhờ đi lấy hộ - đang chờ thang máy lên nhà. Bà vội bước nhanh, gõ lốc cốc vài tiếng vào cửa kiếng báo động. Huân quay sang thấy bà, mặt Huân hốt hoảng, kịp lúc thang máy vừa tới nơi, Huân nhanh nhẹn bước vào bấm nút cho thang chạy. Bên ngoài, bà giả vờ lọng cọng với xâu chìa khóa, vừa câu giờ, vừa che mắt ông Lang. Bà hú tim hồi hộp, không rõ ông Lang thấy kịp không. Bà lại liếc nhìn sang ông. Nét mặt ông vẫn bình thản. Bà an tâm bước vào nhà.

***

Không chỉ riêng ông Lang, ngay cả bà cũng hết sức ngạc nhiên trước khung cảnh rực rỡ của phòng khách. Đèn điện bật sáng choang soi rõ hai dãy bàn đặt song song so le nhau với khăn trải bàn, khăn ăn, ly, chén, dĩa được sắp xếp một cách mỹ thuật, màu sắc hài hòa, điểm thêm rải rác trên bàn bằng những cánh hoa phong lan màu cánh sen. Bộ ghế Salon giạt ra, đẩy sát vách tường để nổi bật chiếc bàn kiếng hai tầng. Tầng trên đặt vỏn vẹn tấm bánh sinh nhật, một bình hoa lớn với chỉ ba đóa hình cánh hạc màu cam, cao vút, ngất ngưởng, duyên dáng bên hai chiếc lá xanh xậm to bản. Tầng dưới vô số quà cáp lớn, nhỏ được gói bằng đủ loại giấy màu sặc sỡ. Ngoài ra, có những thùng quà lớn kềnh càng nằm ngạo nghễ giữa sàn nhà, trên còn chồng thêm những thùng quà nhỏ nữa. Chao ôi, nhìn thấy sao mà... vui con mắt!

Ở một góc gần lối đi vào, một bàn rượu chát, Champagne, với những ly pha lê trong vắt sang trọng, xung quanh cũng trang điểm thêm bằng những cánh hoa phong lan màu cánh sen.

Bà Lang đẩy ông Lang vào trước, giữa tiếng vỗ tay hoan hô của quan khách. Nét mặt ai nấy rạng rỡ vui tươi. Bao con mắt đổ dồn về nhân vật chính: Ông Lang, để tìm xem tâm trạng và cảm giác của ông thế nào.

Ông Lang bước vào nhà, ngơ ngác, trố mắt ngạc nhiên hết nhìn người này sang người kia. Quang cảnh trước mắt làm hoa mắt ông. Ông không rõ chuyện gì, cứ ngỡ có khách nào đặc biệt sẽ bất ngờ đến nhà chứ ông không nghĩ người đó chính là ông. Khi thấy mọi người bắt tay và chúc mừng, ông mới hiểu ra phần nào, và vô cùng cảm động trước tấm tình của vợ con và bạn bè. Ông choàng tay ôm bà Lang và cậu Thiên, miệng cười rạng rỡ.

Sau vài lời giới thiệu của Thiên, Champagne được khui ra. Với ly rượu cầm tay, ông Lang phát biểu cảm tưởng:

"Thật vô cùng ngạc nhiên và cám ơn tất cả đã có lòng ưu ái tham dự buổi sinh nhật của tôi. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây đó là tinh thần bí mật của mọi người ngay cả bé Tiểu Ni 8 tuổi con gái của vợ chồng Huân. Với tinh thần đó, chúng ta có thể làm được một cuộc cách mạng. Kinh nghiệm cả đời tôi, tất cả những việc lớn, nhỏ đều thất bại vì không đồng lòng và thiếu sự bí mật mà thôi! Một lần nữa tôi cám ơn quí vị. Xin cho một tràng pháo tay để tưởng thưởng... ông chưa nói hết câu, một giọng từ quan khách chen vào:

- Tự thưởng về sự hợp tác chặt chẽ của chúng ta!"

Mọi người cười xòa. Rồi tiệc sinh nhật chính thức bắt đầu. Ông Lang vào thay áo, lúc trở ra súng sính trong chiếc áo dài, khăn đóng bằng gấm Thượng Hải màu vàng nhụ có những đóm tròn lớn do chính tay bà, dù không phải thợ may, suốt một tháng trời cố công mò mẫm may tặng ông, nhưng nói trớ, may cho Thiên sắp cưới vợ. Chiếc áo rất khít khao, gọn gàng thật khéo. Mặc vào, với khuôn mặt tròn, đầy đặn, phúc hậu, vóc dáng ông cũng tròn, cao, trông ông đường bệ như một vị vua thời phong kiến. Mọi người lại đổ dồn mắt ngắm ông, cùng nâng cao ly rượu, tự động đồng thanh hát lớn:

Happy birthday to you

Happy birthday to you

Thật là tân cổ giao duyên! Bà Lang ngẫm nghĩ phì cười như trút hết bao cảm giác mạnh làm thần kinh bà căng thẳng suốt ngày hôm nay mà trên đường nhiệm vụ đưa ông... xuống núi cũng vô cùng gian nan trắc trở không thua gì... Đường Tam Tạng thỉnh kinh! Nhưng lòng bà vẫn thấy vui, rất vui, vì ít ra cũng tìm thấy những cảm giác mới lạ để... "một ngày không như mọi ngày" !

***

Thưa quí vị độc giả,

Câu chuyện kể trên như "món ăn tinh thần" tôi "đãi" quí vị nhân sinh nhật của tôi. Nếu không vừa bụng, quí vị cứ thành thật cho biết đừng ngại ngùng e dè sợ mếch lòng tôi. Vì "thuốc đắng mới giã được tật", qua đó, tôi sẽ học hỏi được nhiều từ quí vị để thăng tiến. Tôi đội ơn không hết.

Bây giờ xin phép quí vị, tôi muốn... thủ thỉ một tí với "mẹ chồng" tôi. Tôi đóng chặt cửa không để âm thanh lọt ra ngoài phiền tai quí vị.

Thưa mẹ,

Qua câu chuyện kể trên, mẹ thấy đấy, tám năm tu học, con dâu mẹ ít nhiều cũng thấm nhuần Phật Pháp, tâm đạo có thừa, hạnh nhẫn nhục cũng dư nên chiều lòng mẹ cố gắng cho chữ "ngày" đi đứt! Mẹ vừa lòng chứ ạ?

Mẹ ơi, cũng qua câu chuyện trên, con học được nhiều "món ăn thể chất". Mẹ thích món nào: Rau muống nộm, bê thui, gà hấp bia hay chả giò... mẹ cứ hô một tiếng, dâu hiền của mẹ sẽ nấu hầu mẹ xơi!

Mẹ ơi, hiếu đạo, phụng dưỡng mẹ cha là bổn phận của người làm con, chả cứ phân biệt mẹ chồng hay mẹ ruột. Phật Pháp con có học: "Tâm phân biệt thì chả bắt được pháp thân" và dù ở hải ngoại mẹ chồng bị... hạ giá đôi chút, nhưng riêng con dâu mẹ vẫn một lòng kính yêu, trang trọng mẹ như thuở nào.

Có hai câu thơ của Xuân Quỳnh, rất dễ thương, gói ghém tâm tình của mình gởi đến mẹ chồng, con đánh giá như "khuôn vàng thước ngọc" để nhắn nhủ với các nàng dâu. Con xin... ngâm để mẹ nghe :

"Mẹ nào mẹ của riêng anh,

Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi"

Vì không có mẹ đẻ anh làm sao có anh để mình được làm vợ. Hay quá mẹ há. Thơ hay mà con ngâm cũng... hay nữa! Phải không thưa mẹ?!

Con kính chào mẹ! Dâu "cưng" của mẹ! -

Trần Thị Nhật Hưng

2002

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/03/2017(Xem: 8201)
Mỗi sáng Chủ Nhật , quý Sư ở tu viện Santi Forest Monastery thường chuẩn bị rời chùa, đi xuống phố hoặc vào làng khất thực. Gọi là “đi khất thực”, nhưng thực sự nên gọi là “đi gieo duyên” với quần chúng địa phương thì đúng hơn, cư dân nơi đây, họ là những người Úc thuần túy, Phật giáo đối với họ là một tôn giáo hoàn toàn xa lạ, có thể họ chỉ nghe qua cái tên “ Buddhism “ mà không hề biết đó là gì ?
21/03/2017(Xem: 5601)
Đây là một tập bút ký, ghi lại cảm nghĩ của tác giả từ các nơi chốn tùng lâm ở Nhật Bản, Trung Hoa, Việt Nam. Không hề có một so sánh hay đánh giá ở đây, tất cả đều trình hiện như nó chính là nó. Chúng ta cũng vui đọc theo chân người đi, đôi lúc mình cũng là người đang đi như thế. Chiều thu muộn hay sáng hồng rực rỡ, một viên sỏi trong vườn thiền cũng chiếu rọi ánh tuyết lấp lánh. Tách trà xưa và nay cùng nâng lên để kỷ niệm giây phút tao phùng.
20/03/2017(Xem: 5209)
Đặt chân xuống phi trường Bordeaux, tôi thấy một cảm giác nao nao vui mừng và hối hộp. Tôi sắp đựơc gặp các huynh đệ và Thầy, tôi sắp đựơc trở về Làng Mai, nơi Thầy và Tăng Thân đã sinh ra tôi, đã cho tôi một hình tứơng sư cô trong tinh thần giải thóat. Nhìn ra ngòai cửa, các Thầy các sư cô đang vẫy tay chào đón chúng tôi, rồi quí‎ vị vào trong khu vực chuyển hành lí tiếp chúng tôi vận chuyển lên xe, về Làng.
20/03/2017(Xem: 5385)
Cuộc sống của chúng ta có những lúc cần phải suy gẫm về ý nghĩa về đạo lý làm người. Ngày xưa có một người gánh nước, mang trên vai hai chiếc bình. Trong hai bình ấy có một bình bị vết nứt, còn bình kia thì nguyên vẹn. Suốt một chặng đường dài từ nơi mé sông về nhà, chiếc bình nứt chỉ còn một nửa. Thời gian đã tròn ba năm, ngày nào cũng vậy, người gánh nước chỉ mang về đến nhà chỉ có một bình rưỡi nước.
28/02/2017(Xem: 12700)
Đó là câu chuyện về Ngài Geshe Lama Konchog Rinpoche qua đời năm 2001. Có nhiều chuyện kỳ lạ trở thành mầu nhiệm sau khi Ngài ra đi.
24/02/2017(Xem: 4013)
Một buổi xế trưa nắng hơi nghiêng về chiều, cái sân nhỏ trước hiên, nhờ bóng nhà đầy râm mát. Đàn gà ri -một mẹ, một bố và tám con- đang líu ríu bươi đất cát nơi chân hàng rào. Công việc thật thừa thãi, nhàm chán, tôi chắc chắn chúng chả tìm thấy gì trong đám cát khô cằn không một ngọn cỏ một bóng cây. Thế mà đã nhiều ngày, cứ giờ này, chúng lại luẩn quẩn quanh đấy, bươi đất cát, nô giỡn ra điều thích thú lắm. Không ai đoán được chúng rất tinh khôn. Vì vào giờ này, sau khi đánh một giấc ngủ trưa, tôi vẫn có thói quen mở nắp lon guigoz vốc một nắm gạo nàng hương mà tôi đã xay nhỏ bằng cối xay tiêu, một ít thóc, rồi thong thả ra sân chưa kịp cất tiếng…cộc...cộc…cộc…để gọi đàn gà ri, chúng đã ùa chạy tới, như một thói quen, đợi tôi cho ăn. Tôi rải gạo, thóc trên khoảng sân nhỏ bằng xi măng bên hông cửa ra vào. Những con gà ri con chỉ mới nở hơn tuần nay, lông trắng ngần, lăng xăng chạy theo bố mẹ, như những trái ping pong. Chúng vươn cánh và dù cố gắng nhiều lần để nhảy lên thềm nhà như
23/02/2017(Xem: 4598)
Họ đã kết hôn được 78 năm, người chồng 103 tuổi, người vợ 100 tuổi, họ vẫn ở bên nhau suốt ngần ấy năm tháng, mạnh khỏe và hạnh phúc. Trong ngày Valentine năm nay, câu chuyện về họ được biết tới, chia sẻ và gây cảm động.
22/02/2017(Xem: 36851)
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA CON TRAI CỦA TÔI (DALAI LAMA, MY SON) Tự truyện của mẫu thân Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tác giả: Diki Tsering Biên tập & giới thiệu:Khedroob Thondup Việt dịch: Thích Nguyên Tạng Diễn đọc: Quảng Thiện Duyên
05/02/2017(Xem: 4113)
Khi tôi lên giường, kim đồng hồ chỉ 23 giờ 30. Thông thường vào giờ này, vốn dễ ngủ, không mộng mị, nếu có, chỉ toàn giấc mơ hoa, không bao giờ gặp ác mộng, tôi đã ngáy khò khò; thế mà hôm nay, tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Nằm trăn trở trong đêm, tôi lắng nghe âm thanh của đêm. Sài Gòn giờ này đã trả lại sự yên vắng cho nó. Không còn tiếng rao hàng, không còn tiếng người qua lại, không còn tiếng xe cộ? Lâu lắm mới có chiếc Honda xẹt ngang của vị nào đi chơi khuya về.
03/02/2017(Xem: 3823)
Thời gian đã vẽ thêm một vòng hào quang cho quá khứ thêm lộng lẫy đẩy lùi tất cả vào dĩ vãng trong một ngăn nào đó của bộ nhớ, và tuổi già thường hay hoài niệm những ngày cũ mà ngậm ngùi nuối tiếc. Tuổi già đối với những người khác không biết thế nào nhưng riêng tôi lại thích tham dự những buổi họp mặt với bạn bè cũ, gặp lại nhau biết bao mừng vui tràn ngập cả tâm tư. Tôi lại định cư tại một nước xa xôi lạnh lẽo, bạn bè ngày xưa không có, thành ra tôi cứ ao ước được bay đến những vùng trời khác. Nơi đó có những người bạn thời trung học thật tuyệt vời, là niềm an ủi cho mái tóc đã điểm bạc trong cuộc sống cách biệt quê người vạn dặm này. Tôi nhớ lại lần tôi qua Cali dự lễ kỷ niệm 50 năm xa trường. Đêm Đại hội đã để lại trong tôi quá nhiều cảm xúc, suy nghĩ; sự suy nghĩ với nhiều thứ pha trộn nhau. Với tôi, đó cũng là một sự hạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]